Thứ năm, 26/12/2024

Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật II Phục Sinh Năm B

Cập nhật lúc 09:27 07/04/2021
Suy niệm 1
Do lòng thương xót của Thiên Chúa mà Ngài tin tưởng chúng ta
Ga 20, 19-31
 
Những người nghèo hèn tội lỗi. Trong 3 năm giảng đạo công khai tại Palestina, Chúa Giêsu chọn các môn đệ để họ tiếp tục sứ mệnh rao giảng Tin mừng mà Chúa Cha đã trao phó cho Ngài.
- Khi ở với Ngài, họ đã hứa chung thủy với Ngài. Nhưng chỉ vài ngày trước đây khi Chúa Giêsu bước vào cuộc khổ nạn, họ bỏ rơi Ngài, ngoại trừ Gioan. 
- Và cả Gioan cũng như những người khác, chính vào chiều Chủ nhật Chúa đã phục sinh, họ bị nhốt trong sợ hãi. Họ khóa cửa cho chặt nơi họ ở vì sợ người Do Thái. 
Xét trên phương diện này, Chúa Giêsu khó có thể tin tưởng họ, thậm chí Ngài có đủ lý do mất niềm tin vào những người này, vì ngay khi bắt đầu bị thử thách lớn, họ đã đào ngũ bỏ đi. Nhưng hôm nay, Chúa đã phục sinh, Ngài lại tuyên bố với họ: "Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em". Theo chúng ta nghĩ: tại sao Chúa Giêsu lại tin tưởng những người này, nếu xét hành động của họ, thì họ không xứng đáng để Chúa Giêsu cậy dựa vào? Tuy nhiên, Chúa Giêsu dựa vào những người này và vì thế Ngài đã trấn an họ hai lần: "Bình an cho anh em”! Lần đầu tiên để họ vượt qua nỗi sợ hãi và lần thứ hai để mang lại niềm vui cho họ. Tám ngày sau, khi Ngài hiện ra và ở giữa họ, Ngài vẫn thấy những cánh cửa nhà họ ở bị khóa lại và có cả Toma, là người không tin. Ngài làm như vậy để họ và cả Toma vững tin.
Những người được tha thứ và tha thứ. Đối với số ít người này, Chúa Giêsu ban cho một quyền hạn quá đáng: “Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha, anh em cầm buộc ai, thì người ấy vị cầm buộc”. 
- Chúa Giêsu không tính đến sự hèn nhát của các môn đệ.
- Ngài không giữ họ lại trong sự hèn nhát của họ và thiếu đức tin của họ. 
- Ngài tha thứ cho họ tất cả. do lòng thương xót của Ngài.  
- Ngài bắt đầu nhờ họ, và còn tin tưởng hơn: Từ giờ trở đi, họ là những người tha thứ nhân danh Ngài, họ sẽ nhớ rằng họ cũng đã nhận được ơn tha thứ! Họ sẽ là anh em mãi mãi của tất cả những người mà họ sẽ được sai đến.
Giáo hội được thành lập dựa trên những tội nhân nghèo hèn, những người trải nghiệm sự yếu đuối của riêng họ.
- Họ là những người được mời gọi tha thứ cho nhau nhân danh Chúa Giêsu.
- Nhưng trước tiên họ được mời gọi để nhận ra sự nghèo hèn của chính họ, thậm chí họ còn được mời gọi để làm cho cả nhân loại biết điều đó. 
Gioan, tác giả Tin mừng kể lại câu chuyện hôm nay đã làm chứng: “Đức Giê-su đã làm nhiều dấu lạ khác nữa trước mặt các môn đệ; nhưng những dấu lạ đó không được ghi chép trong sách này. Còn những điều đã được chép ở đây là để anh em tin rằng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sự sống nhờ danh Người”.. 
- Gioan đã không che giấu sự yếu đuối của các tông đồ.
- Gioan đã mô tả, đã viết, để mọi người có thể yên tâm rằng Giáo Hội của Chúa Giêsu Kitô là một Giáo Hội của những tội nhân được tha thứ, những tội nhân được tha thứ biết ơn. 
Sự nghèo hèn tội lỗi của các môn đệ trong ngày lễ Phục sinh này là một dấu chỉ cho thấy Giáo hội không tìm được sức mạnh ở  chính mình, mà chỉ có được ở trong Chúa Giêsu Kitô, đã chết và sống lại. Dấu chỉ này nhắc nhở chúng ta tin rằng: “Chúa Giêsu là Đấng Kito, Con Thiên Chúa và để anh em tin mà được sống nhờ danh Người”.
