Suy niệm 1
Yêu Tình Yêu Ga 15, 9-17 Những người không được yêu
Trên truyền hình hoặc trong câu chuyện thường ngày có những vụ án giết người, chúng ta thấy rằng:
- Có những sát thủ giết người hàng loạt mà không cảm thấy mình tội lỗi, ít nhất là vẻ bên ngoài.
- Có những tội ác tầy trời và chúng ta tự hỏi: tại sao con người lại hướng đến một hành vi vô nhân đạo như vậy? Đương nhiên những người này phải bị xét xử và kết án tương xứng với hành vi nặng nhẹ của họ.
Một điều khá hiển nhiên là khi tham khảo về thời thơ ấu của những tội phạm này, thực tế cho thấy:
- Họ thường là người đều bị bỏ rơi khi sinh ra,
- Hoặc họ phải chịu sự tàn bạo về thể xác hoặc tâm lý trong gia đình mà họ không bao giờ được hồi phục.
- Hoặc họ không được yêu trong thời thơ ấu, và thậm chí không còn biết tình yêu là gì, hay ít nhất là tôn trọng người khác.
- Hoặc nếu không rơi vào những thái cực đó, có những người sinh ra trong một gia đình không được vui vẻ đón nhận, hoặc cha mẹ của họ độc đoán và quá chiếm hữu. Những người này biết rất rõ rằng họ cần phải vượt qua tình trạng đó để khám phá yêu hoặc được yêu là thế nào.
Những người rất được yêu
Ngược lại, có nhiều người được hy vọng trước khi sinh và rất được yêu thương trong thời thơ ấu. Họ may mắn vì cuộc sống của họ dựa trên tình yêu mà cha mẹ mang đến cho họ. Họ nhận được một loại "nền tảng", sự tự tin vào cuộc sống.
Chính từ"nền tảng" tình yêu này mà Chúa Giêsu nói khi tuyên bố với các tông đồ của Ngài: "Như Cha đã yêu mến Thầy, Thầy cũng yêu mến anh em”. Chúa Giêsu không nói: "Như Cha yêu anh em, Thầy cũng yêu anh em". Chúa Giêsu nói về tình yêu mà Chúa Cha hoàn toàn dành cho một mình Ngài. Ngài nói rằng chính tình yêu này mà Chúa Cha dành cho Ngài, đã thúc đẩy Ngài yêu chúng ta như Ngài được yêu. Nếu không có tình yêu của Chúa Kito dành cho chúng ta trước, chúng ta không có thể yêu như Ngài.
Chúa Giêsu nói: "Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em”. Được lựa chọn là được chú ý và được yêu cách đặc biệt. Tại sao ? Tại sao lại là tôi ? Không ai biết được điều đó. Tình yêu là mầu nhiệm và không có lý do.! Mười hai tông đồ được Chúa Giêsu chọn, trước khi họ chọn Ngài, được Ngài yêu trước khi họ yêu Ngài. Điều răn đầu tiên mà Chúa Giêsu gửi đến bạn bè của Ngài trong tin mừng hôm nay là họ nhận được tình yêu mà Chúa Giêsu dành cho họ. Chúng ta không thể trao tình yêu nếu không nhận được tình yêu trước, từ những người đã cho chúng ta sự sống - cha mẹ chúng ta - hoặc từ chính Thiên Chúa. Nhưng có một sự khác biệt giữa tình yêu mà cha mẹ có thể dành cho chúng ta và tình yêu mà Thiên Chúa dành cho tất cả mọi người: tình yêu của cha mẹ nhất thiết phải có giới hạn mặc dù rất quảng đại, còn tình yêu của Thiên Chúa dứt khoát không có bất kỳ giới hạn nào.
Tin vào Tình yêu
Tin vào tình yêu mà Thiên Chúa dành cho mỗi người là một giới răn, một mệnh lệnh mà Chúa Giêsu ban cho chúng ta. Một mệnh lệnh thì đừng tranh luận! Chúng ta luôn bị cám dỗ tranh luận về mệnh lệnh này và đặt câu hỏi tại sao Chúa Giêsu làm cho điều đó trở thành một mệnh lệnh. Chỉ vài giờ sau khi Chúa Giêsu nói những lời này, bài trắc nghiệm khó sẽ đến: những người mà Ngài gọi là "bạn bè" phản bội Ngài, người thì chối Ngài và những người khác bỏ rơi Ngài. Hành vi của họ sẽ không có gì đáng được yêu.
Tuy nhiên, họ phải chống lại tất cả những điều xấu xa để họ có thể tin rằng họ vẫn là những người được Thiên Chúa rất yêu mến. Tất cả chúng ta là thế! Chúng ta khó có thể tin rằng chúng ta được yêu thương vì sự sống của chúng ta có giá trị vô hạn đối với Thiên Chúa, và Thiên Chúa coi mỗi người chúng ta như người con duy nhất của Ngài. Ngài ban cho chúng ta một mệnh lệnh tuyệt đối để chúng ta tin và được vui mừng vì là người con yêu dấu của Thiên Chúa, bất luận điều gì xẩy ra. Chúa Giêsu đã nói: “Thầy nói với anh em điều đó để niềm vui của Thầy ở trong anh em, và niềm vui của anh em được trọn vẹn”.
Chúa Giêsu đã nói: “Đây là lệnh truyền của Thầy: anh em hãy yêu mến nhau như Thầy đã yêu mến anh em. Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng vì bạn hữu mình. Anh em là bạn hữu của Thầy, nếu anh em thi hành những điều Thầy truyền”. Không ai có thể yêu, nếu không uống từ Nguồn Tình yêu. Càng tin vào Tình Yêu bao la mà Thiên Chúa dành cho chúng ta, chúng ta càng yêu nhau nhiều hơn. Không phải vì bổn phận hay đức hạnh, mà vì sức mạnh của Chúa Thánh Thần thúc đẩy, chúng ta thông truyền miễn phí sự sống mà chúng ta nhận được miễn phí.
