Chúa nhật, 24/11/2024

Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật III Mùa Vọng Năm C

Cập nhật lúc 09:34 08/12/2021
Suy niệm 1
Anh em hãy vui lên !
Phil 4,4-7
Niềm vui bất khả thi. Miriam tác giả câu chuyện “Mùa đông cô đơn”. Myriam cho rằng: Niềm vui chỉ đến với những người khác, mình không phải là người khác, vẫn ở dọc theo bức tường, ở cạnh bóng tối, tệ hơn nữa, ở cạnh đêm.
Miriam viết: “Mùa đông cô đơn đầu tiên của tôi đã đến. Noel, ngày lễ ngọt ngào của tất cả, bữa tiệc không thể nguôi ngoai khi tình yêu đã chết và người ta cảm thấy không còn gì cho chính mình nữa. Trước hết là chạy trốn ánh sáng, đám đông, tiếng cười, sự vui vẻ của già trẻ lớn bé. Hãy ẩn náu trong những góc khuất để nhớ lại những Noel trước đây được sống trong sự ấm áp và ân sủng. Cuối cùng là 'đêm của những điều kỳ diệu' phải đối mặt với một trái tim trống rỗng…Tuy nhiên, không thực sự cô đơn nữa... Một ngôi nhà thân thiện đã mở cửa cho tôi, những đôi mắt trẻ thơ đang chờ đón tôi, những bàn tay đưa ra..Phải chăng những đứa trẻ muốn cứu tôi? Tôi rất muốn là một người của chúng và của ngày lễ này mà chúng đã chuẩn bị một chút cho tôi. Nhưng tôi là người lạ, mặc dù lòng tốt mà tôi cảm thấy lướt qua tôi mà không đến được với tôi. Suốt đêm dài tôi cố gắng mỉm cười để không đè nặng chúng. Tôi giả vờ nhưng trái tim tôi vẫn ở trong nỗi buồn. Niềm vui đối với tôi là bất khả thi”.
Anh emhãy vui lên! Trong bài đọc II chủ nhật hôm nay, Thánh Phaolo viết: “Anh em hãy vui luôn trong Chúa! Tôi nhắc lại một lần nữa: anh em hãy vui lên”!
- Phải chăng câu nói này của thánh Phaolo không phù hợp với những người hoặc những nạn nhân của cơn dịch bệnh covid, giống như Myriam đang sống trong đau khổ sao?
- Phải chăng họ là những người không có gì khác hơn là nỗi buồn vào thời điểm Giáng sinh này sao? Một nỗi buồn và một sự cô đơn như vẫn còn khơi lên bởi niềm vui của người khác, của những người may mắn...
Vậy niềm vui phụ thuộc vào thiện chí của chúng ta hay quyết định của chúng ta về điều gì?
Tất cả chúng ta đều muốn có niềm vui cho bản thân và cho những người chúng ta yêu thương. Thậm chí niềm vui là điều duy nhất chúng ta thực sự muốn. Nhưng tất cả chúng ta đều biết rằng nhiều lúc chúng ta không nắm bắt được niềm vui. Niềm vui trượt qua tay của chúng ta. Đau khổ, than khóc, khó hiểu, cô đơn cứ đến với chúng ta mà chúng ta không muốn tìm kiếm những thứ đó.
Thánh Phaolo nói: “Anh em hãy vui luôn”! Ngài nói như một mệnh lệnh. Đó là mệnh lệnh mà ngài gửi cho chúng ta… Như thể chúng ta phải chịu trách nhiệm về nỗi đau! Chúng ta có nên hiểu rằng, khi nỗi buồn tràn ngập chúng ta, chúng ta cũng phải tự nhủ rằng nỗi buồn này đặt chúng ta ngoài Thánh Ý Thiên Chúa không? Điều đó có khiến chúng ta xa Chúa không? Chúng ta có nên tự nhận mình tội lỗi khi sống trong đau khổ không?
Niềm vui trong mệnh lệnh của Thiên Chúa!Anh em hãy vui luôn trong Chúa”. Đó thực sự là mệnh lệnh mà Phao-lô thay mặt chính Thiên Chúa nói với chúng ta. Chính chúng ta là những người nói về khuyết điểm và tội lỗi của mình. Nhưng những lời của Phao-lô không ám chỉ nỗi buồn là một lỗi lầm. Những lời đó ám chỉ rằng nỗi buồn không ở trong mệnh lệnh của Thiên Chúa. Nói cách khác, nỗi buồn là một điều gì đó mất trật tự, chúng ta được Thiên Chúa tạo dựng nên không phải là để buồn.
Thiên Chúa muốn niềm vui cho chúng ta, thậm chí Ngài còn muốn nhiều hơn chúng ta muốn. Thiên Chúa muốn niềm vui của chúng ta, vì thế Ngài tham dự vào ước muốn sâu xa nhất của chúng ta và cho phép chúng ta nói điều đó. Chúng ta kêu than khi chúng ta sống trong đau khổ, khi chúng ta bị nghiền nát bởi sự bất công, khi chúng ta khóc vì bị nhốt trong đau khổ và cô đơn. Khi đó, tiếng kêu than và những giọt nước mắt của chúng ta không làm chúng ta xa Thiên Chúa. Tiếng kêu than đó, là tiếng vọng của sự khao khát chính Thiên Chúa. Khi đó, ước muốn của chúng ta thoát khỏi nỗi đau, bắt gặp ước muốn của Thiên Chúa.
Chúng ta không đơn độc ước muốn niềm vui. Thiên Chúa và chúng ta cùng nhau ước muốn niềm vui. Muốn hạnh phúc, đó là nối lại vào những gì Thiên Chúa muốn. Vì vậy, chúng ta có quyền kêu lên khi cuộc sống của chúng ta thoát chưa đạt được mệnh lệnh này của Thiên Chúa. Chúng ta có lý khi nổi dậy chống lại sự mất trật tự sâu xa này vốn là nỗi buồn của con người.
Chúa Nhật III Mùa Vọng hôm nay trước hết được ban cho những ai mà niềm vui đang gặp khó khăn, dường như là không thể. Lời mời gọi của Thiên Chúa “hãy vui lên” là lời mời gọi đừng cam chịu nỗi buồn của chúng ta. Đó là một khả năng mở ra cho chúng ta kêu cầu lên Thiên Chúa, kêu Thánh ý Ngài được thực hiện!
- Lời mời gọi vui mừng của Thiên Chúa cũng là lời kêu gọi kiên nhẫn. Chúng ta không được dựng nên cho ban đêm. Đấng  đã đến là Đấng muốn cứu chúng ta khỏi nỗi buồn này. Ngài vẫn ở giữa chúng ta, ngay cả khi ngày nay nhiều người không biết Ngài. Thánh Phaolo nói:“ Anh em can đảm lên, vì Thiên Chúa là Đấng trung thành kêu gọi anh em.Tất cả những điều đó Ngài sẽ hoàn thành."