Những người đáng tin cậy. Chúa Giêsu phục sinh, nhưng vẫn cho các môn đệ thấy những vết tích trên bàn tay và cạnh sườn Ngài. Điều đó muốn nói lên rằng:
- Ngài là người bị đóng đinh, chỉ mình Ngài là người công chính mà người ta đã công bố Ngài có tội, người ta lên án và tử hình Ngài.
- Nhưng vết tích ngu ngốc này của con người vào ngày lễ Phục sinh là dấu chỉ sáng ngời về sự chiến thắng của Thiên Chúa
- Vết tích tội lỗi của con người vẫn mãi mãi khắc sâu trên Thân thể Con Thiên Chúa.
-Vết tích này cho thấyThiên Chúa mạnh hơn tất cả tội lỗi. Tình yêu Ngài vượt trên sự thù hận của con người.
Chúa Giêsu nói: "Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em. Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần". Anh em là người tội lỗi, như mọi người khác, anh em không phải là người liều lĩnh hơn bất cứ ai, anh em không phải là anh hùng, đúng hơn anh em là người Thầy sai đi, chính vì thế mà Thầy ban Thần Khí của Thầy cho anh em. Với Thần Khí của Thầy,
- Thầy ban cho anh em sức mạnh để tha thứ như chính Thầy đã tha thứ.
- Thầy ban cho anh em sức mạnh đến với những nơi hận thù, ngu ngốc, độc ác ngự trị, để anh em đặt sự dịu dàng, khôn ngoan và lòng nhân từ vào đó. 
-Thầy ban cho anh em sức mạnh để chịu những cú đòn đánh vào thân thể anh em, bị buộc tội một cách bất công, bị hiểu lầm và bị từ chối như Thầy đã từng chịu đựng. 
- Thầy ban cho anh em sức mạnh để vượt qua mọi nỗi sợ hãi, để đẩy lùi những thế lực của sự chết.
- Thầy ban cho anh em sức mạnh để sự sống của Thầy trở thành sự sống của anh em, để mọi người vươt qua từ sợ hãi đến bình an. Anh em là người đã nhận ra sự yếu đuối của anh em, anh em đừng ra vẻ là người anh hùng. Anh em hãy yên tâm rằng anh em sẽ tìm được nơi Thiên Chúa sức mạnh mà anh em thiếu. Anh em hãy dựa vào Thầy! Anh em là những người đáng tin cậy của Thầy! 
Linh mục Gioan Đặng Văn Nghĩa
===================
Suy niệm 2
Ga 20, 11 – 31

Lịch trình sự kiện Chúa Phục Sinh được xếp thứ tự như sau: những người được thấy Chúa phục sinh đầu tiên là những người lính canh mộ Chúa; kế đó là các bà phụ nữ trên đường về sau khi thấy ngôi mộ trống; tiếp theo nữa là bà Mác đa la một người ra mộ trước nhất, chạy về báo tin cho Phêrô và Gioan là xác của Thầy bị lấy mất rồi, sau đó bà quay trở lại ngôi mộ trống để khóc, rồi được gặp Chúa hiện ra; tối hôm Chúa nhật phục sinh Chúa hiện ra với các tông đồ, thiếu Tôma; Chúa nhật thứ hai phục sinh Chúa lại hiện ra với các tông đồ. Lần này có mặt Tôma.
Tôma là một vấn đề lớn ta phải suy nghĩ.
Chúa mới thọ nạn ngày thứ sáu. Ba ngày hôm sau tất cả anh em đều có mặt bên nhau để cùng đau buồn với nhau. Đó là tình “Huynh đệ chi binh”. Thế mà lại vắng mặt một người và chỉ một người thôi. Đó là Tôma vắng mặt trong hoàn cảnh như thế, thì không thể chấp nhận được.
