Thứ năm, 26/12/2024

Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật XVII Thường Niên B

Cập nhật lúc 09:21 21/07/2021
Suy niệm 1
Bánh của người nghèo
Ga 6, - 15
Ít còn hơn không có gì
Nhân loại chúng ta có rất nhiều nguồn tài nguyên phong phú để cậy dựa vào. Nhưng nhiều người không nhận ra những tài nguyên đó và tất cả những gì là tốt đẹp đều do Thiên Chúa ban cho. Họ cho rằng con người tự có phương tiện để hỗ trợ mình; con người hoàn toàn là chủ nhân và nguồn gốc tất cả những gì con người sản xuất ra.
Nhưng đọc bài Tin Mừng hôm nay, con người cảm thấy mình trống rỗng và bất lực, không có cách nào để đối mặt với thử thách. Lúc đó con người khám phá ra rằng tất cả nguồn nhân lực của mình không tìm được sự hỗ trợ vững chắc mà con người mong đợi:
Trong những lúc khó khăn như thế, Chúa Giêsu lại nói với các môn đệ của Ngài: “Chính anh em hãy cho họ ăn”. Các môn đệ không từ chối, nhưng băn khoăn lo lắng: “Hai trăm bạc bánh cũng không đủ cho mỗi người được một chút”. Chúa Giêsu muốn thử thách họ. Ngài buộc các môn đệ của Ngài phải nhận ra sự bất lực của họ. An-rê thưa với Chúa Giêsu: "ở đây có một bé trai có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá". Câu nói này chỉ làm nổi bật sự thiếu phương tiện của họ: "bấy nhiêu thì thấm vào đâu cho từng ấy người”.
Đúng là không nghĩa lý gì, nhưng dù ít còn hơn không có gì! Các môn đệ không có nguồn lực đủ để nuôi một đám đông như thế!
Trên tất cả
Để nuôi năm ngàn người ăn no với chỉ năm chiếc bánh và hai con cá! “Bấy giờ Chúa Giêsu cầm lấy bánh và khi đã tạ ơn, Ngài phân phát cho những người ngồi ăn, và cá cũng được phân phát như thế”.
Lương thực trần gian được một em bé trai mang theo thực sự là sản phẩm công lao của con người. Nhưng lương thực đó chỉ có hạn và chỉ có thể nuôi một số ít người. Bấy giờ, Chúa Giêsu cầm lấy lương thực đó. Ngài quên cảm ơn đứa trẻ  nhưng Ngài cảm tạ Chúa Cha. Qua đó, Ngài chứng tỏ rằng lương thực trần gian này không chỉ là thành quả lao công của con người mà là quà tặng của Thiên Chúa
Và, thật kỳ diệu, điều ít còn hơn không có gì - năm chiếc bánh và hai con cá để nuôi năm ngàn người - trở thành hơn tất cả mọi thứ! Chúa Giêsu nói: “Hãy thu lấy những miếng còn lại kẻo phí đi”. “Họ thu lại được mười hai thúng đầy bánh vụn do năm chiếc bánh lúa mạch người ta đã ăn mà còn dư”.
“Dân chúng thấy dấu lạ Chúa Giê-su làm thì nói: Hẳn ông này là vị ngôn sứ, Đấng phải đến thế gian! Nhưng Chúa Giê-su biết họ sắp đến bắt mình đem đi mà tôn làm vua”. Qua phép lạ này,
- Các môn đệ khi bị thử thách, trước hết họ nhận ra sự bất lực của họ.
- Đối với đám đông dân chúng, họ chỉ thấy được ăn no, dấu chỉ nổi tiếng và lợi ích họ đạt được, khiến họ muốn tôn vinh Chúa làm vua.
- Còn Chúa Giêsu xa lánh sự cổ vũ của đám đông.
Một chút ít còn lại
- Sẽ đến ngày Chúa Giêsu, bánh bị bẻ ra, bị trao nộp, trần truồng, bị tước đoạt tất cả và trải qua sự bất lực hoàn toàn. 
- Sẽ đến ngày của Thập giá, các môn đệ của Ngài sẽ lại bị thử thách. Thử thách lần này không chỉ là sự bất lực của chính họ mà còn là sự thử thách "Con Thiên Chúa". 
Ngày đó, Chúa Giêsu sẽ một lần nữa hướng về Cha để dâng cho Cha những gì đến từ Cha: “Lạy Cha, con phó thác sự sống con trong tay Cha”. Sự sống này bắt nguồn từ Chúa Cha và được dâng hiến "cho đến cùng” trong cử chỉ “tạ ơn và phân phát” như bánh được phân phát, sẽ nuôi sống nhiều người từ thế hệ này đến thế hệ khác.
Ngày đó, sự bất lực mà Chúa Giêsu chấp nhận đến cùng, thậm chí cho đến chết, sẽ được kết hợp với sự Toàn năng của Thiên Chúa. Nhờ Chúa Giêsu, Sự Nghèo Khó của Thiên Chúa trở thành Sự Giàu có. Nhưng đám đông dân chúng và một số môn đệ lúc đầu chỉ thấy sự bất lực và thoái thác Đấng mà họ muốn tôn làm vua. Tuy nhiên, một số - số ít còn lại sẽ là chứng nhân về sự ​​Chiến thắng của Thiên Chúa. Số ít còn lại này có thể lần lượt nuôi sống nhiều người!
