Thứ sáu, 27/12/2024

Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật 1 Mùa Vọng Năm C

Cập nhật lúc 09:49 25/11/2021
Suy niệm 1
Niềm vui được gặp gỡ Tình Yêu
Lc 21, 25-28. 34-36
Một trái tim Mùa Vọng. Mùa Vọng lại đến. Mùa đợi trông Đấng Cứu Độ. Việc lặp đi lặp lại như vậy như một thói quen. Thói quen này không phải là một sự nhàm chán, nhưng là đánh dấu chặng đường mới để chúng ta ngày càng tin vào Đấng Cứu Độ một cách mạnh mẽ và rõ ràng hơn. Đó là chặng đường mà chúng ta tiếp tục đi cho tới điểm dừng cuối cùng là được gặp gỡ Chúa Giêsu, Đấng Tình Quân một cách hoàn hảo nhất.
Cảnh tượng mà Tin Mừng hôm nay mô tả như là một thảm họa của vũ trụ: làm thay đổi quỹ đạo các vì sao và tạo nên sự hỗn độn nhất đối với nhân loại. Thánh sử Lu-ca không có ý định tuyên bố đó là  hình ảnh ngày tận thế. Ngài sử dụng thể loại văn chương của sách Khải Huyền để nói rằng: sự sụp đổ của Giê-ru-sa-lem sẽ là một bước quyết định trong việc thiết lập Vương quốc Thiên Chúa trên thế giới. Từ sự kiện phá hủy thành Giê-ru-sa-lem, các Kitô hữu tiên khởi rút ra kết luận: sự kết thúc của thành thánh Giê-ru-sa-lem không trùng với sự trở lại cuối cùng của Chúa Kito. Vì thế, sự trở lại của Chúa Kito không dễ thấy trước. Tuy nhiên, người có “một trái tim Mùa Vọng có thể được nhận biết được những dấu chỉ  sự xuất hiện của Ngài.
- Trái tim Mùa Vọng là một trái tim mở ra cho Thiên Chúa, một trái tim tự hiến.
- Trái tim Mùa Vọng là một trái tim đang chuẩn bị xứng đáng đón nhận Đấng Cứu Độ, Đấng mà dân được chọn hằng trông đợi. Chúa Kitô mà tiên tri Giê-rê-mi-a nói tới, là con người mới, là sứ giả của Thiên Chúa sẽ phục hồi công lý, không phải công lý trừng phạt, nhưng là một đặc ân của lòng thương xót, phục hồi phẩm giá mọi người, và canh tân tình hiệp thông với Thiên Chúa là Cha chúng ta.
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta chuẩn bị đón mừng Chúa đến. Chúa Kitô trên mây trời sẽ đến và ngự xuống với quyền năng thần linh của Ngài. Vì thế chúng ta phải cầu nguyện không ngừng. Chỉ người nào có con tim khiêm tốn trước mặt Thiên Chúa và đặt niềm tin vào Ngài, mới có thể đợi chờ Chúa đến mà không sợ gì. Ngoài cầu nguyện, chúng ta còn phải thể hiện việc chờ đợi Chúa đến bằng thái độ và hành động của chúng ta như lời thánh Phaolo nói: “Đã đến lúc, anh em phải thức dậy, vì hiện nay ngày Thiên chúa cứu độ chúng ta đã gần hơn trước kia, khi chúng ta mới tin đạo. Đêm sắp tàn, ngày gần đến. Vậy chúng ta hãy loại bỏ những việc làm đen tối, và cầm lấy vũ khí của sự sáng để chiến đấu. Chúng ta hãy ăn ở cho đúng đắn như người đang sống giữa ban ngày”.
Một trái tim Mùa Vọng là trái tim trở nên như một chiếc nôi. Lời mời gọi của Mùa Vọng chính yếu là: “Khi những biến cố ấy bắt đầu xẩy ra, anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu độ”. Chúng ta hãy mở rộng tâm trí và trái tim chúng ta ra để chào đón Đấng mà muôn dân mong đợi, là Chúa Giêsu. Chúng ta hãy nhìn lên Chúa và sống trong đợi chờ, tỉnh thức trong  cầu nguyện. Vì chưng mọi khoảnh khắc đều mang ơn cứu độ đến cho chúng ta. Phụng vụ cho biết chúng ta đến từ đâu và chúng ta sẽ đi đâu. Khi cử hành bí tích Thánh Tẩy, linh mục hỏi cha mẹ trẻ sơ sinh: “Anh chị xin Hội Thánh Chúa cho em điều gì”? Cha mẹ trẻ sơ sinh trả lời: “Sự sống đời đời”. Như vậy qua bí tích Thánh Tẩy, Giáo Hội nhắc nhớ: đời sống chúng ta như là cuộc vượt qua của dân tộc Israel ra khỏi ách nô lệ của người Ai-cập để được tự do trở về Đất Hứa. Đất hứa chính là nơi chúng ta thực hành tự do tình yêu vô vị lợi đối với Thiên Chúa và quảng đại phục vụ anh chị em chúng ta.
Thiên Chúa làm người và được trao trên tay yếu ớt và con tim chúng ta. Con tim chúng ta lúc đó trở nên như một chiếc nôi.  Nếu chúng ta sống bác ái, mọi khoảnh khắc sớm, trưa chiều và cả đêm tối Thiên Chúa đều đến và ở trong chúng ta. Cuộc gặp gỡ này được ẩn dấu bất cứ ở nơi nào và lúc nào. Vì thế, chúng ta phải tỉnh thức để biết được ý nghĩa của mọi sự việc, của bất kỳ lúc nào. Vì thế,
- Mùa Vọng là thời gianThiên Chúa đến chúc phúc.
- Mùa Vọng  là thời gian đợi chờ, cũng là lúc chúng ta vui mừng vì mỗi lần Chúa Kito đến thì Ngài đều mang ơn cứu độ đến cho chúng ta.
- Mùa vọng thúc đẩy chúng ta hãy sống giây phút hiện tại có tinh thần trách nhiệm và tỉnh thức. Tỉnh thức là điều cần thiết và cấp bách đợi chờ sống động, tích cực và chắc chắn vì chúng ta nương tựa vào Thiên Chúa, Đấng trung thành tuyệt đối.
