Phép lạ đầu tiên
Ga 2, 1-12
Thiên Chúa thay đổi chất thể. Điều gì xảy ra ở Cana khi Con Thiên Chúa thực hiện phép lạ đầu tiên của Ngài?
Chúa Giêsu kito biến đổi chất thể, Ngài biến đổi nước lã thành rượu ngon. Điều gì là không thể đối với con người nhưng lại là có thể đối với Thiên Chúa? Các môn đệ là chứng nhân về quyền năng của Thiên Chúa.
Đó là lý do để họ tin.
Điều gì đã xảy ra ở Cana? Tất nhiên, nước lã biến thành rượu ngon! Nhưng sự thay đổi này ai đã chứng kiến? Chắc chắn là Chúa Giê-su và những người giúp việc, nhưng đối với tất cả những người khác, ngoại trừ Ma-ri-a, thì điều đó ít được biết đến. Chủ tiệc, cô dâu chú rể, khách khứa không biết gì. Về phần các môn đệ, Gioan tác giả của câu chuyện hôm nay không nói với chúng ta rằng họ đã nếm rượu này.
Điều gì đã xảy ra ở Cana?
- Gioan tích lũy các chi tiết biểu hiện sự thay đổi liên tiếp quan trọng hơn nhiều, so với sự thay đổi chất thể này.
- Gioan tích lũy những chi tiết cho thấy sự thay đổi trong các mối tương quan và vai trò cá nhân:
Tiệc cưới tại Cana hôm đó, Đức Maria cũng được mời tham dự. Đức Maria cũng tham gia vào công việc của người quản lý! Thậm chí ngài còn đóng vai chủ nhân của bữa ăn. Ngài nói với những người giúp việc: “Hễ Người (Chúa Giêsu) bảo gì, anh em phải làm theo”.
Và những người giúp việc, những người sẽ thực hiện một mệnh lệnh hoàn toàn phi lý do người chỉ là một vị khách!
Thiên Chúa thay đổi nhân loại
Điều đáng ngạc nhiên hơn không phải là Chúa Giê-su biến nước thành rượu. Phép lạ, có lẽ trước hết là những người giúp việc nghe theo Chúa Giê-su khi Ngài ra lệnh không phù hợp cho họ.
Trên thực tế, những chiếc chum đá này được làm để chứa nước dùng vào việc thanh tẩy trước bữa ăn. Những chiếc chum này một cách nào đó là đồ vật được thánh hiến: “ Ở đó có sáu chum đá dùng vào việc thanh tẩy của người Do- thái”. Chúa Giêsu nói với những người giúp việc: “Hãy đổ nước đầy các chum … và hãy múc đem cho người quản tiệc”. Và những người giúp việc tuân theo! Mọi thứ đều bị đảo lộn! Lúc này người quản gia, người phụ trách bữa tiệc, gọi chú rể đến và nói: "Ai ai cũng thết rượu ngon trước, và khi khách đã ngà ngà mới đãi rượu xoàng hơn. Còn anh, anh lại giữ rượu ngon mãi cho đến bây giờ.".. Nhưng đó không phải là vai trò của chú rể vào ngày cưới của mình lo lắng về rượu; chính xác là để người quản tiệc làm việc đó.
Mọi thứ đều đảo lộn, mọi chức năng xã hội, mọi mối quan hệ đều được thay đổi. Nước lã biến thành rượu ngon là dấu chỉ của những biến đổi này. Phép lạ đầu tiên của Chúa Giê-su nằm trong tất cả những biến đổi này trong nhân loại chứ không phải chỉ ở nước lã trở thành rượu. Ý muốn của Chúa Giê-su là không dừng lại ở việc biến nước thành rượu. Ý muốn của Ngài là niềm vui của tiệc cưới không bị phai nhạt, có thể chảy ra đầm đìa như rượu ngon.
Tiệc cưới
Tại Cana, Chúa Giêsu muốn niềm vui không bị thiếu hụt và phép lạ, chính là ý muốn của Ngài được loan truyền. Mọi người tại đó biến đổi, lắng nghe lời người khác, ngay cả khi lời đó không phù hợp với tự nhiên. Chúa Giêsu lắng nghe Mẹ Maria. Những người giúp việc lắng nghe Chúa Giêsu. Ý muốn tạo ra niềm vui và ngày lễ hội mạnh mẽ, không rời rạc, mọi người được mời đến dự tiệc chan hòa tình bằng hữu.
- Phép lạ sẽ không xảy ra nếu không có ý muốn chung này.
- Phép lạ, đó là một ý muốn chung xuất hiện ngoài những vai trò cố định và những cá nhân biệt lập.
- Phép lạ là tất cả mọi người đoàn kết với nhau để tiệc cưới không bị xáo trộn.
- Phép lạ là nhờ Chúa Giêsu, tất cả mọi nguồi đi vào giao ước. Tất cả mọi người cử hành giao ước. Khách mời và người giúp việc cũng như cô dâu chú rể mừng tiệc cưới của Thiên Chúa với nhân loại.
Tại Cana thuộc xứ Ga-li-lê-a, Chúa Giê-su bày tỏ rằng trong trật tự nhân loại đã được thiết lập, điều không thể trở thành có thể, khi con người lắng nghe Chúa Giê-su, khi họ chấp nhận lắng nghe nhau, giao ước với nhau. Đó là phép lạ đầu tiên của Chúa Giêsu. Các môn đệ đã tin và sự vinh quang của Thiên Chúa được thể hiện.
Tin vào phép lạ là bất cbấp tất cả - ngay cả khi điều đó bị coi là không tưởng hay điên rồ - khẳng định rằng nhân danh Chúa Giê-su, con người có thể đến với nhau và giao ước với nhau. Trong giao ước này, chúng ta phải nhận ra rằng Vinh quang của Thiên Chúa được thể hiện như tại Cana thuộc xứ Galilêa.