Một ngày nào đó, Thánh nữ Teresa Avila nói: “Một mình Teresa thì không là gì. Nhưng Teresa cộng với Chúa Giêsu, là Mọi thứ”. Nhưng vào một ngày khác, khi thấy một cơn bão và lũ lụt ập đến tu viện, chính Teresa kêu lên: "Lạy Chúa, Chúa không thể miễn điều đó cho chúng con sao?" Chúa Giêsu trả lời: “Teresa, con biết rõ đây là cách Thầy đối xử với các bạn  của Thầy! Bấy giờ Teresa trả lời: "Lạy Chúa của con, đó có thể là lý do tại sao Chúa có quá ít!"  
Một chút ít còn lại có lẽ là đủ, hôm nay cũng như hôm qua, để nuôi sống nhiều người! Trong mọi trường hợp, Thiên Chúa yêu cầu chúng ta tin vào điều đó khi các Kitô hữu đang bị thử thách về sự yếu đuối của họ trong xã hội mà họ đang sống.
Linh mục Gioan Đặng Văn Nghĩa
=================
Suy niệm 2
Ga 6, 1 – 15
Phép lạ hóa bánh ra nhiều này là phép lạ duy nhất được cả bốn Thánh ký ghi lại. Đọc hết cả bốn trình thuật, chúng ta có một câu chuyện khá dài như sau.
Lúc đó là mùa xuân: khí hậu ấm áp; nông dân rảnh rỗi vì vừa mới gieo xong lúa mì. Đặc biệt là lòng dân đang vui sướng vì lễ Vượt Qua sắp tới. Đúng thời điểm này, Đức Giê su tung ra một chiến dịch truyền giáo. Chúa sai 12 Tông Đồ chia thành 6 nhóm, mỗi nhóm 2 người đi đến các làng mạc để sống với bà con. Đến đâu cũng giúp người bệnh tật được khỏi, thăm viếng và an ủi người nghèo, người cô đơn lầm lỗi. Dân chúng quý mến các Tông Đồ quá thể.
Khi các Tông Đồ trở về Caphácnaum, thì bà con kéo nhau đi theo để được gặp Thầy của các Tông Đồ. Dân đông quá khiến Chúa và các Tông Đồ mệt khờ, không còn thời giờ tắm rửa, ăn uống và nghỉ ngơi. Chúa khéo léo rủ các Tông Đồ lén xuống thuyền trốn sang bờ hồ bên kia để nghỉ ngơi một chút. Dân chúng biết ý Chúa muốn đi Bétxaiđa, nên họ vội vã đi bộ đến đó trước. Khi Chúa đến, thì thấy bà con tập trung tràn ngập ở đó rồi. Thương họ quá và cũng đã nghỉ được vài tiếng đồng hồ trên thuyền rồi, nên Chúa lại tiếp tục giảng, giảng cho tới xế chiều luôn.
Các Tông Đồ xin Chúa giải tán bà con, để họ tìm chỗ nghỉ đêm. Thấy dân đói thì tội nghiệp, Chúa biến năm ổ bánh mì và hai con cá thành thực phẩm ê hề cho 5000 ngàn người ăn no. Những mảnh vụn rơi rớt trên bãi cỏ được Chúa ra lệnh gom lại. Ngài bảo: “Gom lại kẻo uổng phí đi.” Họ gom được 12 thúng mảnh vụn. Dân chúng hứng quá bèn tổ chức cuộc biểu tình, tôn Chúa làm vua. Biết thế, Chúa chuồn lên núi cầu nguyện. Dân bị hớ, đành giải tán.
Phép lạ này dạy ta 3 bài học.
Một. Loan báo Tin Mừng là một công tác bức xúc. Chúng ta lúc nào cũng phải bức xúc để mọi người trên thế giới đều được biết các lời và các việc Chúa đã làm. Đó là yêu Chúa là Cha của mọi người và yêu mọi người là anh em của nhau. Phải tìm ra mọi hoàn cảnh thuận để Tin Mừng được bùng vỡ.
Hai. Phải thương người nghèo dù biết rằng yêu người nghèo không dễ. Có người nghèo rất dễ thương, nhưng có những người nghèo rất khó thương. Kệ, cứ phải thương, cứ phải giúp, dù giúp mãi vẫn không xong. Chúa biết trước cho dân ăn, dân sẽ bầu Chúa làm vua. Kệ, cứ nuôi họ ăn no, rồi bỏ trốn lên núi.
Ba. Chúa có một nỗi buồn đó là dân chúng khi được ăn dư dật thì vừa ăn vừa mè nheo. Thích ăn cái vỏ giòn, thì vứt bỏ cái ruột. Thích ăn cái vỏ mềm thì vứt bỏ cái vỏ giòn cứng. Chúa thấy dân chúng vứt bỏ mảnh bánh rải rắc trên bãi cỏ, Ngài than thở một lời, mà chỉ có thánh Gioan ghi lại, đó là: “Gom lại, kẻo uổng phí đi”. Bài học này là bài học tiết kiệm. Hoang phí, không tiết kiệm là điều làm cho Chúa buồn lắm đó. Dường như mọi người chúng ta chỉ tiết kiệm khi còn nghèo túng. Khi đủ ăn và dư ăn, thì thích mua sắm, quên cả giúp đỡ người nghèo. Có khi còn ăn xài tới mức độ làm nhục người nghèo.
Linh mục Piô Ngô Phúc Hậu
==================
Suy niệm 3
Chúa sẽ nhân lên gấp vạn lần
Ga 6, 1 - 15
Khi Chúa Giê-su thấy đoàn lũ dân chúng đông đảo tuôn đến với Ngài tận nơi hoang vắng, Ngài không muốn để cho họ phải đói lả trên đường về nên lo liệu cho họ được ăn no trước khi giải tán. Vì thế, Chúa hỏi Phi-líp-phê: “Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây?”
