Ủng hộ hay chống đối?
Mc 9, 37-42. 44. 46-47
Lẫn lộn
Chúa Giêsu nói trong tin mừng hôm nay: "Ai không chống đối các con là ủng hộ các con”. Như vậy, không có giải pháp thay thế nào khác. Phải có thái độ rõ ràng: hoặc là chống lại Chúa Kitô hoặc là ủng hộ Ngài. Không thể có hai thái độ cùng một lúc. Chúa Giêsu cũng nói: "Tất cả những ai không ủng hộ Tôi, là chống lại Tôi”.
Tuy nhiên, trong đời sống thường ngày của chúng ta, “có và không” dường như thường bị lẫn lộn. Chúng ta không bao giờ hoàn toàn ủng hộ và không bao giờ hoàn toàn chống lại. Có những lúc, chúng ta là những người hững hờ, những người mà màu xám chiếm ưu thế.
Chúa Giêsu muốn nói: “Người hững hờ nửa nóng nửa lạnh không tồn tại trước mặt Thiên Chúa. Người đó không tồn tại trước mắt Tôi. Cái nhìn của người đó bị che khuất và vì thế người đó không phân biệt ưu và khuyết điểm, không phân biệt được có và không. Đối với người đó, mọi thứ đều xám xịt, nhưng đối với Thiên Chúa, không phải như vậy."
Thiên Chúa phát hiện ra “có và không” trong sự hững hờ và màu xám xịt của chúng ta. Đối với chúng ta “có và không” thường bị lẫn lộn. Thiên Chúa biết trong mỗi chúng ta, điều gì đến từ Ngài và điều gì cản trở Ngài. Thiên Chúa không có cái nhìn xám. Thiên Chúa biết phân biệt ánh sáng với bóng tối.
Tách rời
Chúa Giêsu nói với môn đệ Gioan: “Nếu tay con nên dịp tội cho con, hãy chặt tay đó đi!” Ngài còn nói thêm: "Nếu chân con làm dịp tội cho con, hãy chặt chân đó đi”. Như vậy, Chúa Giêsu dạy các môn đệ của Ngài phân biệt trong thân thể của họ có phần nối kết với Thiên Chúa và cũng có phần cản trở Ngài.
Chúa Giêsu giáo dục cái nhìn của môn đệ Ngài:
- Ngài dạy họ phát hiện một phần của ánh sáng và một phần của bóng tối trong màu xám đời sống của họ.
- Ngài cho họ biết ánh sáng và bóng tối đã được tách biệt kể từ khi tạo dựng thế giới. Vào ngày đầu tiên trong công trình sáng tạo, Thiên Chúa tách ánh sáng ra khỏi bóng tối và Ngài gọi ánh sáng là "ngày" và bóng tối là "đêm".
- Ngày qua ngày, Chúa Giêsu dạy các môn đệ của Ngài, cách gọi mọi thứ đều có tên.
- Ngài đưa các môn đệ của Ngài ra khỏi sự nhầm lẫn.
- Ngài dạy họ và chúng ta hành động theo cái nhìn sáng suốt và quảng đại của Ngài.
Theo Chúa Giêsu,
- Mỗi người chúng ta có thể học tách ánh sáng khỏi bóng tối, ngày ra khỏi đêm trong đời sống chúng ta.
- Mỗi người chúng ta có thể học gọi tên mọi thứ để phân biệt “có và không”, và để phát hiện điều gì từ Thiên Chúa và điều gì chống lại Ngài,
Bền vững
Chúa Giêsu nói: “Ai nhân danh Thầy mà cho các con một ly nước vì lẽ các con thuộc về Đấng Kitô, Thầy bảo thật các con: người đó sẽ không mất phần thưởng đâu”.
Bất cứ ai biết phát hiện ra rằng, mặc dù nơi Giáo hội và nơi mỗi tín hữu có một phần tội lỗi, nhưng vẫn có một phần không thể thay đổi được đó là ánh sáng, đó là những người con của ánh sáng, những người con của ban ngày. Những người con này tôn vinh Thiên Chúa và làm Thiên Chúa vui thỏa. Những người con đó làm cho Thiên Chúa quên đi nỗi đau và độ dài của màn đêm.
Nhờ ơn Thiên Chúa giúp, chúng ta hãy nhận ra nơi mỗi người, đều là người con của ánh sáng và chúng ta hãy uống với lòng biết ơn. Hãy tin rằng những người con này cần ly nước đó để khôi phục sự tin tưởng vào Thiên Chúa. Chính chúng ta cũng hãy cho thứ nước đó cho anh em chị em chúng ta!
Nếu càng nhận ra Con Thiên Chúa sống trong chính chúng ta, cũng như trong mỗi anh chị em chúng ta, thì:
- Chúng ta càng có thể phân biệt được sự tiếp tay của chúng ta với tội lỗi, sẽ đẩy chúng ta đến chỗ chết.
- Nhân danh Chúa Giêsu, chúng ta không từ chối những người, ngoài nhóm của chúng ta, vì mục đích cứu sống.
- Chúng ta sẵn sàng từ chối bên trong chúng ta những gì cản trở bước vào sự sống.