- Lời kêu gọi vui mừng của Thiên Chúa cũng là lời kêu gọi hãy cho đi những gì chúng ta có thể không có. Quyết định mang lại niềm vui cho người khác, thực hiện một bước cụ thể đối với người khác ngay cả khi bản thân chúng ta đang bị giam cầm trong đau khổ hoặc cô đơn. Đây có lẽ là cách chắc chắn nhất để trải nghiệm niềm vui trong ngày Lễ Chúa Giáng sinh. Lời Chúa đã chẳng nói rằng “Anh em hãy cho đi thì sẽ nhận được” đó sao? Chúng ta luôn nghĩ rằng chúng ta phải có một cái gì đó để có thể cho đi, nhưng chúng ta rất có thể cho đi những gì chúng ta không có… Cho dù chúng ta vẫn còn đau khổ và buồn chán về một điều gì đó, chúng ta cứ hãy mang niềm vui cho những người đau khổ, cho những Myriam và cho những nạn nhân của con dịch bênh covid hôm qua cũng như hôm nay!
Linh mục Gioan Đặng Văn Nghĩa
====================
Suy niệm 2
Lc 3, 10 – 18
Thánh Gioan Tẩy Giả, nhà truyền giáo đầu tiên đã kêu gọi quần chúng phải làm nhiều điều để đón nhận Đấng Cứu Thế.
Việc đầu tiên là chia cơm sẻ áo cho người nghèo thiếu ăn và thiếu mặc. Nghèo là một vấn đề lớn của xã hội loài người từ thời này đến thời nọ. Nghèo làm mất nhân phẩm. Nghèo sinh ra chuyện trộm cắp, gian tham, dối trá. Nghèo làm mất đời sống bình an của xóm làng. Người có cơm ăn áo mặc phải tỉnh thức để canh giữ nồi cơm và tủ quần áo. Người bộ hành có tiền ở trong túi cũng không an tâm vì túi tiền lúc nào cũng bị rình mò và theo dõi. Thế là nghèo làm cho người giàu khinh dể người nghèo và làm cho người nghèo ghen ghét người giàu. Người ghét người thì còn gì là đạo đức và còn gì là hạnh phúc. Người giàu phải chia cơm sẻ áo, người nghèo phải được yêu thương và kính trọng. Đó là bước đầu phải làm để đón nhận Đấng Cứu Thế.
Sau khi kêu gọi chia cơm sẻ áo, nhà truyền giáo Gioan Tẩy Giả lại kêu gọi quần chúng sám hối, chừa bỏ thói hư tật xấu. Các thói hư tật xấu được văn hóa dân gian gom lại và đặt tên là “Tứ Đổ Tường”. “Tứ Đổ Tường” là: cờ bạc, rượu chè, xì ke và đĩ điếm. Bốn tật xấu này hiện hữu trên toàn thế giới và qua mọi thời đại. Gia đình và xã hội bị tan nát cũng chỉ vì bốn cái tật xấu ấy. Các vua chúa quan quyền của một chế độ sụp đổ, thì nguyên nhân cũng chỉ là tứ đổ tường.
Lời kêu gọi của thánh Gioan Tẩy Giải có hiệu lực tức tốc. Lính tráng, người thu thuế và các cô điếm đua nhau đến xin thánh Gioan Tẩy Giả giúp họ đổi mới cuộc đời. Đáng mừng!
Làm được việc đáng mừng như thế, thánh Gioan chưa vừa lòng, ngài còn cho biết rằng đó chỉ là công tác khởi đầu. Còn một việc lớn hơn thì Đức Giêsu sẽ làm. Chúa Giêsu sẽ dùng một phép rửa trong Chúa Thánh Thần, nghĩa là sẽ biến con người thành con Thiên Chúa và sẽ được hưởng một cuộc hạnh phúc vĩnh cửu ở kiếp sau.
Sau lời tiên báo tuyệt vời ấy, nhà truyền giáo không quên nhắc nhở rằng Đức Giêsu còn sàng lọc những người xin chịu phép rửa, vì có người không chân thành và không bền tâm vững chí. Sẽ có người bị loại ra ngoài và không được hưởng hạnh phúc bất diệt. Cụ thể là nhóm 12 Tông Đồ, có một người bị loại, đó là Giuđa Itcariot. Sau Giuđa sẽ còn bao nhiêu người bị loại trong suốt dòng lịch sử. Đó là điều mà chúng ta phải suy gẫm và phải cảnh giác.
Mong rằng mùa Vọng năm nay, chúng ta cứ chuẩn bị ăn mừng bằng cây thông, bằng quần áo đẹp và bánh kẹo ngon… Nhưng từ ông bà già cho tới bé thơ không ai quên trích ít nhất 10% số tiền mừng lễ để người nghèo cảm thấy được yêu thương và được kính trọng trong lễ Giáng sinh này. Và cũng mong rằng việc bác ái từ thiện ấy vẫn được tiếp tục thực hiện quanh năm ngày tháng cho đến trọn đời của mình.
Linh mục Piô Ngô Phúc Hậu
====================
Suy niệm 3
Việc cao cả nhất
Lc 3,10-18
Trong những công việc người ta thực hiện trên đời, việc nào cao cả nhất, mang lại phần thưởng lớn nhất?
Đối với số đông hôm nay, việc cao cả nhất là việc mang lại thu nhập cao, mang lại danh tiếng, lợi ích cho mình nhất…
Tuy nhiên, đối với Thiên Chúa, việc cao cả nhất, mang lại phần thưởng lớn nhất là yêu thương đùm bọc lẫn nhau.
Đây là việc quan trọng hàng đầu vì thuộc về giới răn trọng nhất Chúa Giê-su ban cho nhân loại.
Tin mừng trích đọc hôm nay cho biết: khi đám đông dân chúng lũ lượt đến xin ông Gioan làm phép rửa, họ hỏi ông: “Chúng tôi phải làm gì đây?” Ông trả lời: "Ai có hai áo, thì chia cho người không có; ai có gì ăn, thì cũng làm như vậy; những người thu thuế thì đừng bắt chẹt người ta; binh lính thì đừng ức hiếp ai…” Nói tóm lại, mọi người phải yêu thương đùm bọc nhau, chia cơm xẻ áo cho nhau, tức là phải giữ tròn đức mến.
Đây là những điều không mới, chúng ta đã nghe nhiều rồi, nên chẳng mấy quan tâm.
Tuy nhiên, đây là giáo huấn quan trọng bậc nhất của Chúa Giê-su; vì thế, nếu chúng ta bỏ qua không tuân giữ thì phải gánh lấy nhiều hậu quả tai hại như sau:
Thứ 1. Hôm nay, dù chúng ta có làm được những điều trọng đại như: nhân danh Chúa nói tiên tri, xua trừ được nhiều quỷ hay làm nhiều phép lạ… mà không thực hành giới luật yêu thương, thì mai đây, khi ra trước tòa phán xét, cũng sẽ bị Chúa loại trừ (Mt 7,21-23).