Mùa Vọng là chính Thiên Chúa đã chờ đợi chúng ta. Mùa Vọng, Giáo Hội yêu cầu chúng ta sống đợi chờ Thiên Chúa đến gặp chúng ta. Phải có một trái tim tinh tuyền mới có thể nhận ra Đấng Vĩnh Cửu, nhập thể và sinh ra là một trẻ thơ nằm trong máng cỏ. Chúng ta lại không hạnh phúc sao được về một Thiên Chúa rất gần gũi, sinh ra ở Be-lem (thành phố của bánh) để trở thành Bánh Sự Sống? Có thể chúng ta sống thờ ơ với Thiên Chúa và coi Thiên Chúa không quan trọng và không cần thiết. Nhưng Thiên Chúa không bỏ chúng ta. Vì tôn trọng tự do, nên Thiên Chúa vẫn đợi chờ chúng ta mở mắt để khám phá ra sự lừa đảo mà ma quỷ bày đặt ra, làm chúng ta mù trước mọi biến cố. Những tạo vật không có linh hồn, như tiền hay bất cứ điều gì, có thể làm chúng ta hạnh phúc được không? Nếu chân thành, chúng ta cảm thấy rằng "Ai đó" đang thiếu trong cuộc sống chúng ta. Không có gì quyến rũ chúng ta hoặc làm chúng ta no thỏa. “ Hư vô, tất cả đều là hư vô”. Chúng ta thực sự cần một Đấng dẫn dắt chúng ta ra khỏi sự hư vô và nghèo khổ của trái đất này. Nhưng chúng ta lại không biết hoặc không muốn sẵn sàng tìm kiếm Ngài.
Mùa Vọng là thời điểm chúng ta nên mở cửa linh hồn để nghe từng bước chân Thiên Chúa đang đến với chúng ta. Đừng kép mình lại, nhưng là hướng về Cha trên trời đang đợi chờ chúng ta, như người cha đầy lòng thương xót hằng ngày đợi chờ đứa con hoang đàng. Ngày đẹp trời là khi đứa con lạc mất trở về, là lễ “Giáng sinh”, bởi vì “con ta đã mất nay sống lại”. Chúng ta hãy sống Mùa Vọng cách chắc chắn vì được Thiên Chúa chờ đợi chúng ta. Ngài chờ đợi chúng ta nơi hang đá Belem, trong phòng tiệc ly, trên đồi Can-vê, trong Giáo hội và trong ngôi nhà của chúng ta. Thái độ đợi chờ của chúng ta không phải là thái độ mơ mộng ngây thơ, vì không dựa vào sức mạnh con người hay một sự may rủi, nhưng là dựa vào Đấng làm chủ Sự sống.
Chờ đợi không phải yên lặng khép mình lại, nhưng là nhìn xung quanh và nhận ra có rất nhiều anh chị em, như chúng ta, là "người ăn xin tình yêu". Vì vậy, chúng ta phải có cái nhìn cao hơn cùng với họ. Cuộc sống hàng ngày có thể đè nặng trái tim, nhưng nếu chúng ta sống nhiệt huyết hướng lên Thiên Chúa và chia sẻ với người thân cận, trái tim chúng ta luôn nhẹ nhàng và thanh thoát.
Linh mục Gioan Đặng Văn Nghĩa
=================
Suy niệm 2
Lc 21, 25 – 28. 34 – 36
Qua bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe, Chúa tiên báo sẽ xảy ra một tai họa khủng khiếp. Cái khủng khiếp ấy được mô tả bằng văn hóa dân dã, đó là: biển động, sóng vỗ; mặt trời mặt trăng biến thành đêm tối mù mịt; tinh tú trên bầu trời rơi rụng lả tả.
Nghe xong, chúng ta cảm thấy lúng túng quá. Có người hiểu rằng tai họa khủng khiếp ấy đã xảy ra rồi. Đó là sự cố đế quốc La mã đã xóa nước Do Thái khỏi bản đồ thế giới vào năm 70. Nổi đau kinh khủng ấy của dân tộc Do Thái tồn tại gần 20 thế kỷ. Phải chờ mãi cho tới năm 1948 Liên Hợp Quốc mới vận động cho người Do Thái được trở về tạm tái lập quốc: tạm lấy Tel-Aviv làm thủ đô và số dân hiện có mặt tại nước Israel chỉ là chừng năm triệu so với năm mươi triệu còn đang sống rải rác trên khắp thế giới.
Cũng có người hiểu rằng tai họa khủng khiếp ấy là ngày tận thế. Khoa học khẳng định rằng phải có tận thế. Tận thế là ngày không còn sự sống trên trái đất này. Đúng thế vì mọi sự sống trên trái đất đều do mặt trời mà ra. Mặt trời nóng 6000 độ C. Nhờ ánh nắng mặt trời mới có hiện tượng diệp lục hóa. Nhờ diệp lục hóa thì lá cây mới xanh. Lá cây xanh mới có hoa và quả. Nhờ diệp lục hóa mới có oxy để thở. Khoa học đoán mò rằng phải vài chục tỉ năm nữa thì mặt trời mới nguội và trái đất mới có tận thế.
Tai họa khủng của dân Do Thái thì đã xảy ra rồi. Tai họa khủng của ngày tận thế thì còn xa vời vợi. Nhưng bài giáo huấn của Chúa thì vẫn còn tồn tại mãi và đặc biệt là bài học ấy phải áp dụng cho mọi người trong mọi hoàn cảnh đau thương. Bài học đó là phải luôn luôn sống tốt; càng gặp khó chừng nào, thì càng phải sống tốt chừng nấy. Việc tốt đúng đắn nhất là bác ái, đặc biệt là yêu thương giúp đỡ người nghèo và người khổ.
Có một điều đáng tiếc là có nhiều người càng gặp khó khăn thì càng sống trác táng: nhậu nhẹt, cờ bạc, xì ke, đĩ điếm. Có một thanh niên dự tòng được cha xứ phỏng vấn: “Nếu Chúa cho con biết ngày mai con sẽ chết, thì hôm nay con sẽ làm gì?” Hắn trả lời vừa thành thật, vừa đơn sơ như trẻ thơ: “Thưa cha, nếu Chúa cho con biết ngày mai con sẽ chết, thì hôm nay con nhậu tới số luôn.” Số người sống như thế, thì không ít đâu. Đáng tiếc vô cùng.
Có một điều đáng suy nghĩ, đó là hiện nay thế giới đang rơi vào đại họa Covid. Đại họa Covid làm cả thế giới điêu đứng. Thế nhưng có một điều đáng mừng, đó là đang bùng vỡ lòng bác ái giữa người với người, giữa các quốc gia giàu và nghèo.
Tại Việt Nam đã có nhiều đại gia, nhiều nghệ sĩ vừa moi túi của mình, vừa móc túi của những người thiện tâm để lấy quỹ nhiều tỉ mà giúp các nạn nhân nhiễm Covid. Có biết bao công chức, biết bao chuyên viên của bệnh viện bỏ công tác tại địa phương, để liều mạng đến cứu các bệnh nhân bị nhiễm Covid.
Mong rằng số người thiện nguyện trong đại họa càng ngày càng gia tăng để Lời Chúa được thực hiện và đem lại hạnh phúc cho từng người, từng tập thể và cho toàn thế giới.
Linh mục Piô Ngô Phúc Hậu
=================
Suy niệm 3
‘THỨC’ NHƯNG KHÔNG ‘TỈNH’, ‘CẦU’ NHƯNG CHƯA ‘NGUYỆN’

