Tin yêu
(Mc 12, 28b-34)
Cố gắng
Người kito hữu phải yêu thương. Nhưng khi tình yêu đóng lại vào chính mình, thì rất khó trở thành kito hữu tốt. Tình yêu đòi hỏi cố gắng và hy sinh. Cố gắng hy sinh không ngừng nghỉ, chứ không phải chỉ vào một lúc nào đó. Khi nói về tình yêu, không bao giờ chúng ta yêu đủ. Thiên Chúa và người thân cận luôn bên cạnh chúng ta, và vì thế chúng ta hãy dành thời gian, cuộc sống không ngừng nghỉ cho Thiên Chúa và cho người thân cận!
Sau khi nghe Chúa Giêsu nhắc lại và giải thích giới răn nào trọng nhất, một luật sỹ thưa lại: “Thưa Thầy đúng lắm… Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực, và yêu người thân cận như chính mình, là điều quý hơn mọi lễ vật toàn thiêu và mọi lễ vật hy sinh”. Chúa Giê-su thấy rằng luật sỹ đó đã đưa ra một quan điểm sáng suốt và khôn ngoan.
- Nhưng điều gì là thực sự sáng suốt nơi con người này?
- Điều gì quan trọng đưa anh “không còn xa Nước Thiên Chúa bao nhiêu”?
- Liệu luật sỹ này có sáng suốt vì anh lặp lại những lời mà chính Chúa Giê-su đã lấy trong Kinh Thánh không?
- Khi nhắc lại điều mà mọi người đã biết thì có gì là sáng suốt?
Trên thực tế, luật sỹ không hoàn toàn bằng lòng với việc lặp lại. Luật sỹ này cho biết thêm một nhận xét cá nhân: anh lặp lại như Chúa Giêsu nói: yêu mến Thiên Chúa và người thân cận, nhưng anh thêm câu này “tốt hơn mọi lễ vật toàn thiêu và mọi lễ vật hy sinh”.
Theo luật sỹ này, yêu thương không liên quan gì đến mọi lễ vật toàn thiêu và mọi lễ vật hy sinh. Tình yêu tốt hơn nhiều so với những lễ vật hy sinh. Chính nhận xét này đã được Chúa Giêsu khá ưng ý. Quả thật tiến sỹ luật này“không còn xa Nước Thiên Chúa bao nhiêu”.
Khó khăn
- Khi yêu thật lòng, khi hai bạn trẻ phát hiện ra mình yêu nhau, hay khi tìm thấy một người bạn thân đã lạc mất từ lâu, chúng ta có cảm thấy như mình đang hy sinh hết mình cho họ không?
- Đối với người mình yêu, chúng ta muốn cho tất cả, mà không cần nỗ lực hay hy sinh không?.
- Khi tình yêu gặp trắc trở, khi vấp ngã, chúng ta mới nhận ra cái giá phải trả. Khi đó, chúng ta không muốn yêu nữa, chúng ta không muốn nói đến sự hy sinh, đau đớn hay mệt mỏi.
Đúng vậy, tiến sỹ luật trong bài tin mừng hôm nay nói đúng, tình yêu hơn mọi lễ hy sinh và của lễ.
Nhưng tất cả những điều này... rất tế nhị! Ngày này qua ngày khác, không ai suốt cuộc đời mình có thể có một tình yêu cho đi không đong đếm và không tình toán.. Tình yêu già nua như mọi thứ khác, và theo thời gian, tình yêu có thể trở nên nặng nề hoặc thậm chí thất bại hoàn toàn. Khi không có tình yêu, chúng ta có thể làm được gì? Nhiều khi chúng ta không muốn hy sinh với lý do rằng điều đó làm chúng ta phải trả giá quá đắt và vì thế không còn thực sự yêu nữa.
Khi Chúa Giêsu nói: “Yêu mến Thiên Chúa… và yêu tha nhân thì hơn mọi lễ vật toàn thiêu và mọi lễ vật hy sinh”, không có nghĩa là Ngài nói rằng chúng ta không cần dâng lễ vật toàn thiêu và mọi lễ vật hy sinh. Ngài chỉ nói rằng tình yêu tốt hơn thế. Cũng như khi Chúa Giêsu đến thăm gia đình 2 chị em Mat-ta và Maria. Maria ở trên nhà lắng nghe lời Chúa, còn Mat-ta ở dưới bếp chuẩn bị cho Chúa một bữa ăn ngon. Mat-ta xem ra không vui vì Maria không giúp đỡ mình. Thấy thế, Chúa Giêsu nói với Mat-ta: “Maria, em con đã chọn phần tốt nhất”. Chúa nói thế, không có nghĩa là Chúa không cần sự phục vụ của Mat-ta.
Đức tin
Về giới răn yêu thương, Chúa Giê-su muốn nói thêm: khi tình yêu bị thử thách, điều quan trọng cầnnhớ, đó là một điều răn, điều răn lớn nhất. Một điều răn kêu gọi sự vâng phục. Người ta vâng phục một giới răn không cần phải xác minh hoặc tranh luận. Một giới răn là điều người ta phải tuân theo. Khi tình yêu dừng lại hay thất bại, chúng ta vẫn phải tiếp tục tin vào tình yêu.
Điều răn trọng nhất, đó là: “Hỡi Israel, hãy nghe đây! Thiên Chúa, Chúa chúng ta là Chúa duy nhất”. Nói cách khác, Tình yêu là số một vì Thiên Chúa hay Tình yêu đều là một.
Khi tình yêu bị đặt vào trong thử thách, chúng ta hãy chuyển từ cảm xúc sang đức tin. Chúng ta hãy tin rằng tình yêu sẽ mạnh mẽ hơn những khó khăn hiện tại. Và nếu cuộc sống chứng minh điều ngược lại với chúng ta, thì vấn đề vẫn là tin: tất cả mọi người đều có thể trở thành kẻ thù của chúng ta, hoặc đơn giản là phớt lờ chúng ta, nhưng Thiên Chúa sẽ không quên chúng ta; chúng ta hãy tin điều đó ngay cả khi chúng ta không nhận ra.
Hỡi Israel, hãy nghe đây! … Thiên Chúa, là Chúa của ngươi. Ngài là của ngươi. Ngài tự hiến cho ngươi. Ngài yêu ngươi. Hãy tin rằng không gì có thể tách rời ngươi ra khỏi Ngài”. Đối với người kito, tình yêu không lớn lên nếu không có đức tin. Kito hữu trước hết không phải là người tích lũy cố gắng, lễ vật hay hy sinh, cũng không phải là người thường xuyên trải qua những cơn bộc phát cảm tình. Kito hữu là người tin rằng tình yêu mạnh hơn sự chết, chống lại mọi thứ.
