Chúa nhật, 24/11/2024

Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật IV Mùa Chay Năm B

Cập nhật lúc 10:47 10/03/2021
Suy niệm 1
“Thiên Chúa yêu thế giân đến nỗi…”
Ga 3, 14 - 21
 
Hôm nay Chủ Nhật IV mùa chay, cũng được gọi là Chủ Nhật Hồng. Giáo Hội mời gọi chúng ta hãy vui mừng vì đã được Thiên Chúa yêu thương đến điên rồ. Vâng! Chúng ta hãy vui mừng cùng với toàn thể Dân Thiên Chúa vì đã được nuôi dưỡng và no say tình Chúa. Tuy nhiên, chúng ta vẫn đang ở mùa chay và niềm vui của chúng ta chưa trọn vẹn vì nhân loại vẫn còn thích bóng tối hơn là ánh sáng. Thiên Chúa đã ban Con Ngài cho chúng ta và chúng ta vẫn còn đau khổ vì món quà Thiên Chúa tặng ban vẫn thường bị từ chối.
Con Thiên Chúa, một quà tặng. Cứu độ thế gian không chỉ là hành động tình yêu của Chúa Con, mà còn là hành động tình yêu của Chúa Cha: Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một mình”. Câu nói này có làm cho chúng ta xúc cảm hay vẫn còn vô tình? Tương tự như bài Tin Mừng hôm nay, Thánh Phaolo nói: “Thiên Chúa là Đấng giàu lòng từ bi, vì lòng yêu thương cao cả mà Ngài đã yêu thương chúng ta..,Ngài làm cho chúng ta sống lại trong Đức Kitô, nhờ ơn Ngài mà chúng ta được cứu rỗi… Điều đó không phải do anh em, vì đó là ân huệ của Chúa”.
Thiên Chúa đã đồng hóa Con yêu Dấu của Ngài như một tội nhân vì chúng ta. Nhưng không phải vì thế mà Ngài không đau khổ. Chúng ta có thể tưởng tượng rằng Chúa Cha lại thờ ơ trước cơn hấp hối của Chúa Giêsu trong vườn Giêtsimani ư? Chúng ta có thể tưởng tượng Chúa Cha lại không xúc cảm trước cảnh khủng khiếp trên đồi Canvê sao? Maitre Eckhart nói: “Đối với Chúa Cha, chẳng có gì đau buồn hơn là cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa Giêsu Kitô”.
Cha Varillon nói: “Tôi xin anh em đừng bao giờ tàn nhẫn đặt cái tên khác cho Thiên Chúa hơn là tình yêu? Ngài vĩ đại ư? Ngài khôn ngoan ư? Không và không! Tôi không muốn như vậy. Ngài chỉ là tình yêu”. Đúng thế, Chúa Kitô đã đi vào hoạ đồ tình yêu của Chúa Cha. Ngài đến không phải để luận phạt thế gian, nhưng để thế gian nhờ Ngài mà được cứu độ. Ngài không la lối om xòm. Ngài không quở trách gì, Ngài đến cứu độ. Ngài đến để chất lấy lỗi lầm của các tội nhân lên Ngài và dẫn đưa họ đi trên con đường tình yêu. Đối với người đạo đức, thì họ hiểu được điều này, nhưng đối với người ít quan tâm, thì họ cho rằng đó là điều kỳ quặc!
Cha Monier viết: “Thiên Chúa sẽ thanh tẩy bạn bằng ngọn lủa tình yêu khủng khiếp của Ngài.Ngài sẽ không trừng phạt bạn, vì trừng phạt giống như sự trả thù hầu như không thể che giấu được! Ngài sẽ chữa lành tất cả những gì là ốm yếu, nhơ bẩn và đổ vỡ trong bạn”. Thật vậy, món quá tuyệt diệu mà Thên Chúa ban cho chúng ta chính là Con Một Ngài trên thập giá. Paul Claudel than thở:“Lạy Chúa, Đấng bị treo bằng 4 cái đinh, là quá đủ cho con rồi”.
