Thứ năm, 26/12/2024

Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật lễ Chúa Hiển Linh

Cập nhật lúc 09:26 30/12/2021
Suy niệm 1
Con đường tìm kiếm Thiên Chúa
Mt 2, 1-12
Con đường sa mạc. Chúng ta quen gọi thánh lễ hôm nay là lễ Ba Vua. Ba vị vua này từ Phương Đông đến rthờ lạy Chúa Giêsu mới sinh tại Be-lem. Có thể nói:
- Họ là những người có kiến ​​thức, những nhà thiên văn uyên bác. Một ngôi sao xuất hiện và ngay lập tức, họ phát hiện ra.
- Họ cũng là những người có quyền lực. Chắc chắn họ có một địa vị xã hội rất vững chắc.Họ ngang hàng với hoàng đến Hêrôđê lúc bấy giờ.
- Và họ cũng là những người cógiàu có.Túi họ đầy những đồ vật quý giá. Họ mang theo những hộp vàng, nhũ hương và mộc dược.
- Họ rời đất nước họ và lên đường trên một chặng đường dài từ phía Đông đến Be-lem.
Đó là cuộc vượt qua sa mạc. Ở cuối con đường này, họ mất tất cả những gì họ có.
- Khi đến Giê-ru-sa-lem, kiến ​​thức của họ bị dập tắt: ngôi sao không còn chiếu sáng, và họ phải nhờ đến kỹ năng của các thầy tiến sỹ luật.
- Đến Be-lem, họ khiêm nhường: họ sấp mình trước một trẻ sơ sinh.
- Cuối cùng, họ dâng tất cả những gì họ mang theo cho Chúa Giê-su: vàng, nhũ hương và mộc dược. Họ dâng kho báu của họ và các dấu chỉ vinh quang của họ cho Chúa Giêsu!
Con đường dẫn đến niềm vui. Chúng ta có thể đặt câu hỏi:
- Phải chăng Thiên Chúa sai Con Một Ngài đến truất phế ngôi vương của những người này?
- Phải chăng Thiên Chúa đòi hỏi chúng ta phải đành mất tất cả những gì cuộc sống đã được ban tặng, thì mới gặp được Ngài?
Ba nhà thông thái đã cho đi tất cả. Đó là sự thật!
- Nhưng Thiên Chúa không đòi hỏi gì nơi họ.
- Thiên Chúa không xin họ bất cứ điều gì.
- Ngài tỏ mình là một đứa trẻ chưa biết nói và có lẽ Ngài không quan tâm đến tất cả những món quà của họ.
- Ngài chỉ thu hút họ. Một ngôi sao xuất hiện ở phía Đông và ánh sáng của ngôi sao thông báo rằng: một vị vua vừa được sinh ra. Dấu chỉ mà các đạo sĩ giải mã trên bầu trời, là dấu chỉ của Thiên Chúa- khiến họ rung động vì hy vọng. Họ muốn tìm trẻ sơ sinh và vì vậy họ sẵn sàng cho bất cứ điều gì.
- Đối với họ, mọi thứ sẽ lu mờ nếu không dẫn đến trẻ mới sinh này.
Cuối cùng, ba nhà thông thái đã đi được một con đường. Con đường này khiến họ phải ra về tay trắng, nhưng họ lại tìm thấy niềm vui ở đó. Họ hân hoan trong một niềm vui trọng đại.
- Họ dạy chúng ta rằng niềm vui khôn tả này rất đáng để vượt qua sa mạc!
- Họ cho chúng ta bài học: tìm được nơi Thiên Chúa sinh ra, thật xứng đáng để bỏ đi kho tàng kiến ​​thức, quyền lực và của cải mà chúng ta đang nắm giữ!
Con đường hy vọng. Ba nhà thông thái không phải là những ông vua khờ dại:
- Họ không đi theo con đường từ bỏ, họ chọn con đường hy vọng, con đường gặp gỡ và nhận biết..
- Nhưng cuối cùng họ vui sướng khi tìm được người họ muốn gặp, ngay cả khi vì điều đó mà họ đành mất tất cả mọi thứ trên đường đi.
Con đường của các đạo sĩ đến với Thiên Chúa không phải là con đường từ bỏ. Nhưng đó là con đường của hy vọng. Thiên  Chúa không đòi hỏi gì ở ba nhà thông thái này. Chỉ đơn giản là Ngài cho họ một cuộc gặp gỡ. Ngài đề nghị họ gặp gỡ Ngài. Các nhà đạo sỹ này sẽ khờ dại nếu họ do dự!
- Thiên Chúa mà các đạo sĩ nhận ra ở cuối cuộc hành trình là Thiên Chúa của chúng ta không tham lam. Ngài không phải là một người Cha lạm dụng dẫn chúng ta vào sa mạc để buộc chúng ta phải dâng của lễ cho Ngài.