Thứ 2. Theo thánh Phao-lô, dù người ta có lập nên kỳ công như: nói được các thứ tiếng của loài người và thiên thần, được ơn tiên tri biết hết mọi điều bí nhiệm trong trời đất, thông biết mọi lẽ cao siêu huyền diệu trong vũ trụ hay có đức tin siêu phàm đến chuyển núi dời non, thậm chí dù có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí hay nộp cả thân xác để chịu thiêu đốt… mà không có đức mến, thì cũng chẳng được ơn ích gì trước mặt Chúa. ((IC 13, 1-3).
Thứ 3. Hậu quả đau thương nhất là trong ngày phán xét, những ai không yêu thương đùm bọc người nghèo khổ hay đang gặp khó khăn… thì sẽ bị Chúa Giê-su lên án: “Hỡi quân bị nguyền rủa kia! Đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời, nơi dành sẵn cho tên ác quỷ và các sứ thần của nó” (Mt 25, 41-43).
Như thế, dù chúng ta làm nên những kỳ công vĩ đại, thực hiện được những việc phi thường mà không làm những việc bác ái đơn sơ như nhường cơm xẻ áo cho người khốn khó, giúp đỡ những người túng thiếu bần cùng… thì rốt cuộc, chúng ta chẳng thu hoạch được gì cho cuộc sống mai sau.
Trái lại, dù chúng ta không làm được việc lớn lao trọng đại trước mặt người đời nhưng biết sống trọn tình vẹn nghĩa với nhau, yêu thương đùm bọc những người khốn khổ… là chúng ta đã làm được điều quan trọng và cao cả nhất mà Thiên Chúa mong đợi và sẽ được Chúa ban phần thưởng lớn lao trên quê trời.
Lạy Chúa Giê-su,
Trong cuộc sống trần gian, chúng con có rất nhiều việc để làm, nhưng xin cho chúng con đừng lãng quên việc quan trọng nhất, cần phải ưu tiên thực hiện là sống bác ái, yêu thương đùm bọc nhau.
Xin cho chúng con luôn nhớ rằng:
Nếu chúng con không làm việc bác ái thì dù có làm được hàng trăm việc lớn lao cũng chẳng được ích gì trước mặt Chúa. Còn nếu chúng con chăm lo giữ luật mến Chúa yêu người, thì phần thưởng đời đời đã nằm trong tầm tay.
Xin Chúa nhận lời chúng con. Amen.
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
====================
Suy niệm 4
Việc Làm Cụ Thể
Phụng vụ Chúa nhật III Mùa Vọng có hai điều lạ: một là nơi màu áo lễ, màu hồng hy vọng, hai là những lời mời gọi hãy vui lên: “Reo vui lên hỡi thiếu nữ Sion” (bài đọc 1), “Anh em hãy vui luôn” (bài đọc 2) và dân chúng kéo đến gặp Gioan xin chỉ giáo phải làm gì, họ muốn tìm niềm vui đích thực sau khi đã dọn con đường tâm hồn bằng việc hoán cải (bài Phúc âm).
1. "Chúng tôi phải làm gì?"
Tin Mừng hôm nay kể chuyện, lời của Gioan đạt kết quả cụ thể là có nhiều người phục thiện, sẵn sàng cải đổi nếp sống cũ. Nhiều người đến xin Gioan những lời khuyên thiết thực: "Chúng tôi phải làm gì đây?". Họ xin ngài chỉ dẫn cách phải sống và việc phải làm.Tùy từng người mà Gioan khuyên bảo việc làm cụ thể:
- Đối với dân chúng: “Ai có hai áo, hãy cho người không có, ai có của ăn cũng hãy làm như vậy”.
- Đối với người thu thuế: “Các ngươi đừng đòi gì quá mức đã ấn định cho các ngươi”.
- Đối với các quân nhân: “Đừng ức hiếp ai, đừng cáo gian ai, các ngươi hãy bằng lòng với số lương của mình”.
Các lời khuyên của Gioan khuyến khích mọi người thực hiện công bằng bác ái và sống chính trực. Công bằng là sống đúng luật pháp: “Đừng đòi hỏi quá mức ấn định”; Chính trực “Chớ dùng vũ lực, cũng đừng vu khống mà tống tiền người ta”; Bác ái là chia sẻ: “Ai có hai áo, thì chia cho người không có, ai có gì ăn, thì cũng làm như vậy”.
Thánh Gioan rất thực tế và có những giải pháp thích ứng với từng hoàn cảnh, từng hạng người. Gioan không bảo mọi người hãy sống như ngài hoặc gia nhập nhóm của ngài. Gioan không yêu cầu ai phải làm gì khác thường, cũng không đòi hỏi họ phải đổi nghề nghiệp hay đổi chỗ ở, nhưng ngài khuyên: dù ở hoàn cảnh nào cũng phải biết thắng dẹp tính vị kỷ, bằng cách làm việc bác ái, chia sớt với anh em mình, đó là cách sám hối tốt nhất. Gioan khuyên họ phải bằng việc làm cụ thể mới trở thành người biết yêu thương và đáng mến.
Những điều Gioan nói quả thật không giống với những gì người ta quen hiểu về hai chữ “hy vọng”: người ta hy vọng là hy vọng rằng mình sẽ được thêm. Còn Gioan thì dạy phải bỏ bớt: đừng đòi thêm, đừng chiếm đoạt vào, hãy đem những gì mình đang có mà chia sẻ. Mặt khác, người ta hy vọng là thu thêm cho mình những gì từ bên ngoài vào. Còn theo Gioan, hy vọng là mong giải thoát bớt những thứ cồng kềnh đang chất nặng trong lòng mình. Sứ điệp của Gioan là: Hãy chia sẻ; Đừng đòi hỏi quá mức ấn định; Hãy biết bằng lòng.
Chúng tôi phải làm gì?”. Dân chúng hỏi Gioan Tẩy Giả ở bờ sông Giođan. Sau lễ Hiện Xuống, đám đông cũng đặt câu hỏi ấy với thánh Phêrô: “Chúng tôi phải làm gì?”. Đó cũng là một cách nhắc lại rằng, đức tin phải thực tiễn và sống động. Chúa Giêsu dạy: “Không phải những người nói lạy Chúa, lạy Chúa mà được vào Nước Trời đâu, nhưng là những người thực hiện ý muốn của Cha Ta” (Mt 7,21). Ngài luôn đòi hỏi bằng việc làm cụ thể: “Đức Giêsu vừa lên đường, thì có một người chạy đến, quỳ xuống trước mặt Người và hỏi: Thưa Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp? …Đức Giêsu đáp: Anh chỉ thiếu có một điều, là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi”. (x.Mc 10, 17-27). Người nghe mà không làm thì giống như người xây nhà không nền móng (Lc 6,49).Trong cuộc đối thoại với một luật sĩ, Ðức Giêsu đã bảo ông: “Hãy làm như vậy và ông sẽ được sống” (Lc 10,28). Sau dụ ngôn người Samaria nhân hậu, Ngài còn dặn ông: “Hãy đi và làm như vậy” (Lc 10,37).
