Thứ năm, 26/12/2024

Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật VI Phục sinh năm C

Cập nhật lúc 08:20 19/05/2022
Suy niệm 1
Thầy để lại bình an cho anh em
Ga 14,23-29
Thầy trở lại với anh em. Trong bữa ăn Vượt qua, Chúa Giêsu làm các môn đệ buồn vì Ngài tuyên bố cái chết của Ngài sắp đến gần: “Thầy ra đi”. Nhưng lời tạm biệt này được kèm theo một thông điệp tràn đầy hy vọng: “Thầy trở lại với anh em”. Trong bối cảnh kịch tính, câu nói này có tất cả sức mạnh của một giao ước: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”.
Chúa Giêsu đã bày tỏ một tình yêu quá cao đẹp đối với các môn đệ đến nỗi họ không có khả năng đón nhận những lời này và mang theo làm di sản. Phải đến ngày lễ Ngũ tuần, họ mới khám phá tất cả ý nghĩa của câu đó. Chúa Thánh Thần giúp họ rút ra từ cùng một nguồn tình yêu như Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đã nói rõ: “Nếu ai yêu mến Thầy, Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy, Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy”.
Suy niệm về câu nói này, Thánh Augustinô viết: “Chúa Giêsu biến mất khỏi tầm mắt của chúng ta để chúng ta đi vào trái tim và tìm thấy Ngài ở đó . Nhờ đó, chúng ta sẽ hiểu được ý nghĩa của sự bình an mà Chúa Giêsu nói tiếp với các môn đệ: Đó chính là bình an Thầy để lại cho anh em, đó chính là bình an mà Thầy ban cho anh em”. Thật vậy, bình an mà Chúa Giêsu ban cho chúng ta là chính NgàiChính Chúa Kitô, Ngài ở với chúng ta và trong chúng ta, bằng sự hiện diện đầy lòng thương xót của Đấng Phục Sinh, đó là dạy chúng ta hãy học yêu thương.
Vai trò của Chúa Thánh Thần. Đón nhận Chúa Kitô trong chúng ta, nhờ ân sủng của Chúa Thánh Thần, giúp chúng ta yêu mến Ngài, yêu anh chị em chúng ta và cũng yêu chính chúng ta bằng một tình yêu đến từ Thiên Chúa. Và điều đó sẽ thay đổi mọi thứ trong chúng ta. Khi đó, cái nhìn của Chúa Kitô trở thành cái nhìn của chúng ta, mọi thứ trở nên dễ dàng hơn. Lòng trung thành của chúng ta đối với Chúa không phải là một sự ràng buộc mà là một sự thúc đẩy, một khao khát vượt qua mọi ước muốn cảm giác. Khi chúng ta không thực sự yêu người nào, chúng ta sẽ làm tối thiểu những gì người đó yêu cầu. Mặt khác, nếu chúng ta cảm thấy được ai đó yêu thương, chúng ta sẵn sàng làm bất cứ điều gì người đó yêu cầu. Đó là cách Đức Mẹ Maria trong suốt cuộc đời, đã liên tục nói "xin vâng " nhờ Thánh Thần tình yêu ở trong Mẹ.
Trong Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Chúa Thánh Thần sẽ dạy anh em mọi điều và làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em”. Chính Chúa Thánh Thần là người mở trái tim và tâm trí của chúng ta, như Ngài đã làm cho các tông đồ khi họ bắt đầu đọc lại cuộc đời của Chúa Giêsu và viết các sách Tin Mừng. Đồng thời Chúa Thánh Thần cũng làm cho họ khám phá ý nghĩa của toàn bộ Kinh thánh. Khi công bố những lời trong Bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Anh em đừng xao xuyến, cũng đừng sợ hãi, Thầy sẽ gửi đến anh em một Đấng Phù Trợ”.  Chúa Giêsu đã tuyên bố những lời khích lệ rất mạnh mẽ này cho toàn thể Giáo Hội.
Học cách yêu. Giáo Hội là cộng đoàn mà mọi người học cách yêu nhau như Chúa yêu. Giáo Hội không có tham vọng cầu toàn, nhưng Giáo Hội ở với chúng ta trong việc học tình yêu mà Chúa Giêsu ban cho chúng ta. Khi nhìn thấy các kito hữu tiên khởi sống, người ngoại đạo nói: “Hãy xem họ yêu nhau chừng nào!”.  Người thời đại hôm nay cũng mong muốn chúng ta như thế. Chúng ta hãy trở nên chứng từ tình yêu đối với  mọi người và nhất là đối với những người nghèo khổ nhất.
Bài đọc I của Thánh lễ hôm nay cho chúng ta thấy các Tông đồ, được Chúa Thánh Thần hướng dẫn, đã vượt qua những chia rẽ nghiêm trọng đang đe dọa sự khởi đầu của Giáo hội như thế nào. Trong suốt dòng lịch sử, Giáo hội đã được Chúa Thánh Thần soi sáng để trả lời những vấn nạn mới trong công cuộc truyền giáo cho các dân tộc hoặc các nền văn hóa khác nhau. Các công đoàn của Giáo Hội là một biểu hiện rất rõ ràng của sức sống này. Công đồng Vatican II là một ví dụ quan trọng về vai trò của Chúa Thánh Thần chuẩn bị Giáo hội trở thành chứng nhân sống động cho tình yêu của Thiên Chúa trong thời đại chúng ta có rất nhiều nhạy cảm khác nhau.
Giáo Hội hoàn hảo là một lý tưởng! Trong việc học hỏi về Hiệp Hành vừa qua tại các giáo xứ, có rất nhiều ý kiến tích cực muốn xây dựng một Giáo Hội như vậy. Nhưng lý tưởng đó chỉ đạt được nơi thành thánh Gierusalem trên trời. Tuy nhiên, với đức tin chúng ta có thể nhìn thấy thành phố đó, nếu chúng ta bắt đầu xây dựng thành phố đó trên trái đất này bằng cách  tuân giữ Lời của Chúa Giêsu và học hỏi nơi Ngài để yêu như Ngài yêu chúng ta.
