Thứ hai, 25/11/2024

Suy Niệm Tin Mừng Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa

Cập nhật lúc 08:16 06/01/2021
Suy niệm 1
Phép Rửa trong tình yêu
Mc 1, 6b-11
Vượt qua
Con người không ngừng phấn đấu để vượt qua chính mình.  
- Đúng thế, trong các môn thể thao, nhất là môn bơi lội và điền kinh, các kỷ lục đều bị phá vỡ.  
- Tất nhiên, điều này cũng đúng trong thế giới khoa học và kỹ thuật: biết nhiều hơn, luôn luôn hơn! 
Như vậy, nhân loại có ấn tượng ngày càng trưởng thành. Liệu có lãnh vực nào mà không thể vượt qua tới đỉnh điểm không? Dường như trang Tin Mừng hôm nay đã trả lời câu hỏi này.
Từ một quan điểm về không gian, Thánh Mar-cô muốn mô tả diễn biến bài tin mừng hôm nay tới đỉnh điểm. Thánh sử dẫn chúng ta đi từ Nagiaret, nơi diễn ra đời sống xã hội, đến một điểm giới hạn, đó là sa mạc, nơi người ta gặp nhau. Về nguyên tắc, như vậy là không thể. Tuy nhiên, đó lạ là nơi mà người ta có thể nói to, nói mạnh: "Gioan Tẩy giả rao giảng trong sa mạc”. Phép rửa là một sự đi xuống vùng nước sâu nhất của sông Gio-dan. Tại điểm sâu nhất này, Chúa Giêsu chìm xuống, tương ứng với một điểm khác trên tầm cao: chính là bầu trời. Đó là địa điễm câu chuyện dẫn dắt chúng ta đến: giới hạn của vũ trụ được vượt qua: bầu trời xé ra, thoáng thấy một thế giới vượt trội:  “Chúa Giêsu liền thấy các tầng trời xé ra”.
Vượt qua thế giới  là ở trong thế giới
Các tầng trời xé ra như là một vết thương chọc thủng bầu trời  làm cho nghe và xem thấy nhiếu hơn. Một công bố đẹp tuyệt vời về  tình yêu rơi từ trên cao. Tiếng nói của một người Cha được nghe thấy: “Con là Con Yêu dấu của Cha, Con đẹp lòng Cha”. Đối với những người biết mở mắt, tiếng nói này dù là từ trời, nhưng không xa. Tiếng nói này đi kèm với một hơi thở (đây là ý nghĩa của từ Thần Khí) mà chim bồ câu ngự xuống trên Chúa Giêsu làm tượng trưng. Chắc chắn, Chúa Cha ở xa cách nhưng vẫn rất gần gũi. 
Đó là ý nghĩa phép Rửa của Chúa Giêsu, là người đến từ Nagiaret.
- Tất nhiên, Ngài cũng đắm chìm vào khối người vây quanh Gioan Tẩy giả xưng thú tội lỗi mình.
- Ngài thuộc về thế giới này. Khi Ngài tiếp xức với nhiều người và nhất là người nghèo, người ta sẽ khám phá ra rằng thế giới này không bị đóng lại vào chính mình. Thế giới này choáng ngợp. 
- Chúng ta có thể sử dụng từ "Thiên Chúa" hoặc "Cha" để nói lên sự vượt quá này, nhưng không đủ. Những gì vượt ra ngoài thế giới này lại ở trong thế giới, xâm nhập vào từng thớ thịt của thế giới này.
Các vận động viên thể thao hoặc những nhà khoa học cũng vậy, khi cố gắng vượt qua chính mình để làm cho nhân loại phát triển, họ vẫn có trực giác mình không tách rời khỏi nhân loại.
- Thiên Chúa không phải là con người: khung cảnh tại sông Gior-dan nói lên điều đó.
- Thiên Chúa vượt qua giới hạn của bầu trời.
- Nhưng không phải vì thế mà con người không có Thiên Chúa. Chúa Giêsu, Ngôi Lời nhập thể, biểu lộ điều đó. 
- Con người rõ ràng chỉ là một "tội nhân tội nghiệp". Tuy nhiên phẩm giá của con người là vô hạn. Thiên Chúa của trời thấm vào thân xác chúng ta khi hơi thở thấm vào lá phổi và con tim chúng ta.
