=================
Suy niệm 3
SỐNG KẾT HIỆP VỚI GIA ĐÌNH THÁNH GIA
Kính thưa cộng đoàn Phụng vụ! Cứ mỗi lần sau lễ Giáng Sinh, chúng ta lại được hân hoan cùng với Giáo Hội mừng kính trọng thể lễ Thánh Gia Thất. Nhìn vào Thánh Cả Giu-su, Đức Ma-ri-a và Chúa Giê-su Hài Đồng, chúng ta không khỏi bồi hồi suy xét, noi gương, học hỏi nơi gia đình Thánh Gia. Với bao nỗi gian truân khó khăn xoay quanh mỗi gia đình, cũng như vấn nạn về gia đình hiện nay, chúng ta không quên những niềm vui thường ngày trong gia đình dù nhỏ bé đơn sơ, và đôi lúc khó nhận ra. Trên hết, là một gia đình, chúng ta càng xác tín và sống phó thác, cậy trông hơn, đặc biệt trong thời điểm hiện nay.
Như tại Việt Nam, mỗi khi đến lễ Tết Nguyên Đán, các giáo xứ ở Nhật Bản cũng đều chuẩn bị một câu chúc ngắn gọn xúc tích, có thể lấy từ Kinh Thánh, rồi được làm phép trong Thánh lễ đầu năm dương lịch, sau đó phát cho mỗi người, và họ thường treo trước cửa phòng, trước cửa nhà hoặc một nơi nào đó trang nghiêm như nhắc nhở họ sống lời chúc ấy, cũng như chia sẻ thông điệp ấy suốt một năm. Với tinh thần ấy, giáo xứ con năm nay chọn câu: “Kết hiệp với Chúa Giê-su mỗi ngày”. Sống kết hiệp với Chúa Giê-su, với gia đình Thánh Gia mỗi ngày, dù thời điểm phát dịch, ai ai cũng lo sợ, nhà nhà phải giữ khoảng cách, người người tuân giữ những biện pháp phòng ngừa cơ bản, và hạn chế mọi sinh hoạt cộng đồng nơi giáo xứ, trường học, v.v…Ngay cả đến bây giờ, tình hình dịch bệnh nhiều nơi vẫn chưa được kiểm soát!
Nhưng với tất cả những gì chúng ta đang cảm nhận, lắng nghe, chứng kiến hằng ngày qua cuộc sống thường nhật, thiết nghĩ có lẽ chúng ta dễ trở nên lạc lối, hoảng sợ, thu mình và tệ hơn là thơ ơ, xa cách, nếu chúng ta không sống kết hiệp với gia đình Thánh Gia: Giê-su, Ma-ri-a, Giu-se trong đức tin, đức cậy, đức mến! Như ai trong chúng ta đều biết rõ, đây là ba nhân đức đối thần. Nói khác đi, chúng ta được lãnh nhận ba nhân đức này từ Thiên Chúa, chứ chẳng giống như mọi nhân đức tốt lành thánh thiện khác mà chúng ta có thể tập luyện, đắc thủ. Hơn nữa, vì là nhân đức được lãnh nhận từ Thiên Chúa, nên dù con người có thành công, giỏi dang, xuất chúng đến đâu cũng không thể nào tạo ra được!
Quả vậy, chính nhờ noi gương gia đình Thánh Gia, mà chúng ta vững lòng tin vào Chúa, và hết lòng thảo kính mẹ cha như Sách Huấn Ca quả quyết: “Thiên Chúa suy tôn người cha trong con cái; quyền lợi bà mẹ, Ngài củng cố trên đoàn con” (Hc 3, 3). Chưa hết, Thánh Phao-lô còn khuyên nhủ về đời sống gia đình trong Chúa: “Hỡi các bà vợ, hãy phục tùng chồng trong Chúa cho phải phép. Hỡi những người chồng, hãy yêu thương vợ mình, đừng đay nghiến nó. Hỡi những người con, hãy vâng lời cha mẹ trong mọi sự, vì đó là đẹp Chúa…” (Cl 3, 18-20). Như thế, đức tin giúp chúng ta biết sống phó thác trọn vẹn vào Thiên Chúa, dù không biết tương lai ra sao. Có lẽ những gì chúng ta cảm nghiệm và trải qua khác biệt với Đức Mẹ và Thánh Giu-se khi bị lạc mất con trẻ ba ngày, sau khi dâng con vào Đền thánh: “Sau ba ngày, hai ông bà mơi tìm thấy con trong Đền Thờ, đang ngồi giữa các thầy dạy, vừa nghe họ, vừa đặt câu hỏi” (Lc 2, 46); tuy nhiên, một điều chung nhất chính là niềm tín thác, cậy trông và lòng mến mà được Chúa ân ban, sẽ luôn đồng hành, nâng đỡ, nuôi dưỡng chúng ta, nhất là trong đời sống gia đình.