Linh mục Gioan Đặng Văn Nghĩa
================
Suy niệm 2
Ga 14, 21 – 26
Từ muôn thế hệ, qua các nền văn hóa đông tây kim cổ, các nhà khoa học, các nhà hiền triết, đều khẳng định vật chất không tự hữu. Vũ trụ cực đại và cực tiểu này phải do một Đấng Tạo Hóa toàn năng làm nên. Đấng ấy phải là vô hình và ở ngoài khả năng hiểu biết của khoa học.
Dù không hiểu được bản chất của Đấng Tạo Hóa, nhưng mọi người qua mọi nền văn hóa vẫn kính và sợ Đấng Toàn Năng. Ông cha chúng ta từ thuở xa xưa, khi gặp gian nan khốn khó, đều khiêm tốn ngỏ lời với Đấng Toàn Năng như sau: “Tôi sấp mặt, tôi cắn cỏ, tôi lạy Ông Trời, xin Ông thương tôi”.
Đạo Do Thái là đạo mạc khải, nhưng cũng chỉ biết kính sợ Gia vê, chứ không dám thân thương. Truyền thống Do Thái dạy rằng: Ai trực tiếp thấy và nghe tiếng Gia vê thì sẽ phải lăn đùng ra mà chết. Cụ thể là chúng ta thấy khi ông Phê rô, Gia cô bê và Gioan thấy Mô sê và Êlia hiện hình  đàm đạo với Thầy Giê su, thì họ vui mừng phấn khởi. Ông Phê rô xin được dựng ba lều để Thầy Giê su, Mô sê và Êlia tạm trú. Bất ngờ có tiếng từ trời phán ra: “Đây là Con Ta yêu dấu, các ngươi hãy nghe lời người”. Thế là ba ông lăn đùng ra chết ngất. Trực tiếp nghe tiếng Gia vê thì phải chết. Tư tưởng ấy thấm vào não vào tâm và thấm vào cả mạch máu của người Do Thái qua mọi thời.
Đức Giê su không đồng ý với truyền thống ấy. Ngài mở màn cho chúng ta thấy: Thiên Chúa vẫn là Đấng Toàn Năng nhưng lại yêu thương chúng ta bằng một tình yêu thân thương gần gũi. Ngài trình bày tình yêu ấy một cách giản dị như sau: “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ được Cha Thầy yêu mến. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại trong người ấy.”
Một Đấng Tạo Hóa cao cả như thế mà lại yêu thương một thụ tạo bé nhỏ như vậy. Chúa không yêu ta như một ông vua ngồi trên ngai đưa mắt dòm một người thuộc hạ. Chúa yêu ta và sống gần gũi thân thương như tình cha mẹ yêu con trong một mái nhà ấm cúng. Đây là một mạc khải vĩ đại chỉ có trong giáo huấn của Đức Giê su mà thôi: Với mạc khải này, ta có quyền ngước mắt lên trời hãnh diện vì mình là người con thân thương của Ông Trời.
Để đạt được niềm hạnh phúc lớn lao ấy, ta không cần phải vật lộn với bản thân yếu hèn, mà chỉ cần làm một điều giản dị vô cùng. Đức Giê su đã vạch cho ta một phương pháp cực kỳ giản dị, đó là: “Ai giữ các điều răn của Thầy, người ấy mới là kẻ yêu mến Thầy. Mà ai yêu mến Thầy, thì sẽ được Cha của Thầy yêu mến. Thầy sẽ yêu mến người ấy…”
Yêu Chúa, thì ai mà không ham. Khi đã yêu Chúa rồi, thì có gì mà không làm được. Khi đã yêu, thì càng khổ vì người yêu thì càng thích. Một cô vợ trẻ đã tuyên bố với chồng trước mặt tôi rằng: “Anh khỏe như voi, chẳng biết đau ốm là gì. Em xin Chúa cho anh bị đau một trận thật nặng, để em chăm sóc cho anh một lần cho vừa lòng em.
Linh mục Piô Ngô Phúc Hậu
================
Suy niệm 3
Được Chúa ở cùng

Ga 14, 23-29
Thiên Chúa dựng nên muôn loài muôn vật trong vũ trụ bao la vô biên vô tận nầy. Ngài là Chúa tể thống trị muôn loài trên trời dưới đất. Vì thế, không có đền đài hay cung điện nào trên đời, cũng chẳng có ngai tòa nào trên khắp thế giới xứng đáng cho Ngài ngự trị… Thế thì thân xác và tâm hồn mỗi người chúng ta chẳng đáng là gì để Chúa ngự đến viếng thăm và ở lại với chúng ta.
Vậy mà Thiên Chúa quý mến con người cách đặc biệt và ưa thích ngự trị trong tâm hồn các tín hữu như trong đền thờ của Ngài.
Chúa Giê-su khẳng định rằng không chỉ riêng Chúa Cha mà còn cả chính Ngài cũng như Chúa Thánh Thần, là Đấng luôn kết hợp với Chúa Cha và Chúa Con, sẽ ngự đến và ở lại với những người xứng hợp.
Nhưng những ai được xem là xứng hợp?
Đó là những người yêu mếnvâng giữ lời Chúa Giê-su dạy, như lời Ngài phán: “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy thì Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy” (Ga 14, 23).
Có lẽ chúng ta chưa bao giờ ước mơ có ngày được tiếp đón Đức thánh Cha hay những vị hồng y cao cả trong Hội thánh đến ngụ tại nhà mình, vì cảm thấy mình bất xứng; thế mà chúng ta lại được vinh dự vạn lần hơn khi được cả ba Ngôi Thiên Chúa đến ở lại với mình. Hạnh phúc biết bao!
