Giấc ngủ của Chúa Giêsu
Mc 4, 35-40
Chúa Giêsu ngủ.
Chúa Giêsu ngủ sâu trong cơn bão táp. Không có gì thay đổi giấc ngủ của Ngài. Chúa Giêsu ngủ trong giấc ngủ sâu. Cả ngày Ngài nói với đám đông bằng dụ ngôn. Ngài sử dụng hình ảnh để đưa họ vào mầu nhiệm về Thiên Chúa. Lúc này, giữa biển hồ, một cơn bão lớn nổi lên với nhiều lớp sóng dữ dội, Chúa Giêsu đã rời khỏi đám đông, nhưng vẫn ở giữa các môn đệ và ngủ giữa họ. Giấc ngủ của Chúa Giêsu giữa cơn bão thể hiện sự bình an và thanh thản:
- Không ai có thể ngủ giữa cơn bão nếu không có một sức mạnh, mạnh hơn các yếu tố của biển động dữ dội.
- Không một người nào, kể cả một đứa trẻ ngủ ngon hơn người lớn - có thể vẫn ngủ say khi mối nguy hiểm như thế ập vào thuyền.
Lúc đó là chiều tối, sau một ngày làm việc vất vả. Đã đến lúc cần phải nghỉ ngơi! Chúa Giêsu nghỉ ngơi cho đỡ mệt. Không có gì có thể ngăn Chúa ngủ giấc ngủ của một người công chính. Chúa Giêsu nghỉ ngơi trong Thiên Chúa. Giấc ngủ của Chúa Giêsu biểu lộ sự hiện diện của Chúa Cha và Chúa Thánh Thần.
Các môn đệ ngủ
Các môn đệ quá sợ hãi trước những cơn sóng dữ dội. Hình như họ coi giấc ngủ của Chúa Giêsu như là một sự thờ ơ vô tâm: “Thưa Thầy, chúng con chết mất mà thầy không quan tâm đến sao?” Nhưng rồi, các ông sẽ thấy trong lúc ngủ, Chúa Giêsu không những không bỏ rơi họ mà còn thúc đẩy họ giữ được sự thanh thản như Ngài. Và Ngài thức dậy để trao lại cho họ sự tin tưởng.
Chúa Giêsu “chỗi dậy, Ngài đe gió và phán với biển rằng: Hãy im đi, hãy lặng đi! Tức thì gió ngừng, biển lặng như tờ. Rồi Ngài nói với các ông: Sao các con sợ hãi thế? Các con không có đức tin ư? Bấy giờ các ông kinh hãi và nói với nhau rằng: Ngài là ai mà cả gió lẫn biển cũng đều vâng lệnh Ngài”?
Đức tin của các môn đệ đã ngủ. Họ bị những làn sóng nghi ngờ, lo lắng và sợ hãi tấn công. Đúng thế, đức tin của họ đã ngủ, nhưng không bị dập tắt, không phải là chết. Vì thế, Chúa Giêsu nói với họ: "Chúng ta hãy sang bên kia biển hồ. Và Chúa Giêsu làm cho họ vượt qua, từ nỗi sợ hãi các yếu tố của biển động dữ dội đến nỗi sợ hãi trước mầu nhiệm trong Ngài, từ nỗ lực thất vọng thoát khỏi cơn bão đến một sự bình tĩnh tuyệt vời.
"Tức thì gió ngừng, biển lặng như tờ”. Chúa Giêsu thông truyền cho họ bình an nội tâm của Ngài. Mặc dù Chúa Giêsu ngủ hay thức, Ngài vẫn ở đó giữa họ để trao lại sự tin tưởng cho những người đang bị nghi ngờ và sợ hãi tấn công.
Thật sự, Chúa Giêsu không ngủ. Dù ngủ hay thức, Ngài thúc đẩy các bạn đồng hành của Ngài giữ được sự thanh thản giữa những thử thách của cuộc sống. Chúa Giêsu, ở giữa chúng ta, không bao giờ Ngài ngủ, Ngài thúc đẩy chúng ta tin tưởng vào Ngài chống lại mọi nỗi sợ hãi.
