Thứ sáu, 27/12/2024

Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật XIII Thường Niên B

Cập nhật lúc 08:50 24/06/2021
Suy niệm 1
Tác động của ân sủng
Mc 5, 21-43
Khoảng trống
Cuộc sống chúng ta trong ngày và trong đời có những việc lớn nhỏ: gia đình, bạn bè, kỳ nghỉ, bận rộn, lo lắng, vui vẻ hoặc buồn bã. Tất cả những khả năng và giới hạn rồi cũng trôi qua. Đó là cuộc sống mà chúng ta phải chịu hoặc yêu thích tùy theo hoàn cảnh. Mọi thứ đều diễn ra, có thể tốt nhất, và cũng có thể xấu nhất. Xấu nhất có thẻ là bệnh tật, thất nghiệp, thất bại về một tình yêu nào đó, một sự kiện không lường trước được. Đó là một khoảng trống
Khi đó, chúng ta thất vọng tìm kiếm một lối thoát, để tìm ra những cột mốc, những niềm vui thông thường. Chúng ta thất vọng tìm cách trở lại cuộc sống nhưng không có gì đảm bảo. Tin mừng hôm nay mô tả:
- Một người phụ nữ, bị bệnh đã mười hai năm , một người phụ nữ đã cạn kiệt tất cả các nguồn lực và thuốc men: Bà đã chịu cực khổ, tìm thầy chạy thuốc tiêu hết tiền của mà không thuyên giảm, trái lại bệnh càng tệ hơn.
- Một người phụ nữ bị xã hội tẩy chay vì bệnh tật xuất huyết,  vì thế không người nào được chạm vào phụ nữ đó.
- Một người phụ nữ ở trung tâm khoảng trống, không có dự án, không có tương lai.
- Một người phụ nữ ở vực sâu thẳm!
Đức tin
Và lúc đó Chúa Giêsu đang ở bờ biển.
- Chúa Giêsu ở đó nhưng rất xa, lạc trong đám đông, đám đông dân chúng tụ họp chung quanh Ngài. 
- Chúa Giêsu ở đó nhưng người phụ nữ cũng không phân biệt được Ngài vì đám đông dân chúng dày đặc bao quanh. 
- Chúa Giêsu ở đó nhưng người phụ nữ không nhìn thấy Ngài. Ngài như bị lạc mất, nhưng Ngài vẫn ở đó!
Khi đó, từ sâu thẳm khoảng trống, rất cần một lời nói... Nhưng khó có một lời nói phát ra từ người phụ nữ này. Người phụ nữ này không nói với bất cứ ai... Bà tự nói với chính mình, bà tự nhủ từ đáy vực thẳm, từ căn bản vết thương bệnh tật, một tiếng rì rầm bên trong phát ra từ người phụ nữ này một chút gì đó hy vọng vào Chúa Giêsu: “Miễn sao tôi chạm tới áo Ngài thì tôi sẽ được chữa lành”.
Và khoảng trống thực sự này giống như cái chết, lúc đó trở thành không gian của một khao khát to lớn, một khao khát làm tất cả những gì mình có thể. Người phụ nữ cố gắng len lỏi áp sát Chúa Giêsu khi dám đông vây quanh Chúa như một bức tường ngăn cách. Một khao khát được sống vượt qua cái chết mang theo thân xác bệnh hoạn này, vì bà tự nhủ: Miễn sao tôi chạm tới áo Ngài thì tôi sẽ được chữa lành”.
Không còn gì giữ được nữa và đó là sự sinh ra của đức tin. Sự sinh ra của đức tin này thu hút sức mạnh của Thiên Chúa đối với người không còn chịu đựng được nữa. Một sức mạnh xuất phát từ Chúa Giêsu, Ngài nói: “Này bà, đừng sợ, đức tin của bà đã chữa bà, hãy về bình an và được khỏi bệnh”.
Cuộc gọi
Khi chúng ta bị tước bỏ mọi thứ vì bệnh tật, thất bại hay điều gì khác, khi chúng ta nghèo khổ và không có tương lai, thì sự trống rỗng này có thể trở thành thời điểm của một khát vọng to lớn, thời điểm mà ước muốn của chúng ta chạm đến và gặp gỡ Thiên Chúa, thời điểm đức tin của chúng ta sống động.
- Khi không còn gì để mất, vẫn còn một tiếng tự nhủ hoặc kêu lên ước muốn được sống, vẫn có thể gọi Thiên Chúa.
- Vẫn có thể gọi Thiên Chúa, ngay cả khi không nhìn thấy Ngài, ngay cả khi Ngài có vẻ ở ngoài tầm với chúng ta. 
- Khi đó, nhờ lời của Chúa Giêsu, chúng ta tin rằng, cuộc sống sẽ được phục hồi cho chúng ta bởi vì mong muốn của chúng ta bắt gặp mong muốn của Thiên Chúa. Cùng với chúng ta, và còn hơn chúng ta, Thiên Chúa muốn chúng ta được sống, muốn chúng ta luôn vui mừng!
Sau khi thực hiện chặng đường này, xem ra có thể sẽ không có gì thay đổi. Chúng ta sẽ có thể bắt đầu lại cuộc sống rất đơn giản của mình với niềm vui và nỗi đau, khả năng và giới hạn. Nhưng trong thực tế, không có gì sẽ như trước đây. Vì chúng ta sẽ có kinh nghiệm rằng trong sâu thẳm của sự nghèo khổ cùng cực, chúng ta bị thôi thúc bởi một cuộc gọi đi trước chúng ta, chạm vào chúng ta và vượt qua chúng ta. Chúng ta được tác động bởi sức mạnh của Thiên Chúa đến với sâu thẳm yếu đuối của chúng ta.
Khi đó, chúng ta sẽ có thể nhận ra rằng tất cả nỗi buồn là lúc phát ra một lời kêu cứu thu hút sức mạnh của Thiên Chúa. Tất cả niềm vui, tất cả các cuộc gặp gỡ, là dấu chỉ quà tặng không thể mai một được, làm cho chúng ta sống. Chúng ta có thể sống một cuộc sống rất đơn giản trong hành động của ân sủng.
Linh mục Gioan Đặng Văn Nghĩa
=================
Suy niệm 2
 Mc 5, 21 – 43
 