Diễm phúc tuyệt vời nhất
Hôm xưa, khi đến truyền tin cho Đức trinh nữ Maria, sứ thần Gáp-ri-en cất tiếng chào: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng!”
Vì sao trinh nữ Maria được gọi là người đầy ân sủng thì sứ thần cho biết lý do: “Vì được Thiên Chúa ở cùng.”
Được Thiên Chúa ở cùng là diễm phúc tuyệt vời nhất trên thế gian. Muốn đạt được diễm phúc đó thì phải thực hiện hai điều Chúa Giê-su dạy: một là yêu mến Chúa, hai là tuân giữ lời Ngài. Việc nầy nằm trong khả năng, trong tầm tay mỗi người.  
Tiếc thay, nhiều người ước mơ những phúc lộc phù du đời nầy và dồn hết công sức để chiếm hữu chúng, mà lãng quên hồng phúc lớn lao là được Chúa ở cùng.
Những phúc lộc đời nầy sẽ tiêu tan như khói như mây nên chẳng đáng cho ta đầu tư công sức để chiếm hữu, chỉ có những ai được Chúa ở cùng mới đạt được hạnh phúc đích thực và trường cửu mà thôi.
Lạy Chúa Giê-su,
Mặc dù chúng con bất xứng nhưng Chúa vẫn ưa thích ngự đến và ở lại với chúng con.
Xin cho chúng con đừng để tâm hồn bị ô nhiễm vì tội lỗi và những thói hư tật xấu, nhưng luôn gìn giữ tâm hồn trong sạch và tô điểm tâm hồn bằng các nhân đức, để xứng đáng làm nơi Chúa ngự. Amen.
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
================
Suy niệm 4
THÁNH THẦN HOẠT ĐỘNG

Là người Công giáo, từ thuở nhỏ, chúng ta được học giáo lý về Một Chúa Ba Ngôi. Tuy chưa hiểu thấu bởi lẽ đây là Mầu nhiệm cao trọng nhất, nhưng chúng ta cảm nhận Mầu nhiệm này hằng ngày, cụ thể mỗi lần làm dấu Thánh giá. Hơn thế, chúng ta được học biết về Chúa Giê-su, và nhờ Ngài, chúng ta nhận biết Chúa Cha và Chúa Thánh Thần.
Nhưng khi mỗi lần được hỏi về Chúa Thánh Thần, chúng ta dường như chưa biết gì về Ngài, và cách Ngài hoạt động, hướng dẫn chúng ta ra sao! Có lẽ chúng ta biết Chúa Cha nhiều hơn Chúa Thánh Thần, vì Đức Giê-su đã từng xác quyết với các Tông đồ: “Nếu anh em biết Thầy, anh em cũng biết Cha của Thầy…Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (x. Ga 14, 7. 9)!
Kính thưa cộng đoàn Phụng vụ! Trong đoạn Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su mạc khải cho chúng ta biết về Chúa Thánh Thần, mà Ngài được gọi là ‘Đấng Bảo Trợ’ (Ga 14, 16. 26), và là ‘Thần Khí sự thật’ (Ga 14, 17). Chúa Thánh Thần được Chúa Cha sai đến nhân danh Đức Giê-su Ki-tô, ngõ hầu “dạy các con mọi điều và và sẽ nhắc nhở cho các con tất cả những gì Thầy đã nói với các con” (Ga 14, 26). Thật vậy, Chúa Thánh Thần được sai đến để bảo trợ, nâng đỡ, hướng dẫn, dạy dỗ, nhắc nhở chúng ta tất cả những gì Đức Giê-su đã nói và làm; chứ chẳng phải Ngài tự đến, dạy và thực hiện mọi điều khác biệt với giáo huấn của Đức Giê-su Ki-tô.
Chính vì vậy, khi đối diện với thực tế: rất nhiều giáo phái tự cho mình nhận lãnh giáo thuyết, giáo lý từ Thánh Thần, nhưng chúng hoàn toàn khác xa, hoặc tệ hơn trái ngược với những gì Đức Giê-su Ki-tô dạy. Và thật buồn thay, nhiều người Công giáo cũng chạy theo họ học đủ thứ giáo thuyết khác biệt với các giáo huấn của Đức Giê-su! Điều này không những chỉ xảy ra trong thời đại này, mà nó đã từng diễn ra nơi Giáo hội sơ khai như Sách Tông đồ Công vụ thuật lại: “…có mấy người từ Giu-đê-a đến dạy bảo các anh em rằng: “Nếu anh em không chịu cắt bì theo luật Mô-sê, thì không được cứu độ” (Cv 15, 1). Trước tình huống ấy, Thánh Phao-lô cùng với Bar-na-ba, Giu-đa được gọi là Bar-sa-ba, và Si-la đã cảnh tỉnh, sửa dạy họ theo đường lối của Thầy chí thánh Giê-su: “…Thánh Thần và chúng tôi xét rằng không nên đặt thêm cho anh em gánh nặng nào khác ngoài mấy điều cần kíp…” (Cv 15, 28). Rõ ràng, Chúa Thánh Thần hoạt động như Đức Giê-su đã mạc khải cho các Tông đồ lúc Ngài còn ở với họ, đó là: dạy bảo và nhắc nhở mọi điều Thầy Giê-su đã thông truyền.
