Chúa nhật, 24/11/2024

Suy niệm Tin Mừng lễ Chúa Phục Sinh

Cập nhật lúc 09:54 14/04/2022
ĐÊM VỌNG PHỤC SINH
Suy niệm 1
Hãy thức dậy! Hỡi ai còn ngủ!
Lc 24, 1-12
Một thân thể bị xé nát. Chúng ta vẫn thường thấy những thân thể bị xé nát vô nhân đạo do mối hận thù nào đó hoặc sự tàn nhẫn tham quyền của các nhà chính trị, cụ thể là cuộc chiến tranh xâm lược hiện nay của Nga vào đất nước có chủ quyền là  Ucraina …Đó có thể là thân thể bị xé nát của người thân chúng ta. Nhưng không phải là người thân, tất cả chúng ta đều là anh chị em với nhau và như thế chúng ta vẫn chìm sâu trong nỗi buồn...
Những gì đã xảy ra tại Gierusalem vào buổi sáng Phục sinh giống như những gì chúng ta đang cảm thấy khi đối mặt với những cảnh tượng không thể chịu đựng nổi. Vào ngày thứ sáu, một nhóm phụ nữ trong đó có Madalena phải đối mặt với sự đau khổ của một người bạn thân vô tội mà lại bị tra tấn, và bị tử hình. Sau hai ngày vào sáng sớm, nhóm này và có cả Madalena, trước mắt họ là một cảnh tượng khác dẫn đến đỉnh cao đau khổ của sự chia ly. Họ nhớ tới tảng đá lấp cửa mồ. Họ đang chuẩn bị tìm mọi cách lật tảng đá ra để xem những gì còn lại của người mà không ở với họ nữa và cũng là để thực hiện các nghi thức xức thuốc thơm. Nhưng những gì còn lại đó cũng tiêu tan vì xác người thân không còn đó. Sự đau khổ tăng lên: người thân đã chết và cả thân xác cũng không còn!.Và nỗi buồn chuyển thành nỗi sợ hãi.
Họ đến mộ từ lúc sáng sớm. Không gian tối tăm của ngôi mộ trống tương phản trang phục của người mà họ phát hiện thay cho người bạn đã mất: “khi họ còn ngơ ngác...thì có hai người đứng gần họ, y phục sáng chói”. Lúc đó, là ngày gặp đêm. Lời nói được nói ra trong bóng tối và hát lên sự sống. Sự sống mời gọi tiến lên phía trước: “Người không còn ở đây, Người đã sống lại”. Tại tâm điểm bi kịch thê thảm nhất, những phụ nữ này nghe thấy rằng cái chết không phải là từ ngữ cuối cùng. “Hãy đi nói với...!”Chắc chắn một lát nữa trong ngày, Chúa Giêsu sẽ hiện ra với họ bằng xương bằng thịt. Nhưng mầu nhiệm mà chúng ta cử hành đêm nay trước hết là Lời làm cho nhân loại đi qua và vượt qua cái chết vô nhân đạo, cũng như mặt trời chiến thắng đêm tối. Đó là “giờ mặt trời mọc lên”.
Chúng ta cử hành đêm vọng Phục Sinh vào thời điểm mùa xuân và cây cối xanh tươi nảy mầm. Chúng ta mừng chiến thắng của Chúa Kitô bằng cách hát lên Alleluia! Alleluia! Chúng ta có thể ngỡ ngàng hoặc phân vân: tôi có thể mừng vui lên, Alleluia thế nào được khi tôi vẫn còn tang tóc, khi vẫn còn biết bao nạn nhân chết vì bị khủng bố, vì đói hoặc vì một lý do nào đó? Tại sao tôi lại vô tâm đến thế?  Vô tâm có nghĩa là ích kỷ của nhiều người thời nay muốn xa cách và không hề quan tâm gì đến những thảm cảnh của người hàng xóm, người gần và cả người xa trên thế giới hôm nay..Tuy nhiên, hát không có nghĩa là vô tâm! Chúng ta hát! Hát trong sự quan tâm đến họ! Hát để có thể làm được gì đó cảm thông. Hát hy vọng!
Đúng vậy! Mỗi một lễ Phục sinh nhắc nhở chúng ta rằng Tin mừng cứu độ được nghe trong chính tâm trạng bi kịch của chúng ta. Sứ điệp Phục sinh không thể tách rời khỏi cái chết của Chúa Kito. Thân xác Chúa Kito chịu đóng đinh là nơi mà chúng ta nhận thấy rằng Thiên Chúa nói với chúng ta. Lời của Ngài vang ra từ ngôi mộ. Thiên Chúa cũng nói từ thân xác nhân loại chúng ta như thế. Trong lòng nhân loại chúng ta đang bị tổn thương, đang ẩn giấu hình ảnh người trẻ trung mặc áo trắng đứng gần mộ và tiếng nói của Thiên Chúa vang lên. Trong lòng màn đêm lịch sử, Thiên Chúa nói để mời gọi chúng ta đi vào ánh sáng như lời Thánh Phaolo: “Hỡi anh em, những người còn đang ngủ, hãy thức dậy, hãy đứng dậy từ trong kẻ chết và Chúa Kito sẽ chiếu sáng cho anh em”!
Qua những tiếng kêu xé rách màn đêm lịch sử, trước bạo lực cướp đi nhiều sinh mạng, chúng ta hãy nghe những tiếng thì thầm của Thiên Chúa. Chắc chắn, Ngài cho chúng ta biết rằng chúng ta không bị nhốt trong bóng tối.Tuyệt vọng không thích hợp cho những người tin vào Tin Mừng. Niềm tin vào sự Phục sinh không thể tách rời khỏi Hy vọng. Chắc chắn Thiên Chúa không yêu cầu chúng ta cam chịu với hoàn cảnh hiện tại, tự an ủi bản thân với suy nghĩ rằng, sau này, một Vương quốc nơi mà sự sỉ nhục của ngày hôm nay sẽ được đền bù. Giữa sự đau khổ hiện tại, chúng ta phải phát hiện loại ánh sáng này sẽ cho phép chúng ta tìm thấy con đường của cuộc sống mà không phải chờ đợi ngày mai. Đó là con đường của Lời Thiên Chúa.
Trước khi gặp gỡ Đấng Phục sinh, sự sống lại là tiếp nhận một thông điệp trên môi một người trẻ chưa nhận ra. Sự sống lại mang Lời đến cho Madalena và cho chúng ta. Nói cách khác, tin vào sự Phục sinh làm cho chúng ta trở thành ngôn sứ: ngôn sứ trong truyền thống Kinh Thánh là nói nhân danh Giave Thiên Chúa và chúng ta bước đi theo họ. Lời của ngôn sứ có thể  là lời phẫn nộ.  Khi nhìn thấy hậu quả bất công của những người đương thời, ngôn sứ Gieremia nói: "Mọi người đều ăn thịt cánh tay của chính mình”!  Câu nói này ám chỉ nhân loại đang bị xé nát. Chúng ta phải nhìn vào lịch sử, để giúp nhau tố cáo những gì trong nhân loại và trong chúng ta đang hủy hoại nhân loại, và đẩy lùi cái chết. Chúng ta hãy trở thành "đứa con của ánh sáng" khi băng qua màn đêm.
Linh mục Gioan Đặng Văn Nghĩa
===============
Suy niệm 2
Vui Lên Đất Trời. Alleluia !
(Lc 24, 1-12)

