Suy niệm 1
Máu và nước chảy ra
Ga 19, 31-37
Hôm nay chúng ta mừng trọng thể lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu. Chúng ta tôn vinh Tình yêu Thiên Chúa: Ngài đã yêu thương chúng ta đến cạn kiệt. Vì thế tương quan của chúng ta đối với Thiên Chúa trước hết phải là tương quan tình yêu, chứ không phải là tương quan bổn phận, bó buộc và thương mại. Trong một thế giới mà tình yêu bị thương tổn, hư hỏng, lạm dụng và bị phản bội, chúng ta hãy nhìn lên Đấng là nguồn mạch tình yêu! Chúng ta có thể nói rằng Trái Tim Chúa Giêsu là một trái tim bị thương tổn, nhưng cũng là một trái tim chữa lành và nguồn mạch sự sống.
Trái tim Chúa Giêsu là một trái tim bị thương tích
Trang Tin Mừng mà chúng ta vừa nghe đọc: từ cạnh sườn tức là từ trái tim Chúa Giêsu, máu và nước chảy ra. Trái tim Chúa là một trái tim yêu mến nhưng cũng là một trái tim bị thương tích. Bị thương tích vì tội lỗi nhân loại. Đúng thế! Bị thương tích nhất là và trên hết, đó là không được yêu lại như Ngài đã yêu: “Ngài đã đến nhà gia nhân Ngài nhưng gia nhân Ngài không đón nhận Ngài”. Không có một vết thương nào lớn hơn là vết thương Tình Yêu Thiên Chúa đã không được yêu lại.
Mừng trọng thể lễ Trái tim Chúa Giêsu, chúng ta hãy liên đới,
- Với tất cả những ai đau khổ vì không được yêu đủ
- Với tất cả những ai bị thương tổn trong khả năng yêu của họ
- Với tất cả những ai mà tình yêu của họ hư hỏng
- Với tất cả những ai mà tình yêu của họ không tìm được lời đáp
- Với tất cả những ai không có khả năng yêu
- Với tất cả mọi người là nạn nhân của cơn đại dịch covid-19 đang hoành hành dữ dội, như thư kêu gọi của HĐGMVN gửi Cộng đoàn Dân Chúa Việt Nam tuần trước ngày 02-6-2021: “Trước hết, hãy xem trận đại dịch này như một cơ hội để yêu thương. Theo lời Chúa dạy, Kitô hữu phải nhìn nhận tất cả nạn nhân Covid-19 là “người lân cận” (Lc 10,28-29), sẵn lòng “vui với người vui, khóc với người khóc” (Rm 12,15) dù họ là ai. Tứ hải giai huynh đệ. Tất cả mọi người đều là đồng bào, là thành viên của đại gia đình dân tộc và nhân loại. Người Công giáo không được phép loại trừ, kỳ thị, “điểm mặt” hoặc kết án bất kỳ ai đã hoặc chưa bị lây nhiễm”.
Nhưng để có tình liên đới như thế, chúng ta phải hướng nhìn lên cạnh sườn trái tim Chúa Giêsu bị đâm thâu, có máu và nước chảy ra. Đó là máu và nước chữa lành và ban sự sống.
Trái tim Chúa Giêsu là trái tim bị thương tích và cũng là trái tim gây thương tích, nhưng có khả năng chữa lành.
Tại sao chúng ta lại nói như thế? Thánh Vinh trả lời cho chúng ta: “Chính Ngài gây thương tích và chữa lành”. Khi một trong những tia sáng của Thánh Tâm Chúa Giêsu chiếu vào con tim một ai đó, tia sáng ấy gây nên một vết thương và làm mù con mắt của ai đó không có khả năng nhìn và khả năng đón nhận. Nhưng đó là vết thương tình yêu, vết thương thánh thiện. Vết thương này mở trái tim chai đá của chúng ta ra. Vết thương này phá vỡ trái tim chai đá của chúng ta ra và tạo nên vết nứt để cho Tình Yêu Thiên Chúa đi vào.
Vâng, vết thương làm thương tích, nhưng cũng là vết thương đem lại sự sống. Vết thương làm thương tích, nhưng là vết thương làm điều tốt. Đó là một vết thương chữa lành trái tim chúng ta và trái tim nhân loại.
Chúng ta biết, tình yêu có một sức mạnh chữa lành, chữa lành con tim và chữa lành con người. Tình yêu Thiên Chúa chữa lành mọi vết thương chúng ta và mọi tôi lỗi chúng ta. Nhưng vấn đề được đặt ra ở đây là:
- Chúng ta có chấp nhận bị tổn thương vì Tình Yêu Thiên Chúa không?
- Chúng ta có nhận ra vết thương của chính chúng ta trong vết thương của Chúa Giêsu không?
Khi chúng ta hiệp thông với những đau khổ của Chúa Giêsu, có nghĩa là nhận ra vết thương của chúng ta trong vết thương của Chúa Giêsu, lúc đó chúng ta tiến tới trong việc chữa lành siêu nhiên, là cứu độ chính chúng ta và cứu độ người khác nữa.
Rước lễ luôn làm cho chúng ta sống mầu nhiệm tình yêu. Mỗi một lần chúng ta rước lễ, Thiên Chúa đi vào con tim chúng ta; Ngài đi vào để gặp gỡ chúng ta và chữa lành tình yêu ích kỷ và bất toàn của chúng ta. Nhờ đó chúng ta có thể càng ngày càng mở ra đối với những ai đang khủng hoảng về tình yêu mà chúng ta thường gặp trong đời sống hằng ngày.
