Quê hương chúng ta
Mc 6, 1 - 6
Quê hương khoa học.
Thế giới hôm nay thường có xu hướng đánh giá mọi thứ theo tiêu chí duy nhất là khoa học. Kiến thức khoa học khẳng định rằng: lịch sử, dân tộc học, xã hội học, phân tâm học dạy chúng ta biết về nhân loại. Tuy nhiên, kiến thức khoa học đó lại để lộ ra điều, đó là biết rất ít về sự thật con người và các dân tộc.
Các nhà sử học thường phê pháncác sách Tin mừng. Nhờ các phương pháp riêng của khoa học, họ phát hiện ra rằng nhiều điều được viết trong Tin mừng mâu thuẫn bởi các nguồn khác. Vì thế, theo họ, có thể Chúa Giêsu không sinh ra tại Belem như Tin Mừng đã viết. Vậy,
- Nếu các sách tin mừng,được sàng lọc qua các ngành nhân văn hoặc khoa học lịch sử, và nếu người ta loại bỏ cả các dụ ngôn, các phép lạ hoặc các lời dạy của Chúa Giêsu, thì người kito chúng ta dựa vào đâu?
- Tại quê hương mà người ta chỉ dựa vào khoa học để biết sự thật, thì vai trò của đức tin trở nên rất có vấn đề.
Quê hương Chúa Giêsu.
"Chúa Giêsu trở về quê nhà..Nhiều thính giả sửng sốt về giáo lý của Ngài, họ nói: Bởi đâu ông này được như vậy? Sao ông được khôn ngoan như vậy? Bởi đâu tay Ngài làm được những sự lạ thể ấy? Ông này chẳng phải người thợ mộc con bà Maria, anh em với Giacobê, Giuđa và Simon sao? Chị em ông không ở với chúng ta đây sao? Và họ vấp phạm vì Ngài”.
Quê hương Chúa Giêsu, ngôi làng thuộc Galilêa này, nơi mọi người đều biết nhau. Chúa Giêsu có một vị trí trong xã hội này:
- Ngài là một thợ mộc. Ngài có một gia đình mà các thành viên có thể được gọi bằng tên.
- Ngài thuộc về tôn giáo Do Thái và, giống như bất kỳ người nam trưởng thành nào, có thể giảng dạy trong hội đường.
- Chúa Giêsu là một phần của xã hội và quen biết những người Galilê này.
- Và đây hôm nay Ngài chứng tỏ như là một người trong số họ, và cũng khác họ.
Tuy nhiên,
- Làm thế nào có thể quan niệm Chúa Giêsu là một trong số họ và hoàn toàn khác với họ?
- Làm thế nào anh thợ mộc làng lại có thể là một nhà tiên tri của Đấng Tối Cao?
- Làm thế nào con trai bà Maria và anh em với Giacobê có thể có một trí tuệ không ngoan thông suốt, xuất phát từ văn hóa của họ cũng như từ gia đình Ngài?
- Làm thế nào người này ở cùng một thời điểm trong thế giới của họ lại có thể hoàn toàn khác họ?
Cuối cùng, họ từ chối một cư dân quê hương, một người quen thuộc, lại biểu hiện như một người xa lạ."Và ở đó, Chúa Giêsu không thể thực hiện bất kỳ phép lạ nào. "
Quê hương chúng ta ngày nay - văn hóa chúng ta - là quê hương của khoa học và công nghệ. Chúng ta hy vọng nhờ nền văn minh đó, người ta có kiến thức tốt hơn và cách sống tốt hơn. Tại quê hương này, phép lạ không còn có chỗ đứng: Chúa Giêsu không thể thực hiện bất kỳ phép lạ nào. Tuy nhiên, lời của Chúa Giêsu vẫn tìm cách đến trong thế giới chúng ta như đã tìm cách đến với những người Galilêa, quê hương của Ngài. Vậy có còn chỗ cho lời của Ngài đến trong thế giới của chúng ta không? Trong văn hóa của chúng ta, có còn không gian cho lời tiên tri của Ngài không?
Quê hương đức tin.
Chúa Giêsu nói với họ: 'Không một tiên tri nào mà không bị khinh bỉ ở quê hương, gia đình họ hàng mình”. Và ở đó Ngài không làm phép lạ nào được. Ngài ngạc nhiên vì họ cứng lòng tin.
- Nếu chúng ta làm giảm sự thật của Tin mừng mà chỉ chú trọng đến kiến thức khoa học lịch sử, chúng ta sẽ luôn bỏ lỡ bản chất tiên tri của Chúa Giêsu.
- Giống như người dân Na-gia-reth, chúng ta giảm Chúa Giêsu vào những gì mà kiến thức cho chúng ta biết.
- Và như vậy, Chúa Giêsu không còn gì là xa lạ nữa. Chúng ta đóng khung lời của Ngài vào thế giới quen thuộc của chúng ta, nền đạo đức mơ hồ và hẹp hòi của chúng ta. Lời của Ngài không còn làm phiền ai nữa. Đơn giản, lời của Ngài không hơn không kém!
"Không một nhà tiên tri nào mà không bị khinh bỉ ở quê hương ...". Một tiên tri là gì nếu không phải là một người nói nhân danh Đấng khác, nhân danh Thiên Chúa? Tin Mừng, từ đầu đến cuối, không loại trừ khoa học, nhưng không bị đóng khung vào trong khoa học mà còn vượt lên trên khoa học.
Chúa Giêsu Kitô đến giữa chúng ta để phá vỡ thế giới khép kín này, để mở chúng ta tới một điều khác so với điều mà chúng ta tự biết. Ngài tuyên bố với chúng ta một sự thật hoàn toàn khác với khoa học: đó là Thiên Chúa ở giữa chúng ta.
