Thứ năm, 26/12/2024

Suy niệm Tin Mừng lễ Chúa Thăng Thiên và Chúa nhật VII Phục sinh – Năm C

Cập nhật lúc 07:56 25/05/2022
Lễ Chúa Thăng Thiên
Suy niệm 1
Tình yêu đến từ trên cao

Lc 24, 46-53
Ý chí sống
Mừng lễ Chúa Giêsu lên trời hôm nay, chúng ta nhớ tới ý chí sống của Phêro và các môn đệ khác. Các ngài bước vào cuộc phiêu lưu của sứ mệnh. Sự ra đi của Thầy lên trời cao, là khởi đầu của Công vụ Tông đồ:
- Họ phải đối mặt với mối đe dọa tử vong từ người do-thái hoặc người Roma.
- Họ bị kéo lê trước tòa án, bị xích trong các nhà tù.
- Họ bị ném xuống biển trong một cơn bão.
- Nhưng đặc biệt, họ bị thôi thúc mãnh liệt để loan truyền một thông điệp hứa hẹn cuộc sống.
Luca hiểu rằng sức mạnh để triển khai công việc không đến từ một mình họ. Cuối cùng họ nhận ra rằng họ có một sức mạnh đến từ trên cao: “Thầy sẽ sai đến với các con Đấng Cha Thầy đã hứa. Vậy các con hãy ở lại trong thành cho đến khi mặc lấy quyền lực từ trên cao ban xuống”. Chắc chắn lời hứa của Chúa Cha được thực hiện. Lúc đó Phê-ro và các bạn hiểu rằng "tất cả các dân nước dưới bầu trời" đã nhận được Thánh Thần. Thánh Thần là tình yêu nối kết Chúa Giêsu với Cha của Người. Thánh Thần được ban cho thế giới. Thánh Thần làm cho mọi người được yêu.
Thánh Thần được ban cho chúng ta
Trong 3 năm, Phê-ro và các bạn đã tiếp xúc với Chúa Giêsu mà không luôn hiểu rằng Thầy mình đến từ đâu. Vì thế, Thầy phải đi xa để họ có thể nhận ra tình yêu mà Thầy sẽ ban cho họ và ở trong họ. Thầy phải bước sang thế giới khác để họ hiểu rằng tình yêu này được trao cho họ và sống trong đó. Họ phải trải nghiệm rằng tình yêu này là một sức mạnh có thể di chuyển những ngọn núi...
Thánh Thần được ban cho chúng ta để yêu và được yêu. Nhận thức được điều đó, chúng ta sẽ biến đổi cuộc sống và chúng ta sẽ đến nơi chúng ta mong đợi, đó là cuộc sống để cứu độ. Sau khi trở lại, Charles de Foucauld đã hiểu nơi mà Thánh Thần sai chúng ta đến , là " tận cùng của thế giới để một linh hồn được cứu":.
Khi đã được yêu, chúng ta cũng hãy yêu lại: “Tình yêu đáp trả tình yêu”: Yêu Thiên Chúa và yêu anh chị em chúng ta. Tình yêu đến từ trên cao, khi Chúa Giêsu lên trời.  Tình yêu này đã đến với chúng ta và ở trong chúng ta.  Là kito hữu, chúng ta biết điều đó. Vì thế chúng ta phải thay đổi cách nhìn để hướng về nhau trong tình huynh đệ và phục vụ nhau. Chúng ta hiểu rằng vào Thứ Năm Thánh, Chúa Giêsu quỳ gối trước các môn đệ với sự tôn trọng vô hạn. Vì yêu họ đến chết, Ngài nhận ra ân sủng của Chúa Cha. Chúng ta hãy hướng về những người thân yêu của chúng ta: khuôn mặt của họ đang rơi lệ. Nếu chúng ta yêu họ hoặc nếu họ yêu chúng ta, thì đó là sức mạnh đến từ trên cao và là sức mạnh mà Chúa Giêsu đã hứa vào ngày lễ Chúa Lên Trời.
Tình yêu và Hy vọng
Thánh Thần được ban cho cả thế giới. Thánh Thần làm cho tất cả mọi người có khả năng và được dẫn dắt bởi sức mạnh của tình yêu. Thật buồn! Thánh Phanxicô Assisi đã khóc và nói rằng: "Tình yêu không được yêu”.
Chúa Giêsu đã khóc khi đến Gierusalem. Ngài khóc sự ghen tị trong con tim các kinh sư và Biệt Phái. Vậy trái tim mới, trái tim thịt mà các tiên tri đã hứa bị giấu ở đâu? Đó là cái chết của Chúa Giêsu tại Gierusalem "để họ được sống". Thế giới chúng ta đang sống thế lực của tử thần đang hoạt động mạnh. Thật là một mớ hỗn độn ở rất nhiều quốc gia... và ngay cả ở Việt Nam chúng ta nữa. Chắc chắn, đến lượt chúng ta, có một cái gì đó để khóc.
Tất nhiên thương cảm và khóc! Tuy nhiên, như vậy là chưa đủ. Thiên Chúa luôn mời gọi chúng ta trở về:Lạy Chúa, xin ban cho chúng con một trái tim mới”. Nếu chúng ta tin vào sức mạnh của tình yêu, nếu chúng ta tin rằng tình yêu này được trao ban, chúng ta sẽ sống trong hy vọng. Tình yêu này, nếu được nhận, cuối cùng sẽ thay đổi thế giới.
