Thứ năm, 26/12/2024

Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật III Phục Sinh năm C

Cập nhật lúc 07:58 28/04/2022
Suy niệm 1
Trên bờ hồ
Ga 21, 1-14
Thử thách đầu tiên. Chủ nhật trước, Giáo Hội trình bày cho chúng ta bước khởi đầu của Giáo Hội được đánh dấu bằng những dấu chỉ  đáng kinh ngạc và sự nhiệt thành của cộng đồng tín hữu sơ khai. Chủ nhật hôm nay, Giáo Hội thuật lại cho chúng ta những thử thách và bách hại đầu tiên của Giáo Hội.
Những người theo Chúa Giêsu và trở thành nhân chứng của Ngài có nguy cơ đối diện với cái chết. Giống như Chúa Giêsu, trước hết họ bị chính quyền tôn giáo lúc bấy giờ bắt bớ. Tuy nhiên, họ không tìm cách trả thù cho cái chết của Chúa Giêsu. Họ chỉ muốn chứng tỏ rằng sự phục sinh của Chúa Giêsu đã làm cho họ hoàn toàn tin tưởng vào giáo huấn của Ngài. Họ hoàn toàn tin tưởng và khẳng định Chúa Giêsu là Đấng Cứu Độ đến kêu mời Israel hoán cải và tha thứ tội lỗi. Lúc bấy giờ các tông đồ không gặp khó khăn gì trong việc trả lời các thẩm phán: Chúng tôi phải vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời con người.
Sự tin tưởng chắc chắn của họ vào Chúa Giêsu như vậy, làm chúng ta ngạc nhiên. Mấy ngày trước, họ rất bối rối sau cái chết của Chúa Giêsu và thậm chí họ còn rất rụt tè sau những lần hiện ra đầu tiên của Chúa!  Sức mạnh mới này, sự nhiệt tình truyền giáo này, là kết quả của Chúa Thánh Thần đến với họ trong ngày Lễ Ngũ Tuần.
Mẻ cá. Để hiểu rõ hơn sự biến chuyển đức tin này của họ, Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta trở lại bờ hồ Galilêa, nơi 7 tông đồ gặp nhau. Mặc dù có những lần hiện ra đầu tiên của Chúa Giêsu, các môn đệ vẫn không chắc chắn và bị sốc bởi các sự kiện.  Phêrô đưa ra một quyết định bất ngờ để thoát khỏi sự bất động và trở về những ngày đầu tiên khi Chúa gọi ông. Phêrô nói: “Tôi đi đánh cá đây” và ngay lập tức những người bạn đồng hành của Phêrô nói: “chúng tôi cũng vậy, chúng tôi cùng đi với anh” .
Có lẽ chúng ta nên làm điều tương tự vào những lúc đức tin hoặc ơn gọi của chúng ta gặp khó khăn. Hãy trở về ân sủng của cuộc gọi đầu tiên, cuộc gặp gỡ đầu tiên của chúng ta với Chúa: những cử chỉ và tâm hồn thánh thiện của chúng ta đáp lại ân sủng của Chúa:
- Là linh mục, hãy nhớ lại ngày chịu chức của mình
- Là tu sỹ, hãy nhớ lại ngày khấn của mình
- Là giáo dân, hãy nhớ lại những kỷ niệm đẹp của mình, nhất là ngày cử hành bí tích hôn nhân...
Phêro cảm thấy rằng: trong những thời điểm khó khăn như thế và để chờ đợi những hướng dẫn chính xác hơn, thì sự gắn kết của nhóm và công việc cùng nhau là điều kiện tiên quyết. Đối với chúng ta cũng vậy, cần có những cuộc hội ngộ với nhau để ôn lại những kỷ niệm đẹp của mình trong quá khứ và động viên nhau tiếp tục hành trình trong ơn gọi của mỗi người.
Chúa đó!. Trong khi các môn đệ suốt đêm đánh cá mà không kiếm được gì, Chúa Giêsu đến với họ. Và đột nhiên, với một cử chỉ đơn giản của Chúa làm cho các ông kiếm được một mẻ cá lạ, như lần đầu tiên. Mẻ cá lạ này chắc chắn nhắc nhở chúng ta về nhiều kỷ niệm khác: phép lạ nhân thừa bánh hoặc biến nước lã thành rượu ngon tại tiệc cưới Cana. Phải chăng thời đại của Đấng Me-si-a mà các tiên tri loan báo luôn có sự phong phú dư dật không cân xứng đó sao?
Chính Gioan, môn đệ mà Chúa Giêsu yêu mến là người đầu tiên biết tạo mối liên kết và nói với Phêro: Chúa đó! Phêro hiểu rất nhanh và lao mình xuống nước trong khi những người khác đưa thuyền vào bờ. Và trên bờ, Chúa Giêsu đã chuẩn bị một đống lửa và một bữa ăn. Thế là cuộc trò chuyện lại tiếp tục như trước, như thể những sự kiện gần đây và đặc biệt là sự phản bội của các môn đệ đã bị xóa.
Mặc dù Phêro đã chối Chúa ba lần, nhưng Chúa vui lòng cho anh bảy tỏ tình yêu của mình 3 lần với Chúa. Phêro người đứng đầu Giáo Hội tương lai, sẽ giữ vững niềm tin này cho đến thời đại của chúng ta và mãi sau này. Chúa Giêsu không sợ tin tưởng vào một con người yếu đuối. Với ân sủng của Chúa Thánh Thần, người yếu đuối đó có thể trở nên viên đá tảng của Giáo Hội. Ngài đã nói với Phero: “Này anh Phêro, Thầy đã cầu nguyện cho anh để anh khỏi mất lòng tin. Phần anh, một khi đã trở lại, anh làm cho anh em của anh nên vững mạnh” (Lc 22.32).
Tất cả câu chuyện về mẻ cá lạ này và một bữa ăn tại bờ hồ là tâm điểm về sự ân cần, yêu mến và quảng đại của Chúa Giêsu không chỉ với bảy môn đệ có mặt hôm đó mà còn cho cả nhân loại chúng ta về sự đa dạng của các nền văn hóa trên thế giới (153 con cá), vì Ngài đã hứa: “Thầy sẽ ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế”.