Thánh sử Mar-co  là nhân chứng và hiểu rõ lịch sử con người Nagiaret này. Tình tiết câu chuyện trên sông Gio-đan hôm nay là một cách để nói toàn bộ cuộc đời Chúa Giêsu là thế nào. Một chi tiết nhỏ trong bài tin mừng hôm nay nên được gạch chân. Tin mừng mô tả: “Các tầng trời xé ra”. Các nhà chú giải Thánh Kinh mời chúng ta liên hệ biểu tượng này vào lúc Chúa Giêsu chết trên thập giá. Khi đó, Ngài trút hơi thở cuối cùng, Ngài ban Thánh Thần và cùng lúc đó “màn trong Đền Thờ xé ra làm hai”.
Cuộc đời công khai của Chúa Giêsu bắt đầu từ phép Rửa tại sông Gio-đan và kết thức trên thập giá. Giữa hai khoảng thời gian này, người thợ mộc Nazareth, dù phải đối mặt với những người thu thuế hay đám đông háo hức nghe lời Ngài, dù có mặt tại tiệc cưới Cana, hoặc trò chuyện với Mat-ta và Maria, hay buồn bã vì cái chết của người bạn thân, Ngài  vẫn tiến bước lên ngọn đồi Can-vê. Khi Ngài đắm chìm  trong phép rửa, Ngài biết cách nhìn trong nhân loại này có những bạo lực, nhưng cũng có vẻ đẹp mà bài giảng về các mối phúc nói lên điều đó. Chúa Giêsu nhận ra được yêu ở biên giới của lịch sử và của trời. Tại sông Gio-dan, Ngài thấy bầu trời xé ra, nhưng vết xé ra này không bao giờ đóng lại.
Chấp nhận yêu và được yêu
Vết xé ra này luôn luôn mở và chúng ta là những người đã được rửa tội cần ghi nhớ điều này. Chắc chắn, mỗi người đều đang tìm kiếm những gì có thể làm cho con người trở nên vĩ đại, nhưng người kito nhân biết rằng những gì làm nên phẩm giá của mình đến từ tình yêu Chúa Cha dành cho mình và được thể hiện trong Chúa Giêsu
- Chúng ta đừng để mặc khải này chìm vào giấc ngủ quên. 
- Chúng ta hãy yên tâm vì chúng ta được yêu. 
Thật vậy, nếu chúng ta tự mình trốn thoát khỏi những người khác, thì cũng không có thể liên kết với Thiên Chúa. Thiên Chúa ở với chúng ta đến mức chúng ta bị cuốn vào tình yêu của Ngài và yêu mọi người. Chấp nhận yêu, chấp nhận được yêu là cách duy nhất để hiểu về Phép Rửa của Chúa Giêsu.
Linh mục Gioan Đặng Văn Nghĩa
=====================
Suy niệm 2
Mc 1, 6 – 11
Thánh Gioan Tẩy Giả là bà con thân thuộc của Đức Giê su. Ông cố của ngài là tư tế Dacaria. Bà cố của ngài là Elidabet, chị bà con của Đức Maria. Như vậy Gioan là anh và Đức Giê su là em. Gioan là đứa con trai duy nhất được Chúa cho mẹ thụ thai vào tuổi già. Đây là một ơn gọi đặc biệt, ơn gọi đi trước để dọn đường cho Đấng Cứu Thế. Quê ngài ở Ain Karim cách xa thủ đô chừng 19 cây số.
Khi lớn lên, ngài gia nhập dòng khổ tu ở bên bờ Biển Chết. Nhóm khổ tu này mặc áo da thú, ăn châu chấu trộn với mật ong rừng. Họ đọc kinh ngày 5 lần và ăn chay mỗi ngày thứ hai và thứ năm.
Khi được 30 tuổi, ngài ra truyền đạo, nghĩa là kêu gọi bà con sống tốt để đón nhận Đấng Cứu Thế sắp xuất hiện. Đó là điều ngược với người Do Thái. Với người Do Thái thì chuẩn bị đón nhận Đấng Cứu Thế là mua vũ khí chuẩn bị cuộc khởi nghĩa dành độc lập cho quê hương. Do đó, quần chúng thì coi ngài như siêu sao, còn lãnh đạo Do Thái thì tỏ vẻ lạnh nhạt đối với ngài.
Một lần kia, ngài đang giảng, thì Đức Giê su đến xin ngài làm phép rửa cho Chúa. Ngài chối phắt và tự tuyên bố là ngài không xứng đáng xách dép cho Chúa. Chúa năn nỉ ngài và ngài khiêm tốn làm phép rửa cho Chúa.
Đang khi Gioan làm phép rửa cho Chúa thì có hai sự việc xảy ra. Đó là mắt thì thấy một con chim bồ câu bay vòng vòng trên đầu Chúa; tai thì nghe thấy một tiếng nói từ trời vọng xuống: “Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con”.