Chúng ta có khả năng trao ban sự sống cho người chúng ta yêu thương, như Chúa Giêsu ra lệnh cho chúng ta không?
- Các tông đó không làm được điều đó khi Chúa Giêsu chịu khổ nạn.
- Nhưng sau đó họ làm được. Phê-ro và Phaolo theo Chúa Giêsu cho đến chết vì đức tin. Tấm gương của các ngài dạy chúng ta đừng bao giờ thất vọng về sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Sức mạnh của Chúa Thánh Thần có thể chiếm lĩnh con người tội nghiệp đáng thương của chúng ta khi chúng ta tin vào tình yêu bất khả chiến bại mà Chúa dành cho chúng ta! Nhờ Chúa Giêsu Kitô, chúng ta được mời gọi, tùy theo khả năng của mình, dần dần biết được niềm vui yêu TÌNH YÊU là thế nào.
Linh mục Gioan Đặng Văn Nghĩa
==================
Suy niệm 2
Ga 15, 9 - 11
Có một tam giác hoàn hảo. Đó là tương quan giữa Chúa Cha, Chúa Con và chúng ta. Mối tương quan ấy được gọi là hoàn hảo vì có một tình yêu gắn bó giữa Chúa Cha với Chúa Con, giữa Chúa Con với chúng ta và Chúa Cha cũng yêu chúng ta như đã yêu Chúa Con.
Tình yêu gắn bó ba cạnh, ba góc của hình tam giác hoàn hảo này được minh chứng bằng sự tùng phục.
Vì yêu Chúa Cha, nên Chúa Con đã giáng trần trong cảnh khó nghèo đến tận cùng; đã chấp nhận sống gian khổ và cuối cùng đã vì vâng lời Chúa Cha mà đã đón nhận cái chết đau nhục đến khủng khiếp.
Bây giờ đến lượt chúng ta, nếu muốn yêu Chúa Con thì phải thi hành hết giáo huấn mà Chúa Con đã truyền giảng suốt ba năm. Những điều Chúa giảng trong ba năm thì vô vàn vô số. Thánh Gioan đã cường điệu mà nói rằng: nếu ghi lại hết những điều ấy, thì cả thế gian này chẳng có chỗ mà chứa. Dù Chúa đã nói nhiều như thế vẫn có thể gói ghém lại thành một chữ thôi. Đó là chữ yêu.
Yêu Chúa Cha tối đa, đến mức độ nếu cần phải chết thì cũng sẵn sàng, y như Đức Giêsu vậy.
Sau khi yêu Chúa Cha tối đa như thế, thì phải yêu mọi người như anh em. Đúng hơn nữa thì là yêu mọi người như Đức Giêsu đã yêu. Vậy Đức Giêsu đã yêu và dạy yêu như thế nào?
Đi đâu, giảng ở đâu thì Chúa vẫn kêu gọi giúp đỡ người nghèo. Ngài còn nhấn mạnh rằng: yêu người nghèo và giúp người nghèo là giúp chính Chúa. Từ chối người nghèo là từ chối chính Chúa. Những lời giảng ấy vang dội đến tai cả những người chưa gặp Chúa lần nào. Đó là trường hợp ông Gia kêu, trưởng cục thuế vụ của thành Giêrikhô. Cũng chính vì thế, nên khi Chúa chiếu cố đến nghỉ trọ nhà ông, ông tặng Chúa ngay một món quà, nhanh như phản xạ: “Tôi sẽ lấy một nửa gia tài của tôi để tặng người nghèo”.
Yêu như Chúa yêu còn là yêu người bệnh tật, người lầm đường lạc lối và đặc biệt là yêu kẻ thù. Yêu người lầm đường lạc lối khó lắm, vì bị xã hội chống đối. Khi Chúa vào nhà ông Gia kêu, một người thu thuế tức là người bị vạ tuyệt thông, thì mọi người xầm xì với nhau: “Nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng vào!” Kệ, Chúa cứ yêu người tội lỗi. Phải yêu người tội lỗi, thì mới là yêu Chúa. Đặc biệt hơn nữa là yêu kẻ thù. Nếu không yêu kẻ thù thì Chúa bảo là không xứng đáng là con của Cha trên trời. Đây là giáo huấn mà ai cũng bảo là quá khó, nhưng nếu không thi hành thì là không yêu Chúa.
Cứ làm theo ý Chúa đi, thì niềm vui sẽ nhập vào tâm hồn chúng ta, một niềm vui chan hòa.
Linh mục Piô Ngô Phúc Hậu
=================
Suy niệm 3
Ở lại trong tình yêu
Ga 15, 9-17
Từ lâu nay có những con cá voi, khi thì một vài con, khi thì cả đàn lên đến hàng chục, hàng trăm con, không biết vì lý do gì, lại từ bỏ đại dương như lòng mẹ hằng đùm bọc ấp ủ chúng, để bơi ngược vào bờ nên bị mắc cạn, rồi phơi mình trên bờ biển chờ chết.
Những tổ chức bảo tồn sinh vật biển nỗ lực cứu mạng chúng, dùng những chiếc tàu kéo đưa chúng ra khơi, trả chúng về với lòng mẹ đại dương, nhưng rồi sau đó chúng lại bơi vào bờ, nằm chết thối trên cạn. Đó là những cái chết tự chọn thật khó hiểu và có vẻ điên rồ!