Linh mục Gioan Đặng Văn Nghĩa
=============
Suy niệm 2
Ga 21, 1 – 14
Đây là lần thứ ba Chúa Giê su hiện ra với tập thể Tông đồ. Nơi Chúa hiện ra là bờ hồ Galile. Chúng ta có thể khẳng định lúc đó các Tông đồ đang tập trung ở nhà ông Phê rô. Bỗng ông Phê rô hứng lên và tuyên bố: “Tớ đi đánh cá đây!” Tất cả anh em đều hô lên: “Cho chúng tôi đi với”. Bảy anh em kéo nhau xuống thuyền để ra khơi. Tình huynh đệ đẹp như mơ.
Tất bật thả lưới suốt một đêm mà không bắt được con cá nào. Cụt hứng, nhưng vẫn vui, vì tình huynh đệ chan hòa. Có một người đàn ông đang đi tới đi lui trên bờ hồ, thấy những ngườivạn chài ghé bến, ông niềm nở hỏi: “Thế các anh không bắt được con cá nào để lót lòng hả?” Tất cả đều trả lời thoải mái: “Thưa chú, không ạ”. Ông khách lạ tỏ vẻ dễ thương và dễ nể. Ông bèn ra lệnh: “Thả lưới bên phải mạn thuyền thì sẽ có cá”. Những người vạn chài thi hành ngay, không một chút tự ái, không thèm lẩm bẩm “Trứng khôn hơn vịt”. Họ cho thuyền ra khơi theo hướng tay phải. Vừa thả mẻ lưới đầu tiên mà đã bắt được 153 con cá. Cá to, cá nhỏ và đủ loại. Sung sướng tột cùng, họ cho thuyền ghé bến. Ông khách ra đón và bảo họ: “Anh em hãy đến mà ăn”. Thì ra ông khách lạ đã nướng bánh và cá sẵn rồi. Bấy giờ ông Gioan mới giật mình nói với Phê rô: “Chúa đó”. Ai nấy lặng lẽ đến ngồi xung quanh bếp lửa. Anh nào cũng lấm lét nhìn trộm ông khách, mà lúc ấy anh nào cũng nhận ra là Chúa. Im lặng nhóp nhép, mà lòng thì chan chứa niềm vui.
Chúa hiện ra lần thứ ba này khác hẳn hai lần trước. Lần thứ nhất, khi anh chị em đang họp nhau tại nhà bà Maria, mẹ của Mác cô. Cửa và cổng đều đóng kín mít. Một nỗi sợ bao trùm. Các bà phụ nữ thì đã gặp Chúa rồi, khi họ bỏ ngôi mộ trống mà trở về, thì gặp Chúa ngay trên đường. Bà Mác đa la cũng gặp Chúa ngay trước cửa mộ trống. Gioan chưa gặp Chúa, nhưng đã tin Chúa sống lại rồi. Thế mà tập thể Tông đồ vẫn còn hồi hộp, vẫn chưa tin trăm phần trăm. Bởi vậy, khi thấy Chúa hiện ra thì la ầm lên “ma”. Một tập thể mười người đàn ông mà sợ ma, thì quả là quá đáng. Nhưng điều quá đáng ấy lại minh chứng là anh em đang thất vọng vì tương lai mù mịt đang chụp xuống trên họ. Khi Chúa đứng mũi chịu sào, thì không thấy lo. Bây giờ Chúa sống lại rồi, nhưng Ngài như vô hình, nên chẳng biết nương tựa vào đâu. Thất vọng là phải.
Lần Chúa hiện ra lần thứ nhất thì Tô ma chuồn đi đâu mất tăm. Chúa nhật tuần sau Chúa lại hiện ra. Lần này có mặt của Tô ma. Nhưng sự hiện diện của anh ta làm mọi người bất bình. Anh tuyên bố thẳng thừng: “Chừng nào ngón tay này rờ được vết đinh ở tay Thầy; chừng nào bàn tay này thọc được vào vết đâm ở cạnh sườn của Thầy, thì tôi đây mới tin”. Lời tuyên bố ngang như cua của Tô ma chứng tỏ tinh thần huynh đệ của các Tông đồ đã tan biến mất vì nỗi thất vọng lớn quá. Theo Chúa ba năm để kiếm được cái ghế và cái nồi. Bây giờ thì nồi đã vỡ tan tành, còn cái ghế thì đã gãy tan nát. Thất vọng thì tình huynh đệ không thể tồn tại.
Hiện giờ các Tông đồ đã về miền Galile, bỏ xa nỗi sợ ở thủ đô Giêrusalem. Họ tỏ vẻ yêu thương nhau, đùm bọc nhau. Thì ra nỗi lòng của đoàn Tông đồ thay đổi chỉ vì: Khi khổ quá, thì không thể đoàn kết nổi. Khi nỗi sợ giảm đi thì tình huynh đệ tăng lên. Điều này vẫn xảy ra hoài trên dòng lịch sử vui buồn của Giáo hội.
Piô Ngô Phúc Hậu
=============
Suy niệm 3
Phục vụ như người mẹ gia đình
Ga 21, 1-19
Thánh Gioan tông đồ giới thiệu cho chúng ta biết Thiên Chúa là Tình Yêu và qua các sách Tin mừng, Chúa Giê-su mặc khải cho biết Thiên Chúa là Cha yêu thương. Ngài dạy chúng ta gọi Thiên Chúa Cha bằng tiếng “Áp-ba” rất thân thương, đó là tiếng bập bẹ của đứa con thơ gọi cha mình.
Tuy nhiên, điều đặc biệt là Thiên Chúa không chỉ yêu thương chúng ta bằng tấm lòng bao la của một người cha mà còn bằng trái tim dịu hiền của một người mẹ nữa. Chính Thiên Chúa đã hé mở cho chúng ta thấy tình từ mẫu của Ngài qua miệng ngôn sứ I-sa-i-a:
“Như mẹ hiền an ủi con thơ, Ta sẽ an ủi các ngươi như vậy” (Is 66,13).
“Có phụ nữ nào quên được đứa con thơ của mình, hay chẳng thương đứa con mình đã mang nặng đẻ đau? Cho dù nó có quên đi nữa, thì Ta, Ta cũng chẳng bao giờ quên ngươi” (Is 49,15).
Trích đoạn Tin mừng của thánh Gioan hôm nay phác họa rõ nét hơn mối tình từ mẫu được biểu lộ qua tấm lòng của Chúa Giê-su.
