Vườn nho của Thiên Chúa
Ga 15, 1-8
Sản xuất. Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Điều làm Cha Thầy được vinh hiển là anh em sinh nhiều trái”. Thiên Chúa vui mừng khi con cái loài người làm việc hiệu quả. Thiên Chúa không thích vô sinh. Vô sinh không phải là bản chất của Thiên Chúa. Thiên Chúa là Đấng Tạo Hóa, Ngài thích chúng ta sáng tạo: Ngài thích chúng ta cộng tác với công việc của Ngài. Ngài rất vui khi thấy chúng ta sản xuất ra thật nhiều. Ngài muốn chúng ta sản xuất nhiều hoa trái.
“Thầy là cây nho thật và Cha Thầy là người trồng nho. Nhành nào trong Thầy không sinh quả thì Người chặt đi”. Thiên Chúa yêu thích con cái loài người sản xuất, nhưng Ngài không thể chiụ đựng được khi họ sản xuất bất cứ điều gì. Trong vườn nho của Ngài, một số nhành đầy hứa hẹn. Những nhành đó có một khởi đầu tốt. Đó là họ tạo ra lá. Người trồng nho chờ đợi quả nho để có thể ép thành rượu. Các môn đệ của Chúa Giêsu phải sản xuất ra những chùm nho ngon ngọt để ăn hoặc để ép thành rượu uống làm hoan hỷ lòng người và anh em của họ.
Người ta có thể làm gì khi một nhánh chỉ tạo ra lá? Nếu chỉ có là thôi, thì cũng vô dụng! Lá hoàn toàn là trang trí! Con cái Thiên Chúa được dựng nên không phải để sản xuất các sản phẩm trang trí. Những nhành này sẽ bị chặt đi để không làm hại những nhành khác và phần còn lại của cây nho.
Vườn nho của Thiên Chúa được tạo dựng không phải để chiêm ngắm như một công trình trang trí trên thế giới.. Vườn nho phải sinh ra quả, một loại quả sự sống mà loài người có thể nuôi sống và uống được.
Cắt tỉa. Nhành nào sinh quả thì Người tỉa sạch để nó sai quả hơn”. Về điều này, các môn đệ Chúa Giêsu nghĩ rằng chỉ cần sản xuát một chút quả là họ cảm thấy thỏa mãn. Thiên Chúa không muốn thế! Ngài tỉa sạch, Ngài loại bỏ mọi thứ có thể làm chậm sản xuất. Ngài không ngừng cắt tỉa để quả nho chín, để cây nho của Ngài có thể mang lại nhiều quả nhất có thể.
Chúa Giêsu nói: "Thày là cây nho và anh em là nhành cây. Những nhành khô héo, người ta thu lại, quang vào lửa cho nó cháy đi”. Nếu Thiên Chúa không thể chịu đựng nổi một số nhành trong cây nho của Ngài không phát triển, thì càng có nhiều lý do Ngài coi đó là nhành khô héo. Ngài lôi ra khỏi cây nho của Ngài và ném đi. Ngài không muốn cây nho của Ngài tắc nghẽn vì những nhành như thế. Ngài đốt củi khô để không còn gì. Ngài cắt tỉa từ mùa này sang mùa khác vì cây nho của Ngài phải sinh quả hàng năm!
Và các môn đệ Chúa Giêsu Kitô từ năm này qua năm khác được cắt tỉa. Đây là công việc của Chúa Cha chăm sóc vườn nho của Ngài một cách cẩn thận. Nhưng con cái loài người không nhận ra bàn tay của người trồng nho. Họ nghĩ rằng:
- Họ bị thương, họ bị đánh và họ cảm thấy rất khó khăn.
- Họ thường khó phát hiện ra rằng việc cắt tỉa này là cần thiết, đó là dấu chỉ Tình yêu của Chúa Cha đối với những ai thuộc về Ngài.
- Họ cảm thấy như bị bỏ rơi hơn là được nuông chiều!
- Đôi khi họ thích sản xuất được ít quả còn hơn là bị người trồng nho cắt tỉa. Họ chỉ sợ bị thương tổn mà thường không nhận thấy việc sản sinh nhiều quả là cần thiết hơn.
Thu hoạch. Chúa Giêsu nói: "Nếu anh em ở trong Thầy và lời Thầy ở trong anh em, thì anh em muốn gì, cứ xin, và sẽ được”! Khi con cái loài người bị người trồng nho cắt tỉa, họ kêu lên Thiên Chúa, cầu xin Ngài tha cho họ. Họ xin Ngài thôi đừng đánh đâp cắt tỉa họ nữa, vì họ không chịu đựng nổi. Thiên Chúa lắng nghe họ. Ngài không từ chối nghe những lời cầu nguyện của chúng ta khi chúng ta yêu cầu Ngài thả tay ra. Nhưng đến lượt Ngài, Ngài yêu cầu chúng ta tin tưởng Ngài. Ngài xin chúng ta để Ngài tiếp tục công việc của Ngài trong chúng ta. Ngài không muốn hành động mà không có sự đồng ý của chúng ta. Ngài làm cho chúng ta hiểu rằng khi chúng ta yêu cầu Ngài thôi cắt tỉa chúng ta, chúng ta không thực sự xin mọi thứ chúng ta muốn. Chúng ta không biết những gì chúng ta xin. Ngài biết rõ hơn chúng ta niềm vui mà chúng ta sẽ có, khi khám phá ra quả mà chúng ta đã sản sinh ra.