Loài cá thì phải sống trong nước, ngày nào rời khỏi nước thì cá chết.
Tương tự như thế, loài người được Chúa sinh ra để sống trong tình yêu; Nếu sống ngoài tình yêu thì con người cũng phải gánh lấy hậu quả tai hại.
Khi con người xa lìa tình yêu, không sống trong tình yêu thì con người cũng tự chọn tai họa cho mình như những con cá voi mắc cạn trên đây.
Thiên Chúa là Tình Yêu. Tình yêu Ngài bao la như trời như biển. Ngài muốn chúng ta được sống hạnh phúc trong biển tình yêu dào dạt của Ngài. Qua bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giê-su tha thiết mời gọi chúng ta hãy ở lại trong biển tình yêu vô bờ đó. Ngài nói: “Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình yêu của Thầy.”
Trước lời mời gọi nầy, chúng ta có hai lựa chọn: Một là ở lại trong tình yêu; hai là ở ngoài tình yêu.
Ai là người ở lại trong tình yêu?
Người ở lại trong tình yêu của Thiên Chúa là người tuân giữ các giới răn như lời Chúa Giê-su dạy: “Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người.”
Mà giới răn quan trọng nhất là luật yêu thương. Vì thế, ai yêu thương, phục vụ, giúp đỡ người chung quanh thì người ấy đã giữ tròn giới răn của Chúa và đang ở lại trong tình yêu của Ngài.
Ai ở lại trong tình yêu thì sẽ được hưởng phúc đời đời trên thiên đàng với Chúa. Đến ngày phán xét, Chúa Giê-su hoan hỉ tuyên bố với những người nầy rằng: “Nào, những kẻ được Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương quốc dọn sẵn cho các con từ thuở tạo dựng vũ trụ…” vì các con đã thực lòng yêu thương (Mt 25, 34).
Còn số phận những người ở ngoài tình yêu thì sao?
Ai không giữ giới răn của Chúa, nghĩa là không yêu thương, phục vụ, giúp đỡ những người lâm cơn quẫn bách, thì người đó ở ngoài tình yêu; người đó tự rời xa khỏi tình yêu như cá trườn mình ra khỏi nước, người ấy tự chọn cho mình án phạt đời đời.
Đến ngày phán xét, Chúa Giê-su nghiêm khắc lên án những người nầy bằng những lời đáng kinh sợ! Ngài nói: “Hỡi quân bị nguyền rủa kia! Đi đi cho khuất mắt Ngài mà vào lò lửa đời đời, nơi dành cho tên Ác Quỷ và bè lũ của nó…” vì các ngươi chẳng có lòng yêu thương (Mt 25, 41).
Đây là hậu quả khủng khiếp mà người sống xa lìa tình yêu phải gánh chịu.
Lạy Chúa Giê-su,
Khi đàn cá rời khỏi nước thì chúng phải chết thối, chết khô; tương tự như thế, khi chúng con xa lìa tình yêu, nghĩa là không tuân giữ luật yêu thương Chúa dạy thì chúng con sẽ phải chịu đau khổ đời đời.
Xin giúp chúng con sống đời bác ái, chia sớt đùm bọc nhau, phục vụ chăm sóc những người lâm cảnh khốn cùng… nhờ đó, chúng con được sống hạnh phúc muôn đời trong biển yêu thương của Chúa. Amen.
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
=================
Suy niệm 4 Yêu Thương Là Mùa Xuân Hạnh Phúc
“Thiên Chúa là Tình Yêu”. Đây là di ngôn bất hủ của Thánh Gioan sau một đời theo Chúa. Thánh nhân đã được diễm phúc tựa đầu vào lòng Chúa trong tiệc ly, lắng nghe những thổn thức yêu thương của Chúa.Thánh nhân đã đi theo Chúa trên con đường thập giá đến tận đồi Canvê, được Chúa trối thay Ngài làm con Đức Mẹ. Sau đó là những năm tháng dài suy niệm chín mùi về con người, cuộc đời và tình yêu của Chúa, để sau cùng cất lên di ngôn bất hủ ấy. Thiên Chúa yêu thương tạo thành con người giống hình ảnh Người và mời gọi chung chia hạnh phúc muôn đời. Người yêu thương nên hứa cứu độ con người sau khi con người sa ngã phạm tội. Và Người đã ban Con Một để thực hiện cứu độ, hồi phục lại quyền làm con Thiên Chúa và được hưởng sự sống đời đời với Thiên Chúa.
Suốt cuộc đời dương thế, Chúa Giêsu đã biểu hiện tình thương vô vàn của Cha bằng sự hoàn toàn vâng phục thánh ý Cha trong mọi sự và vâng phục đến chịu chết thập giá. Suốt một đời, Chúa Giêsu miệt mài rao giảng Tin Mừng, chữa lành bệnh tật, xua trừ ma quỷ, chạnh thương đoàn chiên không người chăn dắt, đi lại và đồng bàn với người tội lỗi để ban ơn tha thứ cho họ. Chúa Giêsu ban luật mới là luật yêu thương mà thánh Phaolô quả quyết “yêu thương là chu toàn tất cả lề luật”. Chúa Giêsu dạy, vào ngày chung thẩm, Ngài sẽ xét xử mọi người dựa trên tình yêu: Sự gì làm cho một người bé mọn là làm cho chính Ta. Cuộc đời kitô hữu được mời gọi hãy sống yêu thương. Chỉ có tình yêu mới đem lại hạnh phúc. Chúa xét đoán chúng ta không dựa trên tuổi tác, công phúc, tài đức, nhưng chỉ dựa trên tiêu chuẩn độc nhất là yêu thương, vì Người là Thiên Chúa tốt lành, nhân hậu và giàu lòng thương xót.
