Suy Niệm Nhân Ngày Toàn Quốc Xin Ơn Chữa Lành Mùa Đại Dịch
Suy niệm 1
Chúng con chết mất mà Thầy không quan tâm đến sao?
Mc 4, 35-40
Chúng ta đang sống trong mùa mưa và giông bão. Giông bão có thể làm đổ cửa nhà, cây cối mùa màng. Giông bão có thể nguy hại đến tính mạng nhất là đối với người đi biển. Và cả cơn giông bão về cơn dịch bệnh covid-19 hiện nay không những cướp đi nhiều sinh mạng, mà còn có thể ảnh hưởng đến đời sống đức tin của người ki-tô chúng ta.
Chúa Giêsu ngủ. Chúa Giêsu ngủ sâu trong cơn bão táp. Không có gì thay đổi giấc ngủ của Ngài. Chúa Giêsu ngủ trong giấc ngủ sâu. Cả ngày, Ngài nói với đám đông bằng dụ ngôn. Ngài sử dụng hình ảnh để đưa họ vào mầu nhiệm về Thiên Chúa. Lúc này, giữa biển hồ, một cơn bão lớn nổi lên với nhiều lớp sóng dữ dội, Chúa Giêsu đã rời khỏi đám đông, nhưng vẫn ở giữa các môn đệ và ngủ giữa họ. Giấc ngủ của Chúa Giêsu giữa cơn bão thể hiện sự bình an và thanh thản:
- Không ai có thể ngủ giữa cơn bão nếu không có một sức mạnh, mạnh hơn các yếu tố của biển động dữ dội.
- Không một ai, kể cả một đứa trẻ ngủ ngon hơn người lớn - có thể vẫn ngủ say khi mối nguy hiểm như thế ập vào thuyền.
Sau một ngày làm việc vất vả, đã đến lúc Chúa Giêsu cần phải nghỉ ngơi! Chúa nghỉ ngơi cho đỡ mệt. Không có gì có thể ngăn ngủ giấc ngủ của một người công chính. Chúa Giêsu nghỉ ngơi trong Thiên Chúa. Giấc ngủ của Chúa Giêsu biểu lộ sự hiện diện của Chúa Cha và Chúa Thánh Thần.
Các môn đệ ngủ. Các môn đệ quá sợ hãi trước những cơn sóng dữ dội. Chúng ta cũng vậy, chúng ta cũng rất sợ cơn bão của dịch bệnh Covid này. Hình như các môn đệ và chúng ta coi giấc ngủ của Chúa Giêsu như là một sự thờ ơ vô tâm: “Thưa Thầy, chúng con chết mất mà thầy không quan tâm đến sao”?. Nhưng rồi, các ông sẽ thấy trong lúc ngủ, Chúa Giêsu không những không bỏ rơi họ mà còn thúc đẩy họ giữ được sự thanh thản như Ngài. Và Ngài thức dậy để trao lại cho họ sự tin tưởng.
Chúa Giêsu “chỗi dậy, Ngài đe gió và phán với biển rằng: Hãy im đi, hãy lặng đi! Tức thì gió ngừng, biển lặng như tờ. Rồi Ngài nói với các ông: Sao các con sợ hãi thế? Các con không có đức tin ư? Bấy giờ các ông kinh hãi và nói với nhau rằng: Ngài là ai mà cả gió lẫn biển cũng đều vâng lệnh Ngài”?
Đức tin của các môn đệ và nhiều người ki-tô chúng ta đã ngủ. Họ bị những làn sóng nghi ngờ, lo lắng và sợ hãi tấn công. Đúng thế, đức tin của họ đã ngủ, nhưng không bị dập tắt, không phải là chết. Vì thế, Chúa Giêsu nói với họ: "Chúng ta hãy sang bên kia biển hồ. Và Chúa Giêsu làm cho họ vượt qua, từ nỗi sợ hãi các yếu tố của biển động dữ dội đến nỗi sợ hãi trước mầu nhiệm trong Ngài, từ nỗ lực thất vọng thoát khỏi cơn bão đến một sự bình tĩnh tuyệt vời.
"Tức thì gió ngừng, biển lặng như tờ”. Chúa Giêsu thông truyền cho họ bình an nội tâm của Ngài. Mặc dù Chúa Giêsu ngủ hay thức, Ngài vẫn ở đó giữa họ và giữa chúng ta để trao lại sự tin tưởng cho những người đang bị nghi ngờ và sợ hãi tấn công.
Thật sự, Chúa Giêsu không ngủ. Và dù ngủ hay thức, Ngài thúc đẩy các bạn đồng hành của Ngài giữ được sự thanh thản giữa những thử thách của cuộc sống. Chúa Giêsu, ở giữa chúng ta, không bao giờ Ngài ngủ, Ngài thúc đẩy chúng ta tin tưởng vào Ngài chống lại mọi nỗi sợ hãi, nhất là cơn sợ hãi trong cơn đại dịch này.
Chúa Giêsu đánh thức chúng ta. Cả ngày, Chúa Giêsu đã nói với đám đông bằng dụ ngôn. Khi chiều đến, Ngài nói với các môn đệ: “Chúng ta hãy sang bên kia biển hồ " Cả ngày, Chúa Giêsu và các môn đệ ở trên đất liền. Chúa kể những dụ ngôn về hạt giống gieo xuống đất và sinh hoa kết quả, hoặc hạt cải nhỏ bé sẽ trở thành một cây lớn. Vì đám đông và cả các môn đệ không hiểu, nên họ vẫn tò mò. Và sang bờ bên kia Chúa giải thích mọi thứ cho các môn đệ. Nhờ đó, họ mới hiểu những gì Chúa Giêsu nói.
Chúa đã nói với họ: “Chúng ta hãy sang bên kia biển hồ".
- Bên kia biển hồ, họ sẽ tiếp tục bước chân trên mặt đất vững chắc, được củng cố bởi thử thách mà họ đã trải qua.
- Nhưng từ bờ bên này sang bờ bên kia, cơn bão xảy ra có nguy cơ nhấn chìm con thuyền và với cái nhìn con người của họ, họ có thể nhận thấy rằng tất cả họ sẽ diệt vong giữa những cơn sóng.
- Từ bờ bên này sang bờ bên kia, vào thời điểm cơn bão ập đến, Chúa Giêsu ngủ và dường như hoàn toàn không quan tâm đến số phận của họ.
