Suy niệm 1
“Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít”
Lc 10, 1-12. 17-20
Đứng trước tình trạng khẩn cấp và vô cùng quan trọng của công cuộc truyền giáo, Chúa Giêsu không những chỉ mời gọi 12 tông đồ và 72 môn đệ của Ngài, mà còn tất cả những ai có thiện chí muốn theo Chúa. Tin Mừng hôm nay cho thấy: Chúa Giêsu sai 72 môn đệ đi truyền giáo. Con số 72 không phải là con số chung chung và vô tình. Theo Kinh Thánh, con số 72 là con số biểu tượng ám chỉ toàn cầu. Đó là con số tổng hợp tất cả các quốc gia trên trái đất này được thiết lập sau Đại Hồng Thuỷ. Nói cách khác, Chúa Giêsu mời gọi tất cả mọi kito hữu đều phải truyền giáo.
Khi nói “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít”., Chúa Giêsu không chỉ nghĩ đến hiện tại, mà còn hướng tới tương tai,:
- Người nghĩ đến tất cả mọi dân tộc và mọi quốc gia trên trái đất này vẫn còn đang là cánh đồng không được gặt hái vì thiếu thợ gặt.
- Người nghĩ đến các quốc gia kitô giáo của thế kỷ chúng ta đang trong tình trạng bỏ đạo.
- Người thấy trước biết bao người đã chịu phép rửa tội mà chẳng hay biết gì về đạo.
- Người thấy trước Á Châu chúng ta số người theo đạo kitô là quá ít: 3%.
- Người thấy trước những người kitô xâu xé lẫn nhau …
- Tuy nhiên, Người cũng thấy biết bao nhiêu con tim khao khát và chờ đợi Tin Mừng. Những con tim này đã được Chúa Thánh Thần hoạt động, họ đang có khả năng đón nhận Tin mừng.
Vì thế, ngay bây giờ và hơn bao giờ hết: Hãy tổng động viên để rao giảng Tin Mừng và tái rao giảng Tin Mừng. Thiên Chúa cần chúng ta. Thiên Chúa cần tất cả. Mặc dù có những dấu hiệu tốt trong nhiều họ đạo, nhưng chúng ta không được phép khoanh tay ngồi lì khi mà việc thực hành đạo đang bị giảm sút nơi nhiều người đã chịu phép rửa tội. Phải khẩn cấp hành động! Tội lớn nhất của chúng ta hôm nay là tội bỏ bê và quên sót.
Thánh Phaolo và Phero đã ngang nhiên nói trước toà án Dothái: “Phần chúng tôi, chúng tôi không thể và không được phép không công bố điều mà chúng tôi đã nghe và đã thấy”. Chúng ta không được phép là những thực dân tình yêu: Yêu mến Chúa Giêsu và yêu mến anh em thế nào được, nếu chúng ta không khát khao nồng cháy đem Chúa cho thế giới? Đức Hồng Y Congar nói: “Chúng ta đừng là những nhà tư bản tôn giáo”. Có nghĩa là đừng nhốt Chúa Giêsu trong tủ sắt trái tim chúng ta. Chúng ta đã lãnh nhận Chúa Kitô thì phải mang Chúa Kitô cho người khác nũa.
Tất cả chúng ta, ai ai cũng có khả năng truyền giáo, đừng viện lý do là không có kiến thức thần học và giáo lý. Trong Cựu ước chúng ta thấy: Khi được sai đến vua Pharaon, Moise thưa với Chúa: “Tôi không biết ăn nói”. Và Chúa phán bảo ông:”Điều đó không quan trọng, con hãy đi với Aaron, anh ấy biết ăn nói. Còn con, con cứ làm những việc Ta dạy con làm”. Thật vậy, ai ai cũng có thể làm được một việc gì đó mưu cầu lợi ích chung cho cộng đoàn kito và cho xã hội, nhưng nhất là tất cả chúng ta đều có thể làm được điều mà Chúa dạy trong bài Tin Mừng, đó là cầu nguyện cho ơn gọi, động viên con em đi tu…
Tuy nhiên, Chúa Kitô không muốn chúng ta thực hiện truyền giáo như người làm thuê, làm vì phải làm để được trả công:
- Người muốn chúng ta thực sự cảm thấy mình được sai đi,. Vì thế chúng ta phải có trách nhiệm, tự hào là đã được chọn và ý thức tham dự vào công cuộc sống còn của Giáo Hội và của thế giới, làm cho thế giới thay đổi và thăng tiến hơn.
- Người muốn chúng ta làm việc thành nhóm, không được làm riêng rẽ và một mình, tránh những ghen tương vì ghen tương là mầm mống của sự chia rẽ.
- Người muốn đội quân truyền giáo cơ động, nhẹ nhàng hành lý: “Anh em đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép”.
- Người muốn chúng ta sẵn sàng và nhanh chóng đi bất cứ nơi đâu mà Thánh Thần thổi đến.
- Người muốn chúng ta đem bình an cho thế giới: ”Vào nhà nào trước tiên anh em hãy nói: Bình an cho nhà này.”Bình an là sức mạnh đích thực cho những ai tin vào sự sống lại.
- Sức mạnh của người tông đồ cũng chính là sự đơn sơ nhân ái: “Con chiên ở giữa sói rừng”. Niềm vui và tình yêu của người rao giảng tin mừng có tính lan truyền mạnh mẽ. Họ không đến áp đặt nhưng đề nghị.
- Người muốn các tông đồ đừng bận tâm đến thành tích. Dagens viết: “Nguy cơ không phải là nhỏ cho những ai đi truyền giáo thích được nổi danh vì những kết quả mình đã đạt được, vì ho nghĩ là đã hoàn thành phận sự về một hình ảnh quá lý tưởng của công cuộc truyền giáo”.
Dù người ta có đón nhận hay từ chối, chúng ta không cần phải đếm con số người rước lễ Mùa Phục Sinh. Chúng ta cứ nói trong mọi trường hợp. Điều mà Thiên Chúa đòi hỏi chúng ta là sự thành thật đơn sơ và điều còn lại là công việc của Ngài. Cha Monier nói: “Việc tông đồ của chúng ta không phải là cho người khác những tư tưởng hay ho, nhưng là cho hương vị Chúa Giêsu”.
Đọc bài Tin Mừng hôm nay, người giáo dân chúng ta không nên đứng ngoài cuộc. Đừng nghĩ rằng tất cả những đòi hỏi về truyền giáo chỉ áp dụng cho các linh mục và tu sỹ. Ngày nay trên thế giới, có rất nhiều người giáo dân quảng đại đáp trả ơn gọi truyền giáo.