Sự cố Gioan làm phép rửa cho Đức Giê su trên sông Giođan cho ta hai bài học.
1. Đấng Tạo Hóa toàn năng yêu thương loài người đến mức độ cho Con của Ngài nhập thể làm người để sống với loài người một cách thân thương, để sống như loài người, trừ sự tội. Cuối cùng Chúa đã sống cho loài người trọn vẹn. Đây là niềm vinh dự lớn lao mà không nhà thông thái nào dám nghĩ tới. Người ta chỉ dám coi Thượng Đế là Tạo Hóa Toàn Năng, là quan tòa chí công, chứ chưa ai dám nghĩ rằng Ông Trời là Cha nhân từ.
2. Đức Giê su là người Con hoàn hảo của Thượng Đế. Từng lời nói, từng hành động, từng cử chỉ của Chúa đều được Chúa Cha chuẩn thuận. Cứ sống như Đức Giê su dạy là làm đúng ý Trời.
Cứ yêu Chúa Cha như Chúa Giê su yêu. Cứ vâng lời Chúa Cha như Đức Giê su đã thân thưa trong vườn Cây Dầu: “xin đừng theo ý Con, mà chỉ theo ý Cha thôi”.
Xin mọi người đừng quên rằng mình là con của Ông Trời. Con của Đấng Thượng Đế: một vinh dự lớn lao cực kỳ.
Xin mọi người cũng đừng quên học thuộc lòng mọi lời Đức Giê su dạy, vì như thế chúng ta là con ngoan của Ông trời được Ông Trời chúc phúc. Đây là một niềm vinh dự lớn lao mà chỉ những ai tin theo Đức Giê su mới được hưởng mà thôi.
Linh mục Piô Ngô Phúc Hậu
=====================
Suy niệm 3
Chúa chịu phép Rửa vì tội lỗi muôn dân
Mt 3, 13-17
Giờ đây, chúng ta hãy ngược dòng lịch sử, cùng đến bên bờ sông Gio-đan để chiêm ngắm Chúa Giê-su chịu phép rửa.
Xin hãy nhìn xem:
Đấng tạo dựng vũ trụ càn khôn cao sang vô lượng, quyền phép vô song, vua chúa trần gian chỉ như cát bụi trước mặt Ngài… đang hòa mình với loài thụ tạo mọn hèn thấp kém để chờ được thanh tẩy trong dòng sông Gio-đan;
Đấng tinh tuyền, thánh thiện và rất đỗi tốt lành… đang đứng chung với những người đê hèn, tội lỗi bày tỏ lòng ăn năn sám hối;
Con Người hoàn toàn vô tội và rất cao cả ấy đã khiêm tốn nài xin một người phàm như Gioan làm phép Rửa cho mình! (Ga 3, 13).
Tại sao Chúa Giê-su lại hạ mình đến thế?
Những người thu thuế, trộm cướp, tội lỗi đến xin Gioan tẩy giả làm phép rửa cho mình vì họ là những người có tội; còn Chúa Giê-su thì có tội gì mà phải chịu phép rửa?
Chúa Giê-su chịu phép rửa không phải vì tội lỗi của Ngài mà vì tội lỗi của muôn người mà Ngài đã mang vào thân; cũng như Chúa Giê-su chịu khổ nạn quá đỗi đau thương và chịu chết thê thảm trên thập giá không phải vì tội lỗi của Ngài mà vì để đền tội thay và chết thay cho muôn người.
Sự kiện Chúa Giê-su chấp nhận chịu phép Rửa nói lên tâm nguyện Ngài sẵn sàng vâng lời Chúa Cha trong mọi sự, chấp nhận mang tội lỗi của nhân loại vào thân, sẵn sàng hy sinh mạng sống để đền tội thay cho muôn người, nhờ đó, nhân loại được giao hòa với Chúa Cha và được sống đời đời trên nơi vinh hiển…
Điều này khiến Chúa Cha rất đỗi hài lòng. Thế là các tầng trời bị đóng lại từ khi nguyên tổ phạm tội giờ được mở ra; Chúa Thánh Thần hiện xuống trên Chúa Giê-su và Chúa Cha bày tỏ niềm hoan lạc của Ngài và long trọng tuyên bố: "Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Ngài" (Mt 3,17).