Đối với các môn đệ Chúa Giêsu, có những lúc họ cảm thấy mình chìm đắm trong nỗi sợ mất mạng sống và cả đức tin nữa. Đối với chúng ta thì sao? Chúng ta không thể vượt qua từ bờ bên này sang bờ bên kia mà không gặp bão và tất cả các loại thử thách…, nhất là cơn bão của dịch bệnh covid hiện nay. Những lúc thử thách quá lớn lao, chúng ta chơi vơi, cảm thấy như mình bị Thiên Chúa bỏ rơi. Vào những lúc như thế, như các môn đệ đã làm, hãy kêu nỗi sợ hãi của chúng ta lên Thiên Chúa, ngay cả khi xem ra Ngài rất xa lạ với những thử thách của chúng ta, ngay cả lúc Ngài ngủ say.
Lúc chúng ta bị nghi ngờ, hiểm họa và sợ hãi tấn công, Chúa Giêsu nói với chúng ta rằng: “Chúng ta hãy sang bên kia biển hồ.
- Từ bờ bên này sang bờ bên kia, dần dần chúng ta sẽ khám phá ra rằng: không phải sợ những thử thách và đêm tối nhất, ngay cả khi Chúa Giêsu dường như đang ngủ.
- Vượt qua từ bờ bên này sang bờ bên kia, đó là lúc chúng ta không ở trên đất liền, mà phải ở giữa biển khơi và bão giông nổi lên có thể làm chúng ta chết chìm. Nhưng chúng ta đừng sợ những gì chúng ta sẽ phải vượt qua hôm nay cũng như vào ngày mai. Hãy tin rằng khi Thiên Chúa dường như ngủ, Ngài vẫn thức tỉnh trong chúng ta. Với đức tin, chúng ta hãy vui sống với Ngài mỗi ngày nhiều hơn trong con thuyền tình yêu của Ngài!
Linh mục Gioan Đặng Văn Nghĩa
===================
Suy niệm 2 Hãy tin tưởng và cầu xin (Mc 4, 35 – 41) Làn sóng Covid
Thế giới nói chung đã, đang và sẽ còn trải qua những ngày chết chóc kinh hoàng với đại dịch Covid-19 lây lan phủ kín phần lớn địa cầu không trừ quốc gia nào, giàu hay nghèo, công nghiệp hóa hay đang phát triển. Trung Quốc bị nhiễm đại dịch đầu tiên, nhưng Italia, rồi Tây Ban Nha, Pháp, Hoa Kỳ, Ấn Độ, Brazil… ngụp lặn trong khủng hoảng bởi Covid-19 tiến công, hiện đang chống chọi với sự biến thể của nó. Theo số liệu của Đại học Johns Hopkins (Mỹ) cho thấy hơn 7 tỷ liều vaccine phòng COVID-19 đã được tiêm trên toàn thế giới kể từ khi đại dịch bùng phát. Con người vẫn đang từng ngày từng giờ gồng mình giành giật sự sống chống chọi với con virus gây chết chóc này.
Từ tháng 4 đến nay, châu Á trở thành điểm nóng với một Ấn Độ, một Indonesia, một Sài Gòn hoa lệ tang thương. Hệ thống y tế quốc gia Nam Á trong tình trạng sụp đổ, không thể tiếp nhận bệnh nhân Covid-19, không đủ ô xy, thiết bị y tế. Tại Ấn Độ, người chết vì Covid-19 không có chỗ để hỏa táng, có hàng trăm hàng ngàn người bị thả trôi trên sông Hằng. Tại miền Nam Việt Nam, người chết không người tiễn người thân đưa tiễn, khi đi khỏe mạnh khi về hũ tro. Bao trẻ em phải lâm cảnh mồ côi cút quắt. Số người tử vong mỗi ngày ở mức cao chưa từng có trên toàn cầu. Cảnh tượng không khác gì địa ngục.
Đại dịch Covid 19 làm cả thế giới điêu đứng, mấy triệu người chết, con số vẫn chưa dừng. Phải thừa nhận rằng, đây là những trận cuồng phong bão táp đổ vào thế giới chúng ta có thể thấy bằng con mắt giác quan, còn có những trận cuồng phong vô hình đã và đang từng ngày đổ ập vào người ta, sóng gió hữu hình đến với các môn đệ Chúa Giêsu, và chắc chắn có sóng cả ba đào đổ ập vào đời ta.
Sóng cả ba đào tạt thuyền các môn đệ
Tin Mừng Thánh Marcô thuật lại, Chúa Giêsu truyền các môn đệ rằng: "Chúng ta hãy sang bên kia biển hồ" (Mc 4, 35 ) mà không nói lý do như trong Tin Mừng Matthêu sang bờ bên kia vì "đám đông" (Mt 8, 18). Marcô còn ghi rõ : "Cũng có nhiều thuyền khác theo Người" (Mc 4, 36), nhưng không nói rõ liệu các thuyền kia có đi vào trung tâm của bão lớn hay không ? Chỉ biết rằng " Chợt có một cơn bão lớn và những lớp sóng ùa vào thuyền đến nỗi sắp đầy nước" (Mc 4, 37). Các môn đệ quả thực sợ hãi, sợ chết, có khi sợ Thầy đang ở trong thuyền của họ cũng chết nữa ! Cái chết thể xác không thể cưỡng lại nổi, nếu gió to sóng lớn đánh tan thuyền. Rồi các môn đệ than như một lời trách móc cay đắng "Mà Thầy không quan tâm đến sao ?" (Mc 4, 38).
Chúng ta tự hỏi : Chúa Giêsu đã làm gì trong lúc con thuyền vượt biển? Thưa : Người tận dụng thời giờ để nghỉ ngơi và ngủ. Nhưng không phải là Người vắng mặt. Tư tưởng của Người vượt trên chúng ta qua sự nhập thể làm người.
Sau một ngày giảng dạy, khi chiều đến Chúa Giêsu muốn tránh ra xa đám đông. Mệt mỏi, Người nghỉ ngơi đôi chút. Người ngủ trên chiếc thuyền của các môn đệ, dựa gối vào đàng lái mà ngủ. Chìm vào giấc ngủ, bão tố cuồng phong không thể nào làm người tỉnh giấc. Khiến các môn đệ phải hét vào tai đánh thức Người. Chúng ta đọc được những lời thật lo âu của các môn đệ: "Thưa Thầy, chúng con chết mất" (Mc 4, 38). Người chỗi dậy.
