Suy niệm 1
Sự vĩ đại của Thiên Chúa Mc 9,1 - 9
Một cuộc sống tầm thường
Cuộc sống chúng ta có thể rất tầm thường:
- Không có bất kỳ điểm sáng đặc biệt nào, mà chỉ có những thú vui nho nhỏ trong muôn vàn đau khổ lớn.
- Một cuộc sống đầy lo lắng vụn vặt hàng ngày và cả niềm vui đơn giản thông thường.
- Cuộc sống chúng ta, rất hiếm khi được theo Chúa Giêsu trèo lên núi thánh Ta-bor.
- Chúng ta không phải là một trong những người được Chúa đặc ân ngay lập tức, cho chiêm ngắm vinh quang của Ngài.
- Cuộc sống chúng ta, rất hiếm khi được chiếu sáng bởi ánh sáng của Thiên Chúa
- Và cuộc sống chúng ta, có lẽ không bao giờ được nghe tiếng Thiên Chúa phán từ trời.
Nếu thế, liệu chúng ta có buồn không?...
- Chúng ta thuộc tầng lớp nhỏ bé tiến bước trong gian khổ và trong âm thầm.
- Chúng ta thuộc tầng lớp nghèo khó không nhận được từ Thiên Chúa sức mạnh để leo lên đỉnh núi.
- Chúng ta thường đi khập khiễng, nô lệ một cuộc sống, đôi khi nặng nề, chỉ tìm được hạnh phúc trong những niềm vui nho nhỏ và thoáng qua.
- Chúng ta thuộc tầng lớp người nghèo, nghèo hèn khổ, không vĩ đại và tội nhân nghèo!
Tuy nhiên, tại một số thời điểm nhất định trong cuộc sống, từ trong thâm tâm, chúng ta có thể đặt câu hỏi:
- Tại sao ánh sáng của Thiên Chúa rất tối đối với tôi?
- Tại sao Thiên Chúa không nói với tôi?
- Và tại sao Ngài không nâng tôi lên trên núi thánh của Ngài?
Một sự thăng thiên
Phê-ro, Gia-co-bê và Gioan đều là những tội nhân tội nghiệp, chẳng sáng sủa và cũng chẳng mờ nhạt hơn những người khác. Nhưng họ được chọn trong số 12 leo lên núi thánh.
- Trên đỉnh núi, họ thấy ánh sáng rực rỡ của Ngôi Lời Thiên Chúa.
- Họ nghe Chúa Giêsu nói chuyện với Môi-sen và Ê-lia.
- Thiên Chúa mở tai họ để họ nghe được tiếng nói từ trời.
Những gì họ thấy và nghe đã lấp đầy họ niềm hạnh phúc và cả sợ hãi nữa.
- Phê-ro, Gia-co-bê và Gioan thấy mình chẳng là gì trước sự vĩ đại cao cả đến thế!
- Phê-ro chỉ biết nói rằng: Lạy Thầy, chúng tôi được ở đây thì tốt lắm, chúng tôi xin làm ba lều, một cho Thầy, một cho Moi-sen và một cho Elia”
- Những gì họ thấy và nghe nhanh như chớp đến nỗi họ vẫn còn run rẩy.
- Vinh quang của Thiên Chúa làm cho họ giàu và nghèo cùng một lúc, giàu và nghèo hơn những gì còn lại của con người.
Khi kết thúc cuộc biến hình, Phê-ro, Gia-co-bê và Gioan không còn thấy ai khác, chỉ còn một mình Chúa Giêsu với các ông. Và trong lúc từ trên núi đi xuống, Chúa Giêsu ra lệnh cho các ông đừng thuật lại cho ai những điều vừa xem thấy trước khi Con Người từ cõi chết sống lại.
Họ sẽ giữ im lặng điều đó. Điều đó làm cho họ mãi mãi vừa giàu lại vừa nghèo đến mức, ngay cả khi họ muốn, có lẽ họ cũng không thể nói gì về điều đó được.
Núi thánh
Nhưng sau khi Chúa Giêsu phục sinh, Phê-ro, Gia-co-bê và Gioan không còn có thể im lặng.
- Họ sẽ nói với những người nghèo hèn tội lỗi rằng họ là những người yêu thích Thiên Chúa.
- Họ sẽ nói rằng nếu Chúa Giêsu đưa họ đến núi thánh vào ngày biến hình, thì đó là để trao ban niềm tin cho tất cả những người nghèo hèn tội lỗi trên trái đất.