- Sự thật này không phải là về kiến thức khoa học. .
- Sự thật này được khám phá ra không phải do lý trí, cũng không do những gì chúng ta nhìn thấy.
- Sự thật này không thay đổi cách suy luận của các nhà khoa học, nhưng có thể thay đổi cuộc sống, bao gồm cả sự thật của các nhà khoa học nữa.
Linh mục Gioan Đặng Văn Nghĩa
===================
Suy niệm 2
Mc 6, 1 – 6
Đọc thêm trình thuật của thánh Luca, chúng ta mới thấy hết ý của câu chuyện thánh Máccô vừa kể. Câu chuyện diễn biến như sau. Dưới cái nhìn của người Do Thái, thì Nadarét, quê hương của Chúa bị đánh giá là làng quê mùa nhất nước. Từ khi Đức Giêsu trở thành một siêu sao, thì dân Nadarét không còn mặc cảm tự ti nữa. Họ ngước mắt lên để khoe với đời.
Hôm ấy Đức Giêsu trở về thăm Đức Mẹ và thăm quê hương Nadarét. Ngài đến nguyện đường vào ngày Sabát như mọi người. Ông trưởng hội đường mời Chúa đọc Sách Thánh và chia sẻ. Mọi người trố mắt dòm và vểnh tai nghe.
Nghe xong thì thính giả chia thành hai phe. Phe một thì ca tụng hết lời. Phe hai thì lôi lý lịch thợ mộc của Chúa ra để chế giễu. Chúa tả lời cho phe hai rằng: không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình. Chúa dùng lịch sử để minh chứng điều đó.
- Thời sứ ngôn Êlia, trong nước Do Thái có biết bao bà góa nghèo đói mà sứ ngôn không cứu, nhưng lại cứu một bà góa người ngoại ở Sarépta.
- Thời sứ ngôn Êlisa, trong nước Do Thái có biết bao người phong cùi mà sứ ngôn không cứu, lại cứu ông Naaman xứ Syria.
Vì hai lần Chúa đề cao người ngoại đạo và ngoại quốc, nên cả hội trường hô đả đảo và đòi lôi Chúa lên núi để xô xuống cho chết.
Chúa bỏ Nadarét mà đi nơi khác. Chúa biết là nếu đề cao người ngoại, thì thế nào cũng sẽ bị chống đối. Biết thê, nhưng vẫn cứ nói thế. Điều đó chứng tỏ là Chúa rất yêu thương người ngoại và nguyện vọng của Ngài là mọi người ngoại phải được biết Chúa Cha là Cha của mọi người và mọi người phải yêu thương nhau như anh em, bất phân chủng tộc, quốc gia, văn hóa và tôn giáo.
Chúa yêu người ngoại đến mức độ sém nữa thì bị đồng hương giết bỏ. Nhưng chúng ta có yêu người ngoại như Chúa yêu không? Đó là vấn đề mà chúng ta phải tự kiểm điểm, để Tin Mừng không bị bóp méo. Tại Việt Nam này, người Công giáo chúng ta vẫn kỳ thị người ngoại suốt dòng lịch sử gần 500 năm. Người ngoại vẫn bị gọi là “quân ngoại đạo”, “kẻ ngoại đạo”. Phải chờ đến Vatican II chúng ta mới gọi người ngoại là “tôn giáo bạn”. Đáng buồn và đáng xấu hổ nhất đó là cha De Rhodes, trong cuốn “Phép giảng tám ngày”, ngài đã gọi Đức Phật là một tên gian dối, bỏ cha, bỏ mẹ, bỏ vợ, bỏ con để đi rao giảng những sự dối trá mà lừa gạt chúng sinh. Dĩ nhiên, điều sai lầm này có thể tạm thông cảm vì Âu – Á mới gặp nhau, nên không hiểu nhau. Nhưng trong nội bộ Giáo hội, thì điều sai lầm đó khó tha thứ, vì nó sai Phúc Âm, mà còn nghịch với Phúc Âm nữa.
Ngoài việc Chúa bị phản đối, chúng ta nên nghĩ đến Đức Mẹ. Chúa thì bỏ mà đi giảng ở nơi khác. Còn Đức Mẹ vẫn cứ ở Nadarét để nghe đồng hương chửi mắng và chế diễu từ ngày này qua ngày khác. Tội nghiệp cho Đức Mẹ! Nhưng đó cũng là số phận của những ai yêu Chúa và yêu người ngoại như Chúa đã yêu.
