Lời Chúa và Bánh Thánh
Mc 14, 12-16, 22-26
Những công việc chuẩn bị
- Chúa Giêsu sai hai môn đệ đi và dặn rằng: “Anh em hãy vào thành”.. Họ tin tưởng vào lời Thầy mình. Họ vâng nghe và làm như vậy.!Chúa Giêsu nói trước với họ điều sẽ xẩy đến: “Anh emhãy vào thành, và nếu gặp một người đang mang vò nước thì hãy đi theo người đó. Hễ người ấy vào nhà nào thì anh emhãy nói với chủ nhà rằng: Thầy sai chúng tôi hỏi: Căn phòng Ta sẽ ăn lễ Vượt Qua với các môn đệ ở đâu? Và chủ nhà sẽ chỉ cho anh emmột căn phòng rộng rãi dọn sẵn sàng”. Họ vâng nghe và làm đúng như thế!.
Qua câu chuyện này, nhiều người cho rằng Chúa Giêsu đã hợp đồng với chủ nhà rồi, hoặc có ý kiến khác cho rằng Chúa Giêsu như là một vị Minh Sư (danh từ của anh em Phật Giáo). Tất cả những suy nghĩ đó không quan trọng. Điều quan trọng, là Ngài sai hai môn đệ đi trước để chuẩn bị Lễ Vượt Qua, Ngài nói với họ: “Anh em hãy chuẩn bị lễ Vượt Qua cho chúng ta”.
Đúng ra, Chúa Giêsu là Thiên Chúa, Ngài đã chuẩn bị để hai môn đệ tin vào lời Ngài đã nói trước về sự việc sẽ xẩy ra.
- Ngài chuẩn bị để họ tin rằng tất cả những gì Ngài nói là thật.
- Ngài chuẩn bị để họ tin rằng mọi điều Ngài nói sẽ luôn đúng theo thời gian.
Chính vì thế, mà hai môn đệ có thể xác nhận rằng Chúa Giêsu nói thật và loan báo những gì mà chính họ không thể biết.
- Từ nay trở đi họ sẵn sàng theo Chúa Giêsu đến nơi họ khôngbiết.
- Họ chắc rằng Chúa Giêsu biết những gì Ngài nói.
Thật tuyệt vời cứ để cho Lời Chúa hướng dẫn dù không thấy hoặc không hiểu! Hai môn đệ "chuẩn bị mừng lễ Vượt qua".
Con người không chỉ sống bằng cơm bánh
"Đang khi họ ăn, Chúa Giêsu cầm lấy bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho các ông mà nói: Anh em hãy cầm lấy, này là Mình Thầy". Các môn đệ lúc đó có Chúa Giêsu trước mặt họ. Họ nhìn thấy thân xác Ngài. Vào giờ này liệu họ có thể hiểu được những lời bí ẩn mà Chúa Giêsu nói với họ khi Ngài cầm lấy bánh, bẻ ra, trao cho họ và nói: “Này là Mình Thầy”không?
Các môn đệ luôn sẵn sàng tin những lời của Chúa Giêsu:
- Chúa Giêsu đã chuẩn bị để họ tin rằng "mọi thứ đang diễn ra" luôn luôn như vậy", như Ngài đã nói.
- Họ đã chuẩn bị để họ dựa vào Lời Ngài ngay cả khi họ không nhìn thấy, ngay cả khi họ không hiểu.
- Họ đã chuẩn bị bỏ lại những gì là đương nhiên kiểu con người. Vì chưng theo cái nhìn con người, lời của Chúa Giêsu thật khó hiểu.
Chúa Giêsu yêu cầu mỗi Kitô hữu chúng ta:" Con hãy dựa vào Lời Thầy và chỉ lời Thầy mà thôi. Lời của Thầy là sự thật, những đương nhiên kiểu con người thường là lừa dối, không thể dẫn con đến với Thiên Chúa. "
Chúa Giêsu cầm lấy chén rượu và nói: "Này là Máu Thầy, Máu Tân ước sẽ đổ ra cho nhiều người," Ngài cũng muốn nói với các môn đệ và mỗi người chúng ta: “Anh em hãy uống lời Thầy. Anh em hãy nuôi dưỡng anh em bằng lời giảng dạy của Thầy, Lời của Thầy là thịt của thân xác anh em, Máu của Thầy lưu thông trong các mạch máu của anh em".
Chúa Giêsu đã nói trước: "Con người không chỉ sống bằng cơm bánh, mà còn bằng lời do miệng Thiên Chúa phán ra”. Vào ngày này, lời của Ngài trở thành của ăn và của uống cho chúng ta.
Lương thực của các kitô hữu
Chúa Giêsu cầm lấy bánh, mà nói: "Hãy cầm lấy mà ăn, này là mình Thầy…”. Và sau đó, Ngài cầm lấy chén rượu mà nói: “Hãy cầm lấy mà uống, này là Máu Thầy”. Chúa Giêsu nói thế và làm như vậy, vì Ngài là Ngôi Lời Thiên Chúa. Ngài làm cho Lời của Ngài trở thành của ăn đích thực cho chúng ta. Ngài yêu cầu chúng ta để của ăn đó hành động trong sâu thẳm con người chúng ta.
- Bánh và rượu, nếu không có những lời mà Chúa Giêsu nói, thì không làm nên dấu chỉ, không phải là bí tích.
- Những lời của Chúa Giêsu, nếu không có bánh và rượu, luôn là bí tích của Thiên Chúa.
- Nhưng khi truyền phép Thánh Thể, những lời của Chúa Giêsu được liên kết với bánh và rượu. Vì thế, khi ăn bánh, và uống chén rượu, chúng ta nhận được Ngôi Lời Thiên Chúa, chúng ta để Ngài nhập thể vào thân xác chúng ta, chúng ta trao thân thể chúng ta cho Ngôi Lời và lúc đó thân thể chúng ta trở nên Thân thể của Ngài.
- Như vậy, Bí tích Thánh Thể được ban cho chúng ta có bánh và rượu để mở rộng bàn tay và môi miệng chúng ta ra cho Thiên Chúa mà không cần phải tìm cách hiểu, không tìm cách biết bằng lẽ đương nhiên kiểu con người.
- Bí tích Thánh Thể được ban cho chúng ta để chúng ta nhận được tất cả lời của Thiên Chúa trong tâm hồn chứ không phải trong đầu óc chúng ta.
- Bí tích Thánh Thể, Ngôi Lời Thiên Chúa nhập thể vào đời sống chúng ta… Chúng ta không nhìn thấy Ngài…Chúng ta hãy tin rằng đối với chúng ta, cũng như đối với hai môn đệ được Chúa sai đi "chuẩn bị Lễ Vượt Qua, sẽ đến lúc chúng ta có thể thấy mọi việc xảy ra như Chúa Giêsu đã nói!
Linh mục Gioan Đặng Văn Nghĩa
==================
Suy niệm 2
Mc 14, 12 - 16.22 – 26
Một cô sinh viên vô thần có một cô bạn thân là Công giáo. Thân thì thương. Thương thì cắn nhau đau. Hôm ấy cô vô thần trêu chọc cô bạn của mình:
- Đạo Công giáo của mày kỳ cục thấy mồ.
- Tại sao mày dám bảo đạo tao là kỳ cục?
- Thì rõ như ban ngày: đạo mày ăn thịt và uống máu ông Giê su.
- Mày chưa hiểu, thì mày nói đạo tao là kỳ cục. Nếu mày hiểu rồi thì sẽ thấy đạo tao không những không kỳ cục, mà còn là kỳ diệu và siêu kỳ diệu nữa.
