Thứ hai, 25/11/2024

Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật 4 Thường Niên B

Cập nhật lúc 08:29 28/01/2021
Suy niệm 1
Uy quyền của Chúa Giêsu
Mc 1, 21-28
Uy quyền trong xã hội và Giáo Hội,
Tin mừng hôm nay nói: “Chúa Giêsu vào giảng dạy trong hội đường. Người ta kinh ngạc về giáo lý của Người, vì người giảng dạy như Đấng có quyền”…” Đây là một thứ giáo lý mới ư? Người dung uy quyền mà truyền lệnh cho cả các thần ô uế và chúng vâng lệnh Người”. Đó là vấn đề về uy quyền của Chúa Giêsu được nói đến từ đầu đến cuối của bài Tin mừng hôm nay.
Từ ngữ uy quyền ở đây phải chăng có ngụ ý phải vâng lời người có uy quyền không?. Đã có một thời uy quyền của người đứng đầu được khẳng định đối với vợ con và hang ngũ cấp dưới. Nhưng ngày nay người ta đề cao quyền bình đẳng giữa vợ chồng và đòi giải phóng phụ nữ. Và chúng ta đang trải qua một thời kỳ phẩm trật phân cấp xã hội đến mô hình bình đảng. Tất cả các vị trí cấp bậc uy quyền bị đưa ra tranh cãi: uy quyền của các nhà lãnh đạo trong xã hội và Giáo hội, của người làm chính trị hoặc của người cha trong gia đình. Khi nói: “Chúa Giêsu giảng dạy như Đấng có quyền”, phải chăng muốn nói rằng tất cả chúng ta phải theo Ngài?
Vậy uy quyền là thế nào? Khi nói đến uy quyền của ai đó, người ta thường nghĩ đến người đó có quyền hành gì trong xã hội cũng như trong tôn giáo.
- Nhưng nếu người có quyền sử dụng vũ lực hoặc đe dọa nào để bắt người khác phải nghe theo mình, thì những gì người đó nói không đủ hấp dẫn đối với người cấp dưới.. 
- Người sử dụng sức mạnh hoặc đe dọa chứng tỏ người đó không có uy quyền mà chỉ là sự bất lực.. 
- Khi cha mẹ đe dọa trừng phạt con họ, người ta thường nghĩ rằng cha mẹ đó hành động có thẩm quyền. Nhưng cha mẹ đó không thực sự thể hiện là chính mình, cha mẹ đó không có thẩm quyền vì buộc phải thêm nỗi sợ bị xử phạt để bắt  con cái phải nghe mình.
- Khi hệ thống phẩm trật trong Giáo Hội kích động nỗi sợ hãi hỏa ngục hoặc đe dọa rút phép thông công đối với một người nào đó, thì không phải là thể hiện quyền lực của mình mà là một sự bất lực.
Một "người có uy quyền" không bao giờ sử dụng bất kỳ sức mạnh nào khác ngoài lời nói của mình
- Người đó không tính toán cưỡng chế và không khơi dậy nỗi sợ hãi để người khác phải vâng nghe.
- Người đó cũng không sử dụng sự thuyết phục để chiến thắng người khác. 
- Sử dụng quyền hành là trái ngược với việc đàm phán với cấp dưới. Quyền hành không giúp gì trong các cuộc tranh luận, thậm chí còn làm cho cuộc tranh luận thất bại và đổ vỡ.
Tuy nhiên, nhiều Kitô hữu ngày nay lại có lối sống nghệ thuật thỏa hiệp: Khi một lời trong Tin mừng dường như không hợp lý với họ, họ tìm những lý lẽ để loại bỏ những gì họ không hiểu. Như vậy, họ muốn mình ngang hàng với Thiên Chúa. Họ muốn thoát khỏi uy quyền của Ngài.
Vâng lời đức tin
“Chúa Giêsu giảng dạy như Đấng có quyền, chứ không như các luật sỹ”. Trong hội đường Capharnaum, Chúa Giêsu chỉ là một người bình thường. Ngài không có phương tiện cưỡng chế. Và hôm đó, chỉ bằng sức mạnh lời nói của Ngài, "mà truyền lệnh cả các thần ô uế và chúng vâng lệnh Ngài”.
Chúa Giêsu chứng tỏ Ngài có sức mạnh làm cho điều xấu ở trong con người ra khỏi con người. “Trong hội đường có một người bị thần ô uế ám…Chúa Giêsu quát bảo nó rằng: Hãy im đi và ra khỏi người này”. Và thần ô uế ra khỏi người đó. 
- Chúa Giêsu mạnh hơn chúng ta. 
- Chúa Giêsu có thể trục xuất những gì làm chúng ta tha hóa. 
- Nhưng Ngài chỉ có thể làm được như vậy nếu chúng ta chấp nhận uy quyền của Ngài, nếu chúng ta vâng lời Ngài.
- Chúa Giêsu không muốn chúng ta vâng lời Ngài vì lề luật.
- Ngài muốn chúng chúng ta vâng lời vì đức tin và vì tình yêu.. 
Đức tin cũng là luật của sự vâng lời:
- Đặt mình vào mối tương quan với Chúa Giêsu, chấp nhận được Ngài dẫn dắt  đến nơi chúng ta chưa biết. Nhưng nơi đó chúng ta tin tưởng sẽ được giải thoát khỏi cái ác trong chúng ta. 
- Đặt mình dưới uy quyền của Chúa Giêsu là dần dần thoát khỏi bất kỳ quyền lực nào khác... Khi đó chúng ta sống trong tự do của con cái Chúa.
Tuy nhiên, chúng ta có thực sự muốn điều đó như người bị thần ô uế ám không, hay là chúng ta sợ mất một cuộc sống hưởng thụ thoải mái, vì chúng ta thường bị cám dỗ cho rằng đó là hạnh phúc rồi?
