Chúa nhật, 24/11/2024

Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật IV Phục Sinh năm C

Cập nhật lúc 08:42 05/05/2022
Suy niệm 1
Chiên Tôi
Ga 10, 27-30
Mục tử đích thực. Chủ nhật tuần trước, chúng ta đã nghe Chúa Giêsu nói với Phêro, sau khi bắt được mẻ cá lạ: “Hãy chăn chiên của Thầy”. Như vậy, Chúa Giêsu đã giao phó cho Phero đàn chiên mà Chúa Cha đã trao cho Ngài để đưa đàn chiên đó vào Nước Thiên Chúa. Vì thế, Phêro sẽ chịu một trách nhiệm lớn lao, đó là cùng đi với đàn chiên để hướng dẫn. Và Phêro sẽ chia sẻ sứ mệnh này với tất cả những người cũng sẽ được kêu gọi làm mục tử của Giáo Hội.
Tin Mừng hôm nay nhắc nhở chúng ta rằng mẫu gương của mọi mục tử là Chúa Kitô. Ngài còn là Mục tử duy nhất đích thực và tốt lành, với sứ mệnh mang nhân loại lại gần nhau và dẫn dắt nhân loại đến với "Cha của Ngài và cũng là Cha chúng ta"Ngài đến để chiên không bị diệt vong. Ngài nắm tay chúng ta và không ai có thể lôi chúng ta ra khỏi tay Ngài.
Hình ảnh của đàn chiên này không có nghĩa là đàn cừu của Panurge: sẵn sàng nhảy xuống nước mà không cần suy nghĩ! Tin mừng cho chúng ta biết rằng chiên nghe và nhận ra tiếng nói của người chăn đích thực.Về vấn đề này,
- Chúng ta không được nghe tiếng gọi của những người chăn chiên giả.
- Hãy xin Chúa Thánh Thần giúp chúng ta nhận ra Thiên Chúa khi chúng ta dành thời gian mở con tim chúng ta cho Lời của Ngài
- Chúng ta hãy làm như thế một cách tự nguyện hơn, vì Chúa Giêsu biết tên mỗi người chúng ta và Cha của Ngài đã giao phó chúng ta đặc biệt cho Ngài.
Nước Thiên Chúa. Mục tử có trách nhiệm đưa dàn chiên của mình vào nước Thiên Chúa. Vậy nước Thiên Chúa là thế nào? Các Kitô hữu tiên khởi thích mô tả nước Thiên Chúa qua các bức tranh dưới hình dạng một đàn chiên tập trung quanh Mục tử tốt lành ở Giêrusalem trên trời. Đó là ý nghĩa trong sách Khải Huyền chúng ta vừa nghe đọc. Đôi khi người ta nói rằng sách Khải Huyền chỉ nói về những thảm họa. Thực sự cuốn sách này tuyệt đẹp đầy hy vọng! Cuốn sách này nói với chúng ta về niềm vui vì chúng ta được tìm gặp lại Chúa Kitô trong vương quốc của Thiên ChúaNiềm vui của chúng ta, và không thể có gì lớn hơn, là được Chúa Kitô dẫn đến một thế giới mới. Thế giới mới này là nơi cuối cùng chúng ta sẽ khám phá ra niềm hạnh phúc khi được sống cùng nhau.
Bất cứ ai và bất cứ xã hội đều mong muốn được sống trong một thế giới tốt đẹp hơn, thân thiện hơn: một thế giới công bằng và hòa bình. Nhưng chúng ta đừng quên rằng ngay bây giờ chúng ta phải là viên đá để xây dựng vương quốc này . Cách trả lời tốt nhất cho các vấn đề của thời đại chúng ta hôm nay, đó là chúng ta hãy làm cho Tin Mừng dậy men:
- Thánh Augustinô đã mời các Kitô hữu xây dựng thành phố của Thiên Chúa trên trái đất .
- Thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II yêu cầu chúng ta đóng góp cho sự ra đời của một nền văn minh tình yêu.
- Gần đây, đức giáo hoàng Phanxicô mời gọi chúng ta trở thành diễn viên của một cuộc cách mạng dịu dàng  !
Tất cả các nhiệm vụ này sẽ chỉ hoàn thành ở Giêrusalem trên trời, nhưng chúng ta vẫn có thể đạt tới mục đích đó, khi chúng ta cố gắng hết mức!
Một chương trình cần thực hiện. Với đức tin, chúng ta mong muốn một ngày nào đó xã hội này đều chung sống hòa thuận với nhau. Sống với nhau trong một thế giới mà Chúa Kitô sẽ tập hợp mọi người của tất cả các quốc gia xung quanh Ngài, mà mỗi người đều có sự phong phú riêng của mình. Để làm cho con người sống với nhau và với Chúa, một chương trình tuyệt đẹp mà chúng ta nhằm đạt tới  : một thế giới sẽ không còn đói khát nữa, một thế giới mà Thiên  Chúa sẽ lau khô tất cả những giọt nước mắt, một thế giới mà mỗi người sẽ được dẫn "đến nguồn nước của sự sống".
Thế giới chúng ta đang sống mà chúng ta phục vụ  như một sự khích lệ,  một động cơ, một mô hình cho việc xây dựng thế giới mai sau. Một ngày nào đó, Chúa Kito sẽ mang tất cả những nỗ lực của chúng ta để xây dựng thế giới trong sức mạnh của sự phục sinh của Ngài, vì Ngài là Mục Tử tốt lành sẽ dẫn dắt chúng ta vào cuối cuộc hành trình dài của chúng ta.
Giáo Hội đã đưa ra một số hình ảnh của nhân loại mới đó : nhiều cộng đoàn kito trên khắp thế giới tham dự Bí tích Thánh Thể chủ nhật này và học cách canh tân niềm vui ngày lãnh nhận bí tích Rửa Tội...Vì vậy, chúng ta hãy cố gắng xây dựng thế giới này, nơi mỗi người đều cảm thấy mình được lắng nghe, một thế giới mà bất cứ ai biết cách lắng nghe những người nghèo khổ, và mọi người sẽ tham gia vào cuộc hành trình của "đàn chiên" tin tưởng vào các mục tử mà Mục tử duy nhất là Chúa Kito đã ban cho chúng ta.
Chúng ta hãy sống niềm hy vọng Vượt qua, vì mỗi chủ nhật chúng ta đều cử hành  mầu nhiệm này. Chúng ta có thể trải qua những thời điểm khó khăn, cá nhân, trong gia đình, trong Giáo Hội. Nhưng nếu không phải là lúc nào chúng ta cũng được an toàn, chúng ta hãy luôn tin chắc chắn rằng Chúa Kitô đã chiến thắng và Ngài hiện diện hơn bao giờ hết với Giáo hội của Ngài và trong mỗi chúng ta.
Linh mục Gioan Đặng Văn Nghĩa
================
Suy niệm 2
Ga 10, 22 – 30
Đức Giê su đã thực hiện nhiều phép lạ cực kỳ vĩ đại, mà người chứng kiến phải công nhận Ngài là người từ trời xuống chứ không thể là người phàm.
