=============== Suy niệm 3 SỨ ĐIỆP ƠN THỨ THA Đa số chúng ta đều được cảm nhận sự tha thứ mỗi khi đến với Bí tích Hoà giải. Ngược lại, trong đời sống, không ít lần chúng ta đã từng lên án, kết tội anh chị em dù chỉ nơi tư tưởng, có khi bằng lời nói và qua hành động. Nhưng thực tế này đã xảy ra ngay cả thời Đức Giê-su, chứ chẳng phải chỉ mới diễn ra thời nay!
Vào bối cảnh chẳng mấy thuận tiện cho lắm “từ sáng sớm…” (Ga 8, 2), Đức Giê-su phải đối mặt với thói đời vô lối, tình trạng bất công xã hội, tập tục cổ hữu phân biệt vì nhóm “luật sĩ và biệt phái dẫn đến Ngài một thiếu nữu bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, đặt trước mặt mọi người” (Ga 8, 3) nhằm chất vấn theo luật Mô-sê, nhưng lại có ý “gài bẫy để có thể tố cáo Ngài” (x. Ga 8, 6).
Thông thường, khi nhìn vào biến cố “người phụ nữ bị bắt quả tang ngoại tình” này, ai ai trong chúng ta cũng không khỏi thắc mắc ‘tại sao người đàn ông dan díu vào cuộc vụng trộm này chẳng được nhắc tới, hoặc bị bắt đưa đến cùng với người phụ nữ’?! Vì lẽ nào mà cuộc ngoại tình xảy ra được nếu không có sự tham gia của đàn ông! Như vậy, nếu để chất vấn hỏi tội, thì cả hai người đều phải bị bắt chứ?! Trong một xã hội bất công ăn sâu vào tâm trí, tư tưởng họ, Đức Giê-su đã đối diện với thực trạng này ra sao? Ngài hành động thế nào trước hành vi kết án tha nhân và cõi lòng mưu mô đen tối muốn gài bẫy nhằm tố cáo của nhóm người chẳng bao giờ ưa thích Đức Giê-su?
Trước hết, chúng ta có thể nhận ra ngay hành động kỳ lạ của Đức Giê-su “cúi xuống, bắt đầu lấy ngón tay viết trên đất” (x. Ga 8, 6), khi nghe câu hỏi của nhóm luật sĩ và biệt phái “…Còn Thầy, Thầy dạy sao?” (Ga 8, 5). Thiết nghĩ đây không phải hành động của một vị quan toà khắt khe, nắm quyền phân xử sống chết; nhưng đúng hơn là cử chỉ của người bạn hữu thật bình tĩnh, bình tâm, bình thản, không gì hấp tấp vội vã luận tội hay kết án hoặc đồng loã hùa theo đám đông. Hơn thế, đây có thể là cử chỉ kéo dài thời gian hầu cho người khác cơ hội suy nghĩ lại quyết định của mình, hoặc suy xét thói quen kết án tha nhân dễ dàng! Thực ra, chúng ta chẳng biết Đức Giê-su viết những gì trên đất, nhưng cử chỉ này khiến chúng ta nghiền ngẫm như thể: chớ vội chạy theo số đông lên án anh chị em! Chớ hấp tập kết tội tha nhân, và tệ hơn không cho người khác cơ hội suy xét, sửa mình, hoán cải!
Ngoài ra, qua biến cố “từ sáng sớm” chẳng mấy thuận lợi này, Đức Giê-su lột tả chân tướng của thực trạng dường như bị quên lãng nơi đám đông dân chúng, cũng như trong mỗi người chúng ta qua câu hỏi hết sức căn tính: “Ai trong các ngươi sạch tội, hãy ném đá chị này trước đi” (Ga 8, 7). Ngài biết rõ: chẳng ai trong chúng ta sạch tội cả! Không tội nặng thì tội nhẹ, không tội to thì tội nhỏ. Và thực tế: tuổi đời càng tăng, cần phải tỉnh thức hơn trước tình cảnh phạm tội của mình, “…họ rút lui từng người một, bắt đầu là những người nhiều tuổi nhất…” (Ga 8, 9). Đây chính là thực trạng mà chúng ta luôn bị sa lầy, tệ hơn chúng ta thể hiện như thể ‘trong sạch, vô tội, cao quý…’ hơn người khác, và rồi mắc vào xu hướng dễ dàng lên án, kết tội tha nhân trong tư tưởng, ngôn từ, lời nói, hành động. Đức Giê-su giúp đám đông và cả chúng ta nữa biết nhận ra rằng: hết thảy chúng ta đều là kẻ tội lỗi, cần phải chân thành thú nhận lầm lỗi của mình và cần được nhận ơn thứ tha.
