Chúa nhật, 24/11/2024

Suy niệm Tin Mừng lễ Đức Mẹ Mân Côi và Chúa nhật 27 Thường niên B

Cập nhật lúc 09:24 30/09/2021
Suy niệm 1
Thiên Chúa bày tỏ tình thương của Ngài qua Mẹ Maria
Lc 1, 26-38
Khi tạo dựng nên Mặt trời, Trái đất và muôn loài muôn vật trong vũ trụ bao la vô biên, vô tận nầy, Thiên Chúa không cần sự trợ giúp của con người. Thế nhưng khi muốn cứu chuộc loài người, Thiên Chúa lại cần sự hợp tác, sự tham gia của con người một cách tích cực.
Chính vì thế, trước khi Ngôi Hai Thiên Chúa nhập thể làm người cứu độ nhân loại, “Thiên Chúa sai sứ thần Gáp-ri-en đến một thành miền Ga-li-lê, gọi là Na-da-rét, gặp một trinh nữ tên là Maria”, đề nghị trinh nữ làm mẹ hạ sinh Chúa Cứu Thế.
Mẹ Maria ý thức mình chỉ là tôi tớ hèn mọn của Chúa nên Mẹ sẵn sàng vâng theo ý Chúa truyền.
Nếu không có sự chấp thuận và hợp tác của Đức Maria, thì Ngôi Hai Thiên Chúa chưa thể mặc lấy xác phàm để cứu độ nhân loại mà phải chờ dịp khác.
Cách đây hai ngàn năm, Thiên Chúa đã nhờ Mẹ Maria sinh ra Đấng Cứu Thế cho nhân loại và trong suốt dòng lịch sử loài người, Thiên Chúa tiếp tục nhờ Mẹ để đem lại sự ủi an, che chở, săn sóc nâng đỡ… nhân loại trên bước đường lữ thứ trần gian và Mẹ đã hoàn thành sứ mạng nầy cách tốt đẹp; nhờ đó, chúng ta tìm được nơi Mẹ niềm an ủi và hạnh phúc lớn lao.
Thiên Chúa không chỉ yêu thương con người bằng tình hiền phụ của một người cha, Ngài còn muốn săn sóc bảo bọc chúng ta bằng tình hiền mẫu dịu dàng của một người mẹ. Qua Đức Maria, Thiên Chúa bày tỏ lòng hiền mẫu của Ngài cho chúng ta.
Thiên Chúa như Mặt trời, còn Mẹ Maria như Vầng trăng. Vầng trăng đón nhận ánh sáng của Mặt trời rồi phản chiếu lại cho Địa cầu thế nào thì Mẹ Maria cũng đón nhận ân sủng từ Thiên Chúa rồi thông ban lại cho chúng ta như thế. Khi đón nhận hồng ân Mẹ ban là chúng ta đón nhận hồng ân của Thiên Chúa.
Theo gương Mẹ Maria
Như xưa Thiên Chúa đã mời gọi Mẹ Maria cộng tác để mang Con Ngài đến cho nhân loại; hôm nay, Thiên Chúa cũng mời gọi chúng ta hợp tác với Ngài để đem Chúa Giê-su đến cho bao người chung quanh… Nếu chúng ta không hợp tác, biết đến bao giờ những anh chị em nầy mới có thể nhận biết Thiên Chúa và đón nhận ơn cứu độ của Ngài?
Từ hai ngàn năm qua, Thiên Chúa vẫn nhờ Mẹ Maria để tỏ bày tình hiền mẫu của Ngài cho nhân loại, thì nay, Thiên Chúa cũng mời gọi chúng ta hợp tác với Ngài để bày tỏ lòng thương xót của Ngài cho những người bất hạnh chung quanh.
Vì thế, chúng ta hãy trở nên những Maria khác, để qua chúng ta, lòng thương xót của Thiên Chúa được ban tặng cho nhiều người.
Chúng ta hãy trở nên những Vầng trăng khác để phản chiếu tình thương trời biển của Thiên Chúa Cha.
Lạy Chúa Giê-su,
Chúng con vô cùng hạnh phúc vì có Đức Mẹ là người Mẹ tuyệt vời luôn ở kề bên để chăm sóc, bảo vệ, che chở chúng con, mang tình yêu Chúa đến cho chúng con, nhất là trong những phút giây đen tối trong cuộc đời.
Xin cho chúng con biết noi gương Đức Mẹ, sẵn sàng mang hơi ấm của tình yêu Chúa đến cho mọi người. Amen.
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
================= 
Suy niệm 2
Kinh Mân Côi bản tóm tắt Tin Mừng
Theo Đức Giáo Hoàng Léon XIII, chuỗi Mân Côi là bản tóm lược hoàn hảo của Tin Mừng, rất gọn gàng, dễ nhớ về những biến cố quan trọng trong cuộc đời Chúa Cứu Thế, từ lúc nhập thể với những năm tháng ẩn dật tại Nazareth, qua những ngày tháng rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa, đến cao điểm là cuộc khổ nạn, rồi phục sinh và vinh thăng. (x. Fanjeaux, Prions avec le Rosaire, Lyon 1956, tr. 25).
Kinh Mân Côi là “cuốn Tin Mừng rút gọn”. Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã diễn tả điều này: “Kinh Mân Côi là kinh nguyện đậm chất Kinh Thánh…Chuỗi Mân Côi rõ ràng hướng về Đức Kitô và Ba Ngôi Thiên Chúa”. (x.Tông Huấn Lòng tôn sùng Đức Trinh Nữ Maria, số 46).
Trong phần mở đầu của Tông Thư Kinh Mân Côi Trinh Nữ Maria, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II viết:“Mặc dù rõ ràng mang đặc tính Thánh Mẫu, Kinh Mân Côi tự bản chất là một kinh nguyện có trọng tâm là Chúa Kitô. Qua những yếu tố bình dị của nó, Kinh Mân Côi chất chứa tất cả những gì sâu xa của toàn thể sứ điệp Phúc Âm. Có thể nói rằng Kinh Mân Côi là một tổng hợp của Phúc Âm”.