Khi biết các môn đệ phải thức thâu đêm chài lưới giữa biển khơi, vừa phải chịu đói lạnh, vừa mệt nhoài, Chúa Giê-su như người mẹ hiền, dấn bước đến với đàn con để chia sẻ sự nhọc nhằn vất vả của họ, ngay lúc trời hừng sáng.
Ngài đến sớm như vậy vì không muốn để cho các môn đệ phải chịu đói lạnh lâu hơn. Như người mẹ hiền, Chúa Giê-su mang đến cho họ sự chăm sóc giúp đỡ ngay khi họ đang cần.
Biết rằng các môn đệ vất vả suốt đêm mà không bắt được con cá nào, Ngài dạy họ thả lưới đúng nơi để bắt được nhiều cá.
Đối với người đi biển vừa mới lên bờ còn đang đói và lạnh thì không gì sung sướng bằng được thưởng thức những miếng bánh, những con cá nướng còn nóng hổi và thơm ngon. Chính vì thế, Chúa Giê-su còn mang theo cả than để nướng bánh và cá.
Rồi Ngài ngồi trên bãi biển như người mẹ gia đình, nhóm lửa lên, đem cá và bánh nướng trên than hồng cho sẵn, để khi các môn đệ vừa bước lên bờ là có ngay bữa ăn còn nóng hổi.
Sau đó, Chúa Giê-su gọi các môn đệ mang thêm cá mới bắt được, để Ngài tiếp tục phục vụ như người mẹ gia đình, tiếp tục nướng những con cá còn tươi, trao cho từng đứa con đang đói. Thật đầm ấm như người mẹ hiền giữa đàn con ngoan, dạt dào tình từ mẫu.
Sự chăm sóc ân cần mà Chúa Giê-su dành cho các môn đệ hôm xưa, nay cũng được dành cho chúng ta. Hôm nay, Chúa Giê-su vẫn tiếp tục chăm sóc và dọn bữa hằng ngày cho chúng ta.
Nơi bàn tiệc thánh, Chúa Giê-su đem Lời hằng sống của Thiên Chúa ban tặng chúng ta. Nhờ Lương thực tuyệt vời nầy, tâm hồn chúng ta được dưỡng nuôi và được dồi dào sức sống. Cũng nơi bàn tiệc yêu thương nầy, Chúa Giê-su phục sinh trao chính thân mình Ngài làm bánh nuôi dưỡng chúng ta, để chúng ta được hiệp thông nên một với Ngài, và qua đó, Ngài thông ban sự sống thần linh của Ngài cho chúng ta.
Hôm nay, Thiên Chúa còn tiếp tục nhờ Mẹ Maria để trao ban tình từ mẫu của Ngài cho chúng ta. Như mặt trăng đón nhận ánh sáng mặt trời rồi phản chiếu xuống mặt đất làm cho trái đất được chiếu sáng, thì Mẹ Maria cũng đón nhận tình yêu của Thiên Chúa và trao lại cho chúng ta. Qua Mẹ Maria, Thiên Chúa yêu thương ấp ủ chúng ta bằng một tình mẹ rất dịu dàng, dìu dắt chúng ta như đứa con thơ bé, vượt qua biển đời sóng gió về bến an bình.
Lạy Thiên Chúa từ nhân,
Chúa yêu thương chúng con bằng tình cha bao la lẫn tình mẹ dịu dàng. Xin cho chúng con biết đền đáp lại mối tình cao cả ấy với tất cả tấm lòng hiếu thảo của một người con ngoan. Amen.
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
=============
Suy niệm 4
“CON HÃY THEO THẦY”

Chắc hẳn trong chúng ta, ai cũng đã từng trải qua đau khổ. Dù lớn hay bé, dù ảnh hưởng nhiều hay ít, thì nỗi đau ấy vẫn còn để lại vết hằn trong tâm khảm. Có thể nói, nỗi đau bị lừa dối, bị chối bỏ, bị ngoảnh mặt làm ngơ,…tác động và chi phối khá nhiều đến tính cách, cuộc sống của chúng ta. Mà giả sử nếu gặp lại người gây tổn thương cho ta, thì thông thường, trước sau gì chúng ta cũng sẽ nhắc lại nỗi đau ấy, tệ hơn trả đũa họ!
Tuy nhiên, bối cảnh gặp lại giữa Chúa Giê-su và Phê-rô (người đã chối Chúa ba lần) trên bờ hồ Ti-bê-ri-a sau khi Ngài sống lại diễn ra hoàn toàn khác biệt với cách con người chúng ta thường xử sự. Thay vì Chúa Giê-su nhắc lại lỗi lầm của Phê-rô, thì Ngài trao ban cơ hội hoán cải, cơ hội xác nhận cam kết, tuyên tín và cơ hội lãnh nhận sứ vụ trọng đại.
Nhưng trước đó, Chúa Giê-su Phục Sinh hết sức tinh tế, thấu hiểu tâm trạng bất an, lo âu, bồn chồn, cùng với sự mệt mỏi của Phê-rô và các môn đệ vì “cả đêm cực nhọc mà chẳng đánh bắt được con cá nào” (x. Ga 21, 3). Vả lại Chúa Giê-su đã sống lại từ cõi chết, nên thân xác Ngài không còn phụ thuộc vào không gian và thời gian nữa; Ngài hằng thấu tỏ, luôn đồng hành, nâng đỡ và ra tay hỗ trợ các môn đệ, những người bạn thân tín của Ngài. Ngài xoa dịu mọi nỗi nhọc nhằn về mặt thể lý cũng như tâm linh, “hãy thả lưới bên phải thuyền thì sẽ được” (Ga 21, 6). Hơn thế, khi chuẩn bị xong bữa điểm tâm, Ngài mời các môn đệ dùng, nuôi dưỡng chăm sóc, quan tâm họ như Ngài đã từng dưỡng nuôi, chỉ dạy, hướng dẫn họ bằng Lời hằng sống và chính Mình Máu Ngài, đặc biệt trong bữa tiệc ly, “các con hãy lại ăn” (Ga 21, 12) và “Chúa Giê-su lại gần, lấy bánh trao cho các môn đệ; Ngài cũng cho cá như thế” (Ga 21, 13).