- Họ sẽ tuyên bố rằng họ cũng như những người tội lỗi khác, nhưng Thiên Chúa đã chiến thắng tội lỗi trong họ!
- Họ sẽ thông báo cho những người tầm thường rằng ánh sáng chiếu vào trung tâm của bóng tối, chiếu vào mỗi người như thể chiếu sáng họ vào thời điểm Chúa biến hình.
Từ ngày lễ Phục sinh,
- Anh sáng của Thiên Chúa đẩy lùi những ngày âm u xám xịt.
- Ánh sáng chiếu soi những sự tồn tại thực tế nhất.
- Ánh sáng hướng dẫn, soi sáng chúng ta theo từng bước, cho dù chúng ta đang đi trên đồng bằng hay leo lên đỉnh núi.
- Từ ngày lễ Phục sinh, núi thánh, nơi biến hình ẩn giấu sâu trong lòng đất.
- Chúa Giêsu ở lại, ẩn dấu sâu trong con tim chúng ta và biến đổi toàn bộ con người chúng ta.
- Và Thiên Chúa muốn nói với mỗi người chúng ta trong sâu thẳm: "Hạnh phúc cho bạn, vì bạn là chính mình: có giới hạn, không vĩ đại, tội lỗi và không cao! Vực thẳm sự nghèo khó của bạn kêu gọi vực thẳm sự vĩ đại của riêng Tôi, sự vĩ đại Tình yêu mà Tôi dành cho bạn và biến đổi mọi thứ!".
Linh mục Gioan Đặng Văn Nghĩa
=======================
Suy niệm 2
Mc 5, 2 – 10
Theo truyền thống từ các giáo phụ, thì Đức Giê su biến hình trên núi Tabor, cực nam của miền Galilê. Ngày nay các nhà chú giải Thánh Kinh nói rằng Đức Giê su biến hình ở núi Heroon cực bắc Galilê.
Câu chuyện được diễn tiến như sau:
Chúa Giê su đưa ba Tông đồ ưu tú là Phê rô, Gia cô bê và Gioan lên núi để cầu nguyện. Chúa thì cầu nguyện. Ba Tông đồ thì ngủ khò. Bỗng giật mình thức giấc, ba ông thấy Chúa thì đứng ở giữa, Mô sê và Ê li a thì đứng hai bên hầu chuyện Chúa. Hứng quá, Phê rô xin Chúa cho phép dựng ba lều để Chúa, Mô sê và Ê li a lưu lại tại đây.
Bỗng có một đám mây bao phủ và từ trong đám mây có tiếng phán “Đây là Con Ta yêu. Hãy nghe lời Người”.
Khi nghe tiếng phán của Chúa, ba môn đệ lăn cù ra chết giấc. Đó là truyền thống Do Thái. Ai nghe và nhìn trực tiếp Chúa, thì phải chết. Sợ Chúa đến như thế đó.
Chúa đến lay động ba cái xác như chết và nói: “Trỗi dậy đi. Đừng sợ”. Sau đó, ba thầy trò hạ sơn. Câu chuyện ấy được giữ bí mật mãi, cho tới khi Chúa Phục Sinh. Vinh quang của Chúa, thì Chúa cấm. Còn khổ nạn, thì Chúa nói công khai.
Câu chuyện Chúa biến hình là thế. Còn điều chúng ta phải suy nghĩ và thi hành, đó là Lời Chúa Cha phán: “Đây là Con Ta yêu. Hãy nghe lời Người”.
Mô sê và Ê li a là sư phụ của thời Cựu Ước. Cựu Ước là con đường dẫn tới Đức Giê su. Bởi đó, Cựu Ước chưa có chân lý tuyệt đối. Chỉ một mình Đức Giê su mới là mạc khải trọn vẹn của Chúa Cha. Chính Mô sê và các ngôn sứ cũng chỉ là học trò của Đức Giê su mà thôi. Thánh Gioan Tẩy Giả là sứ ngôn cao trọng nhất, hơn Mô sê, Ê li a và các sứ ngôn. Vậy mà Thánh Gioan đã tự nhận mình là người không đáng xách dép cho Đức Giê su thì Mô sê và các sứ ngôn càng không đáng hơn. Cụ thể là:
- Mô sê cho phép ly dị. Đức Giê su khẳng định rằng: “Từ muôn thuở không có như thế”.
