Chúa nhật, 24/11/2024

Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật XVIII Thường Niên B

Cập nhật lúc 09:12 28/07/2021
Suy niệm 1
Muốn hơn!
Ga 6, 24 - 35
Ước muốn của con người. Theo Bernard de Clairvaux: “Con người là một hữu thể ước muốn. Con người ước muốn mọi thứ và không bao giờ bằng lòng với những gì mình có. Ước muốn của con người là vô độ, vì nếu bằng lòng với những gì mình có, thì sẽ giết chết ước muốn và, một cách nào đó, sẽ ngừng ước muốn hơn. Và nếu ngừng ước muốn hơn, thì, một cách nào đó sẽ ngừng sống hoặc nếm trải hương vị để sống”.
Thế giới tiêu thụ hôm nay cũng dựa trên ước muốn này. Thế giới hôm nay thúc đẩy chúng ta tiêu thụ liên tục những thứ khác và hơn thế. Đồ dùng hoặc đồ vật được sản xuất ra trong quá khứ bị coi là lỗi thời, cần phải thiết kế lại và đổi mới nhanh nhất có thể. Thế giới liên tục tiêu thụ và vì thế người ta liên tục sản xuất và cung cấp việc làm cho những người sản xuất. Như vậy, thế giới chúng ta đang làm việc vì "của ăn hay hư nát". Người ta có thể đặt vấn đề: thế giới tiêu thụ của chúng ta sẽ đi về đâu? Hơn nữa thế giới này đang tạo ra sự bất bình đẳng ngày càng tăng giữa người có khả năng mua sắm và người nghèo.
Thế giới chúng ta đang sống, con người muốn tất cả các nhu cầu được thỏa mãn. Tuy nhiên, sự thất vọng đang chờ chúng ta…! Cũng chỉ vì ảnh hưởng của thế giới tiêu thụ, mà khi đối diện với nạn dịch khủng khiếp hiện nay, người ta mất tin tưởng vào Thiên Chúa. Đau khổ biết bao khi một người cha trong gia đình chống lại nạn thất nghiệp hoặc khi những yêu cầu của công việc hàng ngày quá nặng nề: người ta muốn tự tử không muốn sống nữa. Vì vậy, thế giới chúng ta lúc này cần phải có mối tương quan để mọi người đáp ứng nhu cầu cụ thể và cao quý nhất. Điều này chỉ có thể được trải nghiệm nếu chúng ta biết rằng những ước muốn của chúng ta sẽ không bao giờ được thỏa mãn: Thiên Chúa vĩ đại hơn trái tim chúng ta. Khốn cho những ai cho rằng mình đã thỏa mãn rồi! Họ không còn có thể được yêu thương nữa. Họ quên rằng, dù chúng ta là ai, chúng ta vẫn luôn được bao bọc bởi tình yêu của Thiên Chúa, Đấng ban chính mình cho chúng ta bằng cách ban cho chúng ta Con Yêu Dấu của Ngài.
Ước muốn của Thiên Chúa. Chắc chắn thời đại Chúa Giêsu chưa nảy sinh thế giới tiêu thụ. Nhưng ước muốn của con người là vô độ; ước muốn của con người bám chặt vào các thứ tiêu thụ. Chúa Giêsu nói: "Thật, Tôi bảo thật các ông, các ông đi tìm Tôi không phải vì các ông đã thấy dấu lạ, nhưng vì các ông đã được ăn bánh no nê”.
Sự đói khát của đám đông vừa được Chúa Giêsu làm cho nguôi qua việc Ngài làm phép lạ hóa bánh ra nhiều cho họ ăn. Họ tìm kiếm Ngài để nhận được nhiều hơn, phong phú hơn. Họ là những người yêu cầu một dấu lạ để họ có thể thấy và tin. Họ nhớ lại Môsê, là người đã cho cha ông họ ăn man-na trong sa mạc. Phải chăng họ không nhớ rằng chính họ đã nhận được dấu lạ hóa bánh ra nhiều cách đây không lâu? Ước muốn tiêu thụ của họ luôn khiến họ quên đi những gì họ được nuôi sống trước đó.
Khi ước muốn chỉ nhắm vào vật chất, con người quên mất Đấng muốn đi vào tương quan với con người bằng ân huệ mà Ngài đã ban cho. Chúa Giêsu nói: “Các ông hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh”.
Chúa Giêsu đã cho đám dông dân chúng một dấu lạ về mối tương quan của Ngài với họ, nhân danh Thiên Chúa. Ngài cố gắng định hướng ước muốn của họ không hướng tới những thứ để chiếm hữu mà hướng tới một mối tương quan tạo dựng. Ước muốn của con người sẽ lạc lối, khi ước muốn của họ không hướng về Thiên Chúa, Đấng ước muốn con người để đến lượt con người cũng ước muốn Ngài. Ước muốn chỉ nhắm vào vật chất thì luôn vô độ và chết chóc. Ước muốn Thiên Chúa mà chúng ta có, là nguồn sống: “Chính Tôi là bánh trường sinh. Ai đến với Tôi, không hề phải đói; ai tin vào Tôi, chẳng khát bao giờ”!
Những người đến vây quanh Chúa Giêsu đã hỏi Ngài: "Chúng tôi phải làm gì để thực hiện những việc Thiên Chúa muốn?" Và Ngài đã trả lời họ: "Việc Thiên Chúa muốn cho các ông làm, là tin vào Đấng Người đã sai đến." Người ta có thể nhồi cho no không chỉ thực phẩm mà còn cả kiến ​​thức, kể cả kiến ​​thức tôn giáo. Người ta có thể nhồi cho no luật luân lý và tín lý. Nếu không tương quan với Thiên Chúa, ước muốn của chúng ta về tất cả những thứ đó sẽ bị hư hỏng như khi chúng ta tìm cách tích lũy thêm của cải.
Đức tin kết hợp ước muốn của Thiên Chúa với ước muốn của con người. Đức tin trước hết không phải chủ yếu là việc tuân thủ nội dung đức tin. Đức tin làm cho ước muốn của con người không bị sa lầy. Đức tin vượt lên trên bất kỳ đối tượng tiêu thụ hoặc kiến ​​thức nào. Đức tin mở ra trong chúng ta một không gian vô tận, là chính Thiên Chúa. Nói cách khác, Thiên Chúa hoàn toàn trao ban chính mình để giải phóng chúng ta khỏi tất cả những mồi nhử chúng ta
Thánh Augustinô đã cho chúng ta kinh nghiệm sâu xa về cuộc đời của ngài: Sau một thời gian tìm kiếm danh vọng, tình yêu nơi thụ tạo, Augustino vẫn không tìm được hạnh phúc, vẫn cảm thấy cuộc đời thật phũ phàng và vô nghĩa! Cuối cùng, ngài đã trở về tìm kiếm hạnh phúc nơi chính Thiên Chúa và sung sướng kêu lên: "Lạy Chúa, Chúa ở sâu thẳm trong con hơn chính con, mà bấy lâu con không biết. Con luôn khao khát, cho tới khi nào được nghỉ yên trong Chúa".