Cha Poncheville nói: “Có tinh thần truyền giáo đó là biết có một bàn tay Thiên Chúa đã bị đinh đâm thâu, vết đinh đó vẫn không ngừng đâm vào trái tim nhân loại…Có tinh thần truyền giáo đó là biết có một ngọn lủa ngày Lễ Ngũ Tuần đang tìm kiếm các con tim để đốt cháy”.
Linh mục Gioan Đặng Văn Nghĩa
===================
Suy niệm 2
Đi Ra Vùng Ngoại Biên
Tháng 10 được gọi là tháng truyền giáo, là tháng Giáo hội dành đặc biệt để cầu nguyện cho việc truyền giáo cũng như nhắc nhở các tín hữu về sứ mệnh truyền giáo của mỗi người đã lãnh nhận bí tích rửa tội. Vào Chúa Nhật áp chót của tháng 10, Giáo hội cử hành Ngày Thế giới Truyền giáo. Trong Sứ điệp nhân Ngày Thế giới Truyền giáo năm 2021, với chủ đề “Những gì tai đã nghe, mắt đã thấy, chúng tôi không thể không nói ra” (Cv 4,20), Đức Thánh Cha nói rằng, Giáo Hội ngày nay cần những tấm lòng có khả năng thúc đẩy mình đi đến “các vùng ngoại biên của thế giới”. 1. Chúa Giêsu đi về vùng ngoại biên “Ông Simon và các bạn kéo nhau đi tìm. Khi gặp Người, các ông thưa: Mọi người đang tìm Thầy!”. Chúa Giêsu muốn đi đến nhiều nơi. Vì vậy “Người bảo các ông : Chúng ta hãy đi nơi khác, đến các làng xã chung quanh, để Thầy còn rao giảng ở đó nữa, vì Thầy ra đi cốt để làm việc đó. Rồi Người đi khắp miền Galilê, rao giảng trong các hội đường của họ, và trừ quỷ” (Mc 1,36-39). Galilê là vùng ngoại biên xa trung tâm Giêrusalem. Galilê là khởi điểm Kitô giáo. Chính tại đây, Chúa Giêsu bắt đầu cuộc rao giảng Tin mừng, chọn gọi các Tông đồ, tuyên bố Luật mới. Chúa Giêsu sinh ra trong một gia đình làm nghề mộc, thuộc dạng nghèo khó. Như vậy, Người mang thân phận kẻ nghèo để chia sẻ với thế giới những người ngoại biên. Khi đi rao giảng Tin Mừng, Người ưu tiên để ý đến những người nghèo, những người tội lỗi và những người cùng khổ. Suốt đời, Chúa Giêsu đã sống gần gũi những người ngoại biên, đến với họ chia sẻ những nỗi đau của họ. Chúa Giêsu cho họ thấy Người rất thương họ, và tình thương đó là vô hạn, vô cùng. Thương đến đổ máu mình ra, chết cho họ, chết thay cho họ, và cho mọi người.Người hiến thân đến tột cùng vì tình yêu. Chính ở điểm hiến thân trên thánh giá, mà Người làm vinh danh Chúa Cha, và chính Người được tôn vinh. Người muốn các môn đệ hãy theo gương Người, đem Tin Mừng đến cho người nghèo khổ như vậy. Hiện nay, Mẹ thánh Têrêxa Calcutta đang được đề cao như một gương mẫu rao giảng Tin Mừng cho người ngoại biên. Mẹ không làm việc gì khác ngoài đi theo đường lối mà Chúa Giêsu đã đi trước. Điều đáng ngợi khen nhất nơi Mẹ là làm chứ không chỉ nói. (x.Tin Mừng cho người ngoại biên, ĐGM Bùi Tuần).
2. Giáo Hội đi ra vùng ngoại biên
Thời nay, nói theo ngôn ngữ của Đức cha Giuse Đặng Đức Ngân, những biên cương mới mà Giáo Hội đang quan tâm không chỉ trên phương diện địa lý nhưng còn là những con người. Chúng không chỉ có nghĩa là mới, nhưng còn có nghĩa là bị lãng quên, bị bỏ rơi, chưa đụng chạm đến. Các biên cương cần quan tâm chính là sự cộng tác của mọi thành phần trong giáo xứ, là mục vụ hôn nhân gia đình, mục vụ sau khi kết hôn, chăm sóc và bảo vệ thai nhi, mục vụ bác ái truyền giáo, mục vụ truyền thông và mục vụ di dân.
Chúa đến với những biên cương mới dẫu cho khó khăn hay thập giá.Truyền giáo ngày nay trong thế giới nói chung và trong xã hội Việt Nam nói riêng không nhắm trước tiên hay chủ yếu vào việc "chinh phục các linh hồn" cho Chúa càng nhiều càng tốt, (chúng ta không chạy theo số lượng) nhưng đem tinh thần Phúc Âm thấm nhuần vào con người và vào mọi thực tại nhân sinh. Vì thế, để thi hành sứ mạng cao cả đó, chúng ta không nhất thiết phải đi tới một vùng địa lý nào khác, mà lấy chính môi trường sống của mình làm "vùng đất ngoại bang", và noi gương của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, chúng ta hãy coi các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội là những vùng giáp ranh, những vùng biên giới mà Chúa sai chúng ta đến.
Cảm nghiệm sâu xa bước chân Chúa Giêsu đi về vùng ngoại biên, Đức Thánh Cha Phanxicô viết: “Tôi thích một Giáo Hội bị bầm dập, bị thương tích và dơ bẩn vì đã ở ngoài đường, hơn là một Giáo Hội yếu nhược vì tự giam mình và bám víu vào sự an toàn riêng của mình. Tôi không muốn một Giáo Hội quan tâm đến việc được ở vị thế trung tâm và rồi rốt cuộc bị vướng mắc vào một mạng lưới của những nỗi ám ảnh và thủ tục” (EG 49).
“Đi Ra Vùng Ngoại Biên” đã trở thành câu nói quen thuộc của nhiều tín hữu kể từ khi Đức Thánh Cha Phanxicô đề cập trong Tông huấn “Niềm Vui Tin Mừng”. Ngài khuyến khích mọi người bước ra khỏi sự quen thuộc hằng ngày của mình để đi đến những nơi, với những người xa lạ ở vùng ven, vùng ngoại biên...Đây không chỉ là một lối sống thích ứng tích cực trong khuynh hướng toàn cầu hóa hiện nay, nhưng còn là một phương thế, một giải pháp để Tin Mừng Chúa Kitô được rao giảng rộng rãi hữu hiệu hơn. Chính những chuyến “đi ra vùng ngoại biên” đã neo lại nơi tâm hồn người khác nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Ngày nay, nhiều người đã đi ra ngoài khu vực an toàn của mình để “đến vùng ngoại biên” và đã chạm đến những bất công, bất minh, bất chính của trần thế. Từ nơi đó, họ thắp lên ánh sáng của Tin Mừng, của lẽ phải và công lý cho những người “còn ngồi trong bóng tối sự chết” (Lc 1,70).
