Thứ ba, 14/01/2025

Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật XXIII Thường Niên B

Cập nhật lúc 09:27 02/09/2021
Suy niệm 1
“Hãy mở ra”
(Mc 7, 31 - 37)
 
Khi gặp sự dữ và đau khổ, chúng ta dễ dàng thất vọng. Có thể chúng ta nghĩ mình đã bị kết án đau khổ vĩnh viễn. Đúng vậy, sự dữ và đau khổ là do con người gây nên, cũng như cơn dịch bệnh covid hiện nay. Nhưng đối với Thiên Chúa, Ngài không bao giờ thất vọng và không muốn để con người thất vọng. Công trình sáng tạo của Thiên Chúa như vẫn đang trong thời kỳ thai nghén: Con người phải trải qua đau khổ không thể tránh được, nhưng rồi cũng hướng tới sự sống. Đó là điệp khúc của Lịch sử thánh.. Thuộc thành phần Dân Chúa, trước hết chúng ta phải luôn có thái độ “hãy mở ra”, hãy mở con tim hướng về Lời Chúa hứa và sống trong hy vọng..
Cụ thể, bài Tin Mừng hôm nay nói về việc Chúa Giêsu chữa một người câm điếc, khi Ngài tới miền Thập Tỉnh, một miền mà đại đa số là người ngoại giáo… Vì danh tiếng về sự tốt lành và uy quyền của Ngài đã đi trước Ngài, nên người ta đem một người câm điếc đến để xin Ngài cứu chữa…
Chúa Giê-su không ngần ngai ra khỏi biên giới Israel. Tin Mừng không phải chỉ dành cho một số người, nhưng là cho mọi người, cho tất cả những ai không có tai để nghe Lời Thiên Chúa và không có miệng để ngợi khen Ngài. Tin mừng cho chúng ta một sự minh họa đáng thương hại của một thế giới ngoại giáo: một thế giới câm điếc cần được dẫn đến với Chúa Giê-su. Những người ngoại giáo miền thập tỉnh này không biết Kinh thánh và cũng không đợi chờ Đấng Mesia như người Do-thái, nhưng Chúa Giêsu vẫn đến để cho họ cơ hội nhận biết Ngài…Chúa Giê-su đi ngay vào công việc. Sự dữ quá kinh khủng, cần phải đưa người câm điếc này ra khỏi đám đông, đến nơi thanh vắng, đăt ngón tay vào tai, sờ vào lưỡi, ngước mắt lên trời và cầu nguyện. Sự dữ quá mạnh, Chúa Giê-su chiến đấu chống lại sự dữ không phải là đơn giản, nhưng cuối cùng Ngài đã chiến thắng: “Ngài làm cho người câm điếc nghe và nói được”.
Qua phép lạ này, Chúa Giê-su nói với chúng ta rằng: Ngài cho dân ngoại giáo tai để nghe lời Thiên Chúa và lưỡi để ngợi khen Ngài. Phần chúng ta, chúng ta có cơ hôi may mắn hơn người khác là biết Chúa Giê-su, nhưng chúng ta có thể vẫn điếc nghe Lời Ngài vì Lời Ngài quấy rầy chúng ta. Trong giới răn Tình Yêu, Chúa Giê-su nói với chúng ta là hãy yêu thương cả địch thù, mà trong khi đó chúng ta chỉ yêu thương những người chúng ta thích và yêu chúng ta thôi. Liệu chúng ta có phải là người nghe hay là điếc Lời Chúa? Nếu thực sự cá nhân chúng ta trải nghiệm được sức mạnh và hương vị của Lời Chúa, thì chắc chắn chúng ta có thể làm cho người khác nếm thử và thích thú Lời Chúa…Mặc dù sống trong môi trường nhiều người không biết gì về Lời Chúa, nhưng những hành động, việc làm và cử chỉ của chúng ta có thể là lời rao giảng Tin Mừng để người ta biết Chúa Kito và Giáo Hội hơn…
Mỗi cử chỉ của Chúa Giêsu khi làm phép lạ đều có một ý nghĩa: Ngài làm trong âm thầm. Ngài không muốn gây ấn tượng mạnh, nhất là tại những vùng ngoại giáo mê tín. Ngài sợ đám dân chúng chỉ thích điềm lạ. Hành động của Thiên Chúa luôn nhiệm mầu và làm chúng ta chưng hửng. Tất cả các cử chỉ của Chúa Giêsu báo hiệu các bí tích Ngài sẽ thiết lập, dấu chỉ bề ngoài nhưng mang ơn thánh bên trong. Mỗi lần Chúa Giêsu giao tiếp với con người, Ngài đưa con người tới nơi thanh vắng, nơi yên lặng, chay tịnh …Xa đám đông và xa tiếng ồn ào, chúng ta có thể nghe và mở rộng con tim hơn…Để hoạt động trong các tâm hồn, Chúa Giêsu tạo nên một khoảng thanh vắng… Thật đáng buồn cho thế giới hôm nay, người ta không biết tạo một cơ hội thanh vắng để cho Thiên Chúa giao tiếp!
Khi chữa người câm điếc, Chúa Giêsu nói: “Hãy mở ra”. Chúa nói đã đành, nhưng chính người câm điếc đó cũng phải mở trái tim mình ra thì mới được chữa lành. Chúa Giêsu cũng muốn nói với mỗi người chúng ta như thế! Còn việc đáp trả là tùy thuộc mỗi người chúng ta. Chúng ta biết rõ: không có sự câm điếc nào xấu hơn là không để cho lời mời gọi của Thiên Chúa và của anh chị em chúng ta đụng chạm đến. Hãy mở ra cho Thiên Chúa và cho người khác. Mở ra, “đừng bảo thủ và kép kín” như lời Đức Thánh Cha Phan-xi-cô trong thông điệp “Niềm Vui Tin Mừng” của Ngài. Hãy mở ra cho thế giới mà chúng ta đang sống. Vai trò của chúng ta, những người đã được Thánh Tẩy và Thêm sức là cùng với Chúa Giê-su mở ra để đến với người khác, đặc biệt đến những ai bị thương tổn trong cuộc sống, những ai không bao giờ nói được và nghe được. Họ có chỗ ưu tiên nhất trong trái tim Thiên Chúa.