Linh mục Gioan Đặng Văn Nghĩa
===================
Suy niệm 2
Ga 2, 1 – 12
Bài Tin Mừng theo thánh Gioan cho chúng ta biết rất nhiều chuyện, đặc biệt là chuyện liên quan đến Đức Mẹ.
Hôm ấy Đức Giê su từ Miền Nam trở về Caphácnaum để khai trương sự nghiệp truyền giáo. Đoàn tháp tùng của Ngài có năm đệ tử. Đó là Anrê, Gioan, Phê rô, Phi líp và Nathanael. Các ngài ghé Cana để dự tiệc cưới của một gia đình thân thuộc. Chúa từ Miền Nam đi lên. Đức Mẹ từ Nadarét đến. Chúa đến như khách quý. Đức Mẹ đến vừa như khách quý vừa như người giúp việc: quét tước, dọn dẹp, nấu nướng và rửa ráy.
Đức Mẹ là người đảm đang và giàu xã hội tính, vừa thích phục vụ, vừa nhìn xa thấy rộng. Thấy gia đình hết rượu, không có lối thoát, nên Đức Mẹ ngỏ lời với Chúa để xin một phép lạ. Chúa trả lời lạnh tanh: “Chuyện này không liên quan đến Mẹ và Con. Vả lại, thời giờ của Con chưa tới”. Như vậy là từ chối quyết liệt. Nhưng Đức Mẹ không chịu thua. Đức Mẹ đem hết khả năng thông minh của lý trí, cộng với tấm lòng trắc ẩn mênh mông của con tim, để năn nỉ Chúa chiếu cố. Giọng nói, ánh mắt và cử chỉ của Đức Mẹ có sức thuyết phục tuyệt đối, khiến Đức Giê su phải cúi đầu bái phục Đức Mẹ.
Thế là Đức Mẹ giống như đại bàng tung cánh. Dù chỉ là một người bà con đến dự tiệc, Đức Mẹ ra lệnh cho chú chạy bàn y như một bà sếp đầy quyền uy: “Anh Giê su bảo sao, thì chúng con cứ thế mà làm nhá!” Những người chạy bàn đi múc nước đổ vào sáu chum, theo lệnh của Chúa. Chúng hứng quá nên Gioan kể là chúng múc nước đổ đầy sáu chum cho tới miệng luôn. Nguồn hứng này đến từ giọng nói vừa quyền uy, vừa ngọt ngào của Đức Mẹ. Ngoài ra còn ánh mắt và cử chỉ dễ mến của một phụ nữ trên dưới năm mươi tuổi nữa.
Chân dung của Đức Maria, Mẹ của chúng ta là như thế đó. Vừa đáng kính, vừa đáng mến vô cùng. Cũng phải nói thêm rằng Đức Mẹ lúc đó đã trên dưới năm mươi tuổi, tuổi tàn của hoa. Nhưng Đức Mẹ là người luôn luôn hạnh phúc, luôn luôn chỉ biết “xin vâng”, không biết buồn, không biết giận, không biết lo sợ…, nên cái nhan sắc của tuổi năm mươi sẽ lùi xuống ở tuổi bốn mươi.
Sau phép lạ sáu chum nước lã biến thành sáu chum rượu ngon, thì uy tín của Chúa lên tới tận trời mây, còn lòng quý mến của quần chúng dành cho Đức Mẹ lan rộng tới tận chân trời góc biển. Nhưng điều làm cho Đức Mẹ hứng thú nhất, đó là lòng biết ơn của đôi vợ chồng trẻ dành cho Đức Mẹ. Nếu không có Đức Mẹ, thì không có phép lạ này. Nếu không có phép lạ này, thì tiệc cưới chỉ còn là nỗi nhục truyền kiếp. Đôi vợ chồng trẻ gục mặt khóc, khóc cho hôm ấy và khóc mãi cho đến ngày lìa đời. Chắc chắn cô dâu chú rể ôm lấy Đức Mẹ để cám ơn. Và chắc chắn Đức Mẹ cũng gửi gắm chắc chắn cặp vợ chồng này sẽ sống hạnh phúc nhờ tình thương và những lời an ủi tuyệt vời của Đức Mẹ. Linh mục Piô Ngô Phúc Hậu
=================== Suy niệm 3 KHÔNG CÒN ‘PHẬN BẠC DUYÊN ĐƠN’! Đối với mỗi văn hoá, cảm giác bị khinh chê, nhục nhã, xấu hổ có thể khác về cách bộc lộ cũng như biểu hiện, hoặc do các định chế bất thành văn của quốc gia đó. Đơn cử văn hoá Do Thái, khi người đàn bà son sẻ, hoặc vô sinh thì thường bị gán là ‘đồ bị ruồng bỏ’, ‘người bị trừng phạt’, và đây là nỗi ô nhục ghê gớm đối với giới phụ nữ Do Thái nói chung. Điều này nếu nhìn kỹ, nó cũng na ná với tư tưởng cổ hữu phong kiến của người Việt Nam ta, là điều không nên giữ lại, nhưng đâu đó vẫn còn diễn ra trong tư tưởng, tâm trí của chúng ta!