Một tình yêu bị lãng quên và không được đánh giá đúng. Thiên Chúa yêu chúng ta bằng tình yêu khó tả, thế mà con tim nhiều người chẳng rung động gì, có lẽ vì họ thích bóng tối hơn là ánh sáng. Tình yêu được đón nhận hoặc được yêu lại, là làm vinh quang Thiên Chúa. Thế nhưng, Thiên Chúa bị đóng đinh trên thập giá ấy có được yêu thực sự không? Đối với nhiều người, hình như cũng không biết đến tình yêu này. Còn chúng ta, chớ gì chúng ta biết đến tình yêu, đó là ân huệ của Thiên Chúa! Thiên Chúa tiếp tục xin chúng ta đón nhận sự giàu có tình yêu này và làm cho tình yêu này trở nên phong phú hơn…Thật đáng tiếc, khi chúng ta lại không đón nhận tấm lòng hào phóng của tình yêu trao ban này. Khi trao ban tình yêu này cho chúng ta, Ngài cám ơn khi chúng ta đón nhận.
Nếu chúng ta thực hiện ý muốn tình yêu quảng đại này của Chúa Kito đối với chúng ta, thì có lẽ mọi sự sẽ thay đổi? Phải chăng tình yêu của Ngài được nâng cao trên thập giá mà tất cả những người ở xa không thấy chăng? Không phải vậy!
- Thánh Gregoire de Nysse nói: “Mặc dù chỉ cắm sâu vào một điểm duy nhất trên đồi Canvê, nhưng Thánh giá vẫn chiếu sáng tất cả mọi miền trên thế giới”. Tia la-de ánh sáng tình yêu của Ngài quay khắp phía như chiếc đèn pha hướng tới mọi châu lục: ánh sáng đã đến thế gian.
- Khi được trắc nghiệm về đức tin của mình, nhà nghệ thuật Arielle Dombasle trả lời: “Vâng, tôi tin vào Thiên Chúa. Lần đầu tiên khi tôi vào một nhà thờ, tôi đã thấy Chúa Kitô chịu đóng đinh và tôi đã khóc. Điều này đã đảo lộn tôi.
Tại sao chúng ta lại không có hoặc dù chỉ một ít cú sốc tình yêu như vậy trong trái tim chúng ta? Tại sao nhiều người lại sợ và từ chối ánh sáng? Bài Tin Mừng hôm nay trả lời giúp chúng ta: vì “hành động của họ xấu xa…, sợ những hành động của họ bị khiển trách”.
- Con người thường sợ Thiên Chúa và các yêu cầu đòi hỏi của Ngài.. Con người cũng thường xấu hổ khi phải nhìn thấy vẻ tầm thường và tội lỗi của mình: “Cuộc đời Chúa Giêsu là một tấm gương tình yêu, đến nỗi chúng ta xấu hổ vì tính bủn xỉn đê tiện và ích kỷ của mình”(Balthasar).
- Con người còn sợ cảm thấy đau đớn nhức nhối khi phải hối cải: “Tình Yêu của Thiên Chúa không ngăn cản được tội lỗi, nhưng làm cho tội lỗi phải đau đớn. Ăn năn hối cải là tính nhạy cảm của Thánh Thần chân lý và tình yêu” (cha Monier).
- Con người thường sợ thập giá. Thật vậy, “Khi Chúa Giêsu đến với ai, không bao giờ Ngài không mang thập giá của Ngài đi theo” (Thánh Bernard de Clairveaux).
- Cuối cùng, con người cũng sợ những đòi hỏi của tình yêu, bó buộc con người phải sống ngay chính: “Vẫn còn quá xa giữa nhận biết Thiên Chúa và yêu mến Ngài”(Blaise Pascal).
Chúng ta chưa bao giờ yêu cho đủ hoặc yêu cho đúng. Vì thế chúng ta hay khó chịu khi phải tiếp xúc với tình yêu của Thiên Chúa. Dù sao, Chủ Nhật Hồng vẫn lạc quan, vẫn mời gọi chúng ta hãy vui mừng và vứt bỏ những nỗi lo sợ đó sau lưng. Đừng sợ Thiên Chúa giận dữ trừng phạt. Sợ như vậy là bất kính đối với Thiên Chúa. Hãy khám phá lại Thiên Chúa là Cha. Hãy vui mừng đừng sợ ánh sáng và hãy hướng về Thiên Chúa với lương tâm ngay thẳng. Hãy vui mừng vì chính nhờ tình yêu của Thiên Chúa mà Ngài đã “ban Con Một mình để tất cả những ai tin Con Ngài thì không phải hư mất, nhưng được sống đời đời”.