- Thiên Chúa của các đạo sĩ cũng là Thiên Chúa của chúng ta, Ngài không cần của cải của chúng ta. Ngài không đòi hỏi gì ở chúng ta. Chỉ đơn giản là Ngài mang đến cho chúng ta niềm vui được sinh ra từ cuộc gặp gỡ tình yêu.
-Thiên Chúa của chúng ta không tham ăn. Ngài là của ăn của uống nuôi sống chúng ta. Ngài kích thích cơn khát của chúng ta để chúng ta uống nước trên đường đến với Ngài!. Sống trên trần gian này, chúng ta luôn là khách lữ hành. Vì thế chúng ta hãy luôn hướng về Thiên Chúa và kêu lên lời Thánh vịnh: “Linh hồn con khao khát Chúa, Chúa Trời ơi! Chúa Trời hằng sống”! Thánh Augustino cũng cho chúng ta kinh nghiệm này:“Tâm hồn con khắc khoải cho đến khi nghỉ yên trong Chúa”.
Linh mục Gioan Đặng Văn Nghĩa
===================
Suy niệm 2
Mt 2, 1 – 12
Ngày xửa ngày xưa, lễ này được gọi là lễ Ba Vua. Mục đích của cách gọi đó là để nhấn mạnh một sự kiện lớn lao của lịch sử Do Thái, đó là các dân tộc trên thế giới cũng được biết có một Đấng Cứu Thế. Ý tưởng này được lưu truyền suốt 18 thế kỷ, tức là từ khi Ápraham được Chúa tuyển chọn làm tổ phụ một dân tộc để từ dân tộc ấy muôn dân cùng được biết có một Thiên Chúa là Cha.
Nhưng rất tiếc là dân Do Thái cứ vơ Chúa vào cho mình, mà không biết chia sẻ cho các dân tộc khác trên thế giới. Không những thế mà họ còn xin Chúa trừng phạt các dân tộc khác, rồi nâng nước Do Thái lên hàng bá quyền. Những câu nói trong Cựu Ước như: “Chúa biến nguồn phú túc chảy về thành đô như thác vỡ bờ”; “Gốc nho ấy Chúa bứng từ Ai Cập. Đuổi chư dân đi lấy chỗ mà trồng”. Người Do Thái hiểu là Chúa sẽ nâng nước Do Thái lên hàng bá quyền. Đế quốc của họ sẽ mở rộng về hướng đông tới sông Owphrat, tức là vùng Iran và Irắc hôm nay.
Người Do Thái đánh mất ơn gọi, đi lầm đường, đi lạc lối. Ngày nay ta gọi lễ này là Lễ Hiển Linh. Ý muốn nhấn mạnh ơn gọi của Giáo hội và của mỗi tín hữu là làm thế nào để mọi người trên thế giới đều nhận thức rằng có một Thiên Chúa là Đấng sáng tạo muôn vật và là Cha chung của mọi người thuộc mọi thời, thuộc mọi nền văn hóa.
Sự kiện Đức Giê su là Con Thiên Chúa, hóa thân làm người, sống, rao giảng và thụ nạn để giải phóng loài người là một chân lý mà toàn thể Giáo hội phải bức xúc loan báo.
Nhưng đáng tiếc, hầu hết chúng ta chỉ lo giữ đạo, mà không lo truyền đạo. Nếu chỉ lo giữ đạo mà không lo truyền đạo thì là đánh mất bản chất người con của Chúa rồi.
Lễ Hiển Linh là một lời kêu gọi lớn tiếng yêu cầu mỗi người chúng ta phải nhận lỗi lớn, vì chưa bức xúc loan báo Tin Mừng và phải tìm mọi phương thế để những người bạn lương dân của ta được biết ông Trời là Cha nhân từ. Đức Giê su là ông Trời nhập thể sống với chúng ta, để ta và ông Trời là cha con thân thương nhau như ruột thịt.
Có những gia đình có sáng kiến hằng ngày cầu nguyện cho bạn lương dân, láng giềng lương dân. Trong gia đình thì từ cha mẹ đến con cái đều có tối thiểu một bạn lương dân, để tiếp cận thường xuyên và để nhớ cầu nguyện cho họ vào các buổi đọc kinh và dâng lễ.
Tin mừng phải đến với mọi người. Đó là ý nghĩa của Thánh lễ Hiển Linh hôm nay. Mong rằng mọi người đều cảm thấy bức xúc trong việc loan báo Tin Mừng  cho bạn lương dân.
Linh mục Piô Ngô Phúc Hậu
=================== 
Suy niệm 3
THIÊN CHÚA ĐI TÌM CON NGƯỜI