Câu chuyện khôi hài trên đây bắt chúng ta suy nghĩ, để thấy rằng quả thật Bí tích Thánh Thể là siêu kỳ diệu.
Sau phép lạ Hóa Bánh Ra Nhiều, uy tín của Đức Giê su lên đến tận trời mây. Thế mà sau đó Chúa đến giảng ở nguyện đường Caphácnaum, uy tín của Chúa tụt xuống tận vực thẳm. Tại sao vậy? Tại vì Chúa tuyên bố: “Ai ăn thịt tôi và uống máu tôi, thì được sống đời đời”. Thính giả bỏ về, không thèm nghe nữa. Chúa không rút lời, mà còn nhấn mạnh thêm: “Ai không ăn thịt tôi và không uống máu tôi thì không có sự sống”. Nhóm 72 của Chúa cũng bỏ đi và còn ném lại một câu nói không còn một chút tình thầy trò nào nữa: “Lời gì mà chói tai như vậy, ai mà nghe cho nổi”. Chúa vẫn cứ tỉnh bơ, vì Ngài đã có đầy đủ kế hoạch rồi. Phải chờ đến bữa tiệc ly, Đức Giê su mới bật mí. Ngài cầm ổ bánh mì, ngước mắt lên trời, cầu nguyện rồi tuyên bố: “Đây là thân thể của Thầy sẽ bị nộp vì chúng con, chúng con hãy cầm lấy mà ăn”. Sau đó Ngài bưng ly rượu, trang trọng và tha thiết tuyên bố: “Đây là máu Thầy sẽ đổ ra để cứu chuộc nhiều người. Chúng con hãy bưng lấy mà uống”.
Mọi tình yêu đều muốn hai thành một. Vợ chồng yêu nhau, nên đã tuyên bố “ta với mình tuy hai mà một”; nhưng cuối cùng vẫn phải thú nhận rằng: “ta với mình tuy một mà hai”. Mẹ yêu con cũng muốn mãi mãi ở bên nhau, nhưng cuối cùng vẫn phải xa nhau, vì con lập gia đình. Nhất là cái chết sẽ đến cắt đứt một tình yêu: tình vợ chồng; tình mẫu tử…
Đức Giê su yêu chúng ta, muốn trở nên một với chúng ta. Ngài không chịu tuân phục quy luật “ta với mình tuy một mà hai”: Ngài sẽ về với Chúa Cha vào ngày thăng thiên, 40 ngày sau biến cố phục sinh. Nhưng đi mà vẫn ở lại. Về với Chúa Cha mà vẫn ở lại với các môn đệ. Không phải chỉ ở lại bên nhau, mà ở lại trong nhau. Bằng cách nào đây? Bằng cách biến ổ bánh mì thành thân thể của Ngài và biến ly rượu nho thành máu Ngài. Ăn bánh mì, thì bánh mì thành thân thể của ta, đưa ta từ thằng cu tí thành một người đàn ông. Khi quyền phép của Chúa biến ổ bánh mì thành thân thể của Ngài, thì chính thân thể của Ngài lại biến ta với Ngài thành một. Đó là việc làm siêu kỳ diệu mà chỉ một mình Chúa Toàn Năng mới làm được. Sở dĩ Ngài đã làm điều đó vì Ngài yêu ta quá, cầm lòng không nổi. Loài người được kết hiệp thành một với Chúa, thì vinh dự biết dường nào. Được Chúa yêu như thế, thì hạnh phúc của ta lớn biết chừng nào!
Linh mục Piô Ngô Phúc Hậu
=================
Suy niệm 3
Quà tặng cao quý nhất
Điều mà mỗi người trên dương gian đều khao khát và khao khát cách mãnh liệt nhất, tha thiết nhất là gì ? Không phải là tiền bạc, không phải là địa vị hay nhan sắc… mà là được sống, sống lâu, sống khỏe, sống vui!
Khi gặp thiên tai, núi non sạt lở chôn vùi hết ruộng vườn, nhà cửa nhưng chủ nhà thoát chết thì vẫn được xem may mắn và có phúc.
Người ta tìm đủ mọi cách để duy trì sự sống với bất cứ giá nào, và khi bị bệnh tật đe dọa mạng sống, biết mình chỉ còn sống được chừng ba tháng, bệnh nhân cảm thấy kinh hãi, rụng rời và sẵn sàng trút hết tất cả tiền bạc, của cải, tài sản mình có để chạy chữa, may ra có thể sống thêm một thời gian. Đúng là “mạng sống hơn đống vàng !”
Sự sống của loài người quý thật, nhưng sự sống này có thể bị bệnh tật, tai ương… cướp đi bất cứ lúc nào.
Trong khi đó, có một sự sống rất đỗi tuyệt vời, không bao giờ lụi tàn, không bao giờ mất đi… Đó là Sự Sống của Thiên Chúa.
Vì yêu thương con người là tạo vật ưu việt của mình, Thiên Chúa ban cho con người đủ mọi thứ cần thiết trên đời, nhưng trong những món quà Thiên Chúa tặng ban, thì món quà quý báu nhất là Sự Sống của chính Ngài.
Nhưng làm thế nào đem sự sống của chính mình ban tặng cho người khác được?
Chúng ta không thể thông truyền sự sống của mình cho người khác.
Một người con hiếu thảo thấy mẹ hấp hối, sắp lìa đời, thì đau xót lắm… và dù có muốn lấy sự sống của mình truyền qua cho mẹ, để mẹ sống thêm vài năm nữa, cũng không thể làm được. Không ai trên đời có thể truyền ban sự sống mình cho người khác.
Tuy nhiên, Thiên Chúa là Đấng toàn năng, Ngài có thể làm được mọi sự. Ngài có thể truyền Sự Sống của chính Ngài cho tôi, cho bạn, cho mỗi người chúng ta.
Bằng cách nào ?
Muốn cho cành nho tiếp nhận được sự sống của thân nho, thì nó phải được tháp nối nên một với thân nho. Không tháp nối với thân thì không có sự sống.
Muốn cho một bàn tay bị lìa thân được tiếp nhận sự sống từ thân thể thì bàn tay đó phải được ghép nối vào thân thể. Không được tháp nối nên một với thân thể thì không thể nhận được sự sống.
Vậy muốn cho loài người tiếp nhận được Sự Sống của Chúa Giê-su phục sinh thì phải làm cho họ kết hợp nên một với Chúa phục sinh.
Để thực hiện việc này, Chúa Giê-su lập bí tích Thánh Thể, hiến ban Thịt và Máu của Ngài, dưới hình bánh rượu, làm của ăn cho nhân loại, để cho những ai lãnh nhận Mình Máu thánh Ngài thì được nên một với Ngài, được ở lại trong Ngài như lời Ngài phán: “Ai ăn thịt và uống máu Tôi, thì ở lại trong Tôi, và Tôi ở lại trong người ấy”(Ga 6,56).
Và nhờ nên một với Chúa Giê-su, nên Sự Sống của Chúa Giê-su sẽ được thông truyền cho người đó, như sự sống của thân thể thông truyền cho bàn tay.
Điều tuyệt vời là Sự Sống mà Chúa Giê-su thông ban cho những ai tiếp nhận Mình Máu Ngài, không phải là sự sống sinh vật có thể bị lụi tàn theo năm tháng mà là Sự Sống vĩnh cửu không bao giờ tàn phai.
Chúa Giê-su khẳng định điều này qua câu nói: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời” (Ga 6, 51).
“Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết” (Ga 6, 54).
Lạy Chúa Giê-su,
Chúa ban chính Mình Máu thánh Chúa cho chúng con để chúng con được nên một với Chúa, được đón nhận Sự Sống của Chúa, nhờ đó, được sống hạnh phúc muôn đời.
Đây là quà tặng quá đỗi tuyệt vời, là hồng ân vô cùng cao quý, không gì sánh được.
Xin cho chúng con đừng thờ ơ, hờ hững với món quà vô giá này nhưng biết sốt sắng lãnh nhận hồng ân vô giá này với tâm tình cảm tạ sâu xa.
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
==================
Suy niệm 4
Bí Tích Thánh Thể - Xa Lộ Đến Thiên Đàng
1. Phép Lạ Thánh Thể
Trong chuyến hành hương Fatima mấy năm vể trước, tôi có đến thăm Nhà Thờ Phép Lạ Thánh Thể ở Santarem.
Santarem là một thị trấn cách Fatima chừng 60km.
Vào khoảng giữa năm 1225 hay 1247, có một phụ nữ Công giáo cư ngụ tại Santarem. Bà ta là người quá bất hạnh vì luôn yên trí rằng: người chồng không thương yêu mình và đã thất tín, nên bà ta dùng mọi mánh khoé để lôi kéo chồng, nhưng không thành công. Đau khổ quá, bà ta tìm đến với một mụ phù thủy như giải pháp cuối cùng. Mụ phù thủy hứa sẽ làm cho người chồng quay trở lại yêu thương bà với điều kiện bà mang cho mụ ta một tấm Bánh Thánh với ý đồ xúc phạm Mình Thánh Chúa.
Điều kiện quái gở này đã làm cho người phụ nữ rất lo sợ, vì đây là việc phạm sự thánh. Tuy nhiên, vì quá đau khổ, cuối cùng bà ta liều mình chấp nhận. Bà đi dự lễ và lên rước Mình Thánh Chúa tại Nhà thờ Thánh Stêphanô. Nhưng thay vì nuốt Mình Thánh, bà ta lấy Mình Thánh ra khỏi miệng và gói vào một chiếc khăn, rồi lập tức rời khỏi Nhà thờ để đem giao Mình Thánh Chúa cho mụ phù thủy.
Dọc đường, Mình Thánh Chúa bắt đầu rỉ máu. Tuy nhiên, bà ta không hề hay biết, cho đến khi những người qua đường nhìn bà ta chằm chằm, vì họ tưởng bà bị xuất huyết. Quá hoảng sợ, bà ta vội vã trở về nhà, bỏ khăn ra và đặt Mình Thánh Chúa vào một đáy rương. Suốt ngày hôm đó cho đến tối, bà chờ đợi chồng trong sự lo sợ. Đến khuya người chồng về nhà nhưng bà ta giấu không hề hé môi nói về chuyện đó, sau cùng cả hai vợ chồng đi ngủ. Cả đêm hôm đó, bà không sao ngủ được, tâm hồn bị dày vò vì tội phạm sự thánh và bà luôn nghĩ rằng, không biết Mình Thánh có còn chảy máu nữa hay không?
Tảng sáng, hai vợ chồng tỉnh giấc, những tia sáng chói loà từ chiếc rương phát ra. Không giấu nổi, bà đành thú tội với chồng về tội phạm sự thánh. Thế rồi cả hai đã quì thờ lạy Thánh Thể Chúa cho tới sáng. Sáng sớm, ánh sáng càng rực rỡ từ chiếc rương đã thu hút bao khách qua đường đến chật ních ngôi nhà của bà. Tất cả mọi người đã chứng kiến phép lạ cách tỏ tường. Thế rồi tin phép lạ Thánh Thể đã đến tai cha xứ. Ngài vội vã đến nơi xảy ra phép lạ và nghe bà trình lại tỉ mỉ sự việc. Sau đó, cha xứ long trọng rước Thánh Thể về Nhà thờ. Ngài đặt Thánh Thể vào trong hộp tráng sáp và để trong Nhà Tạm.
Rồi một phép lạ khác lại xảy ra sau đó. Lần kia, khi cha xứ mở cửa Nhà Tạm, hộp tráng sáp đựng Thánh Thể đã bị vỡ tung thành trăm mảnh. Thế vào đó, ngài đã phải làm một hộp pha lê đựng Mình Thánh Chúa. Hộp đó đã được lưu giữ cẩn thận ở ngôi thánh đường này cho đến ngày nay. Từ đó, ngôi Thánh đường được đổi tên là “Nhà thờ Phép Lạ Thánh Thể”.
Từ ngày phép lạ xảy ra, hằng năm, vào Chúa Nhật thứ hai trong tháng 4, dân địa phương đã diễn lại sự kiện trên, và Phép Lạ Thánh Thể đã được long trọng cung nghinh từ ngôi nhà xảy ra phép lạ về Nhà thờ chính.
Từ năm 1684, căn nhà này đã trở thành nhà nguyện để cho khách thập phương kính viếng. Phép Lạ Thánh Thể Santarem chỉ rời thành phố một lần vào lúc quân đội Napolêon chiếm đóng Bồ Đào Nha vào năm 1810. Vì dân làng lo sợ quân Pháp xúc phạm đến Mình Thánh Chúa, nên Đức Giám Mục Lisbon đã chuyển Thánh Thể đi khỏi Santarem. Ngài đã đặt Thánh Thể để các tín hữu ở Lisbon tôn kính. Có người cho rằng ngài muốn lưu giữ Thánh Thể vĩnh viễn tại Thánh đường Pacao. Dân thành Santarem hay tin đã nổi giận và mở một cuộc biểu tình quá gây cấn. Thế rồi, Phép Lạ Thánh Thể lại được đem về Santarem cách bí mật trong ngày 2-12-1811 và ở lại đó cho đến ngày nay.
Bánh Thánh Thể có hình khác thường với những đường máu chảy từ trên xuống dưới và người ta đã thu được một số lượng máu ở hộp đựng Bánh Thánh.
Bác sĩ Hoagland ở New Jersey đã đến viếng Bánh Thánh Thể nhiều lần và nhận thấy có nhiều lúc máu có màu như máu tươi. Máu Thánh vẫn còn ở thể lỏng cho tới 750 năm sau khi Phép Lạ xảy ra vào đầu thế kỷ XIII.
Sau khi được sự chuẩn nhận của Giáo quyền, Nhà Thờ Thánh Têphanô ở Santarem được đổi tên là “Nhà Thờ Phép Lạ Thánh Thể”.
Trong thinh lặng, chúng tôi lần lượt từng người đi theo lối phía sau cung thánh, ngay phía sau Nhà Tạm có 5 bậc tam cấp để bước lên và hôn kính Thánh Thể được đặt trong một mặt nhật bằng vàng. Sau đó chúng tôi đi ra Nhà thờ quỳ gối thờ lạy Chúa Giêsu ngự trong Bánh Thánh Thể.
