Thực ra vấn đề trên đây không mới. Trong Tin Mừng[1], không ít lần chúng ta thấy các môn đệ xin cho mình được nổi tiếng với Đức Giêsu. Suốt ba năm rao giảng Tin Mừng, Đức Giêsu đã chiếm được cảm tình của dân chúng. Không ít người tung hô và muốn Đức Giêsu lên làm vua của họ, nghĩa là trở thành người lãnh đạo. Là các môn đệ thân tín với Đức Giêsu, các ông phần nào cũng được thừa hưởng “hào quang” này. Bởi thế mà trong Tin Mừng Chúa Nhật 29 hôm nay, chúng ta hiểu được tại sao hai muôn đệ là Giacôbê và Gioan lại xin với Đức Giêsu cho mỗi người một bên, khi Đức Giêsu vinh thắng. Có lẽ vì ý hướng không ngay lành trong lời xin này của hai ông, nên Đức Giêsu mới trách rằng: “Các anh không biết các anh xin gì!” (Mc 10,36). Nếu có mặt trong lúc này, chúng ta cũng thấy hai ông chỉ muốn ngồi mát ăn bát vàng. Hai ông chỉ muốn đi thẳng đến giai đoạn phục sinh mà bỏ qua con đường đau khổ.
Tôi tin ai cũng biết đi theo Đức Giêsu là có ngày được hưởng vinh quang, được vào Nước Trời. Tiếc là trước đó, Đức Giêsu luôn đòi mỗi người phải trải qua con đường thập giá, phải uống chén đắng mà cuộc đời mang lại cho người môn đệ. Nhiều lúc tôi và bạn cũng hăng hái xin uống, như hai môn đệ trong câu chuyện này: “Thưa thầy, chúng con sẵn sàng uống.” (x. Mc 10,39). Nhưng trên thực tế lại khác hoàn toàn. Gặp gian nan thử thách, nhất là đối diện với cái chết, thử hỏi mấy ai dám một lòng tín trung với Thiên Chúa. Điều thú vị là ai bước với Đức Giêsu trong đau khổ, thì cũng được ở với Người trong vinh quang. Đó vừa là lời hứa bảo đảm của Thiên Chúa, nhưng cũng là thách đố cho mỗi người chúng ta.
Dẫu sao chúng ta thử lắng nghe, nhìn vào nhóm môn đệ lúc này, điều gì đang xảy ra? Số là hai môn đệ kia xin mỗi người một bên thầy Giêsu, những người còn lại đâm ra tức tối. Lòng ganh tị của họ là nguyên nhân gây ra chia rẽ. Đành rằng một nhóm phải có người lãnh đạo, nhưng nếu hai môn đệ này được ngồi bên tả, bên hữu thầy Giêsu, trong hoàn cảnh này, tự nhiên những thành viên khác bị xem thường, trở nên những người bị trị. Vì suy diễn như thế, nên họ mới tranh cãi xem ai là người lớn nhất trong nhóm.
Đang hăng máu tranh dành địa vị, Đức Giêsu cho các ông một bài học về thế nào là người lãnh đạo theo đúng ý Chúa. Đức Giêsu xác nhận rằng các thủ lãnh thế gian thường bị rơi vào vòng xoáy quyền lực này (Mc 10,42). Họ sẵn sàng đấu đá, tranh dành để vươn lên chức cao nhất bao nhiêu có thể. Trên đó, họ lấy quyền mà cai trị dân. Đó là chuyện của chính trị, của xã hội từ cổ chí kim, hiện tại cũng thế. Nhìn tới nhìn lui thử tìm được mấy nhà lãnh đạo dân sự vì nước vì dân? Thay vào đó, người làm lớn theo phong cách của thầy Giêsu phải là:
– Làm người phục vụ: Theo cách hiểu của Công giáo, người phục vụ tốt là người hết lòng theo một lý tưởng cao cả nào đó. Ở đây Đức Giêsu muốn các ông phải hạ mình, cúi xuống rửa chân cho nhau (Ga 13, 1-15). Để phục vụ tốt, người ta phải chú trọng đến tình yêu như là động cơ thúc đẩy mọi ý hướng và hành động của họ hướng đến người khác. Trong tâm thế này, người phục vụ hẳn nhiên không tìm sự nổi tiếng, lời tung hô, nhưng trong sự khiêm tốn, như một người thợ được đặt làm việc trong vườn nho của Thiên Chúa.
