Suy niệm 1
Bảo lưu tình yêu! (Lc 2, 22-40) Gia đình, mối quan tâm của Giáo hội
Hôn nhân là một trong các vấn đề gai góc nhất của thế giới hôm nay và cũng là vấn đề mục vụ nặng nề nhất của các linh mục. Trước đây, việc ly dị ly thân là rất hiếm. Nhưng ngày nay thường xẩy ra chuyện này và có cả nơi những vợ chồng kito giáo. Nếu hôn nhân không được tôn trọng, thì thế giới sẽ đi về đâu? Phải chăng là một thời kỳ hỗn loạn? Người ta bất chấp lề luật Thiên Chúa và lề luật của Kito giáo…
Lễ Thánh gia hôm nay mời gọi chúng ta nhìn lại đời sống của các gia đình, nhất là gia đình công giáo.
- Nếu Con Thiên Chúa nhập thể để kết hợp với bản tính nhân loại, đó là vì Ngài đã được một người nam và một người phụ nữ, một người mẹ và một người cha đón nhận.
- Nếu thánh Giuse không phải là cha đẻ, thì ít nhất ngài cũng đặt tên cho đứa trẻ được Đức Maria sinh ra. Đó là hành động tuyệt vời của tư cách làm cha.
Gia đình này tuân giữ các luật lệ của Do-thái giáo giống như các gia đình khác.Trong bối cảnh này, đứa trẻ được sinh ra tại Be-lem sẽ có thể lớn lên, được tiếp cận với lời nói, tìm được vị trí của mình trong xã hội: "Con trẻ lớn lên, thêm mạnh mẽ, đầy khôn ngoan và ơn nghĩa Thiên Chúa ở cùng Người”.
"Ai là mẹ tôi ? Ai là anh em tôi ? "
Chắc chắn, Chúa Giêsu đã trải nghiệm cuộc sống gia đình, nhưng Ngài không phải là tù nhân của gia đình. Câu nói của Chúa Giêsu: "Ai là Mẹ tôi ? Ai là anh em tôi ? " có thể làm chúng ta suy nghĩ.
Gide nói:“Gia đình ư? Tôi ghét nó! Đó là lò lửa nóng và đóng kín, đầy dẫy những ghen tuơng”! Gide nói thế, phải chăng ông đã nhận thức được phần nào lời dạy của Chúa Giêsu. Bất kỳ một tập thể nào đều có nguy cơ khép kín. Khi gia đình Chúa Giêsu đến tìm Ngài, Ngài nói: "Ai là Mẹ tôi ? Ai là anh em tôi”? Và Ngài còn giơ tay lên chỉ vào nhóm những người đang lắng nghe Ngài: "Đây là anh em của tôi và đây là chị em của tôi". Thực vậy, gia đình chẳng có ý nghĩa gì, nếu không mở ra cho toàn xã hội.
Giải phóng phụ nữ
Xã hội nơi Chúa Giêsu sống là rất gia trưởng. Các bà vợ phải gọi chồng mình là ông chủ. Họ tránh xa mọi trách nhiệm xã hội. Một người vợ, một người con gái, ít có giá trị và giống như một nô lệ trong xã hội. Một số nhà sử học cho rằng họ có thể bị bán. Trong mọi trường hợp, họ không có chỗ trong cuộc sống công cộng và không có quyền nói trước một người nam. Chúa Giêsu phá vỡ lối sống gia trưởng này. Chúng ta thấy Ngài nói chuyện với phụ nữ. Ngay cả các môn đệ của Ngài cũng ngạc nhiên khi thấy Ngài nói chuyện với người phụ nữ Samaria.
Không thể tưởng tượng được rằng trong một nhóm nơi có những người nam lại có cả những người nữ! Khi Chúa Giêsu đi qua các thị trấn và làng mạc, không chỉ có những người nam theo Ngài, mà còn có cả một số người nữ: Maria Madalena, Gioanna, Susanna và một số người nữ khác. Chắc chắn Chúa Giêsu có ý thức về gia đình, nhưng Ngài không muốn co cụm lại trong một gia đình khép kín của thời đại đó. Theo nghĩa truyền giáo, mọi thành viên gia đình phải được công nhận về phẩm giá của họ.
