==================
Suy niệm 4
TRỞ VỀ VỚI LÒNG MÌNH
Kính thưa cộng đoàn Phụng Vụ, hôm nay Lời Chúa thúc giục mỗi người chúng ta hãy nhìn lại cuộc sống đức tin của mỗi người, nhìn lại mối tương quan đối với Chúa, đối với anh chị em trong cộng đoàn, gia đình, xã hội và sau hết với chính bản thân mình.
Mỗi lần bước vào Mùa Vọng, mùa ân sủng chuẩn bị tâm hồn đón chờ Chúa đến sinh lại nơi mỗi người, mỗi gia đình, cộng đoàn, chúng ta được Mẹ Giáo Hội nhắc nhở thường xuyên qua lời mời gọi của Chúa, đặc biệt qua các bài đọc hôm nay. Chúa đã dùng tiên tri Ba-rúc (bài đọc I) kêu mời, nhắn nhủ dân Is-ra-el “hãy trỗi dậy, đứng nơi cao,…Vì Chúa đã ra lệnh triệt hạ mọi núi cao và mọi đồi từ ngàn xưa, lấp đầy những hố sâu, để trái đất được bằng phẳng, hầu Is-ra-el vững vàng bước đi cao rao vinh quang Thiên Chúa” (x. Br 5, 5. 7). Qua lời giáo huấn của Thánh Phao-lô (bài đọc II), Chúa hướng lòng chúng ta theo đường lối của Người “Đấng đã khởi đầu việc lành trong anh em, cũng sẽ hoàn tất cho đến ngày của Đức Giê-su Ki-tô” (x. Pl 1, 6). Và sau cùng, với hình ảnh của Thánh Gio-an Tiền Hô rao giảng phép rửa sám hối, cầu ơn tha tội (x. Lc 3, 1-6) như lời ngôn sứ I-sai-ah rằng: “Có tiếng kêu trong hoang địa: Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng, hãy lấp mọi hố sâu và hãy bạt mọi núi đồi; con đường cong queo hãy làm cho ngay thẳng, con đường gồ ghề hãy san cho bằng…” (x. Lc 3, 4-5; Is 40, 3-4), một lần nữa, Chúa mong muốn chúng ta cất bước trên con đường công chính của Người bằng việc sống khiêm nhu, lắng nghe và đáp lời mời gọi của Người.
Đặt trên nền tảng Lời Chúa hôm nay, và với tâm tình ấy, nào chúng ta cùng tiến sâu vào cung lòng của mình, nơi đó chúng ta có thể gặp lại chính bản thân, cũng như bước vào một cuộc hội ngộ với Thiên Chúa - Người đang mong chờ, tìm gặp chúng ta qua đôi dòng suy niệm có vẻ rời rạc sau đây:
Hãy dọn đường đón chờ Chúa đến
Hãy lấp mọi ‘hố sâu giận hờn’
Hãy bạt muôn ‘núi đồi đố kỵ’
Làm ngay thẳng ‘lối sống cong queo’
San cho bằng ‘tâm hồn gồ ghề’
Hãy mạnh dạn cất bước loan tin
‘Trèo đèo gian khó’, băng rừng chông chênh
Cất tiếng cao đưa tin vui, đừng sợ
Báo tin mừng Chúa sẽ đến trong quyền uy
Người chăn dắt đoàn chiên như mục tử
Ẳm chiên con trên cánh tay nhẹ nhàng
Nhẹ dắt đưa chiên mẹ qua ngàn thảo nguyên xanh.
Ngàn năm với Chúa như một ngày đợi
Đợi một ngày với Chúa như ngàn năm
Nhưng đừng nhầm tưởng Chúa ‘ngủ quên’
Chẳng phải Người không thi hành lời hứa
Chỉ vì Người nhẫn nại với chúng ta
Không muốn ai phải hư mất trầm luân cả
Chẳng mong ai lìa xa ơn cứu độ
Luôn đợi chờ ta trở về ăn năn
Lìa xa tội, mặc lấy đức từ nhân
Vững tâm, trông đợi ‘trời mới và đất mới’
Chính nơi này, công lý và hoà bình vạn kỷ.
