Trong ba sách Tin Mừng Nhất Lãm, lời mời gọi sám hối và tin vào Tin mừng đều nằm ở những chương đầu, và một trong những lời nói đầu tiên của Đức Giê-su, khi Ngài đi rao giảng công khai.[1] Như thế, lời mời gọi sám hối không chỉ là điều kiện cần thiết, mà còn đóng vai trò quan trọng gắn liền với việc đón nhận Tin Mừng.
Trong quan niệm bình dân, sám hối thường được hiểu là sự hối hận, tỏ lòng buồn sầu, chán ghét về những lỗi phạm và quyết tâm chừa cải. Cách hiểu này đúng nhưng chưa đủ. Thực ra, từ sám hối theo nguyên gốc Hy Lạp là μeτάνοια “meta-noia”.[2] Nghĩa của từ này được kết hợp từ hai từ gốc: Meta và nous. [3] Meta trong tiếng Anh là after or beyond, tạm dịch là phía sau hoặc phía trên, và được hiểu là một cái nhìn vượt lên trên dáng vẻ bề ngoài. Nous trong tiếng Anh là mind, có nghĩa là tinh thần. Như thế, sám hối không phải chỉ dừng lại ở sự buồn sầu đau đớn về những tội lỗi của mình, nhưng còn là một sự thay đổi suy nghĩ, đổi mới cái nhìn để hiểu mọi sự từ một góc độ khác – nhìn mọi sự trong Sự Thật.
Trong bài Tin Mừng theo thánh Mác-cô hôm nay,[4] chúng ta có thể hiểu sám hối là thay đổi lối suy nghĩ, là nhìn mọi sự ở chiều sâu của nó. Một khi có cái nhìn mọi thứ một cách đúng đắn, chúng ta sẽ tự nhận ra những ảo tưởng, những sai lầm đang có ở nơi mình. Như thế, sám hối bắt đầu với lối nhìn mới, hơn là cảm giác buồn sầu về tội lỗi của mình.
Khi xưa, Đức Giê-su kêu gọi dân Is-ra-el sám hối, Ngài mời gọi họ quay lưng lại với các thần giả (sớm muộn gì, chúng sẽ phản bộ lại họ), và quay về với Thiên Chúa thật (Ngài sẽ cứu và ban cho họ sự sống). Ngày hôm nay, qua những biến cố xảy ra, Thiên Chúa tiếp tục kêu mời con người nhận ra sự thật và trở về với Ngài.
Nếu để ý, chúng ta sẽ nhận ra lời kêu gọi sám hối đi cùng với lời mời tin vào Tin Mừng. Động từ tin[5] có nghĩa là tin rằng điều gì đó là đúng và tin vào điều đó. Theo tác giả của thư gửi tín hữu Híp-ri định nghĩa niềm tin „là sự đảm bảo cho những điều ta hy vọng, là bằng chứng về những điều ta không thấy”.[6] Thực vậy, niềm tin cho ta sức mạnh, để ta tiếp tục bước đi giữa sóng gió chông gai của cuộc đời. Niềm tin còn giúp cho ta có thể tiến tới những mục tiêu cao hơn, đạt tới những điều mà con người tưởng rằng, với sức của mình, con người không thể vươn tới được.
Tuy nhiên, niềm tin cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ, khi niềm tin đặt ở sai chỗ. Kinh nghiệm cho ta thấy rằng, nếu đặt niềm tin vào những điều ảo tưởng, thì sớm muộn ta sẽ gặp thất vọng. Cho nên, chúng ta cần xác định đúng đối tượng để trao gửi niềm tin của mình là một nhiệm vụ không hề dễ dàng chút nào!
Trong lịch sử nhân loại, chúng ta đã chứng kiến những thảm kịch, vì niềm tin đặt sai chỗ. Nhiều người đã đặt niềm tin vào Hitler, và kết quả họ nhận được là nỗi thất vọng mênh mang. Hitler đã phản bội lại lòng tin của họ. Di sản của ông để lại là những mảnh đời tan nát, sự đau khổ và nỗi tuyệt vọng. Hoặc, những năm gần đây chúng ta đã nhìn thấy niềm tin nơi các tôn giáo cực đoan, là nguyên nhân dẫn đến các hoạt động khủng bố trên thế giới. Nói tóm lại, nếu chúng ta đặt niềm tin vào tiền bạc, vào quyền lực, hoặc vào những thứ khác ngoài Thiên Chúa Chân Thật, thì sớm muộn gì, chúng ta sẽ rơi vào vòng xoáy luẩn quẩn của sự đau khổ và tuyệt vọng.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, thánh sử Mác-cô đưa ra một lời mời gọi rõ ràng: ’hãy tin vào Tin Mừng của Đức Giê-su Ki-tô.’ Nói một cách khác, chúng ta được mời gọi đặt trọn niềm tin nơi Đức Giê-su.
Điều này nghe có vẻ trừu tượng và khó hiểu. Nhưng chúng ta sẽ nhận ra lý do của lời mời gọi này, nếu chúng ta gặp được những người đã được biến đổi đời sống, nhờ tin vào Đức Giê-su. Tôi rất thích câu chuyện về một người nghiện rượu đã trở thành người ki-tô hữu. Và nhờ hồng ân đức tin mà anh ta đã bỏ rượu. Một lần kia, những người bạn nhậu cũ đến gặp và chế nhạo anh ta. Một người trong bọn họ hỏi: „Ông có thực sự tin rằng Đức Giê-su đã biến nước thành rượu không?” Anh ấy suy nghĩ một lát rồi trả lời: „Tôi không biết Đức Giê-su có biến nước thành rượu hay không, nhưng tôi biết chắc rằng, trong nhà tôi, Ngài đã biến rượu bia thành đồ đạc.”
Trong cuộc sống, không ít lần chúng ta ngạc nhiên về sự biến đổi của những anh chị em của mình. Họ được biến đổi nhờ đi vào tương quan với Đức Giê-su. Như các môn đệ đầu tiên, sau khi gặp được Đức Giê-su, cuộc sống của họ đã thay đổi. Họ can đảm bỏ lại sau lưng tất cả những gì là an toàn của cuộc sống, để bước vào một hành trình đầy bất trắc, nhưng tràn ngập niềm vui và hạnh phúc. Hành trình ấy là hành trình trở nên người môn đệ của Đức Giê-su.
Ngày hôm nay, lời mời gọi sám hối và tin vào Tin Mừng vẫn còn nguyên sự hấp dẫn! Nó nhắc nhở chúng ta đừng hài lòng với những hạnh phúc tạm bợ và bấp bênh của cuộc sống này, nhưng luôn cất bước tìm đến với những hạnh phúc vững bền và cao quý hơn. Lời mời gọi ấy không ngừng chất vấn ý nghĩa cuộc sống chúng ta: Tôi đang đặt niềm tin ở đâu?
Lạy Chúa, xin cho chúng con ơn sám hối và tin vào Tin Mừng. Amen.
Giuse Trần Văn Ngữ, SJ
………….
[1] Mt 3,8; Mc 1,4; Lc 3,3
[2] Có thể phát âm theo tiếng Việt: Meta-noia = mê-ta-nô-i-a
[3] Phiên âm qua tiếng Việt: Meta = mê-ta; Nous = nô-us
[4] Mc 1,14-20.
[5] Theo nguyên ngữ Hy-lạp: πιστεύω. Phiên âm qua tiếng Việt: pisteuo = pis-te-u-ô.
[6] Hr 11,1.