Linh mục Piô Ngô Phúc Hậu
===================
Suy niệm 3
“Lấy làm lạ vì họ không tin”
Sau khi cho chúng ta chứng kiến quyền năng của Đức Giêsu mạnh hơn cả cái chết, thánh Maccô đưa chúng ta đi theo Người về nơi quê quán là Nadarét. Tiếng đồn về Đức Giêsu đã vang khắp nơi, lôi kéo người bốn phương tìm đến với Người (Mc 3, 7-8), nay về thăm quê, chúng ta tưởng rằng Đức Giêsu sẽ được dân làng đón tiếp linh đình, kèn trống râm ran, như cảnh “trạng về làng vinh quy bái tổ”. Chuyện diễn ra không như chúng ta nghĩ.Tuy về quê quán của mình, nhưng Người cũng chờ đến ngày sabát mới vào hội đường rao giảng. Phản ứng đầu tiên của dân làng là “rất đỗi ngạc nhiên”. Họ nói: “Bởi đâu ông ta được như thế? Ông ta được khôn ngoan như vậy, nghĩa là làm sao? Ông ta làm được những phép lạ như thế, nghĩa là gì?”. Thế ra họ cũng đã nghe biết về những phép lạ Người làm ở khắp nơi. Họ rất đỗi ngạc nhiên. Nhưng họ bỗng như bị xối nước lạnh lên đầu, khi họ nhìn thấy thân nhân của Người ngồi chung quanh họ trong cùng một hội đường. Thân nhân đã từng bị kích động vì dư luận, cho rằng Người đã mất trí và họ đã kéo nhau đi bắt Người về (Mc 3, 20-21.31-32), nhưng đã về tay không. Nhìn mặt Người thì vẫn là mặt bác thợ con bà Maria, từng làm thuê cho họ. Nhìn quanh, họ thấy anh em, chị em, bà con của Người, những người vẫn chen vai sát cánh với họ hàng ngày, trong cái làng quê nhỏ bé mà ai cũng biết mọi người, mọi nhà. “Và họ vấp ngã vì Người”. Đức Giêsu phải ngao ngán nói với họ: “Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình, hay giữa đám bà con thân thuộc, và trong gia đình mình mà thôi”. Quả như câu tục ngữ xưa của Việt Nam: “Gần chùa gọi Bụt bằng anh”. Kết cục: “Người đã không thể làm được phép lạ nào tại đó; Người chỉ đặt tay lên trên một và bệnh nhân và chữa lành họ”. Lại như một câu tục ngữ Việt Nam: “Bụt nhà không thiêng”; “người phụ nữ” đã được Người tuyên dương: “Lòng tin của con đã cứu chữa con”; ông trưởng hội đường đã được Người khích lệ: “Ông đừng sợ, chỉ cần tin thôi!” còn dân làng Nadaret thì Người cũng phải “lấy làm lạ vì họ không tin”. Thế là chuyến thăm quê cũ chẳng có gì phấn khởi.(x. Tĩnh tâm với sách Tin mừng Maccô, Lm Giuse Nguyễn Công Đoan).
Cả ba sách Tin Mừng Nhất Lãm (Mt 13,53-58; Mc 6,1-6; Lc 4,14-39) đều thuật lại câu chuyện Đức Giêsu không được tiếp đón tại quê nhà và Ngài đều nói đến ý tưởng: “Ngôn sứ không được tôn trọng tại quê hương mình” (Ga 4,44). Nhưng mỗi Tin Mừng thuật lại câu chuyện với các chi tiết khác nhau và đặt trong những bối cảnh văn chương khác nhau. Tin Mừng Máccô đặt trình thuật “Đức Giêsu bị rẻ rúng tại quê hương mình” (Mc 6,1-6) sau trình thuật “Đức Giêsu chữa lành người đàn bà bị băng huyết và cho con gái ông Giaia sống lại” (Mc 5,21-43).
Quê hương Nadaret của Chúa Giêsu chẳng là trái ngọt nhưng là trái đắng với vị chát chối từ, và chua cay thành kiến. Dẫu vậy Ngài không than van, không giận dữ hay oán trách quê nhà. Ngài vẫn hiện diện thật hiền lành và khiêm hạ để đón nhận thực tế. Quê hương là "chùm khế ngọt" của mỗi con người. Nhìn về quê hương Nadaret của Chúa Giêsu, thật khác lạ. Ngài trở về quê mà không được dân làng ủng hộ, trái lại họ đã xem thường Ngài và xúc phạm đến Ngài. Tại sao?
Bởi lẽ, họ tìm về nguồn gốc thì chỉ thấy: “Mẹ ông là bà Maria, anh em họ hàng là Giacôbê, Giosê, Giuđa và Simon”. Tất cả bà con lối xóm đều coi ông như bạn bè từ gần 30 năm nay ở Nadaret này, một thôn ấp nhỏ bé chỉ có độ 150 gia đình nghèo nàn, mấy ai quan tâm đâu! Ông lại là anh thợ mộc, con nhà lao động, làm thuê làm mướn, đi từ nhà này sang nhà khác, đóng bàn sửa ghế, ráp giường ghép tủ, đục đẽo cày bừa, thành phần địa vị thấp kém trong xã hội. Có bao giờ thấy ông ấy nói năng, làm được gì hay lạ đâu ? Ông ấy bỏ quê nhà đi một thời gian, nay trở về, sao thay đổi nhanh như thế nhỉ? Một quá khứ và hiện tại như vậy đã khiến họ vấp phạm. Họ không tin Ngài là một Ngôn Sứ, lại càng không thể tin Ngài là Mêsia, và chắc chắn họ chẳng bao giờ dám nghĩ rằng mình là người đồng hương với Ngôi Hai Con Thiên Chúa.
Dân làng Nadaret quá biết về gốc gác, gia cảnh, biết rõ ràng lý lịch của Đức Giêsu. Với đầu óc thủ cựu, lại nặng thành kiến nên họ không thể nhận ra thiên tính nơi con người của Ngài, họ lấy lý lịch để thẩm định về Ngài. Đức Giêsu trở thành nạn nhân của “chủ nghĩa lý lịch”. Chính Nathanael cũng còn mang nặng quan niệm thành kiến đó: “Nadaret có cái gì tốt đâu?” (Ga 1,46). Những người Do thái cố chấp nhìn Đức Giêsu bằng lăng kính của thành kiến quê hương và họ đã đưa Ngài lên ngọn đồi và định xô xuống vực.
Đức Giêsu “ngạc nhiên vì sự không tin của họ”. Họ chỉ biết nhìn Ngài theo lối nhìn bên ngoài đầy thành kiến, chẳng thấy được những điều sâu lắng bên trong, những cái tinh thần cao thượng, những mầu nhiệm thiêng liêng chân thật. Dân làng Nadaret “vấp ngã vì Người”, họ không chấp nhận, họ không thể tin vào Đức Giêsu. Ngài mạc khải cho họ về nguồn gốc thiên sai của mình qua những lời giảng dạy khôn ngoan và các phép lạ, nhưng họ lại chỉ bám lấy thành kiến cố hữu. Chính thái độ bám ghì lấy, không dám buông bỏ những hiểu biết giới hạn nên họ không thể nhận biết Đấng Thiên Sai đang ở giữa họ. Đức Giêsu không thể làm được phép lạ nào tại đó vì họ không tin.