Với cử chỉ thân thương, quen thuộc ấy, các môn đệ đã nhận ra chính là Thầy Giê-su, nên “không ai trong đám ngồi ăn dám hỏi “Ngài là ai?”, vì mọi người đã biết là Chúa” (Ga 21, 12). Thật vậy, Chúa Giê-su đã trỗi dậy từ cõi chết như Ngài tiên báo cho các môn đệ và những người phụ nữ thánh thiện hằng dõi theo bước chân Ngài. Chẳng những thế, Ngài phục sinh, nhưng không biến thành một con người khác biệt, Ngài vẫn gần gũi yêu thương, vẫn nhẹ nhàng dõi trông che chở, đồng hành với các môn đệ trong cuộc sống bình dị hằng ngày. Đối với chúng ta cũng vậy, Chúa Giê-su Phục sinh hằng bên ta, chỉ dẫn, chăm sóc, nuôi dưỡng ta mỗi thời khắc, mỗi giây phút trong đời; dù lắm lúc chúng ta không nhận ra Ngài vì sự yếu đuối của bản thân, dù bao phen chúng ta khép kín, đóng chặt cửa lòng nên chưa nhìn thấy Ngài hiện diện nơi mỗi ngày sống. Ước gì, chúng ta được cảm nghiệm hơn tình thân của Chúa Phục sinh trong mọi khoảnh khắc đời mình!
Quay trở lại với cuộc hội thoại giữa Chúa Giê-su và Phê-rô sau khi dùng bữa sáng xong. Với sự tinh tế, nhạy cảm, thấu hiểu và đầy bao dung tha thứ của Chúa Giê-su, chúng ta thấy Phê-rô vẫn chân thành như con người của ông, vẫn thẳng thắn bộc trực, nhưng lần này đầy xác tín cậy trông hơn khi được hỏi cùng một câu: “Si-mon, con ông Gio-an, con có yêu mến Thầy hơn những người này không?” (x. Ga 21, 15. 16. 17). Không chút do dự, đắn đo, và với tâm hồn đơn sơ, đặt trọn niềm tin tưởng nơi Thầy mình, Phê-rô đáp: “Thưa Thầy: Có, Thầy biết con yêu mến Thầy” (Ga 21, 15. 16. 17). Chẳng vội vã, vội vàng như trước, kỳ này với lòng khiêm nhường sâu thẳm, câu trả lời của ông ẩn chứa niềm tín thác, cậy trông vào Chúa Giê-su: “…Thầy biết con yêu mến Thầy mà!” Nghĩa là Thầy biết con yếu đuối, vấp ngã, tội lỗi bao lần rồi, và Thầy cũng thấu tỏ tâm hồn, tấm lòng yêu mến của con dành trọn cho Thầy ra sao! Tuy nhiên, được hỏi đến lần thứ ba, Phê-rô có chút buồn rầu, có lẽ ông nghĩ ‘Thầy biết rõ con rồi mà sao vẫn hỏi đi hỏi lại một câu vậy!’ Phải chăng Phê-rô không mảy may hồi tưởng ba lần đã chối Chúa ư? Phải chăng chẳng nhớ đến ba lần nói không biết đến ông Giê-su trước mặt một người đầy tớ nữ sao? Lỗi lầm của Phê-rô là thế, nhưng Chúa Ki-tô Phục sinh chẳng đá xoáy vào sự vấp ngã ấy bằng cách trách móc, than phiền; trái lại, Ngài trao cơ hội ‘sửa sai’ cho ông, giúp ông xác tín, yêu mến Chúa, và đặt để sứ vụ cao trọng cho ông: “Hãy chăn dắt các chiên con..chiên mẹ của Thầy” (x. Ga 21, 15. 16. 17).
Sau cùng, Chúa Ki-tô Phục sinh gọi mời Phê-rô “con hãy theo Thầy” (Ga 21, 19), cụ thể bước theo con đường hy sinh, con đường khổ nạn, con đường bỏ mình, con đường vâng phục Thiên Chúa Cha, con đường ‘biến mình ra không’, con đường Thập giá, con đường yêu thương, con đường thứ tha…và con đường trở nên chứng nhân. Thật vậy, sách Công vụ Tông đồ đã thuật lại ‘nẻo đường làm chứng cho Chúa Ki-tô Phục sinh’ của Thánh Phê-rô và các Tông đồ một cách sống động dường nào! Dù bị ngăn cấm, nhưng các Ngài đã dõng dạc đáp lại: “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời người ta” (Cv 5, 29). Dẫu bị ghét bỏ, đánh đập, bắt bớ, nhưng gương chứng nhân của Thánh Phê-rô và các Tông đồ để lại cho chúng ta là hậu duệ lẽ sống dám trở nên chứng tá cho Chúa Ki-tô Phục sinh trong đời thường nhật, “Chúng tôi là nhân chứng các lời đó cùng Thánh Thần, Đấng mà Thiên Chúa đã ban cho mọi kẻ vâng lời Ngài!…Ra khỏi công nghị, lòng các ngài hân hoan vì thấy mình xứng đáng chịu sỉ nhục vì Danh Đức Giê-su” (Cv 5, 32. 41). Các ngài tự hào được sống chứng tá cho Thầy Chí Thánh. Còn chúng ta thì sao?
Cầu nguyện:
Chúa nào nhớ lỗi chấp tội chúng con
Chẳng hề trách mắng, xoáy vào nỗi đau
Sẵn sàng tha thứ, nhân từ bấy lâu
Đỡ nâng, nâng đỡ con hèn cậy trông!
“Thầy biết rõ con yêu mến trong lòng”
Thế nên tuyên tín, thực hành chứa chan
Bước theo chân Chúa trung thành hân hoan
Trở nên chứng tá khiêm nhường thiết tha….Amen!

Lm. Xuân Hy Vọng

=============
Suy niệm 5
"CHÚA ĐÓ"


Chúa Phục Sinh hiện ra với Maria Mađalêna và nhắn gởi là sẽ gặp các môn đệ ở Galilê (Mt 28,10). Trong khi chờ đợi, họ trở về với nghề xưa, trở về Biển Hồ quen thuộc đầy ắp kỷ niệm tình thầy trò.
Phêrô kêu gọi anh em đi đánh cá. Tối hôm ấy, họ thức trắng đêm mà vẫn trắng tay, chẳng được con cá nào. Họ sửa soạn giũ lưới đi nghỉ, Chúa hiện đến trên bờ. Trời vừa tảng sáng để có thể nhận biết người và thuyền. Nhưng họ vẫn không nhận ra Chúa Giêsu đứng đó, cũng giống như trường hợp của Maria Mađalêna bên ngôi mộ (Ga 20,14), cũng như hai môn đệ Emmau (Lc 14,13).