Ước muốn của Chúa Giêsu Kitô, giới răn tối thượng của Ngài, là: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy yêu thương anh em”. Ước muốn của Chúa Giêsu Kitô, giới răn tối thượng của Ngài, là chúng ta trao đổi với mọi người những lời nói thật, những lời của cuộc sống! Ngài mong muốn chúng ta sống và trao ban sự sống. Ngài yêu cầu chúng ta không bị quyến rũ bởi một xã hội tiêu thụ!
Linh mục Gioan Đặng Văn Nghĩa
===================
Suy niệm 2
Ga 6, 24 – 35
Sau phép lạ hóa bánh ra nhiều, thì xảy ra những chuyện sau đây:
Một. Chúa ra lệnh cho các Tông Đồ phải xuống thuyền về ngay Caphácnaum. Chúa không muốn họ ở lại, vì sợ họ sẽ hùa theo quần chúng để tổ chức lễ tôn vương Chúa.
Hai. Chúa trốn lên núi cầu nguyện cho tới quá nửa đêm, thì xuống và đi bộ trên mặt hồ. Các Tông Đồ tưởng là ma. Chúa bảo: “Thầy đây. Đừng sợ”. Sau đó Chúa lên thuyền để cùng về Caphácnaum.
Ba. Thấy Chúa trốn rồi, quần chúng đành bỏ cuộc, giải tán đi về nhà. Nhưng có một số người có máu mặt, không chịu về, họ nghĩ trọ tại bến đò. Sáng hôm sau họ tới Caphácnaum tìm Chúa. Khi gặp Chúa, họ hớn hở chào: “Thầy về đây hồi nào vậy?” Họ thì hớn hở, còn Chúa thì không thèm hớn hở, Ngài trả lời lạnh tanh: “Các ông tìm tôi không phải vì một dấu lạ, mà chỉ vì được ăn no cái bụng.”
Bài Tin Mừng cho ta thấy cả ý lẫn tâm của Chúa. Thấy dân đói, thì không nỡ tâm cho họ ra về với cái bụng lép kẹp và run chân run tay. Chúa buộc lòng phải thực hiện một phép lạ lớn. Nhưng Chúa rất buồn vì dân chúng muốn tôn Chúa làm vua để dân không bao giờ đói và để Chúa lật đổ chế độ thuộc địa của đế quốc La mã và nâng nước Do Thái lên hàng bá quyền. Như vậy là biến đạo thành sinh hoạt kinh tế và chính trị. Như vậy là lợi dụng tôn giáo để làm kinh tế và chính trị. Chúa cực kỳ dị ứng với lập trường ấy. Nhưng chúng ta nên coi chừng, vì có thể chúng ta cũng có lập trường ấy như quần chúng Do Thái.
Một chuyện khá khôi hài là 12 Tông Đồ, tức là một tập thể 12 người đàn ông. Vậy mà lại sợ ma, khi thấy Chúa lội bộ trên mặt nước song song với con thuyền. Chúa bảo họ: “Thầy đây, đừng sợ.” Như vậy có nghĩa là Chúa dị ứng với nỗi sợ. Có Chúa mà sợ là phi lý và làm nhục cho Chúa. Có Chúa mà sợ thì thua thằng cu tý. Không có bố thì nó sợ đủ thứ hết, sợ từ con sâu róm cho tới con rắn, nhưng nếu có bố, thì không những không sợ gì, mà còn giơ tay thách thức với con chó hung dữ đang sủa gâu gâu.
Thái độ lạnh nhạt của Chúa đối với mấy người ngủ trọ ở bến đò rồi hôm sau lên thuyền đi tìm gặp Chúa cho ta thấy Chúa đang chuẩn bị một kế hoạch lớn. Khi Chúa nói: “Các ông tìm tôi không phải vì một dấu lạ, mà vì được ăn no cái bụng. Điều đó chứng tỏ rằng phép lạ hóa năm ổ bánh mì thành lương thực làm no hơn 5000 nghìn cái bụng chỉ là chuyện nhỏ không đáng quan tâm. Nó chỉ là một dấu lạ báo trước một phép lạ vĩ đại hơn nhiều. Phép lạ vĩ đại ấy là Bí tích Thánh Thể. Phép lạ hóa bánh trước mắt là an ủi hơn 5000 cái bụng đói. Sau là để mọi người tin khi Chúa cầm ổ bánh mì mà tuyên bố rằng: “Đây là thân thể của Thầy, chúng con hãy cầm lấy mà ăn. Ai ăn bánh này sẽ được sống muôn đời.” Nếu đã thấy Chúa hóa bánh ra nhiều, thì phải tin Chúa có quyền biến bánh mì thành thân thể Ngài và biến rượu nho thành máu Ngài. Biết thế, hiểu thế, thì khi ta rước Mình Thánh Chúa, ta sẽ cảm động biết dường nào và ta sẽ vinh dự biết bao vì khi rước Mình Thánh Chúa, thì ta và Đấng Toàn Năng trở thành một. Ôi! Tuyệt vời và siêu tuyệt vời.
Linh mục Piô Ngô Phúc Hậu
===================
Suy niệm 3
Môsê, Người Lãnh Đạo Là Tôi Tớ Của Dân
Trong bối cảnh gian truân tư bề của những ngày ôn dịch, hôm 23/07, Ông Lâm Minh Thành, chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang nói những câu được nhiều người khen tặng và bình luận: “Đi chợ mua đồ ăn, thức uống, đi chợ nào, mua cái gì là quyền của dân. Một bó rau, một mớ hành cũng phải để cho dân chở đi bán”; "Việc đi chợ nào, mua cái gì, mua bao nhiêu là quyền của người dân. Họ phải ăn, uống mới sống được. Đâu phải chợ nào cũng giống chợ nào. Có chợ ở phường này, xã này bán thứ này, chỗ khác bán thứ khác, cho nên không được cứng nhắc khi áp dụng, mà phải linh động, phải hiểu nhu cầu thực tế của người dân. Ở vùng sâu, vùng xa, người ta đất ít, trồng được 1 bó rau, mớ hành cũng phải để cho dân chở đi bán, để ở nhà 2, 3 ngày rau cải hư hỏng hết. Người có nông sản bán được thì người mua mới có để mà mua. Mình chống dịch chặt chẽ, nhưng không được ngăn sông cấm chợ"…
Ông Thành được khen là: con người công vụ gần Dân, hiểu Dân và làm việc vì Dân…Từ khi "gà chưa biết gáy" đến...bi giờ, mới nghe được một vị lãnh đạo có lời nói đứng về phía Dân…Trong lúc này, lãnh đạo nào mà sống gần Dân, hiểu Dân, cống hiến vì Dân, thì họ là Thánh trong lòng Dân…
Bài trích sách Xuất hành ngày Chúa nhật hôm nay nói về Môsê một nhà lãnh đạo vì Dân, yêu thương Dân.