Chuỗi Kinh Mân Côi được dệt nên từ kinh Lạy Cha, kinh Kính Mừng và kinh Sáng Danh, đây là những kinh nguyện rất đẹp, có truyền thống từ xa xưa và có nguồn gốc trong Tin Mừng. Kinh Lạy Cha là lời kinh Chúa Giêsu dạy các môn đệ cầu nguyện (Mt 6, 9-13; Lc 11, 2-4). Kinh Kính Mừng là sự nối kết giữa lời chào của Tổng Lãnh Thiên Thần Gabriel trong buổi truyền tin và lời bà Êlisabet mừng Đức Mẹ trong ngày Mẹ thăm viếng gia đình ông Giacaria (Lc 1,39-44; Lc 1,28-30). Câu “Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội khi này và trong giờ lâm tử, Amen” là lời cầu khẩn của Hội Thánh. Kinh Sáng Danh là vinh tụng ca, Hội Thánh ca tụng Thiên Chúa Ba Ngôi, là mục tiêu của mọi chiêm ngưỡng Kitô giáo. Bởi vì Đức Kitô là con đường dẫn chúng ta đến Chúa Cha trong Chúa Thánh Thần.(x.Tông Thư Kinh Mân Côi,số 43).
Khi lần hạt, chúng ta đọc Kinh Lạy Cha, Kinh Kính Mừng và Kinh Sáng Danh. Đọc 1 kinh Lạy Cha, 10 kinh Kính Mừng, 1 kinh Sáng Danh, thì gẫm một mầu nhiệm. Chuỗi Mân Côi đan kết 20 biến cố cứu độ của Tin Mừng được chia làm 4 nhóm:
- Năm sự Vui: gồm 5 sự kiện trong cuộc đời thơ ấu của Đức Giêsu.
- Năm sự Sáng: gồm 5 sự kiện trong cuộc đời công khai của Đức Giêsu.
- Năm sự Thương: gồm 5 sự kiện trong cuộc thương khó của Đức Giêsu.
- Năm sự Mừng: gồm 5 sự kiện vinh quang.
20 mầu nhiệm ấy là những sự kiện cốt yếu trong Tin Mừng. Đó chính là bản tóm tắt cuộc đời của Chúa Giêsu Kitô và cũng là của Đức Maria. Sau khi đã chiêm ngắm những mầu nhiệm ấy, chúng ta còn cầu xin những ơn cần thiết để làm người và làm con Chúa cho xứng đáng.
20 mầu nhiệm kinh Mân Côi kết thành một chuỗi các biến cố cứu độ quan trọng trong Tin Mừng. Khi đọc kinh Mân Côi, cùng với Đức Maria, chúng ta tôn thờ Thiên Chúa Ba Ngôi. Như thế, Kinh Mân Côi là phương thế đưa chúng ta đến trung tâm điểm của phụng tự Kitô Giáo là tôn thờ, ca ngợi, khẩn cầu Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.
Ngày nay, Lời Chúa được nhấn mạnh rất nhiều và được đề cao đặc biệt trong đời sống tín hữu. Công đồng Vatican II canh tân phụng vụ, mong muốn lòng đạo đức Kitô hữu phải có một căn bản khách quan và vững vàng hơn. Căn bản đó là Kinh Thánh và Phụng Vụ (x. Hiến chế về Phụng vụ thánh, 24). Ngoài Thánh Lễ và Các Giờ Kinh Phụng Vụ, Chuỗi Mân Côi đáp ứng được những đòi hỏi này.Vì các kinh đọc trong Chuỗi Mân Côi, là những kinh lấy từ Kinh Thánh và Phụng Vụ. Còn các mầu nhiệm cũng có nội dung suy ngắm là cuộc đời Chúa Cứu Thế, rút ra từ các sách Tin Mừng (x. Tông huấn về Lòng tôn sùng Đức Trinh Nữ Maria, số 44).
Chuỗi Mân Côi là bản tóm tắt gọn gàng, dễ nhớ về những biến cố quan trọng trong cuộc đời Chúa Cứu Thế. Mân Côi là những bông hồng đẹp được tượng trưng bằng các kinh Kính Mừng để tôn vinh Người. Đức Mẹ đã có mặt trong cuộc đời Chúa Cứu Thế từ những giây phút đầu cho đến những giây phút cuối. 
Kinh Mân Côi là lời kinh phổ cập, đó là kinh nguyện của mọi tín hữu.Ai cũng đọc được, từ người trẻ cho đến người già, người thông thái cũng như người ít học, người giàu hay người nghèo, người khỏe mạnh cũng như người đau yếu, khi vui cũng như lúc buồn, khi làm việc cũng như lúc nghỉ ngơi. Kinh Mân Côi có thể đọc được ở bất cứ đâu hay trong hoàn cảnh nào, ở nhà thờ, ở nhà mình, ở ngoài đường, trong nơi yên lặng hay giữa chốn ồn ào náo động và nhất là đọc chung với nhau trong gia đình hay những khi có đông người công giáo họp nhau lại. Đọc Kinh Mân Côi với ý thức là mình đang làm một công việc có chất Tin Mừng, được Giáo Hội công nhận và nhiệt tình khuyến khích, một công việc thu tóm lại tất cả cuộc đời Chúa Cứu Thế.
Đức Giáo hoàng Phaolô VI khích lệ: “Bản chất việc đọc kinh Mân côi đòi hỏi nhịp điệu phải chậm rãi và có thời gian thư thả, để người ta có thời gian suy gẫm sâu xa về các mầu nhiệm cuộc đời Chúa Giêsu được nhìn qua Trái Tim của Đấng gần gũi nhất với Chúa”.Chuỗi Mân Côi nuôi dưỡng đời sống nội tâm phong phú. Chuỗi Mân Côi làm lòng người lắng dịu, thanh thản bình an để chiêm ngắm cuộc đời Chúa Giêsu và ca ngợi Mẹ Maria. Cầm Chuỗi Mân Côi trên tay, chúng ta sẽ thấy mình được tăng thêm nghị lực, sống vươn lên với niềm Tin, Cậy, Mến.Chuỗi Mân Côi mang đến vô vàn ơn phúc huyền diệu cho mỗi người, mỗi gia đình. 
