=================
Suy niệm 3
THÁCH ĐỐ NÊN TRỌN LÀNH
Trong chúng ta, ít nhất một lần đã đọc đoạn Kinh Thánh ngày hôm nay (x. Lc 6, 27-38) và tự hỏi khá nhiều rằng: “tại sao tôi phải yêu kẻ thù, tại sao làm ơn cho những kẻ ghét mình, tại sao chúc phúc cho những kẻ nguyền rủa mình, và cầu nguyện cho những kẻ vu khống mình?” Và danh sách câu hỏi có thể kéo dài cả trang giấy!
Nếu chúng ta chỉ nhìn với đôi mắt thể xác, thì những gì Chúa dạy trong Tin Mừng hôm nay thật sự là điều không thể đối với chúng ta! Vì chưng, thế gian này hầu như đi ngược lại những gì Đức Giê-su chỉ dẫn. Cụ thể, “người người yêu kẻ thương mình, chứ chẳng bao giờ yêu kẻ ghét mình, huống chi thương kẻ thù! Tránh xa hoặc trả thù những kẻ hại mình, ghét mình, chứ chẳng ai chúc phúc cho họ, và cầu nguyện cho những kẻ vu khống mình, cũng như làm ơn, cho vay mượn mà không trông báo đền!” Hơn thế, nếu ai vả má mình, thì ‘ăn miếng trả miếng’ chứ ‘đời nào đưa cả má bên kia’ cho người ta vả! Ai lột áo ngoài mình, thì chống cự lại chứ chẳng bao giờ cho họ lấy áo trong luôn! Ai lấy gì của mình, thì phải đòi lại, chứ sao mà bỏ qua được!
Tuy nhiên, như Thánh Phao-lô quả quyết: “Bởi thế, như chúng ta đã mang hình ảnh của người thuộc địa giới (A-đam cũ, người có sự sống), thì chúng ta cũng sẽ mang hình ảnh người thiên quốc (A-đam mới, người có thần trí ban sự sống) như vậy” (1Cr 15, 49), thì chúng ta không chỉ làm theo tính năng xác thịt, mà còn vâng nghe và làm theo thần trí nữa. Dẫu biết rằng bước theo con đường Chúa đi nhiều chông gai, thách thức, nhưng chúng ta không đơn côi ‘một mình một nẻo’, mà Chúa luôn đồng hành với chúng ta qua gia đình, cộng đoàn, hội đoàn, giáo xứ, Giáo hội. Ngài cùng ta gieo bước hành trình trở nên trọn lành qua ơn phúc, ân sủng, đoàn sủng, đặc sủng, biết bao ơn thánh thiêng liêng trợ lực, nâng đỡ và thánh hoá chúng ta.
Vậy, với sức lực con người, chắc chắn chúng ta sẽ rơi vào tình cảnh giống như thế gian, chỉ biết ‘yêu những kẻ thương mình, làm ơn cho những ai làm phúc cho mình, v.v…’, và chẳng bao giờ thực hiện giới răn yêu thương, cũng như những gì Chúa răn dạy trong bài Tin Mừng hôm nay đầy thách thức. Dù biết rằng khó khăn, nhưng không phải là điều bất khả thi với lời mời gọi “trở nên nhân từ như Cha các con là Đấng nhân từ” (Lc 6, 36). Chúa mời gọi chúng ta nên trọn hảo, nên trọn lành, nên thánh thiện, vì chúng ta là con cái của Ngài, con cái của ánh sáng. Cũng nên biết rằng: Chúa không kêu gọi chúng ta nên hoàn hảo, vì Ngài biết con người chúng ta ‘vô nhân thập toàn’ (chẳng ai hoàn hảo); mà Ngài gọi mời chúng ta nên hoàn thiện, và sống tốt lành. Ở đây, chúng ta có thể áp dụng ý nghĩa tích cực của câu ‘cha nào con nấy’. Cha chúng ta là Thiên Chúa, Đấng trọn lành, thì chúng ta là con cái Ngài cũng nên tốt lành, vì chưng “Ngài nhân hậu với những kẻ bội bạc và những kẻ gian ác” (Lc 6, 35). Dĩ nhiên, Thiên Chúa bao dung, khoan nhân với họ, không phải Ngài nhún nhường, đồng loã với thói bội bạc, với sự gian ác, tội lỗi của họ, mà đúng hơn, Ngài cho họ cơ hội ‘quay đầu vào bờ’ vì Ngài biết rõ họ có thể trở nên tốt hơn như ngôn sứ Ê-zê-ki-en đã từng xác quyết: “Thiên Chúa không muốn kẻ gian ác phải chết, nhưng muốn nó ăn năn sám hối và được sống” (Ez 33, 11). Hơn thế, Thiên Chúa hằng yêu thương, xót thương, tha thứ chúng ta thế nào, thì Ngài mời gọi chúng ta cũng làm như vậy với tha nhân.