Tôi đã đọc đâu đó câu này: “Cần một ngày để đưa dân Do thái ra khỏi Ai cập, nhưng cần bốn mươi năm để đưa Ai cập ra khỏi người Do thái”.
Tại sao phải mất 40 năm để đưa Ai cập ra khỏi người Do thái? Bài đọc 1 hôm nay nêu lý do. Dân Do thái than vãn với Môsê: “Phải chi chúng tôi chết bởi tay Đức Chúa trên đất Aicập, khi còn ngồi bên nồi thịt và ăn bánh thoả thuê. Nhưng không, các ông lại đưa chúng tôi ra khỏi đó mà vào sa mạc này, để bắt chúng tôi phải chết đói cả lũ ở đây!” (Xh 16,3). 
Dân Do thái đã buông ra những lời trách móc nặng nề ông Môsê và ông Aharon. Nhiều lần dân đã trách móc, xỉa xói và tỏ thái độ vô ơn bạc nghĩa đối với ông Môsê, vị đại ân nhân của họ.
Hành trình sa mạc với nhiều thử thách là dịp thanh luyện dân tuyển chọn khỏi nổi nhớ “thịt béo, củ hành củ tỏi Ai cập”. Suốt 40 năm, họ được thử thách, tinh luyện để vào đất hứa. Đó là thời gian giáo dục để trở thành một dân tộc, một cuộc giáo dục từ từ, dạy họ tin tưởng vào quyền năng Thiên Chúa bằng cách thi thố những phép lạ, dạy họ tín nhiệm vào sự quan phòng của Thiên Chúa bằng cách ban manna, chim cút và nước vọt ra từ tảng đá. Sự hiện diện của Thiên Chúa giữa dân Người trong sa mạc là một sự hiện diện đầy yêu thương. Môsê vị lãnh đạo là khuôn mặt nổi bật nhất suốt chặng đường gian truân này.
1. Môsê, người của Thiên Chúa luôn sống liên đới với dân.
Môsê nhà lãnh đạo đã dành cả đời lo cho dân. Ông đã trải qua biết bao đau khổ, sợ hãi và lo lắng để chăm sóc cho dân. Nhưng dân lại trách móc, than phiền và mắng nhiếc ông. Dân đối xử tệ bạc với Môsê. Họ xem ông như chính là thủ phạm gây ra những đau khổ và bất hạnh cho họ và gia đình họ vậy. Thật bất công!  
Vậy mà cả đời Môsê vẫn một mực yêu thương liên đới với dân, sống chết với dân trong lời táo bạo với Chúa mà thấm đượm lòng thương dân:“Tôi không muốn một mình sống hạnh phúc bên cạnh Chúa, nếu ở đó tôi không có Dân của tôi!”.
Từ ngày được Thiên Chúa gọi để lãnh đạo Dân Chúa (Xh 3,10), Môsê dần dần thấu hiểu và thâm tín rằng: vị tư tế ở giữa dân Chúa không những phải sống hoàn toàn liên đới với Thiên Chúa, mà còn phải hoàn toàn liên đới với dân Chúa.
Môsê luôn là người tôi tớ trung thành của Thiên Chúa và là vị lãnh đạo quảng đại, đầy lòng xót thương, liên đới với dân cho dù dân ‘cứng cổ’, tội lỗi, bất trung.
a. Môsê, người của Thiên Chúa
Là tư tế, Môsê tường trình mọi việc của dân chúng ‘lên Thiên Chúa’ (Xh 18,19). Ông đàm đạo và nhận chỉ thị của Thiên Chúa trong Trướng tao phùng (Xh 33,9); ông thể hiện vai trò trung gian của vị tư tế, môi giới giữa Thiên Chúa và dân, nối kết hai bên bằng máu giao ước (Xh 24,6-8); ông còn chọn Aharôn và con cái Aharôn để sung vào chức tư tế (Xh 28,1), cũng như thay mặt Thiên Chúa để tác thánh họ (Xh 29,1-46). Chính việc tiếp xúc thường xuyên với ‘lãnh vực thánh’ đã dần dần khiến ông đi sâu về phía Thiên Chúa, đến độ Kinh Thánh đã không ngần ngại gọi ông là ‘người của Thiên Chúa’ (Tl 33,1; Yôs 14,6).
Môsê có những lúc tiếp xúc thân mật với Thiên Chúa, được chan hoà sự hiện diện của Người, mặt ông đã rạng sáng lên, dọi chiếu lại vinh quang của Thiên Chúa, vinh quang mà không một người phàm nào có thể nhìn thẳng được: “Aharon và toàn thể con cái Israel trông thấy Môsê và này da mặt ông chói lọi và họ sợ không dám tiến lại với ông” (Xh 34,30). Khi ông vào Trướng tao phùng đàm đạo với Thiên Chúa, toàn dân phủ phục (Xh 33,7-11). Ở đó, Thiên Chúa nói chuyện với ông như nói chuyện với một người bạn thân ‘diện đối diện’ (Xh 33,11). Ông thật sự trở nên con người mà Thiên Chúa ‘biết’ đích danh và không ngần ngại đồng hành với ông (Xh 33,12-17). Môsê táo bạo thỉnh cầu được nhìn thấy dung nhan Thiên Chúa (Xh 33,18-23). Thiên Chúa đã nhượng bộ cho ông nhìn thấy Người… Nhưng từ phía sau lưng: “… Ta sẽ cất bàn tay Ta đi và Ngươi sẽ nhìn thấy phía sau Ta, nhưng Nhan Ta, người ta sẽ không nhìn thấy được” (Xh 33,23).
b. Môsê, người liên đới với dân Chúa
Môsê được sống bên cạnh, thân mật với Thiên Chúa, và tâm trí ông luôn hướng về dân Chúa: “Nếu quả tôi được nghĩa với Người, xin Chúa tôi khấng đi làm một với chúng tôi, vì đó là một dân cứng cổ và Người sẽ tha thứ tội lỗi chúng tôi và cho chúng tôi làm cơ nghiệp của Người” (Xh 34,9). Từ ngữ ‘chúng tôi’ ở đây thật cảm động! Môsê đã không đặt mình trên dân, cũng không ở ngoài dân; nhưng hoàn toàn liên đới đến đồng hoá với dân, ngay cả nhận lãnh trách nhiệm về tội lỗi của dân.
