Chúa nhật, 24/11/2024

Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật XXII Thường Niên B

Cập nhật lúc 09:34 26/08/2021
Suy niệm 1
Say mê giao ước
Mt 7, 1-8a, 14-15, 21-23
 
Thực hành đời sống đạo. Ngày nay, nhiều người đã được rửa tội không còn tham dự Thánh lễ nữa. Họ biện minh nói rằng: “Tôi là một tín hữu nhưng không thực hành. Thánh lễ, cầu nguyện và ăn chay, điều đó không có nghĩa lý gì cả! Điều quan trọng là đạo tại tâm, là tin vào Thiên Chúa, và vì thế không cần phải thực hành! Hơn nữa, đối với những người thực hành, chúng tôi biết họ; họ nghĩ rằng họ tốt hơn những người khác và, khi chúng tôi thấy những gì họ làm, họ thường là những kẻ đạo đức giả". Hoặc là trong thời kỳ cách ly xã hội do cơn đại dịch này, có thể có tín hữu nửa đùa nửa thật nói rằng: “May quá, vì dịch covid, không phải đến nhà thờ đọc kinh và tham dự thánh lễ”.
Bài Tin Mừng hôm nay kể lại: Những người biệt-phái và luật sỹ thắc mắc với nhau vì thấy vài môn đệ của Chúa Giêsu quên rửa tay trước khi ăn, bỏ bê việc tuân thủ luật lệ cổ xưa… Chúa Giêsu nói với họ: “Hỡi bọn giả hình, các ngươi gắn liến với nhiều thực hành theo truyền thống”... Nếu thế, phải chăng Chúa Giêsu không thích những người thực hành? Họ không phải là môn đệ và là bạn của Ngài sao? Và người ta có thể nghĩ rằng: Thật quá nhiều rắc rối để là một tín hữu tốt!
- Như vậy những lời trách móc mà Chúa Giêsu gửi đến những người thực hành, liệu họ có chống lại Ngài không? Vì Ngài cũng là một người thực hành, chăm chỉ đến hội đường, đến Đền Thờ vào các dịp lễ.
- Phải chăng Ngài đã không công bố: "Khốn cho kẻ hủy bỏ chỉ một dấu chấm, dấu phảy của Luật? 
- Chúa Giêsu cũng là một người thực hành tốt, một người tín hữu Do-thái tốt, trung thành với Lề Luật và truyền thống. Vậy tại sao những lời trách mắng gay gắt này lại chống đối những người đi cùng con đường với Ngài?
Truyền thống. Cần lưu ý, Chúa Giêsu nhắc lại rằng tất cả các việc thực hành tôn giáo do Thiên Chúa ban ra, đều được thực hiện trong một giới răn. Chúa Giêsu đòi buộc những người thực hành tự hỏi mình điều gì thúc đẩy họ hành động, phải chăng bao gồm cả các hành vi tôn giáo mà họ đặt ra? Những người Pha-ri-siêu trả lời: “Chúng tôi trung thành với truyền thống”. Nhưng, đối với Chúa Giêsu, truyền thống không có mục đích áp đặt các hành vi nghi lễ đối với con người. Trong truyền thống, điều đầu tiên đòi hỏi, không phải là những thực hành của con người mà là Giao ước của Thiên Chúa đối với con người.  Đó là điều mà những người Pha-ri-siêu quên và đó cũng là điều mà tất cả những người thực hành có nguy cơ quên.
Chúa Giêsu nhắc lại lời tiên tri Isaia nói về hạng người này: “Dân này kính Ta ngoài môi miệng, nhưng lòng chúng ở xa Ta. Họ sùng kính Ta cách giả dối, bởi vì họ dạy những giáo lý và luật lệ loài người”. Chúa Giêsu còn nói thêm: “Các ngươi bỏ qua các giới răn Thiên Chúa để nắm giữ tập tục con người”.
- Là môn đệ Chúa Giêsu Kitô, trước hết không phải là đặt ra các cử chỉ nghi lễ hoặc đạo đức, nhưng là tin rằng Giao ước mạnh hơn bất cứ điều gì, vì Giao ước không đến từ con người, nhưng từ Thiên Chúa. 
- Là môn đệ Chúa Giêsu Kitô, chính là sống tim kề tim với Thiên Chúa; đó là sống khi trái tim con người nhận được những khả năng tình yêu vô hạn; đó là tin rằng Thiên Chúa ban cho con người trái tim để yêu thương. “Tuy nhiên, các ngươi đã tự cắt đứt mình ra khỏi trái tim Thiên Chúa: trái tim của ngươi ở xa Ngài ! Vì vậy, giáo lý của các ngươi chỉ là lề luật của con người, không có điểm nào trong việc thờ phượng Thiên Chúa”… Nếu chúng ta khẳng định mình hành động nhân danh Thiên Chúa, mà lại quên tất cả Giao ước, thì những hành động đó chỉ là trống rỗng, và chúng ta cũng là những kẻ giả hình và cứng lòng.
Giao ước.Trái tim của những người Pha-ri-siêu khô cứng ngay cả khi họ nói về luật của Thiên Chúa. Họ nói về thực hành và truyền thống nhưng họ sử dụng để biện minh cho họ và xét đoán người khác. Họ buộc tội các môn đệ của Chúa Giêsu: “Tại sao môn đệ của ông không giữ tập tục của tiền nhân”? Như vậy, điều tồi tệ nhất có thể xảy ra, nếu các thực hành của họ che giấu tất cả các đổ vỡ về Giao ước: hạnh kiểm xấu, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, gian ác, lừa đảo, ghen tị, phỉ báng, kiêu ngạo và vô độ... Đó là những gì các việc thực hành của họ che giấu, khi không hướng tới niềm say mê Giao ước.
Các hành vi tôn giáo của chúng ta, việc tuân giữ luật lệ Giáo hội, luôn có nguy cơ chỉ là thực hành kiểu con người:
- Nếu không thực hành và tuân giữ lề luật vì niềm đam mê Giao ước, thì chỉ là biện minh cho điều tồi tệ nhất.
- Nếu thực hành những điều đó để xét đoán hành vi của người khác và cho rằng các tín hữu xấu là những người không thực hành tôn giáo nữa, thì cũng chỉ là biện minh cho điều tồi tệ nhất. 
Trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư ngày 18/8/2021, Đức Thánh Cha Phanxico tiếp tục loạt bài giáo lý về thư thánh Phaolô gửi tín hữu Galát, với đề tài “Vai trò giám hộ của Lề Luật”. Đức Thánh Cha nói rằng: “Chúng ta nên tự hỏi xem chúng ta có còn đang sống “dưới sự giam cầm của Lề Luật” hay chúng ta đã hiểu rằng, khi trở thành con cái Thiên Chúa, chúng ta được kêu gọi để sống trong tình yêu thương. Thánh Phaolô mời gọi tuân giữ Lề Luật như là một sự trợ giúp cho cuộc gặp gỡ Chúa Giêsu Kitô”.
Những ai biện minh dám nói rằng: Tin vào Thiên Chúa là đủ mà không cần phải thực hành bất cứ điều gì, vì họ nói rằng đạo tại tâm, thì cũng bị Chúa Giêsu khiển trách… Điều quan trọng là tin vào Thiên Chúa nào?
- Nếu tin vào Thiên Chúa là Thiên Chúa của giao ước, Thiên Chúa tình yêu, thì phải thực hành tình yêu như Ngài!
- Dù thực hành hay không thực hành, nếu xét đoán lẫn nhau, buộc tội lẫn nhau, thì cũng là những kẻ giả hình giống như người Do-thái xét đoán hành vi của các môn đệ. 
Tôn giáo mà Chúa Giê-su đề nghị không phải là giới hạn vào nghi thức bên ngoài, vào một thứ luân lý hoặc giáo lý nào. Tôn giáo của chúng ta là một tôn giáo được Thiên Chúa mặc khải nơi con người Đức Giêsu. Tất cả mọi lề luật dù lớn dù nhỏ chỉ có giá trị khi xuất phát từ tình yêu, đồng hành với tình yêu và kết thúc trong tình yêu…   
Cuộc chiến đấu của chúng ta chống lại sự ác cũng phải xuất phát từ con tim. Từ trong con tim ấy chúng ta gieo trồng sự bình đẳng, tình bằng hữu, sự nhẫn nại, lòng khiêm nhường, tình thương xót và tha thứ. Hãy hướng lòng về Chúa và cầu xin Người: Lạy Chúa, Chúa là ánh sáng. Chúa là Tình yêu. Hãy đặt Thần Khí tình yêu Chúa vào trong những tối tăm của chúng con. Amen.
Linh mục Gioan Đặng Văn Nghĩa
================
Suy niệm 2
Mc 7, 1 - 8. 14 - 15. 21 - 23
Mô sê dạy dân Do Thái phải rửa tay trước khi ngồi vào bàn ăn; nếu đi đâu về, thì phải tắm trước khi ăn. Các ông Phariseu và Kinh sư giữ luật này một cách cặn kẽ. Họ còn rửa bát đĩa cho sạch, rồi mới được đựng chứa đồ ăn.
Các môn đệ của Chúa thì có khi giữ luật ấy, có khi quên, hoặc cố tình bỏ luật ấy.
Đứng trên phương diện khoa học mà phê phán, thì nên khen các ông Kinh sư và biệt phái, vì họ giữ vệ sinh tốt, bảo vệ sức khỏe tốt. Sau khi khen các sư phụ ấy, thì nên khuyên các môn đệ của Chúa bắt chước các sư phụ để có sức khỏe tốt, để dẻo dai theo Chúa đi loan báo Tin Mừng mà không sợ bị ngã gục. Khuyên như thế thì tuyệt vời; còn lên án gắt gao như thế, để hạ uy tín của Chúa, thì là quá đáng.
Nhân dịp này, Đức Giê su đã mạnh mẽ lên tiếng để dạy một bài học quan trọng: dạy cho lãnh đạo Do Thái; dạy các môn đệ của Ngài và dạy mọi người hành trình trên dòng lịch sử từ hôm ấy cho đến hôm nay và cho đến muôn đời.
Để hiểu hết cả lời, ý và tâm của Chúa, chúng ta nên đọc thêm trình thuật của Máccô và của Mátthêu. Câu chuyện sẽ dài hơn và thấm thía hơn.
Trước mặt các ông Kinh sư và Biệt phái, Chúa dạy rằng: những gì từ bên ngoài ăn vào bụng không làm cho tâm hồn mắc uế; chỉ những gì trong tâm đi ra như trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác…mới làm cho con người mắc uế.
Sau câu chuyện ấy, Chúa trở về nhà. Bấy giờ các môn đệ hỏi: “Thưa Thầy chúng con không hiểu dụ ngôn ấy.” Chúa nặng lời với các ông: “Chúng con mà cũng tối dạ như vậy đó hả?” Sau đó Chúa dùng một hình ảnh thô thiển để giải thích: “Những gì từ bên ngoài vào trong con người, thì không thể làm cho con người ra ô uế, vì nó không đi vào lòng, mà chỉ đi vào bụng, rồi bị thải ra ngoài.” Có một số bản dịch nói là “lọt xuống hố xí cầu tiêu”. Lối nói thô thiển ấy làm nổi cái tâm của Chúa. Chúa bất bình với lối giữ đạo của các ông Kinh sư và Biệt phái. Họ chỉ chú tâm đến cái hình thức, tức là cái vỏ của luật đạo, mà bỏ qua cái ruột, tức là tinh thần của đạo. Đối với Chúa thì cái tinh thần mới là quan trọng. Nếu chỉ giữ đạo theo hình thức thì giống như cái hộp bánh thì đẹp quá, còn cái bánh bên trong thì mốc meo.
Khi các Tông đồ không hiểu lời giáo huấn này, Chúa mắng nặng lời là “tối dạ”. Đáng buồn là chính thánh Phê rô vẫn chưa hiểu bài giáo huấn này, khi ngài được cho thấy thị kiến “một bọc vải chứa đầy vật ô uế theo luật Mô sê”. Chúa bảo: “Hãy bắt lấy mà ăn”. Phê rô rùng mình trả lời: “Từ bé đến giờ, con chưa bao giờ bỏ những thứ ấy vào miệng.” Chúa nhắc lại giáo huấn xưa: “Điều gì Ta làm cho sạch, thì không ô uế nữa”. Như vậy có nghĩa là thánh Phê rô vẫn còn “tối dạ” trên đường loan báo Tin Mừng.
Thánh Gia cô bê cũng còn “tối dạ” khi tuyên bố: “Từ nay người ngoại trở lại, không phải chịu cắt bì và giữ luật Mô sê, nhưng không được ăn huyết tươi”. Chúa đã tuyên bố: “Mọi đồ ăn đều thanh hết”. Thế tại sao lại bắt các tân tòng gốc dân ngoại không được ăn huyết tươi?
Thánh Phê rô tối dạ. Thánh Gia cô bê cũng tối dạ. Còn chúng ta thì sao? Đó là điều chúng ta phải suy khi giữ luật mà không nắm được tinh thần của luật.
Linh mục Piô Ngô Phúc Hậu
================
Suy niệm 3
THỰC THI GIỚI RĂN VỚI CẢ LÒNG MẾN