Chúng ta có thể thấy bằng chứng sống động này nơi Vua Đa-vít trong bài đọc I: “Chúa sẽ báo đáp cho mỗi người tuỳ theo sự công minh và thành tín cuả họ, vì hôm nay Chúa trao đức vua trong tay tôi mà tôi không nỡ ra tay giết đấng được Chúa xức dầu” (1Sm 26, 23). Như chúng ta biết rõ, Sa-un (hoặc Sao-lê) vị vua đầu tiên của dân Is-ra-el đã bày mưu tính kế giết hại Đa-vít thế nào, cũng vì sự ghanh ghét, đố kỵ sau khi thiếu niên tóc hoe, thân hình nhỏ bé Đa-vít chiến thắng trước gã tướng khổng lồ vạm vỡ Gô-li-át, chẳng phải nhờ sức lực con người, mà do bởi ơn Chúa. Thế nhưng, Đa-vít chẳng hề trả thù, báo oán, ngay cả khi mạng sống của vua Sa-un được trao vào tay Đa-vít. Vượt hơn cả bằng chứng này, Đức Giê-su trên cây thập tự, đã kêu xin Thiên Chúa Cha tha tội cho những người giết hại Ngài “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23, 34). Dù đứng trước cuộc khổ nạn, nhưng Đức Giê-su không ngừng tỏ lộ lòng bao dung, nhân từ như Thiên Chúa Cha là Đấng hằng nhân từ vì “Thầy với Cha là một” (Ga 10, 30). Noi gương Thầy Chí Thánh Giê-su, biết bao nhiêu gương sống Tin Mừng, vượt mọi thách đố dường như ‘khó nhai’, đã và đang sống đời trọn lành; trước hết không thể không kể đến các Thánh Tông Đồ, chư Thánh mọi thời đại, đặc biệt thời đương đại như: Thánh Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II đã tha thứ cho kẻ ám sát ngài; Bậc Đáng Kính Hồng Y Phan-xi-cô Xa-vi-ê Nguyễn Văn Thuận chẳng một lời lên án hay kết tội những người vì một học thuyết vô thần mà gây biết bao ưu phiền, sầu muộn cho ngài, và rất nhiều gương thánh nhân khác, v.v…
Tóm lại, con đường nên thánh, con đường sống trọn lành như Cha trên trời, thật lắm chông gai, gian nan, thử thách, nhưng tiên vàn với ơn Chúa và sự nỗ lực dù nhỏ bé nhưng liên lỉ của chúng ta, chắc chắn từng ngày chúng ta sẽ được trở nên ‘giống Chúa’ hơn, trong lối sống theo khuôn vàng thước ngọc “Các con muốn người ta làm điều gì cho các con, thì hãy làm cho người ta như vậy” (Lc 6, 31).
Thế gian bảo con: chớ yêu kẻ thù,
Nhưng Chúa dạy con: yêu thương kẻ thù.
Thế gian bảo rằng: báo oán kẻ hại ta,
Nhưng Chúa răn dạy: làm phúc cho họ.
Thế gian muốn con trả đũa kẻ nguyền rủa ta,
Nhưng Chúa mời con chúc phúc, cầu nguyện cho họ.
…
Ôi Chúa ơi, sao nhọc nhằn
Ngài luôn thấu tỏ, đỡ nâng con hèn.
Đành rằng lắm nỗi chuân chuyên
Với ơn thánh Chúa, mãi liên thực hành. Amen!
Lm. Xuân Hy Vọng
================
Suy niệm 4
Hãy ở nhân từ như Chúa Cha
(Lc 6, 27-38)
Nói đến lòng nhân từ là người ta nói đến điều quý giá nhất, giá trị cốt lõi bên trong con người. “Nhân” chính là cảnh giới cao thượng của con người trên đời, là đạo lý làm người mà bất kỳ ai cũng phải tu dưỡng. Lòng nhân từ được người đời coi trọng từ trước tới nay.
Nhân từ như Chúa Cha
Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ: “Hãy ở nhân từ như Cha các con là Đấng nhân từ” (Lc 6,36). Lời mời gọi ấy hướng chúng ta về với Thiên Chúa là Cha nhân từ.
