Suy niệm 1
Vua người Do Thái? Mt 2, 1-12 Vua He-ro-đê
Tin mừng nói: "Vua He-ro-dê bối rối và tất cả Gierusalem cùng với nhà vua". Nhà vua bị khủng bố và sự hoảng loạn của vua đã lan truyền. Vua sợ gì? Sợ một trẻ thơ vừa chào đời! Mặc dù sau này, trẻ thơ này công bố mình là vua của người Do Thái thì hôm nay Ngài vẫn chỉ là một trẻ thơ chưa biết nói. Tuy nhiên khi sinh ra, trẻ thơ này làm cho người ta nói về mình khi các nhà đạo sỹ từ miền xa xôi phương Đông đến thờ lạy. Nhưng họ chỉ là ba nhà đạo sỹ, ba người ngoại giáo, sẵn sàng đi theo một ngôi sao.
- Vậy khi nào người Do Thái chấp thuận những gì người ngoại giáo nói vì một lợi ích nào đó?
- Những dấu chỉ trên trời này có giá trị đối với một thành viên được nhân dân bầu không?
Tuy nhiên, vua He-ro-đê rất coi trọng những gì mà các nhà đạo sỹ nói với mình. Nhà vua hỏi các luật sỹ để tìm ra vị vua mới sinh ra ở đâu. Vua ngầm triệu mấy nhà đạo sỹ tới, cạn kẻ hỏi han về thời gian ngôi sao hiện ra. Vua nói với các nhà đạo sỹ: “Xin quý ngài đi dò hỏi tường tận về Hài Nhi, và khi đã thấy, xin báo lại cho tôi, để tôi cũng đến bái lạy Người."
- Nhưng Herođe sợ rằng một ngày nào đó mình sẽ mất ngôi và trẻ thơ này sẽ đuổi mình xuống khỏi ngai vàng.
- Vua sợ đến nỗi ra lệnh tàn sát tất cả những đứa trẻ nam của Belem... Vụ thảm sát các vị thánh vô tội...
- Vua sợ một trong những trẻ này có thể một ngày nào đó làm lung lay quyền lực của mình.
- Vua Herođê- Đại đế, Vua Herođê vĩ đại, như Tin mừng mô tả, ông đại diện cho tất cả những người sẵn sàng làm bất cứ điều gì để khỏi mất quyền lực, và tất cả những người háo hức thống trị cả đời lẫn đạo. Đối với họ, người khác là một đối thủ tiềm tàng. Họ không nghĩ rằng người khác không nhất thiết giống mình. Và họ hành động: “Giết nhầm hơn bỏ sót”!
"Vị vua khác"
Các nhà đạo sỹ từ phương Đông tìm đến Gierusalem, nơi Herođê Đại đế ngự trị, họ hỏi: "Vua người Do Thái mới sinh hiện đang ở đâu?"
- Ba người này, từ phương Đông đến, từ tận cùng thế giới đến, không phải là người Do Thái.
- Họ đi tìm vị vua của những người khác để triều bái.
- Họ tìm kiếm "vua của người Do Thái vừa mới sinh ra", mà quyền lực của vị vua này là lời hứa về một thế giới mới.
- Họ băng qua sa mạc vì một ngôi sao trên bầu trời đánh thức mong muốn gặp gỡ của họ.
- Họ muốn gặp gỡ một vị vua khác... một trẻ thơ mới sinh đầy hứa hẹn loan báo một thế giới mới.
Tin mừng theo thánh Luca ở trang đầu viết: Các nhà đạo sỹ hỏi: "Vua của người Do Thái vừa mới sinh ra ở đâu?". Và ở trang cuối thánh Luca cũng viết: trước khi trao trả lại Chúa Giêsu cho vua Herode đóng đinh, quan Philato hỏi Chúa Giêsu: "Thế ông là vua người Do Thái ư”? … Trước đây, Philatô và Herođê là kẻ thù với nhau, nhưng hôm nay họ đã trở thành bạn bè. Họ đồng ý loại bỏ một vị vua khác mà họ chỉ có thể coi là đối thủ cạnh tranh. Nguyên nhân để lên án Chúa Giêsu được khắc ghi mãi trên Thánh giá của chúng ta: "INRI": Giêsu Nagaret, vua người Do-thái.