Cứ vào dịp Mùa Vọng, ai ai trong chúng ta đều thuộc nằm lòng câu Kinh Thánh: “hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn” (Lc 21, 36). Và câu này nhắc nhở chúng ta nhớ tới tinh thần của Mùa Vọng, mùa hồng ân ‘sửa lại đời sống’, ‘sửa lại cách sống’, ‘canh tân đức tin’, là mùa trông mùa đợi, dọn lòng sẵn sàng chờ đón ngày Chúa quang lâm.
Mặc dù vậy, nhưng không ít người trong chúng ta vẫn chỉ nghĩ đơn giản: Mùa Vọng là mùa chuẩn bị hang đá, trang trí cây Giáng sinh, mua thiệp tặng quà, dự các buổi hát thánh ca, tiệc tùng, và tham dự Thánh lễ đêm Giáng sinh. Nếu chúng chỉ dừng lại tại những điểm này, mà quên đi cốt lõi của tinh thần Mùa Vọng, thì thật tiếc cho chúng ta; vì lẽ, những người không Công Giáo, những người cho mình vô thần, không theo đạo nào, cũng nghĩ và làm như thế mà!
Vì vậy, hôm nay Giáo hội mời gọi con cái của mình gạt bỏ mọi e dè, sợ hãi, lối nghĩ thiển cận hạn hẹp trên mà dốc tâm bước vào tâm tình sâu sắc của Mùa Vọng, đó là: Tỉnh thức và cầu nguyện không ngừng. Các bài đọc Phụng vụ hôm nay đều hướng chúng ta đến điều đó. Qua ngôn sứ Giê-rê-mi-a, Thiên Chúa đã hứa ban Đấng Cứu Độ cho dân Is-ra-el. Ngài xuất thân từ dòng dõi Đa-vít, thuộc gia tộc Giu-đa: “Trong những ngày đó và trong thời gian đó, Ta sẽ làm nảy sinh cho Đa-vít một chi công chính, Ngài sẽ xét xử và thi hành công lý trong xứ sở” (Gr 33, 15), và Ngài chính là “Thiên Chúa, Đấng Công Chính…” (x. Gr 33, 16).
Lời hứa trung tín này đã được thực hiện trọn vẹn nơi Đức Giê-su Ki-tô qua mầu nhiệm Nhập Thể. Vốn dĩ là Thiên Chúa, nhưng Ngài đã xuống thế, đi vào thế giới của con người, và mặc lấy xác phàm và ‘ở giữa chúng ta’. Tuy thời gian tại thế ngắn ngủi, nhưng Ngài đã hoàn tất sứ vụ rao giảng Nước Trời, trao lại sứ mệnh hệ trọng này cho các Tông đồ, và trước khi lên trời, Ngài đã căn dặn mọi điều, hứa ban Đấng Bầu Cử khác (Chúa Thánh Linh) xuống trên họ, để nâng đỡ họ thực thi sứ vụ rao giảng Tin Mừng cho đến ngày tận thế. Vì lẽ đó, Mùa Vọng không phải là thời khắc trông chờ lễ Giáng Sinh nữa, mà là thời cơ dọn lòng, chuẩn bị sẵn sàng đón Chúa đến trong ngày Quang lâm. Nói thế không phải để hạ thấp hay bỏ qua lễ Giáng Sinh, mà đúng hơn, đây còn là dịp giúp chúng ta chiêm ngắm Con Chúa đã khiêm hạ giáng sinh trong đêm lạnh giá băng, mặc lấy xác phàm, trở nên nghèo khó,…ngõ hầu cho chúng ta nhận ra tình yêu sâu thẳm của Thiên Chúa dành cho nhân loại. Một tình mến vô bờ bến, vô điều kiện, trao ban nhưng không cho con người, nâng đỡ chúng ta cảm nghiệm - đón nhận  và trở nên người biết cảm thông, nhân hậu, khoan dung, thương xót…như Ngài.
Thế nên, khi bước vào chặng đường dọn lòng, sửa lối, thay đổi mình, hầu sẵn sàng khi Chúa đến trong vinh quang, thì chúng ta không chỉ dừng lại vẻ tráng lệ đèn hoa rực rỡ bên ngoài, không chỉ dừng lại ở tiệc tùng, những dự định phù phiếm chóng qua với nhiều đam mê, thú vui, khoái lạc của trần thế này; hơn hết, chúng ta nên mặc lấy tinh thần “tỉnh thức và cầu nguyện luôn” như Thánh Phao-lô Tông đồ đã khuyên răn, căn dặn giáo đoàn Thes-sa-lô-ni-ca để tâm đến việc gia tăng lòng mến với nhau, đồng hành cùng thăng tiến trong đời sống đạo: “…xin Chúa gia tăng và ban cho anh em tràn đầy lòng thương yêu nhau, và thương yêu mọi người…để lòng anh em được bền vững trên đường thánh thiện, không có gì đáng trách trước mặt Thiên Chúa…” (x. 1Tx 3, 12-13). Thánh nhân chỉ dẫn các tín hữu và chúng ta phải “biết sống thế nào cho đẹp lòng Chúa, …xin anh em cứ tiến bước thêm nữa” (x. 1Tx 4, 1). Vậy, chúng ta nên ‘tỉnh thức’ trước đam mê, trước những gì mà khiến chúng ta xa lìa huấn dụ trên. Chúng ta nên ‘thức tỉnh’ với mọi tư tưởng, ý nghĩ, lời nói, hành động gây tôn thương, ảnh hưởng đến đức bác ái, khiến đức cậy nhạt nhoà, và làm đức tin phai mờ, lạnh tanh. Chúng ta nên ‘thức tỉnh’ thoát khỏi biết bao cơn mê dài đăng đẳng trong bóng đêm tội lỗi, trong giận hờn, ghét ghen, lề thói xấu xa. Cùng với tinh thần ‘tỉnh thức’ ấy, chúng ta không ngừng cầu nguyện. Cầu nguyện thật sự giúp chúng ta luôn ‘tỉnh thức’ trước mọi việc, mọi điều khiến chúng ta xa rời Chúa.
Tuy nhiên, thực tế cho ta biết một sự thật phũ phàng, đó là: nhiều người trong chúng ta ‘tỉnh’ nhưng không ‘thức’, và ‘cầu’ nhưng chưa ‘nguyện’. Chúng ta tỉnh táo nhận biết, phân định đó, nhưng lại không dám ‘thức tỉnh’ để rời bỏ những gì trái ngược với giáo huấn, với đời sống đức tin. Chúng ta tỉnh táo nhận thức phải-trái, thiện-ác, lành-dữ, nhưng lại không mảy may bước ra, cắt bỏ nhưng điều trái nghịch, ác ý, hung tợn như trong cách đối xử với nhau nơi cộng đoàn, trong cách cộng tác phục vụ-làm việc chung, trong các mối tương quan giữa anh chị em, giữa hội đoàn, giữa cộng đoàn, giữa giáo xứ…Chúng ta tỉnh táo với mọi lời nói gây tổn thương, gây chia rẽ, xích mích, thói quen đồn thổi, dựng chuyện, khích bác, hiềm tị, ganh ghét, ‘dìm hàng’ anh chị em, nhưng lại không dám ‘thức tỉnh’ buông bỏ, thay đổi, hoán cải. Hơn nữa, rất nhiều người trong chúng ta ‘cầu xin’, nhưng chưa ‘nguyện gẫm’ lời kinh như thể ‘miệng đọc, nhưng lòng chẳng gẫm suy’. Vì thế, chúng ta chưa lãnh nhận được ơn Chúa ban, không nhận ra ơn thánh, chưa biến đổi đời mình. Chúng ta đọc kinh, cầu kinh, cầu xin, nài van…rất nhiều, nhưng chưa ‘nguyện ngẫm’ sống theo lời kinh diễn tả, chưa để lời nguyện cầu hoán cải tâm hồn, chưa để Chúa đi vào cuộc sống mình, chưa sống và thực hành theo lời cầu, hay kinh nguyện. Như thế, chúng ta sẽ khó bề giữ mình khỏi mọi sự lo lắng trần đời, tâm trí nặng nề, và làm sao ‘đứng vững trước mặt Con Người’ (x. Lc 21, 36) được! Thật vậy, chỉ có ‘tỉnh thức và cầu nguyện không ngừng’ đúng nghĩa mới giúp chúng ta “đứng dậy và ngẩng đầu lên” khi “Con Người hiện đến đầy quyền năng và uy nghi cao cả” (x. Lc 21, 27-28), để có thể “đứng vững trước thiên nhan Chúa” (x. Lc 21, 36) mà thôi.
Mùa Vọng đã khởi sự
Màu tím đầy ưu tư
Lòng con trông chờ Chúa
Dọn đường nẻo bấy lâu.
Đời con lắm u sầu
Bao thế sự lo âu
Khai mở lòng đón Chúa
Tỉnh thức và nguyện cầu. Amen!