Thật vậy, thời ngôn sứ I-sai-a, dân Is-ra-el cũng đã trải qua thế sự chẳng đáng tự hào là mấy. Thế nhưng, nhờ “Đấng công chính xuất hiện, Đấng Cứu độ Si-on đến như ngọn đuốc sáng ngời…” (x. Is 62, 1), nhờ hồng phúc của Thiên Chúa, nhờ ân thưởng của Ngài, mà “chẳng ai còn réo tên ngươi (dân Is-ra-el): ‘Đồ bị ruồng bỏ!’ Xứ sở ngươi hết bị tiếng là ‘Phận bạc duyên đơn’…nhưng được gọi ‘Ái khanh lòng Ta hỡi!’ Xứ sở ngươi nức tiếng là ‘Duyên thắm chỉ hồng’” (x. Is 62, 4), vì chưng “ngươi (dân Is-ra-el) sẽ được Đức Chúa đem lòng sủng ái, và Chúa lập hôn ước cùng xứ sở ngươi” (Is 62, 4). Thiên Chúa đã thương đoái nhìn đến dân khốn cùng, Ngài hết lòng yêu thương và lập giao ước thân tình như thể ‘hôn ước’ giữa “trai tài sánh duyên cùng thục nữ, Đấng tạo tác ngươi sẽ cưới ngươi về. Như cô dâu là niềm vui cho chú rể, ngươi cũng là niềm vui cho Thiên Chúa ngươi” (x. Is 62, 4-5).
Mối tương quan giao ước kết chặt giữa Thiên Chúa với dân Is-ra-el vượt xa mối tình gắn bó thân mật giữa đôi vợ chồng. Vì đây chẳng phải là sự kết nối giữa hai con người với nhau, giữa hai loài thọ tạo với nhau, mà là giữa Đấng hoá công với loài được tạo dựng, giữa một Thiên Chúa yêu thương, hằng trung tín, đầy lòng xót thương với con người thấp hèn, yếu đuối, bất trung, bất tín vì sự mong manh, hèn kém! Tuy nhiên, khi nói đến hôn lễ của người Do Thái, đặc biệt trong tiệc cưới Ca-na như Tin Mừng hôm nay thuật lại, thì chúng ta có thể đặt ra một số câu hỏi: tại sao việc Chúa Giê-su làm phép lạ biến nước thành rượu hảo hạng lại cứu gia đình tân lang như ‘một bàn thua trông thấy’? Và biến cố này có sự tinh tế của Mẹ Ma-ri-a, có sự vâng phục không chút ngờ vực của những người gia nhân (người giúp việc), và dẫn đến niềm tin tưởng của các môn đệ vào Chúa Giê-su, đã đóng vai trò quan trọng thế nào trong tiệc cưới Ca-na nói chung và đời sống phu thê của đôi tân lang tân nương nói riêng?
Thoạt đầu, chúng ta đề cập đến một trong vô số điều khiến người Do Thái xấu hổ. Còn bây giờ, qua trình thuật phép lạ đầu tiên của Chúa Giê-su tại tiệc cưới Ca-na, chúng ta biết thêm điểm khác mà có thể dẫn tới sự bối rối, áy náy, thậm chí nhục nhã, hỗ ngươi của người Do Thái thời bấy giờ. ‘Rượu nồng se duyên, kết nối tâm hồn’, và ‘rượu mặn nồng’ biểu trưng cho niềm vui hoan hỷ bất tận, đặc biệt trong ngày cưới. Cho nên, việc bỗng dưng hết rượu, mà tiệc vui vẫn chưa kết thúc, là sự cố vô cùng xấu hổ đối với gia đình tân lang. Câu nói ngắn gọn hàm chứa ý nghĩa cứu giúp đôi vợ chồng trẻ này, hỗ trợ gia đình tân lang của Mẹ Ma-ri-a không thể không bắt nguồn từ một tâm hồn nhạy cảm, tinh tế, quan tâm đến nhu cầu của tha nhân sâu sắc như Mẹ: “…mẹ Chúa Giê-su nói với Ngài: ‘Họ hết rượu rồi’” (Ga 2, 2). Đây chính là tâm tình, tư tưởng của người mẹ thấu hiểu con cái, kịp thời giúp đỡ hàng xóm láng giềng đang trong tình cảnh khó xử. Hơn nữa, Mẹ sống lời “xin vâng” (x. Lc 1, 38) với tâm thế “hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại (các biến cố) trong lòng” (x. Lc 2, 19) bằng cách dặn dò, truyền ‘năng lượng tích cực’, truyền tinh thần ‘vâng phục’ không một mảy mảy nghi ngờ cho những người giúp việc: “Hễ Ngài bảo gì, thì các anh cứ làm theo” (x. Ga 2, 4). Giả sử, các gia nhân này bất tuân, không cộng tác, không làm theo điều Chúa Giê-su bảo, vì lý do vệ sinh (các chum đá này thường được dùng vào việc thanh tẩy của người Do Thái, chứ chẳng phải vật dụng chuyên dùng để đựng rượu uống), thì phép lạ tại tiệc cưới Ca-na được diễn ra hay không? Chắc chắn sẽ được diễn ra, nhưng theo cách thức khác! Tuy nhiên, nêu ra giả sử này để chúng ta liên tưởng đến cuộc sống đức tin của mình. Nếu chúng ta không biết cộng tác, không để Chúa tự do biến đổi con người chúng ta, thì khó lòng có cảm nghiệm hoán cải như Thánh Phao-lô ‘ngã ngựa trên đường đi thành Đa-ma-cus’. Hơn nữa, đức tin của chúng ta cần được hung đúc, cần được mặn nồng nhờ vào ơn Chúa, nhờ vào Thần Khí, nhờ vào Lời Chúa.