Là con cái trong gia đình, chúng ta biết ra sức sống tốt như Sách Huấn Ca khuyên bảo: “Hỡi kẻ làm con, hãy gánh lấy tuổi già cha ngươi, chờ làm phiền lòng người khi người còn sống. Nếu tinh thần người sa sút, thì hãy rộng lượng, ngươi là kẻ trai tráng, chớ đành khinh dể người” (Hc 3, 12-13). Nhờ đó, “sự bình an của Đức Ki-tô làm chủ trong lòng anh em…” (x. Cl 3, 15); hơn thế, đức tin không lay chuyển, đức cậy kiên vững, và lòng mến dạt dào thúc bách chúng ta luôn dõi theo học đòi nơi gia đình Thánh Gia, sẽ giúp mỗi người trong phận vụ của mình biết mặc lấy những tâm tình cao quý, hầu kết nối mọi người trong gia đình với nhau, đó là: từ bi, nhân hậu, khiêm cung, ôn hoà, nhẫn nại, chịu đựng lẫn nhau, và tha thứ cho nhau (x. Cl 3, 12-13). Mặc khác, hơn ai hết, gia đình Thánh Gia chính là mẫu gương sống trọn vẹn nhân đức tin-cậy-mến, và đời sống yêu thương-tha thứ tuyệt hảo, dù phải bị lạc mất con, rồi kiên trì tìm kiếm con trẻ ba ngày đàng; nhưng khi gặp thấy thì thay vì la mắng, nặng lời răn đe, đòn roi, thì Mẹ Ma-ri-a chon cách thức nhẹ nhàng đầy nhẫn nại, chan chứa tình mẫu tử và lòng vị tha: “Con ơi, sao con lại cưxử với cha mẹ như vậy? Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con!” (Lc 2, 48). Mẹ hết lòng thổ lộ tình yêu của một người hiền mẫu, còn Thánh Giu-se luôn cương trực nhưng hết mực quan tâm Hài Nhi và Mẹ Người trong âm thầm. Khi trở về quê Na-da-rét,dù phải đối diện với cuộc sống đơn nghèo, bao nỗi truân chuyên, khó khăn, gian nan chăng nữa, Đức Mẹ và Thánh Giu-se vẫn luôn chu toàn bổn phận làm cha làm mẹ, sống tin tưởng, phó thác, cậy trông, thực thi giới răn với cả lòng mến, chăm sóc, nuôi dạy Chúa Hài Đồng lớn lên kể cả về mặt thể lực, trí lực và đầy tràn ơn nghĩa với Chúa, cũng như trước mặt muôn người như Thánh sử Lu-ca thuật lại: “…Riêng mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng. Còn Đức Giê-su, ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta” (Lc 2, 51-52).
Cuộc sống gia đình chúng ta hiện nay, thời đại bây giờ biến chuyển nhanh chóng và khác xa với gia đình Thánh gia, nhưng một điều chung bất biến đó là vai trò của cha mẹ đối với con cái, mối quan tâm ân cần dạy dỗ con cái, và tình thân thắm thiết gần gũi của con cái với cha mẹ, cũng như của cha mẹ đối với con cái trong gia đình. Như gia đình Thánh Gia đã hết mực sống đức tin-cậy-mến dù cho hoàn cảnh nào, thì mỗi gia đình chúng ta nên noi theo, nỗ lực, hỗ trợ nhau trong tin yêu, hy vọng, và mời Chúa làm trung tâm gia đình mình qua mọi sinh hoạt thường nhật. Được như vậy, chúng ta sẽ cảm nhận sâu sắc lời kinh nguyện trong nghi thức làm phép nhà: “…Ðể khi ở trong nhà này, họ cảm thấy Chúa là nơi nương tựa; khi đi xa nhà này, họ vui mừng có Chúa là bạn đồng hành; và khi trở về nhà này, họ được Chúa hiện diện luôn mãi, cho đến ngày họ được hạnh phúc viên mãn trong nhà Cha nơi Chúa đã dọn sẵn cho họ…”.
Lạy Thánh Gia Na-da-rét
Dù cho cuộc sống giá rét đêm sương
Tâm hồn không chút vấn vương
Chẳng hề quên lãng yêu thương mỗi ngày.
Nguyện xin gia đình hăng say
Tin yêu-cậy-mến, thẳng ngay giữa đời.
Cõi lòng chan chứa rạng khơi
Mẹ cha nuôi dưỡng, hết lời bảo ban
Đoàn con ân cần chia san
Kính yêu cha mẹ, bình an sớm chiều. Amen.
Lm. Xuân Hy Vọng
=================
Suy niệm 4
Hãy cứu lấy trẻ thơ
(Mt 2, 13-15. 19.23)
Hôm nay, chúng ta cử hành lễ kính Thánh Gia Thất trong cảnh đại dịch gây ra bao nhiêu mất mát và đau thương cho gia đình nhân loại nói chung và mỗi gia đình nói riêng. Theo The Conversation đăng tải cho biết, dịch Covid-19 bùng phát khiến gần 2 triệu trẻ em trên thế giới mất đi người chăm sóc chính (có thể là cha mẹ, ông bà hoặc người giám hộ). Riêng tại Việt nam, theo báo cáo nhanh của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, cả nước có hơn 2.184 trẻ mồ côi, không nơi nương tựa do ảnh hưởng của dịch. Trong đó, có 2.084 trẻ mồ côi cha hoặc mẹ, hơn 41 trẻ là mồ côi cả cha, mẹ do đại dịch. Còn số sẽ còn hơn theo thời gian.