Kính thưa quý ông bà và anh chị em thân mến! Thiên Chúa là Đấng quyền năng, vượt trên hết mọi sự. Ngài dùng tất cả mọi phương thế hầu mạc khải ơn cứu độ cho muôn người thuộc mọi thời, mọi nơi. Hôm nay, cùng với Giáo Hội mừng kính lễ Chúa Hiển Linh, chúng ta theo chân các nhà đạo sĩ lên đường đến thờ lạy, dâng kính, tán tụng Chúa Hài Đồng.
Chúng ta thường hay gọi Ba Vua, nhưng thực ra họ là những người chiêm tinh, nhìn trăng sao, nghiên cứu những điềm thiêng dấu lạ, mà qua đó Thiên Chúa muốn mạc khải chương trình Cứu độ của Ngài. Họ là những người biết sử dụng tài năng, tài trí, các phương tiện, trí khôn, tinh hoa thời đó mà tiến bước theo tiếng gọi, lời mời của Thiên Chúa qua những sự kiện gần gũi với cuộc sống của họ. Từ phương Đông, các đất nước xa xôi, họ không ngại gian nan nguy khó, lên đường dù nghìn trùng trắc trở, theo sự hướng dẫn của Thiên Chúa qua ngôi sao lạ, tiến đến Bê-lem để bái thờ, dâng kính Chúa Hài Nhi như tiên tri I-sai-a loan báo “vinh quang của Ðức Chúa như bình minh chiếu toả trên ngươi. Kìa bóng tối bao trùm mặt đất, và mây mù phủ lấp chư dân; còn trên ngươi Ðức Chúa như bình minh chiếu toả, vinh quang Người xuất hiện trên ngươi” (Is 60, 1-2) Thiên Chúa không ẩn mình hay khép kín, hoặcxa lánh con người tội lỗi, nhưng Ngài thổ lộ, mạc khải kế hoạch yêu thương, chương trình cứu độ, và chỉ dẫn chúng ta biết nhận ra Ngài qua mầu nhiệm Nhập thể của Con Một Ngài. Đây không phải là một lời hứa suông, mà chính là ý định của Thiên Chúa được thực hiện qua Đức Ki-tô Giê-su. Hơn nữa, một cách cụ thể, Thánh Phao-lô đã xác tín và trình bày rõ ràng qua thư gửi cho Giáo đoàn Ê-phê-sô “tôi đã được thấu hiểu mầu nhiệm mà con cái loài người các thế hệ khác không được biết, nhưng nay đã mạc khải cho các thánh Tông đồ của Người, và cho các vị Tiên tri, nhờ Thánh Thần. Và nhờ Tin Mừng, các dân ngoại được nên đồng thừa tự, đồng một thân thể và đồng thông phần với lời hứa của Người trong Chúa Giê-su Ki-tô” (Ep 3, 3. 5-6). Một Thiên Chúa gần gũi, luôn đi bước trước dìu dắt, yêu thương trọn hảo, chẳng chê bỏ con người yếu đuối, mỏng dòn, hay xa ngã như chúng ta.
Mặc khác, Thiên Chúa không chờ đợi chúng ta đi tìm Ngài, nhưng Ngài đi tìm chúng ta trước; và còn hướng dẫn, dạy dỗ, chỉ đường cho chúng ta đến với Ngài qua mọi phương tiện, sự kiện, cảm nghiệm, dấu chỉ, kể cả sự cố xảy trong đời chúng ta. Để rồi, nhờ ơn Chúa giúp và sự vâng phục đáp trả lời kêu mời của Ngài, chúng ta nhận biết Ngài, nhận ra chương trình của Ngài trong đời sống, trong mối tương quan, trong những lãnh vực khác nhau, v.v…Thiên Chúa đã dùng dấu chỉ ‘sao trời’, lĩnh vực mà ba nhà đạo sĩ am hiểu mà dẫn đường chỉ lối cho họ tiến đến Bê-lem gặp gỡ Con Thiên Chúa xuống thế làm người, cứu độ nhân loại. Ngược lại, Vua Hê-rô-đê và những người thông luật, am hiểu Kinh Thánh Cựu ước, biết ý định của Chúa qua lời các tiên tri ‘tại Bê-lem thuộc xứ Giu-đa, vì đó là lời do Ðấng Tiên tri đã chép: Cả ngươi nữa, hỡi Bê-lem, đất Giu-đa, không lẽ gì ngươi bé nhỏ hơn hết trong các thành trì của Giu-đa, vì tự nơi ngươi sẽ xuất hiện một thủ lãnh, Người đó sẽ chăn nuôi Israel dân tộc của Ta’ (Mt 2, 5-6), nhưng họ không dùng những phương tiện ấy để nhận ra Thiên Chúa - một vị Thiên Chúa hiện hữu, gần gũi và hằng đi tìm con người. Vì lòng đố kỵ, ‘cái tôi’ mà Vua Hê-rô-đê và các nhà thông luật, đại giáo trưởng đã phớt lờ tiếng gọi của Chúa thúc giục trong tâm hồn họ qua lời Kinh Thánh mà họ nằm lòng. Trong cuộc sống của mỗi người chúng ta, dù tất bật đến đâu, dù bận rộn và thăng trầm, vui buồn sướng khổ, dù ở bậc sống nào chăng nữa, Thiên Chúa cũng mời gọi chúng ta, đi tìm chúng ta, trông chờ chúng ta, biểu lộ chương trình Ngài cho chúng ta và hằng hướng dẫn chúng ta biết nhận ra Ngài; nhưng thật đáng buồn, dường như chúng ta lại trở nên giống Vua Hê-rô-đê, các kỳ lão hơn là ba nhà đạo sĩ vâng phục đáp trả lời mời của Chúa! Vì vậy, chúng ta xem ý định, chương trình, kế hoạch của bản thân, của cộng đoàn, của hội nhóm hơn những điều Chúa muốn, Chúa mong mỏi và biểu lộ hằng ngày qua đời sống cầu nguyện, đời sống phục vụ, tận hiến, truyền giáo cũng như các việc bác ái của chúng ta!
Và khi gặp gỡ Hài Nhi Giê-su cùng với Mẹ Ma-ri-a và thánh Giu-se, ba nhà đạo sĩ đã quỳ gối, bái lạy Ngài, và dâng lên những gì quý giá nhất của họ: vàng, nhũ hương và mộc dược, thể hiện niềm tín thác trọn hảo của họ, lòng cậy trông vô bờ bến cũng như tình yêu son sắt không phai tàn. Còn chúng ta, chúng ta dâng gì cho Chúa Hài Đồng khi được diện kiến Ngài? Lễ vật quý giá của chúng ta là gì? ‘Vàng’ của chúng ta là gì? Có phải lòng yêu Chúa không hề thay đổi và tình mến thương anh chị em vô vị lợi? ‘Nhũ hương’ của chúng ta là chi? Chẳng phải là niềm trông cậy thắm thiết vào chương trình đầy lòng thương xót của Thiên Chúa sao? Và ‘mộc dược’ của chúng ta là gì? Niềm thành tín sâu sắc, chẳng hề nhạt phai chăng?
Mau chân cất bước ra đi,
Ba nhà đạo sĩ ngại gì xa xôi.
Một lòng đáp trả lời mời,
Tiến về hang đá đầy vơi vui mừng.
Con đây mang đến lễ dâng,
‘Vàng’ thì chẳng có, bâng khuâng nỗi niềm.
Đời này vẹn mãi con tim,
Kiên trung, tín thác, kiếm tìm ý Cha. 
‘Nhũ hương’ cậy mến bao la,
Trọn đời son sắt, lời ca hát mừng.
Lòng con vang mãi tưng bừng, 
‘Mộc dược’ thành tín, hoà cùng muôn dân.     
Cảm tạ Tình Chúa tri ân
Sống sao cho trọn, ân cần lòng Cha. Amen!