Anh chị em thân mến, sau Nghi thức Làm Phép Lửa, Nến Phục Sinh thắp lên như sự hiện diện của chính Chúa Giêsu Phục Sinh đang ở giữa chúng ta. Nến sáng được rước vào trong nhà thờ cùng với ba lần vị chủ sự cất lên “Ánh sáng Chúa Kitô” và cộng đoàn đáp  “Tạ ơn Chúa”. Từ trong bóng tối đêm đen, Nến Phục Sinh dẫn chúng ta bước vào ánh sáng cử hành long trọng đêm Vọng Phục Sinh. Nến cháy sáng được đặt trên giá trang trọng và xông hương. Cây Nến này chính là biểu tượng trong mùa Phục Sinh. Trên thân Nến có các mẫu tự Hy Lạp: Alpha và Omega (có nghĩa là “chữ đầu” và “chữ cuối” trong bảng mẫu tự Hy Lạp), tượng trưng cho Chúa Kitô là đầu và là cuối (là nguyên thủy và cùng đích) của tất cả mọi tạo vật. Nến cũng được đánh dấu theo năm, năm nay là năm 2022.
40 ngày Chay Thánh qua đi, nay Giáo hội bước vào 50 ngày Mùa Phục Sinh và kêu gọi con cái mình nâng tâm hồn lên cùng với chư thánh chư thần, hòa mình với vũ trụ vạn vật cùng cất cao giọng hát lên bài ca tuyệt diệu  “Mừng vui lên”.
“Mừng vui lên hỡi muôn lớp cơ binh thiên thần trên trời. Cùng vui lên, hỡi những thừa tác viên này… Và vui lên, toàn trái đất vui lên … tất cả vũ trụ đều hân hoan... Cùng vui lên, ôi Mẹ Hội Thánh vui lên...khắp nơi trong cung điện này hòa vang lên ngàn muôn tiếng ca reo mừng của nhân trần” (x.Exsultet). Cả Trời Đất mừng vui.
Gợi hứng từ ánh lửa huy hoàng đang chiếu sáng toàn thể nhà thờ đây, ánh lửa đó là Chúa Kitô, chiếu soi toàn cõi nhân gian, cùng với biến cố Vượt qua của Chúa Kitô, được lồng khung trong chương trình cứu rỗi của Thiên Chúa, và dưới hình ảnh của Đêm Hồng Phúc. Đây là một sứ điệp về biến cố phục sinh của Chúa Kitô và ca tụng, tạ ơn vì các kỳ công Thiên Chúa thực hiện trong đêm cực thánh này. Quả thật: “Đây là đêm mà Sách Thánh đã ghi: là đêm rực rỡ sáng như bình minh, đêm mà ánh sáng soi cho ta biết bao cảm mến sướng vui… đêm nay xua đuổi hết tội khiên, tẩy sạch vết nhơ người có tội được sạch trong, kẻ ưu phiền vui sướng hân hoan…Chính đêm nay… Chúa đã giải thoát con cái Is-ra-el thoát ly Ai-cập xưa, Chúa đã cho tiến qua Biển Đỏ vẫn khô chân. Chính đây là đêm, nhờ ánh sáng cột lửa thiêng xua tan bóng đen tội lỗi nhân gian. Đây là đêm mà hôm nay ai tin cậy nơi Chúa Ki-tô khắp trần gian được cứu thoát hết các vết nhơ và tối tăm tội khiên, được ơn thiêng, đưa về hợp đoàn cùng các thánh nhân….Đêm, xiềng xích bị bẻ tung, Đức Ki-tô ra khỏi ngục vinh thắng tiến lên Ôi đêm hồng ân, này nối kết trời đất, kết hợp Thiên Chúa với muôn người thế chúng tôi” (x.Exsultet).
Vì thế, nhân loại đồng thanh ca lên với một điệu nhạc mang tính cánh vui tươi trang trọng, cho thấy cảnh chiến thắng oai hùng của Chúa Kitô vinh thắng : “Ôi tội Ađam thật là hồng phúc, tội đã được xóa chính nhờ sự chết Chúa Kitô! Ôi tội hồng phúc, vì cho chúng ta Đấng Cứu Chuộc rất cao sang” (x.Exsultet).