- Chúng ta mạnh dạn chặt cái ác đang kéo chúng ta vào màn đêm. Như một bác sỹ phẫu thuật: móc bỏ một mắt hoặc cắt cụt một chi để cứu thân xác và làm cho thân xác của một bệnh nhân khỏi chết. Thà được vào “cõi sống đã hứa”, còn một mắt, một tay…tàn tật, còn hơn là phải “ném xuống địa ngục”.
Linh mục Gioan Đặng Văn Nghĩa
===================
Suy niệm 2
Mc 9,38-43.45.47-48
Bài Tin Mừng hôm nay giúp chúng ta cảm nghiệm được nhiều nỗi lòng của Chúa.
1. Chúa không vui khi Gioan yêu Chúa, nhưng lại yêu sai. Hôm ấy Gioan đi truyền đạo và gặp một người mượn danh Chúa để trừ quỷ. Ông tức giận và cấm người ấy không được làm như vậy. Ông tưởng mình cấm như thế là đúng, nên không rễ khoe với Chúa rằng: “Chúng con đã cố ngăn cản, vì người ấy không theo chúng ta.” Chúa dằn mặt Gioan rằng: “Đừng ngăn cản người ta.” Sau đó Chúa mở trí Gioan để ông thấy rằng: trên đường loan báo Tin Mừng, thì phải ủng hộ những người làm việc tốt, dù người ấy không phải là người theo đạo của Chúa. Thấy ai làm việc tốt, thì phải mừng và sẵn sàng hợp tác. Cụ thể là tại Việt Nam hiện nay có đạo Phật, đạo Cao Đài, đạo Hòa Hảo và có những nhóm từ thiện không thuộc tôn giáo nào. Chúng ta nên ủng hộ họ và cùng đan tay với họ để làm công tác phát triển dân sinh và dân trí. Không ủng hộ, không cộng tác với những người ấy thì là môn đệ của Gioan, chứ không phải là môn đệ của Chúa.
Đáng buồn là hiện nay vẫn đang có nhiều người làm công tác từ thiện mà chỉ làm một mình mà không muốn cộng tác với các tôn giáo bạn và với những người không Công giáo. Thế là một sai lầm làm cho Chúa mất hứng.
2. Chúa rất phấn khởi khi thấy trên đường truyền giáo có rất nhiều mạnh thường quân rộng tay giúp đỡ. Chúa thôi làm thợ mộc, các Tông đồ thôi đánh cá… nhưng tất cả đều vẫn có nhà nghỉ trọ, vẫn có cơm ăn… chẳng thiếu điều gì. Chúa an ủi các Tông đồ và khuyến khích các ân nhân bằng một lời mà ai nghe cũng phải thấy mát ruột, mát đến cực kỳ: “Ai cho anh em uống một chén nước, vì lẽ anh em thuộc về Đấng Ki tô, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu.”
Niềm phấn khởi này của Chúa vẫn đang tiếp diễn trên khắp hoàn cầu. Đáng mừng vô cùng!
3. Chúa cảm thấy cực kỳ đau đớn, vì gương mù gương xấu làm hư hỏng biết bao cuộc đời, từ trẻ thơ đến người lớn, từ người dân cùng khổ đến các đại gia và người quyền cao chức trọng. Chúa dùng những từ ngữ và những lối hành văn nặng nề để nói lên nỗi lòng cay đắng ấy. Nào là chặt tay, chặt chân, móc mắt; nào là buộc cối đá vào cổ mà ném xuống biển…
Những kiểu nói ấy cho ta thấy Chúa buồn giận đến cỡ nào khi gương xấu làm hư con người. Trùng trùng điệp điệp gương xấu càng ngày càng nhiều và xuất hiện trên các phương tiện truyền thông hiện đại. Một em bé mới chập chững biết đi cũng ngồi xem hình ảnh khiêu dâm trên điện thoại.
Ba nỗi lòng vui buồn được nêu lên trong bài Tin Mừng hôm nay nhắc nhở chúng ta phải ngẫm nghĩ, phải cảm nghiệm như Đức Giê su. Cụ thể là:
- Chúng ta phải luôn luôn hợp tác với các tôn giáo bạn và các nhà hảo tâm để chấm dứt tình trạng nghèo và dốt đang đày đọa con người.
- Chúng ta phải tranh đấu để chấm dứt các tệ nạn xã hội đang diễn ra khắp nơi trên toàn thế giới, đang giết chết lương tâm con người, kể cả các bé thơ.
Linh mục Piô Ngô Phúc Hậu
===================
Suy niệm 3
Diệt trừ tội lỗi tận gốc
Mc 9, 38-48
Một xã hội nhiều gương xấu
Một số cô gái trẻ ngày nay thu hút sự chú ý của các bạn trẻ trên cộng đồng mạng bằng những nét khiêu gợi lố lăng, bằng những câu nói dung tục, lệch lạc, những phát ngôn gây sốc, những chiêu trò bỉ ổi… Thế là chẳng mấy chốc, những cô gái lệch chuẩn nầy bỗng dưng hóa thành “sao”, được rất nhiều bạn trẻ nông nổi hâm mộ, xem như thần tượng của mình và điều đáng tiếc là họ không thấy điều đó là sai.