Trong hoàn cảnh xã hội hiện nay, cùng với sự tăng lên của các gia đình ly hôn, nhất là nơi đô thị, số lượng trẻ em trong các gia đình ly hôn cũng tăng lên và rơi vào hoàn cảnh cực kỳ khó khăn. Trong số tỷ lệ 65%-70% gia đình ly hôn, có tới hàng nghìn trẻ em chưa đến tuổi trưởng thành đã sống trong hoàn cảnh không có cha, hoặc không có mẹ, hoặc không có cả cha lẫn mẹ, phải sống với ông, bà, chú, bác nội ngoại, dì ghẻ hoặc bố dượng. Nhiều em rơi vào hoàn cảnh lang thang đường phố để kiếm sống, lao động sớm, hoặc rơi vào tình trạng nghiện hút, bị lạm dụng tình dục, mất mát những quan hệ thiêng liêng như mẹ con, quan hệ huyết thống trong một gia đình truyền thống.
Một vài dẫn chứng trên cho thấy tiếng chuông báo động đã kêu vang, nay kêu to hơn: Hãy cứu lấy gia đình và hãy cứu lấy trẻ em.
Đẹp biết bao khi nhìn vào hang đá chúng ta thấy Chúa Cứu Thế đến trần gian, đã chọn sinh ra trong một gia đình nhân loại, mà chính Người đã thành lập, để cứu các gia đình, nhất là bảo vệ và tôn trọng trẻ thơ. Mừng Chúa Cứu Thế đến cũng là mừng Thánh Gia Thất, nơi Người sinh sống.
Gia đình là tác phẩm tuyệt đẹp của Thiên Chúa
Quả thật, Gia đình là điều đẹp đẽ nhất mà Thiên Chúa đã dựng nên. Người dựng nên loài người có nam có nữ, và ban cho họ mọi sự. Người ban cho họ quyền toàn thế giới! Họ chan hòa trong tình yêu của Người. Mọi tình yêu Thiên Chúa, mọi vẻ đẹp Thiên Chúa, mọi sự thật Thiên Chúa có trong Chúa, Chúa đều ban hết cho gia đình. Ađam và Evà sống tình thân nghĩa thiết với Thiên Chúa và với nhau, rất hạnh phúc, không phải đau khổ và không phải chết.
Gia đình tan vỡ do Tội Nguyên Tổ
Nhưng rồi con người tự tách mình ra khỏi Đấng đã dựng nên họ. Thế là đánh mất tất cả, tình nghĩa vợ chồng phân tán, hết anh em (huynh đệ tương tàn), hết hòa bình, hết tình yêu, cái đẹp và sự thật. Hậu quả là từ đó cho đến nay gia đình luôn ở trong tình trang bị đe dọa do tội lỗi, phá thai, coi thường người già, bất hiếu, sống chung, ly dị, khiến cho nhiều trẻ thơ dù sống với mẹ hay với cha vẫn thiếu tình thương, hơi ấm của cha hoặc mẹ cho dù cha hoặc mẹ có quyền thăm nom chúng. Chung qui lại là chúng sống thiếu tình thương. Các tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật, trộm cắp, cờ bạc, đánh nhau… là điều chúng dễ đến. Gia đình tan nát, xã hội không có tương lai.
Thiên Chúa cứu vớt trong tình thương
Tuy nhiên, Thiên Chúa không bỏ rơi gia đình. Vì gia đình được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa trong tình yêu. Nếu Thiên Chúa không yêu thương chúng ta thì Ngài không tạo dựng nên chúng ta. Ngài không dựa vào những gì chúng ta làm, hay thành quả chúng ta có được, Ngài chỉ nhờ vào công nghiệp của Con Ngài là Đức Giêsu giáng thế. Ngài yêu thương chúng ta vô bờ bến. Không ai yêu chúng ta bằng Thiên Chúa. Ngài yêu chúng ta hơn cả chúng ta yêu chúng ta. Muốn cứu vớt gia đình nhân loại, muốn tôn trọng trẻ thơ, Thiên Chúa đã chọn một gia đình để đến cứu vớt!
Hãy cứu lấy trẻ thơ
Sống trong xã hội hiện đại không phải gia đình nào cũng sẽ êm đềm hạnh phúc. Sẽ có những cãi vã, mâu thuẫn mà không phải ai cũng có thể hi sinh, nhẫn nhịn để bảo vệ hạnh phúc gia đình. Trẻ thơ rất dễ tổn thương khi chông chênh đứng giữa những chọn lựa ở với mẹ hoặc bố, hay sống với ông bà, người thân. Vậy nên, để có được tương lai an toàn, hạnh phúc cho những đứa trẻ, rất cần sự cố gắng, nỗ lực của những bậc làm cha, làm mẹ.
Có nhiều vết thương lớn hằn sâu nơi các gia đình và con cái, do thiếu thốn nhu cầu cần thiết, thiếu tiền bạc, thiếu giáo dục. Những chính sách không ủng hộ gia đình, kỳ thị tôn giáo, văn hoá, hành hạ trẻ em, bạo động trong gia đình, chiến tranh, xung khắc giữa các chủng tộc, biến đổi khí hậu. Tất cả đều để lại những vết thương. Đó là những lý do khiến Đức Giêsu Kitô phải thân hành xuống thế để rao giảng, để chữa lành những vết thương. Người không chỉ cứu chúng ta khỏi sự yếu đuối, nhưng Ngài muốn trở nên như chúng ta để cảm nghiệm được những đau khổ, sự thất lạc, vô gia cư, sỉ nhục khi ở trên thánh giá, chết và an táng trong một ngôi mộ không phải của mình. Người mang lấy vào thân những đau khổ của chúng ta, ngoại trừ tội lỗi, Ngài sống lại vẫn còn vết thương. Gia đình nào trong chúng ta cũng cần được Chúa yêu thương, thì chúng ta phải thương yêu nhau.