Đời sống đức tin của chúng ta sẽ nhạt nhoà, nhạt nhẽo như mối gắn kết của đôi vợ chồng trẻ bị đứt đoạn, nếu ‘rượu nồng thắm tình’ cạn kiệt giữa buổi tiệc hân hoan. Đời sống đức tin chúng ta sẽ lạnh nhạt, phai mờ, có khi ‘chết cóng’ nếu thiếu vắng sự gắn kết với vô vàn ân sủng Thánh Linh, như Thánh Phao-lô đã quả quyết trong thư gửi cho giáo đoàn Cô-rin-tô: “có những hồng ân khác nhau, nhưng vẫn là một Thánh Thần; có nhiều chức vụ khác nhau, nhưng chính là một Chúa; và có những hành động khác nhau, nhưng chính là một Thiên Chúa, Ngài thực hiện hết mọi cái trong mọi người. Ơn Thánh Thần ban cho mỗi người mỗi khác, cốt để mưu cầu công ích” (1Cr 12, 4-7). Thật vậy, tuy khác nhau về nhiều mặt, nhưng chúng ta cùng chung một Thiên Chúa là Cha, cùng được cứu chuộc bởi Chúa Con, và cùng được ân ban, đỡ nâng, được lãnh nhận sứ vụ khác nhau, nhưng đều từ một Thần Khí. Vì thế, sự khác biệt không đẩy chúng ta đến chỗ tách rời, xa cách, chia rẽ nhau, nhưng chính nhờ Thánh Thần là nguồn ân sủng, gắn kết, liên đới chúng ta nên một, nâng đỡ đời sống đức tin chúng ta, xây dựng cộng đoàn hiệp nhất dựa trên đặc sủng, đoàn sủng, và các sứ vụ khác nhau: “Người thì được Thánh Thần ban cho lời khôn ngoan, kẻ khác thì được lời thông minh, theo cùng cùng một Thánh Thần; người khác được đức tin,…Nhưng cùng Thánh Thần duy nhất thực hiện tất cả những điều đó. Ngài ban phát ơn riêng cho mỗi người theo như Ngài quy định” (x. 1Cr 12, 8-11).
Có một giáo xự nọ, cha quản nhiệm phát hiện giáo dân của ngài rất ư tài năng, đủ mọi loại tài khác nhau; nếu dùng đúng nơi sẽ sản sinh nhiều hoa quả cho giáo xứ. Thế nên ngài bèn tổ chức những bữa tiệc mừng rượu quý linh đình, với mục đích gắn kết và mời gọi những giáo dân tài năng này cộng tác với giáo xứ, cũng như biết hỗ trợ nhau, làm việc chung với nhau. Tuy nhiên, ‘rượu vào thì lời ra’, mà ‘lời ra thì ông cũng như bà’, chẳng thể kiểm soát hành vi, ngôn từ làm tổn thương nhau. Lấy làm buồn vì sự thể ấy, cha xứ thay đổi bằng cách tổ chức các buổi cầu nguyện, đặc biệt đào sâu Kinh Thánh và học hỏi cũng như sống thân tình với Chúa Thánh Thần. Sau một thời gian khá dài, với sự nỗ lực, kiên tâm, mà giáo xứ cha trở nên đoàn kết, chung tay sống đời bác ái, tín thác, cậy trông nhờ:
‘Rượu nồng’ ân sủng Thánh Linh
Kết giao, liên đới thành hình yêu thương
Tuy khác nhau, nhưng chung đường
‘Chỉ hồng duyên thắm’ tựa nương bên Ngài…
Lm. Xuân Hy Vọng
===================
Suy niệm 4 MẸ ƠI CON HẾT RƯỢU RỒI ! (Ga 2, 1-12) Chúa yêu loài người
Thiên Chúa yêu thương con người bằng một tình yêu hào phóng. Ngài đã dùng nhiều hình ảnh như tình phụ tử, tình mẫu tử, nhất là tình phu thê để diễn tả tình yêu của Ngài đối với con người, giúp con người hiểu được phần nào mà sống trung thành và đáp đền cho xứng như đoạn trích Sách Tiên tri Isaia hôm nay.
Thiên Chúa yêu con người, cụ thể là dân Israel như người chồng yêu vợ mình. Tình vợ tình chồng có lúc thăng lúc trầm: say mê tươi mát cái thuở ban đầu, niềm vui ngày cưới, nhưng có lúc tưởng như dứt nghĩa đoạn tình. Đây Thiên Chúa "tỏ tình" với con người. Chúa nói : "Như trai tài sánh duyên cùng thục nữ, Đấng tác tạo ngươi sẽ cưới ngươi về. Như cô dâu là niềm vui cho chú rể, ngươi cũng là niềm vui cho Thiên Chúa ngươi thờ" (Is 62,5).
Nhìn về quá khứ, Isaia hiểu rằng lưu đày là hình phạt xứng đáng đối với tội bất trung của dân. Nhưng với phút hiện tại, tác giả cảm nhận được tình yêu nồng nàn của Chúa dành cho dân, dù dân đã bội nghĩa bất trung nhưng Chúa vẫn một lòng yêu thương gắn bó. Ngài đã cứu họ khỏi cảnh khốn cùng : "Chẳng còn ai réo tên ngươi là ‘đồ bị ruồng bỏ’, xứ sở ngươi hết bị tiếng là ‘phận bác duyên đơn’” (Is 62,3). Chẳng những thế, Chúa còn yêu đem lòng sủng ái dân: "Ta đã một thời ngoảnh mặt chẳng nhìn ngươi, nhưng vì tình nghĩa ngàn đời, Ta lại chạnh lòng thương xót" (Is 54,8).
Thánh hóa mối tình của họ
Khi ấy có Tiệc cưới tại Cana. Đức Mẹ và Chúa Giêsu cũng được mời. Tiệc đang vui thì hết rượu. Đức Mẹ ghé tai nói nhỏ với Chúa Giêsu rằng: "Họ hết rượu rồi" (Ga 2,3). Nhưng Chúa Giêsu trả lời ngay: Thưa Bà "Việc đó đâu có liên can gì đến Bà và Con, Giờ Con chưa đến".