Các nhà chức trách quyền hành Do Thái và Roma cùng nhau loại bỏ một đối thủ. Họ không thể tưởng tượng rằng vương quốc của Chúa Giêsu không thuộc về thế giới của họ.
- Vương quốc của Chúa Giêsu hoàn toàn khác, Đấng hoàn toàn khác …
- Vương quốc mà hôm nay chúng ta mừng lễ Chúa Hiển Linh là của các vị vua khác không giống họ.!
- Vương quốc này vẫn ở trung tâm thế giới.
- Vương quốc này mời gọi chúng ta đến với nhau.
- Sức mạnh của vương quốc này được biểu lộ mỗi khi chúng ta thiện chí coi những người khác không phải là đối thủ, mà là bạn bè và anh em.
- Sức mạnh của vương quốc này được biểu lộ ở bất cứ nơi nào mà con người đấu tranh phá vỡ bức tường thù hận hoặc thờ ơ.
- Vương quốc của Chúa Kitô, Đấng mà các nhà đạo sỹ từ xa đến triều bái là nơi mọi người đến với nhau. Họ băng qua sa mạc để gặp nhau bởi vì trong trái tim họ, một ngôi sao đã mọc lên chỉ ra cho họ nơi tình yêu truyền đạt. Chúng ta thấy hạng người này trong số những người có tôn giáo và cả những người không có tôn giáo.
- Lễ Chúa Hiển Linh là ngày lễ Thiên Chúa đến với chúng ta khi chúng ta không coi người khác là kẻ thù hoặc đối thủ nguy hiểm.
Con đường khác
- Ba nhà đạo sỹ này đến từ phương Đông đến để tôn vinh vị Vua khác.
- Họ được gọi là ba nhà thông thái.
- Họ có trong tay những món quà hoàng gia: vàng, nhũ hương và mộc dược mà họ sẽ đặt dưới chân trẻ thơ.
- Họ tỏ lòng tôn kính đối với Đấng đến loan báo Vương quốc khác này trên trái đất.
Còn Herođe vẫn cứ ở Gierusalem và các thượng tế luôn bên ông. Liệu các nhà đạo sỹ có quay trở lại Gierusalem, và phải đối mặt với quyền hành của Herođê khi trở về không? Tin Mừng nói: “khi nhận được lời báo mộng: đừng trở lại với Hê-ro-đê, họ đã đi đường khác, trở về sứ sở mình”. Khi chúng ta bị cám dỗ phải đối mặt với quyền hành của những người vĩ đại trên trái đất, có lẽ sẽ là khôn ngoan, nếu chúng ta đi theo con đường của các nhà đạo sỹ... con đường mà chúng ta nghĩ về nhà, tránh đối đầu với quyền lực sức mạnh, và đi qua những con đường khác...
Linh mục Gioan Đặng Văn Nghĩa
===================
Suy niệm 2
Mt 2, 1 – 12
Ngày xửa ngày xưa, lễ này được gọi là lễ Ba Vua. Mục đích của cách gọi đó là để nhấn mạnh một sự kiện lớn lao của lịch sử Do Thái, đó là các dân tộc trên thế giới cũng được biết có một Đấng Cứu Thế. Ý tưởng này được lưu truyền suốt 18 thế kỷ, tức là từ khi Ápraham được Chúa tuyển chọn làm tổ phụ một dân tộc để từ dân tộc ấy muôn dân cùng được biết có một Thiên Chúa là Cha.
Nhưng rất tiếc là dân Do Thái cứ vơ Chúa vào cho mình, mà không biết chia sẻ cho các dân tộc khác trên thế giới. Không những thế mà họ còn xin Chúa trừng phạt các dân tộc khác, rồi nâng nước Do Thái lên hàng bá quyền. Những câu nói trong Cựu Ước như: “Chúa biến nguồn phú túc chảy về thành đô như thác vỡ bờ”; “Gốc nho ấy Chúa bứng từ Ai Cập. Đuổi chư dân đi lấy chỗ mà trồng”. Người Do Thái hiểu là Chúa sẽ nâng nước Do Thái lên hàng bá quyền. Đế quốc của họ sẽ mở rộng về hướng đông tới sông Owphrat, tức là vùng Iran và Irắc hôm nay.
