Thứ năm, 26/12/2024

Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật XIX Thường Niên B

Cập nhật lúc 08:56 05/08/2021
Suy niệm 1
Tôi là bánh từ trời xuống
Ga 6, 41 - 52
 
Trời không phải là nơi người ta nghĩ. Bài diễn từ về Bánh Hằng Sống của Chúa Giêsu hôm nay như là một cuộc cách mạng kitô giáo. Đối với các môn đệ vừa mới theo Chúa, họ rất ngỡ ngàng vì thấy Ngài vào Đền thờ và đưa ra một số vấn đề tranh cãi:
- Ngài gọi Thiên Chúa là Cha của Ngài.
- Ngài nói: “Các ông cứ phá hủy đền thờ này đi, trong ba ngày tôi sẽ xây dựng lại”.
Các hội đường và Đền Thờ đã và vẫn là nơi cầu nguyện, nơi tôn trọng một số nghi thức nhất định để tôn vinh Thiên Chúa. Chúa Giêsu thường lui tới những nơi này, nhưng dường như đối với Ngài, các nghi thức không phải là quan trọng nhất. Vào một ngày Sa-bát và trong giờ cầu nguyện, Ngài vào hội đường và thấy một người bại tay. Phản xạ của Ngài là giải thoát người bất hạnh này khỏi tật nguyền. Ngài nghĩ, tại sao người ta lại có thể lơ đi điều này? Phải chăng cứ nhắm mắt làm ngơ đối với môi trường chung quanh để tập trung vào điều vô hình, vào "những sự trên trời" và trung thành thực hiện các nghi thức sao?
“Trời” không phải là nơi người ta nghĩ, và “vô hình” không phải là bị che giấu ở trên cao. Đó là cuộc cách mạng tôn giáo diễn ra khi tiếp xúc với Chúa Giêsu. Chúa Giêsu nói: "Tôi là bánh từ trời xuống". Đây là lời đầu tiên của Tin mừng ngày hôm đó. Trời ở đó, ở bờ hồ, vào lúc bánh được chia sẻ một cách kỳ diệu, nhưng cũng rất vật chất không ai phải đói nữa. Họ biết ai là người đã chủ động phân phối bánh. Người đó ở với họ và ở với chúng ta. Người đó cũng có đôi chân vững chắc đi trên đất, trên trái đất chúng ta: "Chớ thì ông ấy chẳng phải là Giêsu, con bác thợ mộc Giuse đó sao? Chúng ta đều biết rõ cha mẹ của ông. Vậy, làm sao ông lại nói: "Tôi bởi trời mà xuống”.
Xem thấy Chúa Cha vô hình ư? Chúa Giêsu trả lời những người do-thái bằng một câu khá thất vọng: "Không một ai đã xem thấy Cha, trừ Đấng bởi Thiên Chúa mà ra, Đấng ấy đã thấy Cha". Chúa Cha là Đấng vô hình mà Chúa Giêsu tuyên bố đã nhìn thấy Người. Chúa Giêsu thấy Chúa Cha ở đâu? Làm thế nào để thấy? Thấy bằng cái nhìn nào? Một Thiên Chúa vô hình không có vật chất mà đôi mắt có thể chiêm ngưỡng sao?  Phải chăng chúng ta đang đứng trước một câu chuyện hoàn toàn thần thoại?
Phải đợi đến giờ cuối cùng mới có thể hiểu được! Sau bữa ăn cuối cùng, với bánh và rượu, Chúa Giêsu thiết lập bí tích Thánh Thể để không ngừng hiến mạng sống của Ngài cho chúng ta. Ngài vẫn nói về Chúa Cha rất nhiều. Ngài nói về Chúa Cha, khi Philipphê, một trong số Mười Hai, hơi khó chịu, hỏi Ngài: "Xin Thầy chỉ cho chúng con thấy Cha và như thế là đủ”! Chúa trả lời: “Sao con lại nói: hãy chỉ cho chúng con biết Cha? Ai thấy Thầy là thấy Cha”. Đó là điều cần thiết để hiểu cuộc cách mạng Kitô giáo qua bí tích Thánh Thể. Chúa Giêsu phát triển mầu nhiệm này:
- Bí tích Thánh Thể là để Chúa Giêsu hướng về phía người khác.
- Ước muốn này của Ngài là thực hiện các hành động nuôi dưỡng và chữa lành.
- Ước muốn này đến Chúa Cha. Ngài luôn khao khát Chúa Cha, một khao khát mà Chúa Cha có về Ngài, Đấng rất thân mật với Ngài. Đọc Tin mừng, chúng ta khám phá ra điều mà Chúa Giêsu thực hiện đó là Thánh Ý Cha Ngài.
Thánh ý này, mong muốn này cũng ở trong tất cả chúng ta. Thánh ý này, ước muốn này tiềm ẩn trong chúng ta, nếu chúng ta yêu cả kẻ thù và cả người bạn phản bội. Chúa Giêsu dạy chúng ta rằng đó là ý muốn của Đấng khác mà Ngài ủy quyền cho chúng ta gọi là Cha. 
Ước muốn của Chúa Cha. Chúa Giêsu nói: “Bánh Tôi sẽ ban, chính là thịt Tôi, để cho thế gian được sống… Của ăn Thầy là làm theo ý muốn của Cha Thầy”. Chúng ta phải ăn bánh này! Ý muốn của Chúa Cha, ước muốn của Ngài, là làm sinh động thế giới và tìm đường giữa chúng ta. Đó là công việc của Đấng mà Chúa Giêsu dạy chúng ta gọi là "Cha".
Khi Chúa Giêsu lãnh nhận phép Rửa tại sông Giođan,Tin mừng mô tả: “Trời mở ra và người ta nghe thấy tiếng nói của Chúa Cha”. Đúng thế,
- Trời mở ra và Chúa Cha không được tìm kiếm ở nơi nào khác ngoài nơi lịch sử nhân loại đang diễn ra. 
- Trời mở ra và quà tặng từ trời sẽ được nhận trên trái đất này. 
- Trời mở ra, có nghĩa là cuộc sống trần gian không bị chặn lại. 
- Trời bị xé ra, như một vết thương bị chọc thủng vì tình yêu nhân loại nhân loại. Chúa Cha, Chúa Con, và Chúa Thánh Thần sống với nhân loại; Ba Ngôi Thiên Chúa không thể tách rời nhân loại, ngay cả khi nhân loại quá hẹp không thể chứa được.
Chúng ta đang sống trong một thời đại, mà trong đó:
- Nhiều người quên rằng Thiên Chúa từ trời xuống để nối kết với nhân loại.
- Họ muốn tạo ra những không gian thánh thiêng để tách họ khỏi cuộc sống thế tục. 
- Để đến gần Thiên Chúa một cách mầu nhiệm, họ muốn rời khỏi ngôn ngữ nhân loại và tìm kiếm ngôn ngữ linh thiêng.
- Họ đi xa đến mức che giấu khuôn mặt con người. Tuy nhiên khuôn mặt của con người lại là sự mặc khải của Chúa Cha. 
Chúng ta đừng nhầm lẫn giữa văn hóa và mầu nhiệm. Nếu Chúa Giêsu nói "Tôi là bánh từ trời rơi xuống", chúng ta đừng nhốt Ngài trong các nơi thánh. Chúng ta hãy tìm Ngài nơi mọi người sống trên trái đất này. Chúng ta hãy làm cho cuộc cách mạng nhiệm mầu lịch sử nhân loại trở thành nơi cư ngụ của Thiên Chúa.