Chúa Giêsu đã thức dậy, can thiệp đúng lúc và truyền cho gió bão: "Hãy im đi, hãy lặng đi" ( Mc 4, 39 ). Tức thì, gió bão im lặng. Các môn đệ cảm thấy nhẹ nhõm vì không còn hoang mang, sợ hai và lo lắng nữa. Biển lặng tượng trưng cho lòng con người được an bình, được yên lặng. Sau đó, Người đã quở các môn đệ rằng: "Sao các con sợ hãi thế, các con không có đức tin ư ?" (Mc 4, 40).
Chúng ta đặt mình vào trong tình huống này, cuồng phong nổi lên, sóng khiến nước ập vào thuyển, trong khi đó Chúa Giêsu vẫn ngủ. Một bên là gió rít sóng gào, bên kia là hơi thở nhẹ nhàng và đều đặn của Chúa Giêsu. Một bên là các môn đệ chạy lên chạy xuống kêu la hốt hoảng đến mất lòng tin. Bên kia là tư thế nghỉ ngơi bình an hoàn toàn thoải mái ngay ở đàng lái mạn thuyền của Chúa Giêsu. Như thế, ở giữa sức mạnh của phong ba bão táp, con thuyền được lèo lái, không phải bởi một sức mạnh lớn hơn, nhưng bằng một giấc ngủ ngon lành của Chúa Giêsu, vì Người là Thiên Chúa. Chúa Giêsu muốn là các môn đệ không được hoảng hốt, kêu la và đánh thức Thầy, với sự hiện diện của Thầy lẽ ra các ông phải yên tâm mới phải. Cứ để biển động, gió gào, sóng thét và nhất là cứ để Chúa Giêsu ngủ trong thuyền của các ông.
Con thuyền Giáo hội, thuyền của đời ta
Trong lịch sử, truyền thống Kitô giáo vẫn nhìn nhận con thuyền tròng trành vì bão tố, một hình ảnh của Giáo hội. Khi Marcô viết Tin Mừng, có lẽ Phêrô đã chịu tử đạo và giáo đoàn Rôma bị bách hại tàn bạo : "Chúng ta hãy sang bờ biên kia" (Mc 5, 35) có ý nghĩa. Mặc dù bão tố, Giáo hội phải sống và phát triển trong thế giới ngoại giáo này và không chỉ trong cộng đoàn Kitô giáo gốc Do thái mà thôi, nhưng còn từ thế kỷ này sang thế kỷ khác, khắp muôn dân trở về với Giáo hội Chúa. Và sự im lặng của Thiên Chúa hiển nhiên có thể làm chúng ta quên đi tình yêu biểu lộ cho nhân loại nơi Đức Giêsu Con Thiên Chúa làm người.
Đời người ai mà chẳng có lúc sóng gió. Có lúc sóng gió tấn công vào chiếc thuyền nhỏ trong thân phận mỏng manh của đời ta. Ðau khổ bệnh tật, thất bại, cô đơn, nghèo đói, hiểu lầm, ghen ghét, tai nạn, rủi ro đó là những bão táp của đưa đẩy cuộc đời. Ðứng trước những cơn phong ba ấy, chúng ta thường hốt hoảng, lo sợ và thậm trí có khi mất niềm tin. Thế nhưng khi nghe Lời Chúa hôm nay, chúng ta thấy đó chính là sứ điệp đầy hy vọng mời gọi ta hãy tin tưởng vào Chúa vì Người là Đấng quyền năng. Không những Chúa có thể dẹp yên sóng gió của biển động, mà còn đem lại sự bình an cho tất cả những ai luôn biết tin tưởng và gắn bó với Chúa.
Trong cơn đại dịch, vô phương cứu chữa khiến hy vọng tiêu tan nơi nhiều người, thì lòng tin và lời kêu cầu vang lên tới Chúa thật cần thiết. Lời van xin của người cha: “Xin Ngài đến… để nó được khỏi và được sống!“ không nhận được một lời đáp trả nào của Chúa Giêsu, lời trấn an Giairô cũng không. Đôi lúc Chúa vẫn im lặng đối với lời van xin của chúng ta, khi chúng ta cầu nguyện. Nhưng Chúa vẫn luôn đồng hành và ở với chúng ta, ngay cả khi chưa nhận lời chúng ta. Vậy, chúng ta hãy giục lòng tin và cầu xin Chúa cứu giúp.
Chúng ta cùng cầu xin Chúa ủ ấp những trẻ mô côi, người già mất nơi nương tựa và cho những người đã qua đời được hưởng nhan thánh Chúa. Xin Chúa mở lòng các nhà lãnh đạo, các vị hảo tâm, các y bác sĩ để họ trợ giúp những người bị ảnh hưởng vì Covid. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
==================
Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật 29 Thường Niên B
Suy niệm 1 Nơi đổ rác của thế giới
Mc 10, 35-45 Nơi đổ rác
Chúng ta có thể đặt câu hỏi:
- Ai là người muốn trở thành bãi rác của cả nhân loại?
- Ai là người chấp nhận sống giữa kẻ thù và tha thứ cho người làm hại mình vì tình yêu đối với Thiên Chúa và nhân loại?
- Ai là người chấp nhận sống ở nơi bị loại trừ này, nơi mà nhiều người là nạn nhân của sự ngu xuẩn, vô lương tâm, ghen tị, kiêu ngạo, đạo đức giả và dối trá để thể hiện sự dịu dàng, bình an, nhân từ, khiêm tốn, công lý và sự thật?
- Ai là người phải đối diện với cuộc sống địa ngục này?
Chúa Giê-su nói với tông đồ Giacobe và Gioan: “Anh em có thể uống chén Thầy sắp uống và chịu cùng một phép rửa Thầy sắp chịu không?”
- Ai là người chấp nhận lao mình vào nơi mà ở đó có sự gian ác, dối trá và đạo đức giả?
- Ai là người vui lòng đón nhận không chỉ vẻ đẹp đến từ Thiên Chúa mà còn cả sự đau khổ?
- Ai là người đồng ý nhận mình là đứa con của nhân loại này mang theo sự ngược đãi, ghen tị và hận thù?
- Ai sẽ có thể đi vào địa ngục của chính mình mà không thất vọng về bản thân hoặc về những người khác, nhưng chờ đợi mọi thứ từ Thiên Chúa.
Chúa Giê-su: “Anh em có thể uống chén Thầy sắp uống và chịu cùng một phép rửa Thầy sắp chịu không”?
Vị trí của đầy tớ
Chúa Giê-su nói: “Ai trong anh em muốn làm lớn, thì hãy tự làm đầy tớ anh em. Ai muốn thành người cầm đầu trong anh em, thì hãy tự làm nô lệ mọi người”.