Phi-líp-phê đáp: “Thưa, có mua đến hai trăm bạc bánh cũng chẳng đủ cho mỗi người một chút.”
Bấy giờ An-rê góp ý: “Thưa Thầy, ở đây có một em bé có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá, nhưng với ngần ấy người thì thấm vào đâu!”
Thế là đứa bé nầy được đưa đến với Chúa Giê-su và em đã quảng đại trao năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá của mình vào tay Chúa Giê-su. Thế rồi, từ quà tặng nhỏ bé nầy, Chúa Giê-su đã nhân lên gấp vạn lần để nuôi đám đông dân chúng đến năm ngàn người được ăn no và còn dư mười hai thúng bánh vụn.
Qua phép lạ nầy, chúng ta rút được một bài học quan trọng: Dù chúng ta nghèo nàn thiếu thốn, dù chúng ta tài hèn sức mọn (như cậu bé trong bài Tin mừng nầy), nhưng nếu chúng ta biết sẵn lòng dâng cho Chúa và tha nhân phần vốn liếng ít ỏi của mình, đặt nó vào tay Chúa, thì Chúa sẽ biến hoá lên gấp trăm, đem lại phúc lợi cho nhiều người khác.
Cuộc đời của mẹ thánh Tê-rê-xa Calcutta chứng tỏ điều nầy.
Mẹ Têrêsa Calcutta sinh tại Albania, ngày 26 tháng 8 năm 1910.  Lên 18 tuổi, mẹ gia nhập tu viện Lo-ret-tô, về sau được gửi qua phục vụ tại Ấn-độ và được cử làm hiệu trưởng một trường trung học tại Calcutta.
Khi thấy những cảnh đau thương khốn đốn của những nghèo khổ tại vùng nầy, mẹ nghe tiếng Chúa thôi thúc mời gọi lên đường, rời bỏ tu viện để đến sống với những con người bất hạnh đau thương đó.
Thế rồi vào năm 1948, lúc được 38 tuổi, được phép bề trên, mẹ rời bỏ tu viện Lô-rét-tô và khoác vào mình tấm áo sa-ri là thứ áo của người phụ nữ thuộc giai cấp cùng đinh của Ấn - độ. Hành trang của mẹ không gì khác ngoài một bánh xà phòng và 5 ru-pi với một trái tim đầy ắp yêu thương.
Với số vốn nhỏ nhoi nầy, giống như 5 chiếc bánh và hai con cá của cậu bé được kể lại trong Tin mừng, mẹ thuê một căn nhà nhỏ bé tồi tàn, trống trơn không bàn ghế tủ giường… Mẹ ra ngoài khu xóm dìu về được dăm đứa trẻ ranh, những đứa trẻ bụi đời, tắm rửa cho chúng, rồi dạy cho chúng bài học đầu tiên. Vì nhà không có bàn ghế cũng chẳng có bảng đen, mẹ dùng sàn nhà thay cho tấm bảng và trên tấm bảng nền nhà đó, mẹ dạy cho các em những chữ cái đầu tiên.
Thế rồi dần dần công việc từ thiện của mẹ được mở rộng, có thêm nhiều thiếu nữ, trước đây là học trò của mẹ, đến giúp đỡ làm việc không công; nhờ đó, nhiều người nghèo khổ được giúp đỡ, nhiều người phong hủi được mẹ chăm lo, nhiều người già cả hấp hối bị bỏ rơi đầu đường xó chợ được mẹ đưa về săn sóc.
Thế là từ vốn liếng nhỏ bé đầu tiên là một bánh xà phòng và năm rupi trong túi, hôm nay mẹ Tê-rê-xa đã có nhiều cơ sở rộng lớn trên khắp thế giới để chăm lo phục vụ người nghèo.
Vào năm 1997, lúc mẹ qua đời, con số nữ tu thuộc dòng của mẹ đã gần 4.000 và mẹ đã thiết lập được 600 cộng đoàn để chăm sóc phục vụ người nghèo khổ tại 120 quốc gia trên thế giới!
Mẹ thánh Tê-rê-xa Calcutta đã trao vào tay Chúa Giê-su trọn vẹn tình yêu và cuộc đời của mình và Chúa đã biến thành quà tặng triệu lần cao đẹp hơn, để mang lại hạnh phúc và an vui cho người đau khổ.
Lạy Chúa Giê-su,
Cậu bé được thuật lại trong Tin mừng hôm nay đã đặt vào tay Chúa năm chiếc bánh và hai con cá và Chúa đã biến quà tặng nhỏ bé nầy trở thành lương thực cho năm ngàn người ăn; Mẹ thánh Tê-rê-xa Calcutta đã hiến dâng cho Chúa cuộc đời và tình yêu của mẹ và Chúa đã biến mẹ thành quà tặng mang lại hạnh phúc và niềm an ủi cho hàng triệu người trên thế giới.
Xin cho chúng con biết quảng đại dâng hiến cho Chúa thời giờ, sức khỏe, tiền bạc, tài năng… của chúng con trong niềm hy vọng được Chúa đón nhận và làm gia tăng thêm nhiều để mang lại phúc lợi cho những người chung quanh. Amen.
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
================
Suy niệm 4
Thế giới hôm nay đang rất cần tình liên đới
 
