Thứ năm, 26/12/2024

Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật II Thường Niên B

Cập nhật lúc 08:46 13/01/2021
Suy niệm 1
Thưa Thầy, Thầy ở đâu?
Ga 1, 35-42
Một ngôi nhà
Tin mừng hôm nay, có đoạn viết: “Chúa Giêsu ngoảnh mặt lại, thấy hai môn đệ của Gioan đi theo mình, thì nói với họ: Các anh tìm gì”?
- Họ tìm gì sau khi rời Gioan Tẩy giả? Có lẽ họ chưa biết điều đó. 
- Họ không biết rằng đối với họ, đó là bắt đầu bước vào một cuộc phiêu lưu vượt quá mong đợi của họ. 
- Họ thưa lại Chúa Giêsu: "Thưa Thầy, Thầy ở đâu”? Họ muốn tìm lại được một người để có thể nối lại tương quan trong những ngày tới. 
- Họ cố gắng tìm ra nơi người đó ở và họ đến đó. Đó là lời mời gọi trong đời sống công khai của Chúa Giêsu và là lời đáp trả của các môn đệ đầu tiên.
Hôm nay, An-rê và Gioan ở trong nhà của Thầy, vào khoảng bốn giờ chiều. Đó là lần đầu tiên họ vào nhà của Thầy. Ba năm sau, vào Thứ Năm Thánh, An-re và Gioan cùng với các môn đệ khác, tham dự vào bữa ăn cuối cùng của Chúa Giêsu trong nhà Tiệc Ly. Hôm đó Chúa Giêsu nói với họ: "Anh em không biết rằng Thầy ở trong Cha Thầy và Cha Thầy ở trong Thầy sao”?  Khi đó Chúa Giêsu biết rằng Ngài đang ở những giây phút cuối cùng của cuộc đời công khai. Chẳng bao lâu nữa, tông đồ Gioan sẽ thấy thân xác Thầy mình phải đóng đinh trên thập giá. Thân xác Chúa Giêsu sẽ sớm biến mất khỏi mắt họ. Họ sẽ không còn có một ngôi nhà, mà vào ngày đầu tiên, họ có thể vào và chia sẻ bữa ăn chiều với Thầy. Họ sẽ không còn nơi để thấy Ngài nữaNhưng chính Chúa Giêsu sẽ là nơi ở của họ , vì Ngài đã nói: "Anh em hãy ở lại trong tình yêu của Thầy cũng như Thầy ở trong Cha và Cha ở trong Thầy. "
Một nơi ở
Trong bài đọc II, thánh Phaolo đã nói với tín hữu Co-rin-tô: "Anh em không biết thân xác anh em là đền thờ của Chúa Thánh Thần, Đấng ngự trong anh em sao"? . 
- Vào ngày đầu tiên của đời sống công khai, Chúa Giêsu được Gioan Tẩy giả giới thiệu là Chiên Thiên Chúa. Chúa Giêsu được biểu hiện trong một thân xác. Cũng như tất cả con người được đánh dấu bởi các yếu tố vật chất. Chừng nào chúng ta còn sống trong một thân xác, chúng ta cần một nơi để sống, một nơi để ở. Và chính vì sống với nhau trong cùng một ngôi nhà mà chúng ta có thể gặp gỡ nhau, hòa thuận với nhau và lắng nghe nhau. 
- Vào ngày cuối cùng của đời sống công khai, Chúa Giêsu nói rằng thân xác Ngài là dấu chỉ hữu hình của một thực tại vô hình. Thân xác Chúa Giêsu sẽ biến mất nhưng thực tại vô hình vẫn còn. Các môn đệ sống ở nơi Chúa Giêsu, thực tại vô hình  trên trái đất này, thân xác của họ là Đền thờ của Chúa Thánh Thần. Họ là nhà của Thiên Chúa. Thiên Chúa ở với họ khắp mọi nơi.
Các tín hữu của mọi thời đại nhiều khi cũng hỏi Chúa: " Thưa Thầy, Thầy ở đâu”?. Chúng ta luôn bị cám dỗ về sự hiện diện của Thiên Chúa được xác định ở những tình huống và những nơi cụ thể.  Như An-rê và Gioan, chúng ta thích ở cùng Thiên Chúa trong các ngôi nhà được con người dựng nên. Chúng ta thích các nhà thờ khang trang đẹp đẽ, các ngôi nhà nguyện xinh xắn. Chúng ta nhận ra rằng Thiên Chúa ở đó. Chúa Giêsu cũng muốn như thế! Chúa Giêsu, Ngài đã nhập thể, Ngài biết chúng ta cần nơi để cầu nguyện hoặc những nơi để thân xác chúng ta nghỉ ngơi. Nhưng chúng ta đừng quên rằng những nơi đó là biểu hiện đức tin, và cuộc sống của chúng ta
Một vùng đất thánh
Như An-rê và Gioan ngày đầu tiên theo Chúa Giêsu, khi vào một ngôi nhà hoặc nhà nguyện,
- Chúng ta hãy nhớ rằng chúng ta được mời gọi rời khỏi những nơi đó để chính chúng ta trở thành nơi ở của Thiên Chúa giữa loài người. 
- Chúng ta hãy nhớ rằng chúng ta được mời gọi ở trong Thiên Chúa, ở trong Tình yêu giữa một thế giới được đánh dấu bởi rất nhiều vết thương.
- Nhà thờ, nhà nguyện hoặc thánh đường có thể giúp chúng ta gần với Thiên Chúa hơn.