‘Đấng đến sau tôi là Ngôi Hai cứu độ,
Người là đường, chân lý và sự sống
Rửa sạch trong bằng chính lửa Thánh Thần’
Hồn tôi ơi, vui mừng hoan hỉ
Hãy mở lòng, đón nhận Lời trường sinh
Biến đổi người tội lỗi nhân hình này… Amen!
Lm. Xuân Hy Vọng
==================
Suy niệm 5
“Nhà rao giảng của Mùa Vọng”
Gioan Tẩy Giả có thể được mệnh danh là “Nhà rao giảng của Mùa Vọng”. Ngài là người dọn đường cho sự xuất hiện của Đức Giêsu; Ngài đến trước để giới thiệu về Đức Giêsu và triều đại Nước Thiên Chúa. Mỗi năm, Phụng vụ lại giới thiệu sứ điệp của ngài cho chúng ta. Gioan Tẩy Giả, một ngôn sứ đầy tràn ơn Thánh Linh. Ngài làm Tiền Hô và là một nhà giảng thuyết di động, kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối cầu ơn tha tội.
Thánh sử Luca kể về Gioan con ông Dacaria trong khung cảnh lịch sử của thế giới chính trị và tôn giáo thời bấy giờ cách uy nghiêm và trang trọng. Ơn gọi và hoạt động loan báo sứ điệp của thánh Gioan xảy ra vào năm thứ 15, dưới thời hoàng đế Tibêriô, năm 28, sau Tây lịch, bởi vì hoàng đế lên ngôi năm thứ 14. Quan toàn quyền Giuđêa lúc đó là Phongxiô Philatô. Palestine hồi ấy cũng gồm 3 châu quận do 3 quận vương cai trị là Hêrôđê Antipa, Philipphê và Lysania. Hai thượng tế vào thời này là thượng tế Anna (vào năm thứ 6 đến năm 14 sau công nguyên) và thượng tế Caipha (trị vì từ năm 18 đến năm 36 sau công nguyên).
Qua các sự kiện lịch sử chính trị và xã hội ấy, Thánh sử Luca cố ý nêu lên ý nghĩa thần học của lịch sử. Ngài muốn khẳng định rằng, chính Lời của Thiên Chúa tạo ra lịch sử. Tất cả mọi biến cố, mọi nhân vật, mọi thời đại, cách tiếp nối của các quyền bính và giới lãnh đạo trần gian, chỉ là khung cảnh trong đó Ngôi Lời của Thiên Chúa nhập thể làm người để ban ơn cứu độ cho nhân loại. Lời thánh Gioan Tẩy Giả rao giảng diễn tả trước sứ điệp mà Chúa Giêsu Kitô loan báo sau này: Muốn được ơn cứu độ, con người phải lãnh nhận bí tích rửa tội, sám hối, hoán cải tâm lòng, thay đổi lối sống, canh tân tư tưởng và cung cách hành sự của mình, bởi vì Đấng Thiên Sai đã hiện diện giữa lòng trần gian.
Gioan là cầu nối giữa hai giai đoạn của lịch sử cứu độ. Ngài vừa thuộc nhóm những ngôn sứ của giai đoạn trước,vừa là người đã chạm đến Nước Trời ở giai đoạn sau. Giai đoạn trước của những lời Thiên Chúa hứa,và giai đoạn sau khi Thiên Chúa thực hiện những lời hứa này. Chúa Giêsu là Đấng khai mở giai đoạn sau.Nhưng Người cần Gioan để làm người tiền hô, dọn đường.
Thánh Gioan Tẩy Giả đã sống đời sám hối và đền tạ tội lỗi trong nơi hoang vắng cho đến khi đủ khả năng để rao giảng.Trước khi là một người rao giảng, làm tiền hô, Gioan Tẩy Giả là một chứng nhân. Ngài sống tách biệt cách nhiệm nhặt trong hoang địa để cầu nguyện, ăn năn sám hối. Chính nhờ cuộc sống như vậy mà lời rao giảng của Gioan thực sự có sức hút. Ảnh hưởng của Gioan thật rộng lớn: từ khắp Giêrusalem, Giuđêa và tất cả miền Giođan đều tuôn đến xin ngài làm phép rửa, đồng thời lãnh nhận ơn tha thứ của Thiên Chúa. Gioan rao giảng điều mình đã thực hiện, đã kinh nghiệm chứ không phải là một lý thuyết suông nào đó xa vời với chính bản thân ngài. Gioan Tẩy Giả thành công trong sứ mạng dọn đường cho Chúa cũng chính vì ngài vừa là chứng nhân vừa là một thầy giảng.