- Thiên Chúa muốn người tín hữu và toàn thể Giáo hội chấp nhận sống ở vị trí cuối cùng. Vị trí của một đầy tớ và nô lệ.
- Thiên Chúa hy vọng rằng Giáo Hội của Ngài sẽ vẫn ở nơi còn nhiều việc phải làm trong nhân loại, chứ không phải nơi mọi sự đều tốt đẹp.
- Thiên Chúa muốn trục xuất mọi ngu xuẩn và mọi hận thù, mọi gian ác và mọi dối trá khỏi trái tim con người. Ngài đặt lại mọi thứ trong tay chúng ta. Chúng ta phải đi xuống, phải lặn xuống những nơi thiếu thốn tình yêu để Thiên Chúa có thể xua tan mọi góc tối của nhân loại. Vì thế, chúng ta hãy cầu xin Thiên Chúa ban ơn cho thế giới vì thực sự nhân loại hôm nay rất cần.
Như Gia-cô-bê và Gioan, chúng ta muốn ngự “bên phải hoặc bên trái trong vinh quang của Chúa Giê-su, và ngay từ bây giờ trên trần gian này chúng ta thích khám phá một sự phản chiếu vinh quang đang chờ đợi chúng ta trên thiên đàng:
- Chúng ta thích những giờ phụng vụ sốt sắng nâng tâm hồn chúng ta lên.
-Chúng ta đánh giá cao các cộng đoàn kito giáo thể hiện sự đồng tâm nhất trí.. Nhưng chúng ta chán ngán hơn vào những lúc mà tội lỗi Giáo hội cũng như của chúng ta mà chúng ta thấy rõ ràng.
Vị trí cuối cùng quý giá
Thiên Chúa hy vọng rằng chúng ta sẽ vui lòng sống ở vị trí cuối cùng.
Cha Charles de Foucaud nói: “Vị trí cuối cùng quý giá, đó là chính là vị trí của Thiên Chúa! Vị trí cuối cùng quý giá nơi Thiên Chúa ngự trị bằng cách ban cho chúng ta Sự sống của Ngài. Vị trí này Ngài đẩy lùi hận thù và phá vỡ ổ khóa của sự chết! Vị trí cuối cùng quý giá cũng là nơi đầu tiên mà ai theo Chúa Giêsu trở thành con Thiên Chúa.
Chúa Giê-su nói: “Anh em biết rằng những người được coi là lãnh tụ các nước, thì sai khiến dân chúng như ông chủ, và những người làm lớn thì lấy uy quyền mà trị dân. Còn các con không như thế”!
Trong chúng ta, những người đứng đầu có bổn phận gánh lấy gánh nặng của mình, gánh nặng đè lên những người anh em của họ trong nhân loại:
- Họ phải quan tâm đến những gì đè nặng lên người khác.
- Họ phải là nơi đổ rác của thế giới.
Chúa Giê-su đã nói trong Tin mừng:“Hỡi tất cả những ai gồng gánh nặng nề, hãy đến với Tôi, Tôi sẽ nâng đỡ bổ sức cho”! Vị trí cuối cùng, nơi mà Thiên Chúa cất bỏ mọi gánh nặng và lo âu, nhưng vẫn là nơi làm phiền lòng Ngài! Ngài vẫn là nơi đổ rác của thế giới cho đến ngày tận thế.
Linh mục Gioan Đặng Văn Nghĩa
===================
Suy niệm 2
Mc 10, 32 – 45
Đức Giê su cùng với 12 Tông đồ và quần chúng Galilê đang ùn ùn đổ về Giêrusalem như thác vỡ bờ, để mừng lễ Vượt Qua. Chúa kéo các Tông đồ tách ra khỏi quần chúng đi đến một nơi vắng vẻ. Ngài ngỏ bày tâm sự buồn thê thảm. Ngài nói: “Con Người sẽ bị nộp cho thượng tế và kinh sư. Họ sẽ lên án xử tử Ngài và sẽ nộp Ngài cho dân ngoại. Họ sẽ nhạo báng Ngài, khạc nhổ vào Ngài, họ sẽ đánh đòn và giết chết Ngài. Ba ngày sau Ngài sẽ sống lại.”
Anh em Tông đồ ngơ ngác chẳng hiểu gì, vì vào thời điểm đó dư luận quần chúng khẳng định rằng: vào dịp lễ Vượt Qua này, Chúa sẽ phất cờ khởi nghĩa, lật đổ chế độ La mã và nâng nước Do Thái lên hàng bá quyền.
Cũng chính vì thế mà bà Dêbêđê đưa hai đứa con là Giacôbê và Gioan đến gặp Chúa để năn nỉ: “Xin Thầy cho hai đứa con của tôi, một đứa ngồi bên tả, một đứa ngồi bên hữu trong Nước của Thầy.” Câu nói ấy có nghĩa là: “Khi Thầy làm Vua, thì xin cho hai con tôi, một đứa làm Thủ tướng, một đứa làm Tổng tư lệnh quân đội.” Nghe bà Dêbêđê nói thế, mười ông bạn Tông đồ kia bèn lườm nguýt tỏ vẻ bất bình.
Bài Tin Mừng vừa nghe cho chúng ta một hình ảnh mâu thuẫn cực kỳ. Bên đây là lập trường không thay đổi của Chúa. Đó là “từ khổ giá đến vinh quang”. Chúa quyết tâm chịu cực hình, chịu chết để cứu độ. Bên kia là các Tông đồ thì cứ hau háu chờ mâm xôi, mâm thịt. Các ông chỉ cầu được làm quan, làm tướng. Đáng xấu hổ vô cùng, mà lại không biết xấu hổ. Theo Chúa ba năm rồi, mà vẫn cứ xôi thịt và xôi thịt. Buồn ơi là buồn!
Lòng thì buồn tê tái, nhưng Chúa vẫn bình tĩnh quy tụ các Tông đồ lại để khuyên nhủ và dạy dỗ. Chúa mở mắt cho họ, để họ thấy rằng: ham danh ham lợi là tâm ý của người phàm. Tranh giành địa vị lãnh đạo, để áp đặt quyền bính trên người dân. Lập trường của họ là “luật vị luật”, chứ không phải là “luật vị nhân sinh”. Chúa đòi hỏi Tông đồ là người lãnh đạo phải khiêm tốn, coi mình là đầy tớ; phục vụ đàn em là đức tính căn bản của đàn anh.