Lạy Chúa, con phải làm gì?”. Đây là câu nói đầu tiên của thánh Phaolô sau cú ngã ngựa trên đường đi Đamát (x.Cv 9,1-19). Phaolô được biến đổi và trở thành vị Tông đồ chuyên lo rao giảng Tin Mừng cho dân ngoại. Từ đây cuộc đời của thánh nhân đã viết nên thiên anh hùng ca, sống và chết cho Đức Kitô.
Đối với chúng ta ngày nay, lời khuyên của thánh Gioan rất thiết thực trong những ngày chờ đón Chúa giáng sinh. Mỗi người hãy tự đặt câu hỏi: “Còn tôi, tôi phải làm gì ?”. Cách trả lời của Gioan còn nguyên giá trị: mỗi người hãy sống đúng cương vị của mình, hãy hoàn thành trách nhiệm của mình, hãy thực thi tình bác ái huynh đệ và sống trong tương giao tốt đẹp với mọi người. Gioan không đòi những điều kì diệu, nhưng rất đơn giản và thực tế. Người dấn thân phục vụ thì sống đời tận hiến.Người có gia đình được mời gọi sống yêu thương, trung thành. Người thương gia ngay thẳng, người quản lý tín trung.Người làm công chu toàn bổn phận, người chủ quảng đại khoan dung.Người có hai áo thì chia cho người không có áo mặc.Người có quyền thì yêu thương đùm bọc kẻ dưới. Ai nấy sống đúng chức phận của mình trong công lý và tình yêu. Đó là thay đổi lối sống: nhân đạo hơn, công bình hơn, liên đới hơn…
“Chúng tôi phải làm gì?” là câu hỏi mà mỗi Kitô hữu phải đặt ra cho mình. Gioan đã gợi ý ba điều: - một cuộc sống luôn biết chia sẻ; - một thái độ biết an vui với những gì hiện có; - một nỗ lực không để cho sự dữ và giả dối thống trị. Ba điều này vừa chung nhưng cũng áp dụng riêng cho từng đối tượng tùy theo hoàn cảnh riêng. Nếu tôi đến với Gioan, tôi sẽ nhận được đề nghị nào, và từ đó có những quyết tâm cụ thể nào tùy thuộc vào hoàn cảnh của riêng tôi, để giúp tôi thay đổi đời sống hầu đón Chúa đến?
2. Niềm vui Tin Mừng
Chủ đề Phụng vụ Chúa nhật III là ‘niềm vui’. Bài đọc 1 và bài đọc 2, mời gọi dân Chúa hãy vui lên. Vui vì Thiên Chúa sắp đến thực hiện ơn cứu độ. Người đến để tha thứ, để hòa giải, để cứu thoát dân khỏi nô lệ tội lỗi và ma quỷ.Thánh Phaolô khẳng định niềm vui đó là niềm vui trong Chúa: Anh em hãy vui luôn trong Chúa. Niềm vui trong Chúa là niềm vui có được từ nơi Thiên Chúa. Hãy vui và vui luôn mãi trong niềm vui của Chúa. Niềm vui này không chỉ là một tình cảm, nhưng phát sinh những hoa trái cụ thể trong cuộc đời: sống hiền hòa rộng rãi với mọi người; không phải lo lắng gì cả, vì có điều gì thì cứ trình bày với Chúa; lòng trí luôn được bình an.
Niềm vui là nét tiêu biểu của người Kitô hữu, là mong ước của mọi người. Sống ở đời ai cũng mong mình có được niềm vui sống và nỗ lực đi tìm niềm vui. Người Kitô hữu xác tín rằng, niềm vui đích thực chỉ có nơi Thiên Chúa. Một khi biết mình đã có Chúa thì mọi âu lo buồn phiền sẽ không còn. Càng khám phá ra sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc đời, càng gia tăng niềm vui sống. Càng gặp gỡ Chúa trong cuộc sống, niềm vui sống càng sâu sắc bền vững. Niềm vui trong Chúa luôn là một niềm vui gia tăng sức mạnh cho tâm hồn trước những nghịch cảnh, đau khổ của kiếp người. Niềm vui trong Chúa cũng là niềm vui biến đổi đau thương thành hạnh phúc. Niềm vui trong Chúa giúp cho mỗi người có nghị lực vươn lên vượt qua nghịch cảnh.
Là con người, ai cũng mơ ước và đi tìm niềm vui sống. Ngày nay, có nhiều người mải miết tìm kiếm những thú vui xác thịt, thú vui thụ hưởng vật chất. Có những niềm vui mà sau đó người ta cảm thấy trống rỗng buồn phiền và chán nản. Có những niềm vui mà sau đó người ta mệt mỏi và thất vọng. Có những niềm vui mà sau đó người ta lo âu hối hận. Còn người Kitô hữu đi tìm niềm vui trong Chúa. Niềm vui này là dấu hiệu của bình an nội tâm, của sự hài lòng, của tự tín, là dấu hiệu cho thấy rằng người ta đang cảm thấy được an toàn, được đón nhận, được yêu mến. Một người Kitô hữu mà sống bi quan chán chường, thất vọng buông xuôi, ấy là dấu hiệu có điều gì đó không ổn về đức tin.
Hạnh phúc là niềm vui. Khi người ta vui thì hạnh phúc. Khi người ta hạnh phúc thì người ta vui. Rất đơn sơ, thật dễ hiểu. Hạnh phúc là niềm vui của mỗi người và mọi người trong gia đình chung sống với nhau. Những niềm vui làm thành cuộc đời. Niềm vui làm cho mỗi tâm hồn trở nên ấm cúng.
Niềm vui chỉ thực sự có khi có tình yêu. Khi không có tình yêu thì không có niềm vui thực sự. Và đặc biệt khi được tình yêu của Thiên Chúa tiếp sức, con người ta lúc nào cũng có thể rạng rỡ tươi cười, mặc dù có khó khăn mặc dù có đau khổ, gương mặt luôn biểu lộ hạnh phúc bởi vì lúc nào trái tim cũng dào dạt yêu thương.
Niềm vui Tin Mừng là có trong tâm hồn chính Chúa Giêsu. Đó là động lực thúc đẩy chúng ta can đảm làm chứng cho Chúa qua cuộc sống của mình.
"Chúng tôi phải làm gì?". Mùa Vọng này, mong sao những thao thức sẽ biến thành việc làm cụ thể, đời sống chúng ta sẽ luôn màu hồng và tâm hồn chúng ta chan chưa niềm vui Tin Mừng.