2. Quyền năng Chúa Thánh Thần
Giáo hội luôn định tín rằng: dù chỉ một miếng bánh nhỏ, khi đã được Truyền Phép, vẫn chứa đựng cả thân xác, linh hồn và thần tính của Đức Kitô.Chúng ta có Đức Kitô nguyên vẹn và cụ thể. Chính Chúa Thánh Thần Kitô hóa bánh rượu, làm cho bánh rượu trở nên Mình và Máu Chúa Kitô. Khi Linh mục, thừa tác viên của Giáo hội, thay mặt Chúa Kitô đọc Lời Truyền Phép. Lời Truyền Phép mà Linh mục đọc không phải là một câu thần chú có một ma lực biến bánh và rượu thành Mình và Máu Chúa Kitô, giống như Linh mục có quyền trên Chúa Kitô, khiến Chúa đến thì Ngài phải đến. Lời Truyền Phép chính là Lời Chúa Kitô, Lời mà Chúa Kitô muốn nói qua môi miệng của Linh mục. Chúa Kitô đã chọn một số người để họ lập lại y nguyên Lời Truyền Phép của Ngài. Chính Chúa Thánh Thần lấp đầy “khoảng cách” giữa Linh mục và Đức Kitô, khiến Lời Truyền Phép trở nên “công hiệu”, làm cho nội dung của Lời trở thành hiện thực. Sau Truyền Phép bánh không còn là bánh mà là Mình Thánh Chúa, rượu không còn là rượu mà là Máu Thánh Chúa.Đã có một sự thay đổi, sự thay đổi ấy là thay đổi bản thể hay “biến thể”. Đây là công việc của Chúa Thánh Thần, chứ không phải là công việc của người phàm, dù người ấy là Linh mục. Vì ý thức điều đó, Giáo hội thiết tha khẩn cầu trước lúc Linh mục Truyền Phép: “Chúng con nài xin Cha đổ ơn Thánh Thần xuống mà thánh hóa của lễ này, để biến thành Mình và Máu của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con” (Kinh Nguyện Thánh Thể II); “Lạy Cha, chúng con tha thiết nài xin Cha, cũng nhờ Chúa Thánh Thần, mà thánh hóa của lễ chúng con dâng hiến Cha đây, để trở nên Mình và Máu Đức Giêsu Kitô, con Cha, Chúa chúng con” (Kinh Nguyện Thánh Thể III); “Lạy Cha, xin cho Chúa Thánh Thần đoái thương thánh hóa những của lễ này, để biến thành Mình và Máu Đức Giêsu Kitô Chúa chúng con” (Kinh Nguyện Thánh Thể IV).
3. Thánh Thể mầu nhiệm đức tin.
Tất cả bắt đầu từ ước muốn lạ lùng của Đức Giêsu. Ngài muốn nuôi nhân loại bằng chính con người Ngài. Ngài muốn trở thành đồ ăn thức uống cho nhân loại: "Các con hãy cầm lấy mà ăn, đây là Mình Thầy. Các con hãy cầm lấy mà uống, đây là Máu Thầy". Vì yêu thương nhân loại, Chúa Giêsu đã có một sáng kiến lạ lùng là lấy chính Thịt Máu của Ngài làm của ăn của uống để nuôi sống chúng ta. Chính Chúa Giêsu đã khẳng định: Chính Ngài là của ăn và của uống ban cho nhân loại hoàn toàn khác với manna và mạch nước trong sa mạc: “Ai ăn bánh này sẽ được sống đời đời”. Chúa Giêsu không nhằm thoả mãn cái đói cái khát thể xác. Thế nên, Ngài xác quyết: “Thịt Tôi thật là của ăn, Máu Tôi thật là của uống”. Vậy Bánh mà Ngài ban chính là Thịt Máu Ngài. Cụm từ “Thịt Máu” ở đây không những bao gồm tất cả những gì nuôi sống linh hồn con người để đưa đến sự sống vĩnh cửu, mà còn ám chỉ đến Mầu nhiệm Nhập Thể của Con Thiên Chúa. Con Thiên Chúa đã nhập thể mang lấy xác phàm trong thân phận con người và đã đổ máu ra trên Thập giá để cứu chuộc nhân loại. Ngài đã chấp nhận trở thành của ăn của uống là những cái thường tình nhất của cuộc sống chúng ta để đưa chúng ta đến sự sống vĩnh hằng.
Thánh Phaolô nhấn mạnh đến việc hiệp thông với Chúa Giêsu Thánh Thể là kết hiệp mật thiết với chính Chúa Kitô, nên giống Ngài trong tư tưởng, ngôn ngữ và cuộc sống: “Ai ăn Thịt Tôi và uống Máu tôi, người ấy sẽ ở trong Tôi và Tôi ở trong người ấy”. Không bí tích nào giúp chúng ta sống “với Chúa, nhờ Chúa và trong Chúa” bằng bí tích Thánh Thể. Từ đó, Thánh Phaolô dám khẳng định: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20).
4. Bí tích Thánh Thể là xa lộ đưa Carlo Acutis về thiên đàng.
Trong cuộc đời 15 năm ngắn ngủi,Carlo Acutis đã khiến hàng ngàn người cảm động vì đức tin và lòng sùng kính sâu sắc của Carlo đối với Chúa Giêsu Thánh Thể. Khi còn là một cậu bé, đặc biệt là sau khi Rước lễ lần đầu, Carlo không ngày nào bỏ Thánh lễ, lần chuỗi Mân Côi và chầu Thánh Thể.
Thiếu niên Carlo Acutis được Giáo Hội phong Chân Phước vào ngày 10 tháng 10 năm 2020. Cậu là đứa trẻ ngoan đạo, tham dự thánh lễ hàng ngày, thường xuyên lần chuỗi Mân côi và đi xưng tội hàng tuần.
Carlo Acutis có biệt tài về máy tính. Cậu có nhiều lập trình có lợi cho đời sống con người và cho Hội Thánh. Đặc biệt, Carlo Acutis gầy dựng một trang web sưu tầm tất cả các phép lạ về Thánh Thể trên toàn Thế giới.Cậu cũng từng tổ chức một triển lãm quốc tế trình bày những sự kiện, những phép lạ liên quan đến bí tích Mình Máu Chúa Kitô.
Vì lòng yêu mến và sùng kính đặc biệt đối với Chúa Giêsu Thánh Thể, mà ngày phong chân phước cho Carlo được Tòa Thánh công bố ngay trước ngày mừng lễ Mình Máu Thánh Chúa.
Carlo Acutis cho biết, sống kết hợp với Chúa Giêsu là kế hoạch trong cuộc đời của cậu. Cậu hạnh phúc vì đã cố gắng không làm mất lòng Chúa, không lãng phí thời gian nhưng luôn tìm cách kết hiệp với Chúa.
Carlo cũng cho hay, cùng đích của con người là sự vĩnh cửu, chứ không phải là hữu hạn. Vĩnh cửu là quê hương thật. Loài người luôn chờ mong được về Thiên đàng, và Bí tích Thánh Thể chính là con đường dẫn tới thiên đàng…Cậu quan niệm: Lúc bạn thực sự có một trái tim trong sạch, bạn sẽ dễ dàng cảm hóa và đụng chạm đến trái tim của tha nhân…Carlo thực sự mang Chúa Giêsu trong tim và sống rất đơn sơ, vô tội. Đức Tổng Giám Mục Sorrentino, Tổng giáo phận Assisi, nói: Cậu Carlo có một tình yêu trổi vượt dành cho Bí tích Thánh Thể, đó là xa lộ đưa cậu về thiên đàng.
Bí Tích Thánh Thể là hồng ân vô giá mà Thiên Chúa ban cho nhân loại. Thánh Thể là trung tâm qui tụ Dân Chúa. Thánh Lễ là nguồn mạch và là chóp đỉnh của đời sống đức tin người Công giáo, cho nên linh mục tìm mọi dịp dâng lễ cho giáo dân. Lãnh nhận Thánh Thể, chúng ta được tham dự vào sự sống thần linh của Chúa Ba Ngôi.