Vào mùa đông năm 1954, nhiều người đã chết cả nhà trên đường phố Paris vì quá rét và vì cơn bệnh dịch hạch. Đó là cái chết đen kinh khủng! Không ai muốn nhìn thấy họ. Thậm chí họ không còn khóc nữa, vì họ đã ở con đường cùng. Lúc bấy giờ, chỉ có một mình cha Pierre đứng đậy. Chúa Giêsu nói với cha “hãy mở ra”, hãy mở miệng ra cho Thiên Chúa. Cha đã mở miệng. Một mình cha gồng gánh tiếng khóc của những kẻ bị xã hội tẩy chay, không còn biết nói. Và tiếng kêu của cha đưa xã hội thoát khỏi tình trạng câm điếc. Cuối cùng người ta đã tìm thấy nơi trú ẩn của nhiều gia đình khác và đã cứu sống họ.
Và trong cơn đại dịch covid hiện nay, nhiều gia đình tại Sài-gòn đang gặp hoàn cảnh tồi tệ nhất. Chúng ta không phải là cha Pierre, nhưng chúng ta phải lắng nghe lời phàn nàn - thậm chí không được bày tỏ - của nhiều người chết vì không được lắng nghe, và của những người không bao giờ nói được, vì sự câm điếc của thế giới đã nhốt họ trong một sự câm lặng mà thậm chí họ không còn nghĩ rằng mình có thể thoát ra khỏi cơn dịch bệnh này vào một ngày nào đó
Tất cả chúng ta không phải là cha Pierre, nhưng có những y bác sỹ, các tình nguyện viên hăng say lao vào công việc cứu trợ này, trong đó có nhiều giáo sỹ, tu sỹ và giáo dân chúng ta. Như thư của thứ trưởng bộ nội vụ Vũ Đức Đam gửi Giáo Hội Công giáo Việt Nam, đã viết: “Tính tới thời điểm hiện tại, Giáo Hội công giáo Việt Nam đã đồng hành với nhân dân, chính quyền các cấp, hằng ngàn tấn rau củ quả, lương thực thực phẩm nhu yếu, trang thiết bị y tế và cả con người từ các giáo sỹ đến giáo dân. Không ít tu sỹ đã phải ra đi mãi mãi vì phục vụ người dân và người bệnh trong đại dịch vừa qua do nhiễm bệnh. Sự hy sinh thầm lặng to lớn đó, không thể bút giấy nào có thể tả xiết tấm lòng của người công giáo…”.
Lạy Chúa Giê-su, xin mở mắt  con và làm cho con thấy ánh sáng của Chúa! Lạy Chúa, xin mở môi con và làm cho cho con loan báo những kỳ công của Chúa.. Lạy Chúa, xin sờ vào tai con và làm cho con nghe tiếng Chúa. Lạy Chúa, xin làm cho con biết nghe anh chi em con đang kêu tới con. Trước những đau khổ của họ, xin làm cho con tim con không bao giờ điếc. Amen!
Linh mục Gioan Đặng Văn Nghĩa
=================
Suy niệm 2
Mc 7, 31 – 37
Bài Tin Mừng này có nhiều điều chúng ta phải ngẫm nghĩ, để cảm nghiệm được cả ý và tâm của Chúa nữa.
Thứ nhất là Chúa đã dành một thời gian dài lưu trú âm thầm tại một nhà nào đó ở Tirô và Siđôn, mảnh đất của dân ngoại. Thánh Máccô nói rõ là Chúa không cho ai biết. Sau đó Chúa trở về xứ Galilê qua ngả miền Thập tỉnh, cũng là miền đất mà người Do Thái gọi là miền đất dân ngoại.
Thứ hai là khi người ta đem đến cho Ngài một người nói ngọng và điếc để xin Chúa chữa, thì Chúa không chữa ngay. Ngài đưa anh ta ra xa khỏi đám đông rồi lấy nước miếng bôi vào lưỡi anh ta, lấy ngón tay rờ vào tai anh ta, rồi mới hô: “Hãy mở ra”. Sau đó lại dặn anh ta đừng cho ai biết.
Tại sao Chúa phải chữa một cách kỳ cục như vậy? Mà kết quả là anh ta không kín miệng như Chúa yêu cầu, anh ta cứ ca tụng Chúa um sùm lên.
Sở dĩ Chúa chữa bệnh một cách cầu kỳ như vậy là vì Ngài muốn bình thường hóa một việc lớn. Ngài lấy nước miếng bôi vào lưỡi người bệnh, để mọi người coi đó chỉ là việc bình thường mà các thầy bùa vẫn làm. Ngài dẫn người bệnh ra khỏi đám đông cũng chỉ vì sợ quần chúng ca tụng Ngài um sùm lên. Chúa vẫn phải làm việc thiện để phục vụ con người, nhưng Ngài muốn âm thầm lặng lẽ, muốn tay phải không cho tay trái biết việc tốt mình làm.
Ngoài cái tinh thần khiêm nhu không muốn được ca tụng khi làm việc thiện, Chúa còn muốn giấu không cho nhiều người biết, vì uy tín của Ngài càng lớn, thì người Phariseu càng ghét và tìm cách phá đám.