Lm Giuse Nguyễn Hữu An

====================
Suy niệm 5
VUI MỪNG – CẢI HỐI

Nhớ lại 11 năm về trước, con rất đỗi diễm phúc, hân hoan được Đức Giám Mục Lu-i An-tô-ni-ô G. Tag-lê (bây giờ là Hồng Y, Tổng trưởng Bộ Truyền Giảng Tin Mừng cho các Dân tộc) đặt tay truyền chức Linh Mục cùng với hai Thầy Phó Tế học chung khoá Thần học tại Học Viện Ngôi Lời (14/12/2010). Với tâm tình tạ ơn, khắc ghi, kỷ niệm và canh tân, con xin quý anh chị em cùng với con dâng lên Thiên Chúa lời tán tụng chân thành và tiếp tục cầu nguyện cho con trong sứ vụ phục vụ-mục vụ-truyền giáo.
Hôm nay, chúng ta bước vào Chúa Nhật III Mùa Vọng, cũng được gọi là Chúa Nhật Màu Hồng. Ngày được mang tên ‘Chúa Nhật Hân Hoan’ hay ‘Chúa Nhật Mừng Vui’ (Gaudete Sunday). Trong thánh lễ, ngọn nến màu hồng nhạt được thắp lên, tượng trưng cho niềm hân hoan, lòng trào dâng vui sướng vì Chúa đã gần đến, mặc lấy xác phàm, thân phận yếu hèn, trở nên một với chúng ta và ở giữa cộng đoàn ta, gia đình ta, xã hội và trần gian hầu mọi người nhận ra, đón nhận và tin yêu nơi Người.
Vì vậy, các bài đọc Phụng vụ xoay quanh cụm từ ‘mừng vui’, ‘hân hoan’, ‘hoan hỉ’ như trong thư gửi của Thánh Phao-lô gửi cho Giáo đoàn Phi-líp-phê: “Anh em hãy vui luôn trong Chúa” (Gaudete in Domino semper) [x. Pl 4, 4]. Tương tự, lời tán tụng, cảm tạ, tri ân trong Sách Ngôn sứ Xô-phô-ni-a: “Chúa là Thiên Chúa ngươi là Đấng mạnh mẽ ở giữa ngươi, chính Người cứu thoát ngươi. Người hân hoan vui mừng vì ngươi. Người cảm động yêu thương ngươi, và vì ngươi, Người sung sướng reo mừng” (Xp 3, 17).
Thật dễ hiểu, khi chúng ta vui mừng, chúng ta biểu lộ niềm hân hoan ấy ra bên ngoài, qua cử chỉ, lời nói, hành động một cách tự nhiên. Giống như xem một cuốn phim hay, một vở kịch vui, ý nghĩa, hay buổi hoà nhạc hoành tráng, hay được tiếp kiến Đức Thánh Cha hoặc diện kiến ai đó mà lòng mình thích thú, rạo rực; thì chính lúc ấy, chẳng cần ai hỏi, chúng ta dễ dàng bộc lộ niềm vui, chia san giây phút dường như ngây ngất ấy cho anh chị em mình một cách đơn sơ, chẳng hề che đậy hoặc giấu diếm. Tuy nhiên, đây còn hơn thế nữa, chúng ta được chiêm ngưỡng Ngôi Hai Thiên Chúa giáng trần, sinh lại nơi cung lòng thế nhân giữa bao bề bộn, lo toan của cuộc sống trần thế, thì tâm hồn của chúng ta rạo rực, dâng trào, vui mừng khôn tả không ngơi!
Thế nhưng, niềm vui hồ hởi đón nhận Chúa Giê-su Hài Đồng vào cung lòng ta, vào gia đình, vào cộng đoàn giáo xứ, vào mọi trạng huống trong cuộc đời ta, phải được đi đôi với lòng thành tín, thái độ khiêm nhu và tâm hồn sẵn sàng được biến đổi, gạn lọc, thánh hoá như gương Thánh Gio-an Tiền Hô đã dám làm chứng, không từ chối (x. Ga 1, 20) sứ mạng của chính mình, dẫu chỉ là ‘tiếng kêu trong hoang địa’ (Ga 1, 23), là ‘chứng nhân làm chứng về sự sáng’ (Ga 1, 7). Thánh Gio-an Tẩy Giả đã loan báo việc cải hối cụ thể, thiết thực: “Ai có hai áo, hãy cho người không có; ai có của ăn, cũng hãy làm như vậy…” (x. Lc 3, 11). Đặc biệt, khi đám đông dân chúng tưởng ngài là Đấng Cứu Thế, gặn hỏi ngài về thân phận: “Có phải chính ông là Đức Ki-tô chăng?” (Lc 3, 15), không chút do dự, cũng chẳng quanh co ‘nhiều đường lắc léo’, Thánh Gio-an Tiền Hô đã khiêm hạ khẳng định: “Tôi lấy nước mà rửa các ngươi, nhưng Đấng quyền năng hơn tôi sẽ đến, tôi không xứng đáng cởi dây giày cho Người, chính Người sẽ rửa các
ngươi trong Chúa Thánh Thần và lửa” (Lc 3, 16). Thiết nghĩ, thật tội nghiệp cho Chúa Hài Nhi lắm thay nếu hang đá tâm hồn chúng ta đầy quanh co, bợn nhơ, nhem nhúa, tội lỗi; nếu hang đá gia đình chúng ta thiếu đi lòng quan tâm, chăm sóc cho nhau; nếu hang đá cộng đoàn chúng ta đầy sự đố kỵ, ganh đua, chia rẽ, v.v...thì thử hỏi Chúa Hài Đồng có vui vẻ gì khi giáng sinh, cư ngụ lại trong hang đá tâm hồn chúng ta hay chăng?
Vì thế, để mỗi người chúng ta có thể chuẩn bị tâm hồn, tâm trí, tâm thức, tâm tư xứng đáng đón mừng Mầu Nhiệm Ngôi Hai Nhập Thể, chúng ta cùng nhau nhìn lại bản thân, nhìn lại gia đình, cộng đoàn, giáo xứ của mình trong tâm tình cải hối, sẵn sàng biến đổi hầu trở nên hang đá ấm áp, toả đầy hương thơm nhân đức, với lòng khiêm cung, đơn sơ, chân thành như Chúa Giê-su Hài Nhi luôn dang rộng đôi tay gọi mời, tha thiết đón nhận mọi người chúng ta đến với Người:
Lạy Chúa, biết bao lần Người mời gọi con hãy vui mừng thật sự trong Chúa
Nhưng tâm hồn chúng con đầy lo toan, nỗi buồn trĩu nặng, gánh nặng trần ai!
Biết bao lần Chúa thúc giục tâm trí, con tim bé nhỏ, yếu đuối của con
Nhưng con nào chú tâm lắng nghe tiếng Chúa Thánh Linh và bước theo Người!