Nhìn vào lịch sử cứu độ, chúng ta khám phá ra rằng toàn bộ mạc khải của Thiên Chúa là một lịch sử tình yêu đối với con người. Thiên Chúa yêu thương hết mọi người trừ một ai “Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính” (Mt 5,45). Lòng nhân từ của Thiên Chúa tỏ hiện cho dân Israel, và trải rộng ra tất cả những gì bàn tay Chúa tác tạo: “Chúa nhân ái đối với mọi người, tỏ lòng nhân hậu với muôn loài Chúa đã dựng nên” (Tv 145,9).
Chúa Giêsu, lòng nhân từ của Chúa Cha
Chúa Giêsu chính là hiện thân của Chúa Cha nhân từ, là quà tặng Thiên Chúa Cha ban cho con người. Chúng ta được mời gọi noi gương Chúa Cha và Chúa Giêsu là Con của Người sống nhân từ. Nhân từ thì không xét đoán, là cho đi, là thứ tha và không lên án. Chúng ta hãy ghi nhớ những lời của Chúa Giêsu khi Ngài bị đóng đinh vào thập giá, “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34). Đây chính là lòng nhân từ của Chúa Cha được thể hiện trong một hoàn cảnh vô cùng đặc biệt. Chúng ta “Hãy tạ ơn Chúa, vì Chúa nhân từ. Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương” (Tv 136, 1)
Hãy ở nhân từ
Chúa Giêsu mời gọi chúng ta "hãy ở nhân từ như Cha” (Lc 6,36) cho chúng ta thấy rằng, lòng nhân từ chính là nền tảng cho đời sống của người Kitô hữu. Chúng ta cần phải thể hiện lòng nhân từ như Chúa Cha. Vì nơi lòng nhân từ của Chúa Cha, chúng ta tìm thấy bằng chứng về cách thức Thiên Chúa yêu thương chúng ta. Ngài trao ban toàn bộ chính Ngài cho chúng ta, mà không cần hồi đáp. Ngài đến giúp chúng ta bất cứ khi nào chúng ta cầu khẩn Ngài” (x. PHANXICÔ, Tông sắc về năm Thánh lòng thương xót của Thiên Chúa, số 13).
Thời Giáo Hội sơ khai, lòng nhân từ được nhấn mạnh qua việc tha thứ cho nhau (x.Cl 3,13), chia sẻ của cải (x.Cv 4,34-35), và bố thí hay cứu trợ người nghèo khó (x.Cv 9,36; 10,2.4.31), lòng hiếu khách (x.1Tm 5,10), việc chôn tang người chết (x.Cv 8,2). Thánh Phêrô khuyên: “Anh chị em hãy đồng tâm nhất trí, thông cảm với nhau, hãy yêu thương nhau như anh em, hãy ăn ở nhân hậu và khiêm tốn. Đừng lấy ác báo ác, đừng lấy lời nguyền rủa đáp lại lời nguyền rủa, nhưng trái lại, hãy chúc phúc, vì anh chị em được Thiên Chúa kêu gọi chính là để thừa hưởng lời chúc phúc” (1P 3,8-9). Còn thánh Phaolô thì khuyên giáo đoàn Rôma sống bác ái thật : “Lòng bác ái không được giả hình giả bộ. Anh em hãy gớm ghét điều dữ, tha thiết với điều lành; thương mến nhau với tình huynh đệ, coi người khác trọng hơn mình; nhiệt thành, không trễ nải; lấy tinh thần sốt sắng mà phục vụ Chúa. Hãy vui mừng vì có niềm hy vọng, cứ kiên nhẫn lúc gặp gian truân, và chuyên cần cầu nguyện. Hãy chia sẻ với những người trong dân thánh đang lâm cảnh thiếu thốn, và ân cần tiếp đãi khách đến nhà. Hãy chúc lành cho những người bắt bớ anh em, chúc lành chứ đừng nguyền rủa: vui với người vui, khóc với người khóc. Hãy đồng tâm nhất trí với nhau, đừng tự cao tự đại, nhưng ham thích những gì hèn mọn. Anh em đừng cho mình là khôn ngoan, đừng lấy ác báo ác, hãy chú tâm vào những điều mọi người cho là tốt. Hãy làm tất cả những gì anh em có thể làm được, để sống hoà thuận với mọi người...kẻ thù ngươi có đói, hãy cho nó ăn; có khát, hãy cho nó uống; làm như vậy, ngươi sẽ chất than hồng lên đầu nó. Đừng để cho sự ác thắng được mình, nhưng hãy lấy thiện mà thắng ác” (Rm 12,9-21).