Kinh Mân Côi là kinh hạt phổ quát cho hết mọi người, phổ cập cho mọi trình độ và phổ biến trong bất cứ hoàn cảnh nào.đức mẹ dạy trong sứ điệp fatima “Hãy siêng năng lần hạt Mân Côi”. Lần hạt mỗi ngày. Lần hạt một mình. Lần hạt chung với nhau trong gia đình. Không buộc phải đọc 50 Kinh Mân Côi một lần mà có thể đọc bao nhiêu tuỳ vào thời gian ta có. Ta cũng có thể vừa làm việc vừa đọc Kinh Mân Côi, không nhất thiết phải có tràng hạt trên tay. Ta cũng có thể thì thầm bất cứ lúc nào: khi chờ xe bên đường, lúc đi học, khi giải trí, khi đau bệnh…thay vì đưa mắt nhìn chung quanh, thay vì nghe những chuyện không đâu, ta cũng có thể lần hạt. Dù bận bịu đến đâu ta cũng có thể lần hạt. Đó là cách cầu nguyện mà triết gia Jacques Maritain gọi là “chiêm niệm bên vệ đường”. Kinh Mân Côi chính là người bạn chân tình, dễ tính, trung thành luôn sẵn sàng hiện diện mọi lúc, mọi nơi.
Nếu nhân đức là việc tốt lành được tập tành lập đi lập lại thành thói quen phản xạ tự nhiên, thì Kinh Mân Côi chính là một bửu bối không thể thiếu được cho người tu thân luyện đức theo gương Đức Mẹ và theo chân Chúa Giêsu từ Máng cỏ, ấp ủ qua Thập giá trui rèn, tới Nhà Tạm chiêm ngưỡng. Mỗi một mầu nhiệm xướng lên là một nhân đức khơi gợi, để theo lời kinh nhả nhẹ và dưới tác động của ơn thánh, lòng người được bớt bất xứng hơn, tạo điều kiện thuận lợi dần dần cho việc nên thánh.
Những nhà thông thái có sách vở chữ nghĩa, những nhà cai trị có sức mạnh quyền hành, những nhà tu trì có bầu khí ổn định làm phương tiện, còn người tín hữu là những nhà “tu hành” nghĩa là “tu thân bằng việc hành đạo”, thì Kinh Mân Côi chính là hành trang gọn nhẹ đeo cổ tay, giúp thánh hóa bản thân gia đình và xã hội. Theo nghĩa này, Kinh Mân Côi không khác gì điện thoại di động hòa đời ta vào mạng sự sống thiêng liêng.
Suốt tháng 10, mỗi lời Kinh Mân Côi là một đóa hoa hồng diễn tả tình yêu của đoàn con thảo dành cho Mẹ hiền. Qua Kinh Mân Côi, đoàn con thảo hiếu đọc đi đọc lại cả trăm cả ngàn lần kinh Kính Mừng, như trăm ngàn đóa hoa hồng dâng kính Mẹ từ ái. 
Chất lượng kinh nguyện của từng gia đình tỷ lệ thuận với đời sống hạnh phúc. Mẹ thánh Têrêxa Calcutta đã từng nhắn nhủ: “Chúng ta hãy thương yêu nhau như Thiên Chúa đã yêu thương mỗi một người chúng ta. Mà tình yêu này được bắt đầu ở đâu? Ở ngay gia đình của chúng ta. Nó được bắt đầu ra sao? Ở việc gia đình cùng nhau cầu nguyện”.
Chuỗi Kinh Mân Côi được xem như là bản tóm lược Tin Mừng, vậy chúng ta sẽ thấy lời nhắc nhở của thánh Phaolô thật quan trọng: “Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng!” (1Cr 9,16). Ước chi, lời Kinh Mân Côi không chỉ là bí quyết đem lại hạnh phúc cho mỗi gia đình mà còn là một sứ điệp mang Tin Mừng cho nhân loại.
Theo lời mời gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô, chúng ta quyết tâm sống theo lời Mẹ trong dịp hiện ra lần cuối tại Fatima là “Hãy siêng năng lần hạt”. “Ai mến Mẹ thì yêu thích chuỗi Mân Côi. Bởi vì chỉ có người yêu mới lặp lại một chuyện, một lời mà không biết nhàm chán” (Đường Hy vọng số 947).
Theo lời mời gọi của Đức cha Giuse, Giám mục Giáo phận Phan thiết, trong thư Mục vụ tháng 10/2021 “Với sự giãn cách xã hội trong tháng Mười này, tôi mời gọi anh em chị em hãy cầu nguyện chung trong gia đình bằng chuỗi Mân côi cho việc truyền giáo. Chính Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã khẳng định: ‘Kinh Mân Côi vẫn còn giữ nguyên sức mạnh và vẫn tiếp tục là một nguồn mạch mục vụ có giá trị cho bất cứ một người loan báo Tin Mừng tốt lành nào’ (Tông thư Kinh Mân Côi, số 17), mỗi gia đình hãy sốt sắng lần Chuỗi Mân Côi.
Lạy Mẹ Maria, xin Mẹ giúp chúng con siêng năng lần hạt Mân Côi trong mỗi ngày sống, nhờ đó chúng con được hiệp thông nối kết với nhau và cầu nguyện cho nhau. Amen.
Lm Giuse Nguyễn Hữu An 