Linh mục Gioan Đặng Văn Nghĩa
==================
Suy niệm 2
Lc 24, 46 -53
Đức Giê su sống lại được 40 ngày, thì Ngài giã từ thế gian mà về trời với Đức Chúa Cha. Trong thời gian 40 ngày này, Ngài hiện ra ba lần với tập thể tông đồ, một lần với đoàn phụ nữ đang trên đường về từ ngôi mộ trống, một lần với cá nhân bà Mác đa la đang ngồi khóc bên ngôi mộ trống, một lần với hai môn đệ đi làng Emmau, và dường như có hiện ra một lần với cá nhân ông Phê rô.
Sau 40 ngày ấy, Chúa tập trung các môn đệ ở núi Cây Dầu, gần làng Bêtania.
Trong buổi giã từ này, Chúa ngỏ lời tâm sự như sau:
Một. Chúa khẳng định với các tông đồ rằng: cuộc đời của Ngài phải đi từ khổ giá đến vinh quang. Ngài phải bị bắt, bị đóng đinh, nhưng sẽ sống lại vinh quang vào ngày thứ ba.
Hai. Chúa căn dặn các tông đồ không được rời bỏ Giêrusalem. Cứ tập trung anh em lại và cùng nhau cầu nguyện xin Chúa Cha ban Đấng Phù Trợ là Chúa Thánh Thần.
Ba. Khi nhận được ơn khôn ngoan và ơn can đảm của Chúa Thánh Thần rồi, thì hãy bung ra đi khắp trần gian để loan báo Tin Mừng Cứu Độ mà Chúa đã thực hiện. Ngoài việc loan báo Tin Mừng bằng lời, còn phải minh chứng bằng cuộc sống cụ thể.
Căn dặn xong những lời ấy như những lời trăng trối linh thiêng, thân thể của Chúa được sức mạnh vô hinh nâng lên. Thân xác Ngài cứ từ từ bốc lên, lên mãi cho tới khi có một đám mây bay qua và che khuất luôn.
Anh em Tông Đồ ra về, lòng dạ hân hoan như chưa bao giờ được cảm nghiệm như thế. Bao nhiêu nỗi lo sợ tan biến hết. Chỉ còn niềm phấn khởi bao phủ tương lai.
Tin Mừng chúng ta nhận được đã khởi động như thế đó. Khởi động như thế đó nghĩa là phải có hai yếu tố. Yếu tố một là Chúa Thánh Thần. Đức Gioan Phao lô II đã khẳng định trong thông điệp “Sứ Vụ Đấng Cứu Độ” rằng: “Thánh Thần là nhân tố chính yếu trong mọi sinh hoạt truyền giáo.” Yếu tố hai là phải lên đường đến với mọi dân tộc trên khắp thế giới để kể chuyện cuộc đời của Đức Giê su cho họ nghe. Đồng thời phải sống đúng như Đức Giê su đã dạy.
Đức Giê su đã về trời được hai mươi thế kỷ. Các Tông đồ cũng đã lên đường loan báo Tin Mừng được hai mươi thế kỷ rồi. Nhưng chúng ta thử tạm dừng để tự kiểm điểm xem trong hai mươi thế kỷ loan báo Tin Mừng chúng ta có thực hiện đúng và đầy đủ hai yếu tố căn bản là RA ĐI cùng với CHÚA THÁNH THẦN không? Phải hãnh diện tuyên bố rằng trong suốt dòng lịch sử hai mươi thế kỷ, các nhà truyền giáo đã đi đến tận cùng trái đất, dâng hiến cả mồ hôi lẫn nước mắt, thậm chí cả máu đào để loan báo Tin Mừng. Hiện nay trên thế giới không còn một quốc gia nào chưa có nhà thờ, chưa có giáo xứ và cha xứ. Một phần ba dân số trên thế giới đã là ki tô hữu.
Nhưng cũng phải thành thật mà nhận rằng: có những thời gian Giáo hội không đi rao giảng mà chỉ thu mình lại để củng cố nội bộ. Nhưng vì bản chất của Giáo hội là loan báo Tin Mừng, nên khi dừng lại để củng cố là đánh mất bản chất. Cứ đi và cứ rao giảng là cách củng cố nội bộ đúng nhất và hiệu quả nhất. Chúng ta nên tự cảnh báo rằng nếu không cùng Chúa Thánh Thần lên đường truyền giáo, thì có thể chúng ta đánh mất Đức Giê su hoặc rao giảng một Đức Giê su méo mó không đúng sự thật.
Linh mục Piô Ngô Phúc Hậu
=================
Suy niệm 3
TRỞ NÊN CHỨNG NHÂN TÌNH YÊU
Anh chị em rất thân mến, chúng ta đã cùng Giáo hội hân hoan mừng đón Chúa Phục Sinh và giờ đây giống như mười một Tông đồ, có lẽ chúng ta lòng cũng buồn rười rượi, bịn rịn phải nói lời chia tay với Chúa Giê-su vì hôm nay Ngài lên trời, và ngự bên hữu Thiên Chúa Cha. Nhưng thiết nghĩ nỗi buồn này được lấp đầy với niềm vui chan chứa, và ngôn từ chia tay này được thay thế bằng lời trấn an đầy xác tín của Chúa Giê-su Ki-tô với các môn đệ và với mỗi người chúng ta: Thầy sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế (Mt 28, 20). Các bài đọc hôm nay chúng ta vừa nghe, đặc biệt trình thuật ngắn gọn của Thánh Sử Mác-cô về sự kiện Chúa Thăng Thiên cho thấy: Mác-cô không đơn thuần thuật lại chuyện Đức Giê-su được đưa lên trời, ngự bên hữu Chúa Cha, mà còn nhắn nhủ mỗi người chúng ta hãy nhớ “bài sai” của Chúa Giê-su gửi cho mọi người tin nhận vào Ngài: “Các con hãy đi khắp thế gian loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo, ai tin và chịu phép rửa sẽ được cứu độ; còn ai không tin sẽ bị kết án” (Mc 16, 15-16). Nói cách khác, mỗi người chúng ta được Chúa mời gọi và được sai đi làm chứng nhân cho Chúa tình yêu trong mọi hoàn cảnh sống, mọi thời đại và mọi lãnh vực.