Thứ đến, câu hỏi nhẹ nhàng khe khẽ của Đức Giê-su vạch trần thói đời phán xét, kết tội anh chị em, khắc nghiệt với tha nhân, nhưng lại quá ư dễ dãi với bản thân: “Những người kết án chị đi đâu cả rồi?…” (Ga 8, 10). Những con người vừa mới mạnh miệng đòi kết tội người phụ nữ đáng thương này đâu cả rồi? Sao họ không kiên quyết với thái độ lên án chị cho bằng được, hay vì họ đã nhận ra điều gì sau một loạt câu hỏi đầy căn tính của Đức Giê-su chăng? Quả thật, Lời Chúa như chiếc gương soi chiếu giúp cho họ và cho chúng ta nhận ra con người tội lỗi của mình, cũng cần được tha thứ, cần có cơ hội ‘đổi đời, hoán cải’, cần tiếp nhận-lãnh hội thái độ cảm thông với tha nhân, chứ chẳng phải đồng loã hay nhúng nhường hoặc thoả hiệp với tội lỗi và sự ác.
Sau cùng, trước thực trạng dễ vấp ngã, rơi vào thói đời kết án người khác nơi tâm tư mỗi người chúng ta, Đức Giê-su loan báo sứ điệp tin mừng cho chúng ta như Ngài đã khẳng định với người thiếu phụ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình rằng: “Ta cũng thế, Ta không kết tội chị. Vậy chị hãy đi, và từ nay đừng phạm tội nữa” (Ga 8, 11). Thật hạnh phúc dường nào khi được Chúa khoan nhân thứ tha! Ôi hạnh phúc thay khi được Chúa trao ban cơ hội hoán cải, tặng ban ơn thánh, gửi trao sứ điệp tha thứ! Làm sao có thể diễn tả hết niềm vui được Chúa đoái thương, dủ tình âu yếm như lời ngôn sứ I-sai-ah trình bày trong bài đọc I: “Các ngươi đừng nhớ đến dĩ vãng, và đừng để ý đến việc thời xưa nữa. Đây Ta sẽ làm những cái mới và giờ đây chúng sẽ xuất hiện, như các ngươi sẽ biết; Ta sẽ mở đường trong hoang địa, và khai sông nơi đất khô khan…” (x. Is 43, 18-19). Nhờ sứ điệp cứu rỗi, tha thứ của Thiên Chúa, chúng ta được đổi mới, được thứ tha, được trở nên công chính, biết cảm thương-cảm thông-khoan dung với tha nhân như chính Ngài là Đấng hằng xót thương. Và điều này không ai cảm nghiệm sâu sắc hơn Thánh Tông đồ Phao-lô như ngài xác quyết: “Vì Người, tôi đành chịu thua thiệt, và coi tất cả như rác, để được Đức Ki-tô, và được ở trong Người, không phải do sự công chính của tôi dựa vào lề luật, nhưng do sự công chính bởi tin Đức Giê-su Ki-tô” (Pl 3, 8-9).
Cầu nguyện:
Chúa không kết tội chúng ta,
Vì Ngài muốn cứu rỗi và thứ tha.
Chúa nào ưa thích sự chết
Chỉ mong kẻ tội lỗi sám hối trở về,
Và ‘từ nay đừng phạm tội nữa’! Amen!
Lm. Xuân Hy Vọng
===============
Suy niệm 4
Chúa tha thứ để con người canh tân
(Ga 8, 1-11)
Chúa Giêsu là hiện thân của Lòng Thương Xót, Người đến trần gian mạc khải cho nhân loại biết Thiên Chúa là Cha, Đấng Giầu Lòng Xót Thương, Đấng ghét tội, không dung túng tội lỗi, nhưng yêu thương kẻ có tội và khoan nhân với tội nhân, vì “Thiên Chúa không muốn kẻ gian ác phải chết, nhưng muốn nó ăn năn hối cải và được sống” (x. Ez 33,11).