Qua ba ngày, thấy tình hình tạm êm, Tôma trở về gặp anh em. Được mọi người cho biết là đã gặp Chúa hiện ra. Tôma không thèm tin. Không xấu hổ về chuyện mình bỏ anh em mà chuồn lại còn chê anh chị em là tin chuyện mơ hồ. Những người kể chuyện mình gặp Chúa, có những người có uy tín nên nể mặt. Đó là bà Gioanna, một mệnh phụ, vợ của ông Khugia quản lý của vua Hêrôđê. Tô ma chẳng nể mặt ai hết cứ khăng khăng tuyên bố: “Chừng nào thằng này lấy ngón tay rờ được vết đinh trên tay chân của Thầy và bàn tay này thọc được vào vết đòng đâm ở cạnh sườn của Thầy, thì thằng này mới tin”. Hết tình nghĩa bạn bè. Văn hóa Việt Nam gọi mẫu người ấy là “ngang như cua”.
Khi Chúa vừa chào và chúc bình an cho anh em xong, Ngài liền nhìn thẳng vào mặt Tô ma mà nói: “Hãy đặt  ngón tay vào đây và hãy nhìn xem tay Thầy. Hãy đưa bàn tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng tin”. Bấy giờ Tô ma mới hết ngang như cua, ông vội quỳ xuống mà tuyên xưng niềm tin của mình: “Lạy Chúa của con. Lạy Thiên Chúa của con”. Chúa dạy anh và mọi người một bài học: “Phúc thay những người chưa thấy mà tin”.
Phải thành thật mà công nhận rằng, ở trên đời này, vì sự gian dối, lừa lọc quá nhiều, nên thường bảo nhau “dễ tin là nhẹ dạ”. Nhưng cũng phải công nhận rằng những kiến thức ta có ở trong đầu thì 99,9% là do tin chứ không phải do thấy. Nếu phải thấy mới tin, thì khoa sử học phải xóa sổ đầu tiên. Khoa địa lý phải xóa 90%. Chưa ai trong chúng ta thấy ông Ngô Quyền thắng quân Hán trên sông Bạch Đằng. Vậy thì chuyện thủy chiến ấy có hay không? Chắc chắn chúng ta chưa có ai đã leo lên đỉnh núi Hy Mã Lạp Sơn. Vậy chúng ta có tin núi Hy Mã Lạp Sơn cao 8.800m không? Chúng ta tin vào các điều thầy cô dạy trong trường, thì ta thấy được bao nhiêu? Nếu không tin, thì đóng cửa hết các trường.
Linh mục Piô Ngô Phúc Hậu
 ====================
Suy niệm 3
LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT
 
Hôm nay, Giáo hội mời gọi chúng ta chiêm ngắm, tháp nhập vào Thánh Tâm Chúa – suối nguồn ơn cứu độ - nơi này chúng ta múc lấy tình yêu vĩnh cửu. Với tâm tình cảm tạ lòng lân tuất vô bờ bến của Chúa, chúng ta cũng không quên thể hiện lòng cảm mến sâu xa đến Thánh Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II, người đã công bố thánh lễ mừng kính Lòng Chúa Thương Xót qua chứng tá của Thánh nữ Maria Faustina.
Nhìn ngắm Thánh Tâm, cảm nghiệm lòng Chúa xót thương, chúng ta nguyện luôn luôn chúc tụng, hát khen “tình thương của Chúa con sẽ hát ca, con sẽ hát hoài, con sẽ ca ngợi suốt đời” (Tv 89). Đồng thời, qua đó, chúng ta biết nhìn lại con người yếu đuối, tội lỗi của ta, để rồi chúng ta luôn biết sống sao cho phải đạo, cho xứng đáng là người con của Chúa ‘nhân từ, chậm bất bình và rất mực khoan dung’. Chắc hẳn quý ông bà và anh chị em ít nhiều cũng cảm nghiệm, được ơn ích mỗi lần kính lòng thương xót Chúa! Một điều chúng ta xác tín là: lòng Chúa thương xót vô vàn, không bờ bến, trải qua muôn ngàn thế hệ, lớn lao hơn tội lỗi, sự yếu hèn của con người chúng ta. Qua các bài đọc Phụng vụ hôm nay, chúng ta càng được thấy rõ điều này.