Con đường Gioan mời gọi tu sửa là đường trong lòng người. Con đường nội tâm của mọi người. Sửa con đường nội tâm là thay đổi cõi lòng, thay đổi cuộc sống để xứng đáng đón tiếp Chúa Cứu Thế. Sửa đường theo Gioan là sám hối. Nhìn lại con đường mình đã đi qua, sửa lại những sai lệch nếu có. Những gì cong queo, hãy san cho thẳng. Những gì gò cao cần phải bạt xuống. Lúc đó mới nhìn thấy ơn cứu độ của Chúa. Sửa cho thẳng, lấp cho đầy, uốn cho ngay, san cho phẳng, bạt cho thấp; đó là sứ điệp Gioan gởi tới chúng ta trong Mùa Vọng này, để chúng ta dọn lòng mình thành đại lộ thênh thang mở ra với Chúa Cứu Thế.
Sửa đường cho Chúa đến là cần thiết và hợp lý. Khi đón tiếp một vị khách quý, người ta thường sửa sang đường sá, làm sạch đẹp nơi vị khách sẽ đến. Như thế là biểu lộ lòng kính trọng đối với vị khách. Khi Đức Giáo Hoàng hay vị nguyên thủ quốc gia đất nước nào muốn đến thăm viếng đất nước khác, vị Đại sứ hay đoàn Sứ gỉa được cử đến nơi đó hội đàm dọn đường, sắp đặt chương trình cho cuộc viếng thăm, có thể cả hằng năm trước đó.
Thiên Chúa là vị khách cao trọng nhất. Người hạ mình đến thăm và ở lại cùng sống với thần dân của Người. Đó là hạnh phúc tuyệt vời nên cần phải dọn tâm hồn xứng đáng. Như con đường cho Chúa đi qua; như căn nhà cho Chúa ngự tới; Chúa đứng ngoài cửa lòng và gõ cửa, ai mở thì Ngài đi vào. Con đường có thể có chông gai tội lỗi, có nỗi đam mê tiền lợi danh, có những tính hư nết xấu.
Sửa đường là sám hối, không nói suông, không chỉ là đấm ngực, xé áo. Sám hối là nhận ra cái sai của mình và quyết tâm sửa đổi. Sám hối sẽ không là nô lệ cho của cải, tiền bạc, quyền lực; sám hối là sống công bằng, không tham lam nhũng lạm, không dùng quyền để cưỡng đoạt, áp bức người khác. Đường vào tâm hồn có những khúc quanh co: lén lút sống trong vòng tội lỗi, dối lừa. Sách Cách Ngôn có dạy “Thiên Chúa ghê tởm tâm địa quanh co” (Cn 11,20). Cứu cánh của kẻ quanh co là gian ác, cho nên cần phải uốn nắn lòng mình thẳng ngay như sách Cách Ngôn nói: “Đường lối của kẻ gian ác thì quanh co, hành động của người trong sạch thì ngay thẳng” (Cn 21,28). Uốn những quanh co là sống chính trực công minh ngay thẳng ví như tác giả thư Do thái nhấn mạnh: “Thiên Chúa ưa điều chính trực, ghét điều gian ác” (Dt 1,9); Nếu lòng còn mãi quanh co, gập ghềnh, đầy những dối lừa biện minh cho những sai trái của mình… thì làm sao mà sửa đổi được!. Nếu không nhìn nhận mình sai lỗi thì làm sao có lòng thật tâm sửa lỗi. Sám hối đích thực là hoán cải. Hoán cải đòi hỏi phải hành động, phải trả giá, sẵn sàng chấp nhận những hy sinh, mất mát liên quan đến sự an toàn và tiện nghi của bản thân. Chỉ có sám hối và hoán cải cách đích thực thì mới dọn đường tâm hồn xứng đáng để đón Chúa.