================= 
Suy niệm 3
KINH KÍNH MỪNG, LỜI KINH MẸ DẠY TRONG CƠN NGUY KHỐN

(Lc 1, 26-38)

Maria Mẹ được đầy ơn phúc, Mẹ cũng muốn cho con cái mình hạnh phúc, vì mẹ nào mẹ chẳng thương con, nên khi con cái lầm đường lạc lối, xa lầy trong tội, Mẹ đã mở rộng vòng tay dẫn lỗi chỉ đường cho con người đạt tới hạnh phúc, với lời nhắn nhủ: “Hãy ăn năn đền tội, hãy năng Lần Hạt Mân Côi”.
1. Kinh Kính Mừng
“Kính mừng Maria đầy ơn phúc”
Đó là câu đầu tiên trong Kinh Kính Mừng chúng ta vẫn thường xuyên đọc nhất là trong tháng Mười. Nhưng nguồn gốc của lời Kinh này phát xuất từ miệng sứ thần Gabriel khi chào kính Đức Maria lúc truyền tin (Lc1,28). Đức Maria là Đấng đầy ơn phúc như lời sứ thần nói, vì có Thiên Chúa ở cùng. Phúc của Mẹ thật cao với khôn sánh, lời bà Ê-li-sa-bet xác nhận: “Em thật có phúc hơn mọi người nữ, vì Đấng em cưu mang thật diễm phúc“. Ai có Thiên Chúa ở cùng, người ấy được đầy ơn phúc. Đức Maria là người diễm phúc không chỉ Mẹ có Thiên Chúa ở cùng, mà Mẹ còn cưu mang Thiên Chúa ngay trong lòng mình nữa.
Những lời của sứ thần Gabriel và của bà Ê-li-sa-bet trên đây đã được Giáo hội dùng để chúc tụng ngợi khen Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa và là Mẹ chúng ta. Đồng thời Giáo hội thêm vào đó lời cầu khẩn Mẹ thương nâng đỡ phù trì “Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời… và trong giờ lâm tử“.
Phụng vụ mừng lễ Mẹ Mân Côi hôm nay, dựa trên trang Tin Mừng (Lc 1,26-38) lại dìu ta về với “Đức Maria đầy ơn phúc”. Mẹ có phúc trước hết là vì Mẹ có Thiên Chúa ở cùng, và Con lòng Mẹ gồm phúc lạ. Thế nên Giáo hội không ngớt lời lặp đi lặp lại danh xưng hạnh phúc này: “Kính mừng Maria đầy ơn phúc” để tôn vinh Mẹ Maria. Đức Maria là người hạnh phúc vì Mẹ đã đón nhận hồng phúc, được tuyển chọn để cưu mang, sinh hạ, nuôi dưỡng và làm Mẹ Đấng Cứu Thế, là Mẹ Thiên Chúa. Nếu yêu và được yêu là những điều hạnh phúc nhất trong đời, thì Đức Maria cũng rất hạnh phúc khi được Thiên Chúa yêu thương tuyển chọn và chính Mẹ cũng biết dành trọn vẹn tình yêu thương của mình cho Thiên Chúa.
Mẹ được đầy ơn phúc, Mẹ cũng muốn cho con cái mình hạnh phúc, vì mẹ nào mẹ chẳng thương con. Nên khi con cái lầm đường lạc lối, sa lầy trong tội, Mẹ đã mở rộng vòng tay, dẫn lối chỉ đường cho con người đạt tới hạnh phúc với lời nhắn nhủ: “Hãy ăn năn đền tội, hãy năng lần hạt Mân Côi“. Làm theo lời dặn dò của Mẹ, Hội Thánh đã thoát nhiều cơn giông tố hiểm nguy xác hồn, phá tan được bao bè rối, mang lại bình an trong tâm hồn.
2. Những ơn phúc bởi đọc Kinh Kính Mừng
Chính Mẹ đã dạy chân phước Alanô: “Bất cứ ai trung thành đọc Kinh Mân Côi và suy ngắm những Mầu Nhiệm sẽ được ân thưởng. Mẹ sẽ xin cho họ được tha mọi hình phạt và mọi tội lỗi trong giờ họ chết“. Thánh Bênađô nói: “Kinh Kính Mừng làm cho Quỉ Dữ trốn chạy, Hỏa Ngục run sợ“.
Còn thánh Bônaventura nói: “Mẹ Maria chúc phúc cho những ai đọc Kinh Kính Mừng”.
Theo thánh Montfort “Những người rối đạo, những người vô tín ngưỡng, những người kiêu căng chê ghét hay khinh thị Kinh Kính Mừng, là những người có dấu bị trầm luân Hỏa Ngục. Không có gì có hiệu lực được lên Nước Thiên Chúa bằng đọc Kinh Mân Côi”.
Thánh Anphongsô: “Nhờ Kinh Mân Côi, biết bao tội nhân bỏ đường tội lỗi, bao linh hồn đã tiến cao trên đường trọn lành. Biết bao người được ơn chết lành và hưởng phúc Thiên đàng“.
Kinh Mân côi là kinh chính Đức Trinh Nữ đã khuyến khích khi hiện ra với Cô Bernardette ở Lộ đức (1858) cũng như trong các lần hiện ra với ba em mục đồng Lucia, Phanxicô và Giaxinta 6 lần từ 13 tháng 5 tới 13 tháng 10 năm 1917. Cả 6 lần Đức-Mẹ đều thúc dục: “Các con hãy tiếp tục đọc Kinh Mân Côi hằng ngày“. Và nhất là: “Các con hãy đọc kinh Mân côi để cầu nguyện cho hòa bình thế giới”. Chẳng nói đâu xa, ngay tại Lavang, Đức Mẹ cũng đã hiện ra để dạy các tín hữu đọc Kinh Kính Mừng, để cầu nguyện trong cơn nguy khốn, bách hại.
3. Lời kinh Mẹ dạy cầu trong cơn nguy khốn
Chúng ta đang sống trong một thế giới đầy những căng thẳng, càng ngày càng gia tăng, nhất là trong thời đại dịch này. Chẳng những Đức Giáo hoàng Phanxicô, vị cha chung của chúng ta, mà còn cả các giám mục, linh mục, tu sĩ nam nữ, giáo dân khắp đó đây trên toàn thế giới đều hưởng ứng và có những sáng kiến chung lời nguyện cầu bằng Kinh Kính Mừng, với ước nguyện làm theo lời Mẹ dạy để cho thế giới sớm được hòa bình, nhất là đẩy lùi dịch bệnh càng sớm càng tốt. Trước tình hình thế giới hiện nay, chỉ biết chạy đến với Thiên Chúa, để khẩn xin hòa bình cho thế giới và đại dịch sớm được đẩy lui. Việc làm trong tháng này là hãy tích cực và gia tăng lần hạt Mân Côi, như Giáo hội vẫn thường làm trong các cơn túng cực. Vì chỉ có lời cầu nguyện mới vượt qua được các biên giới các quốc gia và các ngăn cách của thù ghét cũng như không hiểu nhau, mới đem lại bình an cho nhân loại. Chúng ta hướng về Đức Maria, Nữ vương hòa bình, Mẹ chỉ bảo đàng lành, Mẹ cứu giúp trong những cơn nguy khốn và khẳng định rằng, nơi nào thiếu hòa bình, nơi nào con người tỏ ra bất lực hay không muốn dẹp đi mầm mống thù ghét và chết chóc, thì việc trợ giúp phải đến từ Trời cao. Chính Đức Maria, Nữ vương hòa bình, Đấng đem chúng ta trở lại với Chúa Cha.
Trước những thế lực mạnh hơn, chúng ta thường cảm thấy bất lực, bất lực trước cả con virus vô hình. Khi nghĩ đến sức mạnh của những thế lực trên trái đất này định đoạt số phận của nhân loại, chúng ta cảm thấy bị giới hạn và bất lực, chúng ta chỉ biết tin tưởng vào lời cầu nguyện mà thôi, chúng ta tin cậy vào một sức mạnh lớn hơn, là Thiên Chúa. Đức Maria, như gương mẫu của sự phó thác hoàn toàn cho thánh ý Chúa. Và với tình mẫu tử, Mẹ sẽ dẫn đưa chúng ta đến với Chúa Kitô, theo dõi chúng ta trên đường đến với Chúa Cha, Đấng có thể cải hóa và làm cho các tâm hồn con người tùng phục thánh ý của Người.
Vậy Kinh Kính Mừng càng có lý do hơn nữa để xúc tiến hòa bình, một hoà bình cho tới nay vẫn chưa trở lại, một cơn đại dịch vẫn chưa chấm dứt. Với lời Mẹ Maria dạy và kinh nghiệm của các thánh về ơn phúc bởi đọc Kinh Kính Mừng, chúng ta hãy sốt sáng đọc kinh Mân Côi, để cầu nguyện cho bản thân, cho gia đình, cho Giáo hội, cho quê hương và cho toàn thế giới.
Nữ Vương truyền phép Rất Thánh Mân Côi, cầu cho chúng con.
Nữ Vương ban sự bình an, cầu cho chúng con. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