Đoạn Tin Mừng (Ga 8,1-11) là bằng chứng hùng hồn về lòng xót thương của Thiên Chúa đối với tội nhân. Thánh Gioan kể lại việc người ta đem đến cho Chúa Giêsu một phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình. Trong khi con người tố cáo, lên án tử cho tội nhân, còn Chúa Giêsu không kết án chị, nhưng cứu chị khỏi bị ném đá. Chúa không nói với người phụ nữ: chị không có tội, nhưng nói: "Ta không kết tội chị. Vậy chị hãy đi và từ nay đừng phạm tội nữa" ( Ga 8,11). Chúa Giêsu cho chị cơ hội để thay đổi đời sống. Chỉ có Thiên Chúa mới tha thứ và chờ đợi con người hoán cải đời sống.
Con người trước tội nhân
Người thiếu phụ phạm tội ngoại tình. Hành vi ngoại tình của chị là một hành vi rất kín đáo, nhưng tại sao lại bị bắt quả tang, mà những nhân chứng quả tang lại là các đấng bậc như kinh sư và pharisêu? Chắc chắn, họ phải kiên nhẫn theo dõi, rình chờ nhiều ngày nhiều đêm thì mới “bắt được quả tang” chị phạm tội ngoại tình. Dường như lối sống của họ là đi rình mò, nhòm ngó và dò xét người khác. Họ bới lông tìm vết, đi tìm sự xấu nơi người khác (qua việc vi phạm Lề Luật). Và khi bắt được quả tang người khác phạm Luật, thì họ lấy làm thích thú vạch trần, kết tội và lên án tử cho tội nhân. Có gì đó không ổn nơi ý hướng đen tối trong lòng họ. Họ giữ Luật đến từng chi tiết, họ có trong tay văn bản Lề Luật và họ “bắt quả tang” với những chứng cớ rõ ràng đối với những người vi phạm Lề Luật. Mọi người trong mắt họ đều là tội phạm thực sự hay “tiềm năng”; trong khi “Tội” nằm trong chính tâm hồn họ.
Con người luôn nhìn thấy tội mà không thấy phúc, không thấy tốt chỉ thấy xấu, không cho cơ hội hối cải mà chỉ kết án, xua đuổi, loại trừ, giết chết…!Chỉ nhìn thấy hành vi bên ngoài đã vội vã lên án rồi. Trong khi không biết tại sao chị lại có hành vi như thế. Hoàn cảnh, quá khứ hay vết thương đau nào đã đưa đẩy chị.
Người có tội trước mặt Thiên Chúa
Với bằng chứng quả tang và rất hùng hồn của họ về tội nhân trước mặt Chúa Giêsu : “Thưa Thầy, người đàn bà này bị bắt quả tang đang ngoại tình. Trong sách Luật, ông Môsê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà đó. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao?” (Ga 8, 4-5). Hình như Chúa Giêsu không nghe lời tố cáo rất bài bản dựa vào Luật của họ. Người không quan tâm, không thích nghe người ta kể tội nhau. Người ngồi viết trên đất. Chúng ta không biết Ngài đã viết những gì và có lẽ đó không phải là điều quan trọng nhất. Ðiều này gợi nhớ câu chuyện Sinai, khi Thiên Chúa đã viết các bảng Luật bằng ngón tay của mình (x. Xh 31,18). Thiên Chúa đã hứa sẽ không viết trên tấm bia bằng đá nữa, nhưng trực tiếp lên trái tim (x. Gr 31,33), trên tấm bia bằng thịt của trái tim chúng ta (x. 2Cr 3,3). Chúa Giêsu, lòng thương xót của Thiên Chúa nhập thể viết lên trái tim của con người, để mang lại niềm hy vọng cho nỗi khốn khổ của con người. Chúa đã làm như thế với người phụ nữ, chị đã gặp Chúa Giêsu và tiếp tục được sống. Đúng là chị đã phạm điều luật cấm, nhưng Chúa Giêsu nhìn thấy ở nơi chị, một con người thống khổ đang rất cần lòng thương xót, một bệnh nhân cần được chữa lành, một nạn nhân, cần được giải thoát. Hơn nữa, Người còn biết, và chỉ có mình Người biết đến đến quá khứ đau thương cũng như hoàn cảnh đưa đẩy chị đến hành vi này. Chỉ mình Chúa mới thấu suốt con tim và cuộc đời của chị; vì thế, Người cảm thương chị.