- Không ai có thể ở trong Thiên Chúa và sinh nhiều quả mà không bị cắt tỉa bởi bàn tay của Chúa Cha.
- Ai ở trong Thiên Chúa đều biết vết thương này mà Thiên Chúa cắt tỉa, để diệt trừ tận gốc những gì không phải là nguồn sống trong đời sống người đó..
- Người đó biết rằng thật tốt cho mình là phải trải nghiệm việc Chúa Cha cắt tỉa cành trong thân xác mình.
- Người đó biết những thành quả mà chặng đường cắt tỉa đau khổ này đã mang lại.
Người ở trong Thiên Chúa, không nổi dậy chống lại Thiên Chúa, người đó hy vọng.
- Người đó sống trong hòa bình. Người đó sống trong Thiên Chúa.
- Một người như vậy đã học được cách chịu đựng với sự kiên nhẫn.
- Người đó học cách chấp nhận mình bất toàn và dễ bị tổn thương.
- Người đó đã học cách chịu đựng sự bất toàn của người khác.
Một người như vậy đã học cách tin tưởng vào Thiên Chúa. Người đó muốn những gì Thiên Chúa muốn. Người đó muốn với Thiên Chúa. Người đó muốn Thiên Chúa cho chính mình và cho mọi người khác. Tất cả những gì người đó xin, đều sẽ được. Người đó làm vui lòng Thiên Chúa và mọi người còn hơn là rượu nho tốt mà trái đất sản sinh ra!
Linh mục Gioan Đặng Văn Nghĩa
===================
Suy niệm 2
Ga 15, 1 – 8
Thiên Chúa là Đấng Tạo Hóa. Con người là loài thụ tạo. Giữa con người và Thượng Đế là một khoảng cách xa vời vợi. Ý thức như thế, dân Do Thái đã thưa với ông Môsê rằng: “Nếu Chúa muốn dạy chúng tôi điều gì, thì xin Người nói với ông, rồi ông chuyển đạt cho chúng tôi. Xin Chúa đừng nói trực tiếp với chúng tôi, vì như thế chúng tôi sẽ chết mất”. Ông cha chúng ta cũng cảm thấy sự xa cách ngàn trùng ấy. Bởi vậy, khi gặp tai nạn, khi gặp nỗi oan khiên, ông cha chúng ta thường nói: “Tôi sấp mặt, tôi cắn cỏ, tôi lạy Ông Trời, xin Ông Trời thương tôi”.
Cái khoảng cách xa ngàn trùng ấy đã được Đức Giêsu thu hẹp và rút ngắn lại. Ngài ví von tương quan giữa Chúa và chúng ta như cây với cành. Cành bám vào cây. Cây chuyền sức sống vào cành, để cành có lá, có hoa và có quả. Chúa và ta không có khoảng cách, vì đã trở thành một rồi. Đẹp vô cùng! Tương đối gắn vào tuyệt đối, biến hai thành một. Tuyệt vời và siêu tuyệt vời!
Dụ ngôn cây và cành cho chúng ta hai bài học:
Bài học 1. Trong suốt dòng lịch sử loài người, từ đông sang tây; từ cổ chí kim, chưa có một bậc trí thức nào dám nghĩ rằng Thượng Đế cao cả lại gần gũi với loài người như cây và cành. Vì vậy, loài người chỉ biết kính sợ Ông Trời, chứ không dám yêu. Yêu Ông Trời là xúc phạm, là kiêu ngạo. Nhờ mạc khải của Đức Giêsu chúng ta phải ý thức về vinh dự của mình, phải cảm nghiệm được niềm hân hoan làm cái cành bám vào Chúa là Cây. Niềm vinh dự này giúp ta cảm thấy hạnh phúc lớn lao, lớn đến mức độ dù đời khổ tới mức độ nào cũng không làm mờ được niềm vui khôn tả.
Bài học 2. Cành rất hạnh phúc vì được bám vào cây và sống nhờ cây. Nhưng vẫn đừng quên rằng có hai loại cành. Có loại cành bám chặt vào cây, ăn nhựa của cây để quanh năm ngày tháng, lúc nào lá cũng xanh biếc, rồi cứ đến mùa lại trổ hoa và kết trái.
Có một loại cành bị sâu đục: không những không sinh hoa quả mà còn cằn cỗi, khiến chủ vườn tức giận lấy dao chặt bỏ, vứt bỏ và đốt đi. Đó là hạng người chẳng hề biết chẳng hề sống theo giáo huấn của Chúa. Danh, lợi và lạc thú trần tục là mục tiêu và phương tiện. Cờ bạc, rượu chè, xì ke, đĩ điếm là sinh hoạt thường xuyên. Gian dối, lừa gạt, thù oán là mưu trí căn bản. Tương lai của những người này là hình phạt muôn đời trong hỏa ngục. Hỏa ngục của ngày mai thì đã đành, mà ngay bây giờ cũng đã là hỏa ngục rồi.
Linh mục Piô Ngô Phúc Hậu
===================
Suy niệm 3
Ở Lại Trong Chúa Giêsu
Đức Thánh Cha Phanxicô suy niệm lễ Chúa nhật V Phục Sinh năm 2015 với chủ đề: “Các con hãy ở lại trong Thầy”. Ngài nói: đời sống Kitô hữu chính là: ở lại trong Chúa Giêsu. Chúa dùng hình ảnh cây nho: Thầy là cây nho các con là cành… Cành nào tách rời khỏi thân cây nho thì rốt cuộc sẽ chết, không sinh hoa trái. Ở lại trong Chúa Giêsu có nghĩa là tìm Chúa Giêsu, cầu nguyện, lãnh nhận các bí tích Thánh Thể và Hòa Giải. Ở lại trong Chúa Giêsu có nghĩa là làm điều Chúa Giêsu đã làm: làm điều thiện, giúp đỡ người khác, cầu xin Chúa Cha, săn sóc các bệnh nhân, giúp đỡ người nghèo, có niềm vui của Thánh Linh....
Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái”. Có tới 8 lần cụm từ “ở lại” được lặp lại trong đoạn Tin mừng chỉ có 8 câu này. "Ở lại" sẽ được sống, sinh hoa trái, muốn gì cứ xin và sẽ được, còn "không ở lại" sẽ bị quăng ra ngoài, khô héo nên bị làm củi đem đi đốt.
Cành nho phải "ở lại" trong cây nho mới sống và sinh hoa trái. Sự liên kết vững bền. Ý nghĩa của lối so sánh là kết hợp và sinh trái. Càng kết hợp chặt chẽ, càng sinh nhiều hoa trái. Chúa dạy chúng ta điều kiện căn bản là kết hợp với Chúa mới đem lại hoa quả thiêng liêng cho chính mình và cho người khác.Như vậy "ở lại" trong Chúa Giêsu là điều kiện sống còn đối với Kitô hữu.
Nếu chúng ta được ở trong Chúa Giêsu, được kết hợp với Ngài thì chúng ta sẽ lãnh được sức sống của Ngài. Chúa Giêsu ở trong Chúa Cha nên khi kết hợp với Ngài, chúng ta cũng được kết hợp với Thiên Chúa và kín múc được sự sống của Chúa Ba Ngôi.
Chỉ có một thân nho, nhưng nhiều cành nho. Thân nho và những cành nho đều cần đến nhau. Cây nho không thể mang lại hoa trái nếu không có những cành nho. Cành nho tự mình không thể đơm hoa kết trái được mà phải có nhựa sống từ thân cây thông chuyển cho.Tất cả các cành nho đều hút nhựa sống từ một thân nho duy nhất, nhưng kết quả lại không giống nhau: có cành không đơm hoa, có cành sinh ít, có cành sinh nhiều hoa trái. Cành nho luôn gắn với thân nho và liên kết với những cành khác. Cành nho nào không tiếp nhận nhựa sống sẽ cằn cỗi, khô héo. Nhựa sống từ gốc rễ lên thân cây rồi lưu chuyển cho mọi cành để cùng nhau sinh nhiều hoa trái. Cây Nho Giêsu có một loại nhựa đặc biệt là nhựa yêu thương và tuân phục thánh ý: “Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người”. Đó là nhựa sống luân chuyển trong thân của cây nho Giêsu: “Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy”. Tiếp nhận nhựa sống từ Chúa Cha, Chúa Giêsu truyền lại nhựa sống ấy cho những ai tin yêu Ngài và “giữ các điều răn của Ngài”.
Thiên Chúa là nguồn mạch sự sống, là suối nguồn ân sủng. Khi kết hiệp với Người, ân sủng tuôn đổ vào linh hồn, làm cho chúng ta được sống và sống sung mãn. Ân sủng thấm nhập nội tâm, uốn nắn tình cảm, củng cố ý chí, sinh ra những hoa trái thiêng liêng trong tư tưởng, lời nói, việc làm. Nhờ kết hiệp mật thiết với Chúa, chúng ta được sống sự sống của Người, nói lời nói của Người, hành động theo gương của Người, phán đoán theo chuẩn mực của Người, nhìn con người và sự việc bằng cặp mắt của Người, yêu thương bằng trái tim của Người. Khi sự kết hiệp đã đến mức hoàn hảo, chính Người hành động qua chúng ta và vì thế những hoa trái sẽ vô cùng phong phú.
Bài đọc 1 kể chuyện thánh Phaolô trở lại trên đường Đamat. Từ con người phản nghịch trở thành con người của ơn thánh. Từ con người ghét đạo trở thành con người nhiệt thành rao giảng Tin Mừng. Phaolô đã đúc kết mối liên kết cuộc đời mình với Chúa Kitô trong một câu bất hủ: "Tôi sống, nhưng không phải tôi, mà là chính Đức Kitô sống trong tôi" (Gal 3, 20).
“Đức Kitô sống trong tôi” nên tôi mới sinh hoa trái yêu thương như lời Thánh Gioan trong bài đọc 2: “Ai tuân giữ giới răn của Thiên Chúa thì ở trong Thiên Chúa và Thiên Chúa ở trong kẻ ấy. Và giới răn của Thiên Chúa là tin vào Danh Đức Giêsu Kitô, Con của Ngài, và yêu thương nhau như Ngài đã truyền dạy”. Thánh Gioan còn căn dặn: “Chúng ta đừng yêu thương nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng phải yêu thương thật sự bằng việc làm”. “Sinh hoa trái” là yêu thương một cách hữu hiệu, bằng việc làm có sức biến đổi môi trường chung quanh, đem niềm vui và hạnh phúc cho người khác.