Tham dự Thánh Lễ tích cực, trọn vẹn là cách tốt nhất thể hiện lòng yêu mến Chúa. Thỉnh thoảng trong ngày, trong tuần, bạn nên quỳ gối trước Thánh Thể, bạn sẽ học được nhiều điều từ Bí Tích Tình Yêu.
Thánh lễ cần được nối dài trong cuộc sống thường ngày. Khi cánh cửa nhà thờ khép lại, thánh lễ giữa lòng cuộc đời mở ra. Sống đạo trong nhà thờ, thực hành đạo ngoài cuộc đời. Mỗi người tín hữu phải trở nên muối ướp cho xã hội khỏi ươn thối, phải trở nên men làm cho xã hội dậy lên hương thơm thánh thiện, phải trở nên ánh sáng phá tan bóng tối đang bao phủ xã hội. Và như vậy, cuộc đời chính là thánh lễ nối dài. Bài hát quen thuộc của cha Thành Tâm: "Ta về thôi vì Thánh lễ đã hết, nhưng đời ta là thánh lễ nối dài, mang tình thương Thiên Chúa đến mọi nơi, ta sống sao để thành chứng nhân!". Thánh lễ nào cũng kết thúc và mọi người ra về bình an, nhưng Thánh lễ sẽ không tạm biệt, không chia tay với cuộc sống đời sống. Hoa quả của Thánh Lễ, hoa quả của Bí Tích Thánh Thể chính là lối sống, hành vi, lời ăn tiếng nói, cách cư xử của mỗi người tín hữu với tha nhân.
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, xin Chúa ban cho chúng con thêm lòng yêu mến Chúa và siêng năng tham dự Thánh lễ, rước Mình và Máu Chúa cách xứng đáng; đồng thời luôn xác tín Bí tích Thánh Thể chính là “nguồn mạch và chóp đỉnh” của đời sống Giáo Hội và nơi mỗi người chúng con. Amen.
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
==============
Suy niệm 5 Bánh Rượu sau truyền phép là chính Mình Máu Chúa Kitô (Mc 14, 12-16;22-26) Thứ Năm sau Lễ Chúa Ba Ngôi, tức 10 ngày sau Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, Giáo Hội long trọng cử hành “Lễ của Chúa”. Liền sau Lễ là kiệu trọng thể Mình Thánh Chúa ra khỏi nhà thờ, đi trên các ngả đường ngõ phố để loan truyền cho mọi người biết rằng : Chúa Giêsu hiện diện thực sự trong Bí tích Thánh Thể và Hy tế của Người là ơn cứu độ cho toàn thế giới.
“Lễ của Chúa” hay còn gọi là “Lễ Mình Máu Chúa Kitô”.
Trước khi tự ý nộp mình chịu khổ hình và chịu chết, Chúa Giêsu, Thiên Chúa làm người, đã muốn trối lại cho các môn một dấu chỉ hữu hình về sự hiện diện của Người giữa chúng ta. Vào ăn bữa sau hết tại một căn phòng rộng rãi ở trong thành, đang khi ăn Chúa Giêsu cầm bánh trong tay thánh thiện khả kính, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho họ và nói : "Các con hãy cầm lấy, này là Mình Ta". Rồi Người cầm lấy chén, tạ ơn, trao cho các ông và mọi người đều uống. Và Người bảo các ông: “Này là Máu Ta, Máu tân ước sẽ đổ ra cho nhiều người” (Mc 14, 22-24). Toàn bộ lịch sử của Thiên Chúa với con người được tóm gọn trong những lời trên.
Chúa Giêsu đã chọn bánh và rượu, làm dấu chỉ sự hiện diện của mình. Qua một trong hai dấu chỉ, Chúa Giêsu đã tự trao ban chính mình cách hoàn toàn, chứ không phải chỉ một phần, và dạy các môn đệ : “Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”. Vì thế, mỗi khi chúng ta, những người công giáo cử hành Thánh lễ là chúng ta “nhớ đến Chúa Giêsu”; và tin rằng “Bánh và Rượu vừa được truyền phép là Mình và Máu Chúa Giêsu”. Lễ này công khai biểu lộ niềm tin này vào Bí tích Thánh Thể.
Chúa Giêsu hiện diện dưới hình thức Bánh và Rượu
Để hiểu Lễ của Chúa, trước tiên cần phải hiểu “bí tích” là gì. Bí tích là dấu chỉ hữu hình một thực tại vô hình. Thiên Chúa không ai thấy bao giờ, nhưng Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa đã mạc khải cho chúng ta: “Ai thấy Thầy, là thấy Chúa Cha; ai nghe lời Thầy, là nghe lời Chúa Cha; ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Chúa Cha; ai chối bỏ Thầy, kẻ ấy cũng chối bó Chúa Cha…” (x.Ga 14, 6-24). Chúa Giêsu, một con người thực sự sinh ra tại Palestin. Nơi Chúa Giêsu, người tín hữu biết được Thiên Chúa làm người. Sau khi chết và sống lại, Chúa Giêsu đã hiện ra với các môn đệ như dấu chỉ về sự hiện diện hữu hình luôn mãi của Người, chúng ta diễm phúc có được “Mình và Máu Chúa” dưới dạng cụ thể là Bánh và Rượu, như Chúa đã truyền cho chúng ta làm. Người công giáo tin vào sự hiện diện thực sự của Chúa Giêsu, dưới hình thức Bánh và Rượu đã được truyền phép.
Bánh được truyền phép, một thứ lương thực đơn giản, gồm ít bột và nước. Bánh, Thiên Chúa đã ban cho dân Chúa lần đầu tiên trong sa mạc. Bánh, Chúa Giêsu đã làm phép lạ hóa nhiều để nuôi dân chúng. Lời nguyện trong Thánh lễ, phần dâng bánh, Giáo hội xác định bánh là sản phẩm của hoa màu ruộng đất và lao công của con người. Để có bánh, con người phải khó nhọc nắng mưa, làm đất, gieo hạt và thu hoạch, cuối cùng làm bánh.
Bánh không chỉ là sản phẩm của con người, dù con người làm ra; bánh còn là sản phẩm của hoa màu ruộng đất, vì thế bánh là một ân ban. Thực ra, có công lao của con người, đất mới trổ sinh hoa trái ; những chỉ có Đấng Tạo Hóa mới làm cho cây đơm bông kết hạt. Bánh là hoa trái của đất trời. Hàm chứa sức mạnh của đất và hồng ân từ trời cao là nắng mưa. Nước cũng thế, để làm được bánh, chúng ta không thể tạo ra nước được. Nói đến đây làm chúng ta nhớ lại hành trình của Dân Chúa trong sa mạc khi người và súc vật khát nước, nước là hồng ân vĩ đại, chúng ta không có khẳ năng tạo nước ra cho mình.
Rượu là Dấu chỉ nói cho chúng ta một cách thế tương tự. Rượu thể hiện công trình tuyệt vời của Đấng Tạo Hóa: “Từ cao thẳm, Chúa đổ mưa xuống núi…Chế rượu ngon cho phấn khởi lòng người” (x.Tv 104,13-15). Rượu của niềm vui mà Thiên Chúa muốn cho chúng ta hưởng dùng. Nhưng rượu cũng nói về Cuộc Khổ Nạn : vườn nho phải lớn lên để được thanh tẩy ; dưới nắng mưa nho phải chín và được ép rượu : chỉ qua sự vất vả này mà rượu thành rượu quí.
