Đến nơi sâu thẳm nhất
Mc 1, 12-15
Địa ngục tràn đầy tình yêu.
Khi Chúa Giêsu vừa lãnh nhận phép rửa xong, lập tức Thánh Thần đẩy Ngài vào hoang địa.
- Chúa Giêsu để cho Chúa Thánh Thần lôi kéo vào một vực thẳm cô đơn.
- Chúa Giêsu ở một mình, sống chung với dã thú, chịu Satan cám dỗ.
- Dưới áp lực của Chúa Thánh Thần, Chúa Giêsu xuống đáy địa ngục.
Tình yêu Cha đem Chúa Giêsu Ngài đi…Tình yêu Cha dẫn Chúa Giêsu đến nơi sâu thẳm cùng cực nhất của con người.
- Chúa Giêsu đến ở nơi mà con người ở, đó là địa ngục. Nơi mà không có tính nhân đạo nào mà chỉ có sự man rợ bao quanh và ở trong chúng ta, xâu xé, làm tổn thương và làm cho chết chóc.
- Thánh Thần thúc đẩy Chúa Giêsu xuống nơi sâu thẳm nhất của con người. Đó là cô đơn, đói khát, bạo lực, hung dữ và chết chóc.
- Chúa Giêsu trở nên nghèo hơn người nghèo nhất trong tất cả mọi người.
- Chúa Giêsu xuống thấp hơn người cuối cùng nhất, nhờ sức mạnh tình yêu mà Ngài nhận được từ nơi Cha và làm cho Ngài trở thành anh em với mọi người mà không có ngoại lệ.
Nhờ Chúa Giêsu, địa ngục tràn đầy Tình yêu. Ngài sống chung với dã thú và các thiên thần hầu hạ Ngài. Được thúc đẩy bởi Tình yêu, Chúa Giêsu ở lại địa ngục. Ngài làm cho địa ngục thành nơi ở của Thiên Chúa. Từ nay trở đi không ai ở ngoài tầm với Tình yêu, ở ngoài tầm với Thiên Chúa.
Nước Thiên Chúa rất gần.
Thiên Chúa thống trị trong Chúa Giêsu và nhờ Chúa Giêsu:
- Tình yêu thống trị không giới hạn. Chúa Giêsu đã trải qua tất cả các trận chiến như chúng ta. Bất cứ quỷ nào đục khoét chúng ta, Chúa Giêsu đều chiến thắng.
- Trong Chúa Giêsu và nhờ Chúa Giêsu, thời gian được ứng nghiệm, thời gian đầy Thiên Chúa.
- Nhờ Chúa Giêsu, tất cả lịch sử nhân loại chứa đầy một tình yêu đi qua và vượt qua.
- Trong Chúa Giêsu, Nước Thiên Chúa ở đó.
Tuy nhiên, đối với chúng ta, Nước Thiên Chúa vẫn còn thiếu. Nước Thiên Chúa gần, rất gần và chỉ gần. Và vì thế,
- Việc cần làm đối với chúng ta là một chặng đường dài để đi.
- Việc cần làm đối với chúng ta là phải sám hối. Chúa Giêsu nói: ”Anh em hãy ăn năn sám hối”!
- Việc cần làm đối với chúng ta là tin rằng, nhờ Chúa Giêsu, Tình yêu trong chúng ta sẽ chiến thắng: Chúa Giêsu không ngừng lặt đi lặp lại: “Hãy tin vào Tin mừng”!
Thiên Chúa muốn cứu độ chúng ta. Ngài muốn và làm điều đó cách ân cần và miễn phí. Ngài chỉ đơn giản yêu cầu chúng ta tin điều đó, đồng ý điều đó, đón nhận điều đó. Nhưng chúng ta thường quên Thiên Chúa của Giao ước. Chúng ta chưa quen với tình yêu hoàn toàn miễn phí mà Thiên Chúa dành cho chúng ta. Chúng ta chưa hoàn toàn là người thân quen của Thiên Chúa. Chúng ta vẫn còn một chặng đường dài để đi. Chúng ta vẫn còn có hy vọng vào Hy vọng
Với chúng ta, Chúa Giêsu đi trên con đường của chúng ta. Ngài sang xứ Galilêa , Ngài mời chúng ta cùng đi, để tiến về phía trước. Không mệt mỏi, Ngài nói với chúng ta: " Hãy Tin vào Tin mừng! " Chúa Giêsu khơi dậy niềm tin tưởng nơi những người thuộc về Ngài. Ngài làm cho niềm tin tưởng đó phát triển và mạnh mẽ.