Lúc ban đầu, khi các môn đệ mới theo Chúa, Thánh Gioan viết: “Các môn đệ đã đến xem chỗ Ngài ở và lưu lại với Ngài” (Ga 1,39). Sau những năm sống với Chúa, Thánh Gioan đổi cách dùng ngôn ngữ: “Các con hãy ở lại trong Thầy cũng như Thầy ở trong các con” (Ga 15, 17). Ở với là ở bên cạnh. Ở trong là trọn vẹn thuộc về người ấy. Khi Phêrô ở với Chúa là ở bên cạnh thôi nên vẫn còn hai bước chân khác nhau, hai ý nghĩ không chung đường và Phêrô đã có những bước chân sai, đi lạc lối. Còn ở trong là nên một trong nhau. Chính nhờ ở trong Chúa mà Phêrô đã trở nên con người mới, hoàn toàn thuộc về Chúa.
“Ở lại trong” và “gắn liền với” Chúa là điều kiện cần thiết để “sinh nhiều hoa trái”. Chúa Giêsu đã sống chân lý đó trong sự kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa Cha, và Ngài đã cầu nguyện cho chúng ta được nên một với Ngài trong sự sống đó (Ga 17,21-22).Chúng ta kết hợp với Chúa qua đời sống cầu nguyện, Thánh Lễ và các Bí Tích. Chúng ta còn kết hợp với Chúa qua việc biểu lộ lòng trung tín như lời Thánh Phêrô: "Bỏ Thầy chúng con biết theo ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời" (Ga 6,68).
“Gắn liền với” hay “ở lại trong” Chúa Giêsu, chúng ta sẽ nhận được sức sống, sức mạnh của Ngài, chúng ta sẽ có một cuộc đời tươi đẹp, ý nghĩa, chẳng những đầy nội lực, an vui, hạnh phúc mà còn là nguồn sức mạnh, nguồn an vui hạnh phúc cho mọi người nữa. Mối liên kết này làm cho chúng ta có cùng bản tính với Chúa Giêsu, được nên một với Ngài: một sự sống, một tình yêu, một tinh thần, một ý chí và hành động. Khi được hỏi: “Tình yêu như thế nào?” Thánh Augustinô đã trả lời: “Tình yêu có đôi tay để giúp đỡ người khác. Tình yêu có đôi chân để mau mắn đến với những ai nghèo khó và cùng quẫn. Tình yêu có đôi mắt để nhìn thấy những nỗi khổ tâm và sự thiếu thốn. Tình yêu có đôi tai để lắng nghe những tiếng thở than và những lời ai oán của người khác. Hình dạng của tình yêu là như thế.”
Cành cần có cây để sống. Cây cũng cần có cành để sinh hoa trái. Chúng ta cần có Chúa để được sống dồi dào. Chúa cũng cần chúng ta để thi thố tình yêu của Ngài.Ở lại trong Chúa Giêsu là liên kết với Ngài qua đường luân chuyển "Cầu nguyện và các bí tích". Tất cả sức sống của Chúa Giêsu được chuyển thông từ nơi đường dẫn đó. Ở lại trong Chúa Giêsu là đón nhận sự sống từ Lời của Chúa và Bí Tích Thánh Thể. Ở lại trong Chúa Giêsu, chúng ta đón nhận nhựa sống từ Thiên Chúa, từ đó chuyển nhựa sống ấy cho anh em trong tinh thần bác ái và phục vụ. Một sự sống liên kết từ thân nho với các cành nho. Một cộng đoàn Kitô hữu sống yêu thương, hiệp thông với nhau trong thân thể mầu nhiệm Chúa Giêsu Kitô.
Dụ ngôn “cây nho” là bài diễn từ về cuộc sống siêu nhiên. Lời Chúa mời gọi chúng ta hãy luôn gắn bó mật thiết với Chúa. Nhờ ân sủng của Chúa, đời sống chúng ta sẽ trổ sinh nhiều hoa trái tốt lành. Hoa trái chính là yêu thương, chia sẻ, cảm thông, tấm lòng rộng mở, biết quan tâm đến người khác. Sống được như vậy, chúng ta mới xứng đáng là môn đệ của Đấng Phục Sinh, đồng thời cũng làm cho Chúa Cha ngày càng được vinh hiển, như lời dạy của Chúa Giêsu: “Đây là điều làm cho Cha Thầy được vinh hiển là các con sinh nhiều trái, và như thế, các con trở nên môn đệ của Thầy”.
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
===================
Suy niệm 4 Cành nho khô héo và cành nho tốt tươi
Ga 15, 1 - 8
Chúa Giê-su tự ví Ngài là thân nho, còn chúng ta là những cành nho.
Ngài tha thiết mời gọi chúng ta hãy ở lại trong Ngài, kết hợp mật thiết với Ngài như cành nho nên một với thân nho. Ngài nói: “Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được. Ai không ở lại trong Thầy, thì bị quăng ra ngoài như cành nho và sẽ khô héo. Người ta nhặt lấy, quăng vào lửa cho nó cháy đi.”
Giờ đây, mỗi người chúng ta hãy tự nhìn lại mình: Chúng ta là cành nho khô héo hay cành nho tốt tươi?
Thánh Gioan tông đồ cho chúng ta biết rằng: “Thiên Chúa là Tình Yêu, ai ở trong tình yêu, nghĩa là ai luôn mến Chúa yêu người thì người đó ở trong Thiên Chúa và Thiên Chúa ở trong người ấy” (1 Ga 4,16).
Như vậy, nếu chúng ta luôn mến Chúa yêu người, thì chúng ta là những cành nho tốt tươi vì được gắn bó nên một với thân nho Giê-su. Trái lại, nếu chúng ta không có lòng yêu mến, thì chúng ta là những cành nho khô héo, vì đã lìa xa thân nho Giê-su.