Khi hát bài ca Mừng vui lên, ánh sáng trong nhà thờ chưa được thắp hết, cảnh đêm đen còn phảng phất, điều này làm sáng tỏ thêm chiến thắng của Chúa Kitô Phục sinh. Mỗi người tham dự cầm nến sáng trong tay để nói lên niềm vui mừng và tin nhận Chúa Kitô là ánh sang soi chiếu trần gian.
Đến phần làm phép Nước, Nến sẽ được nhúng vào nước, sau đó Tân Tòng được Rửa tội bằng Nước Phép này, những người đã chịu phép Rửa tội sau khi lặp lại lời hứa cũng được rảy trên mình cùng một nước phép này.
Này người trần hỡi hãy vui lên Al-lê-lui-a, vì Chúa đã sống lại thật rồi đem niềm vui cho thế giới. Chúa đã sống lại rồi, vinh quang tỏa lan khắp nơi. Chúa đã sống lại rồi, cho muôn người hưởng phúc quê Trời.
Mừng vui lên! Hỡi anh chị em!!! Chúa đã sống lại thật rồi. Alleluia.
Chúa Giêsu sống lại là một biến cố siêu việt, một sự kiện độc nhất vô nhị trong lịch sử loài người, nền tàng cho niềm tin của người kitô hữu chúng ta. Chúa sống lại được chứng thực, không chỉ là ngôi mộ trống, khăn liệm được xếp gọn gàng mang tính khả giác, mà là bằng chứng từ trời. Thiên Thần làm chứng tỏ tường khi nói: “Tại sao các bà tìm người sống nới những kẻ chết? Người không còn ở đây. Người đã sống lại” (Lc 24,5-6). Và gợi cho các bà nhớ lại lời người đã nói trước: “Các bà hãy nhớ lại Người đã nói với các bà thế nào khi Người còn ở xứ Galilêa. Người đã nói: “Con Người phải bị nộp vào tay những kẻ tội lỗi, bị đóng đinh vào thập giá và ngày thứ ba sẽ sống lại”(Lc 24,7). 
Mừng vui lênsao không thể không vui, bởi vì đêm nay Chúa Kitô ra khỏi ngục vinh thắng, đêm mà xiềng xích sự chết do Tội Tổ Tông gây ra bị bẻ gãy. Sự chết đó đã khiến cho bao người thất vọng, làm tiêu tán hết mọi nỗ lực của con người. Nay Con Thiên Chúa, vì yêu thương đã vâng phục, với cái giá phải trả là chết trên thập giá, để hòa giải tội nhân với Chúa, mang lại sự sống cho con người.
Vâng, Chúa Kitô đã sống lại sáng láng bước ra khỏi mồ, sau khi tiêu diệt sự chết, bẻ gãy mọi ràng buộc của ngôi mộ. Con Thiên Chúa không còn ở trong mộ, bởi vì Người không thể nào là người tù của sự chết (x. Cv 2, 24) và ngôi mộ không thể nào giữ lại “Ðấng hằng sống” (Kh 1,8), Ðấng là chính nguồn mạch của sự sống đã kết thúc cuộc hành trình nơi ngôi mộ như mọi người, nhưng Người đã chiến thắng sự chết, sống lại ra khỏi mồ. Người đã mở lòng đất và mở ra thật rộng để hướng về Trời, đưa chúng ta ra khỏi mồ tăm tối, dẫn chúng ta từ đất về trời với Chúa Cha.
Vậy chúng ta có thể cao rao: “Vui lên Đất Trời. Allelui! Vui lên muôn dân. Alleluia! Vì Chúa đã thật phục sinh, vì Chúa sống lại hiển vinh”. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