Phép lạ thứ nhất được thực hiện tại Cana. Ở đấy có đám cưới mà ban tổ chức không nhìn xa thấy rộng. Khách mới dự được nữa bữa thì hết rượu. Đức Maria thương họ quá, bèn đến năn nỉ Chúa, cầu xin Chúa cứu vớt. Chúa bảo những người giúp việc múc nước lã đổ đầy sáu chum đá, rồi múc một cốc đưa cho ông MC. Ông MC quát mắng: “Tại sao rượu ngon mà đến bây giờ các ngươi mới đưa ra?” Những người giúp việc kể đầu đuôi câu chuyện, bấy giờ mọi người mới ớ ra.
Phép lạ thứ hai được thực hiện ở Bétxaiđa. Quần chúng ùn ùn đi nghe Chúa giảng. Số thính giả là 5000 đàn ông, không kể đàn bà và trẻ con. Xế chiều rồi, tông đồ đề nghị Chúa kết thúc để thính giả giải tán, đi kiếm chỗ ăn và chỗ nghỉ. Có một em bé bán bánh mang theo cái rổ còn 5 ổ bánh mì và 2 con cá. Chúa biến bấy nhiêu thành lương thực cho 5000 người ăn no. Mảnh vụn rơi rớt gom lại được 12 thúng.
Phép lạ thứ ba. Có một đám tang ở Nain. Bà con đang đem đi chôn một chú choai choai, con trai duy nhất của một bà góa. Thương quá, cầm lòng không nổi, Chúa ra lệnh cho đạo tỳ dừng lại, rồi ra lệnh cho người chết: “Này em, hãy trỗi dậy”. Người chết ngồi ngay dậy và được Chúa trao cho bà mẹ đang tuyệt vọng. Con bà được sống lại, danh dự của bà mẹ góa cũng được phục hồi.
Phép lạ thứ bốn. Con gái 12 tuổi của ông Giairô, trưởng hội đường đau nặng gần chết. Hết đường chữa chạy, ông đi tìm Chúa để xin cứu sống. Chúa cùng ông ấy đi bộ về nhà ông ở Caphácnaum. Trên đường về thì được người nhà báo tin là em bé đã chết rồi. Về tới nơi, thì đám tang đang tiến hành rồi. Chúa vào nhà nắm tay bé kéo dậy và ra lệnh “Talitakum”. Thế là em bé ngồi dậy và bắt đầu ăn bánh nhóp nhép.
Còn có phép lạ hóa bánh ra nhiều lần thứ hai và phép lạ cho bão tố dừng lại để con thuyền của đoàn tông đồ không bị chìm.
Tất cả các phép lạ của Chúa đều được các ông Pharisêu và kinh sư chứng kiến. Chúa có mặt ở đâu, thì họ có mặt ở đó để rình mò, để bắt bẻ. Chứng kiến những phép lạ lớn như thế mà họ vẫn không tin. Tại sao vậy? Tại cái tâm của họ chai lỳ. Đạo của họ chỉ còn là cái vỏ, chỉ còn là danh và lợi. Nếu họ tin theo Chúa, thì mất hết danh và lợi.
Lúc này, niềm tin không còn đến từ lý trí, mà chỉ còn đến từ cái tấm lòng chân thật. Tấm lòng chân thật thì họ không có. Cái lý trí thì bị tiền và quyền lợi che phủ hết rồi.
Cái tâm chân thật ấy chỉ có trong những người yêu Chúa mà Chúa gọi là con chiên mà Chúa Cha đã trao phó cho Ngài.
Sự kiện lịch sử của bài Tin Mừng mà chúng ta vừa nghe cần được chúng ta ghi khắc trong lòng để ngẫm nghĩ và thực hành. Tất cả bài Tin Mừng được tóm kết như sau: “Chiên của Tôi thì nghe tiếng Tôi, Tôi biết chúng và chúng theo Tôi. Tôi ban cho chúng sự sống đời đời không bao giờ chúng phải diệt vong và không ai cướp được chúng khỏi tay của tôi.”
Linh mục Piô Ngô Phúc Hậu
================
Suy niệm 3
Hạnh phúc cho chiên ngoan của Chúa
Ga 10,27 - 30
Khát vọng lớn nhất đời người là gì?
Tất cả mọi người trên dương gian nầy, từ những vị vua đầy quyền lực ngự trên ngai cao, những nhà lãnh đạo tài năng thống lĩnh muôn người, những đại phú gia dư đầy tiền bạc cho đến những người dân đen khốn khổ… tất cả đều có chung một khát vọng, một khao khát rất sâu xa và mãnh liệt bùng lên từ sâu thẳm tâm hồn, đó là mong sao mình không phải chết nhưng được sống đời đời.
Thế nhưng, không một thứ thần dược hay một quyền lực nào trên đời có thể giúp con người đạt được khát vọng đó.
Chỉ có Chúa Giê-su là Thiên Chúa, là Đấng ban sự sống cho nhân loại, mới có thể đáp ứng những khát vọng thâm sâu và mãnh liệt đó mà thôi.
Ngài nói: “Tôi ban cho chúng sự sống đời đời; không bao giờ chúng phải diệt vong và không ai cướp được chúng khỏi tay tôi” (Ga 10, 28).
Qua những lời nầy, Chúa Giê-su hứa ban cho những ai theo Ngài hai hồng phúc trọng đại, đáp lại khát vọng muôn thuở của con người, đó là:
Thứ nhất: cho họ sống đời đời;
Thứ hai: không để họ bị diệt vong.
Điều kiện để được hồng phúc Chúa ban.
Tuy nhiên, muốn được Chúa Giê-su ban cho những hồng phúc quý báu nầy thì chúng ta phải đáp ứng những điều kiện Ngài đưa ra, xem ra rất đơn giản, đó là trở nên “chiên ngoan” đi theo sự dẫn dắt của Ngài, như lời Ngài nói:
“Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi; tôi biết chúng và chúng theo tôi” (Ga 10, 27).
Qua những lời nầy, Chúa Giê-su mong muốn chúng ta thực hành hai điều sau đây:
Một là nghe tiếng Chúa: Chúa dạy gì thì hãy làm theo.
Hai là đi theo Chúa, nghĩa là noi gương bắt chước Ngài, Ngài sống như thế nào, ta hãy làm theo như thế.
Được Chúa bảo vệ để không bị hủy diệt, không phải trầm luân trong hỏa ngục, trái lại được sống đời đời trên thiên quốc là hạnh phúc lớn nhất không gì sánh được và mọi người cần phải đạt được với bất cứ giá nào.
Vậy thì chúng ta có sẵn sàng đáp ứng điều kiện Chúa Giê-su đòi buộc để đạt được hạnh phúc cao quý nầy hay không?
Lạy Chúa Giê-su,
Trên cõi đời nầy, chỉ có Chúa mới có thể cứu thoát con người khỏi bị diệt vong và ban tặng sự sống đời đời cho nhân loại mà thôi.
Xin cho chúng con trở nên chiên ngoan trong đoàn chiên của Chúa, vâng giữ lời Chúa truyền dạy, bước đi theo đường lối Ngài, để được Ngài dẫn vào cõi sống đời đời trên thiên quốc. Amen.
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà

================
Suy niệm 4
CHÚA CHIÊN LÀNH

Kính thưa quý ông bà và anh chị em!
Phụng vụ Lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi người chúng ta nhìn ngắm chân dung một vị Chủ Chăn Tốt Lành, đó là Chúa Giê-su Ki-tô. Ngài là vị Mục Tử và là Chúa Chiên Lành. Chính vì vậy, Chúa Nhật hôm nay được gọi là Chúa Nhật Chúa Chiên Lành. Con thiết tưởng rằng: không một ai trong chúng ta không mong muốn được Chúa Chiên chăn dắt, hướng dẫn chúng ta đến suối nguồn ơn cứu độ, đến sự sống đời đời. Ước mong vẫn chỉ là mong ước nếu chúng ta không biết tín thác, đặt hết niềm tin tưởng và vâng theo lời Vị Chủ Chăn Tốt Lành. Ước mơ vẫn mãi là mơ ước nếu chúng ta không dốc quyết đón nhận Lời Chúa, sống và để Lời Hằng Sống biến đổi cuộc đời, tâm tư, con người yếu đuối, tội lỗi của chúng ta. Trong tâm tình sống Mầu Nhiệm Vượt Qua – Cuộc Thương Khó, Tử Nạn và Phục Sinh – của Chúa Ki-tô, con xin quý ông bà và anh chị cùng đồng hành với con tìm hiểu và sống Lời Chúa qua các bài đọc của Chúa Nhật IV Phục Sinh hôm nay.
Nhớ lại nhiều năm về trước, con được gửi sang Phi-luật-tân học theo chương trình đào tạo linh mục trong Chủng Viện mang tên Chúa Chiên Lành, với tôn chỉ sống đơn sơ – khó nghèo – công bình và ước mong trở nên một vị linh mục tốt lành và thánh thiện như Đấng Mục Tử đã hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên. Có thể nói: nhìn nơi gương Chúa Giê-su là Chủ Chăn Thánh Thiện và Tốt Lành, mọi thành viên trong Chủng viện, không những các cha giáo, các cha đào tạo, chủng sinh mà nhân viên làm việc ở Chủng viện cũng cùng nhau sống chan hoà, noi gương, cố gắng bắt chước Đấng đã nhận làm Thánh bổn mạng Chủng Viện – Chúa Giê-su, Vị Mục Tử Tốt Lành.
Trong tâm tình ấy, con xin chia sẽ với quý ông bà và anh chị em sống theo gương Chúa Giê-su qua 3 chữ cái đầu của từ ‘Chúa Chiên Lành’. Trong trình thuật Tin mừng theo Thánh Gio-an chương 10, có đoạn viết: “...chiên tôi thì nghe tiếng tôi, tôi biết chúng và chúng theo tôi” (Ga 10, 27). Để trở nên ‘chiên’ của vị Mục Tử tốt lành, chúng ta phải trở nên người biết chú tâm lắng nghe Ngài. Đó là chữ C đầu tiên! Người biết lắng nghe chính là người dám đặt mình vào hoàn cảnh của người thuật chuyện. Như vậy chúng ta mới có thể cảm thông, thấu hiểu và đồng hành cùng với đương sự. Hơn nữa, người biết lắng nghe là người chú tâm nghe cả con tim của mình, chứ không chỉ nghe bằng ‘đôi tai có chân chạy dài’ nghĩa là nghe từ tai này qua tai kia rồi chạy mất hút, không hẹn ngày trở về! Chúng ta chỉ có thể yêu mến Lời Chúa nếu mỗi người chúng ta biết đặt mình dưới Lời Ngài.
Mặc khác, khi chúng ta lắng nghe Lời, Thiên Chúa mới có thể chuyện trò, hàn thuyên với ta. Và Ngài cũng đang lắng nghe chúng ta, ghé mắt nhìn chúng ta và thấu rõ tường tận chúng ta “...tôi biết chúng và chúng theo tôi” (Ga 10, 27b). Chữ C thứ hai đó là ‘cộng tác’ với ơn Chúa. Thánh Phao-lô khuyên răn giáo đoàn tại An-ti-ô-ki-a miền Pi-xi-đi-a: “Anh em phải là người đầu tiên được nghe công bố Lời Thiên Chúa...” (Cv 13, 46a). Thật hãnh diện và vui mừng xiết bao khi được trở nên người lãnh hội, lắng nghe và đón nhận Lời Thiên Chúa! Nhưng niềm vui ấy sẽ trở nên trọn vẹn, tròn đầy hơn nếu chúng ta biết cộng tác với ơn sủng do Lời Chúa sáng soi, hướng dẫn chúng ta sống chứng tá qua mọi biến cố thường nhật. Ngược lại, thật đáng tiếc thay, người Do thái theo đạo tại giáo đoàn An-ti-ô-ki-a đã khước từ và cao ngạo không biết đón nhận Lời Thiên Chúa qua sự nỗ lực truyền rao của thánh Phao-lô như Ngài tha thiết, thẳng thắn thốt lên với họ rằng: “...nhưng vì anh em khước từ Lời ấy, và tự coi mình không xứng đáng hưởng sự sống đời đời, thì đây chúng tôi quay về phía dân ngoại” (Cv 13, 46b). Để trở nên đoàn chiên dưới sự chăn dắt tài tình của Vị Mục Tử Tốt Lành, chúng ta nên mở rộng đôi tai, mở toan con tim chú tâm lắng nghe Ngài, cộng tác với vô vàn ơn lành, ân sủng Ngài ban cho chúng ta qua Lời Hằng Sống, Mình và Máu Thánh Ngài.
Đặc biệt, dám quyết tâm sống Lời Chúa dẫu cho cuộc đời có đảo nghiên, thế giới này có chuyển lay và xã hội này có tan biến đi chăng nữa, thì Lời của Vị Mục Tử Tốt Lành sẽ chẳng ‘cuốn theo làn gió bụi bay đi!’. Vì vậy, chữ L trong từ ‘làm việc’ với cả nhiệt huyết, đầy nhiệt tâm, nhiệt thành như Chúa Chiên Lành đã không tiếc gì sự sống mình, dám hy sinh cho đoàn chiên. Do đó, chúng ta mới được tham dự vào cộng đoàn chư Thánh như Sách Khải Huyền khẳng định: “Họ là những người đã đến sau khi trải qua cơn thử thách lớn lao. Họ đã giặt sạch và tẩy trắng áo mình trong máu Con Chiên. Vì thế họ được chầu ngai Thiên Chúa, đêm ngày thờ phượng trong Đền thờ của Người, Đấng ngự trên ngai sẽ căng lều của Người cho họ trú ẩn” (Kh 7, 14-15). Các Thánh đã miệt mài làm việc, nỗ lực hết mình khi còn sống tại thế, đã trải qua biết bao thử thách gian lao, không quản ngại hy sinh sống-thực hành Lời Chúa và trung thành làm chứng cho Lời của Chúa Chiên Lành.
Nguyện xin ân sủng Chúa thánh hoá, thúc giục chúng con trở nên đoàn chiên tốt lành, thánh thiện của Vị Chủ Chăn chí Thánh. Xin Ngài dẫn dắt mỗi người chúng con, đặc biệt các vị mục tử trong mọi hoàn cảnh, biến cố cuộc sống hầu luôn biết Chú tâm lắng nghe, Cộng tác với ơn Chúa và nhiệt thành Làm việc như Chúa Chiên Lành đã hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên. Amen!