Linh mục Gioan Đặng Văn Nghĩa
=================
Suy niệm 2
Ga 6, 41 – 51
Sau phép lạ hóa bánh ra nhiều ở Bétxaiđa, uy tín của Đức Giê su lên tới tận trời mây. Sau đó Đức Giê su về Caphácnaum, đến nguyện đường giảng, thì uy tín của Ngài rơi xuống tận vực thẳm. Tại sao vậy? Chỉ vì một câu nói: “Ai ăn thịt tôi và uống máu tôi, thì được sống đời đời.” Thính giả bỏ ra về và xầm xì với nhau: “Tại sao ông ta lại lấy thịt và máu cho chúng ta ăn?” Chúa không rút lời, mà còn nhấn mạnh thêm: “Ai không ăn thịt tôi và uống máu tôi thì không có sự sống đời đời.” Thế là nhóm 72 môn đệ cũng bỏ ra về, ném vào mặt Chúa một câu nói không còn tình nghĩa thầy trò gì nữa: “Lời gì mà chói tai như vậy, ai mà nghe cho nổi.” Nguyện đường đang đầy người, bỗng trong chốc lát chỉ còn trơ ra 13 thầy trò. Đức Giê su vẫn tỏ vẻ bất cần, Ngài nói với nhóm 12: “Còn chúng con, chúng con bỏ Thầy mà đi hết đi!”
Nếu tôi là Đức Giê su, thì sau thất bại khủng này, tôi phải lấy mo bịt mặt mà chuồn về nhà ông Phê rô, rồi nôn nóng chờ mặt trời lặn, để trốn lên núi một mình. Thế nhưng Đức Giê su cứ tỉnh bơ như không có chuyện gì xảy ra. Tại sao vậy? Đó là vấn đề. Chúng ta phải tìm hiểu cả tâm lẫn ý của Chúa.
Đối với người Do Thái, phép lạ hóa bánh ra nhiều là cực kỳ vĩ đại. Họ tôn Chúa làm vua, để lịch sử sang trang: Nước Do Thái sẽ làm bá chủ thế giới; dân Do Thái sẽ mãi mãi cơm no áo ấm mà không phải đổ mồ hôi. Đó là một sai lầm có tầm cỡ cơ bản.
Đối với Chúa, thì phép lạ ấy chỉ là một cử chỉ bác ái thường nhật. Nhưng nó là một dấu lạ, tiên báo một phép lạ lớn hơn thế nhiều. Chính Chúa có một thái độ hờn dỗi khi một số người đến Caphácnaum để tìm Ngài. Họ xun xoe chào hỏi: “Thầy về đây hồi nào vậy?” Họ xun xoe hỏi, còn Chúa thì trả lời lạnh tanh: “Tôi biết các ông tìm tôi không phải vì một dấu lạ, mà vì được ăn no cái bụng.” Dấu lạ ấy là gì? Dấu lạ ấy là tiên báo Bí tích Thánh Thể, một Bí tích đỉnh điểm của lịch sử cứu độ, một Bí tích đem lại sự sống vĩnh cửu. Cái ý và cái tâm của Chúa đã nằm sẵn trong tâm và não của Chúa. Phải chờ mãi cho tới bữa tiệc ly, Chúa mới bật mí.
Đêm hôm ấy, trong bầu khí cực kỳ cảm động, Chúa cầm ổ bánh mì, ngước mắt lên trời, rồi long trọng tuyên bố: “Đây là thân thể của Thầy, sẽ bị nộp vì anh em, anh em hãy cầm lấy mà ăn.” Tiếp theo Ngài bưng ly rượu nho và tuyên bố: “Đây là máu của Thầy sẽ bị đổ ra để cứu độ anh em, anh em hãy bưng lấy mà uống.”
Vào thời điểm ấy Đức Giê su bị kẹt: về với Chúa Cha mà bỏ các môn đệ ở lại, thì không cầm lòng được; ở lại với các môn đệ mà không về với Chúa Cha, thì càng không thể tha thứ được. Biến bánh rượu thành thân thể và máu của Ngài rồi ra lệnh cho môn đệ ăn uống thì không những Chúa vẫn còn ở lại bên chúng ta, mà còn ở trong chúng ta nữa, đến nỗi Chúa và ta thành một. Một tình yêu từ mẫu tử đến phu phụ… đều ước mơ hai thành một, nhưng chỉ là mơ chứ không có thật. Chúa yêu ta, yêu quá thể và biến Chúa và ta thành một thật. Một ông trời cao cả ngự vào lòng thụ tạo để trở nên một với thụ tạo ấy. Một vinh dự cực kỳ lớn lao cho chúng ta, vượt tầm hiểu biết của loài người. Thánh Gioan Vianney đã phải thốt lên rằng: “Xin Chúa cho con hiểu tình thương của Chúa trong Bí tích Thánh Thể. Nhưng đừng cho con hiểu hết vì nếu hiểu hết, con sẽ chết mất.”
Linh mục Piô Ngô Phúc Hậu
=================
Suy niệm 3
Bánh tình thương
Ga 6, 41 - 51
Một thế giới đói khát tình thương
Chúng ta đang sống trong một thế giới thiếu tình huynh đệ, đói tình thương, khao khát hòa bình. Nguyên nhân chính đưa đến thảm trạng nầy là con người có những nhận định sai lầm về người khác.
Có một số nhận định sai lầm về người khác đưa đến hậu quả tai hại như sau:
Thứ nhất: Tha nhân là người xa lạ.
Nhiều người cho rằng tha nhân là người xa lạ, chẳng liên quan gì đến mình. Hậu quả là họ theo chủ nghĩa “mác-kê-nô” (mặc kệ nó), sống chết mặc bây, mạnh ai nấy sống, không hề quan tâm giúp đỡ nhau.
Thứ hai: Tha nhân là nguồn lợi béo bở cần khai thác triệt để.
Trong chế độ nô lệ, người chủ khai thác sức lao động của nô lệ, bắt họ làm việc quần quật ngày đêm như trâu cày, ngựa kéo… để hầu hạ, phục dịch mình.
Trong thời buôn bán nô lệ ngày xưa, có nhiều người khốn khổ bị buôn đi bán lại như súc vật và cho đến hôm nay, nạn buôn người, buôn bán nội tạng con người…vẫn còn đang tiếp diễn.
Ngoài ra, trên phạm vi toàn cầu, một số nước lớn tìm cách thống trị những nước yếu hơn, chiếm đoạt lãnh thổ, vơ vét tài nguyên phong phú của họ về cho mình.
Thứ ba: Tha nhân là kẻ thù cần tiêu diệt.
Dựa theo quan điểm nầy, một số quốc gia theo đuổi chiến tranh, chạy đua vũ trang, đua nhau chế tạo những thứ vũ khí có sức hủy diệt hàng loạt, chế tạo nhiều tên lửa liên lục địa mang đầu đạn nguyên tử có sức công phá dữ dội, có sức hủy diệt kinh hoàng…
Đau lòng thay, đây là một chọn lựa mà nhiều quốc gia trên thế giới xem là khôn ngoan và được đa số người dân đồng thuận.
Chính những nhận định, những chủ trương sai lầm và tai hại như thế là nguyên nhân gây ra vô vàn đau thương cho nhân loại, là động cơ xô đẩy nhân loại đến bên bờ hủy diệt.
Như thế, đe dọa lớn nhất, nguy cơ lớn nhất đối với nhân loại hôm nay không phải là thiếu đói cơm bánh vật chất, nhưng là thiếu tình huynh đệ, đói khát tình thương.
Chính vì thế, khát vọng mãnh liệt nhất của nhân loại qua bao thời là được sống trong hòa bình, trong hiệp thông huynh đệ, trong tình yêu thương.
Tiếc thay, không ai trong loài người có thể đáp lại khát vọng sâu xa mãnh liệt nầy.