Lm. Xuân Hy Vọng

=================
Suy niệm 4
Tỉnh táo đề phòng

Lc 21, 25-28. 34-36

Sống cho ra người là điều rất khó.
Trong các sinh vật Thiên Chúa dựng nên trên mặt đất, con người là thụ tạo thượng đẳng, ưu tú, thông minh, tuyệt vời nhất. Tuy nhiên, con người là loài thụ tạo phải đối mặt với nhiều cạm bẫy nhất.
Vô vàn cạm bẫy giương ra với nhiều mồi ngon cuốn hút và nhiều bả độc hấp dẫn như lạc thú, danh vọng, tiền tài, sắc dục, ham muốn xấu xa đê hèn… ngày đêm cám dỗ, lôi cuốn con người vào chỗ chết.
Tự thâm tâm, con người cảm thấy mình được mời gọi vươn lên, vượt lên thú tính để sống cho ra người, sống cao đẹp, tốt lành, thánh thiện, đạo đức… nhưng đồng thời có rất nhiều ma lực xô đẩy con người xuống vực, cố dìm con người xuống bùn đen.
Thân phận con người như chiếc thuyền nan bơi ngược dòng nước xiết, phải luôn kiên vững tay lái tay chèo, vượt qua bao nhiêu ghềnh đá để tiến lên đầu nguồn; bao giờ buông lái, buông chèo thì thuyền bị xô dạt và chìm đắm.
Vì thế, lắm người phải rơi vào vực sâu tội lỗi, không ít người đã chìm đắm trong bùn lầy xấu xa. Tránh xa cạm bẫy để sống cho ra người là điều rất khó.
Cá dễ ươn, thây ma mau thối, con người dễ hư!
Một thực tế đau lòng là so với các đồ vật khác, con người dễ bị hư hỏng suy sụp hơn nhiều. Một ngôi nhà xây dựng sơ sài cũng có thể đứng vững trước giông tố và tồn tại đến cả chục năm. Con thuyền mong manh cũng thách thức được với sóng gió nhiều năm tháng dài. Cái bàn, cái tủ được sử dụng cả vài chục năm vẫn còn tốt... Trong khi con người, tuy là thụ tạo thượng đẳng nhưng rất mỏng giòn yếu đuối, dễ thối dễ hư!
Hằng ngày, các phương tiện truyền thông thuật lại vô số cảnh đời sa đoạ dưới nhiều hình thức: người thì suy sụp vì ma tuý, người thì sa đoạ vì gian dâm, vì men rượu, vì lợi, vì tiền, vì nhiều hình thức đồi truỵ khác...
Mọi lứa tuổi, mọi thành phần, ngay cả một số người có địa vị cao trong xã hội cũng như chức sắc trong các tôn giáo, vì thiếu tỉnh thức nên cũng bị sa ngã, bị lún sâu xuống bùn.
Người ta thường nói: “Khôn ba năm, dại một giờ”, nhưng có khi khôn đến năm mươi, bảy mươi năm rồi cũng hoá dại trong một giờ!
Cá dễ ươn, thây ma mau thối, con người dễ hư. Đáng sợ thay!
Tỉnh táo đề phòng
Chính vì thế, Chúa Giê-su thường nhắc bảo chúng ta: “Hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn!... Hãy đề phòng, chớ để lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng sự đời, kẻo ngày ấy như một chiếc lưới bất thần chụp xuống đầu anh em…”  (Lc 21,34). Còn thánh Phao-lô thì cảnh báo: “Những ai tưởng mình đang đứng vững, thì hãy coi chừng kẻo ngã” trong nay mai (I Cr 10,12).
Vì cạm bẫy giăng đầy khắp nơi và lòng người yếu đuối, nên lời nhắn nhủ của Chúa Giê-su: “Hãy đề phòng… Hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn…” là một tiếng chuông cảnh tỉnh luôn luôn cần.
Lạy Chúa Giê-su,
Xin cho chúng con thấy rõ thân phận giòn mỏng, yếu đuối của mình và nhận ra rất nhiều cạm bẫy nguy hại đang vây bủa khắp nơi, để luôn tỉnh táo, đề phòng; nhờ đó, chúng con sống xứng đáng là người con Chúa và không đánh mất phẩm chất cao đẹp của mình. Amen.