Bài Tin Mừng hôm nay kể cho chúng ta hai câu chuyện. Chuyện một là Chúa cho một người phụ nữ bị băng huyết mười hai năm được khỏi trong một tích tắc. Chuyện hai là Chúa cho con bé mười hai tuổi đã chết rồi, mà được sống lại một cách thật giản dị. Hai phép lạ này là chuyện lớn lao. Nhưng có thể nói là chúng ta đều thuộc lòng hết rồi. Có một điều ít ai để ý, đó là chuyện bên lề của hai phép lạ này, chúng ta cần suy niệm để thấy, để cảm nghiệm được cả tâm lẫn tính của Chúa. Chính cái ngoài lề lại làm cho chúng ta yêu Chúa nhiều hơn và cảm thấy Chúa gần gũi hơn.
Một người phụ nữ bị băng huyết mười hai năm. Ngoài chuyện tiền mất tật mang, bà con xấu hổ quá đỗi. Chuyện tế nhị của phụ nữ. Vì thế là không dám đối diện kể cho Chúa nghe nỗi khổ nhục của mình. Xấu hổ đến chết được. Bà đành lén lút rờ vào tua áo của Chúa thôi với niềm tin là sẽ được khỏi. Đúng như bà nghĩ và tin, máu cầm lại. Sướng quá. Âm thầm sướng một mình. Ai ngờ Chúa cứ day dí hỏi “Ai đụng đến Ta?” Anh em Tông Đồ giải thích: “Bà con chen lấn nhau đụng vào Thầy đó thôi.” Chúa vẫn không buông tha, mà còn day dí thêm: “Có một sức mạnh từ trong thân thể Ta toát ra.” Bà phụ nữ sợ quá, bèn sấp mặt xin lỗi: Tưởng Chúa mắng cho một trận, ai ngờ Chúa nói một câu ngọt sớt: “Đức tin của bà chữa bà đấy. Chúc bà về bình an nhá.” Thế là hết sợ. Không những không sợ, mà niềm vui còn tăng lên gấp mười lần. Bây giờ hết xấu hổ, bà kể hết chuyện máu huyết dầm dề mười hai năm cho bà con nghe để nói lên lòng biết ơn của bà đối với Chúa. Ta có thể coi đây là chiêu Chúa thường dùng để gây ấn tượng, để đem lại hiệu quả lớn hơn.
Chuyện thứ hai là chuyện cho em bé mười hai tuổi sống lại, khi gia đình đang chuẩn bị lễ an táng. Thay vì nói rằng: “Bà con ơi, đừng khóc nữa, Tôi cho bé sống lại ngay bây giờ”, thì Chúa lại nói ngang như cua: “Bà con ơi, đừng khóc. Em bé có chết đâu, nó ngủ đấy.” Thế là cả ba thánh ký Mát thêu, Mác cô và Luca đều kể lại rằng: “Họ chế diễu Ngài.” Ai chế diễu? Chắc là đàn bà thôi, vì chỉ có đàn bà mới khóc. Đàn bà mà chửi thì phải hiểu là khủng khiếp. Tại sao Đức Giê su lại dại dột, nói ngang làm chi, để cho đàn bà chửi? Tại Chúa khôn quá. Chúa chỉ bị chửi tối đa là hai phút. Sau khi em bé sống lại rồi, thì ai chửi nhiều nhất sẽ yêu Chúa nhiều nhất. Những người đàn bà ấy sẽ nhớ mãi và sẽ không bao giờ ngưng loan báo Tin Mừng để đền tội.
Thế là chuyện vui một bỗng biến thành chuyện vui mười, chuyện vui một trăm. Đó là điều mà Đức Giêsu đã thực hiện nhiều lần trong suốt ba năm truyền đạo. Ta nên thấy để yêu Chúa nhiều hơn, để cảm thấy Chúa rất gần gũi với Ta. Trên đường truyền giáo chúng ta nên bắt chước Chúa tạo nhiều chiêu để làm cho đức tin và đức mến lớn mau và lớn mạnh. Đó là một công mà được nhiều việc. Đó là nhất cử mà được lưỡng tiện. Không những lưỡng tiện mà còn được tam tứ tiện. Như vậy là trò bắt chước Thầy cả chuyện lớn lẫn chuyện nhỏ. Tuyệt vời!
Linh mục Piô Ngô Phúc Hậu
=====================
Suy niệm 3
Chúa là Sự Sống