- Nhà thờ, nhà nguyện hoặc thánh đường có thể là một chốn nương thân an bình màThiên Chúa mời gọi chúng ta ngồi xuống, để Ngài an ủi chúng ta
- Tuy nhiên, những nơi này được thánh hiến cho Thiên Chúa sẽ chỉ còn là một vùng đất thánh, nếu chúng ta gặp nhau ở đó để trở thành chi thể của Thân thể Chúa Giêsu, Con của Thiên Chúa.
Các tín hữu của mọi thời đại nhiều khi cũng hỏi Chúa: " Thưa Thầy, Thầy ở đâu”? Và Chúa trả lời:
- Thầy ở trong vùng đất thánh của anh em.
- Thầy ở trong sự nhiệt huyết của anh em sẵn sàng bỏ mọi sự để theo Thầy.
- Thầy ở nơi mà các môn đệ của Thầy chịu đựng bất công cho chính họ và không khoan dung bất công đối với bất cứ ai khác. 
- Thầy ở nơi các tín hữu từ chối bạo lực. 
- Thầy ở nơi các tông đồ của Thầy sẵn sàng vào tù để làm cho tất những người ở trong đó ra khỏi.
- Ngày này qua ngày khác, đối với tất cả những ai muốn theo Tôi, hãy bước vào một cuộc phiêu để cùng với Tôi bước đi mang tin mừng cho hết mọi loài!
Linh mục Gioan Đặng Văn Nghĩa
====================== 
Suy niệm 2
Ga 1, 35 – 42 
Thánh Gioan Tẩy Giả lên đường truyền đạo trước Đức Giê su chừng sáu tháng. Nội dung các bài giảng của Ngài là sám hối, sống tốt để đón nhận Đấng Cứu Thế. Quần chúng ùn ùn kéo nhau đến nghe Ngài giảng. Nhiều người đến xin làm đệ tử của Ngài, trong số đó có một bạn thân là Thánh Anrê và Gioan.
Một hôm ba thầy trò đang tam sự với nhau, thì thấy Đức Giê su đi thấp thoáng ở đằng xa. Thánh Gioan lấy tay chỉ và tuyên bố: “Chiên Thiên Chúa đấy”. Anrê và Gioan vội vàng chạy theo nhưng e ngại không dám giáp mặt và chào, cứ âm thầm lẽo đẽo đi theo ở phía sau. Chúa quay lại và hỏi:
  • Hai chú mày đi tìm ai đấy?
  • Thưa Thầy, Thầy ở đâu?
  • Thì đến mà xem.
Chúa dẫn cặp bạn thân đến cái lều của Ngài. Ba người ngồi tâm sự suốt hai tiếng đồng hồ: từ 4 giờ chiều đến 6 giờ mờ tối. Sau buổi tâm tình, hai anh em nhận ra Đức Giê su là Đấng Cứu Thế.
Hôm sau Anrê dẫn ông anh là Simon tới. Vừa giáp mặt, Đức Giê su tuyên bố ngay: “Anh là Simon con của ông bố Gioan. Từ nay người ta sẽ gọi anh là Kêpha”.
Kêpha có nghĩa là đá. Ý Chúa muốn chọn ông làm đại diện cho Ngài thành lập Giáo hội, tiếp tục sự nghiệp của Ngài cho tới tận thế.
Lời kể của thánh Gioan Tông đồ quá vắn tắt, nhưng cũng đủ để dạy chúng ta ba bài học quan trọng.
Bài học 1: Thánh Gioan Tẩy Giả là một nhà truyền giáo chân chính nhất. Ông tự nhận mình chỉ là người dọn đường cho Đấng Cứu Thế. Chính ông giới thiệu Đức Giê su cho Anrê, Gioan và các môn đệ khác. Ông khuyên họ theo Chúa. Ông yêu cầu quần chúng bỏ ông để theo Đức Giê su. Ông tự lui vào bóng tối, để Chúa nổi bật lên. Ông vui  mừng sung sướng tuyên bố: “Người phải lớn lên, còn tôi thì phải nhỏ đi”. Mọi người truyền giáo phải có được cái tâm ấy của Thánh Gioan Tẩy Giả.
Bài học 2: Anrê và Gioan ngồi xếp bằng trong lều để tâm sự với Chúa. Họ nghe lời Chúa. Họ nhìn ảnh mắt của Chúa. Đó là bài học quan trọng. Trên đường truyền giáo, người loan báo phải ngồi tâm sự với Chúa như Anrê và Gioan. Phải lắng nghe, phải hiểu ý và tâm của Chúa được ghi chép trong Phúc Âm. Phải cảm nghiệm được tâm ý của Chúa thì lời loan báo mới chân chính, hình ảnh của Chúa sẽ không bị bóp méo, theo kiểu nói của Đức Gioan Phaolô đệ nhị trong thông điệp “Sứ vụ Đấng Cứu Độ”.
Bài học 3: Chúa dùng người nhỏ bé như Phêrô để đại diện cho ngài, điều hành công trình cứu độ. Giáo hội của Chúa và sứ vụ cứu độ là vĩ đại thật. Nhưng Chúa Thánh Thần nắm cái ruột vĩ đại được gói trong cái vỏ đơn sơ, khiêm tốn. Phải khiêm tốn nhìn nhận cái yếu hèn của Giáo hội. Đồng thời phải tin tưởng vào sự lãnh đạo của Chúa Thánh Thần mà chúng ta vẫn khiêm tốn tuyên bố: “Xin Chúa sửa lại mọi sự trong ngoài chúng tôi. Amen”.
Linh mục Piô Ngô Phúc Hậu
====================== 
Suy niệm 3
Hãy đến mà xem
Gioan 1, 35-42
Trước năm 1960, vì chưa có vô tuyến truyền hình, nên mỗi lần có trận giao đấu giữa hai đội bóng đá mạnh, thính giả toàn quốc chỉ được nghe tường thuật về trận đấu qua làn sóng của đài phát thanh.