Thiên Chúa tha thứ và cho cơ hội
Lời của Chúa Giêsu với chị thiếu phụ mới đẹp làm sao : " Hỡi thiếu phụ, những người cáo chị đi đâu cả rồi? Không ai kết án chị … Ta không kết tội chị. Vậy chị hãy đi và từ nay đừng phạm tội nữa" ( Ga 8,11). Họ bỏ đi hết, “chỉ còn lại một mình Đức Giêsu, và người phụ nữ thì đứng ở giữa” (Ga 8, 9b), nghĩa là chỉ còn lại con người khốn khổ và lòng thương xót của Thiên Chúa. Đối với Chúa Giêsu, tội không phải là không trầm trọng, nhưng Người muốn giúp tội nhân canh tân. Người quan tâm tới tình thương hơn là tội lỗi, vì tình thương lớn hơn tội lỗi.
Hành động không lên án của Chúa Giêsu hoàn toàn khác hẳn với quyết định bỏ đi của những người muốn lên án, vì chắc chắn họ vẫn còn muốn lên án và phải lên án cho bằng được, để chứng minh mình đúng. Chỉ mình Chúa Giêsu mới có thể lên án, Người đã không lên án, vì nếu lên án, Người cũng chẳng khác gì những kinh sư và luật sĩ, và nhất là bởi vì lên án không thuộc về bản chất của Sự Thiện và Tình Yêu, vốn là chính Chúa. Chị không bị Chúa Giêsu kết án, nhưng tha thứ, một sự tha thứ đáng ngạc nhiên của Thiên Chúa từ bi và hay thương xót giúp chị canh tân cải hóa cuộc đời.
Trong thời gian Mùa Chay thánh này, chúng ta được mời gọi nhận tội lỗi của mình và xin Chúa tha thứ. Xin Mẹ Maria giúp chúng ta cảm nghiệm được tình yêu thương xót của Thiên Chúa. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
===============
Suy niệm 5 Vaccine phòng dịch “Ném đá” Ga 8, 2-11 Bệnh dịch “ném đá”
Có một thứ dịch đang lây lan rộng rãi trong xã hội hôm nay, đó là dịch “ném đá”.
Nhiều người xem chuyện công kích, phê bình, nói xấu… người khác như một trò tiêu khiển hằng ngày. Khi nhàn rỗi, bạn bè gặp nhau tại những quán cóc, được gọi đùa là “Thông tấn xã Vỉa hè”, vừa nhâm nhi cà phê, trà sữa… vừa phê bình chỉ trích người khác; và những khi rảnh rang, nhiều bà chụm năm chụm bảy đem chuyện người nọ người kia ra bàn tán, bất cứ ở đâu.
Có người còn lên mạng mắng chửi, mạ lị người khác cách bất công, tạo cớ cho bao người nhảy vào bình luận, mà chủ yếu là hùa nhau mắng chửi một vài nhân vật nào đó cách thậm tệ, dù chẳng rõ thực hư, phải trái thế nào!
Điều đáng buồn là cộng động mạng cũng có lắm người ghiền nghe chửi, khoái xen vào chuyện “ném đá” … nên khi có ai đó lên sóng chửi bới, mạ lỵ người khác, đặc biệt là những người danh tiếng, thì có rất nhiều lượt xem, kèm theo nhiều bình luận độc hại khiến nạn nhân vô cùng đau khổ!
Đây là thứ bệnh dịch tai hại, lây lan nhanh và rất khó chữa. Tìm đâu ra vaccine phòng trị thứ dịch bệnh tai hại nầy?
Phương thuốc của Chúa Giê-su
Hôm ấy, các kinh sư và người Pha-ri-sêu dẫn đến trước mặt Đức Giê-su một phụ nữ bị bắt gặp đang ngoại tình. Họ để chị ta đứng ở giữa, rồi nói với Ngài: "Thưa Thầy, người đàn bà này bị bắt quả tang ngoại tình. Trong sách Luật, ông Mô-sê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà đó. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao?