(Ga 6, 1 – 15)
Sứ điệp lời Chúa
Thời Êlia, đứng trước đám đông dân chúng đói khát, Êlisê người của Thiên Chúa nói: "Xin dọn cho dân chúng ăn" (2V 4, 42). Đầy tớ của người trả lời: "Tôi dọn bấy nhiêu cho một trăm người ăn sao ?" (2V 4, 43). Đến thời Chúa Giêsu, các môn đệ Chúa khi được yêu cầu lo cho đám dân chúng ăn, họ thưa :  "Bấy nhiêu thì thấm vào đâu cho từng ấy người".
Thời nào cũng có những người sống an phận thủ thường, thoái thác trách nhiệm, tránh khó đến mình, sống ích kỷ nhất là thiếu tình liên đới. Nhìn cảnh dân chúng đói, Êlisê ra lệnh: "Cứ dọn cho dân chúng ăn " (2V 4, 44). Còn Chúa Giêsu thấy đám đông đói trước mặt mình liền bảo các môn đệ mình: "Cứ bảo người ta ngồi xuống" (Ga 6, 10). Khi đã ổn định chỗ người, cả dân thời Êlisê và dân chúng thời Chúa Giêsu  "ăn mà vẫn còn dư" (2V 4, 44; Ga 6, 12).
Thế giới hôm nay giầu nhưng lại rất nghèo
Sống trong một thế giới khoa học phát triển tột bậc, con người đã đạt được những bước tiến vĩ đại với những công trình vượt quá sức tưởng tượng như thám hiểm sao Hỏa, tiếp cận sao Diêm Vương, rất tự hào dư dật của cải và lương thực. Reuters dẫn số liệu từ báo cáo của Oxfam ngày 20 tháng 01 năm 2020 cho hay, 2.153 người giàu nhất thế giới nắm giữ tài sản nhiều hơn so với tổng tài sản của 4,6 tỷ người nghèo toàn cầu cộng lại. Chưa bao giờ con người có nhiều của cải như thế và cũng chưa bao giờ có nhiều người nghèo đói như hiện nay. Tại sao có sự chênh lệch giầu nghèo trên thế giới như thế?
Trước tác động của dịch Covid-19, khoảng cách giàu - nghèo tại nhiều nơi trên thế giới ngày càng nới rộng, với sự bất bình đẳng về thu nhập, giáo dục, y tế... Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cảnh báo, đại dịch để lại hậu quả cho thế hệ sau nếu các biện pháp không được đưa ra kịp thời nhằm thu hẹp khoảng cách giữa nước giàu và nước nghèo. Đúng là một thế giới giầu vật chất nhưng lại rất nghèo tình yêu và chia sẻ.
Đối diện với nhu cầu của biết bao người nghèo đói, bệnh tật, thiếu thốn những cái tối thiểu cần thiết để mà sống chung quanh ta và rộng lớn hơn là trên thế giới, chúng ta có thể nói: không thể nào đương đầu với những tình trạng như vậy, và thế là sự co cụm, thiếu tình liên đới, nhất là tuyệt vọng bắt đầu xâm chiếm tâm hồn chúng ta. Nhiều người cho rằng thế giới này quá chật hẹp không đủ chỗ hay lương thực trên thế giới không đủ nuôi mọi người nên giảm dân số. Họ viện cớ, đại dịch ập đến bất ngờ, không kịp xây bệnh viện, thiếu thuốc men, y tế dự phòng, lương thực thực phẩm, họ chọn người để chữa. Nhưng thực tế, nhiều khách sạn cao tầng mọc lên, các nước chế tạo được vaccine chưa chịu chia sẻ công nghệ sản xuất cho các nước, thậm chí vaccine để quá hạn, thực phẩm rau củ quả bỏ đi, bán không ai mua… thiếu tình liên đới.
Hôm nay Chúa dạy ta mỗi người hãy chia sẻ những gì mình có thì thế giới sẽ dư thừa lương thực. Khi trái tim mở ra thế giới sẽ có đủ chỗ cho mọi người. Hãy nhìn những người chung quanh bằng cái nhìn của tình liên đới, đừng dửng dưng, vô cảm. Hãy nhìn anh em nghèo khổ, đói khát, bệnh tật, bơ vơ, hãy an ủi họ, đừng có thờ ơ. Triệu chứng của sự thờ ơ xuất hiện, gặp người có hoàn cảnh khó khăn, hoạn nạn mà không thấy xót xa, thương cảm, không muốn ra tay giúp đỡ dù có điều kiện; đứng trước sự bất công, xấu xa, gian dối mà không thấy phẫn nộ, nhức nhối; thấy những điều tốt đẹp, cao thượng mà không ngưỡng mộ, cảm phục. Dù là thờ ơ, dửng dưng, hay mặc kệ, bất cần đều là vô cảm (x. Sứ Điệp Mùa Chay 2015). Chúa muốn loại bỏ sự vô trách nhiệm, phủi tay đối với đồng loại.
Sống tình liên đới trong cơn đại dịch
Sống tình liên đới và thực hành đức ái với tha nhân, tôn trọng và bảo vệ sự sống của mình cũng như của người khác lúc này cần thiết hơn bao giờ hết. Sống trong đại dịch, sự chết, sợ hãi, lắng lo bủa vây khắp nơi. Giữa biên giới tử biệt sinh ly, cần biết bao một bàn tay, một ánh mắt sẻ chia; một lời kinh, một lời giã từ đầm đìa trong nước mắt. Chúng ta được mời gọi sống có trách nhiệm và liên đới hơn với mọi người. Giữ vệ sinh cho mình và cho người khác, đeo khẩu trang, giữ khoảng cách 2 mét khi tiếp xúc với người khác, rửa tay nhiều lần. Nhưng rửa tay là để diệt khuẩn chứ không phải rửa tay để thoái thác trách nhiệm chung như Philatô đã làm, hay kỳ thị các bệnh nhân Covid 19 cũng như thân nhân của họ.
Thiên Chúa đã tạo dựng con người theo hình ảnh Chúa (x. St 1,26). Chúa là Thiên Chúa tình thương (x. 1Ga 4,8), nên con người tự bản chất là tình thương. Đức thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã viết: "Con người không thể sống mà không có tình yêu. Con người sẽ là kẻ không thể hiểu được đối với chính bản thân mình, cuộc sống con người mất nghĩa nếu không nhận lấy mạc khải về tình yêu, nếu không gặp tình yêu, nếu không kinh nghiệm tình yêu và không nhận lấy kinh nghiệm đó làm của mình và dự phần vào đó cách mãnh liệt" (Thông điệp Đấng Cứu Chuộc số 10). Không có tình thương, thế giới không còn là thế giới của con người nữa.
Ý thức về điều này, chúng ta hãy phấn đấu để trở nên những tông đồ, những sứ giả cổ vũ và kiến tạo nền văn minh liên đới và tình thương. Hãy thương yêu và tương trợ lẫn nhau, vì tình thương là căn tính, là bản chất của con người. Hãy loại bỏ sự đố kỵ, hận thù, chia rẽ và những nguyên nhân làm hại đến tình thương như: bất công, kỳ thị, độc đoán, tham quyền, ích kỷ, kiêu căng, giả dối và các tội ác. Hãy sống đúng với sự thật về căn tính của mình theo hình ảnh của Thiên Chúa là sự thật và tình thương. Hãy đặt vào tay Chúa những gì mình có. Thiên Chúa đủ khả năng để nhân lên từ những cải bé nhỏ của chúng ta.
Lạy Mẹ của lòng nhân ái, xin trợ giúp chúng con làm việc này. Amen
Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ
=================
Suy niệm 5
Bài Dạy Bằng Thực Hành
 