Từ xa xa, Chúa Giêsu gọi các môn đệ một cách thân mật: “Các chú có gì ăn không?”. Một câu hỏi đối với dân miền biển nên phải hiểu là: đánh cá có được gì không? Các môn đệ trả lời một tiếng vắn vỏi: “Thưa không” xem ra mệt mỏi chán chường. Chúa bảo: Hãy thả lưới bên hữu thuyền. Họ vâng lời và họ kéo được quá nhiều cá hơn sức họ mong tưởng. Thấy thế hẳn các môn đệ nhớ lại phép lạ ngày nào bên bờ biển hồ Galilê, Chúa cũng bảo Phêrô ra khơi và họ đã bắt cá nhiều đến nỗi phải nhờ thuyền bạn bè chở giúp (Lc 5,1-11).
Gioan là người đầu tiên nhận ra Thầy: “Chúa đó”.  Gioan, người môn đệ Chúa yêu đã tỏ ra bén nhạy với dấu lạ. Vào sáng phục sinh, Gioan là người đã đến mồ trước tiên “ông đã thấy và đã tin” và trong ánh sáng của tình yêu, Gioan còn là người đầu tiên nhận ra Đấng Phục sinh đang đứng trên bờ biển hồ Galilê. Thánh Phêrô Chrysologue chú giải: Kẻ được yêu thấy trước vì con mắt tình yêu tinh hơn và cảm nhận bén nhạy hơn. “Chúa đó”, lời của Gioan làm cho Phêrô tin tưởng, ông vội khoác áo vào và nhảy ùm xuống nước, bơi vào bờ. “Chúa đó”, lời đã làm cho các môn đệ quên đi vất vả mệt nhọc hớn hở chèo thuyền vào bờ. Gioan được Chúa yêu thương. Phêrô là thủ lãnh năng động của tập thể. Chúa bảo đem đến ít cá để nướng ăn điểm tâm. Cho đến lúc này các môn đệ mới nhận ra là Chúa và không ai dám hỏi gì nữa, không còn ai hồ nghi gì nữa.
Sau bữa ăn thân mật ấy, Chúa tâm sự riêng với Phêrô. Ngài hỏi Phêrô ba lần: Con có yêu mến Thầy không? Trước khi đặt Phêrô làm đầu Hội Thánh, Chúa muốn ông phải yêu mến Ngài một cách quảng đại hơn những người khác. Phêrô đã bày tỏ tình yêu của mình một cách đơn sơ và chân thành: Lạy Thầy, Thầy biết con yêu mến Thầy. Chúa Giêsu đã ân thưởng lòng yêu mến ấy bằng cách trao ban cho Phêrô sứ mạng: Hãy chăn dắt đoàn chiên của Thầy. Chỉ có lòng yêu mến như “Thầy yêu các con” mới nên một với Thầy trong sứ vụ chăn dắt đoàn chiên và thí mạng sống vì đoàn chiên. Chỉ có lòng yêu mến mới dám thí mạng sống vì Thầy. Chiêm niệm về lòng mến, Thánh Phaolô viết: “Dù tôi nói được hết các thứ tiếng của nhân loại và các Thiên thần… được lòng tin chuyển núi rời non… và nộp mình chịu thiêu, mà không có đức mến thì cũng như không, vô ích cho tôi… lòng mến lớn hơn cả đức tin, đức cậy… vì đức mến tồn tại đời đời”. (1Cr 13, 1-3. 8.13).
Ba lần được hỏi và thưa về tình yêu của Phêrô đối với Thầy cũng là ba lần Phêrô được giao phó việc chăm sóc đoàn chiên. Đó là vai trò mục tử của Phêrô. Bằng tất cả trải nghiệm về đức ái mục tử theo gương Mục Tử Tối Cao, Phêrô đã dạy cho các mục tử trong Giáo hội tinh thần:"Anh em hãy chăn dắt đoàn chiên mà Thiên Chúa đã giao phó cho anh em: lo lắng cho họ không phải vì miễn cưỡng nhưng hoàn toàn tự nguyện như Thiên Chúa muốn, không phải vì ham hố lợi lộc thấp hèm, nhưng vì lòng nhiệt thành tận tụy. Đừng lấy quyền mà thống trị những người Thiên Chúa đã giao phó cho anh em, nhưng hãy nêu gương sáng cho đoàn chiên. Như thế khi Vị Mục Tử Tối Cao xuất hiện, anh em sẽ được lãnh triều thiên vinh hiển không bao giờ hư nát" (1Pr 5,2-4). Phêrô trở thành một người lãnh đạo tốt. Người lãnh đạo tốt là người biết tự cảnh giác về sự yếu đuối của mình. Kinh nghiệm sa ngã đã giúp Phêrô thoát khỏi tính tự phụ và tin tưởng mù quáng vào khả năng của mình, đồng thời giúp ông thông cảm với yếu đuối của người khác. Như thế Phêrô còn học biết một sự thật tuyệt vời về Chúa Giêsu. Ông học được rằng, mặc dù ông đã chối Ngài nhưng Ngài vẫn yêu thương ông. Chính tình thương của Chúa đã mang ông trở về cuộc sống. Cái cảm nghiệm được yêu thương trong chính sự yếu đuối và tội lỗi của mình đúng là một cảm nghiệm sửng sốt. Được yêu trong cái tốt của mình là chuyện bình thường. Được yêu ngay trong cái xấu của mình, đó mới là sửng sốt. Chính đó là ân sủng.