Họ hối thúc Chúa Giê-su đưa ra một phán quyết định đoạt số phận của người đàn bà tội lỗi. Về phần mình, Chúa Giê-su muốn dẫn dắt những người tưởng mình vô tội trở về với nội tâm để nhận ra tội lỗi mình mà hoán cải trước đã. Thế nên, đứng trước những con người đang lăm le kết án người phụ nữ và mưu toan ám hại mình, Chúa Giê-su kêu mời họ hãy xét mình: "Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi!"
Rồi Ngài ngồi xuống thinh lặng, tiếp tục viết, viết trên đất để tạo bầu khí yên tĩnh cho mọi người hồi tâm.
Sau một hồi nhìn lại nội tâm trong yên lặng, những con người hăm hở kết tội người phụ nữ dần dần nhận ra tội lỗi của họ, có khi còn nhiều hơn, còn nghiêm trọng hơn cả tội lỗi của người phụ nữ. Thế là ai nấy xấu hổ lặng lẽ rút lui. Ai cũng nhận ra mình là người có tội, mà đã là người có tội thì tại sao không “ném đá” mình trước, mà lại đang tâm “ném đá” người khác, có thể còn ít tội hơn mình?
Vì thế, khi ngứa miệng muốn phê bình, công kích người khác, mỗi người hãy nhớ lại lời Chúa Giê-su nói với các kinh sư và người Pha-ri-sêu: “Ai trong các ngươi sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi” (Ga 8,7).
Ngoài ra, Chúa Giê-su cũng cảnh báo chúng ta đừng xét đoán hay lên án người khác để khỏi bị luận phạt. Ngài nói: “Anh em đừng xét đoán thì sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán. Anh em đừng lên án thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án. Anh em hãy tha thứ thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha” (Lc 6, 37).
Lạy Chúa Giê-su,
Phê bình, chỉ trích người khác, khi người đó vắng mặt, là điều đáng xấu hổ và bất công. Xin giúp chúng con đừng vướng mắc vào thói xấu tai hại nầy và nếu chúng con không nói tốt cho người khác được thì ít nữa cũng đừng bao giờ nói xấu ai. Amen.
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
===============
Suy niệm 6
Đấng Thấu Suốt Tâm Hồn Con Người
Sau một đêm nghỉ ngơi ở khách sạn ngàn sao, sáng sớm Chúa Giêsu trở lại đền thờ. “Toàn dân đến với Người. Người ngồi xuống giảng dạy cho họ”. Bỗng có tiếng xôn xao. Một nhóm Kinh sư và Pharisiêu đang lôi một người đàn bà tới, đám đông dạt ra, họ xô chị ra đứng trước mặt Chúa Giêsu. Họ bất ngờ lập tòa án ngoài trời và mời Chúa Giêsu làm quan tòa. Học đọc cáo trạng: “Thưa Thầy, người đàn bà này bị bắt quả tang đang ngoại tình. Trong sách Luật, ông Môsê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà đó. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao?”.