Mong đợi “Bánh bởi trời”
Khi con người không thể tự cứu mình, khi bánh từ lòng đất không thể cứu loài người khỏi cơn đói khát tình thương… thì Thiên Chúa đã ban cho nhân loại “Bánh bởi trời” để giải thoát họ khỏi cơn đói nầy. Bánh đó là Chúa Giê-su, như lời Chúa phán: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời” (Ga 6, 51).
Chính Chúa Giê-su là “Bánh” Chúa Cha ban xuống để cứu con người khỏi cảnh đói khát tình thương, khỏi cảnh nồi da xáo thịt, khỏi cảnh huynh đệ tương tàn, khỏi hận thù chiến tranh, đồng thời mang lại cho con người cuộc sống hạnh phúc đời nầy và đời sau.
Chúa Giê-su là “Bánh bởi trời” cứu loài người khỏi “đói” tình huynh đệ bằng cách vén mở cho họ biết rằng mỗi người trên dương thế thật sự là con yêu quý của Thiên Chúa Cha, do đó, mọi người đều là anh chị em con cùng một Cha trên trời, vì thế, phải yêu thương đùm bọc nhau như anh chị em một nhà.
Chúa Giê-su là “Bánh bởi trời” cứu loài người khỏi đói khát tình thương khi bày tỏ cho họ biết mỗi người là một chi thể của Ngài, mỗi người là hiện thân của Ngài, vì thế, những gì ta làm cho tha nhân là làm cho chính Chúa, yêu người là yêu Chúa nên sẽ được ban thưởng đời sau; ghét người là ghét Chúa nên phải mang án phạt đời đời… Khi nhận ra sự thật nầy, người ta sẽ không còn oán ghét hay làm hại nhau, trái lại sẽ tận tình yêu thương phục vụ lẫn nhau. Bấy giờ, thế giới nầy sẽ là trời mới đất mới nơi hòa bình và công lý ngự trị; trái đất nầy sẽ trở thành một đại gia đình huynh đệ ấm áp tình người.
Và đặc biệt hơn hết, Chúa Giê-su là “Bánh bởi trời” khi Ngài trao ban Thân mình Ngài cho nhân loại, để những ai đón nhận “Bánh nầy” sẽ được kết hợp nên một với Ngài và được sống muôn đời với Chúa.
Lạy Chúa Giê-su,
Thế giới chỉ thực sự được hòa bình, nhân loại chỉ thực sự được hạnh phúc, khi muôn dân muôn nước đón nhận và được nuôi dưỡng bằng “Lời hằng sống” là thứ “Bánh bởi trời” do Chúa tặng ban.
Xin ban Chúa Thánh Thần cho nhân loại để Ngài soi sáng tâm hồn mọi người biết quý trọng và đón nhận bánh vô cùng cao quý nầy. Amen.
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
=================
Suy niệm 4
Lương Thực Ði Ðường
Những ngày qua, từng đoàn người hối hả rời những thành phố tâm dịch covid để về quê, cuộc hồi hương vào “Mùa hè đỏ dịch”. Nhìn những bức ảnh "tháo chạy về quê", thật xót cho thân phận người dân nghèo lao động. Ly hương ra thành phố với hy vọng đổi đời, nay thành phố đại dịch, họ không tiền bạc, tứ cố vô thân, phải tháo chạy. Quê hương, hai chữ sao vừa ấm áp lại vừa đắng cay. Sài Gòn “miền đất hứa”, bao dung và cưu mang biết bao thế hệ, biết bao cuộc đời. Sài Gòn ôm cả tình người mênh mông, nơi gặp gỡ những dòng người từ mọi miền đất nước...! Nhưng những ngày qua, bao tang thương, bao mất mát đã làm cho Sài Gòn như tê liệt quỵ ngã, và không ai nghĩ rằng Sài Gòn sẽ có một cuộc tháo chạy như những ngày này!
May mắn thay, trên đường hồi hương, họ được đồng bào tiếp tế lương thực trên mọi nẻo đường “hành trình vạn dặm” như cơm, bánh mì, trái cây, nước, xăng, tiền bạc đến vá bơm sửa xe... Dân thương dân, dân đùm bọc lấy dân qua cơn khốn khó. Khi nhiều người an lành trốn dịch trong nhà, hãy nhớ ngoài kia còn biết bao mảnh đời bất hạnh, còn biết bao số phận không may, còn biết bao người đang thiếu ăn và khổ đau vì đại dịch. Và thật đẹp, nghĩa đồng bào, ứa nước mắt vì tình cảm đồng bào giúp nhau, tự trái tim, tự tình yêu, dọc suốt chặng đường hàng trăm, hàng ngàn cây số, ở đâu cũng có những tổ chức, cá nhân hảo tâm hỗ trợ người về. Như “mana” từ trời rơi xuống trong sa mạc nuôi dân Do thái, nay “lương thực đi đường” từ những người hảo tâm đã tiếp thêm sức lực và yêu thương cho bà con trên đường trở về quê nhà.
Bài đọc 1 hôm nay thuật lại cuộc hành trình của ngôn sứ Êlia trong sa mạc tiến đến núi Khôrép. Êlia chạy trốn trước sự trả thù bách hại của hoàng hậu Ideven, người đỡ đầu tà giáo trong nước. Trên đường đi, Êlia đói lả và chán nản thất vọng. Sứ thần Chúa mang đến cho ông bánh nước và thúc dục: “Dậy mà ăn, vì ngươi còn phải đi đường xa”. “Ông dậy ăn bánh và uống nước. Rồi nhờ lương thực bổ dưỡng ấy, ông đi suốt 40 ngày, 40 đêm tới Khôrép là núi của Thiên Chúa”. Tại Khôrep, ông được gặp Đức Giavê. Ông lấy lại được niềm tin và tiếp tục sứ mệnh tái lập một Israel đích thực.
1. Bánh nuôi ngôn sứ Êlia lên núi Khôrep
Sau khi vua Salomon băng hà, đất nước Israel chia đôi: vương quốc Israel, phương Bắc, vương quốc Giuđa phương nam (1V 12). Tại Israel, vua Omri (885-874 tcn) đã lập một dòng vua mới và đặt kinh đô tại Samari. Con của Omri là vua Akháp (875 – 853 tcn) xây cất thành lũy và cung điện. Israel dưới thời Akháp khá thịnh vượng. Công việc thương mại tạo nên những tương quan thuận lợi với các nước lân bang, nhưng đồng thời cũng gây nên một tiêm nhiễm văn hóa và tôn giáo ngoại lai. Điển hình của việc suy đồi tôn giáo là cuộc hôn nhân của vua Akháp với Ideven, con gái vua Xiđôn (1V 16,29-34). Ideven du nhập đạo ngoại vào Israel, xây dựng đền thờ thần Baan tại Samari, tổ chức cộng đồng các Ngôn sứ thần Baan. Đạo Giavê bị bách hại. Chính trong hoàn cảnh đó, sách các Vua nói đến hoạt động của hai Ngôn sứ Êlia và Êlisê (1V17 ;  2V 13).