Tất cả những lời khuyên và hướng dẫn trong Lời Chúa làm nổi bật tầm quan trọng của thái độ cảm thông và lòng thương xót mà tín hữu của Chúa Ki-tô cần thấm nhuần và thực thi. Như thế, Giáo Hội của Chúa Ki-tô được xây dựng qua chính những cử chỉ tràn đầy tình thương xót này, mà mọi tín hữu cần ý thức và cố gắng sống qua nhiều hình thức khác nhau.
Giáo Phụ Hermas thành Roma giữa thế kỷ thứ II trong tác phẩm Người Mục Tử (Le Pasteur) đã nêu ra một bảng hướng dẫn tín hữu thực thi những việc tốt, để qua đó họ sống cho Thiên Chúa: “Nâng đỡ các quả phụ, thăm viếng các trẻ mồi côi và những người bất hạnh, chuộc những kẻ nô lệ là đầy tớ của Thiên Chúa, sẵn sàng đón tiếp khách tìm chỗ trọ, không gây thù hận, bình tĩnh và tự hạ mình trước mọi người, kính trọng những người già cả, thi hành công lý, gìn giữ tình huynh đệ, tương trợ những người bị bách hại, kiên nhẫn, không tức giận, an ủi những tâm hồn bị tổn thương, không bỏ rơi những người bị khủng hoảng về Đức Tin mà giúp đỡ họ, đưa họ về lại con đường chính lộ, đón nhận người tội lỗi trở lại, không chèn ép những người thiếu nợ và những người nghèo khổ…”
Người Á Đông thời xưa xem “nhân, lễ, nghĩa, trí, tín” là tiêu chuẩn quan trọng để đánh giá đạo đức của con người, cũng là năm đức để điều chỉnh các mối quan hệ giữa người với người trong xã hội. Trong năm đức ấy thì đức “Nhân” (lòng nhân từ, nhân ái) được xếp ở vị trí đứng đầu, đủ thấy tầm quan trọng vô cùng của nó.
Lạy Thiên Chúa là Cha nhân từ, xin giúp chúng con sống nhân từ như Chúa dạy. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
=================
Suy niệm 5
Luật Yêu Thương
1Sm 26, 2.7-9.12-13.22-23; 1Cr 15,45-49; Lc 6,27-38
Trong Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu đưa ra lệnh truyền về “luật yêu thương” nghe thật khắt khe: “Hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em, hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em. Ai vả má anh bên phải, thì hãy giơ cả má bên kia nữa. Ai đoạt áo ngoài của anh, thì cũng đừng cản nó lấy áo trong. Ai xin, thì hãy cho, ai lấy cái gì của anh, thì đừng đòi lại.” (Lc 6, 27-30).
Có luật xưa trong sách Lêvi cho phép “mắt đền mắt, răng đền răng” (Lv 24, 17-20). Nghe cái “luật rừng” thuở xưa này dù là được phép mà vẫn thấy ghê sợ thay! Ai lại quay sang móc trả một mắt, làm người ta cũng bị chột mắt bằng mình, hay vặn gãy răng đối thủ cũng một chiếc, để như vậy là “huề”, đau đớn mất mát bằng nhau cho hả giận? Đại khái có quyền báo thù, miễn là không vượt mốc đối phương gây hại mà vẫn công bằng. Nghĩa là chỉ được báo oán bằng sự thiệt hại bên kia gây ra. Kinh nghiệm cho thấy càng báo thù bao nhiêu càng gây họa lớn thêm mãi. Càng tiếp tục trả đũa, ăn miếng trả miếng nhau thì lòng hận thù càng bốc cao không dập tắt được, càng gây tai họa không tưởng.