Khi chúng ta không còn cảm giác yêu nữa, khi trái tim chúng ta chai cứng, trống rỗng, thì đó là vấn đề của đức tin. Chúng ta cứ hãy tin tưởng tuyệt đối vào Tình yêu, ngay cả khi chúng ta không thấy mình có tình yêu nữa. Bấy giờ khoảng trống trở thành lối đi và chúng ta khám phá ra sức mạnh trong chúng ta. Chúng ta trở nên có khả năng yêu thương không tinh toán, không mệt mỏi, với một trái tim rộng lớn như chính Tình Yêu Thiên Chúa.
Linh mục Gioan Đặng Văn Nghĩa
=================
Suy niệm 2
Mc 12, 28 – 34
Để hiểu và yêu Chúa nhiều hơn, chúng ta cần phải biết bối cảnh của bài Tin Mừng hôm nay.
Trong đạo Do Thái, có hai nhóm thần học nghịch nhau. Nhóm Sa đốc thì không tin có phục sinh. Nhóm Phariseu và Kinh sư thì tin có phục sinh. Đức Giêsu dạy chúng ta là có phục sinh.
Một ông trong nhóm Sa đốc dù không tin có phục sinh, nhưng vẫn đem chuyện phục sinh ra để chọc quê Chúa. Ông hư cấu một chuyện đó là một phụ nữ lấy chồng, chồng chết mà chưa có con. Luật yêu cầu anh em của ông phải cưới người phụ nữ ấy để bà sinh con nối dõi tông đường. Tổng số bảy người cưới bà ấy, nhưng đều chết hết khi chưa có con. Vậy đến ngày tận thế, khi mọi người sống lại, thì bà này ăn ở với ông nào?
Tưởng là Chúa ú ớ không trả lời được. Ai ngờ Chúa trả lời gọn lỏn một câu: “Khi sống lại rồi, thì người ta sống như thiên thần chứ không còn chuyện vợ chồng ăn ở với nhau nữa.”
Ông Sa đốc bị đo ván nhanh quá, ông Phariseu mừng quá. Ông khen Chúa chỉ vì Chúa đã cho đối thủ của ông bị đo ván, chứ chẳng phải vì ông cảm phục Chúa đâu. Vừa khen Chúa xong, ông ta lại thắc mắc với Chúa một câu mà ông tưởng là Chúa sẽ bị ông cho đo ván. Ông hỏi: “Trong các giới răn, thì giới răn nào trọng nhất?”
Sở dĩ ông đặt câu hỏi như thế, vì muốn trả lời câu ấy, thì phải thuộc lòng bốn cuốn Thánh Kinh: Xuất hành; Dân số; Lê vi và Thứ luật. Dưới con mắt của ông ấy, thì Đức Giêsu chỉ là anh thợ mộc thông minh, chứ không có kiến thức trường lớp và bài bản. Chắc ông nghĩ rằng Đức Giêsu không đủ khả năng để trả lời câu ấy. Thế là ông sẽ thắng; Đức Giêsu sẽ thua.
Ai ngờ Chúa tóm tắt hàng ngàn khoản luật trong bốn cuốn sách ấy thành hai luật quan trọng nhất. Đó là mến Chúa hết lòng và yêu người như chính bản thân.
Ông ta bị hớ, nhưng vẫn khen Chúa như một ông thầy khen học trò giỏi, chứ không phải như một tín đồ tôn vinh sư phụ của mình. Dù vậy Chúa cũng vẫn bình thản đánh giá ông là không còn xa nước Thiên Chúa đâu.
Sau khi nắm vững bối cảnh của bài Tin Mừng, chúng ta ghi nhận hai điều:
Một. Trên đường truyền giáo Chúa bị giới lãnh đạo Do Thái làm khổ đủ điều. Bất cứ Chúa giảng ở đâu, thì các ông Kinh Sư và Phariseu đều có mặt, để bắt bẻ, để tìm cách hạ nhục và để giết Chúa. Đời truyền giáo của Chúa là thế đó: gian khổ và gian khổ. Nhưng đó là quy luật mà Chúa Cha đã quyết định. “Từ khổ giá đến vinh quang” là con đường Chúa Cha dành cho Chúa Con và Chúa Con dành cho chúng ta. Không còn con đường nào khác nữa.
Hai. Chúa nhắc lại nguyên văn lời của Cựu Ước: “Điều răn thứ hai là ngươi phải yêu thân nhân như chính mình.” Yêu người thân, thì chưa đạt mức yêu cầu của Chúa. Sau này Chúa đã đính chính: yêu người thân là chuyện bình thường, mà người tội lỗi cũng biết làm và làm được. Chúa dùng dụ ngôn “Người Samari nhân từ” để dạy ta phải yêu kẻ thù. Yêu kẻ thù mới xứng đáng là con của Chúa. Đó là vấn đề lớn mà chúng ta phải suy nghĩ, phải sám hối, vì trên dòng lịch sử hai mươi thế kỷ, chúng ta vẫn giống người Do Thái xin Chúa xẻo môi, cắt lưỡi, đánh gãy răng và đánh vỡ mặt kẻ thù. Ôi còn xa Chúa quá chừng!
Linh mục Piô Ngô Phúc Hậu
=================
Suy niệm 3
Phụng thờ Thiên Chúa và phục vụ con người
Mc 12, 28-34
Một số người cho rằng trong việc giữ đạo, người ta chỉ cần giữ luật mến Chúa, cụ thể là cố gắng tham dự Thánh lễ Chúa nhật và đọc kinh sáng, tối hằng ngày là đủ, chẳng cần làm gì thêm. Còn việc yêu thương giúp đỡ người khác là điều phụ thuộc, có hay không cũng được, miễn là đừng làm hại ai.
Nghĩ như thế là sai lầm, không đúng như Chúa truyền dạy.
Qua bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giê-su dạy ta biết phải sống đạo như thế nào mới đúng.
Khi có một kinh sư đến gặp Chúa Giê-su và hỏi: “Thưa Thầy, trong các điều răn, điều răn nào đứng đầu?” Đức Giê-su trả lời: “Điều răn đứng đầu là: Nghe đây, hỡi Ít-ra-en, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi. Điều răn thứ hai là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Chẳng có điều răn nào khác lớn hơn các điều răn đó.”