Biết bao lần Thánh Thần Chúa, niềm hoan lạc trải rộng hồn con
Nhưng nào con đón nhận, lại ‘dập tắt’ nguồn linh hứng, soi sáng trí lòng con!
Biết bao lần Chúa đánh động con qua lời hướng dẫn, huấn từ
Nhưng con nào mở lòng gẫm suy, lại mặc lấy thái độ khinh khi, chỉ trích!
Tâm hồn con giờ đây nhiều chỗ quanh co, khuất tất
Xin Người đến sửa lại thẳng ngay trí lòng chúng con!
Tâm hồn con lắm đổi nhiêu khê, bụi trần truân chuyên
Xin Người đến cải hoá, thánh hoá con sạch trong!
Tâm hồn con nhiều chỗ đoạn trường, chông gai
Xin Người đến san bằng, đắp đổi không ngơi!
Tâm hồn con vô vàn xa lộ ngút ngàn cách ngăn
Xin Người đến thông đường, hàn gắn vết đổ cố căn!
Tâm hồn con đầy dẫy đường ngầm tối tăm, mịt mờ
Chúa là nguồn ánh sáng chiếu rọi, phá tan bóng đêm dặm trường mù khơi!
Xin cho con biết xét nghiệm tất cả, biết giữ lại lòng thanh
Tránh xa mọi nẻo đường, hố ngăn cách lòng con với Người!
Cho cộng đoàn, giáo xứ nhỏ bé của chúng con
Luôn sẵn sàng hớn hở chia san Niềm Vui Cứu Độ với hết mọi người!
Nguyện xin Chúa Cả Cửu Trùng, lắng nghe đón nhận cả lòng con thơ. Amen!

Lm. Xuân Hy Vọng

====================
Suy niệm 6
NIỀ
M VUI TRN VN

Kính thưa quý ông bà và anh chị em. Trong tâm tình chờ đón Chúa Giê-su giáng sinh, Mẹ giáo hội mời gọi mỗi người chúng ta trút bỏ nỗi phiền muộn, vẻ mặt u ám, tâm trạng buồn tủi, và mặc lấy tâm hồn tín thác, con tim hoan hỷ, vui mừng với lòng cảm mến vô biên mà chúng ta cùng nhau dâng lên Chúa qua lời nguyện Nhập lễ “Anh chị em hãy vui luôn trong Chúa...” (Gaudete in Domino semper). Vì vậy, Chúa Nhật thứ 3 Mùa Vọng còn được gọi là Chúa Nhật Hân Hoan (Gaudete Sunday), và chủ tế mặc áo lễ màu hồng để diễn tả niềm vui chờ đón Chúa Cứu thế.
Qua các bài đọc hôm nay, chúng ta có thể thấy một điểm chung, đó là: niềm hân hoan, lòng vui sướng vì Chúa đã gần đến. Niềm hoan hỷ, vui mừng này không phải cảm xúc hay tâm trạng nhất thời, chóng qua, nhưng tiên vàn là lòng hoan lạc xuất phát từ tâm hồn bình an, tín thác, chia san mà Thiên Chúa ân ban cho chúng ta. Như lời tiên tri Xê-phô-ni-a loan báo cùng dân Is-ra-en trong bài đọc I: “Đc Chúa, Thiên Chúa ca ngươi đang nggia ngươi, Ngưi là Vcu tinh, là Đng anh hùng. Vì ngươi, Chúa svui mng hoan h, sly tình thương ca Ngưi mà đi mi ngươi. Vì ngươi, Chúa snhy múa tưng bng như trong ngày lhi” (Xp 3, 17-18). Tuy nhiên, trong tâm tình chờ đón, mong đợi Đấng Cứu thế, chúng ta nên hung đúc ngọn lửa của lòng hoan lạc và niềm hân hoan như thế nào?
Câu trả lời không đâu xa, mà rất gần gũi với chúng ta, đó là lời Thánh Phao-lô khuyến khích các tín hữu giáo đoàn Phi-líp-phê trong bài đọc II “Anh em hãy vui luôn trong nim vui ca Chúa. Tôi nhc li: vui lên anh em!...anh em đng lo lng gì c, nhưng trong mi hoàn cnh, anh em cđem li cu khn, van xin và tơn, mà giãi bày trưc mt Thiên Chúa nhng điu anh em thnh nguyn. Và bình an ca Thiên Chúa là bình an vưt lên trên mi hiu biết, sgicho lòng trí anh em đưc kết hp vi Đc Ki-tô Giê-su” (Pl 4,4-7) Ông bà ta có câu: “vui không quên nhiệm vụ”. Thật chí lý, khi chúng ta vui mừng quá đỗi, chúng ta thường quên đi những gì nên làm và công việc phải làm. Do đó, để sống niềm hân hoan chờ đón Chúa giáng sinh, chúng ta nên khắc ghi trong tâm khảm của mình: lòng tín thác. Một khi chúng ta đặt niềm tin vào Thiên Chúa thì chúng ta phó dâng tất cả cho Ngài trong mọi hoàn cảnh, mọi thời khắc của cuộc đời. Chẳng những cuộc sống hiện tại, mà mọi sự phía trước, những kế hoạch, dự định của chúng ta. Hơn nữa, niềm tín thác này dẫn chúng ta đến tâm tư luôn mong mỏi được kết hợp mật thiết với Chúa qua đời sống cầu nguyện. Nơi đó, ta gặp gỡ, chuyện trò, kết tình thân với Ngài. Nơi đó, ta đặt hết niềm tín thác nơi Ngài và Ngài cũng hết lòng tin tưởng chúng ta. Nơi đó, ta mong mỏi chờ đợi Ngài, và cũng chính nơi đó Ngài đang mong đợi ta vứt bỏ con người tội lỗi, những tính hư nết xấu mà quay trở về với Ngài.