Ngay từ khi Israel đặt chân lên Canaan, tôn giáo Canaan và việc thờ thần Baan đã là mối ưu tư và nguy hiểm cho niềm tin vào Giavê. Mối nguy hiểm cũng như sự tiêm nhiễm đạo ngoại lai ấy ngày càng gia tăng qua sự phát triển kinh tế, tương quan thương mại với các dân tộc lân bang và đạt tới cao điểm vào thời Akháp. Đây không phải là việc từ bỏ đức tin truyền thống của cha ông vào Thiên Chúa Giavê, nhưng đúng hơn là sự pha trộn đạo Giavê với tôn giáo Canaan. Baan là vị thần của mưa gió, của sức mạnh thiên nhiên, của phú túc. Đối với dân, đây quả là vị thần lý tưởng cho cuộc sống chủ yếu là nông nghiệp thời bấy giờ. Êlia xuất hiện như vị anh hùng bảo vệ đạo Giavê, chống lại mọi pha trộn, mọi thỏa hiệp. Ông quả là người hùng của Thiên Chúa duy nhất và chân thật của Israel. Cuộc so tài trên núi Carmen giữa Êlia và các ngôn sứ thần Baan được hoàng hậu Ideven bảo trợ, có mục đích cho dân nhận định rõ ai là Chúa thật tại Israel: Giavê hay Baan. Các ngôn sứ Baan làm mọi cách: kêu cầu, nhảy múa, rạch mình, nhưng không có hiệu quả. Êlia kêu cầu Thiên Chúa. Giavê trả lời bằng một phép lạ chứng tỏ Ngài là Chúa các năng lực thiên nhiên. Người chính là Thiên Chúa của toàn thể vũ trụ (1V 18,17 - 40).
Êlia chưa kịp vui hưởng thành quả thì đã phải tất tưởi ra đi, hướng thẳng về sa mạc để tránh sự trả thù của hoàng hậu Ideven. Êlia đi mãi cho đến khi mỏi gối chùn chân. Gặp được một bóng cây ở giữa sa mạc hoang vu, ông nằm vật xuống, chán nản ê chề. Sống làm gì nữa, ông nghĩ vậy? Và ông xin Chúa cất lấy linh hồn ông, để ông chết đi cho rồi. Êlia thất vọng, chán nản, mệt nhọc, Ông muốn đầu hàng trước tử thần. Nhưng một thần sứ đến lay Êlia dậy: "Ăn đi để còn lên đường". Và nhờ thức ăn bồi dưỡng này, Êlia đã đi trọn 40 đêm ngày và tới Núi Thánh của Thiên Chúa.
Tác giả Kinh Thánh dùng con số 40 để ám chỉ cuộc hành trình của Dân Chúa nơi sa mạc từ khi ra khỏi Aicập tới ngày vào Hứa địa là 40 năm. Nó đã trở thành biểu tượng của thời gian con người hành trình ở trần gian này. Và đối với chúng ta, nó nói lên thời gian sống ơn gọi làm con cái Chúa ở trần gian, từ ngày rửa tội tới khi về thiên đàng. Các Giáo phụ nhìn 40 ngày hành trình của Êlia như gợi lại cuộc hành trình của Israel trong hoang địa tiến về đất hứa, 40 ngày chay tịnh của Môisê (Xh 34,28), tiên trưng việc Chúa Giêsu ăn chay 40 đêm ngày trước khi thi hành sứ vụ công khai. Các Giáo phụ cũng nhìn thấy nơi những chiếc bánh mà sứ thần trao cho Êlia là hình ảnh tiên báo phép Thánh Thể nuôi dưỡng tín hữu trên đường dương thế tiến về quê trời. Lương thực nuôi dưỡng Êlia trở thành biểu tượng cho của ăn đi đường cho Kitô hữu trong suốt cuộc hành trình trần gian. Các thế hệ Kitô hữu đã xem Êlia như võ sĩ vô địch về đức tin. Các đan viện, các dòng tu nhìn Êlia như vị tiền phong của mọi nỗ lực từ bỏ nếp sống trần tục để đi vào trong thinh lặng và nội tâm, tìm kiếm Thiên Chúa. Ðó là con đường đầy thử thách, nhưng chắc chắn sẽ gặp thần lương đi đường cho những ai có thiện chí.
2. Bánh Hằng Sống nuôi tín hữu lữ hành về quê trời.
Chúa Giêsu Kitô là Bánh Hằng Sống, Bánh bởi Trời, Bánh ban sự sống cho cả nhân loại. Nhưng làm sao mà con người có thể lãnh hội được ngay mạc khải quan trọng ấy. Vì thế, đã có tiếng xầm xì to nhỏ: “Ông này chẳng phải là ông Giêsu, con ông Giuse đó sao? Cha mẹ ông ta, chúng ta đều biết cả, sao bây giờ ông ta lại nói: Tôi từ trời xuống?”. Người Do thái có đủ lý do để nghi ngờ những lời nói của Chúa Giêsu: Ngài đang sống ở giữa họ như một người giữa mọi người vậy mà Ngài bất ngờ tuyên bố mình từ trời xuống. Chúa Giêsu đòi hỏi họ hãy tin vì Ngài là Đấng ban sự sống và Ngài từ Chúa Cha mà đến. Ngài là Lời Hằng Sống của Thiên Chúa Cha. Gặp gỡ Ngài là gặp gỡ Thiên Chúa Hằng Sống. Chúa Giêsu khẳng định: “Tôi là Bánh Hằng Sống. Tổ tiên các ông đã ăn manna trong sa mạc nhưng đã chết. Còn bánh này là bánh từ trời xuống, ai ăn thì khỏi phải chết”. Chúa Giêsu tuyên bố: “Bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống”. Thánh Thể được mạc khải một cách minh nhiên ngay từ bây giờ với điểm nhấn trên hy tế cứu độ trong mầu nhiệm thập giá. Sự sống vĩnh cửu hàm chứa trong mầu nhiệm Thánh Thể.
Cho tới Bữa Tiệc Ly và Hy Tế Thập Giá, khi Chúa Kitô tự nguyện nộp mình, như hạt lúa bị nghiền nát để trở nên tấm bánh cứu độ cho tất cả nhân loại, người ta mới hiểu và tin vào lời mạc khải về Bánh Hằng Sống.
Từ bông lúa bị nghiền nát, từ chùm nho bị ép; nghĩa là từ cuộc khổ nạn và cái chết trên thập giá, Chúa Giêsu đã trở thành tấm bánh, thành ly rượu đem lại sự sống đời đời cho nhân loại.
Cuộc tử nạn của Chúa Giêsu chính là một hy lễ dâng lên Thiên Chúa Cha. Trong hy lễ này, Người vừa là tư tế vừa là lễ vật. Trên Thập giá, Chúa Giêsu đã đổ máu ra. Bằng cái chết cứu độ, Người đã thiết lập giao ước mới. Tự nguyện làm “Con Chiên Vượt Qua” bị sát tế, Chúa Giêsu đã lập phép Thánh Thể để lễ vật bị sát tế ấy là chính Người trở nên của ăn tâm linh nuôi dưỡng con người.
Chúa Giêsu ở giữa nhân loại trong Bí Tích Thánh Thể. Để trở nên nguồn sống tâm linh trong Thánh Thể, Chúa Giêsu đã đi qua Tử nạn và Thập giá.
Thánh Thể là Mình Chúa hy sinh bị nộp, bị giết vì chúng ta: “Đây là Mình Thầy hy sinh vì anh em”. Chén Máu của Chúa là Máu giao ước đổ ra, Máu của Đấng Cứu thế bị giết chết trên thập giá.
Thánh Thể, Tấm Bánh Chúa Kitô bẻ ra cho sự sống thế giới; Thánh Thể Mình Máu Chúa Kitô trao ban cho cả nhân loại; Thánh Thể tình yêu đã trở nên thực phẩm vun bồi sự sống cho hôm nay trên đường dương thế và cho mai sau trong hạnh phúc Nước Trời.
Trong cuộc hành trình tiến tới sự sống viên mãn với Thiên Chúa là Cha, chính Chúa Giêsu là lương thực bổ dưỡng cho con người.