Như chúng ta biết trong các sách Tin Mừng, Đức Giê-su luôn chỉ ra cách sống chu toàn lề luật và giới răn của Chúa như thế nào. Ngài đã nhiều lần đối diện với thói lệ luật, chủ trương giữ luật ở câu chữ, hay chủ nghĩa duy luật, v.v…của những người Biệt phái, những nhà thông luật. Cụ thể, Đức Giê-su từng khẳng định: “Nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pha-ri-siêu, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời” (x. Mt 5, 20).
Thật vậy, lề luật và huấn lệnh Chúa dạy bảo chúng ta trở nên thánh thiện và tự do, chứ không trói buộc và cướp mất sự tự do của mình. Nhiều anh chị học giáo lý hôn nhân, đôi khi nghĩ và nói: “Đời sống hôn nhân-gia đình thường hạn chế sự tự do của đôi vợ chồng trẻ!!!” Chắc hẳn, đôi vợ chồng trẻ này hay đôi nam nữ sắp bước vào bậc sống hôn nhân-gia đình này chưa sẵn sàng, và chưa thật sự tự do đến với nhau để cùng xây dựng gia đình; họ còn tính toán thiệt hơn, cũng như sợ mất những gì riêng tư! Để Lời Chúa hôm nay soi sáng, chúng ta cùng nhau suy gẫm đôi điều.
Trước hết, việc tuân giữ và thực hành giới răn Chúa với cả lòng mến không đơn thuần là hành động phòng tránh để khỏi sa vào những gì xấu xa, tội lỗi, mà đó còn là sự khôn ngoan và sáng suốt của dân Chúa. Sách Đệ Nhị Luật thuật lại biến cố ông Mô-sê truyền lại cho dân Is-ra-el: “Hỡi Is-ra-el, giờ đây hãy nghe các lề luật và huấn lệnh mà ta dạy bảo các người phải thực hành…hãy tuân giữ các giới răn của Chúa là Thiên Chúa các ngươi” (Đnl 4, 1-2). Vì được lãnh nhận từ Chúa, nên “chớ thêm bớt điều gì trong các điều ta đã truyền dạy các ngươi” (x. Đnl 4, 2). Hơn nữa, khi tuân giữ và thực thi giới răn của Chúa, chúng ta được trở nên khôn ngoan, sáng suốt, được tận hưởng niềm vui mà luật Chúa mang lại như tác giả Thánh Vịnh tán tụng: “Luật pháp Chúa quả là hoàn thiện, bổ sức cho tâm hồn…Huấn lệnh Chúa hoàn toàn ngay thẳng, làm hoan hỷ cõi lòng. Mệnh lệnh Chúa siết bao minh bạch, cho đôi mắt rạng ngời” (x. Tv 18, 8-9). Tuy nhiên, trên thực tế, chúng ta lại tránh né, hoặc tìm cách lý giải hầu biện hộ và giảm nhẹ cho bản thân mỗi khi chưa/không thực thi giới răn Chúa với cả lòng mến chân thật.
Thứ đến, thực thi Lời Chúa đã nghe, không nghe suông rồi bỏ. Thời Cựu ước, dân Is-ra-el được Thiên Chúa răn dạy qua ông Mô-sê: “Vậy các ngươi hãy ý tứ và giữ mình. Trong suốt cuộc đời đừng quên và đừng để lòng xao lãng…hãy dạy cho con cháu các ngươi biết các điều ấy” (x. Đnl 4, 9). Theo lẽ thường tình, chỉ khi nào ‘khắc cốt ghi tâm’ Lời Chúa dạy, chúng ta mới có thể sống, thực hành và truyền lại cho thế hệ con cháu. Tương tự, muốn đắc thủ một nhân đức, chúng ta phải dày công tập luyện trở thành một thói quen tốt lành, từ đó với ơn Chúa giúp, thói quen lành thánh ấy sẽ sinh hoa kết trái trở nên nhân đức. Trong gia đình cũng vậy, nếu con cái chỉ nghe suông mà không thực hiện và rèn luyện những gì cha mẹ dạy từ thời thơ ấu, thì đừng mong con cái sẽ vâng nghe khi nó lớn lên, trưởng thành. Thấu hiểu sự chóng vánh ấy, Thánh Gia-cô-bê đã khuyên nhủ chúng ta: “Anh em hãy thực thi lời đã nghe, chứ đừng nghe suông mà lừa dối chính mình” (Gc 1, 22). Chỉ có vậy, chúng ta mới nhận biết những gì thiếu sót, những gì lỗi lầm, những việc cần sửa đổi. Chúng ta không thể thay đổi, vì chúng ta chưa nhận ra điều chúng ta cần đổi thay. Chúng ta khó thay đổi, vì chúng ta chỉ muốn người khác sửa đổi, còn ta thì từ từ cũng chẳng sao. Chúng ta không muốn thay đổi, vì chúng ta thường khắt khe với tha nhân, trong khi đó, quá dễ dãi đối với bản thân mình. Chúng ta khó lòng thay đổi, vì khi lắng nghe Lời Chúa, hiểu biết giới răn Chúa, chúng ta luôn nghĩ Lời Chúa đang nói với người khác và muốn họ biến đổi, chứ không phải bản thân mình! Những thái độ, tư tưởng này cũng chẳng khác gì hành động “nghe Lời Chúa mà không thực hành”!
Sau cùng, nếu bản thân tôi luôn để Lời Chúa thẩm thấu cõi lòng, để Lời Chúa hướng dẫn, chi phối con người tôi và nỗ lực thực hành giới răn Chúa, thì khi ấy tôi đang thờ phượng Ngài từ tận đáy lòng tôi với cả lòng yêu mến. Lúc đó, bản thân chúng ta sẽ luôn ý thức ‘gạn đục khơi trong’ hầu “khử trừ mọi thứ nhơ bẩn và lòng đầy gian ác” (x. Gc 1, 21b). Nếu không, chúng ta cũng chẳng khác gì dân Is-ra-el mà ngôn sứ I-sai-ah đã tuyên sấm: “Dân này kính Ta ngoài môi miệng, nhưng lòng chúng ở xa Ta” (Is 29, 13; x. Mc 7, 6). Một khi chúng ta không thờ phượng Thiên Chúa tận đáy lòng, mà chỉ trên môi miệng hay qua những cử chỉ bề ngoài, thì nguy cơ rơi vào thói hình thức bên ngoài, đánh mất cốt lõi của việc thờ phượng Thiên Chúa, cũng như sa vào chủ trương lệ luật, chỉ giữ luật cho xong chứ không sống với cả lòng mến yêu như Tin Mừng hôm nay trình bày (x. Mc 7, 1-8a). Cha sở họ Arc, Thánh Gio-an M. Vi-an-nê từng khẳng khái nói: “Than ôi! Chúng ta làm mọi sự cho thế giới này mà chẳng làm gì cho thế giới bên kia sao?” Chúng ta bỏ công tốn sức chăm lo cho vẻ đẹp thân xác, cho những gì bên ngoài xác thân này, mà lại quên “cắt tỉa, dọn dẹp” tâm hồn và đời sống thiêng liêng! Chúng ta lo bồi bổ thân xác sẽ hư nát này, mà chẳng quan tâm nuôi dưỡng linh hồn, con tim mình! Vì bên ngoài có đẹp đẽ, có lấp lánh, có hoành tráng…chăng nữa, mà tâm hồn hiu quạnh, dơ bẩn, nhơ nhớp, tối tăm…thì cũng vô ích mà thôi. Quả thật, “Không có gì từ bên ngoài vào trong con người mà có thể làm cho họ ra ô uế. Chỉ có những gì từ con người xuất ra, chính những cái đó mới làm cho họ ra ô uế” (Mc 7, 15). Và Đức Giê-su quả quyết: “Vì từ bên trong, từ tâm trí người ta xuất phát những tư tưởng xấu: ngoại tình, dâm ô, giết người, trộm cắp, tham lam, độc ác, xảo trá, lăng loàn, ganh tị, vu khống, kiêu căng, ngông cuồng. Tất cả những sự xấu đó đều ở trong mà ra, và làm cho người ta ra ô uế” (Mc 7, 21-23).
Giờ đây, chúng ta cùng dành ít phút nhìn sâu vào tận đáy lòng mình và cầu nguyện với Chúa:
Lạy Chúa, bao lâu nay
Con rời xa tháng ngày
Không giữ lời thẳng ngay
Hồn vắng tênh biết mấy
Môi miệng thoáng mây bay.              
Thờ phượng Chúa thế này         
Lòng xa lìa chẳng hay.  