Chúa Giê-su nối kết giới răn mến Chúa và yêu người thành một. Mến Chúa và yêu người là hai khía cạnh của cùng một giới răn, như hai mặt của một đồng xu.
Đặc biệt, qua dụ ngôn “Phán xét cuối cùng”, Chúa Giê-su nhấn mạnh rằng khi yêu người cũng là lúc mến Chúa và tình yêu đối với Thiên Chúa phải được thể hiện qua việc chăm sóc, phục vụ anh chị em chung quanh và những gì ta làm cho tha nhân là làm cho chính Chúa.
Dựa vào lời dạy trên đây của Chúa Giê-su, Đức Giáo hoàng Bê-nê-đi-tô XVI xác nhận rằng Thiên Chúa và con người chỉ là một. Ngài viết:
“Chúa Giê-su đồng hóa mình với những người cùng quẫn, những người đói khát, những khách lạ, những kẻ trần truồng, đau yếu và những người đang trong chốn lao tù. Ngài phán: “Mỗi lần các ngươi làm việc gì cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta” (Mt 25, 40). Như thế, mến Chúa và yêu người đã trở thành một: Chúa Giêsu thực sự hiện diện trong những người anh em bé nhỏ nhất…” (Thông điệp “Thiên Chúa là Tình Yêu” số 15).
Vì thế, Đức Giáo hoàng Bê-nê-đi-tô XVI dạy rằng: kính mến Chúa phải đi đôi với lòng yêu người, hai điều nầy không thể tách lìa nhau.
Ngài viết: Chúng ta “không thể tách rời tình yêu mến Thiên Chúa và tha nhân vì cả hai chỉ là một giới răn duy nhất” (sđd số 18).
Và ngài nhấn mạnh rằng việc bác ái, cứu giúp những người khốn khổ cũng quan trọng và thiết yếu như việc cử hành Thánh lễ và rao giảng Lời Chúa. Do đó, Hội thánh không thể lơ là bất cứ việc nào trong hai việc đó. Ngài viết như sau:
Vì thế, bày tỏ “tình yêu đối với các quả phụ, kẻ mồ côi, người bị tù đày, người bệnh tật và người túng thiếu dưới mọi hình thức… cũng thiết yếu như là cử hành các bí tích và rao giảng Tin mừng. Hội thánh không thể lơ là việc phục vụ bác ái cũng như không thể lơ là việc ban các bí tích và rao giảng Lời Chúa” (sđd số 22).
Lạy Chúa Giê-su,
Chúa đang hiện diện nơi mỗi người đang sống chung quanh chúng con: Họ thực sự là những chi thể sống động của Chúa.
Xin cho chúng con khi thờ lạy, tôn vinh Chúa trên bàn thờ thì cũng không quên phục vụ và yêu mến Chúa đang hiện diện nơi anh chị em chung quanh. Amen.
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
=================
Suy niệm 4 ĐỪNG BAO GIỜ TÁCH RA LÀM ĐÔI Trong thời gian mục vụ của tôi, biết bao lần anh chị giáo dân đến hỏi han cũng như tâm sự: Cha ơi! Cho con hỏi: con vẫn đi lễ hằng ngày, siêng năng lần chuỗi Mân Côi, đọc kinh Lòng Chúa thương xót…, nhưng sao con chẳng thể yêu mến người con không ưa hoặc người không ưa con!!!??? Tương tự, không ít giáo dân cũng than thở, đặt câu hỏi cho tôi: Cha ơi! con đi làm từ thiện nhiều, con đi giúp đỡ người này người kia, nhưng sao con vẫn không thể nào yêu mến giáo xứ con, chưa cảm thấy thích thú đến với Chúa qua Thánh lễ, cầu nguyện và những hoạt động chung của giáo xứ!!!???
Đối với vấn đề trên, có thể tôi không đưa ra lời giải đáp thoả đáng nhất được, nhưng thiết nghĩ, qua các bài đọc hôm nay, đặc biệt bài Tin Mừng, chúng ta sẽ tìm thấy điều gì thiếu thốn, chưa đủ đầy trong đời sống đạo, đời sống đức tin của chúng ta!
Chắc chẳng cần phải nói nhiều, chúng ta cũng biết nội dung chính của các bài đọc hôm nay, đó là: giới răn yêu thương, cụ thể: Mến Chúa và yêu người. Từ nhỏ được học kinh bổn (giáo lý vỡ lòng), ai trong chúng ta đều thuộc nằm lòng câu tóm gọn sau khi đọc kinh Mười điều răn: ‘…Mười điều răn ấy tóm về hai điều này mà chớ, trước kính mến một Chúa trên hết mọi sự, sau lại yêu người như mình ta vậy. Amen!’ Lời kinh thật vắn tắt, gãy gọn, dễ nhớ, giúp chúng ta thực hành mỗi ngày trong đời; thế nhưng, trên thực tế, chúng ta thường có khuynh hướng tách biệt hai điều răn này ra. Cho nên, nhiều người Công Giáo vẫn nghĩ: ‘yêu mến Chúa hết lòng qua việc đi tham dự Thánh lễ hằng ngày, siêng năng đọc kinh cầu nguyện là đủ rồi, không cần yêu thương anh chị em nữa. Vả lại, việc thương yêu tha nhân, làm việc bác ái chỉ là một lựa chọn, làm cũng được, mà không làm cũng chẳng sao!’. Chúng ta thường nghĩ: ‘giới răn yêu mến Chúa thì phải giữ, phải sống; còn giới răn yêu thương tha nhân chỉ là phụ, là thứ hạng, chẳng phải là đòi hỏi của Tin Mừng!’ Tương tự, chúng ta nại vào lí do: đạo tại tâm, nên không cần đến nhà thờ tham dự Thánh lễ, không cần tham gia các sinh hoạt chung của giáo xứ, cộng đoàn, không cần đọc kinh cầu nguyện nhiều, mà chỉ tập trung vào giúp đỡ người khác, đi làm từ thiện là đủ đầy cho đời sống đạo của chúng ta!