3. Mục vụ ngoại biên sau Lockdown
Lm Lê Văn La Vinh OP, đã suy tư trong bài viết “sau Lockdown là gì?”. Tâm trạng dân chúng là lo âu sợ hãi vì nhiễm bệnh, trong đó có nhiều người đã chết, nhiều người thoát chết. Mọi sinh hoạt bị tê liệt, mất việc làm, mất nơi cư trú, mất người thân yêu, mất niềm tin, mất hy vọng vào tương lai. Rất nhiều người đã tháo chạy thoát thân để tìm đường sống cho bản thân và gia đình. Hệ quả kéo theo là trầm cảm, tâm thần, là cuộc sống cá nhân, gia đình và xã hội bị xáo trộn, bị mất thăng bằng. Đó cũng là tình cảnh của những con người trong xã hội Việt Nam sau lockdown.
Có giải pháp nào chăng, sau lockdown? Câu trả lời tùy thuộc bạn là ai: nhân viên y tế, lãnh đạo trong bộ máy chính quyền, là nhà cán sự xã hội, doanh nhân, công nhân viên, là người lao động…Trong tư cách là một linh mục Công giáo, tôi cũng có một vài đề nghị và giải pháp cho hoàn cảnh này.
Trước tiên là mọi người, mọi thành phần xã hội cần phải tìm hiểu để nắm bắt, thực hành các ứng dụng công nghệ vào trong công việc, trách vụ hàng ngày của mình. Đó là xu hướng phát triển của thời đại, cần hội nhập để không bị tụt hậu. Thứ đến là đừng quên những bài học chúng ta học được trong mùa dịch bệnh: bài học yêu thương nhân ái, bài học tiết kiệm, bài học biết sống vì cộng đồng, bài học biết cùng nhau vươn lên vượt khó… Đây là những kỹ năng cần thiết để những con người mới bước vào cuộc sống mới sau lockdown.
Với các Kitô hữu thì những trải nghiệm thời lockdown là cơ hội tốt để chúng ta thấy được giá trị của đức tin vào Thiên Chúa. Chính Ngài là mục tiêu tối hậu, là niềm hy vọng, là chốn nương thân mà kinh nghiệm của chúng ta trong những ngày tháng phong tỏa chứng nghiệm điều này. Sau lockdown mỗi tín hữu đã nhận ra được sự cần thiết của việc giữ lửa gia đình nơi những giờ kinh chung, những bữa cơm gia đình. Có cảm nghiệm sâu sắc hơn giá trị và sự cần thiết việc tham dự thánh lễ Chúa nhật mà chúng ta thiếu vắng, khao khát trong nhiều tháng trời.
Với các linh mục trong vai trò dẫn dắt cộng đoàn, các ngài cũng phải mới. Mới trong cách điều hành, trong cách tiếp cận, trong sự hướng dẫn giảng giải và cung cách sống của mình… bởi lẽ người giáo dân hôm nay - sau lockdown – đã khác lắm rồi. Nếu chỉ thực hành theo cách truyền thống xưa nay, chúng ta có nguy cơ tụt hậu, tụt hậu nơi chính giáo xứ mình coi sóc; tụt hậu, lạc điệu và là người đứng bên lề cuộc sống với những người giáo dân mình đang có trách nhiệm.
Điều này làm cho người linh mục hôm nay không thể giữ mãi lối mòn truyền thống trong cách điều hành, cách giảng dạy… mà đòi buộc các linh mục phải mở cửa ra, phải bước tới, phải thấy, phải nghe, phải thấu hiểu cảm thông để có những giải pháp và cung cách thích hợp… Hơn thế nữa, người linh mục - sau lockdown - cần phải giống Chúa Giêsu hơn nữa khi mang trong mình trái tim, con mắt và đôi tay của Chúa Giêsu để biết nhìn mà chạnh lòng thương xót, để biết đưa tay ra chữa lành, để biết đồng hành với con người hôm nay trong chính hoàn cảnh của họ.Hiểu được điều này và có một sự chuẩn bị tốt chúng ta sẽ có một hậu lockdown thật có hậu.Mong sao điều có hậu này sớm trở thành hiện thực trên quê hương đất nước chúng ta.(x.daminhvn.net).
Trong mỗi giáo xứ, linh mục đóng vai trò chính với tư cách là mục tử. Mục tử theo gương Chúa Giêsu là mục tử biết chiên (x.Ga 10,14), biết những âu lo và hi vọng, khó khăn và thử thách của chiên để đồng hành và nâng đỡ. Biết chiên còn để quy tụ và liên kết mọi thành viên sống tình tương thân tương ái trong cộng đoàn và mở ra với mọi người. Trong hoàn cảnh giới hạn do lệnh giãn cách, nhiều anh em linh mục đã có những sáng kiến cụ thể để vun trồng đời sống đức tin trong cộng đoàn, và cứu giúp những người đang chới với vì đại dịch. Chúng tôi xin cảm ơn và mong anh em tiếp tục thi hành chức năng mục tử cách nhiệt thành và sáng tạo.(x.Thư Hội đồng Giám mục Việt Nam gửi cộng đồng dân Chúa: Sống đức tin thời đại dịch).
Khi đi rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu ưu tiên để ý đến những người nghèo, người tội lỗi, người ngoại và những người bệnh tật. Suốt đời, Ngài đã sống gần gũi với 4 hạng người: người nghèo, người tội lỗi, người ngoại và những người bệnh tật.Truyền giáo trong thời kỳ hậu Covid là đến với các “ngoại biên” cần phải quan tâm như sự cộng tác của mọi thành phần trong giáo xứ, như mục vụ bệnh nhân, mục vụ người nghèo, nuôi dưỡng trẻ mồ côi, mục vụ giáo lý thiếu nhi, các giới các hội đoàn, mục vụ hôn nhân gia đình, mục vụ sau khi kết hôn, chăm sóc và bảo vệ thai nhi, như mục vụ bác ái, mục vụ truyền thông và mục vụ di dân…
Sứ vụ truyền giáo là sứ vụ của người ra đi mang tin vui, tin cứu độ, tin được Thiên Chúa đoái thương. “Truyền giáo là sẵn sàng suy nghĩ như Chúa Kitô, cùng với Người tin tưởng rằng những người xung quanh chúng ta cũng là anh chị em của tôi. Xin tình yêu thương từ bi của Người chạm đến trái tim chúng ta và làm cho tất cả chúng ta trở thành những môn đệ truyền giáo đích thực”. (x.Sứ điệp Truyền giáo 2021).
“Ngôi Lời đã làm người và ở cùng chúng ta”. Bước đầu tiên của mầu nhiệm Nhập Thể Cứu Độ là Thiên Chúa đến ở cùng chúng ta. Bước căn bản của Mục vụ cũng là ở cùng, hiện diện, chia sẻ. Đây chính là lúc cần thể hiện mục-vụ-ở-cùng nhiều nhất. (x.Mục vụ thời covid-19. Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm).