Hơn nữa, Chúa Thánh Thần khơi dậy lửa nhiệt huyết, giúp chúng ta hồi tưởng, nhớ lại, thông hiểu mọi điều Đức Giê-su đã truyền dạy, nhất là việc thực hiện giới răn yêu thương, tuân giữ Lời Chúa: “Ai yêu mến Thầy, sẽ giữ lời Thầy, và Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy, và Chúng Ta sẽ đến và ở trong người ấy” (Ga 14, 23). Đây chính là niềm vui khôn tả dành cho những ai biết sống kết hợp thân mật với Chúa không phải qua lời nói suông, mà dám dấn thân tiến bước trên con đường yêu thương - tha thứ - thực hành Lời Chúa hằng ngày. Cao quý hơn, Chúa Ba Ngôi sẽ rất đỗi hài lòng, ngự đến và lưu lại nơi người ấy, kết hiệp mật thiết với người ấy, vì chưng cụm từ viết in hoa “…và Chúng Ta…” (x. Ga 14, 23) diễn tả đến số nhiều (Ba Ngôi) nhưng là một (Một Chúa).Vì thế, tất cả mọi điều Đức Giê-su truyền dạy cho chúng ta, đặc biệt giới răn yêu thương, không đơn thuần là một lựa chọn (làm cũng được, mà không làm cũng chẳng sao!); nhưng thiết nghĩ, không phải vậy, chính xác hơn là ơn gọi - sứ vụ của mỗi người Ki-tô hữu (những ai thuộc về Chúa Ki-tô, những ai tin và sống như Chúa Ki-tô). Tuy nhiên, làm sao chúng ta có thể hiểu và xác tín được điều này? Xin thưa: nhờ vào sự nhắc nhở, soi sáng, dạy bảo, hướng dẫn, thúc giục của Chúa Thánh Thần. Ước gì chúng ta trở nên tinh tế, nhạy cảm hơn với cách hoạt động của Ngài trong đời sống thường nhật, ngõ hầu can đảm dám sống bác ái, làm việc bác ái, lan toả lối sống bác ái, chứ không chỉ dừng lại ở mức độ hoạt động từ thiện mà thôi!
Sau cùng, Chúa Thánh Thần là Đấng xây dựng công cuộc hiệp thông giữa các tín hữu, kiến tạo tình hiệp nhất bền vững trong cộng đoàn. Ở đây, chúng ta có thể tự hỏi: Làm sao sống tinh thần hiệp nhất, nếu chúng ta không có sự bình an của Chúa Ki-tô Phục Sinh “Thầy để lại bình an cho các con, Thầy ban bình an của Thầy cho các con. Thầy ban cho các con không như thế gian ban tặng. Lòng các con đừng xao xuyến và đừng sợ hãi” (Ga 14, 27)? Làm sao có thể sống hiệp thông, nếu chúng ta chẳng hiệp hành cùng nhau dưới sự hướng dẫn của Thần Khí chân lý (Chúa Thánh Thần)? Chúng ta biết rõ rằng: Ngài không bao giờ dạy những gì khác ngoài mọi điều Đức Giê-su thông truyền. Cho nên, nếu trong một cộng đoàn xảy ra mâu thuẫn, bất hoà, và ai cũng tự vỗ ngực xưng mình hoặc đoàn thể mình được ơn Chúa Thánh Thần, thì chắc chắn cá nhân ấy hoặc hội đoàn ấy đang đi theo cách thức của riêng mình, chứ chẳng phải bước theo con đường hiệp nhất mà Chúa Thánh Thần thúc đẩy và gắn kết. Vì chưng, Ngài không bao giờ là nhân tố gây chia rẽ, cạnh tranh nhằm loại bỏ, ‘thêm dầu vào lửa’, mà đúng hơn, Ngài là Đấng kiến tạo sự hiệp thông, đỡ nâng các tâm hồn, ‘đốt lửa tình mến’ nơi mỗi người chúng ta.
Nguyện cầu:
Tạ ơn Con Chúa Phục Sinh
Nhờ Người chiến thắng hiển vinh khải hoàn.
Giờ đây hứa ban Thánh Thần
Dìu đưa, nhắc nhở muôn lần con thơ,
Xin cho con hằng đơn sơ
Chú tâm cất bước, tin thờ, hiệp thông.
Làm việc bác ái, cậy trông
Hiệp hành kiễn vững, cõi lòng khoan nhân. Amen!

Lm. Xuân Hy Vọng

================
Suy niệm 5
TUÂN GIỮ LỜI CHÚA
Chúa Nhật tuần trước, Phúc âm kể về những lời tâm huyết của Chúa Giêsu dành cho các môn đệ: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”. Phúc âm tuần này tiếp nối những lời tâm huyết ấy: "Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy”. Chúa Giêsu đã hứa rằng, dù vắng mặt, nhưng Ngài vẫn luôn hiện diện giữa các môn đệ và ban bình an cho các ông: “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy”. Sự hiện diện của người vắng mặt. Đó là cảm nghiệm mà chỉ có những người yêu nhau mới nhận ra mà thôi. Sau khi Phục sinh khải hoàn, Chúa Giêsu đã trở nên con người của mọi thời đại. Chúa hiện diện trong những ai yêu mến Ngài: “Ai yêu mến Thầy, Cha của Thầy và Thầy sẽ đến ở lại với người ấy”. Chúa hiện diện trong những ai thực hành và giữ lời Ngài: “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy… Và lời anh em nghe đây không phải là của Thầy, nhưng là của Chúa Cha, Đấng đã sai Thầy”. Ngài hiện diện cùng với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Cả Ba Ngôi cùng đến thăm và ở lại trong những ai yêu mến Chúa Giêsu và tuân giữ lời Ngài: "Ai nghe các giới răn Thầy truyền và tuân giữ.... Ai yêu mến Thầy, sẽ được Cha Thầy yêu mến... Đấng Phù Trợ, là Thánh Thần mà Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, chính Ngài sẽ dạy các con mọi điều và sẽ nhắc nhở các con tất cả những gì Thầy đã nói với các con".
1. "Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy"
Người Kitô hữu là người có Đức Kitô nhờ đi theo và yêu mến Ngài. Ai không yêu mến, không đi theo thì không có Ngài, nên không phải là Kitô hữu đích thực. Khi yêu mến Chúa ta sống trong Ngài: "Anh em ở trong Thầy, và Thầy ở trong anh em". Người ta chỉ sống trong nhau vì nhau cho nhau khi người ta yêu thương nhau thật sự. Vì thế, chúng ta chỉ sống trong Đức Kitô và được Đức Kitô sống trong ta khi ta yêu mến Ngài. Yêu mến là giữ lời Ngài "Nếu các con giữ lệnh truyền của Ta thì các con sẽ lưu lại trong lòng mến của Ta" (Ga 15,10).