===============
ĐẠI LỄ PHỤC SINH
Suy niệm 1
Ngôi mộ trống

Ga 20, 1-9

Ánh sáng lờ mờ. “Maria Madalena đi ra mồ từ sáng sớm khi trời còn tối”. Mặt trời vẫn chưa mọc lên, khi “Maria Madalena chạy về tìm Simon Phêro và người môn để khác” để báo tin rằng ngôi mộ đã trống. Madalena không biết “Ai đã lấy xác Thầy khỏi mồ và đã để Thầy ở đâu”. Như vậy, mọi sự đều tối đối với chị. Ngày chưa trỗi dậy, ngôi mộ trống làm tăng gấp đôi bóng tối trong tâm hồn chị.
Khi Phêro và Gioan đến mộ, thì ngày bắt đầu lên. Trời đủ sáng để Gioan nhìn vào trong mộ và phân biệt được tấm khăn liệm vẫn còn đó. Ngôi mộ không hoàn toàn trống rỗng: vẫn còn một dấu vết của Thầy mình.  Nhưng dấu chỉ  này vẫn còn tối đối với Gioan. Gioan vẫn ở ngoài cửa, anh chưa bước vào. Anh ở giữa hai giới hạn của đêm và ánh sáng. Lúc đó chưa phải là ngày trong trái tim Gioan.
Luôn luôn là một nửa ánh sáng khi Phêro đến và đi vào ngôi mộ . Ngày bừng lên, đủ để Phêro thấy “những dây băng nhỏ để đó và khăn liệm che đầu Người trước đây, khăn này không để lẫn với dây băng, nhưng cuốn lại để riêng một chỗ”..Phêro thấy rằng những đồ vật này có ở đó không phải là tình cờ. Phêro phân biệt rằng ngôi mộ không bị rối loạn: mọi thứ đều gọn gàng ở vị trí của nó. Nhưng ngày chưa đủ để Phero giải mã được những dấu chỉ này. Ngôi mộ không hoàn toàn trống rỗng, nhưng dây băng và khăn liệm có dấu chỉ gì? Phêro không biết rõ. Ngày vẫn chưa trỗi dậy trong lòng Phero.
Ngày. Sau đó, môn đệ kia mới vào dù anh đã tới mồ trước. Anh vào và cũng thấy như Phero, nhưng mọi thứ trở nên sáng đối với anh: “Anh thấy và anh tin”. Trước đó, một tấm màn che cái nhìn của anh khiến anh không thể nhận ra dấu chỉ của sự Phục sinh. Nhưng tấm màn rơi xuống và Gioan thấy rằng ngôi mộ thực sự trống rỗng! Người chết đã biến mất! Cái chết bị đánh bại!
Dây băng, tấm khăn liệm che mặt, tảng đá lăn ra khỏi cửa mồ, không phải là dấu chỉ làm uế tạp ngôi mộ! Đó là dấu chỉ chiến thắng của Thiên Chúa trên tất cả các thế lực của bóng tối và cái chết!
Ngôi mộ trống! Gioan không còn tìm người đầu tiên sống lại giữa những người chết nữa! Ngày lễ Phục sinh đã đến. Đối với Gioan, Chúa Kitô đã sống lại! Ngài đã sống lại thật!
Trước ngôi mộ trống, Gioan và Phê-rô khám phá Kinh thánh trong một ánh sáng mớiKhoảng trống của ngôi mộ giống như một mật khẩu giờ đây cho phép họ giải mã những gì các tiên tri đã viết, những gì Chúa Giêsu đã nói với họ. Ngôi mộ trống! Dây băng và khăn liệm không còn che thân thể của Con Người! Khoảng trống của ngôi mộ đầy ánh sáng: Chúa Kitô đã sống lại! Ngài đã sống lại thật!
Ngày lại ngày. Ngôi mộ trống! Cái chết không còn là từ ngữ cuối cùng của cuộc sống con người nữa! Cuối cùng, cái chết đã trở nên mạnh mẽ hơn chính nó! Chúa Kitô đã sống lại! Người đã sống lại thật!  Đó là ngày lễ Phục sinh!
Trước ngày đó, cả nhân loại bị bao phủ bởi một tấm màn tang. Mỗi người từ khi sinh ra, bước đi hướng về cái chết không thể tránh được. Mỗi ngày qua đi đều đưa con người đến gần hơn với ngày nguy hiểm này. Bóng tối của cái chết vẫn treo lơ lửng trên toàn bộ sự tồn tại của con người, cái chết tối dần cho đến giờ vui mừng. Kể từ ngày lễ Phục sinh, trong mắt những người tin, cái chết không còn là điểm kết thúc. Từ nay trở đi ông già cũng như đứa trẻ có thể đi lại, từng ngày, hướng về cuộc sống! Dấu ấn của cái chết trở thành dấu chỉ báo trước sự phục sinh. Hy vọng giãi sáng trong trái tim con người!
Vào ngày lễ Phục sinh này, chúng ta tin rằng, Chúa Giêsu Kitô đã chiến thắng ra khỏi thử thách lớn. Khi chết, Ngài đã làm cho cái chết chết. Khi phục sinh, Ngài ban cho chúng ta sự sống. Đó là lễ Phục sinh trên trái đất chúng ta vẫn đang đi trong bóng tối: sự lo lắng tiếp tục làm tối chúng ta và dấu vết của cái chết hiện diện giữa chúng ta. Nhưng, chúng ta tin rằng, ngôi mộ đã trống! Cái chết sẽ không có lời cuối cùng! Mạnh hơn tất cả mọi tối tăm và tất cả bóng tối, một ánh sáng đã trỗi dậy trong lòng nhân loại! Nhờ Chúa Giêsu, chúng ta nhận được sức mạnh của Chúa phục sinh: sức mạnh đẩy lùi cái chết mỗi ngày và hy vọng một ngày nào đó sẽ được khai thông trong Ánh sáng tràn trề!