Dân làng Nadaret không tin vì thành kiến. Họ đóng khung Thiên Chúa và tôn giáo trong những định kiến hẹp hòi. Vì thế, họ không thể thấy được những chân trời rộng lớn và mới mẻ mà Đức Giêsu mở ra cho họ. Có ai ngờ Đấng Cứu Thế lại là người đơn sơ, khiêm hạ như thế. Đức Giêsu không sống như một siêu nhân, Ngài sống bình dị như mọi người trong mọi thực tại hằng ngày của cuộc sống gia đình.
Những người đồng hương của Đức Giêsu thật “dại”, thay vì “một người làm quan cả họ được nhờ” nhưng họ lại đánh mất cơ hội khi quan niệm “bụt nhà không thiêng”. Thành kiến kiểu “nhìn mặt là biết số nhà” khiến người ta không ít lần rơi vào sai lầm khi nhìn đến tha nhân.
Thành kiến là ý kiến có sẵn từ lâu trong đầu óc, không thay đổi được.Thành kiến có thể là của cá nhân hay của tập thể. Nếu là của tập thể thì nó tích tụ từ lâu đời qua nhiều thế hệ và hầu như không thể thay đổi được. Thành kiến là những nếp suy nghĩ, quan điểm, niềm tin chủ quan sẵn có, thường là tiêu cực đối với một người, một nhóm người dựa trên lối sống, nghề nghiệp, quan điểm chính trị, màu da, sắc tộc, quốc tịch, tôn giáo, giới tính…Thành kiến thường được định hình trong con người theo thời gian, từ trải nghiệm của bản thân, do được tuyên truyền, do thế hệ trước truyền lại, do môi trường sống.Thành kiến là một chứng bệnh di truyền kinh niên bất trị của con người, không ai thoát khỏi.
Thành kiến là một tâm trạng thiên lệch rất tai hại, là một sự yên trí, phán đoán mọi người mọi vật theo những quan niệm làm sẵn, có sẵn trong đầu óc, nhất là khi những tư tưởng có sẵn đó lại sai lạc, thì có thể đưa đến những hậu quả sai lầm hoặc nguy hại. Ai đeo kính đen nhìn cái gì cũng tối tăm; lưỡi đắng ăn gì cũng đắng; lòng buồn cảnh có vui đâu bao giờ. Yêu nên tốt, ghét nên xấu. Yêu nhau yêu cả đường đi. Ghét nhau ghét cả tông chi họ hàng. Thật dễ để nhận ra hay để nói về sai lầm của người khác.
Thành kiến làm cho người ta mù quáng, không nhận định khách quan nên khó có thể đối thoại, cởi mở với người khác, không nhìn thấy cái hay cái tốt nơi tha nhân.
Tin Mừng hôm nay bắt đầu bằng sự kiện dân làng Nagiarét ngạc nhiên khi nghe Chúa Giêsu rao giảng trong hội đường, và kết thúc bằng sự ngạc nhiên của Chúa khi Ngài thấy họ không tin. Làm sao họ không ngạc nhiên được khi lời rao giảng và những dấu lạ Ngài làm tỏ rõ Ngài là Đấng đầy quyền năng và khôn ngoan? Thế nhưng, sự ngạc nhiên ấy không đủ để thay đổi thành kiến của họ về Ngài. Họ không thể chấp nhận một bác thợ bình thường, là người đồng hương họ quen biết, lại là vị ngôn sứ được Thiên Chúa sai đến. Và càng không thể chấp nhận được một con người như Ngài lại cả dám tự xưng mình là Con Thiên Chúa, là Đấng Kitô. Hạnh phúc được tin vào Đức Kitô, đáng lẽ họ nhận được lại bị mất vì một thành kiến.
ĐTC Phanxicô kêu gọi mọi thành phần trong Hội Thánh “không bao giờ đóng kín nơi chính mình, không bao giờ lui về nơi an toàn của mình, không bao giờ chọn thái độ cố chấp hay tự vệ. Nó hiểu rằng nó phải gia tăng sự hiểu biết Tin Mừng và nhận ra các đường lối của Thần Khí, vì vậy nó luôn luôn làm bất cứ điều tốt lành nào có thể, dù trên đường đi, chân nó có thể bị lấm bùn” (Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng, số 45).
Đức Maria được ca tụng là có phúc vì đã tin (Lc 1,45). Chúng ta cũng thật có phúc vì đã tin Chúa Giêsu là Thiên Chúa nhập thể làm người và là Đấng Cứu Thế của nhân loại. Đức tin là ân huệ quý giá nhất trong cuộc đời, nhờ đó, mọi việc, dù nhỏ bé, âm thầm đến đâu, vẫn có ý nghĩa và có thể đem lại niềm vui, bình an cho cuộc đời.
Mỗi ngày mới, chúng ta hãy bày tỏ lòng tri ân Chúa đã thương ban cho mình ơn đức tin qua đời sống chuyên cần cầu nguyện và suy niệm Lời Chúa, tham dự Thánh Lễ.
Lạy Chúa Giêsu, con cảm thấy hạnh phúc khi đi theo Chúa, khi làm môn đệ Ngài. Xin Chúa giúp con sống tốt tư thế môn đệ ấy. Xin giúp con luôn quảng đại và khiêm tốn trong lời nói, trong những nhận định về nhau và nhất là xin cho con nhận ra sự hiện diện của Chúa nơi anh chị me con.Amen.
