Chúa nhật, 24/11/2024

Phép rửa và những dấu chỉ

Cập nhật lúc 10:01 08/01/2022


Hôm nay, Chúa Giêsu chịu phép rửa (Lc 3,15-16,21-22). Ngài không còn là Hài Nhi bé thơ nằm trong máng cỏ, hay cậu bé Giêsu mười hai tuổi lạc cha mẹ trong đền thờ như hai chương đầu Tin Mừng Thánh Luca tường thuật. Ngài đã đến tuổi thi hành sứ mạng của mình: sứ mạng mà ông Giacaria đã nói tiên tri, đó là “cứu dân Người thoát khỏi những thế lực thù địch, thoát tay những người hằng ghen ghét họ…” (Lc1,67-75). Hay như cụ già Si-mê-on đã tuyên bố: Chúa Giêsu chính là “ơn cứu độ, là ánh sáng soi đường cho dân ngoại, là vinh quang của Israel.” (Lc2,29-32).

Hôm nay, Chúa Giê su chịu phép rửa. Ngài khiêm tốn “trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế” để Gioan Tẩy Giả nhấn mình vào dòng nước Giođan. Giây phút Chúa hòa mình vào dòng nước chịu thanh tẩy như bao người, là dấu chỉ từ nay, Ngài sẵn sàng đi cùng với nhân loại bước vào chương trình cứu độ, giúp họ sám hối và hoán cải đời sống.

Và hôm nay, sau khi chịu phép rửa, Ngài cầu nguyện. Chính lúc này thì cửa trời rộng mở, theo sau đó là sự hiện diện của Chúa Cha, và Chúa Thánh Thần. Đây vừa là dấu chỉ sự hiệp nhất của Ba Ngôi trong kế hoạch Cứu Độ, vừa là thái độ mà Chúa Giêsu luôn đặt ưu tiên trong cuộc sống tại thế của Ngài: kết hiệp với Chúa Cha trong Chúa Thánh Thần!

Vậy việc Chúa Giê su chịu phép rửa đã đem đến những dấu chỉ nào cho cuộc sống của mỗi người chúng ta hôm nay? Theo tôi, có ba dấu chỉ này:

Thứ nhất, phép rửa của Chúa nhắc nhớ chúng ta về Bí Tích Rửa Tội của chính mình.

Thật vậy, phép rửa của Chúa hôm nay là nền tảng cho bí tích rửa tội của người Ki tô hữu. Tương tự như việc Chúa chịu dìm mình vào dòng nước Giođan, là dấu chỉ chiến thắng sự chết, thì việc đổ nước trên đầu và kêu cầu Chúa Ba Ngôi làm cho chúng ta được tái sinh và trở nên con cái Thiên Chúa, được là nghĩa tử, và được thừa hưởng sự sống đời đời. Chính Đức Giáo Hoàng Benedicto 16 đã từng đưa ra nhận định sau: “ Bí Tích Rửa Tội liên kết chúng ta với Đấng đã chinh phục sự chết và nắm trong tay chìa khóa sự sống”.[1] Không những vậy, chúng ta còn được chia sẻ chức vụ tư tế, vương đế, và ngôn sứ của Chúa Giê su. Đây vừa là quyền lợi, cũng vừa là bổn phận của mọi người Kitô hữu. Câu hỏi đặt ra là, chúng ta đã, đang,và sẽ thực thi những quyền lợi và bổn phận đó như thế nào? Chúng ta có dám thực thi chức vụ ngôn sứ như Gioan Tẩy Giả để làm chứng cho chân lý, cho sự thật về Chúa và ơn cứu độ trong bối cảnh thế giới hôm nay? Chúng ta có dám chết đi con người cũ, và mặc lấy thân phận con cái Chúa để mời gọi anh chị em mình sám hối và hoán cải hầu đón nhận sự sống vĩnh cửu trong đại gia đình của Thiên Chúa?

Thứ hai, phép rửa của Chúa là dấu chỉ cho chúng ta về thái độ sống nghiêm túc trong ơn gọi của từng người.