Những ngày đại dịch covid-19 hoành hành Sài gòn, tôi thường xem trang facebook của linh mục Giuse Lê Quốc Thăng và cảm phục về những việc làm bác ái của ngài. Đọc những comment thật cảm động: “Hình ảnh của một vị Linh mục thức dậy từ 4h sáng, sau khi kinh nguyện & lễ lạc xong là vùi đầu vào phân phối thực phẩm cho các bếp ăn từ thiện, các khu cách ly, điều phối xe, tìm nguồn thực phẩm đủ kiểu để có thể đáp ứng nhanh nhất cho tất cả những lời xin trợ giúp. Và thức đến tận 2h sáng để nhận những chuyến hàng đêm từ khắp các tỉnh gởi về ”…
Ngài viết sáng nay, 20.7: “Tiếp nhận, phân phối xe cá 1,6 tấn xong là 9 giờ tối anh em và vội chén cơm, tranh thủ nghỉ ngơi đôi chút gần 1 giờ sáng đón chuyến xe rau hơn 5 tấn của Giáo xứ Phái Xuân và Ban Caritas Giáo Xứ Chính Toà Giáo phận Ban Mê Thuột chia sẻ cùng Sài Gòn Thân yêu.
Qua trung gian cha Chánh xứ, bà con Giáo xứ Phái Xuân và ban Caritas Giáo xứ Chính toà đã cùng chung tay chia sẻ yêu thương với Sài Gòn bằng một chuyển xe rau sạch ngon.
Nào là củ cải trắng tinh thơm nồng tình nghĩa
Nào là bắp cải cuốn chặt vòng tay yêu thương
Nào là cải thảo thơm thảo nghĩa đồng bào.
Nào là bí đỏ thắm tươi tình bác ái trong Đức Kitô
Nào là bí xanh khơi niềm hy vọng vượt qua đại dịch.
Đón nhận quà từ cá tới rau qua trung gian các linh mục anh em sao thật ấm áp. Nhận sự sẻ chia của mọi người trên mọi miền Tổ quốc rưng rưng giọt nước mắt xúc động.
Tất cả là Hồng ân.
Xin chân thành cảm ơn cha Chánh xứ Phái Xuân và bà con Giáo xứ cùng Ban Caritas Giáo xứ Chính Toà Giáo Phận Ban Mê Thuột rất nhiều. Xin Chúa chúc lành quí cha, giáo xứ cùng tất cả mọi người”.
Một mục tử tận tâm, tận lực giúp đỡ lương thực, cho bà con nhiều nơi trong thành phố, một linh mục luôn nâng đỡ tinh thần giáo dân. Một mục tử nặng mùi chiên.
***
Tin mừng Chúa nhật hôm nay kể về phép lạ về bánh và cá hoá ra nhiều. Phép lạ này được bốn thánh sử ghi lại cả trong bốn Phúc âm (Mt 14,13-21; Mc 6,31-34; Lc 9,10-17; Ga 6,1-13). Matthêu và Maccô còn kể thêm Chúa làm phép lạ lần thứ hai nữa (Mt 15,32-38;Mc 8,1-10).
Phép lạ hoá bánh và cá là cả một bài dạy bằng thực hành về người chăn chiên tốt lành. Chính các môn đệ còn được “tập sự” chia sẻ công việc của chủ chăn. Họ phải đi kiếm bánh, giúp phân phát cho dân chúng và thu lượm những gì còn sót lại.
Trong “Phép lạ hóa bánh ra nhiều”, Chúa không làm một mình và làm từ bàn tay không. Không làm một mình mà như dò ý môn đệ, chẳng phải vì quyền năng giới hạn mà chỉ vì Người muốn có sự cộng tác nào đó cho phép lạ trở nên hiện thực. Không làm từ bàn tay không mà cần có năm cái bánh, Chúa trân trọng sự đóng góp của con người, dẫu sự đóng góp ấy rất nhỏ. Năm cái bánh cho năm ngàn người. Tỉ lệ một phần ngàn có nghĩa lý gì. Muối bỏ bể! Thế nhưng trong mắt nhìn của Thiên Chúa, đó lại là cả một thiện chí hùn hạp làm ăn sinh lời đến chóng mặt.
Phép lạ hoá bánh ra nhiều là do quyền năng Thiên Chúa và sự cộng tác của con người. Chúa Giêsu không làm phép lạ ngay tức khắc biến bánh và cá thành một núi thức ăn để người ta tự do đến lấy. Chúa cũng không tự tay phân phát lương thực. Chúa trao bánh và cá cho các môn đệ.Các môn đệ trao cho mọi người. Mọi người trao cho nhau. Đó là bài học lớn lao của phép lạ hoá bánh. Khi mọi người chia sẻ cho nhau, quan tâm giúp đỡ nhau trong tình thương, biết bẻ ra, trao đi thì Chúa Giêsu làm phép lạ hoá nhiều.
Đức Bênêđitô XVI đã nói: phép lạ này không được làm từ không có gì, nhưng từ những gì bạn có, dù nhỏ bé, mang đặt trong bàn tay của Chúa. Chúa không đòi hỏi chúng ta những gì chúng ta không có. Chúa cho chúng ta hiểu rằng, nếu mỗi người đặt vào tay Ngài những tấm bánh, những con cá bé nhỏ, Chúa sẽ làm cho phép lạ được tiếp diễn hôm nay, bởi Ngài có quyền năng làm cho những cử chỉ yêu thương khiêm tốn của chúng ta trở thành quà tặng lớn lao cho anh chị em chúng ta.
Chúa cần sự cộng tác của chúng ta, cho dù sự cộng tác ấy rất nhỏ bé, nhưng với tấm lòng rộng lớn thì Chúa sẽ biến sự nhỏ bé nên lớn lao, biến điều tầm thường nên vĩ đại nhờ vào tình thương của Người. Như Chúa Giêsu đã yêu thương quan tâm chăm lo đến mọi nhu cầu từ vật chất đến tinh thần cho dân chúng thì Kitô hữu, các môn đệ của Người cũng phải biết yêu thương chăm lo cho tha nhân như vậy.