Tình con đã đổi thay.

Xin cho con từ đây
Sống Lời từng phút giây
Tuân giữ luật thẳng ngay
Cõi lòng mến tình say
Tuyên xưng Chúa đêm ngày
Tôn thờ chẳng lung lay
Tâm tư con tràn đầy
Tình Chúa chẳng đổi thay.
Amen!

Lm. Xuân Hy Vọng

================
Suy niệm 4
Thanh tẩy tâm hồn trước hết
Mc 7, 21-23
Theo Kinh thánh thì án mạng đầu tiên xảy ra khi loài người mới có mặt trên trái đất nầy. Hung thủ là Ca-in và nạn nhân là A-ben, người em ruột thịt của anh. Tại sao Ca-in giết em?
Ca-in và A-ben là hai anh em ruột thịt hằng ngày vẫn vui đùa bên nhau, hoà thuận với nhau. Thế rồi, sau khi thu hoạch hoa màu, hai anh em cùng dâng lễ đầu mùa lên Thiên Chúa. Thiên Chúa nhận lễ vật của A-ben mà từ khước lễ vật của Ca-in.
Thế là từ đó, lòng ganh tị phát sinh trong lòng Ca-in, khiến Ca-in dụ em ra đồng và xông vào đánh chết người em.
Lòng ganh tị trong tâm hồn Ca-in là nguyên nhân chính xui khiến anh giết chết A-ben. 
Tương tự như thế,
- Chính vì lòng tham thúc đẩy nên mới sinh ra thảm cảnh cướp của giết người, tham ô, trộm cắp, buôn bán ma túy, sản xuất thực phẩm độc hại, buôn người và nhiều hình thức chiếm đoạt khác… Như thế, lòng tham trong thâm tâm con người là cội nguồn sinh ra rất nhiều tội ác khắp nơi. Nếu tâm hồn con người trong sạch, không chất chứa tham lam, không khao khát giàu sang, dư dật … thì người ta sẽ không gây ra những tội ác như trên.
Nếu các quốc gia không bị lòng tham xúi giục, không mưu toan chiếm đoạt lãnh thổ và tài nguyên nước khác để thu lợi cho mình … thì thế giới sẽ không có xung đột và chiến tranh.
- Chính vì lòng kiêu ngạo, muốn đặt mình lên địa vị cao, muốn thống trị người khác nên người ta mới đấu đá, giết hại nhau… để tranh giành chức quyền, thế lực, địa vị… Nếu có lòng khiêm tốn, bằng lòng với giới hạn của mình, người ta sẽ không làm hại người khác để củng cố địa vị, để tranh giành chức trọng quyền cao.
- Chính vì lòng tà dâm bùng lên trong lòng người mới phát sinh ra lạm dụng tính dục, ngoại tình, mua bán dâm và nhiều hình thức ăn chơi sa đọa tội lỗi khác lan tràn khắp địa cầu. Nếu người ta dập tắt mê muốn tà dâm trong lòng mình và kiềm chế dục vọng xác thịt, thì thế giới sẽ không có nhiều tệ nạn gian dâm như hôm nay…
Như thế, mọi thứ tội ác đều từ lòng người mà ra; đúng như lời Chúa Giê-su dạy: “Vì từ bên trong, từ lòng người, phát xuất những ý định xấu: tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tị, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng… Tất cả những điều xấu xa đó, đều từ bên trong xuất ra, và làm cho con người ra ô uế” (Mc 7, 21-23).
Mầm mống tội lỗi rất đáng sợ
Tham lam, kiêu căng, ganh tị, tà dâm… là những mầm mống tội lỗi ẩn sâu trong lòng người, chúng tuy vô hình, nhưng có quyền lực vô song; hầu như tất cả mọi người xưa nay trên thế giới, ngay cả những anh hùng kiệt xuất, những ông vua đầy quyền lực, những nhân vật xuất chúng… đều bị chúng xui khiến, chỉ đạo, lèo lái… Chúng xui khiến người ta hành động y như người giật giây đứng sau bức màn, điều khiển mọi hoạt động của những con rối nước.
Điều đáng sợ là mầm mống tội lỗi thì vô hình vô dạng nên rất khó nhận diện và truy tìm ra chúng và vì không thấy nên người ta không quan tâm, bỏ mặc chúng hủy diệt tâm hồn.
Mầm mống tội lỗi không phải là khối u nằm trong thân xác gây đau đớn khó chịu nên người ta không quan tâm và không tìm cách loại bỏ chúng.
Do đó, những mầm mống, những cội rễ của tội lỗi… sẽ mãi mãi thống trị loài người, xui khiến, xô đẩy bao người lâm vào thảm cảnh chiến tranh, chém giết, cướp đoạt, gian dâm và muôn vàn hình thức tội lỗi khác.
Vì vậy, việc thanh tẩy tâm hồn, gạn sạch lòng mình khỏi tham lam, ích kỷ, kiêu căng, ganh tị, tà dâm… là việc quan trọng hàng đầu mà mỗi người phải quyết tâm thực hiện.
Lạy Chúa Giê-su,
Xin cho chúng con mỗi ngày biết dành thời gian thinh lặng để nhìn sâu vào tận đáy lòng mình; nhờ đó, chúng con có thể phát hiện ra những ham muốn xấu xa đang đâm rễ trong đó.
Xin giúp chúng con kiên quyết nhổ bỏ chúng ngay từ hôm nay, để khỏi bị chúng điều khiển, chi phối và làm cho đời chúng con ra ô uế. Amen.
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
================
Suy niệm 5