Con tim khô cứng
Đối mặt với những trào lưu hiện tại về hôn nhân, chúng ta thường trích dẫn đoạn văn mà Chúa Giêsu dường như cấm ly dị. Từ câu trả lời của Chúa Giêsu, phần lớn các Kitô hữu cho rằng Giáo hội không thể thay đổi luật cấm ly dị.! Nhưng điều quan trọng trước hết, vẫn phải là:
- Làm thế nào để các đôi vợ chồng có trái tim dịu lại.
- Làm thế nào để cho mỗi thành viên đều có phẩm giá của mình.
- Làm thế nào để không có bất công giữa các cặp vợ chồng.
- Làm thế nào để con tim của họ vẫn cảm thấy sự ngọt ngào khi có nhiều lo lắng ập đến
Bảo lưu tình yêu
Khi đề cập đến sự điệp tin mừng về gia đình, chúng ta có thể đề cập đến những lời làm chúng ta suy nghĩ: “Anh em tưởng Thầy đến để mang lại hòa bình mà là gươm dáo: con trai chống lại cha, con gái chống lại mẹ…. Ai yêu cha mẹ hơn tôi thf không xứng đáng làm môn đệ tôi”.
Đúng là tình yêu trong một gia đình, tất nhiên có một khoảng cách nào đó giữa người này với người kia. Một cặp đôi quá hợp nhất sẽ không thể mở ra một con đường để cùng nhau tiến lên. Cần có khoảng cách để người này có thể lắng nghe người khác và cố gắng trả lời người khác. Khoảng cách cho phép để nghe và được nghe.
Cho dù có khoảng cách, cho dù là lưỡi gươm nhưng là để mọi người có thể gặp nhau, không gì khác hơn, đó là trong tình yêu mà Chúa Giêsu mang đến cho thế giới.. Làm thế nào để yêu một con người mà không yêu khoảng cách này, tình yêu này là chính Thiên Chúa? Đó là tình yêu mà chúng ta phải bảo lưu, không phải là quy định của pháp luật.
Linh mục Gioan Đặng Văn Nghĩa
======================
Suy niệm 2
Lc 2, 22 – 40
Ngày sinh của Đức Giê su, thì bà Êlisabét có thể đoán được và vẫn ngong ngóng chờ đợi. Do đó ngày sinh ấy tại hang đá Belem phải được loan báo cho bà Êlisabét trong thời gian ngắn nhất, vì từ Bê lem đến Ain-karim chỉ có 19 cây số. Khi được biết tin này, thì vợ chồng bà Êlisabét phải nôn nóng đến đón Cháu Thánh về nhà mình. Do đó người ta có thể đoán rằng Hài Nhi Giê su được lãnh phép cắt bì tại nhà bà Êlisabét. Ông chồng là tư tế, tên là Dacaria. Vậy thì ông Dacaria sẽ tổ chức cắt bì cho Cháu Thánh vào ngày thứ 8. Thánh Giuse sẽ đặt tên cho con là Giê su, theo tục lệ của người Do Thái. Tục lệ đó là người cha bồng con ra vườn, nâng con lên như trình diện với đời và tuyên bố: “Con tôi tên là Giê su”. Sau đó đưa con vào nhà, cũng bồng con lên tuyên bố với thân bằng quyến thuộc: “Con tôi tên là Giê su”. Sau đó là tiệc mừng.
Chắc chắn là Thánh Gia Thất cư trú tại nhà bà Êlisabét cho tới ngày thứ bốn mươi. Ngày ấy Thánh Gia Thất lên đền thờ Giê ru sa lem để thi hành hai điều luật dạy. Một là Đức Mẹ làm lễ Thanh Tẩy, vì đàn bà sinh con thì có máu chảy; máu làm người mẹ mắc uế; mắc uế thì thanh tẩy. Hai là mọi con trai đầu lòng là của Chúa nên sau khi sinh 40 ngày phải đem đến đền thờ mà dâng cho Chúa. Dâng cho Chúa xong rồi, thì phải xin Chúa đem con về nuôi, bằng cách dâng một cặp bồ câu non, hoặc một cặp chim gáy giống như tiền chuộc.