Tin Mừng hôm nay, tiếp nối khung cảnh Tin Mừng Chúa nhật tuần trước. Chúa Giêsu tiếp tục giải thích về ẩn dụ cây nho và cành nho để dạy các môn đệ bài học: ở lại trong tình yêu của Chúa : “Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người”. Điều răn của Chúa là: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”. Như vậy, muốn “ở lại trong tình yêu của Chúa”, chúng ta phải yêu thương nhau “như Chúa đã yêu” chúng ta. Chúa còn hứa ban cho những ai biết yêu “như Chúa đã yêu” sẽ được hưởng niềm vui của Chúa, được làm bạn hữu của Chúa và muốn xin gì Chúa cũng ban cho.
Vì thế, khi nói đến Kitô giáo, cách riêng Công giáo là người ta nghĩ ngay đến hai từ “bác ái”. Bác ái không nguyên là yêu thương nhau theo kiểu “thương người như thể thương thân” mà còn phải yêu thương nhau như Chúa Giêsu đã yêu thương chúng ta.
1. Như Chúa Giêsu đã yêu
Thánh Augustinô viết : khi nói "yêu như Thầy đã yêu mến các con" là Chúa Giêsu nói đến tình yêu thí mạng: "Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng sống vì bạn hữu mình" (Ga 14, 13). Quả thật, chết vì bạn hữu là hành vi lớn nhất của tình yêu. Chúa Giêsu nói với các môn đệ : "Các con là bạn hữu" (Ga 14, 14). Chúa đã yêu các môn đệ nói riêng và con người nói chung bằng tình yêu hiến dâng mạng sống.
Thánh Augustinô nói tiếp: "Yêu như Thầy đã yêu các con", khác với lòng mến tự nhiêu thuần túy. Tình yêu của Chúa được biểu lộ qua những việc làm cụ thể sau đây.
Chúa yêu thương con người cả phần hồn lẫn phần xác. Chúa chữa lành bệnh tật phần xác như cho kẻ què được đi, người câm nói được, người mù sáng mắt, người phung hủi được sạch… và còn xua trừ ma quỷ, thứ tha tội lỗi… Chúa không chỉ ban lời hằng sống mà còn dùng quyền năng để nuôi đám đông dân chúng mà Tin Mừng tường thuật qua phép lạ hóa bánh (x. Lc 7,22; Mt 14,13-21; Mc 6,30-44; Lc 9,10-17; Ga 6,1-15).
Chúa quan tâm săn sóc con người cả đời này lẫn đời sau. Sau phép lạ hóa bánh, Chúa mời gọi dân chúng hãy lo tìm kiếm lương thực đem lại sự sống trường sinh, đó là tin vào Người là Đấng mà Chúa Cha sai đến (x. Ga 6,26-29).
Chúa vừa khoan dung tha thứ cho người có tội nhưng vừa quyết liệt tẩy trừ tội lỗi và lên án các gương mù, gương xấu, nhất là khi chúng gây dịp tội cho những người bé mọn.
Khi yêu thương, Chúa sẵn sàng đón nhận mọi khó khăn, đau khổ xảy đến cho mình, nhưng Người luôn tìm cách bảo vệ, gìn giữ những kẻ Chúa Cha đã ban cho Người khỏi những sự dữ (x. Ga 10,28; 17,11-12; 18,8-9). Người sẵn sàng đón nhận lời vu cáo, nhưng vẫn công bố lời chân lý trước cả thần quyền lẫn thế quyền (x. Mt 26,59-66; Ga 18,33-38)…
3. Anh em hãy yêu thương nhau
Con người được dựng nên để sống và sống để yêu Chúa và để yêu nhau. Thiên Chúa là tình yêu nên đã sáng tạo muôn loài, đã tạo dựng và cứu chuộc con người. Nhập Thể và Cứu Chuộc là mầu nhiệm của tình yêu. Chúa Giêsu đã chấp nhận đau thương để đem lại yêu thương cho con người. Người đã biến đổi viên mãn của đau thương thành viên mãn của yêu thương qua cuộc khổ nạn (x. 1Cr 15,26. 54; Dt 2,14), để từ trong cái chết vì tình yêu, sự sống vươn lên tươi đẹp như một mùa lúa mới (Ga 12, 24).
Chúa Giêsu không đòi hỏi các môn đệ phải làm được những công việc lớn lao, nhưng muốn “các con hãy thương yêu nhau”.
Nói lời yêu thương thì dễ, nhưng để thực hành giới răn yêu thương không dễ chút nào. Yêu thương đòi hỏi hy sinh, chấp nhận chịu thua thiệt và có khi chấp nhận tổn hại đến bản thân và cả mạng sống.
Yêu thương là ban tặng trái tim của mình cho người yêu; yêu thương sâu đậm là cho đi điều quý báu nhất cho người mình yêu: “Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một mình cho thế gian” (Ga 3,16); “ Không có tình thương nào lớn hơn tình thương của người dám thí mạng sống vì bạn hữu” (Ga 15, 13). Yêu thương là cho đi chính mình, là tự hiến chính mình. Vợ chồng yêu thương nhau, dâng hiến bản thân cho nhau.Cha mẹ và con cái yêu thương nhau có thể hy sinh mạng sống mình cho nhau. Không ai thật sự yêu thương mà lại không sẵn sàng hy sinh cho người mình yêu. Ai nói mình yêu thương mà lại không muốn hy sinh, kẻ ấy nói dối, hay tình yêu của kẻ ấy chỉ là trên môi miệng.