Trái Tim Chân Thành
Đề tài Tin Mừng hôm nay không phải là Luật Môsê hay Luật Thiên Chúa, nhưng chỉ là truyền thống của tiền nhân. Chúa Giêsu tố cáo những người Pharisiêu và Kinh sư chỉ dựa vào truyền thống mà coi thường và gạt bỏ điều răn của Thiên Chúa, huỷ bỏ Lời Thiên Chúa: “Ngôn sứ Isaia thật đã nói tiên tri rất đúng về các ông là những kẻ đạo đức giả, khi viết rằng….”.  Chúa Giêsu mở đầu bằng cách trích dẫn và áp dụng lời sách Isaia vào những kẻ đang bắt bẻ môn đệ của Người và tuyên bố họ là những kẻ đạo đức giả.
Từ Hy Lạp có nghĩa “kẻ tự cho mình là”, diễn viên trên sân khấu. Diễn viên trên sân khấu Hy Lạp đeo mặt nạ. Người đạo đức giả là người đeo mặt nạ đạo đức. Lột cái mặt nạ ra thì thấy mặt thật của họ…Đạo đức giả hay giả hình (hupokrites), theo truyền thống Hy Lạp, chữ này có liên quan đặc biệt đến những người trả lời trong cuộc đối thoại của các vở kịch trên sân khấu, các diễn viên. Họ là những người đóng kịch, trong lòng đang vui mà phải giả bộ khóc hay đang buồn mà phải cố cười để mua vui cho thiên hạ. Người giả hình là người sống không thật với lòng mình.(x.Tĩnh tâm với sách Tin Mừng Maccô. Lm Giuse Nguyễn Công Đoan).
Chúng ta đang sống trong một thời đại mà cái giả tràn lan khắp nơi: từ thực phẩm giả, thuốc giả, đến bằng cấp giả, điểm giả, học bạ giả… Nghiêm trọng nhất là thứ giả làm huỷ hoại con người, đó là “đạo đức giả”.
Dân chúng bây giờ phải có kỹ năng mới phân biệt được thực phẩm thật và giả để bảo vệ sức khoẻ của cả gia đình.
Ngay cả thuốc ung thư cũng giả, thuốc H-Capita 500mg Caplet do VN Pharma nhập về chứa 97% hoạt chất Capecitabine là thuốc không rõ nguồn gốc, kém chất lượng, “không được sử dụng chữa bệnh cho người”.
Điểm giả, học bạ giả, bằng cấp giả, những tiến sĩ gỉa, bác sĩ giả, giáo sư giả…cũng không bằng một thứ giả tệ hại nhất là đạo đức giả. Thật đúng: “Những gì xấu xa bên trong lòng người mới làm cho người ta ra nhơ uế”.
Một trong những đặc trưng của kỹ thuật hiện đại là kỹ thuật làm đồ giả. Chân giả, tay giả, tóc giả, lông mi giả, hoa giả, trái cây giả…. Những thứ giả ấy đi vào cả những sinh hoạt thiêng liêng như mâm ngũ quả, hoa nến nhang đèn đều giả… Mức độ “giả” còn tinh vi nên lắm khi cái giả xem ra còn đẹp hơn cái thật, khó mà phân biệt được thực hư, tốt xấu. Nhưng tệ nhất vẫn là thứ “Giả nhân giả nghĩa”, thứ “giả hình” mà Chúa đã nặng lời khiển trách (Mt 23,13-29). Thánh Gioan đã lật tẩy: “Ai nói rằng mình biết Thiên Chúa mà không tuân giữ các điều răn của Người, đó là kẻ nói dối” (1Ga 2,4); “Ai bảo mình yêu mến Thiên Chúa mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối. Vì ai không yêu người anh em mà mình trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy” (Ga 4,20).
Trang Tin Mừng ngày thứ 2 tuần 21 thường niên (Mt 23, 13-22), Chúa Giêsu lên án thói đạo đức giả: "Khốn cho các ngươi, hỡi những luật sĩ và biệt phái giả hình!”. “Khốn cho” kẻ giả hình, họ giả hình vì họ chỉ thực hành những nghi thức tôn giáo hoàn toàn hình thức bên ngoài, khác xa với lòng đạo đức chân thực sống động bên trong con người. Bởi vì đạo đức là thứ vô hình dưới mắt con người, nên người ta chỉ có thể đoán biết nó qua lời nói và việc làm. Sống giả hình khi nói những lời giả nhân giả nghĩa, tư tưởng không đi đôi với lời nói và lời nói không đi đôi với việc làm; ngôn hành bất nhất, nói một đàng làm một nẻo…Vì thế, Chúa Giêsu đã nghiêm khắc kết án: “Khốn cho các ngươi hỡi những luật sĩ và biệt phái giả hình, các ngươi giống như mồ mả, bên ngoài thì quét vôi đẹp đẽ, nhưng bên trong thì đầy mọi thứ xấu xa”.
Kẻ giả hình luôn lợi dụng việc thờ phượng Thiên Chúa hằng sống để thượng tôn pháp luật và nghi lễ bên ngoài một cách xảo quyệt. Kẻ giả hình, lấy Thiên Chúa làm “bình phong” để “tô son trát phấn” nhằm đề cao danh dự, tiếng tăm cho bản thân mình. Họ “kính Chúa bằng môi bằng miệng nhưng cõi lòng thì lại xa Chúa”. Họ tuân giữ cặn kẽ những tập tục của tiền nhân mà quên bẵng những giới luật của Chúa. Họ chỉ lo giữ gìn tiếng tăm trước mặt người đời, mà không lo giữ gìn tâm hồn khỏi mọi vết nhơ của tội lỗi trước mặt Thiên Chúa. Họ bấu víu vào những hình thức đạo đức bên ngoài nhưng trong cuộc sống họ tỏ ra gian tham độc ác với tha nhân. Đúng như Chúa Giêsu đã diễn tả: “họ kinh kệ dài dòng nhưng lại nuốt chửng gia tài của các bà goá. Họ lo lau chùi chén đĩa bên ngoài, mà không lo gìn giữ tâm hồn mình trong trắng”.