Con đường nước Thiên Chúa.
Bất cứ ai đồng ý quay về với Chúa Giêsu Kitô để nhận được sự tin tưởng và bình an trong thử thách, sẽ trở thành một tạo vật mới, luôn luôn mới.
- Người đó ngày càng đi sâu vào sự thân mật của Thiên Chúa mỗi ngày.
- Người đó đi trên con đường được Thánh Linh thúc đẩy.
- Được lôi kéo bằng Tình yêu Cha, người đó sẽ luôn hạ mình xuống.
- Người đó sẽ ở lại với Chúa Giêsu ở những nơi mà nhân loại là tù nhân của hận thù, bất công, ngu ngốc và man rợ.
- Nhờ Chúa Giêsu, người đó sẽ luôn nhận được nhiều sức mạnh hơn để phá vỡ xiềng xích bất công, phá vỡ những ách thống trị của chế độ nô lệ.
- Người đó nhận lấy sự đau khổ của nhân loại vào mình, giống như Chúa Giêsu. Mọi người, dù bị biến dạng, sẽ tìm thấy một người anh em trong đó.
Nhưng, sâu xa hơn nữa, nếu Tình yêu mang người đó đi, người đó sẽ luôn luôn thấy mình thấp hơn, vẫn thấp hơn, luôn luôn thấp hơn người cuối cùng nhất. Chúa Giêsu nghèo hơn người nghèo nhất …đang chờ đợi người đó. Bấy giờ được Thánh Thần thúc đẩy, người đó sẽ lao xuống vực thẳm sự nghèo khó này và biết được vực thẳm sự giàu có của Thiên Chúa. Theo Chúa Giêsu, người đó sẽ lôi kéo toàn bộ vũ trụ vào Vương quốc của Chúa Cha, ở nơi cao nhất của Thiên Chúa.
Linh mục Gioan Đặng Văn Nghĩa
========================
Suy niệm 2
Mc 1, 12 – 15
Trước hết, tôi xin góp ý.
Từ thuở nào cho tới bây giờ, chung ta cứ nói rằng Đức Giê su bị ma quỷ cám dỗ. Nói như vậy là không chuẩn. Đúng ra phải nói là ma quỷ tìm hiểu xem Đức Giê su có phải là Đấng Cứu Thế hay không.
Bây giờ chúng ta đi vào nội dung của bài Tin Mừng.
Đọc hết bài trình thuật của Thánh Mattheu, Macco, và Luca chúng ta thấy câu chuyện diễn tiến như sau:
Sau khi chịu phép rửa trên sông Giođan, Đức Giê su lên núi ăn chay và cầu nguyện 40 ngày. Ăn chay 40 ngày thì chưa phải là lạ lùng lắm, vì Mô sê và Ê li a cũng đã ăn chay 40 ngày. Đức Phật cũng đã ăn chay 40 ngày dưới bóng cây bồ đề. Nhưng cách cầu nguyện và ăn chay của Chúa Giê su có nét đặc biệt gì đó không có nơi người thường. Thế là hắn nghi ngờ: có thể Đức Giê su là Đấng Cứu Thế. Do đó, hắn phải tìm hiểu để có kế hoạch đương đầu, vì sách Sáng Thế Ký đã hé mở sự nghiệp Đấng Cứu Thế là đạp nát đầu của Satan. Để tìm hiểu, Satan đặt ra ba câu tra vấn.
1. “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì hãy biến hòn đá này thành bánh mà ăn”. Chúa đánh trống lảng: “Người ta không chỉ sống bằng cơm bánh, mà còn bằng lời của Chúa”.
