Thứ hai, 25/11/2024

Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật Lễ Lá

Cập nhật lúc 08:00 25/03/2021
Đây là Người
Mc 14,1-15, 47
 Họ che mặt Chúa Giêsu bằng một tấm vải trùm. Khuôn mặt của Con Thiên Chúa bị che giấu. 
- Tấm màn che lên mặt tối của nhân loại.
- Tất cả các thế lực thần chết mà con người che giấu trong mình xuất hiện dưới ánh sáng ban ngày. 
- Tất cả các thế lực thần chết nổi lên dữ dội giữa những con người đang ra sức làm khổ chống lại Chúa Giêsu:
- Giuđa đã chọn đảng phái của quyền lực và tiền bạc. 
- Phê-ro nói dối và phản bội. 
- Các thượng tế ghen tị, muốn bằng mọi giá loại bỏ kẻ có nguy cơ cạnh tranh với họ trong mắt đám đông. 
- Philatô thấy rõ chính vì ghen tị mà người ta nộp Chúa Giêsu, nhưng ông không muốn mạo hiểm một cuộc xung đột với các nhà lãnh đạo tôn giáo. 
- Sự kiêu ngạo, hèn nhát, sợ hãi, chạy trốn, nếm trải quyền lực, ghen tị, dối trá, bất công đổ dồn chống lại Chúa Giêsu. 
- Và hết lần này đến lần khác: những người lính tận dụng cơ hội để nhổ, tát, làm nhục kẻ yếu được trao vào tay họ.
Thế giới hôm nay cũng có những cảnh tượng tương tự như vậy: đàn áp người vô tội!
Họ che mặt Chúa Giêsu bằng một tấm vải trùm. Khuôn mặt của Con Thiên Chúa bị che giấu. 
- Tấm màn che lên mặt tối của nhân loại.
- Đây là người! Đây là bộ mặt thật của con người! Cảnh tượng không thể chịu nổi! 
- Chúng ta muốn che giấu khuôn mặt của mình, nhìn đi chỗ khác...
- Chúng ta không thích mặt tối của nhân loại xuất hiện dưới ánh sáng ban ngày.
Chúa Giêsu đã nói: Tất cả những gì tối nghĩa sẽ được đưa ra ánh sáng. Đây là Người!
- Đây là những thế lực hủy diệt trong trái tim con người, khi nhân loại và mỗi người chúng ta muốn trở thành chủ nhân của chính mình, phục vụ cho chính mình và loại trừ Thiên Chúa. 
- Đây là những gì còn tồn tại trong nhân loại và trong mỗi người!
- Đây là những gì tôi chỉ có mình tôi. 
- Đây là những gì tôi không có Chúa.
Nhưng trong giờ này khi bóng tối bao trùm trái đất, trước mắt tôi, đây là Con Thiên Chúa, Khuôn Mặt Thánh, khuôn mặt sáng ngời của con người, khuôn mặt của Thiên Chúa!
Vào thời điểm mà tất cả các thế lực của cái chết đổ dồn vào Chúa Giêsu, Chúa Giêsu vẫn ở trong Thiên Chúa"Lạy Cha, xin theo ý Cha, đừng theo ý Con”!
- Chúa Giêsu vâng lời cho đến chết và chết trên Thập giá. 
- Chúa Giêsu thích vâng lời Cha Ngài. 
Các thượng tế và các luật sỹ nhạo báng Chúa Giêsu và nói: "Nó đã cứu được những kẻ khác mà không tự cứu mình”
- Không, Chúa Giêsu không thể điều đó, không muốn điều đó. và Ngài sẽ không làm điều đó. Ngài sẽ không đi ra ngoài ý muốn của Cha Ngài. 
- Ngài phó thác vào Cha cho đến cuối cùng. Ngài phó thác vào sự Toàn năng của Tình yêu Ngài.
Đây là Người! Đây là mặt sáng của con người! Đây là Con Thiên Chúa!
Toàn thể nhân loại đang cùng nhau tước lấy sự sống của Chúa Giêsu, nhưng trước khi người ta tấn công Ngài, Ngài cho họ điều mà họ muốn: đó là Bí tích Thánh Thể.