Môsê bị phạt vì chính tội của dân, vì ông muốn liên đới với tội của dân: “Giavê đã phẫn nộ với cả ta nữa vì cớ các ngươi, mà rằng: cả ngươi nữa, ngươi cũng sẽ không vào!” (Tl 1,37). Hình phạt này đối với Môsê thật nặng nề và đau khổ. Môsê đã phải nằm xuống trên núi Nêbô, tại vùng đất Môab. Môsê chia sẻ hoàn toàn số phận của dân và dường như ông còn muốn ôm vào lòng cả thế hệ xuất Ai cập, thế hệ mà ông đã lãnh đạo, đã cầm tay đưa đến gặp gỡ Thiên Chúa tại Sinai, đã yêu thương cũng như đã chịu đựng… Thế hệ đó đã nằm xuống trong sa mạc. Môsê vì thế cũng ‘không muốn’ vào Hứa Địa một mình khi vắng bóng dân!
Môsê đã đau khổ cùng dân và cho dân! Môsê đã chết với dân và cho dân! Khuôn mặt và đời sống của Môsê đã in đậm nét trong lịch sử dân Chúa.
Môsê luôn luôn bênh đỡ, cầu bầu cho dân trước mặt Thiên Chúa: “Phải! Dân này đã phạm một tội rất lớn… Nhưng bây giờ, ước gì Người miễn chấp tội chúng; bằng không, xin Người hãy xoá tôi đi khỏi sách Người đã viết…” (Xh 32,30-32).
Lòng yêu thương, tình liên đới, thái độ bầu chữa, bênh vực dân của Môsê xuyên suốt trong quá trình ông lãnh đạo dân. Môsê gắn bó cả cuộc đời và mạng sống mình với dân tộc Israel.
2. Môsê là hình bóng của Đức Giêsu Kitô.
Môsê là vị cứu tinh, là vị trung gian giữa Thiên Chúa và dân. Môsê là ngôn sứ nói với dân về Đấng Cứu Độ một lời danh tiếng được nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Đó là: Đức Chúa sẽ cho xuất hiện “một ngôn sứ như tôi, anh em hãy nghe lời vị ấy” (Tl 18,15). Sau này, Têphanô vị tử đạo đầu tiên đã nhắc lại lời tiên tri đó (Cv 7,37); thánh Phêrô đã thấy thực hiện nơi Đức Kitô (Cv 3,22). Chính Môsê đã làm chứng về "Vị Tiên Tri" đó (Lc 24,27; Ga 5,46).
Là trung gian làm nhịp cầu giao ước giữa Thiên Chúa và dân Israel, Môsê tiên báo Đức Kitô, Đấng trung gian cho một Giao Ước mới hoàn hảo hơn. Dọc dài lịch sử cứu độ, Thiên Chúa đã thiết lập hai giao ước chính thức. Giao ước thứ nhất với Môsê trên núi Sinai. Giao ước thứ hai với Đức Kitô trên núi bát phúc và được bảo chứng trên Núi Sọ. Đây là Giao Ước Mới và là Giao Ước Vĩnh Cửu.
Đức Kitô, là Môsê mới đã hoàn thành tất cả những điều đã được ghi chép trong Lề Luật: "Những lời này, Ta đã nói cùng các ngươi, khi Ta còn ở với các ngươi, là phải nên trọn mọi điều đã viết về Ta trong luật của Môsê và các tiên tri cùng Thánh Vịnh" (Lc 24,44).
Môsê đã đưa dân Israel nô lệ ở Ai cập, xuyên qua sa mạc về Đất Hứa. Đó là hình bóng và là tiên báo Chúa Cứu Thế, Đấng là Đường, là Ánh Sáng đưa Israel mới đi qua cuộc đời trần thế mà tiến về Đất Hứa, là thành Giêrusalem trên trời.
Đức Kitô là Môsê mới của Dân Chúa. Tác giả thư Do thái quả quyết: “Trong mọi sự, Ngài đã nên giống các anh em Ngài, để trở thành vị Thượng tế lo việc Thiên Chúa, vừa biết xót thương, vừa trung tín, cốt để lo tạ tội cho dân” (Dt 2,17). Chính Người đã đón nhận lời mời gọi của Thiên Chúa để trở nên Vị Thượng Tế tuyệt đối trung tín với Thiên Chúa, đứng về phía Thiên Chúa (Dt 5,5-6), đồng thời Người cũng đã thể hiện một cách trọn vẹn sự liên đới với mọi người, đầy lòng xót thương đối với mọi người (Dt 5,9) qua hành động tự nguyện dâng hiến con người của mình làm lễ tế để kéo tình thương tha thứ của Thiên Chúa cho dân Chúa (Dt 5,8). Để đền tội cho dân và đem ơn cứu độ đến cho mọi người, Đức Giêsu Nazaret đã dùng chính máu mình để thiết lập Giao Ước Mới, một lần nữa nối kết Thiên Chúa với con người (Mc 14,24; Mt 26,28; Lc 22,20; 1C 11,25; cf Xh 24,8) và dùng cái chết tự nguyện đau thương trên thập giá, bị liệt vào hàng tội nhân (Mc 15,22-37; Mt 27,39-50; Lc 23,33-46; Ga 19,17-30; Rm 8,3; cf Tl 34,5-6) để đáp lại lời thách đố của Môsê? Từ đó, qua Đức Giêsu Kitô Cứu Thế, chắc hẳn Môsê sẽ được chứng kiến và nghe lại lời này: “Tôi muốn sống hạnh phúc bên cạnh Đức Chúa, và ở đó có cả dân của tôi nữa!” (x.Môsê, vị lãnh đạo của Dân Chúa: trung tín và liên đới, ĐGM Giuse Võ Đức Minh, WHĐ).
Môsê là một tấm gương lãnh đạo vì dân, mẫu gương người lãnh đạo là tôi tớ của dân. Ông được Thiên Chúa tuyển chọn ngay từ lúc còn rất nhỏ. Sau này, ông xác tín, lãnh trách nhiệm dẫn dắt Dân Chúa ra khỏi Ai Cập, vào miền Ðất Hứa. Cuộc đời của ông là gương mẫu cho những nhà lãnh đạo chân chính, thiện chí, phục vụ vì Dân vì Nước. Ông tu thân và thường xuyên gặp gỡ, đàm đạo với Thiên Chúa. Ông trình bày với Ngài về tình trạng của dân và xin ơn tha thứ. Rồi ông đón nhận Thánh Ý Ngài, cụ thể là Mười Giới răn, ghi khắc vào bia đá, truyền đạt lại cho dân. Dân chỉ tin người lãnh đạo, khi người lãnh đạo gặp Thiên Chúa và truyền đạt cho họ ý của Ngài.