Những trẻ em sống cảnh cha mẹ ly hôn thường cảm thấy sợ hãi, vì không phải cha mẹ từ bỏ nhau mà là từ bỏ chính chúng. Chúng gặp phải rất nhiều khó khăn trong quá trình thích ứng tâm lý – xã hội như: khó khăn trong học tập, sinh ra tâm lý mặc cảm, tự ti, ngại tiếp xúc, có xu hướng co mình.. Theo nhiều nghiên cứu cho thấy, nhóm trẻ trai này có tỷ lệ nghiện rượu, nghiện ma túy và có nguy cơ xuất hiện các rối nhiễu tâm lý cao hơn hẳn nhóm trẻ bình thường. Những đứa trẻ phải sống cùng mẹ kế hay bố dượng thì vấn đề “con anh con tôi”, khả năng được đảm bảo về giáo dục và khả năng an toàn cho bản thân là thấp.
Lạy Chúa Hài Nhi, Chúa đã trở nên bé thơ, sinh ra trong gia đình để cứu các gia đình, xin dạy chúng con tôn trọng trẻ em. Amen.
Lm. Antôn Nguyên Văn Độ
=================
Suy niệm 5
Những thánh gia Na-da-rét thời đại mới
Hằng năm vào dịp lễ Thánh gia là ngày bổn mạng của giáo xứ, sau khi lễ xong, các gia đình trong giáo xứ tập trung đông đảo chung quanh hang đá cầu nguyện với thánh gia thất và mỗi gia đình cử ra một vị đại diện tuần tự tiến lên hàng đôi đến trước bộ tượng ba đấng, dâng lên Chúa Giê-su, Đức Mẹ và thánh Giu-se những bông hoa thắm tươi để tỏ lòng tôn kính mến yêu.
Thế mà hôm qua, chỉ còn ba ngày nữa là đến lễ Thánh gia, lợi dụng bóng tối, có kẻ bất lương đến đập vỡ ba bức tượng thánh Giu-se, Mẹ Maria và Chúa hài đồng có tầm cao như người thật, đặt trong hang đá lớn nằm bên hông nhà thờ, khiến mọi người trong xứ đạo rất đau lòng và bối rối.
Biết tính sao đây, khi lễ Thánh gia đã gần kề? Tìm đâu ra bộ tượng ba đấng mới thế vào bộ tượng bị phá tan? Nghi lễ dâng hoa cho ba đấng vào mỗi dịp lễ Thánh gia là một nghi lễ truyền thống đã được thực hiện xuyên suốt từ hơn trăm năm qua, lẽ nào năm nay không tổ chức được? Ngoài ra, ngày lễ Thánh gia đã cận kề nên cũng không thể đặt một bộ tượng khác thay thế.
Trước tình thế đó, Cha xứ có một sáng kiến táo bạo: Ngài cho mời đôi vợ chồng mới sinh đứa con trai đầu lòng được chừng tháng tuổi và mới được rửa tội mấy ngày trước, mặc y phục truyền thống thật chỉnh tề, đóng vai Đức Mẹ, thánh Giu-se và Chúa Giê-su thay cho bộ tượng hang đá bằng thạch cao đã hư hại. Ngài sắp xếp cho cặp vợ chồng quỳ bên trong hang đá, chầu hai bên đứa con thơ và kêu mời đại diện các gia đình trong giáo xứ dâng hoa cho ba vị nầy trong tư cách là hình ảnh của thánh gia Na-da-rét.
Sáng kiến nầy đã làm cho một số người trong họ đạo cảm thấy bị sốc. Họ cho rằng làm như vậy là quá đề cao gia đình người tín hữu và xúc phạm đến ba đấng thánh.
Cha Sở diễn giảng cho họ như sau:
Khi đề nghị gia đình anh chị Năm đóng vai Giu-se, Mẹ Maria và Chúa Giê-su thế chỗ cho bộ tượng ba đấng bằng thạch cao bị hư, chúng ta không hề xúc phạm đến ba đấng thánh, nhưng xem gia đình anh chị Năm đây là hình ảnh rất trung thực và cao quý của thánh gia Na-da-rét.
Tại sao tôi nói như vậy?
Thứ nhất, bộ tượng ba đấng mà ta kính viếng xưa nay là hình ảnh của Thánh Giu-se, Mẹ Maria và Chúa Giê-su do tay người phàm tạo nên bằng thạch cao, không có sự sống; trong khi gia đình anh chị Năm đây là hình ảnh của ba Ngôi Thiên Chúa, do chính Thiên Chúa tạo dựng nên, có linh hồn, có lương tri, có sự sống.
Thứ hai, nhờ lãnh nhận bí tích Thánh tẩy, anh chị Năm cũng như mỗi người chúng ta được trở thành chi thể của Chúa Giê-su (GLHTCG số 1267). Thánh Phao-lô cũng xác nhận điều nầy: “Nào anh em chẳng biết rằng thân xác anh em là phần thân thể của Đức Ki-tô sao?” (I Cor 6,15).
Thứ ba, nhờ rước lấy Mình thánh Chúa Giê-su trong bí tích Thánh Thể, anh chị Năm được trở nên cùng chung máu thịt với Ngài, được thông dự vào sự sống của Thiên Chúa, được thông phần bản tính Thiên Chúa (2 Pr 1, 4).