Trái tim Chúa Giêsu đã bị thương tổn, nhưng cũng là vết thương của trái tim chữa lành và trao ban sự sống. Đây không phải là sự sống thể xác, nhưng là sự sống thiêng liêng. Chúa Giêsu trao ban sự sống. Ngài là nguồn sự sống. Từ cạnh sườn Chúa Giêsu, Máu và Nước chảy ra. Máu và nước không chỉ là dấu chỉ bản tính Thiên Chúa và bản tính nhân loại của Chúa Giêsu, mà còn là dấu chỉ của bí tích Thánh Tẩy và bí tích Thánh Thể. Vết thương tình yêu Trái tim Chúa Giêsu là nguồn mạch sự sống cho tất cả những ai đến uống, uống ở đó thật nhiều. Đó là thứ nước mà Chúa Giêsu đã nói với người phụ nữ Samaria rằng: tất cả những ai uống thứ nước đó thì không phải khát bao giờ.
Lạy Thánh Tâm Chúa Giêsu,
Nguyện xin Tình Yêu của Chúa thấm nhập vào con tim chúng con và biến đổi cách yêu của mỗi người chúng con. Chớ gì nhờ lời cầu nguyện và của lễ chúng con dâng lên Chúa hôm nay nối kết lại tất cả những ai mà tình yêu của họ bị thương tổn. Amen!
Linh mục Gioan Đặng Văn Nghĩa
=====================
Chúa nhật XI Thường niên
Suy niệm 1
Chỉ một mình Thiên Chúa mới có thể cho lớn lên
Mc 4, 26-34
Bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu so sánh Nước Trời giống như một hạt giống. Đối với nhà nông, họ có kinh nghiệm: một hạt giống rất bé nhỏ có thể cho một mùa màng đầy hứa hẹn. Cũng vậy, chúng ta có thể thực hiện được nhiều điều vĩ đại trong cuộc sống, nhưng khi bắt đầu chỉ là rất khiêm tốn và nhỏ bé.
Người nông dân không kéo mạnh thân cây lúa lên cho mau lớn để thu hoạch, nhưng chờ đợi. Trong khi chờ đợi, người nông dân đó ngủ và nghỉ ngơi cầu xin cho được “mưa thuận gió hòa”. Và thiên nhiên chuẩn bị cho mùa màng, nhưng Đấng Tạo Hóa hoạt động qua các yếu tố đó mà người ta vô thức…Tin mừng nói: “Nước Thiên Chúa giống như người gieo hạt giống xuống đất. Đêm hay ngày người ấy có ngủ hay thức, hạt giống vẫn nảy mầm và mọc lên, bằng cách nào thì người ấy không biết”. Đây là một trong những dụ ngôn Chúa Giêsu dùng để ám chỉ Nước Thiên Chúa. Đúng thế, mọi sự xẩy ra như thể không có ai chăm sóc cho hạt giống Nước Trời đã gieo vào lòng đất, như thể bác nông dân không quan tâm đến hạt giống đã gieo.
Đây là một trong những dụ ngôn lạc quan nhất mà Thánh sử Mac-co là người duy nhất trong bốn thánh sử kể lại cho chúng ta. Thế giới hôm nay cũng như trong thời của Chúa Giêsu, các nhà khoa học đã đi một chặng đường dài trong việc phân tích các hiện tượng của sự sống, nhưng không ai biết chính xác sự sống là gì. Ngay sau khi một hạt giống được gieo vào lòng đất, cho dù người gieo có quan tâm hay không, hạt giống cứ nảy mầm và phát triển. Điều quan trọng nhất trong việc phát triển của hạt giống không phụ thuộc vào người gieo. Khi hạt giống được gieo vào lòng đất, một mối quan hệ năng động được thiết lập giữa hạt giống và đất. Nỗ lực của nông dân không còn cần thiết nữa.
Trong khi chờ đợi "thời gian thu hoạch", quá trình tăng trưởng cứ tiếp tục diễn ra. Trong thời gian này có thể chúng ta không thấy điều gì đang xảy ra, nhưng sự sống thực sự đang phát triển. Chính Chúa Giêsu, một nhà truyền giáo vĩ đại, hình như đã không thành công trong việc biến đổi những người đương thời của Ngài. Tuy nhiên, Ngài tin tưởng chắc chắn Ngài đã không tốn phí thời gian để loan truyền hạt giống hy vọng Nước Trời. Lịch sử đã chứng minh Ngài có lý...
Nước trời là ƠN CỨU ĐỘ Chúa Giêsu mang đến cho mọi người. Biết bao nghịch cảnh và khó khăn có thể chống lại Lời Chúa, nhưng Lời Chúa không bao giờ quay trở lại nguồn gốc mà không sinh hoa lợi. Như vậy, Lời Chúa đã gieo vào lòng chúng ta cũng như trên thế giới và không bao giờ quay trở lại. Chúng ta hãy tin tưởng vào Đấng Tạo Hóa, vì nước Thiên Chúa tự nó mang một nguyên lý phát triển, một sức mạnh kín đáo chờ đợi kết quả. Điều quan trọng đối với chúng ta, là tin tưởng vào Lời Chúa. Lời Chúa làm điều mà Lời Chúa nói!
Phải ưu tiên cho Lời Chúa lớn lên bằng cách lắng nghe và say mê lời Chúa. Thông thường, một Lời Chúa mà chúng ta lắng nghe nhiều lần có thể đánh động con tim chúng ta, khiến chúng ta can đảm thực hiện điều mà từ lâu chúng ta chậm trễ không làm.