Nhưng theo “phương pháp trị liệu” của Thầy Giêsu là “lấy đức báo oán”, đòi một cho hai, lấy yêu thương khiêm nhường để hạ nhiệt cơn giận trong con người kiêu căng mỏng giòn của mình, nhường phần thắng cho đối thủ… sao khó quá Thầy ơi! Thường khi chúng con bị xúc phạm, khi có “mối hận” với ai, nếu không đùng đùng chống cự lại ngay, thì cũng tìm cách để trả đũa, có dịp sẽ cho “biết tay nhau”! Dại dột chịu thua để đối phương lấn tới đè đầu cưỡi cổ sao? Nhưng nào có hả giận đối phương đâu, mối hận ngày càng loét to và sâu hơn, lòng dạ tim gan nặng trĩu bất an, kéo theo bao tội khác nữa…
Lệnh truyền của Thầy Giêsu rằng phải “yêu kẻ thù”, nghe sao mà khó quá! Luật Cựu Ước dạy yêu đồng loại và cho phép “ghét” kẻ thù. Bình thường theo cách người ta đối nhân xử thế cũng vậy, chỉ yêu thương thân nhân, những người yêu thương mình, có thiện cảm với mình. Chọn bạn mà chơi, người ta chỉ bầu bạn với những người đồng chí hướng. Còn những người đối nghịch, khó tính khó ở, người xấu nết, ghen ghét xúc phạm đến mình thì họ sẽ loại trừ, thù oán hoặc tìm cách trả đũa. Đã gọi là “kẻ thù” thì nhìn thấy mặt nhau đã ghét, thậm chí không thèm nhìn, nói gì yêu với thương? Nhưng nếu người ta cứ mãi lấy oán báo oán, ăn miếng trả miếng thì oán thù càng chồng chất thêm nặng, bao giờ mới hết hận thù? Hận thù chỉ bị tiêu diệt khi nào tôi yêu thương họ, lúc ấy sẽ chinh phục và “biến thù thành bạn” của mình.
Vượt lên trên cách đối đãi sòng phẳng bình thường của người đời, Thầy Giêsu dạy phải yêu kẻ thù, không phải chỉ trên lý thuyết, nhưng chính Thầy đã thực hiện trong suốt cuộc đời nhập thể và còn cho đến hôm nay, khi loài người tội lỗi hằng xúc phạm đến Chúa. Lúc còn tại thế, trong vườn Cây Dầu, ông Phêrô chém đứt tai một người trong nhóm đến bắt, Thầy dẹp và chữa luôn cho hắn. Dù đầy quyền năng, nhưng khi chịu đòn roi, hành hạ, sỉ nhục trong suốt cuộc thương khó, đối lại Thầy chỉ một niềm: “Xin Cha tha cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm”.
Chúa ơi! làm sao để con yêu thương như Chúa đã yêu thương? Tự sức chúng con không thể yêu thương và nên hoàn thiện như Chúa được. Nhưng khi chúng con sống đời Kitô hữu đích thực, dần dần chúng con được gặp gỡ Chúa, sống kết hiệp mật thiết với Chúa, chúng con sẽ được dạy cho biết cách yêu thương của Người. Chúng con sẽ biết cảm thông với người xung quanh đang chê bai, nói xấu, làm hại mình. Khi con đón nhận Chúa vào cuộc đời, gắn chặt đời con vào Chúa, thì lúc bị va chạm với người xung quanh, con sẽ tự chất vấn mình rằng, lòng bao dung của Chúa đang ở trong con, khiến con không nổi nóng tức giận nữa, mà nhủ lòng phải yêu thương theo cách của Chúa, ít nhất là nén lòng cầu nguyện cho họ, con sẽ được nhẹ lòng. Nhưng điều quan trọng là con phải nhận ra lòng Chúa luôn yêu thương tha thứ cho con, để từ đó, nhờ Chúa con biết thứ tha cho người làm khổ mình.
Nhìn lên Thầy chúng con thấy rõ: Thầy nắm trong tay mọi quyền uy Thiên Chúa, “Ngài rút hơi thở chúng đi, chúng chết ngay”. Vậy mà Thầy cứ lặng câm nhịn nhục trước bao kẻ tố cáo, nhục mạ chống báng rủa sả, hành hạ, kinh khủng nhất trong cuộc thương khó trên đỉnh cao thập tự. Lửa Tình trong Con Tim Yêu trong veo, khiêm nhường tự hủy của Thầy đốt cháy mọi oán hận tội nhân gây ra. Vì yêu Thầy “tha thứ tất cả, chịu đựng tất cả” (1Cr 13,7). “Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta, ngay khi chúng ta còn là tội nhân” (Rm 5, 8). Thầy giơ lưng, giơ má cho đến phút trót mà thốt lên an bình trong Chúa Cha: “Mọi sự đã hoàn tất”. Hy sinh của Thầy trở thành nguồn ơn cứu độ chúng con.
Ngày nay nếu chúng con sống trong Thầy, và Thầy sống trong chúng con, lúc đó Thầy sẽ yêu thương, tự hủy, lấy đức báo oán trong con người mỏng giòn của chúng con. Để đời chúng con dù có trải qua nhiều đau khổ, thua thiệt bởi thế trần thì chúng con vẫn bước đi an bình trong bàn tay từng chiến thắng của Thầy.
“Lạy Chúa xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa. Để con đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hòa vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm… Vì chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh, chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân, vì chính khi thứ tha là khi được tha thứ, chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời”.
Én Nhỏ