Chúa Giêsu đánh thức chúng ta.
Cả ngày, Chúa Giêsu đã nói với đám đông bằng dụ ngôn. Khi chiều đến, Ngài nói với các môn đệ: “Chúng ta hãy sang bên kia biển hồ " Cả ngày, Chúa Giêsu và các môn đệ ở trên đất liền. Chúa kể những dụ ngôn về hạt giống gieo xuống đất và sinh hoa kết quả, hoặc hạt cải nhỏ bé sẽ trở thành một cây lớn. Vì đám đông và cả các môn đệ không hiểu, nên họ vẫn tò mò. Và sang bờ bên kia Chúa giải thích mọi thứ cho các môn đệ. Nhờ đó, họ mới hiểu những gì Chúa Giêsu nói.
Chúa đã nói với họ: “Chúng ta hãy sang bên kia biển hồ".
- Bên kia biển hồ, họ sẽ tiếp tục bước chân trên mặt đất vững chắc, được củng cố bởi thử thách mà họ đã trải qua.
- Nhưng từ bờ bên này sang bờ bên kia, cơn bão xảy ra có nguy cơ nhấn chìm con thuyền và với cái nhìn con người của họ, họ có thể nhìn thấy rằng tất cả họ sẽ diệt vong giữa những cơn sóng.
- Từ bờ bên này sang bờ bên kia, vào thời điểm cơn bão ập đến, Chúa Giêsu ngủ và dường như hoàn toàn không quan tâm đến số phận của họ.
Đối với các môn đệ Chúa Giêsu, có những lúc họ cảm thấy mình chìm đắm trong nỗi sợ mất mạng sống và cả đức tin nữa. Đối với chúng ta thì sao? Chúng ta không thể vượt qua từ bờ bên này sang bờ bên kia mà không gặp bão và tất cả các loại thử thách…Những lúc thử thách quá lớn lao, chúng ta chơi vơi, cảm thấy như mình bị Thiên Chúa bỏ rơi. Vào những lúc như thế, như các môn đệ đã làm, hãy kêu nỗi sợ hãi của chúng ta lên Thiên Chúa, ngay cả khi xem ra Ngài rất xa lạ với những thử thách của chúng ta, ngay cả lúc Ngài ngủ say.
Lúc chúng ta bị nghi ngờ, hiểm họa và sợ hãi tấn công, Chúa Giêsu nói với chúng ta rằng: “Chúng ta hãy sang bên kia biển hồ.
- Từ bờ bên này sang bờ bên kia, dần dần chúng ta sẽ khám phá ra rằng: không phải sợ những thử thách và đêm tối nhất, ngay cả khi Chúa Giêsu dường như đang ngủ.
- Vượt qua từ bờ bên này sang bờ bên kia, đó là lúc chúng ta không ở trên đất liền, mà phải ở giữa biển khơi và bão giông nổi lên có thể làm chúng ta chết chìm. Nhưng chúng ta đừng sợ những gì chúng ta sẽ phải vượt qua hôm nay cũng như vào ngày mai. Hãy tin rằng khi Thiên Chúa dường như ngủ, Ngài vẫn thức tỉnh trong chúng ta. Với đức tin, chúng ta hãy vui sống với Ngài mỗi ngày nhiều hơn trong con thuyền tình yêu của Ngài!
Linh mục Gioan Đặng Văn Nghĩa
====================
Suy niệm 2
Mc 4, 35 – 41
Giảng xong thì trời đã xế chiều, Chúa nói với các môn đệ: “Chúng ta sang bờ bên kia đi”. Bờ bên kia là phần đất của dân ngoại, nên câu nói đó có nghĩa là “Đi xả hơi, mệt quá rồi!”