- Chúa Giêsu sẽ không bao giờ sử dụng bất kỳ sự cưỡng chế nào để buộc chúng ta phải theo Ngài. 
- Ngài chỉ cần chúng ta cho Ngài quyền trở thành người dẫn đường chúng ta trong cuộc phiêu lưu của đời sống chúng ta. 
- Ngài muốn chúng ta hoàn toàn tin tưởng chấp nhận phục tùng Đấng đến làm cho chúng ta được tự do. 
Vì thế, chúng ta hãy xin Ngài đánh thức ước muốn được sống dưới sự hướng dẫn của Ngài và ngày này qua ngày khác, chúng ta sẽ sẵn sàng đi theo Ngài.  Lạy Chúa Giêsu, Ánh sáng dịu dàng, xin hãy dẫn con qua mọi đầm lầy của quyền hành độc đoán cho đến khi màn đêm buông xuống. Chúa là Ánh sáng dịu dàng, xin hãy dẫn dắt con luôn tiến xa hơn!
Linh mục Gioan Đặng Văn Nghĩa
=====================
Suy niệm 2
Mc 1, 21 – 28
Đọc bài Tin Mừng xong, chúng ta ghi nhận ba điểm chính để suy niệm sau đây:
1. Ma quỷ là tên gian dối. Hắn phá công trình sáng tạo của Chúa: cám dỗ Ađam và Eva để họ mất quyền làm con Chúa. Nay Đức Giê su đến để đưa loài người trở về làm con Chúa. Vậy mà hắn dám chạy tội và đổ thừa cho Chúa: “Chúng tôi có làm gì liên can đến ông đâu mà ông đến để tiêu diệt chúng tôi?” Tội của hắn rành rành ra đấy mà hắn cứ chối phắt. Dối trá một cách trơ trẽn. Chính vì thế mà Chúa gọi ma quỷ là cha của sự dối trá.
Ma quỷ là cha của sự dối trá. Còn ta thì phải coi chừng kẻo lại là con của sự gian dối: vợ chồng nói dối nhau; anh em cũng nói dối nhau. Báo chí nói dối. Người ta đua nhau nói dối trên mạng… Nói dối đang phát triển không ngừng. Đó là điều mà chúng ta phải quan tâm, phải cảnh giác, phải sám hối. Nói dối biến ma quỷ thành cha và biến chúng ta thành con. Thật là đáng xấu hổ. Xấu hổ mà không biết.
2. Chúa Giê su là Đấng Cứu Thế. Chuyện này đã được bật mí biết bao nhiêu lần rồi, thế mà bây giờ ma quỷ mới biết. Trước hết là sứ thần Gabrien báo cho Đức Mẹ biết là Đức Mẹ sẽ thụ thai một bé trái, tên là Giê su, Ngài là Con của Đấng Tối Cao. Vậy mà ma quỷ không biết. Đức Maria vào miền Nam thăm bà chị là Êlidabét. Hai chị em sống bên nhau ba tháng trời, tâm sự với nhau rất nhiều về Đấng Cứu Thế. Ma quỷ cũng vẫn không biết. Khi Đức Mẹ sinh Chúa ở hang Bêlem, Thiên Thần báo tin cho các mục đồng một cách rõ ràng: “Đấng Cứu Thế đã sinh ra trong hang đá Bêlem”. Thế mà ma quỷ cũng chẳng biết. Khi ông già Simeon ẵm Chúa Hài Nhi và gọi Ngài là Ánh sáng của muôn dân. Ma quỷ cũng chẳng biết. Khi Chúa ăn chay cầu nguyện 40 ngày, ma quỷ mới nghi ngờ Đức Giê su là Đấng Cứu Thế. Hắn thử ba lần, gọi là ba lần cám dỗ, hắn vẫn chưa phát giác được Chúa Giê su là Đấng Cứu Thế. Hắn đành chờ, chờ cho đến hôm nay mới biết: “Bây giờ chúng tôi mới biết ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa”. Hắn ngu đến thế. Vậy mà người ta lại sợ nó. Thậm chí có người còn nói rằng: “Quỷ là hữu thể thông minh như thiên thần. Hắn biết cả quá khứ và tương lai của ta. Hắn biết cả những gì ta đang nghĩ trong lòng”. Yêu cầu những người nói thế, hãy im lặng, vì ma quỷ không thông minh như thế đâu. Không sợ hắn, vì ta có Chúa và yêu Chúa. Còn hắn thì chỉ biết Chúa khi Chúa đã 30 tuổi và khai mạc sự nghiệp truyền giáo.
3. Khi ma quỷ tuyên xưng Chúa là Đấng Thánh, Chúa ra lệnh bắt hắn câm miệng. Tuyên xưng Đức Giê su là Con Thiên Chúa, đó là chân lý, đó là truyền giáo. Nhưng ma quỷ tuyên xưng Chúa như thế không phải là truyền giáo, mà là phá hoại công việc của Chúa, làm cớ cho các Kinh sư biệt phái làm khổ Chúa và cản trở công việc rao giảng của Chúa. Truyền giáo kiểu đó là truyền giáo đểu. Đó là vấn đề lớn cần cảnh giác. Truyền đạo và khoe đạo nghịch nhau. Ca tụng Chúa để Chúa bị làm khó thì không phải là truyền giáo. Truyền giáo thì làm nhiều việc tốt, nhưng phải âm thầm và khiêm nhu.