Chúa Giêsu đến thế gian với thân phận con người, làm con người, yêu thương con người và cứu độ con người. Người tận tụy phục vụ mọi người. Hãy cùng với Chúa “đi ra vùng ngoại biên”, ra khỏi những khung cảnh quen thuộc hằng ngày loan báo Niềm Vui Tin Mừng.
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
===================
Suy niệm 3
Làm Cho Muôn Dân Trở Thành Môn Đệ
Điểm hẹn cuối cùng của Đức Giêsu với mười một môn đệ tại một ngọn núi thuộc miền Galilê, ngọn núi Người đã truyền cho các ông đến đó. Tại sao Người hẹn gặp các ông ở Galilê, mà không phải ở đền thờ hay hội đường? Có lẽ Galilê là nơi đặc biệt, nơi xảy ra những biến cố lịch sử cứu độ nhân thế của Người, là một cứ điểm truyền giáo. Đây là miền đất của dân ngoại, thật cần kíp để gieo Tin Mừng. Chính nơi đây Satan đã đưa Người lên để thỏa hiệp với hắn nhưng Người đã chiến thắng. Nên hôm nay trên núi này Đức Giêsu đã công bố với các ông: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất” (Mt 28,18). Khởi đầu sứ vụ, nơi đây Thầy đã gọi các môn đệ đầu tiên. Và cuối cùng hôm nay, điểm hẹn này là nơi Thầy trao sứ vụ loan báo Tin Mừng: “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em” (Mt 28,19.20a).
Suốt ba năm, các ông chỉ đi theo Thầy, trực tiếp cận kề học tập bên Thầy. Giờ đến lúc Thầy không còn trực tiếp dạy dỗ các ông, giờ là lúc các ông phải tự “thực hành thực tế” trong khi Thầy “vắng mặt”. Các ông phải “dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy truyền”. Đây là trọng trách lớn lao và thật khó khăn vất vả, nhất là khi không thuận tiện, trong cái chật hẹp, tối tăm của đời các môn đệ cũng như mỗi chúng con hôm nay. Nhưng một lời hứa chắc chắn kèm theo để an ủi và thúc bách chúng con: “Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.” (Mt 28, 20b). Đây là lời hứa để chúng con an tâm khi thi hành sứ vụ khó khăn mà cao cả. Chính Thầy sẽ thực hiện những điều lớn lao kỳ diệu nơi con người mỏng giòn yếu đuối của mỗi chúng con. Từ buổi Thiên sứ truyền tin đã loan báo về Đức Giêsu: “Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta” (Mt 1,23). Vâng, Đấng Emmanuel vẫn luôn hiện diện, đồng hành, ở cùng các môn đệ và những người nhiệt tâm loan báo Tin Mừng trong mọi nơi mọi lúc. Chúa luôn ở cùng chúng con trên bước đường loan báo, trải dài cho đến ngày tận thế.
Chúa ơi! trước khi về trời Chúa đã trao cho chúng con sứ vụ “làm cho muôn dân trở thành môn đệ” của Chúa. Lạy Chúa! sức chúng yếu lắm, lòng người đời thì cứng cỏi, nhưng chúng con tin Chúa sẽ ở cùng và ở với chúng con trong mọi nơi mọi lúc. Để dù khó khăn hay gian nguy, chính Chúa sẽ thực hiện những điều kỳ diệu trong con người hèn mọn yếu đuối chúng con, cho muôn dân nhận biết Chúa và đi theo Ngài. Amen.
Én Nhỏ
===================
Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật XXX Thường niên B
Suy niệm 1
Hồng ân tuyệt vời
Mc 10, 46-52
Người mù hành khất thành Giê-ri-khô có lòng khao khát thoát mù cách mãnh liệt. Vì thế, khi nghe biết có Chúa Giê-su đi ngang qua, anh liền van xin lớn tiếng: “Lạy ông Giê-su, con vua Đa-vít, xin hãy thương xót tôi.” Dù người qua kẻ lại quát mắng anh im đi nhưng không gì có thể dập tắt được ngọn lửa khao khát bừng lên mãnh liệt trong lòng, nên anh càng van xin to hơn: “Lạy ông Giê-su, con vua Đa-vít, xin hãy thương xót tôi!”
Thế rồi, khi được biết Chúa Giê-su cho vời mình đến, anh vui mừng đến độ vứt cả áo choàng, vứt cả bị, gậy để đến với Chúa Giê-su. Chúa Giê-su hỏi: “Anh muốn tôi làm gì cho anh?” Anh mau mắn thưa ngay: “Lạy Thầy, xin cho tôi được thấy.”
Cầu được ước thấy, ánh sáng đã bừng lên cho anh. Anh được thấy Chúa Giê-su, thấy mọi người chung quanh, thấy thế giới rực rỡ muôn màu. Hạnh phúc dâng ngập tâm hồn, anh vui mừng khôn xiết. Thiết tưởng trên đời không có hạnh phúc nào lớn hơn.
Hạnh phúc được khai mở con mắt tâm hồn
Sau một thời gian dài sống trong tăm tối, u buồn, lầm than, khốn khổ… thì người mù thành Giê-ri-khô mới có diễm phúc được Chúa Giê-su mở mắt cho thấy những sự vật trên đời.
Còn chúng ta, chúng ta được may mắn triệu lần hơn, vì ngay từ lúc ấu thơ, sau khi chào đời chẳng bao lâu, chúng ta có thể nhìn thấy khuôn mặt thân yêu của cha mẹ anh chị em họ hàng, thấy được bầu trời huy hoàng rực rỡ, thấy được muôn kỳ quan rất tuyệt vời trong vũ trụ…
Bên cạnh hồng phúc nầy, chúng ta còn được hạnh phúc lớn hơn, đó là được Chúa khai mở con mắt tâm hồn để nhận biết có một người Cha đầy quyền năng và rất nhân từ hằng yêu thương ta là Thiên Chúa Cha; nhận biết Chúa Giê-su là Đấng yêu thương ta đến nỗi gánh lấy tội lỗi và nộp mình chịu chết thay cho ta, nhờ đó, chúng ta được thoát khỏi án phạt đời đời và được lên thiên đàng vinh hiển; nhận biết Chúa Thánh Thần là Thầy dạy tuyệt vời ban tặng cho chúng ta những điều khôn ngoan Ngài mang từ trời xuống; nhận biết mình có quê thật là thiên đàng mà Chúa đã sắm sẵn cho chúng ta từ thuở tạo thiên lập địa…
Được Chúa Cha mở mắt cho thấy những sự thật tuyệt vời nầy là một hồng ân vô cùng lớn lao, không gì sánh được.