Sự sống của Tôi không ai lấy được nhưng chính Tôi là người cho đi. Chúng ta  không lấy gì được từ Chúa Giêsu Kitô, vì không có gì để lấy: mọi thứ đã được cho đi, mọi thứ đều được cho đi trước, được cứu độ trước.  Khi cho đi sự sống của mình trước khi người ta lấy mất, Chúa Giêsu không ghét bỏ. Ngài cứu chúng ta bằng Tình yêu. Ngài cứu tình yêu.
“Thưa Cha, không phải điều con muốn mà là điều Cha muốn" . Qua Chúa Giê-su,
- Thiên Chúa muốn sự thù hận, đau khổ và sự chết bị thiêu đốt trong một ngọn lửa Tình yêu. 
- Thiên Chúa muốn tấm màn tang bao trùm nhân loại bị xé rách. 
- Thiên Chúa muốn mọi người được biến hình.
Đây là Người! Đây là Con Thiên Chúa sống trong con tim con người.  Đây là Người, khi tấm màn che bị xé ra và để lộ khuôn mặt Thiên Chúa.
Linh mục Gioan Đặng Văn Nghĩa
===================
Suy niệm 2
LỄ LÁ: THÔNG HIỆP CUỘC TỬ NẠN CỦA ĐỨC KI-TÔ

Một trong những tâm lý phức tạp của con người mà ít nhiều chúng ta từng trải nghiệm hằng ngày trong cuộc sống, đó là: tâm lý số đông. Mặc cho sự việc thế nào, hoặc chưa biết thực hư, chân tướng ra sao, cứ thấy nhiều người đồng thuận, thì chúng ta thường nghiêng theo không một chút mảy mảy cân nhắc, nhận định!
Trong thời điểm dịch bệnh vẫn đang tiếp diễn, có lẽ nhiều nơi không cử hành Lễ Lá, hay đơn giản tham dự Thánh lễ trực tuyến, nhưng lễ Chúa Nhật tưởng niệm Cuộc Thương Khó của Đức Giê-su nhắc nhở chúng ta điều gì, và mỗi lần chúng ta tham dự Lễ Lá (như chúng ta thường gọi) với tâm tình nào? Phải chăng chúng ta nghiêng về tâm lý số đông như dân chúng thời đó: cầm lá vạn tuế tung hô, đón Chúa vào thành Giê-ru-sa-lem, rồi sau đó cũng chính đám đông này la to: “Đóng đinh nó vào thập giá!” (x. Mc 15, 13.14), hay chúng ta cùng hiệp thông, tham dự vào cuộc Thương Khó - Tử Nạn của Đức Ki-tô, hầu được thánh hoá và được nhận lấy vinh quang Phục Sinh của Ngài?
Trong Kinh Thánh, ít nhất ba lần, Đức Giê-su tiên báo cho các Tông đồ biết về thân phận và sứ mệnh của Ngài, đó là: người Tôi tớ trung tín của Thiên Chúa (x. Mt 16, 21-22; Is 50, 4-7). Hơn nữa, Ngài đã từng tỏ lộ rõ rệt: “Tôi đến thế gian không phải làm theo ý tôi, nhưng để làm theo ý Đấng đã sai tôi” (x. Ga 6, 38). Trong mọi việc, Ngài hằng vâng phục, thực hiện theo chương trình cứu độ của Chúa Cha, “Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ” (Ga 3, 17), và “Ta không muốn kẻ gian ác phải chết, nhưng muốn nó ăn năn sám hối và được sống” (Ez 33, 11). Thật vậy, sứ mệnh của Đức Giê-su là hoàn tất ý định của Chúa Cha, cho dù “…bị đánh, bị giật râu, bị nhạo cười và bị phỉ nhổ. Nhưng vì Chúa nâng đỡ tôi, nên tôi không phải hổ thẹn; nên tôi trơ mặt chai như đá, tôi biết tôi sẽ không phải hổ thẹn” (x. Is 50, 6-7). Ở điểm này, chúng ta khác hoàn toàn với người Tôi Trung của Chúa! Chúng ta bất tuân phục, chúng ta luôn tìm mưu cầu ích lợi riêng tư, cá nhân. Hầu như chúng ta muốn người khác làm theo ý mình, tệ hơn là bắt người khác tùng phục bản thân ta! Mỗi lần chúng ta cử hành Lễ Lá, chúng ta cùng nhau nhìn kỹ vào Đức Giê-su, học sống như Ngài: biết vâng phục và thực hiện Thánh ý Chúa nơi cuộc sống mình.