================= 
Chúa nhật 27 Thường niên B
Suy niệm 1
Luật nào?
Mc 10, 2-16
 
Bình đẳng trước Luật. Vào thời Chúa Giê-su, các chuyên gia luật Do-thái thường tranh luận với nhau về luật, trong đó có luật hôn nhân. Họ có một điểm chung: là làm sao để ly dị vợ khi vợ không còn hợp với chồng nữa. Vậy luật Môi-sê cho phép ly dị vì lý do gì? 
- Một số chuyên gia luật Do-thái cho rằng: người vợ phải đáp ứng mong muốn của chồng bằng mọi cách, ngay cả việc nấu ăn kém có thể đủ lý do bị chồng ly dị. 
- Một số khác lại nói: người vợ chắc hẳn đã phạm một hành vi nghiêm trọng như ngoại tình.
- Và số chuyên gia còn lại cho rằng: đành phải chịu sự bất toàn của người vợ!
Sách Xuất Hành viết: “Ngươi không được ham muốn nhà người ta, ngươi không được ham muốn vợ người ta, tôi tớ nam nữ, con bò con lừa, hay bất cứ vật gì của người ta”. Câu nói này muốn nói lên rằng người vợ như là tài sản của người chồng giống như ngôi nhà, con lừa hoặc con bò của người chồng. Dù thế nào thì người chồng vẫn là chủ. Người vợ không được ly dị chồng!  Cụ thể, đối với những người Pha-ri-siêu trong bài Tin Mừng hôm nay chất vấn Chúa Giê-su về việc ly dị, không đề cập đến chuyện người vợ ly dị chồng, bất kể hành vi của chồng là thế nào đối với vợ.
Vì thế, Chúa Giêsu công bố luôn: "Ai rẫy vợ mà cưới vợ khác là phạm tội ngoại tình đối với vợ mình; và ai bỏ chồng để lấy chồng khác, thì cũng phạm tội ngoại tình”. Chúa Giêsu buộc tôi ngoại tình cho cả vợ lẫn chồng, nếu vợ chồng ly dị nhau mà lấy chồng hoặc lấy vợ khác. Chúa Giê-su khuyến cáo họ phải bình đẳng trước luật pháp, bình đẳng với con người
- Chồng không phải là ông chủ của vợ mà là bạn đời và là đối tác của vợ.
- Vợ không còn là vật hay nô lệ của chồng.
Luật Tình Yêu. "Có được phép ly dị vợ mình không?". "Môi-sê cho phép làm giấy ly dị và cho ly dị…Chính vì sự cứng lòng của các ông, mà Môi-sê đã viết ra điều luật đó. Nhưng lúc khởi đầu cuộc sáng tạo, Thiên Chúa đã dựng nên một người nam và một người nữ. Họ không còn là hai, mà là một. Vì vậy, những gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân rẽ”.
Những người Pha-ri-siêu gài bẫy Chúa Giê-su bằng cách đặt ngay mối quan hệ của một cặp vợ chồng ở mức độ luật pháp. Chúa Giêsu không thể bị đánh lừa, Ngài buộc họ phải đi đến những gì có trước luật:
- Nếu một người nam và một người nữ thực sự yêu nhau, họ sẽ không nghĩ đến chuyện ly dị.
- Luật tình yêu là tìm kiếm hạnh phúc. 
Nhưng tiếc là cả chồng lẫn vợ đều có thể cứng lòng. Luật không thiết lập lại tình yêu, nhưng có thể hạn chế thiệt hại do sự không chung thủy của chồng hay vợ, hoặc cả hai gây nên. Chúa Giê-su không phủ nhận tầm quan trọng của luật hôn nhân, mà Ngài nói thêm để kiện toàn… Ngài nhắc lại luật hôn nhân từ thuở ban đầu được Thiên Chúa ban ra: “Sự gì Thiên Chúa liên kết, loài người không được phân ly”. Ngài không phủ nhận con người cứng lòng, một người chồng có thể ly dị vợ. Ngài muốn luật không xóa bỏ mối tương quan đôi bên. Khi ly dị, cả hai đều mắc tội không chung thủy. Luật do Chúa Giê-su đưa ra không thể khôi phục tình yêu khi người ta không còn yêu nhau nữa, nhưng khôi phục sự bình đẳng giữa các đối tác, tuân theo cùng một luật.
Luật vì tình yêu hay tình yêu vì luật? Trong tình yêu, luật là vô ích. Luật còn có nguy cơ kiềm chế tình yêu. Biết bao nhiêu cặp đôi ở với nhau một cách miễn cưỡng, vì đó là luật! Không còn tình yêu nữa: chiếc lồng trống rỗng, chim đã bay đi, chỉ còn lại song sắt, không còn hy vọng được tái sinh trước sự dịu dàng của người khác.
Mọi thứ đều có thể đối với những người yêu nhau. Mọi thứ đều không có thể, nếu họ không còn yêu nhau nữa. Trong tình yêu, luật là vô ích. Không có luật nào giữ được, khi tình yêu không còn. Tất cả các luật, dân sự hay tôn giáo, chỉ được thiết lập để hạn chế thiệt hại, vì sự cứng cỏi của con tim chúng ta. Luật Giáo Hội cấm ly hôn có thể giúp củng cố tình yêu khi lâm nguy. Nhưng chỉ tuân giữ luật, cũng có thể giết chết tình yêu. Và mỗi người nam hay người nữ sống đời sống vợ chồng trước hết đều được Chúa Giê-su mời gọi điều gì thúc đẩy họ sống với nhau: luật vì tình yêu hay tình yêu vì luật?
Đối với nhiều đôi hôn nhân Công giáo, họ đều là những người tin. Họ kết hôn với nhau theo luật Giáo Hội. Họ hứa sẽ trung thủy trọn đời với nhau. Tuy nhiên, năm tháng trôi qua, vì những nguyên nhân nào đó, đã xảy ra tình trạng ly dị, thí dụ:
Trường hợp thứ nhất:
- Người chồng tuyên bố với vợ rằng: “Anh không yêu em nữa. Anh lầm khi cưới em và anh khám phá ra tình yêu đích thực với một người phụ nữ khác. Anh muốn ly hôn”. 