Lý thuyết “Lãnh đạo là người đầy tớ phục vụ” này được cụ thể hóa trong bữa Tiệc ly. Đang ăn tiệc, bỗng Chúa đứng dậy bưng chậu nước đi rửa chân cho từng Tông đồ, y như tên nô lệ rửa chân cho ông chủ, y như cô ô-sin rửa chân cho bà chủ.
Lời nói và hành động của Chúa là một bài học cực nóng, gây ấn tượng khủng khiếp mà mỗi người chúng ta phải cúi đầu ngẫm nghĩ thật lâu, để sau đó phải thực hành ngay.
Từ trong Giáo hội ra ngoài xã hội, các vị lãnh đạo từ cấp nhỏ tới cấp lớn đều phải cố gắng tối đa để lời của Chúa phải được thực hiện. Người lớn nhất phải trở nên bé nhất để phục vụ, để hầu hạ.
Một hình ảnh rất đẹp đang thi hành đúng ý của Chúa, đó là cha mẹ trong gia đình. Cha mẹ là địa vị cao nhất, nhưng cả cha lẫn mẹ đều vui vẻ hầu hạ con cái như đầy tớ vậy. Bao nhiêu cái khổ đều đổ trên đầu cha mẹ. Còn cái sướng thì dành hết cho con cái. Món ăn ngon nhất, cha mẹ gắp vào bát cơm của con. Ngày tết, áo đẹp nhất là áo của các con. Mong rằng hình ảnh này giúp chúng ta bắt chước, để Lời Chúa được thực hành.
Linh mục Piô Ngô Phúc Hậu
===================
Suy niệm 3
VỊ THƯỢNG TẾ BIẾT CẢM THƯƠNG, PHỤC VỤ VÀ HIẾN MẠNG SỐNG MÌNH LÀM GIÁ CHUỘC MUÔN NGƯỜI
Còn nhớ thu ở còn học giáo lý Rước Lễ Lần đầu, tôi thường được dạy rằng: Nếu con làm điều gì sai, điều gì tội thì Thiên Chúa sẽ ra tay trừng phạt, còn khi con làm điều gì hay, điều tốt thì được Ngài khen, tán dương. Rồi dần dần lớn lên, tư tưởng đó cứ theo tôi và đến lúc được đọc bài trích thơ gửi tín hữu Do thái (Dt 4, 14-16) như bài đọc II trong Phụng vụ Lời Chúa của Chúa Nhật XXIX Thường Niên hôm nay, tâm hồn tôi dường như được Chúa uốn nắn, hân hoan vui mừng giống như được Ngài mặc khải điều gì đó. Mà quả thật, kính thưa quý ông bà và anh chị em rất thân mến! Chúng ta được bổ sức, được động viên, khuyến khích và được an ủi vô cùng khi chúng ta được biết Đức Giê-su là Con Thiên Chúa, là vị Thượng Tế biết cảm thương những yếu hèn của chúng ta; Ngài đến trần gian không phải để phán xét, sửa phạt chúng ta, nhưng Ngài đến để hy sinh phục vụ, dẫn đường chỉ lối cho chúng ta tiến tới cùng Thiên Chúa Cha và hiến mạng sống mình cho tha nhân.
Trong các bài đọc Phụng Vụ hôm nay, tôi thiết nghĩ: chúng ta không cần phải giải thích nhiều lời, mà nên đọc đi đọc lại, rồi suy gẫm, và xin Chúa ban cho mỗi chúng ta lòng can đảm từ bỏ lối suy nghĩ cũ kỹ, cách cư xử xét đoán anh chị em mình, mà hướng đến tư tưởng mới, lối sống hòa nhã, chan chứa niềm cảm thông và thấu hiểu cho tha nhân, cho thành viên trong cộng đoàn, trong giáo họ và trong giáo xứ. Giờ đây, chúng ta cùng nhau đọc lại, suy niệm một số điểm trong các bài đọc hôm nay. Thoạt tiên, bài trích sách Tiên Tri I-sa-ia (Is 53, 10-11) thuật lại bài ca thứ tư về Người Tôi Tớ “Đức Chúa đã muốn người phải bị nghiền nát vì đau khổ…Nhờ nỗi thống khổ của mình, người sẽ thấy ánh sáng và được mãn nguyện. Vì đã nếm mùi đau khổ, người công chính tôi trung của Ta sẽ làm cho muôn người nên công chính và sẽ gánh lấy tội lỗi của họ…” (Is 53, 10a. 11). Con Thiên Chúa vốn dĩ là Đấng quyền quý cao sang, Đấng tối thượng, Đấng quyền năng, nhưng Ngài luôn vâng phục, sống trọn vẹn đức vâng lời Thiên Chúa Cha, thực hiện kế hoạch cứu độ yêu thương của Cha là: nhập thế, chịu nhập Thể, bước qua cuộc Thương khó, Tử nạn và Phục sinh, lên trời, ban Thánh Thần xuống tiếp tục sứ mạng yêu thương nhân loại.