Linh mục Inhaxiô Trần Ngà

=================
Suy niệm 5
NGÀY CHÚA ĐẾN

Trong ngày đầu xuân, đầu năm mới người ta chúc nhau phúc lộc thọ khang an. Ai cũng  muốn khởi đầu tốt đẹp và may lành. Thật ngạc nhiên khi ngày đầu năm phụng vụ, Lời Chúa lại đề cập đến ngày cuối cuộc đời, ngày chứa chan hy vọng lại tiềm ẩn nỗi truân chuyên. Thời điểm cuối cùng, không phải của một năm, nhưng là của mọi sự. Như thế, điểm tận cùng sẽ trở thành niềm hân hoan, trở thành thời điểm cứu chuộc. Mùa Vọng hướng lòng chúng ta về ngày Chúa đến trong vinh quang bất diệt. Để hướng về thời điểm này, chúng ta được mời gọi sống như người thuộc về Đức Kitô ngay hôm nay.
Có người nghĩ rằng, trong Mùa Vọng phụng vụ phải đọc những bài sách Thánh báo tin Đấng Cứu Thế sẽ sinh ra. Thế nhưng, những bài sách Thánh và đặc biệt bài Tin Mừng Chúa Nhật I lại báo tin Chúa sẽ đến trong ngày phán xét. Giáo Hội muốn cho chúng ta hiểu ý nghĩa thần học của việc chờ mong Chúa đến.
Bài đọc 1 trích sách Giêrêmia, khơi lên niềm trông đợi; bài đọc 2 thư thánh Phaolô chỉ dẫn một cách cụ thể hơn những thái độ sống đạo chân thực trong Mùa Vọng.
Bài Tin Mừng nằm trong phần diễn từ cánh chung luận của Đức Giêsu. Diễn từ này nói về những sự việc sẽ xảy đến vào những ngày cuối cùng của thế giới dựa trên lời tiên báo về Thành Thánh Giêrusalem sẽ bị sụp đổ và Đền Thờ sẽ bị tàn phá. Đây là như một tai hoạ mang tính biểu tượng cho sự sụp đổ của thế giới này trong ngày tận thế hầu cảnh tỉnh người môn đệ phải tỉnh thức và sẵn sàng.Như thế, ngày tận thế đối với người Kitô hữu lại trở thành ngày đáng mong đợi nhưng cũng đầy yếu tố bất ngờ “như một chiếc lưới bất thần chụp xuống đầu anh em”. Do đó, người ta không thể chờ đợi ngày đó cách thụ động mà phải có thái độ sẵn sàng qua việc tỉnh thức và cầu nguyện luôn. Tỉnh thức là “chớ để lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng sự đời”. Nhờ đó “họ có thể đứng vững trước mặt Con Người” trong ngày cánh chung.
Hàng năm vào Mùa Vọng, Giáo Hội mời gọi con cái mình chuẩn bị tâm hồn để đón Chúa đến. Thực ra, Chúa đã đến rồi khi giáng sinh tại hang đá Bêlem cách nay hơn hai ngàn năm. Tuy nhiên chúng ta vẫn luôn chờ mong vì Chúa đến hằng ngày và nhất là Chúa sẽ đến trong ngày phán xét. Giáo Hội mời chúng ta hãy hướng nhìn về ngày Ðức Giêsu Kitô sẽ đến trong vinh quang để vĩnh viễn thiết lập Trời Mới Ðất Mới cho loài người. 
Mùa Vọng nhắc nhớ lần đến đầu tiên của Chúa Cứu Thế,và chuẩn bị lần đến cuối cùng của Ngài. Giữa hai lần ấy, có biết bao lần Ngài bất ngờ đến. Vì thế chúng ta phải tỉnh thức và cầu nguyện luôn.
Chúa Giêsu nói đến tư thế của người tỉnh thức là luôn: “đứng thẳng và ngẩng đầu lên”. Đây là tư thế của tâm hồn con người. Chúa cũng nói đến thái độ sống của người tỉnh thức là không để “lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng sự đời”, không quá mê mẩn những đam mê hưởng thụ, không quá mê say danh lợi thú.
- “Đứng thẳng: đây là động thái hiên ngang dũng cảm vượt trên mọi đam mê tội lỗi. Đứng thẳng mới khỏi sa chước cám dỗ và những lôi cuốn mời mọc hấp dẫn trong cuộc đời.Sống công chính ngay thẳng trước mặt Chúa và trước mặt người đời.
- “Ngẩng đầu lên: đây là động thái hướng thượng, vươn mình lên tới những giá trị cao cả. Luôn tìm kiếm những điều thuộc về Thiên Chúa.
- “Không chè chén say sưa”, là đừng quá đam mê những hưởng thụ đời này.
- “Không lo lắng sự đời”, là không quá mê say danh, lợi, thú. Biết chuẩn bị cho đời sau bằng cách vươn tâm hồn lên những chân trời cao thượng. Sống ở đời này nhưng tâm hồn đã hướng về những giá trị tinh thần vĩnh cửu đời sau.
Để trở nên người “đứng thẳng” và “ngẩng cao đầu” với niềm vui sướng và tràn đầy hy vọng khi Chúa ngự đến, chúng ta phải luôn sẵn sàng và sống tỉnh thức. Là luôn “đứng thẳng” trong một nếp sống chân thành, tốt lành và thánh thiện, luôn “ngẩng đầu” hướng về Quê Hương Thiên Quốc, nơi Đức Kitô đang ngự bên hữu Thiên Chúa Cha.
Người Kitô hữu chờ đợi Chúa đến trong vinh quang ngày quang lâm và chờ đợi Chúa đến trong giờ sau hết đời mình. Vì thế, người Kitô hữu sống cuộc đời hiện tại một cách rất nghiêm chỉnh, họ cố gắng làm phận sự ở đời thật tích cực vì biết rằng đó là Thánh ý của Chúa và vì biết rằng hạnh phúc đời đời của mình đang được chuẩn bị ngay từ bây giờ. 