- Mô sê ra lệnh ném đá người ngoại tình. Đức Giê su thì bảo: “Ai trong các ông sạch tội thì ném đá trước đi”.
- Mô sê bắt kiêng rất nhiều món ăn, gọi là uế. Đức Giê su tuyên bố: “Mọi đồ ăn đều thanh sạch”.
Cuối cùng, ta phải nói với nhau rằng: Chỉ một mình Đức Giê su là mạc khải trọn vẹn của Chúa Cha. Mô sê và các sứ ngôn dạy điều gì không giống Đức Giê su, thì cứ bỏ đi. Chỉ một mình Đức Giê su là Thầy và là mạc khải trọn vẹn của Chúa Cha.
Linh mục Piô Ngô Phúc Hậu
=======================
Suy niệm 3
Xin ơn biến đổi trong Mùa Chay Thánh
(Mc 9, 1-9)
Bước vào Chúa nhật thứ hai Mùa Chay Thánh, phụng vụ Giáo Hội trình bày cho chúng ta cảnh đẹp lộng lẫy biến hình của Chúa Giêsu, có Phêrô, Giacôbê và Gioan làm chứng. Tin Mừng mô tả: "Chúa Giêsu đã biến hình trước mặt các ông và áo Người trở nên chói lọi trắng tinh như tuyết" (Mc 9, 2-3).
Chúa Giêsu biến hình
Trước khi Chúa Giêsu biến hình, Người đã làm phép lạ hóa bánh ra nhiều để nuôi chừng năm ngàn người ăn no (x. Mc 6, 30-44 ; 8, 1-10). Vẻ chưng hửng của các Tông đồ về tương lai tươi sáng, và sự mãn nguyện về vị Thiên sai của dân chúng. Khi thăm dò ý kiến chung, Đức Giêsu đã loan báo cuộc thương khó lần thứ I (x. Mc 31, 33). Như thế, Người đã mạc khải cho các môn đệ biết rằng, con đường tiến về Giêrusalem sẽ đưa Người đến với đau khổ, tử nạn và cái chết đau thương trên thập giá, sau đó mới rạng ngời ánh vinh quang. Vì chưa nhận ra ý Chúa nên Phêrô muốn dựng ba lều ở trên núi sau khi chứng kiến Chúa biến hình (x. Mc 9, 5). Như thế, Phêrô đã muốn biến cái tạm thời trở thành cái vĩnh cửu để khỏi phải đương đầu với khổ đau và thập giá.
Xin ơn biến đổi nhờ Chúa Thánh Thần
Chúa biến hình, báo trước Mầu Nhiệm Vượt Qua, và mời gọi chúng ta mở rộng con mắt cũng như trái tim tim để nhìn thấy Ánh Sáng nhiệm mầu của Thiên Chúa hiện diện trong toàn thể lịch sử cứu rỗi. Mầu nhiệm Năm Sự Sáng, thứ Bốn thì Ngắm, Đức Chúa Giêsu biến hình trên núi, ta hãy xin cho được biến đổi nhờ Chúa Thánh Thần. Nếu như sau khi chịu phép rửa nơi sông Giordan "Thánh Thần thúc đẩy Chúa Giêsu vào hoang địa và Người ở đó suốt bốn mươi đêm ngày, chịu Satan cám dỗ, sống chung với các dã thú và các Thiên Thần hầu hạ Người" (Mc 1,12-13), thì giờ đây chúng ta cũng phải xin Chúa Thánh Thần trợ giúp.
Chúa biến hình vinh quang sáng láng, để chúng ta biết biến đổi. Nhưng để biến đổi đâu có dễ, cần phải ơn Chúa Thánh Thần trợ giúp. Chúng ta cũng hãy cầu xin Chúa Thánh Thần hướng dẫn chúng ta từng bước trong Mùa Chay, đặc biệt là xin Ngài biến đổi.
Xin Chúa Thánh Thần biến đổi chúng ta từ con người khô khan biếng trễ xưng tội rước lễ, lười đi nhà thờ bỏ lễ Chúa nhật thành người đạo đức thánh thiện và siêng năng. Xin Chúa Thánh Thần biến đổi chúng ta từ con người tối tăm tội lỗi nên con người tươi sáng; từ con người ích kỷ tham lam thành người sẵn sàng yêu thương hy sinh và phục vụ mọi người; từ con người kiêu căng tự mãn thành người khiêm nhu tin tưởng và phó thác vào Chúa.