Thế nhưng, không ít anh chị em chúng ta còn nghĩ rằng: Thiên Chúa là Đấng quyền năng nhưng rất xa vời với con người. Ngài ở đâu đâu xa trên kia, chứ chẳng am tường, hiểu thấu lòng con người! Ngài ở chốn cao vời, cực lạc, chứ không gần gũi, đỡ nâng chúng ta! Đặc biệt, khi chúng ta gặp khó khăn, trắc trở, Thiên Chúa dường như ở đâu xa xa kia, chứ không cảm thông, thấu hiểu nỗi lòng của ta, v.v…! Nếu ông bà, anh chị em còn mang lối nhìn, tư tưởng như vậy, thì xin quý vị đọc thật kỹ lại bài trích thơ gửi tín hữu Do thái (Dt 4, 14-16) và suy đi ngẫm lại: “Vị Thượng Tế của chúng ta không phải là Đấng không biết cảm thương những nỗi yếu hèn của ta, vì Người đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta, nhưng không phạm tội. Bởi thế, ta hãy mạnh dạn tiến lại gần ngai Thiên Chúa là nguồn ân sủng để được xót thương và lãnh ơn trợ giúp mỗi khi cần.” (Dt 4, 15-16). Nói làm sao cho hết niềm vui khi chúng ta có được một vị Thượng tế luôn lắng nghe, luôn thấu hiểu mọi ngõ ngách cuộc đời ta, bao nỗi niềm trong tâm hồn ta! Nói đến đây, tôi chợt nhớ tới thời gian mới được thụ phong Linh mục. Lần đầu tiên, con ngồi nghe giải tội. Sau khi nghe hối nhân xưng thú tội lỗi của mình, con không cầm được nước mắt và cứ thế nước mắt tự nhiên trào ra. Trong lúc nghẹn ngào, con thưa chuyện với người xưng tội: “không chỉ ông bà (anh chị) phạm những tội lỗi ấy đâu, nhưng tôi đây cũng vấp phạm vì những tội ấy nữa. Nhưng Thiên Chúa rất lòng lành vô cùng, Ngài dùng Giáo hội, qua thân phận yếu hèn của vị Linh mục này mà ban ơn tha thứ cho ông bà (anh chị). Vì vậy, chúng ta cùng nhau cảm tạ ơn Ngài và sống hết mực trung thành với tình yêu Ngài ban cho chúng ta…”
Niềm vui được nhân lên gấp bội khi chúng ta được nhận ra: chúng ta có một vị Thiên Chúa luôn gần gũi, cảm thông, cảm thương hết mọi nỗi yếu hèn của ta. Về phần mình, chúng ta nên làm gì để xứng đáng với Đấng hằng bao bọc, chở che, yêu thương và hiến mạng sống mình cho ta? Dĩ nhiên, chúng ta nên học theo Đức Giê-su, biết cảm thông với anh chị em mình, biết khiêm tốn đóng góp những ơn huệ, những tài năng mà Chúa ban cho mình để xây dựng gia đình, cộng đoàn, giáo xứ. Hơn nữa, chúng ta cũng nên biết cảm thương với sự yếu hèn của tha nhân, biết nhìn nhận những yếu đuối của bản thân, hầu cùng nhau tiến lại gần ngai Thiên Chúa để được xót thương và lãnh ơn trợ giúp (x. Dt 4, 16). Thứ đến, noi gương Đấng luôn cảm thương, gần gũi, chúng ta biết phục vụ tha nhân, biết cộng tác với nhau vì lợi ích của anh chị em, phục vụ một cách như không, không đòi đáp trả. Phục vụ vì Con Thiên Chúa đã đến “để phục vụ và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người.” (x. Mc 10, 45). Phục vụ vì lợi ích của cộng đoàn, giáo xứ, Giáo hội, chứ không vì lợi ích nào khác. Hãy dùng phận vụ, trách nhiệm của mỗi chúng ta như một phương thế quý giá, một cơ hội ngàn vàng để sống tinh thần phục vụ đích thực. Hãy nâng đỡ nhau khi phục vụ, hơn là than phiền, cằn nhằn, vì nếu cứ quen thói than thở, than van, trách móc…thì làm sao mà còn thời giờ để phục vụ nữa! “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống mình làm giá chuộc muôn người.” (Mc 10, 45)
Xin Thiên Chúa chúc lành cho những cố gắng nhỏ bé, những nỗ lực bền bỉ của mỗi chúng ta trong đời sống hằng ngày; để rồi nhờ ơn Chúa, chúng sinh hoa kết trái, trở nên ích lợi gấp bội cho gia đình, cộng đoàn, giáo xứ, Giáo hội và xã hội.
Giữa muôn vàn thượng tế
Được chọn giữa loài người
Đặt lên lo việc Chúa
Hiến lễ dâng mỗi ngày.
Dù Thượng Tế tối cao
Mặc lấy xác phàm trần
Cảm thông với thanh tao
Đền thay bao tội lỗi.
Ngài tử nạn một lần
Cho muôn người tại thế.
Vẫn bước đi ân cần
Với con hèn đam mê.
Ngài chẳng là ai khác
Đức Giê-su Ki-tô.
Không tự mình phán quyết,
Nhưng vâng phục Chúa Cha.
“Con là Con yêu dấu,
Nay Cha sinh ra Con”.
“Tư tế đến muôn đời
Phẩm hàm Men-(ki)-xê-đê”.
Xin cho con bền bỉ
Hằng chạy đến náu nương
Năng nguyện cầu liên lỉ
Chứa chan bao yêu thương. Amen!
Lm. Xuân Hy Vọng
===================
Suy niệm 4
Chuyện Hai Anh Em Nhà Dêbêđê
Hôm 7/10/2021, Thủ Tướng gửi công điện hoả tốc yêu cầu các tỉnh thành hợp tác tạo điều kiện cho những ai muốn có thể trở về quê an toàn, bình an trong mùa dịch này! Xem các hình ảnh, clip người dân chở nhau về quê trên những chiếc xe hai bánh, có khi còn là xe đạp hay đi bộ nữa, với quãng đường hàng trăm, có khi hàng ngàn cây số, mà thương dân mình quá! Và tôi ngạc nhiên: tại sao tình hình như vậy mà các vị lãnh đạo phải chờ đến thủ tướng ra lệnh mới làm. Làm lãnh đạo phải dự đoán được làn sóng dân trở về quê lần này, vì trước đó ít lâu đã có lần dân muốn về quê mà không được phép, nên lần này phải chuẩn bị cho việc này chứ, tại sao lại chặn dân lại như vậy?!
Ngoài tài năng, còn cần đến tấm lòng nữa mới làm lãnh đạo được! Mà phần tấm lòng này lại rất cần, nếu không, tài năng kia chỉ được sử dụng nhằm tìm lợi ích cá nhân, phe nhóm thôi!
Ngày 11.10, Giáo hội mừng lễ Thánh Giáo Hoàng Gioan 23, tôi nhớ ngay đến tên mà người ta đặt cho ngài “người cha tốt bụng” (buon papa). Ngài là con người rất bình dị và gần gũi với người bình dân, ngay cả khi là giám mục, hồng y và giáo hoàng nữa! Tấm lòng mục tử khiến ngài trở nên liều lĩnh, dấn thân giải quyết những vấn đề khó khăn của Giáo Hội khi làm sứ thần, nhất là liều lĩnh khi mở công đồng Vaticanô II, đưa đến những chuyển biến vô cùng quan trọng cho Giáo Hội trong cách hiện diện và trong sứ mạng với trần thế. Sự liều lĩnh này khởi đi từ cảm nhận của người cha tốt bụng: không muốn Giáo Hội sống trong sự đối đầu với xã hội trần thế![1]
Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu dạy bài học “làm lớn”, “làm đầu” cho các Tông Đồ: “Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em. Ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người”. Đây là nẻo đường duy nhất đưa tới uy tín và sự cao cả thật sự. Phục vụ là tiêu chuẩn giúp đánh giá sự cao cả và thành công đích thực. Ai là người tôi tớ của mọi người, ai phục vụ nhằm mưu ích cho kẻ khác, với trọn tâm hồn, với tất cả sức lực, người ấy thật sự là người đứng đầu mọi người.