Linh mục Gioan Đặng Văn Nghĩa
=======================
Suy niệm 2
Thiên Chúa toàn năng sau khi sáng tạo một vũ trụ vô biên, đầy huyền bí, thì sáng tạo loài người và trao cho con người quyền làm chủ vũ trụ. Chúa thì lớn lao là vậy. Con người thì bé nhỏ là vậy. Thế mà tình Chúa yêu loài người lại gần gũi thân thương như cha mẹ yêu con. Sáng thế ký kể rằng: Cứ mỗi buổi chiều, khi gió hiu hiu thổi, thì Chúa hiện hình. Ađam và Eva chạy ra đón. Chúa toàn năng và con người bé nhỏ: tay trong tay; đi dạo trong vườn Địa Đàng. Một tình yêu gần gũi và thân thương quá chừng.
Thế mà Ađam và Eva lại nghe lời xúi dại của ma quỷ, hái trái cấm để ăn. Ăn để làm Ông trời Bà Trời. Phản bội một cách trơ trẽn.
Tưởng là Chúa tiêu diệt loài người, ai ngờ Ngài vẫn cứ yêu thương. Ngài cho Ngôi Lời nhập thể làm người, mang thân phận con người, sống với và sống như loài người, chỉ trừ tội lỗi mà thôi. Cuối cùng Ngôi Lời ấy đã chết đau, nhục và oan khiên trên cây khổ giá, để ai tin vào Ngài thì được cứu độ, được sống đời hạnh phúc vĩnh cửu.
Thay vì tin vào Đấng Cứu Thế, để được cứu độ, thì dân Do Thái lại  phản bội: họ không tin Ngài. Họ muốn tin vào một Đấng Cứu Thế chiêu mộ quân đội, mua sắm vũ khí để nâng nước Do Thái lên hàng bá quyền. Đế quốc ấy phía bắc là Xyria, phía nam là Êthiopia, phía đông là sông Ơphát (ngày nay là Irăng và Irắc) phía tây là Địa trung Hải.
Đức Giê su đã không làm Vua, mà chỉ rao giảng chân lý.
Dân Do Thái còn từ chối, không tin vào Đức Giê su, vì tin vào Ngài, thì phải đổi mới cuộc đời 180 độ. Tin vào Đức Giê su thì phải quên Danh và Lợi, để hướng về người nghèo. Tin vào Đức Giê su thì phải yêu thương mọi dân tộc trên thế giới như anh em con cùng một cha. Đó là điều người Do Thái không thể làm. Họ coi mọi dân tộc trên thế giới là kẻ thù. Họ khinh dể người ngoại quốc tới mức độ cấm đồng bào không được đặt chân vào nhà người ngoại. Ai bất tuân thì mắc uế, tức là mắc tội.
Sai lầm của người Do Thái vẫn còn đó. Chúng ta hôm nay phải quyết tâm tin theo Đức Giê su. Tin theo Đức Giê su thì phải yêu Chúa Cha bằng một tình yêu thân thương gần gũi. Yêu tha thiết, không biết sợ Chúa và coi việc sợ Chúa là làm nhục cho Chúa. Tin theo Đức Giê su thì phải yêu mọi người như anh em con cùng Cha. Tin theo Đức Giê su thì phải dành tình yêu đặc biệt cho người nghèo, người tội lỗi, người ngoại quốc, người ngoại đạo và yêu kẻ thù. Nếu chưa yêu được như thế, thì vẫn giống người Do Thái, vẫn không yêu ánh sáng, mà chỉ yêu bóng tối.
Linh mục Piô Ngô Phúc Hậu
====================
Suy niệm 3
CƠ HỘI SỐNG TỐT HƠN

Con người chúng ta dù tốt lành đến mấy, cũng chỉ cho người khác cơ hội ‘làm lại cuộc đời’ không hơn không kém ‘quá tam ba bận’ mà thôi!!! Tệ hơn, trong chúng ta có khi còn khắt khe, đóng hết mọi cánh cửa ‘sửa đổi’ hay ‘cải thiện’ hoặc ‘lấy công chuộc tội’ của anh chị em mình nữa!
Quả thật, nếu Chúa cũng cư xử như vậy với chúng ta, có lẽ ‘chẳng ai đứng vững trước thiên nhan Chúa’ được! Dĩ nhiên, Ngài là Thiên Chúa bao dung, chậm bất bình và rất mực khoan nhân, nên Ngài luôn luôn ban cho chúng ta nhiều cơ hội đổi mới, canh tân, hoán cải, quay về với Ngài.