Linh mục Piô Ngô Phúc Hậu
=====================
Suy niệm 3
“Lời Chúa Là Đèn Soi Cho Con Bước”
Sau khi tuyển chọn các môn đệ, Chúa Giêsu đã bắt đầu sứ mạng cứu thế. Ngài giảng dạy trong hội đường ở Capharnaum vào ngày Sabat khiến “thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Người ”. Hành động trừ quỷ làm cho “mọi người kinh ngạc”. Chúa Giêsu là Thiên Chúa, Ngài có quyền năng và có sức mạnh chữa lành bệnh tật, xua đuổi ma quỷ và tẩy trừ tội lỗi để cứu chuộc loài người. Ngài tha tội và chữa lành thương tích trong tâm hồn con người. Dân chúng ngưỡng mộ, sửng sốt, kinh ngạc, thán phục và tuôn đến với Ngài.
1. Sửng sốt về lời giảng dạy
Chúa Giêsu vào hội đường ngày Sabat. Vì là thành phần của dân giao ước nên mọi người trong hội đường đều có quyền đọc và bình giảng một đoạn sách Thánh nào đó. Chúa Giêsu đọc sách và giảng dạy dân chúng. Thánh Maccô không cho biết Chúa đọc đoạn sách nào, cũng không nhắc đến nội dung giảng dạy hôm ấy. Maccô chỉ kể “Thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Người, vì Người giảng dạy như một Đấng có uy quyền, chứ không như các kinh sư”. Thiên hạ ngạc nhiên trước một kinh sư trẻ tuổi, phong thái giảng dạy như một Đấng có uy quyền khác với các kinh sư luật sĩ. Các kinh sư, là những người chuyên học hỏi Luật Môsê và dạy dỗ dân chúng, khi giảng dạy luôn dựa vào lời các bậc thầy nổi tiếng, càng ngược lên tới gần Môsê thì càng có giá trị. Còn Chúa Giêsu thì giảng dạy như Đấng có uy quyền: các người đã nghe…còn Tôi, Tôi bảo các ngươi…
Thiên hạ kinh ngạc vì chính quyền năng mà Chúa Giêsu dùng trong lời giảng dạy. Ngài giảng bằng năng quyền. Trong khi đó, các kinh sư thường dựa vào những lời trích dẫn từ các thầy thông luật vĩ đại trong quá khứ để hỗ trợ cho câu nói của mình. Điều này cho thấy có sự phân biệt giữa quyền năng và ảnh hưởng, giữa sức mạnh và sự kiểm soát. Một số người có quyền năng về mặt luân lý, nhưng lại không hề có sức mạnh; có người gây ảnh hưởng nhất, nhưng lại không cần phải kiểm soát những người mà họ gây ảnh hưởng. Một người có thể có tất cả quyền năng trên trần gian, lại vẫn thất bại trong vai trò của một người giảng dạy.
Thiên hạ còn kinh ngạc về giáo lý của Người. Giáo lý vừa đi vào nội tâm, vừa có một nội dung ưu việt hơn những bài học luân lý Cựu ước. Họ sửng sốt kinh ngạc là phải, bởi lẽ Chúa Giêsu không giải thích truyền thống của cha ông nhưng là giáo huấn của Chúa Cha. Người không công bố lề luật nhưng công bố Nước Thiên Chúa đã đến gần. Người xuất hiện như Đấng mang lấy thẩm quyền của chính Thiên Chúa tối cao và là Đấng ban lề luật mới là Tin Mừng và là Thần Khí.
2. Kinh ngạc vì uy quyền trong hành động
Chúa Giêsu giảng dạy và thiết lập Nước Thiên Chúa bằng hành động thực hiện nội dung lời rao giảng. Trong hội đường hôm ấy, có một người bị thần ô uế ám. Thấy Chúa Giêsu, satan run sợ. Đối diện với Đấng quyền năng, satan sợ hãi: “Ông đến để tiêu diệt chúng tôi chăng?”. Nó tuyên xưng “Tôi biết ông là ai. Ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa”. Chúa bắt nó phải im ngay và Ngài dùng quyền năng trục xuất nó ra khỏi nạn nhân. Satan bị án phạt đời đời vì tội kiêu căng, tội gieo nọc độc cho Nguyên Tổ trong vườn địa đàng. Thiên Chúa không cho satan có quyền hành gì trên con người, trừ khi con người tự nguyện trở thành nô lệ.
Chúa Giêsu có quyền xoá bỏ tội lỗi cho con người. Ngài có quyền trên quỷ ô uế và thần dữ, bắt chúng vâng phục. Ngài ra lệnh cho chúng và chúng sợ hãi la lớn tiếng. Một uy quyền khác cũng cho biết Ngài có toàn quyền trên thế giới thiên nhiên khi thuyền chìm giữa biển vì sóng to gió lớn, các tông đồ sợ hãi kêu cầu và Ngài truyền lệnh cho sóng gió ngưng lại. 
Chúa Giêsu là Đấng đầy uy quyền trong lời nói và nhiều hiệu năng trong hành động. Ngài đã giải thoát nhân loại khỏi ách thống trị của sự dữ. Con người được giải thoát khỏi ách nô lệ của bản năng và của sự ác để sống trong tự do của con cái Thiên Chúa. Đấng Thánh của Thiên Chúa, Đấng trong sạch vẹn tuyền đã đẩy lui và tiêu diệt sức mạnh satan.
Ma quỉ là một quyền lực cụ thể đang hoành hành trên thế giới. Người ta có thể gọi tên quyền lực này là Belzebuth, Lucifer, Belial, là con rắn xưa, là tên dối trá, tên cám dỗ… Tất cả đều chỉ thực tại duy nhất muốn phá vỡ kế hoạch Thiên Chúa và đưa con người vào nô lệ.