Đức Cố Hồng Y FX Nguyễn Văn Thuận suy niệm bài tin mừng hôm nay và nhắn gởi các mục tử như sau: Chúa Giêsu hỏi ba lần: “Con có yêu mến Thầy không ?”, đáp lại ba lần “Có” cũng là để bù lại ba lần chối Thầy. Trước thái độ ba lần từ chối của Phêrô, Chúa không đòi hỏi Phêrô ba lần xin lỗi hay để trừng phạt, song ba lần Chúa muốn được nghe Phêrô nói: “Con yêu mến Thầy”. Như trước đây với Madalena, lần này là Phêrô và sau này là mỗi người chúng ta, Chúa Giêsu muốn nói: “Con yêu nhiều thì sẽ được tha thứ nhiều và ngược lại, con được tha thứ nhiều vậy con hãy yêu nhiều”. Tiếng gọi lãnh đạo của Chúa là tiếng tình yêu, Chúa Giêsu cũng không hỏi Phêrô, con đã có chìa khóa lãnh đạo cao cấp chưa ? Hay có bằng cấp gì ? Tốt nghiệp đại học nào chưa ? Song như có lần Chúa Giêsu nói: “Ai yêu mến Ta thì hãy giữ lề luật của Ta” thì bây giờ Ngài nói: “Con yêu mến Thầy thì hãy chăm sóc chiên con của Thầy”. Chúa Giêsu quan niệm về lãnh đạo là yêu thương, là phục vụ, rửa chân cho những người mình lãnh đạo, Chúa Giêsu không quan niệm nền tảng và phương pháp lãnh đạo là thao tác thôi. Đối với những người lãnh đạo không phải là thao tác bắt người ta làm theo ý mình, song bằng tình yêu giúp nhau thực hiện ý Chúa. Như trong trường hợp của Phêrô, tình thương của Chúa đối với Phêrô và của Phêrô đối với Chúa, tình thương ấy xóa bỏ hận thù, xóa bỏ lỗi lầm xưa và đưa người yêú kém kia trở lại sống trong tình yêu của Chúa. “Anh em yêu mến Thầy thì hãy chăm sóc chiên của Thầy”. Lời mời gọi ấy nhằm vào hàng giáo sĩ. Dĩ nhiên, sau cùng là lời mời gọi đối với mỗi người tín hữu, ai cũng có trách nhiệm liên đới đối với vận mệnh phần rỗi của mỗi anh em mình, về phận sự chăn dắt, nuôi nấng và đưa anh em về đoàn chiên và gìn giữ họ an toàn trong Đức tin. Hãy vì yêu mến Chúa mà làm phận sự chăn dắt và yêu người, tức là làm việc Tông đồ truyền bá Tin mừng và làm cho anh em mình nhận biết và phụng thờ Thiên Chúa (dmhcg.org).
Nhìn lại cuộc đời của Thánh Phêrô, chúng ta thấy một điều rất rõ là trong trái tim vị Tông đồ, lúc nào cũng yêu Chúa. Ngay cả khi Chúa bảo Phêrô là Satan thì Phêrô cũng không giận Chúa. Chỉ vì sự sợ hãi yếu đuối mà chối Thầy, chứ trong tâm hồn lúc nào Phêrô cũng yêu mến Chúa. Không phải Phêrô yếu đuối vấp ngã mà Chúa bỏ rơi, chính tình yêu chân thành trong tâm hồn Phêrô mà Chúa đã yêu thương chọn làm Tảng Đá.
Chúa Giêsu hỏi Phêrô đến ba lần có yêu mến Ngài không. Phêrô cảm thấy nhói đau vì câu hỏi đụng đến vết thương chưa lành của ba lần chối Chúa. Sự cắn rứt dày vò vì lầm lỗi của mình có thể làm người ta trở nên cứng lòng và chai lỳ trong tội lỗi. Tuy nhiên, Phêrô đã trả lời; và ba lần trả lời là cả ba lần Phêrô đối lại việc mình đã chối Thầy trước đây bằng tâm tình thống hối và bằng việc khẳng định tình yêu không thay đổi dành cho Thầy Giêsu.Việc chăm sóc đàn chiên yêu dấu mà Ngài đã đổ máu ra để cứu chuộc, Chúa chỉ giao cho người nào dám khẳng định tình yêu của mình dành cho Đức Kitô đến độ say mê như thế mà thôi.
Chúng ta tự hỏi: Tại sao Chúa Giêsu không trao Giáo hội cho một người trí thức thông thái, có tài lãnh đạo, có uy tín, mà Chúa lại trao Giáo hội cho Phêrô, một Tông đồ nhiều khuyết điểm, bị la mắng nhiều hơn khen ngợi? Chắc chắn nơi Phêrô có một lòng mến Chúa thiết tha. Sau ba lần hỏi: Con có yêu mến Thầy không? Và sau ba lần Phêrô xác định tình yêu ấy, Chúa Giêsu trao Giáo Hội cho Ngài. Ngài vâng lời Chúa về Giêrusalem, bài giảng đầu tiên hùng hồn mang về cho Chúa 3.000 người xin rửa tội. Kể từ đó, Ngài đi vào cánh đồng truyền giáo bao la, là thành đô Roma. Đối diện với gian nguy bắt bớ tù đày, Thánh Nhân đã can trường làm chứng cho Đức Giêsu Phục sinh. Ngài đã lấy máu đào tử đạo minh chứng cho lòng yêu mến Thầy. Ngài đã viết nên trang sử vàng, hào hùng, vẻ vang cho Giáo Hội sơ khai.
Thánh Phêrô đã sửa chữa lỗi chối Chúa bằng cách tuyên xưng tình yêu, và rồi sẽ hiến mình vì đàn chiên được giao phó. Lòng khiêm nhường, lòng mến Chúa của Thánh Phêrô, kinh nghiệm về ơn tha thứ của Chúa, tất cả đều dẫn đưa Thánh Nhân đến với tình yêu của Chúa. Nhờ tình yêu Chúa dẫn lối mà Ngài đã đi bất cứ nơi nào Chúa muốn, cho dẫu nơi đó là ngục tù, là cái chết, bởi lẽ vì tình yêu của Chúa lớn hơn tất cả.
Khi Thánh Phêrô yêu mến và gắn kết đời mình với Chúa, ông có thể vượt thắng mọi yếu đuối và làm điều Chúa muốn.Chúng ta đừng thất vọng vì lỗi lầm đã phạm. Hãy can đảm tuyên xưng tình yêu đối với Chúa và hoàn thành tốt sứ mạng được giao phó là đem Tin Mừng Tình Yêu đến trong môi trường mình đang sống và làm việc. Lòng mến Chúa sẽ mở cửa cho chúng ta đi vào Nước Trời. Chúa không đòi hỏi nơi mỗi người sự khôn ngoan, tài năng. Chúa chỉ cần lòng mến “con có yêu mến Thầy hơn những người này không?”. Khi yêu mến Chúa, chúng ta sẽ làm mọi sự đẹp lòng Chúa. Lòng mến là thước đo cho mọi giá trị đạo đời.
