“Tôi biết các chiên Tôi và các chiên Tôi biết Tôi”
Ga 10, 11-18
Mục tử tốt lành trao ban mạng sống
Đoạn tin mừng chủ nhật IV Phục sinh hôm nay giới thiệu cho chúng ta Chúa Giesu là mục tử tốt lành.
- Mục tử tốt lành hiến mạng sống mình vì đàn chiên và biết chiên.
- Người chăn chiên thuê chỉ có mối tương quan cần thiết đối với chiên.
- Còn Chúa Giêsu, vị mục tử tốt lành, biết chiên có nghĩa là yêu mến chiên.
- Mối tương quan giữa Chúa Giêsu và những ai tin vào Ngài dựa trên nền tảng căn bản là biết.
Biết theo Kinh Thánh, đó là mối tương quan sâu xa bằng tình yêu. Đó là từ ngữ thường dùng trong Kinh Thánh để mô tả tình yêu vợ chồng:
- “Adam biết (ăn ở với) Eva, vợ mình. Bà sinh ra một người con”.
- “Này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao cả và sẽ được gọi là con Đấng Tối cao...Maria thưa với sứ thần: Việc ấy sẽ xẩy ra cách nào vì tôi không biết đến việc vợ chồng”.
Vậy khi Chúa Giêsu nói: “Tôi biết các chiên tôi và các chiên tôi biết tôi”, chúng ta cảm nhận được tình yêu sâu xa của Ngài đối với chúng ta và Ngài cũng chờ đợi chúng ta có một tình yêu sâu xa như thế đối với Ngài. Mối liên hệ mạnh mẽ về tình yêu say đắm giữa Chúa Giêsu với chúng ta dựa trên nền tảng mối tương quan mật thiết của Ngài với Chúa Cha. Tương quan mật thiết đó được thể hiện:
- Chúa Giêsu ban mạng sống của Ngài cho chúng ta.
- Trao ban mạng sống còn có nghĩa chấp nhận mọi giá khi chiên gặp nguy hiểm.
- Trao ban tất cả bản thân mình là thái độ cụ thể của Chúa Giêsu, một trong những đặc trưng cho tất cả sứ mệnh của Ngài trên trái đất, không chỉ là qua cuộc khổ nạn và cái chết của Ngài trên thập giá.
Sự trao ban tất cả này, dấu chỉ của một tình yêu sẵn sàng cho mạng sống, chứng tỏ chúng ta thuộc về Ngài: chiên của Ngài được canh giữ bằng tình yêu và được dẫn đến sự sống. Ngược lại, người chăn chiên thuê, những kẻ lợi dụng cơ hội, đối xử với chiên như món hàng chứ không phải là con người.
Vì vậy, hôm nay, mỗi người chúng ta tự đặt câu hỏi:
- Tôi thuộc con chiên nào của đàn? Tôi có phải là con chiên bị lạc mất và được tìm thấy hay tôi vẫn bị lạc mất ?
- Tôi có là chiên để Chúa Giêsu dịu dàng dẫn dất, và tôi có là chiên bị thương tích hoặc bị bệnh, để cho Ngài chữa lành hoặc chăm sóc không?
Nếu câu trả lời của chúng ta là tích cực, chúng ta sẽ theo Chúa Giêsu và khi chúng ta gặp khó khăn bước đi theo Ngài, Ngài sẽ vác chúng ta trên vai Ngài.
Theo Chúa Kito, Mục tử nhân l;ành
- Theo Chúa Giêsu Kitô mục tử tốt lành, thì chúng ta phải trở nên như con chiên ngoan. Con chiên ngoan. không có nghĩa là ngây thơ, ngu xuẩn, và vâng lời mù quáng, mà là khiêm nhường, tin tưởng, và phó thác vào Chúa Kito, Ngài đi cùng chúng ta và vì chúng ta. Hơn nữa, khiêm nhường và tin tưởng vào Chúa Giêsu Kito không có nghĩa là không sử dụng trí thông minh, vì khiêm nhường là đức tính mở đường trí thông minh cho đức tin và trái tim biết yêu.
- Theo Chúa Kitô như con chiên ý thức mình được yêu thương chứ không phải bị ruồng bỏ, có nghĩa là để Chúa Kito, mục tử tốt lành và thánh thiện dẫn chúng ta đến đồng cỏ vĩnh cửu nước trời.
Nhưng chúng ta đừng quên rằng Chúa Giêsu muốn linh mục trong Giáo Hội trở nên như "Mục tử tốt lành”. Không những chỉ ở trong giáo xứ, linh mục còn theo đuổi sứ mệnh mục vụ của Chúa Giêsu. Vì thế linh mục phải "chăn dắt đàn chiên", bằng cách giảng dạy, ban ân sủng, bảo vệ "con chiên" khỏi mắc sai lầm và sự dữ, an ủi và nhất là yêu thương. Bất kỳ trong hoàn cảnh nào và thời đại nào, tất cả các linh mục đều được gọi để bắt chước Chúa Kitô là mục tử nhân lành, không như người chăn thuê, không tìm kiếm lợi ích nào khác, theo đuổi bất kỳ lợi thế nào khác hơn là hướng dẫn, nuôi dưỡng, bảo vệ chiên của mình: "để chiên được sống, và sống dồi dào".
Tất cả các ki-tô hữu cũng đều mục tử
Nhờ bí tích Rửa tội, mọi kitô hữu đều được kêu gọi trở thành một “mục tử tốt” trong môi trường của mình:
- Cha mẹ phải là "mục tử tốt" cho con cái mình, bằng cách cảm hóa chúng nhờ tình yêu.
- Con cái phải tuân theo tình yêu của cha mẹ và học một đức tin đơn sơ và chắc chắn, bằng cách học trao ban sự sống sống mà họ đã nhận được như một món quà.
- Vợ chồng trở nên dấu ấn cho mối tương quan lứa đôi để cuộc sống gia đình luôn ở đỉnh cao trong tình yêu và lý tưởng mà Đấng Tạo Hóa muốn, đó là một Giáo Hội tại gia.
- Giáo viên trường học, công nhân nhà máy, hoặc nhân viên văn phòng, mỗi người đều phải trở nên "mục sư tốt lành" như Chúa Giêsu.