Linh mục Gioan Đặng Văn Nghĩa

===============
Suy niệm 2
Ga 20, 1 – 9

Bài Tin Mừng cho chúng ta một vài chi tiết vụn vặt. Tuy là vụn vặt nhưng lại bắt chúng ta phải suy nghĩ. Suy nghĩ để hiểu và thương Chúa nhiều hơn.
Chi tiết một. Bà Mác-đa-la là một cô điếm hoàn lương. Một cô điếm mà hoàn lương, đó là một niềm vui lớn của Chúa. Chúa thì mừng quá, nhưng với các đồng môn thì cái lý lịch đen thui ấy vẫn làm mọi người ngứa mắt. Chính vì thế, sáng sớm Chúa nhật, Mác-đa-la không đi chung với các bà  phụ nữ kia. Bà lủi thủi đi một mình lúc trời còn tối mịt, nghĩa là bà quên luật Sabat. Một mình bà ra mộ, thấy cửa mộ lật tung và ngôi mộ trống. Chẳng thấy Chúa đâu, bà lại một mình chạy vội về báo tin cho ông Phê-rô và Gio-an. Sau đó bà lại một mình ra mộ, ngồi khóc một mình. Ai nấy đều sợ mà bỏ về. Còn bà thì không thèm sợ. Nhờ vậy bà được gặp Chúa hiện ra và được Chúa ra lệnh về báo tin cho anh em rằng Chúa đã sống lại rồi.
Chúa đối xử với bà Mác-đa-la một cách bao dung, quên hết quá khứ tội lỗi. Nhưng người ta thời ấy và mọi thời thì không như thế đâu. Điều này được Chúa nói đến trong dụ ngôn “Đứa con đi hoang”. Đứa con phá tán hết tài sản của bố, nay trở về. Bố không rầy la, mà chỉ lo làm tiệc mừng. Thái độ của ông bố khiến người con cả bất bình và cho là bố bất công. Bây giờ chúng ta phải theo ai? Theo Chúa để yêu thương người tội lỗi hoàn lương, hay là chỉ nhìn họ bằng một nửa con mắt như các bà phụ nữ đã dành cho bà Mác-đa-la, con điếm hoàn lương. Không cần trả lời, vì sự thật đã rõ rồi.
Chi tiết hai. Sau khi được bà Mác-đa-la báo tin, hai ông Phê-rô và Gio-an cùng chạy ra mộ. Ông Gio-an còn trẻ nên chạy nhanh hơn. Ông đến ngôi mộ trước, nhưng không dám vào. Khi Phê-rô tới thì hai ông cùng vào.
Ngôi mộ thì trống, chẳng thấy xác Thầy đâu. Thấy thế thì Phê-rô sửng sốt. Còn Gio-an thì tin Chúa đã sống lại rồi. Tại sao? Tại vì Gio-an thấy khăn  liệm Chúa được xếp lại gọn gàng. Còn khăn che mặt thì được xếp riêng ra một chỗ. Đó là tập tính của Chúa, mà chỉ Gio-an mới để ý quan sát và ghi sâu vào trong trí và trong tâm.
Nhờ Gio-an chúng ta mới biết rằng Chúa là một người đàn ông dù bận trăm công nghìn việc, cũng vẫn rất ngăn nắp, sạch sẽ. Đó là tập quán của Chúa, một thứ tập quán mà chỉ một mình Gio-an nhận thấy. Sở dĩ chỉ một mình Gio-an nhận ra được tập tính ấy của Chúa, vì Gio-an là một môn đệ yêu Chúa một cách đặc biệt. Theo quy luật của tình yêu thì “yêu nhau: yêu cả đường đi.” Yêu Chúa thì yêu các bài giáo huấn của Chúa, yêu quần áo và đồ dùng của Chúa, yêu cả tiếng ngáy ngủ khò khò của Chúa, yêu cả những người tội lỗi, yêu cả những người không phải là đồng hương, đồng bào, đồng đạo, mà còn phải yêu cả kẻ thù nữa. Tại sao vậy? Tại Chúa yêu như thế và đã yêu Chúa rồi thì Chúa yêu thế nào, mình cũng yêu như thế. Thậm chí, Chúa thích cái gì, mình cũng thích như vậy. Bài học của Gio-an là vậy.