Nhìn vào thế giới hôm nay, chúng ta thấy biết bao hình thái nô lệ, biết bao xiềng xích của ác thần đang trói buộc con người. Điều kinh khủng là người ta không nhận ra mình đang bị nô lệ. Nô lệ cho quyền lực như Hitler, Pônpôt... Nô lệ cho tình dục, nô lệ cho ma túy, nô lệ cho cờ bạc rượu chè. Nô lệ cho mọi thứ chủ nghĩa cực đoan, mọi thứ cuồng tín tôn giáo. Nô lệ là thứ tự do giả hiệu mà ma quỷ luôn quảng cáo và muốn mời mọc con người. Ma quỷ thường được vẽ như con vật xấu xí đáng sợ, nếu thế thì con người dễ nhận ra nó và nó khó cám dỗ được. Nhưng thực tế, ma quỉ mang dáng dấp xinh đẹp, hấp dẫn, sang trọng. Nó tấn công bằng những thủ đoạn tinh tế ngọt ngào. Nó nắm rõ yếu điểm từng cá nhân từng tập thể để tấn công và mong hạ gục. Người ta tin vào những ngôi sao số mệnh, cầu cơ, bói toán, lá số tử vi. Tin vào những cái vô tri dẫn đến mê tín dị đoan sẽ làm nô lệ cho ma quỷ. Ngày nay nhiều người không còn tin vào sự hiện hữu của ma quỉ, đó là thành công lớn của ma quỉ.
Sứ mạng của Chúa Giêsu là giải thoát con người khỏi mọi hình thức vong thân và tha hóa. Cuộc đời Kitô hữu là một cuộc chiến chống lại cám dỗ và loại trừ sự dữ. Sống theo Chúa Giêsu, con người sẽ không bao giờ nô lệ cho bản năng và ma quỉ.
3. Lời Chúa là đèn soi cho con bước
Tin mừng hôm nay cho thấy hiệu lực phi thường của Lời Chúa. Lời Chúa giảng dạy làm mọi người sửng sốt thán phục. Lời Chúa uy quyền phán ra khiến thần ô uế phải tuân phục; Lời Chúa khiến thần ô uế phải tuyên xưng Chúa là Đấng Thánh của Thiên Chúa.
Là Kitô hữu, chúng ta phải đem Lời Chúa vào tâm hồn mình và làm cho nó trổ sinh hoa trái tốt. Là Kitô hữu, chúng ta cần học hỏi, suy niệm và sống Lời Chúa, để khám phá ra sự mới mẻ của Lời Người, đồng thời nhận ra quyền năng Chúa tỏ bày trong vũ trụ. Courtois khẳng định: “Nếu chúng ta khiêm nhu sống Lời Chúa trong môi trường của mỗi người, chúng ta sẽ âm thầm trở nên “muối, men” cho cả nhân loại vì “ánh sáng” của những người sống Lời Chúa chiếu tỏ xa hơn người ta tưởng rất nhiều”.
Sống Lời Chúa chính là soi mình vào tấm gương Chúa Giêsu để tìm cho mình một phong cách đẹp nhất, vì:“Lời Chúa là đèn soi cho con bước, là ánh áng chỉ đường cho con đi” (Tv 118, 105).
“Là Kitô hữu, chúng ta phải luôn dựa vào giáo huấn của Chúa Giêsu qua huấn quyền của Hội Thánh; Chúa Giêsu bảo đảm, chân lý của Ngài được nói qua Hội Thánh. Do đó, Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, cuộc đời các thánh và sự khôn ngoan của Đức Thánh Cha và các Giám Mục phải luôn luôn được sử dụng làm nền tảng cho tất cả những gì chúng ta thụ huấn. Thứ đến, trong mọi đấng bậc, chúng ta là những người rao giảng; chúng ta chịu trách nhiệm về điều mình rao giảng. Lời rao giảng của chúng ta phải đặt nền tảng trên thẩm quyền của Hội Thánh, cụ thể là đấng bản quyền; nội dung chúng ta rao giảng là Chúa Giêsu, Lời Ngài và Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo. Nhờ hiệp thông với Hội Thánh và cầu nguyện, những gì chúng ta rao giảng phải được phân định và chiếu soi bởi Thánh Thần…” (Lm Minh Anh).
Đức cha Matthêu Nguyễn Văn Khôi khuyên các linh mục:Các con nhận thánh chức linh mục để thi hành chính sứ vụ cứu độ mà Đức Kitô đã thực hiện và ủy thác cho Hội Thánh. Sứ vụ ấy bao gồm ba nhiệm vụ chính, đó là giáo huấn với tư cách là thầy, thánh hóa với tư cách là tư tế và cai quản với tư cách là mục tử và thủ lãnh.Để thi hành nhiệm vụ giáo huấn trong Đức Kitô là Thầy, các con hãy siêng năng đón nhận Lời Chúa bằng việc lắng nghe và suy niệm trong lòng, rồi đem phân phát cho dân Chúa bằng lời giảng dạy. Hãy chuẩn bị bài giảng thánh lễ mỗi ngày thật chu đáo, để có thể làm cho Lời Chúa trở nên lương thực hàng ngày cho dân Chúa. Bài giảng thánh lễ phải ưu tiên tập trung vào Lời Chúa và giáo huấn của Hội Thánh. Không được tục hóa bài giảng bằng những nội dung và lời lẽ không phù hợp với sự thánh thiêng của phụng vụ Lời Chúa. Càng không được dùng tòa giảng để làm nơi phê bình chỉ trích cá nhân. Để cho lời giảng dạy có sức đánh động lòng người, các con cần có gương sáng đời sống thánh thiện đi kèm, vì người ta thích nhìn thấy bài giảng hơn là chỉ nghe bài giảng”.(x.Bài giảng lễ Truyền Chức Linh Mục, ngày 07.01.2021, tại Gp Quy Nhơn).