Người Do Thái đánh mất ơn gọi, đi lầm đường, đi lạc lối. Ngày nay ta gọi lễ này là Lễ Hiển Linh. Ý muốn nhấn mạnh ơn gọi của Giáo hội và của mỗi tín hữu là làm thế nào để mọi người trên thế giới đều nhận thức rằng có một Thiên Chúa là Đấng sáng tạo muôn vật và là Cha chung của mọi người thuộc mọi thời, thuộc mọi nền văn hóa.
Sự kiện Đức Giê su là Con Thiên Chúa, hóa thân làm người, sống, rao giảng và thụ nạn để giải phóng loài người là một chân lý mà toàn thể Giáo hội phải bức xúc loan báo.
Nhưng đáng tiếc, hầu hết chúng ta chỉ lo giữ đạo, mà không lo truyền đạo. Nếu chỉ lo giữ đạo mà không lo truyền đạo thì là đánh mất bản chất người con của Chúa rồi.
Lễ Hiển Linh là một lời kêu gọi lớn tiếng yêu cầu mỗi người chúng ta phải nhận lỗi lớn, vì chưa bức xúc loan báo Tin Mừng và phải tìm mọi phương thế để những người bạn lương dân của ta được biết ông Trời là Cha nhân từ. Đức Giê su là ông Trời nhập thể sống với chúng ta, để ta và ông Trời là cha con thân thương nhau như ruột thịt.
Có những gia đình có sáng kiến hằng ngày cầu nguyện cho bạn lương dân, láng giềng lương dân. Trong gia đình thì từ cha mẹ đến con cái đều có tối thiểu một bạn lương dân, để tiếp cận thường xuyên và để nhớ cầu nguyện cho họ vào các buổi đọc kinh và dâng lễ.
Tin mừng phải đến với mọi người. Đó là ý nghĩa của Thánh lễ Hiển Linh hôm nay. Mong rằng mọi người đều cảm thấy bức xúc trong việc loan báo Tin Mừng cho bạn lương dân.
Linh mục Piô Ngô Phúc Hậu
===================
Suy niệm 3 Hãy đứng lên, hãy toả sáng ra
(Mt 2,1-12)
Lễ Chúa Hiển Linh trước hết có nghĩa là lễ Chúa tỏ mình ra cho muôn dân. "Epiphaino" có nghĩa là Thiên Chúa tự mặc khải trong nhân tính của Ðức Kitô, tự làm cho mình có thể trông thấy được.
Trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa, Con Thiên Chúa không những chỉ xuống thế làm người trên mặt đất này, mà còn để cho con người nhìn thấy ; Người không chỉ có sinh ra, nhưng còn để con người biết đến và thờ lạy. Đây là sự thật nhãn tiền được biểu lộ trong ngày lễ Hiển Linh, ngày Chúa tỏ mình ra cách rõ nhất mà hôm nay chúng ta mừng kính.
Chúa là Ánh Sáng
Lễ Hiển Linh là mầu nhiệm ánh sáng, ánh sáng được diễn tả qua biểu tượng ngôi sao hướng dẫn cuộc hành trình của các nhà đạo sĩ. Chúa Kitô chính là Ánh Sáng Thật, là “sự lóe rạng mặt trời đức nghĩa” (Ml 3, 20); “Mặt Trời mọc lên từ trên cao” (x. Lc 1,78) toả sáng trên trần gian.
Ánh sáng của Chúa Kitô chiếu toả đến ba nhà Ðạo Sĩ, hoa quả đầu mùa từ các dân ngoại : “Lúc nhìn thấy ngôi sao, họ hết sức vui mừng… và họ đã quỳ gối xuống sụp lạy Người” (Mt 2,11). Trong khí đó, “cả nhà vua cùng các đại giáo trưởng và luật sĩ trong dân” (Mt 2,3) còn nằm trong bóng đêm, nơi mà tin tức về Ðấng Thiên Sai sinh ra, được thông báo một cách nghịch lý cho họ biết qua các vị Ðạo Sĩ, và khơi dậy không phải niềm vui mừng, nhưng là sự lo sợ và những phản ứng thù nghịch (x. Mt 2,3). Ý định của Thiên Chúa quả thật là nhiệm mầu: “Sự sáng đã đến trong thế gian, mà người ta đã yêu mến tối tăm hơn sự sáng, vì việc họ làm là điều xấu” (Ga 3,19).