Nghe câu đầu của bản cáo trạng, chúng ta có thể cười thầm: Vậy là các anh đi nhòm qua lỗ khóa nhà người ta hả? Đối với họ thì bản án đã có sẵn trong Luật Môsê: ném đá! Chúa biết họ muốn gì! Chúa trả lời bằng cách: “Nhưng Đức Giêsu cúi xuống lấy ngón tay viết trên đất. Vì họ cứ nói mãi, nên Người ngẩng lên và bảo họ: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi”. Rồi Người lại cúi xuống viết trên đất. Tin Mừng không nói Chúa viết cái gì, chỉ nhắc hai lần “Chúa cúi xuống lấy ngón tay viết trên đất”. Trước hết, Chúa kéo con mắt và sự chú ý của họ khỏi người đàn bà đang đứng ở giữa, khỏi thái độ quan tòa, tập trung vào ngón tay của Chúa. Chúa thinh lặng, họ cũng thinh lặng. Một lúc sau họ lại hối thúc Chúa trả lời. Chúa ngẩng đầu lên và bảo họ: “Ai trong các ông sạch tội thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi!”. Rồi người lại cúi xuống lấy ngón tay viết trên đất”. Sau khi kéo sự chú ý của họ khỏi người đàn bà và bắt họ cúi xuống nhìn ngón tay của Chúa di chuyển trên mặt đất, Chúa bỗng lật sự chú ý và cái nhìn của họ quay vào chính mình họ. Hãy nhớ Luật do ông Môsê chuyển đạt cho các ông là do Thiên Chúa ban: “Sau khi phán với ông Môsê trên núi Sinai, Đức Chúa ban cho ông hai tấm bia chứng ước, hai tấm bia này do chính tay Thiên Chúa viết” (Xh 31,18). “Những bia ấy là do Thiên Chúa làm ra, chữ là chữ viết của Thiên Chúa, khắc trên đá (Xh 32, 16). “Đức Chúa đã ban cho tôi hai bia đá do ngón tay Thiên Chúa viết” (Đnl 9,10). Chúa như nói với họ: Luật Môsê là do Thiên Chúa ban, do ngón tay Thiên Chúa viết, thì Thiên Chúa mới là Đấng xét xử, và người xét xử các ông nữa đấy! Kết quả là họ nhìn vào chính mình… “rồi họ bỏ đi hết, kẻ trước người sau, bắt đầu từ những người lớn tuổi”. Lối châm biếm thật là sâu sắc: càng già càng lắm tội! Chúa Giêsu chứng tỏ Người có quyền xét xử như Thiên Chúa, soi thấy tâm can mỗi người chứ không theo vẻ bên ngoài.
“Chỉ còn lại một mình Chúa Giêsu và người phụ nữa thì vẫn đứng ở giữa”. Ta ngạc nhiên: chỉ còn Chúa Giêsu ngồi đó, người phụ nữ thấy chung quanh mình chẳng còn ai nhưng cũng chưa dám bỏ đi. “Vẫn đứng ở giữa,” có thể hiểu là vẫn đứng yên chỗ đã đứng như trước vành móng ngựa ở tòa án, những kẻ tố cáo đứng vây quanh đã nhận biết họ chẳng tốt gì hơn mà đòi kết án chị; họ đã bỏ đi hết, chị đứng một mình trước Đấng có quyền xét xử. Thánh Augustinô bình luận: Chỉ còn lại hai: con người yếu hèn và Đấng đầy lòng thương xót.
Chúa hỏi như để mở cho chị thấy hoàn cảnh của mình: “Này chị, họ đâu cả rồi? Không ai lên án chị sao?”. Chị đáp: “Thưa ông, không ai cả”. Đấng có quyền xét xử nói với chị: “Tôi cũng vậy, tôi không kết án chị đâu! Thôi, chị cứ về đi và đừng phạm tội nữa!”. Người không kết án chị, chỉ yêu cầu chị “đừng phạm tội nữa”. Họ không dám kết án chị vì họ tội lỗi hơn chị. Tôi không kết án chị vì tôi là Đấng có quyền xét xử. Lời Chúa Giêsu nghe như vọng lời Thiên Chúa phán trong sách Êdêkien: “Ta lấy mạng sống ta mà thề, Ta chẳng vui gì khi kẻ gian ác phải chết, nhưng vui khi nó thay đổi đường lối để được sống” (Ed 33, 11; x. 18, 32).
Câu chuyện người đàn bà ngoại tình không phải chết nhưng được sống, cũng minh họa lời Chúa Giêsu mời gọi “hãy đến với tôi mà uống”. Người ta lôi chị đến trước mặt Chúa, nhưng Chúa đã cho chị uống lòng nhân lành thương xót để chị được sống, và đặt chị trở lại trên con đường đi tới sự sống: “Đừng phạm tội nữa!” (x.Tĩnh tâm với Tin Mừng Gioan, Lm Giuse Nguyễn Công Đoan).
Chúa nhật IV, qua dụ ngôn “người cha nhân hậu”, Chúa Giêsu mạc khải về Thiên Chúa là Cha giàu lòng xót thương. Chúa nhật V, Chúa Giêsu mạc khải về Thiên Chúa là Đấng thấu suốt tâm hồn con người và Ngài luôn mở ngõ cho con người hướng về tương lai.