(Mc 5, 21 – 43)

Sống vui, sống mãi và sống hạnh phúc, nhất là chiến thắng cái chết, không chỉ trong tư tưởng, nhưng là một khát vọng của con người ở mọi nơi mọi thời. Sự sống lại của Chúa Giêsu khẳng định, khát vọng ấy thực sự có thể, vì cái chết không phải là một phần cấu trúc sáng tạo, về nguyên lý là không thể đảo ngược, Chúa là Sự Sống: “Thiên Chúa không tạo dựng sự chết, chẳng vui mừng khi người sống phải chết…” (Kn 1, 13).
Bởi ác quỉ ghen tương, nên tử thần đột nhập vào thế gian (x. Kn 1, 13-15), nhưng Thiên Chúa “sẽ không thí bỏ mạng tôi cho âm phủ” (Tv 16, 10). Lời Thánh Vịnh trên được Chúa Giêsu là đầu và là trưởng tử hoàn tất khi sống lại từ trong cõi chết. Sự chết dẫn Người xuống mồ, nhưng không tiêu tan. Người đã chiến thắng sự chết. Chỉ có Lời quyền năng Thiên Chúa Tình Yêu mới đủ mạnh để phá đổ những rào cản của sự chết.
«Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại» là lời tuyên xưng vào sự hiện hữu thực sự của Thiên Chúa, cho phép chúng ta hát vang lời Alleluia ở giữa một thế giới, bóng tối tử thần đang đe dọa chúng ta.
Đoạn Tin Mừng thánh Marcô hôm nay như một dạng “phóng sự” được thánh Phêrô trực tiếp chứng kiến những sự kiện, chúng ta cần đọc với cái nhìn đơn giản mới thấy được sự phong phú của nó.
Chúa Giêsu đến và đặt tay lên đứa bé
Điều mà Giairô mong đợi nơi Chúa Giêsu là “đến đặt tay lên em bé để nó được khỏi và được sống” (Mc 5, 23). Thái độ của Giairô thật là ấn tượng. Đường đường là trưởng hội đường Do Thái, vậy mà ông “sụp lạy và van xin” Chúa Giêsu (Mc 5, 22), ông quên đi nhân cách, địa vị của mình trước đám đông nhiều người biết ông, ông tiên phong tin cậy vào Chúa Giêsu. Tất nhiên, vì cô gái diệu, ông làm tất cả.
Chúng ta cũng thế, trong lúc ốm đau bệnh tật, vô phương cứu chữa, hy vọng tiêu tan, thì lời kêu cầu vang lên tới Chúa thật tha thiết. Lời van xin của người cha: “Xin Ngài đến… để nó được khỏi và được sống!“. Chúa Giêsu không nói một lời nào, lời trấn an Giairô cũng không. Đôi lúc Chúa vẫn im lặng đối với lời van xin của chúng ta, khi nhận lời chúng ta cầu nguyện. Chúa đồng hành và ở với chúng ta, ngay cả khi chưa nhận lời chúng ta.
Ai chạm đến Ta?
Một câu hỏi cất lên giữa đám đông khiến các môn đệ sửng sốt: “Thầy coi đám đông chen lấn Thầy tứ phía, vầy mà Thầy con hỏi: Ai chạm đến Ta?” (Mc 5, 31) Thì ra “có một người đàn bà bị bệnh” (Mc 5, 25) đã đi lẫn vào trong đám đông đến sau Người. Có thể bà sợ đến với Chúa trước nhiều người. Sợ họ biết việc mình làm. “Mười hai năm trời sống với bệnh xuất huyết” (Mc 5, 25), nghe nói về Chúa Giêsu, Đấng đã chữa lành những bệnh hoạn tật nguyền trong dân, cơ hội tuyệt vời đã đến, bà quyết định chạm tới áo Chúa.