Thánh Gioan viết: “Thiên Chúa là sự sáng, tối tăm không hề có nơi Người” (1Ga 1,5). Và ngài thêm: “Thiên Chúa là Tình Yêu”. Hai lời quả quyết trên giúp chúng ta hiểu rõ hơn rằng: Ánh sáng bừng lên trong đêm Giáng Sinh là Tình Yêu Thiên Chúa, được mạc khải nơi chính Đức Giêsu Con Thiên Chúa Nhập Thể làm người.
Ðược Thiên Chúa linh ứng, cụ Simêon bồng ẵm Hài Nhi Giêsu và thốt lên “là Ánh sáng đã chiếu soi lương dân và Vinh quang của Israel dân Chúa” (Lc 2,32). Ánh sáng chiếu soi mọi dân tộc, ánh sáng của lễ Hiển Linh phát xuất từ vinh quang của Israel dân Chúa, vinh quang của Ðấng Thiên Sai, mà theo Kinh Thánh, đã giáng sinh tại Bêlem, “thành của Vua Ðavít”. Các Ðạo Sĩ thờ lạy một Hài Nhi đơn sơ nằm trong đôi tay Mẹ Maria, bởi vì các ngài nhìn nhận nơi Con Trẻ này nguồn mạch của hai ánh sáng đã hướng dẫn các ngài: ánh sáng của ngôi sao và ánh sáng của Kinh Thánh. Các ngài tin nhận nơi Con Trẻ vị Vua của người Giuđêa, vinh quang của dân Israel, và cũng là Vua của tất cả mọi dân nước.
Ánh sáng chiếu tỏa trên địa cầu
Vào Lễ Nửa Đêm, Giáo Hội đã hô vang: “Con Một Chúa là nguồn ánh sáng thật đến soi chiếu trần gian làm cho đêm cựu thánh này bừng lên rực rỡ” (Lời nguyện nhập lễ Thánh lễ Đêm). Vào lúc rạng đông Giáo Hội lại cất lên lời nguyện như muốn khẳng định với thế giới rằng Chúa là Ánh Sáng: “Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, ánh sáng mới của Ngôi Lời nhập thể đã tràn ngập chúng con, và chiếu giãi niềm tin vào tận tâm hồn. Giờ đây, xin Chúa cũng làm cho ánh sáng ấy rực lên trong mọi sinh hoạt của chúng con” (Lời nguyện nhập lễ Thánh lễ Rạng Đông).
Quả thật, cách đây 2020 năm, Ánh Sáng Vĩnh Cửu có tên = là Đức Giêsu đã đến trần gian. Người là Con Thiên Chúa nhập thể làm người. Người mang thân phận con người như mỗi chúng ta, ngoại trừ tội lỗi. Người là Mặt Trời Công Chính xuất hiện để báo hiệu đêm đã tàn và ngày mới đến. Đêm đông lãnh lẽo Người sinh ra đời như ánh sáng bừng lên giữa đêm đen, đẩy lùi bóng tối và soi sáng cho nhân loại đang bước đi trong bóng đêm đen, bóng đêm tội lỗi. Trước khi Người sinh ra, Isaia đã thấy trước: “Đoàn dân đang lần bước giữa tối tăm, đã thấy một ánh sáng huy hoàng; đám người sống trong vùng bóng tối, nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi” (Is 9,1). “Hôm nay, muôn dân đã được thấy ánh sáng. Hôm nay, Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người” (Thánh ca).
Giáo hội là ánh sáng
Trong khung cảnh phụng vụ của lễ Hiển Linh cũng được biểu lộ mầu nhiệm Giáo Hội và chiều kích truyền giáo của Giáo Hội. Giáo Hội được mời gọi làm chiếu sáng trong thế giới ánh sáng của Chúa Kitô, vừa phản chiếu ánh sáng đó nơi chính mình, như mặt trăng phản chiếu ánh sáng của mặt trời.