Điều làm Chúa không được vui, đó là người được Chúa thương và cứu chữa, thì lại cứ làm khổ Chúa, cứ nói um sùm lên. Vì mừng quá, nên không thể kín miệng được. Họ yêu Chúa, nhưng họ không biết rằng yêu như thế là yêu sai và làm khổ Chúa. Thế là trăm dâu đổ đầu tằm. Người Biệt phái vì ghét Chúa, nên làm khổ Chúa nhiều quá. Còn quần chúng thì lại làm khổ Chúa, vì thương Chúa quá. Tội nghiệp cho Chúa quá chừng. Hiện tượng này vẫn xảy ra mãi từ xưa đến nay.
Ngày xưa, vì yêu Chúa, nên Giacôbê và Gioan xin Chúa ban cho họ quyền lấy lửa trời xuống để thiêu hủy một thành Samari chỉ vì họ không cho Chúa nghỉ trọ. Ông Phê rô cũng chỉ vì yêu Chúa, nên đã tuốt gươm chém anh lính Do Thái đến bắt Chúa ở vườn Cây Dầu. Cả hai trường hợp trên đều làm khổ Chúa, mà không hay biết.
Ngày nay cũng vẫn có rất nhiều người trong chúng ta đang yêu sai Chúa mà không biết. Cụ thể là có một thanh niên Công giáo kia tuyên bố: “Nếu Đức Giáo hoàng chiêu mộ quân đội đi đánh bọn Hồi giáo quá khích, thì tôi xin đăng ký đầu tiên”. Cũng không thiếu gì những người ước mơ xây cất thánh đường hoành tráng, để vượt mặt các tôn giáo bạn… Đó là yêu Chúa, nhưng là yêu sai và làm khổ quá đáng đấy.
Linh mục Piô Ngô Phúc Hậu
=================
Suy niệm 3
Chúa Giê-su cho người điếc được nghe
Mc 7, 31 - 37
Thánh Augustinô sinh năm 354 tại Algeria, Bắc Phi, được ơn trở về với Chúa và lãnh bí tích Thánh tẩy năm 33 tuổi; sau nầy ngài được cử làm giám mục và được tuyên phong là tiến sĩ Hội thánh.
Mặc dù thánh Augustinô là người sáng tai, nghe rõ mọi chuyện trong đời; thế nhưng, trong cuốn “Tự thú”, thánh Augustinô thú nhận rằng đôi tai của ngài bị điếc trước những lời khôn ngoan của Chúa trong thời gian dài. Ngài viết: “Con yêu Chúa quá muộn! Nầy Chúa vẫn ở trong con mà con cứ tìm Chúa bên ngoài… Chúa gọi con. Chúa la to và đã phá tan sự điếc lác của con…”
Cho đến gần 33 tuổi, chứng điếc tâm linh của thánh Augustinô mới được khai mở để đón nghe Lời dạy của Chúa và từ đó, cuộc đời của ngài được cải thiện tuyệt vời.
Thứ điếc đáng sợ nhất
Điếc tai không đáng sợ vì người điếc có thể học hỏi, tiếp nhận thông tin bằng mắt qua việc đọc sách báo, xem phim ảnh hoặc qua ngôn ngữ ký hiệu dành cho người câm điếc… và nhờ đó, họ có thể thông biết nhiều điều, nắm bắt nhiều lời dạy hữu ích, quán triệt được những điều khôn ngoan…
Có một thứ điếc đáng sợ và tai hại hơn nhiều, đó là “điếc-điều-khôn-ngoan”, đây là thứ điếc có chọn lọc: điếc trước điều hay lẽ phải và sáng trước những điều xấu xa. Thứ điếc nầy thường xô đẩy người ta vào tội lỗi.
Cụ thể là:
Có nhiều học sinh điếc đặc trước những lời giáo huấn của thầy cô nhưng rất sáng tai trước những quyến rũ của bạn bè hư hỏng.
Có người chồng rất sáng tai trước những lời rủ rê của bạn bè đàng điếm mà điếc đặc trước những lời can gián của vợ con.
Có người điếc lác đối với những Lời ban sự sống của Thiên Chúa mà sáng tai trước những lời đưa đến hư vong do Sa-tan mời gọi…
Thứ điếc nầy vô cùng tai hại vì làm cho con người suy thoái về đạo đức, đánh mất phẩm chất cao đẹp của mình và dễ sa vào con đường tội lỗi.
Điếc tai là chứng rất khó chữa trị, và chứng “điếc-điều-khôn-ngoan” cũng rất khó chữa lành.
Tất cả những người điếc tai đều khát khao mãnh liệt được chữa lành để có thể giao tiếp với mọi người chung quanh cách thoải mái và họ không ngại tốn kém cho việc chữa trị.
Tiếc thay, có nhiều người mắc chứng “điếc-điều-khôn-ngoan,” vì không nhận ra nguy hại của chứng bệnh đang mang, nên không cần điều trị, không muốn chữa lành và thế là họ phải bị điếc lâu dài và phải gánh chịu những hậu quả của nó.
Tìm đâu ra vị lương y có thể cứu người ta khỏi thứ điếc tai hại nầy?
Chúa Giê-su cho người điếc được nghe
Hôm ấy, Đức Giê-su bỏ vùng Tia, đi qua ngả Xi-đôn, đến biển hồ Ga-li-lê vào miền Thập Tỉnh. Người ta đem một người vừa điếc vừa ngọng đến với Đức Giê-su để xin Ngài cứu chữa… Chúa kéo riêng anh ta ra khỏi đám đông… Ngài ngước mắt lên trời, kêu một tiếng và nói: "Ép-pha-tha", nghĩa là: hãy mở ra! Lập tức tai anh ta mở ra, lưỡi như hết bị buộc lại. Anh ta nói được rõ ràng (Mác-cô 7, 31-35).