Khác với Tin Mừng Luca, Tin Mừng theo Thánh Mattheu đã đề cập cách cụ thể thái độ kiên quyết của Chúa Giêsu khi thuyết phục Gioan làm phép rửa cho mình. Ngoài việc muốn “giữ trọn đức công chính”, thì Ngài có lẽ muốn chuẩn bị thật chu đáo tâm hồn mình để trở nên của lễ hy sinh cho chúng ta, đang khi mang lấy thân phận phàm nhân. Đây là một thái độ sống khiêm tốn của Con Thiên Chúa: tự hạ để đi vào cuộc sống con người. Còn phần chúng ta thì sao? Khi được Chúa mời gọi để trở nên con cái Chúa, con cái ánh sáng, để sống thánh thiện và hạnh phúc trong từng bậc sống của mình, chúng ta có nghiêm túc không? Là những người cha, người chồng, người vợ, người mẹ, những con cái trong gia đình, hay những người sống bậc tu trì, giáo sĩ… chúng ta đã chuẩn bị bản thân như thế nào để thi hành những sứ vụ ấy? Chúng ta có khiêm tốn đủ để yêu mến và phục vụ nhau trong sứ mạng của riêng mình?

Thứ ba, phép rửa của Chúa là dấu chỉ Tình Yêu Tự Hiến của Thiên Chúa

Một lần nữa, Đức Giáo Hoàng Benedicto 16 nói về phép rửa của Chúa Giê su trong chiều kích cứu độ như sau: “Dưới ánh sáng của thập tự giá và sự phục sinh, các Kitô hữu nhận ra điều đang diễn ra là: Chúa Giêsu đã trút gánh nặng tội lỗi của cả nhân loại lên vai ngài; Ngài đã chôn nó xuống vực sâu của sông Giô-đan. Ngài bắt đầu sứ mạng công khai của mình bằng việc bước vào nơi ở của những kẻ tội lỗi. Cử chỉ nhậm chức của Chúa là một sự tiên liệu trước về Thập giá.”[2] Điều này nói với chúng ta điều gì?

  • Có phải nơi dòng sông Giođan, chúng ta nhìn rõ hơn dung mạo của một Thiên Chúa yêu thương con cái mình, và muốn ban tặng sự sống mới cho chúng qua sự vâng phục Thánh Ý Chúa Cha nơi Người Con Một là Đức Giêsu?
  • Có phải nơi dòng sông Giođan, chúng ta học được cách Thiên Chúa đồng hành với con người: đó là ban nguồi bình an, sức mạnh, và Tình Yêu là Thánh Thần để thánh hóa và biến đổi đời sống chúng ta nên mới mỗi ngày?
  • Có phải nơi dòng sông Giođan, chúng ta được mời gọi để cộng tác vào công trình cứu độ của Thiên Chúa bằng cung cách sống của con cái Thiên Chúa, đó là chết đi những tính hư tật xấu, và sống trong sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, nói sự thật và làm chứng cho sự thật?

Cầu Nguyện:

Lạy Chúa, nơi dòng sông Giođan, Chúa đã chịu phép rửa trong sự hiện diện của Chúa Cha và Chúa Thánh Thần, nhờ đó, chúng con cũng được trở nên con cái Thiên Chúa qua Bí Tích Rửa Tội. Xin ban sức mạnh Thánh Thần Chúa để Người hướng dẫn chúng con sống tốt những ơn ích mà Bí Tích Rửa Tội mang lại. Xin cho chúng con đang khi tham gia vào chức vụ tư tế, vương đế, và ngôn sứ của Đức Kitô, biết khiêm tốn làm cho mọi người nhận biết và yêu mến Chúa nhiều hơn mỗi ngày. Amen.

Quỳnh Thoại, CĐM

—————————

[1] Bài Giảng Lễ Chúa Giê su chịu Phép Rửa ngày 8/01/2006.

[2] Pope Benedict XVI, Jesus of Nazareth, p.18.

Nguồn: dongten.net

Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log