Hơn nữa, vì hết lòng yêu thương chúng ta, người Tôi Tớ tín trung của Thiên Chúa đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mà mặc lấy thân phận xác phàm yếu hèn của con người, hầu giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi, cứu chuộc chúng ta khỏi sự huỷ diệt, và đưa chúng ta về với nguồn cội tình yêu là Thiên Chúa Cha, “…tuy là thân phận Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa; trái lại, Ngài huỷ bỏ chính mình, nhận lấy thân phận tôi đòi, trở nên giống loài người, với cách thức bề ngoài như một người phàm” (x. Pl 2, 6-7). Ngược lại với A-đam nguyên tổ, Đức Ki-tô khiêm nhường, hạ mình, vâng phục Thiên Chúa đến nỗi tự nguyện chết trên thập tự, “Chúa Kitô vì chúng ta, đã vâng lời cho đến chết, và chết trên thập giá” (Pl 2, 8). Phải chăng, mỗi khi tham dự Lễ Lá, chúng ta được thông phần vào cuộc Thương Khó - Tử Nạn của Chúa Giê-su Ki-tô, chúng ta cũng nên soi lại mình đã sống khiêm hạ mỗi ngày chưa? Một trong bảy mối tội đầu dẫn đến nhiều tội lỗi khác như thể ‘tội mẹ đẻ ra tội con’, chính là: thói ngạo mạn, tính kiêu căng, lòng tự mãn. Chính tật xấu này mà thường đưa đẩy chúng ta tới sự bất tuân, không biết vâng phục Thánh ý Chúa, được thể hiện qua Giáo Hội và qua các giáo huấn của Giáo Hội.
Ước gì, Lễ Lá mỗi năm đều không trôi qua như một lễ hội bên ngoài, mà là cơ hội, thời khắc giúp chúng ta ngày càng được hiệp thông với cuộc Tử Nạn của Đức Ki-tô, hầu đón nhận ơn sủng cao quý thông phần vào vinh quang Phục Sinh của Ngài!
Lạy Chúa Giê-su lòng con
Tuy là Thiên Chúa, chẳng màng vinh quang
Tự huỷ chính mình vô hạn
Mặc lấy xác thân, cơ hàn thế nhân.
Vâng phục, khiêm hạ thánh ân
Chết treo thập giá, muôn phần vì con.
Do đó, Chúa Cha suy tôn
Ban cho danh hiệu muôn muôn đời đời. Amen!

Lm. Xuân Hy Vọng

=====================
Suy niệm 3
Vác thập giá với Chúa Giê-su
Trong mùa chay và đặc biệt trong tuần thánh, Giáo hội mời gọi chúng ta thông hiệp sâu xa vào cuộc thương khó của Chúa Giê-su và cùng vác thập giá với Ngài. Việc này có ý nghĩa gì và có mang lại lợi ích gì không? Chúng ta cùng tìm hiểu qua mấy điểm sau đây:
Chúa Giê-su không vác thập giá một mình
Hôm xưa, khi vác thập giá lên đồi Can-vê, Chúa Giê-su muốn cho ông Si-mon cùng vác thập giá với Ngài, muốn có Mẹ Ma-ri-a, thánh Gioan cùng đồng hành, cùng thông phần đau khổ với Ngài từ lúc bắt đầu cuộc thương khó cho đến lúc Ngài nhắm mắt tắt hơi.
Chúa Giê-su mời ta vác thập giá với Ngài
Và hôm nay, Ngài kêu gọi mỗi người chúng ta cùng vác thập giá với Ngài. Ngài nói: “Ai muốn theo tôi thì hãy vác thập giá mình mà theo” (Mc 8,34).
Từ ngày lãnh Bí tích Rửa tội, chúng ta được nên một chi thể trong thân mình Chúa Giê-su, trở thành tay, thành vai… của Ngài.