Chính vì chúng ta tách rời giới răn yêu thương mà Chúa dạy, chỉ chú trọng hoặc đánh giá cao một giới răn, mà bỏ qua hoặc lãng quên giới răn kia, nên mới dẫn đến những vấn đề, cũng như hiện tình đời sống đức tin của chúng ta, được nêu ra ở đầu bài suy niệm này. Trong Tin Mừng theo Thánh Mác-cô, Chúa Giê-su dạy rất rõ ràng bằng cách trích dẫn Cựu ước (sách Kinh Thánh mà hầu hết người Do Thái nào cũng biết rõ, nhất là các nhà thông luật, Biệt phái, kinh sư): “Giới răn trọng nhất chính là: Hỡi Is-ra-el, hãy nghe đây: Thiên Chúa, Chúa chúng ta, là Chúa duy nhất, và ngươi hãy yêu mến Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức ngươi (x. Đnl 6, 5). Còn đây là giới răn thứ hai: Ngươi hãy yêu mến tha nhân như chính mình ngươi (x. Lv 19, 18). Không có giới răn nào trọng hơn hai giới răn đó” (Mc 12, 29-31). Đây tuy là hai giới răn, nhưng thực chất là một. Chúa Giê-su đã đồng hình đồng dạng giới răn yêu người (tha nhân) với giới răn mến Chúa. Ngài đặt tầm quan trọng của giới răn yêu thương tha nhân ngang bằng với giới răn yêu mến Thiên Chúa, như chính Tin Mừng theo Thánh Mát-thêu thuật lại: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa ngươi…Đó là điều răn lớn nhất và điều răn đứng đầu. Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là ngươi phải yêu người thân cận như chính mình” (x. Mt 22, 37-39). Lẽ dĩ nhiên, Thiên Chúa luôn luôn cao trọng, quyền năng, chúng ta phải tôn thờ, tôn kính hơn con người, hơn tha nhân; nhưng không bởi vậy mà việc sống bác ái đối với anh chị em bị cho là phụ phần, chẳng cần thực hành. Trái lại, giới răn ‘yêu mến tha nhân như chính mình’ có một vị thế quan trọng như việc chúng ta dành trọn con người mình để kính mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn, hết sức lực vậy.
Nếu biết thực thi song hành giới răn mến Chúa yêu người, chứ không tách biệt hoặc xem trọng một điều, lại bỏ mặc điều kia, thì có lẽ rất nhiều người Công Giáo sẽ sẵn sàng sống chia san, sống bác ái, yêu thương, tha thứ, trở nên chứng nhân (đây là những biểu hiện cụ thể của việc thực thi giới răn yêu người thân cận như chính mình), đồng thời năng đến với Chúa qua Thánh lễ, tham dự các sinh hoạt chung của giáo xứ, siêng năng cầu nguyện hằng ngày, hăng say tìm hiểu-sống Lời Chúa, yêu mến Giáo Hội và giáo xứ của mình (đây là những biểu hiện cụ thể của việc thực thi giới răn mến Chúa). Nếu thực hành giới răn mến Chúa yêu người song song thế này, thì chúng ta sẽ được cảm nghiệm sâu sắc tình yêu Thiên Chúa dành cho nhân loại, cho mỗi người; và nhờ tình yêu này mà chúng ta càng mến yêu Chúa hơn vì ‘chỉ có tình yêu đáp lại tình yêu mà thôi’. Hơn nữa, nhờ cảm nghiệm này mà chúng ta dám ra đi chia san, dám tha thứ, dám yêu thương tha nhân như thương yêu bản thân vậy. Cũng nhờ tình yêu này, chúng ta đủ nhạy cảm, tinh tế nhận biết sự hiện diện của Thiên Chúa nơi anh chị em. Vì Chúa yêu thương tôi, tha thứ cho tôi, mời gọi-chờ đợi tôi những lúc tôi sa ngã, đón nhận tôi quay về với Ngài, nên cảm nghiệm sống động này thúc giục tôi cũng biết sống chan hoà yêu thương, tha thứ anh chị em, biết nhẫn nại, biết rộng lượng cho người khác cơ hội ‘trở nên tốt hơn’, biết chấp nhận con người yếu đuối của tha nhân, biết sống bác ái, làm việc bác ái đúng nghĩa, chứ không chỉ dừng lại ở công tác từ thiện. Theo lẽ thường tình, chúng ta nghĩ tưởng: làm việc từ thiện cũng chính là làm việc bác ái! Tuy nhiên, nếu xem xét kỹ lưỡng, chúng ta sẽ thấy được sự khác biệt lớn lao; cũng nên nói ở đây: nhận ra sự khác biệt này chẳng phải để đánh giá thấp công tác từ thiện, hay bác bỏ việc làm từ thiện. Đúng hơn, nó giúp chúng ta hiểu đúng, sống đúng và làm những việc mà Chúa Giê-su mời gọi, cũng như đòi hỏi mỗi người Ki-tô hữu chúng ta.
Thoạt nhiên nhìn qua cách thức hoạt động, những tổ chức bác ái khắp thế giới trên phương diện Giáo Hội hoàn vũ như Caritas Internationalis (Tổ chức Bác ái Thế giới), ở cấp Giáo hội địa phương như Caritas Việt Nam, Caritas Nhật Bản…, tại mỗi Giáo phận như Caritas Hưng Hoá, Caritas Tô-ky-ô..., và xuống các giáo xứ như Caritas Gx. Tân Phước (thuộc Địa phận Sài Gòn), Caritas Gx. Ishigaki (thuộc Giáo phận Naha, Nhật Bản)…dường như giống với những tổ chức từ thiện quốc tế như NGO (tổ chức từ thiện phi chính phủ), NPO (tổ chức từ thiện phi lợi nhuận), v.v…Nhưng thật ra, công tác từ thiện xuất phát từ tình người, từ tình tương thân tương ái, tương trợ lẫn nhau căn bản chỉ dựa trên mối dây yêu thương giữa người với người. Còn công việc bác ái không đơn thuần chỉ xuất phát từ con tim, từ tình người, từ mối tương quan gắn kết con người với nhau, mà là một ơn gọi, một lời cam kết dấn thân phục vụ-chia san với tha nhân theo khả năng cụ thể của bản thân. Hơn nữa, tôi sống bác ái, thực thi công việc bác ái không chỉ vì tình người, mà vì Chúa yêu tôi, thương tôi đến nỗi tự hiến mạng sống của Ngài để cứu rỗi tôi, vì Ngài mời gọi tôi sống trọn vẹn như Ngài, nên tôi vui vẻ, sẵn sàng, can đảm đến với người khác, chia sẻ với tha nhân không chỉ vật chất, hiện