Phản ứng của Chúa Giêsu không làm bà ngạc nhiên và xấu hổ. Không ai đụng đến áo Chúa mà Chúa không biết. Trước mặt Chúa, chúng ta không phải là người vô danh, mất hút giữa đám đông. Chúa thấy chúng ta kêu cầu, cả lúc chúng ta không thể hiện công khai. Chúa biết tất cả vì Người là Đấng toàn tri, là sức mạnh của Thiên Chúa, là Sự Sống. Người đàn bà đã nhận lại được sự sống qua việc chữa lành nhờ đụng chạm tới áo Chúa Giêsu (x. Mc 5, 33). Bởi trong chính cuộc đối thoại với người đàn bà nhút nhát đang tuyệt vọng này, từ việc chữa lành thể xác Chúa ban cho bà ơn cứu độ, bình an và sức khỏe xác hồn.
Dù đến với Chúa thế nào đi chăng nữa, lời thánh Phaolô nhắn nhủ chúng ta: “Bạn có biết sự hào phóng, ân hạn, nhưng không của các món quà của Chúa Giêsu Kitô” (2Cr 8, 9).
Họ liền chế diễu Người
Những “người nhà” Giairô là những người tốt. Với sự thận trọng, họ sẽ gặp người cha và báo cho ông biết về cái chết của con gái ông: “Con gái ông chết rồi, còn phiền Thầy làm chi nữa ?” (Mc 5, 35). Nói thế, không phải họ thiếu lòng tin, nhưng là họ không thể tưởng tượng được một tình huống đã chết rồi có thể sống lại được. 
Thoáng nghe lời họ nói, Chúa Giêsu bảo:  “Con bé không chết đâu, nó đang ngủ đó” (Mc 5, 39). Họ thấy nực cười, vì chính lúc Giairô vắng nhà thì con gái ông trút hơn thở lần cuối. Chúa mời gọi ông Giairô: “Ông đừng sợ, hãy cứ tin” (Mc 5, 36)  Giairô đã tin vào quyền năng chữa bệnh của Chúa. Ông được mời đi xa hơn sự tin tưởng là sống niềm tin vào Chúa.
Chúa Giêsu muốn chúng ta có một niềm tin sắt đá, một đức tin chuyển núi rời non, vượt trên sự chết. Kẻ có tội không bao giờ chết trước mặt Thiên Chúa. Người ấy có thể sống lại nhờ ân sủng Thiên Chúa trao ban, vì Chúa là Sự Sống. “Thiên Chúa không vui mừng khi người sống phải chết” (Kn 1, 13).
Hãy cho em bé ăn
Giairô và vợ ông, cùng với ba tông đồ được Chúa mang theo. Chúa Giêsu không cầu xin Chúa Cha, không ban một lời chúc lành nào, vì Chúa là Sự Sống. Người có thể trả lại sự sống cho em bé một cách dễ dàng khi cầm tay nó. Người vẫn cầm tay chúng ta mà chúng ta không biết.
Những người chứng kiến không được chuẩn bị để đánh giá một cử chỉ như vậy có nghĩa gì. Còn quá sớm để giải thích cho họ ý nghĩa đầy đủ về sự sống lại của em bé. Nếu Đức Giêsu giữ bí mật, khác hẳn với việc Chúa chữa người đàn bà chạm vào Chúa, Người đã mang theo ba nhân chứng là những chứng nhân từ núi Chúa biến hình cho đến khi Chúa chịu Khổ Nạn và Phục Sinh. Im lặng là cần thiết, vì sự sống lại như thế được coi là dấu chỉ rõ ràng thời thiên sai.
Chúa Giêsu bảo họ: “Hãy cho em bé ăn” (Mc 5, 43). Vì em mà Chúa Giêsu đến. “Ăn” là cử chỉ Chúa Giêsu báo trước sự phục sinh của Chúa, vào buổi chiều tối Chúa Phục sinh, Chúa hỏi các môn đệ: “các con có gì để ăn?” không phải là để ăn cho thể xác, nhưng là để họ có niềm tin vào sự phục sinh của Chúa Kitô.
Giờ đây, Tiệc Thánh chúng ta cử hành là dấu chỉ của niềm vui được chia sẻ trong đức tin trước Thiên Chúa hằng sống, với sự sống viên mãn tràn đầy chứng thực rằng sự sống mạnh hơn cái chết. Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