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
======================
Suy niệm 4
Con người cứng lòng khiến Chúa ngạc nhiên
(Mc 6, 1 - 6) Bị hiểu lầm hay bị từ chối là những điều khiến người ta phiền lòng. Êdêkien, và ngay cả Chúa Giêsu Con Thiên Chúa làm người cũng không đứng ngoài qui luật thường tình ấy. Là ngôn sứ thì dù ở hội đường hay trong gia đình cũng sẽ gặp khó khăn, có thể bị ruồng bỏ là kinh nghiệm của Chúa Giêsu và Êdêkien. Êdêkien được Chúa chọn, gọi làm ngôn sứ cho dân đi lưu đầy cùng với ông: "Ta sai ngươi đến để nói với những con cái dầy mặt cứng lòng... Hoặc chúng nghe, hoặc chúng không nghe, vì đây là bọn phản loạn" (Ed 2, 4-5). Chúa Giêsu về hội đường giảng dạy cho người đông hương cũng phát buồn và thốt lên câu nói để đời : "Không một tiên tri nào mà không bị khinh bỉ ở quê hương, gia đình họ hàng mình" (Mc 6, 4). Tại sao vậy ?
Biết rõ
Tin Mừng Nhất Lãm thuật lại sự lúng túng của dân thành Nagiarét trước Chúa Giêsu người đồng hương của họ đi xa trở về nơi hội đường. Vì họ đã quá biết về gia thế của Chúa Giêsu, vì biết rõ nên họ không đánh giá đúng về Người.
Có lẽ đây là lần đầu tiên Chúa Giêsu trở về Nagiarét sau khi đi thi hành sứ mạng công khai. Nagiarét là cái nôi của thời thơ ấu, niên thiếu của Chúa Giêsu. Nơi ấy có gia đình, bà con, thân bằng quyến thuộc, bạn bè, quê hương, nên khi Chúa Giêsu trở về nhà họ biết ngay. Trong số họ có người đã từng thấy Chúa Giêsu được mẹ ẵm như bao nhiêu trẻ em khác. Con cái họ và Chúa Giêsu đều học chung một lớp, cùng chơi và cười đùa với nhau, cùng thảo luận những bài học về cái cửa, cái xà. Chúa Giêsu đã từng cầm cưa, bào, đục, và nhất là nói giọng nói miền quê Nagiarét trong suốt bấy nhiêu năm trời.
Lần trở về này nhằm ngày Sabát, Chúa vào hội đường, dân làng đón tiếp Chúa rất vui vẻ. Tại đây, Chúa bắt đầu giảng dạy: "Nhiều thính giả sửng sốt về giáo lý của Người, nên nói rằng : "Bởi đâu ông này được như vậy? Sao ông được khôn ngoan như vậy? Bởi đâu tay Người làm được những sự lạ thể ấy?" (Mc 6, 2). Nói xong bỗng nhiên thái độ của họ đổi hẳn vì những cái đã biết về Người. Sự gần gũi, thân thiện gia đình, tình làng nghĩa xóm ấy làm cho họ ngạc nhiên. Từ ngạc nhiên bởi sự khôn ngoan và lời nói thốt ra từ miệng Người, cũng như các phép lạ Người làm tại Galilê sang từ chối, khiến họ không nhận ra Chúa Giêsu Con Thiên Chúa làm người ở giữa làng họ và họ "vấp phạm vì Người" (Mc 6, 3).
Đã nhiều năm qua, gia đình Chúa Giêsu đã để lại những ấn tượng tốt về Người. Trước sự ngạc nhiên và từ chối của dân thánh Nagiarét, cũng như sự thiếu lòng tin của họ, Chúa Giêsu đã buông lời thở dài : "Không một tiên tri nào mà không bị khinh bỉ ở quê hương, gia đình họ hàng mình ! " (Mc 6, 4). Chúa Giêsu là Con yêu dấu của Chúa Cha, Đấng tạo dựng thế gian nhưng thế gian đã không tiếp nhận Người.
Không được đánh giá đúng
Chúa Giêsu buồn vì thành kiến của đông hương về lý lịch của Chúa : cha mẹ, gia đình và nghề nghiệp : "Ông này chẳng phải bác thợ mộc con bà Maria, anh em với Giacôbê, Giuse, Giuđa và Simon sao? Chị em ông không ở với chúng ta đây sao?" (Mc 6, 3). Họ không thể đi vào mầu nhiệm Thiên Chúa làm người.
Ông là ai ? Là câu hỏi được đặt ra trong toàn bộ Tin Mừng Marcô. (1, 24 và 25 – 1, 27 – 1, 34 – 4, 41 – 6, 14 và 15). Căn tính bí ẩn này là gì ? Trên đường hành trình với các môn đệ từ Xêsarê đến Philiphê Chúa hỏi các ông "Phần anh em, anh em bảo Thầy là ai ? "
Chúa Giêsu là Thiên Chúa thật
Ngày hôm nay, Thiên Chúa cần có câu trả lời từ phía con người đang tìm kiếm ý nghĩa của Lời Chúa và bước vào cuộc đối thoại với Chúa. Người thợ mộc thành Gagiarét là Thiên Chúa thật và là Người thật, Người là Đấng Cứu Độ duy nhất của chúng ta, là Lời Chân lý dẫn đến Sự Sống đời đời. Hãy biết nhận ra Chúa, đừng để Chúa đi qua. Mẹ Maria hòa mình vào đám đông để chiếm ngắm và lắng nghe người ta nói về con Mẹ : "Ông này chẳng phải bác thợ mộc con bà Maria !" (Mc 6, 3). Con bà Maria và là Con Thiên Chúa, đó là Bí Mật Tình Yêu của Thiên Chúa, Người bước vào đời sống công khai bằng con đường khiêm tốn và nghèo khó. Người ngạc nhiên vì họ cứng lòng tin, và buồn vì họ không chấp nhận bất cứ sự gì đến từ Người. Nghĩa xác thực được thánh Marcô sử dụng ở đây theo tiếng Hy lạp, không phải Chúa Giêsu mong đợi người đồng hương tin vào Thiên Chúa, nhưng là mong đợi phần lớn những người Nagiarét : tin vào Người.