Tỉnh thức để nhận ra mưu mô của ma quỷ, tỉnh thức trước những lôi cuốn của thế gian, tỉnh thức trước những yếu đuối của con người xác thịt.Chúng ta đang sống trong một xã hội có quá nhiều cám dỗ. Một xã hội đầy dẫy các tệ nạn, có nhiều lối sống buông thả. Đó là môi trường là cơ hội thuận tiện cho ma quỷ ẩn núp và tấn công. Cám dỗ ngày càng nhiều và ngày càng tinh vi dưới muôn hình dáng vẻ. Vì thế, lời dặn dò của Chúa Giêsu ngày càng khẩn thiết: “Hãy tỉnh thức và cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ”. Cơn cám dỗ độc hại nhất mà con người cần phải luôn tỉnh thức canh phòng và trường kỳ chiến đấu bằng mọi cách, chính là lòng ích kỷ, quan niệm sống hẹp hòi, thiển cận của chính mình, chỉ biết có mình mà quên kẻ khác, chỉ biết thu vén lợi ích cho riêng mình mà quên quyền lợi kẻ khác.
Tại các ngã ba ngã tư của đường phố đều có đèn đỏ đèn xanh rõ ràng, nhắc hướng cần đi vào và cấm vượt ranh giới. Trong lương tâm, chúng ta không thấy rõ hệ thống đèn đỏ đèn xanh. Mình phải tự phán đoán, chọn lựa và phân định. Không tỉnh thức là đôi khi mình tự cho phép mình vượt đèn đỏ vô hình, và cũng không đi theo hướng đèn xanh chỉ dẫn. Vài lần thấy quen. Rồi thấy xung quanh vô số người cũng làm như vậy. Thế là thành thói quen phạm lỗi trên hành trình cuộc đời.
Tỉnh thức là thái độ của một gia nhân trung thành. Tỉnh thức và đợi chờ với niềm hy vọng là chủ sẽ trở về. 
Tỉnh thức là tâm trạng của một con người luôn bình an, thư thái. Thái độ sống này giúp người Kitô hữu luôn làm cho mọi công việc hàng ngày trở thành lời nguyện tạ ơn chân thành. 
Người tỉnh thức là người luôn cố gắng và nhiệt thành, biết thực thi những gì là chân thật, ngay chính và đáng quý chuộng.
Người tỉnh thức sống ở đời này nhưng tâm hồn đã hướng về những giá trị tinh thần vĩnh cửu đời sau. Thời gian hiện tại là thời gian quyết định đối với số phận đời đời của con người. Mỗi giây phút qua đi là không bao giờ trở lại. Thời giờ Chúa cho ta sống ở trần gian là vô cùng quý báu, đây là lúc gieo mầm cho đời vĩnh cửu. 
Ngày Chúa đến sẽ khủng khiếp hoặc vui mừng là tùy cách sống hiện tại của mỗi người. Mọi hành động, mọi tư tưởng đều được phơi bày ra trước ánh sáng của công lý, không ai có thể che dấu một chi tiết nào.
Ngày Chúa đến trong vinh quang để xét xử muôn dân sẽ là ngày cứu độ cho những ai tỉnh thức và chuẩn bị sẵn sàng, nhưng sẽ là ngày kinh hoàng cho những ai đang mê ngủ trong đam mê tội lỗi.
Để tỉnh thức và cầu nguyện, chúng ta cần sống theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần và ánh sáng soi dẫn của Lời Chúa.
Sau khi chịu phép Rửa Tội để trở nên một Kitô hữu, chúng ta dấn thân vào đời với nhiều thử thách của niềm tin, phải chịu nhiều cám dỗ của phận người lữ thứ. Nếu chúng ta tin rằng “Thiên Chúa đã tuôn đổ đầy tràn ơn Thánh Thần xuống trên chúng ta, nhờ Đức Giêsu Kitô, Đấng cứu độ chúng ta” (Tt 3,6) thì hãy vững tâm và tin tưởng tuyệt đối vào quyền năng của Chúa Thánh Thần. Ngài sẽ không bao giờ xa rời chúng ta đâu! Điều quan trọng là chúng ta có thành tâm để cầu xin và nhờ cậy Ngài, hay là không thôi!
Hãy tin tưởng và trông cậy vào Chúa Thánh Thần. Bảy hồng ân của Chúa Thánh Thần luôn trao ban cho người: ơn khôn ngoan, ơn hiểu biết, ơn nhận thức, ơn chỉ bảo, ơn dũng mạnh, ơn thánh thiện và ơn kính sợ Thiên Chúa. Hãy mở rộng tâm hồn đón nhận ơn Chúa Thánh Thần và hăng hái cộng tác với chương trình của Ngài, nhờ đó “Hoa trái của Thần Thần là bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ” (Gl 5,22-23) sẽ tràn đầy trong tâm hồn và đời sống của chúng ta.
Việc gặp gỡ Chúa Thánh Thần rất dễ dàng. Chỉ cần hồi tâm lại, ý thức Ngài đang hiện diện ngay trong bản thân mình, và muốn được tan hòa vào trong Ngài. Chúa Thánh Thần sẽ mở tung cánh cửa ích kỷ. Ngài sẽ phá tan cánh cửa hẹp hòi. Ngài sẽ ban thêm sức mạnh. Ngài sẽ quét sạch mọi lớp bụi bặm rêu phong. Ngài sẽ đổ tràn vào hồn chúng ta nguồn sống mới giúp chúng ta chiến thắng mọi cám dỗ và hăng hái lên đường.
Lạy Chúa Giêsu, chúng con đang khao khát đợi chờ ngày Chúa quang lâm; xin nhận lời nài xin của chúng con và giúp chúng con luôn tỉnh thức cầu nguyện, giữ vững đức tin cùng niềm hy vọng cho tới ngày Chúa ngự đến. Amen