Giáo hội với sứ mạng phổ quát của mình, phải là nơi đáp ứng những khát vọng sâu xa của con người mọi nơi, mọi thời đại về Thiên Chúa. Giống như Chúa Kitô, Người đã chiếu tỏa vinh quang cho dân ngoại. Giáo hội cũng mời gọi chúng ta dõi theo ánh sao cùng ba nhà đạo sĩ đến chiêm ngắm và đón nhận chính Hài Nhi ấy là Ánh Sáng và là Chúa Kitô vào trong chúng ta, để chúng ta có sống là sống chính sự sống của Người, và lấy các tâm tình, tư tưởng và hành động của Người làm tâm tình, tư tưởng và hành động của chúng ta. Như thế, mừng Giáng Sinh là biểu lộ niềm vui, sự mới mẻ, ánh sáng mà biến cố Giáng Sinh này đã đem lại trong toàn cuộc sống chúng ta. Người kitô hữu sẽ phải thực hiện điều này là: “chiếu toả ánh sáng của chúng con trước mọi người, ngõ hầu nhờ thấy những việc tốt chúng con làm mà họ tôn vinh Cha chúng con trên trời” (Mt 5,16). Amen.
Linh mục Antôn Nguyễn Văn Độ
===================
Suy niệm 4
“Ngôi sao của Người”
Hình như phía trên mọi Hang Đá Máng Cỏ đều có một ngôi sao. Đó là Ngôi Sao Dẫn Đường hướng về Máng Cỏ. Lễ Hiển Linh là lễ Ánh Sáng. Mầu nhiệm Ánh Sáng của lễ Hiển Linh được tỏ hiện qua ngôi sao hướng dẫn các Đạo Sĩ từ Đông Phương đến thờ lạy Chúa Hài Nhi.
Thế nhưng, làm sao một ngôi sao trên trời lại có thể như ngọn đèn đi trước dẫn đường, rồi dừng lại chính xác trên ngôi nhà nơi Hài Nhi đang ở? Rõ ràng ngôi sao đã trở thành biểu tượng cho ánh sáng đức tin làm cho dân ngoại nhận biết Chúa Giêsu là Vua, là Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Một khi đã gặp Ngài, đã tin vào Ngài thì người ta không trở lại con đường cũ nữa mà đi theo đường khác “đường sự thật, đường sự sống”. Bước đi trong ánh sáng định hướng thiêng liêng, con người luôn sống theo đường lối khôn ngoan của Thiên Chúa.
“Chúng tôi đã thấy ngôi sao của Người xuất hiện bên Phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người”. Ngôi sao của Thiên Chúa là ánh sao mà Người dùng để lôi kéo thụ tạo đến với Người. Ánh sao ở đây là lời mời gọi, một sự gợi mở, một sức hút, một sự chỉ đường. Chỉ có “Ngôi sao của Người” mới dẫn con người đến để gặp Thiên Chúa.
Các nhà chiêm tinh Đông Phương nhìn thấy ngôi sao xuất hiện và lên đường tìm kiếm. Họ đã tìm ra Hài Nhi mới sinh nằm trong máng cỏ hang lừa. Đó chính là vị Cứu tinh mà Israel từ lâu mong đợi. Vị Cứu tinh chào đời tại Bêlem như lời Ngôn sứ Mikha đã loan báo “Phần ngươi, hỡi Bêlem Epratha, ngươi nhỏ bé nhất trong các thị tộc Giuđa, từ nơi ngươi, Ta sẽ cho xuất hiện một vị lãnh tụ chăn dắt dân Israel” (Mk 5,1). Các nhà chiêm tinh vui mừng tôn kính dâng lễ vật bái thờ Người.
Ngôi sao xuất hiện ở phương Đông được ông Bilơam tiên báo: “Một Vì Sao xuất hiện từ Giacóp, một vương trượng trỗi dậy từ Israel” (Ds 24,17). Các nhà chiêm tinh đến từ vùng đất phương Đông, quê hương của Bilơam. Ngôi sao họ nhìn thấy vốn là dấu hiệu chỉ vương quyền. Ngôi sao nhắc lại lời sấm chúc phúc của Bilơam thuở xưa nói về triều đại Đavít và về chính Đấng Mêsia. Một ngôi sao lạ ở phương Đông xuất hiện trên bầu trời đầy sao.Các nhà chiêm tinh nhận ra ngôi sao lạ. Họ tin rằng có một vị vua mới sinh ra ở đất Do thái. Họ lập tức khởi hành, lên đường tìm kiếm. Con đường đi của họ dẫn qua sa mạc, bụi bặm, nóng bức và giá lạnh. Ðó là một con đường đầy chông gai khó khăn, vất vả và nguy hiểm. Họ luôn nhìn lên ngôi sao dẫn đường và tiến bước. Khi đến thủ đô Giêrusalem, các nhà chiêm tinh dò hỏi tông tích của vị tân vuơng.