Ngày hôm nay có người nói rằng: Nếu chúng ta sống vào thời các Tông Đồ và chứng kiến Chúa Giêsu như họ, chắc chúng ta cũng giống họ. Họ biết quê hương mình có người tên là Giêsu nhưng không biết người đang nói với họ là Chúa Cả trời đất…... Thực tế ngày hôm nay khác với ngày xa xưa ấy, vì nhiều người hạnh phúc hơn, tin tưởng vào những điều đã nghe và đã thấy.
Quả thật, ở giữa những người ẫu trĩ có một người khiêm nhường; là Thiên Chúa thật đến dạy dỗ chúng dân. Người đến với những thu thuế và tội lỗi, đồng bàn ăn uống với họ (Mt 9,11); Vì thế, có người miệt thị nói rằng : "Ông này chẳng phải bác thợ mộc con bà Maria, anh em với Giacôbê, Giuse, Giuđa và Simon sao?" (Mc 6,3; Ga 6,42) Nhưng Chúa Giêsu vần là Thiên Chúa thật và là người thật, các vua chúa trần gian phải phụng thời Người... Người hoàn toàn là con người như chúng ta: ăn, uống, ngủ, nghỉ, đổ mồ hôi và mệt mỏi như chúng ta, giống chúng ta mọi đàng, ngoại trừ tội lỗi. Người được gìn giữ khỏi hư nát và khỏi chết giữa muôn người. Giờ đây Người ngự bên hữu Đức Chúa Cha (Mc 16,19), không gì có thể tách Người với Chúa Cha.
Thật là kỳ diệu, để có thể nhận biết và tin rằng một người như bao người là Thiên Chúa, Đấng tạo thành trời đất và mọi sự trên trời dưới đất... Vì thế, hàng ngày chúng ta nghe Chúa Giêsu thông truyền thánh ý Chúa Cha qua các tác giả Tin Mừng, chúng ta phải vâng nghe, tuân giữ các giới răn của Người và tin vào Người.
Lạy Chúa Giêsu, con tin Chúa là Thiên Chúa thật và là người thật, là Đấng cứu độ chúng con. Amen.
Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ
===================
Suy niệm 5 NGÀI KHÔNG LÀM PHÉP LẠ NƠI QUÊ HƯƠNG! Kính thưa cộng đoàn Phụng vụ! Hầu hết chúng ta đọc biết nhiều trình thuật kể lại việc Chúa Giê-su làm vô số phép lạ, nào là: cho kẻ chết sống lại, chữa lành bệnh phong hủi và các bệnh nhân, trừ quỷ, đồng thời dạy dân chúng biết bao điều về Thiên Chúa Cha, về Nước Trời, v.v…Tuy nhiên, Tin Mừng hôm nay cho thấy: khi Ngài trở về làng Na-da-rét, gặp gỡ đồng hương, họ hàng, làng xóm thân thuộc, Ngài không làm phép lạ nào cả! Thông thường, lúc ‘vinh quy bái tổ’ hay dịp trở về quê hương, ai mà chẳng muốn làm những điều tốt đẹp, tuyệt vời cho gia đình, họ hàng, làng xóm cơ chứ! Nhưng vì sao Đức Giê-su lại không làm dấu lạ nơi quê hương Ngài, chúng ta cùng nhau tìm hiểu qua một số gợi ý suy niệm sau.
Trước hết, chúng ta có thể khẳng định rằng: Chẳng phải Đức Giê-su không muốn hoặc không thể làm phép lạ chữa lành, giải thoát bà con đồng hương của mình khỏi đau khổ bệnh tật, như Ngài đã từng thực hiện những dấu lạ phi thường cho dân chúng ngoài làng mạc quê hương của Ngài. Hơn nữa, dân làng Na-da-rét có thể cũng đã được nghe đến tiếng tăm của Đức Giê-su; nhưng thật lạ lùng, họ chỉ ngạc nhiên sửng sốt về lời giảng huấn của Ngài, và chỉ dừng lại ở đấy “…nhiều thính giả sửng sốt về giáo lý của Ngài, nên nói rằng: "Bởi đâu ông này được như vậy? Sao ông được khôn ngoan như vậy? Bởi đâu tay Ngài làm được những sự lạ thể ấy?…” (x. Mc 6, 2), đến nỗi “…họ vấp phạm vì Ngài” (x. Mc 6, 3). Thế lí do gì mà Đức Giê-su không thực hiện những sự thể phi thường nơi quê hương mình?