Chúa Giê-su cho rằng đây là hồng phúc rất cao quý mà ngay cả những vị ngôn sứ vĩ đại thời xưa như I-sai-a, Ê-li-a, Giê-rê-mi-a… hay các vị vua danh tiếng như Đa-vít, Sa-lô-mon… cũng không nhận được. Ngài nói: “Phúc thay mắt nào được thấy những điều các con xem thấy; vì chưng Ta bảo các con: có nhiều vị ngôn sứ và vua chúa đã muốn thấy những điều các con thấy, mà chẳng được thấy, muốn nghe những điều các con nghe, mà đã chẳng được nghe” (Lc 10, 24).
Hồng ân nầy lớn lao đến nỗi Chúa Giê-su tỏ ra hân hoan vui sướng và cất lời tạ ơn Chúa Cha đã ưu ái ban tặng cho chúng ta. Ngài thưa với Chúa Cha: “Lạy Cha là Chúa tể trời đất, Con xin ngợi khen Cha, vì đã giấu không cho những người thông thái khôn ngoan biết những điều nầy, nhưng đã tỏ cho những người bé mọn” (Lc 10, 21).
Lạy Chúa Giê-su,
Chúng con cảm tạ Chúa đã ban cho chúng con đôi mắt phần xác để nhìn ngắm những điều kỳ diệu trên đời và nhất là Chúa đã rộng thương mở mắt tâm hồn để chúng con nhận biết những sự thật tuyệt vời về Thiên Chúa, về cuộc sống đời sau.
Xin cho chúng con sống xứng đáng với hồng ân Chúa ban và cố gắng dẫn đưa nhiều người đến với Chúa để họ cũng được Chúa ban cho diễm phúc nầy. Amen.
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
===================
Suy niệm 2
“ĐỨC TIN CỨU CHỮA CON!”
Mỗi lúc gặp cảnh gian truân khốn khó, chúng ta thường nghĩ mình là người bất hạnh nhất trần đời này, chẳng ai có thể khổ hơn bản thân ta nữa! Nhưng câu nói chúng ta vốn thường nghe: nhìn lên không bằng ai, nhưng nhìn xuống hơn cả tá người!!! ít nhiều đánh động. Sao ta lại cứ ‘nhìn lên’ và ‘nhìn xuống’, mà không ‘nhìn thẳng’ và ‘nhìn xung quanh' chúng ta chứ?
Quả thật, chúng ta còn quá may mắn khi chứng kiến anh người mù Bar-ti-mê trong trình thuật Tin Mừng hôm nay. Chúng ta còn có cả đôi mắt đẹp, không chỉ tận hưởng vẻ đẹp chung quanh, mà có khi còn hút hồn người khác nữa. Chúng ta còn có đôi mắt sáng trong, tinh tường, nhìn ra mọi thứ trong đời. Chúng ta còn có đôi mắt tinh thông, giúp mình phân biệt phải trái, đúng sai, v.v…Tuy đôi mắt thể xác khoẻ mạnh, anh minh, nhưng với một ý nghĩa nào đó, đôi mắt đức tin của chúng ta có khi đang dần mù loà, đang mất đi thị lực, đang phai mờ vì còn nhiều đam mê thế tục, bao phen quên sống đạo, chỉ muốn ‘lau chùi cho đức tin bóng loáng, rồi cất giữ trong tủ kính’, mà chẳng buồn ‘thắp sáng ngọn nến đức tin ấy’ qua việc cầu nguyện và thực thi bác ái. Như vậy, hơn ai hết, chúng ta cần học đòi tâm tình đơn sơ, tín thác của anh khiếm thị Bar-ti-mê, dám kêu lớn tiếng cầu xin Đức Giê-su chữa lành, dẫu ngoài kia những người xung quanh có thể vì không hiểu chuyện mà ngăn cản chúng ta: “Hỡi ông Giê-su con vua Ða-vít, xin thương xót tôi…Hỡi con vua Ða-vít, xin thương xót tôi” (Mc 10, 47. 48).
Thoạt nhiên tôi nhớ đến một giai thoại ‘xưa hơn trái đất’ về chàng thanh niên thích chơi trội lập dị, muốn khác người. Cứ mỗi buổi chiều, anh mang ‘chiếc dù bay’ lên ngọn núi khá cao, để nhảy xuống một thung lũng kỳ bí hiểm nguy, hòng thoả chí đam mê mạo hiểm của mình. Nhưng thật không may, khi chuẩn bị gieo mình xuống, thì anh ta trượt chân, rơi tự do xuống vực. Tưởng chừng kết thúc cuộc đời này rồi, nhưng đang rơi thì anh bị vướng vào một cành cây rừng mọc chìa ra, đủ cứng cáp cứu anh thoát khỏi cơn hoạn nạn. Thế rồi anh cứ lơ lửng trên đó, nhìn lên toàn bầu trời bao la, nhìn xuống thì thung lũng tối tăm huyền bí lạ lùng, khiến anh choáng váng hãi hùng. Anh lấy hết sức bình tĩnh la to cầu cứu: Có ai trên đó cứu tôi với…với…với!!!!!! Chờ hồi lâu, chẳng một tiếng đáp lời, ngoài tiếng của anh vang vọng trở lại. Sau đó, anh bèn nhớ tới Chúa và cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cứu con với! Con xin hứa sẽ làm bất cứ điều gì Chúa muốn!
Lúc ấy, anh bỗng nhiên nghe tiếng gió thổi mạnh như lời Chúa đáp: Được, Ta sẽ cứu con. Nhưng trước khi cứu, Ta muốn biết là con có thực sự tin rằng Ta làm được việc này không?
– Lạy Chúa, con tin chứ! Con tin chắc là Chúa cứu được con mà! Mau mau cứu con Chúa ơi, chân con run rẩy, đôi tay con rã rời lắm rồi, hic…hic!
Chúa liền nói với anh:
– Được, thế thì con hãy buông tay ra!
Hy vọng tràn trề, thời cơ được thoát chết đến gần, nhưng chàng thanh niên ấy vẫn bám chặt vào cành cây kia, mà không chịu buông tay. Và cứ thế, anh ta ngước nhìn qua bờ vực bên kia và la lớn: “Có ai trên đó không, cứu tôi với!’