Câu chuyện dụ ngôn hôm nay nhắc nhở chúng ta rằng khi sự sống đang diễn ra xung quanh, chúng ta phải học cách bình tĩnh. Bình tĩnh không có nghĩa là đến đâu thì đến, cứ ngủ một giấc cho ngon lành. Thánh Phaolô nói rằng thay vì tự xây dựng chính mình, người Ki-tô phải để cho mình được lớn lên nhờ ân sủng của Thiên Chúa. Ngài nói: “Tôi gieo, Apollo tưới nước, nhưng chính Thiên Chúa làm cho lớn lên”. Không ai có thể tự cứu độ bằng các công việc của riêng mình. Chính đức tin và ân sủng mới có thể mang ơn cứu độ cho chúng ta. Nhờ dụ ngôn này, chúng ta hiểu thêm rằng Tin mừng không phải chủ yếu là " bài học đạo đức ", nhưng quan trọng là " sự mặc khải " của Thiên Chúa, Đấng đã tạo dựng chúng ta và ban những luật lệ phát triển và tăng trưởng.
Trong một thế giới chúng ta đang sống, Tin mừng luôn có tính thời sự, hiện thực vừa tầm với người khiêm nhường, nhỏ bé, ít học và cả trẻ em. Người ta thường nói rằng Tin Mừng là khó…Tuy nhiên, cần phải thêm rằng hiệu quả của Lời Chúa chỉ có thể cho con người nhờ sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần, Đấng ban cho con người hiểu biết Tin Mừng vì Ngài là tác giả chính của Tin Mừng. Tin mừng vừa tầm với tất cả mọi người. Nhưng với sự trợ gíup của Chúa Thánh Thần, Tin Mừng sẵn sàng trả lời cho mọi yêu cầu của mỗi người chúng ta. Vì thế, chúng ta hãy xin Chúa Thánh Thần đến trợ giúp sự yếu đuối của chúng ta. Trước khi rời trái đất này, Chúa Giêsu hứa gửi Thánh Thần đến để nhắc lại tất cả những gì mà trước đây Ngài đã giảng dạy. Lời hứa này luôn hiện thực và có giá trị. Chỉ mình Chúa Thánh Thần sẽ linh hứng để chúng ta điều chỉnh cuộc sống sao cho phù hợp với tất cả những gì Tin mừng đã dạy chúng ta.
Lạy Chúa, là Cha rất tốt lành, chúng con chúc tụng Chúa vì Chúa đã gieo Nước Trời vào sâu thẳm trái tim chúng con và chúng con sẽ thấy sự lan rộng của Nước đó trong cõi vĩnh hằng.
Xin ban ơn cho chúng con đừng nản lòng trước những thử thách và nghịch cảnh. Chúng con luôn ý thức rằng điều mà Chúa gieo trong chúng con và trong Giáo Hội của Chúa, điều mà chúng con lãnh nhận nhờ đức tin, sẽ không ngừng lớn lên và phát triển.
Xin hãy làm cho chúng con biết nhẫn nại và hy vọng vào Chúa để chúng con biết đợi chờ giờ mà mảnh đất chúng con sinh hoa trái và uy quyền của Chúa được tỏ ra trong sự yếu đuối của chúng con!
Xin đừng để chúng con làm chết ngạt hạt giống Lời Chúa do sự nghi ngờ, lười biếng hoặc thiếu nhẫn nại của chúng con…
Xin ban cho chúng con ơn biết phó thác cho chính Chúa khởi xướng làm việc trên mảnh đất của chúng con sinh được nhiều hoa trái trong tình Yêu của Chúa. Amen!
Linh mục Gioan Đặng Văn Nghĩa
=====================
Suy niệm 2
Mc 4, 26 – 34
Bài Tin Mừng hôm nay cho chúng ta hai dụ ngôn. Hai dụ ngôn là hai bài học.
Dụ ngôn hạt lúa mì. Với dụ ngôn này, Chúa dạy chúng ta quan sát ông nông dân. Ông gieo hạt lúa xuống ruộng, rồi ông bỏ đó, đi về làm nhiều việc khác. Cuối cùng là đi ngủ. Trong khi đó là hạt lúa nảy mộng, mọc lên thành cây mạ, rồi thành cây lúa. Cây lúa trổ bông. Bông lúa chín vàng. Ông nông dân đem liềm ra hái lúa về, chất vào kho, rồi cứ từ từ lấy lúa đem xay thành gạo, nấu thành cơm. Ông ngồi ăn vui vẻ mà quên rằng một hạt lúa biến thành hằng trăm hạt cơm mà ông đang nhai là do mưa nắng của Chúa. Không mưa, thì hạt lúa sẽ không mục nát, không nảy mộng và không mọc lên. Không có nắng của Chúa, thì cây lúa không có lá xanh. Không có lá xanh thì cây lúa sẽ chết khô. Lúa chết khô, thì ông nông dân chết đói.
Dụ ngôn đơn sơ mộc mạc này dạy ta rằng Giáo hội của Chúa được sinh thành và phát triển thì phải có sự đóng góp của bàn tay nhân loại. Còn Giáo hội tồn tại và lớn lên là do hồng ân của Chúa Thánh Thần. Chúa làm mọi sự, nhưng Ngài vẫn cần bàn tay cộng tác của chúng ta. Dù chúng ta chỉ như con số không, nhưng con số không vẫn phải có để Chúa biến nó thành con số 10 và con số 100, 1000,…. Dù ta tầm thường, ta cứ dấn thân vào sự nghiệp loan báo Tin Mừng. Ta tầm thường thì khởi đầu cũng tầm thường. Còn việc hoàn thành lớn lao là của Chúa. Ông nông dân cứ ngủ, cứ ngồi ở nhà. Hạt lúa ngoài đồng nó cứ mọc lên và cứ trổ bông.