Trong lễ Mình Máu Cực Thánh Chúa, chúng ta chiêm ngắm Chúa Giêsu hiện diện trong tấm bánh. Điều này nhắc nhở chúng ta về cuộc hành trình 40 trong sa mặc của dân Israel. Manna của ăn Chúa nuôi dân trong sa mạc, nay Chúa Giêsu, Bánh bởi trời đích thực mà Thiên Chúa ban cho chúng ta.
Bí tích Thánh Thể nằm trong tiến trình của việc Nhập thể, trong đó Thiên Chúa đã "làm cho mình được nhìn thấy" qua một con người là Chúa Giêsu, sau khi sống lại và lên trời, bằng bánh và rượu được truyền phép.
Lễ này được cử hành thế nào ?
Sau Thánh lễ là cuộc rước long trọng Mình Thánh Chúa vừa được truyền phép qua các ngả đường và ngõ phố của các thị trấn cũng như làng mạc. Các tín hữu thể hiện đức tin của mình bằng cách trang trí cờ, hoa, băng rôn… công khai cho mọi người thấy niềm tin vào sự hiện diện thực sự của Chúa Giêsu nơi Bí tích Thánh Thể.
Phương Du ám chỉ Chúa là Chúa cả trời đất, muôn phương phải bái thờ.
Bàn thờ được trang trí hoa nến là để đón rước Vua Trời.
Mặt nhật, dưới dạng mặt trời (đó là ý nghĩa của từ «mặt nhật»), chỉ ra rằng Chúa Giêsu là “Mặt Trời”: Người là Ánh Sáng của lòng ta.
Bình khói hương nghi ngút vừa đi vừa xông lên trước Mình Thánh Chúa, làn hương thơm nghi ngút tỏa bay lên trước tòa Chúa tượng trưng cho lời nguyện cầu của chúng ta.
Các em bé rắc trên đường nhắc lại cuộc Rước Chúa Giêsu vào thành thánh, và những lời tụng ca của các em rất làm Chúa hài lòng.
Trong khi rước kiệu, chúng ta bước theo chính Chúa Giêsu. Và cầu xin Chúa : Hướng dẫn chúng ta trên đường đời ! Chỉ cho chúng ta đường phải đi đến với Giáo hội và các mục tử ! Kiệu Chúa ra ngoài nhà thời để Chúa nhìn thấy nhân loại đau khổ vì dịch bệnh, lang thang bấp bênh giữa bao nhiêu vấn nạn, thấy cái đói về thể lý và tâm lý hành hạ dân Cúa!
Lạy Chúa, xin Chúa chữa lành thế giới và ban cho nhân loại bánh để nuôi dưỡng xác hồn ! Xin cho nhiều người có công ăn việc làm ! Xin Chúa ban chính Chúa cho họ ! Xin Chúa tẩy rửa và thánh hóa chúng con trong mọi sự ! Xin Chúa giúp chúng con hiểu rằng phải qua Khổ Nạn, qua lời "xin vâng" trên cây thập giá, với sự từ bỏ và thanh tẩy, chúng con mới có thể đạt tới vinh quan. Xin qui tụ con cái Chúa tản mác khắp nơi về cùng một mối. Xin hiệp nhất chúng con với Giáo hội của Chúa, đoàn kết chúng con với anh em bị chia rẽ ! Nhất là xin ban cho chúng con! Amen!
Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ
==================
Suy niệm 6 Mình và Máu của Giao Ước (Mc 14, 12-16;22-26) Trước việc nhiều người cho rằng Chúa Giêsu không hiện diện thực sự trong Thánh Thể. Để tuyên xưng niềm tin của mình vào sự hiện diện thật sự của Chúa Giêsu nơi Bí tích Thánh Thể, và cũng để loan báo cho mọi người biết rằng, Bánh và Rượu sau truyền phép là chính Mình và Máu Chúa Kitô, Giáo Hội đã cử hành lễ Mình Máu Thánh Chúa và kiệu Mình Thánh Chúa vừa được truyền phép ra khỏi nhà thờ, rao truyền cho mọi người biết rằng : Chúa Giêsu hiện diện thực sự trong Bí tích Thánh Thể và Hy tế của Người là ơn cứu độ cho toàn thế giới.
Máu Giao Ước
Bài trích sách Xuất Hành thuật lại giao ước Thiên Chúa ký kết với dân Israel qua trung gian Môise. Trước tiên, Môsê lặp lại cho dân những lệnh truyền của Thiên Chúa, và dân đồng ý tuân giữ. Tiếp đến, Môsê viết lại những lệnh truyền ấy của Thiên Chúa để lưu giữ mãi về sau. Sau cùng là nghi lễ kết giao ước: “Môsê cho giết một số bò, lấy máu của chúng rảy một phần lên bàn thờ tượng trưng cho Thiên Chúa, và phần kia lên dân. Máu là tượng trưng cho sự sống, vì thế ý nghĩa của việc rảy máu là từ nay hai bên kết ước (Thiên Chúa và dân Do Thái) cùng một sự sống với nhau” (x. Xh 24, 3-8). Đây là máu giao ước Thiên Chúa đã cam kết với các ngươi. Một Giao Ước bằng máu. Thế nhưng dân đã chẳng tuân giữ Giao Ước này, họ đã chạy theo các ngẫu thần. Dù vậy Thiên Chúa cũng không bỏ dân. Ngài vẫn tiếp tục hết lần nầy tới lần khác đề nghị ký kết giao ước với họ; và qua các ngôn sứ, Ngài dạy họ hy vọng ơn cứu độ.
Máu Chúa Kitô tẩy sạch lương tâm
Như đã nói ở trên, Giao Ước cũ cũng được ký kết bằng máu, nhưng là máu của lễ vật hy sinh mà Môsê dùng để rảy trên dân. Tác giả thư Do thái nói đây chỉ là điều “mô phỏng”, cho nên “máu không đổ thì tội vạ không tha” (Dt 9,18-22). Ngược lại, trong Giao Ước Mới, chính Chúa Kitô, Vị Thượng Tế đổ máu mình, lấy chính thân mình làm lễ vật hy sinh đền tội, “khử trừ sự tội nhờ việc hy sinh của Người” (Dt 9,26) ; “Người đã hiến dâng mình một lần đem lại ơn cứu độ muôn đời” (Dt 9,28);.
Như thế, đời sống của con người trong Giao Ước Mới không còn bị nô lệ tội lỗi nữa, vì không những họ được tha thứ hết mọi tội lỗi, nhưng nếu lỡ phạm tội thì họ nại tới Đức Kitô, Vị Thượng Tế Trung Gian, đã lấy máu mình: “Máu đó sẽ tẩy sạch lương tâm chúng ta khỏi những việc sinh sự chết” (Dt 9, ). Vì Người là trung gian của Giao Ước Mới, Đấng tạ tội cho toàn dân.
Mình Máu Thánh Chúa Kitô
Tin Mừng thánh Marcô thuật lại: Đang khi ăn Chúa Giêsu cầm bánh trong tay thánh thiện khả kính, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho họ và nói : “Các con hãy cầm lấy, này là Mình Ta”. Rồi Người cầm lấy chén, tạ ơn, trao cho các ông và mọi người đều uống. Và Người bảo các ông: “Này là Máu Ta, Máu tân ước sẽ đổ ra cho nhiều người” (Mc 14, 22-24).