Với lòng tin tưởng nơi Thiên Chúa, chúng ta sẽ không còn ưu tư, sầu não, lo lắng không đâu nữa, và như vậy, chúng ta sẽ trung thành với đời sống cầu nguyện. Vì khi cầu nguyện chúng ta sẽ không còn bồn chồn, lo âu; ngược lại, khi chúng ta âu lo, não nề với vô vàn sự việc thế gian thì chúng ta sẽ không thể cầu nguyện được, tâm hồn sẽ chẳng được bình an và vui mừng! Hơn nữa, ngọn lửa của niềm hân hoan mong đợi Đấng Cứu Thế cần phải được hung đúc, cháy lên với lòng ước ao chia san với hết mọi người. Chẳng ai trong chúng ta có thể vui một mình được, mà nếu có đi chăng nữa, thì niềm vui ấy không được trọn vẹn! Những người đến gặp Gio-an Tẩy Giả ước ao được hưởng trọn niềm hân hoan mà Đấng Cứu Thế hứa ban qua lời tiên tri của ông, nên hỏi ông rằng: “Còn chúng tôi, chúng tôi phi làm gì đây?” (Lc 3, 10). Và con thiết nghĩ, ai ai trong chúng ta cũng muốn đặt câu hỏi này với Gio-an Tiền Hô! Trong trình thuật Phúc Âm mà chúng ta đọc hôm nay, Gio-an Tẩy Giả trả lời rất cụ thể cho từng thành phần trong xã hội thời bấy giờ, nhưng chung quy lại là: để hưởng được niềm vui trọn vẹn, chúng ta hãy biết chia san, chu toàn bổn phận của mình với lòng mến, và lấy lòng nhân ái đối xử, giúp đỡ nhau.  Sau cùng, biết khiêm hạ nhận mình là ‘người đến sau’, là ‘người dọn đàng’ như Gio-an Tiền Hô mà thôi “...tôi không xng đáng ci quai dép cho Ngưi. Chính Ngưi slàm phép ra cho anh em trong Thánh Thn và la” (Lc 3, 16) Lòng khiêm tốn, khiêm nhu giúp chúng ta biết chính bản thân; giúp chúng ta sống hòa nhã, nhẫn nại, đơn sơ, chân thành, chia sẽ niềm vui với hết mọi người, đặc biệt trong gia đình, cộng đoàn, giáo xứ, nơi công sở và xã hội. Lòng khiêm nhu chân thành dẫn đưa chúng ta đến một tâm hồn biết ơn, cảm tạ. Trong tinh thần ấy, niềm hân hoan, vui mừng sẽ được hung đúc, chia san, và trở nên trọn vẹn khi ta chờ đón Chúa Giáng Sinh.
Ma-na-ra-tha! Lạy Chúa Giê-su xin hãy đến đổi mới tâm trí, cõi lòng chúng con để chúng con xứng đáng lãnh nhận niềm hoan hỷ đích thật, lòng vui mừng khôn tả mà Ngài ban xuống cho thế trần. Ước gì niềm vui sướng, hoan lạc ấy cháy lên trong con qua lòng tín thác vào Chúa, tâm hồn khiêm nhu, tấm lòng biết mở ra chia san với hết mọi người. Amen!

Lm. Xuân Hy Vọng

====================
Suy niệm 7
Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa

(Lc 3, 10 - 18)

Lời mời 'hãy vui lên' là đặc điểm của Mùa Vọng. Mong đợi Chúa giáng trần, mong đợi mà chúng ta đang sống là niềm vui. Và Chúa nhật thứ III Mùa Vọng, chiều kích của niềm vui này đặc biệt nổi bật trong ca nhập lễ với những lời khích lệ của Thánh Phaolô "Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa" (Pl 4,4). Tại sao chúng ta vui? Câu trả lời là vì Chúa sắp ngự đến rồi (x.Pl 4, 5).
Hôm nay Phụng vụ Giáo hội đang màu tím chuyển sang hồng thể hiện rõ nét của niềm vui, vui vì những gì đã đạt được trong chặng đường thứ nhất của Mùa Vọng, nay nghỉ một chút để nhìn lại chặng đường đã qua với niềm vui, và lấy thêm đà mới chuẩn bị mừng (Chúa Giáng Sinh), nên Giáo hội mời gọi con cái mình “Gaudete - Hãy vui lên”.
Với lời thánh ca du dương phỏng theo lời của thánh Phaolô: Anh em hãy vui lên trong niềm vui của Chúa. Vui như Isaia nói :“Tôi hớn hở vui mừng trong Chúa, và lòng tôi hoan hỉ trong Chúa tôi” (Is 61, 10). Lời nguyện nhập lễ hôm nay đưa chúng ta vào chính niềm vui thiêng thánh ấy: “Lạy Chúa, xin đoái xem, này dân Chúa đem tất cả niềm tin đợi chờ ngày lễ Sinh Nhật Đấng Cứu Thế. Xin hướng niềm vui chúng con về chính nguồn hoan lạc của mầu nhiệm Giáng Sinh cao cả để tâm hồn chúng con hoàn toàn đổi mới mà họp mừng ngày cứu độ đã gần kề” (Lời nguyện nhập lễ Cn III Mùa Vọng).
Những lời trên làm tâm hồn chúng ta rạo rực hẳn lên, dẫn chúng ta bước vào mầu nhiệm của niềm vui ơn cứu độ. Nghe những lời loan báo của Xôphônia chúng ta không thể không vui : “Hỡi thiếu nữ Sion, hãy cất tiếng ca! Hỡi Israel, hãy hoan hỉ! Hỡi thiếu nữ Giêrusalem, hãy hân hoan và nhảy mừng hết tâm hồn!” (Xp 3, 14-15). Cũng sứ điệp của niềm vui, Thiên Thần chào Đức Maria: “Hỡi Bà đầy ơn phúc, hãy vui lên” (Lc 1,26). Lý do chính để thiếu nữ Sion vui là có: “Chúa là Thiên Chúa ngươi, là Đấng mạnh mẽ ở giữa ngươi, chính Người cứu thoát ngươi. Người hân hoan vui mừng vì ngươi. Người cảm động yêu thương ngươi, và vì ngươi, Người sung sướng reo mừng” (Xp 3, 16-18).
Xôphônia muốn chúng ta phải vui mừng, không có lý do gì để thất vọng, nản chí, buồn sầu, dù tình trạng ta phải đương đầu có thế nào đi nữa, chúng ta chắc chắn về sự hiện diện của Chúa, nguyên sự hiện diện ấy cũng đủ để làm cho tâm hồn ta hân hoan.
Trong thư gửi  tín hữu thành Philiphê, thánh Phaolô mời gọi con cái mình vui lên trong niềm vui của Chúa, và ngài đưa ra lý do tại sao phải vui mừng. Thưa vì “Chúa đang đến gần!” (Pl 4,5).
Chúa sắp ngự đến rồi, vậy để đón Chúa, chúng ta làm gì đây? Cám ơn những người thu thuế, các quân nhân và những người đã đến hỏi Gioan về cách thức chuẩn bị đón Chúa đến, vì nhờ họ chúng ta mới có câu trả lời, Thiên Chúa không đòi điều gì ngoại thường, nhưng Chúa muốn mỗi người sống theo các tiêu chuẩn liên đới và công bằng; nếu không có những đức tính này thì ta không thể chuẩn bị tốt đẹp để gặp gỡ Chúa.