Trước tiên, chúng ta nên tự hỏi: ai là chứng nhân cho Thiên Chúa tình yêu? Và chứng nhân cho Chúa là người như thế nào? Thông thường, anh chị em nghe quý cha, quý sơ, quý thầy được nhận bài sai đi truyền giáo, phục vụ ở nơi này hay nơi khác, ở quê hương hay trên một vùng đất xa lạ nào đó, chứ ít ai nghe giáo dân được sai đi?!! Nghĩ vậy cũng là điều dễ hiểu, nhưng chúng ta nên biết rằng: khi được chịu Bí tích Rửa tội, chúng ta được trở nên người thuộc về Chúa Ki-tô (Ki-tô hữu), người được thông phần vào sứ vụ tiên tri, tư tế và vương đế của Ngài; còn nữa, chúng ta cam kết từ bỏ mọi âm mưu đen tối của tội lỗi, ma quỷ và hứa sống tín thác hoàn toàn nơi Thiên Chúa qua việc sống đức tin và làm chứng cho Chúa qua đời sống hằng ngày. Như vậy, chứng nhân cho Thiên Chúa tình yêu chính là mỗi một người Ki-tô hữu chúng ta, là những người được khắc sâu trong tâm khảm mình ấn tín thánh thiêng không bao giờ phai mờ, là người mặc lấy thánh danh Ki-tô hay là người mang tên Ki-tô hữu. Trong bài đọc I trích sách Công Vụ Tông Đồ, Chúa Giê-su khẳng định: các tông đồ sẽ được lãnh nhận sức mạnh của Thánh Thần khi Ngài ngự xuống trên các ông. Bấy giờ các ngài sẽ là chứng nhân của Thầy Chí Thánh Giê-su tại Giê-ru-sa-lem, trong khắp các miền Giu-đê-a, Sa-ma-ri-a cho đến tận cùng trái đất (x. Cv 1,8). Chứng nhân của Thiên Chúa tình yêu là người được Thánh Thần thúc giục, nâng đỡ, ban sức mạnh, can đảm, quả quyết, dũng cảm, dám ra khỏi con người yếu đuối, sợ sệt, nhút nhát của mình, vứt bỏ những thú vui trần tục, thói quen đam mê mà dám tuyên xưng vào Thiên Chúa đã yêu thương nhân loại đến nỗi trao ban Con Một yêu dấu của mình để cứu độ con người tội lỗi (x. Ga 3, 16). Còn gì đẹp hơn, cao cả hơn tình yêu của một Thiên Chúa trao ban chính sự sống mình cho chúng ta, dù chúng ta bất xứng, vô ơn!
Như vậy, anh chị em chúng ta phải khẳng định một điều: đã là người Ki-tô hữu, tất cả chúng ta đều là chứng nhân của Chúa Ki-tô. Tuy nhiên, chúng ta sẽ làm chứng cho ai và cho điều gì? Một câu hỏi dường như không cần thiết và có lẽ hơi dư thừa, nhưng nếu nhìn vào cuộc sống gia đình, lịch sử bản thân, những thăng trầm, và bước ngoặt lớn trong đời sống đức tin của mỗi người, chúng ta sẽ nhận ra: lắm lúc chúng ta không làm chứng cho Chúa tình yêu và cho Chân lý. Lý do thì ôi thôi vô số, hơn cả 1001 lý chứng để biện hộ, biện minh hay giải trình. Thay vì làm chứng cho Chúa Ki-tô đã yêu thương tôi, đã chết cứu chuộc tôi, tôi lại làm chứng cho “cái tôi”, cho “bản ngã” tự kiêu của mình.
Thay vì làm chứng cho lòng thương xót, lòng bao dung tha thứ của Thiên Chúa dành cho tôi, tôi lại làm chứng cho sự cứng nhắc, hành vi lên án và ghen ghét đối với chính mình và đối với tha nhân. Thay vì làm chứng cho cử chỉ khoan dung, chờ đợi và vòng tay rộng mở của Chúa dành cho con người tội lỗi như tôi, tôi lại làm chứng cho lối suy nghĩ kết án, xua đuổi và tách biệt của mình đối với anh chị em trong cộng đoàn; và còn vô vàn nhiều điều khác mà đáng lẽ chúng ta phải làm chứng, nhưng vì sự yếu đuối, chúng ta đã nhiều lần thỏa hiệp với điều bất chính hoặc chỉ lo cho tư lợi cá nhân. Là con cái Chúa, chúng ta phải sống trong sự thật, làm chứng cho chân lý, nhưng lắm lúc chúng ta lại làm chứng gian. Chính vì nhận biết con người thật mỏng manh, yếu đuối và dễ sa ngã như vậy, Thánh Phao-lô đã nhắn nhủ chúng ta qua bài đọc II trích thư gửi giáo đoàn Ê-phê-sô: “Anh em được ban thần khí khôn ngoan và mạc khải để nhận biết Người. Xin cho mắt tâm hồn anh em được sáng suốt, để anh em biết thế nào là trông cậy vào ơn Người kêu gọi, thế nào là sự phong phú gia nghiệp vinh quang nơi các thánh...” (Ep 1, 17-18). Lời nguyện xin của thánh Phao-lô cho tín hữu Ê-phê-sô cũng chính cho mỗi người Ki-tô hữu chúng ta. Thật không sai khi chúng ta nhận mình yếu đuối, nhưng với ơn Chúa, chúng ta trở nên can đảm làm chứng cho Ngài. Chẳng chút gì sai khi chúng ta nhận biết mình mù quáng trước lợi danh, tiền, tài, tình, tham vọng và đam mê, nhưng với Thần khí khôn ngoan, đôi mắt tâm hồn của chúng ta sẽ trở nên sáng suốt, can trường đứng về phía chân lý và làm chứng nhân cho tình yêu đích thật, làm chứng tá cho Thiên Chúa.