Và khi Gioan Tẩy giả sai các môn đệ đến gặp Chúa Giê-su để tìm hiểu sứ mạng của Ngài thì Chúa Giê-su cho biết Ngài là đấng được sai đến để làm cho “người mù được thấy, người què đi được, người phong hủi được khỏi, người điếc được nghe…” (Mt 11, 5).
Như thế, Chúa Giê-su là Đấng mở tai cho muôn người khỏi điếc. Hãy đến với Ngài để được chữa lành.
Lạy Chúa Giê-su,
Từ lúc Augustinô được Chúa mở tai để nghe lời Chúa, cuộc đời của ngài được cải thiện tuyệt vời, được làm con Chúa trong gia đình Giáo hội, sau đó trở thành linh mục, giám mục và tiến sĩ Hội thánh.
Xin cho chúng con cũng khao khát được sáng tai trước lời Chúa dạy như thánh Augustinô, nhờ đó, lời Chúa sẽ thấm nhập vào tâm hồn chúng con và giúp chúng con cải thiện cuộc sống như ngài. Amen.
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
=================
Suy niệm 4
CHỮA THÓI CÂM ĐIẾC LÀM NGƠ!

Chuyện ‘nghe mà không hiểu, mở miệng mà chẳng thành câu’ không còn lạ gì khi chúng ta ở đất khách quê người. Có dịp gặp cô tôi sinh sống xa quê hương xứ sở, tôi hỏi: "Sống ở nước ngoài, điều gì khiến cô buồn khổ nhất". Cô nhoẽn miệng cười đáp: "Khổ nhất là sống như người điếc và câm. Không biết tiếng nên ngọng nghiụ, chẳng nói được gì, thành ra không ai hiểu. Người ta nói gì mình cũng chẳng hiểu, y như người điếc vậy”.
Cảm tạ Chúa vì chúng ta được Ngài ban cho một cơ thể toàn vẹn, mọi chức năng hoạt động đúng vai trò của nó; nhưng đôi khi vì thói quen hay lí do nào đó, mà chúng ta đánh mất, hoặc xáo trộn nó, làm rối tung. Một lần nọ, cô bé Hoa hỏi bà rằng:
-    “Bà ơi, sao con người có hai tay, hai chân, hai mắt, hai tai, mà chỉ có một miệng và một lỗ mũi hỡi bà?”
Và bà liền trả lời:
-    “Hai tay để con lao động cật lực, hai chân để con đi xa học rộng, hai mắt để con học hỏi tìm tòi. Còn hai tai mà chỉ một lỗ mũi, một miệng, là để con không xỏ mũi vào chuyện của người khác, nói ít đi và nghe thật nhiều”!
Thật vậy, chúng ta vẫn còn may mắn nhiều hơn anh chàng bị câm điếc được người ta mang đến cho Đức Giê-su trong bài Tin Mừng hôm nay. Chúng ta vẫn còn miệng lưỡi để diễn tả những gì muốn nói, muốn trình bày; chúng ta còn cả đôi tai nguyên vẹn, chưa phải bị điếc lác, hay lãng tai, hoặc dùng đến máy trợ thính. Tuy nhiên, có lẽ chúng ta chẳng may mắn hơn anh ấy, nếu chúng ta ù lì, mê mải trong thói ‘câm điếc tâm linh', thói ‘giả điếc làm ngơ’, hoặc ‘câm điếc làm thinh’, v.v…Vì thà rằng bị câm điếc thể lý, nhưng tâm hồn luôn rộng mở, cảm thông, lắng nghe, thấu hiểu, nói lên tiếng lòng của mình, can đảm đến với người, chia san với đời thì tốt lành thánh thiện biết bao! Vì thà rằng bị câm điếc thân xác, còn hơn bị ‘câm nín, điếc lác’ trước nỗi thống khổ của anh chị em, trước cảnh bất công, với bao cảnh tượng u sầu và khóc than, người người đang van xin sự giúp đỡ của chúng ta!
Từ thời Cựu ước, ngôn sứ I-sai-ah đã tuyên sấm về Con Thiên Chúa “sẽ đến và cứu thoát…Bấy giờ mắt người mù sẽ sáng lên, và tai người điếc sẽ mở ra…” (x. Is 35, 4-5), và điều này đã thành sự nơi Đức Giê-su Ki-tô. Ngài chữa lành nhiều thứ bệnh tật, trừ quỷ, cho kẻ chết sống lại, cụ thể Ngài đã giải thoát cho anh chàng vừa câm vừa điếc trong bài Tin Mừng: “…đặt ngón tay vào tai anh và bôi nước miếng vào lưỡi anh ta,…đoạn ngước mặt lên trời, thở dài và bảo: “Ê-phê-ta!” (nghĩa là "Hãy mở ra!”)” (x. Mc 7, 33-34). Thế nhưng, chúng ta có tự nguyện đến xin Đức Giê-su chữa lành cho thói đời ‘câm nín, điếc lác' tâm linh của mình chăng? Chúng ta sẵn sàng chấp nhận cách Ngài chữa lành như đã làm cho anh câm điếc kia không? Hay vẫn mong muốn Ngài giải thoát, nhưng theo cách thức của chúng ta?