Chúa Thánh Thần đã biến đổi các giác quan của các tông đồ, họ mới có thể nhìn thấy vinh quang Thiên Chúa của Chúa Giêsu. Cặp mắt được đổi mới, các ông mới nhìn rõ hơn những gì tỏa sáng, tai được biến đổi để nghe rõ hơn tiếng nói tuyệt vời và có thật: là tiếng nói của Thiên Chúa Cha, Đấng hài lòng về Con yêu dấu của Ngài. Chúng ta cũng thế, hãy để Chúa Thánh Thần tác động mới mong được biến đổi, giác quan của chúng ta mới có thể nhìn thấy và nghe được những điều kỳ diệu và vui mừng trong Thiên Chúa cùng với hàng ngũ các thánh đã được Chúa Giêsu phục sinh từ trong cõi chết.
Để được biến đổi
Hãy vâng nghe lời Chúa.
Nhờ vâng nghe và thực hành lời Chúa, tổ phụ Abraham đã lên đường. Chúa bảo đi là đi. Thế nên, Abraham đã trở nên tổ phụ của một dân tộc đông đảo như sao trời cát biển.
Trong lúc biến hình, Chúa Cha từ trong đám mây đã xác nhận Chúa Giêsu là Con yêu dấu của Chúa Cha, và dạy các môn đệ : "Hãy vâng nghe lời Người" (Lc 9,35). Có vâng nghe lời Chúa Cha, Đức Giêsu mới trở nên người con chí ái đẹp lòng Cha mọi đàng. Nhờ vâng nghe Lời Chúa, chúng ta mới xứng đáng là người môn đệ của Đức Giêsu.
Cầu nguyện
Đang khi cầu nguyện, Chúa Giêsu biến đổi hình dạng trở nên sáng láng. Chúng ta cũng chỉ được biến đổi thân phận tội lỗi của mình bằng việc tha thiết cầu xin Chúa ban ơn trợ giúp và thứ tha. Đây là Mùa Chay, mùa biến đổi, chúng ta cần đến với Chúa để được biến đổi trở nên tốt lành thánh thiện hơn. Chẳng hạn như tham dự tĩnh tâm, giục lòng ăn năn sám hối tội lỗi, quyết tâm sửa đổi thói hư tật xấu bằng việc thực hành nhân đức mỗi ngày để đền tội.
Lạy Chúa Thánh Thần, xin biến đổi con. Xin biến đổi con mắt, môi miệng và lỗ tai con, để con biết thấy cái hay cái đẹp của tha nhân, biết nói lời hay lẽ phải, biết nghe Lời Chúa, và nhất là thực hành Lời Chúa dạy. Amen.
Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ
=======================
Suy niệm 4 “HÃY NGHE LỜI NGƯỜI” Kính thưa cộng đoàn Phụng vụ! Trong thời khắc dịch bệnh vẫn lan tràn, cướp đi tính mạng nhiều người trên toàn thế giới, Giáo hội vẫn tiếp tục sứ mạng trở nên chứng tá cho lòng nhân từ, xót thương và đầy yêu thương của Chúa qua mỗi ngày, đặc biệt Mẹ Giáo hội cùng với chúng ta nhận bụi tro trên đầu, ý thức thân phận yếu hèn, dễ sa ngã của bản thân. Hơn nữa, chúng ta được mời gọi bước vào thời kỳ ân sủng của Mùa Chay, hướng chúng ta trở về với Chúa, lắng nghe Lời Người và tái khám phá vị Thiên Chúa mà chúng ta hằng tin thờ, tôn kính.
Trước hết, Thiên Chúa - Đấng mãi giữ lời: Ab-ra-ham tin tưởng tuyệt đối vào Chúa, mặc dù chưa biết đích đến là đâu. Ông vâng nghe và thực hiện ngay những gì Người phán truyền, thậm chí chịu hy sinh sát tế đứa con được ân ban. Nhờ vào niềm tín thác hoàn toàn vào Thiên Chúa, mà Ab-ra-ham đã chẳng từ chối điều gì, và ông sẵn sàng làm theo thánh ý Chúa. “Ta thề rằng: vì ngươi đã làm điều đó, ngươi không từ chối dâng đứa con duy nhất của ngươi cho Ta, nên Ta chúc phúc cho ngươi, Ta cho ngươi sinh sản con cái đông đúc như sao trên trời, như cát bãi biển; miêu duệ ngươi sẽ chiếm cửa thành của quân địch, và mọi dân tộc trên mặt đất sẽ được chúc phúc nơi miêu duệ ngươi, vì ngươi đã vâng lời Ta” (St 22, 16-18). Xuyên suốt dòng lịch sử dân tộc Is-ra-el, chúng ta thấy rõ Thiên Chúa đã thực hiện tất cả những gì Người phán hứa. Thiên Chúa hằng trung thành, tín trung, giữ trọn lời của Người, không những dành cho dân Is-ra-el, mà còn trao ban dồi dào cho chúng ta qua Con Một yêu dấu của Người.