1. Chúa Giêsu, Đấng thấu suốt tâm hồn con người.
Đứng trước câu hỏi thách thức “Thầy dạy sao?” của cánh Biệt phái, Chúa Giêsu biết rằng cạm bẫy đã được trương ra cho Người. Nếu dạy người ta tha cho người phụ nữ, Người sẽ bị kết án chống lại lề luật; còn nếu dạy người ta ném đá bà, giáo lý về lòng nhân ái của Người sẽ sụp đổ hoàn toàn. Tiến thoái lưỡng nan. Chúa Giêsu im lặng. Kẻ thù đắc chí. Dân chúng đợi chờ. Rồi với câu trả lời “Ai vô tội, hãy ném đá chị này trước đi”, Chúa Giêsu đã phá vỡ sự im lặng của mình để đẩy cánh Biệt phái vào một sự im lặng khác đầy ngột ngạt: sự im lặng trước toà án lương tâm.
Sự kiện này hé mở cho thấy Người là Đấng thấu suốt tâm hồn. Chẳng có gì là thầm kín trước Thiên Chúa toàn tri, chẳng có ai là trong sạch trước Thiên Chúa thánh thiện. Người phụ nữ đã để cho dục vọng buông lơi nên dấn thân vào đường tội lỗi, nhưng cánh Biệt phái cũng đã để cho hận thù xâm chiếm nên bài binh bố trận hòng đẩy Chúa Giêsu vào cạm bẫy chết. Họ có hơn gì? Có gia đình mà còn chim chuột trăng hoa, người ta gọi đó là “ngoại tình”, thế thì có đạo mà còn ác tâm mưu hại người khác có thể gọi là “ngoại đạo” chăng?. Coi chừng: quen kết án người khác về điều gì là tự tố giác mình đang có khuynh hướng ngầm nghiêng về điều đó (F.Sheen). Tội lỗi phải bị lên án, nhưng tội nhân cần được đối xử công bình, mà công bình đích thực trước tiên hệ tại việc ổn định lương tâm riêng tư mỗi người. Lẽ công bình là điều kiện để xây dựng tình nhân ái. (x. ĐGM Giuse Vũ Duy Thống, Nút vòng xoay, tr 53-58).
2. Chúa Giêsu, Đấng giàu lòng nhân ái.
Đẩy cánh Biệt phái vào tận lương tâm trách nhiệm để họ lặng lẽ rút lui, Chúa Giêsu đã tạo điều kiện cho người phụ nữ nhìn lại cuộc sống của mình để ăn năn sám hối và nhìn vào lòng của Người mà tin tưởng làm lại cuộc đời. Là Đấng duy nhất không có tội, Người từ chối lên án. Người không được sai đến để kết án, nhưng là để cứu thoát… câu cuối cùng của bài Phúc âm chính là cao điểm kiết thúc cho cả câu chuyện. Người phụ nữ được tha bổng, không phải vì Chúa Giêsu không cho là quan trọng cái tội mà bà vướng mắc, nhưng chỉ vì lòng nhân ái của Người cao cả bao la. Cao hơn tội bà vấp phạm và bao la hơn nỗi lòng hồi hộp đợi chờ của bà phút ấy. Dẫu sao, đi kèm với ơn tha thứ, vẫn là lời mời gọi “từ nay đừng phạm tội nữa” (sđd).
3. Chúa Giêsu, Đấng mở lối về tương lai
Người ta đòi ném đá người phụ nữ, đóng khung cuộc đời chị trong quá khứ. Quá khứ được đóng dấu bằng tội lỗi. Người ta đánh giá, phán đoán, hành động trên quá khứ đó. Chúa Giêsu không chấp nhận lối nhìn và cách đánh giá ấy. Tội nhân luôn đáng thương nên cần được thương cho đáng. Đó là chuyện tử tế và cũng là chuyện thực tế. Yêu thương họ là cầu nguyện và giúp đỡ họ trở về đường lành. Chúa Giêsu nhìn nhận người phụ nữ có tội. Nhưng Ngài mở ra một tương lai, gieo vào lòng chị niềm tin tưởng rằng chị có khả năng xây dựng một tương lai mới, một cuộc đời mới, một con người mới: “Chị hãy về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa”. Chúa Giêsu không kết án cũng như không giảm án, không ân xá cho tội nhân. Chúa mở cho chị một con đường hướng về tương lai, làm lại cuộc đời. Đó là con đường sám hối trở về với tình yêu, trở về với đời sống là con cái Thiên Chúa, trở về với tâm hồn bình an. Người phụ nữ ra về lòng tràn ngập niềm vui hoán cải, quyết tâm làm lại cuộc đời.