‘Lòng Chúa thương xót’ quy tụ dân Chúa, cộng đoàn tín hữu đầu tiên sống trong niềm thành tín, yêu thương và hiệp nhất với nhau (x. Cv 4, 32-35). Mỗi người một vẻ, nhưng tất cả đều đồng tâm nhất trí với nhau qua việc kinh nguyện và nghi thức bẻ bánh (Thánh lễ). Và quan trọng hơn, khi họ tiếp xúc với Lời Chúa, với chính Sự sống của Chúa, cộng đoàn tín hữu đầu tiên đã ‘ra đi’ loan truyền lòng xót thương của Chúa mà họ đã được trải nghiệm bằng việc chia cơm sẻ áo, trợ giúp lẫn nhau, yêu thương tha nhân. Lòng Chúa thương xót thúc giục mỗi chúng ta hãy mạnh dạn ra khỏi tính ương hèn, lười biếng, nếp sống bàng quang, do dự, hờ hửng, dửng dưng, v.v... của bản thân, để đưa chân tiến bước chia san sau khi miệng đọc kinh, lòng suy gẫm, tâm hồn được chan chứa nguồn vui. Lòng Chúa thương xót mời gọi chúng ta sống cho nhau, chứ không chỉ biết ‘co cụm’, ‘quanh quẩn’ những nơi làm thoả mãn tính ích kỷ của ta, những chốn xa hoa, phố phường, những ‘ngôi biệt thự không hồn’ của cộng đoàn, của chúng ta.
Hơn nữa, Lòng Chúa Thương Xót giúp chúng ta thắng hết sự yếu hèn, thú vui, đam mê, tật xấu thế gian (x.1Ga 5, 1-6) Con người chúng ta thường có xu hướng lên án, kết tội anh chị em qua những toà án di dộng. Mỗi khi chúng ta ngồi lê đôi mách, chúng ta thường kể tội của anh chị em, những người không hiện diện, và vô hình dung chúng ta xét xử anh chị em với sự tham gia của vị thẩm phán đó là chúng ta, vị luật sư bào chữa là chúng ta, và nhân chứng cũng là chúng ta. ‘Toà án di động’ này chẳng đem lại cho chúng ta nguồn vui, niềm thảnh thơi nào, ngoài sự áy náy, nuối tiếc trong tâm tư của chúng ta! Nếu chúng ta thực sự tôn sùng, kính yêu lòng Chúa Thương Xót, chúng ta hãy đón nhận suối nguồn lân tuất, biết tha thứ, biết chiến thắng những thói quen không lành mạnh, những gì là trái ngược với lòng Chúa xót thương mà Ngài luôn luôn trao ban cho chúng ta. Và qua sự chia san, tương thân, tương ái, ‘người ta sẽ nhận biết anh em chính là môn đệ của Thầy’ (x. Ga 13, 35), là ‘môn đệ của lòng vị tha, bác ái, bao dung’.
Sau cùng, Lòng Chúa Thương Xót vượt trên tính kiêu ngạo, lòng nghi ngờ, sự yếu đuối của con người có lòng tin yếu hèn (x. Ga 20, 19-21). Chẳng có gì mà đáng lo ngại, tội lỗi cho bằng ‘nghi ngờ tình yêu Thiên Chúa dành cho con người chúng ta’ (Thánh Gio-an Maria Viên-nê). Giữa xã hội thực dụng này, mọi điều đều quy ra vật chất, quy ra những gì mà ‘sờ, đụng, cân, đo, đong, đếm’ được. Kể cả lòng tin, giá trị, văn hoá, v.v... cũng bị mặc cả, ra giá như món đồ thông thương. Nhưng nhờ lòng Chúa Thương Xót, người Ki-tô giáo chúng ta nhận ra điều gì làm đẹp lòng Chúa, sự gì trái ngược với đạo nghĩa làm người, và làm con Thiên Chúa. Lòng tin cần được cụ thể hoá, cảm nghiệm một cách sâu xa và mang tính cá vị như một cuộc gặp gỡ, đối diện với người mình đặt trọn niềm tin. Lòng tin không dựa trên lời ra tiếng vào, lời rêu rao, nghe ngóng từ ‘những đài truyền thanh di động’, mà lòng tin đích thực, chân chính phải dựa trên mối tương quan giữa người với người, cuộc gặp gỡ giữa hai tâm hồn, giữa hai con tim sống động như cuộc gặp gỡ giữa hai thầy trò: Chúa Giê-su và thánh Tô-ma. Lòng tin đích thực không ‘ngặm nhấm quá khứ tệ hại’ hay ‘trông mong, kỳ vọng mong lung về tương lai’, nhưng lòng tin chân chính biết chấp nhận và vun trồng cho ‘hiện tại’ dẫu cho nó không sáng sủa là bao! Hơn thế, lòng tin không bám víu, lệ thuộc vào luật lệ, điều lệ, mà là phụ thuộc vào lối sống, thái độ, động lực của chúng ta. Lòng Chúa thương xót mời gọi chúng ta can đảm vượt thắng tính đố kỵ, ngờ vực, kỳ vọng mong lung hay thần tượng hoá, v.v...Hơn thế nữa, lòng chúng ta ích kỷ vô hạn, nhưng nếu được đặt vào Lòng Chúa xót thương vô hạn thì sự hữu hạn của chúng ta sẽ được sự vô vàn, bao dung vô hạn của Chúa lấp đầy!