Ngoài ra, Chúa Giê-su và Hội thánh thường dạy chúng ta rằng “Thiên Chúa đồng hóa với con người”, con người là hiện thân của Thiên Chúa.
Thứ tư, Hội Thánh công giáo xưa nay vẫn nhìn nhận gia đình của ki-tô hữu là gia đình thánh nên Giáo hội quen gọi đó là những hội thánh tại gia, tức là thánh gia.
Như vậy, không có một bức tượng nào do tay người phàm làm ra dù bằng thạch cao, bằng gỗ, bằng đá hay bằng kim loại quý… xứng đáng được chọn làm hình ảnh của Chúa Giê-su, của Mẹ Maria, của thánh Giu-se cho bằng chính mỗi Ki-tô hữu chúng ta.
Sau khi hiểu được những điều cha xứ giải thích, mọi người vui vẻ dâng những đoá hoa thật đẹp thật tươi cho anh chị Năm được cử đóng vai thánh gia Na-da-rét.
Rồi qua những năm sau, nhiều người trong giáo xứ đều thấy thật là thích hợp và đầy ý nghĩa khi chọn một gia đình công giáo trong họ đạo đóng vai thánh gia Na-da-rét thay vì dùng bộ tượng thạch cao, nên cộng đồng giáo xứ thoả thuận với nhau rằng: đôi vợ chồng nào mới sinh con trai và được rửa tội sớm nhất trong tháng 12 dương lịch thì sẽ được chọn đóng vai thánh Giu-se, Đức Mẹ và Chúa Giê-su để cho giáo dân thăm viếng. Và cũng từ lúc đó, thay vì dâng hoa cho ba Đấng như trước đây, người ta dâng cho em bé trong vai Giê-su những hộp sữa; dâng cho người mẹ trong vai Maria những cuộn chỉ, những chiếc kim, chiếc kéo; dâng cho người cha trong vai Giu-se những dụng cụ làm việc nho nhỏ như những chiếc kìm, chiếc búa, cái đục, cái bào…
Từ sự kiện nầy, các gia đình tín hữu trong xứ đạo đều ý thức mình là những thánh gia Na-da-rét thời mới. Các đôi vợ chồng trong các gia đình luôn trân trọng và yêu quý nhau như Mẹ Maria và thánh Giu-se; Cha mẹ biết chăm lo giáo dục con cái như Mẹ Maria và thánh Giu-se đã làm cho Chúa Giê-su; Con cái luôn vâng phục và thảo hiếu với mẹ cha như Chúa Giê-su đối với thánh Giu-se và Đức Mẹ.
Từ đó, niềm vui, hạnh phúc và đời sống thánh thiện chan hoà trong các gia đình.
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
=================
Suy niệm 6
Gia đình “ngôi nhà thờ phượng Chúa”
Lễ Thánh Gia, Giáo hội mời gọi mỗi gia đình Công giáo hướng về gia đình Nadarét để cùng nhau: “Xây dựng gia đình mình thành ngôi nhà thờ phượng Chúa, trường dạy đức tin, và mái ấm tình thương” (x.Thư Mục Vụ Năm Đức Tin HĐGMVN).
1. Gia đình “ngôi nhà thờ phượng Chúa”
Công Đồng Vaticanô II đã ví “gia đình như một Hội Thánh nhỏ” (Hiến chế Ánh sáng muôn dân, số 11).Thánh Gioan Phaolô II định nghĩa: “Gia đình là Hội Thánh tại gia” (Tông huấn đời sống gia đình, số 11).
Gia đình là Hội Thánh tại gia, bởi lẽ: Chúa Giêsu đã sinh ra và lớn lên trong gia đình Nadarét,có Thánh Giuse và Đức Mẹ.Thánh gia là mẫu mực cho mọi gia đình. Gia đình Công giáo là trường học đức tin đầu tiên, là môi trường sống các bí tích và thực hành các nhân đức Kitô giáo. Cha mẹ là những nhà giáo dục đầu tiên và chính yếu của con cái. Gia đình là cộng đoàn thờ phượng Thiên Chúa.
Qua đời sống cầu nguyện, lãnh nhận các bí tích, gia đình toả sáng sự bình an, trổ sinh nhiều hoa trái thánh thiện. Để trở thành Hội Thánh tại gia, mỗi thành viên phải ý thức về căn tính cao cả và chức năng quan trọng của mình. Mỗi ngày thể hiện rõ nét hơn những tính chất căn bản của Hội Thánh tại gia như hiệp thông, liên đới, yêu thương, thuận hoà, tôn ti trật tự, kinh nguyện sáng tối, sống phục vụ và làm chứng nhân Tin Mừng.