3. Bánh Hằng Sống chính là bí tích Thánh Thể
Câu nói “Thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống” của Chúa Giêsu không thể hiểu theo nghĩa vật chất. “Thịt và máu” ở đây không phải là thịt và máu huyết vật chất. “Của ăn và của uống” ở đây cũng không phải là của ăn và của uống vật chất. Những từ đó phải hiểu theo nghĩa tâm linh. Chúa Giêsu chính là lương thực đem lại sự sống và sự phát triển tâm linh thật sự. Để trở nên nguồn sống tâm linh trong Thánh Thể, Chúa Giêsu đã đi qua Tử Nạn Thập Giá và Phục Sinh.
Thánh Thể là Mình Chúa hy sinh bị nộp, bị giết vì chúng ta: Đây là Mình Thầy hy sinh vì anh em. Chén Máu của Chúa là Máu giao ước đổ ra, Máu của Đấng Cứu Thế bị giết chết trên thập giá. Bởi đó Thánh Thể và Thánh Giá là hai mầu nhiệm của một tình yêu tự hiến của Chúa Kitô. Không có Thánh giá, Thánh thể không có ý nghĩa. Không có Thánh thể, Thánh giá chỉ là thất bại. Chúa Giêsu cho dân chúng và các môn đệ thấy rõ mầu nhiệm Phục Sinh trong Bánh Hằng Sống “Lời Thầy nói với anh em là Thần khí và là sự sống. Thần khí mới làm cho sống, chứ xác thịt có ích gì” (Ga 6,63). Quả thật, chúng ta chỉ có thể hiểu được Bí tích Thánh thể qua mầu nhiệm Nhập Thể, Tử Nạn, Phục Sinh mà thôi.
Vậy có thể nói, cả mầu nhiệm Đức Kitô đều gói trọn trong Bí tích Thánh thể. Từ công cuộc nhập thể làm người, rao giảng tin mừng, đến khổ hình thập giá, sống lại vinh quang. Đức Kitô đang ngự bên hữu Chúa Cha nên mới ban Bí tích Thánh thể làm lương thực thần thiêng cho chúng ta được kết hợp với Người. Bí tích Thánh thể gói trọn cuộc đời Chúa Kitô và không có gì thuộc về Người mà không hội tụ trong Bí Tích Thánh Thể. Từ Thập giá - Phục sinh đến Thánh Thể là hành trình của con đường tình yêu tự hiến. Thánh lễ là cử hành hy tế cứu độ của Chúa Giêsu từ mầu nhiệm Thánh giá đến tình yêu Thánh Thể. Hiểu như thế để khi dâng thánh lễ hay chầu Mình Thánh Chúa, chúng ta hãy tham dự tích cực linh động với tất cả trí lòng tin yêu. 
Chúng ta đang lữ hành tiến về vĩnh cửu nên cũng có “lương thực đi đường”, không phải là manna từ trời rơi xuống và nước chảy ra từ tảng đá, hay chiếc bánh lùi và bình nước của thiên thần, nhưng là thần lương cao quý: Mình Máu Chúa Kitô trong Thánh Thể.
Để được ăn bánh Chúa ban, mỗi người phải chấp nhận sự thay đổi hoàn toàn: từ con người cũ thành con người mới; từ suy nghĩ, hành động cũ trở thành con người mới với suy nghĩ và hành động mới theo sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần. Thánh Phaolô trong bài đọc 2 đã gợi ý cụ thể: “Anh em chớ làm phiền lòng Thánh Thần, đừng bao giờ chua cay, gắt gỏng, hờn giận, la lối, chửi rủa, gian ác, nhưng phải đối xử tốt với nhau và có lòng thương xót, biết tha thứ cho nhau. Hãy theo gương Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã hiến mình vì chúng ta”.
“Muốn tin, phải nuôi mình bằng Thánh Thể, vì Thánh Thể chứa đựng “mầu nhiệm Đức Tin,” và ban sức mạnh đức tin cho con.” (Đường Hy Vọng, số 373).
Lạy Chúa Giêsu, con cám ơn Chúa đã cho con hàng ngày có “lương thực đi đường” là được ăn một miếng Bánh đơn sơ, nhỏ bé để con được kết hợp mật thiết với Thiên Chúa Vô Cùng. Xin cho cho tâm hồn con luôn kết hợp với Chúa, để được Chúa dẫn vào cuộc sống muôn đời. Amen.
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
=================
 Suy niệm 5
MỘT ĐIỀU KỲ DIỆU TRONG ĐỜI
“Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng! Để làm gì em biết không? Để gió cuốn đi...”. Đây là lời bài hát ‘Để Gió Cuốn Đi’ của cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn. Tuy ông không phải là người Ki-tô hữu, nhưng với triết lý sống thâm thuý của ông đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng chúng ta. Sống giữa cuộc đời này, chúng ta cần một tấm lòng để rồi nhờ những làn gió thoảng đưa đến với anh chị em, để rồi tấm lòng ấy được chia san không ngơi nghỉ. Nhưng trên thực tế, ôi thay, với cỗ máy xã hội quay không ngớt, không dừng lại để chờ đợi ai, chúng ta thường cần ‘một đóng tiền’ chứ không cần ‘một tấm lòng’, để gió bụi thổi tứ phía, hầu đạt được những gì mình tham vọng.
Và rồi theo lối suy nghĩ, cách sống này, chúng ta dễ dàng quỵ ngã và thốt lên như tiên tri Ê-li-a trong bài đọc I rằng: “Lạy Chúa đã đủ rồi, xin cất mạng sống con đi...” (x. V 19, 4). Trên cuộc hành trình lữ khách trần ai này, chúng ta thường than thở, thở than, ôi chao sao cuộc đời đầy những nỗi ưu phiền, niềm vui thì chẳng được bao, mà sầu vương thì nhiều vô lối! Đường đời thì xa tít tắp đầy chông gai, lộ trình thì dài ngoằn nghèo, đơn thân độc mã ra đi! Tuy nhiên, chính khi đối diện với bản thân, chúng ta càng thấy rõ những yếu đuối của chính mình; chúng ta càng nhận ra sự trợ lực của Bí tích Thánh Thể, sự đồng hành của Chúa và anh chị em trong mỗi giây phút sống, làm việc và sinh hoạt của ta. Chúng ta được đánh thức sau những cơn mê dài, sau những giấc ngủ triền miên trong sự quên lãng ân tình Chúa đã hứa ban, và con tim khép kín trước anh chị em, “hãy chỗi dậy mà ăn: vì đường ngươi phải đi còn xa” (x. V 19, 7). Đường đời làm chứng tá cho Chúa Phục Sinh còn xa thật, nhưng yên lòng an tâm vì có Chúa ở cùng. Người hằng kết hiệp và muốn trở nên một với ta, để qua tư tưởng, cách nhìn, cử chỉ, lời nói, ánh mắt, biểu lộ tâm tư, hành động, v.v... tất cả đều toát lên con người Ki-tô như Thánh Phao-lô quả quyết sự hiện diện thâm sâu của Chúa Ki-tô qua Ngài “...không phải tôi sống nữa, mà là chính Chúa Ki-tô đang sống trong tôi” (Gl 2, 20).