Lm. Xuân Hy Vọng

  ===================
Suy niệm 4
 
  HÀI ĐỒNG GIÊSU LÀ ÁNH SÁNG

(Mt 2, 1-12)

Họ đã quỳ gối xuống sụp lạy Người (Mt 2,11)
Trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa, Con Thiên Chúa không những chỉ xuống thế làm người trên mặt đất này, mà còn để cho con người nhìn thấy ; Người không chỉ có sinh ra, nhưng còn để con người biết đến và thờ lạy Chúa là Ánh Sáng trần gian.
Hôm nay, các đạo sĩ từ phương Đông cất bước đi tìm, họ tìm ai ? Tìm “sự lóe rạng mặt trời đức nghĩa” (Ml 3, 20) theo sự hướng dẫn của ngôi sao lạ và họ đã thấy Hài Nhi mới sinh bởi Đức Trinh Nữ Maria và họ đã cung kính bái thờ.
Xin hỏi các đạo sĩ : Các ngài đang làm gì, hỡi các đạo sĩ? Các ngài thờ lạy một Trẻ Thơ măng sữa mới sinh sao? Các ngài tin rằng, Trẻ Thơ ấy là Thiên Chúa sao ? Nhưng “Thiên Chúa ở trong thánh điện của Người, ngai của Người đặt ở trên cao” (Tv 10,4). Còn các ngài, các ngài tìm Chúa nơi hang bò lừa, đang nằm trong vòng tay mẹ ẵm sao ? Các ngài làm chi vậy? Tại sao các ngài lại dâng vàng ? Trẻ Thơ này là vua ư ? Nhưng đâu là cung điện cũng như ngai vàng của nhà vua, và đâu là quần thần của nhà vua ? Chuồng bò là cung điện, máng cỏ là ngai vàng, Đức Maria và thánh Giuse là quần thần của vua sao ? Làm sao những người thông thái không thờ lạy Hài Nhi, họ đã bị điên dồ hết rồi sao, phải chăng họ coi thường sự non nớt và cái nghèo của Trẻ Thơ ?
Để trở nên người thông thái, các đạo sĩ đã trở nên điên dồ; Thánh Thần đã dạy bảo họ trước: “Vì chưng một khi thế gian, đứng trước sự khôn ngoan của Thiên Chúa, đã không lợi dụng khoa khôn ngoan mà nhìn biết Thiên Chúa, thì Thiên Chúa đã quyết ý dùng sự điên rồ của lời rao giảng để cứu những kẻ tin” (1Cr 1, 21). Vì thế, họ đã quỳ gối xuống sụp lạy Hài Nhi và tỏ lòng thờ kính như một vị vua. Một ngôi sao hướng dẫn họ bên ngoài đã chiếu tỏa nơi họ ánh sáng huyền nhiệm của chính mình.
Chúa là Ánh Sáng
Lễ Hiển Linh là mầu nhiệm ánh sáng. Lời nguyện nhập Lễ Ban Đêm, Giáo Hội tuyên xưng Chúa “là nguồn sánh sáng thật đến soi chiếu trần gian làm cho đêm cự thánh này bừng lên rực rỡ”, và lời nguyện Lễ Rạng Đông Giáo Hội chỉ rõ Hài Nhi Giêsu là “ánh sáng mới của Ngôi Lời nhập thể” và cầu xin Thiên Chúa toàn năng “làm cho ánh sáng ấy rực lên trong mọi sinh hoạt của chúng con”. Ánh sáng ấy được biểu lộ trong ngày lễ Hiển Linh, ngày Chúa tỏ mình ra cách rõ nhất mà hôm nay chúng ta mừng kính.
Ánh sáng được diễn tả qua biểu tượng ngôi sao hướng dẫn cuộc hành trình của các nhà đạo sĩ. Chúa Kitô chính là Nguồn Sáng Thật, là “Mặt Trời mọc lên từ trên cao” (x. Lc 1,78) toả sáng trên trần gian và lan ra theo những vòng tròn đồng tâm. Trước hết trên Ðức Nữ Ðồng Trinh Maria và Thánh Giuse được chiếu sáng bởi sự hiện diện thần linh của Hài Nhi Giêsu, kế đến là các mục đồng tại Bêlem; khi được thiên sứ báo tin, các ngài mau mắn chạy đến hang đá và gặp thấy nơi đó “dấu chỉ” đã được báo trước cho họ: một con trẻ được bọc trong khăn và đặt nằm trong máng cỏ (x. Lc 2,12). Các mục đồng, cùng với Mẹ Maria và Thánh Giuse, đại diện cho “nhóm nhỏ còn lại của Dân Israel”, những người nghèo, những kẻ đã được loan báo Tin Mừng.
Ánh sáng của Chúa Kitô cuối cùng chiếu toả đến các vị Ðạo Sĩ, quả đầu mùa từ các dân ngoại : “Lúc nhìn thấy ngôi sao, họ hết sức vui mừng… và họ đã quỳ gối xuống sụp lạy Người” (Mt 2,11). Trong khí đó, “cả nhà vua cùng các đại giáo trưởng và luật sĩ trong dân” (Mt 2,3) còn nằm trong bóng đêm, nơi mà tin tức về Ðấng Thiên Sai sinh ra, được thông báo một cách nghịch lý cho họ biết qua các vị Ðạo Sĩ, và khơi dậy không phải niềm vui mừng, nhưng sự lo sợ và những phản ứng thù nghịch (x. Mt 2,3). Ý định của Thiên Chúa quả thật là nhiệm mầu: “Sự sáng đã đến trong thế gian, mà người ta đã yêu mến tối tăm hơn sự sáng, vì việc họ làm là điều xấu” (Ga 3,19).
Nhưng thử hỏi ánh sáng đó là gì đây? Nó chỉ là một biểu tượng gợi ý, hay có một thực tại thật, được nói lên qua hình ảnh này? Thánh Gioan viết: “Thiên Chúa là sự sáng, tối tăm không hề có nơi Người” (1Ga 1,5). Gioan thêm: “Thiên Chúa là Tình Yêu. Hai lời quả quyết trên giúp chúng ta hiểu rõ hơn rằng: Ánh sáng bừng lên trong đêm Giáng Sinh là Tình Yêu Thiên Chúa.
Chúa Giêsu “là Ánh sáng đã chiếu soi lương dân và Vinh quang của Israel dân Chúa” (Lc 2,32); Ðược Thiên Chúa linh ứng, cụ Simêon đã thốt lên như thế. Ánh sáng chiếu soi mọi dân tộc, ánh sáng của lễ Hiển Linh phát xuất từ vinh quang của Israel dân Chúa, vinh quang của Ðấng Thiên Sai, mà theo Kinh Thánh, đã giáng sinh tại Bêlem, “thành của Vua Ðavít”. Các Ðạo Sĩ thờ lạy một Hài Nhi, vì các ngài nhìn nhận nơi Hài Nhi là ánh sáng đã hướng dẫn các ngài: ánh sáng của ngôi sao và ánh sáng của Kinh Thánh. Các ngài nhìn nhận nơi Con Trẻ vị Vua của người Giuđêa, vinh quang của dân Israel, và cũng là Vua của tất cả mọi dân nước.
Giáo hội là ánh sáng
Trong khung cảnh phụng vụ của lễ Hiển Linh cũng được biểu lộ mầu nhiệm Giáo Hội và chiều kích truyền giáo của Giáo Hội. Giáo Hội được mời gọi vừa chiếu sáng trong thế giới ánh sáng của Chúa Kitô, vừa phản chiếu ánh sáng đó nơi chính mình, như mặt trăng phản chiếu ánh sáng của mặt trời, đồng thời hoàn tất những lời tiên tri xưa nói cho thành thánh Giêrusalem: “Hãy chỗi dậy, hãy mặc lấy ánh sáng, bởi vì ánh sáng của ngươi ngự đến... Các dân tộc sẽ bước theo ánh sáng của ngươi, các Vua Chúa sẽ đi theo vinh quang của Nguồn Sáng ngươi” (Is 60, 1-3). Người kitô hữu sẽ phải thực hiện ơn gọi của mình là “chiếu toả ánh sáng của chúng con trước mọi người, ngõ hầu nhờ thấy những việc tốt chúng con làm mà họ tôn vinh Cha chúng con trên trời” (Mt 5,16).