2. Gia đình “trường dạy đức tin”
Tin Mừng Lễ Thánh Gia kể chuyện: gia đình Thánh Giuse, Mẹ Maria và Chúa Giêsu đi hành hương lên Giêrusalem. Hai ông bà là người sùng đạo, tuân giữ lề luật cách trung tín. Theo luật quy định, người Do thái phải hành hương về Đền Thánh “mỗi năm ba lần mọi người nam phải trình diện trước Đấng Toàn Năng là Đức Chúa”. Chúa Giêsu lên 12 tuổi, cùng cha mẹ và đoàn hành hương tiến về Đền Thờ theo tập tục ngày lễ. Đối với người Do thái, 12 tuổi là tuổi trưởng thành. Chúa Giêsu bộc lộ sự khôn ngoan trước các bậc thông thái. Sau khi dự lễ vượt qua, Người ở lại Đền Thờ tranh luận với các tiến sĩ luật “mọi kẻ nghe Ngài đều sửng sốt về trí thông minh và các lời Ngài đối đáp”. Sau đó cả gia đình trở về Nadarét “Chúa Giêsu hằng vâng phục hai ông bà”. Con Thiên Chúa làm người và thuộc về một gia đình, một mái ấm có cha có mẹ. Con Thiên Chúa đã lớn lên trong bầu khí gia đình. Mái nhà là trường học đầu tiên. Cha mẹ là thầy cô căn bản. Đức Giêsu lớn dần về mọi mặt trong Thánh Gia đạo hạnh. 30 năm sống dưới mái nhà Nadarét, Đức Giêsu đã thành một người chín chắn và trưởng thành, sẵn sàng lãnh nhận sứ vụ Chúa Cha trao phó. Đức Giêsu đã học nơi Thánh Giuse tinh thần lao động miệt mài, tâm tình tín thác và luôn thi hành thánh ý Thiên Chúa, lòng nhiệt thành chu toàn trách nhiệm đối với gia đình. Đức Giêsu học nơi Đức Mẹ nét đẹp hiền lành đơn sơ tế nhị, tận tụy phục vụ, tin tưởng phó thác, cầu nguyện thâm trầm.Nếp sống đạo đức của cha mẹ đã ảnh hưởng sâu xa đến cuộc đời Đức Giêsu. Người thừa hưởng nơi cha mẹ lòng yêu mến lề luật, gắn bó với Đền Thờ, thói quen siêng năng nghe và đọc Lời Chúa. Người học nơi cha mẹ tâm tình vâng phục thánh ý Chúa, thái độ hiền lành khiêm nhường, tinh thần phục vụ quên mình, chuyên chăm làm việc, ân cần âu yếm đối với con cái. Gia sản quý báu từ Thánh Gia bàng bạc trong những lời Người giảng dạy, trong đời sống của Người.
Gia đình là nơi trẻ em và thanh thiếu niên hấp thụ nền giáo lý chân chính từ cha mẹ.Công đồng Vaticanô II mong muốn các bậc cha mẹ là những người đầu tiên “dùng gương lành và lời nói truyền dạy đức tin cho con cái”. (Hiến chế tín lý về Giáo hội, số 11).Gia đình chu toàn được sứ mệnh cao cả này nhờ yêu thương,cùng nhau học hỏi và cầu nguyện để hạt giống đức tin được triển nở (Sắc lệnh tông đồ giáo dân, số 11). Cha mẹ chăm lo giáo dục nhân bản và giáo dục tâm linh cho con cái.Với con cái, cha mẹ là những sứ giả đầu tiên của Chúa (GLTC # 2225). Hạt giống đức tin nơi trẻ em được gieo và chăm sóc trong môi trường gia đình sẽ phát triển thành cây đức tin.Gia đình là vườn ươm, là thửa đất tốt. Dạy giáo lý như cung cấp chất dinh dưỡng. Tuỳ theo mức độ hấp thụ, tuỳ theo thời điểm, cây đức tin nơi đứa trẻ sẽ phát triển và đơm bông kết trái. Dạy giáo lý tại gia đình, cha mẹ góp phần với Hội Thánh trong sứ vụ đào tạo đức tin cho con cái.
3. Gia đình “mái ấm tình thương”.
Gia đình là cộng đoàn hiệp thông và liên đới chặt chẽ giữa các thành viên với nhau, bình đẳng về phẩm giá, về ơn gọi trước mặt Chúa và trước mặt nhau. Nhờ đó gia đình trở nên mái ấm với cuộc sống an hoà, yêu thương đầm ấm, chia sẻ, giúp đỡ, hy sinh quên mình vì hạnh phúc của nhau.Hãy gìn giữ mái ấm gia đình. Hãy đặt ưu tiên cho hạnh phúc gia đình.
Ngày nay, trong xã hội tiêu thụ, vì bận rộn với công việc kiếm tiền, một số cha mẹ không gần gũi, không dành thời giờ cho con cái. Vì thế, chúng cảm thấy bị bỏ rơi, thiếu tình thương. Theo mức độ, con cái sẽ lâm bệnh chán nãn, buồn phiền, không thích học nữa, lỳ lợm, xấc láo, ích kỷ, vô cảm, đua đòi thiếu suy nghĩ.Một số phụ huynh chỉ mong con mình học giỏi, thành đạt, kiếm được nhiều tiền. Họ ít quan tâm đến đời sống đạo đức của con, không lo giáo dục đức tin cho con. Có cha mẹ quan niệm, lo cho con được Xưng Tội, Rước Lễ, Thêm Sức là đủ rồi; vì thế có những em sau khi Thêm Sức là bỏ nhà thờ. Sự đa dạng của vi tính và internet quá hấp dẫn lôi kéo con cái chúng ta ra khỏi thực tế và lao vào thế giới ảo, lối sống ảo. Lối sống hiện đại cũng dễ đánh mất bầu khí mái ấm. Mỗi người có một phòng riêng, một thế giới riêng nên mọi người ít quan tâm đến nhau, ít giúp đỡ nhau. “Một gia đình mà hiếm khi mọi người ngồi ăn chung với nhau, hoặc giả có cùng ngồi quanh bàn ăn thì chẳng ai mở miệng trò chuyện với ai, bởi lẽ họ còn đang bận dán mắt vào màn ảnh truyền hình, hoặc đang mê mải với điện thoại thông minh, thế thì gia đình đó không còn đúng nghĩa là một gia đình nữa. Khi ngồi tại bàn ăn mà con cái cứ dán mắt vào máy tính hay điện thoại thông minh và không lắng nghe người khác, thì đó không phải là gia đình nữa, mà là một nhà hưu dưỡng”. (x.Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói về mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình quanh bàn ăn trong buổi tiếp kiến chung ngày 11.11.2015, tại quảng trường Thánh Phêrô).