Lời Chúa Giêsu tuyên bố trên Bánh ; và trên Chén rượu được Tin Mừng Nhất Lãm và thư Phaolô ghi lại, tuy có sự khác nhau nhưng chỉ là khác biệt thứ yếu, bên ngoài: “Chén này là Giao Ước Mới trong Máu Ta” (x. Lc 22, 19-20; 1 Cr 11, 23-26). “Chén này là Máu Ta, Máu Giáo Ước” (Mc 14, 22-24; Mt 26, 26-29).
Chúa Giêsu, bánh cầm trong tay, đang có chiên tế lễ vượt qua trước mặt và nói: “Này là Mình Ta”. Sau khi đã ăn chiên tế lễ vượt qua, bữa ăn tạ ơn vì máu chiên đã đổ ra nhắc lại máu giải thoát năm xưa, Chúa Giêsu cầm lấy chén rượu trong tay và nói: “Này là Máu Ta”, Máu đổ ra để thiết lập Giao Ước. Chúa đồng hóa mình với Con Chiên Hy Tế Vượt Qua. Cha Ta (Mình và Máu Chúa Giêsu ) là Chiên Vượt Qua thật, chiên đã được tế hiến đổ máu ra. Và như thế, Chúa Giêsu minh nhiên tỏ cho các môn đệ biết Người là Chiên thật hiến tế để cứu chuộc muôn người.
Tiệc Thánh Thể hay Thánh lễ mỗi lần Hội Thánh cử hành, chính là Chúa Giêsu, Tiệc Giao Ước Mới, Đấng tự ý ban chính Mình cho các môn đệ cho đến khi Người trở lại. Tiệc Thánh Thể là nguồn mạch sự kiên vững của Hội Thánh cho đến Ngày Chúa lại đến (x. 1 Cr 11,26).
Nhờ Tiệc Giao Ước Mới này dưới hình Bánh Rượu, nơi Chúa Giêsu hiện diện thực sự trường tồn. Nhờ thông phần vào cuộc Khổ Nạn hồng phúc của Chúa Kitô, Hội Thánh trở nên phong phú. Vì thế, khi cử hành Thánh Thể, Hội Thánh là hiện thân Nước Thiên Chúa ở trần gian này cho đến khi Nước Thiên Chúa được tỏ hiện. Như thế, Máu Chúa Kitô, Giao Ước Mới đổ ra tẩy rửa và tha tội cho nhiều người, qui tụ tất cả nên một trong Người như thánh Thánh Tôma Aquinô viết : “Con độc nhất của Thiên Chúa, muốn cho chúng ta thông phần vào thiên tính của Chúa, đã làm người. Để cứu chuộc con người, Người đã đổ máu mình ra rửa chúng ta sạch muôn vàn tội lỗi, giao hòa chúng ta với Chúa Cha trên bàn thờ Thập Giá”.
Lạy Chúa Giêsu đang ngự trong phép Mình Thánh, là Bánh đích thực nuôi dưỡng chúng con trên mặt đất này, xin hướng dẫn chúng con đến bàn tiệc trên Trời, trong vinh quang Các Thánh của Chúa, có Mẹ Maria là Mẹ chúng con.
Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ
==================
Suy niệm 7 BÍ TÍCH TÌNH YÊU - PHÉP LẠ MỖI NGÀY
Kính thưa cộng đoàn Phụng vụ! Với tình cảnh hiện nay, dịch bệnh ngày càng lan nhanh và trầm trọng hơn, nên nhiều nơi tạm ngưng Thánh lễ chung tại các giáo xứ. Tuy nhiên, là thừa tác viên của Bí tích Tình yêu, Linh mục chẳng bao giờ quên dâng lễ mỗi ngày, trước hết cầu nguyện cho cộng đoàn giáo xứ được giao phó, sau nữa, cầu nguyện cho mọi người tín hữu, đặc biệt những ai đang bệnh tật, nghèo khó vật chất cũng như tinh thần, v.v…
Với ý nguyện ấy, chúng ta cùng mừng kính trọng thể lễ Mình Máu Thánh Chúa Ki-tô. Ý thức rằng mỗi khi tham dự Thánh lễ, chúng ta được thông phần vào Bí tích Tinh yêu, nơi ấy, Chúa Giê-su Ki-tô hiến trao sự sống Ngài cho chúng ta. Ngoài ra, qua vị Linh mục, Ngài cử hành cuộc hy lễ đền tội cho chúng ta, trở nên của lễ tinh tuyền dâng lên Chúa Cha, và qua phép lạ mỗi ngày này, Ngài thánh hoá, chữa lành, dưỡng nuôi và cứu độ chúng ta.
Trước hết, Mình Máu Thánh Chúa thánh hoá và chữa lành. Trong thời Cựu ước, ông Mô-sê làm trung gian cho giao ước giữa Thiên Chúa với dân Is-ra-el, được ký kết bằng máu của chiên bò: “Mô-sê lấy phân nửa máu đổ vào các chậu và rưới phân nửa kia lên bàn thờ…Ông lấy máu rảy lên dân chúng và nói: ‘Đây là máu giao ước Thiên Chúa đã cam kết với các ngươi theo đúng tất cả những lời đã phán’” (Xh 24, 6.8). Máu huyết như một dấu chỉ ký kết cho một giao ước, và được rảy trên người ô uế để thánh hoá thân xác họ. Tuy nhiên, Máu Chúa Ki-tô không những rửa sạch thân xác, mà còn thánh hoá và chữa lành lương tâm chúng ta khỏi sự chết đời đời, như tác giả Thư Do thái đã xác quyết: “…máu của Đức Ki-tô, Đấng đã nhờ Thánh Thần mà hiến tế chính mình làm của lễ trong sạch dâng lên Thiên Chúa; máu đó sẽ tẩy sạch lương tâm chúng ta khỏi việc sinh sự chết, khiến chúng ta có thể phụng sự Thiên Chúa hằng sống” (Dt 9, 14). Khi đề cập đến máu huyết, chúng ta không thể tách rời nó khỏi thân thể, vì chưng, mình và máu đều trong một cơ thể; máu huyết lưu thông trong thân thể, điều hoà sự sống thể chất. Chính vì vậy, mỗi lần chúng ta rước lễ dưới một hình thức (thông thường là Mình Thánh Chúa), thì chúng ta cũng được lãnh nhận trọn vẹn Mình và Máu Thánh Chúa Ki-tô. Dù hình bánh Thánh lớn hay nhỏ, đều là toàn bộ Thân Thể cực Thánh của Đức Ki-tô, là Sự sống của Người. Trong thực tế, rất nhiều người trong chúng ta ước mong được lãnh nhận phép lạ nào đó để được chữa lành bệnh tật về mặt thể lý cũng như tinh thần; nhưng rất ít người xác tín Bí tích Thánh thể là một phép lạ cao cả, mà nơi đó Chúa Giê-su Ki-tô biến bánh và rượu trở nên Mình và Máu Ngài, nơi đó Ngài trao ban chính sự sống để thánh hoá, chữa lành tâm hồn chúng ta. Và dĩ nhiên, chúng ta phải có tâm hồn vừa đủ trong sạch (nghĩa là: không có tội trọng) mỗi khi rước Mình Máu Thánh Chúa.