Sửa đường còn là tỉnh thức đợi chờ Chúa đi xa trở về. Như năm cô khôn ngoan có sẵn dầu đèn. Như những đầy tớ làm lợi những nén bạc cho chủ. Như người lính canh thành luôn chú ý những biến chuyển chung quanh. Mỗi cá nhân, ai cũng có những tật xấu, những khuyết điểm, vị kỷ kiêu căng tham lam đố kỵ ghen ghét lười biếng hèn nhát… Xã hội nào cũng có bất công, những lạm dụng quyền bính, những hủ tục, những tệ đoan, những điều ấy làm cho con người đau khổ, trì trệ, không phát triển.
Dọn đường căn bản là ở trong nội tâm, sám hối để canh tân, sửa đổi để trở nên tốt lành thánh thiện hơn. Những con đường được làm bằng đất đá, nhựa bê tông.Những con đường trên mặt đất, trên sông trên biển, trên bầu trời là những con đường vật lý. Những con đường tâm lý, con đường tinh thần, con đuờng lòng người mới quan trọng hơn. Nguyễn Bá Học đã nói: đường đi khó không khó vì ngăn sông cách núi mà chỉ vì lòng người ngại núi e sông.
Sống đạo luôn là một thách đố đầy quyết liệt và phong phú. Hiểu đạo, tin đạo, giữ đạo xem ra khá dễ dàng vì thuộc lãnh vực cá nhân. Còn sống đạo thường khó khăn hơn vì liên quan đến tha nhân, đòi hỏi một sự quên mình, vượt thắng bản thân. Cũng như thực hiện việc dọn đường qua nghi thức sám hối bên ngoài như rửa tội, xưng tội khá dễ dàng, nhưng nếu mà trong lòng không thật tâm sám hối đưa đến canh tân bản thân, thì hành vi sám hối chỉ là việc làm lấy lệ hình thức mà thôi. Chính vì thế, Giáo hội muốn chúng ta sống 4 tuần lễ Mùa Vọng này như sống trong sa mạc: bình tâm hơn, ăn uống đạm bạc hơn, cầu nguyện nhiều hơn để biết rõ ý Chúa.
Sứ vụ của Gioan có hiệu quả chủ yếu bởi vì cuộc đời ngài là sứ điệp của ngài: sống những gì đã rao giảng. Gioan đã giúp người ta sám hối, thú tội và lãnh nhận phép rửa, sửa đường nội tâm. Ngài dọn lòng mình và lòng người khác để Chúa đến. Nếp sống giản dị của Gioan mang tâm tình sám hối, sửa đường. Gioan kêu gọi mọi người dọn tâm hồn để đón Đấng Cứu Thế, và chính Gioan đã sống như con đường thẳng. Gioan mời gọi người ta sám hối, và chính đời ngài đã mang nét sửa chữa bằng tâm tình sám hối tâm thành.
Mùa Vọng cách đặc biệt mời gọi chúng ta hãy ăn năn sám hối, thay đổi tâm can, thay đổi nội tâm và tin vào Chúa Giêsu. “Hãy làm việc lành cho xứng với lòng sám hối”, lòng sám hối đích thực của Mùa Vọng chính là tích cực đổi mới ngay trong đời sống cụ thể. Sống đạo bao giờ cũng đòi hỏi nhiều cố gắng và tỉnh thức.
Mùa Vọng, Giáo hội cho chúng ta chiêm ngắm mẫu gương của Thánh Gioan, vị ngôn sứ luôn sống gắn bó với Thiên Chúa và gần gũi với con người. Như thế mỗi người sẽ sống đạo hôm nay với tất cả niềm vui hạnh phúc cho bản thân và cho tha nhân.
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
==================
Suy niệm 6
Chúa đang đến hãy gấp rút sửa mình
(Lc 3, 1-6)
Bước vào Chúa Nhật II Mùa Vọng, mùa của niềm vui thiêng thánh đậm nét đợi chờ trong niềm hy vọng rằng, Giêrusalem sẽ cởi áo tang chế và sầu khổ... và Chúa sẽ mặc cho họ áo công lý, và đặt vương miện vĩnh cửu trên đầu họ (x. Br 5,1-2). Tiên tri Baruc kêu gọi Giêrusalem “chỗi dậy, đứng nơi cao, và nhìn về hướng đông… vì Chúa sẽ hân hoan lấy lòng từ bi và công bình của Người dẫn dắt Israel đến ánh vinh quang” (x. Br 5,4-9). Như vậy, Thiên Chúa sẽ bước vào lịch sử loài người. Thiên Chúa không còn đứng bên trên hoặc bên ngoài để nhìn vào con người, nhưng đã nhập cuộc với con người, sinh bởi Ðức Trinh Mữ Maria đem tình yêu cho loài người dương thế theo cách thức loài người.