Những người vừa trải qua cơn đói, nay được một bữa no nê. Họ vất bỏ những mẫu bánh dư thừa. Khi dư giả, người ta dễ phung phí. Chúa Giêsu sai các môn đệ đi thu lượm những mẫu bánh thừa. Tiết kiệm là trân trọng những của cải Chúa ban. Tiết kiệm là ý thức của cải là của mọi người. Tiết kiệm thể hiện sự quý trọng kết quả lao động của bản thân và của người khác.Chúa Giêsu quý những mảnh bánh vụn. Chúa bảo các môn đệ thu lại để dạy chúng ta đừng lãng phí ân huệ Chúa ban. Sự sống, sức khoẻ, thời gian, tài năng, trí tuệ, tài nguyên đều là ân huệ được ban tặng, cần trân trọng nâng niu gìn giữ. Trong ơn sủng của Chúa, không có gì là những mẫu vụn bé nhỏ tầm thường.
Trong chuyến hành hương Đất Thánh, tôi có đến thăm thành Tabgha, nơi Chúa đã làm phép lạ biến 5 cái bánh và 2 con cá hóa nhiều nuôi hơn 5.000 người ăn no nê. Khi chiêm ngắm bàn thờ và cung thánh trong ngôi Nhà thờ ấy, tôi thấy trên nền Nhà thờ phía trước Bàn thờ có khắc hình một chiếc giỏ đựng 2 con cá và 4 cái bánh. Tại sao lại là 4 chứ không phải là 5 cái bánh như Phúc âm kể? Đây là một sự thiếu sót có chủ ý của nghệ nhân làm nên bức hình đó. Vì cái bánh thứ năm không nằm trong giỏ nhưng nằm trên bàn thờ, đó chính là Mình Thánh Chúa mỗi khi dâng thánh lễ trên bàn thờ này.
Phép lạ hoá bánh là dấu chỉ báo trước Thánh Thể “Ngài cầm lấy 5 chiếc bánh và 2 con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, bẻ ra, trao cho các môn đệ” (Mt 14, 20). Trong Tiệc Ly “Ngài cấm lấy bánh, chúc tụng” (Mc 14, 22). Cử chỉ Bẻ Bánh đã trở thành nét đặc trưng của Chúa Giêsu (x. Lc 24, 30) và của Giáo hội (x. Cv 2, 42).
Được bánh ăn, dân chúng muốn “bắt lấy Ngài tôn lên làm vua” (Ga 6, 15). Họ tiếp nối Satan cám dỗ Ngài lần nữa. Chúa Giêsu nhắc nhở họ rằng người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh “Hãy ra công làm việc, đừng vì lương thực hư nát nhưng vì lương thực sẽ lưu lại mãi đến sự sống đời đời mà Con Người sẽ ban cho các ngươi” (Ga 6, 27). Họ xin cho được ăn mãi thứ bánh ấy và Chúa đã bảo họ: “Chính Ta là bánh trường sinh. Ai đến với ta không hề phải đói, ai tin vào ta, chẳng khát bao giờ” (Ga 6, 35). Chóp đỉnh của mạc khải về Bánh Hằng Sống, chính là “Ai ăn thịt ta và uống máu ta thì được sống muôn đời, và ta sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết” (Ga 6, 54). Ăn thịt, uống máu nhấn mạnh đến cái chết trên thập giá của Chúa.
“Bánh ta sẽ ban” hướng về cái chết của Chúa Giêsu và gợi đến Tiệc Thánh Thể lưu niệm vĩnh viễn sự chết cứu độ của Chúa trên Thập giá. Giá trị cứu rỗi của của cái chết trên Thập giá được hiện tại hoá luôn mãi trong Tiệc Tạ Ơn của Giáo Hội. Người tín hữu được sống dồi dào khi ăn uống Mình Máu Chúa Giêsu. Chúa vẫn tiếp tục đồng hành cùng Giáo hội, thực hiện công trình cứu độ trong Giáo hội, qua Giáo hội và với Giáo hội.
Bánh và rượu tương trưng đầy đủ chính con người chúng ta. Bánh là kết quả công lao khó nhọc của con người. Người ta thường nói: Đổ mồ hôi, sôi nước mắt mới có mà ăn. Bánh như thế tượng trưng công lao khó nhọc của con người và chính sự sống con người.
Bên cạnh đời sống vật chất còn có đời sống tinh thần. Vì thế cùng với bánh, chúng ta dâng rượu. Rượu tượng trưng cho mọi nỗi vui buồn sướng khổ của đời người: khi vui, ta uống chén rươụ mừng, nhưng khi buồn, ta uống chén rượu giải khuây. Dâng lên Chúa bánh và rượu, là chúng ta dâng lên tất cả đời sống với mọi nỗi vui buồn sướng khổ, tất cả dệt nên cuộc sống hiện tại của mình.
Người tín hữu được lớn lên trong đức tin, trong lòng mến nhờ ân sủng của Thánh Thể Chúa Kitô “Chính tôi là Bánh trường sinh. Ai đến với tôi không hề phải đói;ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ” (Ga 6, 35). “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời” (Ga 6, 51). Thánh Thể như thế là mối hiệp nhất giữa Thiên Chúa và con người; là quà tặng Thiên Chúa trao ban cho nhân loại, và chính là lương thực thiêng liêng, bảo đảm hạnh phúc trường cửu của chúng ta.
Bí tích Thánh Thể là ‘nguồn mạch và tột đỉnh của đời sống Kitô hữu’ (GH 11), là trung tâm điểm của Phụng Vụ vì cử hành mầu nhiệm Vượt Qua, ‘mầu nhiệm Chúa Kitô hoàn tất công trình cứu độ chúng ta’ (GLCG 1068).
Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con một niềm tin nhạy cảm để biết nhận ra bàn tay quan phòng của Chúa. Xin ban cho chúng con tấm lòng quảng đại, để biết cộng tác với nhau, để biết sống chia sẻ, hầu cảm nhận được tình yêu của Chúa trong cuộc sống hàng ngày. Amen!
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
================
Suy niệm 6
‘TỪNG CHÚT MỘT’ CHẲNG BAO GIỜ VÔ NGHĨA CẢ!