Thật khó hình dung nổi diễn tiến trận đấu với những pha đi bóng gay cấn, những cú sút ngoạn mục khi chỉ được nghe nói bằng tai.
Hiện nay, chuyện theo dõi trận đấu qua đài phát thanh đã thuộc về dĩ vãng vì ưu thế vượt trội của công nghệ truyền hình. Nhờ đủ dạng sóng truyền hình hiện đại bao trùm trái đất, người hâm mộ bóng đá từ nửa bên nầy địa cầu có thể chứng kiến, như thể tại trận, từng chi tiết, từng pha đi bóng của những cầu thủ trong những trận đấu diễn ra ở nửa bên kia trái đất.
Thế là từ khi có truyền hình, người ta không còn tường thuật những trận đấu qua đài phát thanh nữa.
Hai hình thức mặc khải
Tiến trình mặc khải cũng trải qua hai chặng đường như thế.
Khởi đầu, Thiên Chúa không trực tiếp tỏ mình cho loài người xem thấy nhưng chỉ phán dạy qua các ngôn sứ - như thể qua xướng ngôn viên trên các đài phát thanh - nên con người không thể biết gì về dung mạo của Thiên Chúa. Thư Do-thái viết: “Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ” (Do-Thái 1, 1).
Tiến sang giai đoạn hai, Thiên Chúa không còn mặc khải chính mình bằng lời nói, qua trung gian các ngôn sứ nữa, nhưng đã bày tỏ cách cụ thể, qua Người Con của Ngài là Đức Giê-su Ki-tô. Thư Do-thái viết:  “Nhưng vào thời sau hết nầy, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh tử” (Do Thái 1, 1b).
Thế là từ đây, Lời của Thiên Chúa - tức Ngôi Lời - không còn là tiếng nói từ cõi xa xăm vọng lại, nhưng đã mặc lấy một hình hài, một thân xác để cho mọi người không những được nghe tiếng mà còn có thể nhìn ngắm, đụng chạm, tiếp xúc với Ngôi Lời.
Tin mừng thứ tư xác nhận: “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (Gioan 1, 14).
Thế là chương trình mặc khải của Thiên Chúa đã chuyển sang một khúc quanh mới: giai đoạn mặc khải qua hình ảnh, qua chân dung. Nhờ đó, nhân loại không những có thể “nghe”, mà còn được “thấy tận mắt, được chiêm ngưỡng và được chạm đến Lời” của Thiên Chúa là Chúa Giê-su Ki-tô (Thư I Gioan 1, 1).
Hãy đến mà xem
“Hôm ấy, ông Gio-an đang đứng với hai người trong nhóm môn đệ của ông. Thấy Đức Giê-su đi ngang qua, ông nói: "Đây là Chiên Thiên Chúa. "Hai môn đệ nghe ông nói, liền đi theo Đức Giê-su. Đức Giê-su quay lại, thấy các ông đi theo mình, thì hỏi: "Các anh tìm gì thế?" Họ đáp: "Thưa Thầy, Thầy ở đâu? "Ngài bảo họ: "Đến mà xem" (Ga 1, 35-39).
Thế là hai anh em nầy không những đến xem mà còn ở lại với Chúa Giê-su, sống gắn bó với Ngài và trở thành môn đệ của Ngài.
Hôm nay, cũng như với hai môn đệ xưa, Chúa Giê-su mời gọi chúng ta “hãy đến mà xem Ngài. Tuy nhiên, chúng ta có thể nhìn xem Chúa ở đâu?
- Hãy đến mà xem Chúa Giê-su tự trao hiến thân mình vì ta trong Bí tích Thánh thể: “Nầy là Mình Thầy sẽ bị nộp vì anh em… Nầy là Máu Thầy đổ ra cho anh em và nhiều người được tha tội”, để nhờ đó, chúng ta cảm nhận tình yêu tự hiến cao vời của Chúa Giê-su. “Không có tình yêu nào cao quý cho bằng tình yêu của người đã hiến mạng vì bạn hữu mình” (Ga 15,13).
- Hãy đến mà xem Chúa Giê-su chịu khổ hình và chết thay cho chúng ta trên Thánh giá để cảm nhận Thiên Chúa Cha yêu thương loài người đến mức tuyệt đối: “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một Người” (Ga 3, 16).
- Hãy đến mà xem chân dung Chúa Giê-su được phác hoạ qua những trang Tin mừng, qua đó, chúng ta xem thấy lòng thương xót của Chúa Giê-su rộng mở để đón nhận hết tất cả những người tội lỗi, bần cùng, bệnh tật yếu đau …
Lạy Chúa Giê-su,
Xin giúp chúng con biết dành thời giờ để thường xuyên “đến mà xem” Chúa trong Kinh thánh, “ở lại với Ngài” nơi bí tích Thánh Thể, để rồi trở thành môn đệ thân tín của Ngài như An-rê và người bạn của ông.
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
====================== 
Suy niệm 4
“LẠY CHÚA, XIN HÃY PHÁN...
VÌ CON ĐANG LẮNG TAI NGHE!”
Ngày kia, có một chị giáo dân rất năng động, đầy nhiệt huyết đến gặp Cha xứ sau giờ lễ sáng. Vừa thấy Cha, chị liền chào và đi ngay vào điều chị ấy muốn hỏi.
Thưa Cha, con cầu nguyện biết bao nhiêu lần, nhưng con chưa bao giờ cảm nghiệm được việc Chúa đáp lời con!?
Cha xứ mỉm cười, hỏi lại chị:
Thế chị cầu nguyện thế nào?