3. Chúa Giêsu, người lãnh đạo đem lại cho dân sự sống đời đời.
Sau phép lạ bánh hoá nhiều, Chúa Giêsu biết dân chúng đi tìm mình chỉ vì đã được ăn bánh no nê. Có lẽ họ hy vọng sẽ được những bữa ăn tương tự. Chúa Giêsu muốn họ tìm đến lương thực thường tồn: “Các ông hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực trường tồn đem lại hạnh phúc trường sinh, là thứ lương thực Con Người sẽ ban cho các ông, bởi vì chính Con Người là Đấng Thiên Chúa Cha đã ghi dấu xác nhận". Bánh của Thiên Chúa chính là Đấng từ trời xuống và ban cho loài người, không chỉ sự no đủ về phương diện thể lý mà còn là sự sống đời đời: "Chính tôi là Bánh Hằng Sống. Ai đến với Tôi, không hề phải đói; Ai tin vào Tôi, chẳng khát bao giờ”. Chúa Giêsu là Bánh Bởi Trời, là lương thực chân thật cho những kẻ đói khát. Lời, sứ vụ và cuộc sống của Chúa Giêsu đều là bánh nuôi dưỡng linh hồn nhân loại đang đói khát thiêng liêng. Chúa Giêsu là sự khôn ngoan của Thiên Chúa và là Bánh Hằng Sống. Chúa Giêsu chính là Môsê mới cung cấp bánh ăn và giáo huấn khôn ngoan cho nhân loại. Chỉ có Chúa Giêsu mới làm thỏa mãn cơn đói đời đời.
Chúa Giêsu dạy cho các môn đệ con đường trở nên lớn lao thật sự. Đó là con đường phục vụ. Con đường phục vụ thay thế cho tham vọng thống trị. Giúp đỡ tha nhân thay cho tham vọng bắt người khác phục vụ chính mình. Chức quyền là để phục vụ lợi ích của mọi người. Địa vị chỉ là sự phân công hợp lý. Mỗi người một việc vì lợi ích của tập thể. Người lớn nhất, người đứng đầu là người phục vụ hết mình. Chức tước, chức vụ, chức vị, chức quyền chỉ là phương tiện để phục vụ. Ai sống tinh thần phục vụ đó là người lớn nhất. Ai không biết phục vụ thì là người nhỏ nhất. Giá trị của một con người không do địa vị chức tước mà tuỳ vào khả năng phục vụ và mức độ hữu ích của người đó. Chúa Giêsu mở ra một nền văn minh mới. Người lớn nhất không dùng quyền để lãnh đạo, nhưng dùng khả năng để phục vụ. Người lớn nhất không dùng sức mạnh để chỉ huy, nhưng dùng trái tim để yêu thương.
Linh mục Giuse Nguyễn Hữu An
===================
Suy niệm 4
Muốn sống muôn đời, hãy tin và làm theo ý Chúa
(Ga 6, 24 – 35)

Chúng ta đang chứng kiến cảnh con người trên thế giới giành giật sự sống trước cái chết do đại dịch Covid gây ra.
Cộng đoàn con cái Israel trước cái đói thể lý. Đói không có gì ăn thì sẽ chết. Họ sợ chết chết, nên họ kêu trách Môsê và Aaron: “Thà chúng tôi chết trong đất Ai-cập do tay Chúa, khi chúng tôi ngồi kề bên nồi thịt và ăn no nê. Tại sao các ông dẫn chúng tôi lên sa mạc này, để cả lũ phải chết đói?” (Xh 16, 2-4)
Dân chúng thời Chúa Giêsu, vì cái bụng, hay cụ thể hơn họ cũng sợ chết đói nên đi tìm bánh để ăn chứ không tìm Đấng Cứu Thế. Chính Chúa Giêsu nói: “Các ngươi tìm Ta, không phải vì các ngươi đã thấy những dấu lạ, nhưng vì các ngươi đã được ăn bánh no nê” (Ga 6,26).
Từ cái bụng rỗng không có gì, tức đói thể xác, Thiên Chúa đã cho “cho bánh từ trời rơi xuống như mưa”, nhưng cũng để thử coi dân có tuân giữ lề luật của chúa hay không (x. Xh 16…..). Từ của ăn phần xác, Chúa Giêsu khơi dậy sự khao khát của ăn đích thực cho sự sống đời đời nơi lòng họ. Tìm kiếm bánh để ăn no nên thật cần thiết, nhưng vun trồng mối quan hệ với Chúa Giêsu, củng cố niềm tin vào Người, Ðấng là bánh sự sống, đã đến để giải cơn đói chân lý, cơn đói công bình, tình yêu còn quan trọng và cần hơn thế nữa. Để có được thì ngay hôm nay phải ra công làm việc, việc đó chính là: “Tin vào Chúa Giêsu là Đấng mà Chúa Cha sai đến” (Ga 6,29).
Con người đã, đang và sẽ làm mọi cách để có được sự sống đời đời bằng nỗ lực của chính mình. Nhưng dù y họ có tiến bộ đến đâu đi chăng nữa, hứa hẹn tăng tuổi thọ cho con người, thì những nỗ lực đó không mang lại sự sống đời đời. Chỉ mình Thiên Chúa mới có thể cho chúng ta sự sống đời đời, vì Chúa là “Sự Sống”. Chúa hứa sẽ “tiêu diệt sự chết đến muôn đời” và ban sự sống vĩnh cửu cho những ai trung thành với Chúa. (x.​ Is  25, 8; 1 Ga 2,25). Tất cả những ai vâng lời Thiên Chúa đều có cơ hội sống đời đời, “nhưng bất cứ nơi dân tộc nào, ai kính sợ Người và làm lành thì đều được Người vui lòng chiếu nhận” (x. Cv 10,34, 35).  Câu hỏi: Làm sao để được sống đời đời là vấn nạn con người ở mọi nơi mọi thời đặt ra. Thánh Gioan cho ta câu trả lời: “Kẻ làm theo ý Thiên Chúa thì lưu tồn vạn đại” (x. 1Ga 2,17).