Lm. Xuân Hy Vọng

================
Suy niệm 5
ƠN GỌI: ĐẶC SỦNG và SỨ MỆNH

Kính thưa quý ông bà và anh chị em! Mỗi khi chúng ta nghe nói đến ơn gọi, chúng ta thường nghĩ ngay đến đời sống dâng hiến, trở thành Linh mục, hay tu sĩ. Nhưng chẳng lẽ ơn gọi, ân sủng của Chúa chỉ hạn hẹp và đặc cách cho bậc sống ơn gọi tu trì, dâng hiến thôi hay sao? Phải chăng Chúa chỉ gọi và chọn một số ít người để thực hiện kế hoạch cứu độ yêu thương của Chúa?
Trên thực tế, trong Giáo Hội có ba ơn gọi chính: sống tu trì dâng hiến, sống đời sống gia đình, giáo dục đức tin, nuôi dưỡng ơn gọi và sống độc thân vì lý tưởng cao đẹp như hy sinh cả đời lo cho các em mồ côi, những ai neo đơn khốn khổ, v.v…Một khi chúng ta nhìn ơn gọi theo hướng này, thì chúng ta không thể phủ nhận: số người được mời gọi sống bậc sống gia đình là nổi trội hơn hẳn. Tuy nhiên, trong Phụng Vụ hôm nay - Lễ Chúa Chiên Lành - Giáo Hội dành trọn ngày hôm nay cầu nguyện cho ơn thiên triệu, cho các bạn trẻ dám can đảm lắng nghe, đón nhận và bước theo tiếng Chúa mời gọi trở nên môn đệ của Người trong bậc sống thánh hiến.
Trước hết, ơn gọi là một đặc sủng mà chính Thiên Chúa ban tặng. Một khi là ân sủng thì con người chúng ta không thể nào tự ban phát, hoặc tự làm ra, hoặc tự nỗ lực hầu đáp ứng điều kiện để nhận lãnh. Và vì Thiên Chúa trao ban, nên không dựa trên tiêu chuẩn của con người như thành công, tài năng, khôn ngoan, lanh lợi, thành tựu, diện mạo tuấn tú hay xinh đẹp…, nhưng nhờ vào tình thương, lòng xót thương vô biên của Người mà chúng ta được chọn giữa vô số đông đảo giáo dân như Thánh Phao-lô xác tín: “Tôi có là gì, cũng là nhờ ơn Thiên Chúa,…tôi đã làm việc nhiều hơn tất cả những vị khác, nhưng không phải tôi, mà là ơn Thiên Chúa cùng với tôi” (x. 1Cr 15, 10). Trong cuộc đời, chúng ta thường thấy nhiều mảnh đời đáng thương, gia thế neo đơn, kinh tế không ổn định, con cái phải bỏ học, oằn lưng gánh gồng cùng cha mẹ làm lụng mưu sinh qua ngày, và không khỏi ước mơ thoát cảnh cơ cực, nghèo khổ này. Như thế, có nhiều bạn trẻ lấy đó làm động lực để tìm hiểu ơn gọi, hoặc muốn trở thành người cứu sinh cho gia đình mà chọn đời sống ơn gọi tu trì! Ngược lại, nhiều người trong chúng ta cứ nghĩ ai đó có một quá khứ không mấy đẹp đẽ như bán vé số nuôi gia đình, bán dạo, nghèo cùng đinh thì không thể được chọn làm Linh mục của Chúa; hoặc nghĩ ai đó sống trong cảnh sung túc tại thành phố, chốn phồn hoa đô thị cũng không thể sống ơn gọi tu trì! Lối suy nghĩ này hay tư tưởng này vốn dĩ là của con người chúng ta, chứ không phải ý định của Thiên Chúa; vì một khi nhận biết ơn gọi chính là nhận biết Thiên Chúa - Người đang mời gọi chúng ta. Nhưng làm sao để nhận ra điều này? Thánh Tê-rê-sa Cal-cút-ta đã từng nói: “Sự bình an/nền hoà bình khởi sự từ nụ cười”, và cũng sự bình an này bắt đầu từ gia đình. Cho nên, ơn gọi cũng chớm nở từ trong gia đình, qua việc chia san tình yêu thương, hy sinh của cha mẹ đối với con cái, qua việc tha thứ cho nhau, qua việc cùng nhau cảm nghiệm ơn Chúa thông truyền trong mỗi giờ nguyện gẫm cùng nhau, trong giờ cơm chung với nhau, trong từng giây phút hằng ngày…Một lần con được nói chuyện cùng với Sr. Angela, Tổng quyền dòng Thiên Thần, và con mạo muội hỏi Sơ: “Theo