Thế là từ đây,
Vì đã trở nên vai của Chúa Giê-su, gánh nặng chúng ta đang mang cũng chính là thập giá mà Chúa Giê-su đang vác;
Vì đã trở nên bàn tay, bàn chân… của Chúa Giê-su, những đau thương ta chịu hôm nay cũng chính là những mũi đinh nhọn đâm thâu tay chân Ngài… và máu của các thánh tử đạo đổ ra hôm nay cũng chính là máu của Chúa đổ ra cho nhiều người được tha tội.
Như thế, Chúa Giê-su cần có chúng ta vác thập giá với Ngài, chịu khổ nạn với Ngài để đền tội cho vô vàn tội nhân đang phạm đủ mọi thứ tội lỗi khắp nơi trên thế giới.
Vác thập giá cách nào?
Vác thập giá theo Chúa Giê-su không phải là vác cây gỗ hình chữ thập đi lui đi tới, nhưng là kết hợp với Chúa Giê-su để làm những việc bổn phận hằng ngày.
Trước hết chúng ta hãy nhớ rằng hôm nay, Chúa Giê-su đang sống trong ta như lời thánh Phao-lô dạy: “Tôi sống, nhưng không phải là tôi, mà là chính Chúa Giê-su đang sống trong tôi” (Galat 2, 20).
Vì có Chúa Giê-su đang sống trong ta và ta là chi thể của Ngài, nên những việc ta làm không còn là việc ta làm nữa, mà là “chính Chúa Giê-su đang làm” việc đó trong ta. 
Vậy thì khi tôi làm việc, “không còn là tôi, mà là Chúa Giê-su” đang làm việc trong tôi… Khi tôi vất vả cực nhọc, “không còn là tôi, mà là Chúa Giê-su” đang chịu vất vả cực nhọc trong tôi…
Như thế, nếu chúng ta kết hợp mật thiết với Chúa Giê-su, thì chính Chúa Giê-su đang tiếp tục chịu thương khó trong thân mình chúng ta, qua mỗi công việc ta làm, và khi ta làm bất cứ việc gì với Chúa, là cùng vác thập giá với Chúa.
Lạy Chúa Giê-su,
Xin cho chúng con chấp nhận vác thập giá với Chúa mỗi ngày để thông hiệp vào công trình cứu độ và mang lại ơn tha thứ cho những người tội lỗi. Amen.
Linh mục I-nha-xi-ô Trần Ngà
=================
Suy niệm 4
Dáng Đứng Của Tình Yêu
Nội dung chính yếu của cử hành phụng vụ Tuần Thánh là cuộc thương khó của Chúa Giêsu. Ngài là người tôi tớ đau khổ của Đức Giavê. Ngài đón nhận Thập giá tủi nhục thất bại, và đã biến đổi Thập giá thành nguồn ơn cứu độ, tình thương tha thứ cho nhân loại tội lỗi.
Phụng vụ bước vào Tuần Thánh với khởi đầu là Chúa nhật Lễ Lá. Cử hành phụng vụ hôm nay khởi sự bằng việc làm phép lá và đi kiệu lá. Cộng đoàn đi kiệu để tưởng niệm việc Chúa Cứu Thế khải hoàn tiến vào thành Giêrusalem. Ngay sau đó là Thánh Lễ tưởng niệm cuộc Thương khó, đặc biệt với việc đọc Bài Thương khó.Việc cử hành hôm nay mang hai sắc thái có vẻ nghịch nhau: mới mừng cuộc khải hoàn của Chúa Kitô, rồi lại cảm thông nỗi thống khổ của Người. Phụng vụ hôm nay kết hợp hai khoảnh khắc trái ngược nhau; cuộc chào đón Đức Giêsu vào Giêrusalem và thảm kịch Thương khó; lễ hội “Hosanna” và những tiếng la ó lặp đi lặp lại “Đóng đinh nó vào thập giá!”; cuộc khải hoàn và sự thất bại bề ngoài qua cái chết trên thập giá.