Mỗi khi được mời gọi đóng góp, hoặc chia sẻ những gì mình có, hầu giúp đỡ tha nhân, chúng ta thường nghĩ hoặc nói: bản thân tôi làm được gì? Phần của tôi quá ít ỏi làm sao mà giúp được ai?
Kính thưa quý ông bà và anh chị em! Có lẽ còn nhiều cách suy nghĩ, cũng như lời đáp khác, nhưng tựu chung lại: một mình tôi sẽ chẳng làm được gì! Đúng vậy, chỉ cá nhân chúng ta sẽ không làm gì được, nhưng phải chăng ’từng chút một’ lại vô ích sao? Các bài đọc hôm nay, đặc biệt, bài đọc I trích Sách các Vua quyển thứ 2 và bài Tin Mừng theo Thánh Gio-an, cho chúng ta một cách nhìn khác về sự ít ỏi, về sự không đáng kể, nhưng nếu được đặt vào bàn tay Chúa thì nó trở nên đông đảo, vô số, và vô kể.
Trước hết, từng chút một sẽ trở nên vô vàn nếu biết đặt niềm tin nơi Chúa và cộng tác với Ngài bằng cách đónggóp phần nhỏ của mình. Thời ngôn sứ Ê-li-sa, chỉ vỏn vẹn hai ‘hai mươi chiếc bánh mạch nha và lúa mì’ (x. 2V 4, 42) của một người xứ Baal-salisa mà đủ cho ‘một trăm người ăn’ (x. 2V 4, 43). Làm sao có thể như vậy được? Bởi lẽ ông tin tưởng vào lời tiên tri Ê-li-sa là ‘người của Thiên Chúa’ nói: “Cứ dọn cho dân chúng ăn, vì Chúa phán như sau: ‘Người ta ăn rồi mà sẽ còn dư’ (2V 4, 43), hơn nữa, ông còn biết chia san phần nhỏ của bản thân. Tương tự, hình ảnh em bé mang ‘năm chiếc bánh và hai con cá’, mà được Tông đồ An-rê phát hiện, rồi thông báo cho Đức Giê-su, cũng biết đóng góp phần nhỏ của mình. Có lẽ đây là thức ăn đi đường của em và của gia đình em trong ngày hôm ấy. Giả sử, em bé này suy nghĩ như chúng ta: một mình tôi thì làm được gì! Quá ít ỏi chẳng thấm vào đâu! Rồi không chịu chia sẻ, vì sợ sẽ chẳng có gì để bỏ vào bụng trên đường về nhà. Như vậy, có lẽ Đức Giê-su vẫn làm phép lạ hoá bánh ra nhiều, nhưng bằng một cách khác chăng! Tuy nhiên, thực tế, em bé đã sẵn sàng góp phần ít ỏi của mình, với tinh thần phó thác hoàn toàn vào Đức Giê-su, để Ngài lo liệu cho dân chúng. Và điều kỳ diệu đã đến! Phép lạ luôn đến từ đức tin vào Thiên Chúa. Một chút chẳng là gì, nhưng nó trở nên nhiều vô kể khi chúng ta tin tưởng vào Chúa, đồng thời chia san phần của mình, và giao phó cho Chúa.
Thứ đến, từng chút một sẽ trở nên vô kể, nếu biếtvâng phục, thực hiện những gì Chúa truyền dạy. Ở bài đọc I, người từ Baal-salisa tuy sửng sốt trước lời nói của ngôn sứ Ê-li-sa, nhưng vẫn tuân phục và thực hiện như lời truyền. Kết quả của hành động đó quá rõ ràng: “Đoạn người dọn cho họ ăn mà còn dư đúng như lời Chúa phán” (2V 4, 44). Chúng ta đôi lúc cũng như Tông đồ Phi-líp-phê khi nghe Đức Giê-su nói cho đám đông ăn, ông liền đáp: “Hai trăm bạc bánh cũng không đủ để mỗi người được một chút” (Ga 6, 7), và chẳng khác gì với Tông đồ An-rê lúc thưa với Đức Giê-su: “…nhưng bấy nhiêu thì thấm vào đâu cho từng ấy người” (x. Ga 6, 9). Tuy nhiên, các ông đã vâng phục, thực hiện những gì Ngài căn dặn: “Cứ bảo người ta ngồi xuống” (Ga 6, 10), và mọi việc diễn ra một cách kỳ diệu trước mắt các Tông đồ, với đám đông năm ngàn người đàn ông (chưa kể đàn bà, con trẻ). Trong những lúc này, nếu chỉ dùng lí trí thuần tuý, trí tuệ, kiến thức, nhằm áp đảo đức tin, thì chắc hẳn chúng ta khó làm theo điều có vẻ nghịch lý, nhưng thật sự đã xảy ra diệu kỳ. Đức tin khiến chúng ta đặt niềm tín thác vào Chúa, làm cho tâm hồn nhẹ nhàng mở rộng chứ không khép kín, biến sự bất tuân thành vâng phục trìu mến thiết tha, và đưa chúng ta đến việc hành động, thực hiện theo lời Chúa truyền dạy, đặc biệt, sống giới răn yêu mến Chúa và thương yêu tha nhân.
Sau cùng, từng chút một sẽ trở nên dư dật hơn cảlòng mong đợi của chúng ta, nhờ vào ơn Thánh. Một khi chúng ta chia sẻ phần nhỏ bé của mình với cả niềm tín thác, và vâng phục làm theo Lời Chúa như em bé và các Tông Đồ trong bài Tin Mừng hôm nay, thì phần còn lại Đức Giê-su chắc chắn sẽ thực hiện, một hành động cao quý, vượt xa lí trí, mà chúng ta được diện kiến hằng ngày qua Bí tích Thánh Thể, nơi Thánh Lễ qua vị Linh mục bất xứng, yếu hèn: “Ngài cầm lấy bánh, tạ ơn, và phân phát cho các kẻ ngồi ăn…” (x. Ga 6, 11). Ơn Thánh Chúa không những đủ đầy cho mỗi chúng ta, mà còn dư tràn, vượt trên sự kỳ vọng, lòng mong đợi, niềm khát khao của chúng ta như thể: “…thu lại được mười hai thúng đầy bánh vụn do năm chiếc bánh lúa mạch người ta đã ăn mà còn dư” (x. Ga 6, 13). Ơn Chúa tuôn đổ tràn ngập trên mọi ngóc ngách cuộc đời, mọi nẻo đường đời chúng ta, mọi trạng huống cuộc sống này, nhưng chúng ta đừng bao giờ lãng phí ân sủng Chúa ban như lời Ngài căn dặn các Tông Đồ: “Khi họ đã ăn no nê,… ‘Hãy thu lấy những miếng còn lại, kẻo phí đi’” (x. Ga 6, 13). Để sống tinh thần này, chúng ta không thể không học nơi mẫu gương của Thánh Phao-lô khi ngài dặn dò các tín hữu thuộc giáo đoàn Ê-phê-sô “ăn ở xứng đáng với ơn gọi mà anh (chị) em đã lãnh nhận…Hết lòng khiêm nhượng, hiền hậu, nhẫn nại, chịu đựng nhau trong đức ái; hãy lo bảo vệ sự hợp nhất, lấy bình an hoà thuận làm dây ràng buộc” (Ep 4, 1-3). Được như vậy, chúng ta hằng cảm nghiệm và ngâm mình trong ân sủng Chúa.
Lạy Chúa, đối với chúng con “từng chút một có thể chẳng có nghĩa gì”, nhưng “từng chút ấy sẽ trở nên lớn lao, dư tràn” nhờ vào ơn Thánh, nhờ vào niềm tín thác và lòng vâng phục thực thi Lời Chúa dạy bảo chúng con.