Đọc thật kỹ đoạn Tin Mừng theo Thánh Mác-cô hôm nay, chúng ta sẽ thấy ngay sự cứng lòng tin của người làng Na-da-rét, “Ngài ngạc nhiên vì họ cứng lòng tin” (Mc 6, 6). Họ không tín thác vào quyền năng của Đức Giê-su, mà có lẽ họ đã từng được chứng kiến đâu đó những việc phi thường và lời giảng dạy khôn ngoan của Ngài, hoặc cũng nghe về tiếng tăm của Ngài như một vị tiên tri, hay Đấng Cứu Độ rồi. Tuy nhiên, vì tâm hồn họ khép kín, chỉ dừng lại ở điểm ngạc nhiên, mà chưa vươn lên tìm hiểu, ra khỏi bản năng thành kiến trong cách nghĩ suy, trong tư tưởng của bản thân, nên họ chỉ thấy con người Giê-su ‘bình dân học vụ’ như bao nhiêu người đồng trang lứa thời đó mà thôi. Soi rọi vào đời sống đạo của mỗi người chúng ta, phần lớn tương tự như thế. Chúng ta khen tặng những lời giảng hay, sửng sốt, ngạc nhiên, tán thưởng câu chuyện biến đổi cuộc sống, các ơn lành lớn lao mà Chúa ban tặng cho chúng ta qua Giáo Hội, qua cộng đoàn, v.v…, nhưng nếu chỉ dừng lại ở điểm này, thì chúng ta cũng chẳng khác gì những người dân làng Na-da-rét. Hơn nữa, nghe giảng hay, chẳng ngần ngại chúc tụng, trầm trồ khen ngợi, nhưng tiếc thay chúng ta không sống, không chịu đào sâu Lời Chúa, vốn được thông truyền qua Giáo Hội, qua Thừa tác viên có chức Thánh. Thật sự tự hào là Ki-tô hữu, là người được trao ban đức tin, nhưng nếuđức tin trong chúng ta chỉ còn là ngọn đèn leo lét, chỉ là thân cây mất nhựa sống chờ ngày gãy đổ, thì chẳng khác gì thứ niềm tin mà cố Đức Hồng Y Phan-xi-cô, tác giả cuốn sách “Đường Hy Vọng” đã nhắc nhở: “Nhiều người nói tôi có đức tin, tôi còn đức tin, có lẽ đức tin của giấy khai sinh, không phải đức tin của đời sống. Ít người sống theo đức tin. Đừng bao giờ mãn nguyện với một đức tin lý thuyết, hình thức, nhưng phải sống một đức tin chân thực, thiết ái, và trung thành”.
Bởi lẽ ‘họ cứng lòng tin’, nên chắc hẳn họ không thể nào vượt ra khỏi lối suy nghĩ, cách nhận định mang tính định kiến như họ tự hỏi:“Bởi đâu ông này được như vậy? Sao ông được khôn ngoan như vậy? Bởi đâu tay Ngài làm được những sự lạ thể ấy? Ông này chẳng phải bác thợ mộc con bà Ma-ri-a, anh em với Gia-cô-bê, Giu-se, Giu-đa và Si-mon sao? Chị em ông không ở với chúng ta đây sao?” (Mc 6, 2-3). Nói cách khác, họ cho rằng họ biết rõ thân thế, gia đình và họ hàng của Đức Giê-su, vốn chỉ là những người tầm thường, bình dị gần gũi với họ như tình làng nghĩa xóm, chứ đâu có gì nổi bật hay nổi trội chi đâu. Chính lối suy nghĩ đậm đặc định kiến thế này mà khiến đôi mắt thân xác cũng như tâm hồn họ bị đóng kín, khép chặt, khiến họ không thể nhận ra những gì người khác cảm nhận và được lãnh nhận vô vàn ơn lành cao siêu từ Đức Giê-su. Với cách nhìn nhận và tiếp cận thế này của người dân làng Na-da-rét vô hình chung “đóng khung” Đức Giê-su, đồng thời tự nhốt họtrong định kiến hẹp hòi, ẩm thấp và ngột ngạt, còn đâu khoảng trống cho mình và cho người khác, còn đâu không khí thoáng mát để cảm nhận, để hít lấy hơi thở thánh ân qua con người Giê-su Ki-tô! Trong cuộc sống thực tế, chúng ta cảm nhận điều này rõ ràng hơn ai hết: định kiến giam hãm chúng ta mở lòng, đón nhận, chấp nhận người khác, và đồng thời cấm cửa tha nhân đi vào thế giới của bản thân ta. Hơn thế, trong đời sống đạo, lối suy nghĩ đậm đặc định kiến ấy sẽ khiến cõi lòng chúng ta rỉ sét, vì cánh cửa tâm hồn bị đóng chặt then cài lâu ngày rồi. Bản thân vừa không muốn bước ra khỏi đó, và tệ hơn Thiên Chúa, anh chị em chúng ta chẳng thể nào tiến vào được!!!
Tâm hồn khép kín, tư tưởng đầy ‘bùn lầy’ định kiến, quá tự tin vào những gì mình biết, dẫn tới tính tự mãn. Từ đó sinh ra thái độ xem thường “người của Thiên Chúa” (ngôn sứ) như lời bất hủ của Đức Giê-su: “không một tiên tri nào được chấp nhận nơi quê hương mình” (Lc 4, 24), và thảm hại hơn, thái độ không tôn kính “Con Thiên Chúa mặc lấy xác phàm”. Ngôn sứ là người được Thiên Chúa sai đến loan truyền cho dân sứ điệp, chương trình, ý định của Ngài, chứ không phải thực hiện nghị trình riêng của mình; thế nhưng, thân phận “người của Thiên Chúa” thật hẩm hiu như các câu chuyện của tiên tri Ê-li-ah, Ê-li-sa và các ngôn sứ khác vào thời Cựu Ước.Chúng ta nên tránh rơi vào lối mòn “gần chùa gọi Bụt bằng anh” hoặc “bụt nhà không thiêng”. Đành rành sự gần gũi xoá đi ngăn cách, khoảng cách, xua tan hàng rào vô hình, hầu trở nên thân tình, trở thành người hiểu chuyện và nên người bạn thân đúng nghĩa; chứ không dẫn tới thái độ đánh đồng, tệ hơn xem thường, không có thái độ đúng đắn với “người của Chúa”. Như thế, thái độ này có thể dẫn tới thói cao ngạo, ta đây, đặt mình trên người khác, ấy là chúng ta đang đi vào vết xe đổ của những người đồng hương Na-da-rét. Thái độ này trái ngược hẳn với cảm nghiệm nơi Thánh Phao-lô “...sức mạnh của Chúa tỏ bày trong sự yếu đuối..., vì khi tôi yếu đuối chính là lúc tôi mạnh mẽ” (2Cr 12, 9-10). Chẳng phải mạnh mẽ nhờ sự yếu đuối, yếu hèn, hay tính ương ngạnh của bản thân, mà chính là nhờ thái độ biết nhận mình yếu đuối, cần được đỡ nâng, đồng thời tin tưởng vào Chúa, Đấng thực hiện những sự phi thường trong điều tầm thường, Đấng làm nên việc vĩ đại trong những thứ vụn vặt, Đấng biến sự yếu hèn nơi con người thành sức mạnh trong Ngài.