Bài Thương khó kể lại từng chặng đường đau thương của Đấng Cứu Thế. Ba môn đệ thân tín đã bỏ rơi Thầy. Giuđa chỉ điểm bắt Thầy bằng một nụ hôn giả dối. Các môn đệ sợ hãi bỏ Thầy mà chạy trốn. Phêrô thề là không hề quen biết Thầy. Chúa Giêsu cô đơn trước đám đông cuồng nộ. Họ bị kích động đòi đóng đinh Ngài. Họ coi Ngài còn thua Baraba là tên phiến loạn. Họ khạc nhổ, đánh đập, vả tát vào mặt, dùng roi quất vào da thịt. Đôi bàn tay bầm tím xuyên thâu những mũi đinh nhọn. Đôi bàn chân bị đinh đóng xuyên qua cây gỗ. Đầu đội mão gai nhọn. Lưỡi đòng đâm cạnh sườn, máu và nước chảy ra. Một người bị lột bỏ trần trụi. Hai tay bị giang thẳng trói xiết chặt vào thanh gỗ ngang. Hai chân bị trói vào thanh gỗ dọc phơi ngoài trời nắng gắt cho đến chết. Chết vì nghẹt thở do các cơ vòng ngực, cơ bắp tay không còn sức trương ra, co vào để rồi thu nhận và tống không khí. Tử tội bị đóng đinh nơi cổ tay, nơi bàn chân càng thê thảm bội phần vì đau đớn nhức nhối, sức người rướn lên để thơ, mau kiệt sức và chóng chết. Bị sỉ nhục. Bị cười nhạo báng. Bị khinh khi. Kẻ qua người lại đều nhục mạ Ngài, vừa lắc đầu vừa nói: mi là kẻ phá được Đền Thờ, và nội trong ba ngày xây lại được, hãy cứu lấy mình đi ! Nếu mi là Con Thiên Chúa, thì xuống khỏi thập giá xem nào!. Các thượng tế kinh sư và kỳ mục cũng chế giễu Ngài mà nói:  Hắn cứu được thiên hạ, mà chẳng cứu nổi mình. Hắn là vua Israel ! Bây giờ hắn cứ xuống khỏi thập gía đi, thì chúng ta tin hắn liền!.  Cả những tên cướp cùng chịu đóng đinh cũng sỉ vả Ngài như thế.
Cái chết cô đơn, cái chết đau khổ đến với Chúa Giêsu như một chén đắng mà Chúa Cha trao phó. Chúa Giêsu xin vâng ý Cha, nhưng không vì thế mà bớt sự đau đớn. Trong Vườn Cây Dầu, Chúa Giêsu than thở: “Cha ơi, nếu được, xin cho chén này rời khỏi con. Nhưng xin đừng theo ý Con, mà xin theo ý Cha” (Mt 26,39).Theo thánh ý Chúa Cha, “Chúa Giêsu đã hạ mình vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết và chết trên cây Thập giá”( Pl 2,8).
Cuộc khải hoàn rước lá của Chúa Giêsu là một dấu chỉ của chiến thắng vinh quang chung cuộc. Việc kiệu lá cho thấy rõ ý nghĩa đích thực của đau khổ và thập giá. Tương tự trong sự kiện “biến hình” trên núi Tabo: Chúa Giêsu cho ba tông đồ thoáng thấy vinh quang thần tính. Khi xuống núi, Ngài ra lệnh cho ba tông đồ phải bảo mật cho đến khi Con Người sống lại từ cõi chết, nghĩa là cho đến khi ý nghĩa của biến cố được tỏ bày. Cũng chính ba tông đồ thân tín chứng kiến cơn hấp hối của Chúa ở vườn Cây Dầu. Sau Phục sinh, Chúa Kitô cũng giải thích cho hai môn đệ trên đường Emmau: “Đức Kitô không phải chịu đau khổ như thế rồi mới vào vinh quang của Người sao ?” (Lc 24,26).