 

                        Từng chút từng chút một

                        Điểm này nối điểm kia

                        Tạo mối duyên liền mạch

                        Dây gắn kết cõi lòng

                        Chia san chẳng đợi mong

                        Tín thác, hằng trông cậy

                        Một lòng vâng phục sống

                        Mến Chúa và yêu người. Amen!

Lm. Xuân Hy Vọng

=================
Suy niệm 7
BÁNH HÓA NHIỀU
2V 4,42-44; Ep 4,1-6; Ga 6, 1-15
Đám đông dân chúng lũ lượt đi theo Đức Giêsu, bởi họ được chứng kiến những dấu lạ Ngài đã làm cho những kẻ đau ốm. Thấy đám dân đông đảo theo mình mệt mỏi đói khát, Ngài chạnh lòng muốn nuôi sống họ, Ngài “thăm ý” ông Philipphê: “Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây?” (Ga 6,5b). Ngài “thử” ông vậy thôi, chứ Ngài đang chuẩn bị thực hiện một phép lạ cả thể.
Các môn đệ của Ngài lúc bấy giờ chỉ chứng kiến Ngài rao giảng, dạy dỗ, cắt nghĩa chuyện tâm linh, chứ đâu Thầy Giêsu lại đi lo nuôi ăn đám đông ngút ngàn. Nên các ông bàn lùi, muốn Ngài giải tán cho xong. Ông thì nại lý do không có tiền, có mà... “đến hai trăm quan tiền bánh cũng chẳng đủ cho mỗi người một chút.” (Ga 6,7). Ông thì xem lại “tầm tay” chỉ có năm chiếc bánh và hai con cá, thấm gì khối người đông ùn ùn thế kia? Không cầm lòng trước cơn đói khát của dân chúng, Đức Giêsu “biết mình sắp làm gì” nên vẫn ra lệnh bảo cho họ ngồi xuống “đồng cỏ” mà chuẩn bị giờ ăn. Đó là hình ảnh thật đẹp trong tình thương yêu, đoàn chiên được vị mục tử nhân lành cho nghỉ ngơi, nuôi ăn trên đồng cỏ xanh tươi.
Ngài dùng uy quyền làm bánh hóa ra nhiều, với cử chỉ “cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, rồi phân phát cho những người ngồi đó.” (Ga 6,11). Đây là hình ảnh báo trước việc Đức Giêsu sẽ lập Bí tích Thánh Thể để ở lại và nuôi dưỡng chúng ta mỗi ngày. Ngài là Đấng ban bánh, chính Ngài là bánh trao ban cho mọi người. Dưới cái nhìn của các môn đệ và dân chúng ngày xưa, nhìn vào thực lực sẵn có, họ không ngờ Đức Giêsu thực hiện được phép lạ bánh hóa nhiều nuôi năm ngàn người ăn no nê, lại còn dư mười hai thúng, nên cứ nại vào những khó khăn trước mắt.
Ngày nay cũng vậy, sự Hiện Diện của Chúa, làm của ăn nuôi dưỡng các Kitô hữu mỗi ngày mãi mãi trong Bí tích Thánh Thể là điều khó tin. Một khi Thiên Chúa muốn, thì chẳng có điều gì là không thể, và thật diễm phúc cho những ai không thấy mà tin. Chỉ với năm chiếc bánh và hai con cá, Ngài làm cho ngàn ngàn người ăn dư thừa. Với Bí tích Thánh Thể, Ngài nuôi mọi người mọi thời cho đến tận thế là điều hoàn toàn có thể với cặp mắt đức tin, chỉ cần tôi biết tìm đến mà tận hưởng thần lương cao quý này.
Trình thuật dấu lạ hôm nay kết thúc với sự việc  dân chúng theo Ngài được nuôi ăn no nê thỏa sức, hơn cả dân Israel ngày xưa được ăn manna vừa đủ. “Có thực vực đạo”, họ tin Đức Giêsu là vị Ngôn sứ, Đấng phải đến thể gian. Đức Giêsu biết họ sắp đến bắt mình mà tôn  lên làm vua, để mãi mãi được no cái bụng, nhưng Ngài lại trốn lên núi một mình. Ngài không muốn làm ông vua thế gian, mà chỉ muốn làm Vua Nước Trời, Vua Tình Yêu trong tâm hồn, trong con tim của họ mà thôi.
Chúa ơi! chính Chúa đã dâng hiến chính mình làm hy tế trên Thập Giá cho nhân loại. Chính Chúa đã trở thành của ăn nuôi sống con từng ngày. Xin cho con biết tìm đến, mãi “đi theo” Chúa, để được tận hưởng no say, được dưỡng nuôi, được lớn lên, được tăng sức mà vượt qua hành trình trần thế đầy khó khăn vất vả hôm nay.
Én Nhỏ 
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Giáo xứ Yên Tập: Đức cha Đaminh dâng Thánh lễ mừng Chúa Giáng Sinh 2024
Giáo xứ Yên Tập: Đức cha Đaminh dâng Thánh lễ mừng Chúa Giáng Sinh 2024
Trong niềm vui chung của toàn nhân loại mừng ngày Ngôi Hai Thiên Chúa giáng thế cứu độ trần gian, Giáo xứ Yên Tập hân hoan chào đón Đức cha Đaminh, Giám mục Giáo phận đã đến thăm và chủ tế Thánh lễ mừng Chúa Giáng Sinh vào tối ngày 25 tháng 12 năm 2024.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log