-Nhưng, nhất là, các tu sỹ, các thành viên của một học viện tại thế.phải là "những mục tử tốt" trong xã hội, những người được dâng hiến cho Thiên Chúa.
Vì thế, chủ nhật hôm nay, Giáo Hội mời gọi chúng ta cầu nguyện cho tất cả các ơn gọi nam hay nữ để chứng từ của đời sống tôn giáo trong Giáo Hội, sẽ ngày càng vĩ đại, sống động, mãnh liệt và hiệu quả. Thế giới ngày nay cần các nhân chứng thuyết phục, thánh hiến và cho đi nhiều hơn nữa..
Linh mục Gioan Đặng Văn Nghĩa
===================
Suy niệm 2
Ga 10, 1 – 10
Để cảm nghiệm được tâm tư của Đức Giê su qua bài Tin Mừng này, chúng ta phải quay về nước Do Thái cách nay 20 thế kỷ. Thời đó người mục tử và đoàn chiên là một hình ảnh rất quen thuộc và rất sống động.
Cứ mỗi buổi sáng, mục tử mở cửa chuồng chiên. Chiên nối đuôi nhau đi ra. Mục tử gọi tên từng con, lấy tay xoa đầu chiên. Khi chiên ra hết rồi, mục tử một tay cầm gậy, một tay cầm tù và dẫn đầu đi trước. Chiên đua nhau đi theo và tranh nhau đi gần mục tử. Mục tử yêu chiên. Chiên yêu mục tử. Chúng nghe tiếng mục tử. Ban đêm không thấy mục tử, nhưng chiên vẫn nhận ra khi chúng ngửi thấy mùi của mục tử: mùi hôi hôi, mùi hoi hoi…
Mục tử dẫn bầy chiên đến các cánh đồng cỏ còn tươi non cho chiên ăn. Ăn xong, mục tử laij dẫn chúng đến những khúc suối có nước trong sạch cho chiên uống. Ăn uống no rồi, thì mục tử dẫn chiên đến các bóng râm mát cho chiên nằm nghỉ và ngủ. Chiên ngủ, nhưng mục tử vẫn thức để canh gác. Nếu chó sói đến để bắt chiên, thì mục tử cầm gậy lao ra để chiến đấu. Chiến đấu với bầy sói hung dữ, thì mục tử có thể bị thương và có nguy cơ tử vong. Mục tử bất chấp nguy cơ đe dọa, anh quyết chiến để bảo vệ bầy chiên của mình.
Đức Giê su tự ví mình với người mục tử chân chính ấy. Ngài bị lãnh đạo Do Thái theo dõi bắt bẻ suốt ba năm truyền đạo. Cuối cùng Ngài bị họ đóng đinh: một cái chết vừa đau nhục, vừa oan khiên. Ngài không từ chối cái chết ấy, để đem lại cuộc sống vĩnh cửu cho những ai tin vào Ngài, nghe lời Ngài.
Chúa là mục tử chân chính đã yêu thương chúng ta như thế đó; còn chúng ta có giống bầy chiên ngoan, nghe tiếng nói của chủ chăn, thậm chí còn ngưởi được mùi của chủ chăn và lẽo đẽo bám sát chủ chăn không?
Con chiên ngoan bám sát chủ chăn, thì chúng ta cũng phải bám sát lấy Chúa như vậy. Bám sát Chúa là:
- Hằng ngày phải đọc Lời Chúa.
- Đọc Lời Chúa, thì phải hiểu ý của Chúa, tấm lòng của Chúa.
- Rồi phải thực hành Lời Chúa trong cuộc sống hằng ngày. Phải nghĩ như Chúa nghĩ. Phải yêu Chúa Cha như Chúa Giê su. Phải yêu kẻ thù như Đức Giê su. Phải yêu thường người lầm đường lạc lối như Đức Giê su. Phải yêu người tôn giáo bạn như Đức Giê su. Phải bức xúc loan báo Tin Mừng như Đức Giê su.
Chúa Giê su đã là mục tử tuyệt vời rồi. Bây giờ chúng ta cũng phải là những con chiên tuyệt vời của Chúa.
Linh mục Piô Ngô Phúc Hậu
=================
Suy niệm 3
Tình yêu Thiên Chúa như đại dương
Ga 10, 11-18
Steve Jobs là một thiên tài về tin học và là nhà sáng chế nổi bật người Mỹ trong thời đại chúng ta. Ông đạt được nhiều thành công vang dội trong lãnh vực công nghệ thông tin. Ông là nhà sáng lập, là chủ tịch và tổng giám đốc điều hành của hãng Apple, là cha đẻ của điện thoại Iphone và Ipad.
Tiếc thay, ông bị mắc chứng ung thư tuyến tụy và dù hết sức chạy chữa để dành lại sức khỏe và sự sống, ông đã phải qua đời ngày 5 tháng 10 năm 2011, khi được 56 tuổi.
Trong thời gian nằm bệnh viện để điều trị chứng bệnh quái ác, ông tâm sự rằng:
“Nếu có tiền, bạn có thể mướn tài xế lái xe cho bạn, nhưng không thể dùng tiền để thuê người mang bệnh cho bạn.”
Đúng vậy, Jobs có thể thuê nhiều người lái xe thay mình để đưa ông đi khắp nơi, có thể thuê hàng chục ngàn nhân công để phục dịch cho mình; nhưng dù có cả núi tiền, Jobs cũng không thể thuê người mang bệnh ung thư giùm cho ông hay chết thay cho ông!
Sở dĩ không thuê được là vì không có ai trên đời chấp nhận chết thay cho người khác được sống, với bất cứ giá nào.
Thế mà Chúa Giê-su, là Thiên Chúa cao cả và đầy quyền năng, đã tự nguyện mang lấy tội lỗi chúng ta, mang án phạt của chúng ta để ta khỏi chịu khổ hình do tội mình gây nên và tự nguyện chết thay để chúng ta được sống đời đời… Đây là hồng ân vô cùng tuyệt vời và cao quý Ngài ban tặng cho chúng ta.