Đọc kỹ câu chuyện Tin Mừng, ta thấy hai anh em nhà Dêbêdê có vẻ như thấy mình được “cưng” cách riêng nên dám đến nói nhỏ với Đức Giêsu, và xin Người “ừ” trước rồi mới nói ra điều mình xin: “Thưa Thầy, chúng con xin Thầy thực hiện cho chúng con điều chúng con sắp xin đây”. Người cũng có vẻ gật đầu trước: “Các anh muốn Thầy thực hiện cho các anh điều gì?”. Họ nói rõ điều họ muốn. Có vẻ như họ nghĩ phen này lên Giêrusalem là Thầy lên làm vua đây. Đến phiên Đức Giêsu cũng đòi họ “vâng” trước: “Các anh không biết các anh xin gì! Các anh có uống nỗi chén Thầy sắp uống không, hay chịu được Phép Rửa mà Thầy sắp chịu không?”. Các ông không biết mình xin gì và cũng chẳng hiểu “chén Thầy sắp uống”, “Phép Rửa Thầy sắp chịu” là gì, nhưng hiểu rằng hễ chịu điều kiện ấy thì sẽ được như ý, nên trả lời ngay: “Thưa được”. Điều kiện thì Người cho ngay: “Chén Thầy sắp uống, anh em cũng sẽ uống; phép rửa Thầy sắp chịu, anh em cũng sẽ chịu”. Còn điều họ xin thì sao?. “Còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì Thầy không có quyền cho, nhưng Thiên Chúa đã chuẩn bị cho ai thì kẻ ấy mới được”.
Thế là hai anh em chưng hửng! Nhưng không hiểu sao mười ông kia cũng biết chuyện hai anh em “đi cửa hậu” và phản ứng: “Nghe vậy, mười môn đệ kia đâm ra tức tối với ông Giacôbê và ông Gioan. Sự hục hặc giữa các ông làm sao qua mắt Đức Giêsu được. Người dùng dịp này dạy dỗ các ông: Đức Giêsu gọi các ông lại và nói: "Anh em biết: những người được coi là thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân. Nhưng giữa anh em thì không được như vậy: ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em; ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người. Vì Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người". Vẫn là chuyện các ông tranh dành địa vị với nhau. Lần trước thì Người đem một em bé làm mẫu. Lần này Người phân biệt cung cách của các môn đệ với cung cách của người đời. Môn đệ thì phải theo gương Thầy chứ đừng theo kiểu người đời.[2]
Rõ ràng, sự ganh đua quyền thế gay gắt đến nỗi làm các môn đệ từ một “Nhóm Mười Hai” lại chia thành phe cánh: “mười môn đệ kia tức tối với hai anh em đó”. Họ ganh tỵ, xét cho cùng, họ cũng đầy cao vọng. Họ cũng cao vọng bằng hai anh em nhưng họ không đủ can đảm để xin như anh em nhà Dêbêdê. Như một bậc thầy cao thượng và một nhà giáo dục khôn ngoan, Đức Giêsu vẫn bình tâm. Người đón nhận sự im lặng vô tâm của Nhóm Mười Hai. Người ân cần lắng nghe lời thỉnh cầu. Người cho họ biết rằng, những chỗ danh dự trên trời không dành cho những kẻ bè phái, nịnh hót, xin xỏ, nhưng dành cho những người xứng đáng. Người thẳng thắn đặt anh em nhà Dêbêdê trực diện với vấn đề và trực tiếp chất vấn các ông: “Các con không biết các con xin gì! Các con có uống nỗi chén Thầy sắp uống không?”. Người đưa ra xác quyết nhưng lại mở ngỏ cho lời đáp trả bằng cách ‘kéo Chúa Cha vào cuộc’: “Chén của Thầy, các người sẽ uống; còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì Thầy không có quyền cho, nhưng Cha Thầy đã chuẩn bị cho ai, thì kẻ ấy mới được”.Và nhất là, Người qui tụ các môn đệ trở lại vào nhóm, bên cạnh Người để có những lời rỉ tai, những lời của con tim thổ lộ với con tim: “Anh em biết… Giữa anh em thì không được như vậy…”. Chúa Giêsu dạy các ông lối hành xử của Người: muốn làm lớn thì phải làm tôi tớ phục vụ mọi người. Chọn con đường cứu chuộc bằng thập giá, Người đã muốn sống tinh thần phục vụ.
Chúa Giêsu thanh luyện các môn đệ không chỉ bằng thái độ và lời nói, mà còn bằng chính đời sống gương sáng của Người. Sự đối lập giữa “làm đầy tớ” và “làm đầu” đòi hỏi một sự hoán cải trọn vẹn. Các môn đệ muốn làm đầu, Chúa Giêsu bảo: muốn làm đầu phải làm tôi tớ phục vụ mọi người. Đây là việc phục vụ của người hiến dâng bản thân, luôn quan tâm đến tha nhân vì yêu thương.
“Ai muốn làm lớn”, “Ai muốn làm đầu”, Chúa Giêsu không nói : “Ai được đặt làm lớn; ai được đặt làm đầu”, nhưng nói đến ý muốn, và ý muốn này đang có nơi các môn đệ và cũng đang có nơi tất cả chúng ta. Chính Chúa đã nói ý muốn của mình: “Con Người đến để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người”. Tác giả thư Do Thái triển khai việc làm đầy tớ qua hình ảnh vị Thượng Tế biết “cảm thương” nỗi yếu hèn của nhân loại (x.Dt 4,13). Ngôn sứ Isaia lại tiên báo việc làm đầy tớ bằng hình ảnh người tôi tớ trung thành chịu đau khổ để gánh lấy hậu quả tội lỗi con người (x.Is 53,10-11).Vì thế, phục vụ và hiến dâng cũng phải là lẽ sống của người môn đệ. Phục vụ và hiến dâng cũng phải là lẽ sống của những ai theo chân Chúa. Phục vụ là giúp đỡ, là làm đầy tớ, là bạn đồng hành chăm lo người khác và quan tâm đến những nhu cầu thiết thực của họ.Trong gia đình, ông bà cha mẹ phục vụ con cháu, anh chị em phục vụ lẫn nhau, con cháu phụng dưỡng ông bà cha mẹ. Ngoài xã hội, mỗi người là một thành phần đóng góp công sức phục vụ nhân quần xã hội. Trong Hội thánh, trong cộng đoàn lớn nhỏ, mỗi người là một chi thể sống và làm việc vì lợi ích cho tập thể.Vậy thì ai cũng là một người phục vụ. Nhưng để trở thành người phục vụ tốt, gương mẫu, xứng đáng cần hội đủ một số đức tính căn bản như khiêm tốn, quảng đại, tế nhị, tận tâm và hy sinh quên mình.