vật, hiện kim (theo khả năng của mình), mà còn cho đi những gì quý giá nhất của bản thân mà không tính toán, đòi hỏi trả công như sức khoẻ, thời gian, tài năng, trí lực, nguồn liệu, ân sủng được lãnh nhận từ Chúa (như ơn tha thứ, lòng vị tha, nhẫn nại, điều độ, khôn ngoan, đặc biệt ba nhân đức đối thần: tin - cậy - mến…). Không chỉ dừng lại ở việc từ thiện, từ tâm, làm việc phước đức…, mà chúng ta hăng hái, nhiệt thành làm việc và sống bác ái vì chính tình yêu Chúa thúc giục tôi như Thánh Tông đồ Phao-lô đã từng quả quyết: “Tình yêu Đức Ki-tô thôi thúc chúng tôi” (x. 2Cr 5, 14). Tuy nhiên nhìn vào thực tế, có lẽ vẫn còn không ít người Công Giáo chưa dám cho đi theo khả năng, chưa sẵn sàng chia san và sống bác ái như Chúa mong muốn. Chúng ta thường nại vào lí do: tôi chẳng có gì để cho cả, tôi vẫn còn túng thiếu, chưa dư giả gì để chia sẻ với người khác, tôi chỉ có thể cầu nguyện cho những ai cần giúp đỡ, mà nếu tôi không giúp, thì khối người ngoài kia sẽ giúp đỡ họ thôi…! (rất rất nhiều lí do khác nữa). Quả thật, Chúa nào nỡ bắt chúng ta phải cho hết như bà goá nghèo, Chúa nào khắc khe buộc chúng ta phải bán hết tài sản của mình mà cho người nghèo, giúp đỡ những ai túng thiếu, cần hỗ trợ đâu! Chúa chỉ vui thích, hài lòng khi nhìn thấy chúng ta đến với Chúa chân thành, trung tín sống lời cam kết khi được lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy, hăng say làm chứng tá yêu thương, sống bác ái, biết tha thứ, chia san với anh chị em khác theo khả năng và lòng quảng đại của mình.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, chúng con đã thuộc nằm lòng giới răn yêu thương ‘mến Chúa, yêu người’, nhưng lắm lúc chúng con chưa nỗ lực thực hành. Xin cho chúng con biết dùng thời gian, tài năng, nguồn lực, trí lực, những của cải chóng qua này, mà hân hoan sống giới răn ‘mến Chúa, yêu người’ như lòng Chúa mong muốn. Xin cho chúng con ý thức thực hiện giới răn yêu thương này, chẳng phải tách ra làm đôi, nhưng luôn thực thi song hành ‘mến Chúa, yêu người’ một cách cụ thể trong đời sống thường nhật, nơi công sở, giữa hàng xóm láng giềng với nhau, trong gia đình, giáo xứ, hội dòng, Giáo hội, và xã hội. Amen!
Lm Xuân Hy Vọng
==================
Suy niệm 5
Tóm Về Hai Điều Này Mà Nhớ
Kinh Mười Điều Răn có câu kết: "Mười điều răn ấy tóm về hai điều này mà nhớ: Trước kính mến một Thiên Chúa trên hết mọi sự; Sau lại yêu người như mình ta vậy.Amen".
Tin Mừng hôm nay thuật lại cuộc trao đổi giữa nhóm tiến sĩ luật và Chúa Giêsu về hai điều răn trong Cựu Ước như sau:
Khi một người thông luật hỏi Chúa Giêsu: “Trong các giới răn, điều nào trọng nhất?”. Chúa Giêsu trả lời: “Giới răn quan trọng nhất chính là: Thiên Chúa chúng ta là Chúa duy nhất, và ngươi hãy yêu mến Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và sức ngươi. Còn đây là giới răn thứ hai: ngươi hãy yêu mến tha nhân như chính mình ngươi. Không có giới răn nào trọng hơn hai giới răn ấy”. Ông kinh sư hoàn toàn đồng ý với Người và còn thêm lời bình: “Đó là điều quý hơn mọi lễ toàn thiêu và hy lễ”. Chúa Giêsu được một lần sảng khoái vì gặp một ông kinh sư thân thiện với mình, Người khích lệ: “Ông không còn xa Nước Thiên Chúa đâu!”. Tại sao lại không còn xa? Bởi vì, Nước Thiên Chúa là chính Chúa Giêsu đang ở trước mặt ông!
Chúa Giêsu kết hợp hai điều răn trong Cựu Ước (Đnl 6,4-5 và Lv 19,18) thành một điều răn duy nhất là Yêu Thương. Chúa Giêsu đã nối kết giới răn mến Chúa trong kinh Shema ở sách Đệ nhị luật với giới răn yêu thương người thân cận trong sách Lêvi.Cái độc đáo trong câu trả lời của Chúa Giêsu chính là sự liên kết chặt chẽ hai giới luật này với nhau.
“Mến Chúa, yêu người” là nét độc đáo nhất của Kitô giáo. Hai giới luật tạo thành một toàn thể bất khả phân ly và là hai nguyên lý nền tảng của tất cả đạo đức học. Tin Mừng của Chúa Giêsu muốn loan truyền đến mọi người là tình yêu thương. Khi công bố giới luật yêu thương, Chúa Giêsu cũng nêu gương thực hiện giới luật ấy để chúng ta thấy sáng lên tình yêu cứu độ và gặp được những điểm nhấn mà bắt chước thực hành.
1. Yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự
Thiên Chúa là chủ tể trời đất. Ngài dựng nên muôn loài muôn vật. Ngài là nguồn mạch sự sống và là cùng đích của muôn loài muôn vật.
Thiên Chúa là Cha yêu thương tất cả con cái. Cho nên người tín hữu yêu mến Ngài trên hết mọi sự. Thiên Chúa là quan trọng nhất của con người.
Thực tế ở đời có rất nhiều điều quan trọng, tuỳ ở hoàn cảnh và tuỳ ở từng người. Nhưng nếu điều gì cũng quan trọng nhất thì cuối cùng chẳng có gì là nhất cả, mọi sự đều tương đối. Mọi sự đều tương đối, nhưng mọi sự đều quan trọng, kể cả niềm tin tôn giáo, kể cả Chúa. Đó là não trạng của con người thời nay, là cám dỗ của thời đại.
Người tin Chúa và theo Chúa, cũng có người nghĩ như vậy: tiền quan trọng, mà Chúa cũng quan trọng. Có những người khá hơn, trên lý thuyết vẫn cho Chúa là quan trọng nhất, nhưng trong thực tế có những lúc tiền bạc, tình yêu và thành công ở đời cũng quan trọng như Chúa.