Giai thoại trên kết thúc thế nào không quan trọng, nhưng tự ngẫm nghĩ: nhiều lần trong đời, chúng ta cũng đã rơi vào trường hợp thế này! Miệng tuyên xưng tin vào Chúa, nhưng lòng chúng ta chưa dám đặt hết vào Ngài; hơn nữa, chúng ta chưa can đảm ra khỏi sự nghi ngờ, bồn chồn, lo âu của riêng mình, mà làm theo những gì Chúa muốn, những gì Chúa nói nơi lương tâm ngay thẳng tốt lành của ta, qua các biến cố cuộc sống, kể cả qua người mà ta không ưa thích, qua các sự cố có thể chẳng may mắn giữa cảnh đời thường. Tuy nhiên, anh chàng Bar-ti-mê khiếm thị trong đoạn Tin Mừng hôm nay, đã trao phó tất cả cho Đức Giê-su, khi nghe Ngài hỏi: “Anh muốn Ta làm gì cho anh?” (Mc 10, 51) Anh mau mắn dâng trọn sự yếu đuối, hèn mọn, mong manh của kiếp người cho Ngài, và tín thác đáp lời: “Lạy Thầy, xin cho tôi được thấy” (Mc 10, 51). Thiết nghĩ, đây cũng chính lời cầu mà chúng ta nên kêu lên: Lạy Chúa, xin cho con được thấy, không chỉ bằng đôi mắt xác phàm này, mà hơn hết bằng con mắt đức tin, vốn được Chúa thương ban, nhằm tôi luyện, thánh hoá và cứu chữa con!
Vì thế, lời đáp ngắn gọn của Đức Giê-su chữa lành cho anh khiếm thị Bar-ti-mê khiến chúng ta phải nhìn lại đời sống đức tin của mình, nhìn lại đức tin của bản thân: “Đức tin anh đã chữa anh” (Mc 10, 52).
Trước hết, Đức tin tôi luyện chúng ta. Qua lời tiên tri Giê-rê-mi-a, Thiên Chúa hằng tôi luyện, rèn giũa dân Is-ra-el. Tuy họ đã bất trung, bất tín, đi ngược lại giao ước với Ngài, bao phen bỏ Thiên Chúa mà chạy theo các tà thần khác, nhưng Ngài luôn rộng lòng tha thứ, chờ đợi, kêu mời trở về với giao ước tình yêu với Ngài. Tuy họ ngỗ nghịch, chống báng, giết hại các ngôn sứ của Thiên Chúa, rồi bị đi lưu đày, nhưng Ngài vẫn bên cạnh dõi theo, ghé mắt nhân từ đoái thương: “Ta sẽ dẫn dắt chúng từ đất bắc trở về, sẽ tụ họp chúng lại từ bờ cõi trái đất…hợp thành một cộng đoàn thật đông quy tụ về đây” (Gr 31, 8).
Hơn nữa, Đức tin thánh hoá chúng ta. Tác giả thư gửi cho tín hữu Do Thái đã tỏ hiện một vị Thượng tế tối cao, không giống các thượng tế khác. Ngài tuy là Con Thiên Chúa, nhưng đã mặc lấy xác phàm, ngoại trừ tội lỗi, sống giữa chúng ta. Ngài tuy cao trọng, ngang bằng với Thiên Chúa, nhưng đã xuống thế, sống cùng với con người, chịu khổ đau, tử nạn và phục sinh: “Ngài có thể thông cảm với những kẻ mê muội và lầm lạc…” (x. Dt 5, 2). Tuy Ngài là Thiên Chúa, nhưng “không tự dành lấy quyền làm thượng tế” (x. Dt 5, 5), mà hằng thực thi thánh ý Chúa Cha “Con là Con Cha, hôm nay Cha sinh ra Con” và “Con là tư tế đến muôn đời theo phẩm hàm Men-ki-xê-đê” (Dt 5, 5. 6). Nhờ Ngài, đức tin chúng ta được thánh hoá, được dưỡng nuôi và triển nở.
Sau cùng, Đức tin cứu rỗi chúng ta. Đúng như lời Đức Giê-su phán với anh Bar-ti-mê: “Đức tin anh đã chữa anh” (Mc 10, 52). Nhờ vào đức tin trọn vẹn, niềm cậy trông hoàn toàn vào Ngài, mà anh ấy được giải thoát khỏi bệnh hoạn, tật nguyền, khỏi những khiếm khuyết hằn sâu trong tâm hồn cũng như thân xác. Cũng vậy, nhờ đức tin vào Con Thiên Chúa, mà chúng ta được cứu chuộc với chính giá máu của Ngài. Ước gì, đức tin này luôn giúp chúng ta gạn đục khơi trong, nâng đỡ chúng ta biết nhận ra bàn tay che chở, quan phòng của Chúa trong đời sống hằng ngày. Và với đức tin ấy, chúng ta dám bước ra khỏi con người yếu hèn của mình, mà can đảm sống đức ái, cùng đặt niềm trông cậy kiên vững nơi Ngài.
Lạy Chúa, thân con - người hành khất
Có đôi tai, mũi mắt bình thường
Nhưng tâm hồn sao thê lương
Đức tin đưa lối tựa nương nơi Ngài.
Dẫu hiện tại, tương lai phía trước
Có Ngài luôn cùng bước trung kiên
Đời con theo Chúa nhân hiền
Đức tin cứu chữa, luyện rèn ngày đêm. Amen!
Lm. Xuân Hy Vọng
===================
Suy niệm 3
Tin vào điều không thể
(Mc 10, 46-52)
Thấy. Một hôm, Chúa Giêsu đi qua thành Giê-ri-cô mà không dừng lại ở đó. Ngài đang trên đường đến Gierusalem và có vẻ rất vội để đến thành phố này. Các môn đệ Ngài và một đám đông dân chúng đi theo. Mọi người đều biết anh mù ăn xin ở cổng thành Giê-ri-cô. Đó là anh Barimê, con ông Timê.
Trong một trường hợp khác, khi gặp một người mù từ khi mới sinh, các môn đệ đặt vấn đề: đó là do tội của người mù này hay tội của cha mẹ người mù gây nên..? Đối với người Do-thái, việc không nhìn thấy chắc chắn là một hình phạt của Thiên Chúa. Đối với đám đông cũng như đối với các môn đệ, tiếng kêu của anh Bartime trong bài Tin Mừng hôm nay bị khinh bỉ: “Nhiều người mắng bảo anh im đi”. Còn chính anh Bartime thì sao? Tin mừng trả lời: anh “càng kêu to hơn: Hỡi con vua Đa-vít, xin thương xót tôi!”.
Chúa Giêsu dừng lại và cho gọi anh đến với Ngài. Lúc này, không có gì quan trọng hơn đối với Chúa Giêsu ngoài tiếng kêu của anh mù. Ngài không thắc mắc liệu người mù này có phải là tội nhân hay là do cha mẹ anh gây nên? Đơn giản anh chỉ là một người đang kêu lên tới Ngài.
- Ngài hỏi anh mù: “Anh muốn tôi làm gì cho anh"?
- Anh mù thưa lại; “Lạy Thầy, xin cho tôi được thấy"
- Và Chúa Giê-su nói với anh ta: 'Được, đức tin của anh đã chữa anh”!