Dụ ngôn hạt cải. Hạt cải nhỏ tí xíu được gieo xuống đất. Nó như biến mất trong vườn. Ai ngờ nó cứ từ từ lớn lên. Ban đầu chỉ có hai lá nhỏ bằng hai vỉ ốc. Lá nhỏ rồi từ từ lớn lên như những cái quạt giấy. Sau đó nó trổ ngồng. Ngồng cao hơn một mét. Hoa nở chi chít.
Có những con chim nhỏ trốn diều hâu, chui vào gốc cải để bảo tồn mạng sống. Hằng chục con bướm, con ong từ xa cả hai cây số bay về đây để lấy phấn và hút mật.
Còn người ta thì hái lá cải về làm đẹp và ngon cho bữa cơm gia đình. Lá cải xanh có vị cay cay làm say lòng bố già. Bà nội trợ còn dùng lá cải để nấu canh, làm dưa. Dưa cải vừa ăn trực tiếp, vừa nấu canh chua và kho cá , kho thịt. Hạt cải bé tí như thế, mà không ngờ nó lại trở nên hữu ích quá như vậy.
Ý Chúa muốn dạy rằng đạo của Chúa từ rất nhỏ mà phát triển thành rất lớn. Khởi đầu chỉ có 12 Tông đồ tầm thường, thế mà hôm nay đã trở thành một Giáo hội lớn nhất trên thế giới. Dân số thế giới có hơn 7 tỉ, thì số ki tô hữu đã có trên 2,3 tỉ. Bây giờ không còn một nước nào trên thế giới mà chưa có nhà thờ, chưa có linh mục.
Giáo hội không những đã từ nhỏ mà lớn lên, nó còn có ích cho đời như cây cải. Nhờ đạo của Chúa mà thế giới có 7 nốt nhạc: đô, rê, mi, fa, sol, la, si. Nhờ đạo của Chúa mà nước Việt Nam có chữ quốc ngữ như hôm nay. Mong rằng Giáo hội mãi mãi là thế.
Linh mục Piô Ngô Phúc Hậu
===================
Suy niệm 3
Chúa quyền năng Sự lớn mạnh của Nước Chúa (Mc 4, 26-34) Bước vào Chúa nhật XI thường niên B, trung tuần tháng Sáu, tháng kính Trái Tim Cực Thánh Chúa Giêsu. Lời Chúa mời gọi chúng ta sống tin tưởng và hy vọng vào Chúa là Thiên Chúa tình yêu. Quả thật, tình yêu của Thiên Chúa đối với mỗi người chúng ta là vô cùng vô tận, một tình yêu nhập thể (gieo vào thế gian) đối thoại với con người, khiến con người tin tưởng, kiên nhẫn, phó thác trong tin yêu vào Chúa là nguyên nhân mọi sự (x. Ed 17, 22 - 24), là sức mạnh, là niềm vui và động lực giúp con người đón nhận ơn Chúa, và sống tốt ơn gọi của mình.
Hình ảnh Thiên Chúa chặt ngọn cao nhất cây hương nam, mang trồng nơi đỉnh núi Israel sẽ đâm chồi nẩy lộc (x.17,22-24) là dấu chỉ sự phát triển thịnh vượng của dân Chúa. Thiên Chúa, Đấng làm ra trời và đất cùng mọi thứ trong đó, Đấng làm cho từ không ra có, há chẳng làm ra cái từ đang có trở nên tốt hơn sao? Việc Chúa làm cho cây khô trở nên xanh tươi, cho dù Dân có phạm tội, ngoảnh mặt làm ngơ chạy theo bụt thần, Thiên Chúa luôn đợi chờ và tạo mọi cơ hội cho dân trở về. Chúa sẽ không quên dân mà Chúa đã chọn, càng không bỏ mặc họ trong lưu đầy khổ nạn. Chúa sẽ sớm cứu họ và đưa về quê hương xứ sở (x. Ed 17, 22 - 24).
Với những hình ảnh nông nghiệp bình dân như: hạt giống tự mình mọc lên và hạt cải (x. Mc 4, 26 - 34). Chúa Giêsu hé mở cho chúng ta viễn tượng mầu nhiệm Nước Chúa, và mời gọi chúng ta hy vọng, tin tưởng vào quyền năng của Chúa. “Hạt giống mọc lên một mình…Người đó ngủ hay thức, đêm hay ngày, hạt giống cứ đâm mầm và mọc lên thế nào người đó cũng không hay biết nữa” (Mc 4, 27). Thực tế, hạt giống không thể tự mình mọc lên được, dù con người có tạo ra hạt giống và tác động thế nào đi nữa.
Chuyện kể rằng, có một nhà nghiên cứu giống cây trồng, sau khi đã nhân giống, tạo ghép giống, ông cầm một hạt lúa giống trong tay suy nghĩ và nói : “Tôi biết chính xác các chất cấu tạo nên hạt lúa này. Nó gồm có Nitro, hidro, và carbon. Tôi biết rõ tỉ lệ từng đơn chất trong nó. Tôi có thể làm ra một hạt lúa giống y như thế. Nhưng khi tôi gieo hạt lúa do tôi làm ra xuống đất tôi không thấy nó nảy mầm và mọc lên thành cây! Sau một thời gian các chất cấu tạo nên nó bị tan biến hết. Ngược lại khi tôi gieo một hạt lúa tự nhiên xuống đất, với thời gian, hạt giống nẩy mầm và mọc lên thành một cây lúa khoẻ mạnh. Tại sao vậy? Tai sao hạt giống do tôi tạo ra đã không mang lại kết quả, còn hạt giống tự nhiên thì lại có kết quả thật kỳ diệu: Nó nảy mầm thành cây lúa rồi lớn lên, tới mùa phát sinh ra bông lúa nặng trĩu các hạt lúa! Tại sao vậy?” Thánh Phaolô trả lời cho chúng ta : “Tôi trồng, Apôllô tưới, những chính Thiên Chúa cho mọc lên” (1Cr 3, 6). Đó là mầu nhiệm của Nước Thiên Chúa. Một khi hạt giống được gieo vào lòng đất, tương quan giữa hạt giống với đất được thiết lập, một chuỗi những kỳ bí vô hình tuyệt vời bắt đầu, quá trình nảy mầm sẽ xảy ra, nếu như nhà nông không để ý đến những gì ông đã gieo và không ai quan tâm đến hạt rơi vào thửa đất.