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

===================
Suy niệm 5
Lối Về Hân Hoan

Cách đây hơn hai ngàn năm, Thiên Chúa đã tỏ mình cho muôn dân qua sự dẫn dắt của một ngôi sao lạ: “Khi Đức Giêsu ra đời tại Bêlem miền Giuđê thời Vua Hêrôđê trị vì, có mấy nhà chiêm tinh từ phương Đông đến Giêrusalem và hỏi: Đức Vua dân Do thái mới sinh, hiện ở đâu? Chúng tôi đã thấy ngôi sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người” (Mt 2,1-2). Các nhà chiêm tinh đi tìm Đấng Cứu Thế, nhờ nhìn thấy ngôi sao. Ngày xưa người ta tin rằng: khi một ngôi sao lạ xuất hiện là có một đấng vị vọng ra đời. Vua Alexandre của Hy lạp hay vua Caesar của Rôma sinh ra, ngườt ta cũng nói có sao lạ xuất hiện. Người Hy lạp gọi những người nổi tiếng là sao. Ngày nay cũng vậy, các tài tử nổi tiếng gọi là “minh tinh màn bạc”, các cầu thủ giỏi gọi là “siêu sao”. Trong nghề bói toán, người ta cũng xem “sao chiếu mệnh” để biết vận mạng con người. Người Do thái cũng vậy, nên sách Dân Số có lời sấm của Bilơam: “Một vì sao xuất hiện từ Giacóp, một vương trượng chỗi dậy từ Itraen” (Ds 24,17).
Các nhà chiêm tinh theo ánh sao lên đường. Ngôi sao lạ không đưa họ tới Belem mà đưa tới Giêrusalem.
Giêrusalem được coi là thành thánh, bởi ở đó xưa kia tổ phụ Abraham đã đem con trai Isaác để sát tế cho Thiên Chúa. Chính nơi đây, vua Salomon đã xây dựng đền thờ nguy nga bằng gỗ quý từ Libăng đem về. Vào thời vua Hêrôđê, ngôi đền thờ ấy đã được xây dựng lại, một công trình vĩ đại, phải mất 46 năm mới hoàn tất. Vì là thành thánh và là nơi có đền thờ, nên không lạ gì khi các nhà chiêm tinh đi tìm vua dân Do thái mới sinh lại không dừng chân nơi này.
Tới Giêrusalem, họ hỏi vua Hêrôđê: “Đức vua dân Do thái mới sinh hiện ở đâu?”. Ba nhà chiêm tinh đã đem đến một tin làm chấn động cả dân thành, khiến từ vua chúa quan quyền cho đến bậc thứ dân đều sửng sốt hoang mang. Nhà vua liền triệu tập các học giả vốn được coi là những người đoán biết được mệnh trời.Vua hỏi các thượng tế và kinh sư. Họ trả lời: “Tại Bêlem, miền Giuđê”.  Nhưng thật đáng ngạc nhiên, nhà vua cùng các bậc học giả uyên thâm đó, chẳng một ai nghĩ là chính mình cần phải đi tìm vị tân vương. Họ chỉ hướng cho ba nhà chiêm tinh đi Bêlem. Các nhà chiêm tinh Đông phương lại nhìn thấy ngôi sao xuất hiện và lên đường theo ánh sao. Họ đã tìm ra Hài Nhi mới sinh nằm trong máng cỏ hang lừa. Đó chính là vị Cứu tinh mà Israel từ lâu mong đợi. Vị Cứu tinh chào đời tại Bêlem như lời Ngôn sứ Mikha đã loan báo “Phần ngươi, hỡi Bêlem Epratha, ngươi nhỏ bé nhất trong các thị tộc Giuđa, từ nơi ngươi, Ta sẽ cho xuất hiện một vị lãnh tụ chăn dắt dân Israel” (Mk 5,1). Các nhà chiêm tinh vui mừng tôn kính dâng lễ vật bái thờ Người.
Ngôi sao xuất hiện ở phương Đông được ông Bilơam tiên báo: “Một Vì Sao xuất hiện từ Giacóp, một vương trượng trỗi dậy từ Israel” (Ds 24,17). Các nhà chiêm tinh đến từ vùng đất phương Đông, quê hương của Bilơam. Ngôi sao họ nhìn thấy vốn là dấu hiệu chỉ vương quyền. Ngôi sao nhắc lại lời sấm chúc phúc của Bilơam thuở xưa nói về triều đại Đavít và về chính Đấng Mêsia. Một ngôi sao lạ ở phương Đông xuất hiện trên bầu trời đầy sao.Các nhà chiêm tinh nhận ra ngôi sao lạ. Họ tin rằng có một vị vua mới sinh ra ở đất Do thái. Họ lập tức khởi hành, lên đường tìm kiếm. Con đường đi của họ dẫn qua sa mạc, bụi bặm, nóng bức và giá lạnh. Ðó là một con đường đầy chông gai khó khăn, vất vả và nguy hiểm.