Linh mục Piô Ngô Phúc Hậu

===============
Suy niệm 3
NIỀM XÁC TÍN CHÚA PHỤC SINH

Thế giới đảo điên trước tin đồn, tin nóng hổi, nào là người từ cõi chết trở về dương gian, người nằm trong mồ trỗi dậy về với gia đình trước sự bàng hoàng, hoảng sợ của họ hàng bà con, còn người được xác quyết đã lìa thế, nhưng nay trở về, v.v...Theo thói thường, con người chúng ta có xu hướng mong mỏi sự kiện, thông tin ‘shock’, thích bàn tán, bàn luận về ‘thế giế bên kia’, phép lạ này phép lạ kia, v.v... Thế nhưng, đứng trước niềm xác tín, lòng tin Chúa Ki-tô phục sinh, chúng ta có thái độ thế nào, và sống chứng tá ra sao?
Trước tiên, chúng ta cùng tán tạ Thiên Chúa đã thực hiện biết bao kỳ công vĩ đại và cùng chung hân hoan chia san niềm vui Chúa Phục Sinh vì “Chúa đã sống lại thật rồi, Allêluia!”. Thiết nghĩ lời chúc mừng này chính là động lực, niềm xác tín của đời sống Ki-tô hữu chúng ta. Thánh Phao-lô đã từng khẳng định khi Ngài nói về sự phục sinh của Đức Ki-tô: “Nếu Đức Ki-tô không trỗi dậy từ cõi chết, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng...và nếu Đức Ki- tô không trỗi dậy thì lòng tin của anh em thật hão huyền...nếu chúng ta chỉ đặt niềm tin vào Đức Ki-tô chỉ vì đời này mà thôi, thì chúng ta là những kẻ đáng thương hơn hết” (1Cr 15, 14.17.19). Vì thế, niềm vui Phục Sinh là bài ca tán tụng Thiên Chúa, là kim chỉ nam cho đời sống chúng ta.
Tuy nhiên, Phục Sinh khải hoàn này chẳng phải do công trạng, lòng đạo đức thánh thiện của riêng ta, mà đây chính là cuộc chiến thắng tử thần của Đức Giê-su Ki-tô, và nhờ vào lòng thương xót, nhân hậu của Thiên Chúa mà chúng ta được thông phần vào niềm hân hoan phục sinh của Chúa Ki-tô. Hơn nữa, một khi chúng ta kết hợp mật thiết với Ngài, đồng chịu tử nạn với Ngài, đóng đinh những sai lầm, tội lỗi, tính hư nết xấu của bản thân, thì chúng ta sẽ cùng được sống lại với Ngài. Ngạn ngữ phương tây có câu: “Có qua con đường thập giá, mới được nhận triều thiên phục sinh” (no cross, no crown). Thật vậy, lắm lúc, chúng ta mong muốn, hồ hởi đón nhận niềm vui, vòng hoa chiến thắng vinh quang, nhưng chúng ta chẳng muốn thông phần chịu tử nạn, trải qua con đường hy sinh, dâng hiến ‘trên thập tự’! Lắm lúc, chúng ta khước từ lời mời gọi ‘uống chén đắng’ với Thầy Giê-su trong mọi giây phút sinh hoạt hằng ngày, ngược lại, chỉ toàn ước mong nhanh nhanh lãnh lấy triều thiên quang vinh!