Đọc Tin Mừng Ga 6, 24-35, chúng ta thấy của ăn để sống đời tạm này cần phải kiếm tìm thế nào, thì của ăn cho sự sống đời đời càng phải ra công tìm kiếm hơn. Chúa Giêsu mời gọi dân chúng: “Các ngươi hãy ra công làm việc không phải vì của ăn hay hư nát, nhưng vì của ăn tồn tại cho đến cuộc sống muôn đời, là của ăn Con Người sẽ ban cho các ngươi. Người là Đấng mà Thiên Chúa Cha đã ghi dấu” (Ga 6,26-27). Chính Chúa Giêsu là bánh sự sống thật (x. Ga 6, 35), Người đến xoa dịu không chỉ cơn đói thể xác nhưng cả cơn đói của linh hồn khi ban lương thực thiêng liêng có thể thỏa mãn cơn đói sâu thẳm nhất. Vì vậy Người mời gọi đám đông đừng tìm kiếm lương thực hư nát, nhưng hãy tìm thứ lương thực tồn tại cho sự sống vĩnh cửu (x. Ga 6, 27). Ðó là lương thực mà Chúa Giêsu ban cho chúng ta mỗi ngày: Lời của Người, Mình Người, Máu Người.
Sự khao khát và tò mò nổi lên trong họ, khiến họ thưa rằng: “Chúng tôi phải làm gì để gọi là làm việc của Thiên Chúa?” Chúa Giêsu đáp: “Đây là công việc của Thiên Chúa là các ngươi hãy tin vào Đấng Ngài sai đến”. (Ga 6,..).
Quả thật, tin vào Chúa Giêsu và làm theo ý Chúa là chìa khóa để có đượ sự sống đời đời. “Tin” vào Ðấng Chúa Cha sai đến; nghĩa là niềm tin vào Chúa Giêsu giúp chúng ta thực hiện những việc làm của Thiên Chúa. Nếu chúng ta để cho mình tham dự vào mối tương quan tình yêu và tin tưởng với Chúa Giêsu, chúng ta sẽ có thể thực hiện những việc tốt lành tỏa hương thơm của Tin mừng, vì thiện ích và nhu cầu của anh chị em.
Trong lời nguyện hiến tế, Chúa Giêsu đã nói rõ: “Sự sống đời đời tức là: chúng nhận biết Cha, Thiên Chúa độc nhất và chân thật, và Ðấng Cha đã sai, là Đức Giêsu Kitô” (Ga 17,3). Sách Công vụ Tông đồ khẳng định: “Không có ơn cứu độ nơi một người nào khác nữa. Vì dưới gầm trời này, không có một Danh nào khác đã được ban xuống cho nhân loại để phải nhờ vào đó mà chúng ta trông được cứu thoát” (Cv 4,​12).
Có phải chỉ cần tin Chúa Giêsu là chúng ta sẽ được cứu không?
Chúng ta phải tin Chúa Giêsu để được cứu, nhưng tin thôi thì chưa đủ (x. Cv 16,30, 31). Vì: “Đức tin không có việc làm là đức tin chết” (Gc 2,​26). Nên tin phải đi đôi với thực và vâng giữ các điều răn của Thiên Chúa (x. Lc 6,46; 1 Ga 2.​17). Trước khi giải thoát dân Israel khỏi ách nô lệ Ai Cập, Thiên Chúa đã ban truyền những lễ luật mà dân phải tuân giữ. Có tin thì mới tuân giữ, còn khi họ hồ nghi thì họ vi phạm thánh chỉ của Chúa. Có lúc Thiên Chúa “thử coi dân có tuân giữ lề luật của Ta hay không”. Chúa Giêsu từng nói: “ Không phải người nào nói “Lạy Chúa” thì sẽ được cứu nhưng chỉ ai “làm theo ý muốn của Thiên Chúa” (x. Mt 7,21).​ Trung thành với niềm tin cũng thật cần thiết như Chúa Giêsu nói: “Ai bền chí chịu đựng cho đến cuối cùng thì sẽ được cứu”.​ (Mt 24,13. Chúa Giêsu cứu những người trung thành bằng cách hiến mạng sống mình làm giá chuộc (x. Mt 20,28). Vì Người là “Đấng Cứu Độ thế gian” (1 Ga 4,14).

Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ

==================
Suy niệm 5
Khao khát bánh trường sinh
Ga 6, 24 - 35
Sau khi được Chúa Giê-su ban cho một bữa ăn no nê qua phép lạ hóa bánh ra nhiều, đám đông người Do-thái đổ xô tìm đến với Chúa mong được Ngài cho ăn tiếp. Chúa Giê-su không bằng lòng với toan tính đó nên Ngài nói thẳng với họ: “Thật, tôi bảo các ông, các ông đi tìm tôi không phải vì các ông đã thấy dấu lạ, nhưng vì các ông đã được ăn bánh no nê.”
Con người hôm nay cũng như dân Do-thái xưa, người ta đua tranh tìm kiếm những gì mang lại lợi ích cho thân xác mà không tìm kiếm phúc lợi cho linh hồn.
- Nếu Sa-tan có đủ quyền phép ban phát gạo, tiền dư dật cho những ai tôn thờ mình, thì phần lớn nhân loại sẽ tôn thờ Sa-tan và cả những người theo Chúa cũng sẵn sàng bỏ Chúa quay sang thờ Sa-tan để được nhiều gạo, nhiều tiền.
- Nhiều tín hữu sẵn sàng bỏ nhiều tiền mua mỹ phẩm, may sắm trang phục hợp thời trang… để tô điểm cho phần xác… mà không dành công sức trang điểm tâm hồn.
- Người ta sẵn sàng bỏ ra mỗi ngày cả chục tiếng đồng hồ để làm việc kiếm tiền nuôi xác, nhưng không muốn bỏ ra 10 phút để cầu nguyện, để đọc Lời Chúa, để đọc kinh chung trong gia đình hầu nuôi dưỡng tâm linh.
Nói chung, cái gì có lợi cho thân xác, như cơm ăn, áo mặc, tiền tài… thì ai cũng khao khát kiếm tìm; còn những lợi ích cho linh hồn như tham dự Thánh lễ, học hỏi giáo lý, tu luyện nhân đức… thì không được quan tâm.
Hôm xưa, khi Chúa Giê-su biết rõ bận tâm của đám đông dân chúng tìm đến với mình là chỉ lo tìm kiếm lương thực phần xác mà lãng quên lương thực cho tâm hồn nên Ngài răn bảo họ: “Hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực trường tồn đem lại phúc trường sinh” (Ga 6, 27).
Khi nói như thế, Chúa Giê-su kêu gọi mỗi người hãy cố công chăm lo cho linh hồn mình được phúc đời đời chứ đừng chỉ dồn tất cả công sức chăm lo cho thân xác mau hư nát nầy.
Tiếc thay, lời dạy khôn ngoan nầy chỉ được ít người áp dụng. Người ta mải mê tìm kiếm lợi nhuận nuôi xác: 24 giờ của mỗi ngày đều dành trọn cho thân xác. 168 giờ của mỗi tuần, 720 giờ của một tháng đều dành trọn để lo cho thân xác và cứ như thế hết tháng nầy qua tháng khác, hết năm nầy qua năm kia… trong khi linh hồn thì bị bỏ rơi, không được đoái hoài!