- Người vợ trả lời: “Anh không có quyền như vậy vì Giáo Hội cấm ly hôn”. Nhưng vì cứng lòng, người chồng vẫn quyết định ly hôn theo dân sự. Còn người vợ vì phải ép ly hôn dân sự, nhưng không bao giờ tái hôn vì trung thành tuân giữ luật Giáo Hội.
Trường hợp thứ hai: Cả hai vợ chồng đều là người tin Chúa và đã kết hôn theo luật Giáo Hội. Vài năm sau khi cưới:
- Người vợ tuyên bố với chồng rằng: “Em thực sự không yêu anh nữa, và em đã tìm thấy tình yêu tuyệt vời với một người đàn ông khác”
- Đó là một đòn rất mạnh đánh vào người chồng, vì anh thực sự yêu vợ. Dù rất khổ tâm, nhưng anh nói với vợ: “Anh rất yêu em, nhưng nếu em hạnh phúc hơn khi ở với người khác, em cứ đi”! Anh cho qua cả luật Giáo hội cấm ly dị. Hạnh phúc của riêng em quan trọng đối với em hơn đối là với hạnh phúc của anh”. Và họ ly dị với sự đồng ý của hai bên. Một thời gian sau, cả hai cũng kết hôn với người chồng và người vợ khác.
Như vậy, đôi vợ chồng trước, chỉ người vợ còn giữ luật Giáo Hội, và đôi vợ chồng sau, sau khi cân nhắc, thì cả  hai vợ chồng đều lỗi luật…Mục vụ hôn nhân gia đình hiện nay rất khó có thể giải quyết được những vấn đề như thế. Chúng ta hãy khiêm nhường thưa với Chúa rằng: “Lạy Chúa, đối với các đôi hôn nhân, Chúa đã dạy: sự gì Chúa liên kết, loài người không được phân ly, và Chúa còn dạy tất cả chúng con hãy yêu thương cả kẻ thù. Chúng con cảm thấy quá khó! Tuy nhiên, Chúa không thách đố chúng con. Vâng, nhưng xin Chúa cho chúng con vay mượn Tình Yêu của Chúa. Amen”!
Linh mục Gioan Đặng Văn Nghĩa
================= 
Suy niệm 2
Mc 10, 2 – 16
Qua bài Tin Mừng hôm nay, Chúa cho chúng ta hai bài học. Bài học một là vấn đề ly dị. Ly dị là một vấn đề lớn của xã hội loài người.
  • Mô sê cho phép ly dị.
  • Đức Giê su tuyên bố thẳng thừng: “Điều gì Thiên Chúa nối kết, thì con người không được phân ly.” Ngài còn giải thích thêm rằng: Ly dị rồi tái hôn là ngoại tình.
  • Các nhà lập luật trên thế giới ngày nay đều tuyên bố: “Cho ly dị, nhưng đừng ly dị. Ly dị là thảm họa của xã hội.”
  • Interpol, Cảnh Sát Quốc Tế khẳng định rằng: “Các thiếu niên phạm pháp hầu hết là con của gia đình ly dị, hoặc gia đình bất hạnh.”
  • Bà Pearl Buck, một nhà văn được lãnh giải Nobel văn chương, đã ly dị một lần. Bà hối hận và khuyên đừng ly dị. Bà còn khẳng định rằng ai ly dị một lần thì tạm tha thứ. Ai ly dị tới lần thứ hai, thứ ba… thì là người không đủ khả năng để lập hôn ước.
  • Số gia đình ly dị đang gia tăng trên thế giới. Tại London số gia đình ly dị đã lên tới 60%. Đáng buồn và đáng lo vô cùng.
Ly dị là chống lại Thiên Chúa. Ly dị là thảm họa của xã hội. Đó là điều mà chúng ta phải hết sức quan tâm. Điều phải làm ngay tức khắc là phải đề cao môn giáo lý hôn nhân. Phải ý thức ngay từ đầu rằng: Hôn nhân một vợ chồng và chung thủy cho đến chết. Là ý Chúa an bài từ khi sáng tạo loài người. Sau đó là phải hiểu tâm lý của nam nữ, của từng lứa tuổi và phải thấy rằng: Hôn nhân là bản thiết kế của Chúa khi ngài sáng tạo loài người. Vợ chồng hiểu ý Chúa trong công trình sáng tạo thì mới yêu thương nhau và hạnh phúc bên nhau; đồng thời sẽ cộng tác với Chúa trong công trình sinh sản và giáo dục con cái.
Sau bài giáo huấn về gia đình đơn nhất tính, Chúa lại cho chúng ta bài học hai, đó là yêu thương trẻ em và sống theo gương của trẻ em.
Hôm ấy sau một chuyến truyền giáo mệt mỏi, đang cần nghỉ xả hơi, thì các bà mẹ đua nhau bồng con đến để xin Chúa chúc lành. Các Tông đồ nặng lời mắng mỏ các bà mẹ và không cho họ quấy rầy Chúa. Chúa bực mình với thái độ ấy của các Tông đồ. Ngài âm yếm ôm các bé vào lòng, quên cả nhu cầu tắm rửa và xả hơi. Ngài tuyên bố trẻ thơ là mẫu người xứng đáng đi vào Nước Trời. Ngài yêu cầu người lớn phải bắt chước trẻ thơ, chứ không phải là trẻ thơ phải bắt chước người lớn. Tại sao vậy? Có thể nói Đức Giê su là người duy nhất dạy người lớn phải sống như trẻ thơ. Trong khi đó loài người chúng ta luôn luôn dạy trẻ em sống theo gương các vĩ nhân, các anh hùng thế giới. Điều mà Đức Giê su đề cao trẻ em đó là lòng chân thành, không thủ đoạn, không gian dối, không hống hách. Trẻ em cười hay khóc thì đúng với lòng của các em. Còn người lớn cười thì có thể là cười trừ, hoặc là cười mỉa, chứ không phải cười là để biểu lộ niềm vui trong lòng. Khi người lớn khóc với làn nước mắt ràn rụa, thì có thể chỉ là khóc giả, nước mắt ấy được đời gọi là “Nước mắt cá sấu”.
Đó là cái tâm của Chúa, chúng ta cần ngẫm nghĩ, cần học hỏi và thực hành. Chân thành như trẻ thơ, đó là tâm, đó là ý của Chúa. Chúng ta phải yêu sự chân thành giống như Chúa ôm các bé thơ trong vòng tay thánh.
Linh mục Piô Ngô Phúc Hậu