Họ ra đi “Bấy giờ ngôi sao họ đã thấy ở phương Đông lại dẫn đường cho họ đến tận nơi Hài Nhi ở mới dừng lại”. Họ mừng rỡ vô cùng. Họ gặp Hài Nhi, liền sấp mình bái lạy, với lòng thành họ dâng tiến lễ vật vàng, nhũ hương và mộc dược.
Câu chuyện Phúc âm tuyệt đẹp. Ba nhà chiêm tinh đi tìm Đấng Cứu Thế theo ánh sao lạ. Nếu Thiên Chúa đã dùng cột mây lửa để dẫn dân Do thái đi trong hoang địa về Đất hứa thì Người cũng có thể dùng ngôi sao lạ để dẫn đường cho các nhà chiêm tinh đến Bêlem để gặp Đấng Cứu Tinh. Nhưng sự thật vô cùng trớ trêu là khi vị Cứu tinh xuất hiện sau bao thế kỷ chờ đợi thì dân Do thái lại thờ ơ lãnh đạm. Các thượng tế, các kinh sư có thái độ dửng dưng thụ động. Họ rành rẽ Kinh Thánh và biết rõ nơi sinh của Đấng Cứu Thế nhưng họ chẳng cất bước đến Bêlem. Còn Hêrôđê thì hốt hoảng bối rối, sợ ngai vàng bị lung lay nên tìm cách loại trừ với mưu mô cạm bẫy.
Tấn bi kịch cuộc đời Hài Nhi bắt đầu, bị người đồng hương từ khước, bị tẩy chay, bị giết chết. Chỉ có các nhà chiêm tinh hăng hái lên đường lao vào cuộc phiêu lưu tìm kiếm. Họ đã làm tất cả miễn sao gặp được Đấng Cứu Tinh. Cho dù Đấng ấy chẳng uy nghi ngự trong lâu đài điện ngọc nhưng họ vẫn vui mừng đón nhận, xin được bái kiến và dâng lễ vật quý giá với cả tấm lòng thành.
Phụng vụ đọc câu chuyện tuyệt đẹp này trong ngày Lễ Hiển Linh “Thiên Chúa tỏ mình ra cho dân ngoại”. Các nhà chiêm tinh là dân ngoại, họ đại diện cho mọi dân tộc, họ khao khát tìm kiếm ơn cứu độ. Sau này Chúa Giêsu đã xác định: “từ phương đông phương tây, nhiều người sẽ đến dự tiệc cùng tổ phụ Abraham, Isaac, Giacop trong Nước Trời” (Mt 8,11). Các thượng tế và các kinh sư thông hiểu Thánh Kinh, họ giảng giải thật hay cho Hêrôđê, nhưng chỉ là lý thuyết. Họ tìm Đấng Cứu Thế trong sách vở nhưng không nhận ra Người trong thực tế vì Người không phù hợp với những quan điểm cố định của họ. Những người chuyên nghiên cứu sách vở đầy sự uyên bác thông thái, nếu không lên đường, không thao thức tìm kiếm thì chẳng bao giờ gặp được Thiên Chúa.Trái lại, những tâm hồn đơn sơ, khó nghèo như các mục đồng, hay cởi mở và khao khát chân lý như các nhà chiêm tinh lại được diễm phúc gặp gỡ Người vì họ đã dám mạo hiểm lên đường tìm kiếm, bước đi theo các dấu chỉ.
Thiên Chúa vẫn luôn tỏ mình ra cho nhân loại qua những dấu chỉ tự nhiên của trời đất, qua từng biến cố lịch sử, qua Lời Người trong Thánh Kinh, qua sự hiện diện của Dân Chúa là Giáo Hội, qua các Bí tích. Muốn gặp được Thiên Chúa, nhất thiết phải nổ lực tìm kiếm. Cho dầu có những thử thách, cam go, những hiểm nguy cạm bẫy, vẫn luôn kiên trì trong đức tin, bền đổ trong lòng mến.
Hôm nay, không có ngôi sao Đông phương nào xuất hiện trên bầu trời để soi đường cho chúng ta đi tìm Chúa. Chúng ta có một ánh sáng khác rực rỡ hơn giúp tìm gặp Người. Đó là ánh sáng của Lời Chúa: “Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi”. Bước đi trong ánh sáng Lời Chúa, chúng ta sẽ trở nên ngôi sao dẫn đường cho nhiều người tìm đến Thiên Chúa. Thánh Phaolô mời gọi: “Anh em hãy chiếu sáng như những vì sao trên vòm trời”(Pl 2,15).Tại sao các Kitô hữu được gọi là các vì sao ? Thánh Gioan giải