Thế là những cách ứng xử lệch chuẩn, những chiêu trò bỉ ổi, những thứ trang phục phản cảm, những ngôn từ gây sốc… của những “sao” nầy trở thành mẫu mực cho nhiều bạn trẻ bồng bột, thiếu định hướng trong xã hội noi theo. Điều nầy tác động rất xấu đến thế hệ được xem là tương lai của đất nước.
Bên cạnh những gương xấu tai hại nầy, còn vô số những phim ảnh dâm ô, bạo lực, đồi trụy… tràn lan trên mạng, thu hút nhiều người xem, gây ảnh hưởng cực kỳ xấu cho giới thanh thiếu niên.
Ngoài những gương xấu trong xã hội, giới trẻ cũng gặp nhiều gương xấu trong gia đình: Cha mẹ không tham dự Thánh lễ Chúa nhật, không hề đọc kinh sáng tối hay cầu nguyện hằng ngày… nên con cái chẳng còn biết đến Chúa; Có những phụ huynh ăn gian, nói dối, chửi thề, bài bạc, rượu chè be bét… tạo cớ cho con em mình hư hỏng.
Điều đáng tiếc là nhiều tín hữu không ý thức được tác hại do gương xấu mình gây ra, không cho việc làm cớ cho con em vấp phạm là trọng tội, nên cứ chứng nào tật nấy và thế là, giới trẻ hư hỏng lúc nào không hay.
Chúa Giê-su kịch liệt bài trừ gương xấu
Chính vì gương xấu gây ảnh hưởng tai hại lên nhiều người khác nên Chúa Giê-su kịch liệt bài trừ. Ngài muốn nhổ bỏ tội lỗi tận gốc rễ, muốn diệt trừ gương xấu bằng mọi giá.
Trước hết, Ngài răn đe những người gây ra gương xấu bằng những lời lẽ thật nghiêm khắc: “Ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin đây phải sa ngã, thì thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà ném xuống biển còn hơn” (Mc 9, 42).
Chúa truyền phải ném người làm gương xấu xuống biển, nhưng trước đó, phải lấy một cối xay bằng đá mà người Do Thái ngày xưa thường dùng, loại cối lớn phải dùng sức lừa mới kéo nổi, rồi buộc vào cổ người ấy, để cho người đó chìm xuống nước thật mau, thật sâu và chìm đến tận đáy!
Như vậy, Chúa Giê-su lên án cách nghiêm khắc và kết án nặng nề những người gây ra gương xấu làm hại những người chung quanh.
Dứt khoát với tội lỗi
Cùng với việc lên án người làm gương xấu, Chúa Giê-su dạy phải dứt khoát chừa tội với bất cứ giá nào.
Không có gì cần thiết cho bằng con mắt, bàn tay hay bàn chân. Đây là những phần thân thể thiết yếu mà người ta hết lòng trân quý và không bao giờ muốn bị mất đi.
Thế mà Chúa Giê-su dạy rằng: “Nếu tay anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi; thà cụt một tay mà được vào cõi sống còn hơn là có đủ hai tay mà phải sa hoả ngục, phải vào lửa không hề tắt. Nếu chân anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi; thà cụt một chân mà được vào cõi sống còn hơn là có đủ hai chân mà bị ném vào hoả ngục. Nếu mắt anh làm cớ cho anh sa ngã, thì móc nó đi; thà chột mắt mà được vào Nước Thiên Chúa còn hơn là có đủ hai mắt mà bị ném vào hoả ngục, nơi giòi bọ không hề chết và lửa không hề tắt” (Mc 9, 44-48).
Qua những lời nầy, Chúa Giê-su không có ý dạy chúng ta hủy hoại cơ thể để khỏi phạm tội; nhưng Ngài muốn chúng ta ghi nhận rằng: Hỏa ngục là cực hình đáng sợ, là chốn trầm luân đời đời mà mỗi người phải tránh cho khỏi sa vào đó, cho dù phải hy sinh những gì trân quý nhất.
Lạy Chúa Giê-su,
Sự sống đời đời vô cùng quý báu nên Chúa sẵn sàng hy sinh chịu khổ nạn và chịu chết để cứu chúng con khỏi sa hỏa ngục và cho chúng con hưởng phúc thiên đàng. Tuy nhiên, sự sống nầy có thể mất đi dễ dàng vì gương xấu và tội lỗi chúng con gây ra.
Xin cho chúng con quyết tâm dứt bỏ tội lỗi và không bao giờ gây ra gương xấu, để khỏi sa vào chốn ngục hình, uổng công Ngài cứu chuộc. Amen.
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
===================
Suy niệm 4
“Nguyên Tắc Cởi Mở”
Công đồng Vatican II đã mở ra cho Giáo hội một cái nhìn mới về mối tương quan giữa người Công giáo với những anh chị em Tin Lành và cả những người thuộc các tôn giáo khác nữa.Những văn kiện của Công đồng, đặc biệt là sắc lệnh Đại kết (Unitatis redintegratio) và tuyên ngôn Tôn giáo ngoài Kitô giáo (Nostra aetate), đã giúp chúng ta nhìn anh chị em ngoài Giáo Hội với thái độ cởi mở, thân thiện và đoàn kết hơn. Công đồng đã đưa chúng ta trở về nguồn cội của bình an và hòa thuận là Thần Khí của Thiên Chúa và tinh thần của Chúa Giêsu, như được diễn tả trong bài đọc Cựu Ước và bài Tin Mừng Chúa nhật hôm nay.