Trong dịp dâng con và thanh tẩy này có xảy ra một chuyện bất ngờ gây nhiều cảm xúc. Đó là có một cụ già đạo đức, đáng kính tên là Simêon. Ông được ơn soi sáng, đến Đền Thờ để gặp Đấng Cứu Độ. Ông vẫn nghĩ rằng ông sẽ được diện kiến Đấng Cứu Thế trước khi nhắm mắt lìa đời.
Lên Đền Thờ, ông thấy đúng như mình hằng mong ước. Ông xin bồng ẵm Thánh Nhi và công bố Thánh Nhi này là Đấng Cứu Thế. Ông chúc lành cho Đức Maria và Thánh Giuse. Nhưng sau đó, ông lại tiên báo một điều khủng khiếp sẽ xảy ra cho Đấng Cứu Thế và thân mẫu của Người:
“Bé này sẽ trở thành
Một lưỡi gươm sắc
Đâm thủng tim của cháu”
Một người mẹ còn trẻ như gái tơ, đang miên man nghĩ về một tương lai vàng, một thời hạnh phúc chan hòa, bỗng dưng lại phải nghe một cụ già đầy kinh nghiệm tuyên bố như thế, thì phải coi là một cú sốc khủng khiếp. Tội nghiệp cho Đức Mẹ của chúng ta.
Lẽ ra khi nghe ông cụ Simêon tiên báo về nỗi bất hạnh của mình, thì Đức Mẹ phải hú hồn, ngất xỉu. Thế nhưng không, cô mẹ trẻ măng vẫn đứng vững, vẫn âm thầm suy gẫm và đón chờ nỗi đau tương lai mà Chúa sẽ gửi tới. Đó là lòng tin của Đức Maria – Mẹ của chúng ta. Chúng ta nên hãnh diện vì có một người Mẹ vĩ đại như thế.
Linh mục Piô Ngô Phúc Hậu
======================
Suy niệm 3 Mái Ấm Hạnh Phúc
Tolstoy viết lời mở đầu cuốn sách “Anna Karenina”: Những gia đình hạnh phúc đều giống nhau, nhưng gia đình bất hạnh thì lại muôn màu muôn vẻ.
Vậy gia đình hạnh phúc có những điều nào giống nhau? Thực tế cho thấy rằng, một gia đình hạnh phúc là mẹ được ưu ái, cha được tôn trọng và con được tiếp nhận. Mẹ được chiều chuộng, gia đình càng hạnh phúc. Cha được tôn trọng sẽ càng yêu mẹ hơn. Con cái được tiếp nhận, gia đình mới thực sự là mái ấm.Gia đình là thế giới của mẹ, là vương quốc của cha, là khu vườn thần tiên của con trẻ. Đây chính là hình mẫu về một mái ấm hạnh phúc.
Gia đình là tổ ấm yêu thương cho từng thành viên. Trước ngưỡng cửa của đời sống hôn nhân gia đình, ai cũng muốn cho mình có được một cuộc tình êm xuôi, một gia đình hạnh phúc, trên thuận dưới hoà, con cái hiếu thảo, vợ chồng yêu thương nhau. Hôn nhân gia đình là một quyết định và là bước ngoặt lớn trong cuộc sống con người, nên người ta đặt vào đó cả niềm hy vọng và sự mong đợi lớn lao.