Nhưng làm sao yêu mến Ngài được khi mà ta không hề thấy Ngài cách hữu hình, không nghe Ngài nói trực tiếp, không động chạm đến Ngài? Chúa cho chúng ta một tiêu chuẩn để dựa vào đó mà biết mình có yêu Ngài hay không: "Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy". Điều răn của Chúa là gì? Chúa xác định rõ ràng điều răn cốt yếu: "Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau" (Ga 12,34). Chúa cũng xác định luôn cả mức độ yêu: "Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em". Như vậy, câu nói "nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy" có nghĩa là "nếu anh em yêu mến Thầy, thì anh em phải yêu thương nhau". Ai yêu thương những người lân cận hay những người chung quanh mình mới là người thật sự yêu mến Thiên Chúa. Nói cách khác, ai không yêu những người gần gũi mình, những người mình gặp gỡ hằng ngày, người ấy không thật sự yêu mến Thiên Chúa. Thánh Gioan đã diễn giải điều này: "Nếu ai nói: Tôi yêu mến Thiên Chúa mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy" (1Ga 4,20).
2. “Anh em có lòng yêu thương nhau”
Những lời tâm huyết của Chúa Giêsu được thánh Gioan ghi chép lại trong hai chương 13 và 14, cuối cùng Chúa đúc kết trong một lời khuyên ân cần : "Nếu ai yêu mến Thầy thì hãy giữ lời Thầy". Lời trọng tâm của chương 13 và 14 là: "Chúng con hãy yêu thương nhau”. Tình yêu cụ thể đối với đồng loại là tính chất đặc trưng nhất của những người theo Chúa Giêsu. Hễ thấy ai có đặc trưng ấy, ta biết người ấy là môn đệ Chúa. Ai không có đặc trưng ấy thì dù có mang danh là môn đệ Ngài, họ cũng chỉ là thứ môn đệ "hữu danh vô thực", giả hiệu mà thôi.
Thánh Gioan sau khi nghiền ngẫm tất cả cuộc đời và những lời giảng dạy của Thầy Chí Thánh đã nghiệm ra cái cốt lõi của cuộc sống người môn đệ là tình yêu Chúa Giêsu Kitô, là kết hiệp với Ngài, là sống sự sống của Ngài.Tình yêu đó là một tình yêu sáng suốt của lý trí, thể hiện nơi những việc làm cụ thể là yêu thương nhau.
Từ nay để gặp gỡ Chúa, để yêu mến Chúa, để sống với Chúa, cần phải có đức tin và tình yêu. Tin và Yêu là hai cánh cửa mở vào sự sống thần linh. Tin và Yêu không chỉ cho ta nhìn thấy Chúa, gặp gỡ Chúa mà còn cho ta được tham dự vào sự sống của Chúa. Sự sống đó là hiệp thông, như Chúa Cha ở trong Chúa Con và như Chúa Con ở trong Chúa Cha, ta sẽ được ở trong sự sống mầu nhiệm của Thiên Chúa Ba Ngôi và thật kỳ diệu, Ba Ngôi đến ở trong ta như lời Chúa Giêsu nói: "Ngày đó, anh em sẽ biết Thầy ở trong Cha Thầy,Thầy ở trong anh em và anh em ở trong Thầy.Ai có và giữ các giới răn của Thầy, người ấy là kẻ yêu mến Thầy.Mà ai yêu mến Thầy, thì sẽ được Cha của Thầy yêu mến.Thầy sẽ yêu mến người ấy và sẽ tỏ cho người ấy biết Thầy".
Lần kia, có một thanh niên nghi ngờ về sự hiện hữu của Thiên Chúa. Vì thế, anh ta đến thăm viếng một tu sĩ nổi tiếng là thánh thiện. Anh hỏi vị tu sĩ: Thầy có tin tưởng vào Thiên Chúa không?.
Vị tu sĩ đáp : có chứ.
Người thanh niên hỏi : Dựa vào chứng cứ nào mà thầy tin được ?
Vị tu sĩ đáp : Ta tin tưởng vào Thiên Chúa, bởi vì ta biết Người. Mỗi ngày, ta đều cảm nghiệm được sự hiện diện của Thiên Chúa trong tâm hồn ta.
Người thanh niên hỏi : nhưng làm thế nào điều đó có thể xảy ra được?
Vị tu sĩ đáp : Khi biết sống yêu thương, thì chúng ta cảm nghiệm được Thiên Chúa, và nỗi nghi ngờ tan biến, giống như làn sương buổi sáng bị tan biến trước ánh nắng mặt trời vậy.
Người thanh niên suy nghĩ về câu nói này trong giây lát, rồi hỏi : Làm thế nào để con có thể đạt được niềm tin chắc chắn này?.
Vị tu sĩ đáp : Bằng cách hành động theo tình yêu. Con hãy cố gắng yêu thương những người đồng loại; yêu thương họ một cách tích cực và không ngừng. Trong khi con học hỏi được cách càng ngày càng yêu thương hơn, thì con sẽ càng ngày càng trở nên tin tưởng vào sự hiện hữu của Thiên Chúa, và sự bất tử của linh hồn. Ðiều này đã được thử nghiệm. Ðây là đường lối đúng đắn.