Sơ, vì sao ngày nay ơn gọi lại ít dần?”, Sơ không ngần ngại, trả lời liền: “Ngày trước, nhiều người đi tu nhờ vào các câu chuyện Hạnh các Thánh, những lúc cha mẹ nói chuyện với con cái về Thiên Chúa, về Giáo Hội. Còn ngày nay, cha mẹ không có thời gian chuyện trò với con cái, lại càng không có thời giờ nói cho con cái nghe về Chúa, các Thánh và Giáo hội…!” Thiết nghĩ, đây cũng có thể là thực trạng khan hiếm ơn gọi tại Nhật chăng? Một khi con người sung túc, tiện lợi, đời sống vật chất không quá giàu sang nhưng thoải mái nhờ biết bao nhiêu tiện ích của công nghệ, khoa học kỹ thuật đã chi phối đời sống thiêng liêng, đời sống gia đình. Cha mẹ lao vào công việc làm lụng vất vả hầu chỉ cho con cái đời sống thể lý cường tráng, đời sống học vấn thành công, mà quên mất việc dường như quá đơn giản, đó là: tạo mối tương quan với con cái, chuyện trò, nói với con về đời sống đạo, kể những mẫu chuyện nho nhỏ về các Thánh, về Chúa, về Giáo hội và về cảm nghiệm ơn Chúa trong đời sống hằng ngày.
Thứ đến, ơn gọi không chỉ lãnh nhận đặc sủng, lời mời của Thiên Chúa rồi ‘cất giấu’ hay ‘giữ riêng’ cho mình, mà nó gắn liền với sứ mệnh, một trách vụ đặc biệt như thánh Phao-lô trong bài đọc I đã can đảm rao truyền Lời Chúa, làm chứng cho Chúa Ki-tô Phục Sinh cho hết mọi người, kể cả những ai quay lưng từ chối Lời Chúa, và nhất là cho mọi người có tấm lòng thiện chí đón nhận, “Phải giảng lời Thiên Chúa cho các ngươi trước tiên, nhưng vì các ngươi từ chối lời Thiên Chúa và tự cho mình không xứng đáng sống đời đời, thì đây chúng tôi quay về phía các dân ngoại; vả lại Chúa đã truyền lệnh cho chúng tôi rằng: "Ta đã đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân, để ngươi nên ơn cứu độ cho đến tận cùng trái đất"” (Cv 13, 46-47). Dĩ nhiên, chúng ta không thể làm được trách vụ nặng nề này nếu không có bàn tay nâng đỡ, sự đồng hành của Chúa Chiên Lành. Với giới hạn của bản thân, chúng ta luôn tín thác, cộng tác với Chúa thì mọi việc sẽ trở nên đẹp lòng Chúa vì “Chiên Ta thì nghe tiếng Ta, Ta biết chúng và chúng theo Ta. Ta cho chúng được sống đời đời; chúng sẽ không bao giờ hư mất, và không ai có thể cướp được chúng khỏi tay Ta. Điều mà Cha Ta ban cho Ta, thì cao trọng hơn tất cả, và không ai có thể cướp được khỏi tay Cha Ta” (Ga 10, 27-29). Ngoài việc tín thác, tin tưởng vào Thiên Chúa, chúng ta cần được rèn luyện, trau dồi kỹ năng cần thiết, và nhất là trung tín với Người đã mời gọi-chọn chúng ta. “Thiên Chúa mời gọi chúng ta không phải để trở nên những người thành công, mà để trở thành những người tín trung” (trích từ châm ngôn của Thánh Tê-rê-sa Cal-cút-ta). Để rồi, một ngày nào đó, chúng ta cũng được “đứng trước ngai vàng và trước Con Chiên trong một đám đông không thể đếm được, thuộc mọi nòi giống, dòng họ, dân tộc và tiếng nói…họ mặc áo trắng dài, tay cầm lá vạn tuế” (x. Kh 7, 9).
Giờ đây, con xin mời cộng đoàn cùng thinh lặng trong giây lát để cùng lắng nghe tiếng tâm hồn, cũng là nơi mà Chúa đang muốn đến gặp gỡ và chuyện trò với chúng ta:
Lạy Chúa Chiên Lành từ nhân
Người dẫn con đi, ân cần rạng khơi
Tới nguồn suối mát thảnh thơi
Trên đồng xanh cỏ, nghỉ ngơi con nằm
Xin thêm chủ chăn âm thầm
Rao truyền sớm tối, thăng trầm biến tan…Amen!