Anh chị em rất thân mến, chúng ta đã biết mỗi một người chúng ta được Thiên Chúa mời gọi trở nên chứng nhân cho tình yêu Chúa và cho chân lý. Tuy nhiên, sống trong một thế giới đầy chuyển biến như ngày nay, chúng ta phải sống chứng tá như thế nào? Một niềm vui an ủi chắc chắn cho các Tông đồ, cho Giáo hội và cho chúng ta, đó là: mặc dù Chúa Giê-su vinh hiển lên trời, nhưng Ngài luôn đồng hành, ở cùng chúng ta mọi ngày cho đến tận thế. Bằng chứng cụ thể, mỗi ngày Ngài hiện diện qua bí tích Thánh thể, trao ban chính sự sống Ngài cho chúng ta. Trong mọi phút giây, những khi ta quỵ ngã vì phạm tội, Ngài đồng hành với chúng ta qua bí tích Hoà giải để ban ơn tha thứ và bình an cho ta. Khi ta ốm đau bệnh tật phần hồn cũng như phần xác, Ngài đỡ nâng và cảm thông với ta, v.v...Những cảm nghiệm này, tiên vàn các Tông đồ là nhân chứng hùng hồn nhất “...phần các ông, các ông đi rao giảng khắp mọi nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông và củng cố lời rao giảng bằng những phép lạ kèm theo” (Mc 16, 20). Trong đời sống mục vụ và truyền giáo ở xứ sở hoa anh đào này, con cũng được nhiều anh chị em chia sẽ: làm sao sống giữ vững đức tin ở đất nước phồn thịnh Nhật Bản này; làm sao sống chứng tá cho Tin Mừng và rao truyền Nước Chúa cho những người chưa tin nhận Chúa, v.v...Và câu chuyện đó luôn kết thúc bằng bốn chữ “khó lắm cha ơi!”. Thật sự, bản thân con cũng đồng cảm với quý ông bà, anh chị em, nhưng cũng nên khẳng định một điều: “khó không có nghĩa là không thực hiện được”. Nếu mỗi người chúng ta cố gắng bắt đầu làm chứng tá cho Chúa từ những việc làm bé nhỏ nhất, cử chỉ yêu thương, vị tha, sống hài hòa và hiệp thông với nhau. Và rồi từ tình yêu thương trong cộng đoàn dù bé nhỏ ấy sẽ như hương hoa lan tỏa khắp nơi. Hơn nữa, nếu chúng ta luôn tin tưởng rằng: chúng ta không ‘đơn thân độc mã’ sống chứng tá cho Tình yêu, nhưng các anh chị em khác đang cùng với ta và nhất là Chúa Ki-tô Phục Sinh luôn đồng hành, nâng đỡ ta trên bước đường trở nên nhân chứng Tình yêu như tâm tình trong một bài hát sinh hoạt “Phao-lô trồng, A-pô-lô tưới, Thiên Chúa sẽ cho mọc lên. Tôi trồng, anh tưới, Thiên Chúa cho bông lúa vàng”.
Với niềm tin xác tín vào Chúa Ki-tô, Con Thiên Chúa đã chịu chết cho nhân loại vì tình yêu. Và hôm nay Ngài lên trời, về cùng Chúa Cha, nhưng Ngài luôn ở cùng chúng ta cho đến ngày tận thế, chúng ta xin Chúa giúp sức cho mỗi người biết ý thức, can đảm trở nên chứng tá cho tình yêu mà Ngài đã dành cho chúng ta.
Chung lời ngợi khen Chúa Con,
Hân hoan thờ kính sắt son một niềm.
Ứng viên của Chúa tình yêu
Nhiệt tâm nhiệt huyết, đìu hiu xa rời,
Gần gũi, gắn bó đầy vơi
Nghị lực Thần khí, biển trời cậy trông.
Hoạt động hăng say vun trồng,
Ân sủng chan chứa tình nồng thánh ân
Người người chung sức tảo tần,
Ra đi làm chứng, xếp vần yêu thương. Amen.
Lm. Xuân Hy Vọng
=================
Suy niệm 4
Lễ Chúa lên Trời, lễ của niềm hy vọng
(Lc 24, 46 - 53)
Chúa Giêsu sau khi đã từ cung lòng Chúa Cha, từ Trời thân hành xuống thế nhập thể làm người, đi vào lịch sử loài người, sống kiếp phận con người, bước vào trong bóng sự chết, đã phục sinh và trở về Trời trong vinh quang mà từ thuở đời đời Người đã có với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Toàn bộ ý nghĩa Chúa về Trời được các bài đọc Thánh Kinh mô tả và nội dung gồm tóm trong những lời sau: “Chúa Giêsu đã bắt đầu làm và giảng dạy, Người căn dặn các Tông đồ xong...”. Và sau đó “Người lên Trời” (x. Cvtđ 1, 1- 11).