Qua bài Tin mừng trích đọc hôm nay (Ga 10, 11-18), Chúa Giê-su tự giới thiệu Ngài là người chăn chiên tốt lành và sứ mạng cao cả của Ngài là hy sinh chịu chết để bảo vệ chiên, để cứu chiên khỏi chết. Ngài nói:
“Tôi là Mục tử nhân lành. Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên.”
Chưa từng có mục tử nào trên đời yêu mến chiên và hy sinh cho đoàn chiên đến thế!
Và Chúa Giê-su lặp lại câu này lần thêm hai lần nữa: “Tôi hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên…” và “Chúa Cha yêu mến tôi, là vì tôi hy sinh mạng sống mình…”
Cụm từ “hy sinh mạng sống” được Chúa Giê-su nhắc lại ba lần trong một bài giảng ngắn, để nhấn mạnh vai trò và sứ mạng của Ngài là chịu chết cho muôn người được sống.
Tôi tớ thấp hèn tự nguyện chết thay cho ông chủ cao sang quyền quý, hay người dân đen cùng khốn tự nguyện chết thay cho đức vua cao trọng, hoặc con cái trong gia đình chết thay cho cha mẹ tốt lành… là điều hiếm thấy trong lịch sử nhân loại.
Phải có một tình yêu vô cùng lớn lao thúc đẩy thì người ta mới có thể tự nguyện chết thay cho người khác.
Ai yêu thương đến độ chết thay cho người khác là đã đạt tới tột đỉnh của tình yêu.
Thế mà Chúa Giê-su, là Chúa Tể trời đất, là Đấng rất cao cả và đầy quyền năng, chấp nhận chết thay cho loài người thấp hèn, tội lỗi, để cho ta được sống muôn đời với Chúa, là điều vượt quá trí hiểu của con người.
Điều này chứng tỏ tình thương Ngài dành cho chúng ta lớn lao như đại dương không bờ, không đáy.
Lạy Chúa Giê-su,
Nếu chúng con bị tuyên án tử hình mà có người nhận tội thay và chịu chết thay cho chúng con thì tuyệt vời biết bao, hạnh phúc biết dường nào! Chúng con sẽ yêu mến người đó hết lòng, hết sức, trên hết mọi sự suốt cả đời mình.
Thế mà Chúa là Chúa tể trời đất, đã mà hạ mình xuống thế ở với chúng con, chăm sóc chúng con ân cần chu đáo như người chăn chiên tốt chăm lo cho đoàn chiên, đã ấp ủ chúng con như mẹ hiền ôm ẵm con thơ và thậm chí còn hiến thân chịu chết cho chúng con được sống muôn đời… thì chúng con lại thờ ơ hững hờ, vô cảm vô tâm trước tình yêu cao vời của Chúa.
Xin Chúa tha thứ cho chúng con về tội vô tâm này và giúp chúng con từ nay luôn yêu mến Chúa hết lòng chúng con. Amen.
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
=================
Suy niệm 4
MỤC TỬ ĐẸP
“Mục Tử Đẹp” là chữ của Cha Giuse Nguyễn Công Đoan. Ngài giải thích như sau:
Người ta thường dịch là “Mục Tử nhân lành/tốt lành”. Nhưng bản văn Hy lạp dùng “ĐẸP”, gợi lại hình ảnh vua Đavit (x.1S 16,12), phù hợp với những lời hứa về Giao Ước Mới, trong đó Thiên Chúa hứa ban một Mục Tử từ nhà Đavit, một Đavit mới: “Ta sẽ làm nảy sinh cho nhà Đavit một chồi non chính trực. Vị vua lên ngôi trị vì sẽ là người khôn ngoan tài giỏi trong xứ, vua sẽ thi hành điều chính trực công minh. Thời bầy giờ, Giuđa sẽ được cứu thoát, Itraen sẽ được sống yên hàn. Danh hiệu người ta tặng cho vua ấy sẽ là: Đức Chúa, sự công chính của chúng ta” (Gr 23,5-6). “Ta sẽ cho xuất hiện một mục tử để chăn dắt chúng; nó sẽ chăn dắt chúng; chính nó sẽ là mục tử của chúng, và Đavit, tôi tớ của Ta, sẽ là ông hoàng ở giữa chúng. Chính Ta, Đức Chúa, Ta đã phán” (Ed 34, 23-24).
Chúa Giêsu là Mục Tử xuất thân từ nhà Đavit, mục tử đẹp như Đavit. Khi Chúa Giêsu cưỡi lừa con đi vào Giêrusalem, Gioan sẽ trích dẫn lời sách Dacaria: “hỡi thiếu nữ Sion đừng sợ, này Đức Vua của ngươi ngự đến, ngồi trên lưng lừa con” (Dc 9,9).
Chúa Giêsu là Mục Tử Đẹp như Đavit, là Đavit mới. Khi Đavit tình nguyện ra đương đầu với Gôliat, Đavit kể chuyện mình đi chăn chiên: “Khi sư tử hay gấu tha đi một con chiên trong bầy, thì con ra đuổi theo nó, đánh nó và giật con chiên khỏi mõm nó. Nó mà chồm lên con, thì con nắm lấy râu của nó, đánh cho nó chết luôn” (1S 17,34-35). Đavit liều mạng để cứu chiên. Chúa Giêsu là Đavit mới, sẽ hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên được sống, trái với kẻ trộm, kẻ cướp. Chúa Giêsu hy sinh mạng sống vì đoàn chiên thể theo thánh ý của Chúa Cha: “Đó là mệnh lệnh của Cha tôi mà tôi đã nhận được” (Ga 10,18). Chúa sẽ quy tụ tất cả đoàn chiên, để “chỉ có một đoàn chiên và một mục tử” như Thiên Chúa đã hứa trong sách Êdêkien (34,11-16). (x.Tĩnh tâm với Tin mừng Gioan, Lm Giuse Nguyễn Công Đoan, SJ).
Chúa nhật IV Phục sinh, ngày cầu nguyện cho ơn thiên triệu Linh mục và ơn gọi Tu sĩ nam nữ. Giáo Hội luôn cần đến những “Mục Tử Đẹp” như Chúa Giêsu. Hãy cầu nguyện cho Giáo Hội có nhiều mục tử đạo đức, thánh thiện như lòng Chúa mong ước.