Dạ, sau khi cảm tạ Chúa, con đi ngay vào vấn đề...và cứ thế con cứ nói chuyện với Chúa thao thao bất tuyệt, hàn thuyên với Ngài như chưa bao giờ được hàn thuyên, đại loại là vậy đấy Cha!!!
Dĩ nhiên, câu chuyện trên chưa kết thúc, và có thể còn dài lê thê, vài trường thiên đoạn tình nữa cơ. Thế nhưng, thưa quý ông bà anh chị em, chúng ta có thể dừng câu chuyện ấy, và hướng nhìn về gương cầu nguyện, đáp lời và lắng nghe của tiên tri Sa-mu-en trong bài đọc I hôm nay. Sa-mu-en cảm nghiệm, nghe lời Chúa gọi ông ít nhất ba lần. Làm sao Sa-mu-en lại nghe đượctiếng đáp lời của Chúa, mà chị giáo dân trẻ kia lại không thể nghe dù chỉ một lần Chúa nói chuyện với chị? Thiết nghĩ, đây cũng là câu trả lời của vị linh mục trong câu chuyện trên: chị nói chuyện với Chúa thao thao bất tuyệt, thế thì làm gì mà chị có thời giờ để nghe Chúa nói chuyện, mặc dù Chúa cũng tha thiết ước mong hàn thuyên đôi điều với chị!
Và khi nghe được tiếng Chúa mời gọi trong cung lòng sâu thẳm tâm hồn, Sa-mu-en đã không chút do dự, dâng toàn tâm trí của ông cho Chúa, và hướng cả con người mọn hèn của ông lên cùng Chúa, hầu chú tâm lắng nghe điều Chúa muốn nhắn gửi ông “Lạy Chúa, xin hãy nói, vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe” (1Sm 3, 10). Kinh nghiệm từ đời sống cầu nguyện cho chúng ta biết rằng: Thiên Chúa nói chuyện và lắng nghe chúng ta, tương ứng với hành động của chúng ta: lắng nghe và nói chuyện với Người. Một cuộc đàm thoại thân tình, một cuộc hội ngộ, đối thoại của hai con tim!
Thứ đến, tiên tri Sa-mu-en cũng để lại cho ta gương sống tín thác khi cầu nguyện, lắng nghe Lời Chúa “Lạy Chúa, xin hãy phán vì tôi tớ Chúa đang nghe” (1Sm 3, 10). Ông không van nài, xin Chúa hãy nói những điều mà ông muốn nghe, những điều làm thoả trí toại lòng của ông, nhưng ông xin Chúa cứ phán bảo những gì Chúa muốn thổ lộ và thực hiện nơi ông. Trong khi cầu nguyện, mỗi lúc tham dự Thánh lễ, lắng nghe bài giảng của vị chủ tế, chúng ta thường có xu hướng chỉ thích nghe những điều chúng ta muốn, những điều thuận với ý riêng, kế hoạch, đề án của chúng ta; mà chúng ta quên một điều tối quan trọng, đó là: Lời Chúa sống động như con dao hai lưỡi, đánh động tâm can chúng ta dẫu rằng chúng ta không muốn mở đôi tai, mở tâm hồn để đón nhận!!! Chỉ có tâm hồn luôn mở rộng, mới có thể vui tươi đón nhận bất cứ điều gì mà Chúa muốn nhắn bảo, gửi đến cho chúng ta. Và chỉ trong tâm tình tin tưởng và tín thác như vậy, chúng ta mới có thể ‘ở lại với Chúa’ (x. Ga 1, 39) như các môn đệ của Gio-an Tẩy Giả đã làm trong bài Tin Mừng ngày hôm nay. Được Gio-an Tẩy Giả giới thiệu Chúa Giê-su ‘Đây Chiên Thiên Chúa’ (x. Ga 1, 36), các ông ước aomuốn biết, tận mắt chứng kiến chỗ của Chúa Giê-su, và sau khi đến xem thì các ông đã ở lại với Người. Thái độ, hành vi ‘ở lại’ trong Tin Mừng Gio-an có một ý nghĩa rất
sâu sắc. Không chỉ đơn thuần là cử chỉ ở cùng, hàn thuyên, tâm sự với ai đó thôi, mà con ước ao kết hiệp mật thiết, trở nên đồng hình đồng dạng với người đó nữa. Trong trường hợp này, các môn đệ ước ao được trở nên một với Chúa Giê-su qua cách ăn ở, cách sống, lối suy nghĩ, cách đối nhân xử thế, v.v...Như thế, nơi các ông luôn chan chứa niềm vui bất tận vì cũng được Người ở cùng, và Chúa Cha đồng hành với các ông như câu khẳng định của Chúa Giê-su ‘ai ở trong Thầy, thì Thầy ở trong người ấy, và Cha Thầy cũng ở trong người ấy’ (x. Ga 14, 23). Điều này cũng xác thực nơi tiên tri Sa-mu-en. Sau khi, ông tín thác, dâng hiến hoàn toàn cho Chúa và lắng nghe làm theo Lời Người, thì ông ‘ở lại’ và ‘lớn lên’ trong Chúa “...Sa-mu-en ngày càng lớn lên. Chúa hằng ở cùng cậu, và cậu không để rơi mất lời nào của Chúa” (1Sm 3, 19).
Trong đời sống đức tin, và cuộc sống thường nhật của chúng ta, Thiên Chúa cũng ước mong ta chuyện trò với Người, và Ngài mong mỏi chúng ta biết lắng nghe Lời của Ngài, một sứ điệp tình yêu mang lại niềm hạnh phúc vô biên, và giải thoát chúng ta khỏi những lo toan, mệt nhọc chán chường của tâm thể thần lực con người; để rồi chúng ta có thể ‘ở lại trong Chúa’ và ‘ở lại với anh chị em’.