Nhiều người nghĩ rằng ở thế gian này không có gì là duy nhất, kể cả những điều loài người thường cho là cao quý như là chân thiện mỹ chẳng hạn. Có những điều đối với người này là chân lý, đối với người kia lại là sai lầm; đối với người này là tốt, đối người kia là không; đối với một số người là đẹp, đối với những người khác là xấu. Không có gì tuyệt đối ở trần gian. Cám dỗ tương đối hoá mọi sự là cám dỗ lớn nhất của thời đại chúng ta. Cám dỗ này rất nguy hiểm. Dễ sa ngã vì con người không muốn bị ràng buộc và hướng chiều về hưởng thụ.
Thế gian không có gì là duy nhất, không có gì là tuyệt đối.
Thiên Chúa là Siêu Việt, là Vĩnh Hằng. Mọi sự đều qua đi. Chỉ có Chúa mới là quan trọng nhất, chỉ có Chúa mới là Tuyệt Đối. Do đó chúng ta được mời gọi yêu mến Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực của mình.
Chúa Giêsu đã lập lại lời kêu gọi đó, khi trả lời cho người thông luật muốn hỏi trong các giới răn điều nào quan trọng nhất. Yêu mến Thiên Chúa là điều quan trọng nhất.
2. Yêu tha nhân như chính mình.
Thiên Chúa là Đấng vô hình vô ảnh ta không thấy được. Ta nói yêu mến Thiên Chúa, điều đó khó mà kiểm chứng được. Nên Thiên Chúa đã ràng buộc điều răn mến Chúa vào điều răn yêu người. Yêu Chúa thì phải yêu tha nhân. Yêu tha nhân là bằng chứng yêu mến Chúa. Còn hơn thế nữa, yêu tha nhân chính là yêu Chúa. Vì Chúa đã tự đồng hóa với con người, với những người bé nhỏ nhất trong xã hội. Điều này chính Chúa Giêsu đã công khai minh định: “Ta bảo thật, mỗi lần các ngươi giúp đỡ một trong những người anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy”. Thành ra hai giới răn chỉ là một. Đó chỉ là hai khía cạnh của cùng một giới răn.Thánh Gioan quả quyết: "Nếu ai nói: "Tôi yêu mến Chúa" mà lại ghét anh em mình, người ấy là một kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa, Ðấng mà họ không thấy" (1Ga 4,20); "Ai nói rằng mình ở trong ánh sáng mà lại ghét anh em mình, thì vẫn ở trong bóng tối”(1Ga 2,9).
Đối với Chúa Giêsu, tình yêu là giới răn đứng hàng đầu trong các giới răn. Mọi lề luật đều phải hướng đến tình yêu. Ai chu toàn tình yêu là chu toàn lề luật.
Lề luật của Chúa thật nhẹ nhàng vì lề luật chính là tình yêu. Nếu yêu mến Chúa và yêu mến anh em, ta sẽ thấy việc giữ luật không còn gì khó khăn nữa. Tình yêu sẽ làm cho ta cảm nếm sự ngọt ngào trong việc tuân giữ lề luật.
Lề luật của Chúa cô đọng trong một thái độ là yêu mến.Giữ luật mà quên yêu mến có thể dẫn đến óc nệ luật.Giữ luật phải trở nên phương thế để bày tỏ tình yêu. Vì "Yêu mến là chu toàn lề luật" (Rm 13,10).
3. Việc làm của Đức tin là Đức ái.
Thánh Giacôbê nói một câu bất hủ: “Đức tin không việc làm là đức tin chết” (Gc 2,17). “Việc làm” mà Thánh Tông Đồ nói đến là thực hành bác ái. Thánh Phaolô ca ngợi đức mến: “Giả như tôi có nói được các thứ tiếng của loài người và của các thiên thần đi nữa, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng khác gì thanh la phèng phèng,chũm chọe xoang xoảng” (1Cr 13,1).
Đức tin và Đức mến liên hệ mật thiết với nhau.
Đức tin không có đức mến thì không mang lại thành quả và đức mến không có đức tin thì sẽ là một tình cảm luôn tùy thuộc sự nghi ngờ. Đức tin và đức mến cần có nhau, đức này giúp đức kia thực hiện hành trình của mình. Có nhiều Kitô hữu yêu thương tận tụy dành cuộc đời phục vụ những người lẻ loi, bị gạt ra ngoài lề hoặc bị loại trừ, coi họ như những người đầu tiên cần đi tới và như người quan trọng nhất cần được nâng đỡ, vì chính nơi người ấy có phản ánh khuôn mặt của Chúa Kitô. Nhờ đức tin, chúng ta có thể nhận ra tôn nhan Chúa phục sinh nơi những người đang xin tình thương của chúng ta. "Tất cả những gì các con đã làm cho một trong những người anh em bé nhỏ nhất của Thầy đây, tức là các con đã làm cho Thầy" (Mt 25,40): những lời này là một lời cảnh giác không nên quên, và là một lời mời gọi trường kỳ hãy đáp trả tình yêu mà Chúa đã chăm sóc chúng ta. Đó là đức tin giúp nhận ra Chúa Kitô và chính tình yêu Chúa thúc đẩy cứu giúp Chúa mỗi khi Ngài trở thành người thân cận của chúng ta trong cuộc sống. Được đức tin nâng đỡ, chúng ta hy vọng hướng nhìn sự dấn thân của chúng ta trong thế giới, trong khi chờ đợi "trời mới đất mới, trong đó có công lý cư ngụ" (2 Pr 3,13 ; x. Kh 21,1). (x.Porta Fidei, Số 14).
Thư Mục Vụ Năm Đức Tin HĐGMVN nói về mối liên hệ đức tin và đức mến: Cách riêng, trong hoàn cảnh xã hội ngày nay, đức tin của người Công giáo cần được thể hiện qua việc thực thi bác ái. Đức Tin và Đức Mến cần đến nhau và hỗ trợ cho nhau: “Chính đức Tin giúp chúng ta nhận ra Chúa Kitô và chính tình yêu Chúa thôi thúc chúng ta chạy đến phục vụ Chúa mỗi khi Người trở thành người thân cận của chúng ta trên nẻo đường cuộc sống”. Được Lời Chúa soi sáng và tình yêu Chúa thấm nhập trong suy nghĩ cũng như hành động, chúng ta sẽ trở nên những chứng tá đáng tin trong xã hội ngày nay. (Số 7).