– Làm người đầy tớ: “Ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người.” (Mc 10,44) Đây là một nghịch lý mà không phải người lãnh đạo nào cũng dám chấp nhận. Bởi đầy tớ là người vô danh tiểu tốt, làm những việc tầm thường, không đáng để người đời tán dương ca tụng. Điều này hợp lý, nhưng với Thiên Chúa lại hoàn toàn khác. Khi phục vụ bằng cái tâm, với nhiều tình yêu, người đầy tớ của Thiên Chúa biết mình chỉ là công cụ trong tay Ngài. Nếu Thiên Chúa dùng họ trong công việc gì, thì họ sẵn lòng quảng đại để đáp lời xin vâng[2]. Trong sự vâng phục này, tuy họ phục vụ trong cương vị là người đầy tớ, nhưng người đời sẽ nhận ra họ là chứng tá của Thiên Chúa[3]. Nhờ vậy, qua người đầy tớ này, danh Thiên Chúa được cả sáng, và dĩ nhiên, người này cũng chung phần vinh quang với Chúa. Bởi thế mà suốt dòng lịch sử của Giáo hội, chúng ta thấy biết bao vị Giáo hoàng, các vị thánh thực sự là đầy tớ trung thành của Thiên Chúa và con người. Tình yêu của họ cảm hóa được tha nhân, cung cách phục vụ của họ chiếm được lòng dân. Họ là những anh hùng, là nhà lãnh đạo tài đức, bởi họ đã thuộc lòng bài học của thầy Giêsu dành cho những ai muốn lãnh đạo theo Ngài.
– Hiến mạng vì anh em: Nhà lãnh đạo là người đứng mũi chịu sào. Họ phải là người mục tử sống chết vì đoàn chiên. Chúng ta còn nhớ mẹ Têrêsa thành Calcutta, một phụ nữ chân yếu tay mềm, nhưng cả đời xả thân phục vụ những con người khốn cùng. Mẹ không tử đạo theo nghĩa đen[4], nhưng mẹ đã trao hiến thời gian, sức lực, ước mơ và tình yêu cho công cuộc loan báo tin mừng nơi những người nghèo. Phải chăng vì phong cách lãnh đạo này mà mẹ đã trở nên “vị thánh, người hùng và là người lãnh đạo” không chỉ trong lòng chúng ta, nhưng còn cho rất nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới[5]. Lý do: Mẹ không dùng vũ lực để đáp trả bạo lực, nhưng dùng tình yêu, hiến thân để cảm hóa lòng người.
Các bạn trẻ thân mến,
Những lời chia sẻ trên đây tôi muốn dành tặng cho các bạn và cho chính tôi. Chúng ta đang học tập để trở nên nhà lãnh đạo. Trước là lãnh đạo trong gia đình, sau là Giáo xứ, Giáo hội và xã hội. Hãy mạnh dạn học với thầy Giêsu để trở nên nhà lãnh đạo tài đức. Xin đừng quen ra lệnh, hoặc chỉ trỏ quát tháo. Hãy khiêm hạ phục vụ anh em như người tôi tớ trung thành của Thiên Chúa. Gương lành và đời sống thánh thiện sẽ là bằng chứng để cảm hóa mọi người. Rồi khi có địa vị và quyền lãnh đạo trong tay, tinh thần phục vụ sẽ chi phối cho bạn biết cách giúp người khác thăng tiến trên con đường sự thật và tình yêu.
Chắc đến lúc chúng ta phải nghĩ khác: thay vì lãnh đạo theo kiểu “quyền lực cứng”, hãy bắt chước Đức Giêsu, hướng dẫn người khác bằng việc lành phúc đức, bằng tinh thần của người phục vụ vì Thiên Chúa và vì anh em đồng loại (quyền lực mềm). Được như thế, chắc rằng chúng ta sẽ có cơ hội làm lớn!
Giuse Phạm Đình Ngọc SJ
[1] Mt 20,20-23; Lc 22,24-27; Mc 10,35-45
[2] “Ðối với anh em cũng vậy: khi đã làm tất cả những gì theo lệnh phải làm, thì hãy nói: chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi.” (x. Lc 17,7-10)
[3] Đức Giáo Hoàng Phaolô VI nhắn với mỗi người chúng ta, với các nhà lãnh đạo Công giáo: “Con người hôm nay cần chứng nhân hơn thầy dạy” (x.Tông Huấn Evangelii Nuntiandi, 41).
[4] Tử vì đạo là làm chứng cho đức tin, làm chứng cho Đức Kitô bằng cái chết của chính mình. Chẳng hạn ở Việt Nam, chúng ta có 117 vị thánh tử đạo.
[5] Ngày 6/9/1997, Mẹ Têrêsa qua đời ở tuổi 87 tại Calcutta. Chính phủ Ấn Độ đã tổ chức lễ quốc tang trọng thể cho Mẹ với sự có mặt của hơn 400 chính khách quan trọng của hơn 20 nước, trong đó có 3 nữ hoàng và 3 tổng thống.