Hơn thế, sự sống nhân linh không chỉ dừng lại tại dương thế này, mà được chung hưởng phần sự sống đời đời. Khi lãnh nhận Thánh Thể, chúng ta được tháp nhập vào sự sống thần linh của Chúa Ki-tô, và được thừa hưởng sự sống vô hạn của chính Thiên Chúa nữa. Sự sống ấy không phụ thuộc vào không gian, thời gian, khung cảnh, nơi chốn; mà sự sống ấy được diễn tả qua sự đồng hình đồng dạng với Đấng đã trao ban sự sống thiêng liêng cho ta. Như thế, chúng ta luôn được sống trong Người – Đấng là nguồn sự sống vĩnh cửu, “Ta là bánh ban sự sống...Ta là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này sẽ sống đời đời” (x. Ga 6, 48. 51)
Thật không còn ngôn từ nào có thể diễn tả được niềm vui vượt xa trí hiểu của chúng ta. Một Thiên Chúa đầy quyền năng, là nguồn cội của sự sống mà lại muốn hiến trao, chia san sự sống thiên tính ấy cho con người yếu hèn như chúng ta! Thế nhưng, Người cũng mong mỏi chúng ta khi thông phần vào sự sống ấy, chúng ta cũng hãy trở nên như Người, Đấng đã ban Mình và Máu Người cho ta như Thánh Phao-lô khuyên nhủ giáo đoàn Ê-phê-sô và chúng ta: “hãy sống trong tình thương, như Đức Ki-tô đã yêu thương chúng ta” (Ep 5, 2). Một khi chúng ta để Chúa hành động qua con người ta, thì ‘cái tôi’ to tướng của ta sẽ nhỏ bé lại, và lòng vị tha sẽ được lớn lên qua những hành vi, cử chỉ sống hiền lành, tử tế, thương xót, đồng cảm, thứ tha, v.v...Dĩ nhiên, như vậy thì mọi thái độ gay gắt, tức giận, hiềm tị, nóng nảy, dức lác, chửi rủa, v.v...sẽ nhỏ lại và được san bằng. Trong một bài yết kiến chung, Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô kính yêu của chúng ta có nói rằng: “Nếu sau khi chúng ta rước lễ, mà chúng ta không dám ra đi ‘rửa chân’ cho anh chị em mình, thì chúng ta chẳng hiểu được ý nghĩa sâu xa của việc rước lễ”. Thật vậy, qua bí tích Thánh Thể, chính Chúa Ki-tô trở nên một với ta, Người ban sức sống, nhiệt huyết, dũng khí cho ta, hầu ta dám ra khỏi con người của ta, một con người có xu hướng co cụm, chỉ biết bám víu hay hì hục trong ‘chăn ấm nệm êm’ của riêng mình, để hăng say phục vụ, chia san, đồng hành với anh chị em bằng cử chỉ khiêm hạ, đơn sơ, đó là biết ‘rửa chân cho nhau’.
Chúng con cảm tạ Chúa hết lòng, hết tâm trí mọn hèn của con vì ‘phép lạ’ của Bí tích Thánh Thể, một điều kỳ lạ vượt trên trí hiểu con người, nhưng lại rất gần gũi với con người chúng con. Xin cho chúng con biết ra đi phục vụ, yêu thương, tha thứ mỗi lần chúng con lãnh nhận sức mạnh thần thiêng, sức sống vĩnh cửu từ bí tích Tình yêu. Amen.
Lm. Xuân Hy Vọng
==================== 
Suy niệm 6
‘MANNA’ HẰNG SỐNG
Trên cuộc lữ hành dương thế này, không ai trong chúng ta đánh giá thấp sự thiết yếu, cần kíp của lương thực, nước uống, và các vật phẩm cần thiết cho cuộc sống thể lý của chúng ta. Tuy nhiên, đã là con người, chúng ta cũng cần được nuôi dưỡng về mặt tinh thần, tình cảm, tâm linh, tâm lý, v.v... nữa đấy!
Trong đoạn trần thuật hôm nay, Chúa Giê-su công bố “Ta là Bánh từ trời xuống” (x. Ga 6, 41), “Ta là Bánh Trường Sinh” (x. Ga 6, 48), và “Ta là Bánh Hằng Sống từ trời xuống” (x. Ga 6, 51) để nuôi sống chúng ta, để đồng hành và trợ lực cho chúng ta ‘chạy hết cuộc đua trần thế này’, hầu lãnh được mũ triều thiên vinh hiển, đó là: Sự sống đời đời – sống mãi bên Thiên Chúa.
Kính thưa ông bà, anh chị em thân mến! Đã là người Công Giáo, chúng ta biết rõ tầm quan trọng của Thánh lễ, Bí tích Thánh Thể, cũng như tin vào ân sủng và sức mạnh của việc lãnh nhận chính Mình Máu Thánh Chúa – Bánh Hằng Sống. Thiết nghĩ, có lẽ vì hoàn cảnh, cuộc sống và trạng huống của xã hội Nhật Bản, nên dường như thói quen tốt đẹp của người giáo dân Việt Nam chúng ta dần dần mai một, lạnh nhạt đi; đặc biệt, con cháu của chúng ta được sinh ra, giáo dưỡng, hấp thụ lối suy nghĩ có thể nói là ‘cấp tiến’ hay ‘tiến bộ’ hơn ông bà, cha mẹ, những bậc chăm lo giáo dục cũng như hướng dẫn đời sống thiêng liêng, nên chúng dần dần rời xa niềm xác tín vào việc tham dự Bàn Tiệc Thánh, hăng say chạy đến lãnh nhận chính suối nguồn sự sống từ Bí tích Thánh Thể - bí tích Tình yêu. Từ việc lơ là, sao nhãn này dẫn đến nỗi lãnh cảm, lãnh đạm với Thánh Lễ và bí tích Thánh Thể. Quá nhiều lần, không ít trong chúng ta thốt lên rằng: “với cương vị, trách nhiệm của một người cha, người mẹ, người giáo dưỡng, chúng ta phải làm gì đây để con cháu chúng ta đến gần với Chúa, hiệp thông Thánh lễ và lãnh nhận Bí tích Thánh Thể?” hoặc đôi lần trong ý nghĩ, tư tưởng, chúng ta đành ‘bỏ cuộc vì bất lực trước sự khô cứng, dửng dưng của chúng’, v.v…
Dẫu cho thực thế có bi quan như vậy đi chăng nữa, chúng ta cũng nên giữ mãi những gì là tốt đẹp, những thói quen tốt lành, đời sống đạo đức bình dân, giản dị này như thánh Phao-lô khuyên dạy các tín hữu giáo đoàn The-xa-lô-ni-ca: “Hãy cân nhắc mọi sự: điều gì tốt thì giữ; còn điều xấu dưới bất cứ hình thức nào thì lánh cho xa” (x. 1Tx 5, 21-22). Và nhất là giữ cho tâm hồn luôn được bình an, trong sạch; lòng nhiệt huyết sống chứng tá, làm gương trong mọi trạng huống của cuộc sống. Mỗi lần đến với Thánh lễ và lãnh nhận bí tích Thánh thể, xin cho mỗi người chúng ta luôn biết ‘sắp xếp’ tâm tư, ước vọng, đam mê của mình lại cho ngăn nắp, chuẩn bị cho xứng đáng khi rước Mình Máu Chúa – lãnh nhận chính Sự sống thần linh của Thiên Chúa. Hơn nữa, nếu ý thức con người tội lỗi, yếu hèn, bất xứng của ta thì hãy chạy đến bí tích Hoà giải; nơi đó xin Chúa thánh hoá, rửa sạch tâm hồn bợn nhơ của ta, để rồi chúng ta xứng đáng rước Chúa vào ‘căn nhà ấm áp, sạch trong’ của ta. Mặc khác, khi được kết hiệp nên một với Chúa qua việc lãnh nhận bí tích Thánh thể, chúng ta được ý thức hơn về ân sủng lớn lao ấy như các bài đọc trong ngày hôm nay diễn tả ý nghĩa và đặc sủng mà chúng ta có thể múc lấy nơi chính bí tích Tình yêu – bí tích Thánh Thể, đó là:
Được trợ lực, được nâng đỡ trên cuộc hành trình tiến về Nước Trời dù bao lo toan, mệt nhoài của cuộc sống trần thế có thể khiến chúng ta ‘ngủ mê’ hoặc ‘quỵ ngã’ (x. Cuộc hành trình 40 đêm ngày của tiên tri Ê-li-ah trong bài đọc 1 trích từ sách Các Vua quyển thứ nhất, chương 19, câu 4-8);
Thứ đến, được thánh hoá, được biến đổi thành những người biết ăn ở hiền hậu, thương xót, tha thứ cho tha nhân, dẫu rằng những đam mê, tham, sân, si, ai, ái, hỉ, nộ khiến ‘cái tôi’ của chúng ta trở nên to tướng, ngán đường cản trở những gì lành thánhtốt đẹp của ta được biểu lộ; hay những thứ gay gắt, tức giận, nóng nảy, dức lác, chửi rủa, độc ác dần dần được ‘nhỏ lại’ để hoa quả của niềm vui, sự bình an, lòng bác ái, v.v...chớm nở, đơm hoa kết trái dồi dào qua tư tưởng, hành động, lời nói, việc làm của chúng ta (x. Ep 4, 30 – 5, 2);
Sau cùng, ơn thánh từ Thiên Chúa luôn luôn vượt xa, vươn lên trên lòng mong mỏi của con người chúng ta, đó là: ơn được sự sống đời đời. Một ơn huệ cao quý hơn tất cả các hiệu ứng của sự trông mong, niềm khát khao tận cùng của con người: được sống mãi bên Chúa (x. Ga 6, 41-52).