thích: “Thiên Chúa chưa ai thấy bao giờ. Nếu chúng ta yêu thương nhau thì Thiên Chúa ở lại trong chúng ta”(1Ga 4,12). Nói cách khác, Thiên Chúa của chúng ta là một vị “Thiên Chúa ẩn mình”, nhưng Người muốn tỏ mình ra cho người ta thấy qua cách sống yêu thương của chúng ta. Nói cách khác nữa, khi chúng ta yêu thương nhau thì Thiên Chúa ở trong chúng ta, bởi vì “Thiên Chúa là tình yêu”(1Ga 4,18). Cho nên cách sống yêu thương của người Kitô hữu làm cho người ta nhìn thấy và nhận biết được Thiên Chúa tình yêu. Chính vì thế mà thánh Phaolô đã so sánh thế gian như vòm trời tăm tối, và khuyến khích các Kitô hữu hãy sống yêu thương để có thể thành những vì sao chiếu sáng trên vòm trời ấy.
Thời nay, Mẹ thánh Têrêxa Calcutta với tấm lòng yêu thương bao lao là một vì sao chiếu sáng trên vòm trời. Chúa muốn chúng ta là ánh sáng chiếu tỏa cho mọi người chung quanh: “Các con là ánh sáng cho trần gian” (Mt 5,14). Kitô hữu trở nên ánh sao tình yêu, ánh sao tha thứ, ánh sao hy vọng, ánh sao công bình, ánh sao bác ái, ánh sao đạo đức, góp phần dẫn đường cho người khác đến với Chúa. Ngôi sao Đông phương dẫn các nhà chiêm tinh đến gặp Chúa Hài Nhi rồi tiến dâng lễ vật. Chúng ta nhờ ánh sáng Lời Chúa soi dẫn trên hành trình cuộc đời. Lời Chúa là ánh sao chiếu soi tâm hồn giúp chúng ta sáng lên niềm tin. “Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ Lời Chúa” (Lc,11,28), Chúa Giêsu chỉ cho thấy sự cao cả đích thực của Đức Maria, như thế mở ra cho mỗi người chúng ta khả năng sống mối phúc phát sinh từ Lời được lắng nghe và đem ra thực hành. (x.Verbum Domini, số 124).
Tin Mừng hôm nay kết thúc bằng ghi nhận, các nhà chiêm tinh trở về bằng một lối đi hân hoan: “Sau đó, họ được báo mộng là đừng trở lại gặp vua Hêrôđê nữa, nên đã đi lối khác mà về xứ mình”. Khi đã được gặp gỡ Thiên Chúa, con người phải có một quyết định thay đổi đời sống. Họ không thể sống theo con đường cũ, mà phải đi một con đường khác: con đường của niềm tin, con đường của ánh sáng. Một khi đã gặp được Thiên Chúa, con người sẽ được biến đổi. Khi đã có Chúa, các nhà chiêm tinh không đi theo con đường tăm tối trước đây nữa, nhưng đi theo một lối đi mới. Con đường này sẽ đưa các ông bước vào một hành trình mới đó là hành trình sống và loan báo cho mọi người về những gì các ông đã thấy, về đức tin các ông đã lãnh nhận, về niềm vui và hy vọng mà các ông đang được hưởng.
Khi gặp được Chúa rồi, các nhà chiêm tinh đã được biến đổi trong đời sống nên các ông lên đường trở về theo lối khác. Cuộc gặp gỡ Hài Nhi, gặp gỡ Thiên Chúa đã đem lại cho các ông một cuộc đời mới. Đời họ đã chuyển sang một hướng khác. Họ không đi về hướng cũ có sự truy lùng của Hêrôđê. Họ đã không về với con đường đầy hận thù, chia rẽ, quyền lực, danh vọng...Nhưng họ đi về với một con đường khác.Con đường có sự hiện diện của Thiên Chúa, con đường của niềm vui và bình an sâu thẳm trong tâm hồn. Một lối về hân hoan.
Thiên Chúa vẫn tiếp tục tỏ mình cho thế giới qua các dấu chỉ tự nhiên của trời đất, của lịch sử, qua Thánh kinh, qua Giáo hội, qua các Bí tích, qua cuộc sống hàng ngày. Ðể gặp Ngài, chúng ta cần có Lời Chúa soi dẫn và Đức Tin nâng đỡ. Nhờ sự gặp gỡ này, mỗi người sẽ trở nên ánh sao dẫn đường cho nhiều người nhận biết và yêu mến Chúa để đi vào đường lối Tin Mừng.