Yêu thương còn là chia sẻ: yêu nhiều, người ta chia sẻ cho nhau nhiều, yêu nhau hết mức thì người ta chia sẻ cho nhau tất cả. Vợ chồng yêu nhau chia sẻ cho nhau tất cả, từ của cải vật chất đến gia sản tinh thần, đến cả tình gia đình.
Yêu nhau là đón nhận nhau: đón nhận tình yêu và ý muốn của người mình yêu, đón nhận tất cả, đón nhận chính bản thân của người yêu. Người được yêu có vị trí quan trọng trong trái tim của người yêu.
Yêu nhau còn là gắn bó với nhau, càng yêu nhau càng gắn bó mật thiết đến nỗi là một với nhau. Hai vợ chồng yêu nhau ở mức độ cao nhất thì trở nên một: một xương thịt, một thân mình.
Tình yêu làm hỗn mang trở nên mầu nhiệm sự sống. Và cũng chính tình yêu ấy làm cho sự sống trường tồn bất diệt khi vượt qua sự chết. Thiên Chúa đã bước vào trần thế bằng thân thể, bằng hình hài, và mang trái tim bằng thịt. Cuộc sống trở nên kỳ diệu khi Thiên Chúa biểu lộ bằng trái tim của nhân loại. Thiên Chúa, Người yêu thương chúng ta bằng trái tim con người và bằng trái tim của Thiên Chúa. Sự chết không thể chôn kín được tình yêu, bởi sức mạnh của tình yêu là làm cho sống.
Chúng ta phải yêu thương nhau vì chính Thiên Chúa và Chúa Giêsu đã yêu thương chúng ta: “Nếu Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta như thế thì chúng ta cũng phải yêu thương nhau” (1Ga 4,11); “Chúng ta hãy yêu thương nhau, vì Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta trước” (1Ga 4,19); “Đức Kitô đã thí mạng vì chúng ta. Như vậy, cả chúng ta nữa, chúng ta cũng phải thí mạng vì anh em” (1Ga 3,16).
3. Dùng thời gian để yêu thương
Thiên Chúa là thời gian và là tình yêu. Chúng ta quý trọng thời gian, dùng thời gian để làm việc trong tình yêu, yêu Chúa và yêu người. Ai yêu thương là kẻ được Thiên Chúa sinh ra và người ấy biết Thiên Chúa.
Thời gian quý giá như vàng ngọc. Bởi vậy:
Dùng thời gian để suy nghĩ, đó là nguồn sức mạnh.
Dùng thời gian để đọc, đó là nền tảng sự khôn ngoan.
Dùng thời gian để tìm hiểu, đó là cơ hội để giúp người khác.
Dùng thời gian để cười, đó là âm nhạc của tâm hồn.
Dùng thời gian để ước mơ, đó là kiến tạo những gì thuộc về tương lai
Dùng thời gian để thinh lặng, đó là cơ hội để gặp Chúa.
Dùng thời gian để yêu và được yêu, đó là món quà vĩ đại nhất của Thiên Chúa.
Dùng thời gian để cầu nguyện, đó là sức mạnh vĩ đại nhất trên trái đất này.
Giá trị đời người không được tính bằng thời gian ngắn hay dài, nhưng ở chỗ mình đã sử dụng nén bạc thời gian, sức khỏe, trí tuệ Chúa ban để phục vụ cuộc sống ra sao. Giá trị ở chỗ mình đã sử dụng thời gian như thế nào, có sinh nhiều ích lợi cho mình, cho tha nhân và cho thế giới hay không.Thời gian qua đi thật mau và chẳng chờ đợi ai. Sống có ý nghĩa là làm cho thời gian hiện tại trở thành yêu thương.
Và như thế, được sống ở trên đời phải là một hồng ân, được một phút giây hiện hữu phải là một lời ca ngợi và được một ngày phục vụ yêu thương là một mùa xuân hạnh phúc. Và như thế, chúng ta có thể nói lên trong thanh thản vui tươi như Kahil Gibran: Cám ơn đời mỗi sáng mai thức dậy.Ta được thêm ngày mới để yêu thương.
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
====================
Suy niệm 5 TÌNH YÊU HIẾN TRAO
Khi nói đến tình yêu, con người chúng ta thường cố công định nghĩa hoặc truy tầm lời giải đáp cho câu hỏi:
tình yêu là cái chi chi,
mà lòng ta mãi khắc ghi trọn thề?
Và rồi, cuộc hành trình đi tìm câu trả lời ấy cứ hoài xa, mất hút dần trong sương mù lan toả, như những đám mây cứ trôi hoài mà không chốn dừng chân. Nhưng hãy thử cùng tôi, một lần chạm đến tình yêu hơn là đi tìm câu định nghĩa tình yêu; một lần cảm nếm tình yêu hơn là cứ trông mong vô vọng. Thử một lần ôm trọn tình yêu như một giấc mơ chẳng bao giờ nghĩ tới, để rồi được suối nguồn tình yêu – Thiên Chúa – đánh động tâm hồn ta, thúc bách ta, dẫn lối ta đi trên con đường chân lý ngàn thu.
Có lẽ quý anh chị em thắc mắc tại sao tôi dành nhiều dòng lê thê để nói đến tình yêu, mà chẳng đoái hoài gì đến các bài đọc trong Phụng Vụ Thánh Lễ hôm nay? Nhưng nếu quan sát kỹ lưỡng, nhìn ngắm, đặt mình vào Lời Chúa thì chắc hẳn chúng ta sẽ nhận ra được một chủ đề xuyên suốt cả ba bài đọc – Tình Yêu. Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô yêu quý của chúng ta đã từng xác quyết một điều khi Ngài cùng với khách hành hương Rô-ma đọc Kinh Truyền Tin, rằng: “Nền tảng của đời sống Ki-tô hữu không gì khác ngoài lòng bác ái. Và chỉ nhờ tình yêu này, chúng ta mới có thể nhận chìm những sự gớm ghê, nhơ bẩn mà làm hoen úa tâm hồn ta mà thôi”. Nói cách khác, chúng ta được sinh ra từ nguồn cội tình yêu – Thiên Chúa, và hễ ai sống hiệp thông với Thiên Chúa, thì người đó sống trong tình yêu đích thật.