Chúng ta hãy cầu xin cho các mục tử biết noi gương Chúa Giêsu, vị Tôn sư khả kính đã giảng dạy như một Đấng có uy quyền, uy quyền của tình yêu và sự chữa lành.
Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới năm 2008 mời gọi: “Hãy để Lời Chúa vang lên lúc khởi đầu ngày sống, ngõ hầu Chúa là người nói đầu hết. Hãy để Lời Chúa vang vọng trong anh chị em vào buổi tối, để Chúa là người nói cuối cùng”. Chúng ta hãy ghi nhận và thực hiện lời mời gọi này để mỗi người, gia đình và cộng đoàn được Lời Chúa hướng dẫn mỗi ngày.
Xin Chúa cho chúng con sống tâm niệm lời Thánh Vịnh: “Hôm nay, ước gì anh em nghe tiếng Chúa. Người phán: Anh em đừng cứng lòng nữa”.
Linh  mục Giuse Nguyễn Hữu An
=====================
Suy niệm 4
Chỉ có Chúa là Đấng toàn năng và là Thánh
(Mc 1, 21-28)

Nếu như Chúa nhật III Thường niên, Đức Giêsu đã kêu gọi người ta hoán cải và tin theo Chúa (x. Mc 1, 14-20), thì Chúa nhật IV, Sứ vụ Thiên sai tiếp tục được thi hành. Người chữa lành những người bị quỉ ám, nhưng Lời Người là Chân lý, nên được lan truyền khắp mọi nơi một cách nhanh chóng, khiến cho những người mù sáng mắt, người què đi được, người điếc nghe được, nói chung là vui mừng sung sướng ; mọi người đều...thán phục Người ; các thần ô uế phải vâng lệnh (x. Mc 1, 21-28).
Chiêu mộ các môn đệ xong, Chúa Giêsu cùng với các ông tới Capharnaum. Tại hội đường, nơi cộng đoàn tụ họp để lắng nghe Lời Chúa và phổ biến Luật cũng như lời các Tiên tri, lần đầu tiên các môn đệ được nghe Chúa Giêsu giảng dạy (x. Mc 1, 21-22).
Hơn cả luật sĩ
Chúa Giêsu giảng dạy như Đấng có quyền, mọi ánh mắt của những người có mặt ở đó đổ dồn vào Người, còn thần ô uế thì buộc phải vâng lệnh và xuất ra khỏi người nó ám. Giáo huấn của Chúa Giêsu tương phản với lời giảng dạy của các thầy thông luật, dù họ chuyên về Kinh Thánh (Mc 1, 22).
Điều gì mới chăng ? Thưa không, Người không dạy điều gì mới mẻ hoặc trái với giáo lý, cũng không mang đến một giáo lý mới. Chính uy nguyền và phong cảnh giảng dạy làm người ta khám phá ra cái mới. "Mới" là vì uy quyền của Người trên các thần ô uế : "Chúng vâng lệnh Người "(x. Mc 1, 25-26). Chúa Giêsu không tiếp chuyện, hay tranh luận với thần ô uế. Người đoạn tuyệt đối thoại với chúng. Và ta sẽ thấy câu trả lời vào cuối trình thuật cám dỗ trong hoang địa. Chúa Giêsu khẳng định: "Người là Chân Lý ".
Hơn một Tiên tri
Bài đọc I trích sách Đệ Nhị Luật (Đnl 18, 15-20), Môisen được coi là vị ngôn sứ vĩ đại nhất trong số các ngôn sứ; ông là trung gian giữa Thiên Chúa với loài người. Trung gian cần thiết, vì dân chúng sợ mặc khải trực tiếp từ Thiên Chúa nên họ nói : "Tôi không muốn thấy ngọn lửa vĩ đại này nữa, kẻo tôi phải chết " (Đnl 18, 16).
Và đây là những điều Môisen được biết và công bố. Chúa phán : "Ta sẽ gầy dựng giữa anh em của họ một tiên tri như ngươi " (Đnl 18, 15); Chúa sẽ đặt vào miệng vị đó những lời của Chúa, vị ấy sẽ nói cho dân lệnh Chúa truyền. Và nếu kẻ nào không nghe lời của Chúa qua miệng người ấy sẽ nói nhân danh Chúa, kẻ ấy sẽ chuốc lấy hậu quả thích đáng, như Chúa quả quyết: "chính Ta, Ta sẽ tính số với nó"(Đnl 18, 19)Từ chối Môisen hay một tiên tri là từ chối chính Chúa.
Dân sẽ mượn miệng ông, giọng nói của ông, để thân thưa với Thiên Chúa. Một cách nào đó, người ấy không thể nói điều gì khác hơn là Lời Thiên Chúa. Cuộc sống của ông là một cuộc sống hoàn toàn tùy thuộc vào Thiên Chúa.
Qua đoạn sách Đệ Nhị Luật, phụng vụ giúp chúng ta đọc lời nói đầu thể hiện sứ vụ công khai của Chúa Giêsu, Người hơn cả hơn Môisen: " Người giảng dạy người ta như Đấng có uy quyền " (Mc 1,22), Người là "Đấng Thánh của Thiên Chúa" (Mc 1, 24).
Cuộc chiến giữa Chúa Giêsu và thần ô uế
Tiếng thét của người bị thần ô uế ám và dằn vặt, nay được Chúa trừ là tiếng thét hư vô, không có nguồn gốc và không có Thiên Chúa. Chúa Giêsu không chạm vào người này, Người cũng không thuyết phục hắn. Người nói chuyện trực tiếp với hắn lúc Lời Chúa bị mắc kẹt trong sa mạc bởi sự dữ, bạo lực và tà thần, mỗi người chúng ta phải thường xuyên kiên trì chiến đấu.