“Mục tử đẹp” luôn kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu là có một sự hiểu biết sâu xa về Ngài do đã gặp gỡ và sống với Ngài thực sự. Khi thánh Phêrô tìm người thay thế Giuđa Iscariốt, ngài đã nói với cộng đoàn: “Trong số những anh em đã cùng chúng tôi theo Chúa Giêsu suốt thời gian Người sống giữa chúng ta, kể từ khi Người được Ông Gioan làm phép rửa cho đến ngày Người lìa bỏ chúng ta và được rước lên trời, phải có người trở thành chứng nhân cùng với chúng ta làm chứng Người đã phục sinh” (Cv 1,21-22). Với những lời trên đây, thánh Phêrô, khi chọn người mục tử thay thế Giuđa, đã chỉ đưa ra một tiêu chuẩn là: người đó đã phải cùng sống với Chúa Giêsu và đã tham dự cuộc đời cứu thế của Ngài, một đời mặc lấy thân phận đoàn chiên, yêu thương đoàn chiên, cứu độ đoàn chiên và còn hơn nữa, như lời Ngài nói: “Ta còn có những chiên không thuộc đoàn này. Ta cũng phải đưa chúng về” (Ga 10,16). Ngài cũng khẳng định: “Mục tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên” (10,11). Muốn được như vậy, người mục tử phải có những tâm tình của Chúa Giêsu. Nhất là sự khiêm nhường. Chúa Giêsu đã mời gọi các môn đệ hãy học với Ngài, đặc biệt là về đức tính“hiền lành và khiêm nhường” (Mt 11,29). Chính Ngài đã cứu chuộc loài người bằng sự hiền từ khiêm tốn, vâng phục thánh ý Chúa Cha. Cầu nguyện là hơi thở của linh hồn, là sự sống, là sức mạnh của đời mục tử. Cầu nguyện là lẽ sống và có một tầm quan trọng đặc biệt trong cuộc sống mục tử. Lời cầu nguyện chỉ thực sự có giá trị và sức mạnh khi phát xuất từ một đức tin có chất lượng và sống động. Mục tử cầu nguyện, hãm mình, đền tội cho giáo dân theo gương cha thánh Gioan Vianney.
Trong Sứ điệp ngày thế giới cầu nguyện cho các ơn gọi năm 2012, ĐTC Bênêđictô xác định: Lời Chúa, cầu nguyện và Thánh Thể là kho tàng quý giá giúp cho các ơn gọi hiểu vẻ đẹp của một cuộc sống hoàn toàn dâng hiến cho Nước Thiên Chúa.Ngài mời gọi mời gọi các mục tử : Khi kín múc ở nguồn mạch tình yêu Thiên Chúa trong đời sống cầu nguyện, cùng với việc năng lui tới với Lời Chúa và các Bí tích, cách riêng Bí tích Thánh Thể, mà ta có thể sống tình yêu đối với tha nhân trong đó ta học biết khám phá khuôn mặt của Chúa Kitô (x. Mt 25, 31-46).
Mục tử tốt lành là phải luôn sống kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu, luôn khát khao và cầu xin ơn Chúa Thánh Thần. Nhờ đó, vị mục tử tốt lành biết rõ đàn chiên,yêu thương đàn chiên và sẵn sàng hiến mạng vì đàn chiên. Từ đó, vị mục tử tốt lành biết nuôi dưỡng đoàn chiên bằng những lương thực có chất lượng cao đặc biệt là cử hành Thánh Thể sốt sắng và nhiệt thành trong bí tích Hòa Giải.
Ơn gọi Linh mục Tu sĩ chính yếu là để “sống với Chúa, và để Ngài sai đi”(Mc 3, 14). Sống với Chúa, là lắng nghe tiếng Ngài trong từng giây phút sống, để nên một với Chúa trong gian nan và hạnh phúc. Để Ngài sai đi, là sẵn sàng đi theo con đường Ngài đã đi, thực thi sứ mạng Ngài trao bất chấp những gì xảy ra.
Giáo dân cần Linh mục như bệnh nhân cần bác sĩ, như học sinh cần thầy cô giáo, như một người bạn sẵn sàng cảm thông chia sẻ vui buồn trong đời sống và như người bạn đồng hành giúp đỡ trong cuộc hành trình tiến về đời sau.
Hãy cầu nguyện cho các Linh mục được trở nên những mục tử như Chúa Giêsu, vị Mục Tử Tốt Lành, biết yêu thương phục vụ đoàn chiên, hiểu biết tâm tư tình cảm của từng người, quan tâm chăm sóc từng con chiên và sẵn sàng hy sinh bản thân vì lợi ích của đàn chiên. Trong bài giảng Lễ Dầu năm 2013, Đức Thánh Cha Phanxicô đã khuyên các linh mục: “Cha mời gọi các con điều này, các con hãy là những người chăn chiên có mùi của chiên. Người chăn chiên thì có mùi chiên, làm cho cái mùi ấy thành cái mùi thực, giống các người chăn chiên ở giữa đoàn chiên của các con. Mùi của chiên chỉ có được bằng cách sống các thực tại đời sống hàng ngày của họ, các bối rối khó khăn của họ, các niềm vui của họ, các gánh nặng và các hy vọng của họ”.
Hãy cầu nguyện cho các Linh mục có những đức tính tốt của những "Mục Tử Đẹp" mà Thánh Kinh đã mô tả :
- Yêu thương, trìu mến chiên với tất cả tâm hồn: "Chúa tập trung cả đàn chiên dưới cánh tay: lũ chiên con, Người ấp ủ vào lòng, bầy chiên mẹ, cũng tận tình dẫn dắt" (Is 40, 11).
- Yêu quý từng con chiên, một con cũng như cả trăm con: "Ai có một trăm con chiên mà có một con đi lạc, lại không để chín mươi chín con kia trên núi mà đi tìm con chiên lạc sao ? Và nếu may mà tìm được, người ấy vui mừng vì con chiên đó, hơn là vì chín mươi chín con không bị lạc" (Mt 18, 12-13).