Một truyền thống nói rằng người đàn bà này là Maria Madalena, người được trừ khỏi bảy quỷ (Lc 8,2), và đã bày tỏ tình yêu qua việc dùng nước mắt rửa chân Chúa, lấy tóc mình lau chân Chúa, xức dầu và hôn chân Chúa Giêsu (Lc 7,37). Một truyền thống khác cho rằng đây là Maria làng Bêtania, em của Matta và Lazarô (Lc 10,39), đã xức dầu thơm cho Chúa (Ga 12,3). Có lẽ người đàn bà ngoại tình, Maria Madalena và Maria làng Bêtania cùng là một người. Và cả 4 Phúc âm đều nói đến Maria Madalena ở mộ Chúa như chứng nhân đầu tiên của sự Sống Lại. Và như người loan báo Tin Mừng Phục Sinh đầu tiên. Chính lòng thương xót của Chúa đã biến đổi từ một người tội lỗi trở thành một môn đệ thân thiết nhất của Chúa Giêsu: “Maria ngồi dưới chân Chúa để nghe lời Người” và trở thành người loan báo Tin Mừng Phục Sinh của Chúa Giêsu: Bà Maria Madalena đi báo cho các môn đệ: “tôi đã thấy Chúa” và bà kể lại những điều Người đã nói với bà” (Ga 20,18). Tình yêu và lòng Sám hối có quyền lực biến đổi bóng tối thành ánh sáng, biến đổi những tội nhân thành các thánh nhân ‘Lumen Gentinm số 171’ (x.ĐGM Giuse Trần Văn Toản, Lời Chúa và cuộc sống năm 2015).
Thiên Chúa, Đấng mở ngõ cho tương lai. Ngài không khoá chặt cuộc đời một con người cũng như lịch sử nhân loại vào quá khứ, cho dẫu quá khứ ấy có bi thảm và tàn tạ đến đâu chăng nữa. Thiên Chúa luôn luôn mở ngõ và vạch lối cho tương lai.
Vẫn biết tội lỗi trái với đạo giáo, trái với luân thường đạo lý, nhưng đâu chỉ căn cứ vào đạo giáo luân lý để khinh khi, coi thường, kỳ thị sự sống con người được. Đạo giáo luân lý giúp con người sống thăng tiến về mặt tinh thần chứ không bao giờ là bước cản trở nhận chìm con người xuống bùn đen. Đã là người, ai cũng có những khuyết điểm, ai cũng có lúc làm điều lầm lỗi. Nhưng ai cũng có khả năng ý chí ước muốn làm điều lành thánh thiện tốt đẹp. Thiên Chúa dựng nên con người với khả năng như thế.
Chúa Giêsu đã sống và đã nêu gương. Ngài không kết án, không giảm án, nhưng là mở ra con đường hướng về tương lai cho con người tội lỗi làm lại cuộc đời. Lêvi, Giakêu, Mađalêna, Augustinô… và còn biết bao con người đã được Chúa mở ngõ tương lai tươi sáng. Niềm tin đó tạo nên nơi người tín hữu một lối nhìn mới. Đó là nhìn về phía trước, băng mình về phía trước như thánh Phaolô diễn tả: “Tôi chỉ chú ý tới một điều là quên đi chặng đường đã qua để lao mình về phía trước” (Pl 3,13). Đối với Phaolô quên đi chặng đường đã qua là qua khứ bắt bớ Giáo hội Chúa để lao mình về phía trước, phía tương lai mà Chúa Giêsu đã mở ra, đặt ngài làm khí cụ, làm tông đồ dân ngoại. Và thánh nhân đã sống hết mình cho tương lai mới.
Nhìn về phía đàng trước để luôn hy vọng và tin tưởng. Tin vào chính mình, vào con người, vào cuộc đời. Và trên hết là tin vào Thiên Chúa, Đấng mở ngõ cho tương lai chúng ta.
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
===============
Suy niệm 7
Nhìn Lại Mình
Is 43, 16-21; Pl 3,8-14; Ga 8,1-11