Bài đọc 1 kể chuyện, thời ông Môsê dẫn dân Ítraen ra khỏi Aicập. Thiên Chúa đã lấy một phần Thần Khí Người ban cho ông Môsê để chia sẻ cho các kỳ mục. Có hai kỳ mục tên là Enđát và Mêđát không có mặt tại Lều hội ngộ lúc Thần Khí xuống trên bảy mươi kỳ mục kia, nhưng Thần Khí vẫn ngự xuống trên hai ông đang khi họ ở trong trại. Được đầy Thần Khí, hai ông bắt đầu nói tiên tri trong trại. Người ta báo cáo việc này cho ông Môsê và ông Giôsuê còn lên tiếng xin ông Môsê hãy ngăn cản hai kỳ mục kia. Ông khuyên họ hãy nhận biết đó là việc Thiên Chúa làm và việc hai kỳ mục thi hành tác vụ ngôn sứ là điều đẹp lòng Thiên Chúa. Bản thân ông Môsê không coi việc Thiên Chúa “lấy một phần Thần Khí đang đậu trên ông mà đặt trên bảy mươi kỳ mục” là một sự thiệt hại cho ông. Trái lại, ông còn vui mừng ước mong Thần Khí không những xuống trên ông và các kỳ mục, mà còn xuống “trên toàn dân của Người để họ đều là ngôn sứ nữa”. Đối với ông, hai kỳ mục kia đã làm công việc của Thiên Chúa,vì thế ông không được “ngăn cản” họ chỉ vì họ không cùng có mặt với ông và bảy mươi kỳ mục khác. Đúng như Chúa Giêsu sẽ nói sau này: “Ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta”.
Bài Tin Mừng thuật chuyện, khi thấy một số người mặc dù không thuộc nhóm các môn đệ của Chúa Giêsu mà lại ra tay trừ quỷ, ông Gioan tìm mọi cách để cản ngăn. Ông hãnh diện về việc này và kể công với Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, có người lấy danh Thầy mà trừ quỷ. Chúng con đã cố ngăn cấm, vì người ấy không theo chúng ta”. Ông Gioan đã cùng với các bạn cố “ngăn cản” người nhân danh Chúa mà trừ quỷ, vì người ấy “không theo chúng ta”. Ông Gioan và các bạn tông đồ không muốn nhìn nhận tác vụ trừ quỷ của người kia chỉ vì người ấy không cùng phe với họ. Các ông quên mất rằng việc trừ quỷ là do Thiên Chúa đã ban đặc ân cho người trừ quỷ. Chúa Giêsu đưa ra một Nguyên tắc cởi mở: “Ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta”. (x.Tĩnh tâm với sách Tin mừng Maccô. Lm Giuse Nguyễn Công Đoan). “Chúng ta” là chính Ngài và những người đi theo Ngài, vốn sẽ làm nên Giáo Hội. Chúa Giêsu muốn nhắn nhủ các môn sinh: bất cứ ai làm công việc của Thiên Chúa thì đương nhiên là “theo chúng ta” rồi! Làm công việc của Thiên Chúa không lệ thuộc vào phe nhóm hoặc nhờ cái nhãn hiệu. Trừ quỷ là nhờ “dựa vào Thần Khí của Thiên Chúa mà trừ quỷ” (Mt 12,28), chứ đâu phải dựa vào phe nhóm. Tinh thần phe nhóm là khí giới ma quỷ sử dụng thường xuyên nhất để tạo nên ganh ghét hận thù.
Chứng kiến điều kỳ diệu, đó là Danh Thầy Giêsu được tuyên xưng vượt khỏi giới hạn nhóm của mình, và Danh Thầy Giêsu có sức mạnh trừ quỉ, nhưng thay vì tạ ơn Chúa, ca tụng Thầy và chúc mừng người ta, thì môn đệ Gioan và các môn đệ khác lại “cố ngăn cản”, vì “người ấy không theo chúng ta”. “Không theo chúng ta”, nhưng họ đang làm việc trừ quỷ, tức là họ đang làm được những việc tốt lành, việc thiện. Mà mọi điều tốt lành phải từ Thiên Chúa mà đến. “Họ không theo chúng ta”, nhưng họ đều được Thiên Chúa tạo dựng và có quyền gọi Thiên Chúa là cha như “ chúng ta”. Chúa cũng muốn các tông đồ bao dung tha thứ. “Họ đã lấy danh Chúa Giêsu mà trừ quỷ”, cho dù chưa được sự cho phép của Chúa Giêsu, nhưng chứng tỏ Danh Chúa đã được họ tôn trọng yêu mến. Điều đó chứng tỏ họ cũng được Thiên Chúa trao cho bổn phận loan báo hồng ân cứu độ nơi Chúa Giêsu một cách nào đó.Do vậy “chúng ta” không được phép ngăn cản, ghen tị hay tự đắc độc quyền với việc loan báo hồng ân ấy.