- Lo cho chiên, tạo những điều kiện tốt đẹp cho chiên: "Ta sẽ chăn dắt chúng trong đồng cỏ tốt tươi và chuồng của chúng sẽ ở trên các núi cao. Tại đó chúng sẽ nằm nghỉ trong chuồng êm ái, sẽ đi ăn trong những đồng cỏ mầu mỡ" (Ed 34, 14).
- Làm cho chiên được sống no ấm, hạnh phúc: "Chúa chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì" (Tv 23,1); làm chiên luôn vững dạ vì được bảo vệ: "Dầu qua lũng âm u con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng. Côn trượng Ngài bảo vệ, con vững dạ an tâm" (23, 4).
- Tinh thần trách nhiệm đối với đàn chiên rất cao: "Con nào bị mất, Ta sẽ đi tìm; con nào đi lạc, Ta sẽ đưa về; con nào bị thương, Ta sẽ băng bó; con nào bệnh tật, Ta sẽ làm cho mạnh; con nào béo mập, con nào khoẻ mạnh, Ta sẽ canh chừng" (Ed 34,16).
- Cứu thoát, giải phóng đàn chiên: "Thiên Chúa sẽ cứu thoát dân Người, như mục tử cứu thoát đàn chiên" (Dc 9,16).
Linh mục là Mục tử, người chăm sóc phần hồn các tín hữu. Một sứ mạng rất cao quý. Linh mục noi gương Chúa Giêsu - Mục Tử Đẹp, tận tình phục vụ tha nhân qua công việc mục vụ với đức ái mục tử. Đây là linh đạo của linh mục giáo phận.
Sứ điệp Ngày Quốc tế Ơn gọi 2021 với chủ đề: Thánh Giuse – Giấc mơ ơn gọi. Đức Thánh Cha Phanxicô suy niệm: Thánh Giuse gợi ý cho chúng ta ba từ khóa cho ơn gọi của mỗi cá nhân. Đó là ước mơ, sự phục vụ và lòng trung thành.
Trong Kinh Thánh, thánh Giuse được gọi là người công chính. Thánh Giuse được Giáo Hội tôn vinh với nhiều tước hiệu cao quý. Một trong những tước hiệu đó là: “Thánh Giuse,Đấng bảo trợ Giáo Hội và những tâm hồn dâng hiến”. Giáo Hội coi Thánh Giuse là “Đấng giữ gìn các kẻ đồng trinh”. Ngài đã giữ gìn Đức Maria. Ngài cũng sẵn sàng giữ gìn những người tận hiến đời mình cho Chúa.
“Xin Thánh Cả Giuse, Đấng bảo vệ các ơn gọi, đồng hành với anh chị em bằng trái tim hiền phụ của ngài!” (Sứ điệp Ơn gọi 2021).
Lạy Thánh Cả Giuse là Đấng bảo vệ Giáo Hội và những tâm hồn dâng hiến, xin bảo vệ và phù trợ các mục tử để các ngài luôn cố gắng mỗi ngày nên “Mục Tử Đẹp” như Chúa Giêsu. Amen.
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
================
Suy niệm 5 Ước Mơ, Phục Vụ và Trung Thành ( Ga 10, 11 – 18 ) Hàng năm vào Chúa Nhật Thứ Tư Phục Sinh, còn được gọi là Chúa Nhật Chúa Chiên Lành, chúng ta cử hành Ngày thế giới cầu nguyện cho ơn thiên triệu.
Trong Sứ điệp nhân ngày thế giới cầu nguyện cho ơn thiên triệu năm nay 2021 với chủ đề: “Thánh Giuse, Ước mơ của Ơn gọi” Đức Thánh Cha Phanxicô đã diễn giải 3 đặc tính của ơn gọi nơi mỗi cá nhân là ước mơ, phục vụ và lòng trung thành.
Ước mơ là dấu chỉ của ơn gọi. Ai muốn tận hiến cho Chúa, người ấy trước tiên phải ước ao, phải muốn đi Tu đã. Không phải chỉ là một ước muốn mơ hồ, mà là một ý muốn cương quyết mạnh mẽ và lâu bền đầy ý thức ngay lành. Ðành rằng có thể có những hối tiếc, những cám dỗ, nhưng đương sự vẫn cố gắng và cương quyết vượt qua. Ði theo Chúa không phải vì vụ lợi, danh vọng mà vì muốn nên trọn lành. Chúa phán cùng người thanh niên : “ Nếu con muốn nên trọn lành hãy về bán hết tài sản... rồi đến theo Ta”. Ðó là dấu căn bản thứ nhất. Đức Thánh Cha đề cập đến đặc tính thứ hai là phục vụ.
Phục vụ
Co bao giờ ta tự đặt câu hỏi: Chúa sinh tôi ra trên trần thế này, để cho tôi lưu lạc nhiều năm tháng, cứu tôi, biến tôi thành con dân Ngài, để hưởng sự sống đời đời nơi Thiên đàng. Như thế khi chưa về nước Chúa, Chúa muốn ta làm gì không ?
Hiển nhiên, Chúa muốn chúng ta thành con người phục vụ trong thành công và đắc thắng cho Ngài.
Mỗi tín hữu là một người phục vụ. Chúng ta được tạo dựng để phục vụ (x. Eph 2,10). Ađam và Eva được Thiên Chúa tạo dựng để phục vụ Chúa, quản trị muôn loài. Phải khẳng định rằng, chúng ta được cứu để phục vụ (x. 2 Tim 1,9), được kêu gọi để phục vụ và đụợc ban ơn để phục vụ, như Phêrô mô tả: "Moi người trong anh em hãy lấy ơn mình đã được mà giúp lẫn nhau, khác nào người quản lý trung tín giữ các thứ ơn của Thiên Chúa" (1 Pr 4, 10).
Người được ban cho quyền hành cũng là để phục vụ: “Anh em hãy đi giảng dạy muôn dân, làm phép rửa cho họ, nhân Danh Cha và Con và Thánh Thần” (Mt 28, 18-20).