Khi dân chúng đến hỏi Gioan Tẩy Giả, ông khuyên: “Ai có hai áo, hãy cho người không có; ai có của ăn, cũng hãy làm như vậy” (Lc 3, 11). Thật là phù hợp với tinh thần Đạo Chúa, bởi đức bác ái được đề cao, yêu thương được chú trọng phải thực hành như Thiên Chúa. Bác ái thúc đẩy quan tâm đến người khác và đáp ứng nhu cầu của họ. Công lý đòi phải vượt thắng sự chênh lệch giữa người có của dư thừa và người thiếu những điều tối cần thiết. Công lý và bác ái không đối nghịch nhau, nhưng cả hai chắp lại thành đôi cánh để con người thăng tiến trong yêu thương. Theo Đức Nguyên Giáo hoàng Bênêđitô XVI thì, “Tình thương luôn là điều cần thiết, cả trong một xã hội công bằng nhất, vì luôn luôn có những tình trạng thiếu thốn về vật chất trong đó sự trợ giúp là điều tối cần thiết trong sự yêu thương cụ thể đối với tha nhân” (Trích Deus caritas est, số 28)
Đối với người làm nghề thu thuế, họ thường bị khinh rể bởi lợi dụng địa vị. Gioan không bảo họ phải đổi nghề, nhưng đừng đòi thêm điều gì khác ngoài mức đã được ấn định (x. Lc 3,13). Theo Gioan, tiên vàn hãy chu toàn nghĩa vụ của mình một cách lương thiện. Hãy tuân giữ các giới răn (x. Xh 20,15).
Đến lượt các quân nhân, hạng người dễ bị cám dỗ lạm quyền. Thánh Gioan nói: “Đừng ức hiếp ai, đừng cáo gian ai; các ngươi hãy bằng lòng với số lương của mình” (Lc 3,14). Cả trong trường hợp này, sự hoán cải bắt đầu bằng sự lương thiện và tôn trọng tha nhân: chỉ dẫn này có giá trị đối với mọi người, nhất là những người có trách nhiệm lớn hơn.
Israel vui vì có Chúa, để có được niềm vui đích thực, niềm vui trong Chúa và có Chúa ở cùng. Mượn lời các quân nhân, chúng ta hỏi Gioan Tiền Hô: Còn chúng tôi, chúng tôi phải làm gì? Chắc ngài sẽ chỉ cho chúng ta những việc phải làm. Chỉ dẫn của Gioan Tẩy Giả vẫn luôn thời sự: cả trong thế giới đại dịch chúng ta đang sống, tình thế sẽ khá hơn nếu mỗi người tuân giữ các qui luật hành xử này.
- Đừng xét đoán để khỏi bị xét đoán, hãy tha thứ và cho đi, tránh tật nói hành nói xấu, tránh lời nói ghen tương, phân bì, đón nhận điều tốt lành ở nơi mỗi người.
- Cởi mở tâm hồn đối với những người đang sống trong tình trạng bấp bênh, đau khổ; những anh chị em bị tước đoạt phẩm giá. Hãy phá vỡ hàng rào của sự dửng dưng lãnh đạm là thái độ đang lan tràn, che đậy sự giả hình và ích kỷ.
- Vui mừng thực thi những công việc bác ái về thể lý và tinh thần, “để thức tỉnh lương tâm ngái ngủ của chúng ta trước thảm trạng nghèo đói” và đừng quên rằng “vào cuối đời, chúng ta sẽ bị phán xét về đức bác ái” (lời Thánh Gioan Thánh Giá).
Ước chi Lễ Giáng Sinh nay đã gần, thôi thúc chúng ta khắp nơi trên trần thế canh tân niềm tin của mình vào Thiên Chúa và vào Con của Ngài là Đức Giêsu Kitô, đồng thời chuẩn bị một nơi xứng đáng để đón tiếp Chúa Kitô.
Lạy Mẹ Maria, xin giúp chúng con chuẩn bị tâm hồn để đón rước Chúa Giêsu. Amen.                    

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

====================
Suy niệm 8
Làm Gì Để Có Niềm Vui?
Xp 3,14-18; Pl 4,4-7; Lc 3,10-18
Với phẩm phục màu hồng, phụng vụ Chúa nhật III mùa vọng thể hiện niềm vui đón chờ Chúa đang đến thật gần. Nhưng phải làm sao để có được niềm vui trong “ngày của Chúa”?
Trong Tin Mừng hôm nay, đám đông đua nhau hỏi ông Gioan Tẩy Giả: “Chúng tôi phải làm gì?” Ông trả lời rõ ràng cho mỗi hạng người: “Ai có hai áo, thì hãy chia cho người không có; ai có gì ăn thì cũng làm như vậy. Cũng có những người thu thuế đến chịu phép rửa. Họ hỏi ông: “Thưa Thầy, chúng tôi phải làm gì?” Ông bảo họ: đừng đòi hỏi gì quá mức đã ấn định cho các anh”. Binh lính cũng hỏi ông: “Còn anh em chúng tôi thì phải làm gì?” Ông bảo họ: “Chớ hà hiếp ai, cũng đừng tống tiền người ta, hãy an phận với số lương của mình”. (Lc 3,11-14).
Ông Gioan kêu gọi những người thu thuế sám hối để sống công bằng, không đòi hỏi quá mức đã được ấn định cho họ. Với binh lính ông bảo chớ hà hiếp ai, đừng tống tiền người ta... Ông kêu gọi mọi người sống bác ái: Ai có của ăn, áo mặc hãy chia cho người không có... Cuộc đời Gioan Tẩy Giả luôn nêu gương khiêm tốn, dạy chúng con sống khiêm nhường. Nhìn vào ông dân chúng thời đó luôn nghĩ ông chính là Đấng Mêsia muôn dân đang mong đợi. Nhưng ông đã khiêm tốn mà phân bua: “Tôi, tôi làm phép rửa cho anh em trong nước, nhưng có Đấng mạnh thế hơn tôi đang đến, tôi không đáng cởi quai dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần và lửa”.
Chính Gioan Tẩy Giả nhìn thấy Thần Khí ngự xuống trên Đức Giêsu. Mặc khải của Thiên Chúa khiến con mắt xác thịt của ông nhận ra Đức Giêsu là Con Thiên Chúa tràn đầy Thần Khí. “Người đến sau tôi, nhưng có trước tôi”, vì Ngài là Thiên Chúa có từ thuở đời đời. Ông không còn phải nghi ngờ gì nữa.
Lạy Chúa! xin cho chúng con nhận ra Chúa trong những biến cố đời thường, nơi những người anh em bé mọn, thiếu thốn, lầm than vất vả ngay bên, để chúng con niềm nở đón nhận và sẻ chia với họ trong yêu thương và cùng nắm tay nhau đón mừng Chúa đến trong cuộc đời của mỗi chúng con. Xin Chúa cho chúng con nhận ra và sống mầu nhiệm nhập thể của Chúa, khiêm nhường nhìn nhận, biết làm nhỏ đi chính mình, để Chúa được lớn lên trong chúng con mỗi ngày. Ước chi cuộc đời hiện tại của chúng con làm chứng rằng Người chính là Thiên Chúa đã đến và ở lại với chúng con, hôm nay và mãi. Amen.
Én Nhỏ
 
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log