Hãy nghĩ lại xem: Nếu không chăm lo cho đời sống thiêng liêng thì khi đến cuối đời, người ta thu hoạch được gì?
Bấy giờ, mỗi người chỉ còn là một lọ tro nhỏ bé, nếu bị đem đi thiêu; hoặc chỉ còn là nắm xương vùi trong lòng đất lạnh… Chỉ có thế thôi! Trong khi đó, linh hồn họ thì phải trầm luân trong hỏa ngục muôn đời muôn kiếp.
Thật phi lý khi người ta đầu tư toàn bộ vốn liếng mình có cho thân xác: dành hết tất cả thời gian, công sức, trí tuệ, tài năng, nghị lực… của mình cho thân xác để rốt cuộc, chỉ “thu hoạch” được một nắm bụi tro!
Qua Tin mừng hôm nay, Chúa Giê-su kêu gọi mọi người hãy xử sự cách khôn ngoan.
Thân xác nầy mai đây chỉ còn là tro bụi thì chỉ cần chăm lo vừa đủ; còn linh hồn sống đời đời thì đáng phải được chăm sóc chu đáo hơn.
Vì thế, khi nuôi xác bằng cơm bánh được thu hoạch từ lòng đất thì cũng phải nuôi hồn bằng “Bánh từ trời xuống.”
Chúa Giê-su khẳng định Ngài là “Bánh bởi trời” được Chúa Cha ban cho nhân loại để mang lại sự sống cho thế gian[1]. Ai “ăn” Ngài sẽ được hưởng hạnh phúc đời đời.
“Ăn” Chúa Giê-su (theo nội dung đoạn Tin mừng hôm nay[2]) không có nghĩa là nhai, là nuốt Chúa Giê-su nhưng là đến với Chúa Giê-su và tin vào Ngài. Ngài nói: “Chính tôi là Bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ!”
Lạy Chúa Giê-su,
Chúa là Bánh ban sự sống đời đời cho chúng con. Xin cho chúng con thường xuyên “ăn” Bánh này, tức là tìm đến với Chúa, học với Chúa, sống như Chúa… để mai đây được sống đời đời với Chúa trên thiên quốc.
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà

[1] Ga 6, 32-35
[2] Gioan 6, 24-35
================
Suy niệm 6
HƠN CẢ MAN-NA

Ở bên Nhật, mục vụ di dân hiện đang rất cấp thiết. Mỗi Thánh lễ tiếng Việt cho cộng đoàn Việt Nam thường đầy ắp. Không chỉ người Công Giáo, mà còn đông đảo các bạn không Công Giáo cũng đến tham dự. Mỗi khi thấy bạn bè Công Giáo lên rước lễ, họ hiếu kỳ và thường hỏi: ủa bạn vừa nhận cái gì mà cho vào miệng vậy? Một số lại cứ tưởng nhận được kẹo ngọt hay bánh men để ăn!
Tuy nhiên, là người Công Giáo, được học giáo lý từ nhỏ, được xưng tội rước lễ lần đầu, chúng ta biết và hết lòng cung kính khi lãnh nhận Bánh Thánh. Nhưng đôi lúc, chúng ta phải tự hỏi bản thân: tôi mang lấy tâm tình nào mỗi khi tham dự Thánh lễ, mỗi lần lãnh nhận Bí tích Thánh Thể? Và tôi sống ra sao với ân huệ được rước chính Mình Máu Thánh Chúa Ki-tô?
Như xưa dân Is-ra-el được ăn man-na no nê thế nào, giờ đây qua mỗi Thánh Lễ, chúng ta được lãnh lấy Bánh từ trời xuống, Bánh ban sự sống, và Bánh Thánh nuôi hồn vậy.
Bánh từ trời xuống
Sách Xuất Hành thuật lại: con cái Is-ra-el kêu trách Mô-sê và A-a-ron, và Thiên Chúa đã nghe tiếng họ kêu than, bèn phán cùng với Mô-sê: “Đây Ta sẽ cho bánh từ trời rơi xuống như mưa…” (x. Xh 16, 4). Thiên Chúa đã tuôn đổ man-na từ trời xuống nuôi dưỡng dân chúng. Ngày nay, chúng ta được Chúa mến chuộng, chăm sóc còn hơn bánh man-na. Ngài ban chính Con Một cho chúng ta; và Đức Giê-su Ki-tô chẳng phải từ trời cao, nhập thế, cùng nhập thể, mặc lấy xác phàm để cứu độ chúng ta, và trở nên Bánh hằng sống, dưỡng nuôi chúng ta hằng ngày hay sao? Chính Đức Giê-su xác quyết: “Ta bảo thật các ngươi, không phải Mô-sê đã ban cho các ngươi bánh bởi trời, mà chính Cha Ta mới ban cho các ngươi bánh bởi trời đích thực. Vì bánh của Thiên Chúa phải tự trời xuống…” (x. Ga 6, 32-33). Vậy, chúng ta phải hết lòng cung kính, năng dọn lòng rước lấy Bánh này. Siêng năng chạy đến kín múc thánh ân và ơn chữa lành hồn xác mỗi khi đến với Bí tích Thánh Thể.
Bánh ban sự sống
Đức Giê-su không chỉ là Bánh từ trời xuống, mà còn là Bánh ban sự sống như ngài khẳng định: “Vì bánh của Thiên Chúa…ban sự sống cho thế gian”, “chính Ta là bánh ban sự sống” (x. Ga 6, 33. 35). Không đơn thuần ban sự sống thể lý cho dân Is-ra-el như man-na ngày xưa, mà Đức Giê-su tận hiến chính sự sống Ngài cho chúng ta nữa. Hơn thế, Ngài ban sự sống đời đời cho chúng ta, “ai đến với Ta, không hề phải đói; ai tin vào Ta, chẳng khát bao giờ!” (Ga 6, 35). Dù hiện diện một cách đơn sơ, tầm thường nơi hình bánh và rượu, nhưng Đức Giê-su thâm nhập, thẩm thấu và thánh hoá chúng ta mỗi lần được rước Ngài vào lòng. Ngoài ra, Ngài trở nên một với ta, và kết hợp trọn vẹn với ta trên suốt cuộc hành trình trần thế này. Vì thế, chúng ta “…hãy ra công làm việc không phải vì của ăn hay hư nát, nhưng vì của ăn tồn tại cho đến cuộc sống muôn đời…” (x. Ga 6, 27). Thời đại ngày nay, chúng ta thường làm ngược lại điều này; thay vì nỗ lực sống đạo, thực thi giới răn yêu thương, thì chúng ta lại lao vào thú vui trần thế, tham vọng trần tục, bám víu vào những gì tạm thời chóng qua như tiền-tài-danh vọng. Dường như chúng ta luyến lưu và kết chặt với sự sống sẽ hư mất này, hơn là sự sống đời đời! Thánh Phao-lô đã khuyên nhủ giáo đoàn Ê-phê-sô: “…anh (chị) em chớ ăn ở như dân ngoại…hãy khử trừ lối sống xưa kia, hãy lột bỏ con người cũ, đã bị hư theo những đam mê lầm lạc” (x. Ep 4, 17. 22). Khi được rước Bánh Hằng Sống, chúng ta phải để Đức Giê-su Ki-tô điều phối, hướng dẫn, biến đổi chúng ta trên mọi phương diện. Chỉ như vậy, chúng ta mới có thể “mặc lấy con người mới đã được tác thành theo thánh ý Chúa trong sự công chính và thánh thiện xứng với sự thật” mà thôi (x. Ep 4, 24).