Ngẫm suy, nhìn lại cuộc sống của chính mình, chúng ta không khỏi không buồn trước việc biết bao lần chúng ta lãnh đạm, hay lãnh nhận Mình Máu Thánh Chúa một cách máy móc, thói quen, ‘không hồn’, hay tệ hơn nữa, chúng ta rước lấy bí tích Thánh thể một cách bất xứng! Hơn nữa, mỗi khi chúng ta đón nhận chính sự sống Thần linh của Chúa, chúng ta lại chưa tin nhận, chưa dám đồng hành với Ngài trên cuộc lữ hành đức tin nơi dương thế này! Chúng ta lãnh nhận bí tích Thánh thể như thể một ‘rô-bốt’ và rồi thời gian cứ trôi, ‘rô-bốt’ cứ mãi là ‘rô-bốt’; nghĩa là: đời sống chúng ta chẳng hề thay đổi theo lời mời gọi của Chúa, chưa vâng theo sự trợ lực của ơn Người như Đức Giáo Hoàng đương kim đáng kính của chúng ta chia sẻ “người Ki-tô hữu không biết dấn thân, khiêm tốn cúi xuống ‘rửa chân’ cho tha nhân, mỗi khi lãnh nhận bí tích Thánh thể, thì họ chưa hiểu gì về ý nghĩa thâm sâu của việc rước Mình Máu Thánh Chúa”.
Lạy Chúa, nguyện xin cho mỗi người chúng con ý thức hơn về ơn thông phần vào sự sống thần linh của Chúa qua việc lãnh nhận Bí tích Thánh thể mỗi ngày. Amen!
Lm. Xuân Hy Vọng
=================
Suy niệm 7
Từ Manna đến Chúa Giêsu

(Ga 6, 41 – 52)

Khởi đi từ phép lạ hóa bánh ra nhiều để nuôi đám đông dân chúng, phụng vụ Lời Chúa các tuần tiếp theo giúp chúng ta đọc lại hầu như toàn bộ chương 6 Tin Mừng theo thánh Gioan. Đây là cơ hội để khám phá ra Tấm Bánh đích thực bởi Trời có tên là Giêsu, Bánh do Thiên Chúa Cha tặng ban để thế nhân ăn mà sống muôn đời.
Tin Mừng thánh Gioan hôm nay ghi lại cuộc tranh luận giữa Chúa Giêsu với người Do Thái về bánh hằng sống, khơi lại manna thời Cựu Ước và nguồn gốc của Chúa Giêsu. Với lời tuyên bố : “Ta là hằng sống bởi trời mà xuống” (Ga 6,41). Chúa Giêsu đã gặp phải điều cấm kỵ trong dân Do Thái. Nhất là câu “Ai ăn bánh này, sẽ sống đời đời. Và bánh Ta sẽ ban, chính là thịt Ta, để cho thế gian được sống” (Ga 6, 51 ). Người dẫn chứng: “Cha ông các ngươi đã ăn Manna trong sa mạc và đã chết”, khiến họ kêu trách: “Chớ thì ông này chẳng phải là Giêsu, con ông Giuse sao? Chúng ta đều biết rõ cha mẹ của ông. Vậy làm sao ông lại nói: ‘Ta bởi trời mà xuống”(Ga 6, 42).
Manna là gì?
Căn cứ vào tiếng Do Thái thì Manna bắt nguồn từ “Man” có nghĩa là “Quà tặng”, nên Manna là quà Thiên Chúa ban tặng cho dân. Trên hành trình về Đất Hứa, qua sa mạc Sin, giữa Êlim và Sinai, dân Israel nổi loạn kêu trách Môsê đã dẫn họ ra khỏi Ai Cập để vào đây phải chết đói (x. Xh 16,3). Chính họ cảm thấy hối tiếc vì đã bỏ đất Ai Cập, dù làm thân nô lệ nhưng còn có thức ăn. Sau khi xảy ra chuyện phàn nàn này, Môsê đã xin Thiên Chúa ban cho Manna từ trời xuống làm của ăn dòng dã 40 năm trường (x. Xh 16, 1- 36 ). Thiên Chúa đã nhận lời và ban bánh xuống như mưa sa cho dân mỗi sáng thu nhặt bánh ăn thỏa thích trong ngày.
Đến lượt Êlia, người Tisbê, ở Galaad, sứ ngôn của Thiên Chúa, trong thời kỳ hạn hán không có mưa, có sương, Thiên Chúa đã dùng quạ ở thung lũng Cơrít và bà góa thành Xarépta nuôi ông (x. 1V 17, 1-15). Và trong cuộc hành trình đến núi Horeb của Thiên Chúa, ngài đã dùng chính Thiên Thần mang bánh đến cho ông ăn, nhờ “sức của nuôi ấy, ông đi bốn mươi ngày bốn mươi đêm mới tới Horeb, núi của Thiên Chúa” (1V 19, 8).
Manna hình ảnh báo trước về Chúa Giêsu
Lời ông Môsê trong sách Đệ Nhị Luật cho thấy, manna là thứ mà Thiên Chúa ban cho dân trong sa mạc ăn y cho đỡ cái đói đời sống tạm bợ này. Vì: “Con người sống không nguyên bởi bánh, mà còn bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra” (Đnl 8,3).
Môsê đã tiên báo cho dân Do Thái biết về lương thực Thiên Chúa sẽ ban cho dân Chúa sau này là chính Chúa Giêsu Kitô: “Thiên Chúa sẽ ban cho các người của ăn mà các ngươi và cha ông các người chưa từng biết tới” (x. Đnl 8, 2-3.14b-16).
Chúa Giêsu mạc khải chính mình là Bánh bởi Trời
Cho dù là Manna từ trời xuống nuôi dân chúng trong sa mạc, hay bánh Thiên Thần mang đến cho Êlia nuôi sống người ta 40 ngày cùng lắm là 40 năm đi nữa, thì những thứ bánh đó cũng chỉ nuôi sống con người cách rất tạm bợ, kẻ ăn những thứ bánh ấy vẫn đói và vẫn chết. Hôm nay, Chúa Giêsu tự giới thiệu cho mình: “Ta là hằng sống bởi trời mà xuống. ai ăn bánh này sẽ sống đời đời” (Ga 6,41). Thật không dễ để những người Do Thái thời Chúa Giêsu đón nhận Người là Bánh Hằng Sống, thứ bánh họ cần thiết phải kiếm tìm, và ăn không phải nhằm thỏa mãn thể lý trong một thời gian, nhưng còn để sống vĩnh viễn.