Thứ đến, Thiên Chúa - Đấng hằng bên đỡ: Thánh Phao-lô xác tín rằng: “Nếu Thiên Chúa ủng hộ chúng ta, thì ai có thể chống lại chúng ta?…Đức Giê-su Ki-tô, Đấng đã chết và hơn nữa đã sống lại, đang ngự bên hữu Thiên Chúa, cũng đang biện hộ cho chúng ta” (x. Rm 8, 31. 34). Thiên Chúa không chỉ giữ lời phán hứa, mà còn luôn nâng đỡ, chở che, bảo vệ chúng ta, dẫu ta chẳng xứng đáng với Người. Tuy nhiên, một thực tế đáng buồn là: chúng ta cho rằng Thiên Chúa đương nhiên phải chăm nom, coi sóc ta; trong khi đó chúng ta vẫn mãi mê với tư lợi, với dự định cá nhân, mà chẳng đoái hoài đến lời kêu mời, thúc giục của Người mỗi ngày, hầu hân hoan thực thi Lời Người, và sống chính trực, yêu thương, tha thứ như Người giáo huấn chúng ta qua Giáo hội, qua các thừa tác viên có chức Thánh, qua mọi biến cố cuộc đời.
Sau cùng, Thiên Chúa - Đấng luôn hiển dung: Trước khi lên Giê-rê-sa-lem chịu tử nạn, Đức Giê-su đã biến hình, tỏ cho ít nhất ba môn đệ thân tín biết vinh quang của Người. Mặc dù là Thiên Chúa, nhưng Người đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân phận thấp hèn con người, mà vâng phục thực thi chương trình cứu độ của Thiên Chúa Cha qua cuộc khổ nạn, chịu chết nhục nhã trên Thập giá, nhưng từ cõi chết, Người phục sinh. Mầu nhiệm khổ nạn-chịu chết-phục sinh (thường được gọi là biến cố cuộc đời Đức Ki-tô - Christ-event) được tái diễn hằng ngày trong đời sống đức tin của chúng ta, nhất là: trong Thánh lễ, khi tham dự các Bí tích, khi sống Lời Chúa, khi chúng ta sống bác ái, tha thứ. Nhờ đó, Chúa hiển dung nơi cung lòng chúng ta, trong cộng đoàn, hội nhóm chúng ta, trong gia đình và mọi mối tương quan của chúng ta, giúp chúng ta biến đổi cung cách sống, lối sống, tất cả các phương diện con người chúng ta. Tuy nhiên, để cảm nghiệm trọn vẹn nó, tiên vàn, chúng ta phải ghi nhớ lời của Chúa Cha phán: “Đây là Con Ta rất yêu dấu, các ngươi hãy nghe lời Người” (x. Mc 9, 7). Chúng ta phải tháp nhập vào Đức Giê-su, phải nương náu, sống với Người, ở lại trong Người, ngõ hầu mọi lời nói, hành vi, tư tưởng,…của Đức Giê-su tỏ lộ rõ rệt nơi chúng ta.
Lạy Thiên Chúa - Đấng trung tín
Xin cho con luôn nhủ mình tín trung
Giữ trọn lời Chúa đến cùng
Sống trong hoan lạc thuỷ chung tinh tuyền.
Lạy Thiên Chúa - Đấng mãi liên
Hằng bên đỡ dù triền miên ngày tháng
Che chở con, tình chứa chan
Luôn chính trực, đời bình an thiết tha.
Lạy Thiên Chúa - Đấng ngợi ca
Mặc lấy xác phàm, bao la tin yêu
Chịu khổ hình Thập tự treo
Phục sinh vinh thắng, sống theo Cha hiền.
“Đây là Con Ta tinh tuyền,
Vâng nghe Người dạy, hằng luôn thi hành”. Amen!