Các bậc phụ huynh xin hãy nhớ, sức mạnh của sự hiệp nhất các thành viên và đồng hành với nhau trong đức tin làm thành mái ấm gia đình cao quý. Chính tình yêu từ mái ấm sẽ làm trổ sinh hoa trái cho đời sống gia đình. “Gia đình vẫn là cái nôi thông truyền đức tin cho con cái, là trường dạy giáo lý đầu tiên cho thế hệ trẻ, là nơi đào tạo những Kitô hữu vững mạnh trong đức tin và gương mẫu trong đời sống đạo đức”.Từ mái ấm gia đình, cha mẹ con cái siêng năng tham dự Thánh Lễ, chuyên chăm Kinh Hạt tại gia, biết dùng Lời Chúa làm ánh sáng soi đường chỉ lối, luôn sống hoà thuận yêu thương nhau.Theo gương Thánh Gia, mỗi gia đình hãy nỗ lực thực thi lời mời gọi của HĐGMVN : “Ngày nay, dù phải đối diện với nhiều lo toan trong cuộc sống, xin anh chị em cố gắng duy trì và phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình Công Giáo”.
Bài đọc 1 và bài Tin Mừng hôm nay, có thể nói, có chung một cốt chuyện: Cha mẹ đưa Samuen cùng với của lễ là “một con bò mộng ba tuổi, hai thùng bột và một bầu da đầy rượu” lên đền thờ và dâng cho Đức Chúa. “Hằng năm, cha mẹ Đức Giêsu trẩy hội đền Giêrusalem mừng lễ Vượt Qua. Khi Người được mười hai tuổi, cả gia đình cùng lên đền, như người ta thường làm trong ngày lễ”. Cả hai bài đọc chỉ ra vai trò quan trọng nhất của cha mẹ trong gia đình, đó là: đưa con của mình đến đền thờ để dâng cho Thiên Chúa. Nói một cách khác, vai trò của cha mẹ là dạy con cái biết kính sợ Đức Chúa và bước theo đường lối của Ngài. Nhiều khi quá bận rộn với công việc làm ăn, các bậc làm cha mẹ quên mất vai trò là “nhà giáo dục đầu tiên của đức tin cho con cái mình,” và là “những người xây dựng một mái ấm tình thương nơi con cái học yêu và biết được yêu”.
Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã nói:“Hôn nhân tự bản chất là một Phúc Âm, một tin vui cho thế giới ngày nay, cách riêng cho thế giới đang bị mất đi nền văn hóa Kitô giáo”. Hôm nay giáo xứ chúng ta cử hành lễ Thánh Gia, kỷ niệm hôn phối cho các gia đình, chúng ta lại một lần nữa khẳng định lời của ĐTC, khi nhớ lại niềm vui và hạnh phúc của buổi đầu cử hành nghi thức hôn phối, tiệc tùng linh đình, khách khứa đông vui chúc mừng đôi tân hôn trăm năm hạnh phúc…Và tạ ơn Chúa, vì kinh qua bao nhiêu thăng trầm của đời sống gia đình, chúng ta vẫn giữ cho gia đình đậm chất tin mừng.
Từ niềm tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi, Giáo Hội khám phá ra kho tàng quý giá khi nhận biết Thiên Chúa là tình yêu. Tình yêu không đơn độc, nhưng là hiệp thông trao ban giữa Ba Ngôi Thiên Chúa. Gia đình Thiên Chúa Ba Ngôi là mẫu mực nền tảng của hôn nhân gia đình. Và khi Thiên Chúa tạo dựng nên con người theo hình ảnh của Ngài, có nam, có nữ, Ngài mời gọi họ sống yêu thương và hiệp thông. Yêu thương hiệp thông chính là bản chất con người. Vì thế, hôn nhân gia đình không thể bị phá hủy dù bị tấn công tứ bề do chủ nghĩa cá nhân hôm nay. Hơn nữa Thiên Chúa tiếp tục bảo vệ hôn nhân qua các nguồn ân sủng của bí tích trong Giáo Hội. Qua Giáo Hội, chúng ta được làm con của Thiên Chúa, lớn lên trong Chúa Thánh Thần, được dưỡng nuôi bằng chính Thánh Thể Chúa, tha thứ và chữa lành, chuẩn bị cho đời sống gia đình và chúc phúc qua bí tích hôn phối, được Giáo Hội đồng hành trong suốt đời sống hôn nhân gia đình. Đó là tin mừng và hạnh phúc lớn lao của gia đình Kitô hữu.