Nghe tin ấy, vua Hêrôđê bối rối liền triệu tập các thượng tế và kinh sư lại hỏi cặn kẽ về ngày giờ ngôi sao đã xuất hiện. Chuyện đang công khai, Hêrôđê chuyển thành bí mật: “bí mật vời các nhà chiêm tinh, hỏi cặn kẽ về ngày giờ ngôi sao đã xuất hiện, rồi phái các vị ấy đi, căn dặn: xin đi dò hỏi tường tận… khi tìm thấy xin báo lại cho tôi, để tôi cũng đến bái lạy người”. Tất cả những động từ trên đây cho thấy cáo già Hêrôđê đang tìm cách biến các nhà chiêm tinh thành gián điệp phục vụ cho âm mưu đen tối của ông. Hêrôđê vốn gian hùng, sánh được với Tào Tháo của Trung Hoa. Hêrôđê mưu toan làm cho các nhà chiêm tinh thành mật thám của mình, để dò biết đích xác mà giết vua người Do thái mới sinh. Nhưng Thiên Chúa can thiệp để các nhà chiêm tinh đến thờ lạy “vua dân Do thái mới sinh” và ra về an toàn.
Các đạo sĩ ra đi “Bấy giờ ngôi sao họ đã thấy ở phương Đông lại dẫn đường cho họ đến tận nơi Hài Nhi ở mới dừng lại”. Họ mừng rỡ vô cùng. Họ gặp Hài Nhi, liền sấp mình bái lạy, với lòng thành họ dâng tiến lễ vật vàng, nhũ hương và mộc dược.“Sau đó, họ được báo mộng là đừng trở lại gặp vua Hêrôđê nữa, nên đã đi đường khác mà về xứ mình”.
Câu chuyện Phúc âm tuyệt đẹp. Ba nhà chiêm tinh đi tìm Đấng Cứu Thế theo ánh sao lạ. Nếu Thiên Chúa đã dùng cột mây lửa để dẫn dân Do thái đi trong hoang địa về Đất hứa thì Người cũng có thể dùng ngôi sao lạ để dẫn đường cho các nhà chiêm tinh đến Bêlem để gặp Đấng Cứu Tinh.
Nhưng khi vị Cứu Tinh xuất hiện sau bao thế kỷ chờ đợi thì dân Do thái lại thờ ơ lãnh đạm. Các thượng tế, các kinh sư có thái độ dửng dưng thụ động. Họ rành rẽ Kinh Thánh và biết rõ nơi sinh của Đấng Cứu Thế nhưng họ chẳng cất bước đến Bêlem. Còn Hêrôđê thì hốt hoảng bối rối, sợ ngai vàng bị lung lay nên tìm cách loại trừ với mưu mô cạm bẫy. Chỉ có các nhà chiêm tinh hăng hái lên đường lao vào cuộc phiêu lưu tìm kiếm. Họ đã làm tất cả miễn sao gặp được Đấng Cứu Tinh. Cho dù Đấng ấy chẳng uy nghi ngự trong lâu đài điện ngọc nhưng họ vẫn vui mừng đón nhận, xin được bái kiến và dâng lễ vật quý giá với cả tấm lòng thành.
Phụng vụ đọc câu chuyện tuyệt đẹp này trong ngày Lễ Hiển Linh “Thiên Chúa tỏ mình ra cho dân ngoại”. Các nhà chiêm tinh là dân ngoại, họ đại diện cho mọi dân tộc, họ khao khát tìm kiếm ơn cứu độ. Sau này Chúa Giêsu đã xác định: “từ phương đông phương tây, nhiều người sẽ đến dự tiệc cùng tổ phụ Abraham, Isaac, Giacop trong nước trời” (Mt 8,11). Các thượng tế và các kinh sư thông hiểu Thánh Kinh, họ giảng giải thật hay cho Hêrôđê, nhưng chỉ là lý thuyết. Họ tìm Đấng Cứu Thế trong sách vở nhưng không nhận ra Người trong thực tế vì Người không phù hợp với những quan điểm cố định của họ. Những người chuyên nghiên cứu sách vở đầy sự uyên bác thông thái, nếu không lên đường, không thao thức tìm kiếm thì chẳng bao giờ gặp được Thiên Chúa.Trái lại, những tâm hồn đơn sơ, khó nghèo như các mục đồng, hay cởi mở và khao khát chân lý như các nhà chiêm tinh lại được diễm phúc gặp gỡ Người vì họ đã dám mạo hiểm lên đường tìm kiếm, bước đi theo các dấu chỉ.