Số phận của cành nho khô héo
Chúa Giê-su nhấn mạnh rằng: Ai không thể hiện tình yêu thương đối với Thiên Chúa và con người, thì kẻ đó “không ở lại trong Chúa Giê-su, họ là những cành nho lìa thân, và sẽ bị quăng ra ngoài như cành nho và sẽ khô héo. Người ta nhặt lấy, quăng vào lửa cho nó cháy đi.”
Như vậy, số phận của những ai không có lòng mến Chúa yêu người sẽ vô cùng bi đát, họ như những cành nho khô héo, không thể sinh bất cứ một hiệu quả thiêng liêng nào, chỉ còn chờ ngày bị quăng vào lửa mà thôi!
Cho dù người đó có lập nên những kỳ tích vĩ đại trước mặt người đời, có làm được những việc lớn lao hoành tráng… cũng không có công phúc gì trước mặt Thiên Chúa;
Dù người đó có đầu óc siêu đẳng, trí tuệ siêu phàm, có thể nói được cả trăm thứ tiếng;
Dù người đó có đức tin mạnh mẽ đến độ có thể chuyển núi dời non hay đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, thậm chí có nộp mình chịu thiêu đốt… thì cũng chẳng được ích gì trước mặt Thiên Chúa.
Thánh Phao-lô viết về trường hợp này như sau:
“Giả như tôi nói được các thứ tiếng của loài người và của các thiên thần đi nữa, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng khác gì thanh la phèng phèng, chũm choẹ xoang xoảng. Giả như tôi được ơn nói tiên tri, và được biết hết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay có được tất cả đức tin đến chuyển núi dời non, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng là gì. Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi.” (I Cor 13, 1-3).
Số phận của những người không có lòng yêu thương cũng giống như số phận cành nho khô héo… rốt cuộc chẳng có gì, chẳng được tích sự gì! Bi đát biết bao!
Thành quả của cành nho tốt tươi
Trái lại, ai có lòng mến Chúa yêu người thì họ là những cành nho kết hợp khắng khít với thân nho Giê-su; họ là những cành nho tươi tốt như lời Chúa Giê-su dạy: “Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái.”
Dù họ chỉ làm những công việc âm thầm nhỏ bé thôi, mà làm với lòng yêu mến, thì hiệu quả vẫn tốt đẹp phi thường.
Thánh nữ Tê-rê-xa Hài đồng Giê-su, nhờ thực hiện những việc nhỏ bé như thế mỗi ngày với tất cả lòng yêu mến, nên đã lập được nhiều công phúc lớn lao, đẹp lòng Thiên Chúa và được Giáo hội tôn vinh.
Lạy Chúa Giê-su,
Xin đừng để chúng con trở nên những cành nho khô héo vì không thể hiện lòng mến Chúa yêu người.
Xin giúp chúng con yêu Chúa hết lòng và yêu mến mọi người như chính bản thân; nhờ đó, chúng con trở thành cành nho tươi tốt, sinh hoa kết quả dồi dào. Amen.
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
=====================
Suy niệm 5
Thánh Giuse, Người Cha Lao Động
(Ga 20, 19-31)
Hôm nay mùng 01 tháng 5, ngày Quốc Tế Lao Động, ngày lễ thánh Giuse lao động là cơ hội giúp chúng ta suy nghĩ về ý nghĩa của lao động theo quan điểm kitô giáo.
Thiên Chúa đặt con người làm chủ
Sau khi đã tạo dựng vạn vật muôn loài, Thiên Chúa phán : « Chúng ta hãy dựng nên con người theo hình ảnh giống như Ta, để chúng làm chủ cá biển, chim trời, dã thú khắp mặt đất » (St 1, 26). Thế là « Thiên Chúa lấy bù đất nắn thành con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi và con người trở thành một vật sống . Thiên Chúa lập một vường tại Eđen về phía đông và đặt vào đó con người mà Ngài đã dựng nên » (x. St 2, 7-9). Việc con người được dựng nên từ bùn đất cho thấy tính chất yếu hèn, mỏng dòn của thân phận. Nhưng Thiên Chúa lại tạo nên con người và ban cho con người hình ảnh của Chúa, cho con người được chia sẻ sự sống của Chúa, phú ban cho con người sự sống siêu nhiên và nhiều đặc ân như trí khôn minh mẫn, ý chí hướng thiện, không phải đau khổ và không phải chết và nhất là đặt con người làm chủ công trình Chúa sáng tạo, làm chủ chính mình trong ơn sủng mà Thiên Chúa đã ban cho.
Con người phạm tội
Hình ảnh vườn địa đàng, nơi con người là chủ, sống, cày cấy và canh giữ đất đai (x. St 2,4-15) thật là đẹp, vì con người sống thân tình với Thiên Chúa, hài hòa với chính mình, với nhau và vũ trụ vạn vật. Nhưng hỡi ôi, hạnh phúc ấy bị tuột mất khi con người phạm tội. Adam và Eva đã đánh mất quyền làm chủ, lao động đã trở nên cực nhọc vất vả lao công.
Trở nên thân nô lệ
Đỉnh cao của giáo huấn Thánh Kinh về lao động là truyền phải nghỉ ngơi ngày Chúa nhật, để con người không trở thành nô lệ cho lao động. Khoa học kỹ thuật càng phát triển thì con người càng khai thác triệt để lao động. Một ngày người ta cố làm việc nhiều ca, làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm, làm luôn Chủ nhật và ngày lễ. Người ta thấy vui khi được tăng ca để kiếm thêm tiền. Và nại vào công việc, họ không có thì giờ để quan tâm, thăm viếng nhau, không có thì giờ cho việc cầu nguyện hay kinh,lễ. Phải chăng trong trường hợp này, con người đã “nô lệ tự nguyện” cho lao động và biến lao động thành “ngẫu tượng”?