Phụng vụ Lời Chúa đề nghị chúng ta gẫm suy về Gioan Tẩy Giả, Vị Tiền Hô của Chúa Cứu Thế và nghe lời ông khẩn trương “dọn đường Chúa” (Lc 3,4).
Gioan Tẩy Giả, người được Isaia nhắc đến trong lời sấm: “Có tiếng kêu trong hoang địa”(Lc 3, 4). Thì ra, Gioan đã được gọi làm Tiền Hô cho Đấng Mêsia ngay từ khi còn ở trong lòng mẹ. Việc loan báo việc ông sinh ra đã khiến nhiều người phải ngạc nhiên: Dacaria cha Gioan đã bị câm vì đã không tin lời của sứ thần truyền. “Láng giếng ai nấy đều kinh sợ. Và các sự việc ấy được đồn ra khắp miền núi Giuđa” (Lc 1, 65).
Gioan Tẩy Giả lui vào trong hoang địa, ăn châu chấu, uống mật ong rừng, mặc áo lông lạc đà, chuyên tâm cầu nguyện, hãm mình và sám hối để thực thi sứ mạng Tiền Hô sau này. Chúng ta biết, hoang địa tượng trưng cho sự từ bỏ hoàn toàn, là nơi con người không thấy gì khác ngoài sự yếu hèn, nhỏ bé, giới hạn, bất lực của mình trước sự cao cả của Đấng Tạo Hóa. Chính trong hoang địa mà Gioan Tẩy Giả nâng tâm hồn lên tới Chúa và sống hiệp thông với Ngài để kín múc lấy sức mạnh cho sứ mạng tương lai.
Sống trong cảnh nghèo, Gioan Tẩy Giả muốn nói: “Chứng tá Kitô đích thực là hết sức cần thiết cho ngày hôm nay, vì con người thời nay tin các chứng nhân hơn là các thầy dạy” (Tông huấn Giáo hội tại Á Châu, 42). Bằng đời sống khắc khổ, Gioan đã kêu gọi người ta “dọn đường Chúa” (Lc 3,4).
Dọn đường Chúa
Nếu Gioan Tẩy Giả là tiếng kêu trong hoang địa. Vậy ông kêu gì? “Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng, hãy lấp mọi hố sâu và hãy bạt mọi núi đồi; con đường cong queo hãy làm cho ngay thẳng, con đường gồ ghề hãy san cho bằng” (Lc 3, 4-5). Tiếng kêu của Gioan vẫn còn cấp bách trong thời đại con người chinh phục không gian, chế ngự nguyên tử, du hành nguyệt cầu. Con người được mời gọi sống khiêm nhường, loại trừ chia rẽ, hận thù, bất hòa, giận dữ; xóa bỏ ranh giới còn tồn tại trong não trạng về thua được; thanh luyện tâm hồn; sống tình bác ái, huynh đệ; khước từ Satan, tội lỗi và tất cả những gì cản đường Chúa đến với chúng ta, cản trở ta đến với tha nhân (1 Cr 7,34).
Làm được những điều Gioan mách bảo không phải dễ, nhưng cũng không phải không làm được. Chính “Chúa đã ra lệnh triệt hạ mọi núi cao và mọi đồi từ ngàn xưa, lấp đầy những hố sâu, để trái đất được bằng phẳng, hầu Israel vững vàng bước đi cao rao vinh quang Thiên Chúa” (Br 5,8). Vậy chúng ta hãy an tâm tiến bước.