Lạy Chúa Giêsu, Giáo Hội đang sống tinh thần “Hiệp Hành” để cùng nhau loan báo Tin Mừng Phục Sinh. Xin cho chúng con được tràn đầy lòng mến và tích cực tham gia đóng góp với ơn Chúa đã ban. Amen.
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
=============
Suy niệm 6
Tình thầy trò Phêrô - Giêsu và Gioan
(Ga 20, 1-19)

Vào lúc bình minh ló rạng. Chúa Giêsu hiện ra với các môn đệ và hỏi: "Này các con, có gì ăn không?" Họ đồng thanh đáp: "Thưa không". Chúa Giêsu bảo: "Hãy thả lưới bên hữu thuyền thì sẽ được". Các ông liền thả lưới và hầu không kéo nổi lưới lên, vì đầy cá. Người môn đệ Chúa Giêsu yêu liền nói với Phêrô: "Chính Chúa đó". Simon Phêrô nghe nói là Chúa, liền khoác áo vào, vì đang ở trần, rồi nhảy xuống biển (Ga 21, 5- 7). Hỏi: Đâu là cái để Gioan với biệt hiệu là “người môn đệ Chúa yêu” nhận ra Thầy mình, và điều gì đã khiến Phêrô khoác áo vào và nhảy ngay xuống biển? Thưa: Tình yêu.
Tình thầy trò
Tình thầy trò Phêrô - Giêsu và Gioan thật đậm đà thắm thiết. Tình yêu giúp người môn đệ được yêu mến là người đầu tiên nhận ra chính Chúa (x. Ga 21,7). Vì yêu mà Gioan được ngồi cạnh Thầy trong bữa Tiệc Ly và tựa đầu vào ngực Chúa và hỏi thay cho Phêrô (x. Ga 13, 23). Nhờ yêu mà Gioan cùng với Thầy đi vào nhà Caipha bằng cổng chính như những mục tử, chứ không như Phêrô phải ở ngoài chờ Gioan ra dẫn vào.
Từ yêu đi đến hành động. Phêrô chỉ được chọn làm thủ lãnh và chăm sóc đàn chiên Chúa sau khi công bố yêu mến Thầy đến ba lần (Ga 21,15-17). Chúa chọn Phêrô với trọn tình yêu. Phêrô đáp lại cách trung thành, dù phải mất mạng (Ga 21,18). Dẫu biết rằng, đàn chiên thuộc về Thầy Giêsu chứ không thuộc về trò Phêrô.
Nhìn vào lịch sử, chúng ta thấy rõ được tình Thầy trò Giêsu. Gioan là người duy nhất trong các tông đồ ra đi trong tuổi già. Ngài cũng là môn đệ được Chúa Giêsu trao phó nghĩa vụ làm con thay thế Thầy đón Mẹ Thầy về nhà chăm sóc.
Phêrô đã tiếp nối công việc Thầy trao, chèo lái con thuyền Giáo Hội từ buổi sơ khai, rao truyền giáo huấn của Thầy cho những người chưa biết, bảo vệ chân lý về Ơn Cứu Độ mà Thầy đã trao ban. Ông hạnh phúc được lãnh nhận phúc tử đạo giống như cái chết của Thầy. Con thuyền Giáo Hội do Phêrô cầm lái vượt qua biết bao sống cả ba đào, và cho đến hôm nay vẫn vững chắc lướt qua sóng gió trần gian.
Mẻ cá tình yêu
"Lúc rạng đông, Chúa Giêsu hiện đến trên bời biển" (Ga 21,4). Biển là gì nếu không phải là biểu tượng của thế gian đang bị xô đẩy bởi những con sóng dữ dội và vòng xoáy của ba thù, và bờ tượng trưng cho sự sống đời đời đó sao ? Các môn đệ đã vất vả, cực nhọc suốt đêm trên biển để đánh bắt cá, đương đầu với những con sóng của cuộc sống hay chết, nhưng Đấng Cứu Chuộc chúng ta, sau khi sống lại, Người đứng trên bờ. Theo thánh Grêgôriô Cả (540-604), Giáo hoàng, Tiến sĩ Hội Thánh giải thích thì: Chúa Giêsu đứng trên bờ, vì sau khi sống lại, Người đã vượt qua các điều kiện của một xác thịt mong manh hay hư nát, Người đứng trên bờ để nói cho các môn đệ về mầu nhiệm phục sinh, rằng: "Thầy không hiện ra với anh em trên mặt biển nữa" (x. Mt 14,25), bởi vì Thầy không còn ở với anh em trong lúc biển gầm bão tố nữa. Chúa ở trên bờ để kéo các ông lên bờ và biến các ông từ nay trở thành những kẻ lưới người ở trên bờ, chứ không lưới cá ở dưới nước nữa. (Trích Homélies sur l'Évangile, n°24).
Trở lại với mẻ cá lạ của các môn đệ làm theo lệnh truyền của Chúa Phục Sinh, vào buổi bình minh của ngày mới, Chúa hiện ra với các môn đệ lần thứ ba. Nếu như Tin Mừng không nói rõ, chúng ta không thể tưởng tượng được rằng chính Chúa sẽ chuẩn bị một cái gì đó cho chính mình cũng như các môn đệ, những ngư dân mệt mỏi suốt đêm nay cần đồ ăn sáng.
Chúa Giêsu Phục Sinh đã cách mạng hóa cuộc sống của họ và biến đổi lịch sử nhân loại ở mọi nơi mọi thời. Các Tông Đồ thấy rằng họ đã thất bại, họ đã không đạt được tầm mức mà Đấng Mê-sia mong đợi. Trong lưới của Phêrô và các môn đệ, người ta nhận ra sự kiệt sức, gần như đầu hàng, chẳng những không hướng về Thiên Chúa, mà còn đối diện với sự nghèo nàn của chính họ. Phêrô nói : "Tôi đi đánh cá đây"(Ga 21,3), ngay lập tức những người khác cũng đi theo, dường như muốn nói: "Bây giờ họ không có gì khác để làm".