Bánh Thánh nuôi hồn
Trong mọi nơi, mọi lúc, mọi trạng huống, mọi hoàn cảnh, mọi bậc sống, mọi vai trò trách nhiệm, mọi công việc, v.v…chúng ta được mời gọi trở nên giống Chúa, Đấng ban chính mình cho chúng ta. Dĩ nhiên, Ngài không chỉ nuôi hồn chúng ta, mà còn nâng đỡ, chữa lành thân xác chúng ta nữa; để rồi thân xác chúng ta luôn biết làm theo linh hồn, thần trí, vốn thực hiện những gì Chúa dạy và mong muốn. Một khi lãnh nhận Bánh Thánh nuôi hồn - chính Đức Ki-tô - chúng ta “phải để Thần Khí đổi mới tâm trí” (x. Ep 4, 23), vì chưng linh hồn chúng ta luôn vâng phục và thi hành mọi việc mà Thần  Khí linh hứng. Có lẽ, chúng ta thiếu thốn về lương thực cho thân xác, nhưng linh hồn được Bánh Thánh nuôi dưỡng, sẽ giúp chúng ta vượt thắng mọi giới hạn thể lý, cũng như nâng đỡ và chữa lành toàn thể con người chúng ta. Nhờ vậy, hơn cả man-na xưa kia, Bánh Thánh nuôi hồn sẽ dìu dắt, đồng hành và gìn giữ chúng ta luôn sống trong ân nghĩa với Thiên Chúa và với tha nhân.
Giờ đây, chúng ta cùng nhau thầm thỉ cầu nguyện với Chúa Giê-su Thánh Thể đang cư ngụ nơi cõi lòng chúng ta:
Lạy Chúa Giê-su Ki-tô
Đơn sơ, âm thầm tỏ lộ yêu thương
Trong bánh-rượu hằng náu nương
Chính thật Bánh Thánh phi thường dường bao!
Bánh nuôi hồn tự trời cao
Trở nên tôi tớ, ai nào thấu chăng?
Xin cho con biết siêng năng
Mỗi lần rước Chúa, ân cần trao ban
Được Chúa biến đổi, bình an
Ra đi làm chứng muôn vàn hồng ân. Amen!

Lm. Xuân Hy Vọng

=================
Suy niệm 7
Lương thực mau hư nát và lương thực thường tồn
Xh 16,2-4.12-15; Ep 4,17.20-24; Ga 6, 24-35
Bởi hôm trước Thầy cho năm ngàn người ăn no nê, nên đám đông họ khoái Thầy lắm vì Thầy là “cây lương thực” nuôi sống họ đây, khỏi cần làm lụng vất vả (chúa họ thờ là cái bụng mà lị!) Hôm sau đám đông nườm nượp lặn lội lên thuyền, xuống biển hồ Tibêria, chỗ hôm qua xảy ra phép lạ hóa bánh ra nhiều để tìm Thầy. Chưa thấy được Thầy họ lại gắng sức chèo thuyền đi Caphanaum, hóa ra Thầy ở bên kia Biển Hồ. Mừng và ngạc nhiên quá họ ớ lên hỏi: “Thưa Thầy, Thầy đến đây bao giờ vậy?” (Ga 6,25b). Nhiều khi Thầy ở bên con mà con cứ mải mê đi tìm tận đâu, sai địa chỉ nên chẳng thấy Thầy là phải. Biết rõ đâu là động lực thúc đẩy họ hăm hở tìm, Thầy đáp: “Thật tôi bảo thật các ông, các ông đi tìm tôi không phải vì các ông đã thấy dấu lạ, nhưng vì các ông đã được ăn bánh no nê. Các ông hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh, là thứ lương thực Con Người sẽ ban cho các ông, bởi vì chính Con Người là Đấng Thiên Chúa Cha đã ghi dấu xác nhận.” (Ga 6,26-27). Việc Thầy hóa bánh ra nhiều gợi lại hình ảnh manna ngày xưa nuôi dân trên đường về đất hứa, đồng thời tiên báo Bí tích Thánh Thể Thầy sẽ thiết lập trong bữa tiệc ly để nuôi chúng con trên đường trần thế vào cõi trường sinh. Ngày nay Thầy đã Phục Sinh, nhưng Thầy còn ở lại trong Lời và Mình Máu Thầy. Chính Thầy là “thứ lương thực” mà chúng con phải “ra công” tìm kiếm và tận hưởng. Vậy mà nhiều khi chúng con lại cố công tìm sự “no nê” trong cơm áo gạo tiền, danh lợi thắng thua, đẹp mặt với đời, uy tín thế giá trong cộng đoàn, an toàn trong những thực tại trần thế. Thầy muốn chúng con vượt lên trên những cái tầm thường của cuộc sống. Hãy tìm đến và tin vào Thầy, vì Thầy là nguồn sống làm no say cơn đói khát thiêng liêng của chúng con. “Việc Thiên Chúa muốn cho các ông làm, là tin vào Đấng Người đã sai đến.” (Ga 6,29).
Ngày nay nếu chúng con luôn luôn tin yêu và sống với sức sống của Thầy, chúng con sẽ dần thay đổi từng tế bào đến con tim lá phổi. Thầy sẽ giải thoát chúng con khỏi sự mê hoặc của kho tàng dưới đất, nhờ cảm nghiệm được sự phong phú của kho tàng trên trời là chính Thầy. Thầy sẽ  là sự “no say” của chúng con mọi ngày. Mọi hoạt động, ra công cố gắng, tìm kiếm, nỗ lực phấn đấu trong cuộc đời này sẽ đưa chúng con đến đích điểm là chính THẦY, có phải vậy không Thầy ơi!
Én Nhỏ  
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log