Lm. Xuân Hy Vọng

================
Suy niệm 6
​Ta ban cho chiên được sống dồi dào

(Ga 10, 27-30)

Bước vào Chúa nhật thứ IV Phục Sinh, chúng ta có dịp đọc lại dụ ngôn “Vị Mục Tử nhân lành”. Phụng vụ mỗi năm trình bày cho chúng ta một khía cạnh. Năm nay, với vỏn vẹn 4 câu (Ga 10, 27-30), cũng đủ làm nổi bật Chúa Giêsu là Mục Tử tốt lành, thí mạng sống mình vì đàn chiên, Người đến để cho chiên được sống dồi dào (x.Ga 10, 28); “dẫn chiên đến nguồn nước sự sống và sẽ lau hết mọi giọt lễ nơi mắt họ” (Kh 7,...). Người qui tụ tất cả về một đàn chiên duy nhất như lời Người phán: “Ta đã đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân, để ngươi nên ơn cứu độ cho đến tận cùng trái đất” ( Cvtđ 13,...). Người là Con Thiên Chúa, và cũng chính là Thiên Chúa (x.Ga, 10,30).
Chúa là Mục Tử
Mục tử” là hình ảnh rất quen thuộc của nền văn minh nông nghiệp còn trong trạng thái thô sơ của dân du mục vùng Trung Đông, được Chúa Giêsu dùng để diễn tả tương quan “dễ thương” giữa Người và chúng ta. Dân Cựu Ước thường gọi Chúa là mục tử của mình (St 49, 24 – 31 ; Gr 31, 10 ; Mk 7,14 v.v...), vì khởi đầu lịch sử thánh, dân được chọn là dân du mục trên hành trình về Đất Hứa, trước tiên là Abraham từ Ur đến Canđê, thứ đến là Môsê, kẻ chăn cừu, cho tới Đavít cậu bé chăn cừu ở Belem.
Chúa là mục tử đích thực của dân Israel kể từ khi Chúa chọn họ làm dân riêng và hứa không để dân bị phân tán như đàn chiên không người chăn dắt. Chính Chúa chăn dắt dân Chúa: “Này đây Ta chăm sóc chiên Ta” (x. Ed 34). Trách nhiệm mục tử này được trao cho các vị lãnh đạo dân Chúa.
Mục tử tốt lành thí mạng sống vì chiên
Trong hang toại đạo, người ta tìm thấy hình ảnh Chúa Giêsu với vẻ dịu dàng, trìu mến của người chăn chiên, vác chiên trên vai, tìm kiếm con chiên lạc, đưa chiên về với đàn của chúng để cùng chia sẻ một đồng cỏ xanh tươi. Khi lấy lại hình ảnh người mục tử và tự ví mình như thế, chứng tỏ Thiên Chúa không chỉ là Đấng dẫn dắt dân, cho dân chẳng những uống nguồn nước trong lành và bổ sức dân, hơn thế nữa còn “cho chúng được sống đời đời” (Ga 10, 27). Chúa biết chiên, nên hy sinh mạng sống:“Ta biết chúng và chúng theo Ta. Ta cho chúng được sống đời đời; chúng sẽ không bao giờ hư mất, và không ai có thể cướp được chúng khỏi tay Ta” (Ga 10, 27 - 28).
Trong lời nguyện hiến tế, Chúa Giêsu nguyện rằng: “Vì chúng, Con xin hiến thánh mình Con, ngõ hầu chúng được tác thánh cách chân thật” (Ga 17, 19). Khi tự do vâng phục ý muốn Chúa Cha, tự hiến tế mình trên Thập Giá, Người trở thành “Mục tử nhân lành hiến mạng sống vì đoàn chiên” (Ga 10,11). Đúng là Chiên con cứu chuộc đàn chiên mẹ (x. Ca tiếp liên lễ PS). Bằng tình yêu trao ban, hy sinh và tận hiến, Người hiến tế chính mình làm của ăn của uống cho chúng ta. Đó là lý do hôm nay chúng ta mừng kính Chúa Giêsu Mục Tử Nhân Lành vào Chúa nhật thứ IV sau Đại lễ Phục Sinh, nên Chúa nhật này được gọi là Chúa nhật Chúa chiên lành.
Mục tử tốt lành vác chiên trên vai, ôm chúng vào lòng như người mẹ bồng ẵm con thơ. Chúa Giêsu cũng làm như thế : hàng ngày, Người nuôi dưỡng chúng ta bằng những Lời Hằng Sống và các bí tích của Hội Thánh, giang cánh ta trên thập giá để thâu họp “con cái Thiên Chúa tản mác về lại làm một” (Ga 11,52), đón nhận chúng ta vào lòng nhân ái của Người. Thật là hình ảnh tuyệt đẹp và đầy cảm động về một Vì Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa đã làm đối với chúng ta là những tạo vật, những con chiên của Ngài.
Hôm nay, mỗi người chúng ta tự hỏi: tôi có phải là chiên của Chúa không? Nếu phải thì tôi có nghe tiếng Chúa không ? Chúa nói : “Chiên Ta thì nghe tiếng Ta” (Ga 10, 27). Tiếng ở đây chính là Lời Chúa. Tiếng để chúng ta nhận biết Chúa, như Maria Mađalêna đã nhận ra Chúa khi đi viếng mộ Chúa.
Chúng ta có biết Chúa không và nếu biết thì biết thế nào ? “Biết” ở đây, không có nghĩa là “biết” nhờ đức tin, nhưng là “biết” nhờ đức mến. “Biết” được diễn tả qua việc làm, như thánh Gioan viết: “Ai nói mình biết Thiên Chúa mà không tuân giữ các điều răn của Người, đó là kẻ nói dối (1 Ga 2, 4).
Vậy ai nghe, biết và chân thành đi theo Chúa Giêsu thì được nuôi dưỡng nơi đồng cỏ xanh tươi muôn đời. Đồng cỏ của đoàn chiên đây là gì nếu không phải là cảnh thiên đàng luôn xanh ngắt, khiến tâm hồn ngập tràn niềm vui, nơi có Thiên Chúa luôn hiện diện, nơi đây chiên theo Chúa và làm theo ý Chúa sẽ được hân hoan mừng lễ cùng với các công dân Nước Trời.
Cầu cho các mục tử
Hằng năm, Chúa Nhật thứ IV Phục Sinh – Chúa Chiên Lành được chọn làm ngày thế giới cầu nguyện cho ơn gọi linh mục và tu sĩ. Chúng ta hãy cầu nguyện cho các mục tử thân yêu : nâng đỡ, cám ơn và khuyến khích các ngài ! Chúng ta cũng cầu nguyện cho Giáo hội có thêm nhiều linh mục lành thánh.
Trước hết, cầu nguyện để có thêm nhiều ơn gọi dâng hiến, có thêm số các mục tử. Đặc biệt là ơn gọi linh mục, để trở thành mục tử chăn dắt đoàn chiên Chúa. Tuy nhiên, không chỉ cầu nguyện như một thói quen hay truyền thống là: Đọc vài kinh, hát vài bài mà thôi, nhưng cần phải cầu nguyện một cách ý thức hơn. Nhân ngày thế giới cầu nguyện cho ơn gọi, chúng ta hãy mở rộng cõi lòng để đón lấy những hồng ân mà Chúa dành sẵn cho mỗi người, đó cũng chính là sức sống mới trong hành trình ơn gọi. 
Lạy Mẹ Maria, mẫu gương ơn gọi của chúng con, Mẹ đã không sợ hãi khi thưa tiếng “xin vâng” trước lời mời gọi của Thiên Chúa, xin đồng hành và dẫn dắt chúng con bước theo con Mẹ. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

================
Suy niệm 7
Các Loại Mục Tử

Tập 1 của bộ sách “Phúc Âm trong dụ ngôn”, Cha Nguyễn Tầm Thường suy niệm về dụ ngôn “Mục Tử Nhân Lành”, với 8 đoản khúc xuyên suốt 117 trang sách từ trang 8 đến trang 125. Thật nhiều kiến thức thú vị bổ ích và những suy tư sâu sắc.
Chương 34 sách tiên tri Êdêkien đã báo trước về các loại mục tử khác nhau. Tất cả các loại mục tử này đã xảy ra trong thời Chúa Giêsu. Các mục tử bất xứng này còn được loan báo rộng rãi trong lời của tiên tri Isaia (56, 10-11) và Giêrêmia (10, 21-22; 50,6).
Chương 34 của sách Êdêkien dành riêng nói về các loại mục tử nhà Israel. Có thể chia ra thành ba mục đề:

  • Mục tử làm thuê
  • Mục tử tốt lành
  • Loan báo Đức Kitô
Chăn chiên là chủ đề từ Cựu Ước đến Tân Ước nói rất nhiều và rất chi tiết.
1. Mục tử làm thuê (Ed 34,1-10)
Mục tử làm thuê chỉ nghĩ đến mình. Bình tâm mà nói, trong Giáo Hội, chắc không ai là mục tử làm thuê. Nhưng từ mục tử tốt lành, ma quỷ gieo vào lòng nhiều thứ ham muốn, vì thiếu nhiệt thành cho phần rỗi các linh hồn, họ bị rơi vào cạm bẫy một cách kín đáo. Trở lại lời khuyên của Phaolô viết cho Timôthê, người ‘con ông sinh ra trong đức tin’: “Thật thế, cội rễ sinh ra mọi điều ác là lòng ham muốn tiền bạc, vì buông theo lòng ham muốn đó, nhiều người đã lạc xa đức tin và chuốc lấy bao nỗi đớn đau xâu xé” (1Tm 6,7-10). Có nhiều thứ ham muốn khác, Phaolô không chọn. Không hiểu tại sao Phaolô lại viết cho Timôthê, lòng ham muốn tiền bạc là cội rỗi mọi điều ác.
Tiền là một nhu cầu rất cần. Khi nói “nhu cầu” thì không thể thiếu. Thí dụ, không khí là nhu cầu, nước là nhu cầu. Đó là nhu cầu tuyệt đối. Không có những nhu cầu này, người ta chết. Nhưng nhu cầu cũng lại có lúc cần, lúc không. Thí dụ, vượt biên, lênh đênh trên biển, hết lương thực thì một ly nước trị giá cả cây vàng. Đến bờ, nước cho không biếu không.
Nhu cầu và lòng ham muốn hoàn toàn khác nhau. Nhu cầu là điều cần, ham muốn là điều muốn thêm. Từ nhu cầu bước qua ham muốn là ranh giới vô hình. Nó mong manh như sợi chỉ. Trong cuộc sống, người ta có khuynh hướng biện minh ham muốn là nhu cầu. Người ta chỉ thấy cái cần, không thấy cái dư. Ở đây Phaolô nói lòng ham muốn tiền bạc, chứ không nói tiền bạc là cội rễ sự ác.
Từ một mục tử tốt lành có thể trở thành vừa tốt vừa xấu, khó có thể nhận ra tính chất kẻ làm thuê. Vì thế, có thể nói không có mục tử làm thuê trong Giáo Hội. Nhưng nếu dựa vào những đặc tính trái ngược với vị mục tử nhân lành trong Phúc âm Gioan: không hy sinh cho đoàn chiên, để cho chiên tán loạn, không thiết gì đến chiên; với một trong ba đặc tính này thì mục tử đó có chất làm thuê. (Phúc Âm trong dụ ngôn, trang 109-110).
Chúa Giêsu còn cho thấy tính tương phản của hai loại mục tử. Mục tử thật và mục tử giả. Mục tử thật luôn hết mình vì đàn chiên. Mục tử giả chỉ lo vun quén cho bản thân. Mục tử thật thì hy sinh cho đàn chiên. Mục tử giả chỉ đến để xén lông chiên. Mục tử thật luôn tìm kiếm nguồn nước và đồng cỏ xanh tươi cho đàn chiên no đầy. Mục tử giả chỉ tìm kiếm hạnh phúc cho chính bản thân mình, sống hưởng thụ, lười biếng và thiếu trách nhiệm đến sự sống còn của đàn chiên.
2. Mục tử tốt lành (Ed 34,11-22).
Thánh Kinh mô tả :
- Yêu thương, trìu mến chiên với tất cả tâm hồn: "Chúa tập trung cả đàn chiên dưới cánh tay: lũ chiên con, Người ấp ủ vào lòng, bầy chiên mẹ, cũng tận tình dẫn dắt" (Is 40, 11).
- Yêu quý từng con chiên, một con cũng như cả trăm con: "Ai có một trăm con chiên mà có một con đi lạc, lại không để chín mươi chín con kia trên núi mà đi tìm con chiên lạc sao ? Và nếu may mà tìm được, người ấy vui mừng vì con chiên đó, hơn là vì chín mươi chín con không bị lạc" (Mt 18, 12-13).
- Lo cho chiên, tạo những điều kiện tốt đẹp cho chiên: "Ta sẽ chăn dắt chúng trong đồng cỏ tốt tươi và chuồng của chúng sẽ ở trên các núi cao. Tại đó chúng sẽ nằm nghỉ trong chuồng êm ái, sẽ đi ăn trong những đồng cỏ mầu mỡ" (Ed 34, 14).
- Làm cho chiên được sống no ấm, hạnh phúc: "Chúa chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì" (Tv 23,1); làm chiên luôn vững dạ vì được bảo vệ: "Dầu qua lũng âm u con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng. Côn trượng Ngài bảo vệ, con vững dạ an tâm" (23, 4).
- Tinh thần trách nhiệm đối với đàn chiên rất cao: "Con nào bị mất, Ta sẽ đi tìm; con nào đi lạc, Ta sẽ đưa về; con nào bị thương, Ta sẽ băng bó; con nào bệnh tật, Ta sẽ làm cho mạnh; con nào béo mập, con nào khoẻ mạnh, Ta sẽ canh chừng" (Ed 34,16).
- Cứu thoát, giải phóng đàn chiên: "Thiên Chúa sẽ cứu thoát dân Người, như mục tử cứu thoát đàn chiên" (Dc 9,16).
3. Đức Kitô Vị Mục Tử Tốt Lành
Êdêkien loan báo mục tử tốt lành sẽ đến (Ed 34,23-31).
Đức Kitô khẳng định căn tính của Ngài là Mục Tử Nhân Lành hy sinh mạng sống cho đoàn chiên. Đức Kitô lựa chọn lên tiếng kết án những bất công cho dân oan. Chúa đã kích mạnh mẽ nhóm Pharisiêu là những mục tử tôn giáo làm khổ dân vì các Lề Luật tôn giáo họ đặt ra. Trước những ngày sắp bước vào thương khó, Chúa đuổi những người buôn bán trong đền thờ cũng là đương đầu với thế lực “nhóm lợi ích” này. Ai có được những chỗ buôn bán tốt trong đền thờ nếu không là con ông cháu cha, là người nhà những kẻ có thế lực? Làm sao các Tư Tế có thế lực này tự do buôn bán mà không cần lính Roma bảo kê rồi đóng thuế? Vì thế, Chúa đụng vào thế lực này là đụng vào cái chết. Như sách Công vụ Tông đồ (4,27) khẳng định là Hêrôđê đã cùng Philatô gặp nhau trong thành để bàn định bản án cho Đức Kitô. (sđd trang 77).
Chúa Giêsu là vị Mục Tử Tốt Lành với những nét đặc trưng sau đây:
  • Vị Mục Tử Tốt Lành hết lòng yêu thương những người thuộc về mình. Vì yêu thương nên Ngài quan tâm đến mọi người và đến từng người. Càng quan tâm thì càng biết tường tận: biết họ muốn gì, họ cần gì, họ có thể gặp phải những nguy cơ cạm bẫy hay thử thách nào.
  • Vị Mục Tử Tốt Lành luôn đi đầu, đi trước, hướng dẫn, lãnh đạo đoàn chiên, đứng mũi chịu sào, gánh chịu mọi khổ cực cho người thuộc về mình. Mục Tử Tốt Lành đem chiên đến những miền an toàn, có suối mát có cỏ xanh, cho chiên được ăn uống no nê, được nghỉ ngơi thoải mái. Chiên sẽ tăng trưởng cả về chất lượng lẫn số lượng. Mục Tử Tốt Lành dám hy sinh mạng sống vì chiên.
  • Chúa Giêsu được Chúa Cha sai đến để yêu thương, chăm sóc, quy tụ mọi con chiên. Ngài biết tên từng con chiên như Cha Ngài biết Ngài (Ga 10,14-15). Ngài gọi tên từng con chiên và dẫn đi (Ga 10,3). Mục Tử sẵn sàng hy sinh mạng sống vì chiên: "Không có tình yêu nào cao vời cho bằng tình yêu của người hiến mạng sống vì người mình yêu" (Ga 15,13). Chúa Giêsu đã chứng tỏ Ngài là vị Mục Tử Tốt Lành, vị chủ chăn không bao giờ hèn nhát thấy sói tấn công chiên mà bỏ trốn, nhưng Ngài luôn cứu vớt, tập họp, chăn dắt (Ga 10,9.16).