Nguyên nhân của thói giả hình là do họ thiếu lòng mến chân thành, đến một lúc nào đó, chiếc mặt nạ đạo đức giả sẽ rơi xuống, khiến họ chỉ còn là những kẻ giả dối.
Chúa Giêsu đòi hỏi, việc phụng thờ Thiên Chúa cần phải thành thực và sống động bởi lòng yêu mến chân chính.
Con người nên cao cả là nhờ thế giới nội tâm với tư duy, cảm xúc, phân tích, đúc kết, kinh nghiệm… Nhờ có thế giới nội tâm mới có khoa học, có sáng tạo văn hoá nghệ thuật. Cũng chính cái thế giới nội tâm này làm cho con người trở nên bi đát. Bề ngoài và bề trong liên quan với nhau và tác động lẫn nhau, nhưng về mặt luân lý đạo đức, bề trong mới là phần quyết định. Chỉ có con người mới có giả hình, lừa đảo, gian dối, mưu mô, thủ đoạn. Đức Giêsu đã nhận xét: “ Không phải những gì từ bên ngoài vào làm cho người ta ra ô uế, nhưng từ trong lòng mới xuất phát những cái làm cho người ta ra ô uế” (Mt 15,19).
Đức Giêsu nhấn mạnh sự thanh tẩy từ bên trong. Người chẳng phản đối chuyện rửa tay. Người chỉ phê bình thói hình thức bên ngoài. Điều quan trọng là rửa cõi lòng. Cái ô uế thực sự đáng sợ không đến từ việc đụng chạm hay ăn uống mà nó lại nằm trong lòng người. Nó không từ ngoài vào mà từ bên trong ra.
Đối với Đức Giêsu, yếu tố quan trọng để xác định giá trị đạo đức hay luân lý là trạng thái nội tâm chứ không phải những việc làm bên ngoài. Ý hướng bên trong là yếu tố quyết định việc làm bên ngoài có gía trị hay không. Đức Giêsu luôn sống tình thương với mọi người, luôn “chạnh lòng thương”.Tình thương chính là sự thánh thiện. Tình thương là thanh sạch. Đấng Thánh hôm nay có tên gọi là Tình Thương.Tình thương là chia sẻ, là hiệp nhất. Sự thánh thiện của Đức Giêsu luôn rộng mở lan toả hương thơm tình thương, thanh sạch.
Thường thì khi vừa sinh ra, con người ta có cái tâm hồn hậu nhưng cái trí dại khờ. Càng lớn lên, trí càng khôn ngoan nhưng tâm càng vẩn đục. Đi cho trọn đường trần là trí học biết được càng nhiều càng tốt những khôn ngoan mà tâm vẫn giữ được cái hồn hậu của tuổi ấu thơ.
Đối với người Kitô hữu, nếu như xã hội mong muốn và chờ đợi chúng ta sống đạo đức một, thì chính Chúa còn đòi buộc chúng ta phải "thánh thiện" trăm ngàn lần hơn:"Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Ðấng hoàn thiện" (Mt 5,48); "Chính anh em là ánh sáng cho trần gian…Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mắt thiên hạ, để họ nhìn thấy công việc tốt đẹp anh em làm mà tôn vinh Cha của anh em, Ðấng ngự trên trời" (Mt 5,14.16).
Con người sống ở đời cần có một tấm lòng, một trái tim yêu thương chân thành. Thiên Chúa đã ra lệnh truyền cho con người: “Hãy tạo cho mình một trái tim mới” (Ed 18,31). Người còn phán: “Ta sẽ thanh tẩy các ngươi, Ta sẽ ban cho các ngươi môt trái tim mới” (Ed 36,25). Một trái tim mới biết yêu thương hay một tấm lòng để người ta sống tốt đẹp với nhau. Một trái tim chân thành, những lời nói chân thật, những hành vi chân chính, đó là nền tảng cơ bản nhất cho sự sinh tồn và hạnh phúc của con người.
Tình thương của Chúa Giêsu là tình thương cứu thế, muốn thanh tẩy con người tội lỗi, rửa sạch tâm hồn và trao ban sự sống mới.
Trong đời sống tâm linh, người Kitô hữu cần phải tu dưỡng cái tâm, phải có tâm ngay lành, luôn tôn trọng sự công bằng, yêu thương mọi người. Cần có một tấm lòng, tâm tốt thì mọi việc làm sẽ đẹp lòng Chúa. Thánh Giacôbê mời gọi trong bài đọc hai: “Anh em hãy thực thi lời đã nghe, chớ đừng nghe suông mà lừa dối chính mình”.
Người Kitô hữu mỗi ngày đến nhà thờ dự tiệc Thánh Thể. Đưa tay đón nhận Bánh Thánh là đón nhận tình thương và thanh sạch của Chúa.Bàn tay đón nhận Bánh Thánh cũng là bàn tay bác ái yêu thương góp phần thánh hoá trần gian.
Nguyện xin Chúa cho chúng con, trong mỗi lời nói, từ mỗi việc làm luôn xuất phát từ trái tim chân thành, từ lòng mến Chúa và yêu thương tha nhân. Amen.
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
================
Suy niệm 6
Hãy nghe cho biết và đem ra thực hành