Lm Giuse Nguyễn Hữu An

=================
Suy niệm 6
SỐNG MÙA VỌNG

(Lc 21, 34-36)

Chúng ta bước vào Mùa Vọng, hay còn gọi là mùa Ad. Mùa Vọng, nguyên nghĩa tiếng Latin là Adventus, (có nghĩa là đến, quang lâm). Thời thánh Giáo hoàng Grêgôriô I, thời gian chuẩn bị đón chờ Chúa đến trước lễ Giáng Sinh kéo dài bốn tuần được gọi là Mùa Vọng.
Hỏi : Chúa đã đến chưa ? Chúng ta phải khẳng định với nhau rằng : Chúa đã đến rồi. Vậy chúng ta còn mong chờ Chúa nào nữa?
Mùa Vọng Giáo hội đang sống là sống với hai chiều kích : một là tưởng niệm biến cố Nhập thể làm người của Đức Giêsu Con Thiên Chúa, sinh bởi Ðức Maria Đồng Trinh ; hai là chờ đợi Chúa trở lại trong vinh quang để “phán xét kẻ sống và người chết”, như chúng ta vẫn đọc trong kinh Tin Kính. Đó là lý do các từ “chờ đợi” được người ta nhắc nhiều đến trong Mùa Vọng. Các lễ nghi cử hành Phụng vụ trong Mùa Vọng, từ màu sắc, các bài đọc, các bài thánh ca đều diễn tả niềm hy vọng với lời cầu xin tha thiết : « Maranatha – Ngài ơi hãy đến, Ngài đến mau đi », và hơn thế nữa dân Do Thái kêu van: « Xin Ngài xé tầng trời mà ngự xuống ».
Vì sống cả hai chiều kích, nên người kitô hữu phải mặc tâm tình của dân Cựu Ước và của chính mình ngày hôm nay.
Mùa Vọng trong Kinh Thánh
Phụng vụ Lời Chúa trong Mùa Vọng làm chúng ta nhớ lại sự mong chờ Đấng Cứu Thế đến của Dân Do Thái, Đấng mà ngôn sứ đã loan báo : “Từ gốc tổ Giêsê, sẽ đâm ra một nhánh nhỏ, từ cội rễ ấy, sẽ mọc lên một mầm non...” (x.Is 11, 1-10).
Các bài đọc Cựu Ước trưng dẫn sách các ngôn sứ, nhắc lại lời hứa ban Đấng Cứu Thế và việc dân Do Thái chuẩn bị đón nhận ơn cứu độ.
Các bài đọc Thánh Thư cho thấy lời các ngôn sứ ấy được ứng nghiệm trong Đức Giêsu, và nhấn mạnh đến chiều kích trông đợi Đấng Cứu Thế đến lần thứ hai.
Các bài đọc Tin Mừng đề cập đến các chủ đề “tỉnh thức”, nhất là lời rao giảng chuẩn bị đón Đấng Cứu Thế qua lời của Gioan Tẩy Giả, cụ thể lời kêu gọi: “Hãy dọn đường đón Chúa, quanh co uốn cho ngay, gồ ghề san cho phẳng, hố sâu lấp cho đầy, nơi cao phải bạt xuống”. Các bài Tin Mừng Chúa nhật thứ tư các năm ABC, trích dẫn sự kiện truyền tin cho Đức Maria, thánh Giuse hay cuộc thăm viếng của Đức Maria. 
Lời thiên thần Gabriel cho biết Đức Maria cưu mang và sinh hạ Đấng Cứu Thế: Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu…” (x.Lc 1, 26-38).
Gioan Tẩy Giả, con trai của Êlisabét và là anh em họ với Chúa Giêsu, xuất hiện trước để loan báo việc Con Thiên Chúa đến, kêu gọi mọi người hoán cải và rao giảng rằng: “Có Ðấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người. Tôi đã làm phép rửa cho anh em nhờ nước; còn Người, Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần” (Mc 1, 1.8 và Ga 1, 19.28)

Như thế, những việc cử hành thánh trong Mùa Vọng nhắc nhở chúng ta hoán cải nội tâm, canh tân niềm tin, vững tin vào tương lai và trở lên men giữa lòng thế giới.
Mùa Vọng 
Trong lịch phụng vụ Công Giáo, Mùa Vọng kéo dài bốn tuần và mỗi tuần có tên gọi truyền thống đặc thù của nó, gồm những lời đầu tiên của bài thánh ca mở đầu:
- Chúa nhật I Mùa Vọng : Ad Te levavi... (= Con nâng tâm hồn con lên tới Chúa, lạy Chúa…)
- Chúa nhật II Mùa Vọng : Populus Sion... (Này hỡi Dân Sion…)
- Chúa nhật III Mùa Vọng : Gaudete... (= Anh em hãy vui lên trong niềm vui của Chúa…)
- Chủ nhật IV Mùa Vọng : Rorate... (= Trời cao, hãy đổ sương xuống, và làm mưa Đấng Công Chính...)
Đức Giêsu dạy chúng ta sống Mùa Vọng
Đức Giêsu đã đến rồi, nên chiều kích thứ nhất của Mùa Vọng nhắc lại cho chúng ta việc Chúa đến lần thứ nhất, và tỉnh thức sẵn sàng đón Chúa tái lâm là chiều kích thứ hai: “Vì giờ cứu rỗi các con đã đến gần” (x. Lc 21, 25-28, 34-36).
Sẽ có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao; dưới đất, các dân tộc buồn sầu lo lắng, vì  biển gầm sóng vỗ. Người ta sợ hãi kinh hồn chờ đợi những gì sẽ xảy đến trong vũ trụ, vì các tầng trời sẽ rung chuyển. Lúc đó, người ta sẽ thấy trên đám mây, Con Người hiện đến đầy quyền năng và uy nghi cao cả. Khi những điều đó bắt đầu xảy đến, các con hãy đứng dậy và ngẩng đầu lên, vì giờ cứu rỗi các con đã gần đến” (Lc 21, 25-28). Đó là những dấu hiệu báo trước ngày Chúa tái lâm.
Thế giới nói chung đã, đang và sẽ còn trải qua những ngày chết chóc kinh hoàng với đại dịch Covid-19 lây lan phủ kín phần lớn địa cầu khiến mấy triệu người chết, con số vẫn chưa dừng. Người ta thấy nhiều cảnh thật bi ai trên các phương tiện truyền thông. Có người đã chết cô đơn không có người thân tại bệnh viện cũng như tại nhà thờ và nghĩa trang, thậm chí chết không còn đất để chôn, không còn củi để thiêu, khiến người còn sống không khỏi đau lòng. Vì lệnh cách ly tại chỗ để ngăn chặn sự lây lan của virus không cho phép các thành viên gia đình đến chăm sóc người thân đang bị nhiễm bệnh, chết không thể an táng.
Người bệnh mất đi để lại bao người già không nơi nương tựa, trẻ em mồ côi cút quắt, đến các bác sĩ, y tá, nhân viên y tế, tình nguyện viên, những người ở tuyến đầu trong tình trạng khẩn cấp chống dịch, một số bị sang chấn tâm lý vì không cứu được người. Trong tình cảnh bi thương hiện nay, khi toàn thế giới chìm trong khổ đau và lo lắng, đất thấm lệ rơi, phải chăng giờ cữu rỗi đã gần đến?
Lời Chúa Giêsu khuyên chúng ta vẫn còn cấp bách  : “Các con hãy giữ mình, kẻo lòng các con ra nặng nề, vì chè chén say sưa và lo lắng việc đời, mà ngày đó thình lình đến với các con, như chiếc lưới chụp xuống mọi người sống trên mặt đất. Vậy các con hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, để có thể thoát khỏi những việc sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người!” (Lc 21, 34-36).
Thế giới đã kiệt quệ bởi đại dịch vẫn đang tiếp diễn này đòi hỏi mỗi người chúng ta phải cảnh giác và có trách nhiệm. Đức Phanxicô nói: Người Kitô hữu được khích lệ mở các cửa của mình để cùng Chúa Cứu Thế giáng sinh đi gặp gỡ những ai đang đi trên đường. Sách Khải Huyền viết: “Ta đứng ngoài cửa và gõ”. Chúa gõ cửa lòng chúng ta: “Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa chiều với người ấy và người ấy sẽ dùng bữa với Ta” (Kh 3,20). Chúa đang chờ đợi chúng ta mở cửa để bước vào đem theo phúc lành cũng như tình thương của Chúa đến cho chúng ta.
Lạy Mẹ từ ái, xin dắt chúng con bước theo Chúa trong hy vọng mọi nơi mọi lúc.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