Thiên Chúa không muốn con người sống kiếp nô lệ. Nên khi tạo dựng, Thiên Chúa đặt vào mọi sự vào tay con người, cùng với lời chúc phúc: hãy làm chủ mọi loài (St 1, 28).
Ngày nay người chỉ huy không phải là con người mà lại là tiền bạc. Đồng tiền ra lệnh. Nhưng Thiên Chúa Cha chúng ta đã không giao nhiệm vụ « chăm sóc trái đất » cho đồng tiền mà là cho chúng ta. Thế mà người ta lại hy sinh cho các thần tượng của lợi nhuận và tiêu thụ, khiến tiền bạc lên ngôi ông chủ, con người làm việc hết lòng hết sức để mong chiếm hữu được thật nhiều tiền của vật chất. Danh vọng lên ngôi ông chủ, sai khiến con người tìm đủ mọi cách để đánh bóng mình trước mắt mọi người. Tình dục và những khoái lạc xác thịt cũng có lúc lên ngôi, trói buộc con người trong cái vòng vây xiết chặt. Ông chủ của ta còn có thể xuất hiện dưới nhiều dáng dấp khác nhau: một chiếc điện thoại cao cấp, một chiếc xe hợp thời, một ngôi nhà tiện nghi… Giữa cuộc sống hiện đại, những ông chủ ấy đi vào cuộc đời ta, chiếm hữu tâm trí ta, thu hút toàn bộ năng lực của ta, dần dần biến thành mục đích sống duy nhất của đời ta. Ngạn ngữ có câu: tiền bạc là một đầy tớ tốt, nhưng là một ông chủ hà khắc.. Cái nguy hiểm không hẳn nằm ở tiền bạc, nhưng nằm con tim mỏng manh mà tham lam của con người. Một khi tiền bạc và những của cải vật chất lên ngôi, rất dễ làm con người hoán đổi vị trí và tôn tiền bạc lên làm ông chủ của mình. Hãy nhớ rằng, ngay từ thủa ban đầu của tạo dựng : « Thiên Chúa đã đặt con người làm chủ »
Thánh Giuse, người cha lao động
Tông thư Patris Corde, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nên bật Thánh Giuse là người lao động. Với nghề thợ mộc, ngài làm việc lương thiện để nuối sống gia đình. Nơi thánh Giuse, Chúa Giêsu đã học được giá trị, phẩm giá và niềm vui của việc ăn miếng bánh là thành quả lao động của chính mình. Thánh Giuse nhắc nhở chúng ta rằng: chính Thiên Chúa, khi làm người, đã không khinh thường công việc.
Quả thật, ngày nay kinh tế khó khăn, người cha đứng mũi chịu sào nơi đầu ngọn gió phải làm việc cực nhọc, kiếm từng miếng cơm manh áo cho gia đình, họ chỉ muốn gia đình được ấm no hạnh phúc. Bởi họ là trụ cột, là điểm tựa của mọi người trong gia đình khi gặp khó khăn.
Xã hội hôm nay vẫn còn nhiều người cha không chịu lao động, không làm hết trách nhiệm, không phát huy được vai trò quan trọng của mình. Một số người say xỉn về đánh đập vợ con khiến gia đình bất hòa, làm cho con cái tổn thương về mặt tình cảm. Một số thì không quan tâm tới gia đình, làm ảnh hưởng đến tình cảm của mọi người, nhất là trẻ em. Những người cha như thế sẽ làm gương xấu cho thế hệ mai sau, không giáo dục được con cái, khiến chúng học theo những điều xấu, trở thành người không có ích cho xã hội.
Hãy chịu khó lao động, khi lao động, con người tham gia vào công trình cứu độ của Thiên Chúa, và phẩm giá con người được đề cao. Không có việc làm các gia đình sẽ gặp nhiều khó khăn, căng thẳng, rạn nứt và thậm chí là sự cám dỗ tuyệt vọng và phân tán. Với hình ảnh người thợ mộc, thánh Giuse như một khuôn mẫu vào thời điểm mà thế giới cũng như Giáo hội đang vật lộn với những thách thức do thời hiện đại đặt ra. Thánh Giuse hiện lên như một nhân chứng cho Giáo hội và thế giới hiện đại.
Thánh Giuse dạy Chúa Giêsu lao động, như công đồng Vatican II đã nêu trong Gaudium et Spes: “Con Thiên Chúa đã làm việc với đôi tay con người, suy nghĩ bằng trí óc con người, hành động theo một ý chí con người, yêu mến bằng quả tim con người.” (Gaudium et Spes - Vui mừng và Hy vọng, 22,2).
Ðiều này nhắc nhở cho chúng ta biết phẩm giá và sự quan trọng của lao động. Lao động là yếu tố nến tảng đối với phẩm giá của một người. Lao động làm cho chúng ta giống Thiên Chúa (x. Ga 5,17). Lao động trao ban cho chúng ta khả năng nuôi sống bản thân, gia đình, góp phần vào việc phát triển quốc gia mình.