Ở điểm này, chúng ta đừng rút gọn và biến tình yêu thành mô phạm nghiên cứu tâm lý học, mà nên mở rộng con tim, đôi mắt, cảm xúc, và cả ngũ quan để nghiệm ra tình yêu mà Thiên Chúa đã, đang và sẽ dành cho chúng ta “tình yêu ấy là thế này: không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã thương yêu chúng ta trước, và đã sai Con Một Người đến hy sinh, đền thay vì tội lỗi chúng ta” (x. 1Ga 4, 10). Tình yêu này vượt trên lòng yêu thương cha mẹ-con cái, anh chị em trong gia đình, dòng tộc, và tình bằng hữu (tiếng Hy lạp: philia); tình yêu này cũng trổi vượt hơn tình yêu đôi lứa, nam nữ (tiếng Hy lạp: eros). Nhưng đó là tình yêu kiểu gì mà cao quý, vĩ đại đến như vậy? Câu trả lời rất rõ ràng, cụ thể, và được chính Chúa Giê-su dạy cho chúng ta: “Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng sống mình vì bạn hữu” (Ga 15, 13). Tình yêu không chỉ bằng ngôn từ, mà được thể hiện một cách sâu xa qua hành động hy sinh cả mạng sống, cả con người của mình vì bạn hữu, vì người mình yêu (tiếng Hy lạp: agape). Hơn nữa, Thiên Chúa mời gọi chúng ta – những người mang danh Ki-tô, là con cái Thiên Chúa – biết sống trọn vẹn tình yêu hiến trao này qua những cử chỉ nho nhỏ nhưng đầy lòng tin yêu, chân thành; qua nụ cười tươi đơn sơ, mộc mạc làm sống dậy những tâm hồn trống vắng, chơi vơi; qua những lời chào nói giản dị nhưng thấm đượm cả tấm lòng, mang lại sự bình an đích thật; qua hành động ‘ra đi’ phục vụ vì tha nhân, v.v...Nói sao cho hết vô số trạng huống, hoàn cảnh khi chúng ta đáp trả lời mời gọi sống tình yêu trao dâng như Thiên Chúa đã không ngần ngại hy sinh, trao ban cả Con Một Người cho chúng ta. Người đã trở nên con người, mặc lấy xác phàm phải hư mất, vâng phục cho đến chết, và chịu tử nạn để cứu chuộc loài người tội lỗi, mỏng dòn, bất xứng với tình yêu vô biên của Người.
Trong đời sống thường nhật, mỗi khi nhìn lên Thánh Giá với tượng Chúa chịu đóng đinh, tôi thường nghiệm thấy tình yêu trao hiến và ân ban thâm sâu của Thiên Chúa dành cho con người yếu hèn như tôi. Qua cảm nghiệm này, tôi cũng mạo mụi xin mời quý ông bà, anh chị em dành chút thời gian hướng nhìn lên Chúa chịu tử nạn trên cây Thập Tự, nơi đó tỏ hiện rõ hai chữ tuy ngắn ngủi nhưng cả vũ trụ này không thể chứa nỗi – T.Y (cây Thập Giá tượng trưng cho chữ T, ‘Chúa chịu đóng đinh’ tượng trưng cho chữ Y), Tình Yêu. Và khi nghiệm được tình yêu này, xin quý ông bà, anh chị em cùng tôi thưa lên hai chữ T.Y (trong tiếng Anh: Thank You, nghĩa là Cảm tạ Chúa, cám ơn Chúa...). Hơn thế nữa, mỗi khi chúng ta làm dấu Thánh Giá, chúng ta ý thức hơn: cuộc đời vỏn vẹn, mong manh, trôi nổi của chúng ta được chạm khắc với Tình Yêu Thiên Chúa Ba Ngôi, nơi ấy chúng ta múc lấy sự sống vĩnh cửu. Và cũng từ nơi ấy, phát sinh tình yêu vị tha, bao dung của mỗi người chúng ta dành cho anh chị em trong gia đình, cộng đoàn, giáo xứ, nơi công sở, ngoài xã hội. Đặc biệt, chúng ta luôn luôn được Tình Yêu trao dâng hướng dẫn, làm ‘kim chỉ nam’ cho mọi tư tưởng, lời nói, hành động, trách nhiệm, nghĩa vụ của chúng ta trong xã hội ngày nay – một xã hội dường như đang chìm sâu trong thế tục, vật chất, lấy đồng tiền, danh vọng, chức quyền làm tiêu chuẩn đánh giá các giá trị tinh thần bất biến; hơn nữa làm thước đo cho các mối tương quan không lành mạnh.
Nguyện xin tình yêu Chúa thúc bách chúng ta ‘lên đường’, rời xa những gian phòng uy nghi, tráng lệ, nhưng khép kín của tâm hồn mình, mà biết ‘ra đi’ chia san, san sẻ tình bác ái, yêu thương trong gia đình trước tiên, kế đến biết liên đới, cảm thông với tha nhân như Thiên Chúa đã không chờ chúng ta đáp trả mà Người lại ‘đi bước trước’ trao ban sự sống, tình yêu cho chúng ta, mặc dầu chúng ta chẳng xứng đáng. Amen!