================= 
Suy niệm 3
TRÊN CẢ ‘SỢI TƠ HỒNG’

Mon-ta-nhơ (Montaigne) đã trình bày hôn nhân tựa như một chiếc lồng sơn son thiếp vàng: những con chim ở ngoài khao khát được vào, còn những con ở trong thì lại làm hết cách để thoát ra. Tương tự, tục ngữ- ca dao Việt Nam cũng có câu: “Cá trong lờ đỏ hoe con mắt. Cá ngoài lờ ngúc ngoắc muốn vô”.
Chắc hẳn nhiều người trong chúng ta đã từng xem qua bộ phim “Chúng tôi muốn ly hôn”, và một bộ phim khác mang tựa đề ngược lại “Đừng chia tay người mình yêu”? Đặc biệt các bạn trẻ có thể quá quen thuộc với nội dung những thước phim này bàn đến vấn đề gì. Thật ra, trong đó phát hoạ bức tranh của thực trạng ly hôn ngày nay, nêu lên những lý do khiến các đôi vợ chồng chẳng phải dắt dìu nhau đi trên con đường trải đầy hoa hồng thời còn yêu nhau, mà dìu dắt nhau ra toà để kết thúc cuộc tình lãng mạn đẹp đẽ, chấm dứt đời sống hôn nhân-gia đình, có đoạn: Thẩm phán quan toà hỏi:
– Tại sao chị xin ly dị? Người vợ liền trả lời: “Tại vì ông ấy ngáy to quá, không để cho tôi ngủ”. Một bà vợ khác nêu lý do: “Do ông ấy hôi mùi thuốc lá quá, tôi không chịu được”…
Và cứ thế mỗi người đều có lý do này lý do nọ, để bỏ nhau một cách dễ dàng, nếu như được phép ly dị!
Khi mới quen nhau, tình yêu thuở ban đầu luôn đẹp đẽ, trong sáng như hình ảnh A-đam thoạt nhìn E-và, thốt lên: “Đây xương bởi xương tôi và thịt bởi thịt tôi” (St 2, 23). Tình yêu khiến ông nhận ra bà là một phần không thiếu của mình. Tình yêu gắn kết ông bà tổ phụ loài người nên “một xương một thịt” (x. St 2, 24). Chẳng phải xa lạ, chẳng cần cách biệt, mà E-và chính là “thân thể” của A-đam, “người này sẽ được gọi là người nữ, vì bởi người nam mà ra” (St 2, 23). Không vì thế, mà người nữ bị xem thấp kém, phụ phần của người nam; đúng hơn, là người đồng hành, người cộng tác và hỗ trợ suốt cuộc đời này.
Hơn nữa, tình yêu thuở ban đầu này cần được hun đúc, sưởi ấm hằng ngày trong đời sống hôn nhân - gia đình. Ở bậc sống nào cũng có niềm vui, nỗi buồn và những thách đố riêng. Đặc biệt, trong đời sống hôn nhân biết bao nhiêu thăng trầm sóng gió, nhưng cũng không thiếu nhiều tiếng cười giòn tan bên nhau, khi chứng kiến tiếng trẻ thơ chào đời, nhìn nó lớn lên mỗi ngày. Theo lẽ thường tình, cuộc sống vợ chồng không thể tránh khỏi những sự bất hoà, hiểu nhầm, hoặc chưa hiểu nhau, nhưng dù gì đi nữa, người bạn đời luôn bên cạnh sớt chia, cảm thông,  rộng lượng như còn thuở mới quen: “Hôm nay sum họp trúc mai. Tình chung một khắc, nghĩa dài trăm năm”, hay đã về chung sống với nhau: “Cây đa lá rụng đầu đình. Bao nhiêu lá rụng thương mình bấy nhiêu”, hoặc “Qua đồng ghé nón thăm chồng. Đồng bao nhiêu lúa, thương chồng bấy nhiêu”. Trên hết, Thiên Chúa là Đấng kết hợp người nam và người nữ, nên hôn nhân chính là thiên luật (luật của Thiên Chúa), chứ không phải luật do Giáo hội soạn ra (Giáo luật). Chính vì thế, hôn nhân Công giáo là đơn hôn và vĩnh hôn: “Lúc khởi đầu cuộc sáng tạo: Thiên Chúa đã dựng nên một người nam và một người nữ. Bởi đó người nam sẽ lìa cha mẹ để gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ nên một huyết nhục. Vậy sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân ly” (Mc 10, 6-9). Hơn cả ‘ông tơ bà nguyệt’ se duyên ‘sợi dây tơ hồng’, mà chính Thiên Chúa kết hiệp người nam và người nữ, để họ trở nên một thân thể trong “giao ước tình yêu”. Điều này minh chứng việc ly hôn cũng đồng nghĩa với sự bất trung với hôn ước, và bất tuân thánh ý Chúa.
Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay, bên canh rất nhiều đôi vợ chồng bước đi bên nhau hạnh phúc trong đời, thì không ít những bước chân dẫm đạp lên đời nhau đến nỗi đau đớn. Bếp lửa gia đình đã tắt nhúm, lạnh tanh, cuộc vui đã tàn lụi chóng vánh, chặng đường chung tay không trọn vẹn như mơ ước chốn thiên đường hằng mong. Với biết bao thách đố trong đời sống hôn nhân - gia đình, chúng ta cùng quay về ‘cội rễ’ của thánh ý Chúa, chứ không chạy theo xu thế của xã hội, hay thói đời “lòng chai dạ đá” (x. Mc 10, 5) như Đức Giê-su chỉ ra trong đoạn Tin Mừng hôm nay. Quả thật, để hâm nóng tình yêu thuở ban đầu, đôi vợ chồng cần được thánh hoá hằng ngày qua kinh nguyện, qua đời sống yêu thương, tha thứ, nhẫn nại, đón nhận nhau và dám thay đổi nết xấu của bản thân vì người mình yêu. Hơn thế, tác giả thư Do Thái khẳng định: “Đấng thánh hoá là Đức Giê-su, và những người được thánh hoá đều do một nguồn gốc” (Dt 2, 11). Vì vậy, chúng ta cần chạy đến với Đức Giê-su hằng ngày trong giờ cầu nguyện gia đình, tham gia vào các hội đoàn thăng tiến đời sống hôn nhân, v.v…như Thánh Giáo hoàng Gio-an Phao-lô II trong Tông huấn Gia đình số 59 đã viết: “Phẩm giá và trách nhiệm của gia đình Ki-tô hữu, xét như là một Hội thánh tại gia, chỉ có thể sống được với sự trợ giúp liên lỉ của Thiên Chúa, và sự trợ giúp này sẽ không bao giờ thiếu nếu người ta biết cầu nguyện khẩn xin với lòng tin cậy và khiêm tốn”.
Sau cùng, những ai đang sống trong bậc sống gia đình nên nhớ rằng mình không chỉ là vợ chồng thông thường như bao đôi vợ chồng ngoài xã hội kia, mà là cặp đôi được Thiên Chúa kết hiệp nên một trong Bí tích hôn phối, qua ‘giao ước tình yêu’, là đôi vợ chồng Công giáo. Hơn nữa, cũng nên nhắc nhở mình hằng ngày: chúng ta không đơn thuần là ông bố bà mẹ chung chung ngoài xã hội, mà là người bố người mẹ Công giáo, sống đạo giữa đời, luôn biết đặt Thiên Chúa làm trọng tâm đời mình và cuộc sống gia đình. Và như thế, mới mong sống hạnh phúc, cùng nhau vượt qua thách đố cuộc đời.
Lạy Chúa, xin gìn giữ chúng con
Luôn sống trọn vẹn với ơn gọi
Hôn nhân - gia đình và con cái
Hằng gắn kết, nhân ái không ngơi. Amen!


Lm. Xuân Hy Vọng

================= 
Suy niệm 4
Hôn nhân một vợ một chồng trong ý định của Thiên Chúa

(Mc 10,2-16)