Từ bên này sang bờ bên kia, nếu thuận buồm xuôi gió, thì phải mất chừng một tiếng đồng hồ. Chuyến đi này, Thầy thì ngủ khò, vì quá mệt; còn các môn đệ thì chắc là nhâm nhi cho đỡ buồn.
Bỗng một cơn bão nổi lên. Thuyền nhào lên nhào xuống. Gió tạt nước vào thuyền làm mọi người ướt nhẹp. Một nửa số học trò là dân chài lưới trên biển hồ. Thế mà họ đều sợ tái mặt. Còn Thầy thì cứ ngủ. Tại sao lại có chuyện lạ như vậy? Một là tại Chúa mệt quá. Hai là tại Chúa giả vờ. Mệt quá thì cũng đúng, nhưng không hữu lý, vì cơn bão dữ dội như thế, thì làm sao mà ngủ được. Như vậy phải hiểu là Chúa giả vờ, để dạy một bài học quan trọng.
Các môn đệ của Chúa đều là đàn ông và hầu hết là dân chài hiểu biết khí tượng biển hồ như bài học thuộc lòng. Họ sợ như thế là phải rồi. Thế mà Chúa không an ủi họ, lại còn mắng nặng lời: “Hỡi người hèn tin, tại sao sợ?”
Chúng ta phải ngẫm nghĩ để hiểu cả ý lẫn tâm của Chúa.
Trước hết, Chúa đã giả vờ nhiều lần rồi. Giả vờ của Chúa là một chiến thuật: gây ấn tượng cho một bài học. Cụ thể là hôm ấy một bà mắc bệnh băng huyết 12 năm. Xuất huyết là mắc uế. mắc uế thì phải thanh tầy. Nhưng trường hợp này không thanh tẩy được. Xấu hổ quá chừng! Mặc cảm tội lỗi quá nặng. Kể tội ra với Chúa thì xấu hổ, nên bà lén đụng vào tua áo của Chúa, để được khỏi. Khỏi thật. Mừng quá! Đang mừng quá thì tụt hứng, vì Chúa day dí: “Ai đụng vào Ta?” Chúa biết hết, nhưng cứ day dí hỏi khiến người đàn bà ấy phải quỳ gối xin lỗi. Tưởng là Chúa sẽ mắng nặng lời, ai ngờ Chúa nói một câu ngọt lịm: “Đức tin của bà chữa bà đấy. Chúc bà về bình an nhá.” Nhờ giả vờ mà Chúa làm cho niềm tin và niềm vui của bà ấy tăng lên gấp mười lần. Đó là bài học một.
Bài học hai là Chúa ngỏ cho ta biết rằng Chúa rất dị ứng với nỗi sợ. Đối với Chúa, sợ là hèn, sợ là yếu tin, sợ là làm nhục cho Chúa. Thánh Gioan là người cảm nghiệm được tấm lòng này của Chúa. Ngài đã ghi lại trong thư thứ nhất, chương 4, câu 18: “Tình yêu loại trừ nỗi sợ. Sợ là chưa có tình yêu hoàn hảo.”
Nên kiểm điểm lại để thấy rằng chúng ta sợ nhiều quá: sợ hỏa ngục; sợ nghèo đói; sợ chết chóc; sợ bệnh tật;… Tất cả những nỗi sợ ấy đều là hèn, đều tố cáo là ta chưa yêu Chúa. Có một câu chuyện vui kết thúc bài suy niệm hôm nay. Charles Péguy là một nhà thơ Pháp. Năm 39 tuổi ông mới trở lại đạo. Một lần kia, giáo lý viên hỏi: “Anh có sợ hỏa ngục không?” Ông trả lời: “Không”. Giáo lý viên thắc mắc: “Tại sao anh không sợ?” Ông nói: “Tại Chúa không muốn tôi xuống hỏa ngục, và tôi cũng không muốn, nên chắc chắn là tôi không xuống hỏa ngục”.