Lm. Xuân Hy Vọng
=================
Suy niệm 6 Yêu như Thầy yêu (Ga 15, 9-17) Chúa nhật thứ VI Phục Sinh, Phụng vụ Giáo hội mời gọi chúng ta nhớ lại lệnh Chúa Giêsu truyền trước khi về Trời. Quả thật : nếu chúng ta muốn về Trời với Chúa như lời hứa "Thầy đi dọn chỗ cho các con" (Ga 14, 2), người kitô hữu cần phải vâng theo lệnh Chúa truyền là "các con hãy yêu mến nhau" (Ga 15, 12).
Tôi tự hỏi, phải chăng con người dùng những tình cảm tự nhiên để yêu như bạn bè yêu nhau, cha mẹ yêu thương con cái, đồng lớp đồng niên mến thương nhau, hay hai người nam nữ yêu nhau là chưa đủ hay là khác với tình yêu Chúa Giêsu đã yêu chúng ta sao mà Đức Giêsu còn dạy chúng ta phải : Yêu như Thầy đã yêu ?
Vậy, "yêu như Thầy đã yêu" là yêu như thế nào, có gì mới mẻ chăng ? Xem ra chữ "như" có chất chứa hy sinh khi yêu, có nét mới mẻ và đáng sợ, vì chính chữ này làm nên nét đặc trưng của Kitô giáo. Thánh Augustinô viết : khi nói "yêu như Thầy đã yêu mến các con" là Chúa Giêsu nói đến tình yêu thí mạng: "Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng sống vì bạn hữu mình" (Ga 14, 13). Quả thật, chết vì bạn hữu là hành vi lớn nhất của tình yêu. Chúa Giêsu nói với các môn đệ : "Các con là bạn hữu" (Ga 14, 14). Chúa đã yêu các môn đệ nói riêng và con người nói chung bằng tình yêu thí mạng. Nay Người đòi buộc các môn đệ, cụ thể là chúng ta phải yêu nhau như Chúa yêu. Tình yêu mà Chúa Giêsu yêu chúng ta phát xuất từ Chúa Cha : "Như Cha đã yêu Thầy, Thầy cũng yêu các con" (Ga 14, 9). Như vậy là có một nguồn suối tình yêu chảy tràn từ Chúa Cha đến Đức Giêsu, và tiếp tục chảy tràn xuống các môn đệ, dòng suối ấy không ngừng chảy trên chúng ta, nếu chúng ta giữ lại, tình yêu đó sẽ trở nên ao tù nhơ nhớp, nên chúng ta phải yêu thương nhau như Chúa đã yêu thương chúng ta. Vậy đâu là bằng chứng để chứng tỏ chúng ta yêu Chúa ? Chúa Giêsu cho chúng ta câu trả lời, "Nếu các con tuân lệnh Thầy truyền, các con sẽ ở trong tình yêu của Thầy, cũng như Thầy đã giữ lệnh truyền của Cha Thầy, nên Thầy ở lại trong tình yêu của Người" (Ga 15, 10). Yêu như Thầy yêu là thế đấy.
Thánh Augustinô nói tiếp: "Yêu như Thầy đã yêu các con", khác với lòng mến tự nhiêu thuần túy. Thánh Gioan Tông Đồ viết : "Thiên Chúa là Tình Yêu… hễ ai thương yêu, thì đã sinh bởi Thiên Chúa… Còn ai không yêu thương, thì không biết Thiên Chúa" (1 Ga 4, 7 - 8). Gioan quả quyết : "Thiên Chúa đã thương yêu chúng ta trước, và đã sai Con Một Người đến hy sinh, đền thay vì tội lỗi chúng ta" (1 Ga 4, 10).
Chúng ta thấy, cuộc sống cần tình yêu, nhân loại cần tình yêu, mỗi người sống trong cuộc đời này đều cần tình yêu và rất cần tình yêu. Có thể nói, tình yêu là lẽ sống, là niềm hạnh phúc, là sự bình an của tất cả mọi người không trừ ai. Nên có bao nhiêu tiểu thuyết là có bấy nhiêu chuyện tình. Có bao nhiêu phim truyện, tiểu phẩm, bài hát là bấy nhiêu cách diễn tả tình yêu. Người ta khai thác tình yêu trên mọi lĩnh vực : thơ ca, hò vè, quảng cáo.v.v...
Sống ở trên đời có trăm bẩy loại tình yêu, tôi xin tạm liệt kê. Chúng ta tự hỏi, tại sao cha mẹ lại yêu con cái và con cái lại yêu cha mẹ? Thưa là vì ông bà ấy là người sinh ra chúng, chúng là con của ông bà đó. Đây là tình yêu huyết tộc.
Ngày nay phú quí sinh lễ nghĩa, đó đây chúng ta gặp những buổi hội ngộ đồng niên, đồng lớp, đồng ngũ, đó là thứ tình đồng niên, bạn bè cùng lớp cùng tuổi mến thương nhau.
Một loại tình yêu lấn át mọi thứ tình yêu, khi nói đến người ta nghĩ ngay đến nó, nhất là những người trẻ, đó là tình yêu nam nữ. Đây là tình yêu đơn phương, vì con người yêu nhau. Tình yêu đôi lứa, tình yêu bạn bè, tình yêu đồng đội, tình yêu của anh chị em một nhà… tình yêu của cha mẹ với con cái. Tất cả những tình yêu đó đều cao đẹp, đều phù hợp ý Chúa.