Ngày nay người ta lên án mọi hình thức độc quyền: độc quyền về điện nước, xăng dầu, sách giáo khoa... Những thứ độc quyền này đã và đang làm suy yếu nền kinh tế, giáo dục và nhiều lĩnh vực khác nữa. Trong đời sống tôn giáo, cũng có một thứ độc quyền mà Chúa Giêsu mạnh mẽ đả phá, đó là độc quyền về ơn sủng, độc quyền làm điều thiện.Đàng sau sự độc quyền là lòng kiêu căng, tham danh, hám lợi. Chỉ có ta hay phe nhóm chúng ta mới là duy nhất đúng, vì thế chỉ có ta hay phe ta mới có quyền giáo dục, mới có quyền lãnh đạo… và rồi chỉ có ta, phe ta mới được hưởng lợi lộc và được tôn vinh. Hậu quả của thái độ độc tôn, độc quyền thật đáng sợ mà lịch sử cho thấy qua những cuộc chiến tranh, đàn áp bất công, loại trừ tha nhân cách này cách khác…
“Nguyên Tắc Cởi Mở”của Chúa Giêsu là việc tốt, việc thiện, việc lành do bất cứ ai làm nhân danh Ngài đều có giá trị.Hơn thế nữa, một việc tốt, việc lành, nhất là việc phục vụ anh chị em đồng loại, dù nhỏ bé tầm thường đến mấy vẫn không mất công phúc: “Thầy bảo thật anh em, ai cho anh em uống một chén nước vì lẽ anh em thuộc về Đấng Kitô, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu” (Mc 9,41). Ta có thể cho nhiều hay cho ít, điều đó không quan trọng. Ðiều quan trọng là ta đã cho “như thế nào”, bao nhiêu tình yêu mến được đặt vào nghĩa cử mà ta làm cho người khác. Ðôi khi chỉ cần cho một chén nước lã mà lại được ghi công. “Cho một chén nước lã” là một cử chỉ tầm thường, nhỏ bé, song lại lớn lao trước mắt Thiên Chúa khi được thực hiện nhân danh Người, khi thực hiện với tình thương. Giá trị của nó còn nằm ở chỗ: “Làm cho những kẻ bé mọn là làm cho chính Chúa” (Mt 25,40).
Những người sống “Nguyên Tắc Cởi Mở” thì sẵn sàng đón nhận những khác biệt, nhất là những khác biệt có thể mang lại ích lợi chung. Điều này càng đúng cho thời đại hôm nay, vì thế giới ngày càng đa cực, đa diện hơn trong cách ứng xử, tiếp cận chân lý. Đừng sợ sự khác biệt, hãy bao dung đón nhận những người không thuộc phe nhóm với mình, nhưng cùng hoạt động cho thiện ích chung của xã hội, Giáo hội. Chúng ta hãy tỉnh táo phân định xem mục tiêu của công việc, những phương thế để đạt mục tiêu, ngõ hầu cùng hợp tác làm việc chung. Không nên vội vàng hấp tấp loại trừ họ chỉ vì họ không phải “phe ta”! Dấu chỉ để nhận ra bàn tay của Thánh Thần thúc đẩy là sự hiệp nhất, yêu thương và xây dựng. Phá đổ, nói xấu, dèm pha, ngăn cản điều tốt là do ma quỷ. Việc của ma quỷ đôi khi đội lốt đạo đức, đó là khi người ta lấy Danh Chúa mà cản trở việc tốt của anh em.
Người Công giáo chúng ta đang sống trong một xã hội đa tôn giáo, nên cần phải loại bỏ tinh thần độc tôn, không nên nghĩ rằng chỉ có người trong đạo mình mới làm được những việc tốt đẹp, rồi đánh giá thấp những công việc tích cực của anh chị em thuộc các tôn giáo bạn. Thật ra, Chúa không chỉ muốn những người Công giáo làm việc tốt, mà Chúa còn muốn cho tất cả mọi người đều làm việc tốt, để nhân loại được hưởng nhờ, vì thực thi việc tốt là bổn phận không của riêng ai. Hãy loại bỏ tinh thần độc tôn, đừng cho rằng Đoàn Thể của mình là quan trọng nhất, đừng nghĩ rằng chỉ có Nhóm của mình là có đặc ân tối ưu, rồi xem thường những người không “cùng hội cùng thuyền” với mình. Bởi lẽ, trong việc nên thánh, không ai có thể nên thánh một mình, cũng không ai được độc quyền khi nên hoàn thiện.
Tiếp nối sứ mạng của Chúa Giêsu, sứ mạng của Giáo Hội là làm cho Nước Thiên Chúa được loan báo đến cho mọi người. Trong một thế giới đa nguyên về ý thức hệ, văn hóa và tôn giáo, sống tinh thần bao dung của Chúa Kitô thật quan trọng. Thay vì loại trừ người khác chỉ vì họ không thuộc về nhóm của mình, chúng ta được mời gọi để nhận ra trong thế giới đầy dẫy khác biệt này vẫn có đông đảo những người đứng về phía sự thật, họ là những người ủng hộ Chúa Kitô bởi vì họ không chống lại Ngài.