Nhìn vào Thánh Gia Thất, mỗi gia đình hãy học bài học tuân giữ lề luật thánh: “Khi đã đến ngày lễ thanh tẩy của các ngài theo luật Môsê, Bà Maria và Ông Giuse đã đem con lên Giêrusalem để tiến dâng cho Thiên Chúa”. Để bảo vệ kho tàng thánh, ân sủng của bí tích hôn phối mà Giáo Hội có những luật lệ. Luật lệ bảo vệ nét đẹp của gia đình, chứ không phải những rào cản khống chế tự do của con người. Khiêm tốn tuân theo lề luật của Giáo Hội về hôn nhân hôm nay là cả một thách thức lớn, nhưng đó là phương cách để ở lại trong nhà thờ, tức là Giáo Hội và tôn vinh kho tàng thánh của gia đình là Thiên Chúa Ba Ngôi.
Những năm qua, Giáo hội ưu tư và mục vụ giúp các gia đình trẻ khám phá ra ý nghĩa và ơn gọi của mình. Thao thức ấy của Giáo hội được diễn tả qua các chỉ dẫn của Thượng Hội Đồng Giám Mục về năm gia đình. Tông huấn Amoris laetitia – Niềm vui yêu thương của Đức Thánh Cha Phanxicô là kim chỉ nam trong việc huấn luyện cho những ai đang ở giai đoạn đính hôn. Các bậc cha mẹ luôn có ảnh hưởng trên sự phát triển của con cái, về điều tốt cũng như điều xấu. Vì thế, việc tốt nhất là các bậc làm cha làm mẹ hãy đảm nhận trách nhiệm này và thực hiện việc giáo dục cách ý thức, nhiệt thành, hữu lý và phù hợp. (x.Tông huấn Amoris Laetitia chương VII: Củng cố việc giáo dục con cái).
Gia đình là nơi thể hiện niềm vui tình yêu trong đời sống hằng ngày, từ đó sẽ là “vườn ươm” các nhân đức, là “nơi đào tạo” nhân bản và tâm linh cho con cái, để trở thành một Hội Thánh tại gia.
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
=================
Suy niệm 7
Tìm Con Bị Lạc
Hc 3,3-7.14-17; Cl 3,12-21; Lc 2,41-52
Trình thuật Tin Mừng Luca hôm nay kể chuyện “tìm trẻ lạc” của Thánh Gia Nazareth. Đầu câu chuyện thật bình thường giản đơn: cả nhà đi lễ xa. Nhưng không đơn giản vì lễ xong cậu bé Giêsu thật liều lĩnh, dám tự ý “ở lại” Đền Thờ, chốn đô thành xa xăm, mà cha mẹ không hay biết, để gặp gỡ các bậc thầy Do Thái, một cuộc gặp gỡ đến… quên đường về! Ngày nay nếu chúng con tha thiết với sứ vụ, dịp nào may mà gặp được tâm hồn khao khát lắng nghe, nếu cũng say sưa quên mọi sự thì hay biết mấy! Nếu chúng con từng “gặp gỡ Chúa”, rồi gặp được những tâm hồn đồng cảm, khao khát đón nhận thì thật hạnh phúc. Chúng con sẽ say mê chia sẻ hạnh phúc gặp gỡ, khi người nghe cảm nhận được thì niềm vui hạnh phúc sẽ tăng lên gấp đôi và còn lan tỏa như men.
Bé Giêsu mới mười hai tuổi, vẫn là lứa tuổi thiên thần ngây thơ, dễ thương dễ mến. Vậy mà cậu đã một phen làm cha mẹ phải “rụng rời tay chân”, hoảng hết cả hồn! Dù mỏi mệt cũng đã về được một ngày đường, ông bà tức tốc quay lại tìm hỏi mọi người quen biết mà vẫn không thấy tăm hơi, đành khổ sở lộn lại Đền Thờ tìm kiếm. Ngày nay hiện đại, có nhiều phương tiện, điện thoại hoặc nhờ cảnh sát, nhưng nếu bị lạc mất con thì vẫn còn khốn khổ trăm bề.
Phải mất ba ngày sau, ông bà mới tìm thấy thì ui chao! con mình đang làm “thần đồng”, ngồi giữa các bậc thầy mà phỏng vấn, thuyết giảng làm họ kinh ngạc. Lần này không phải chỉ rụng rời tay chân, mà cha mẹ còn trố mắt đứng tim, vì không thể hiểu con mình. Cha chẳng nói lời gì, Mẹ chỉ biết buông mỗi câu: “Con ơi! sao con lại làm cho cha mẹ như thế? Con thấy không? cha con và mẹ đây đang phải cực lòng tìm con!” (Lc 2,48). Một lời trách nhẹ nhàng, đầy yêu thương mà kính trọng. Cậu con lại trả lời một câu lạ hoắc, không đồng cảm hay hối hận, làm cho cha mẹ càng trố mắt: “Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?” (Lc 2,49). Tuy không hiểu được câu trả lời của con, nhưng Mẹ Maria hằng ghi nhớ và suy niệm trong lòng. Cuộc suy gẫm này thật lâu dài và đau đớn. Mẹ chỉ hiểu thấu mầu nhiệm đó khi đứng dưới chân Thập giá của con trong ngày tử nạn, khi Trái Tim Mẹ bị “đâm thấu” cùng Con.
Lạy Thánh Gia Chúa Giêsu, Đức Maria và thánh Cả Giuse! Thánh Gia là mẫu gương sáng cho mỗi người chúng con trong đời sống gia đình. Xin cho chúng con biết chu toàn bổn phận và trách nhiệm của mỗi người nơi gia đình chúng con. Xin Thánh Gia Thất luôn yêu thương che chở, nâng đỡ và đồng hành với mỗi gia đình chúng con trên biển đời trần thế. Amen.
Én Nhỏ