Một thứ tình yêu cao thượng mà Chúa dạy chúng ta là tình yêu vì Chúa. Kinh Kính Mến chúng ta vẫn đọc : "…vì Chúa thì con thương yêu người ta như mình con vậy". Như thế, tình yêu của chúng ta không còn giới hạn bởi huyết tộc, bạn bè quen biết, mà mở rộng tới hết mọi người, tôi yêu họ vì Chúa yêu tôi và truyền dạy tôi.
Chúng ta vẫn thường nghe nói: "gia đình là Giáo hội thu nhỏ", thế nên, gia đình cũng phải mang lấy những đặc tính mà Chúa Giêsu muốn là: "yêu thương và hợp nhất, thực thi lời Chúa, cử hành phụng vụ và loan truyền tin mừng".
Gia đình kia có một cô con gái, tính tình đào hoa, phóng khoáng. Sau lần tiếp bạn ngày đầu năm, mẹ cô nói với cô : Này con, con yêu ai thì yêu, lấy anh nào thì lấy một thôi, chứ tết này mẹ thấy nhiều anh quá, bố mẹ chẳng biết anh nào là rể tương lai nữa. Cô trả lời : ồ, bố mẹ hay thật, Chúa chẳng dạy chúng ta là yêu hết mọi người sao ?
Chuyện khác : Có một chàng thanh niên, gõ cửa một nhà dòng để xin vào tu. Cha bề trên nhìn chàng, khẽ mỉm cười và hỏi:
Thế con đã yêu ai chưa? Chàng thanh niên đỏ mặt, ấp úng trả lời: Dạ thưa cha, chưa ạ.
Cha bề trên lại mỉn cười và bảo: Thế thì con hãy về, học yêu thương trước, rồi mới tới tu học sau.
Yêu thương là điều Chúa dạy, hơn nữa đó là lệnh truyền của Chúa: "Thầy truyền cho các con" ( Ga 14, 12 ), vì thế không ai có quyền từ chối yêu thương, càng không có quyền thù nghịch anh chị em mình. Có yêu nhau thật lòng, người ta mới có thể sống cho nhau, chết vì nhau. Thử tưởng tượng, một thế giới không có tình yêu, không ai yêu ai, thì thế giới sẽ kinh khủng biết chừng nào. Bởi đi tới đâu, ta cũng chỉ thấy thù hận, bạo động, diệt chủng… Hãy yêu thương, hãy trao tặng cho nhau tình yêu thật lòng để cuộc đời đáng yêu và đáng sống. Tình yêu sẽ làm cho cả người đang yêu lẫn người được yêu bình an và hạnh phúc. Hãy yêu thương nhau như Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta.
Xin Thiên Chúa Ba Ngôi, nguồn suối tình yêu liên kết chúng con nên một trong tình yêu Chúa. Amen.
Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ
====================
Suy niệm 7
CHÍNH THẦY ĐÃ CHỌN Cv 10,25-26.34-35.44-48; 1Ga 4,7-10; Ga 15, 9-17
Những lúc Thầy trò bên nhau nghe sao mà chứa chan tình yêu, gần nhau hơn bao giờ hết, Thầy nói những lời yêu thương, Thầy tỏ bày nỗi lòng, thao thức của Thầy, Thầy dặn đi dặn lại phải yêu thương như Thầy đã yêu. Thầy lấy chính tình Thầy ra làm khuôn mẫu, các môn đệ như muốn hớp lấy những lời vàng ngọc từ miệng Thầy lúc ấy. “Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy. Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người. Các điều ấy, Thầy đã nói với anh em để anh em được hưởng niềm vui của Thầy, và niềm vui của anh em được nên trọn vẹn… anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.”
Tình Thầy thân thương đến độ trò chẳng dám mơ, coi trò như bạn vô cùng thân thương. Thầy hy sinh cả mạng sống vì yêu. “Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết.” Cũng bởi vì yêu thương nên Thầy đã “chọn anh em”, cho dù Thầy biết rõ từng người, xấu đẹp từ bên trong, nông nổi nhất thời, tham tiền hám danh, hèn nhát, nhẹ dạ, thất tín và phản bội Thầy nữa… “ Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại…” Người được Thầy nhắm, được Thầy “thương mến” mà chọn mặt gửi… lòng yêu thì hãy mau mắn vâng nghe và làm theo Ý Thầy, dù không hiểu thấu sự gì. Ngoan ngoãn vâng theo Ý Thầy mà ra đi sẽ sinh được hoa trái thơm ngon, tốt đẹp vững bền.
Thầy Giêsu ơi! ngày nay mỗi khi chúng con được “chọn và gọi” ra đi làm theo Thánh ý, chúng con nhìn sức riêng mình mà sợ hãi chối đay đảy, hoặc “khiêm nhường” nhận mình u mê dại dột, dốt nát, bất tài, thiếu sức khỏe, khả năng, thời giờ… Chúng con chưa hiểu chính Thầy đã chọn, thuận theo Ý Thầy mà ra đi sẽ được Thầy dẫn dắt và làm trổ sinh hoa trái tốt đẹp vững bền. Dù chúng con bất xứng bên trong cách nào chỉ mình Thầy biết, Thầy vẫn yêu thương tín nhiệm. Theo Thầy bước đi, cuộc đời bé nhỏ hèn mọn sẽ trở nên đáng sống và làm cho thế giới tươi đẹp hẳn lên.
“Không phải con đã chọn Ngài, nhưng chính Ngài đã chọn con. Không phải con đã yêu Ngài, nhưng chính Ngài đã yêu con. Ngài đã yêu con Chúa ơi! Ngài đã yêu con trước khi con biết yêu Ngài và trước khi con biết đáp lời: Lạy Thiên Chúa! con đây!”
Én Nhỏ