Làm chứng cho tình yêu Chúa
Mùa Vọng là dịp thuận tiện để chúng ta thực hiện tiếng kêu của Gioan Tiền Hô là chỉ cho người khác biết Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa đển trần gian để cứu độ thế nhân, giúp người khác tin theo Chúa. Đây là cốt yếu của việc tông đồ mà chúng ta phải thực hành trong cuộc sống. Bao lâu Chúa Giêsu còn bị khước từ, bấy lâu sứ mạng của ta chưa chu toàn.
Hơn bao giờ hết, chúng ta được mời gọi trở nên người loan báo Chúa Kitô bằng lời nói và đời sống, làm chứng cho một Chúa Kitô tốt lành, khiêm nhường, nghèo khó và nhân từ; một Chúa Kitô đã yêu thương thế gian đến nỗi bằng lòng chịu chết và chết trên cậy thập giá; một Chúa Kitô nhập thể làm người, giống chúng ta mọi đàng ngoại trừ tội lỗi; một Chúa Kitô yêu thương nhân loại cho đến chết.
Ngày 8 tháng 12 sắp tới, lễ Ðức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội. Chúng ta hãy xin với Đức Maria, Nữ Vương đầy tràn ân sủng, Mẹ của Ðấng Cứu Thế dẫn dắt chúng ta tiến bước trong Mùa Vọng này. Amen.
Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ
==================
Suy niệm 7
Dọn Đường Đón Chúa
Br 5,1-9; Pl 1,4-6.8-11; Lc 3,1-6
Trình thuật Tin Mừng hôm nay kể ông Gioan Tẩy Giả đi khắp vùng ven sông Giođan rao giảng, như lời chép trong sách ngôn sứ Isaia rằng: Có tiếng người hô trong hoang địa: “hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi. Mọi thung lũng phải lấp cho đầy, mọi núi đồi, phải bạt cho thấp, khúc quanh co, phải uốn cho ngay, đường lồi lõm, phải san cho phẳng”. (Lc 3,4-5).
Đây là lời hối thúc thật khẩn trương của Gioan Tẩy Giả tôi đã từng nghe hằng năm trong mùa vọng. Ông mời gọi dọn đường cho Chúa đến. Chúa sẽ đến trên những con đường chính trực công minh, trong những tấm lòng chân thành, những hành vi ngay thẳng, những tâm tình đơn sơ, hiền hòa khiêm tốn, luôn sẵn sàng và khao khát sửa đổi cuộc đời nên mới.
Nhưng tôi cần có thời giờ dành cho Chúa, để nhìn sâu vào lòng mình, để nhờ chính Chúa soi rọi vào cái cõi lòng tưởng là sáng sủa thơm tho, cho thấy trong ẩn kín con người của mình, cũng có những hố sâu thăm thẳm, những đồi cao, những quanh co lươn lẹo... Nó được che đậy bởi những hình thức đạo đức bên ngoài con người. Thời đại nào cũng vậy, con người vẫn đang chìm vào trong “giấc ngủ” của cuộc sống trần gian. Lúc Chúa đến, Người lại nhẹ nhàng lặng lẽ đến chẳng ngờ! Nên khi càng biết mình là hố sâu vực thẳm, là đồi cao chót vót, là quanh co lươn lẹo, thì lòng khao khát càng phải lớn mạnh, càng tha thiết cần Chúa đến, càng chờ mong hết mình. Chúng con cần biết ý thức những giới hạn, yếu đuối trong đời mình, bởi đã cố gắng nhiều phen, bao lần gồng mình quyết chí chừa sửa, nhiều lần đề phòng cẩn thận… thế mà chỉ được vài ngày đâu lại hoàn đó, chứng nào tật ấy, tội vẫn cứ tiếp diễn. Vậy chỉ có Chúa mới có thể làm cho mọi sự trong chúng con an ổn lại được.
Chúa ơi! này chúng con đang mong chờ Chúa đến để lấp đầy hố sâu, để uốn thẳng đường cong queo, để san bằng đồi núi trong chúng con. Chúng con khao khát Chúa đến trong cõi lòng chúng con. Lòng khao khát đó giúp chúng con nhận ra Người, gặp gỡ được Người. Chính Người sẽ thực hiện nơi con người mỏng giòn yếu đuối của chúng con những điều thật kỳ diệu, làm cho chúng con được hạnh phúc sung mãn vì có Chúa ở cùng.
Én Nhỏ