Nếu chúng ta tín thác, cậy trông, vâng phục, giao phó hoàn toàn trong tay Chúa, để Ngài tự ý chữa lành và giải thoát chúng ta, thì chắc chắn lời thán phục của dân chúng không bao giờ sai: “Người làm mọi sự tốt đẹp, Người làm cho kẻ điếc nghe được và người câm nói được!” (Mc 7, 37). Thật vậy, Chúa thực hiện mọi điều tốt lành nơi chúng ta, nơi gia đình, nơi cộng đoàn, nơi giáo xứ, ngoài xã hội và trong Giáo hội chúng ta theo phương cách của Ngài. Hơn nữa, nếu để Đức Giê-su chữa lành thói đời ‘giả điếc làm ngơ’, ‘giả câm làm thinh’, thì ắt hẳn chúng ta nên thực hành Lời Chúa phán dạy qua thư của Thánh Gia-cô-bê Tông đồ: “…là những người tin vào Đức Giê-su Ki-tô vinh hiển, Chúa chúng ta, anh (chị) em đừng thiên vị” (Gc 2, 1). Nể trọng những ai giàu có, mà khinh khi hoặc xem thường người nghèo khó! Giao du, đối đãi quá mức với đại gia (VIP), dành nhiều thời gian cho họ; nhưng lại chẳng có thời giờ cho người nghèo khổ, người cùng khốn, đang cần đến sự giúp đỡ và nâng đỡ của chúng ta! Một khi sa vào thái độ này, hoặc hành vi này, chúng ta không những trở nên ‘câm điếc’ tâm linh, mà còn “trở thành quan toà xét xử đầy tà tâm” (x. Gc 2, 4).
Tóm lại, chúng ta có thể dừng lại nơi tác phẩm “Tự thuật” của Thánh Âu-gus-ti-nô, hòng nhìn nhận đôi tai đã điếc lác trước Lời của Chúa, đôi môi câm nín làm thinh trước bất công xã hội, trước nỗi thống khổ của tha nhân trong thời gian dài. Để rồi chúng ta cùng thánh nhân thốt lên: “Con yêu Chúa quá muộn, lạy Chúa là vẻ đẹp vừa rất xưa vừa mới mãi, con yêu Chúa quá muộn ! Này Chúa vẫn ở trong con, mà hồi ấy con cứ ở ngoài và cứ tìm Chúa bên ngoài…Chúa gọi con, Chúa la to, và đã phá tan sự điếc lác của con. Chúa rực sáng, Chúa chiếu toả và đã xua tan sự mù loà của con…”
Ê-phê-ta” - xin mở ra
Cho con nhận biết Chúa là chân lý.
Ê-phê-ta” - mở tâm trí
Hầu con yêu mến Thánh ý của Ngài.
Ê-phê-ta” - mở đôi tai
Cõi lòng tha thiết, ai ai sầu buồn.
Ê-phê-ta” - xin mở hồn
Bật tung, mắt mở, khơi nguồn tình yêu. Amen!

Lm. Xuân Hy Vọng

=================
Suy niệm 5
NGHE VÀ NÓI
Lưỡi và tai là hai cơ quan truyền thông của con người. Ai bị điếc và câm thì mất hai phương tiện quan trọng đó. Nghe và nói như hai cánh cửa mở ra thông giao với thế giới bên ngoài. Lưỡi như có sợi giây buộc lại, tai như cánh cửa bị khóa kín, những người câm điếc bị tách khỏi thế giới chung quanh vì không hiểu được người khác, và người khác không hiểu được họ.
Có dịp đến thăm Trung tâm Khiếm thính Lái Thiêu, Thuận An, Bình Dương hay Trung tâm Khiến thị Ánh Sáng tại Lagi, Bình Thuận, sẽ thấy câm điếc và mù loà thật là khổ sở !  Cảm thông với những người câm điếc, người mù loà, chúng ta mới thấy quý cái tai cái miệng và đôi mắt của mình. Lúc ấy mình sẽ nhận ra rằng, nghe nói và thấy là ân huệ và là quà tặng lớn lao Thiên Chúa ban.
Trang Tin mừng hôm nay kể câu chuyện Chúa Giêsu chữa lành một người vừa điếc vừa ngọng: “họ đem đến cho Người một kẻ vừa điếc vừa ngọng, và xin Người đặt tay trên anh”. Mọi lần Đức Giêsu chỉ đặt tay, hoặc nói một lời, thậm chí người ta chỉ cần sờ vào áo Người là xong. Lần này thì “Người kéo riêng anh ta ra khỏi đám đông”, rồi làm nhiều động tác: đặt ngón tay vào lỗ tai, lấy nước miếng bôi vào lưỡi anh ta, ngước mắt lên trời, rên một tiếng và nói “Epphata” nghĩa là “hãy mở ra”. Kết quả: “lập tức tai anh ta mở ra, lưỡi như hết bị buộc lại. Anh ta nói được rõ ràng”. Anh này được chữa cả cả tai và lưỡi một lượt. Tại sao Người kéo riêng anh ta ra khỏi đám đông? Tại sao Người làm nhiều động tác hơn mọi khi?
Chúa Giêsu đem người điếc ra khỏi đám đông. Đây là sự quan tâm thật dịu dàng. Người điếc luôn ngượng nghịu lúng túng. Theo một vài phương diện thì điếc còn khó chịu hơn đui. Người điếc biết mình không nghe được, nên trong đám đông khi có người tức tối hét vào tai, cố nói cho nghe, người điếc càng cảm thấy thất vọng hơn. Chúa tỏ sự ân cần, trân trọng vì biết người điếc đang gặp khó khăn trong đời sống. Người chạm vào tai, vào lưỡi. Người ngước mắt lên trời để chứng tỏ rằng chỉ có Thiên Chúa mới giúp được cho loài người, “một cử chỉ cầu nguyện và khẩn nài quen thuộc cho thấy quyền năng của Đức Giêsu từ đâu mà có”, rên một tiếng như than thở với Thiên Chúa, “một lời mời gọi sức mạnh thần linh đến để chiến thắng quyền lực sự dữ” (chú giải của Fiches Dominicales), rồi phán một lời như lời tạo dựng. Lời nói và cử chỉ của Chúa Giêsu hiệu lực ngay tức thì: đôi tai của người câm mở ra, lưỡi của anh như được tháo cởi, anh bắt đầu nói rõ ràng.