Như vậy ngay từ Lễ Lá, hai sắc thái, hai cục diện của mầu nhiệm Vượt Qua được trình bày rõ ràng. Lễ Lá trình bày hai cục diện theo thứ tự đảo ngược: vinh quang trước, khổ nạn sau. Nhưng thứ tự đó biểu lộ thực chất của mầu nhiệm Vượt Qua. Mầu nhiệm Vượt qua  bản là một mầu nhiệm đạt tới vinh quang và sự sống. Sự chết chỉ là bước đi qua,  phương tiện để đạt tới mục đích là vinh quang Phục Sinh. Khổ đau của Thập Giá Đức Kitô không bao giờ là nỗi đau của hận thù, oán ghét mà luôn mang dáng đứng của tình yêu và sự khoan dung tha thứ. Trên thập giá, Chúa Giêsu đã cầu nguyện cùng Chúa Cha: “Xin Cha tha cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm”. Hơn thế nữa, Ngài công bố ơn cứu độ của Thiên Chúa ngay trên thập giá, lúc mà thế trần nhìn thấy Ngài trần trụi và yếu đuối nhất, khi Ngài ôm trọn con người tội lỗi trần gian qua hình ảnh tên gian phi biết cúi mình nhận ra Chân Lý: "Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng" (Lc 23,43). Chúa Giêsu đã xóa màu đen ghê tởm của sự dữ trong lòng con người qua việc phục hồi giá trị của mỗi nhân vị và đưa nhân loại đến với Thiên Chúa qua Tình Yêu toàn tha của Ngài. Chúa Giêsu đã dùng cạn hết mọi dấu chỉ của thế trần để biểu lộ Tình Yêu thâm sâu của Ngài cho chúng ta. Đó là màu trắng thanh khiết nhất và là ánh sáng đẹp nhất mà nhân trần này có thể chiêm ngưỡng.
Trong cuộc thương khó, Chúa Giêsu không oán trách hay hận thù ai, Ngài vượt lên trên tất cả bằng tình thương tha thứ. Chúa Giêsu đã biểu lộ sức mạnh của tình yêu, sức mạnh của niềm tin và phó thác trọn vẹn cho Thiên Chúa. Chính sức mạnh tình yêu đã làm mọi chia rẽ được hàn gắn, mọi hận thù được xóa bỏ và mọi xa cách được nên hiệp nhất. Chúa Giêsu đã hợp nhất nhân loại trong trái tim rộng mở của Ngài, trái tim chỉ có tình yêu thanh khiết. Ngài nâng con người lên giá trị cao hơn trong sự kết hiệp với tình yêu Thiên Chúa, một tình yêu Nguyên Tuyền. Tình yêu ấy không làm mờ đi bóng cây thập giá nhưng lại mang một ý nghĩa và sắc màu huyền diệu lung linh.
Bước vào Tuần Thánh, chúng ta cùng theo Chúa Giêsu trên con đường Thập giá.
Theo Chúa không chỉ khi gặp may mắn, thành công, bình an mà còn chấp nhận khi bị bỏ rơi, khước từ, đau khổ, thất bại.
Theo Chúa không là con đường “xuôi chèo mát mái” hoàn toàn hạnh phúc an lành, mà còn là con đường chọn lựa quyết liệt với những quyến rũ của vật chất, đam mê, hưởng thụ, danh vọng, quyền lực thế gian.
Theo Chúa Giêsu là đi con đường thập giá vừa lên dốc, vừa nhiều ổ gà ổ voi và vừa là con đường một chiều. Con đường ấy hẹp chứ không thênh thang theo những trào lưu dễ dãi, giả dối, ích kỷ, hận thù, bạo lực... nên cần phải sống từ bỏ, hy sinh, trung thực, yêu thương, bao dung.
Tuần Thánh, cùng đi vào hành trình thương khó của Chúa, chúng ta gặp thấy nhiều tình huống tăm tối của “nhân tình thế thái” như vu khống, phản bội, ghen tương, bất công, nhục nhã, đau khổ, sợ hãi, cô đơn, hèn nhát, cái chết. Nhưng trên hết, chúng ta gặp được một tình yêu. Tình Yêu của Đấng Chịu Đóng Đinh đối với Chúa Cha và lòng xót thương với nhân loại. Chỉ có tình yêu mới làm cho mọi khổ đau có giá trị cứu độ. Cảm nếm và thông phần với nỗi khổ đau thân xác và tinh thần của Chúa Giêsu, nhưng vẫn luôn nhận ra lòng xót thương nằm ẩn dưới từng phản ứng của Ngài theo Tin Mừng kể lại. Càng suy nghĩ về cuộc khổ nạn, chúng ta càng yêu Thập giá của Chúa hơn, yêu thập giá của mình hơn và kính trọng thập giá của người khác hơn.