Các bài đọc hôm nay cho chúng ta nghiệm thấy rõ lòng từ bi Chúa trước thói bất trung, thất tín của dân Ngài: “Trong những ngày ấy, tất cả những đầu mục tư tế và dân chúng đều bất trung, bt chước những sự ghê tởm của các dân ngoại. Họ làm dơ bẩn đền thờ Chúa đã được Chúa thánh hoá tại Giê-ru-sa-lem” (2Sb 36, 14). Dù rất thịnh nộ, nhưng lòng nhân hậu và thương xót Ngài vượt trên ‘sự khinh thường, nhạo báng của dân Is-ra-el, giết hại các sứ giả, ngôn sứ của Chúa’ (x. 2Sb 36, 15-16). Tuy dân Is-ra-el phải lãnh hậu quả đi đày do hành vi bất xứng của họ như lời tiên tri Giê-rê-mi-a: “…họ sẽ không giữ được ngày Sa-bát trọn bảy mươi năm trường” (Sb 36, 21; x. Gr 25, 1; 29, 10). Thiên Chúa nổi cơn thịnh nộ, nhưng Ngài chẳng nỡ bỏ rơi dân Ngài. Lòng nhân hậu của Chúa được bày tỏ cách lạ lùng qua sự lưu đày và giải thoát dân Is-ra-el dưới triều đại Sy-rô, vua xứ Ba-tư: “Chúa là Thiên Chúa trời đấy đã ban cho trẫm mọi nước trên mặt đất, và chính Ngài đã ra lệnh cho trẫm xây cất cho Ngài một đền thờ ở Giê-ru-sa-lem trong xứ Giu-đê-a. Ai trong các ngươi thuộc về dân Chúa? Thiên Chúa sẽ ở với nó, và nó hãy tiến lên” (2Sb 36, 23). Thiên Chúa hằng trung tín, và luôn ban cơ hội cho dân Ngài được hoán cải quay về, được cứu thoát khỏi khổ đau cơ hàn.
Hơn thế, cảm nghiệm này càng được tỏ hiện rõ nét hơn qua lời của Thánh Phao-lô trong thư gửi cho giáo đoàn Ê-phê-sô: “…vì lòng yêu thương cao cả mà Ngài đã yêu thương chúng ta, đến nỗi khi tội lỗi làm cho chúng ta phải chết, thì Ngài làm cho chúng ta sống lại trong Đức Ki-tô, nhờ ơn Ngài mà chúng ta được cứu rỗi” (Ep 2, 4-6). Thiên Chúa không chỉ ban cho chúng ta cơ hội ‘đổi đời’, mà còn cứu rỗi chúng ta, mang chúng ta ra khỏi vũng nhơ nhớp của tội lỗi, và giúp chúng ta bước ra khỏi bóng đêm của sự lầm đường lạc lối, “vì chưng, bởi ơn Chúa, anh (chị) em được cứu rỗi nhờ đức tin. Điều đó không phải do anh (chị) em, vì đó là ân huệ của Chúa” (x. Ep 2, 8-9). Tại sao, chúng ta được ơn phúc lớn lao nhường vậy? Chẳng phải bởi vì công trạng, tài năng, thành đạt, thành tựu, thành công, hay kể cả công ơn đạo đức của chúng ta, mà chúng ta được lãnh nhận ân huệ cao quý từ Thiên Chúa đâu! Nhưng trên hết, nhờ lòng từ bi lân tuất của Thiên Chúa, trong Đức Giê-su Ki-tô, mà chúng ta có phúc, được hưởng ơn đổi mới, canh tân, và được cứu chuộc. Hơn nữa, do lòng thương xót không bờ bến của Chúa, mà “chúng ta cùng được sống lại, đồng ngự trị trên nước trời trong Đức Giê-su Ki-tô” (x. Ep 2, 7). Ôi diễm phúc, cao quý khôn cùng! Con nào biết cảm tạ thế nào cho cân, Chúa ơi!