Lạy Chúa giàu lòng xót thương, xin đoái đến chúng con là những kẻ yếu đuối, dễ ngã xa, tách lìa khỏi tình yêu bao dung của Người và lòng yêu thương của anh chị em. Xin ban cho chúng con một trái tim luôn biết rộng mở, lắng nghe thấu đáo, chấp nhận hoàn toàn chương trình của Chúa trong cuộc đời của mỗi người chúng con.
Đáp tiếng Chúa gọi mời
Sa-mu-en cất lời:
“Xin Ngài hãy phán dạy,
Con chú tâm nghe Lời”
Khi con còn trong nôi
Nghe tiếng ru à ơi
Đến lúc con thành người
Vẫn nhớ Lời Hằng Sống. Amen!
Lm. Xuân Hy Vọng
====================== 
Suy niệm 5
Chiên Thiên Chúa
Trong mỗi Thánh lễ, vị chủ tế nâng cao Mình Máu Thánh Chúa Giêsu và giới thiệu với cộng đoàn: “Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá tội trần gian”, ngài lặp lại lời Gioan Tẩy Giả giới thiệu Chúa Giêsu với môn đệ: “Hôm ấy, ông Gioan thấy Đức Giêsu tiến về phía mình liền nói: Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá bỏ tội trần gian”.
Danh hiệu Con Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa bỏ tội trần gian bao trùm từ đầu đến cuối sách Tin Mừng thứ tư mà tột đỉnh là cuộc tôn vinh Chúa Giêsu trên thập giá và trong ánh sáng phục sinh.
1. Con Chiên Thiên Chúa
Người Do Thái có tục sát tế chiên trên bàn thờ để thờ phượng, cảm tạ Thiên Chúa, để xin ơn và để đền tội. Tục lệ này bắt nguồn từ thời Abel, con trai thứ của Ađam. “Aben làm nghề chăn chiên” (St 4,2) nên để thờ phượng và tỏ lòng biết ơn Thiên Chúa, “Aben dâng những con đầu lòng của bầy chiên cùng với mỡ của chúng” lên Ngài (St 4,4).
Đến thời dân Do Thái vượt qua Biển Đỏ, Môsê ra lệnh cho mỗi nhà người Do Thái phải sát tế một con chiên, bôi máu lên khung cửa (x.Xh 12,2-7). Đêm ấy, tất cả những nhà trên đất nước Ai cập không có máu chiên nơi khung cửa đều bị chết đứa con trai đầu lòng (x.Xh12,29-30). Chỉ có người Do Thái nhờ máu chiên trên khung cửa mà không bị như thế. Từ đó, việc sát tế chiên mang thêm ý nghĩa: chiên chết thay người.
Về sau, tại đền thờ, các tư tế Do Thái đều sát tế mỗi ngày hai con chiên làm của lễ toàn thiêu: sáng sớm một con, chập tối một con, để dâng lên Thiên Chúa làm của lễ đền tội cho dân (Xh 29,38-46). Đúng ra ai phạm tội thì chính người ấy bị phạt, mà phạm đến Thiên Chúa thì chỉ có hình phạt chết mới xứng đáng. Nhưng Thiên Chúa nhân lành không muốn con người phải chết: “Ta không muốn kẻ gian ác phải chết, nhưng muốn nó ăn năn sám hối và được sống” (Ed 18,23). Luật công bằng đòi hỏi tội phải đền; nên để con người còn được sống mà ăn năn hối cải, Thiên Chúa chấp nhận cho con người lấy chiên đền mạng. Như vậy chiên bị sát tế là để chết thay cho con người lẽ ra phải chết vì tội lỗi mình.
Các tiên tri trước Gioan đã nói về người tôi tớ kỳ diệu của Thiên Chúa một ngày kia sẽ chịu đau khổ và chết như một con chiên. Isaia mô tả: “Người đã bị đối xử tàn tệ, nhưng đã khiêm tốn chịu đựng, như một con chiên sắp bị đưa tới lò sát sinh. Người không hề thốt ra một lời. Người bị bắt, bị tuyên án, và vị dẫn tới chỗ chết… Người đã phải chết vì tội lỗi chúng ta”(Is 53,7-8); “Người đã mang lấy tội muôn người và can thiệp cho những kẻ tội lỗi”(Is 53,6-7.12).Những lời của tiên tri Giêrêmia cũng rất phù hợp với con người Chúa Giêsu: “Tôi giống như con chiên trung tín bị đem đi giết, và tôi không hề biết họ đang trù tính những điều độc ác chống lại tôi”(Gr 11,19).
2. Chúa Giêsu là Chiên Thiên Chúabị sát tế để cứu nhân loại
Theo lẽ thường, gọi Đức Giêsu là chiên thì quả là xúc phạm. Nhưng để cứu chuộc nhân loại, theo kế hoạch cứu chuộc của Thiên Chúa, Đức Giêsu phải bị giết chết để đền tội thay cho con người, tương tự như những con chiên bị sát tế trong đền thờ để chết thay cho người tội lỗi. Gioan đã thấy trước số phận tương lai của Đức Giêsu như thế nên giới thiệu cho mọi người: “Đây là Chiên Thiên Chúa, Đấng xoá tội trần gian”. Đức Giêsu đã trở thành chiên hy sinh: “Đức Kitô đã chịu hiến tế làm chiên lễ Vượt Qua của chúng ta”(1Cr 5,7). Sách Khải Huyền cũng dùng đến 27 lần từ “Con Chiên” để chỉ về Đức Giêsu, thánh Gioan còn xác quyết: Đức Kitô đã chịu chết vì tội lỗi chúng ta.