Kính xin Thánh Giuse người cha lao động cầu thay nguyện giúp để mọi người biết ý thức về sứ mạng cao cả mà Thiên Chúa đã trao ban là làm chủ, để chúng ta mến yêu lao động, cộng tác vào công trình cứu độ của Chúa.
Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ
==================== Suy niệm 6 GẮN KẾT MẬT THIẾT KHÔNG RỜI Kính thưa cộng đoàn Phụng vụ! Một trong những hình ảnh sống động mà Đức Giê-su dùng để mô tả về mối tương quan mật thiết giữa Người và chúng ta, đó là cây nho và nhành nho. Bởi lẽ, hình ảnh này gần gũi và quen thuộc đối chúng ta.
Như vậy, dựa trên lời của Đức Giê-su hôm nay: “Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho…các con là nhành” (x. Ga 15, 1. 5), chúng ta học biết và sống mỗi ngày thế nào?
Trước hết, “nhành nho tự nó không thể sinh trái, nếu không dính liền với cây nho” (x. Ga 15, 4). Cũng vậy, nếu chúng ta không kết hợp với Thầy Giê-su, và không ở trong Người, thì chúng ta chẳng thể làm được gì, vì “không có Thầy, các con không thể làm gì được” (x. Ga 15, 5). Tuy nhiên, Đức Giê-su chẳng đợi chúng ta đến kết hiệp với Người; nhưng đúng hơn, Người đi bước trước, tiến tới chúng ta và trở nên một với chúng ta. Mỗi lúc chúng ta gắn kết với Chúa Ki-tô qua đời sống cầu nguyện thân tình, qua việc tham dự Thánh lễ tích cực, qua việc lãnh nhận các Bí tích, qua việc nghe-sống Lời Chúa, qua việc bác ái-tha thứ anh chị em, là khi chúng ta được đỡ nâng, được dưỡng nuôi nhờ nguồn dinh dưỡng vô bờ bến của Chúa, tựa như nhành nho hút lấy khoáng chất, nước từ thân cây nho, và cứ thế xanh tươi, trổ bông, rồi kết trái. Sự kết nối thân thiết này là một quá trình liên tục, thường xuyên, không ngắt quãng. Sự kết nối này phải luôn được bồi đắp mọi lúc, mọi nơi, trong mọi trạng huống của cuộc sống, khi vui cũng như buồn, khi thành công cũng như thất bại, khi hạnh phúc cũng như sầu khổ, khi vinh hoa cũng như nghèo khổ, khi được khen tặng cũng như bị chê bai, khi khoẻ mạnh cũng như khi bệnh hoạn, v.v…Như vậy, chúng ta đang sống như lời răn dạy của Thánh Gio-an Tông đồ được trích trong bài đọc II: “Các con thân mến, chúng ta đừng yêu bằng lời nói và miệng lưỡi (hoặc: đừng yêu thương nơi đầu môi chót lưỡi), nhưng bằng việc làm và chân thật” (1Ga 3, 18). Quả thật, chúng ta tin chắc Thiên Chúa ở trong chúng ta, nhờ Thần Khí Người ban tặng cho chúng ta, Thần Khí sự thật.
Tuy nhiên, “nhành nào trong Thầy không sinh trái thì Người chặt đi” (Ga 15, 2). Có phải Chúa quá khắt khe với chúng ta? Xin thưa liền: Nếu Người khắt khe, thì chúng ta đã bị tiêu diệt như thời Cựu ước từ lâu rồi! Thế nhưng, Người luôn chờ đợi chúng ta, luôn ban cho chúng ta cơ hội ‘trở về’, và luôn tuôn đổ ơn cần thiết giúp chúng ta dám thay đổi bản thân, hoán cải trở về. Cảm nghiệm cải hối hoàn toàn này được minh chứng một cách hùng hồn nơi Thánh Phao-lô Tông đồ. Từ một người năng nổ bắt bớ, cấp cách đạo Chúa, trở thành một người đầy nhiệt huyết làm chứng cho Chúa, và mở rộng Giáo hội, đặc biệt cho những ai không phải Do Thái: “Từ đó, ngài ra vào Giê-ru-sa-lem với các ông, và dạn dĩ xưng danh Chúa. Ngài cũng giảng dạy cho dân ngoại…Hội Thánh được bình an trong miền Giu-đê-a, Ga-li-lê-a và Sa-ma-ri-a, sống trong sự kính sợ Chúa, được xây dựng và đầy ơn an ủi của Thánh Thần” (Cv 9, 28.29.31). Nếu chúng ta thật sự ‘ở trong Thầy Giê-su’, chắc hẳn chúng ta để Người biến đổi con người chúng ta, và chúng ta mạnh dạn thay đổi bản thân, gan dạ để Người cắt tỉa. Biết rằng, khi bị cắt tỉa, chúng ta phải hy sinh, có khi đau đớn, mất mát, nhưng nếu so với hoa trái sau khi được tỉa sạch, thì tất cả những gì chúng ta bỏ ra hoặc bỏ đi chỉ là phần ít ỏi mà thôi. Ơn Chúa biến đổi chúng ta lớn lao hơn nhiều.