Đời sống hôn nhân gia đình có một ơn gọi và sứ mạng cao quý trong Giáo hội và xã hội. Chúa Giêsu đã sinh ra và lớn lên trong khung cảnh của một gia đình. Qua cuộc sống của Thánh Gia, “chúng ta hiểu cách sống trong gia đình. Nadarét nhắc chúng ta về ý nghĩa của gia đình, về sự hiệp thông tình yêu, vẻ đẹp đơn sơ và giản dị, tính thánh thiêng và bất khả xâm phạm của gia đình; Nadarét làm cho chúng ta thấy gia đình là một trường học ngọt ngào và không thể thay thế, dạy cho ta biết thế nào là chức năng tự nhiên của gia đình đối với trật tự xã hội” (ĐTC Phaolô VI, Diễn từ tại Nadarét)…Muốn có những con người tốt và những Kitô hữu thánh, gia đình phải tốt và thánh thiện; muốn đổi mới đất nước, xã hội và Hội Thánh, phải bắt đầu từ gia đình. “Gia đình là con đường của Hội Thánh” (Thánh Gioan Phaolô II, Thư gửi các gia đình, số 2).
Lễ Thánh Gia, Giáo hội mời gọi mỗi gia đình Công giáo hướng về gia đình Nadarét. Không phải lúc nào cũng màu hồng mà Tin Mừng cho thấy Thánh Gia đã trải qua những lận đận lao đao vất vả giữa bao hiểm nguy khó khăn thử thách trăm bề. Thánh Giuse khéo léo chống chèo vượt qua tất cả và cùng với Mẹ Maria Chúa Giêsu, xây dựng mái ấm hạnh phúc.
Thánh Gia là trường dạy cầu nguyện, dạy giáo lý, dạy lao động, dạy yêu thương đến hiến mình cho người khác, chuẩn bị cho Chúa Giêsu gánh vác sứ vụ Chúa Cha trao phó sau này.Chúa Giêsu đã vâng phục kỷ luật trường này, chấp nhận những vị thầy đầu tiên là cha mẹ và Người đã lớn lên chững chạc, trưởng thành, quân bình thể xác trí tuệ, tâm linh. Chúa đã sống học tập rèn luyện 30 năm để rao giảng 3 năm. Một năm Chúa Giêsu giảng đạo thì 10 năm Người ở với gia đình. Chúa ưu tiên và đề cao tầm quan trọng của gia đình biết bao.
- Mái ấm gia đình
Có nhà hoạ sĩ kia cứ mãi mơ ước trong đời mình sẽ vẽ được một bức tranh đẹp nhất thế giới. Nhưng anh ta không biết phải vẽ thứ gì để bức tranh sẽ có được hình ảnh, màu sắc, và nội dung sâu đậm đáng trở thành bức tranh tuyệt vời nhất trần gian.
Chàng đã tìm hỏi với một linh mục về điều gì đẹp và ý nghĩa nhất. Vị linh mục trả lời ngay: "Niềm tin. Niềm tin là số một, niềm tin sẽ nâng cao giá trị con người. Niềm tin sẽ chữa lành và biến đổi mọi sự nên tuyệt vời."
Chàng hoạ sĩ cũng đặt câu hỏi tương tự với một cô gái đang bước lên xe hoa về nhà chồng. Cô gái trả lời: "Trên thế gian này không có gì đẹp bằng tình yêu. Tình yêu là hơi thở, là sức sống, là hạnh phúc, là tất cả. Tình yêu biến cay đắng thành ngọt ngào, đưa tiếng cười vào nơi than khóc, đổi nghèo hèn tầm thường thành phú quí cao sang. Tình yêu thật tuyệt vời."
Cuối cùng người hoạ sĩ gặp một anh thương binh vừa trở về từ tiền phương. Anh lính đã trả lời: "Hoà bình là điều đẹp nhất trần gian. Ở đâu có chiến tranh, ở đó có đổ nát, bất hạnh, khổ đau. Ở đâu có hoà bình, ở đó có cái đẹp."
Ba câu nói của ba con người - vị linh mục, cô gái sắp lấy chồng và anh thương binh trẻ - đã làm cho người hoạ sĩ phân vân: không biết phải làm thế nào để trên bức tranh của mình có thể diễn tả cùng một lúc niềm tin, tình yêu, và hoà bình.
Đang suy nghĩ anh về đến nhà lúc nào không hay. Mấy đứa con anh ùa ra đón bố. Anh nhận thấy niềm tin trong ánh mắt của các con. Anh cũng cảm được tình yêu trong chiếc hôn chân thành của người vợ. Niềm tin của con cái và tình yêu của người vợ làm cho tâm hồn anh ta ấm áp và an bình lạ thường. Thế rồi một ý tưởng chợt loé lên trong đầu. Anh vội ngồi xuống khởi công vẽ tranh, và sau khi hoàn thành tác phẩm đẹp nhất thế gian, anh đã đặt tên cho nó: "Mái Ấm Gia Đình".