Tóm lại, Thiên Chúa không tình cờ tạo ra chúng ta, Ngài cũng không rủi may cứu chúng ta, càng không tùy hứng kêu gọi và ban ơn cho chúng ta. Chúa có chương trình, kế hoạch, mục đích tạo dựng, cứu rỗi, kêu gọi, ban ơn để chúng ta phục vụ Chúa và nhận phần thưởng quí báu đời đời của Ngài. Hay cảm tạ Chúa. Hãy nói với Chúa: Chúa ơi, xin dùng con phục vụ Ngài.
Chúa Giêsu đã phán: “Thầy ở giữa các con như một người hầu hạ” (Lc 22,27). Là Kitô hữu, chúng ta được mời gọi phục vụ lẫn nhau. Người sống đời tu trì thì càng phải phục vụ. Phục vụ là giúp đỡ những người khác cần sự trợ giúp. Sự phục vụ giống như Chúa Giêsu phát sinh từ tình yêu mến chân thật đối với Đấng Cứu Thế và lòng yêu thương cũng như mối quan tâm đối với những người mà Chúa ban cho chúng ta các cơ hội để phục vụ. Tình yêu thương không phải chỉ là một cảm giác suông; nhưng là yêu và muốn giúp đỡ họ.
Là Kitô hữu, chúng ta phải sẵn lòng phục vụ, bất luận mức thu nhập, tuổi tác, hay địa vị xã hội của chúng ta ra sao. Một số người tin rằng chỉ những người nghèo khó và thấp hèn mới phải phục vụ. Một số người khác lại nghĩ rằng chỉ những người giàu có mới phải phục vụ. Nhưng Chúa Giêsu đã dạy ngược lại: “Trong các ngươi, kẻ nào muốn làm lớn, thì sẽ làm đầy tớ các ngươi; còn kẻ nào muốn làm đầu, thì sẽ làm tôi mọi các ngươi” (Mt 20, 26–27). Vì thế, người sống đời tu trì được gọi riêng để phục vụ tha nhân.
Có nhiều cách để phục vụ. Chúng ta có thể giúp những người khác về phương diện kinh tế, xã hội, vật chất và tinh thần. Cho người đói ăn, giúp người ốm yếu, ai ủi kẻ sầu muộn, cô đơn… Hãy nghĩ đến những người đang lâm cảnh khốn khổ về phương diện kinh tế, xã hội, vật chất cũng như tinh thần. Đức Thánh Cha Phanxicô đề cập đến đặc tính thứ ba là trung thành.
Trung thành
Trung thành trong ơn gọi không chỉ đơn giản là ơn gọi trong đời sống tu trì hay gia đình, nhưng là tất cả mọi hoạt động và ý định của Thiên Chúa muốn con người cộng tác vào.
Thiên Chúa luôn là Đấng chủ động mời gọi con người đến để hiệp thông, cộng tác với Ngài, nhờ đó con người được lớn lên trong tình yêu thương chăm sóc và bảo vệ, cũng như được thừa hưởng phúc lộc sẽ ban cho khi luôn gắn bó, trung thành với Ngài. Vì thế, cách khôn ngoan của con người là mau mắn đáp lại tiếng Chúa và trung thành với phận vụ cao quý mà Thiên Chúa đang giao phó nơi mỗi người, trong từng việc, từng hoàn cảnh và thời gian khác nhau.
Trung thành trong ơn gọi tận hiến không đơn giản chỉ là có tên, có mặt trong nhà dòng, qua những lần khấn hứa để trở thành tu sĩ, hay thành linh mục đoàn Giáo phận mà thôi. Mà phải làm cho ơn gọi dâng hiến trở nên sống động, là biểu tượng của hạnh phúc thật, là nguồn sức sống sung mãn cho con người và thành niềm say mê cho ai khát khao và kiếm tìm.
Chính nhờ trung thành gắn bó với ơn gọi, mà con người được Thiên Chúa chúc phúc. Đời họ trở nên dấu chỉ của tình thương và an bình.
Vì thế, người tu trì phải làm cho đời mình trở nên hạnh phúc thực sự, thành dấu chỉ của niềm vui giữa thế gian, nhờ đó mà người đời nhận biết sự tốt lành và cao cả của Thiên Chúa ban cho con người, qua ơn gọi dâng hiến.
Nhân Ngày thế giới cầu nguyện cho ơn thiên triệu năm 2021, Đức Thánh Cha Phanxicô cầu chúc như sau: “Tôi cầu chúc cho các bạn, những người đã quảng đại biến Thiên Chúa thành ước mơ của cuộc đời các bạn, phục vụ Người trong những người anh chị em của các bạn qua lòng trung thành…” (x. Sứ điệp Ơn gọi 2021).
Đức Phanxicô đã từng nhắc nhở : “Vào ngày được dành riêng để cầu nguyện cho ơn gọi này, tôi kêu gọi tất cả anh chị em Kitô Hữu hãy ý thức trách nhiệm của mình đối với việc chăm sóc và biện phân các ơn gọi”. Đức Thánh Cha cầu nguyện cho các bạn trẻ ở khắp Châu Á ngày càng chú tâm lắng nghe lời Chúa kêu gọi và đáp lại ơn gọi của mình với đức tin và lòng dũng cảm.
Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ
=================
Suy niệm 6 ƠN GỌI: ‘ƠN SỦNG’ + ‘NGƯỜI GỌI và CHỌN’ Kính thưa quý ông bà và anh chị em! Như thường lệ, cứ vào dịp lễ tuần IV Phục Sinh, Giáo Hội lại mời gọi tất cả tín hữu hiệp ý cầu nguyện cho ơn thiên triệu (hay còn gọi: ơn gọi), và cách riêng cho các linh mục được trở nên người mục tử như lòng Chúa mong muốn (sicut pastor Cor Iesu).
Có câu chuyện vui thế này: Ở một gia đình Công Giáo nọ, vì người mẹ muốn con trai mình Thiên Ân trở thành linh mục, nên lúc nào cũng nhắc con: “Lớn lên con đi tu nha không!” Buổi tối hôm kia, ngay sau khi đọc kinh gia đình xong, bé Thiên Ân bèn hỏi mẹ:
– Mẹ ơi, mỗi ngày con thấy mẹ lo cơm nước cho bố, vậy sau này con đi tu thì ai nấu cơm cho con ăn?Suy nghĩ một lát, mẹ Ân trả lời:
– Mình đi tu, tức là mình dâng đời mình cho Chúa, nên con phải nấu cơm lấy mà ăn, chứ đâu có ai nấu cho…
Nghe xong, Ân buồn lắm, và khẽ nói với mẹ:
– Mẹ ơi, nếu vậy, con chẳng thích đi tu chút nào!