Nước Thiên Chúa được sánh ví như hạt cải với sự lớn mạnh của nó... Hạt giống Giêsu được Chúa Cha gieo vào đất nhân loại. Mưa hay nắng… chắc chắn mỗi ngày một triển nở, sự yếu đuối của chúng ta là sức mạnh của hạt giống. Liệu tất cả những người tin có hy vọng và trông đợi như thế không ?
Chúa Giêsu là Nước Trời. Theo cách thức của người gieo hạt, Người đã được gieo vào lòng đất thân xác Đức Trinh Nữ Maria. Người đã lớn lên và trở thành cây che phủ toàn thể địa cầu. Sau khi bị nghiền nát bởi cuộc Thương Khó, trái cây sinh ra đủ mọi hương vị, phù hợp với khẩu vị và tỏa hương thơm cho mọi vật sống chạm đến Người. Vì, như hạt cải, sự kiện hạt bị nứt ra chính là sức mạnh của nó. Tương tự như vậy, Chúa Kitô muốn thân mình được nghiền tán ra để sức quyền năng Thiên Chúa được thể hiện trong thế gian... Chúa là vua, là nguyên lý của mọi quyền hành là Nước Trời, vì tất cả vinh quang của nước ấy ở nơi Chúa.
Có những lúc Giáo Hội bị bắt bớ, Thánh Giá bị triệt hạ, nhà thờ bị phá hủy, người tin chỉ còn là số ít, người ta lo lắng cho số phận của Nước Chúa. Đức nguyên giáo hoàng Benedicto XVI nói: “Con thuyền Giáo Hội không phải của tôi, không phải của chúng ta, nhưng là của Chúa, và Người không để cho nó chìm. Chính Chúa điều khiển nó” (Buổi tiếp kiến chung thứ tư 27 tháng 2 năm 2013).
Romano Guardini viết : “Giáo Hội không phải là cơ cấu được nghĩ ra và xây dựng trên bàn giấy, nhưng là một thực tại sống động. Như mọi sinh vật, Giáo Hội sống dọc dài thời gian trở thành, bằng cách biến đổi mình, tuy trong bản chất nó vẫn luôn luôn là thế. Trái tim của Giáo Hội là Chúa Kitô”. Vì thế, Giáo Hội sống, lớn lên, và thức tỉnh trong tâm hồn các tín hữu. Như Ðức Trinh Nữ Maria, họ tiếp nhận Lời Chúa và thụ thai bởi công trình của Chúa Thánh Thần. Họ hiến dâng cho TChúa thân xác mình, trong sự nghèo nàn và khiêm tốn họ trở thành những người có khả năng sinh ra Chúa Kitô mỗi ngày trong thế gian. Qua Giáo Hội, mầu nhiệm Nhập Thể luôn mãi hiện diện. Chúa Kitô tiếp tục bước đi qua thời gian trong tất cả mọi nơi. Đó là mầu nhiệm lớn mạnh của Nước Chúa.
Lạy Chúa, xin cho con biết tin tưởng, cậy trông, phó thác vào Chúa. Amen.
Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ
==================
Suy niệm 4 MƯU SỰ TẠI NHÂN, THÀNH SỰ TẠI THIÊN
Trong cuộc sống đời thường, mỗi người chúng ta đều cảm nghiệm rất nhiều bất ngờ, những điều chẳng trông mong nhưng lại xảy ra, nhiều sự ngạc nhiên thú vị cũng như gây sửng sờ, chơi vơi như lạc vào chốn rừng hoang. Đôi lúc, chỉ là những việc nhỏ nhặt, vặt vảnh nhưng lại mang lại ấn tượng sâu sắc, không phai nhoà trong tâm trí chúng ta. Lời Chúa hôm nay minh chứng cho điều đó, đặc biệt trong cuộc sống đức tin và gương làm chứng tá yêu thương giữa đời của mỗi người.
Có ai ngờ đâu, hạt giống yêu thương mà Thiên Chúa gieo nơi cung lòng sâu thẳm của chúng ta cứ âm thầm trổ bông, kết trái cho dù chúng ta tỉnh thức hay mơ ngủ, dù chúng ta bình thản hay lo toan, dù chúng ta quan tâm đúng mức hay đôi khi chẳng màn tới việc hạt giống đó có đâm chồi, nảy lộc hay chăng!!!