Chúa Giêsu vị Thủ Lãnh của chúng ta đã chiến thắng tội lỗi và sự chết, vinh hiển về Trời, đó là niềm hy vọng của chúng ta. Người sẽ trở lại đón chúng ta đi với Người. Để được về Trời với Chúa, chúng ta hãy gia tăng lòng mộ mến những sự trên trời và tích cực làm việc vì Nước Trời, như thế chúng ta hy vọng sẽ được về Trời với Chúa. Theo lời thánh Lêo Cả, Chúa Giêsu Kitô, Vị Thủ Lãnh của chúng ta vinh hiển bước vào thiên đàng ngự bên hữu Đức Chúa và ở trên đó, “vinh quang của Đầu” đã trở thành “niềm hy vọng cho thân xác” (x. LEO CẢ, Bài giảng lễ Chúa lên Trời). “Người là Đầu và là Trưởng Tử giữa đàn em đông đúc” (Rm 8, 29). Vì bản tính của chúng ta là ở trong Thiên Chúa và ở trong Đức Giêsu Kitô. Nên vì loài người chúng ta (thân xác), Chúa Giêsu là (Đầu) hằng sống đến muôn thủa muôn đời hằng cầu thay nguyện giúp cho chúng ta trước mặt Chúa Cha (x. Dt 7, 25). Từ trên cao vinh hiển, Người gửi cho Giáo hội một sứ điệp hy vọng và mời gọi hướng đến sự thánh thiện trên Trời nơi Người đang ngự bên hữu Thiên Chúa.
Lễ Chúa Giêsu lên Trời là lễ của niềm hy vọng, vì lễ này báo trước cảnh ngọt ngào của Thiên Đàng. Chúa Giêsu là Đầu, chúng ta là chi thể, Người đi trước để chúng ta được tiếp bước theo sau vào Thiên Đàng. Vẫn theo lời Thánh Leo Cả: Trong Đức Kitô chịu đóng đinh mà chúng ta chết cho tội, và trong Đức Kitô phục sinh chúng ta sống lại với Người trong đời sống mới đầy ân sủng, chúng ta cũng đạt tới Trời nhờ sự lên Trời của Người. Việc tham dự vào mầu nhiệm của Đức Kitô với tư cách là thành viên của Người, hoàn toàn phụ thuộc vào Người và gắn bó mật thiết với vận mệnh của Người (x. LEO CẢ, Bài giảng lễ Chúa lên Trời).
Quả thật, nhờ bí tích Thánh Tẩy, chúng ta đã được tháp nhập vào sự sống của Chúa Kitô, nghĩa là chúng ta hy vọng phục sinh và được chia sẻ vinh quang của Người. Chúng ta cũng sẽ theo Người đến cùng Chúa Cha khi kết thúc cuộc sống trần gian này. Lễ Chúa lên Trời là sự kiện phản ánh rõ nhất về niềm hy vọng của chúng ta về cuộc sống vĩnh cửu.
Là những người sống niềm tin và hy vọng vào Chúa Kitô, chúng ta được mời gọi không ngừng tin vào Chúa Kitô và sống khác với những người chưa biết đến Chúa Kitô. Chúa Giêsu Kitô ở cùng chúng ta và Người đang dẫn chúng ta đến cuộc sống đời đời. Người chỉ cho chúng ta đường lên Trời của Người, bởi chính Người là Đường. Chúng ta phải tránh những cám dỗ, sợ hãi, hoảng loạn và tuyệt vọng. Thánh Phaolô nói: “Thưa anh em, về những ai đã an giấc ngàn thu, chúng tôi không muốn để anh em chẳng hay biết gì, hầu anh em khỏi buồn phiền như những người khác, là những người không có niềm hy vọng (1 Tx 4,13). Ở đây chúng ta cũng thấy một dấu hiệu riêng biệt của các Kitô hữu là họ có tương lai. Đức nguyên Giáo hoàng Bênêdicto XVI viết: Không phải là họ biết chi tiết về những gì đang chờ đợi họ, nhưng họ biết một cách chung chung rằng cuộc sống của họ sẽ KHÔNG KẾT THÚC trong sự trống rỗng. Chỉ khi tương lai chắc chắn là một thực tế tích cực thì mới có thể sống tốt trong hiện tại (x. BENEDICTO XVI, Spe Salvi, số 2).
Chính khi tin vào Chúa Kitô mà chúng ta có thể sống trong an bình và hy vọng trong mọi hoàn cảnh, vì sự chết không có tiếng nói cuối cùng. Ngay cả khi cái chết đến với chúng ta, chúng ta vẫn thanh thản trong niềm hy vọng cuối cùng là được lên Trời sống đời đời với Chúa. Đó là ý nghĩa của cuộc sống người tín hữu chúng ta.
Là Kitô hữu, chúng ta biết rằng chúng ta sẽ không thoát khỏi đau khổ trong cuộc sống này. Cái chết đã bị đánh bại nhờ sự phục sinh của Chúa Giêsu Kitô và con đường dẫn đến sự sống đời mở ra cho chúng ta qua sự lên Trời của Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta. Đức Benedict XVI nói: Đối với tương lai, cửa thời gian tối tăm đã bị mở tung. Người hy vọng sống khác người đã được ban tặng sự sống mới. Chúng ta đã được ban sự sống mới trong Chúa Kitô và đó là niềm hy vọng cuối cùng của chúng ta trong tất cả các cơn bão đang hoành hành xung quanh chúng ta.