Lm Giuse Nguyễn Hữu An

==================
Suy niệm 6
Lên Đường Tìm Thiên Chúa

Is 60,1-6; Ep 3,2-3a.5-6; Mt 2,1-12

Trình thuật Tin Mừng hôm nay kể lại hành trình của các nhà chiêm tinh, thành tâm đi tìm Hài Nhi Giêsu, vị vua Do Thái mới sinh. Họ từ phương đông lặn lội đến Giêrusalem tìm hỏi, chỉ nhờ một ngôi sao dẫn đường. Với sự kiện ba nhà đạo sĩ đi tìm và gặp Chúa Hài Nhi, chứng tỏ Thiên Chúa đã tỏ mình ra không chỉ cho các mục đồng trong ngày giáng thế, mà Chúa còn tỏ mình cho các dân ngoại, cho tất cả mọi người, không loại trừ ai, không phân biệt màu da sắc tộc.
Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người.” (Mt 2, 2b). Sự khao khát mãnh liệt được thúc đẩy từ bên trong, khiến các nhà đạo sĩ khao khát tìm kiếm, không gì ngăn cản được, họ quyết tâm mò mẫm lên đường theo dấu chỉ từ ngôi sao lạ. Họ trung thành đi theo ánh sao, dù khi trèo đèo lội suối, lúc gặp đường gai góc quanh co, chắc sẽ có lúc như ngõ cụt, bế tắc, hoặc bóng tối đêm đen, nhưng họ không chán nản, vẫn bền chí trung kiên, cho đến đích cuối cùng nơi Hài Nhi ở: “họ mừng rỡ vô cùng. Họ vào nhà, thấy Hài Nhi với thân mẫu là bà Maria, liền sấp mình thờ lạy Người”. (Mt 2,10). Đây là bài học lớn cho chúng con trong hành trình tìm và bước theo Chúa. Lắm khi cuộc đời gặp sóng gió nổi trôi, thất bại, niềm tin bị lung lay... Nếu chúng con biết tìm đến với Chúa, ánh sáng của Chúa sẽ chiếu soi giúp chúng con biết đi theo đúng đường ngay nẻo chính.
Nhưng ngày nay đâu là ánh sao để chúng con dõi bước tìm theo? Trong Thánh lễ, nơi Lời Chúa và Thánh Thể, trong các Bí tích, giờ kinh Phụng vụ, giờ cầu nguyện riêng và cả những người có kinh nghiệm chỉ lối hướng dẫn, là như ánh sao để chúng con tìm về bước theo. Khi xưa ba nhà đạo sĩ đã phải nhờ đến các vị lãnh đạo tôn giáo, để tìm hiểu và nhận ra đúng địa chỉ mà sách ngôn sứ đã báo trước trong Kinh Thánh.
Lạy Chúa! ngày nay chúng con cũng được mời gọi lên đường tìm kiếm và gặp gỡ Chúa. Ba nhà đạo sĩ đã thờ lạy và dâng Chúa Hài Nhi những của lễ cao quý. Khi chúng con được gặp gỡ Chúa, xin cho chúng con biết hiến dâng tất cả những gì tốt đẹp, cao quý mà chúng con có được. Bằng cả đời sống theo ơn Chúa, chúng con con sẽ trổ sinh những hoa trái tốt lành, khởi đi từ những nghĩa cử đẹp, lòng nhân hậu, quảng đại sẻ chia, để vinh quang Chúa được tỏ hiện rõ trong cuộc đời chúng con. Amen. 

Én Nhỏ

                                                             

Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Giáo xứ Yên Tập: Đức cha Đaminh dâng Thánh lễ mừng Chúa Giáng Sinh 2024
Giáo xứ Yên Tập: Đức cha Đaminh dâng Thánh lễ mừng Chúa Giáng Sinh 2024
Trong niềm vui chung của toàn nhân loại mừng ngày Ngôi Hai Thiên Chúa giáng thế cứu độ trần gian, Giáo xứ Yên Tập hân hoan chào đón Đức cha Đaminh, Giám mục Giáo phận đã đến thăm và chủ tế Thánh lễ mừng Chúa Giáng Sinh vào tối ngày 25 tháng 12 năm 2024.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log