Rõ ràng và quyết liệt như thế, bình thường, người nghe đã nản, hết hy vọng, thấy mình lỡ lời, sao lại can thiệp vào việc của người ta! Nhưng ơn Chúa Thánh Thần và đức Bác ái thúc đẩy, Đức Mẹ không nói nước đôi: Nếu Người bảo gì, hoặc: Có thể Người bảo gì, nhưng Mẹ nói xác quyết với niềm tin mạnh mẽ, Đức Mẹ nói với các người giúp việc: "Hễ Người bảo gì, thì phải làm theo" (Ga 2,5). Và Phép lạ lẫy lừng chưa từng có, đã xẩy ra ngay. Nước rửa tay bình thường của Cựu ước đã trở thành Rượu hảo hạng của Tân Ước. Lý do là dâu rể đã mời Đức Mẹ và Chúa Giêsu đến dự tiệc cưới. "Có Mẹ mọi lẽ đều xuôi".
Thời nay đang có một cuộc khủng hoảng về gia đình : số người lập gia đình rồi li dị ngày càng gia tăng ; nhiều người trẻ không muốn lập gia đình ; một số người chủ trương nếu thích nhau thì cứ sống chung với nhau, đến khi nào không thích nhau nữa thì chia tay, cần gì mà phải cam kết chung sống chung trọn đời.
Cuộc sống gia đình quả là rất khó khăn : Ngày mới cưới, tình yêu vợ chồng thắm nồng như ly rượu tân hôn. Nhưng chẳng bao lâu sau, rượu nhạt tình phai, thậm chí còn thiếu rượu. Tình yêu thủy chung, luôn cho đi mà không hề mệt mõi, không ngừng nhường nhịn và tha thứ cho nhau. Một tình yêu như thế ở thời nay quả là một phép lạ.
Ở Cana, Chúa Giêsu đã làm phép lạ như thế : khi người ta thiếu rượu, Người đã làm cho có rượu dồi dào ; và rượu ấy Người đã làm ra từ những chum nước lã. Phép lạ này ngày nay Chúa vẫn tiếp tục làm, cho những ai thực lòng cầu xin. Tại sao những đôi vợ chồng đang gặp khó khăn không cầu xin phép lạ ấy ? Tại sao anh chị em không nhờ Đức Mẹ chuyển lời cầu xin ?
Có Mẹ mọi nhẽ sẽ xuôi
Có Đức Mẹ mọi nhẽ sẽ xuôi là xá tín của những người hết lòng trông cậy vào tình mẫu tử của Đức Mẹ. Ngay từ khởi đầu, lịch sử Hội Thánh đã cho chúng ta thấy những ai biết chạy đến nương nhờ vào tình thương của Mẹ, núp dưới bóng Mẹ và tà áo của Mẹ đã trọ giúp, chở che trong mọi hoàn cảnh. Chúng ta hãy dâng những kế hoạch, dự tính tương lai cho Mẹ. Hãy đến với Mẹ bằng niềm xác tín “có Mẹ mọi nhẽ sẽ xuôi”.
Noi gương gia đình Cana, khi hết rượu, nghĩa là tình gia đình nhạt phai, giảm đằm thắm, hãy mời Đức Mẹ đến nhà, trình bày cho Mẹ những bất hòa của chúng ta. Khi chúng ta ở trong những tình cảnh khó khăn, gặp khó khăn mà chúng ta không biết cách giải quyết, hay khi chúng ta lo lắng đau khổ, hoặc thiếu niềm vui, hãy đến với Mẹ Maria và thưa: "Mẹ ơi, chúng con hết rượu rồi, con biết làm sao đây, xin Mẹ giúp con với". Hãy thưa với Mẹ. Chắc chắn Mẹ sẽ đến với Chúa Giêsu và nói: "Con ơi, nhìn xem người kia kìa, họ hết rượu rồi". Và Mẹ sẽ trở lại và nói với chúng ta: "Hễ Người bảo gì, thì phải làm theo" (Ga 2,5).
Với lòng từ mẫu hay thương, Mẹ sẽ ngỏ lời cùng Chúa Giêsu, Con yêu dấu của Mẹ, miễn sao chúng ta hãy hết lòng tin tưởng chạy đến cùng Mẹ, để Mẹ làm chủ tình cảnh thiếu thốn của cuộc đời ta. Ở đâu có Mẹ thì ở đó mọi nhẽ sẽ xuôi.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
===================
Suy niệm 5
“Họ hết rượu rồi”
Trong Tin Mừng, chỉ có bảy lời của Đức Maria(Lc 1, 26-34; Lc 1, 35-38; Lc 1, 39-45; Lc 1, 46-56;Lc 2, 41-52; Ga 2, 1-4; Ga 2, 5-11). Lời thứ sáu “Họ hết rượu rồi” là lời ngắn nhất trong các lời Đức Maria nói lên giữa cuộc sống bên cạnh Ngôi Lời làm người. Lời ngắn nhưng có thể hiểu ở nhiều cấp độ khác nhau, bổ sung cho nhau nêu lên chân dung một người Mẹ tuyệt vời, gắn bó mật thiết với hạnh phúc của các gia đình.
1. “Họ hết rượu rồi”: một lời thông tin
Theo Tin Mừng Gioan thì hành động đầu tiên của Chúa Giêsu sau khi chịu phép rửa là quy tụ các môn đệ. Hành động thứ hai là đi dự tiệc cưới. Có lẽ đây là tiệc cưới của người bà con nên cả Đức Mẹ, Chúa Giêsu và các môn đệ cùng đi dự. Có thể là một đám cưới nhà nghèo nên thiếu rượu nữa chừng.
Tại Palestina, tiệc cưới kéo dài hơn một ngày, lễ cưới chính thức cử hành vào buổi xế chiều sau khi dự tiệc. Sau buổi tiệc, đôi tân hôn được đưa về nhà mới. Bấy giờ trời đã tối, họ được đưa đi qua các con đường càng dài càng tốt để có thể gặp được nhiều người chúc mừng. Vợ chồng mới cưới không đi hưởng tuần trăng mật. Họ ở tại nhà, mở cửa suốt tuần để tiếp khách. Họ đội vương miện và mặc y phục hôn lễ. Nếu suốt đời người ta phải sống cơ cực vất vả, thì nay được một tuần tiệc tùng, vui vẻ, đây là cơ hội đặc biệt trong đời người. Như vậy, theo tập tục Do Thái, đám cưới kéo dài suốt bảy ngày.