===================
Suy niệm 4
CĂN NGUYÊN ‘SINH LÃO BỆNH TỬ’

Trong đời sống, chúng ta thường tự hỏi một số câu hỏi căn tính như: Sống để làm gì? Sự chết từ đâu mà ra? Chết rồi sẽ ra sao? Tại sao phải gian nan khốn khó?…Và nhất là ngay thời điểm dịch bệnh cô-vi còn đang hoành hành khắp nơi, mọi nghi vấn, vấn nạn lại trở nên gay gắt hơn!
Lắm lúc, là người Công Giáo, chúng ta cũng hiểu sai, hiểu lầm rằng: sự chết cũng được Thiên Chúa tạo dựng chăng? Mọi bất trắc, đau khổ do Thiên Chúa làm ra để thử thách chúng ta?…Tuy nhiên, khi đọc bài đọc I trích sách Khôn Ngoan, chúng ta dám khẳng định: “Thiên Chúa không tạo dựng sự chết, chẳng vui mừng khi người sống phải chết” (Kn 1, 13). Ý định nguyên thuỷ của Ngài chẳng phải những gì đang diễn ra, vì “Ngài tạo dựng mọi sự trên mặt đất đều lành mạnh, chúng không có nọc độc sự chết, và không có địa ngục ở trần gian” (Kn 1, 14). Tác giả sách Khôn Ngoan đã xác tín, chỉ ra cho tất cả chúng ta thấy được Thánh ý của Chúa từ khởi nguyên: “Thiên Chúa tạo dựng con người giống hình ảnh Chúa, để sống vĩnh viễn” (Kn 2, 23). Dù là Thiên Chúa quyền năng, cao cả, giàu sang phú quý, nhưng Ngài muốn chia san chân-thiện-mỹ nơi mình cho con người, và đã tạo dựng phàm nhân theo hình ảnh của Ngài, đồng thời giống như Ngài, cụ thể: con người có tự do, mọi quyền căn bản, lý trí để truy tầm sự thật, tìm ra Chân lý tối thượng chính là Thiên Chúa; và con người được ban cho ý chí, ngõ hầu biết yêu thương, cảm nhận được yêu thương, để ôm trọn chính Tình yêu tuyệt đối (là Thiên Chúa).
Thế nhưng, hạnh phúc nguyên thuỷ ấy bị tan vỡ do sự khước từ, bất trung, tính kiêu ngạo muốn trở thành chúa của bản thân để quyết định thiện-ác, tốt-xấu, sống-chết,…vốn là quyền hạn của Thiên Chúa mà thôi. Do đó, tội lỗi đã xâm nhập vào thế giới thiện lành, con người tốt lành thuở ban đầu, và sự chết, đau khổ, bệnh tật…cũng không nằm ngoài hậu quả của tội lỗi, “bởi ác quỷ ghen tương, nên tử thần đột nhập vào thế gian: kẻ nào thuộc về nó thì bắt chước nó” (Kn 2, 24). Thiên Chúa thấu hiểu sự yếu đuối, hay sa ngã của con người, nhưng Ngài vẫn tin tưởng con người vốn là hình ảnh của mình, nên đã không bỏ mặc họ, hoặc trao án phạt nhãn tiền muôn đời, như Ngài đã trừng phạt Lu-ci-phe và các thiên thần sa ngã một lần mãi mãi. Thiên Chúa trung thành với lời hứa ban Đấng Cứu Độ, và Ngài chuẩn bị một cách công phu chu đáo cho chương trình yêu thương, cứu rỗi con người, bằng cách “…vào thời ấn định, Ngài đã sai Con Một đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Ngài mà được cứu độ…” (x. Ga 3, 17). Với sứ mệnh đó, dù đi tới đâu, Đức Giê-su luôn mang niềm vui giải thoát khỏi tội lỗi, khỏi bệnh tật, khỏi khổ đau, khỏi những gì con người phải chịu do tội lỗi gây ra: già cỗi, bệnh tật, đau khổ, cái chết. Vì vậy, khi Đức Giê-su làm phép lạ chữa lành, không vì mục đích cho bản thân nổi tiếng, hoặc mọi người biết tới, nhưng qua giáo huấn và phép lạ, Ngài muốn cho tất cả biết rằng: Thiên Chúa hằng yêu thương, hằng nâng đỡ, chở che, tha thứ, giải thoát, cứu độ con người, dù họ chẳng xứng đáng với tình yêu ấy, “vì tôi tự trời mà xuống không phải để làm theo ý tôi, nhưng để làm theo ý Đấng đã sai tôi…Thật vậy, ý của Cha tôi là tất cả những ai thấy Người Con và tin vào Người Con, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết” (x. Ga 6, 38. 40).