Thiên Chúa vẫn luôn tỏ mình ra cho nhân loại qua những dấu chỉ tự nhiên của trời đất, qua từng biến cố lịch sử, qua Lời Người trong Thánh Kinh, qua sự hiện diện của Dân Chúa là Giáo Hội, qua các Bí tích. Muốn gặp được Thiên Chúa, nhất thiết phải nổ lực tìm kiếm. Cho dầu có những thử thách, cam go, những hiểm nguy cạm bẫy, vẫn luôn kiên trì trong đức tin, bền đổ trong lòng mến.
Ngày nay, không có ngôi sao Đông phương nào xuất hiện trên bầu trời để soi đường cho chúng ta đi tìm Chúa. Thế nhưng, “Ngôi sao của Người” có thể là các Thánh, là Giáo hội, là các giáo hoàng, các giám mục, các linh mục, là tu sĩ, là cha mẹ, là những người thầy, là những người bạn, những người giúp chúng ta đến với Thiên Chúa. Những ánh sao này phản chiếu ánh sáng từ một Vì Sao đích thực: Đức Kitô, và nó chỉ lung linh khi nó dẫn đường đến với Thiên Chúa mà thôi.
Mẹ thánh Têrêxa Calcutta với tấm lòng yêu thương bao la là một vì sao chiếu sáng trên vòm trời. Chúa muốn chúng ta là ánh sáng chiếu tỏa cho mọi người chung quanh: “Các con là ánh sáng cho trần gian” (Mt 5,14). Kitô hữu trở nên ánh sao tình yêu, ánh sao tha thứ, ánh sao hy vọng, ánh sao công bình, ánh sao bác ái, ánh sao đạo đức, góp phần dẫn đường cho người khác đến với Chúa.
Đặc biệt, chúng ta có một ánh sáng khác rực rỡ hơn giúp tìm gặp Người. Đó là ánh sáng của Lời Chúa: "Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi". Bước đi trong ánh sáng Lời Chúa, chúng ta sẽ trở nên ngôi sao dẫn đường cho nhiều người tìm đến Thiên Chúa. Thánh Phaolô mời gọi: “Anh em hãy chiếu sáng như những vì sao trên vòm trời”(Pl 2,15).Tại sao các Kitô hữu được gọi là các vì sao ? Thánh Gioan giải thích: “Thiên Chúa chưa ai thấy bao giờ. Nếu chúng ta yêu thương nhau thì Thiên Chúa ở lại trong chúng ta”(1Ga 4,12). Nói cách khác, Thiên Chúa của chúng ta là một vị “Thiên Chúa ẩn mình”, nhưng Người muốn tỏ mình ra cho người ta thấy qua cách sống yêu thương của chúng ta. Nói cách khác nữa, khi chúng ta yêu thương nhau thì Thiên Chúa ở trong chúng ta, bởi vì “Thiên Chúa là tình yêu”(1Ga 4,18). Cho nên cách sống yêu thương của người Kitô hữu làm cho người ta nhìn thấy và nhận biết được Thiên Chúa tình yêu. Chính vì thế mà thánh Phaolô đã so sánh thế gian như vòm trời tăm tối, và khuyến khích các Kitô hữu hãy sống yêu thương để có thể thành những vì sao chiếu sáng trên vòm trời ấy.
“Ngôi sao của Người” dẫn các nhà chiêm tinh đến gặp Chúa Hài Nhi rồi tiến dâng lễ vật. Chúng ta nhờ ánh sáng Lời Chúa soi dẫn trên hành trình cuộc đời. Lời Chúa là ánh sao chiếu soi tâm hồn giúp chúng ta sáng lên niềm tin. “Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ Lời Chúa” (Lc 11,28), Chúa Giêsu chỉ cho thấy sự cao cả đích thực của Đức Maria, như thế mở ra cho mỗi người chúng ta khả năng sống mối phúc phát sinh từ Lời được lắng nghe và đem ra thực hành. (x.Verbum Domini, số 124).