Tin. Không có gì khẩn cấp hơn đối với Chúa Giê-su là trả lời ước muốn sâu xa của bất cứ một người nào. Nhưng Ngài chỉ có thể làm điều này nếu người đó tin rằng không có gì là không thể đối với Thiên Chúa.
- Tin là bỏ đi thân phận mình như một tội nhân hay một người mù.
- Tin đó là loại bỏ mọi quy ước của con người, trút bỏ lớp áo sợ hãi đang bao phủ chúng ta: “Anh liệng bỏ áo choàng, đứng dậy và đến cùng Chúa Giêsu”.
- Tin là hy vọng rằng Thiên Chúa sẽ làm cho chúng ta điều mà không một con người nào khác có thể làm được.
- Tin rằngThiên Chúa trả lời ước muốn sâu xa nhất của chúng ta và khôi phục thị giác cho chúng ta.
Đối với Chúa Giêsu, không có gì cấp thiết hơn là không ngừng khơi dậy và phục hồi đức tin trong lòng nhân loại.
- Đức tin làm cho điều không thể theo cái nhìn của con người, trở thành có thể.
- Đức tin cho phép Thiên Chúa tự hiến và cho chúng ta nhiều hơn những gì chúng ta tưởng tượng hoặc quan niệm.
Nhưng làm sao chúng ta có thể tin được khi chúng ta kêu cầu Thiên Chúa, nếu Ngài không trả lời chúng ta?
Thấy và tin. Trong đời sống thường ngày, chúng ta có thể gặp trường hợp như sau:
Cha mẹ bên giường bệnh của đứa con ốm nặng… Từ sâu thẳm con tim, họ kêu cầu Thiên Chúa chữa lành con họ. Thế nhưng, tình trạng đứa con ngày càng tồi tệ hơn. Họ tự hỏi mình đã làm gì sai gây nên nông nỗi này…?
Nhưng rồi, họ từ bỏ việc tìm kiếm nguyên nhân. Họ chỉ biết kêu cầu Thiên Chúa đáp lại ước muốn sâu xa nhất của họ. Các bác sĩ bất lực, nhưng cha mẹ đứa con đó muốn tin rằng không có gì là không thể với Thiên Chúa. Họ hy vọng Thiên Chúa là Đấng tốt lành sẽ cứu chữa con họ.! Nhưng cuối cùng đứa trẻ vẫn chết! Làm thế nào chúng ta vẫn có thể tin vào Thiên Chúa, Đấng mà như Chúa Giêsu đã nói, sẽ đáp trả những ước muốn sâu xa nhất của chúng ta?
Trong những trường hợp như vậy, Chúa Giê-su không tìm được cách nào khác để khơi dây đức tin của chúng ta hơn là thế chỗ của anh mù Ba-ti-mê. Kể từ cuộc Khổ nạn và Phục sinh, Ngài là người ăn xin này:
- Ngài kêu tới chúng ta với hy vọng ngăn chặn dòng người hướng tới địa ngục của một thế giới bất nhân.
- Ngài kêu lên tận đáy lòng nhân loại: “Hỡi con người, xin thương xót tôi!
- Ngài hy vọng một số người trong chúng ta sẽ gọi Ngài và hỏi Ngài: "Ngài muốn chúng tôi làm gì cho Ngài?"
- Ngài sẽ trả lời chúng ta: “Xin anh em nhìn tôi!”.
*Mong anh em khám phá ra khuôn mặt Thiên Chúa của anh em qua khuôn mặt của tất cả những ai cầu xin sự đón tiếp, nâng đỡ, chia sẻ hoặc sự tôn trọng thân phận con người của họ, cho dù họ là tội nhân hay không!
*Mong anh em vui vẻ tin rằng không có gì là không thể đối với Thiên Chúa và tôi mạnh mẽ hơn sự thờ ơ, ích kỷ hay lười biếng của anh em.
*Tôi có thể đưa anh em ra khỏi nhà tù nơi anh em tự nhốt mình.
Tôi chỉ yêu cầu anh em tin rằng, một mình anh em không thể làm gì khác nhưng không có gì là không thể đối với Thiên Chúa cho anh em và nhờ anh em!
Thiên Chúa là người nghèo trong số những người nghèo đang cầu xin tình yêu của chúng ta:
- Ngài cũng là người cầu xin đức tin của chúng ta để chúng ta tin vào tình yêu của Ngài: cũng giống như cha mẹ của đứa trẻ bệnh tật này, khi chúng ta không còn lý do gì để tin vào lòng tốt của Ngài.
- Ngài cầu xin chúng ta hãy tin vào điều không thể: bất chấp mọi bất hạnh xảy đến với chúng ta, Ngài vẫn ở với chúng ta.
- Ngài sẽ không cứu chúng ta khỏi thử thách nhưng Ngài sẽ ban cho chúng ta sức mạnh để vượt qua những thử thách đó theo gương Chúa Giêsu !
- Đối với những người đã vượt qua bóng tối đức tin này, Chúa Giê-su hỏi họ như đã hỏi anh Bar-ti-mê: "Anh em muốn tôi làm gì cho anh em?" "Và họ trả lời Ngài: “Lạy Chúa, chúng con tin Chúa ngay cả khi chúng con không nhìn thấy Chúa”! Và Chúa Giêsu dần dần chữa lành chứng mù của họ….
Linh mục Gioan Đặng Văn Nghĩa ===================
Suy niệm 4
Gặp Được Chúa Sẽ Có Niềm Vui
(Mc 10, 46-52)
Dõi theo hành trình lên Giêrusalem của Chúa Giêsu, với những làm phép lạ Chúa làm, lời Chúa dạy, người môn đệ được dạy về phẩm chất tông đồ. Cùng với các môn đệ Chúa Giêsu tiếp tục hành trình lên về Giêrusalem. Nếu dọc đường có chàng thanh niên đến quỳ gối xin Chúa chỉ cho biết việc phải làm để được sống đời đời (x. Mc 10, 17), thì giữa các môn đệ cũng có sự năn nỉ nài van cho được ngồi ‘bên tả’ hay ‘bên hữu’ Chúa (x. Mc 10, 35-45).
Hôm nay vẫn trong hành trình trước khi vào thành thánh, có chàng thanh niên mù loà con ông Timê tên là Bartimê kêu xin gặp Chúa để được sáng mắt (x. Mc 10, 46-52). Thật lý thú và kỳ diệu biết bao cho những ai khát mong tìm gặp Chúa, họ sẽ rạng rỡ mừng vui, vì có được điều họ tha thiết nài xin.