Đám cưới Cana này mới đến ngày thứ ba thì đã hết rượu rồi. Một tai hoạ bất ngờ, chủ tiệc bối rối, khó xử. Các Rápbi vẫn nói: Không rượu thì không vui. Người Việt nói: Vô tửu bất thành lễ. Không phải vì mọi người nghiện rượu, nhưng ở Đông Phương, món rượu rất quan trọng. Say rượu là một điều thật xấu hổ, nên họ uống rượu pha, hai phần rượu và ba phần nước lã. Lúc nào thiếu thức ăn, thức uống là có vấn đề, vì ở Đông Phương tiếp khách là một nhiệm vụ thiêng liêng; thiếu thức ăn thức uống trong một tiệc cưới là điều hổ thẹn cho cả cô dâu lẫn chú rể.
Không ai hay, kể cả chủ tiệc; không ai để ý, kể cả tân lang. Vả lại khi đã ngà ngà hoa mắt rồi, khách có để ý đi nữa cũng chẳng thấy. Thế mà trong số khách hôm ấy có người đã để ý và đã thấy. Người ấy nhẹ nhàng nói với Chúa Giêsu: “họ hết rượu rồi”.
2. “Họ hết rượu rồi”: một lời thông cảm
Người khách đặc biệt ấy chính là một phụ nữ thật tinh ý và có tấm lòng trắc ẩn sẵn sàng giúp đỡ người khác. Với trái tim nhảy cảm, với tấm lòng từ mẫu, Mẹ tự mình can đảm vào cuộc. Mẹ coi việc đám cưới là việc nhà mình và coi chuyện hết rượu là chuyện của chính mình. Từ đó Mẹ tận tụy chẳng quản ngại gì nữa, đi lại giữa một đàng là con mình và đàng khác là các gia nhân, dàn xếp và chuẩn bị tinh thần sẵn sàng, miễn sao mọi người đều vui. Sở dĩ Mẹ nhận thấy tình hình khó khăn của gia chủ, theo Đức Thánh cha Phaolô VI là vì Mẹ là người biết lắng nghe, một trinh nữ lắng nghe. Để có thể nói lời thông cảm, chắc chắn Mẹ phải rất tinh tế để nghe được nỗi xôn xao trong gia đình, những bước chân vội vã đi tìm rượu và Mẹ còn nghĩ đến những gì sẽ xảy ra sau khi tiệc tan cho nên Mẹ dặn dò các gia nhân: “Ngài bảo gì, các anh hãy làm theo”.
3. “Họ hết rượu rồi”: một lời chuyển cầu
Lời “họ hết rượu rồi” trong cấp độ khách quan chỉ là lời thông tin của một thực khách tinh ý, và trong cấp độ tình cảm lại là lòng trắc ẩn của trái tim người nữ sẵn sàng dấn thân đảm đang công việc, nhưng chính trong cấp độ đồng hành thiêng liêng, người ta mới thấy lời ấy quả là một lời nhiệm mầu của Mẹ Đức Giêsu mở vào tấm lòng của Đấng Cứu Thế con mình, và đồng thời mở ra ân sủng thánh hóa những giá trị trần đời. Người thực khách tinh ý và giàu lòng trắc ẩn chính là “thân mẫu Chúa Giêsu”.
Khi thấy đám cưới hết rượu, Đức Maria không đi tìm rượu ở chỗ khác nhưng lại đến thẳng chỗ con mìnhvà nói lên niềm tin tưởng trọn vẹn của Mẹ. Đây là một lời thỉnh cầu kín đáo và tin tưởng Đức Maria bày tỏ với Con.Ở trường hợp khó khăn như thế này, người duy nhất làm thay đổi tình thế không phải là ai khác ngoài Chúa Giêsu, dẫu cho tới lúc đi ăn cưới, Mẹ chưa thấy Chúa Giêsu thực hiện một phép lạ nào ở quê hương Nazarét hay ở nơi đâu khác. Như vậy, tại Cana, Đức Maria đã bày tỏ thêm lần nữa tâm tình tín thác đã có từ ba mươi năm trước khi thưa tiếng xin vâng. Nếu ngày truyền tin, Đức Maria đã tin vào Chúa Giêsu trước khi thấy Người bằng xương bằng thịt, nên đã xin vâng dẫn đến việc thụ thai trinh khiết, thì ở Cana, khi tin tưởng vào quyền năng chưa được tỏ lộ của con mình, Mẹ đã xin vâng mở đường dẫn đến “dấu lạ đầu tiên” của Chúa Giêsu biến nước lã thành rượu ngon, vun bồi lòng tin cho các môn đệ.
Như vậy, lời “họ hết rượu rồi” bên ngoài xem ra thật ngắn ngủi, nhưng bên trong lại ẩn chứa cả một kho tàng phong phú của một tấm lòng vừa tuyệt đối tin tưởng vừa chan chứa yêu thương. Tin tưởng hoàn toàn nơi Chúa Giêsu dù giờ Người chưa đến và yêu thương tận tụy dành cho đám cưới cũng như dành cho các môn đệ đầu tiên mới dò bước theo Thầy.
Chính vì thế, lời thứ sáu của Đức Maria “họ hết rượu rồi” dẫn tới lời đáp của Chúa Giêsu “Thưa bà, chuyện đó can gì đến bà và tôi? Giờ của tôi chưa đến” để có kết thúc là phép lạ ngoạn mục, vẫn được nhắc đến như hình mẫu sự hợp tác của Mẹ Maria vào chương trình cứu chuộc của con mình, dẫu đó là một sự hợp tác vượt lên vai trò làm mẹ tự nhiên để bước sang lãnh vực của niềm tin và của hy vọng.