Nguyện xin Chúa cho tâm hồn khép kín của chúng con biết mở rộng, cho đôi mắt ‘bệnh tật’ của chúng con được sáng tỏ, cho đôi tai ‘điếc lác’ của chúng con mở toan ra, cho đôi môi ‘thâm’ của chúng con được trở nên trong sạch, và cho đôi tay, đôi chân ‘bại liệt’ của chúng con được chữa lành hầu chúng con sẵn sàng đón nhận, ra đi với người anh chị em như lòng Chúa thương xót vô bờ bến mà Ngài hằng dành trọn cho nhân loại. Amen.
Lm. Xuân Hy Vọng
===================
Suy niệm 4
Thế giới đang rất cần lòng thương xót Chúa 
(Ga 20, 19-31)

Dịp Năm Thánh 2000, ngày 30 tháng 4, thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã thiết lập Chúa nhật II Phục Sinh là Chúa nhật Lòng Thương Xót Chúa. Từ đó, phong trào sùng kính Lòng Thương xót Chúa lan tỏa trên khắp thế giới, trong đó có đất nước Việt Nam thân yêu của chúng ta.
Nhìn vào bức ảnh hay tượng Chúa Thương Xót, chúng ta thấy Chúa Giêsu mặc một chiếc áo trắng với cánh tay phải giơ lên như đang chúc lành. Tay trái của Người đụng vào áo nơi trái tim, nơi mà hai ánh sáng chiếu tỏa ra, một tia màu đỏ và một tia màu trắng nhạt.
Thánh nữ Faustina đã hỏi Chúa, Chúa trả lời: “Những luồng ánh sáng trắng nhạt biểu hiện Nước, sẽ làm cho các linh hồn nên công chính đạo đức. Những luồng ánh sáng màu đỏ biểu hiện Máu, là sự sống của các linh hồn. Hai luồng ánh sáng này, phát xuất từ chốn sâu thẳm của lòng xót thương dịu dàng và êm ái nhất của Ta, lúc trái tim hấp hối Ta bị lưỡi đòng đâm thâu mở rộng ra. Phúc cho ai ẩn náu trong sự che chở của những luồng ánh sáng này, vì bàn tay công thẳng của Thiên Chúa không giáng phạt họ”.
Tin Mừng thánh Gioan (Ga 20, 19-31) mô tả, Chúa Kitô Phục Sinh hiện ra tỏ cho các Tông Đồ, đặc biệt thánh Tôma đã tận mắt thấy những vết thương của đôi tay, chân và cạnh sườn Chúa bị đâm thâu qua. Đó là những vết thương hằn in trên cơ thể của Người lúc còn sống, ngay cả sau khi phục sinh. Cạnh sườn, nơi trào ra máu và nước, suối nguồn ân sủng, truyền thống Giáo hội coi đây như là nguồn gốc của bí tích hòa giải, nơi mà con người cảm nhận được sự tha thứ do lòng thương xót Chúa.
Hơn 1 năm qua, đại dịch Covid lây lan khiến cho 135 triệu người nhiễm và 2,9 triệu người chết, nó vẫn tiếp tục hoành hành, có những nơi bệnh nhân ồ ạt đổ vào bệnh viện, các túi đựng người quá cố xếp đầy phòng, quan tài xếp hàng trong nhà thờ, nhà hỏa thiêu, hàng dài người đi nhận tro cốt, mấy tỷ người bị quản thúc tại gia, nhiều nhà máy ngừng hoạt động, đã kéo cả thế giới vào trong suy sụp kinh tế chưa từng có.
Trong bối cảnh này, người ta đặt câu hỏi “tại sao?” Tại sao thế giới lại rơi vào hố sâu tuyệt vọng, bất lực trước 1 con siêu vi khuẩn vô hình này? Tại sao Chúa để cho dịch bệnh xảy ra? Tại sao Chúa không can thiệp khi con người kêu cầu trong đau đớn và thậm chí có người sợ hãi thất vọng? Giáo hội vẫn khẳng định và kêu cầu rằng: Lòng Thương Xót Chúa Tồn Tại Đến Muôn Đời. Vậy lòng thương xót Chúa ở đâu?