Điều thần ô uế nói trong hội đường như thể nó tuyên xưng Đức Giêsu là Chúa. Nhưng nó bị Chúa Giêsu quát và bảo : "Hãy im đi!" (Mc 1, 25). Như sách Đệ Nhị Luật đã nói (18, 19) chúng ta phải biết nghe lời Chúa, trong hành động của đức tin, đức cậy để lời ấy có thể triển nở trong ta, đụng chạm đến chúng ta, biến đổi chúng ta và hiệp nhất chúng ta...
Sự im lặng bắt buộc này có nghĩa là không còn thời gian nữa. Sự viễn mãn tràn đầy thánh thiện và ơn cứu độ mà Chúa Giêsu mang đến nhờ sự chết và phục sinh. Vì Người là " Đấng thánh của Thiên Chúa " (Mc 1, 24).
Đấng Thánh của Thiên Chúa 
Trong thời đại dịch, người ta đặt câu hỏi "tại sao?" Tại sao thế giới lại rơi vào hố sâu tuyệt vọng, bất lực trước 1 con siêu vi khuẩn vô hình này? Tại sao Thiên Chúa lại không can thiệp khi con người kêu cầu trong đau đớn và thậm chí có người sợ hãi thất vọng? Vậy quyền năng Chúa ở đâu?
Chúng ta phải khẳng định rằng, nhiều người đã nhiều lần yêu cầu Chúa ra khỏi đời sống, mời Chúa ra khỏi trường học, khỏi chính phủ và họ không kêu cầu Chúa nữa. Chiều lòng người, Chúa lẳng lặng rút lui. Như thế thì sao có thể mong Chúa ban ơn và che chở khi con người khẩn thiết xin Chúa mặc kệ chúng ta?  Ma quỉ đã từng nói với Chúa Giêsu: "Có chuyện gì giữa chúng tôi và ông?" (Mc 1, 25) 
Trong cơn đại dịch, con người bị khủng hoảng về sức khỏe. Lúc con người tuyệt vọng thì bắt đầu cúi mình trước Thiên Chúa. Nhiều vị lãnh đạo trên thế giới nắm tay nhau để cầu nguyện và xin Chúa chúc lành, vì giờ đây họ tin rằng chỉ có Thiên Chúa là Đấng duy nhất có thể cứu giúp nhân loại đang trong cơn khốn đốn.
Phải chăng Thiên Chúa muốn chúng ta khiêm tốn nhận ra rằng sự hiểu biết, khôn ngoan của con người là giới hạn và cuộc sống danh vọng, tiền tài ở trần gian chỉ là hư vô. Chỉ có Chúa là Đấng quyền năng và là Thánh.
Lạy Chúa là Thiên Chúa quyền năng, chúng con tin tưởng, cậy trông, phó thác vào Chúa. Amen.

Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ

=====================
Suy niệm 5

LỜI THIÊN CHÚA vs LỜI NGƯỜI TA

Kính thưa quý cộng đoàn Phụng vụ! Năm mới cũng mới sang, nhưng mọi thứ bất ổn, tai ương vẫn đang rình chờ thế giới nói chung, và chúng ta nói riêng. Hằng ngày, chúng ta dùng lời ăn, tiếng nói, dùng ngôn từ, lý lẽ để truyền tải suy nghĩ, ý tưởng, hầu liên kết với mọi người. Tuy nhiên, đôi lúc chúng ta chỉ nói mà không làm, hoặc chẳng giữ lời mình nói, “ngôn hành bất nhất”, tất bật hành tung. Thế nhưng, Lời Chúa trong đời sống chúng ta hằng vang vọng, và tác động mạnh mẽ đến chúng ta.
Theo sách Đệ Nhị Luật, Thiên Chúa sẽ gầy dựng và ban cho dân Chúa một ngôn sứ, và vị ngôn sứ này nhân danh Chúa mà nói những gì Ngài truyền. Vì vậy, ngôn sứ còn được gọi là “thiên khẩu” (cái miệng của Thiên Chúa). Tất cả lời lẽ của vị tiên tri đều bắt nguồn từ Thiên Chúa, còn ai tự phụ nhân danh Chúa mà nói lời của riêng mình, hoặc mượn danh các thần khác mà nói, thì hậu quả khôn lường “và nếu kẻ nào không nghe lời của Ta mà ngươi sẽ nói nhân danh Ta, chính Ta sẽ xét xử nó…” (Đnl 18, 19). Tương tự, Thánh Phao-lô cũng dùng lời Chúa khuyên nhủ, răn dạy giáo đoàn Cô-rin-tô về việc hết lòng phục vụ Chúa, sống lo liệu chứ không lo lắng bận tâm, và hướng dẫn họ đến đời sống đoan chính, gắn bó thiết tha với Chúa mà không bị giằng co (x. 1Cr 7, 32.35). Vì lẽ “tất cả những gì viết trong Sách Thánh đều do Thiên Chúa linh hứng, và có ích cho việc giảng dạy, biện bác, sửa dạy, giáo dục để trở nên công chính” (2Tm 3, 16).