2. Hắn chưa biết được Chúa là Đấng Cứu Thế, bèn đổi chiêu: “Mọi sự giàu sang trên thế giới là của tôi. Nếu ông quỳ lạy tôi, tôi sẽ cho tất”. Chúa lại đánh trống lảng: “Người ta chỉ thờ một Chúa thôi”. Thế là vẫn chưa đạt kết quả. Hắn lại đổi cách hỏi.
3. “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì từ nóc đền thờ, ông hãy nhảy xuống đi. Thiên Thần sẽ đỡ ông”. Chúa lại đánh trống lảng lần thứ ba: “Không được thử thách Thiên Chúa”.
Thánh Luca kể rằng: Sau ba lần thử, Satan chưa biết Đức Giê su là Đấng Cứu Thế. Đành chuồn và chờ.
Điều quan trọng đối với chúng ta sau khi đọc bài Tin Mừng là:
1. Quỷ không thông minh như nhiều nhà thần học khẳng định. Nó cũng ngu lắm đấy. Đừng sợ nó. Bằng chứng là: Khi sứ Thần truyền tin cho Đức Mẹ, thì đã nói rõ “Cô sẽ thụ thai một bé trai, đặt tên là Giê su. Thiên Chúa sẽ ban cho Ngài ngôi báu của vua Đavit…” Rõ như thế mà nó không biết. Ngu ơi là ngu! Sứ thần cũng nói rõ với các mục đồng rằng: “Một Đấng Cứu Thế đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đavit”. Rõ như thế mà nó vẫn chưa biết. Siêu ngu! Ông già Simeon bồng ẵm Chúa Hài Nhi và tuyên xưng Ngài là “ánh sáng của muôn dân”. Rõ như ban ngày, vậy mà nó vẫn ngơ ngơ. Ngu xuẩn cực kỳ!
Quỷ đã siêu ngu như thế, thì ta không còn sợ nó nữa. Chúng ta dành hết thời giờ và công sức để thi hành ba giáo huấn của Chúa. Đó là: đọc, hiểu và thi hành Lời Chúa; chỉ thờ Chúa, không thờ danh lợi; tin tưởng tuyệt đối vào tình thương của Chúa.
Linh mục Piô Ngô Phúc Hậu
========================
Suy niệm 3 Cùng Chúa Giêsu lên Giêrusalem
(Mc 1, 12-15) Lễ Tro khai mạc Mùa Chay Thánh, đánh dấu 40 ngày (không kể ngày Chúa nhật) chuẩn bị đến lễ Phục Sinh.
40 ngày chay thánh
Trong Kinh thánh, con số 40 ngày là một khoảng thời gian chờ đợi, một quá trình, tượng trưng cho việc chuẩn bị gặp gỡ Thiên Chúa. Số 40 còn diễn tả hành trình trong sa mạc trên đường về Đất hứa của Dân Do thái kéo dài 40 năm. Ông Môisen đã ở trên núi Chúa 40 ngày (x. Xh 24, 18; 34,28). Những người trinh sát đã ở trong vùng đấy 40 ngày (x. Ds 13, 25). Elia đã đi 40 ngày trước khi tới được hang ở đó Ngài được thị kiến (x. 1V 19, 8). Ninivê đã được cho 40 ngày để sám hối (x. Gn 3, 4). Và quan trọng nhất là Chúa Giêsu được Chúa Thánh Thần thúc đẩy vào trong hoang địa 40 ngày để ăn chay cầu nguyện trước khi thi hành sứ vụ công khai (x. Mt 4,2).
Như vậy, 40 ngày chay thánh gợi cho chúng ta nhớ lại 40 năm hành trình trong sa mạc của dân Do Thái, 40 ngày trong hoang địa của Chúa Giêsu. Con số 40 ngày, là thời gian đi vào hoang địa của cõi lòng, thinh lặng để chuẩn bị gặp gỡ Chúa. Đây là thời gian phụng vụ cao điểm thuận tiện thích hợp cho các kitô hữu noi gương Đức Kitô dùng 40 ngày để ăn năn đền tội và dấn thân phục vụ anh chị em. Và bằng 40 ngày long trọng của Mùa Chay, mỗi người được liên kết mật thiết hơn với các Mầu Nhiệm của Chúa Giêsu, Đấng đang tiến đến cái chết và sự sống lại.