Phải khẳng định rằng, nhiều người đã nhiều lần yêu cầu Chúa ra khỏi đời sống, có nơi không biểu quyết không treo Thánh Giá, không làm dấu đọc kinh tại trường học, nghĩa là mời Chúa ra khỏi trường học, khỏi chính phủ và họ không kêu cầu Chúa nữa. Chiều lòng người, Chúa lẳng lặng rút lui. Vậy, làm sao chúng ta có thể mong Chúa ban ơn và che chở khi chúng ta khẩn thiết xin Ngài mặc kệ chúng ta? 
Chúa phán: “Nếu Ta đóng trời nếu không có mưa; Nếu Ta truyền cho châu chấu phá hại xứ; nếu Ta sai ôn dịch đến trong dân Ta; Nếu dân Ta, dân được gọi bởi Danh ta, quì gối khẩn nguyện và tìm kiếm Nhan Ta cùng bỏ đàng dữ của chúng mà trở lại, thì Ta, từ trời Ta sẽ nghe, Ta sẽ tha thứ tội lỗi chúng và chữa lành xứ sở chúng” (2 Sb 7,13-14).
Nếu không có Lòng Thương Xót Chúa, thế giới này không tồn tại. Chúa vẫn ở bên cạnh chúng ta từng phút giây để đỡ nâng chúng ta. Thiên Chúa là Đấng vô hình, chúng ta không thể thấy được. Nhưng, Chúa hiện diện trong từng bác sĩ, y tá, nhân viên bệnh viện, các tình nguyện viên chăm sóc y tế. Họ ân cần, hy sinh bản thân, quên đi chính gia đình của họ để mỗi ngày chỉ được ngủ 1,2 giờ. Và họ biết, họ có nguy cơ sẽ chết.
Chúa hiện diện trong từng vị lãnh đạo các quốc gia để họ sáng suốt dẫn dắt quốc gia, đưa ra những quyết định kịp thời, giúp đỡ và che chở, bảo vệ cho công dân của họ.
Trong cơn đại dịch, khủng hoảng về sức khỏe hiện nay chúng ta thấy nổi bật nhất là tình liên đới. Có khi nào người dân của tất cả các quốc gia lại cảm thấy mình rất đoàn kết, bình đẳng, ít xung đột hơn vào thời điểm dịch bệnh không? Virus không biết biên giới là gì. Vậy mà nó đã phá vỡ mọi rào cản và sự phân biệt chủng tộc, quốc gia, tôn giáo, sự giàu có và quyền lực. Mọi người đều được đối xử bình đẳng như nhau, quan tâm tới nhau hơn, gửi lời thăm hỏi nhau, động viên và chúc lành. Người ta dường như dừng lại, biết trân quý giá trị của gia đình và dành nhiều thời gian cho gia đình hơn là tụ tập ăn uống, vui chơi ở vũ trường, quán bar thâu đêm suốt sáng. Và rằng, tiền bạc, địa vị, danh lợi… giải trí, chơi bời trác táng… không phải là thứ duy nhất mà con người mong muốn đạt được nữa, sức khỏe và mạng sống mới là điều quí nhất.
Khi con người tuyệt vọng thì bắt đầu cúi mình trước Thiên Chúa. Giáo hội có những giờ cầu nguyện ngoại thường. Nhiều vị lãnh đạo trên thế giới nắm tay nhau để cầu nguyện và xin Chúa chúc lành, vì giờ đây họ tin rằng chỉ có Thiên Chúa là Đấng duy nhất có thể cứu giúp nhân loại đang trong cơn khốn đốn.
Phải chăng Thiên Chúa muốn chúng ta dừng lại, khiêm tốn nhận ra rằng sự hiểu biết, khôn ngoan của con người là giới hạn và cuộc sống danh vọng, tiền tài ở trần gian chỉ là hư vô? Hãy nhắm đến các mục tiêu cần thiết là sức khỏe, vệ sinh, thực phẩm, cuộc chiến chống đói nghèo, chăm sóc thiên nhiên. Hãy để lại cho thế hệ tiếp theo một thế giới về tình người, nhất là hãy tin tưởng cậy trông vào Chúa.