Khi thường nhìn người khác một cách nghi kỵ và khắt khe: “Họ không ủng hộ tôi tức là họ chống đối tôi”, nếp sống của con người trở nên bi quan và khép kín. Hôm nay, Chúa dạy chúng ta một cái nhìn rất bao dung và rất lạc quan với “Nguyên Tắc Cởi Mở”: Ai không chống đối các con là ủng hộ các con. Chắc chắn với cái nhìn này đời chúng ta sẽ vui tươi hơn và sẽ làm việc thoải mái hơn.
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
===================
Suy nệm 5
Đừng có phe nhóm
(Mc 9,37-42)
Khởi đầu đoạn Tin Mừng hôm nay, chúng ta bắt gặp lời ông Gioan thưa cùng Chúa Giêsu rằng: “Lạy Thầy, chúng con thấy có kẻ nhân danh Thầy mà trừ quỷ, kẻ đó không theo ta, và chúng con đã ngăm cấm y” (Mc 9, 38). Chúng ta đừng vội kết án Gioan là ích kỷ, hẹp hòi. Danh Chúa được mọi người nhận biết và ca tụng, nhất là nhờ danh Chúa mà trừ được quỷ mang lại bình an cho con người mà còn cấm.
Đối với người Do Thái, Chúa là Thiên Chúa của riêng họ. Chính Chúa Giêsu đã từng từ chối chữa lành con gái người đàn bà xứ Cannaan thuộc giòng giống Syrôphênixi (x. Mc 7,24-30). Khi nói với Gioan: “Đừng ngăn cấm y, vì chẳng ai có thể nhân danh Thầy mà làm phép lạ, rồi liên đó lại nói xấu Thầy” (Mc 9, 39), là Chúa giúp ông mở rộng tầm nhìn về ơn cứu độ Chúa mang đến cho hết mọi người và loại trừ đầu óc phe nhóm.
Phe nhóm
Óc địa phương, óc bè phái, phe nhóm xuất hiện ở trong xã hội từ tổ chức nhỏ nhất đến cơ quan đoàn thể cao nhất. Giáo Hội sống trong một xã hội cũng không nằm ngoài cái thường tình ấy. Ai hợp với mình thì dù người xấu cũng cho là tốt, việc dở cũng cho là hay, rồi che đậy cho nhau, ủng hộ lẫn nhau. Ai không hợp với mình thì người tốt cũng cho là xấu, việc hay cũng cho là dở, rồi tìm cách gièm pha, nói xấu, dìm người đó xuống, họ phải mấy cũng không nghe.
Vì phe nhóm mà ông Giôsuê, con ong Nun đã đề nghị ông Môsê ngăn cấm ông Enđát và ông Mêđát nói tiên tri.Ông Môsê đáp lại rằng: “Ngươi phân bì giùm ta làm chi? Chớ gì toàn dân được nói tiên tri và Chúa ban Thần Trí Người cho họ” (x. Ds 11,27).
Vì óc bè phái mà Gioan đã ngăm cản một số người không cùng nhóm các tông đồ đã dùng danh Chúa mà trừ quỷ (x. Mc 9,38). Ông nghĩ rằng họ không được phép vì họ không thuộc nhóm các tông đồ mà lại hành động theo thần trí của Thiên Chúa. Chúa bảo ông: “Không ai lấy danh nghĩa Thày mà làm phép lạ, rồi ngay sau đó có thể nói xấu về Thày” (Mc 9,39).
Danh “Giêsu”, có nghĩa là “Thiên Chúa cứu độ”. Thánh Phêrô khẳng định rằng “dưới gầm trời này không có danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để chúng ta nhờ vào Danh đó mà được cứu độ” (Cv 4,12). Danh “Giêsu” được cất lên, “cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ” (Pl 2, 5-11). Danh ấy có sức mạnh trừ quỷ đuổi ma. Vì thế, phải rao truyền Danh “Giêsu” cho mọi người nhận biết.
Nước trời là mục tiêu tối hậu
Người đời thường có óc bè phái, ích kỷ, bảo vệ quyền lợi và danh dự của nhóm mình, và đố kỵ ganh ghét với những nhóm khác. Phe nhóm làm tha hóa con người, xói mòn lòn tin của người khác và nhất là rất dễ bị ma quỷ lợi dụng. Phương châm của thế gian là “Ai không theo ta tức là nghịch với ta”. Chúa Giêsu dạy các môn đệ đừng nhìn người khác bằng cặp mắt đố kỵ, nhưng hợp tác với những người thiện chí. Phương châm Chúa đưa ra là “Ai chẳng chống đối các con là ủng hộ các con” (x. Mc 9, 40 ).
Nước Trời và sự sống đời đời là mục tiêu tối hậu. Vì muốn kéo dài sự sống tạm bợ đời này mà có người sẵn sàng tháo chân, móc mắt, cắt ruột, xem ra nhẹ nhàng. Vậy, để có được sự sống đời đời, chúng ta phải chấp nhận hy sinh nhiều thứ khác, từ bỏ hy sinh những gì cản trở sống đời đời của chúng ta.