Trong các bài đọc hôm nay, Chúa Ki-tô phục sinh mời gọi mỗi người trong chúng ta hãy xác tín, tin vào Người, vì chỉ có Ngài là sự sống lại và là sự sống (x. Ga 11, 25). Thứ đến, hãy trở nên nhân chứng cho Chúa Ki-tô phục sinh qua mọi sinh hoạt, mọi nơi, mọi lúc, trong mỗi cử chỉ, lời ăn, lối suy nghĩ, cách nhìn nhận vấn đề, cách sống xây dựng tình huynh đệ trong cộng đoàn, vì chúng ta là đoàn dân của Chúa Ki-tô phục sinh như chính Đức Hồng y Lu-is An-tô-ni-ô G. Tag-lê, Tổng trưởng Thánh bộ Truyền giảng Tin Mừng cho các Dân tộc, và trước kia là Tổng Giám mục Địa phận Ma-ni-la, Phi-luật-tân, đã xác tín khi Ngài viết tác phẩm suy tư về ơn gọi cùng đích của người Ki-tô hữu, và sứ mạng của Giáo Hội Công Giáo với tựa đề nguyên bản “The Church: The People of the Resurrection” (tạm dịch: Giáo Hội: Dân Chúa Phục Sinh). Theo ngài, mỗi Ki-tô hữu là một chứng nhân của niềm vui Phục Sinh, chứ không là người ủ dột, buồn sầu. Người Ki-tô hữu là chứng tá sống động của Chúa Ki-tô Phục Sinh, chứ chẳng phải là người vô cảm, vô hồn, chẳng màng đến sự thống khổ của đồng loại. Người Ki-tô hữu là những người con cưng của Giáo Hội, luôn mang trong mình niềm tin Chúa Ki-tô Phục Sinh, luôn mặc lấy con người mới, con người của sự chia san, của sự quên mình, luôn nghĩ cho tha nhân, và đặt Chúa Ki-tô làm chủ, làm trung tâm đời sống mình.
Noi gương bà Ma-ri-a Mag-đa-lê-na, với lòng trìu mến, gắn bó với Chúa Giê-su, và nhất là bà đã đặt Ngài làm chủ, làm trung tâm của mọi sinh hoạt của bà, thế nên bà đã chiến thắng nỗi sợ sệt khi phải một mình ra mộ lúc trời còn mờ tối (x. Ga 20, 1). Bà trở nên can đảm nhanh nhẹn chia san, loan truyền những gì bà cảm nghiệm và đón nhận từ Chúa Phục Sinh. Cũng như Phê-rô, Gio-an đã dật tung cánh cửa khép kín do nỗi sợ hãi, ra khỏi con người cũ, bước tới với niềm xác tín vào Chúa Phục Sinh, và trở nên chứng tá Tin Mừng “ông thấy và ông tin” (x. Ga 20, 9). Tương tự, Phao-lô được mời gọi hoán cải từ một người Biệt Phái bắt bớ các tín hữu tin vào Chúa Giê-su Phục Sinh, trở thành tông đồ nhiệt thành, sống và làm chứng cho Chúa Ki-tô Phục Sinh “...Người đã truyền chúng tôi rao giảng cho toàn dân và làm chứng rằng chính Người đã được Thiên Chúa tôn vinh...” (x. Cv 10, 42). Chúng ta được mời gọi trở nên nhân chứng của niềm tin hân hoan Chúa Phục Sinh trong đời sống thường nhật, và cũng được thông phần vào sự vui mừng trọn vẹn mà Chúa Phục Sinh mang lại cho chúng ta, đó là: ơn cứu độ, vinh quang chiến thắng sự chết.
Chúa đã sống lại thật rồi, Al-lê-lui-a! Chúng ta hãy hân hoan, mừng rỡ, chia san, thông truyền niềm vui Phục Sinh đến hết mọi người, mọi dân nước vì Chúa đã chiến thắng sự chết và sống lại vinh quang.
Trần hoàn vui ca mừng
Vì Chúa đã phục sinh
Khắp nơi trong hoan lạc
Thần chết bị đập tan.
Al-lê-lui-a hoà vang
Muôn dân tung hô chứa chan
Al-lê-lui-a tán dương
Chúa đã sống lại hiển vinh. Amen!