Mái ấm gia đình chính là hình ảnh xinh đẹp và sống động nhất mà người ta có thể vẽ được về Nước Trời hay Thiên đàng ngay trên thế gian này. Mái ấm gia đình cũng sẽ là lời chứng tá hùng hồn nhất cho sự hiện diện của Đức Giêsu giữa dương gian.
- Hạnh phúc gia đình
Theo Đức cha Bùi Tuần, có ba yếu tố làm nên hạnh phúc gia đình: Quy tụ gia đình; Lễ giáo gia đình và Tình nghĩa gia đình.
Gia đình là nơi con người được “ở với nhau”. Các môn đệ đầu tiên không tìm đến với Chúa Giêsu như một vị thầy dạy học, nhưng như “Đấng ở với” (Ga 1,38). Chúa đã mời gọi các ông, trước tiên không phải là học một bài học, mà là xem chỗ Người ở và ở lại với Người (Ga 1,39). Cũng vậy các thành viên trong gia đình hiện diện cho nhau với toàn vẹn cái tôi của mình, được chấp nhận và chấp nhận người khác với toàn vẹn cái tôi ấy. Dưới ánh sáng đức tin Kitô giáo, gia đình là nơi chốn bình an cho tâm hồn mình; “Đấng Tạo Hoá đã đặt gia đình làm nguồn gốc và nền tảng cho xã hội con người nên gia đình trở thành ‘tế bào đầu tiên và sống động của xã hội’ (x.Tông huấn gia đình số 42).
Quy tụ là họp mặt, là gặp nhau, là nói chuyện với nhau, là gần gũi nhau, là chia sẻ với nhau. Quy tụ gia đình làm nên một bầu khí ấm áp thiêng liêng. Có thể nói, mọi quy tụ gia đình, dù thường ngày, dù bất thường, đều mang bầu khí đạo đức, có ánh sáng của đức tin và có hương thơm của đức ái.Quy tụ gia đình như thế sẽ có Chúa hiện diện. Nhờ có Chúa hiện diện, gia đình sẽ biết phân định điều gì là tốt cần làm, điều gì là xấu cần tránh, nhất là trong tình hình hiện nay tốt xấu lẫn lộn một cách quá phức tạp.
Lễ giáo là nghi lễ và giáo dục gia đình. Gia đình là một cộng đoàn, một đời sống chung của những con người. Họ có những dây liên đới với nhau. Nên cần phải có những hình thức thể hiện những dây liên đới đó. Do vậy, mà phải được giáo dục, để có được lối sống liên đới tốt đẹp, trong trật tự. Liên đới thấp nhất thuộc nhân bản của cộng đoàn là biết diễn tả sự gần gũi nhau và có trách nhiệm đối với nhau. Biết siêng năng và lương thiện làm hết sức mình, để góp phần vào việc xây dựng hạnh phúc chung gia đình, đó là nét đẹp căn bản của lễ giáo gia đình.Biết chào kính, chào thăm, chào hỏi, với nhiều bình thức, là một nghi lễ đơn sơ chứng tỏ con người có giáo dục gia đình. Biết cảm ơn, biết xin lỗi cũng là những điều lễ phép thô sơ của con người có giáo dục trong cộng đoàn. Biết kính trên nhường dưới cũng là một biểu hiện lễ phép của nền giáo dục liên đới. Biết sống chân thành và trung thành trong các liên đới gia đình cũng là một giá trị của con người có giáo dục gia đình.
Tình nghĩa gia đình cần được vun trồng, cần được chăm sóc, cần được xây dựng với những tình tiết nhỏ. Người tình nghĩa đích thực là người biết xót thương như người Samari đó. Chúng ta chỉ có được một cách đích thực bằng tấm lòng bén nhạy và giàu tình xót thương với những tình tiết nhỏ, do trực giác đạo đức hơn là do lý luận.