Hơn nữa, lời uy quyền này không phải qua trung gian như Mô-sê, hay các tiên tri xưa kia, mà chính từ Ngôi Lời, Con Thiên Chúa xuống thế làm người, là Lời của Thiên Chúa. Do đó, khi Đức Giê-su trở về quê Na-da-rét, Ngài tuân giữ lề luật, vào hội đường lắng nghe và giảng dạy, thì ai nấy đều sửng sốt về Ngài, “người ta kinh ngạc về giáo lý của Ngài, vì Ngài giảng dạy như Đấng có uy quyền, chứ không như các luật sĩ” (Mc 1, 22). Thời ấy, dân chúng còn chưa biết rõ thân phận của Ngài, nên họ phản ứng theo lệ thường dễ hiểu. Còn nay, chúng ta đã thông hiểu Đức Giê-su chính là Lời, Đấng trực tiếp thông truyền, chuyển tải, chuyện trò, hướng dẫn, dạy dỗ chúng ta mỗi lúc, đặc biệt khi đọc và suy gẫm Lời Chúa, lúc tham dự Thánh lễ, lãnh nhận các Bí tích và qua các biến cố trong đời sống thường nhật, trong gia đình, trong cộng đoàn, giáo xứ, hội dòng, v.v…, mà chúng ta vẫn là người đứng ngoài, không biết đón nhận sao! Mỗi lúc chúng ta tiếp xúc với Lời Chúa, lắng nghe, học hỏi và sống Lời Chúa qua Giáo hội, qua các thừa tác viên có chức thánh…, thì chính Đức Giê-su Ki-tô là Lời, trực tiếp ‘hàn thuyên’, thông truyền, răn dạy chúng ta. Thay vì chỉ sửng sốt, ngạc nhiên, chúng ta cần biết nhận ra, mở lòng đón nhận, ghi tạc trong tâm trí và thực hành Lời Chúa cách cụ thể trong mọi trạng huống cuộc đời.
Nhờ Lời uy quyền, ma quỷ khiếp run và tuân thủ ngay lập tức, “Chúa Giê-su quát bảo nó rằng: “Hãy im đi và ra khỏi người này! Thần ô uế liền dằn vặt người ấy, thét một tiếng lớn, rồi xuất khỏi người ấy” (Mc 1, 25-26); còn nữa “Ngài dùng uy quyền mà truyền lệnh cho cả thần ô uế và chúng vâng lệnh Ngài” (Mc 1, 27). Trong đoạn trần thuật bài Tin Mừng hôm nay, thần ô uế (ma quỷ) biết rõ và công bố danh tính của Đức Giê-su, nhưng tại sao Ngài bắt chúng im lặng? “Tôi biết ông là ai, là Đấng Thánh của Thiên Chúa” (x. Mc 1, 24). Đơn giản vì có lẽ chúng biết Ngài, nhưng chúng chẳng bao giờ thờ lạy, phụng sự Ngài, và hơn thế, chúng còn xúi giục, sai khiên, lôi kéo con người chúng ta theo chúng, mà chẳng chịu tuân phục và vâng theo Thiên Chúa. Do đó, Đức Giê-su là Lời, bắt chúng câm nín, và nhờ Lời uy quyền này mà giải thoát người bị ám nói riêng, và cứu rỗi chúng ta nói chung. Cứ mỗi ngày, trong từng giây phút cuộc sống, Lời Chúa và vô vàn lời khác từ xã hội, từ thế giới, từ các lĩnh vực chuyên môn, lời bạn bè, lời mời mọc, lời người ta, v.v…diễn ra cùng một lúc, đòi hỏi chúng ta phải biện phân và phân định đâu là Lời uy quyền, đâu là Lời cứu độ, hầu tránh được lời lẽ mỹ miều dẫn đến hư vô, lời trần thế dối gian, và lời ‘hương thoảng gió bay’ để lại biết bao điều tổn hại, thương đau v.v…Duy chỉ Lời Chúa mới chính trực, công minh, cứu rỗi con người và giải thoát lời con người chúng ta khỏi cạm bẫy mơ hồ, ‘một dạ hai lòng’, đầy gian dối.
Lạy Chúa, xin cho Lời Ngài
Thắm đượm lòng con, lắng tai đón nhận.
Mở rộng tâm trí ân cần
Biện phân, phân định muôn phần chứa chan.
Lời Chúa trao ban bình an
Giữa muôn lời nói tràn lan mỗi ngày.
Lời Chúa nắm chặt đôi tay
Dẫn con về bến lạ thay ân tình. Amen!

Lm. Xuân Hy Vọng

=====================
Suy niệm 6
Vâng lệnh Chúa truyền
Mc 1, 21-28
Ngày sa-bát, Chúa Giê-su vào hội đường giảng dạy. Tại đây, có một người bị thần ô uế nhập, la lên rằng: "Ông Giê-su Na-da-rét, chuyện chúng tôi can gì đến ông mà ông đến tiêu diệt chúng tôi? Tôi biết ông là ai rồi: ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa!" Nhưng Đức Giê-su quát mắng nó: "Câm đi, hãy xuất khỏi người này!" Thần ô uế lay mạnh người ấy, thét lên một tiếng, và xuất khỏi anh ta.”
Quỷ đã vâng lệnh Chúa Giê-su tức khắc, không chần chừ.
Đây không phải là trường hợp duy nhất mà chỉ là một trong rất nhiều trường hợp khác, chẳng hạn như:
“Khi Chúa Giê-su và các môn đệ sang tới bờ bên kia Biển Hồ, vùng đất của dân Ghê-ra-sa. Ngài vừa ra khỏi thuyền, thì từ đám mồ mả, có một kẻ bị thần ô uế ám liền ra đón Ngài. Anh này thường sống trong đám mồ mả và không ai có thể trói anh ta lại được, dầu phải dùng đến cả xiềng xích. Thật vậy, nhiều lần anh bị gông cùm và bị xiềng xích, nhưng anh đã bẻ gãy xiềng xích, và đập tan gông cùm. Và không ai có thể kiềm chế anh được. Suốt đêm ngày, anh ta cứ ở trong đám mồ mả và trên núi đồi, tru tréo và lấy đá đập vào mình.”
Có cả một cơ binh quỷ sứ đã nhập vào anh và đã hành hạ anh như thế. Thế rồi, khi nghe lời Chúa Giê-su truyền dạy, cả đoàn quỷ dữ này liền xuất khỏi anh ta và lao xuống biển. (Mc 5, 1-20).