Thánh Phaolô viết: “Nếu máu các con dê, con bò còn thánh hóa được con người, làm cho họ trở nên trong sạch, thì máu của Đức Kitô càng hiệu lực hơn biết mấy” (Dt 9,13-14). Hiệu lực đến nỗi Ngài chỉ cần chết một lần là đủ xóa được tội lỗi toàn nhân loại: “Chúng ta được thánh hoá nhờ Đức Giêsu Kitô đã hiến dâng thân mình làm lễ tế, chỉ một lần là đủ’ (Dt 10,10), vì Ngài là “Con Chiên vẹn toàn, không tỳ vết” (1Pr 1,19), nhất là vì Ngài cũng chính là Thiên Chúa, nên giá trị cứu chuộc của Ngài là vô cùng. “Máu của Người rảy xuống, máu đó kêu thấu trời còn mạnh thế hơn cả máu Aben” (Dt 12,24). “Nhờ máu Người đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa đã đem lại bình an cho mọi loài dưới đất và muôn vật trên trời” (Cl 1,20). Đặc tính của con chiên là sự ngây thơ, hiền lành, nhẫn nhục, trong sạch. Đó là những đức tính quý báu của Đức Giêsu Kitô, con chiên không tì vết.
3. Đấng xóa bỏ tội trần gian.
Khi Đức Giêsu đang đến, Gioan Tẩy Giả đã chỉ vào Đức Giêsu và nói: “Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian” (Ga 1,29). Giới thiệu như thế, Gioan đã cùng một lúc chỉ ra hai thực tại lớn lao về Đức Giêsu: Ngài là Chiên của Thiên Chúa, đồng thời Ngài cũng là Đấng xóa bỏ tội trần gian.
Khi gọi Đức Giêsu là “Chiên của Thiên Chúa”, Gioan xác nhận Đức Giêsu là Đấng vô tội và thánh thiện. Khi nói Đức Giêsu là “Đấng xóa tội trần gian”, Gioan chỉ cho mọi người thấy Đức Giêsu chính là Đấng Cứu Thế, Đấng Messia, là “tôi tớ đau khổ của Giavê” như tiên tri Isaia đã từng nói đến trong Cựu ước.
Hai thực tại này gắn liền với nhau nơi con người và sứ mạng của Đức Giêsu. Chính vì là con chiên vô tội của Thiên Chúa nên Đức Giêsu mới có thể xóa tội của thế gian. Như con chiên được dùng làm của lễ đền tội trong Cựu ước phải chịu sát tế, Đức Giêsu cũng phải chịu đau khổ và chịu chết để trở nên của lễ hy sinh đền tội cho nhân lọai. Con chiên hiến tế của Cựu ước chỉ là hình bóng và dấu hiệu của Đức Giêsu là “Chiên Thiên Chúa”, Đấng duy nhất thực sự xóa tội cho con người, Đấng duy nhất đem lại ơn cứu độ cho hân loại.Chỉ có Con Chiên thanh sạch và hiền lành, Con Chiên bị sát tế mà không một lời thở than, mới đền thay được tội lỗi. Chỉ có Đấng vô tội, mới có thể chết thay cho các tội nhân.
Đức Giêsu xóa tội của thế gian bằng cách gánh vào mình Ngài tội lỗi của tất cả nhân lọai, từ tội của nguyên tổ Ađam cho đến tội của người sau hết của nhân lọai. Với cuộc khổ nạn và cái chết đau thương tủi nhục trên thập giá, Ngài đã đền thay tội lỗi của tất cả nhân loại. Từ nay nhân loại đã được giao hòa với Thiên Chúa, được sống trong ân tình của Ngài và cửa thiên đàng đã được mở lại cho tất cả mọi người.
Mặc dù chúng ta là người tội lỗi, nhưng đã được rửa bằng Máu của Con Chiên Thiên Chúa, và được tham dự vào bàn tiệc Thánh Thể.
Người tín hữu thường được gọi là "con chiên của Chúa". Danh hiệu đó ngầm chứa một lời cầu chúc: Mong cho người tín hữu được xếp vào loại "chiên" trong ngày phán xét. Ðược đứng bên hữu Vua Thẩm Phán. Ðược vào hưởng vinh quang trong nước Chúa. Nhưng danh hiệu đó phải chăng cũng gợi lên một ước mong. Ước mong người tín hữu sống theo gương của Chiên Thiên Chúa. Uớc mong những chiên con nối gót theo chiên mẹ đầu đàn đi vào con đường hiền lành khiêm nhường. Ước mong đoàn chiên tự hiến đời mình như một của lễ dâng lên Thiên Chúa. Và ước mong đoàn chiên gánh lấy số phận của người khác, để yêu thương, đoàn kết, liên đới, chia sẻ với anh em tất cả mọi niềm vui nỗi buồn của họ.
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
====================== 
Suy niệm 6
Đây là Chiên Thiên Chúa
(Ga 1, 35 - 42)
Nếu Chúa nhật lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa, lời Chúa mời gọi chúng ta sống sao cho xứng đáng làm con Thiên Chúa, thì Chúa nhật này, lời Chúa mời gọi chúng ta đặt mình vào vị trí của nhóm môn đệ Gioan Tẩy Giả, nhất là của chính Gioan để thấy được kế hoạch của Thiên Chúa đối với nhân loại.
Tin Mừng hôm nay trình bày Gioan Tẩy Giả thật đúng với sứ mạng của ông là chỉ cho mọi người biết Đấng Cứu Thế: Khi ấy, Gioan đang đứng với hai người trong nhóm môn đệ của ông nhìn theo Chúa Giêsu đang đi mà nói: "Đây là Chiên Thiên Chúa" (Ga 1, 35). "Chúa Giêsu đang đi và Gioan nói", là một hành động diễn tả sự liên tục giữa Giao ước cũ với Giao ước mới, vì Gioan Tẩy Giả đã không nói về chính mình, lời của ông được rút ra từ Cựu Ước đan vào nhau để làm sáng tỏ các mầu nhiềm. Năm Phụng vụ mới bắt đầu, Gioan Tẩy Giả thấy sự huy hoàng rực rỡ của Giao Ước mới đang ló rạng thì giới thiệu cho môn sinh: "Đây là Chiên Thiên Chúa"(Ga 1, 35). 