Thứ đến, Mình Máu Thánh Chúa dưỡng nuôi chúng ta. Như ai cũng biết, máu được lưu thông trong cơ thể để duy trì sự sống, để nuôi dưỡng thân thể. Tất cả thức ăn, đồ uống mà chúng ta hấp thụ vào cơ thể, đều được chuyển hoá thành máu huyết, để nuôi sống con người chúng ta. Hơn thế, Mình Máu Thánh Chúa không chỉ dưỡng nuôi thân xác, mà còn nuôi dưỡng linh hồn, và tâm hồn chúng ta nữa. “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết…Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở trong người ấy” (x. Ga 6, 54. 56). Thật vậy, mỗi lần chúng ta đến với Bí tích Tình yêu, chúng ta được lãnh nhận lương thực thần thiêng, được ân ban sự sống đời đời, được nên một với Chúa Giê-su, và ở lại kết thân với Ngài. Nhờ vậy, chúng ta được bổ sức, dưỡng nuôi, lớn lên trong ơn nghĩa làm con Chúa, lớn lên trong đời sống đức tin, đời sống tâm linh, đời sống cầu nguyện, trưởng thành trong mối tương quan với anh chị em ở mọi bậc sống.
Sau cùng, Mình Máu Thánh Chúa cứu độ chúng ta. Tác giả Thư Do thái khẳng định: “…không nhờ máu dê bò, nhưng nhờ chính máu của Ngài mà vào Cung Thánh chỉ một lần và đem lại ơn cứu độ muôn đời” (x. Dt 9, 12). Vào thời Cựu ước, nhờ máu chiên được bôi trên cửa, mà dân Is-ra-el được cứu thoát khỏi sự giết hại của Pha-ra-oh và người Ai Cập. Nhưng đây cũng chỉ dừng lại ở sự sống thể xác mà thôi, còn chính nhờ bửu huyết của Chúa Giê-su Ki-tô, chúng ta được cứu chuộc khỏi xiềng xích tử thần do tội lỗi, đam mê, dục vọng, thú vui trần thế, v.v…, và được trao ban ơn cứu độ, được thông phần vào sự sống đời đời. Như trong đêm tiệc ly, Đức Giê-su đã trao hiến chính mình cho các môn đệ qua hình bánh và rượu: “Các con hãy cầm lấy bánh mà ăn, vì này là Mình Thầy sẽ bị nộp vì các con…Các con hãy cầm lấy chén mà uống, vì này là Máu Ta, Máu giao ước vĩnh cữu, sẽ đổ ra cho các con, và nhiều người được tha tội…” (x. Mc 14, 22-24; Lc 22, 19-20; Mt 26, 26-28). Tuy Đức Ki-tô chịu chết một lần nhưng Ngài mang lại ơn cứu độ muôn đời cho nhân loại; và cuộc trao hiến này được diễn ra mỗi ngày trên bàn thờ trong Thánh lễ qua vị thừa tác viên có chức Thánh: “…Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy” (x. Lc 22, 19).
Qua đây, chúng ta được hiểu đôi điều về Bí tích Thánh Thể - Bí tích Tình yêu và Phép lạ mỗi ngày, do chính Chúa Giê-su Ki-tô đã thiết lập và trao hiến cho chúng ta. Vì vậy, mỗi khi đến với Thánh lễ, chúng ta phải chuẩn bị tâm hồn trong sạch hết sức có thể, để nhờ ơn Chúa, chúng ta được xứng đáng lãnh nhận Mình và Máu Thánh Ngài làm của ăn thánh hoá, chữa lành, nuôi dưỡng, và hơn hết, chúng ta được cứu rỗi, thông phần vào sự sống muôn đời.
Ôi Mình Máu Thánh
Trao ban hùng anh
Chữa lành thánh hoá
Con nay yếu hèn.
Dưỡng nuôi xác hồn
Nên một tựa nương
Nơi Ngài chan chứa.
Thông phần sự sống
Chẳng phải nát tan
Ơn Ngài cứu đời. Amen!
Lm. Xuân Hy Vọng
================
Suy niệm 8
Anh Em Hãy Cầm Lấy Mà Ăn Xh 24,3-8; Dt 9,11-15; Mc 14,12-16.22-26
Tin Mừng hôm nay thuật lại bữa tiệc Vượt qua cuối cùng của Thầy Giêsu và các môn đệ. Thầy đã kín đáo chuẩn bị từ trước, nên các ông thấy diễn tiến lạ lùng, đúng như lời Thầy dặn: “Người sai hai môn đệ đi, và dặn họ: “Các anh đi vào thành, và sẽ có một người mang vò nước đón gặp các anh. Cứ đi theo người đó. Người đó vào nhà nào, các anh hãy thưa với chủ nhà: Thầy nhắn: “Cái phòng dành cho tôi ăn lễ Vượt qua với các môn đệ của tôi ở đâu?” Và ông ấy sẽ chỉ cho các anh một phòng rộng rãi trên lầu, đã được chuẩn bị sẵn sàng: và ở đó, các anh hãy dọn tiệc cho chúng ta”. Hai môn đệ ra đi. Vào đến thành, các môn đệ thấy y như Người đã nói.” (Mc 14,13-16). Trong bữa tiệc cuối cùng này, Thầy cho các ông ăn một lễ Vượt Qua vĩ đại hơn bữa tiệc Vượt Qua hằng năm của người Do Thái. Đây là tiệc Vượt Qua mới, là bữa tiệc ly, tiệc hiến tế, tiệc Giao Ước mới bằng chính Mình và Máu Thầy, chứ không phải máu chiên cừu trong giao ước cũ: “Cũng đang bữa ăn, Đức Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra, trao cho các ông và nói: “Anh em hãy cầm lấy, đây là Mình Thầy”. Và Người cầm chén rượu, dâng lời tạ ơn, rồi trao cho các ông, và tất cả đều uống chén này. Người bảo các ông: “Đây là Máu Thầy, Máu Giao Ước, đổ ra vì muôn người”. (Mc 14,22-24).
Từ thời cựu ước đến nay, máu vẫn luôn là sự sống của con người. Có lẽ các môn đệ và hôm ấy và nhiều người chúng con hôm nay, dù tay cầm lấy mà ăn đó, nhưng chưa hiểu và cảm nhận niềm hạnh phúc sung sướng khi được ăn Mình và Máu Thánh Chúa, Đấng là Sự Sống đã trao hiến cho chúng con. Trước cái chết đang chờ ngày hôm sau, Thầy Giêsu không để cái chết ập xuống, chụp lấy, nhưng Thầy chủ động tiến tới, đảm nhận và biến cái chết thành quà tặng cho tình yêu. Qua lời đọc trên cử chỉ dâng bánh và rượu trong bữa ăn Vượt qua cuối cùng này, Người biến đổi nghi lễ kỷ niệm Vượt Qua của dân Do Thái trở thành cuộc Vượt Qua của chính Người. Bữa ăn cuối cùng giữa Đức Giêsu và các môn đệ vừa loan báo, vừa là hình bóng của bữa tiệc Cánh Chung trong Nước Thiên Chúa: “Thầy bảo thật anh em: chẳng bao giờ Thầy còn uống sản phẩm của cây nho nữa, cho đến ngày Thầy uống thứ rượu mới trong Nước Thiên Chúa”. (Mc 14,26).
Chúa ơi! Thịt và Máu Chúa thật là của ăn của uống nuôi sống con từng ngày, của ăn mà càng ăn con càng đói, càng uống con lại càng khao khát hơn. Dẫu con đây muôn ngàn bất xứng, nhưng vì Tình Yêu, Chúa còn khao khát con hơn ngàn lần con khao khát đón nhận. Xin cho con luôn luôn đáp tình Chúa mời gọi, để con đến, ở lại với Chúa, trong Chúa, mà tận hưởng no say nguồn sống từ thần lương cao quý này, để nhờ Mình Máu Chúa bổ dưỡng, con được sống hạnh phúc sung mãn hôm nay và mai sau được sống muôn đời.
Én Nhỏ