(Mc 7, 1-8a. 14-15. 21-23)

Thiên Chúa thánh thiện và yêu thương đã tạo dựng con người trong tình yêu, và thông chia sẻ hạnh phúc cho con người. Thánh chỉ hay Lề Luật mà Thiên Chúa thương ban cho con người cụ thể là Mười Điều Răn để con người thi hành cũng chỉ vì tình thương. Thiên Chúa vui thích khi con người tuân giữ các Điều Răn của Chúa, vì điều này chứng minh lòng kính mến của con người đối với Thiên Chúa và con người cũng được hưởng những phúc lành do việc tuân giữ các giới răn đem lại. Nhưng con người đã đánh mất tình thân nghĩa thiết và ân sủng với Đấng dựng nên mình khi lỗi phạm các giới răn. Lại bằng tình thương vấn vương khi tạo dựng, Thiên Chúa đã cứu chuộc con người.
Nghe
Thiên Chúa luôn muốn con người, nhất là dân Chúa trọn được bình an và hạnh phúc, nhất là được sống không chỉ với những người hiện tại mà cả con cháu họ cho đến muôn đời trải qua các thế hệ. Vì thế Thiên Chúa khuyên họ chớ có quên và sao lãng Luật Ngài truyền, và phải “ dạy cho con cháu các ngươi biết các điều ấy” (Đnl 4,9).
Nhưng để nhớ và không quên, trước tiên họ phải biết nghe cho rõ, rồi ghi nhớ và đem ra thực hành trước đã. Lời Chúa qua miệng ông Môsê nói với dân chúng rằng: “Hỡi Israel, giờ đây hãy nghe các lề luật và huấn lệnh mà ta dạy bảo các ngươi phải thực hành, để được sống và được vào chiếm hữu phần đất mà Chúa là Thiên Chúa cha ông các ngươi sẽ ban cho các ngươi. Các ngươi chớ thêm bớt điều gì trong các điều ta đã truyền, nhưng hãy tuân giữ các giới răn của Chúa là Thiên Chúa các ngươi mà ta đã truyền dạy các ngươi…” (Đnl 4, 1- 2).
Học cho biết
Vào thời mà ngoại giáo có mặt khắp nơi, việc thờ ngẫu tượng diễn ra nhan nhản và khuynh loát hành vi của con người. Vì lẽ đó, Thiên Chúa ban Lề Luật cho dân giúp họ kiên vững thi hành. Việc không tuân giữ Lề Luật cấu thành tội phản bội thật sự với Giao ước, gây ra cơn thịnh nộ của Thiên Chúa như một hậu quả. Họ phải được học cho biết điều ấy.
Vậy Lề Luật để làm gì?
Lề Luật là một tập hợp các mệnh lệnh và quy tắc mà dân Do Thái phải tuân thủ bởi hiệu lực của Giao ước với Thiên Chúa. Tính hữu hiệu của Luật được tìm thấy trong sách Đệ Nhị Luật như sau:Ðức Chúa sẽ lấy làm vui vì hạnh phúc của anh em, cũng như Người đã lấy làm vui vì hạnh phúc của cha ông anh em, miễn là anh em nghe tiếng Ðức Chúa, Thiên Chúa của anh em, mà giữ những mệnh lệnh và thánh chỉ Người, ghi trong sách Luật này, miễn là anh em trở về với Ðức Chúa, Thiên Chúa của anh em, hết lòng hết dạ (Đnl 30,9-10). Vì thế, dân Do Thái phải học biết rằng, việc tuân giữ Lề luật ràng buộc họ với Thiên Chúa, và họ có được những phúc lợi kèm theo. Họ chỉ được kết hợp với Thiên Chúa bằng việc tuân thủ Lề luật. Khi lập Giao ước với dân Do Thái, Thiên Chúa trao cho họ Lề Luật, để họ có thể hiểu được thánh ý Ngài và sống công chính. Lề Luật chính là một món quà vô giá mà Thiên Chúa tặng ban cho dân Người.
Và đem ra thực hành
Nghe thôi chưa đủ, học cho biết, nhưng cũng rất cần phải tuân giữ và đêm ra thực hành cho đúng. Đó là lý do Thiên Chúa phán với dân Do Thái qua miêng Môsê rằng: “Các ngươi phải tuân giữ và thực hành…” (Đnl 4, 8).
Nhưng với dòng thời gian, con người trở nên hư hỏng và bị cám dỗ tôn thờ ngẫu tượng, quên đi Thánh chỉ, gạt bỏ Thiên Chúa ra ngoài, và đương nhiên họ không còn tuân giữ Lề Luật Chúa nữa. Chẳng những thế, họ còn họ thay đổi thậm chí bóp nghẹt Điều Răn, cố tình giải thích và thực hành theo ý mình, vô tình biến họ thành những kẻ giả hình thờ kính Thiên Chúa ngoài môi miệng, nhưng lòng chúng ở xa Chúa, khiến Chúa Giêsu nặng lời quở trách: “Hỡi bọn giả hình, Isaia thật đã nói tiên tri rất chí lý về các ngươi, như lời chép rằng: 'Dân này kính Ta ngoài môi miệng, nhưng lòng chúng ở xa Ta. Nó sùng kính Ta cách giả dối, bởi vì nó dạy những giáo lý và những luật lệ loài người'. Vì các ngươi bỏ qua các giới răn Thiên Chúa, để nắm giữ tập tục loài người” (Mc 7, 7; x. Is 29,13). Và Người kết luận: “Vì các ngươi bỏ qua các giới răn Thiên Chúa, để nắm giữ tập tục loài người” (Mc 7, 8). Cả tông đồ Giacôbê, trong thư của người, cũng cảnh cáo nguy cơ của một tôn giáo giả. Người viết cho các kitô hữu như sau: “Anh em hãy là những người thực hành Lời Chúa, chứ đừng nghe suông mà lừa dối chính mình” (Gc 1, 22).
Tóm lại, chúng ta phải tin rằng Thiên Chúa là Đấng yêu thương, công bình và thánh thiện, đã tạo dựng chúng ta và để cho sống trên trần thế này. Thiên Chúa trao ban những Điều Răn hay Lề Luật không làm chúng ta mất tự do, nhưng để chúng ta tuân giữ hầu được được sống và hạnh phúc, như ông Môsê đã nói với dân Do Thái xưa như sau: “Anh em hãy lo thực hành như Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em đã truyền cho anh em, không đi trệch bên phải hay bên trái. Anh em hãy đi đúng con đường mà Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em đã truyền cho anh em để anh em được sống , được hạnh phúc và được sống lâu trên mặt đất mà anh em sẽ chiếm hữu” ( Đnl 5, 32 - 33).
Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa không đến để hủy bỏ Lề Luật, nhưng đến để kiện toàn, dạy người ta lắng nghe và thực hành điều Chúa truyền với tình yêu và lòng mến. Người chống lại thói đạo đức giả hình, vụ hình thức, quan trọng hóa luật lệ của con tim với nghi lễ bên ngoài. Người lên án việc làm khiến người ta xa rời Thiên Chúa, và nghĩ rằng thực hành tỉ mỉ của các quy tắc Luật định là vinh quang ; mặt khác, theo Chúa Giêsu, sự trong sạch không tùy thuộc vào lễ nghi thanh tẩy, nhưng tùy thuộc vào tấm lòng.
Lạy Chúa, xin chỉ cho con biết đường lối Chúa, và dạy bảo con Thánh Chỉ của Ngài. Amen.

Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ

================
Suy niệm 7

Từ Lòng Con Người
Dnl 4,1-2.6-8; Gc 1,17-18.21b-22.27; Mc 7,1-8a.15.21-23

Những người Pharisêu khó chịu khi thấy vài môn đệ của Đức Giêsu không rửa tay trước khi ăn. Nhân cơ hội này, Người trả lời cho cả đám đông hiểu rõ ý nghĩa đích thực của sự thanh sạch hay ô uế: “Xin mọi người nghe tôi nói đây, và hiểu cho rõ:  Không có cái gì từ bên ngoài vào trong con người lại có thể làm cho con người ra ô uế được; nhưng chính cái từ con người xuất ra, là cái làm cho con người ra ô uế.” (Mc 7,14-15). Đây là chuyện khó hiểu. Người dạy cho các môn đệ một bài học để đánh tan quan niệm sợ bị ô uế bởi vật chất. Mọi thức ăn đều thanh sạch, không có gì từ bên ngoài vào có thể làm cho người ta bị ô uế tâm hồn. Nhưng chỉ những điều xấu từ trong con người xuất ra mới làm dơ bẩn tâm hồn. Người liệt kê mười hai thứ từ bên trong mà ra làm ta trở nên dơ bẩn: “Vì từ bên trong, từ lòng người, phát xuất những ý định xấu: tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tỵ, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng.” (Mc 7,21-22). Những tư tưởng xấu từ bên trong con người này đưa đến những hành động sai trái bên ngoài. Thật vậy, tư tưởng tốt sẽ dẫn đến những hành động tốt đẹp, mưu ích cho mình và mọi người. Một cõi lòng hiền lành không đưa đến hành vi độc ác. Một trái tim yêu thương, luôn nghĩ tốt sẽ làm ta luôn nói tốt cho người khác, phát sinh những việc tốt lành và không làm tổn thương đến tha nhân.
Thiên Chúa là nguồn mạch mọi sự tốt lành. Để tôi nhìn nhận ra được những cái từ bên trong làm cho con người ra ô uế đã khó, rồi làm sao để loại trừ những thứ dơ bẩn mà tôi không thấy dơ bẩn lại càng khó khăn. Tự sức riêng tôi không làm được, chỉ khi tôi mở rộng lòng đón Thầy Giêsu vào trong lòng mình. Có Thầy hiện diện, ánh sáng và sức mạnh từ Thầy sẽ thanh tẩy, đổi mới làm chúng rơi rụng khỏi con người tôi.
Lạy Chúa Giêsu là ánh thanh sạch sáng láng đời đời! xin ngự trị tâm hồn con. Xin Chúa luôn hiện diện trong con để thanh tẩy, giữ gìn con từ trong con tim, trong tư tưởng tới lời nói việc làm. Có Chúa ở cùng con an tâm bước đi. Bởi vì “Có Chúa trong thành địch thù tan nát hết. Chúa trong lòng ta lo lắng gì hồn tôi ơi!” (Thánh ca).

Én Nhỏ

Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log