Tình yêu của Chúa dành cho chúng ta không dừng ở đó, mà Ngài còn “ban chính Con Một mình, để tất cả những ai tin Con Ngài thì không phải hư mất, nhưng được sống đời đời” (Ga 3, 16). Vì muốn ban cho chúng ta cơ hội được ăn năn, hoán cải, sống tốt hơn, và được cứu rỗi, Thiên Chúa chẳng tiếc gì, ngay cả ban chính Người Con duy nhất cho chúng ta, “không phải để luật phạt thế gian, nhưng nhờ Con Ngài mà thế gian được cứu độ” (x. Ga 3, 17). Tình yêu này càng đến mức tận cùng qua việc Ngôi Lời nhập thể, sinh hạ trong thế gian, mặc lấy xác phàm, ngoại trừ tội lỗi, chịu khổ hình, chịu tử nạn trên Thánh giá, rồi Phục sinh. Ngài hằng trao ban sự sống thần linh, hiến thân mạng sống mình cho chúng ta qua hy tế tình yêu, Bí tích Thánh Thể, trong mỗi Thánh lễ. Còn gì bằng lòng mến tự hiến mà Thiên Chúa bao dung trao ban cho chúng ta thế này! Ước gì chúng ta năng chạy đến Bí tích Tình yêu, năng lãnh nhận Bí tích giao hoà, đón nhận thời gian ân sủng, thời cơ thuận tiện này, hầu trở về nương tựa mãi nơi suối nguồn xót thương! Ước gì chúng ta hành động trong sự thật, làm việc nơi sự sáng, và sống trong Thiên Chúa luôn!
Giờ đây, chúng ta dành ít phút thinh lặng trước Chúa, thầm thỉ dâng lời nguyện xin:
Tình Chúa hằng ấp ủ con
Dù đời con nhiều nỉ non khôn xiết.
Ngài vẫn bên con mải miết
Tuôn đổ hồng ân tha thiết chan hoà.
Chờ con tiến bước trở về
Trong niềm hoan lạc tràn trề thánh ân. Amen!

Lm. Xuân Hy Vọng

=================
Suy niệm 4
T
ình yêu Thiên Chúa vô biên
Ga 3, 14 - 21

Thiên Chúa tạo dựng nên vạn vật trong vũ trụ và Ngài điều hành vũ trụ bằng các quy luật bất di bất dịch. Ví dụ, theo quy luật thì nước phải chảy về chỗ trũng, khi gặp nóng thì bốc thành hơi, khi gặp lạnh dưới 0 độ thì đông cứng như đá… Cứ thế, nước luôn tuân hành quy luật đó không bao giờ sai chạy.
Và loài người cũng phải tuân theo quy luật mà Thiên Chúa đã an bài, một trong những quy luật đó là: Tội lỗi gây ra sự chết. Ai có tội thì người đó phải chết (nghĩa là phải chịu cực hình trong hỏa ngục đời đời.)
Quy luật nầy đã được tiên tri Ê-dê-ki-ên công bố từ ngàn xưa: "Ai phạm tội, người ấy phải chết" (Ê-dê-ki-ên 18,20).
Quy luật nầy lại được thánh Phao-lô lặp lại trong thư Rôma: "Chỉ vì một người mà tội lỗi đã đột nhập trần gian và tội lỗi gây nên cái chết" (Rm 5, 12. Rm 6, 23. Galat 6,7).
Điều đáng tiếc là mọi người sinh ra trên đời đều có tội và chiếu theo luật thì tất cả đều phải bị án chết. Họ chỉ thoát khỏi án chết nếu có ai đó có đủ tư cách chết thay cho họ.
Thế là, Thiên Chúa Cha đã cho Con Một của Ngài xuống thế làm người, trở nên Anh cả của loài người, trở nên người đại diện chính thức của loài người, nhờ đó, Ngài mới có thể nhận tội, đền tội và chết thay cho muôn dân.
Đây quả là một giải pháp tuyệt vời: “Thà một người chết thay cho dân còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt” (Ga 11, 50).
Tình yêu Thiên Chúa vô biên
Thế là Chúa Giê-su, Con Một của Thiên Chúa Cha, chấp nhận xuống thế làm người để gánh lấy tội lỗi thế gian và Ngài phải mang lấy hậu quả của tội, là bị kết án như một tên gian phi, chịu chết treo trên thập giá để đền tội cho muôn người.
Thánh Phê-rô đã xác nhận điều này như sau:
“Tội lỗi của chúng ta, chính Ngài đã mang vào thân thể mà đưa lên cây thập giá, để một khi Ngài đã chết đối với tội, chúng ta sống cuộc đời công chính. Vì Ngài phải mang những vết thương mà anh em đã được chữa lành” (I Pr 2, 24).
Khi chịu khổ nạn đau thương và chịu chết trên thập giá, Chúa Giêsu đền tội cho chúng ta, chết thay cho chúng ta. Nhờ Ngài phải chịu cực hình đau thương mà chúng ta được tha tội, nhờ Ngài chịu chết thay mà chúng ta thoát khỏi án chết mà được sống đời đời.
Từ đó, thập giá Chúa Giêsu trở thành biểu tượng cao nhất của tình yêu.