“Khi có một mục tử tốt, đàn chiên sẽ tăng trưởng và lắng nghe người ấy. Người chăn chiên tốt cũng biết lắng nghe đàn chiên, hướng dẫn và chăm sóc đàn chiên. Và đàn chiên biết cách phân biệt giữa các mục đồng, đàn chiên tin cậy mục tử tốt lành. Chỉ có người chăn chiên trông giống Chúa Giêsu mới đem lại sự tự tin cho đàn chiên...” (ĐTC Phanxicô, 03/05/2020).
Chúa nhật IV Phục sinh, ngày cầu nguyện cho ơn thiên triệu Linh mục và ơn gọi Tu sĩ nam nữ. Giáo Hội luôn cần đến những mục tử tốt lành. Hãy cầu nguyện cho Giáo Hội có nhiều mục tử đạo đức, thánh thiện như lòng Chúa mong ước. Mục tử tốt lành luôn sống kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu, luôn khát khao và cầu xin ơn Chúa Thánh Thần. Nhờ đó, vị mục tử tốt lành gần gũi biết rõ đàn chiên, yêu thương đàn chiên và sẵn sàng hiến mạng vì đàn chiên. Từ đó, vị mục tử tốt lành biết nuôi dưỡng đoàn chiên bằng những lương thực có chất lượng cao đặc biệt là cử hành Thánh Thể sốt sắng và nhiệt thành trong bí tích Hòa Giải.
Linh mục là Mục tử, người chăm sóc phần hồn các tín hữu. Một sứ mạng rất cao quý. Linh mục noi gương Chúa Giêsu Mục Tử Tối Cao, tận tình phục vụ tha nhân qua công việc mục vụ với đức ái mục tử. Đây là linh đạo của linh mục giáo phận.
Hãy cầu nguyện cho các Linh mục được trở nên những mục tử như Chúa Giêsu, vị Mục Tử Tốt Lành, biết yêu thương phục vụ đoàn chiên, hiểu biết tâm tư tình cảm của từng người, quan tâm chăm sóc từng con chiên và sẵn sàng hy sinh bản thân vì lợi ích của đàn chiên. Trong bài giảng Lễ Dầu năm 2013, Đức Thánh Cha Phanxicô đã khuyên các linh mục: “Cha mời gọi các con điều này, các con hãy là những người chăn chiên có mùi của chiên. Người chăn chiên thì có mùi chiên, làm cho cái mùi ấy thành cái mùi thực, giống các người chăn chiên ở giữa đoàn chiên của các con. Mùi của chiên chỉ có được bằng cách sống các thực tại đời sống hàng ngày của họ, các bối rối khó khăn của họ, các niềm vui của họ, các gánh nặng và các hy vọng của họ”.
Cha sở Gioan Vianney là bổn mạng các Linh mục. Hôm nay ngày cầu nguyện cho các mục tử, xin ngài giúp anh em linh mục chúng con luôn biết sống theo gương sáng mục tử của ngài. Amen.

Lm Giuse Nguyễn Hữu An

=================
Suy niệm 8
Tôi Ban Sự Sống Cho Chiên

Cv 13, 4.43-52; Kh 7,9.14b-17; Ga 10, 27-30

Trước bao nhiêu lời giảng dạy, bao dấu lạ Đức Giêsu đã làm chứng tỏ Người từ Chúa Cha mà đến, “Tôi và Chúa Cha là một”, vậy mà người Do Thái vẫn không tin. Chúa Cha và Chúa Con đều hoạt động cho cùng một mục đích là để con người có thể tin vào Đức Kitô và được hưởng sự sống muôn đời. Những ai không tin, thì  họ không thuộc về đoàn chiên của Người.
Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi; tôi biết chúng và chúng theo tôi.” (Ga 10, 27). Cái “biết” ở đây là thông chia cuộc sống, là ở với, sống với nhau. Đức Giêsu chính là Mục Tử nhân lành mà đàn chiên yêu mến và luôn “theo sau”, là chính Mục Tử mà chiên “nghiện” và bám riết lấy Ngài chứ không chịu theo người lạ. Ngài “biết” rõ chiên của Ngài từng con một. Chiên nào ốm yếu bệnh hoạn tật nguyền ra sao, chiên nào dễ thương ngoan ngoãn, chiên nào đã từng lầm lỡ quay lưng, được “vác” trên vai trở về… Ngài yêu hết, cưng hết dù cách chăm sóc có khác  nhau tùy hoàn cảnh khác biệt. Còn lũ chiên ngoan thì nghe tiếng Ngài, nhận biết được tiếng của Ngài, hiểu ý Ngài, Ngài khẽ gọi hay ra dấu hiệu nhỏ là chúng biết ngay và quay ngoắt chạy theo. Hình ảnh đoàn chiên ngoan ở giữa chủ chăn, được mô tả trong sách Khải huyền nơi bài đọc II được hưởng sự sống đời đời: “Sau đó, tôi thấy: kìa một đoàn người đông đảo không tài nào đếm nổi, họ thuộc mọi dân, mọi chi tộc, mọi nước và mọi ngôn ngữ. Họ đứng trước ngai và trước Con Chiên, mình mặc áo trắng, tay cầm nhành lá thiên tuế. Tôi trả lời: “Thưa Ngài, Ngài biết đó”. Vị ấy bảo tôi: “Họ là những người đã đến, sau khi trải qua cơn thử thách lớn lao. Họ đã giặt sạch và tẩy trắng áo mình trong máu Con Chiên. Vì thế, họ được chầu trước ngai Thiên Chúa, đêm ngày thờ phượng trong đền thờ của Người; Đấng ngự trên ngai của Người sẽ căng lều cho họ trú ẩn. Họ sẽ không còn phải đói, phải khát, không còn bị ánh nắng mặt trời thiêu đốt và khí nóng hành hạ nữa. Vì Con Chiên đang ở giữa ngai sẽ chăn dắt và dẫn đưa họ tới nguồn nước trường sinh. Và Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt họ”. (Kh 7,9.14b-17).  
Ngày hôm nay chúng con đã là những con chiên thuộc đoàn chiên của Chúa chưa? hay vẫn bị lạc lõng giữa đời với bao sự thế vây bủa? chúng con đã nghe được tiếng của Chúa chưa? hay nghe mãi mà chẳng hiểu chi? Nếu không nghe thấy gì thì làm sao con bước theo Chúa?
Lạy Chúa! xin cho con biết “lắng nghe” để nhận ra tiếng Chúa và ngoan ngoãn bước theo tiếng Chúa gọi mời. Amen.

Én Nhỏ
                            
   
 

Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log