Quả thật, con người của các Tông Đồ lúc này: Sau "khổ đau" của Thập Giá, họ đã trở về gia đình, với cộng việc thường nhật, có người đi đánh cá, nghĩa là họ trở về lại con người và làm những công việc trước lúc chưa gặp Chúa Giêsu. Điều này chứng tỏ bầu khí phân tán và rối loạn trong nhóm  (x. Mc 14, 27, và Mt 26, 31). Đó là khó khăn cho các môn đệ để hiểu những gì đã xảy ra, khi mà tất cả dường như đến hồi kết, thì trên đường Emmaus, Chúa Giêsu đã đến với các môn đệ dưới dạng khách đồng hành. Giờ đây, Chúa gặp gỡ họ lúc họ đang ở biển, là nơi mà tâm trí họ nặng trĩu vì những thử thách gian truân của cuộc đời; Người gặp họ vào rạng sáng ngày hôm sau khi họ vất vả cực nhọc vô dụng suốt đêm. Lưới họ không có gì, cách nào đó, điều này cho thấy cảm nghiệm của họ với Chúa Giêsu, họ biết Chúa đang ở bên họ, và Chúa hứa với họ nhiều điều. Tuy nhiên, họ thấy mình bây giờ với mẻ lưới  trống rỗng.
Các tông đồ thấy mỏi mệt, nhưng xúc động trước tình yêu của Thầy, họ thả lưới ở "phía bên kia" thuyền. Câu hỏi được đặt ra: Tại sao lại bên kia ? Bên kia là bên của tình yêu Thiên Chúa. Tấm lưới của Phêrô đã được thả xuống từ một phần của tình yêu Chúa. Tình yêu ấy rất cần thiết trong thế giới hôm nay.
Hiệp nhất trong tình yêu
Phúc âm thánh Gioan có hai cảnh bên lửa than hồng. Một lần bên lò sưởi, Phêrô chối Thầy ba lần (Ga 18). Lần hai cũng bên lửa than, ông bày tỏ tình yêu với Thầy mình ba lần. Tình yêu đã tẩy xóa tội của ông và nối kết ông trở lại với Đức Giêsu.
Bữa ăn mà Chúa Giêsu dọn cho các môn đệ là bữa ăn hiệp nhất trong tình yêu (x. Ga 21,9-13) tiên trưng cho phép Thánh Thể. Lưới không rách là dấu chỉ sự hiệp nhất mà 153 con cá do các môn đệ mang bắt được tượng trưng cho cả thế giới lúc bầy giờ là 153 nước đến với Chúa Giêsu.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

=============
Suy niệm 7
MẺ CÁ DIỆU KỲ
Ga 21, 1-14
Hôm nay trình thuật của thánh Gioan kể lại sự kiện Đức Giêsu “tỏ mình ra” cho các môn đệ ở biển hồ Tibêria, sau khi Ngài Phục Sinh.
Sự kiện Phục Sinh làm cho các ông mừng rỡ lấy lại niềm tin đã mất trong cuộc tử nạn của Thầy mình. Đã tan đi những hoài bão kiểu trần tục, lúc này các ông trở về với nghề chài lưới đời thường. Khi họ đang “ở với nhau”, ông Phêrô như lá cờ đầu khởi xướng công việc: “Tôi đi đánh cá đây.” Tất cả đồng lòng với ông và cùng nhau ra đi chèo thuyền đánh cá ngay. “Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao”. Vậy mà sao suốt đêm họ trắng tay chẳng bắt được con cá nào cả?
Hết giờ, trời đã sáng, Đức Giêsu đứng trên bãi biển,  mà các ông “mơ màng” như Maria Mácđala hôm trước tưởng là “người làm vườn”, có “ông bác” nào đó đánh tiếng hỏi thăm các chú có gì ăn không? Đang chán nản họ buông câu cụt ngẫng “thưa không”. Chắc họ đang thả lưới bên trái mạn thuyền, ông ấy bảo cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền sẽ bắt được nhiều cá. Họ nghe theo và thả ngay thì… woa! không kéo nổi vì lưới đầy những cá ngoài sự mong tưởng của các ông. Người môn đệ được Đức Giêsu thương mến mới giật thót mình nói nhỏ với Phêrô: “Chúa đó!” Bởi ông Gioan yêu mến Thầy mình lắm nên mới tinh ý phát giác qua dấu chỉ nhanh nhất như vậy. Lập tức Phêrô vội khoác áo vào và nhảy tùm xuống biển mà “náu”! Suốt đêm đánh cá không kết quả cho thấy sự nghèo nàn kém cỏi, khi làm việc chỉ cậy dựa vào sức riêng mình. Nhưng khi có Chúa can thiệp, con người vâng theo Ý Chúa thì kết quả sẽ tuyệt diệu ngoài sức tưởng tượng. Mẻ cá diệu kỳ hôm nay hẳn làm các ông nhớ hồi nào Thầy gọi “Hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh trở thành những kẻ lưới người như lưới cá.” Từ nghề lưới cá đến sứ vụ “lưới người” của các môn đệ, sẽ thành công ngoài mơ ước nếu biết “vâng nghe” Lời Chúa. Mẻ cá lạ này đếm được 153 con. Các nhà sinh vật học đã ghi vào danh mục cá biển thời đó gồm 153 loài. Mẻ lưới thu được 153 con, tượng trưng Nước Chúa như tấm lưới thu góp tất cả mọi tâm hồn. Nước Trời mở rộng cho hết mọi người không phân biệt màu da chủng tộc, quê hương.  
Đức Giêsu bảo các ông đem ít cá mới bắt được lên bờ có sẵn than hồng và bánh. Người mời “Anh em đến mà ăn!” Thưởng thức bữa ăn gồm bánh và cá, với cử chỉ  Người “cầm lấy” và “trao cho”, lúc này các ông chỉ biết im lặng,  không ai dám hỏi “Ông là ai?” vì đã nhận ra mồn một đó là Chúa.
Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh! Xin cho chúng con đủ lòng tin yêu cậy dựa nơi Chúa, để chúng con nhận ra và mau mắn làm theo lời dạy của Chúa, Chúa sẽ thực hiện những điều kỳ diệu cho sứ vụ của người phàm chúng con. Xin cho chúng con biết đến gặp gỡ Chúa trong Lời Chúa và Bữa Tiệc Thánh Thể, để chúng con nhận ra và kín múc sức mạnh, nguồn sống từ chính Chúa Phục Sinh, mà đơm hoa kết trái trong cuộc đời theo Chúa của chúng con. Amen.
Én Nhỏ
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log