Lời Chúa Giêsu đã nói với thánh nữ Faustina: “Thà rằng trời đất này biến ra không, nhưng lòng thương xót của Ta luôn ấp ủ những linh hồn tín thác”. Vậy, chúng ta hãy tín thác vào Chúa trong mọi cảnh huống của cuộc đời. Amen.

Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ

===================
Suy niệm 5
Lạy Thiên Chúa của con!   

Ga 20, 19-31
Sau cái chết như “một tử tội” của Thầy Giêsu, các môn đệ vô cùng khiếp sợ. Ngay cả sau khi Thầy đã sống lại, các ông vẫn chưa hoàn hồn vì nỗi sợ người Do Thái. Vào buổi chiều Chúa nhật, phòng ở của các ông còn đang đóng kín các cửa, bỗng Chúa hiện đến đứng ngay giữa và trấn an: “Bình an cho anh em!” (Ga 20,19b). Vì sợ hãi làm cho tâm hồn các ông bị khép kín, sống co cụm, cách biệt các mối tương quan, không gặp gỡ giao tiếp với ai. Khi có Chúa ở giữa với lời ban bình an, các ông như được cởi bỏ mối lo sợ đang ngập tràn. Để họ an tâm xác nhận, Người cho các ông xem chân tay và cạnh sườn rồi thổi hơi (ban Thánh Thần) cho các ông. Người truyền sai đi và ban quyền tha tội cho các ông. Có sự hiện diện với ơn bình an của Chúa Phục Sinh, các ông như được mở tung cõi lòng, như tia nắng mới, làn gió mát ùa vào khiến họ tự tin vững vàng để làm chứng cho Thầy mà không sợ hãi. Sự bình an của Chúa là ơn đặc biệt mà “thế gian chẳng thể ban được”. Sự bình an luôn là niềm khát vọng ngàn đời của cả nhân loại.
Lần trước Chúa hiện đến với các môn đệ thì ông Tôma vắng mặt. Các môn đệ khác nói lại nhưng ông không tin. Có lẽ nhiều người hôm nay chê trách Tôma quá cứng lòng. Nhưng thật ra, Chúa Giêsu đã chết rồi “tự sống lại” là chuyện chưa từng xảy ra trong lịch sử, ông lại không nhìn thấy nên thật khó để tin. Ông đại diện cho những người không sống theo dư luận, không hùa theo đám đông khi chưa nhìn rõ sự việc gì hệ trọng, mà phải là mắt thấy, tai nghe và tay rờ. Tin Mừng hôm nay là chuyện tám ngày sau, hôm ấy ông Tôma cùng ở đó và đã nhìn rõ Thầy mình. Chắc chắn ông đã tin, nhưng biết lòng người môn đệ này, Chúa còn lấy tình thân thương mà “nhắc nhủ” riêng ông: “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin.” (Ga 20, 27). Lúc này ông vừa tin, vừa yêu, vừa kính sợ và chỉ còn biết kêu lên: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!” Tình yêu và sự bình an của Chúa Phục Sinh đã tràn ngập tâm hồn ông, khiến ông cảm nhận thật rõ lòng thương xót của Chúa.
Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh! Hôm nay là Chúa nhật kính Lòng Thương Xót Chúa, vì tình yêu và lòng xót thương, Chúa đã chịu chết, chịu lưỡi đòng đâm thấu Trái Tim, để từ đây Máu và Nước đã tuôn trào như suối nguồn thương xót chúng con. Như thánh Tôma Tông đồ, xin Chúa cho chúng con luôn cảm nhận, tin yêu và tín thác trọn cuộc đời mình trong Trái Tim yêu thương của Chúa, để đời chúng con luôn sống trong sự bình an của Chúa, lạy Thiên Chúa của con! Amen.
Én Nhỏ
                                                                
 
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Giáo xứ Yên Tập: Đức cha Đaminh dâng Thánh lễ mừng Chúa Giáng Sinh 2024
Giáo xứ Yên Tập: Đức cha Đaminh dâng Thánh lễ mừng Chúa Giáng Sinh 2024
Trong niềm vui chung của toàn nhân loại mừng ngày Ngôi Hai Thiên Chúa giáng thế cứu độ trần gian, Giáo xứ Yên Tập hân hoan chào đón Đức cha Đaminh, Giám mục Giáo phận đã đến thăm và chủ tế Thánh lễ mừng Chúa Giáng Sinh vào tối ngày 25 tháng 12 năm 2024.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log