40 ngày Chúa Giêsu trải qua trong hoang địa
Sau khi chịu phép rửa nơi sông Giordan "Thánh Thần thúc đẩy Chúa Giêsu vào hoang địa và Người ở đó suốt bốn mươi đêm ngày, chịu Satan cám dỗ, sống chung với các dã thú và các Thiên Thần hầu hạ Người" (Mc 1,12-13).
Với những lời trên cho thấy, trước khi khai mào sứ vụ cứu thế, Chúa Giêsu đương đầu "giáp lá cà" với Satan trong 40 ngày cô tịch, một khoảng thời gian đầy thử thách. Nhưng Chúa Giêsu đã đã chiến thắng khi vạch trần Tên Cám Dỗ, đem lại cho chúng niềm tin, tình yêu và niềm hy vọng để chiến thắng trong cuộc sống đầy những cám dỗ hàng ngày bủa vây quanh chúng ta.
Satan là kẻ thù lớn nhất của chúng ta. Nó đã cám dỗ Chúa Giêsu đi khác đường lối của Chúa Cha, giống như con rắn xưa đã cám dỗ Ađam và Evà. Chúa Giêsu đã bị cám dỗ bất tuân lệnh truyền của Chúa Cha, Người đã chống trả quyết liệt và đã vâng phục cho đến chết. Chúa Giêsu đã dựa vào Lời Chúa và sức mạnh của Thiên Chúa là Chúa Thánh Thần để chiến đấu. Người đã chiến thắng, ma quỷ đã phải rút lui, và các các thiên sứ đến hầu hạ Người (x. Mc 1,13). Những quỉ kế mà Satan dùng để cám dỗ Chúa Giêsu, cũng là những cách hắn dùng để cám dỗ chúng ta ngày hôm nay. Noi gương Chúa Giêsu chúng ta sống triệt để Lời Chúa dạy.
Theo Chúa lên Giêrusalem
Chủ đề sứ điệp Mùa Chay năm 2021 này là: “Này chúng ta lên Giêrusalem” (Mt 20,18). Mùa Chay: Thời gian làm tươi mới Niềm tin, Hy vọng và Tình yêu.
Bước vào Mùa Chay 2021, Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi chúng ta cùng lên Giêrusalem với Chúa trong niềm tin, yêu, và hy vọng mới. Đức Thánh Cha viết: “Mỗi giây phút của cuộc đời đều là thời gian để chúng ta tin tưởng, hy vọng và yêu thương. Lời kêu gọi sống Mùa Chay như hành trình hoán cải, cầu nguyện và làm phúc, giúp cho niềm tin đến từ Chúa Kitô hằng sống, niềm hy vọng được cảm hứng do hơi thở của Chúa Thánh Thần và tình yêu chảy tràn từ trái tim nhân hậu của Chúa Cha được sống động trở lại nơi cộng đồng và cá nhân mỗi người chúng ta” (Trích sứ điệp Mùa Chay 2021).
Vậy chúng ta bước vào Mùa Chay với một thái độ như thế nào? Chúng ta chuẩn bị ra làm sao để cho việc cử hành Mầu Nhiệm khổ nạn, thương khó và phục sinh của Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta đạt được nhiều ý nghĩa và sinh ích lợi cho đời sống chúng ta? Nói khác đi, chúng ta lên Giêrusalem với Chúa bằng tâm tình nào, vui hay buồn, hy vọng hay thất vọng, yêu thương hay hận thù?
Hướng về lễ Phục Sinh, cuộc chiến thắng chung kết của Chúa Giêsu chống lại Ma Quỷ, chống lại tội lỗi và chống lại sự chết là ý nghĩa Chúa nhật thứ I Mùa Chay. Chúng ta nhất quyết bước theo Chúa Giêsu trên con đường dẫn đến sự sống, theo Chúa tiến qua hoang địa của lòng ta. Nơi đây, ta có thể lắng nghe tiếng Thiên Chúa và cũng nghe thấy cả tiếng nói của Tên Cám Dỗ.