- Tình yêu gia đình
“Hôn nhân gia đình vốn là hình ảnh tiêu biểu của tình yêu. Những áp lực của đời sống xã hội đang làm rúng động tận nền tảng của đời sống gia đình, làm biến dạng ý nghĩa chân thực của tình yêu. Không kể những đổ vỡ trong đời sống gia đình, trên thế giới ngày nay còn xuất hiện và đang lây lan những mẫu gia đình kỳ lạ, gia đình đồng tính, gia đình tạm thời, gia đình ba hoặc bốn vợ/chồng…Kitô giáo không chấp nhận những mẫu gia đình kỳ lạ ấy, không phải chỉ chúng khác lạ, nhưng vì chúng phá vỡ ý nghĩa đích thực của tình yêu”. (x. Gia đình kitô hữu trước những thách đố thời đại, Nội san chia sẻ số 76).
Ngày nay, trong xã hội tiêu thụ, vì bận rộn với công việc kiếm tiền, một số cha mẹ không gần gũi, không dành thời giờ cho con cái. Vì thế, chúng cảm thấy bị bỏ rơi, thiếu tình thương. Theo mức độ, con cái sẽ lâm bệnh chán nãn, buồn phiền, không thích học nữa, lỳ lợm, xấc láo, ích kỷ, vô cảm, đua đòi thiếu suy nghĩ.Một số phụ huynh chỉ mong con mình học giỏi, thành đạt, kiếm được nhiều tiền. Họ ít quan tâm đến đời sống đạo đức của con, không lo giáo dục đức tin cho con. Có cha mẹ quan niệm, lo cho con được Xưng Tội, Rước Lễ, Thêm Sức là đủ rồi; vì thế có những em sau khi Thêm Sức là bỏ nhà thờ. Sự đa dạng của vi tính và internet quá hấp dẫn lôi kéo con cái chúng ta ra khỏi thực tế và lao vào thế giới ảo, lối sống ảo. Lối sống hiện đại cũng dễ đánh mất bầu khí mái ấm. Mỗi người có một phòng riêng, một thế giới riêng nên mọi người ít quan tâm đến nhau, ít giúp đỡ nhau.
Các bậc phụ huynh xin hãy nhớ, sức mạnh của sự quy tụ các thành viên trong tình nghĩa và với lễ giáo gia phong sẽ làm thành mái ấm gia đình cao quý. Chính đức tin và tình yêu từ mái ấm sẽ làm trổ sinh hoa trái cho đời sống gia đình.
Ở các nước Âu Mỹ, có một câu ngạn ngữ nổi tiếng nhà nhà đều biết: “Happy wife happy life”, nghĩa là “Vợ vui lòng, cuộc sống vui vẻ”. Câu này nên trở thành kim chỉ nam của mỗi một ông chồng.Một người phụ nữ được chiều chuộng sẽ rất rạng rỡ, ấm áp, mềm mại như ngọc. Một người đàn ông được tôn trọng sẽ có thần thái, phong độ ngời ngời. Chồng càng yêu thương vợ, vợ lại càng tôn trọng chồng. Vợ càng tôn trọng chồng, chồng lại càng yêu thương vợ. Tình cảm hài hoà, cha mẹ tôn trọng ý nguyện của con cái, quan tâm và tán dương con cái, gia đình thật hạnh phúc, chan hòa niềm vui tình yêu.
Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Niềm vui của tình yêu trong đời sống của các gia đình cũng là niềm vui của Hội Thánh” (Tông huấn Niềm vui tình yêu, số 1).
Theo gương Thánh Gia, mỗi gia đình hãy nỗ lực thực thi lời mời gọi của HĐGMVN : “Ngày nay, dù phải đối diện với nhiều lo toan trong cuộc sống, xin anh chị em cố gắng duy trì và phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình Công Giáo”. Hạnh phúc gia đình khởi đi từ tình yêu, niềm tin và hoà bình. Gia đình sẽ là “vườn ươm” các nhân đức, là “nơi đào tạo” nhân bản và tâm linh cho con cái, để trở thành một Hội Thánh tại gia.