Để con người hạnh phúc
Lần giở lại những chương đầu của sách Sáng Thế chúng ta sẽ khám phá ra ý định tuyệt vời của Thiên Chúa khi tạo dựng Evà cho Adong là để con người hạnh phúc. Thiên Chúa đã tạo dựng Adong, thấy Adong ở một mình không tốt. Thiên Chúa khiến cho Adong ngủ say, và khi ông đang ngủ, Ngài lấy một xương sườn của ông, và đắp thịt lại làm thành người đàn bà, rồi dẫn đến Adong, Adong thấy Evà, mắt ông sáng lên, tim ông thổn thức, lòng ông dâng trào hạnh phúc và ông kêu lên: “Wa, đây xương bởi xương tôi và thịt bởi thịt tôi” (x. St 2,18-23).
Adong và Evà được Thiên Chúa tạo dựng và thiết lập thành vợ thành chồng thật là đẹp. Đẹp về cách mai mối: Tạo dựng Evà xong, Thiên Chúa dẫn Evà đến mai mối với Adong. Chu đáo về cách chuẩn bị cho một gia đình mới: Thiên Chúa đã chuẩn bị cho ông bà cả một gia nghiệp, chim trời cá nước, thú vật ngoài đồng, ruộng vườn canh tác. Chính Thiên Chúa đứng ra tổ chức và cử hành hôn phối cho Adong và bà Evà. Có mặt trời chiếu sáng ban ngày, mặt trăng chiếu sang ban đêm, khách sạn với muôn triệu vì sao là những thứ Thiên Chúa đã chuẩn bị. Hôn lễ bắt đầu, Thiên Chúa dẫn Evà đến với Adong, Adong vui vẻ hạnh phúc không chỉ nhận Evà làm vợ mà còn nhận : Đây là xương tôi, đây là thịt tôi nữa (x. St 2,24). Nhận nhau xong rồi, Thiên Chúa tuyên phán : “Sự gì Thiên Chúa kết hợp loài người không được phân ly” (Mc 19,6). Hôn nhân một vợ một chồng trong ý định của Thiên Chúa thật tuyệt vời. Đúng là, đẹp thay của thủa ban đầu.
Sự cứng lòng của các ngươi
Tình yêu của Adong và Evà, tình vợ tình chồng dành cho nhau là một thứ tình phát xuất từ tình yêu Ba Ngôi Thiên Chúa. Thiên Chúa đã chia sẻ tình này cho con người. Ngài đã cho con người biết về dự án yêu thương này: “Chúng ta hãy tạo dựng con người giống hình ảnh chúng ta” (St 1,26). Do đó, khi đáp lại tiếng gọi con tim của nhau trong ơn gọi hôn nhân là con người chia sẻ thứ tình yêu cao cả của Thiên Chúa cho nhau. Luật một vợ một chồng không phải do con người đặt ra để áp đặt trên con người. Đây là luật của Thiên Chúa, mà những gì Thiên Chúa làm thì tốt đẹp, mang lại hạnh phúc cho mọi loài thụ tạo trong đó có con người.
Có không ít người trong cũng như ngoài Giáo Hội Công giáo cho rằng, Giáo Hội khe khắt, đòi hỏi, không bắt kịp trào lưu tư tưởng của con người thời đại. Họ đặt ra các vấn nạn: làm gì mà phải chung thủy? Tại sao phải sống chết với một người, nhất là người ấy gây sầu khổ cho mình? Thiên hạ ly dị đầy đường có chết chóc ai đâu? Tại sao mình lại không thử một lần để may ra đổi đời thay mệnh?
Đúng là tình trạng ly dị hiện nay không còn được coi là trọng tội đối với đời sống hôn nhân; nó đã được chấp thuận và hợp pháp hóa tại nhiều quốc gia trên thế giới. Nói như vậy không có nghĩa là luật “một vợ một chồng” trở nên lạc hậu và Thiên Chúa cũng đã lỗi thời! Điều mà Giáo Hội gọi là “Ơn Gọi Hôn Nhân”, chung thủy, một vợ, một chồng mới là cái làm cho đời sống hôn nhân trở nên hạnh phúc. Ly dị không phải là giải pháp cuối cùng và tốt nhất cho đời sống hôn nhân. Chính Chúa Giêsu đã xác định với những người Do Thái khi họ hỏi Người về vấn đề ly dị. Trước biện chứng của người biệt phái về việc Môisê cho phép làm giấy tờ ly dị và họ ly dị, Người đã trả lời: “…lúc khởi đầu cuộc sáng tạo, Thiên Chúa đã dựng nên một người nam và một người nữ. Bởi đó người nam sẽ lìa cha mẹ để luyến ái vợ mình, và hai người sẽ nên một huyết nhục. Như thế, họ không còn là hai mà là một huyết nhục. Vậy sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân rẽ” (Mc 10,…..). Môisê chỉ làm điều chẳng đừng mà Thiên Chúa làm ngơ cho phép xảy ra theo sự cứng lòng của con người. Tại sao vậy? Thưa: Vì Thiên Chúa muốn hạnh phúc cho con người.
Hôn nhân ngày hôm nay
Con người và thế giới hiện đại của chúng ta đang thay đổi nhanh chóng về nhiều mặt: văn hóa, xã hội, kỹ thuật, cũng như thông tin điện toán toàn cầu… Sự thay đổi ấy tác động trực tiếp đến lễ nghĩa gia phong, tôn giáo, nhất là các gia đình, đặc biết các cặp hôn nhân trẻ.
Hơn bao giờ hết, gia đình trên thế giới đang bị đe dọa đến tận nền tảng như: nạn ly dị lan tràn, chấp nhận sống chung mà không hôn phối, khước từ con cái hoặc hủy diệt con cái từ trong trứng nước. Kết hôn giữa người cùng giới tính, một số quốc gia chấp thuận.
Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô XVI nhận định rằng, việc hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới ở nhiều quốc gia là “sự bóp méo lương tâm” con người, là “mâu thuẫn với tất cả các nền văn hóa của nhân loại đã tiếp nối nhau cho đến nay, và do đó biểu thị một cuộc cách mạng văn hóa chống đối toàn bộ truyền thống của nhân loại cho đến tận ngày nay”. Để duy trì nòi giống phải là sự kết hợp giữa người nam và người nữ từ nguyên thủy cho đến hôm nay.
Đức Bênêđíctô XVI lưu ý rằng dường như ngày nay con người không còn tin tưởng vào việc sinh sản từ quan hệ luyến ái phu phụ “mà là lên kế hoạch và sản sinh ra con người một cách hợp lý”. Do đó, con người không còn là một ân sủng để đón nhận mà là “một sản phẩm do chúng ta lập kế hoạch”. Ngài đặt câu hỏi: Con người là ai? Liệu có một Đấng Sáng tạo hay không, và phải chăng tất cả chúng ta chỉ là những sản phẩm do chính con người sản xuất ra?
Là người tín hữu ai cũng biết: đơn hôn và vĩnh hôn là hai đặc tính trong hôn nhân Công giáo. Đơn hôn ; nghĩa là hôn nhân chỉ giữa một người nam và một người nữ. Vĩnh hôn; có nghĩa là đã kết hôn thành sự và đã hoàn hợp thì hai người bị ràng buộc, phải chung thuỷ với nhau với nhau cho đến chết. Đặc tính vĩnh hôn loại trừ ly dị. Giao ước Hôn nhân bắt đầu bằng lời hứa thuỷ chung cho đến chết. Một Giao ước mang tính Bí tích, lấy Chúa ra mà thề, lấy cộng đoàn Giáo hội ra để làm chứng.
Chúng ta hãy cầu xin cho các cặp hôn nhân ngày hôm nay trung thành với giao ước hôn nhân, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào hay gặp gian lao thử thách nào vẫn mãi mãi bền chặt, thủy chung và son sắt.  Amen.

Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ

Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log