Thưa anh chị em, hôm nay, điều này được minh chứng rõ ràng trong bài Tin Mừng: trên đoạn đường đến nhà ông trưởng hội đường Giai-rô, để chữa lành cho con gái ông đang nguy tử, Đức Giê-su chứng kiến lòng tin mạnh mẽ của một người đàn bà bị bệnh băng huyết mười hai năm, và Ngài đã chữa lành cho cả hai, mang lại sự sống cho họ, mang lại niềm vui khôn tả cho họ. Mở ra con đường biết tin tưởng, phó thác vào Thiên Chúa, thì mọi việc, dù vô vọng đối với con người, nhưng “không có gì là không thể đối với Chúa” (x. Lc 1, 37). Con người chúng ta dường như tuyệt vọng khi đứng trước giới hạn của mình, của khoa học dù phát triển vượt bậc tới đâu! Tuy nhiên, nếu chúng ta biết tín thác, ký thác đường đời cho Chúa, thì vẫn hy vọng, cậy trông, chờ mong thực thi theo Thánh ý, theo thời điểm của Ngài. Cụ thể, ông trưởng hội đường Giai-rô chẳng tuyệt vọng như những người xung quanh tụ họp nơi nhà ông thốt lên rằng: “Con gái ông chết rồi, còn phiền Thầy làm chi nữa” (Mc 5, 35), và còn tệ hơn “họ chế giễu Ngài” (Mc 5, 40) khi nghe Đức Giê-su nói: “Sao ồn ào và khóc lóc thế? Con bé không chết đâu, nó đang ngủ đó” (Mc 5, 39). Ông đặt niềm tin tuyệt đối nơi Đức Giê-su, “trông thấy Ngài, ông sụp lay và van xin: “Con gái tôi đang hấp hối, xin Ngài đến đặt tay trên nó để nó được khỏi và được sống” (Mc 5, 22-23). Còn bà bị bệnh xuất huyết ròng rã mười hai năm, tin chắc khi tự nhủ với bản thân rằng: “Miễn sao tôi chạm tới áo Ngài thì tôi sẽ được lành” (Mc 5, 28). Dù phải chịu cực khổ đến nỗi thất vọng, tìm thầy thuốc chữa trị, tiền hết mà bệnh chẳng thuyên giảm chút nào, trái lại càng trầm trọng, nhưng bà vẫn một lòng tin tưởng vào Đức Giê-su. Khi nghe nói về Ngài, bà liền hoà mình trong đám đông, thầm ước chạm tay đến gấu áo Ngài thì sẽ được chữa lành. Đức tin vào Đức Giê-su đã khiến hai con người này vượt thắng tuyệt vọng, vốn dễ bị rơi vào khi đối diện với sự đau khổ tột cùng, bệnh tật hiểm nghèo và cái chết. Hơn nữa, lời xác quyết của Đức Giê-su khi nói với bà: “Hỡi con, đức tin của con đã chữa con, hãy về bình an và được khỏi bệnh” (Mc 5, 34), và tiếng Ngài gọi khi chữa lành con gái ông Giai-rô đang hấp hối: “Talithakum", nghĩa là: "Hỡi em bé, Ta truyn cho em hãy trỗi dậy!” (Mc 5, 41) cho chúng ta thấy, khi chữa lành, Đức Giê-su không đòi hỏi bất cứ điều gì ngoài niềm tín thác và lòng cậy trông vào Ngài, đồng thời phải trở nên nhân chứng bác ái-tha thứ-chia san với tha nhân.
Hành động yêu thương này phải được chứng thực cụ thể qua việc sống quảng đại, thực thi phúc đức trong dịp lạc quyên như Thánh Phao-lô nhắc nhở giáo đoàn Cô-rin-tô: “…anh em vượt trổi về mọi mặt: về lòng tin, về hùng biện, về sự hiểu biết, về mọi hình thức nhiệt thành, cũng như về lòng bác ái của anh em, thì anh em cũng phải vượt trổi trong dịp lạc quyên này nữa” (2Cr 8, 7). Chẳng phải do sáng kiến rộng lượng của chúng ta mà thôi, nhưng tiên vàn vì Đức Giê-su, Chúa chúng ta đã nên thân phận nghèo khó, mặc dù giàu sang, để nhờ việc nghèo khó của Ngài, chúng ta nên giàu có, ngõ hầu chia sẻ với anh chị em khác. Sau cùng, “kẻ được nhiều, thì cũng không dư; mà kẻ có ít, cũng không thiếu” (2Cr 8, 15) bắt nguồn từ bản chất ân ban-chia sẻ của Thiên Chúa đối với nhân loại, chứ chẳng giống như bao khẩu ngữ sáo rỗng của một số triết thuyết xã hội rêu rao. Thiên Chúa - Đấng rộng lượng, khoan nhân, Ngài hướng đến và chia san với con người; vì vậy, là những người tin vào Ngài, chúng ta cũng trở nên quảng đại cho đi với cả tấm lòng, và không mong đền đáp, vì “ai lãnh nhận nhưng không, thì hãy cho đi nhưng không” (Mt 10, 8b). Ước gì, đức tin được lớn lên dựa trên đức cậy, và được biểu lộ sống động qua đức ái nơi đời sống thường nhật.
Cảm tạ Chúa với lòng tín trung
Cảm tạ Chúa với niềm trông cậy
Cảm tạ Chúa với cả yêu thương
Cảm tạ Chúa tận sâu thẳm hồn con. Amen!