Vừa dứt câu, cậu buồn bã lặng lẽ bước vào phòng ngủ, vì mai còn phải đi học. Tuy nhiên, hôm sau, khi từ trường về nhà, Ân lại hớn hở thưa với mẹ:
– Mẹ ơi, con thích đi tu lại rồi!
Quá đỗi ngạc nhiên, mẹ hỏi:
– Ủa! Sao vậy con? Sao thay đổi nhanh quá vậy?
– Vì có người cùng đi tu với con và sẽ nấu cơm cho con ăn mỗi ngày rồi.
– Ai vậy con?
– Thì cái Vy, con bác Phạm ở gần nhà mình đó mẹ!
– (…mẹ bó tay)
Phụng vụ hôm nay nhắc tới hình ảnh Phê-rô can đảm rao giảng về Đức Giê-su Ki-tô đã chịu nạn, chịu chết và phục sinh (x. Cv 4, 12), sau khi các Tông đồ được đầy tràn Thần Khí trong ngày lễ Ngũ Tuần. Hơn thế, biểu tượng người mục tử tốt lành, dám thí mạng sống mình vì đàn chiên (x. Ga 10, 11) và chúng ta cũng cảm nhận phần nào tình yêu của Chúa Cha trao ban cho chúng ta lớn lao dường nào (x. 1Ga 3, 2).
Trước hết, Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta hết mực, dù chúng ta chẳng xứng đáng với Ngài. Thiên Chúa ban cho chúng ta ơn cao cả làm con cái của Ngài, và sau được ‘diện đối diện’ với Ngài, “chúng ta sẽ giống như Ngài, vì Ngài thế nào, chúng ta sẽ thấy như vậy” (1Ga 3, 2). Hơn nữa, Ngài còn mời gọi chúng ta thông phần vào sứ mệnh rao truyền, chia san Tin Mừng qua tác vụ người mục tử thánh thiện, nhân lành như lòng Chúa mong ước. Tuy nhiên, để có những người mục tử tốt lành, thánh đức, chúng ta phải được Chúa mời gọi (ơn gọi - ơn thiên triệu) và chọn giữa muôn người tín hữu trong một cộng đoàn nào đấy: “Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em…” (Ga 15, 16). Vì vậy, hạn từ ‘đi tu’ thông thường gắn liền với “ơn gọi” (‘ơn’ và ‘gọi’). Thứ nhất, ‘đi tu’ chẳng do bởi công trạng, thành quả, tài năng, giỏi giang…của bản thân, nhưng đó thật sự là một ân sủng (‘ơn’); và thường ân sủng đi đôi với trách vụ hay sứ mệnh hoặc công việc nào đó. Kế đến, người ‘đi tu’ phải được ‘gọi’, chứ không thể tự mình muốn đi là được, hoặc tự cho mình có đầy đủ phẩm hạnh để đi! Người ‘gọi’ ở đây chính là Thiên Chúa, còn người ‘đi tu’ là người ‘được gọi’ và vui vẻ đáp trả tiếng mời gọi này, không vì khiên cưỡng, hay đi vì kỳ vọng hoặc ước muốn của ai khác, thậm chí của cha mẹ, họ hàng, thân thuộc, có khi ‘đi tu’ vì sự đánh đố với bạn bè, hay hơi hướng lí do kinh tế!
Nhưng làm sao để biết bản thân có ơn gọi dâng hiến hay không? Đầu tiên, chúng ta (với vai trò phụ huynh hay con cái) phải tin tưởng rằng: nếu Chúa muốn gọi-chọn ai làm nhân chứng cho Ngài trong đời sống dâng hiến (trở thành linh mục, hoặc tu sĩ nam nữ) thì Ngài luôn ban ơn cần thiết, hướng dẫn, trang bị cho họ, chứ Ngài không bao giờ ‘bỏ con giữa chợ, hay gặp mợ bỏ dì’! Dĩ nhiên, Ngài có cách thức chỉ dẫn riêng; nhưng thông thường, Ngài sẽ dùng môi trường gia đình, qua cha mẹ, qua lời dạy bảo và đồng hành của bậc phụ huynh mà giúp ứng viên nhận ra ‘ơn gọi’; bởi lẽ, ‘gia đình là chủng viện đầu tiên cho ơn gọi’. Hơn nữa, đời sống sinh hoạt nơi gia đình như: những buổi cầu nguyện chung, những lúc gia đình quây quần với nhau qua bữa cơm thường nhật, những cử chỉ yêu thương, chuyện trò với con cái về Chúa, về Giáo Hội, về các Thánh nam nữ, về gương sống đức tin, sống Lời Chúa, v.v…sẽ để lại ấn tượng sâu sắc trong tâm hồn của ứng viên. Từ đó, khi được tiếp xúc với các cha, các tu sĩ nam nữ ngoài giáo xứ hoặc cộng đoàn dòng tu nào đấy, thì có lẽ ứng viên dần dần mường tượng và liên tưởng đến đời sống đi tu là như thế nào. Ngoài ra, Thiên Chúa có thể dùng những người khác hoặc các biến cố trong đời để đánh động, giúp ứng viên nhận ra ngày càng rõ rệt ơn gọi dâng hiến. Và khi nhận biết, nhận ra rồi, thì hân hoan, quảng đại đáp lời mời gọi của Ngài, với sự nỗ lực, hy sinh, rèn luyện, bỏ mình nữa; vì chưng, chẳng có con đường nào bằng phẳng và dễ dàng cả!