Tay, chân, mắt là những bộ phận rất quan trọng trong cơ thể không thể thiếu để có một đời sống bình thường, tuy nhiên, chúng có thể trở thành duyên cớ cho ta vấp phạm, sa ngã đưa chúng ta vào cõi chết đời đời. Chặt tay, chặt chân hay móc mắt là những điều kinh khủng, gây đau đớn. Bị què tay, què chân hay chột mắt ở đời này là điều chẳng ai muốn. Nhưng Chúa Giêsu mời chúng ta nghĩ đến giá trị của đời sống vĩnh cửu, can đảm cắt bỏ với những thụ tạo đang làm hư hỏng ta chẳng những đời này mà cả đời sau nữa. Chúng ta phải can đảm, quảng đại sống cho giá trị của Tin Mừng, dẫu cho có thiệt thòi, mất mát những vinh hoa trần thế, nhưng có được chỗ đứng trong vương quốc của Thiên Chúa.
Đừng là cớ vấp phạm
Sống yêu thương, quảng đại, hy sinh vì Nước Trời, nên ngay ở đời này chúng ta phải sống tốt, sống gương mẫu, đừng làm cớ vấp phạm cho ai. Nhấn mạnh đến điều này, Đức Thánh Cha Phanxicô giảng trong thánh lễ sáng thứ năm 27 tháng 2 năm 2014 tại Nhà nguyện Mácta, ngài nói: “Người Kitô hữu bất nhất sẽ làm cớ vấp phạm, và cớ vấp phạm thì giết hại người khác”.
Mang danh là Kitô hữu, thì cần phải sống như Kitô hữu, suy nghĩ như Kitô hữu, cảm nhận như Kitô hữu và hành động như Kitô hữu. Đó là sự thống nhất trong đời sống của một Kitô hữu, nếu thiếu một trong những điều này, thì chúng ta không còn là Kitô hữu nữa. Cần phải sống trước sau như một, sống bất nhất sẽ gây rất nhiều tai hại cho người khác.
Thánh Giacôbê đã nặng lời khiển trách những người Kitô hữu sống bất nhất huênh hoang, Ngài viết: “Này tiền công thợ gặt ruộng cho các ngươi mà các ngươi đã gian lận, tiền đó đang kêu gào và tiếng kêu gào của người thợ gặt đã lọt thấu đến tai Chúa các đạo binh. Các ngươi đã ăn uống say sưa ở đời này, lòng các ngươi đã tận hưởng khoái lạc trong ngày sát hại. Các ngươi đã lên án và giết chết người công chính, vì họ đã không kháng cự lại các ngươi”. Trong cộng đoàn có người sống bất nhất như thế thì rất tai hại, trở nên cớ vấp phạm cho người khác”.
Chúa Giêsu lên án người làm cớ vấp phạm: “Kẻ nào làm cớ vấp phạm cho một trong những kẻ bé mọn có lòng tin Thầy, thà buộc thớt cối xay vào cổ người ấy mà xô xuống biển thì hơn”.
Lạy Chúa, xin ban ơn trợ giúp, để chúng con biết sống yêu thương, sống quảng đại mưu tìm kiếm nước Trời, và đừng là cớ vấp phạm cho người khác, nhất là trẻ em. Amen.
Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ
===================
Suy niệm 6
DỨT KHOÁT KHÔNG CHỚP NHOÁNG
Ông bà và anh chị em rất thân mến! Thái độ dứt khoát trong mỗi quyết định rất ư cần thiết. Sống ở đời, biết bao lần chúng ta phải đắn đo suy nghĩ đưa ra sự lựa chọn dù khó khăn, nhưng lại hết sức cần sự dứt khoát, kiên vững!
Nhiều người đã trải qua kinh nghiệm chữa trị khi bị rắn cắn hay bị kiến ba khoang đốt rất hiểu rõ về sự dứt khoát này. Một khi nộc độc của rắn hoặc độc tố của kiến ba khoang loang ra từ vết cắn hay vết đốt thì việc dứt khoát hy sinh cắt đi bộ phận bị nhiễm độc hầu tránh hoại tử và dẫn tới tử vong quả thật rất hệ trọng.