Đây là thời khắc lịch sử hết sức trọng đại: Cửa thiên cung từ ngàn xưa đã đóng chặt lại vì tội bất phục tùng của A-đam cũ, cắt đứt mọi tương quan giữa Thiên Chúa và loài người, thì ngay trong giờ phút lịch sử này, nhờ sự vâng phục tuyệt đối của A-đam-mới là Chúa Giê-su mà cửa trời được mở ra, mở ra một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên giao hoà giữa Thiên Chúa và nhân loại. Từ đây tương quan giữa Thiên Chúa  và con người được nối lại, Trời giao hoà với đất, Thiên Chúa giao hoà với con người, con người được trở về với Thiên Chúa là Nguồn Cội của mình.
Lạy Chúa Giê-su,
Hình ảnh Chúa Giê-su vô cùng tốt lành thánh thiện mà lại hòa mình với các tội nhân bên bờ sông Gio-đan và khiêm tốn bước xuống dòng nước lãnh nhận phép rửa của Gioan là một lời mời gọi mỗi người chúng con phải xóa bỏ cái tôi kiêu căng tự phụ của mình để biết nhận tội và thành tâm sám hối.
Chúa đã mang lấy tội lỗi chúng con, chịu thanh tẩy và chịu chết vì chúng con thì xin cho chúng con cũng chấp nhận chịu đựng khó khăn gian khổ hằng ngày với Chúa và hợp tác với Chúa trong việc cứu rỗi các linh hồn.
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
=====================
Suy niệm 4
Cha hài lòng về Con
Is 42,1-4.6-7; 1Ga 5,1-9; Mc 1,7-11
Thuở xưa khi toàn dân đang trông ngóng một Đấng cứu thế, bỗng Gioan Tẩy Giả xuất hiện và làm phép rửa cho dân, trong thâm tâm ai cũng tự hỏi và suy nghĩ biết đâu ông ấy chính là Đấng Mêsia. Với cách sống chân thật và lòng khiêm hạ thẳm sâu, ông Gioan không để dân lầm tưởng mà suy tôn mình, ông rao giảng rằng: “Có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người. Tôi thì tôi làm phép rửa cho anh em trong nước, còn Người. Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần.” (Mc 1, 7-8).
Khi toàn dân đang chịu phép rửa của ông Gioan, Đức Giêsu cũng hòa mình với dân, lội xuống dòng sông Giođan để chịu phép rửa của ông. Nhưng chuyện lạ xảy ra là khi “Người vừa lên khỏi nước, Người liền thấy các tầng trời xé ra, và thấy Thần Khí như chim bồ câu ngự xuống trên mình. Lại có tiếng từ trời phán rằng:  “Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về  Con.” (Mc 1,10-11). Chính Chúa Cha phán ra từ trời, dân chúng và Gioan Tẩy Giả xác nhận rằng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa: “Tôi đã thấy Thánh Thần tựa chim bồ câu từ trời xuống và ngự trên Người. Tôi đã không biết Người. Nhưng chính Đấng sai tôi đi làm phép rửa trong nước đã bảo tôi: “Ngươi thấy Thánh Thần xuống và ngự trên ai, thì người đó chính là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần.” Tôi đã thấy, nên xin chứng thực rằng Người là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn.” Chính Gioan ông nhìn thấy Thần Khí ngự xuống trên Đức Giêsu. Mặc khải của Thiên Chúa khiến con mắt xác thịt của ông nhận ra Đức Giêsu là Con Thiên Chúa tràn đầy Thần Khí. “Người đến sau tôi, nhưng có trước tôi”, vì Ngài là Thiên Chúa có từ thuở đời đời. Ông không còn phải nghi ngờ gì nữa.
Dù là Con Thiên Chúa, Đức Giêsu đã hạ mình, liên đới với mọi người, dìm mình trong dòng nước sông Giođan với những người tội lỗi. Phép rửa Chúa chịu hôm nay đánh dấu cuộc đời công khai đi rao giảng của Người, sau 30 năm sống ẩn dật với hành động thật đơn sơ khiêm hạ, nêu gương cho mọi người. Với cử chỉ ấy, Người hòa mình vào dòng đời với nhân loại, để chung chia và gánh vác thân phận, kiếp sống với con người.
Lạy Chúa! Chúa là Đấng vô tội mà đã khiêm hạ lội xuống dòng sông Giođan để chịu phép rửa như người tội lỗi. Để đổi lại, mỗi người tội lỗi chúng con nhờ lãnh Bí tích Rửa tội, lại được trở nên con Thiên Chúa. Xin cho mỗi Kitô hữu chúng con luôn biết sống xứng đáng là con Chúa, bằng đời sống yêu thương, hòa đồng sẻ chia, cảm thông và đón nhận những giới hạn của nhau, để tất cả chúng con cũng được trở nên con yêu dấu của Chúa. Amen.
Én Nhỏ
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log