Các Tông đồ tận mắt chứng kiến cảnh Chúa lên Trời, lòng các ông ngây ngất dõi theo đến nỗi cần phải “có hai người mặt áo trắng đứng gần” (Cvtđ 1, 10) và nhắc nhở: “Hỡi người Galilê, sao các ông còn đứng nhìn lên trời?” (Cvtđ 1, 11). Hãy ngước mắt lên trời và chăm chú nhìn vào Chúa Kitô, Đấng đã về trời với Chúa Cha, để chuẩn bị chỗ vĩnh cư cho mỗi người chúng ta.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
==================
Suy niệm 5
Chính Anh Em Là Chứng Nhân

Cv 1, 1-11; Ep 1, 17-23; Lc 24, 46-53
Hai môn đệ trở về làng Emmaus, lúc được gặp gỡ Chúa Phục Sinh suốt hành trình mà không biết. Sau khi được Chúa Giêsu giải thích những lời Thánh Kinh, rồi đến cuối đường họ được “mở con mắt”, thay đổi hoàn toàn, tức tốc hăng hái trở về Giêrusalem để làm chứng với Nhóm Mười Một. Hai ông khoe  tin vui sốt dẻo lạ lùng, kỳ diệu, họ hồ hởi kể rằng mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người “bẻ bánh”.
Chúa luôn đi bước trước để giúp chúng con nhận ra, gặp gỡ Chúa rồi trở thành chứng nhân của Chúa: “Phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giêrusalem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội. Chính anh em là chứng nhân về những điều này” (Lc 24, 47-48). Suốt ba năm, các ông chỉ đi theo Thầy, trực tiếp cận kề học tập bên Thầy. Giờ đến lúc Thầy không còn trực tiếp dạy dỗ các ông, giờ là lúc các ông phải tự “thực hành thực tế” trong khi Thầy “vắng mặt”. Các ông phải “dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy truyền”. Đây là trọng trách lớn lao và thật khó khăn vất vả, nhất là khi không thuận tiện, trong cái chật hẹp, tối tăm của đời các môn đệ cũng như mỗi chúng con hôm nay. Nhưng chính Thầy sẽ thực hiện những điều lớn lao kỳ diệu nơi con người mỏng giòn yếu đuối của mỗi chúng con.
Trong trình thuật biến cố thăng thiên hôm nay, nơi sách Công vụ trong bài đọc I, Đức Giêsu đã căn dặn những người ở lại: “Anh em không cần biết thời giờ và kỳ hạn Chúa Cha đã toàn quyền sắp đặt, nhưng anh em sẽ nhận sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em. Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân được của Thầy tại Giêrusalem, trong khắp các miền Giuđê, Samari và cho đến tận cùng trái đất.” (Cv 1,7-8). Sự kiện Chúa về trời là bước ngoặt đánh dấu sự bắt đầu trưởng thành của các môn đệ. Sự kiện này cũng đánh dấu sự hiện diện vô biên của Chúa trong cuộc đời của các môn đệ, trải dài đến chúng con hôm nay và cho đến tận thế.
Chúa ơi! trước khi về trời Chúa đã trao cho chúng con sứ vụ “làm cho muôn dân trở thành môn đệ” của Chúa. Lạy Chúa! sức chúng yếu lắm, lòng người đời thì cứng cỏi, nhưng chúng con tin Chúa sẽ ở cùng và ở với chúng con trong mọi nơi mọi lúc. Để dù khó khăn hay gian nguy, chính Chúa sẽ thực hiện những điều kỳ diệu trong con người hèn mọn yếu đuối chúng con, cho muôn dân nhận biết Chúa và đi theo Ngài. Amen.
Én Nhỏ
==================
Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật VII Phục Sinh
Suy niệm 1
Xin cho họ nên một
Ga 17, 1-11
 
Một không có nghĩa là chỉ một người mà không có người khác.
Những ngày đầu của lịch sử nhân loại, tất cả mọi người sống trên trái đất đều quyết định sống hợp nhất với nhau. Kinh Thánh nói rõ điều đó!
Nhưng có một ngày mà tất cả mọi người, từ nhỏ nhất đến vĩ đại nhất, đàn ông, phụ nữ, trẻ em và người già đều đồng ý với nhau và đi đến một quyết định. Họ quyết định xây dựng một thành phố, một ngọn tháp có nền móng nằm trên mặt đất và đỉnh của nó sẽ vươn lên tận trời cao. Cả nhân loại đã đồng ý xây dựng Tháp Babel.
Sách Sáng thế viết: ĐỨC CHÚA xuống xem thành và tháp con cái loài người đang xây. ĐỨC CHÚA phán: "Đây, tất cả chúng nó họp thành một dân, nói một thứ tiếng. Chúng mới khởi công mà đã như thế thì từ nay, chẳng có gì chúng định làm mà không làm được. Nào! Ta xuống và làm cho tiếng nói của chúng phải xáo trộn, khiến chúng không ai hiểu ai nữa.Thế là ĐỨC CHÚA phân tán họ từ chỗ đó ra khắp nơi trên mặt đất, và họ phải thôi không xây thành phố nữa. Bởi vậy, người ta đặt tên cho thành ấy là Ba-ben, vì tại đó, ĐỨC CHÚA đã làm xáo trộn tiếng nói của mọi người trên mặt đất, và cũng từ chỗ đó, ĐỨC CHÚA đã phân tán họ ra khắp nơi trên mặt đất”.
Chúa Giêsu nói trong Tin Mừng hôm nay: “Xin cho họ nên một”. Họ là một, họ hợp nhất,  họ hiểu nhau và đã làm công việc chung để chống lại Thiên Chúa.Thiên Chúa đã phá vỡ sự thống nhất của họ, phân tán họ trên khắp trái đất, khiến họ trở nên xa lạ với nhau. Tiếng nói của họ phải xáo trộn, khiến họ không ai hiểu ai nữa. Như vậy Thiên Chúa phá vỡ sự thống nhất của con người. Con người tạo nên sự hiệp nhất và Thiên Chúa tạo nên sự bất hòa.