Những người yêu mến Chúa là những người biết lắng nghe Lời Chúa và đem ra thực hành.Trong truyện thánh Tử đạo Martinô Thọ có chép:"Ông Thọ là người rất đạo đức. Vì được tín nhiệm, ông làm việc thu thuế trong một thời gian rồi xin nghỉ vì thấy có nhiều cheo leo khó công minh luôn mãi được. Ông khuyên các con cứ đúng luật Chúa mà làm chứ đừng phạm tội vì muốn đẹp lòng người khác.... Ông làm việc rất siêng năng và cũng rất rộng rãi với người nghèo khó: không bao giờ ông để họ ra về mà không cho của gì ăn. Nếu con cái đi vắng, ông mời người ăn xin cùng ngồi ăn cơm chung, nếu con cái ở nhà, ông bắt chúng xẻ cơm cho họ". Thánh Martinô Thọ đã tuân giữ giới răn Chúa dạy là mến Chúa yêu người, sống công bằng bác ái. Ngài quả là người yêu mến Chúa thật và đã đáng Chúa trọng thưởng hạnh phúc đời đời.
3. Đức Maria là mẫu gương yêu mến và tuân giữ Lời Chúa.
Một người phụ nữ nghe Chúa giảng dạy, bà nghe say mê. Với tính nhạy cảm của một người nữ, bà cảm nghiệm niềm hạnh phúc của người mẹ có một người con tuyệt vời như Chúa Giêsu. Giữa đám đông, bà bày tỏ niềm thán phục Chúa, bà tán dương Mẹ Maria là “người mẹ có phúc đã cưu mang Thầy và vú đã cho Thầy bú mớm”. Đáp lại lời tán dương ấy, Chúa nói đến hạnh phúc cho ai nghe và giữ lời Thiên Chúa: “Bà ơi, đúng hơn phải nói rằng: phúc thay kẻ biết lắng nghe và giữ lời Thiên Chúa”. Người phụ nữ kia đã tán dương Đức Mẹ là có phúc vì Mẹ có các vinh dự làm Mẹ của một người con tài ba kỳ diệu là Chúa Giêsu. Đây mới chỉ là vinh dự trần gian. Mẹ Maria còn có một hạnh phúc lớn lao hơn là “nghe và giữ lời Thiên Chúa”. Khi biết lắng nghe, đón nhận và giữ lời Thiên Chúa thì thiên đàng đã ở trong người ấy, vinh phúc đời đời ở trong người ấy, Thiên Chúa ở trong người ấy. Đó là vinh phúc của Mẹ Maria. Bởi đó, Chúa nói với người phụ nữ kia, không chỉ dừng lại nơi lời khen Mẹ Maria có phúc vì đã có vinh dự cứu mang, nuôi dưỡng một người con tuyệt vời, mà cần hướng đến ý nghĩa cao cả hơn. Phúc thay cho ai biết lắng nghe và giữ lời Thiên Chúa. Đó là hạnh phúc cao quý nhất của Đức Mẹ.
Vào ngày Thiên Thần Gabriel đến truyền tin, Đức Mẹ đã đứng trước một mầu nhiệm lạ lùng. Mẹ cưu mang con Thiên Chúa. Mẹ suy nghĩ và trao đổi. Mẹ biết đây là thánh ý của Thiên Chúa. Mẹ đáp trả lời “Xin Vâng”. Mẹ đã lắng nghe, Mẹ đã tin và chấp nhận dấn thân. Ngôi Hai Thiên Chúa nhập thể trong lòng Mẹ. Chính Ngài là Ngôi Lời Thiên Chúa đang đến với nhân loại và trở nên Emmanuel.
Ngày kia, Chúa đang rao giảng, có người tin cho Chúa biết: “có Mẹ và anh em Thầy đang chờ gặp Thầy”. Chúa nói ngay với họ: “Ai là Mẹ tôi, ai là anh em tôi? Ai nghe và giữ lời Thiên Chúa, người đó là anh chị em tôi, là mẹ tôi”.
Tại tiệc cưới Cana, Mẹ xin Chúa giúp đỡ gia đình tân hôn đang hết rượu. Với một lời đề nghị tế nhị: “Con ơi, họ hết rượu rồi”. Chúa đáp lại như một lời từ chối: “Thưa bà, việc đó liên can chi đến bà và tôi? Giờ của tôi chưa đến”. Mẹ tin nơi tình thương của Chúa. Chúa sẽ làm những gì tốt nhất, đẹp nhất cho con người. Vì thế, Mẹ dặn dò người giúp vịêc: “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo”.
Trong cuộc thương khó của Chúa, Mẹ đau đớn và luôn vâng theo thánh ý Thiên Chúa. Dưới chân thập giá, Mẹ hiệp thông trọn vẹn trong lễ tế hiến dâng với con…
Lạy Chúa, chúng con nhận ra một cách rất hữu hiệu để được Chúa yêu mến là chúng con tuân giữ giới răn yêu thương của Chúa. Xin chochúng  con xác tín rằng tình yêu của chúng con đối với Chúa phải được thể hiện ra bằng việc yêu thương tha nhân, cụ thể là yêu những người trong gia đình con, những người cùng làm việc với con trong xí nghiệp công ty, những người hàng xóm, những bạn bè con gặp gỡ hằng ngày. Xin giúp chúng con yêu họ cụ thể bằng sự quan tâm đến những niềm vui hay nỗi đau khổ của họ, đồng thời sẵn sàng hy sinh để giúp họ hạnh phúc hơn.
Lạy Chúa, trong cuộc hành hương nội tâm hay lữ hành nơi dương thế, chúng con tin có Mẹ Maria luôn cầu bầu che chở, yêu thương nâng đỡ. Chúng con nhìn lên Mẹ như vị thầy lắng nghe và tuân giữ Lời Chúa. Xin cho chúng con luôn vững lòng cậy trông với niềm tin yêu như Mẹ là mẫu gương cho chúng con.Amen.
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
================ 
Suy niệm 6
Nhân loại đang rất cần Bình An Giêsu

Ga 14, 23-29 

Lời chào chúc Bình an
Người Do thái mỗi khi gặp thường chào chúc nhau “shalom” có nghĩa là bình an hay hòa bình. Văn hóa Việt Nam “bình an” cũng có nghĩa là “hòa bình”. Tuy nhiên, “bình an” thường được sử dụng để diễn tả tình trạng nội tâm cá nhân, còn “hòa bình” diễn tả tương quan giữa người với người, quốc gia với quốc gia và quốc tế với nhau.