=================
Suy niệm 7
TỈNH THỨC VÀ CẦU NGUYỆN

Gr 33,14-16; 1Tx 3,12-4,2; Lc 21,25-28.34-36

Có anh kia vì chè chén say xỉn tối ngày, nên lúc nào tâm thần cũng “lơ tơ mơ” không biết đàng nào mà lần, nói toàn chuyện vu vơ không đâu. Lần kia trước thánh lễ, anh khoanh tay từ cuối nhà thờ đi lên, có vẻ trịnh trọng ngồi vào hàng ghế đầu tiên. Vợ con anh ngồi dưới mà lo cháy ruột, chỉ sợ lỡ anh tiến lên bục giảng, tự… “làm cha” nói lung tung đang giờ lễ, thì vợ con không biết chui vào đâu, vì quá xấu hổ với “thế giới ảo” của anh.
Trong Tin Mừng hôm nay, để kết thúc bài giảng về ngày sau hết, Đức Giêsu cảnh báo thái độ sống buông thả theo cám dỗ thế trần: “Vậy anh em phải đề phòng, chớ để lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng sự đời” (Lc 21,34a). Chè chén say sưa làm cho lòng người ra nặng nề, không còn biết lo lắng cho sự gì sắp xảy đến nữa. Người nghiện rượu thì sẽ mất khôn hóa dại, còn thức mà nói năng hành động như thể người ngủ mê. Đó là chuyện thực tại của thế trần. Nhưng chuyện “chè chén say sưa” Đức Giêsu nói ở đây còn là những cõi lòng đang mê mải say sưa tiền bạc, lợi danh lạc thú, sa đọa trong vũng bùn tội lỗi, lòng còn chất chứa oán hận hờn căm, không đội trời chung với “kẻ thù” nào đó, sống buông thả như không hề có Chúa…
“kẻo Ngày ấy như một chiếc lưới bất thần chụp xuống đầu anh em” (Lc 21,34b). Đàn chim đang mải mê ăn lúa, một chiếc lưới bất thần chụp xuống, cả đàn bị mắc lưới không thoát được vì lưới chụp xuống bất thình lình. Người ta đang mải mê ăn uống chơi bời, lo lắng sự đời mà ngày ấy bất thần chụp xuống trên mặt đất thì làm sao kịp sóng mình đây? Vì vậy nên Đức Giêsu kêu gọi, cảnh báo khẩn trương: “anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người.” (Lc 21,36). Ngày Con Người đến đối với toàn thể nhân loại sẽ là ngày bất ngờ. Mọi người đang sống theo hoàn cảnh của riêng mình, hoạt động bình thường trong vòng quay của đời thường, nhưng khi Con Người chợt đến thì tâm trạng, số phận của họ lại khác nhau. Những người say sưa chè chén, mải mê lo lắng sự đời, nhởn nhơ vui chơi với thế trần, không tỉnh thức cầu nguyện, thức mà như người ngủ mê thì quả là sợ hãi vì hối sao cho kịp. Còn những người tỉnh thức, cầu nguyện, nối kết liên đới trong yêu thương với Chúa thì đâu có bất ngờ, hay giật mình hoảng sợ, vì lúc nào họ cũng sống trong Đấng là Tình Yêu. Ngày mà chiếc lưới tình yêu chụp xuống là niềm hạnh phúc, là nơi họ tự nguyện chui vào, chứ không phải sợ hãi, vì đang mong ngóng đợi chờ. Bởi vì: “Họ sẽ được nhìn thấy tôn nhan Người, và thánh danh Người ghi trên trán họ. Sẽ không còn đêm tối nữa, họ sẽ không cần ánh sáng của đèn, cũng chẳng cần ánh sáng mặt trời, vì Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ chiếu sáng trên họ, và họ sẽ hiển trị đến muôn thuở muôn đời.” (Kh 22,4-5).

Én Nhỏ

 

Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Môn đệ vô danh
Môn đệ vô danh
“Ông đã thấy và đã tin!”. Sở dĩ Gioan tin; vì lẽ suốt cả cuộc đời, Gioan đã để những gì mình thấy, mình nghe đi vào tâm trí, vào con tim; từ đó, khám phá dần, Thầy Giêsu là ai.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log