Dân chúng ca tụng: “Ngài làm được mọi sự tốt đẹp. Ngài làm cho người điếc được nghe, người câm được nói”. Lời thán phục đó vang vọng lại lời Ngôn sứ Isaia: “Đấng Thiên Sai sắp đến cứu thoát anh em. Lúc đó mắt người mù sẽ mở ra, tai người điếc sẽ nghe được. Lúc đó, chân người què sẽ nhảy như nai và lưỡi người câm sẽ nói sỏi sàng” (Is 35,3-7). Dân chúng nhận ra Đấng Thiên Sai đã đến và Ngài đang thực hiện lời tiên tri Isaia trước mắt họ. Giữa đám đông chứng kiến phép lạ lại có những người giả điếc, giả câm trước Lời Chúa. Họ cố chấp không đón nhận sự thật. Đó là những người Pharisiêu: “Họ có mắt mà không thấy, có tai mà không nghe!”. Họ đang điếc trước công lý, câm trước sự thật, mù trước phép lạ đang diễn ra. Vẫn có đó nhiều người như những Pharisiêu mọi thời mọi nơi, họ nghe rõ, nghe đúng, nhưng làm như không nghe, không biết. Biểu hiện nơi những người này là không dám nói, có nói thì nói không đúng hay nói kiểu nói ngọng. Bài đọc thứ nhất cho ta chìa khóa tìm ra nguyên nhân của căn bệnh này đó là sự sợ hãi, thiếu can đảm. Thiên Chúa truyền cho ngôn sứ  Isaia: “Hãy nói với những kẻ nhát gan: “Can đảm lên, đừng sợ!”. Chúa Giêsu đã nhiều lần nhắn nhủ các môn đệ rằng: hãy can đảm lên, đừng sợ!  Khi sống lại, Đấng Phục lặp đi lặp lại nhiều lần “đừng sợ” với các môn đệ. Sợ khổ, sợ bị thua thiệt, sợ bị bách hại...là những cái sợ khiến nhiều người hành xử như chẳng thấy, chẳng nghe và họ đã không dám mở miệng. Họ cần được mở tai, mở mắt, mở miệng lưỡi để đón nhận Lời Chúa, để tin vào Ngài.
Tất cả mọi thứ khuyết tật đều có thể xảy ra nơi thân xác con người. Có những người dị tật, người mù, kẻ đui, người điếc, kẻ thiếu tay, người thiếu chân, tứ chi bất thường, đa số khi sinh ra họ đã mang thân phận như thế. Hầu như những khiếm khuyết tự bẩm sinh rất khó có thể chữa lành. Khoa học kỹ thuật có thể can thiệp để chữa lành một phần qua các cuộc giải phẫu. Cách tốt nhất mà khoa học có thể giúp là sáng chế những dụng cụ thích hợp để những người bị dị tật hay khiếm khuyết có thể tự xử dụng để bước vào đời.
Câm và điếc là tật nguyền của lưỡi và tai. Lưỡi không thể nói và tai không thể nghe. Không nói được và không nghe được khiến cho người câm điếc không hiểu được thế giới chung quanh họ, và thế giới chung quanh cũng bị ngăn cách với người câm điếc. Đó là câm điếc thể lý.
Trong nhân gian, còn có nhiều bệnh câm điếc khác. Câm điếc vì khác biệt ngôn ngữ và văn hóa. Câm điếc vì hiểu lầm, vì định kiến.Câm điếc vì bịt tai không muốn nghe và ngậm môi vì giận dữ. Câm điếc trước sự thật, giả câm giả điếc không dám làm chứng cho chân lý. Câm điếc khi không nghe được những nỗi niềm ray rứt của người khác. Câm điếc khi dửng dưng trước những đau khổ của những người bệnh hoạn, tật nguyền, của trẻ thơ bơ vơ.Nhưng còn có một loại câm điếc khác to lớn hơn, nguy hiểm hơn, đó là câm điếc tâm linh. Khi bị câm điếc tâm linh, ta không nghe được Lời Chúa nói với ta trong tâm hồn, hay dạy dỗ ta qua Tin Mừng. Không dám mở miệng để ngợi khen Chúa và làm chứng cho Ngài. Đó là lúc ta bỏ ngoài tai lời của Chúa nói với ta về sự thật, về chân lý, về yêu thương và hòa giải. Khi bị câm điếc tâm linh, ta ngoan cố ở lỳ trong tội lỗi, ta cố tình ở lỳ trong cái chết của tâm hồn, không thèm nghe lời mời gọi hối cải thúc dục của Chúa Thánh Thần. Nếu câm điếc thể lý đáng buồn và đáng sợ, thì câm điếc tâm linh còn đáng buồn và đáng sợ gấp bội. Câm điếc tâm linh làm ta lìa xa Chúa, đánh mất Ơn Thánh Sủng, dẫn đưa ta đến cái chết đời đời. (từ R. Veritas)
Nhiều người không câm điếc về thể lý nhưng lại câm điếc tinh thần, câm điếc tâm linh. Có người giả điếc giả câm để khỏi nghe lời giáo huấn của cha mẹ hay đấng bậc bề trên, để khỏi phải thực thi điều hay lẽ phải, thậm chí còn giả mù để khỏi thấy những nhọc nhằn của tha nhân, hay tội lỗi của chính mình.