Có ai ngờ đâu, hạt giống bình an, thư thái, hân hoan, quảng đại, nhẫn nại, quân bình, v.v... chỉ bé nhỏ như hạt cải, nhưng khi được chính bàn tay Chúa gieo vào tâm hồn ta, nó lại được trở nên cây rau lớn nhất, sinh sôi nẩy nở, đến nỗi chim trời có thể tới núp bóng. (x. Mc 4, 31-32)
Hẳn không sai, câu thành ngữ ‘Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên’ lại xác thực đến như vậy. Nếu chúng ta đặt câu nói này vào đời sống đức tin, ân sủng của mỗi người chúng ta, thiết nghĩ: những việc làm nhỏ bé, cử chỉ đơn thành, gương sáng bình dị qua những sinh hoạt hằng ngày thì ít nhiều chúng ta cũng cảm thấy sự quan phòng kỳ diệu của đôi bàn tay ưu ái của Thiên Chúa. Những ai đã nỗ lực, cộng tác với ơn Chúa, và sống tín thác vào Người, thì cho dù việc nhỏ nhặt, không đáng hay việc quá tầm tay chúng ta cũng sẽ được hoàn tất vượt trên cả lòng mong đợi của ta, vì ‘Chúa đã phán và sẽ hành động’ (x. Ed 17, 24). Sống trên xứ sở Phù Tang này, chắc hẳn quý ông bà, anh chị em cảm nhận rất nhiều về hiện trạng ‘số người già gia tăng, số trẻ em giảm sút’, và kéo theo kết quả là nhà hưu dưỡng, bệnh viện mọc lên như nấm, nhà trẻ thì đóng cửa dần dần. Đó là về phương diện xã hội, còn đối với Giáo hội Công giáo tại Nhật Bảnthì sao? Quý ông bà đã định cư lâu năm hiểu rõ hơn ai hết (mặc định nếu quý ông bà tham dự Thánh lễ thường xuyên, tham gia các sinh hoạt tại giáo xứ)! Hiện trạng là thế, hơi tăm tối, chẳng sáng sủa là bao, nhưng thiết nghĩ nếu gương sáng làm chứng tá qua những việc tuy nhỏ, hy sinh không mệt mỏi, nỗ lực đóng góp âm thầm cho xã hội bằng khả năng của mỗi người, thì trong Thánh ý Chúa sẽ có bất ngờ này cho đến bất ngờ khác chăng?! Hơn thế, sự nhiệt tâm tuy đơn sơ, không ‘khua chiêng, đánh trống’ như hạt giống âm thầm được gieo vào lòng tha nhân, chắc hẳn sẽ được trổ sinh tươi tốt trong chương trình kỳ diệu của Thiên Chúa. Tại điểm này, chúng ta cần xác tín hơn qua lời của Thánh Phao-lô gửi cho giáo đoàn Cô-rin-tô ‘...chúng ta sống nhờ đức tin, chứ không phải vì thấy bằng đôi mắt của thân xác này’ (x. 2Cr 5, 7). Chúng ta tiến bước trên con đường làm chứng tá cho tình yêu nhờ vào niềm cậy trông, tín thác chân thành vào Đấng đã đặt niềm tin trước tiên nơi chúng ta, và rồi Người mời gọi chúng ta đáp trả, bước theo chân Người qua mọi nẻo đường, đến những vùng ven, những nơi chân chúng ta chẳng muốn bước tới, đến với hết mọi người anh chị em cho dù quen biết hay chưa hề quen, cho dù có thiện cảm hay không, dễ nói chuyện hay khó ưa, v.v... Là con người, chúng ta vốn dĩ tìm những gì thuận lợi, dễ dàng, tiện lợi, mà quên đi ‘con đường hẹp dẫn đến sự sống’ (x. Mt 7, 14). Chúng ta dễ dàng bỏ qua những việc nhỏ, mà cứ chạy theo những gì vĩ đại, cao siêu. Một mặt, chúng ta có xu hướng đánh mất những ấn tượng tuy đơn sơ, nhưng khắc ghi trong tâm khảm; mặc khác, chúng ta cố nắm giữ những gì to tác, khuếch trương bên ngoài chóng qua...Cứ hồi tưởng, nghiệm lại cuộc đời, cử chỉ, hành động, lối sống, cung cách, cách đối nhân xử thế của mỗi chúng ta, ông bà, anh chị em và tôi nữa sẽ nhận ra bàn tay chở che, quan phòng, đầy yêu thương của Thiên Chúa trong từng phút giây, từng hơi thở, mọi sinh hoạt dù bình dị, giản đơn, từng ngôn từ, cử chỉ bác ái, cảm thông với anh chị em, đặc biệt những ai cô thế, cô thân...như những hạt giống nhỏ nhoi, nhưng sẽ được vươn mình trổ sinh hoa quả tốt tươi nhờ đôi bàn tay điêu luyện của chủ vườn Giê-su.
Lạy Chúa, biết bao lần chúng con bỏ qua những gì chúng con cho là nhỏ nhặt, không đáng; nhưng đối với Chúa, tất cả đều có giá trị vô song. Xin cho chúng con luôn biết đón nhận ý Chúa, và tín thác hoàn toàn vào chương trình tuyệt vời của Người, để rồi mọi việc chúng con làm, mọi lời chúng con nói, mọi tư tưởng chúng con nghĩ suy dù có bé nhỏ đến đâu đi chăng nữa, cũng được sinh hoa kết trái nhờ vào ân sủng của Người. Amen.
Lm. Xuân Hy Vọng
=================
Suy niệm 5 TÍN THÁC VÀO THIÊN CHÚA QUAN PHÒNG
Kính thưa quý ông bà và anh chị em!
Theo lịch phụng vụ, sau lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, chúng ta cùng với Mẹ Giáo Hội bước vào Mùa Thường Niên. Mùa phụng vụ mà dường như chúng ta xem ra rất bình thường, đôi khi không chú trọng cho lắm. Tuy nhiên, qua mùa Thường niên, Giáo hội mời gọi mỗi người, mỗi gia đình, mỗi cộng đoàn hãy theo sát chân Chúa Giê-su. Qua lời giáo huấn, giảng dạy, cách đối nhân xử thế của Ngài với hết mọi người để rồi chúng ta học biết và trở nên giống Ngài hơn.