Đây là Chiên Thiên Chúa       
Gioan Tẩy Giả khẳng định, Chúa Giêsu là Chiên duy nhất chết thay cho đoàn chiên là nhân loại chúng ta. Không những thế, Người còn phục hồi tất cả những người sống trên trần gian này và cứu chuộc mang về cho Thiên Chúa Cha. Một người chết thay cho toàn dân, để tất cả vâng phục Thiên Chúa ; chỉ một mình Người đã chịu chết để cứu chuộc muôn người… Thật thế, con người đã trở nên hư hỏng, sống trong tội lỗi và đây là lý do tại sao Chúa Cha đã cho Con của Ngài tới làm giá chuộc tội cho toàn dân ( Ga 3,16 ), vì Người là đầu và tất cả mọi sự ở trong Người. Để tất cả chúng ta sống trong Người, Người đã vui lòng chịu chết và hiến tế vì chúng ta, Người đã chết thay cho chúng ta, và sống lại vì chúng ta. Người là Chiên thật xóa bỏ tội trần gian.
Gioan là mẫu người tìm Chúa và giới thiệu Chúa
Gioan Tẩy Giả là một tiên tri, biết nhận ra Thiên Chúa giữa loài người. Chúa Giêsu là Lời Thiên Chúa mặc khải trong xác phàm, Lời làm người để cứu chuộc nhân loại. Gioan là tiếng, ông là người lồng tiếng truyền đi sứ điệp mà ông đã được ủy thác. Sứ điệp Gioan truyền là một công thức tuyệt đẹp và độc đáo, được lặp đi lặp lại ở tất cả các Bí tích Thánh Thể, được thể hiện dưới ánh mắt thân mật và yêu thương nhất của Thiên Chúa: "Đây là Chiên Thiên Chúa"(Ga 1, 35). Đây sự tuyển chọn Abraham và giao ước với nhà Đavid, đây là người Tôi Tớ đau khổ và là Chiên Vượt Qua. Đây là Đấng Cứu Thế muôn dân mong đợi. Đây là Con Thiên Chúa.
Gioan không nói như là tiếng vọng của tiên tri Isaia, nhưng ông đã viết lời tiên tri một lần nữa và tham gia việc thực hiện lời hứa. Ông đã sống đến cùng ơn gọi của mình là chỉ cho mọi người biết Chúa Giêsu là Chiên Thiên Chúa.
Noi gương Gioan sống chứng nhân
Con người tìm Thiên Chúa, Thiên Chúa đáp trả, con người lại tiếp tục giới thiệu Chúa cho tha nhân, nên câu hỏi:"Thưa Thầy, Thầy ở đâu?" (Ga 1, 38).   là câu hỏi mà hai anh em nhà Anrê và Simon Phêrô sau khi được thầy Gioan giới thiệu đã hỏi Chúa. Khuynh hướng tự nhiên nơi tâm hồn con người là đi tìm Chúa, và Thiên Chúa luôn luôn mau mắn đáp trả, mời gọi con người đến gặp Người: "Hãy đến mà xem" (Ga 1, 39). .
Hai chàng thanh niên hỏi, rồi một câu trả lời có tính cách như là một lời mời gọi. Khi nghe những lời chỉ dẫn đó, hai môn đệ của Gioan Tẩy Giả liền theo Chúa Giêsu. Phải chăng đây là một biến cố đầy ý nghĩa? Khi Chúa Giêsu hỏi: "Các ngươi tìm gì?" (Ga 1, 38) thì hai môn đệ trả lời cũng bằng một câu hỏi: "Thưa Thầy, thầy ở đâu?" (Ga 1, 38). Và Chúa Giêsu trả lời: "Hãy đến mà xem". Họ đã đến và xem chỗ Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy, lúc đó độ chừng giờ thứ mười (Ga 1, 39). Họ trở thành những môn đệ đầu tiên của Chúa Giêsu. Đến lượt Anrê, Anrê lại dẫn anh mình là Simon Phêrô đến với Chúa Giêsu.
Khi trình bày lại cuộc gặp gỡ nầy với Chúa Giêsu, phụng vụ ngày hôm nay muốn chứng tỏ điều trọng nhất trong đời sống chúng ta. Hỏi là kết quả của cuộc kiếm tìm. Con người đi tìm Thiên Chúa. Con người, tận trong thâm tâm, hiểu rằng cuộc kiếm tìm này là định luật nội tại của cuộc sống. Con người đi tìm đường đi trong thế giới hữu hình, và qua thế giới hữu hình, con người đi tìm cái vô hình trong cuộc hành trình thiêng liêng của mình.
Mượn lời vịnh gia, mỗi người trong chúng ta có thể thân thưa với Chúa: "Lạy Chúa, con đi tìm nhan thánh Chúa; xin đừng ẩn mặt xa con" (Tv 27. 26, 8-9). Mỗi người trong chúng ta có một lịch sử cá nhân riêng và mang trong mình khát vọng muốn thấy nhan Thiên Chúa, một ước vọng mà người ta cảm thấy cùng với việc khám phá thế giới tạo vật.
Chúng ta hỏi Chúa: "Thưa Thầy, Thầy ở đâu?" (Ga 1, 38). Giáo Hội trả lời cho chúng ta mỗi ngày rằng: Chúa Kitô hiện diện trong bí tích Thánh Thể, bí tích của sự chết và sống lại, trong và nhờ bí tích này, chúng ta nhận ra Thiên Chúa sống động trong lịch sử con người.