Lm. Xuân Hy Vọng

===============
Suy niệm 4
Ông Đã Thấy Và Đã Tin

Cv 10, 34a.37-43; Cl 3,1-4; Ga 20,1-9

Tin Mừng hôm nay trình thuật biến cố Phục Sinh theo thánh Gioan. Ông giấu tên và tự đặt cho mình biệt hiệu thần bí nhưng thật là dễ thương: “người môn đệ Đức Giêsu thương mến”.
Cái chết của Thầy Giêsu làm “cả thế giới” của các môn đệ và những người phụ nữ theo Thầy bị sụp đổ tan tành. Các ông thì thấy thất bại và chán chường. Các bà thì đứt ruột… khóc hết cả nước mắt! Nên sáng sớm ngày thứ ba lúc trời còn tối, phận nữ mà bà Maria Macđala đã liều ra thăm mộ. Lòng yêu mến Thầy của bà đã vượt lên nỗi sợ hãi.
Thoạt nghe bà Maria Macđala báo về ngôi mộ trống, hai môn đệ cùng “chạy” ra mộ. Bình thường người ta đi chứ không chạy, nhưng ở đây là việc nóng bỏng cấp thiết, tình yêu là động lực thúc đẩy bước chân người môn đệ. Cả Gioan và Phêrô cùng chạy nhưng Gioan chạy nhanh hơn. Có lẽ vì Gioan còn trẻ, nhưng đúng hơn là lòng yêu Thầy thúc đẩy và dồn nhanh bước chân ông không thể đặng đừng. Gioan là một trong ba môn đệ gần gũi Thầy mình nhất và được chứng kiến vinh quang cũng như khổ đau của Thầy, ông được tựa đầu vào ngực Thầy trong bữa tiệc sau hết và chỉ còn mình ông trong hàng môn đệ đứng dưới chân Thánh giá. Gioan là người đã có cảm nhận sâu sắc nhất về tình yêu của Đức Kitô vì chỉ có Ngài mới phát biểu một câu “định nghĩa” ngắn gọn nhưng thật đầy đủ: “Thiên Chúa là tình yêu”. Hôm nay trong biến cố Phục Sinh, bằng cảm nhận của tình yêu tha thiết, ông được “thấy” mầu nhiệm trọng đại và đã tin trước hết. Thật tế nhị khi ông “chiêm niệm trong lòng” đã, khiêm nhường để cho Phêrô vào trước mà chứng kiến sự việc, một mẫu gương cho Giáo Hội xưa nay.
Sau cái chết của Thầy, lòng yêu của ông còn canh cánh về đó. Cũng chính tình yêu làm cho ông nhạy cảm, nhận ra, luôn “thấy” và tin. Trong mầu nhiệm Phục Sinh, Gioan chỉ kết luận bằng một lời thú nhận rằng “ông đã thấy và đã tin”. Ông còn được mang danh hiệu “Người môn đệ Chúa đó!” Với tình yêu, ông có thể làm chứng cho Thầy cách chắc chắn về điều mình đã “thấy” và chiêm niệm: “Điều chúng tôi đã nghe, điều chúng tôi đã thấy tận mắt, điều chúng tôi đã chiêm ngưỡng, và tay chúng tôi đã chạm đến…” (1Ga 1,1).
Thánh Gioan đã “thấy và tin”. Ngày nay chúng con cần “tin để thấy”, để yêu. Chúa ơi! hôm nay chúng con thấy gì trong một tấm bánh trắng đơn sơ mỏng manh? Tấm Bánh ấy làm lòng con tan chảy, con được thấy, được gặp gỡ Đấng mà lòng con yêu mến với hạnh phúc ngọt ngào, trào tràn khiến mắt con tuôn trào suối lệ. Chiêm ngắm Chúa trong mùa Phục Sinh này, con càng cảm nhận thấy tình yêu không bến bờ của Chúa. Xin cho đời con thành lời chứng cho mọi người nhận ra và yêu mến Chúa hơn. Amen.

Én Nhỏ

Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log