Nơi đây vang lên sứ điệp yêu thương ngàn đời của Thiên Chúa Cha: “Thiên Chúa Cha đã yêu thế gian đến nỗi đã trao ban Con Một, để ai tin vào con của Ngài thì không phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3, 16).
Nơi đây cũng vọng lên sứ điệp yêu thương bất tận của Chúa Con: “Không có tình yêu nào cao cả cho bằng tình yêu của người hiến mạng cho bạn hữu mình” (Ga 15, 13).
Yêu thương đến nỗi hiến thân chịu chết cho người khác quả là một tình yêu hết sức cao vời và đó là tột đỉnh của tình yêu.
Lạy Chúa Giê-su,
Chúa là Chúa tể quyền năng, là Vua thống trị muôn loài, là Đấng vô cùng cao cả; trước mặt Ngài, con người chỉ là tro bụi thấp hèn bé mọn, thế mà vì yêu thương, Ngài đã hạ mình xuống thế làm người và hiến thân chết thay cho loài người thấp hèn tội lỗi chúng con. Chúa đã dành cho chúng con một tình yêu vô lượng vô biên. Xin cho chúng con cố gắng sống tốt, sống đẹp, sống thánh thiện mỗi ngày, để đền đáp phần nào tình yêu cao vời của Chúa.

 Linh mục I-nha-xi-ô Trần Ngà

=====================
Suy niệm 5
BƯỚC TIẾP MÙA CHAY THÁNH VỚI NIỀM VUI
(Ga 3, 14-21)

Mừng vui lên, Giê-ru-sa-lem! Tề tựu cả về đây, hỡi những ai hằng mến yêu Thành! Các bạn đang sầu khổ, nào hớn hở vui mừng và hân hoan tận hưởng, nguồn an ủi chứa chan” (Ca nhập lễ); “Tôi vui mừng khi người ta nói với tôi: Chúng ta sẽ tiến vào nhà Chúa. Vui lên nào……” (Tv 121,1). Lời ca nhập lễ, hay lời của Thánh vịnh gia dẫn chúng ta vào Chúa nhật IV Mùa Chay, Chúa nhật Lætare - Mừng vui lên. Quả thật, phụng vụ của Giáo hội đang từ màu tím chuyển sang màu hồng mời gọi chúng ta tận hưởng trước niềm vui Phục Sinh.
Mừng vui lên, hỡi những người trước kia ở trong sầu khổ vì coi thường lời Chúa, bất trung, tội lỗi và nhạo báng các tiên tri nên mất nước, lâm vào cảnh nhà tan cửa nát phải đi lưu đầy, nay được trở về tái thiết quê hương. Mừng vui lên, vì Chúa dừng cơn thịnh nộ đổ xuống trên dân, nay được thay bằng lòng từ bi và tha thứ, “Chúa thúc đẩy tâm hồn hoàng đế Cyrô, vua xứ Ba-tư, nhà vua ra lệnh truyền rao khắp đất nước, và ban chiếu chỉ rằng: Đây hoàng đế Cyrô, vua xứ Ba-tư tuyên bố: Ai trong các ngươi thuộc về dân Chúa? Thiên Chúa sẽ ở với nó, và nó hãy tiến lên ” (x. 2 Sb 36, 14-16. 19-23). Những lời trên diễn tả niềm vui thiêng thánh ngập tràn của Dân Chúa. 
Sao không thể vui, không thể mừng được. Vì trước kia, dân phạm tội khiến đền thờ Chúa bị quân thù đốt cháy, tường thành Giêrusalem bị phá huỷ, các lâu đài và mọi đồ vật quý giá bị đốt cháy. Nay họ “được kêu gọi tái thiết đền thờ Giêrusalem, được mời gọi đón nhận lại Thiên Chúa đến ở giữa họ, đón nhận sức mạnh của tình yêu và tha thứ” (x. 2 Sb 36, 14-16. 19-23).
Chúa là niềm vui, là hạnh phúc của Dân Chúa. Chúa luôn muốn Dân Chúa sống vui và sống hạnh phúc. Một người ốm đau bệnh tật cả về tinh thần lẫn thể xác sẽ sống không vui và sống hạnh phúc được. Cho dù tội lỗi có thể làm cho họ xa Chúa, mất niềm tin và trông cậy vào Chúa. Tội có thể đẩy đưa họ đến bờ sông Babylon đi chăng nữa, Thiên Chúa vẫn tiếp tục nói với họ: “Lưỡi tôi dính vào cuốn họng, nếu tôi không nhớ đến ngươi” (Tv 136,6). Và món quà làm cho Dân Chúa thỏa mãn niềm vui là Thiên Chúa yêu thương loài người đến nỗi “đã ban Con Một Người” (Ga 3,16).