Câu trả lời cho câu hỏi: "Thưa Thầy, thầy ở đâu?" Còn cần phải được nghe như sau: Thầy ở trong tất cả mọi người được cứu chuộc. Ðúng vậy, Chúa Kitô, Ðấng có những lời ban sự sống đời đời, Ðấng là "Ðầu của Dân mới và phổ quát của tất cả những con cái của Thiên Chúa" (LG số 13), hiện diện trong dân Người. Gioan đã làm chứng và giải thích về sự nhận biết và tôn thờ cũng như đón nhận Lời để thông phần vinh quan với Lời ; hành động đức tin biến chúng ta thành người tôi tớ hợp nhất với người môn đệ dưới chân Thánh Giá: "Đây là Chiên Thiên Chúa "(Ga 1, 35). Đến lượt chúng ta, là thành phần của Giáo hội, thành phần sống động và có trách nhiệm, hãy là những đồ đệ và là những chứng nhân của Chúa Kitô, Ðấng mạc khải Thiên Chúa Cha. Hãy sống trong sự hiệp nhất của Chúa Thánh Thần, Ðấng ban sự sống. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
====================== 
Suy niệm 7
Chúng tôi đã gặp
1Sm 3, 3b-10.19; 1Cr 6, 13c-15a.17-20; Ga 1, 35-42
Ông Gioan Tẩy Giả đang đứng với hai môn đệ của mình. Vừa thấy Đức Giêsu đi ngang qua, ông giới thiệu luôn: “Đây là Chiên Thiên Chúa” (Ga 1,36). Những môn đệ này đã gắn bó với ông từ lâu, nhưng ông đã không ngần ngại chỉ điểm cho họ, để cuối cùng là phải được gặp chính Đấng Mêsia rồi đi theo mới là đỉnh điểm mục tiêu và hạnh phúc. Vừa nghe ông nói, hai môn đệ ông liền đi theo Đức Giêsu ngay. Quả thật ông Gioan Tẩy Giả luôn luôn quên mình vì Chúa và cho Chúa, để Người được lớn lên, còn tôi phải nhỏ đi.
Đức Giêsu mới quay lại, thấy các ông đi theo mình, Người vờ hỏi: “Các anh tìm gì thế?” (Ga 1, 38). Chẳng cần trả lời câu hỏi ấy, các ông hỏi luôn Thầy ở đâu? (vì họ đang khao khát nóng lòng muốn theo Thầy ngay bây giờ). Thầy bảo đến mà xem, họ đã đến xem chỗ Người ở và ở lại với Người ngay hôm ấy. Đường dây chuyền từ Gioan Tẩy Giả sang các ông thật hiệu nghiệm, một khi có lòng khao khát ước muốn gặp Thầy Giêsu, ắt sẽ say mê đến quên đường về.
Một kinh nghiệm gặp gỡ đời thường ngay hôm nay của người viết: Một bạn trẻ ngoài công giáo đến gặp tôi, muốn học hỏi kinh nghiệm để viết bài dự thi với chủ đề “bạn trẻ với tôn giáo”. Tôi đem chút hiểu biết của mình để giúp đỡ. Em vừa viết vừa hỏi tôi những thắc mắc về Chúa, về niềm tin tôn giáo. Tôi như bắt được cơ hội, tha hồ làm chứng bằng lời, bằng kinh nghiệm bản thân. Tôi mừng vì được gặp một tâm hồn khao khát tìm kiếm Chúa. Chắc chắn Chúa sẽ cho gặp Người thôi. Tôi thấy mình như được gặp Chúa trong người bạn mới này. Lập tức chúng tôi thành đôi bạn thân, rỉ rả tâm sự, em say mê và ở luôn với tôi từ sáng đến chiều.
Ông Anrê là một trong hai môn đệ vừa đến gặp và ở với Đức Giêsu lại giới thiệu và làm chứng cho môn đệ khác ngay. Trước hết ông gặp em mình là ông Simon và chứng thực: “Chúng tôi đã gặp Đấng Mêsia” (Ga 1, 41). Rồi ông dẫn em mình đến gặp Người, để cùng nếm hưởng hạnh phúc với mình. Ngay lúc ấy, Người nhìn ông và đặt cho ông tên mới là Kêpha, tức là Phêrô.
Lạy Chúa! Đấng Mêsia ngày xưa các môn đệ đã gặp và say mến, cho đến hôm nay chúng con vẫn gặp Chúa hằng ngày qua Bí tích, trong Thánh lễ, trước Thánh Thể, trong Lời của Ngài và nơi tha nhân. Xin cho chúng con hằng luôn khao khát nóng lòng để gặp gỡ Chúa, cho con biết say mê tình Ngài, rồi biết rao truyền, gửi trao tới những người chúng con có cơ hội gặp gỡ, để mọi người khắp nơi xa gần đều chân nhận có Chúa yêu thương. Amen.
Én Nhỏ
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Giáo xứ Yên Tập: Đức cha Đaminh dâng Thánh lễ mừng Chúa Giáng Sinh 2024
Giáo xứ Yên Tập: Đức cha Đaminh dâng Thánh lễ mừng Chúa Giáng Sinh 2024
Trong niềm vui chung của toàn nhân loại mừng ngày Ngôi Hai Thiên Chúa giáng thế cứu độ trần gian, Giáo xứ Yên Tập hân hoan chào đón Đức cha Đaminh, Giám mục Giáo phận đã đến thăm và chủ tế Thánh lễ mừng Chúa Giáng Sinh vào tối ngày 25 tháng 12 năm 2024.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log