Trong gần hai năm qua, virus Corona đã cho chúng ta thấy cuộc sống con người thực sự mong manh. Sống nay chết mai là sự kiện ai cũng có thể cảm nhận được rõ ràng mỗi khi làn sóng đại dịch tràn vào một quốc gia nào đó. Tại Việt Nam lúc này cũng thế, buồn là con số nhiễm bệnh và tử vong vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Trong bối cảnh này, chúng ta thử chiêm ngắm một cái chết được báo trước dành cho một con người mang tên: Giêsu. Điều thú vị là trong lời tiên đoán ấy, Đức Giêsu luôn diễn tả tình yêu.
Suốt ba năm bôn ba rao giảng Tin Mừng, các môn đệ được đức Giêsu 3 lần báo trước về cái chết của Ngài. Nếu số ba ám chỉ số nhiều, thì chắc là Ngài cũng thường xuyên nói đến biến cố trọng đại này. Biến cố khổ nạn và phục sinh này là tâm điểm của đạo Công giáo. Chúng ta luôn trung thành loan báo một Thiên Chúa làm người là Đức Giêsu Kitô, đã chết và đã sống lại để cứu độ con người.
Trong Tin mừng Chúa Nhật 25 hôm nay, chúng ta nghe lời loan báo lần thứ hai về cuộc thương khó và sự phục sinh của Đức Giêsu. Lời tiên báo này được đặt trong bối cảnh của lời giảng dạy chỉ dành cho các môn đệ. Đức Giêsu muốn họ không thể đi theo Chúa xa xa, nhưng là cần đến tận ngọn đồi Canvê. Để những ai theo Chúa trong đau khổ, thì cũng được ở với Người trong vinh quang. Nguyên văn lời loan báo sầu buồn này của thầy Giêsu: “Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và Người bị giết chết, rồi sau ba ngày Người sẽ sống lại.” Con Người chính là Đức Giêsu, một danh hiệu đã được nhắc đến nhiều trong Cựu Ước. Chẳng hạn từ lâu ngôn sứ Daniel trong một thị kiến đã thấy một nhân vật như một Con Người đang ngự giá mây trời mà đến. Người này được trao mọi quyền để xét xử trần gian. (x. Đn 7,13-14). Rồi trong bối cảnh này, Đức Giêsu dùng từ “Con Người” để nói về chính mình.
Trong lời tiên báo trên có hai phần quan trọng. Thứ nhất, Đức Giêsu phải chịu chết. Ngài không chết vì ốm đau bệnh tật hoặc tai nạn nào đó. Theo dữ kiện lịch sử, giới lãnh đạo Do Thái đã nộp thầy Giêsu cho tổng trấn Philatô. Ngài chịu nhiều khổ hình trước khi bị đóng đinh vào thập giá. Nơi đó, Ngài đã trao thần khí cho Thiên Chúa Cha. Theo ý nghĩa thần học, cái chết của đức Giêsu diễn tả tình yêu của Ngài đến tận cùng. Điều này được thánh Gioan diễn tả trong một câu: “Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13). Đức Giêsu đã chết vì con người, vì tội lỗi của mỗi người. Chính giá máu châu báu có sức lau sạch mọi tội lỗi của con người. Nhờ đó, mỗi người chúng ta có quyền hy vọng vào một tương lai phục sinh sau cái chết của mỗi người.
Thứ hai, vế sau của lời tiên báo ấy nói đến Tin Mừng Phục Sinh. Nếu thầy Giêsu chết mà không sống lại thì chẳng có đạo Công giáo. Hơn nữa, nếu Đức Giêsu không phục sinh, niềm tin của chúng ta vào Thiên Chúa cũng đổ sông đổ biển. “Nếu Đức Kitô đã không sống lại, thì đức tin của anh em ra vô ích.” (1 Cr 15,17). Nếu Đức Kitô không sống lại, chúng ta đúng là khờ khạo, nhẹ dạ để đi theo và tin vào Ngài! Lịch sử và kinh nghiệm của nhiều thế hệ cho thấy Đức Kitô đang sống động và hằng ở với con người cho đến tận thế. (Mt 28,20). Đó là chỗ dựa vững chắc cho mỗi người dựng xây tương lai đời mình trên đá tảng là Đức Giêsu. Được như thế, như lời Đức Giáo Hoàng: “Đức Kitô lấp đầy mọi sự bằng sự hiện diện vô hình của Người, và dù con đi bất cứ nơi nào, Người sẽ chờ đợi con ở đó. Bởi vì Người không những đã đến mà còn đang đến và sẽ tiếp tục đến mỗi ngày để mời con tiến bước đến một chân trời luôn luôn mới.” (Tông huấn Kitô Sống số 125).
Nếu có ai không hiểu lời tiên báo trên đây, xin cứ an tâm. Lý do là ngay cả các môn đệ cũng không hiểu, bởi thầy Giêsu lúc này đang nổi tiếng, lời giảng dạy của Ngài lan tỏa tình yêu đến cho muôn người. Suốt những năm tháng theo thầy Giêsu, họ thấy tình yêu bao la thầy trao ban cho mỗi người. Chẳng lẽ thầy lúc này muốn dùng chính cái chết để làm minh chứng cho tình yêu hùng hồn này. Vậy là họ sợ, nên không hỏi lại thầy xem ý nghĩa lời tiên báo ấy là gì?
Nếu đặt lời tiên báo này vào cả cuộc đời Đức Giêsu, chúng ta đã có câu trả lời: Đức Giêsu đã chết và đã sống lại. Ước sao đây cũng là nguồn hy vọng lớn lao cho mỗi người. Nhất là trong bối cảnh nguy hiểm của dịch bệnh, chúng ta biết mình đang tin vào ai: một Thiên Chúa trao ban sự sống của mình, vì tội lỗi của chúng ta và vì ơn cứu độ cho cả nhân loại. Đó là lời tuyên xưng đáng tự hào của chúng ta: “Người chịu khổ hình và mai táng. Ngày thứ ba, Người sống lại như lời Thánh Kinh.” Ước mong “biến cố Chúa Giêsu chết và sống lại trở thành tâm điểm của Kitô giáo. Đó là điểm tựa cho đức tin của ta, là đòn bảy mạnh mẽ cho tin tưởng vững chắc của ta, là luồng gió mạnh quét sạch mọi sợ hãi, và lưỡng lự, mọi hồ nghi và tính toán của loài người.” (Đức Bênêđictô XVI)
Lạy Chúa Giêsu phục sinh, đôi khi chúng con quên mất Ngài đã sống lại. Bỏ ngoài tai lời mời gọi: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng.” (Mt 11,28) Cứ tưởng Ngài đã chết, nên chúng con chẳng kiếm tìm; cứ tưởng Ngài là nhân vật một thời trong quá khứ, nên chúng con chẳng để tâm; cứ tưởng Ngài là Đấng phiền phức nên chúng con tránh xa, v.v. Nhưng chúng con đã lầm! Đức Kitô đang sống với chúng con, lúc này và ở đây! Amen.
Giuse Phạm Đình Ngọc SJ
Nguồn: dongten.net