Trở lại những năm về trước, khi con có dịp tiếp xúc với các cha truyền giáo dòng Chúa Cứu Độ (dòng Salvatoria) và được nghe các ngài chuyện trò, hàn thuyên về công cuộc truyền giáo của dòng đặc biệt tại Phi Châu và Á Châu. Thật sự con thán phục, cảm kích các ngài bởi những nỗ lực lớn lao cho công cuộc rao truyền Phúc Âm. Hơn nữa, con nhận ra được bàn tay quyền năng của Chúa làm việc không ngừng nghỉ qua sự yếu đuối, bất xứng và bất toàn của các cha dòng Salvatoria. Ngược lại, con cũng được nghe những lời tâm sự, thổn thức từ đáy lòng của các cha, những trăn trở, bâng khuâng, thậm chí lo lắng cho sứ vụ rao truyền Nước Trời như “Tại sao người người lại không tin nhận Thiên Chúa và không ước ao được vào Nước Trời? Chẳng phải Thiên Chúa vẫn đang hướng dẫn, hoạt động cùng chúng ta đấy sao?
Các bài đọc hôm nay cho ta thấy sự quan phòng của Thiên Chúa đối với công cuộc Ngài tác thành, đối với việc loan truyền Nước Trời. Mặc dù, Ngài mời gọi con người cộng tác với Ngài qua khối óc sáng tạo, qua đôi tay khéo léo, qua con tim chan chứa lòng nhân hậu yêu thương, và qua hết thảy tâm trí con người hầu giới thiệu khuôn mặt yêu thương và chương trình cứu độ của Thiên Chúa dành cho nhân loại; nhưng Thiên Chúa vẫn là người tiên phong và hướng dẫn mọi công việc của chúng ta. Thật thế, Thiên Chúa đã dùng lời tiên tri của ngôn sứ Ê-dê-ki-en trong bài đọc I phán cùng dân Is-ra-en rằng: “Từ ngọn cây, từ ngọn hương bá cao chót vót, Ta sẽ lấy, sẽ ngắt một chồi non; chính Ta sẽ trồng nó trên đỉnh núi cao vời vợi… Nó sẽ trổ cành và kết trái thành một cây hương bá huy hoàng. Muông chim đến nương mình bên nó, và ẩn thân dưới bóng lá cành…” (Ed 17, 22-23) Trong thời tiên tri Ê-dê-ki-en, dân Is-ra-en bị lưu đày tại Ba-by-lon. Dù bị tủi nhục với kiếp nô lệ và bị kềm kẹp bởi muôn vàn áp bức của đế chế Ba-by-lon (Ba-by-lon được ví như con chim phượng hoàng oai phong, hung tàn trong sách Ê-dê-ki-en), nhưng không nhờ ai khác, chính bàn tay Thiên Chúa đã giải thoát, gầy dựng và tạo tác dân Is-ra-en thành một cây hương bá huy hoàng. Để rồi muôn dân, muôn nước đến nương mình và ẩn thân dưới Đấng Cứu Độ xuất thân từ dòng dõi Đa-vít, thuộc dân tộc Is-ra-en.
Công cuộc tay Chúa thực hiện lạ lắm thay! Như dụ ngôn trong bài Tin Mừng hôm nay chúng ta nghe: Nước Trời tựa như hạt giống rơi xuống đất tự mọc lên. Và Nước Thiên Chúa còn được ví tựa hạt cải nhỏ bé, nhưng với đôi tay chăm sóc thầm lặng của Đấng cho mưa xuống, cho nắng lên, cho vầng đông xoay vòng tuần tự, hạt cải bé nhỏ trổ bông, cành lá xum xuê, chim trời rủ nhau đến núp dưới bóng lá cành xanh tươi, đùa vui hót líu lo, tận hưởng cuộc sống bình yên vô sự. Anh chị em rất thân mến, qua hai dụ ngôn trên, chúng ta thử nhìn lại dòng lịch sử Giáo Hội từ thưở sơ khai, trải qua biết bao nhiêu thăng trầm, sóng gió, hết bị cấm cách, lại bị bách hại, nhưng chúng ta luôn xác tín một điều: Giáo hội ngày càng trưởng thành, lớn lên trong đức tin, đức cậy và lòng mến. Dù gặp biết bao thử thách của thời đại, lòng ương hèn, chai đá của con người, nhưng công cuộc rao truyền Nước Chúa vẫn thẳng cánh buồm lướt sóng dưới sự hướng dẫn tài tình của ‘vị thuyền trưởng’ Giê-su Ki-tô qua sứ vụ của Mẹ Giáo Hội. Cũng vậy, chúng ta hãy nhìn lại toàn cảnh bức tranh của cuộc đời mình, ngẫm đi ngẫm lại mà xem, một điều mà chúng ta không thể phủ nhận, đó là: sự yêu thương quan phòng của Thiên Chúa trong đời ta. Ngài hằng đồng hành, chở che, yên ủi ta qua mọi nẻo đường dù chông gai, dù bão táp phong ba dường như vây kín lòng ta, nhưng từ sâu thẳm tâm hồn, tiếng Ngài luôn văng vẳng: “Đừng sợ hãi, Ta luôn ở cùng các con”. Chính vì vậy, thánh Phao-lô trong thư thứ 2 gửi giáo đoàn Cô-rin-tô, Ngài nhắn nhủ mỗi người trong chúng ta rằng: “…dù còn ở trong thân xác hoặc đã lìa bỏ thân xác, chúng tôi chỉ có một tham vọng là làm đẹp lòng Người” (2Cr 6, 9). Được nhận biết, tin vào Thiên Chúa đã là một hồng ân lớn lao; hơn nữa, mỗi người chúng ta còn được Chúa mời gọi sống hiệp thông với Ngài, cộng tác với Ngài trong công cuộc loan báo Tin Mừng Nước Trời, giới thiệu Thiên Chúa yêu thương nhân loại không bờ bến, và sống chứng tá cho tình yêu ấy hằng ngày, khi vui cũng như lúc buồn, khi thành đạt cũng như thất bại, khi được tán thưởng cũng như khi bị hiểu lầm, v.v… Nói tóm lại, chúng ta học nơi thánh Phao-lô: làm chứng cho Đức Giê-su Ki-tô trong mọi hoàn cảnh, mọi giây phút, và dù làm gì đi chăng nữa, chúng ta cũng chỉ có một tham vọng sống đẹp lòng Thiên Chúa mà thôi.