Linh mục Pi ô Ngô Phúc Hậu
======================
Suy niệm 3
Thuyền Có Chúa
G 38,1.8-11; 2Cr 5,14-17; Mc 4,35-41
*Thuyền của các môn đệ:
Thuyền của Thầy Giêsu và các môn đệ chiều hôm ấy gặp cuồng phong, sóng ập vào thuyền, đến nỗi thuyền đầy nước và sắp chìm. Sợ hãi đến vậy mà Thầy ở đàng lái vẫn vô tư “dựa đầu vào chiếc gối mà ngủ”. Các môn đệ cuống cuồng la lên: “Thầy ơi, chúng ta chết đến nơi rồi, Thầy chẳng lo gì sao?” (Mc 4,38b). Các ông vẫn chưa tin vào quyền năng của Thầy, nên ngay cả khi có Thầy cùng đồng hành ngay trên thuyền, mà vẫn sợ chết quá nên mới om sòm la lối. Thầy thức dậy bắt đầu can thiệp, biển lặng như tờ, Thầy trò bình an thoát chết. Khi cuồng phong bão táp các ông hoảng hốt, giờ gió yên biển lặng, cũng lại hoảng sợ thì thào với nhau “người này là ai”? Các môn đệ kém tin thật, ngay cả khi có Chúa ở bên, bị Thầy chê trách là phải.
*Thuyền Giáo Hội:
Hình ảnh thuyền của các môn đệ gặp sóng gió hôm nay cũng là hình ảnh con thuyền Giáo Hội. Giáo Hội cũng từng gặp bao nhiêu thử thách đau thương, chống đối, bị bách hại qua mọi thời. Nhưng Giáo Hội vẫn tồn tại, đứng vững và phát triển không ngừng vì luôn có Chúa ở cùng. “Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế”.
*Thuyền đời tôi:
Nhìn vào cuộc đời mỗi người, đâu phải lúc nào “cuộc đời cũng đẹp sao”, nhưng cũng gặp biết bao sóng gió, thử thách gian nan. Đời người phải chống trọi với bao sự dữ, bệnh tật, yếu đuối, chịu đau khổ do người khác gây nên làm cay đắng cõi lòng, bị chỉ trích, chống đối, phản bội… Nhưng chính Chúa đang ở trong cùng một thuyền với tôi, cho dù Ngài như đang “ngủ”. Có lúc tôi an tâm vì đời con có Chúa. Nhưng có lúc “Ngài có đó, nhưng con tưởng mình đang cô đơn”, vì Ngài vẫn như đang ngủ, vẫn im lặng. Và con người hoảng sợ tìm “thầy” khác, hoặc gồng mình xoay sở để chống trọi với phong ba, làm sao dẹp yên được sóng đời?
Với niềm tin son sắt, lòng cậy vững vàng, phó thác mọi biến cố, khó khăn trong đời của mình trong bàn tay Chúa, chắc chắn Chúa sẽ ra tay thực hiện, làm cho mọi sự trở nên tốt đẹp. Đức tin của các môn đệ cũng được thanh luyện qua thử thách. Lòng tin nơi con người cũng phải trải qua thử thách mới trở nên kiên cường vững mạnh. Chỉ có lòng tin vững mạnh nơi Thầy Giêsu, Đấng từng dẹp yên sóng biển, mới đưa thuyền đời ta đến bến bình an.
Đức Chúa đã trả lời ông Gióp về quyền năng tay Ngài trong bài đọc I: “Cửa đại dương, ai ra tay khép lại khi nước tuôn trào từ đáy vực sâu, khi ta giăng mây làm áo nó mặc, phủ sương mù làm tã che thân? Đường ranh giới, chính Ta vạch sẵn, lại đặt vào nơi cửa đóng then cài; rồi Ta phán:”Ngươi chỉ tới đây thôi, chứ không được tiến xa hơn nữa, đây là nơi các đợt sóng cao phải vỡ tan tành”. (G 38,8-11).
Én Nhỏ