Lm. Xuân Hy Vọng

==================
Suy niệm 5
ĐỨC TIN - SỰ SỐNG

Kn 1,13-15; 2Cr 8,7.9.13-15; Mc 5,21-43

Tin Mừng hôm nay kể hai sự kiện cùng lúc, hai phép lạ hấp dẫn diệu kỳ, hai nhân vật đại diện cho hạng người ít được tôn trọng thời đó: em bé mười hai tuổi đã chết, người đàn bà mắc bệnh đã mười hai năm (sống mà như đã chết) đều được Đức Giêsu cứu sống nhờ lòng tin khiêm nhường, mạnh mẽ và chân thành của họ.
Đức tin là nhịp cầu dẫn tới sự sống. Đức Giêsu đã từng nói: “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết” (Ga 11, 25-26).
Một vị thủ lãnh, trưởng hội đường với hết lòng tin tưởng, gấp gáp chạy đến với Đức Giêsu khi con gái ông đã gần chết. Chắc ông đã tìm thầy, chạy hết thuốc chữa mà không qua khỏi. Ông vẫn hy vọng để cầu cứu với Ngài. Xem ra việc này là ngớ ngẩn vì hết đường, hết hy vọng rồi còn đâu? Rồi sau khi trở về nhà ông, đến cả đám đông còn chế nhạo Người nữa. Ông sụp lạy và khẩn khoản nài xin: “Con bé nhà tôi gần chết rồi. Xin Ngài đến đặt tay lên cháu, để nó được cứu thoát và được sống.” (Mc 5,23). Ông tin nếu Ngài đến đặt tay (đụng chạm) con ông sẽ sống. Một niềm tin tuyệt đối mạnh mẽ, Ngài liền đi ra với ông ấy. Đến tận nhà ông đang trong cảnh khóc lóc tang tóc, Ngài cầm lấy tay bé và nói: “Này bé, Thầy truyền cho con: trỗi dậy đi!” (Mc 5,41). Lập tức cô bé dậy và đi lại được. Từ lòng tin mạnh mẽ của người cha, Đức Giêsu đã lấy quyền năng của Ngài mà trả lại sự sống cho cô bé.  
Còn người phụ nữ kia mắc phải căn bệnh nan y khó nói, xấu hổ khổ nhục vì bị coi là ô uế, bị “loại trừ” kẻo lây nhơ cộng đồng. Cuộc sống như vậy tuy sống mà kể như đã chết. Mười hai năm trường chịu bệnh chắc bà cũng đã chạy chữa nhiều thầy, tìm đủ loại thuốc mà vẫn tuyệt vọng. Hôm nay với cũng một lòng tin mạnh mẽ nhưng kín đáo, bà liều lĩnh, lén lút giữa đám đông để “sờ trộm” áo Ngài. Không chịu thua trước lòng tin mãnh liệt đến độ ngớ ngẩn của bà, Ngài cũng “bí mật” làm cho bà hết bệnh ngay lập tức. Cả đám đông nườm nượp theo Ngài thì có biết bao kẻ đã “vô tình” đụng chạm vào Ngài, nhưng chỉ có cái đụng chạm “hữu ý” phát xuất từ lòng tin của bà mới làm nên lịch sử. Chính Ngài đã xác nhận: “Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con.” (Mc 5,34a). Niềm tin cần biết bao cho ơn cứu độ. Thánh Augstinô đã nói: “Dựng nên con, Chúa không cần con. Nhưng muốn cứu chuộc con, cần có con cộng tác”. Ngài còn đưa bà vào mối tương quan mật thiết mới: “này con”, Ngài cho bà thấy ngay cả khi bà không còn ai, bà vẫn có một người Cha nhân lành hay thương vô cùng, chẳng màng chi  đến cảnh “sạch dơ” của bà. Bà đã thực sự được “sống” trong vòng tay yêu thương của Cha.
Chúa ơi! ngày nay trong dòng người nghiêm trang lên rước lễ, tất cả đều đụng chạm vào Chúa đấy. Nếu không có lòng tin, họ nhẹ nhàng nhận lấy và ăn như ăn một tấm bánh, chẳng có chi. Nhưng có người thì không hiểu sao, cũng một tấm bánh ấy, ăn vào bỗng hai hàng nước mắt cứ lã chã, lộp tộp rơi xuống? Phải chăng với lòng tin, họ đang “đụng chạm” vào một Thiên Chúa? Chẳng biết họ thấy gì, nhưng rõ ràng có một Sức Sống Mới đang luân chuyển trong họ, làm con tim họ thổn thức, sợ hãi vì bất xứng, hoặc đang uống no say tình Ngài, hạnh phúc như thiên đàng. Lạy Chúa! xin thêm lòng tin cho chúng con. Amen.

Én Nhỏ

==================
Suy niệm 6
Hãy tin tưởng và cầu xin

(Mc 5, 21 – 43)