Chúa là niềm vui của Israel
Khi dân Israel bị bắt đi lưu đày ở Babylon trở về, người trung thành với Chúa chỉ còn là số ít, họ quá yếu đuối, nghèo nàn và dễ bị tổn thương, đến nỗi không có phương tiện trở về, từ phương Bắc không thể tự giải thoát. Họ là những kẻ trở về để xây dựng đất nước: "trong chúng có kẻ đui, người què, kẻ mang thai, người ở cữ". Bàn tay xây dựng lại Israel là những kẻ đui mù, chứ không phải các thanh niên cường tráng! Làm thế nào họ có được khả năng xây dựng lại quốc gia? Thanh niên, người khoẻ mạnh đã bị đế quốc tiêu diệt trong các lao động khổ sai. Họ phải cáng đáng công việc xây dựng lại quê hương.
Trong lúc cùng đường bế tắc như thế Giêrêmia tuyên sấm : Đây Chúa phán: Hỡi Giacóp, hãy hân hoan vui mừng! " (Gr 31, 7). Không thể vui mừng sao được khi mình đang đui mù, què quăt, mang thai nay có được Thiên Chúa toàn năng trợ giúp dẫn dắt trở về: "Đây, Ta sẽ dẫn dắt chúng từ đất bắc trở về, sẽ tụ họp chúng lại từ bờ cõi trái đất: trong bọn chúng sẽ có kẻ đui mù, què quặt, mang thai và sinh con đi chung với nhau, hợp thành một cộng đoàn thật đông quy tụ về đây" (Gr 31, 8). Theo Dianne Bergant: "Phụ nữ mang thai và các bà mẹ tuy yếu ớt, dễ bị tổn thương nhưng cũng là biểu tượng của phong phú và hy vọng. Họ nắm giữ tương lai trong bản thân mình. Khi họ rời bỏ chốn lưu đày về đất hứa, họ mang theo khả năng sinh sản và khởi sự một tương lai mới".
Đúng là người công chính, đạo đức thực thi công bình, bác ái, sống thánh thiện siêu nhiên, mặc cho thế giới này sa đoạ đến đâu, mặc cho gièm pha độc ác của kẻ giả hình, những vẫn khao khát tìm gặp và cậy dựa vào Chúa, người ấy sẽ có được niềm vui lớn lao. Anh mù thành Giêricô, tên là Bartimê trong Tin Mừng hôm nay là một bằng chứng.
Chúa Giêsu là niềm vui của anh Bartimê
Chúng ta chiêm ngắm một anh chàng mù, nghèo khổ, gặp được hạnh phúc thật nhờ Chúa Giêsu. Anh thiếu hai điều: cái nhìn thể lý và khả năng tìm kiếm công ăn việc làm để kiếm sống, nên buộc anh phải đi ăn xin. Anh cần sự giúp đỡ và anh ngồi bên vệ đường lối vào thành Giêricô, nơi có nhiều người qua lại.
May mắn cho anh, một hôm chính Đức Giêsu cùng với các môn đệ và một số người khác đã đi ngang qua đó. Chắc chắn anh mù đã từng nghe nói về Chúa Giêsu, là Đấng đã làm nhiều phép lạ, Đấng ấy đang đến gần anh ta, chớp thời cơ, anh kêu lên : "Hỡi Con vua Davít, xin thương xót tôi!" (Mc 10, 47). Đối với những người đang đi theo Chúa thì tiếng kêu của anh mù thật khó chịu, họ ích kỷ, không chịu thấu hiểu hoàn cảnh của anh. Nhưng lời kêu xin lớn tiếng của anh chứng tỏ anh khao khát gặp Chúa lắm. Lời ấy vang tới tai Chúa và động đến tâm hồn Chúa Giêsu. Người muốn đáp ứng lời van xin của anh mù ăn mày này, nên truyền gọi anh đến đến và chữa lành anh ta.
Lập tức anh mù được đối diện với Con vua Đavít. Giây phút quyết định là sự khát khao gặp gỡ cá nhân, trực tiếp, giữa Chúa với người đang đau khổ. Hai người đối diện nhau: Thiên Chúa với ý muốn chữa lành và con người với ước ao được chữa lành. Hai sự tự do và hai ý chí đều huớng về một điểm. Cuộc đối thoại bắt đầu kẻ hỏi người thưa, "Chúa Giêsu nói với anh: " Anh muốn Ta làm gì cho anh? "Người mù đáp: "Lạy Thầy, xin cho tôi được thấy" Chúa ra lệnh: "Con hãy đi! Ðức Tin con đã cứu chữa con!" (Mc 10,51) Lập tức Chúa Giêsu cho anh thấy, anh hết sức vui mừng và đi theo Chúa.
Chúa là nguồn vui của chúng ta
Niềm vui của Thiên Chúa, niềm vui của con người. Theo Phúc âm kể tiếp như sau: Bước vào ánh sáng, anh mù Bartimê bắt đầu theo Chúa khắp nơi! Ðiều này có nghĩa là anh mù trở thành môn đệ Chúa và theo Người lên Giêrusalem, để cùng với Chúa tham dự vào mầu nhiệm cao cả của ơn cứu rỗi.
Cái nhìn thể lý thật quan trọng, cái nhìn từ bên trong của Thiên Chúa. Thánh Clêmentê Alexandria nói, "Chúng ta hãy chấm dứt việc lơ là sự thật, hãy ra khỏi bóng tối và sự vô minh, như một áng mây, hãy ra khỏi đám mây che lấp chúng ta để chiêm ngưỡng Thiên Chúa thật".
Chúng ta thường hay than phiền và nói rằng, tôi không biết cầu nguyện. Hãy noi gương anh chàng Bartimê mù trong Tin Mừng: Anh không ngần ngại kêu lên cùng Chúa Giêsu tất cả những gì anh ta cần. Phải chăng chúng ta thiếu đức tin? Nếu thiếu, hãy thưa cùng Chúa : "Lạy Chúa, xin ban thêm lòng tin cho chúng con". Phải chăng chúng ta có người thân bằng hay trong gia đình có người bỏ bê việc sống đạo ? Vậy, hãy cầu nguyện như thế này: "Lạy Chúa Giêsu, xin cho họ được nhìn thấy". Liệu đức tin có quan trọng như vậy không? Nếu chúng ta so sánh cái nhìn thế lý, chúng ta sẽ nói gì đây?
Ðức Tin là cuộc hành trình của sự soi sáng: đức tin khởi sự từ thái độ khiêm tốn nhìn nhận mình cần đến ơn cứu rỗi và đạt đến cuộc gặp gỡ cá nhân với Chúa Kitô, Ðấng là nguồn vui và là ơn cứu độ. Tình trạng của anh mù thật là buồn, nhưng nhiều người còn chưa tin vào Chúa còn buồn hơn. Chúng ta hãy nói với họ: Thầy gọi anh và hỏi anh cần gì, Chúa Giêsu sẽ đáp trả bạn cách hào phóng.
Lạy Mẹ Maria, xin dẫn chúng con đến gặp Chúa, để chúng con được no thỏa niềm vui ân tình của Chúa. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