Đã làm người, ai cũng muốn được bình an. Sống cần bình an, chết cũng cần bình an. Vì thế mà trên bia mộ của người Kitô hữu, chúng ta thường bắt gặp ba ký tự (R.I.P) viết tắt của (Requiescat in Pace) trong tiếng La tinh có nghĩa là “hãy nghỉ ngơi bình an”. Dưới cái nhìn mặc khải Kitô Giáo, bình an là trạng thái của người dồi dào ân sủng Chúa và bình an đáng mong đợi nhất là ơn cứu độ vĩnh cửu Chúa ban.
Đức Kitô là Hoàng Tử Bình An
Khoảng 700 năm trước Chúa Giêsu ra đời, tiên tri Isaia đã loan báo Người là Hoàng Tử Bình An, Người đến để thiết lập hòa bình giữa con người với Thiên Chúa, với vũ trụ vạn vật và giữa con người với nhau (Is 9,5). Lúc đó, người ta sẽ "đúc gươm đao thành cuốc thành cày, rèn giáo mác nên liềm nên hái. Dân này nước nọ sẽ không còn vung kiếm đánh nhau, và thiên hạ thôi học nghề chinh chiến" (Is 2,4). Giữa cảnh tha hương, lưu đày, Thiên Chúa nói với Dân Người: "Ta sẽ lập với chúng một giao ước bình an" (Ed 37,26).
Khi Chúa Giêsu giáng sinh tại Bêlem, các thiên thần ca hát rằng "vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương" (Lc 2,14). Như thế, “Bình an” đã xuất hiện tỏ tường trong ngày Chúa giáng sinh.
Khi đến “giờ Chúa Giêsu qua khỏi thế gian này để về cùng Đức Chúa Cha”  (Ga 13,1), với trọn tình Thầy trò, Người đã dành cho các môn đệ những lời tâm huyết, cụ thể như truyền cho các môn đệ một Điều Răn Mới (x. Ga 15,12). Tiếp theo, Người mạc khải cho các ông về Chúa Thánh Thần  (x.Ga 14,26). Đồng thời hứa ban bình an cho các ông. “Bình an” là quà tặng cao quý của Thầy để lại cho các học trò trước lúc ra đi. Đó cũng là “Bình an” sau khi sống lại Chúa Giêsu sẽ tặng cho các môn đệ đang cửa đóng then cài vì sợ hãi. “Bình an” là điều các ông đang cần đến hơn bao giờ hết.
Chúa Giêsu chính là Bình An đích thực. Có bình an của Chúa Giêsu đồng nghĩa với có chính Chúa, “Bình An Giêsu”. Có được Bình An Giêsu người ta sẽ cảm nhận được tâm hồn thanh thản, thể xác lạnh manh, nghĩa là bình an cả xác hồn. Bình an này hướng các môn đệ về mầu nhiệm cách chung, nhiệm cục cứu độ.
Bình an của Đức Kitô khác với bình an thế gian ban tặng
Câu hỏi được đặt ra: Tại sao là 'bình an' mà không phải là giàu sang, tài giỏi, sức khỏe hay điều gì khác? Thưa, vì nếu con người có tất cả những thứ đó mà không có bình an thì coi như chẳng có gì.
Với nghĩa nặng tình sâu trong tình thầy trò đầy thương mến, Chúa Giêsu nói với các môn đệ: "Anh em đừng xao xuyến! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy" (Ga 14,1). Người cũng nói với họ: "Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi" (Ga 14,27). Người ban cho họ bình an, sự bình an mà thế gian không thể ban tặng. Tại sao bình an của Chúa Giêsu thế gian không thể ban tặng? Thưa, vì Chúa Giêsu chính là Bình An; là nguồn bình an, Người ban cho các các môn đệ chính bình an của Người, bình an nội tâm, bình an tuyệt đối, bình an vượt xa sự hiểu của con người.
Lời Chúa Giêsu nói với người đàn bà bị mắc bệnh: "Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con. Con hãy về bình an và khỏi hẳn bệnh" (Mc 5,34). Bà được khỏi bệnh cả thể xác lẫn tâm hồn, bình an tuyệt đối. Bình an cũng là điều Chúa truyền cho các môn đệ khi đi rao giảng Tin Mừng, Người căn dặn: "Vào nhà nào, anh em hãy chào chúc bình an cho nhà ấy" (Mt 10,12). Trên đường đi Giêrusalem, tới gần chỗ dốc xuống núi Ôliu, những người theo Đức Giêsu tung hô: "Chúc tụng Đức Vua, Đấng ngự đến nhân danh Chúa! Bình an trên cõi trời cao, vinh quang trên các tầng trời" (Lc 19,38). Chúa Giêsu là Bình an trên trời và dưới đất.
"Bình an cho anh em!" (Lc 24,36) là lời đầu tiên của Chúa Giêsu sau khi sống lại và hiện ra với các môn ngày thứ nhất trong tuần. Có Bình an Giêsu, con người các ông hoàn toàn đổi mới, ngờ vực trở nên vững tin, nhút nhát nên người can đảm, sống cửu đóng then cài, nay đi rao giảng Thiên Chúa Chúa Giêsu chết bị chôn trong mồ đã sống lại hiển vinh, mà chính các ông làm chứng, không sợ chết.
Thánh Phaolô khẳng định: “Chính Người là bình an của chúng ta” (Ep 2,14). Về căn bản, bình an của Chúa Giêsu là bình an bên trong, bình an nội tâm, bình an mà không mãnh lực nào có thể cướp mất được, kể cả cái chết. Sở dĩ Chúa Giêsu có thể 'cam lòng chịu chết' để cứu độ nhân loại vì chính Người là Bình An. 