Người khác
Chúa Giêsu xin Chúa Cha: “Xin cho họ nên một, như Chúng Ta là một. Con ở trong chúng và Cha ở trong Con để chúng được được hoàn toàn nên một trong Chúng Ta”.
Trong những ngày đầu của nhân loại, mọi người đã đi đến một thỏa thuận với nhau. Nhưng sự thỏa thuận này là một bất hạnh lớn đến nỗi Thiên Chúa phải can thiệp để phá vỡ sự hiệp nhất của họ. Họ hiệp nhất với nhau để xây dựng một thế giới mới...không có Thiên Chúa. Họ đã trở nên một nhưng quên một Đấng hoàn toàn khác. Họ là một nhưng không có Đấng khác.
Thiên Chúa đã can thiệp vào công việc của con người. Ngài giới thiệu sự khác biệt giữa con người, người này không nói cùng ngôn ngữ với người khác và họ không hiểu nhau. Họ là một. Thiên Chúa can thiệp để khẳng định vị trí của Người khác!
Người này với người khác
Kể từ đó, nhân loại không thể quên rằng người ta không thể là một người mà không có người khác! Người này gây chiến với người khác, người này buộc mọi người phải rời khỏi nhà để mở ra với người chưa biết, để đón nhận người lạ. Người này buộc người khác phải nhận ra rằng mình không phải là tất cả, mình không phải là Thiên Chúa! Người này buộc người khác phải nhận ra rằng mình là con người đáng thương.
“Xin cho họ nên một, như Chúng Ta là một. Con ở trong chúng và Cha ở trong Con để chúng được được hoàn toàn nên một trong Chúng Ta và để thế gian tin rằng Cha đã sai Con”.
Cũng như Cha không phải là Con và Con không phải là Cha, nên Thiên Chúa tạo ra sự khác biệt trong nhân loại. Người nam không phải là người nữ, hàng xóm của tôi không phải là sự phản chiếu của chính tôi!
Giống như Chúa Cha và Chúa Con là một trong tình yêu, các môn đệ của Chúa Kitô cũng được mời gọi trở nên một trong Thiên Chúa:
- Họ được mời gọi để chấp nhận rằng Thiên Chúa mà họ ở trong, luôn vượt quá họ.
- Họ được mời để đón nhận Người khác không ngừng.
- Họ được yêu cầu ra khỏi chính mình gặp gỡ Người hoàn toàn khác.
Nhân loại, và mỗi chúng ta trên trái đất, luôn cảnh giác với cơn cám dỗ hiệp nhất mà không có Thiên Chúa, hiệp nhất xóa bỏ sự khác biệt, xóa bỏ người khác và đặc biệt là những người bị xã hội loại trừ...
Nhân loại không thích bị quấy rầy!
Thế giới đã không biết Thiên Chúa và đang không biết Thiên Chúa! Nhưng Chúa Giêsu, trước khi đi từ thế giới này mà về cùng Cha, với đôi mắt ngước lên trời , cầu nguyện để Tình yêu thúc giục chúng ta ra khỏi cái giống nhau của mình để trở thành người khác! 
Linh mục Gioan Đặng Văn Nghĩa
==================
Suy niệm 2
Ga 17, 20 – 26
Bài Tin Mừng cho chúng ta thấy Đức Giê su có một nguyện vọng cực kỳ tha thiết mà Ngài đang ngỏ bày với Chúa Cha. Nguyện vọng ấy đơn giản chỉ là những ai tin theo Ngài từ thời ấy cho đến muôn đời phải yêu thương và đùm bọc nhau. Tình yêu thương ấy đem lại hai hiệu quả cao đẹp tuyệt vời.
Một. Tình yêu ấy được cả Chúa Cha và Chúa Con yêu thương tạo nên một tình yêu tam giác tuyệt hảo. Tam giác có ba cạnh và ba góc. Ba cạnh và ba góc ấy là Chúa Cha yêu Chúa Con rồi cả Chúa Cha và Chúa Con cùng yêu thương chúng ta, kết hợp thành một với chúng ta. Chúng ta chỉ là một thụ tạo bé nhỏ và tầm thường, thế mà chỉ vì yêu nhau mà được Đấng Tối Cao chiếu cố trở nên một với chúng ta. Tình yêu ấy không phải là tình yêu của cấp cao dành cho cấp dưới, mà là trở nên một, như một hình tam giác 3 cạnh và 3 góc gắn bó với nhau thành một hữu thể.
Từ muôn thuở chưa có hiền nhân quân tử nào của loài người dám nghĩ ra điều đó. Trời thì phải cao vời vợi. Thụ tạo thì phải thấp lè tè. Làm sao mà trời với người lại yêu nhau đến thế. Nhưng đó lại là một sự thật mà Đức Giê su đã mạc khải cho chúng ta. Đáng quý vô cùng. Vinh dự vô cùng. Hạnh phúc vô cùng. Để đạt được cái vô cùng ấy, ta không cần phải làm điều gì khó khăn. Cứ yêu nhau như Chúa Cha yêu Chúa Con. Thế là xong. Nguyện vọng tha thiết của Chúa Giê su chỉ là thế mà thôi.