Quả thật, Thiên Chúa dựng nên con người, ban bố những giới răn, không phải như những ách trói buộc, nhưng là như nguồn tự do, để con người cư xử khôn ngoan, sống theo công lý và hoà bình, biết đặt tin tưởng nơi tha nhân và cùng nhau thực hành các việc công chính dựa theo ý của Chúa để vui sống hạnh phúc.
Chúng ta ngày hôm nay thì sao? Chúng ta đang trên hành trình cùng với Chúa Giêsu bước trong “hoang địa”. Ðây là quãng thời gian chúng ta lắng nghe tiếng Chúa và cũng để vạch trần mặt nạ của những cám dỗ trong lòng chúng ta. Ở phía chân trời của hoang địa này chúng ta thấy nổi lên cây thập giá. Thập giá Chúa Kitô là đỉnh điểm của tình yêu đem lại ơn cứu độ cho chúng ta. Chính Chúa Giêsu khẳng định: “Như ông Môsê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời” (Ga 3,14-15).
Khi sánh ví mình như con rắn được Môse giương lên trong sa mạc, Chúa Giêsu gợi cho chúng ta nhớ tới con rắn trong vườn địa đàng (St 3, 1-5). Nếu con rắn trong địa đàng xuất hiện lúc loài người đang ở đỉnh cao hạnh phúc, thì con rắn đồng trong sa mạc xuất hiện giữa cảnh cơ cực của những người tha hương vừa thoát khỏi kiếp nô lệ cho người Aicập.
Nếu con rắn trong địa đàng là hiện thân của tội lỗi và sự dữ, thì con rắn đồng trong sa mạc là “tin mừng” cho những kẻ ngước nhìn lên nó.
Nếu con rắn trong địa đàng hủy diệt mọi tương quan tốt đẹp giữa con người với Thiên Chúa, thì con rắn đồng trong sa mạc mang lại niềm hy vọng vì nhận ra lòng thương xót của Chúa.
Và nếu con rắn trong địa đàng gieo sự chết vào thế giới loài người, thì con rắn đồng trong sa mạc lại có khả năng trao ban sự sống.
Như vậy, hình tượng của hai con rắn Cựu Ước hoàn toàn trái nghịch nhau. Tuy nhiên, dù trái nghịch, hai con rắn Cựu Ước chẳng những không mâu thuẫn nhau, mà hậu quả do con rắn trong địa đàng gây nên, sẽ được con rắn đồng trong sa mạc báo trước ngày chữa trị. Bởi hậu quả của con rắn thứ nhất gây nên chỉ toàn đổ vỡ, mất mát, ô nhục, sẽ được con rắn thứ hai bổ túc bằng cách cho thấy sự sống bắt đầu phát sinh, hạnh phúc bắt đầu ló dạng và niềm vui cứu chuộc bắt đầu tỏa sáng.
Vì con rắn trong địa đàng, nhân loại đã phạm tội. Vì tội, nhân loại đáng được “Đấng Cứu độ đời đời” (bài ca Exultex – đêm Phục sinh), thì con rắn đồng trong sa mạc làm trọn vai trò của mình là báo trước ơn cứu độ đời đời ấy.
Khi nhắc lại: “Như Môisen giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ được giương cao như vậy” (Ga 3, 14). Chúa Giêsu ám chỉ lúc mình được giương cao trên thập giá, ai đang ở trong hiểm nguy của tội lỗi, nhìn lên Người với lòng tin thì sẽ được cứu độ như Gioan nói: “Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ ” (Ga 3,17).
Nếu ngày xưa ai nhìn lên con rắn đồng sẽ được cứu sống, thì ngày nay thập giá Chúa Kitô chính là ơn cứu độ trọn vẹn cho những ai tin (x.Ga 3, 15). Hình bóng cũ thoáng qua đã được hoàn tất bằng thực tại mới sống động và vững bền. Chúa Kitô mãi mãi là Đấng Cứu độ duy nhất của trần gian (x.Dt 13, 8).
Tình yêu Thiên Chúa là vô biên và Người đã ban Con Một để chuộc tội con người. Phần chúng ta, mỗi người cũng phải chịu trách nhiệm về mình, phải nhìn nhận chính tội của mình để ơn tha thứ của Thiên Chúa, đã thể hiện trên Thập giá.