Người ta bị câm điếc tinh thần khi tự đánh mất khả năng lắng nghe những người xung quanh mình, không còn lắng nghe tiếng nói của lương tâm để làm lành lánh dữ.Người ta bị câm điếc tinh thần khi đóng lòng mình lại, không còn nghe nỗi đau của những người khốn khổ. Người ta bị câm điếc khi đánh giá người khác theo tiêu chuẩn bên ngoài, vật chất, trọng người giàu mà coi thường người nghèo như được nói ở bài đọc II. Đó là một thứ câm điếc tinh thần mà Chúa đã cảnh báo: "Các anh có mắt mà như mù, có tai mà như điếc".
Người ta bị câm điếc tâm linh khi không nghe tiếng Chúa để nói những lời sự thật, lời yêu thương, lời hòa giải. Nhiều lúc người ta chỉ nói những lời độc hại, gây chia rẽ và đau khổ cho nhau. Người đời thường hay đổ thừa mọi điều là do "cái lưỡi không xương nhiều đường lắt léo". Nhưng cái lưỡi chỉ có thể làm nên những chuyện xấu xa nếu nó được hỗ trợ của cái tai không biết phân biệt tốt xấu, thật giả.
Người bình thường luôn có đôi tai thính, cái miệng đẹp. Cần phải nói và nghe bằng con tim. Mở tai ra để lắng nghe Lời Chúa, lời anh em, đừng “nghe tai này lọt qua tai khác”, đừng nghe “như nước đổ lá khoai”. Mở miệng lưỡi ra để nói Lời Chúa, lời yêu thương đem lại niềm vui hạnh phúc. Mở trái tim để lắng nghe những nỗi niềm và đau khổ của những người xung quanh. Mở tai ra để lắng nghe Lời Chúa và lời anh em, mở rộng tâm hồn ra để đón nhận Chúa và đón nhận anh em. Mở miệng ra để nói lên sự thật, nói những lời xây dựng thay vì phá đổ, lời tha thứ thay vì oán thù, lời yêu thương thay vì ghen ghét, lời hòa giải thay vì phân ly. Có như vậy, chúng ta sẽ trở thành những người có khả năng đối thoại thân tình với Chúa và với anh em.
Khi phục hồi người câm điếc trong khả năng nghe và nói, Chúa Giêsu muốn nói với chúng ta rằng, con người không chỉ sống bằng cơm bánh, mà còn bằng Lời Chúa nữa; con người chỉ có thể sống thực, sống trọn phẩm giá con người, khi biết mở rộng tâm hồn đón nhận và sống Lời Hằng Sống của Chúa. Hãy “cởi mở đón nhận Lời và Hành động của Đấng Cứu Thế”, và “đừng sợ hãi khi phải ‘công bố’ chúng với thế giới”. (x. J. Hervieux, Tin Mừng Máccô, Centurion, tr.107).
Lạy Chúa Giêsu, mỗi khi tham dự thánh lễ, con đều thực hiện một cử chỉ thật quen thuộc, đó là sau khi nghe bài Phúc Âm, con đọc: "Lạy Chúa vinh danh Chúa", và làm dấu thánh giá trên trán, trên môi, trên ngực, xin Chúa cho con biết mở trí, mở lòng, mở trái tim với niềm tin yêu. Xin Chúa mở trí khôn con, mở miệng lưỡi con, mở trái tim con, để con được hiểu, cảm nhận và nói lời của Chúa.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã cho người điếc nghe được và người câm nói được, xin cho con biết mở tai để lắng nghe lời Chúa và mở miệng để loan truyền Tin Mừng. Xin cho con luôn nói những lời yêu thương, cam đảm nói lời sự thật, chân thành nói lời xây dựng, xin cho con biết quan tâm nhiều hơn để lắng nghe để thấu hiểu và cộng tác với mọi người sống tinh thần Phúc Âm.Amen.
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
=================
Suy niệm 6
Niềm vui có Chúa

(Mc 7, 31 - 37)

Đặt mình vào hoàn cảnh của dân Israel và của chính người câm điếc trong Tin Mừng Marcô hôm nay, chúng ta sẽ cảm nghiệm được niềm vui có Chúa. Có Chúa mọi sự sẽ trở nên tốt lành, người bệnh được chữa lành.
Lâm cảnh cùng quẫn
Israel được Chúa chọn là dân riêng, vì thế mà được Chúa yêu thương, chăm sóc giữ gìn như con người mắt Chúa. Vậy mà họ đã phản bội lại tình yêu ấy, đi thờ ngẫu tượng, sống bê tha, luân lý suy đồi. Lời Chúa qua các ngôn sứ nhắc nhở đều vô ích, nên lưu đầy là ‘liều thuốc mạnh’ Chúa phải dùng để sửa trị dân. Họ phải chịu cảnh cùng cực cả về thể xác lẫn tinh thần. Họ phải đi bộ cả ngàn cây số, cuộc sống sống thiếu thốn, đức tin bị thử thách, khiến họ đặt ra những câu hỏi: Có Thiên Chúa hay không ? Nếu có thì tại sao Ngài lại để đất nước, thành thánh Giêrusalem và Đền thờ bị phá hủy ? Hay là Thiên Chúa yếu hơn thần Marduk ? Thiên Chúa có còn nhớ lời hứa nữa hay không ?
Khi lâm cảnh cùng cực họ mới nhận ra cái giá phải trả do tội lỗi gây ra. Tội xúc phạm đến Thiên Chúa đã đẩy họ ra khỏi vòng tay yêu thương của, hạnh phúc tiêu tan, họ lâm vào cảnh nước mất nhà tan, lối tận đường cùng trong cảnh lưu đày.