Những lời trên khiến cho những cùng quê với Chúa Giêsu sửng sốt. Chẳng những khước từ, họ còn coi đó là gương mù gương xấu. Họ lẩm bẩm với nhau, bới lông tìm vết: " Chớ thì ông này chẳng phải là Giêsu, con ông Giuse sao? Chúng ta đều biết rõ cha mẹ của ông. Vậy làm sao ông lại nói: 'Ta bởi trời mà xuống" (Ga 6,42). Cuộc sống của Chúa Giêsu rất đỗi bình thường giữa người làng xóm, thường đến nỗi khiến người ta vấp phạm vì lời Người. Thấy họ lẩm bẩm, Chúa Giêsu nói: "Các người chớ thì thầm với nhau. Không ai đến được với Ta nếu Cha, là Đấng sai Ta, không lôi kéo kẻ ấy", và Người thêm: "Ai tin vào Ta thì có sự sống đời đời" (Ga 6, 44.47).
Người Cha mà Chúa Giêsu nói với họ không ai nhìn thấy bao giờ là người cha nào ? Bánh từ Trời xuống là bánh gì mà người ta ăn vào sẽ sống đời đời ? Trong khi đó, manna của ăn trong sa mạc, cha ông họ đã ăn và đã chết thì Chúa phủ nhận, nay tuyên bố: "Ta là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ sống đời đời" (Ga 6, 51). Thịt của Chúa có thể là thức ăn cho con người được không?
Chúa Giêsu muốn giúp họ hiểu ý nghĩa sâu xa của phép lạ hóa bánh ra nhiều để họ đón nhận lời loan báo của Chúa là Bánh từ Trời xuống (x. Ga 6,41) sẽ làm thỏa mãn một cách vĩnh viễn. Dân Do thái đã sống kinh nghiệm ăn manna trong hành trình vào Đất Hứa. Giờ đây Chúa Giêsu nói về chính Người như Bánh từ Trời xuống, có khả năng duy trì sự sống không phải chỉ trong một lúc hay một đoạn đường, mà luôn mãi:“Ai ăn bánh này, sẽ sống đời đời” (Ga 6, 51 ). Chúa Giêsu tỏ mình là Con Một Thiên Chúa, từ Chúa Cha mà đến để trao ban cho con người thứ lương thực ban sự sống đời đời. Chúa khẳng định Người là Bánh bởi Trời và khích lệ dân chúng tin vào Người.
Chúng ta ngày hôm nay tự hỏi: Tôi có tin Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa không? Tôi có khao khát Bánh bởi Trời là chính Người không? Thật ra, ăn Bánh Hằng Sống có nghĩa là tin nơi Chúa và ai tin thì ăn.
Lạy Mẹ Maria, xin Mẹ hướng dẫn chúng ta tới gặp Chúa Giêsu, để trong tình hiệp thông tràn đầy với Chúa Giêsu Con Mẹ, Bánh Hằng Sống từ Trời xuống; chúng con được kết hợp với Người ngay từ bây giờ và mãi mãi. Amen.

Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ

=================
Suy niệm 8
Tôi là Bánh Hằng Sống
1V 19,4-8; Ep 4,30-5,2; Ga 6, 41-51
Đức Giêsu khẳng định: “Chẳng ai đến với tôi được, nếu Chúa Cha là Đấng đã sai tôi, không lôi kéo người ấy, và tôi, tôi sẽ cho người ấy sống lại trong ngày sau hết” (Ga 6,44). Thiên Chúa là tình yêu, tình yêu nơi Ngài là không biên giới, không phân biệt giai cấp sang hèn và vô ngần vô hạn. Ngài dùng chính sợi dây tình yêu hạnh phúc nơi Ngài mà lôi kéo hết mọi người. Nhưng con người có đón nhận để hướng tới, thì mới được hưởng sự sống đời đời. Con người muốn hay không còn tùy thuộc sự khao khát trong lòng họ nữa. “Vậy phàm ai nghe và đón nhận giáo huấn của Chúa Cha, thì sẽ đến với tôi” (Ga 6,45b). Nhưng tình yêu của Chúa luôn đi bước trước để tìm và lôi kéo con người đến với Ngài.
Đức Giêsu nói: “Thật, tôi bảo thật các ông, ai tin thì được sự sống đời đời. Tôi là bánh trường sinh. Tổ tiên các ông đã ăn manna trong sa mạc, nhưng đã chết. Còn bánh này là bánh từ trời xuống, để ai ăn thì khỏi phải chết. Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống” (Ga 6,47-51). Người tin vào Chúa Giêsu là người tha thiết khát mong được đến với Người, để gặp gỡ và được sống mật thiết với Người. Sự sống đời đời không phải chỉ khi nhắm mắt xuôi tay mới bắt đầu, nhưng với người tin thì đang bắt đầu từ ngay hôm nay trong cuộc sống này, khi sống gắn bó với Chúa. Lời khẳng định của Đức Giêsu không chỉ cho những người Do Thái bấy giờ, mà còn cho mỗi người chúng con hôm nay. Ngài đã chết và đã Phục Sinh để trở thành Bánh Hằng Sống nuôi sống nhân loại mãi đến tận thế.
Ngày nay Chúa đã Phục Sinh, nhưng Ngài còn ở lại trong Lời và Mình Máu Ngài. Chính Ngài là Bánh Hằng Sống mà chúng con phải tìm đến và tận hưởng để được sống đời đời. Vậy mà nhiều khi chúng con lại cố công tìm sự “no nê” trong cơm áo gạo tiền, danh, lợi, thú. Chúa muốn chúng con vượt lên trên những cái tầm thường của cuộc sống. Hãy tìm đến và tin vào Người, vì Người là nguồn sống, làm no say cơn đói khát thiêng liêng của chúng con.
Thánh lễ hằng ngày là bàn tiệc thánh của Thiên Chúa, tái diễn lễ Vượt Qua. Trong thánh lễ, chúng con được đồng bàn và thông phần vào Thịt Máu của Đấng Phục Sinh, là lương thực nuôi sống muôn đời. Chúng con tin và đón nhận với lòng cảm mến tin yêu. Nhờ siêng năng rước Chúa, chúng con được trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa.
Cảm tạ Chúa đã ban chính Thịt Máu Chúa cho chúng con được nuôi sống bằng sự sống thần linh. Xin cho mỗi người chúng con đều nhận ra cơn đói khát trong sâu thẳm cõi lòng, để chúng con biết đến lãnh nhận nguồn ân phúc bất tận là chính Chúa. Ước mong mỗi lần tham dự thánh lễ và rước lễ sẽ là cơ hội quý báu, cho chúng con lãnh nhận sự sống đời đời từ chính Chúa.
Én Nhỏ
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Giáo xứ Yên Tập: Đức cha Đaminh dâng Thánh lễ mừng Chúa Giáng Sinh 2024
Giáo xứ Yên Tập: Đức cha Đaminh dâng Thánh lễ mừng Chúa Giáng Sinh 2024
Trong niềm vui chung của toàn nhân loại mừng ngày Ngôi Hai Thiên Chúa giáng thế cứu độ trần gian, Giáo xứ Yên Tập hân hoan chào đón Đức cha Đaminh, Giám mục Giáo phận đã đến thăm và chủ tế Thánh lễ mừng Chúa Giáng Sinh vào tối ngày 25 tháng 12 năm 2024.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log