Thế giới đang trải qua những ngày chết chóc kinh hoàng với đại dịch Covid-19 xuất phát từ Vũ Hán (Trung Quốc), lây lan phủ kín phần lớn địa cầu không trừ quốc gia nào, giàu hay nghèo, công nghiệp hóa hay đang phát triển. Trung Quốc bị nhiễm đại dịch đầu tiên, nhưng Italia, rồi Tây Ban Nha, Pháp, Hoa Kỳ, bây giờ đang là Ấn Độ và Brazil… ngụp lặn trong khủng hoảng bởi Covid-19 tiến công. Theo Bloomberg, khoảng hai tỉ liều vắc xin đã được tiêm chủng cho người dân ở 176 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Con người vẫn đang từng ngày từng giờ gồng mình giành giật sự sống chống chọi với con virus gây chết chóc này.
Từ tháng 4 đến nay, châu Á trở thành điểm nóng với một Ấn Độ tang thương. Hệ thống y tế quốc gia Nam Á trong tình trạng sụp đổ, không thể tiếp nhận bệnh nhân Covid-19, không đủ ô xy, thiết bị y tế. Người chết vì Covid-19 không có chỗ để hỏa táng, có hàng trăm hàng ngàn người bị thả trôi trên sông Hằng. Số người tử vong mỗi ngày ở mức cao chưa từng có trên toàn cầu. Cảnh tượng không khác gì địa ngục.
Khát vọng sống vui, sống mãi và sống hạnh phúc, nhất là chiến thắng bệnh tật, khổ đau và cái chết không chỉ trong tư tưởng nhưng là một khát vọng sâu xa nhất của con người ở mọi nơi mọi thời. Trước cái chết, người ta vùng vẫy bằng mọi cách để trốn tránh, đại dịch Covid 19 là bằng chứng. Khát vọng ấy thật chính đáng và có thể, vì cái chết không phải là một phần trong sáng tạo, về nguyên lý là không thể đảo ngược, vì  “Thiên Chúa không làm ra cái chết, chẳng vui gì khi sinh mạng tiêu vong. Bởi vì Ngài sáng tạo muôn loài cho chúng hiện hữu, và mọi loài trên thế giới đều hữu ích cho sinh linh, chẳng loài nào mang độc chất huỷ hoại. Âm phủ không thống trị địa cầu” (Kn 1,13-14).
Thiên Chúa là Đấng hằng sống, nên mọi loài được Chúa tạo dựng đều sống động, riêng con người và các thiên thần còn được chia sẻ sự sống vĩnh hằng của Thiên Chúa. Tuy nhiên, vì con người được Chúa ban cho tinh thần tự do để đáp lại tình yêu, thì cũng được tự do chối từ tình yêu ấy. Con người đã chiều theo cơn cám dỗ của quỷ dữ để chối từ tình yêu Thiên Chúa, cắt đứt sự hiệp thông với Ngài là nguồn sống bất diệt nên con người phải chết cả xác lẫn hồn. Vạn vật vì liên đới với con người, nên cũng phải chịu sự hư nát vì tội lỗi của con người (x. Rm 8,20-23).
Lời Thánh Kinh nói rằng: “Thiên Chúa đã sáng tạo con người, cho họ được trường tồn bất diệt. Họ được dựng nên làm hình ảnh của bản tính Người. Nhưng chính vì quỷ dữ ganh tị mà cái chết đã xâm nhập thế gian. Những ai về phe nó đều phải nếm mùi cái chết” (Kn 2,23-24). Thiên Chúa không tạo nên cái chết và quỷ dữ cũng không gây nên cái chết, chính tự do của con người khi cắt đứt với nguồn sống đã tạo nên cái chết cho mình và vạn vật. Chỉ có Thiên Chúa quyền năng mới đủ mạnh để phá đổ những rào cản của sự chết. Chúa “sẽ không thí bỏ mạng tôi cho âm phủ” (Tv 16, 10). Chúa là Sự Sống: “Chúa không tạo dựng sự chết, chẳng vui mừng khi người sống phải chết…” (Kn 1, 13).
Chúa Giêsu là đầu và là trưởng tử hoàn tất khi sống lại từ trong cõi chết. Sự chết dẫn Người xuống mồ, nhưng không tiêu tan. Người đã chiến thắng sự chết. Điều mà Giairô mong đợi nơi Chúa Giêsu là “đến đặt tay lên em bé để nó được khỏi và được sống” (Mc 5, 23). Thái độ của Giairô thật là ấn tượng. Đường đường là trưởng hội đường Do Thái, vậy mà ông “sụp lạy và van xin” Chúa Giêsu (x. Mc 5, 22), ông quên đi nhân cách, địa vị của mình trước đám đông nhiều người biết đến, ông tiên phong tin cậy vào Chúa. Tất nhiên, vì cô gái diệu, ông làm tất cả.
Chúng ta cũng thế, trong cơn đại dịch, vô phương cứu chữa khiến hy vọng tiêu tan nơi nhiều người, thì lòng tin và lời kêu cầu vang lên tới Chúa thật cần thiết. Lời van xin của người cha: “Xin Ngài đến… để nó được khỏi và được sống!“ không nhận được một lời đáp trả nào của Chúa Giêsu, lời trấn an Giairô cũng không. Đôi lúc Chúa vẫn im lặng đối với lời van xin của chúng ta, khi chúng ta cầu nguyện. Nhưng Chúa vẫn luôn đồng hành và ở với chúng ta, ngay cả khi chưa nhận lời chúng ta. Vậy, chúng ta hãy giục lòng tin và cầu xin Chúa cứu giúp.
Lạy Chúa, chúng con biết rằng, Chúa không tạo ra cái chết, Chúa cũng chẳng vui gì khi chúng con bị diệt vong, xin cứu giúp chúng con, lạy Chúa. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Giáo xứ Yên Tập: Đức cha Đaminh dâng Thánh lễ mừng Chúa Giáng Sinh 2024
Giáo xứ Yên Tập: Đức cha Đaminh dâng Thánh lễ mừng Chúa Giáng Sinh 2024
Trong niềm vui chung của toàn nhân loại mừng ngày Ngôi Hai Thiên Chúa giáng thế cứu độ trần gian, Giáo xứ Yên Tập hân hoan chào đón Đức cha Đaminh, Giám mục Giáo phận đã đến thăm và chủ tế Thánh lễ mừng Chúa Giáng Sinh vào tối ngày 25 tháng 12 năm 2024.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log