Lời thứ sáu này còn được ghi nhớ như một lời chuyển cầu đầy hiệu quả của Đức Maria bên cạnh Chúa Giêsu, để hôm qua ở Cana chúc lành cho một gia đình và hôm nay tiếp tục chúc lành cho mọi gia đình khác biết mình đang trong tình trạng thiếu rượu tình yêu và hạnh phúc. Qua tiệc cưới Cana, với con tim trắc ẩn, với câu nói ân cần và với bàn tay nhân lành, Mẹ đích thực là Mẹ hằng cứu giúp, không ở trên cao mất công cúi xuống, cũng không ở ngoài xa mất giờ đến gần, mà như người trong cuộc tận lực tận tình cứu giúp, để cuộc sống gia đình vốn như nước lã nhạt phèo đã được thánh hóa nên rượu thơm nồng nàn hạnh phúc. Đức Maria chính là Mẹ của các gia đình.(x. Bảy lời của Đức Maria, ĐGM Giuse Vũ Duy Thống).
4. Hãy đến với Mẹ Maria
Chúa Giêsu đã thực hiện phép lạ đầu tiên tại Cana. Ngài biến nước lã thành rượu hảo hạng. Tiệc đang vui vẻ mà rượu gần cạn. Gia đình lo lắng, sợ mất mặt với khách dự tiệc… Mẹ Maria quan tâm đặc biệt. Mẹ ngỏ ý với Chúa: “Họ hết rượu rồi”. Mẹ nói với gia nhân: “Ngài bảo gì, các anh hãy làm theo”. Chúa Giêsu nói với gia nhân: “Hãy đổ nước đầy chum”. Họ đổ tới miệng chum. Và Chúa bảo họ: “Bây giờ hãy múc nước đem cho người quản tiệc”. Nước đã biến thành rượu ngon. Người quản tiệc bỡ ngỡ, thực khách vui mừng.
Sự kín đáo của Mẹ được thể hiện qua việc không nêu danh Giêsu trong câu nói, để Chúa Giêsu tự do biểu lộ mình theo cách của Ngài và đúng lúc "hữu xạ tự nhiên hương", qua việc Chúa làm, dân chúng sẽ nhận biết Ngài. Sự kín đáo ấy còn thể hiện qua việc Mẹ nhẹ nhàng rút lui khỏi hiện trường dành sáng kiến cho Chúa Giêsu dùng lời Ngài mà đến với mọi tâm hồn. Vài trò trung gian của Mẹ là dẫn người ta đến gặp Chúa Giêsu, mà một khi người ta đã đến được rồi, Mẹ trở lại phong thái muôn thuở là “ghi nhớ và suy niệm trong lòng”.
Phép lạ Cana do Chúa thực hiện, nhưng Đức Mẹ cũng đóng vai trò quan trọng. Sự can thiệp của một người mẹ nhạy cảm và từ ái góp phần làm nên phép lạ hoá nước thành rượu.
Tin Mừng Gioan nhắc đến Đức Mẹ hai lần: lần đầu ở Cana và lần cuối ở Núi Sọ. Mẹ chứng kiến cái chết của con, và từ đây Mẹ trở nên Mẹ của các tín hữu (Ga 19, 25-27). Cả hai trình thuật nối kết với nhau chặt chẽ và giải nghĩa lẫn nhau. Sự hiện diện của thân mẫu Đức Giêsu, cách xưng hô, giờ chưa đến và giờ đã đến là những yếu tố nối kết hiển nhiên. Mẹ đã hiện diện ở tiệc vui Cana, Mẹ cũng hiện diện ở núi Sọ buồn. Mẹ đã đi từ bước đầu cho đến cao điểm của sứ vụ Chúa Giêsu. Mẹ vẫn đi mãi, đồng hành với Giáo Hội, với mỗi người chúng ta trong cuộc lữ hành trần thế. Mẹ vẫn chia sẻ niềm vui và âu lo, nâng đỡ và ban ơn cho mỗi con người trong cuộc đời này.
Ngày kết hôn ai cũng ao ước được duyên thắm chỉ hồng mãi mãi được vuông tròn, trăm năm hạnh phúc, tình yêu mãi được tươi đẹp và chỉ có một mối tình duy nhất: tình yêu vợ chồng bền chặt. Rồi dọc dài theo năm tháng, hôn nhân không phải lúc nào cũng màu hồng tươi thắm, mà còn có những trắc trở, lúng túng, khó khăn. Cuộc sống không hiếm lúc hết rượu, cạn nguồn vui, bế tắc nẻo đường dẫn đến hạnh phúc. Cũng không ít những tình thế bất trắc chứa đầy lo âu, hệt như hoàn cảnh của chủ tiệc lúc hết rượu. Nào xung đột, bất hoà, nào hiềm khích, mâu thuẫn chỉ vì một sự cố ngoài tiên liệu. Hãy noi gương Mẹ, nói với nhau lời thông tin trong sự thật và bác ái, nói với nhau lời thông cảm và cùng nhau nói lời thỉnh cầu lên Chúa xin Ngài ban ơn nâng đỡ. Hãy đến với Mẹ. Lời cầu bàu của Mẹ có giá trị lớn lao trước Nhan Thánh Chúa. Mẹ vẫn thường nói với Chúa Giêsu: “Họ hết rượu rồi” và Mẹ cũng hay nói với mỗi người chúng ta: “Hãy làm mọi điều Chúa bảo…”. Hãy làm theo lời Chúa, để rượu tình thương không bao giờ cạn vơi trong gia đình chúng ta.Khi các gia đình gặp khó khăn thử thách, hãy tin tưởng chạy đến với Mẹ. Khi tình yêu trong gia đình trở nên lạnh lẽo, hãy cậy nhờ Mẹ can thiệp trước nhan Chúa, để nước lã những sinh hoạt tẻ nhạt mỗi ngày được biến thành rượu ngon, khó khăn được giải quyết, tình yêu được tuôn tràn và đổi mới. Tình yêu hôn nhân đã được chính Chúa thiết lập và thánh hóa. Ân sủng bí tích hôn nhân giúp các cặp vợ chồng trung thành và yêu thương nhau suốt đời. Bên cạnh những nỗ lực để cải thiện đời sống gia đình, hãy khiêm tốn khẩn nài với Đức Maria, để Chúa Giêsu tiếp tục thực hiện phép lạ Cana, nhờ đó các gia đình không bao giờ bị thiếu rượu an vui, nhưng luôn chan chứa tình yêu do Thiên Chúa rộng ban.