Trong đời sống thiêng liêng cũng vậy, thái độ dứt khoát với tội lỗi, với thói quen xấu xa tồi tệ của chúng ta không thể thiếu được. Tuy Đức Giê-su dùng lối diễn tả mạnh mẽ, và có thể khiến ai đó cảm thấy lo sợ, nhưng Ngài chủ yếu nhắm tới thái độ, hành động dứt khoát với tội lỗi như thể thà mất đi một bộ phận, còn hơn toàn thân bị huỷ hoại: “Nếu tay con nên dịp tội cho con, hãy chặt tay đó đi: thà con mất một tay mà được vào cõi sống, còn hơn là có đủ hai tay mà phải vào hoả ngục, trong lửa không hề tắt. Và nếu chân con làm dịp tội cho con, hãy chặt chân đó đi: thà con mất một chân mà được vào cõi sống, còn hơn là có đủ hai chân mà phải ném xuống hoả ngục. Và nếu mắt con làm dịp tội cho con, hãy móc mắt đó đi, thà con còn một mắt mà vào nước Thiên Chúa, còn hơn là có đủ hai mắt mà phải ném xuống hoả ngục…” (x. Mc 9, 43-47). Lẽ dĩ nhiên, muốn có được thái độ dứt khoát này, chúng ta phải khởi sự từ trong tư tưởng, tâm trí và tâm hồn của chúng ta. Lời nói không hay, hành vi hoặc hành động không tốt đều bắt đầu từ tư tưởng đen tối của mình. Để dứt khoát, cắt đi cơn đau nơi thân thể, chúng ta nên chặn đứng mọi điều khiến mình sa ngã, lạc lối ngay trong lối suy nghĩ bất chính, mưu mô, v.v…
Hơn nữa, thái độ dứt khoát này khiến chúng ta năng chạy đến với Chúa, kín múc ân sủng của Ngài, rồi vui vẻ cộng tác, xét mình mỗi ngày và từng giây phút trong đời sống thường nhật. Nếu chúng ta quên đặt mình trước Chúa, nhìn lại bản thân, thì chắc hẳn thời gian ấy dường như dành cho việc ‘nhận xét người khác, hơn là xét mình’, mà tệ hơn là ‘xét đoán’. Chuyện này cũng đã xảy ra thời ông Mô-sê, được sách Dân Số kể lại: “…có hai vị ở lại trong lều trại, một người tên là El-đad, và người kia tên là Mê-đad. Thần Trí đã ngự trên hai ông: vì hai ông được ghi tên vào sổ, nhưng không đến ở trong nhà xếp…Tức thì Gio-suê, con ông Nun, tuỳ tùng của ông Mô-sê, và là kẻ được chọn trong số đông người, liền thưa rằng: “Hỡi ông Mô-sê, xin hãy cấm chỉ các ông ấy đi”…Ông Mô-sê đáp lại rằng: "Ngươi phân bì giùm ta làm chi? Chớ gì toàn dân được nói tiên tri và Chúa ban Thần Trí Ngài cho họ”” (x. Ds 11, 26. 28-29). Thái độ kiên quyết dứt khoát với tội lỗi thường gắn liền với tâm tình ăn năn sám hối tận căn (metanoia), thú nhận tội lỗi mình và thật lòng quay về với Thiên Chúa như Thánh Gia-cô-bê đã chỉ ra một phần nào đó trong bài đọc II: “Các ngươi đã tích trữ cho các ngươi…Này tiền công thợ gặt ruộng cho các ngươi mà các ngươi đã gian lận, tiền đó đang kêu gào và tiếng kêu gào của người thợ gặt đã lọt thấu đến tai Chúa các đạo binh. Các ngươi đã ăn uống say sưa ở đời này, lòng các ngươi đã tận hưởng khoái lạc trong ngày sát hại. Các ngươi đã lên án và giết chết người công chính…” (x. Gc 5, 4-6).
Sau cùng, để có thái độ dứt khoát với tội lỗi, chúng ta không thể gây cớ hoặc tạo dịp cho người khác vấp phạm đươc. Đúng hơn, chúng ta thật sự phải sống gương mẫu, hân hoan thực thiện những gì Đức Giê-su truyền dạy, chứ không trở nên gương mù gương xấu cho người khác, vì “nếu kẻ nào làm cớ vấp phạm cho một trong những kẻ bé mọn có lòng tin Thầy, thà buộc thớt cối xay vào cổ người ấy mà xô xuống biển thì hơn” (Mc 9, 42). Trong gia đình, bố mẹ sống làm gương cho con cái chăng? Nơi hàng xóm láng giềng, chúng ta là những người Công Giáo có ý thức sống yêu thương, tha thứ, sống chứng tá cho Chúa không? Nơi cộng đoàn dòng tu, giáo xứ lớn nhỏ, chúng ta có sống hợp nhất, và làm gương chia san, hiệp thông với nhau chăng? Với vai trò, trách vụ và bậc sống của mỗi người, chúng ta đã nỗ lực, cộng tác sống như Chúa dạy và làm gương lành gương tốt trong môi trường xã hội chung quanh mình chưa? Khi nhìn lại bản thân một cách kỹ lưỡng, chúng ta thấy mình thường làm những gì ngược lại với Chúa dạy, hoặc chúng ta chưa dứt khoát ‘gạn khơi đục trong’, và chưa hết lòng kiên vững theo Chúa! Vì vậy, biết bao nhiêu sự cố đã diễn ra vô tình hay hữu ý, gây tổn hại cho nhau, cho gia đình, cho cộng đoàn!
Với ơn Chúa và nhờ ơn Ngài, chúng ta chạy đến van nài được luôn kiên vững trong đức tin, dứt khoát với mọi điều khiến mình xa lìa Chúa và anh chị em!
Chúa yêu con nồng nàn
Chẳng một lời than van
Hy sinh trót xác hồn
Tận hiến cùng trao ban.
Xin cho con theo Ngài
Chân tiến bước không ngại
Dứt khoát và vững chãi
Không hề xét đoán ai…Amen!
Lm. Xuân Hy Vọng