Sau cùng, “Nếu các con ở trong Thầy, và lời Thầy ở trong các con, thì các con muốn gì cứ xin, và sẽ được” (Ga 15, 7). Niềm tin tưởng giữa con người với nhau luôn khởi đầu từ mối tương quan chân thật và chân thành. Khi mối quan hệ bền chặt, đủ lớn thì lòng tin sẽ được sinh ra, rồi dần dần mạnh mẽ. Hơn thế, lúc chúng ta sống kết hiệp với Chúa Giê-su, giữ Lời Người, dĩ nhiên, Người sẽ ở trong chúng ta, và chúng ta thuộc về sự thật, vì Người là ‘chân lý’. Nói cách khác, chúng ta trở nên tín thác, cậy trông hoàn toàn nơi Chúa, phó dâng mọi điều cho Người, ngõ hầu để Người thực hiện kế hoạch yêu thương nơi chúng ta. Khi ấy, chẳng phải chúng ta xin những gì theo ý riêng nữa, mà luôn theo Thánh ý Chúa. Chẳng phải chúng ta nài van ơn này ơn kia để thoả mãn nỗi khát vọng của bản thân nữa, mà luôn biết đặt niềm tin trọn vẹn nơi Chúa, vì Người thấu tỏ mọi điều, và biết rõ chúng ta hơn chúng ta biết ta.
Như nhành nho kết hợp với thân nho
Xin Ngài luôn nên một với con thơ
Để con thơ sống mãi trong tình Chúa
Và cuộc đời trổ sinh hoa trái lành. Amen!
Lm. Xuân Hy Vọng
================== Suy niệm 7
CHÚA LÀ CÂY NHO - CON LÀ CÀNH NHO Cv 9,26-31; 1Ga 3,18-24; Ga 15,1-8
“Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho. Cành nào gắn liền với Thầy mà không sinh hoa trái, thì Người chặt đi”. Đức Giêsu khẳng định Người là cây nho thật và Chúa Cha là người trồng nho. Người là thân cây, dù là thân cây gầy guộc sần sùi, nhưng lại chứa đầy nhựa sống tình yêu để chuyển thông cho chúng con là cành. “Ai không ở lại trong Thầy, thì bị quăng ra ngoài như cành nho và sẽ khô héo. Người ta nhặt lấy, quăng vào lửa cho nó cháy đi.” Cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với thân cây là chính Chúa. Chúng con phải liên kết, “ở lại” với Người để sức sống của Thiên Chúa được chuyển thông đến chúng con. Chúng con phải “gắn liền” với thân cây trong thinh lặng, cầu nguyện, với Lời Chúa và Thánh Thể. Xin đừng để bất cứ thứ gì ngăn cản sự chuyển thông làm chúng con bị khô héo đi. Thánh Gioan cũng khẳng định trong bài đọc II: « Ai tuân giữ các điều răn của Thiên Chúa thì ở lại trong Thiên Chúa và Thiên Chúa ở lại trong người ấy. Căn cứ vào điều này, chúng ta biết được Thiên Chúa ở lại trong chúng ta, đó là nhờ Thần Khí, Thần Khí Người đã ban cho chúng ta » (1Ga 3,24).
“Còn cành nào sinh hoa trái, thì Người cắt tỉa cho nó sinh nhiều hoa trái hơn.” Hoa trái ở đây là lòng mến yêu Thầy, yêu anh em nhờ được chuyển thông nhựa sống tình yêu, nhờ gắn liền, kết hợp với Thầy. Nhờ ở trong Thầy, “nghe” Lời Thầy thì đời sống chúng con sẽ lộ rõ những hoa quả của Thần Khí là: “bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ” (Gl 5, 22-23). Hoa trái sẽ tỏ lộ trên nét mặt vui tươi hiếu hòa, tỏ ra đôi tay sẵn sàng thực thi bác ái yêu thương, phục vụ chăm sóc mọi người, từng người cách cụ thể. Ngành nào sinh hoa trái sẽ làm đẹp lòng Chúa, đây cũng là điều kiện cho ngành được tồn tại.
Cành nào sinh trái thì phải chịu cắt tỉa, để càng sinh nhiều hoa trái hơn. Nhưng khi chúng con “được” cắt tỉa thì ắt là đau đớn vì phải từ bỏ bao nhiêu cản trở, những thói hư tật xấu, mà nó trái ngược ý muốn của chúng con. Người trồng nho cũng xót xa khi phải tỉa bỏ đi những phần không sinh lợi, nhưng vì lợi ích là hoa trái nên không thể làm khác được. Nếu con thực sự ở trong tình yêu của Người, từ từ tình yêu Người cho con nhựa sống để con được sống và sống dồi dào, thì những uế tạp sẽ bị loại trừ vì nó không còn thích hợp với “sức sống mới” của Người đang luân chuyển trong con. Khi những bụi bặm uế tạp bị loại trừ, thì hoa trái tốt lành càng có cơ hội nảy nở, phát triển phong phú dồi dào trong con. Có sức sống của Chúa cùng làm trong chúng con, việc loan báo sẽ trở nên dễ dàng và đạt hiệu quả vượt quá ước mong.
Lạy Chúa Giêsu là cây nho đích thực, xin cho chúng con luôn hiệp thông gắn chặt với Chúa, để được hưởng nguồn sức sống dồi dào từ Chúa. Chúng con biết rằng, một khi gắn chặt với Chúa, chúng con phải đón nhận sự cắt tỉa, hy sinh. Xin cho chúng con luôn xác tín rằng cần phải có hy sinh để mang lại hoa trái dồi dào.
Chúa là cây nho, con là cành nho, cũng như muôn cành kết hiệp, kết hiệp cùng cây. Chúa muốn con hằng trổ sinh hoa trái thơm lành... Chúa muốn con hằng ở lại trong tình yêu Chúa. Chúa muốn con là từ đây như người bạn thân.
Én Nhỏ