Mầu nhiệm Năm Sự Sáng: Thứ Hai thì ngắm: Đức Chúa Giêsu làm phép tại tiệc cưới Cana. Ta hãy xin cho được noi gương Đức Mẹ mà vững tin vào Chúa. Hàng ngày, mỗi gia đình hãy xin cho được noi gương Đức Mẹ mà vững tin vào Chúa.
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
===================
Suy niệm 6
Dấu Lạ Đầu Tiên
Is 62, 1-5; 1Cr 12, 4-11; Ga 2, 1-11
Đức Giêsu và Mẹ Người đi dự tiệc cưới tại miền Cana. Xảy ra là tiệc đang vui bỗng bị hết rượu, thiết tưởng giống như buổi tối lễ hội đang tưng bừng bỗng bị cúp điện tối sầm. Bởi tiệc cưới của người Do Thái nếu hết rượu là một sự cố buồn lớn, là rủi ro, bất hạnh cho đôi hôn nhân trong ngày cưới.
Đức Maria đi tham dự tiệc cưới không chỉ là đến để ăn tiệc, nhưng với tình yêu thương, Mẹ quan tâm, để ý cặn kẽ và nhạy bén trước khó khăn của người khác để tìm giúp tha nhân, để nhận biết tình cảnh hết rượu của nhà đám. Mẹ đem nỗi lo của họ đến với Con mình: “Họ hết rượu rồi”. Đức Giêsu chưa một lần làm phép lạ, xem ra phép lạ hôm nay chưa đúng lúc và ngoài ý muốn của Người, nên Người trả lời cách ngó lơ: “Thưa bà, chuyện đó can gì đến bà và tôi? giờ của tôi chưa đến”. (Ga 2, 4). Nghe làm vậy mà Mẹ không nản chí, vẫn chỉ dạy gia nhân: “Người bảo gì, các anh cứ làm theo”, nghĩa là hãy nghe và thực hành Lời Chúa. Giờ chưa đến nhưng nhờ sự can thiệp của Mẹ nên Người cho “đã đến”. Đây là bài học của lòng tin cậy, nhờ Mẹ, với Mẹ đến với Chúa và lòng tin yêu phó thác trong bàn tay Chúa yêu thương quan phòng.
Họ làm theo Lời Chúa và dấu lạ đầu tiên đã xảy ra: sáu chum nước đầy tới miệng đã hóa thành rượu ngon, niềm vui bừng sáng trong cả tiệc cưới đang buồn bã mất vui ấy.
“Ngày thứ ba, có tiệc cưới tại Cana...” (Ga 2,1a). “Ngày thứ ba” là ngày mang ý nghĩa đặc biệt của Thiên Chúa: mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi; ngày thứ ba Chúa sống lại, đem niềm vui ơn cứu độ cho toàn thể nhân loại; ngày thứ ba Chúa thực hiện dấu lạ đầu tiên “cứu” cô dâu chú rể và toàn gia trong ngày đại lễ, khai mở cho mọi phép lạ trong cuộc đời công khai của Chúa.
“Cana” tiếng Do Thái nghĩa là “tổ ấm”. Đức Giêsu bắt đầu cuộc đời nhập thể nơi một tổ ấm tại Bêlem, tại Nazaret và bước vào đời công khai, dấu lạ đầu tiên hôm nay được thực hiện tại tổ ấm Cana. Nơi đâu có Chúa và Mẹ, nơi đó trở thành tổ ấm tràn đầy niềm vui yêu thương. Hình ảnh nước lã hóa thành rượu ngon còn tượng trưng sau này rượu nho sẽ hóa thành Máu Thánh Chúa.
Thiên Chúa là tình yêu. Ở đâu có Chúa, niềm vui hạnh phúc ngập tràn như hôn lễ tiệc cưới. Khi sống mối tương quan đậm đà mật thiết trong Chúa, chúng con sẽ có niềm vui hạnh phúc đầy tràn, như ngôn sứ Isaia mô tả trong bài đọc I: “Vì ngươi sẽ được Đức Chúa đem lòng sủng ái, và Chúa lập hôn ước cùng sứ sở ngươi. Như trai tài sánh duyên cùng thục nữ, Đấng tác tạo ngươi sẽ cưới ngươi về. Như cô dâu là niềm vui cho chú rể, ngươi cũng là niềm vui cho Thiên Chúa ngươi thờ.” (Is 62,4b-5).
Lạy Chúa! xin cho mỗi chúng con và các gia đình trẻ luôn vững lòng tin, cậy, kính mến, mở rộng tâm lòng để cùng Mẹ, nhờ Mẹ đón Chúa vào cuộc đời và ở với gia đình chúng con. Ước chi mỗi gia đình chúng con đều trở thành một tổ ấm yêu thương, tràn đầy hạnh phúc, vì khi có Chúa mọi sự sẽ trở nên tốt đẹp. Amen.
Én Nhỏ