Hai. Khi những người tin theo Đức Giê su biết yêu nhau và trở nên một thì đó là chứng tá hàng đầu của sứ mạng loan báo Tin Mừng. Đức Giê su khẳng định rằng những người tin theo Ngài là các Tông đồ trong quá khứ, là chúng ta trong thời gian hiện tạivà mọi người tin theo Ngài cho đến tận thế. Cứ yêu nhau, cứ đùm bọc nhau cũng đủ để cho thế giới loài người tiếp tục tin và theo Đức Giê su.
Một điều đáng mừng là thời Giáo hội sơ khai, lương dân tin theo Chúa là vì thấy người đã tin theo Chúa yêu thương nhau, giúp đỡ nhau. Một sử gia lớn của đế quốc La mã là Tertuliano đã ghi vào lịch sử lời nhận xét của lương dân về ki tô hữu như sau: “Kìa, hãy xem người ki tô hữu họ thương nhau biết dường nào!”
Nguyện vọng của Đức Giê su là thế và kết quả của nguyện vọng ấy là vậy. Đáng mừng cho Giáo hội và đáng mừng cho cả Chúa nữa.
Nhưng nguyện vọng ấy của Đức Giê su có còn được chúng ta thực hiện không? Dĩ nhiên việc bác ái của Giáo hội vẫn còn đang được thực hiện khắp nơi trên thế giới. Ở đâu có Giáo hội, thì ở đó có công tác từ thiện cá nhân cũng như tập thể. Mẹ Têrêsa Calcutta là một bằng chứng.
Nhưng có một điều đáng buồn vô cùng đó là những người tin và theo Chúa hiện nay đã không trở nên một, mà trở nên bốn. Đó là Công Giáo, Chính Thống, Tin Lành và Anh Giáo đều là những người cùng tin và theo Chúa Giê su, nhưng lại chống đối nhau, nói xấu nhau. Đức Giê su phải buồn biết dường nào. Cứ nhìn xem Đức Giê su buồn, chúng ta biết mình phải làm gì.
Linh mục Piô Ngô Phúc Hậu
==================
Suy niệm 3
Xin Cho Họ Nên Một

Cv 7,55-60; Kh 22,12-14.16-17.20; Ga 17,20-26
Trong Tin Mừng hôm nay, thánh Gioan ghi lại lời cầu nguyện tha thiết của Thầy Giêsu với Chúa Cha cho chính mình, cho các môn đệ và còn mãi cho những người theo Chúa sau này trong tương lai là chúng ta. Trong lòng mến thiết tha, Người thân thưa với Cha mọi điều về đoàn con dấu yêu, trong mối tương quan đậm đà, với bao nhiêu lắng lo khắc khoải khi Người sắp về cùng Cha: “Con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con, để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta. Như vậy, thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai con. Phần con, con đã ban cho họ vinh quang mà Cha đã ban cho con, để họ được nên một như chúng ta là một: Con ở trong họ và Cha ở trong con, để họ được hoàn toàn nên một; như vậy, thế gian sẽ nhận biết là chính Cha đã sai con và đã yêu thương họ như đã yêu thương con” (Ga 17,20-23).
Đức Giêsu cầu nguyện cho các môn đệ được hiệp nhất trong tình thương, để khi gặp gỡ họ, người ta nhận ra họ là môn đệ của Người. Tình thương ấy cao thượng và vô điều kiện. Chính người đã biểu lộ tình thương này là yêu đến chết và dám chết cho người mình yêu. Cho đến hôm nay chúng con vẫn chưa cảm nhận và sống một tình yêu như vậy, nên Chúa vẫn hằng cầu nguyện với Chúa Cha cho chúng con. Chúa vẫn chờ đợi để chúng con nhận ra tình yêu và lòng thương xót của Chúa mà nhìn lại chính mình và mở lòng đón nhận tình yêu của Chúa. Chính tình yêu thương và hạnh phúc trong Chúa giúp chúng con sống hiệp nhất với nhau, để chúng con được ở trong Chúa và Chúa ở trong chúng con.
“Con đã cho họ biết danh Cha, và sẽ còn cho họ biết nữa, để tình Cha đã yêu thương con, ở trong họ, và con cũng ở trong họ nữa” (Ga 17,26). Cái “biết” ở đây là biết bằng con tim, bằng lòng mến yêu. Ngày nay nhiều khi chúng con biết, nhưng không phải từ con tim, nên không đậm đà nghĩa tình yêu mến. Thiên Chúa đã chứng minh tình yêu tuyệt đối của mình bằng việc chấp nhận thân phận nhỏ bé mong manh của con người, khi nhập thể làm người. Tình yêu của Chúa Cha được thể hiện bằng việc hiến tặng Con Một yêu dấu. Tình yêu của Chúa Cha còn thể hiện trong Chúa Con, nơi tâm hồn các môn đệ và luôn ở trong chúng con nữa. Chúa ngự trị trong chính cõi lòng chúng con, cõi lòng là kho để cất giữ những gì quí giá. Vâng, Chúa Cha hằng ở trong Chúa Con, Chúa Con ở trong tâm hồn chúng con, như thế chúng con hằng được ở trong tình yêu Ba Ngôi hiệp nhất với tình yêu thương. Còn gì cao quý hạnh phúc hơn?              
Lạy Chúa Giêsu! xin sai Thánh Thần Chúa đến ở với mỗi người chúng con, cho chúng con được sức mạnh vượt thắng ác thần và được thánh hiến trong tình yêu của Chúa. Trong Thánh Thần chúng con được đổi mới, từ trong cộng đoàn chúng con, giúp chúng con sống hiệp nhất yêu thương trong cuộc đời và hăng hái ra đi loan báo Tin Mừng cho đời đẹp hơn. Amen.
Én Nhỏ
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log