Cả bốn sách Tin mừng đã nhiều lần thuật lại việc Chúa Giê-su trừ nhiều thứ quỷ xâm nhập và hãm  hại nhiều người. Ngài chỉ dùng lời quyền năng của Ngài truyền cho quỷ phải xuất ra và chưa từng có con quỷ nào kháng cự hay bất tuân.
Trong mọi trường hợp, quỷ luôn luôn vâng lệnh Chúa Giê-su, răm rắp làm theo lời Chúa Giê-su truyền dạy.
Ma quỷ là loài bị người ta khinh dể nhất, cho là đồ yêu tinh, là đồ quỷ sứ, là loài yêu quái… vậy mà chúng biết vâng phục lời Chúa truyền dạy, rất ngoan ngoãn và ngay lập tức.
Thế nhưng khi Chúa Giê-su dùng lời Ngài phán bảo con người: Các người đừng gian tham,
thì người ta tiếp tục gian tham; Chúa bảo đừng trộm cắp, đừng ngoại tình, thì người ta vẫn cứ trộm cướp, ngoại tình; Chúa bảo đừng giận hờn, ghen ghét… thì nhiều người vẫn trơ trơ như đá, chẳng vâng lời Chúa phán dạy. Những người như thế còn cứng đầu, chai đá hơn ma quỷ nhiều.
Điều đáng cho chúng ta suy nghĩ là:
Không con quỷ nào mà không vâng lời Chúa Giê-su;
Không con quỷ nào kháng cự lại Chúa Giê-su;
Quỷ nào cũng răm rắp vâng lệnh Chúa Giê-su truyền…
Ma quỷ còn biết vâng lệnh Chúa, lẽ nào chúng ta lại cứ trơ trơ!
Lạy Chúa Giê-su,
Chúng con là con yêu quý của Thiên Chúa Cha, được Thiên Chúa Cha tuyển chọn và yêu mến; là người được Chúa đổ máu ra mà cứu chuộc, được tháp nhập vào Thân Mình Chúa để trở nên chi thể của Ngài, được Chúa Thánh Thần là Thầy dạy thường xuyên soi sáng và dạy dỗ… lẽ nào chúng con không bằng ma quỷ trong việc vâng lệnh Chúa truyền sao!
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
=====================
Suy niệm 7
CHÚA UY QUYỀN

Dnl 18, 15-20; 1Cr 7,32-35; Mc 1, 21-28
Ngày Sabát, Đức Giêsu xuống Caphacnaum giảng dạy dân chúng. Họ sửng sốt về cách giảng dạy của Người, vì lời của Người có uy quyền. Giáo lý của Người thì mới mẻ, không như các kinh sư. Người lấy những hình ảnh cụ thể, dễ hiểu bằng dụ ngôn, lại có phép lạ kèm theo, nên người nghe phải bỡ ngỡ, thán phục và lời Người có sức hút thật mạnh mẽ với dân chúng.
Trong hội đường hôm nay có một người bị quỷ ô uế nhập, có sự hiện diện của Đức Giêsu hắn phải tru tréo la to: “Ông Giêsu Nazaret, chuyện chúng tôi can gì đến ông, mà ông đến tiêu diệt chúng tôi? Tôi biết ông là ai rồi: ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa!” (Mc 1,24). Quỷ biết rõ về Chúa hơn con cái loài người, nhưng lại khiếp sợ sự hiện diện của Chúa nên vừa “tuyên xưng” vừa hốt hoảng “trốn chạy”. Cái biết của quỷ không dẫn đưa tới lòng mến, yêu thương. Ngày xưa quỷ từng là thụ tạo xinh đẹp linh thiêng, nhưng vì một phen cậy mình kiêu căng mà chống đối, rồi phải nhận hậu quả không thể lấy lại được, vĩnh viễn phải ở trong “tăm tối” và không được phép “đội trời chung” với Thiên Chúa. Quỷ biết rõ về Chúa hơn con cái loài người, nhưng lại thích “đi con đường riêng” của mình, nên dẫn đến hậu quả là phải… ở riêng, đời đời xa cách Thiên Chúa. Dù quỷ tuyên xưng “ông là Đấng Thánh”, nhưng hắn không thể tồn tại, bất cứ nơi đâu có sự hiện diện của Đức Giêsu: “Nhưng Đức Giêsu quát mắng nó: “Câm đi, hãy xuất khỏi người này!” Thần ô uế lay mạnh người ấy, thét lên một tiếng, và xuất khỏi anh ta”. (Mc 1,25). Hắn phải trục xuất khỏi con người theo lệnh của Đức Giêsu.
Sau phép lạ trục xuất quỷ ấy, mọi người kinh ngạc bảo nhau: “Thế nghĩa là gì? Giáo lý thì mới mẻ, người dạy lại có uy quyền. Ông ấy ra lệnh cho cả các thần ô uế và chúng phải tuân lệnh!” (Mc 1, 27). Vì họ chứng kiến phép lạ nên biết về Người, nhưng chỉ là cái biết bề ngoài. “Ông ấy” dù có uy quyền thì cũng chỉ là con bác thợ mộc mà thôi.
Lạy Chúa! xin cho con biết Chúa, xin cho con biết con. Xin giúp chúng con luôn nhìn lại mình để biết đang có thứ quỷ nào bên trong. Sức chúng con chẳng làm gì được, nhưng nếu chúng con đón Chúa vào cuộc đời, sức mạnh uy quyền của Chúa sẽ thực hiện và giải thoát chúng con: “Đức Giêsu quát mắng nó: “Câm đi, hãy xuất khỏi người này!”
Én Nhỏ
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log