Thật sự, Giáo Hội đang rất cần nhiều bạn trẻ quảng đại đáp lời kêu mời của Chúa, mà dám hiến dâng trọn đời mình cho Ngài qua đời sống tu trì-phục vụ-mục vụ-truyền giáo. Tuy nhiên, thiết nghĩ để có một vị linh mục tốt lành, thánh thiện thì cần có một chủng sinh tốt lành, thánh thiện! Nhưng để có một chủng sinh tốt lành, thánh thiện, thì không thể nào không có một Ki-tô hữu tốt lành, thánh thiện; và làm sao để có một Ki-tô hữu tốt lành, thánh thiện, nếu không có một con người/một công dân tốt lành, thánh thiện và nhân bản? Ngoài ra, sứ mệnh truyền giáo của Giáo Hội hơn bao giờ hết đòi hỏi các ứng viên trong thời gian đào luyện, đào tạo không những trau dồi về học vấn-tu đức-cộng đoàn-việc tông đồ, mà cần có lòng nhiệt huyết, lửa mến truyền giáo, dám ra đi rao giảng Tin Mừng, chứ không rơi vào tình trạng yên vị, sa vào hội chứng ‘an toàn’, chẳng mong đón nhận những thách đố mục vụ-phục vụ-truyền giáo, hoặc e ngại, có khi lo sợ đến vùng ven, vùng ngoại biên phục vụ, hay dính chặt vào những tiện nghi, môi trường đã thân quen, do dự thuyên chuyển đến nơi xa xôi, lạ lẫm, v.v…Tắt một lời, nếu muốn làm giàu (về vật chất) thì không nên làm linh mục! Nếu muốn lợi danh, doanh nhân thành đạt, hay có tiếng tăm…thì không nên làm linh mục! Nếu chỉ muốn người người biết đến mình, mà không phải khao khát biết Chúa, thì không nên làm linh mục! Nếu nhằm đạt được những nghị trình lớn lao, những tham vọng của bản thân, thì không nên làm linh mục! Vì sao như vậy? Đơn giản vì những tiêu chí, tiêu chuẩn ấy không thuộc về căn tính và ơn gọi linh mục. Nói như Kinh Thánh xác thực: Mục tử tốt lành thí mạng sống mình vì chiên (Ga 10, 11); mục tử tốt lành biết chiên mình, và các con chiên biết chủ chiên (Ga 10, 14); mục tử tốt lành tìm kiếm những con chiên lạc, những con chiên chưa thuộc ràng chiên, vì “chỉ có một đàn chiên và một chủ chiên” (Ga 10, 16).
Nguyện xin Chúa sai thợ gặt
Hết lòng tín thác, chân thật tâm can.
Chủ chăn yêu mến chứa chan
Chăm lo dẫn dắt, hân hoan đồng hành.
Như người mục tử nhân lành
Hy sinh mạng sống, trung thành mãi liên
Ngày đêm săn sóc đoàn chiên
Trung kiên chống lại ‘sói điên’ rình chờ. Amen!
Lm. Xuân Hy Vọng
=================
Suy niệm 7
Tôi Là Mục Tử Nhân Lành Cv 4,8-12; 1Ga 3,1-2; Ga 10,11-18
Đức Giêsu kể dụ ngôn với người Do Thái cho họ hiểu ai là mục tử đích thực: «Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên. Người làm thuê, vì không phải là mục tử, và vì chiên không thuộc về anh, nên khi thấy sói đến, anh bỏ chiên mà chạy. Sói vồ lấy chiên và làm cho chiên tán loạn, vì anh ta là kẻ làm thuê, và không thiết gì đến chiên. Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Tôi biết chiên của tôi, và chiên của tôi biết tôi, như Chúa Cha biết tôi, và tôi biết Chúa Cha, và tôi hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên». (Ga10, 11-15).
Đức Giêsu chính là Mục Tử nhân lành mà đàn chiên yêu mến và luôn “theo sau”, là chính Mục Tử mà chiên “nghiện” và bám riết lấy Ngài chứ không chịu theo người lạ. Ngài “biết” rõ chiên của Ngài từng con một. Chiên nào ốm yếu bệnh hoạn tật nguyền ra sao, chiên nào dễ thương ngoan ngoãn, chiên nào đã từng lầm lỡ quay lưng, được “vác” trên vai trở về… Ngài yêu hết, cưng hết dù cách chăm sóc có khác nhau tùy hoàn cảnh khác biệt. Còn lũ chiên ngoan thì nghe tiếng Ngài, nhận biết được tiếng của Ngài, hiểu ý Ngài, Ngài khẽ gọi hay ra dấu hiệu nhỏ là chúng biết ngay và quay ngoắt chạy theo.
Chiên mà gặp “đồng cỏ” thì tha hồ ăn no say thỏa thích. “Đồng cỏ” tươi là chính Máu Thịt của Chủ, ăn mãi mà không chán, không hết. Càng ăn càng “khỏe mạnh” và “lớn” lên mãi, “tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào”. Vị Mục Tử Giêsu đã hy sinh tính mạng vì đoàn chiên, Ngài đã chấp nhận cái chết vô cùng bi thương trên Thập Giá để Cứu Độ con người. Trong Ngài những ai tin và sống đức tin thực sự sẽ được hạnh phúc sung mãn tràn đầy. Vì yêu thương Ngài đến để thực hiện kế hoạch của Thiên Chúa, quy tụ thành một đoàn chiên duy nhất, bất kể dân ngoại hay không cắt bì.
Chúa Chiên ơi! xin giữ con trong Bàn Tay Yêu Thương của Ngài. “Ở bên Ngài hoan lạc chẳng hề vơi”. Dù con có bệnh hoạn làm sao hay chạy lăng xăng sai lối xin Ngài chữa lành, uốn nắn và dắt con về, về bình an bên “ngàn suối mát” của Ngài. Thành con chiên ngoan hiền, con sẽ ra vào trong Cánh Cửa Tình Yêu của Ngài, con vào đó tha hồ mà múc vợi ăn uống thỏa thuê, từ Ngài con lại mang ra phân phát cho anh em mọi ân huệ, để “cả nhà ta cùng thương yêu nhau” hạnh phúc Chúa nhé! “Đồng là đồng cỏ tươi, Chúa chăn cho tôi nghỉ ngơi. Suối ngọt cỏ non xanh rì. Tôi nay còn thiếu thốn chi? vui thay mà cũng phúc thay!”
Én Nhỏ