Sống hy vọng vào Chúa
Nhà cửa và thành trì của họ bị tàn phá. Đền thờ bị phá đổ tan hoang. Họ bị cướp bóc và đuổi ra khỏi nhà. Họ phải sống trong thân phận tù đày nơi đất kẻ thù. Thời huy hoàng không còn nữa. Họ phải sống cảnh lưu đày, tương lai mù mịt. Không ai có sức cứu họ thoát khỏi cảnh khổ cực này. Và giả như họ có thoát được cảnh lưu đày, thì làm sao có thể vượt qua được sa mạc khô cằn để về nước, mà có thoát chạy về nước thì ở đó cũng chẳng còn gì.
Trong lúc dân Israel đang bị giam cầm, khó lòng thoát khỏi quân Babylon đánh thì Isai tuyên sấm: "Can đảm lên, đừng sợ ! Này đây Thiên Chúa các người đến để phục thù. Chính Người sẽ đến và cứu thoát các người" (Is 35, 4). Những lời trên mới đẹp làm sao, vì nó chứa đầy tình thương của Thiên Chúa đối với dân đang lâm cảnh nước mất nhà tan, chẳng thể nhìn, nghe không được và lê bước được cũng không xong. Tin vui Chúa đến làm cho người mù nhìn thấy được, người điếc sẽ nghe được, người què nhảy nhót như nai, người câm nói được (x. Is 35, 4-7). Những lời trên thắp sáng niềm tin và hy vọng cho dân Chúa.
"Effatà - Hãy mở ra" (Mc 7, 34). Chúa Giêsu là hiện thân của Thiên Chúa Cha, đến để hoàn tất lời hứa. Lời Chúa Giêsu hô to sau hơi thở dài trước mặt người câm điếc, với bàn tay đưa ra đụng vào tai và lưỡi anh ấy, "tức thì tai anh ta mở ra, và lưỡi anh ta được tháo gỡ, và anh nói được rõ ràng"(Mc 7, 37).
Từ việc chữa lành người câm điếc "mở ra" cho cho thế giới chúng ta một sự khởi đầu với các quan năng nghe Lời Chúa và cất lời ca tụng những điều kỳ diệu của Chúa. Chúa đã làm người để con người bị câm điếc bên trong do tội lỗi có khả năng nghe tiếng Chúa, tiếng của tình yêu nói với con tim, và dạy con người học nói thứ ngôn ngữ của tình yêu, và thông truyền cho nhau những công trình tốt đẹp Chúa đã làm.
Thế giới đang cần Chúa chữa
Ngày nay nhiều người mất khả năng nghe lời Chúa và tiếng nói của đồng loại. Có người mất khả năng nói ngôn ngữ của tình yêu, hòa bình và xây dựng với chính mình cũng như tha nhân. Có người mù không nhìn thấy những điều kỳ diệu của Đấng Sáng Tạo mà ca tụng Chúa, cũng như không thấy được sự tốt đẹp nơi tha nhân.
Isaia loan báo, sẽ đến ngày Thiên Chúa đến đem lại niềm vui khi mở mắt người mù, mở tai người điếc, cho người què đi được và người câm nói được. Tin Mừng cho thấy, Chúa Giêsu đã thực hiện lời Isaia tiên báo năm xưa là chữa lành cho người câm điếc để anh nghe và nói được. Hành động Chúa kéo anh ta ra khỏi đám đông hỗn độn gồm cả dân ngoại lẫn dân Do Thái để anh thuộc về Chúa chứ không còn thuộc về loài người nữa. Chúa Giêsu đặt tay vào tai anh và bôi nước miếng vào lưỡi anh chứng tỏ Chúa không chỉ đụng chạm đến tai, đến miệng của anh, mà Chúa còn chạm đến trọn con người, gồm trái tim và tâm hồn anh nữa. Chúa Giêsu không chỉ chữa anh khỏi câm, ngọng, Chúa còn mở tai, mở mắt tâm hồn để anh có thể nhận ra Người là Thiên Chúa quyền năng và lắng nghe Lời của Chúa.
Ngày nay, có quá nhiều tiếng ồn bên ngoài và cả bên trong ta, như âm thanh của tiền bạc, danh vọng và các thú vui, làm giảm khả năng nghe, nhìn và nói về Thiên Chúa, lời Chúa không thấm vào tâm hồn chúng ta được. Nhiều người mất khả năng lắng nghe nhau bởi họ không muốn nghe người khác hay họ nói nhiều hơn nghe. Nguy hiểm hơn là tình trạng câm điếc trong tâm hồn đang xảy ra nơi chúng ta, khiến ta không nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa, không nhìn thấy những việc tốt đẹp Chúa làm trong đời ta. Có người điếc vì làm ngơ trước lời kêu cứu của anh chị em đang gặp khổ đau. Có người câm vì sợ hãi không dám nói lên sự thật và không dám bênh vực sự thật. Có nhiều người vì quyền lợi, địa vị hoặc vì một thứ bổng lộc nào đó của xã hội, mà chấp nhận biến mình thành kẻ câm, điếc hoặc mù lòa.
Lạy Chúa, xin đến chạm vào tai, môi miệng và mắt con, để con nghe được tiếng Chúa, thấy được tha nhân và ca tụng Chúa đến muôn thủa muôn đời. Amen.

Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ

Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Giáo xứ Cần Kiệm chầu Mình Thánh Chúa thay mặt Giáo phận
Giáo xứ Cần Kiệm chầu Mình Thánh Chúa thay mặt Giáo phận
Sáng ngày 12.01.2025, cộng đoàn giáo xứ Cần Kiệm long trọng cử hành Thánh lễ mừng kính Chúa Giêsu chịu phép rửa. Đây cũng là ngày giáo xứ vinh dự chầu lượt thay mặt Giáo phận.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log