“Ngôi sao của Người” dẫn chúng ta đi vào con đường chói ngời ngọn lửa đức mến. Bước theo ánh sáng “Ngôi Sao của Người”, người Kitô hữu chiếu tỏa các giá trị Phúc Âm giữa lòng trần thế. Loan báo Phúc Âm là loan báo tình yêu thương, là xây dựng “nền văn minh tình thương”. Những chứng tá đức tin cậy mến, những gương sáng đời sống gia đình, những nỗ lực thực thi các giá trị Phúc Âm chính là những “Ngôi sao của Người” cụ thể soi đường truyền giáo trong thời đại hôm nay.
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
===================
Suy niệm 5
Lên đường tìm Thiên Chúa
Is 60,1-6; Ep 3,2-3a.5-6; Mt 2,1-12 Trình thuật Tin Mừng hôm nay kể lại hành trình của các nhà chiêm tinh, thành tâm đi tìm Hài Nhi Giêsu, vị vua Do Thái mới sinh. Họ từ phương đông lặn lội đến Giêrusalem tìm hỏi, chỉ nhờ một ngôi sao dẫn đường. Với sự kiện ba nhà đạo sĩ đi tìm và gặp Chúa Hài Nhi, chứng tỏ Thiên Chúa đã tỏ mình ra không chỉ cho các mục đồng trong ngày giáng thế, mà Chúa còn tỏ mình cho các dân ngoại, cho tất cả mọi người, không loại trừ ai, không phân biệt màu da sắc tộc.
“Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người.” (Mt 2, 2b). Sự khao khát mãnh liệt được thúc đẩy từ bên trong, khiến các nhà đạo sĩ khao khát tìm kiếm, không gì ngăn cản được, họ quyết tâm mò mẫm lên đường theo dấu chỉ từ ngôi sao lạ. Họ trung thành đi theo ánh sao, dù khi trèo đèo lội suối, lúc gặp đường gai góc quanh co, chắc sẽ có lúc như ngõ cụt, bế tắc, hoặc bóng tối đêm đen, nhưng họ không chán nản, vẫn bền chí trung kiên, cho đến đích cuối cùng nơi Hài Nhi ở: “họ mừng rỡ vô cùng. Họ vào nhà, thấy Hài Nhi với thân mẫu là bà Maria, liền sấp mình thờ lạy Người”. (Mt 2,10). Đây là bài học lớn cho chúng con trong hành trình tìm và bước theo Chúa. Lắm khi cuộc đời gặp sóng gió nổi trôi, thất bại, niềm tin bị lung lay... Nếu chúng con biết tìm đến với Chúa, ánh sáng của Chúa sẽ chiếu soi giúp chúng con biết đi theo đúng đường ngay nẻo chính.
Nhưng ngày nay đâu là ánh sao để chúng con dõi bước tìm theo? Trong Thánh lễ, nơi Lời Chúa và Thánh Thể, trong các Bí tích, giờ kinh Phụng vụ, giờ cầu nguyện riêng và cả những người có kinh nghiệm chỉ lối hướng dẫn, là như ánh sao để chúng con tìm về bước theo. Khi xưa ba nhà đạo sĩ đã phải nhờ đến các vị lãnh đạo tôn giáo, để tìm hiểu và nhận ra đúng địa chỉ mà sách ngôn sứ đã báo trước trong Kinh Thánh.
Lạy Chúa! ngày nay chúng con cũng được mời gọi lên đường tìm kiếm và gặp gỡ Chúa. Ba nhà đạo sĩ đã thờ lạy và dâng Chúa Hài Nhi những của lễ cao quý. Khi chúng con được gặp gỡ Chúa, xin cho chúng con biết hiến dâng tất cả những gì tốt đẹp, cao quý mà chúng con có được. Bằng cả đời sống theo ơn Chúa, chúng con con sẽ trổ sinh những hoa trái tốt lành, khởi đi từ những nghĩa cử đẹp, lòng nhân hậu, quảng đại sẻ chia, để vinh quang Chúa được tỏ hiện rõ trong cuộc đời chúng con. Amen.
Én Nhỏ