Dưới ánh sáng Lời Chúa Giêsu, tình yêu là mực thước đức tin, và đức tin là linh hồn của tình yêu. Chúng ta không còn có thể tách biệt đời sống tôn giáo ra khỏi việc phục vụ anh em, những người anh em cụ thể mà chúng ta gặp. Chúng ta không còn có thể tách biệt kinh nguyện, cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa trong các bí tích, khỏi sự lắng nghe tha nhân, gần gũi cuộc sống của họ, nhất là những vết thương của họ.
Luật mới của Chúa Giêsu chính là mức độ hoàn hảo nhất của Mười Điều Răn. Đoạn cuối của kinh Mười Điều Răn: “Mười điều răn ấy tóm về hai nầy mà chớ: trước kính mến một Đức Chúa Trời trên hết mọi sự, sau lại yêu người như mình ta vậy. Amen.”
Lạy Chúa, Chúa đã dạy chúng con: mến Chúa yêu người là điều răn quan trọng nhất, xin cho con biết sống và liên lỉ thực hành giới răn này trong đời sống thường ngày của con.
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
=================
Suy niệm 6
Mến Chúa – Yêu người
(Mc 12, 28b – 34)
Người Do thái có 613 điều luật ghi trong sách Luật Do thái, trong đó 365 điều luật cấm và 248 điều luật truyền làm, chưa kể các điều luật phụ nữa. Vị tiến sĩ luật này đã biết các điều trên được chia thành hai vế trọng luật và khinh luật. Phạm khinh luật thì chịu phạt đền tội, nhưng phạm trọng luật như giết người, thờ tà thần, gian dâm... thì bị tử hình. Vì là tiến sĩ luật, hiển nhiên ông biết rõ mỗi nhóm thích giữ một điều luật và cho rằng điều ấy đối với họ là quan trọng hơn cả, có thể Chúa Giêsu đưa ra điều này trọng đối với nhóm này nhưng lại thường đối với nhóm kia, đó là lý do ông đặt ra câu hỏi với Chúa Giêsu hòng nắm chắc phần thắng về mình: “Trong các giới răn điều nào trọng nhất ?”
1. Hai Điều răn
Thật không dễ để trả lời. Nếu Chúa trả lời điều này trọng, điều luật kia không trọng thì thế nào Người cũng bị qui lỗi là về phe nhóm này, chống nhóm kia, và như vậy Người sẽ mắc bẫy của họ.
Chúa Giêsu là Thiên Chúa thấu hiểu lòng người, nhưng Chúa vẫn trả lời. Chúng ta cũng cám ơn vị tiến sĩ luật này đã hỏi thử Chúa để chúng ta có được chỉ dẫn rõ ràng, xác thực về thứ tự các giới răn.
Chúa Giêsu phán cùng người ấy rằng: "Giới răn trọng nhất chính là: Hỡi Israel, hãy nghe đây: Thiên Chúa, Chúa chúng ta, là Chúa duy nhất, và ngươi hãy yêu mến Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức ngươi" (Mc 12). Câu luật này trích trong sách Đệ nhị luật 6,5 có đổi một chút, thay vì “hết sức” thì Chúa nói là “hết trí khôn”. Song cốt yếu không có gì đổi.
Nhưng giới răn thứ hai cũng giống giới răn ấy là: " Còn đây là giới răn thứ hai: Ngươi hãy yêu mến tha nhân như chính mình ngươi" (Mt 22, 39). Luật này trích ở sách Lêvi 19,18 có khác ở chỗ thay vì yêu kẻ khác thì yêu đồng loại: "Ngươi phải yêu đồng loại như chính mình".
2. Ba đối tượng yêu thương
Chúa Giêsu kết luận: "Toàn thể Lề luật và sách các Tiên tri đều tóm lại trong hai giới răn đó" (Mt 22, 38). Điều răn thì có: thứ nhất mến Chúa, thứ hai yêu người, nhưng gồm ba đối tượng yêu thương: Thiên Chúa, kẻ khác và bản thân.
Đối tượng thứ nhất là Thiên Chúa, Đấng là Tình Yêu "Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn trọng nhất và điều răn thứ nhất" (Mt 22, 37-38).
Thiên Chúa không đòi hỏi chúng ta nhiều điều, bởi "yêu mến là chu toàn cả Lề luật" (Rm 13, 10). Nhưng tình yêu có hai vế: Yêu mến Thiên Chúa và yêu thương kẻ khác... Khi dạy chúng ta yêu mến Thiên Chúa, Chúa đòi hỏi chúng ta phải yêu hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn. Còn yêu thương kẻ khác, Chúa Giêsu không bảo ta phải yêu hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn; nhưng "yêu kẻ khác như chính mình. Tại sao vậy? Vì Thiên Chúa "là dũng lực, là Đá Tảng, chiến luỹ, cứu tinh, là sơn động, là khiên thuẫn, là uy quyền cứu độ, là sức hộ phù chúng ta " (x. Tv 17, 2-3), nên chúng ta phải yêu mến Thiên Chúa không những hết... mà còn trên hết mọi sự, hơn cả chính mình, vì theo lời Chúa Giêsu thì: "Đó là giới răn thứ nhất và trọng nhất" (Mt 22, 38).
Đối tượng thứ hai là " kẻ khác" Chúa phán: "Giới răn thứ hai cũng giống giới răn ấy là: Ngươi hãy yêu thương kẻ khác như chính mình ngươi" (Mt 22, 39).
Theo quan niệm của Người Do thái lúc bấy giờ thì "tha nhân" là những người đồng chủng, đồng hương, đồng xứ (x. Lv 19, 18). Còn “kẻ khác” được hiểu là hết mọi người, (x. Mt 25, 40). Khi Chúa Giêsu bảo người thông luật "hãy yêu thương kẻ khác như chính mình ngươi", Người có ý dạy phải thương yêu mọi người chứ không giới hạn trong những người đồng hương với nhau (Mt 25, 40), không những thế mà lại còn phải yêu thương cả địch thù nữa (Mt 5, 43), và yêu như thế nào ? "Yêu như chính mình ngươi".