Lm. Xuân Hy Vọng
======================= Suy niệm 5
Chúa Hiển Dung
St 22,1-2.9a.10-13.15-18; Rm 8,31b-34; Mc 9,2-10
Tuần trước Thầy báo cho môn đệ biết trước cuộc thương khó Thầy sẽ phải chịu, các ông không hiểu, Phêrô thì không chấp nhận nổi nên can ngăn, bị Thầy mắng là “Satan”! Hôm nay Thầy kéo ba môn đệ được yêu hơn (trong đó có Phêrô) đi riêng lên một ngọn núi cao, cho cả ba chiêm ngưỡng thước phim có một không hai: “Thầy biến đổi hình dạng”! Sướng quá các ông quên hết sự đời! Vẫn cái ông Phêrô nhanh nhảu nói vu vơ mơ mộng trong mê sảng: “Thưa Thầy, chúng con ở đây, thật là hay! Chúng con xin dựng ba cái lều, một cho Thầy, một cho ông Môsê, và một cho ông Êlia.” (Mc 9,5). Chỉ “dựng lều” cho ba nhân vật trong “bức tranh tuyệt mỹ” này thôi, còn các ông thì cứ say ngắm thế này đã đủ, chả còn thiết sự gì nữa… Thế đấy, ai thấy khổ mà chẳng bàn lùi tránh né, thấy sung sướng oai phong thì ôm mơ dệt mộng chẳng muốn xa rời.
Khi chìm đắm chất ngất trong lúc cầu nguyện, ở trên núi (cảnh đất trời gần nhau), trong giây phút xuất thần, Thầy trở nên rực rỡ tuyệt trần. Ngày xưa lúc Môsê cầu nguyện gương mặt ông cũng bừng sáng lên. Hôm nay được lên núi cầu nguyện với Thầy, các ông được sung sướng ngất ngây, được chiêm ngưỡng vinh quang Thầy, trực diện với bậc Ngôn Sứ vị vọng trong lịch sử cứu độ, đàm đạo về cuộc Tử Nạn và Phục Sinh của Thầy, cuộc Tử Nạn mà Thầy đã loan báo. Phêrô hôm nay được nghe và xem thấy tận mắt. Đang say mê với cảnh thiên đường, bỗng từ trong đám mây có tiếng Chúa Cha xác nhận và kéo các ông trở về thực tại: “Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người” (Mc 9,7). Ở lại chiêm ngắm Thầy biến hình thì dễ, nhưng phải thực hành vâng nghe lời Người là điều khó hơn nhiều, phải từ bỏ mình, vác thập giá, đi vào con đường hẹp, liều mất mạng sống…
Biến cố hiển dung của Thầy nhằm củng cố đức tin cho các môn đệ, trước khi bước vào thử thách trong cuộc thương khó. Nhưng sự hăng hái này không còn tới ngày mà khuôn mặt Thầy đầy mồ hôi máu trong vườn Cây Dầu, ngày xem thấy khuôn mặt đầy thương tích của Thầy trên đồi Sọ. Sau này Phêrô đã làm chứng rằng: “Thật vậy, khi chúng tôi nói cho anh em biết quyền năng và cuộc quang lâm của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, thì không phải chúng tôi dựa theo những chuyện hoang đường thêu dệt khéo léo, nhưng là vì chúng tôi đã được thấy tận mắt vẻ uy phong lẫm liệt của Người. Quả thế, Người đã được Thiên Chúa là Cha ban cho vinh quang và danh dự, khi có tiếng từ Đấng tuyệt vời vinh hiển phán với Người: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hết lòng quý mến”. Tiếng đó, chính chúng tôi đã nghe thấy từ trời phán ra, khi chúng tôi ở trên núi thánh với Người.” (2Pr 1,16-19).
Thầy ơi! ngày nay chúng con có đủ can đảm xuống núi làm chứng cho Thầy giữa những tối tăm trong cuộc sống thực tại, bằng những điều mình từng “thấy” khi được lên núi với Thầy không? Xin Thầy dẫn đưa chúng con vào mối tình gắn bó keo sơn với Thầy, để trong Thầy, chúng con được biến đổi từ trong ánh mắt, đôi tai, môi miệng, trái tim, để dung nhan sáng láng dịu hiền của Thầy hiện rõ trên khuôn mặt phàm trần của chúng con.
Én Nhỏ