Nơi hoang địa, giúp chúng ta chống lại những điều trần tục, giúp chúng ta đi tới những chọn lựa can đảm phù hợp với Tin Mừng và củng cố tình liên đới với anh chị em chúng ta.
Theo Chúa Giêsu vào hoang địa. Chúng ta có Chúa Giêsu, Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Ðúng hơn, Chúa Thánh Thần sẽ hướng dẫn chúng ta từng bước trong Mùa Chay này.
Chúng ta cầu xin Ðức Trinh Nữ Maria và Thánh Giuse trợ giúp, để chúng ta có thể lắng nghe tiếng Chúa Giêsu và sửa chữa những khuyết điểm để đương đầu với những cám dỗ hằng ngày tấn công chúng ta.
Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ
======================
Suy niệm 4
HOANG ĐỊA St 9, 8-15; 1Pr 3, 18-22; Mc 1, 12-15
“Thần Khí liền đẩy Người vào hoang địa. Người ở trong hoang địa bốn mươi ngày, chịu Satan cám dỗ, sống giữa loài dã thú, và có các thiên sứ hầu hạ Người”. (Mc 1, 12-13).
Khởi đầu sứ vụ rao giảng Tin Mừng Cứu Thế, Chúa Giêsu được Chúa Thánh Thần đưa vào hoang địa, để ăn chay, cầu nguyện và chịu cám dỗ. Là một vị Thiên Chúa, nhưng Người đã không ngần ngại chia sẻ phận người. Người vào hoang địa, vui vẻ ăn chay, chịu Satan cám dỗ, quấy rối, nhưng Satan không chiến thắng được Người, vì Người hằng liên kết với Chúa Cha. Khi Người cầu nguyện là Người gặp gỡ, là liên kết hoàn toàn với Chúa Cha. Và Người đã chiến thắng những cơn cám dỗ bằng đời sống cầu nguyện, chay tịnh và vâng phục thánh ý Chúa Cha. Sau bốn mươi ngày đó, Người bắt đầu sứ vụ ra đi rao giảng tin Mừng, chịu bắt bớ, sỉ nhục, hành hạ qua cuộc tử nạn và chiến thắng phục sinh.
Hoang địa là nơi vắng vẻ, cô đơn đến sợ sệt, tĩnh lặng, chỉ có nắng và gió. Ngày xưa Đức Giêsu vào hoang địa nắng cháy, là nơi thử thách nặng nề chịu Satan quấy phá cám dỗ và sống giữa loài dã thú, cảnh khó khăn, trà trộn và xem như nghịch cảnh, nhưng thanh tịnh, hòa bình tựa như khung cảnh ngôn sứ Isaia từng mô tả: “Bấy giờ sói sẽ ở với chiên con, beo nằm bên dê nhỏ. Bò tơ và sư tử non được nuôi chung với nhau, một cậu bé sẽ chăn dắt chúng. Bò cái kết thân cùng gấu cái, con của chúng nằm chung một chỗ, sư tử cũng ăn rơm như bò. Bé thơ còn đang bú giỡn chơi bên hang rắn lục, trẻ thơ vừa cai sữa thọc tay vào ổ rắn hổ mang.” (Is 11,6-8).
Ngày hôm nay Thánh Thần Chúa cũng mời gọi chúng con vào hoang địa là chính tâm hồn mình. Thường chúng con không muốn trở về với lòng mình, vì mải mê với những thú vui thế trần, những hưởng thụ dễ dãi mà không muốn phải sửa đổi những thói hư tật xấu, những “thú dữ” của sa mạc cuộc đời, những cám dỗ vây bủa xung quanh.
Lạy Chúa! chính Chúa đã vào hoang địa để cầu nguyện, chiến đấu và đã chiến thắng, xin cho chúng con trong mùa chay biết thực sự trở về với lòng mình, để qua cầu nguyện, được gắn bó mật thiết với Chúa. Nhờ sức mạnh trợ lực của Chúa, chúng con cùng chiến đấu, chiến thắng với Chúa. Amen.
Én Nhỏ