Chúa có truyền dạy chúng ta yêu chính mình không ? Thưa: Thiên Chúa xét thấy không cần buộc con người phải yêu chính mình, vì không ai ghét mình bao giờ. Nhưng cũng có nhiều người tự đánh mất mình khi yêu mến sự ác. Chúa dạy chúng ta yêu mến Thiên Chúa hết lòng, Người truyền cho chúng ta giới luật phải yêu chính mình. Chắc chắn ai trong chúng ta cũng muốn yêu mình. Thiên Chúa là Tình Yêu, chúng ta là kẻ có tình yêu. Tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa. Thiên Chúa đã dành cho chúng ta một tình yêu khác với chúng ta nghĩ. Tình yêu ấy nuôi dưỡng và củng cố các mối quan hệ của tình yêu chúng ta dành cho bản thân và kẻ khác. Trong thực tế, chúng ta phải yêu bản thân mình trong tình yêu Thiên Chúa đã ban cho chúng ta, và chúng ta có thể bước vào trong tình yêu. Vậy, hãy yêu mến Thiên Chúa hết mình, thì trong Thiên Chúa chúng ta sẽ tìm được chính mình, và tránh được nguy cơ tự đánh mất mình... Nên, theo nguyên tắc, ta yêu kẻ khác như chính mình, yêu Thiên Chúa hết mình và yêu chính mình.
3. Yêu kẻ khác như chính mình
Khi truyền dạy "Ngươi hãy yêu thương kẻ khác như chính mình", Chúa Giêsu như đặt một tấm gương để tự chúng ta soi xem mình có yêu "kẻ khác" hay không? Chúa Giêsu xem tình yêu " kẻ khác " như "mệnh lệnh của Người," mệnh lệnh tóm tắt toàn thể lề luật. "Đây là mệnh lệnh của Thầy, là anh em hãy yêu nhau như Thầy đã yêu anh em" (Ga 15, 12). Nhiều người có khi đồng hóa toàn thể Kitô giáo với luật yêu người.
Chúng ta cố gắng đi xa hơn một chút bề mặt của sự việc. Khi nói về tình yêu kẻ khác, người ta nghĩ ngay tới những "việc làm" như bác ái, hay "phải làm" cho kẻ khác như: cho họ ăn, uống, thăm viếng họ, nói tóm tắt là giúp đỡ kẻ khác. Nhưng đó là kết quả của tình yêu, chứ chưa phải là tình yêu. Lòng từ tâm tới trước sự làm phúc. Trước khi làm phúc, người ta phải muốn làm phúc.
Thánh Phaolô nói rõ: Đức bác ái phải là "không giả vờ," tức là, phải chân thật, nghĩa đen, "không giả hình," (Rm 12, 9); người ta phải yêu "với một con tim trong sạch" ( 1 Pr 1, 22). Trên thực tế, người ta có thể làm việc bác ái và bố thí vì nhiều lý do không dính líu gì với tình yêu: tô điểm chính mình, để ra vẻ là một người làm điều thiện, được lên thiên đàng, và có khi để trấn an một lương tâm xấu.
"Như chính mình" Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh người được yêu đồng hóa với người yêu, vì vậy, phải yêu thương kẻ khác bằng chính tình yêu đối với bản thân, nhưng tiên vàn phải yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
=================
Suy niệm 7
Điều Răn Đứng Đầu
Dnl 6,2-6; Dt 7,23-28; Mc 12,28b-34
Khi nghe tin Thầy Giêsu đã làm cho nhóm Xađốc bị khóa miệng, một người trong nhóm kinh sư đến gần Người và hỏi: “Thưa Thầy, trong mọi điều răn, điều răn nào đứng đầu?” (Mc 12,28b). Phải chăng đây là cơ hội để làm Thầy Giêsu mất mặt? Họ hỏi xem Thầy có hiểu biết gì về luật và có tôn trọng luật lệ không? Nhưng Thầy nhanh chóng “tóm tắt nội dung” rõ ràng: “Điều răn đứng đầu là: Nghe đây hỡi Israel, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi. Điều răn thứ hai là: “Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Chẳng có điều răn nào lớn hơn các điều răn đó” (Mc 12,29-31). Toàn bộ lề luật được tóm gọn lại trong hai giới răn quan trọng nhất: mến Chúa - yêu người. Hôm nay Thầy nối kết hai điều răn này là một, như một sự bất khả phân ly.
Giới răn thứ nhất: Kính mến Thiên Chúa trên hết mọi sự là điều răn quan trọng đối với người Dothái. Để nhắc nhớ, họ dán trên cửa, đeo trên đầu như thẻ kinh và đeo trên cánh tay mỗi khi cầu nguyện sáng chiều. Điều răn phổ cập toàn dân như vậy mà họ còn đem ra hỏi Thầy Giêsu, chứng tỏ họ khinh thường muốn làm khó Thầy. Một điều răn đã “khắc ghi trên trán” như vậy, nhưng chỉ dễ nhớ mà không dễ thực hành. Người Do Thái vẫn đúc bê vàng để thờ hoặc chạy theo thần ngoại bang. Ngày nay chúng con cũng thuộc nằm lòng từ bé: “Thứ nhất thờ phượng một Đức Chúa Trời và kính mến người trên hết mọi sự.” (Kinh Mười điều răn). Nhưng có lúc chúng con lại đặt các thứ khác lên trên Thiên Chúa như tiền, danh, lợi, thú…
Giới răn thứ hai: yêu người thân cận như chính mình. Ai mà không yêu chính mình? Tình yêu đối với tha nhân được đo lường bằng tình yêu đối với chính mình. Đó thực sự là “khuôn vàng thước ngọc”. “Tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta, vì luật Môsê và các sách ngôn sứ dạy như thế”(Mt 7, 12). “Chớ làm cho người điều chi mà con không chịu được”(Tb 4, 15). Lý thuyết thì hay và dễ nhưng khi đối diện với hoàn cảnh cuộc sống thực tế thì xem ra rất khó.
Khi người ta yêu Chúa với tất cả tâm hồn, bằng cả con tim với tình yêu đậm đà mật thiết với Chúa, Chúa sẽ chỉ cho biết phải yêu thương anh em như thế nào, “yêu như Chúa yêu”, hiến dâng cả mạng sống… Tình yêu Chúa như ánh mặt trời. Ta thu nhận sức nóng tình yêu của Chúa qua cầu nguyện, ở lại với Chúa và sống trong Lời Chúa. Để rồi trong Chúa ta được hâm nóng tình người bằng tình yêu Chúa qua những hành động cụ thể, những cử chỉ yêu thương nho nhỏ, một nụ cười, một lời ủi an khích lệ, một ý kiến xây dựng, hành động sẻ chia vật chất, một sự tha thứ bao dung…
Chúa ơi! nhìn lên Thánh giá, con thấy Chúa không còn cách nào để yêu con hơn được nữa. Xin cho con biết tìm về sống trong Tình Yêu Chúa. Nhờ Tình Yêu Chúa hun đúc, tim con cũng thấm đẫm tình yêu ấy, để con sống chan hòa với mọi người anh em của con.
Én Nhỏ