Theo Chúa Giêsu trên con đường thập giá là một thách đố lớn trong bối cảnh thời nay. Xác tín rằng, có Chúa cùng đồng hành, Ngài luôn thấu hiểu nâng đỡ, Ngài chia sẻ những khó khăn, thử thách, đau khổ với chúng ta trên hành trình theo Ngài. Nếu can đảm cùng chịu đau khổ và đóng đinh cùng Ngài, chúng ta sẽ được hạnh phúc và vinh quang phục sinh với Ngài.
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
====================
Suy niệm 5
ĐƯỜNG TÌNH YÊU
Mc 15, 1-39
Mùa chay dần khép lại, hôm nay toàn thể Giáo Hội bước vào Tuần Thánh. Trong Tin Mừng hôm nay, thánh sử Maccô tường thuật “hành trình đau khổ” đầy chông gai của Đức Giêsu, từ khi Người bị bắt cho đến khi tắt thở trên thập giá. Đây là “đường trường đầy đau đớn khổ nhục cho đến chết”, nhưng là ĐƯỜNG TÌNH YÊU, Ngài đã nhẫn nhục chịu đựng trong vâng phục Chúa Cha để cứu độ con người tội lỗi.
Sau khi bị bắt, Người bị lôi hết tòa án này đến tòa án khác, bị tra hỏi, tạt vả. Trước tòa án Philatô, Ngài bị xử bất công, phải xử án chết oan nghiệt thay cho tên cướp Baraba, bởi sóng người hô hào đả đảo cùng các thượng tế nhà đạo. Tên cướp được tha bổng, còn Người vô tội thì phải chịu hành hình. Mấy năm trời bôn ba rao giảng cứu chữa, làm ơn cho đủ mọi hạng người, để đến hôm nay Thầy Giêsu phải tự vác Thập giá tủi nhục đớn đau, rồi bị căng thây đóng đinh vào đó mà treo lên cùng với hai tên trộm cướp.
Chúa nhật Lễ Lá hôm nay mời gọi mỗi người chúng con nhìn lại bản thân mình. Con có thể là một trong số các môn đệ, khi Thầy giảng dạy như một Đấng có uy quyền thì hăng hái theo bước. Khi Thầy bị bắt bớ thì bỏ cuộc trốn chạy, chối từ như chưa bao giờ biết Thầy kẻo bị vạ lây. Con có thể là những người trong đám dân, khi vui thì sẵn sàng trải áo làm đường rước, hết lời tung hô ca ngợi, nhưng lúc khác lại hùa theo số đông mà trở lòng đả đảo chống đối, kết án xấu tha nhân... Nhưng có thể con cũng là một Simon Kyrênê sẵn lòng vác đỡ thập giá cho người khổ đau.
Đức Giêsu cam lòng chịu đựng tất cả vì tình yêu con người và vâng phục Ý Cha cho đến chết trên thập tự, đó là một minh chứng, tận cùng cho một tình yêu, yêu cho đến chết, mà chết cũng chỉ vì yêu. “Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục; và khi chính bản thân đã tới mức thập toàn, Người trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Người” (Dt 5, 7-9). Bước theo Đức Giêsu trên con đường thập giá là lội ngược dòng đời, vác thập giá theo Chúa không phải dễ, nhưng có Chúa đồng hành và đỡ nâng, chúng con cũng từ thập giá bước vào vinh quang với Chúa.
Ôi Chúa Giêsu của lòng con Chúa ơi! Chiêm ngắm Chúa chịu căng thây trên thập giá, con nhận ra chẳng có tình yêu nào như tình Chúa yêu con. Chúa chết cho con sống muôn đời. Chúa chết vì yêu con. Vì con Chúa quên thân mình, đời con dám mơ gì hơn? Xin cho con tâm hồn chìm lắng trong cái chết của Chúa, để bao tội lỗi, đau khổ của con chìm xuống hòa nhập vào mầu nhiệm Thập giá, để Chúa ôm trọn lấy con trong tình yêu bao dung tha thứ. Xin cho con bước đi theo Chúa từng ngày trên CON ĐƯỜNG TÌNH YÊU. Xin cho con được yêu mãi Người, Giêsu ơi!
Én Nhỏ    
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log