Lịch sử cho thấy rằng những người “làm đầu” ngoài xã hội cũng như trong giáo hội, nếu xuất thân từ hoàn cảnh khó khăn hay đã từng kinh qua nhiều gian khổ thì thường dễ “làm đầy tớ” cách thực sự và đúng nghĩa hơn. Quả thật, để thực sự làm đầy tớ, tiên vàn cần phải có sự đồng cảm, đồng thân, chung phận một cách nào đó. Chúa Kitô đã nêu gương cho chúng ta khi “vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế…” (Pl 2,6-11).
Xã hội có ngày càng công bằng, văn minh, thịnh vượng hay không, Giáo hội có ngày càng tinh tuyền, thánh thiện hay không, chắc hẳn phụ thuộc rất nhiều vào việc những người đứng đầu có thực sự sống tôn chỉ “làm đầy tớ nhân dân”, “làm tôi tớ của đàn chiên” hay không. Mong sao tôn chỉ ấy không dừng lại ở khẩu hiệu hay ở các bài phát biểu hùng hồn, nhưng được hiện thực hóa bằng việc làm và thái độ sống của những người làm đầu. Ngoài việc các đầy tớ phải hiến dâng mạng sống vì chủ, thì có thể nói một trong những tiêu chí để thẩm định các vai vế chủ - tớ có chính hiệu không, thì hãy xem các ông chủ tức là người dân, các con chiên, có được phép và được quyền mạnh dạn mở miệng nói lên suy nghĩ, nhận định của mình hay trình bày các nhu cầu chính đáng của mình trước các vị “đầy tớ” hay không, và dĩ nhiên không thể thiếu sự chân thành lắng nghe của các vị này.[3]
Chúng ta theo Chúa, chỉ mong được ban một chỗ thật gần bên Chúa. Bên phải bên trái là sát bên Thầy. Mà Chúa đồng hóa mình với người tôi tớ, người bé nhỏ, người hèn mọn, cho nên càng là người tôi tớ, càng phục vụ, càng được ở gần Thầy.
Mẹ thánh Têrêxa Calcutta đã nói: “Hoa quả của đức tin là tình yêu, hoa quả của tình yêu là phục vụ và hoa quả của phục vụ là bình an”. Một tình yêu đích thực sẽ luôn làm nảy sinh sức sống mãnh liệt giúp cho việc phục vụ đạt tới cùng đích cuối cùng. Lm Giuse Nguyễn Hữu An
- Lm Giuse Nguyễn Trọng Sơn, suy niệm Lễ Thánh Giáo Hoàng Gioan 23, ngày 11.10.
[2] Lm Giuse Nguyễn Công Đoan, Tĩnh tâm với sách Tin Mừng Maccô. - Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa, suy niệm Chúa nhật 29 TN B: Làm đầy tớ.
===================
Suy niệm 5
Ngồi Bên Tả Bên Hữu Chúa
Is 53,10-11; Dt 4,14-16; Mc 10,35-45
Trong khung cảnh Thầy trò trên đường lên Giêrusalem hôm nay (đường đi chịu chết) làm các môn đệ kinh hoàng, những người theo sau cũng phải sợ, Thầy báo trước cuộc tử nạn kinh hoàng như vậy, mà hai anh em nhà Gioan lại mặc tình đòi ngay danh vọng, địa vị khi Thầy được vinh quang: “Xin cho hai anh em chúng con, một người được ngồi bên hữu, một người được ngồi bên tả Thầy, khi Thầy được vinh quang.” (Mc 10,37). Thật đau lòng cho Thầy, nói ra cuộc tử nạn khổ hình sắp đến mà môn đệ không đồng cảm xót xa, lại còn vội vã tính chuyện “xôi thịt”, trục lợi cho bản thân. Đã vậy, mười ông kia nghe thấy lại còn tức tối với hai anh em Gioan, vì ganh tị và muốn giành quyền, đấu tranh để làm đầu và được người khác phục vụ. Thầy phải nén đau, gọi các ông mà ân cần chỉnh huấn: “Anh em biết: những người được coi là thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân. Nhưng giữa anh em thì không được như vậy: ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em; ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người.” (Mc 10,42-44). Nghe đến đây chắc các ông bị chưng hửng, mộng vàng tan mây như bong bóng xà phòng.
Ngày nay chúng con nghe vẫn khó quá, ai cũng muốn làm người điều hành, được người khác phục vụ, kính nể, nên chẳng dễ mấy ai muốn làm lớn theo kiểu của Thầy, lớn Tình Yêu. Kiểu lãnh đạo của Thầy là cúi xuống rửa chân cho người mình lãnh đạo. Thầy là Tình Yêu nên Thầy sẵn sàng cúi xuống, làm đầy tớ cho cả kẻ làm hại mình. Thầy không chỉ dạy trên môi, nhưng chính Thầy đã đến để phục vụ và hiến dâng cả mạng sống làm giá chuộc muôn người.
Con người hèn mọn chúng con thì lại thích lên cao, chứ bị đánh giá thấp là khó chịu lắm rồi, làm sao đủ tình yêu để cúi xuống với người anh em kể là yếu kém? Nhưng nếu chúng con gặp được Chúa, mở lòng đón Chúa vào trong con người thích “làm lớn theo kiểu thế gian” này, thì chính Chúa sẽ phục vụ, hiến dâng, sẽ làm đầy tớ mọi người trong con người của chúng con. “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20).
Chúa ơi! ngày nay nếu thực sự sống trong Chúa như cành nho gắn chặt với thân cây nho, thì chúng con không chỉ được ngồi bên tả hay bên hữu Chúa, mà còn được “ở với, ở cùng, ở trong” Chúa nữa. Xin mở mắt con để con nhận ra và tận hưởng niềm hạnh phúc này, không phải mai sau, mà ngay trong cuộc sống hiện tại hôm nay. Amen.
Én Nhỏ