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
======================
Suy niệm 4
Kính Thánh Gia Chúa Giêsu, Đức Maria và Thánh Cả Giuse
Lc 2, 22-40
Tin Mừng hôm nay thuật lại biến cố thánh gia đem con trẻ Giêsu vào đền thờ để tiến dâng cho Thiên Chúa. Bởi theo luật Môsê, mọi con trai đầu lòng đều thuộc về Thiên Chúa và phải tiến dâng cho Ngài. Thánh gia đã khiêm nhường tuân giữ lề luật, dù trẻ Giêsu là Thiên Chúa thật. Lễ vật nhà nghèo của thánh gia chỉ với cặp bồ câu non. Việc thánh gia dâng Con vào đền thờ mang ý nghĩa lớn lao: Đấng Cứu Thế lần đầu tiên đi vào thành thánh. Nhưng hiếm có ai nhận ra vai trò của con trẻ Giêsu hôm ấy. Nhưng cụ già Simêon được Thần Khí thúc đẩy, ông biết sẽ được nhìn thấy Đấng Kitô trước khi chết. Ông lên đền thờ đúng lúc cha mẹ Hài Nhi đem con tới, ông đón và ẵm lấy Hài Nhi trên tay, mãn nguyện ông chúc tụng Đức Chúa: “Muôn lạy Chúa, giờ đây theo lời Ngài đã hứa, xin để tôi tớ này được an bình ra đi. Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ Chúa đã dành sẵn cho muôn dân: Đó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại, là vinh quang của Ítraen Dân Ngài.” Ông là người công chính và sùng đạo, hằng mong đợi Đấng Cứu Thế. Vì ông được nghĩa với Chúa nên Thánh Thần hằng ngự trị nơi ông, giúp ông nhận ra và tuyên xưng Đấng Cứu Thế khi Người còn là Hài Nhi bé bỏng trong ngày được hiến dâng. Cả đời ông mòn mỏi khát vọng, kiên nhẫn và trung tín để rồi được đáp lại bằng cuộc gặp gỡ hôm nay. Với lòng mến yêu Thiên Chúa, ông hạnh phúc sung sướng đến nỗi sẵn sàng chết ngay lúc này. Những lời ông nói hôm nay làm cha mẹ Hài Nhi rất đỗi ngạc nhiên. Nhất là lời ông nói với Đức Maria: “Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Itsrael ngã xuống hay đứng lên. Cháu còn là dấu hiệu cho người đời chống báng; và như vậy, những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người sẽ lộ ra. Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà.” Người mẹ nào nghe những lời tiên tri về con và cho mình như vậy mà không bị sốc đứng tim, vì thất vọng quá chừng? Nhưng Mẹ Maria thì vẫn bình thản ẵm Hài Nhi đứng đó, chỉ lặng lẽ gẫm suy về lời tiên báo kỳ bí ấy, sau này khi mọi sự xảy đến, cho tới phút cuối cuộc đời cứu chuộc của Con Mẹ.
Cụ già thượng thọ Simêon đến lúc cuối đời được nhìn thấy Đấng Kitô mà hạnh phúc mãn nguyện như vậy. Còn chúng con hôm nay thì sao? Ngay từ lúc ẵm ngửa chúng con đã được cha mẹ đem đến nhà thờ để lãnh Bí tích Rửa tội, để được thanh tẩy và hiến dâng, được thánh hiến, được trao ánh sáng Chúa Kitô. Nhưng cả cuộc đời chúng con mải miết với cuộc sống trần thế, ít dành thời gian tĩnh lặng mà ý thức và cảm mến hồng ân được có Chúa ở cùng, hiện diện đồng hành trong mỗi phút giây. Xin Chúa cho chúng con biết ý thức lại mỗi khi lãnh nhận Bí tích, khi rước Thánh Thể Chúa, để chúng con nhận ra và cảm nghiệm được hạnh phúc có Chúa trong lòng, mà cảm mến chúc tụng và được lớn lên trong ân sủng Chúa.
Én Nhỏ