Lời Chúa Giêsu an ủi các môn đệ:“Anh em đừng xao xuyến! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy” (Ga 14,1). Tại sao tin vào Thiên Chúa và tin vào Chúa Giêsu Kitô lại giúp các môn đệ khỏi xao xuyến, khỏi bất an? Thưa, bởi vì Chúa Giêsu là Hoàng Tử Bình An của Thiên Chúa giữa lòng nhân loại. Người đem bình an cho nhân thế. Ai thiết lập tương quan mật thiết, liên vị với Người, sẽ vượt qua muôn hình thức sợ hãi gieo rắc bởi thế lực bóng đêm, ma quỷ, thế gian, xác thịt.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã nói với các tông đồ rằng: “Thầy để lại bình an cho các con, thầy ban bình an của thầy cho các con…”. Thế giới hiện nay đang khao khát bình an của Chúa. Xin đoái thương ban cho chúng con ơn hiệp nhất và bình an theo ý Chúa muốn, để ngay ở đời này chúng con đã được nếm hưởng hạnh phúc bất diệt Chúa giành cho chúng con nhờ sự chết và phục sinh của Chúa. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

================
Suy niệm 7
Bình An Của Thầy 

Cv 15, 1-2.22-29; Kh 21, 10-14.22-23; Ga 14, 23-29

Đức Giêsu nói với các môn đệ: “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy”. (Ga 14, 23). Người ta yêu nhau thì luôn nhớ lời đã nói với nhau, giữ lời hứa với nhau, luôn làm theo ý muốn của người yêu. Nếu quên hay chẳng muốn giữ lời thì tình yêu bị mờ nhạt, lạnh lẽo. Bởi ông Giuđa thắc mắc sao Thầy chỉ “tỏ mình” cho chúng con thôi, mà không “tỏ mình” cho thế gian thiên hạ? Thầy mới nói như trên và còn khẳng định: “Ai không yêu mến Thầy, thì không giữ lời Thầy.” (Ga 14,24a).  Suốt mấy năm theo Thầy, các môn đệ được ở với Thầy, chứng kiến bao việc Thầy làm, nghe bao lời dạy dỗ của Thầy. Thầy trò sống mật thiết yêu thương, Thầy coi trò như bạn thân. “Thầy không gọi anh em là đầy tớ, song là bạn hữu”.
Ngày nay nếu chúng con không yêu mến Thầy, sẽ chẳng màng đến Lời Thầy, làm sao Thầy “tỏ mình” cho chúng con? Đời sống đạo sẽ khô cằn nứt nẻ, buồn tẻ, nhạt nhẽo. Chúng con vẫn rước Thầy mỗi Thánh lễ mà chẳng thấy chi, dường như Thầy vẫn ở đâu đó, trên thiên đàng hay bị nhốt trong Nhà Tạm kia. Còn nếu chúng con vì yêu mà tìm đến Thầy, mở lòng đón Thầy thì “Cả Nhà Thầy”: Cha - Con và Thánh Thần sẽ đến và ở trong chúng con. Thầy sẽ “tỏ mình” cho chúng con. Càng “biết” Thầy chúng con càng yêu, càng yêu Thầy chúng con không dám sai Lời Thầy vì sợ làm Thầy buồn, sai Lời Thầy chúng con sẽ tự đẩy mình ra xa Thầy.
Thầy còn căn dặn ủi an các ông: “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi.” (Ga 14,27). Đây thực là những lời ủi an tâm huyết chứa chan tình Thầy đến nghẹn ngào. Sống trên trần thế, ai cũng mong ước được sống trong hòa bình, ấm no hạnh phúc. Bình an thế gian là: có được cuộc sống sung sướng, tự do, khỏe mạnh, mọi sự êm ả, không gặp sóng gió cuộc đời, không có bệnh tật đau khổ… Vậy mà Thầy lại hứa ban thứ bình an khác: “Thầy ban bình an không theo kiểu thế gian.” Chúng con chỉ thích những thứ bình an theo kiểu thế gian thôi, mà Thầy lại hứa ban thứ bình an nào nữa đây? Sự bình an này các thiên sứ đã reo vang trong ngày Thiên Chúa giáng trần: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời. Bình an dưới thế cho người thiện tâm”. Sự bình an của Thiên Chúa đến từ trong tâm hồn, khác hẳn với sự bình an của thế gian. Sự bình an của thế gian thật mong manh, nay cười rồi mai lại khóc. Sự bình an của Chúa hiện diện ngay trong đau khổ, thử thách và nghịch cảnh bên ngoài. Một tâm hồn rộng mở đón Chúa ngự trị, thì với trái tim đầy niềm vui của Chúa, bình an trong Thánh Thần, con người sẽ được bình an thực sự. Nếu con người cố bám vào bình an hời hợt của thế gian, thì khó mà cảm nhận được sự bình an của Chúa. Trong sự bình an đích thực của Thiên Chúa, chính Chúa đã trải qua cuộc tử nạn, tự hiến và trao ban vì tình yêu, cho đến ngày phục sinh khải hoàn. Ngày nay bước theo Chúa giữa thế trần này, chúng con cũng phải đương đầu với những giằng co tranh chấp trong tâm hồn và bên ngoài cuộc sống. Với cái nhìn thế gian, chúng con đã lãnh nhận những thua thiệt, nhưng như Chúa trên thập giá, chúng con nhận được sự bình an.
Lạy Chúa! xin cho con biết kiếm tìm sự bình an từ chính thập giá của Chúa. Đối diện với Thập giá, chắc chắn con sẽ lo âu, sao xuyến. Nhưng nếu con biết tận hiến và trao ban, con sẽ an tâm vững bước theo con đường Chúa đã đi, vì chỉ khi biết cho đi, con mới nhận được nguồn bình an đích thực của Chúa. Amen.

Én Nhỏ

Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log