Tóm lại, xuyên suốt câu chuyện Tin Mừng cho chúng ta thấy, người Do Thái "thích sự thật khi sự thật tán tụng họ, nhưng họ căm ghét sự thật khi sự thật lên án họ" (theo Thánh Âu-gus-ti-nô). Lời Chúa hôm nay nhắc nhở chúng ta ‘đừng đi vào lối mòn’ ấy, trên hết luôn biết mở lòng, tín thác, loại bỏ mọi thành kiến hoặc định kiến, và hết tình cảm kích điều thiện lành nơi tha nhân, chứ không xem thường. Amen!
Lm. Xuân Hy Vọng
==================
Suy niệm 6
Bụt Nhà Không Thiêng Ed 2,2-5; 2Cr 12,7-10; Mc 6,1-6
Đức Giêsu bôn ba giảng dạy, làm phép lạ khắp nơi. Nhưng hôm nay Người trở về quê hương, nơi chôn nhau cắt rốn, mà giảng cho dân trong hội đường của họ. Họ cũng tròn mắt ngỡ ngàng: “Bởi đâu ông ta được như thế? Ông ta được khôn ngoan như vậy, nghĩa là làm sao? Ông ta làm được những phép lạ như thế, nghĩa là gì?” (Mc 6,2). Người làm họ quá đỗi sửng sốt ngạc nhiên. Nhưng họ lại không tin nổi một người vừa quen vừa… “quèn” ngay trong xóm ngõ nhà mình, mà lại có thể nổi nang xuất chúng được như vậy. Họ tặc lưỡi hạ thấp Người qua cái lý lịch với cha mẹ họ hàng tầm thường của Người: “Ông ta không phải là bác thợ, con bà Maria, và anh em của các ông Giacôbê, Giôseph, Giuđa và Simôn sao? Chị em của ông không phải là bà con lối xóm với chúng ta sao?” (Mc 6,3). Họ không chấp nhận một “bông hoa lạ” lại nở trên “đống gạch vụn”, đến độ họ “vấp ngã vì Người” (Mc 6,3). Vả lại Người là Thiên Chúa mà lại trở thành con người bình thường như thế, nên họ bị lóa không nhận ra, bị “choáng” nên “vấp ngã” là phải. Người nổi tiếng trứ danh khắp nơi mà về làng chẳng oai vệ bằng cấp, chức quyền địa vị, không tiền bạc rủng rỉnh… nên bị xuống giá, bằng chứng đưa ra từ cái lý lịch cá nhân rõ rành. Người đang bị ở vào thế “bụt nhà không thiêng”. Họ chứng kiến nếp sống của Người quá mộc mạc, chất phác giản dị chẳng giống ai. Người gần gũi với đủ thứ người, tội lỗi, hèn hạ, bệnh tật… Họ khó lòng mà tin nổi Người từ Trời đến và đang ở giữa họ lúc ấy. Người chỉ còn biết trả lời cho họ bằng một luận điệu bất hủ: “Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình và trong gia đình mình mà thôi.” (Mc 6,4). Thật là buồn, Người không thể làm nhiều phép lạ tại đó vì họ không tin. Mà hiệu quả của phép lạ hiển nhiên là do lòng tin.
Dân làng đang mong chờ một vị anh hùng đánh đông dẹp bắc, toàn quyền toàn năng, mang chiến thắng và vinh quang về cho dân tộc quê hương. Người sẽ nổi dậy làm cách mạng giải phóng dân tộc khỏi bị ách đô hộ của đế quốc Rôma với một đội quân hùng hậu, nhưng Người đã không làm được như lòng họ mong chờ. Người sẽ là một tổ phụ, một vị ngôn sứ vĩ đại như thời các cha ông của họ đã để lại những dấu ấn, hạ nhục kẻ thù và khinh bỉ các dân ngoại; loại trừ những kẻ tội lỗi, phường khố rách áo ôm, xua đuổi những kẻ tiếp tay cho đế quốc... Nhưng họ đã thất vọng.
Chúa ơi! ngày nay chúng con đã tin Người là Thiên Chúa Ngôi Hai, là Chúa Cứu Thế, Người là Thiên Chúa, bởi Thiên Chúa mà đến như chúng con hằng tuyên xưng. Ngày xưa dân làng của Chúa không nhìn ra Chúa đang ở trước mặt mà hạ thấp Chúa. Còn chúng con ngày nay nhiều khi lại nghĩ Chúa quá cao vời con chẳng sao vươn tới nên vẫn không gặp được Chúa. Xin cho chúng con nhận ra Chúa đang ở giữa, ở với, ở cùng chúng con trong mỗi phút giây hiện tại. Xin cho chúng con biết sống gắn bó với Chúa, trong Chúa để thấy và tin yêu Chúa. Với một đời sống đức tin sống động, Chúa sẽ thực hiện cho chúng con những phép lạ hiển nhiên ngay giữa đời thường hôm nay.
Én Nhỏ