Nguyện xin Chúa Giê-su Ki-tô, vị thuyền trưởng tài tình của con thuyền cuộc đời chúng ta, chúc lành cho những nỗ lực nho nhỏ của mỗi người chúng ta. Xin Ngài luôn hướng dẫn mọi hành vi, tư tưởng, lời nói của chúng ta để chúng ta luôn tin tưởng vào sự quan phòng yêu thương của Ngài, đồng thời biết cộng tác vào công cuộc rao truyền Nước Chúa qua gương sống chứng tá hằng ngày. Amen!
Lm. Xuân Hy Vọng
================
Suy niệm 6
Sức Mạnh Của Nước Trời Ed 17,22-24; 2Cr 5,6-10; Mc 4,26-34
Đức Giêsu ví Nước Thiên Chúa như chuyện người gieo hạt giống xuống đất. Dù là đêm hay ngày, người ấy ngủ hay thức thì hạt giống vẫn âm thầm mọc lên, bằng cách nào người ấy không hay. Đất tự động sinh ra hoa màu: cây lúa mọc lên, trổ đòng đòng, sau cùng thành bông lúa nặng trĩu hạt.
“Rồi Người lại nói: “Chúng ta ví Nước Thiên Chúa với cái gì đây? Lấy dụ ngôn nào mà hình dung được? Nước Thiên Chúa giống như hạt cải, lúc gieo xuống đất, nó là loại nhỏ nhất trên mặt đất. Nhưng khi gieo rồi, thì nó mọc lên lớn hơn mọi thứ rau cỏ, cành lá xum xuê, đến nỗi chim trời có thể làm tổ dưới bóng”. (Mc 4,30-32).
Hạt cải nhỏ xíu mọc lên từ lòng đất, phát triển thành cây lớn (cải bên tây), đến nỗi chim trời có thể “làm nhà” trên cành, mức độ “lớn lên” không tưởng! Đức Giêsu ví sự phát triển của Nước Trời cũng giống như vậy, bắt đầu từ nhỏ bé âm thầm mà mạnh mẽ phi thường!
Đức Giêsu tựa như Hạt Cải đầu tiên được gieo vào trần thế, chỉ nho nhỏ, be bé, lặng lẽ trong nhà Nazaret nào ai biết tới? Tới khi “bùng lên” trong công cuộc rao giảng người ta vẫn như không thấy, nên thỉnh thoảng Ngài lại nhắc: “Nước Thiên Chúa đang ở giữa các ông”. Một chìa khóa nhỏ bé có thể mở toang cánh cửa lớn để bước vào ngôi nhà rộng thênh thang. Trong con người rất “người” của Đức Giêsu chứa đựng sức sống của Thiên Chúa. Sức sống này phát triển sang 12 tông đồ ít học, rồi vài trăm tín hữu đầu tiên, sau ngày lễ Hiện Xuống cả ba ngàn người… và ngày nay Giáo Hội rộng khắp năm châu bốn bể. Ngôn sứ Êdêkien cũng mô tả sức sống ấy trong bài đọc I: “Ta sẽ lấy, sẽ ngắt một chồi non; chính Ta sẽ trồng nó trên đỉnh núi cao vòi vọi... Nó sẽ trổ cành và kết trái thành một cây hương bá huy hoàng. Muông chim đến nương mình bên nó và ẩn thân dưới bóng lá cành”. (Ed 17,22-23).
Trong đời sống người Kitô hữu, ơn thánh từ các Bí tích chúng con được lãnh nhận nơi Chúa, tỏa lan êm dịu từ bên trong, làm thay đổi lòng người và tràn sang những người chúng con gặp gỡ, tiếp xúc. Những việc làm mưu cầu lợi ích cho anh em, những nghĩa cử nhân ái với mọi người, quảng đại hy sinh, sẵn sàng nhận thua thiệt mất mát sẽ làm thế giới này lan tỏa men nồng yêu thương. Mọi người sẽ được tận hưởng Nước Trời ngay giây phút hiện tại.
Ngày nay qua Bí tích Rửa Tội, mỗi người Kitô hữu chúng con như một hạt cải nhỏ mà chứa đựng sự sống của Con Thiên Chúa. Giữa cuộc đời nhỏ bé âm thầm này, nếu chúng con luôn sống mối tương quan đậm đà với Chúa, luôn ở lại trong Chúa, chúng con sẽ sống bằng chính sức sống của Chúa. Nhờ Sức Sống dịu êm nhưng mạnh mẽ từ bên trong này, nơi con người trần tục phàm hèn, chúng con sẽ lớn “bùng lên” thành cây cải xanh tươi trong lòng Hội Thánh, bởi vì “Tôi trồng, Apôlô tưới, còn Thiên Chúa cho mọc lên”(1Cr 3, 6).
Én Nhỏ