Hãy để Thiên Chúa yêu thương chúng ta, đáp lại chúng ta yêu mến Ngài, và như thế chúng ta bước tiếp hành trình Mùa Chay Thánh với niềm vui. Chúng ta sẽ nhận lãnh niềm vui lớn lao tràn trề vào Lễ Vượt Qua sắp tới.
Chúa là niềm vui của chúng con, xin cho chúng con cảm nghiệm được niềm vui ơn cứu chuộc mà Chúa mang lại cho chúng con nhờ cái chết và sự phục sinh của Chúa. Amen.

Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ

==================
Suy niệm 6
Con Người sẽ phải giương cao
2Sb 36,14-16.19-23; Ep 2,4-10; Ga 3,14-21

Câu chuyện con rắn đồng trong sách Dân số ngày xưa, hôm nay được Đức Giêsu nhắc lại băng lời khẳng định: “Như ông Môsê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời” (Ga 13, 14-15). Con người không thể hiểu nổi tại sao một Thiên Chúa uy quyền lại muốn con mình đi qua con đường Thập Giá để cứu chuộc con người. Đức Giêsu đã chết, là giá cao nhất vì yêu con người. Chỉ có Chúa Thánh Thần mới có thể làm cho con người hiểu mầu nhiệm này. Vâng, chỉ có niềm tin nơi Chúa Thánh Thần mới ban cho con sự hiểu biết ý nghĩa trọn vẹn, một cuộc sống không hạn hẹp trong cõi đất, nhưng được bắt nguồn từ cõi trời cao.
“Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.” (Ga 3, 16). Quả vậy, Thiên Chúa đã yêu thế gian, đến nỗi ban Con Một mình, để tất cả những ai tin ở Con của Người, thì không phải hư mất, nhưng được sống đời đời. Người tin thì sẽ sống với, sống cùng và sống trong Người. Được sống muôn đời không có nghĩa là sau khi chết đi mới được sống, mà là có “sự sống” mới ngay hôm nay lúc ta đang sống. Thật đáng sợ khi tôi đang sống mà như đã “chết”.
Vì yêu thế gian, Thiên Chúa sẵn sàng ban tặng Người Con duy nhất để cho thế gian được sống muôn đời. Người Con đã hiến dâng mạng sống mình làm giá chuộc nhân loại. Cái chết trên thập giá là bằng chứng tận cùng của tình yêu đó. Nhưng buồn thay thế gian lại không cảm nhận và thấy hạnh phúc vì được ban cho Người Con duy nhất, nên khi thì nhạt nhẽo, có khi không cần chi đến Người. Chuyện cơm, áo, gạo, tiền lấp đầy cõi lòng tâm trí rồi thì đâu còn chỗ để liên đới mật thiết với Người Con được ban tặng. “Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận” (Ga 1, 11).
Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian tội lỗi nhờ Ngài mà được cứu độ. Nhưng để đáp lại, thật ngược đời, thế gian lại lên án Người và làm cho Người phải chết trên thập tự. Có khi ngày nay nhiều người vẫn tiếp tục lên án Chúa. Trước bệnh tật rủi ro, đau khổ hoạn nạn, tai ương... đều đổ cho Chúa định, Chúa gửi thánh giá... Oan cho Chúa quá! làm sao để đổi mới cái nhìn mà nhận ra giữa cuộc đời ánh sáng và bóng tối lẫn lộn bao trùm này?
Thập giá vẫn mãi chỉ là thập giá khi con người vác một cách miễn cưỡng hoặc buông trôi. Nhưng nhờ cuộc tử nạn tự hiến và phục sinh của Chúa Kitô đã làm thập giá trở thành thánh giá Tình Yêu:
“Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự. Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu” (Pl 2, 8-9).
Lạy Chúa! trên cuộc đời chúng con với biết bao nhiêu thập giá, bao đau khổ gánh nặng chất chồng, bao nỗi sầu buồn trĩu nặng tâm tư, nếu cùng vác với Chúa Kitô, nhờ Người và trong Người, thập giá có Chúa bước đi, những thập giá ấy sẽ trở thành nhẹ nhàng, thập giá sẽ nở hoa tươi. Ước gì chúng con biết đón nhận mọi thập giá trong cuộc sống hằng ngày, để nhờ ơn Chúa biến đổi thành thánh giá đem ơn cứu độ cho chúng con. Amen.
Én Nhỏ   
                                                                            
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log