Thứ tư, 25/12/2024

Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật XVIII Thường niên C

Cập nhật lúc 17:04 28/07/2022
Suy niệm 1
Một di sản để chia sẻ
Lc 12, 13-21
Nhận và cho đi.
Trang Tin mừng hôm nay:
- Trước hết là câu chuyện về 2 anh em quản lý tài sản thừa kế mà người cha đã để lại.
- Và sau đó là dụ ngôn về những sai lầm của một người phú hộ. Người phú hộ này chỉ lo lắng tăng thu nhập cho mình mà không lo lắng về việc lập di chúc.Thật là một kẻ ngốc, của cải tích lũy không được chuyển cho bất kỳ ai: "những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai"?
Rõ ràng hai câu chuyện trái ngược nhau: Trường hợp thứ nhất có người thừa kế và trường hợp thứ hai không có người thừa kế. Tuy nhiên các nhân vật, trong cả hai trường hợp, đều có một thái độ tương tự nhau :
- Trường hợp thứ nhất: trước ý muốn của một người cha, đáng nhẽ 2 anh em phải vui mừng vì những gì họ nhận được, đáng nhẽ họ phải hợp tác với nhau sống tình anh em, nhưng một trong 2 anh em vẫn tự cho mình là trung tâm: “Thưa Thầy, xin Thầy bảo anh tôi chia phần gia tài cho tôi”.
- Trường hợp thứ hai: Một ông chủ giàu chết mà trước đó không chỉ định đứa con nào thừa kế và ông vẫn phải chịu cùng một điều ác. Ông không thể rời khỏi bức tường của căn gác hay hàng rào cá tính của mình. Ông không có ai ngoài chính mình để nói chuyện: “Lúc ấy, ông nhủ lòng: hồn ta hỡi”. Như vậy đó là hình ảnh của sự chết.
Sống vui. Nói cách khác, hai câu chuyện này là một lời mời gọi chúng ta hãy sống vui!. Sống trên đời, món quà đầu tiên mà chúng ta nhận được đó là sự sống. Sự sống là gì nếu không phải là nhận? Nhận, nhưng đừng tìm cách giữ lại mà cần phải chuyển sang cho người khác và cho đi. Ai trong chúng ta có thể tự hào vì đã kiếm tìm được sự sống.? Vì thế, chúng ta cần phải sống vui!
Chúng ta chỉ là người khi có khuôn mặt của một người khác kéo chúng ta ra khỏi giấc ngủ và ảo ảnh. Đó là phản ứng đầu tiên của con người trong công trình sáng tạo. Adam chỉ bắt đầu sống khi Adam tìm thấy ai đó để nói chuyện. Ngược lại, người phú hộ giàu có chết vì không có ai để đối thoại.
- Rút lui vào chính mình, tập trung vào chính mình và lấy những gì có thể tìm được để thỏa mãn, chỉ gây nên thù địch và chiến tranh mà thôi.
- Chính trị gia thiên tài là người bảo vệ dân khỏi lòng tham lam của những kẻ mạnh và làm cho những tài nguyên trong lòng đất không bị một số người nắm giữ, nhưng  biến đổi và tạo dựng cuộc sống và niềm vui cho tất cả mọi người.
- Tích trữ của cải sẽ phá hủy tình huynh đệ của những người thừa kế.
- Tích trữ của cải đều dẫn đến hư vô, vì chủ sở hữu giàu có này không có hậu thế.
Thật là một sự tương phản với những khám phá mà một số người đã có thể thực hiện. Trường hợp Thánh Phanxicô Assisi là ví dụ diển hình:
- Ngài từ bỏ sự giàu có của cha mình và kết hôn với nghèo khó.
- Ngài khám phá ra rằng tất cả vẻ đẹp của thế giới để đón nhận và cho đi.
- Tình huynh đệ đối với ngài là tên thật của sự sống. Ngài tìm anh em để chia sẻ bánh mỗi ngày. Anh em nhỏ bé nhưng thực sự là anh em!
- Tình huynh đệ này không dừng lại ở vòng tròn hẹp bạn bè ngài, mà còn tràn ngập vũ trụ đến mức mà người nghèo nhỏ bé Assisi này hát tình huynh đệ với mặt trời, với trái đất và với màn đêm: "Lạy Chúa, chúc tụng Chúa”.
- Mối liên kết với sự sáng tạo tuyệt vời đến nỗi bao gồm cả cái chết: "Chúc tụng Chúa, vì sự chết, là người chị của chúng con”!.
Vì thế, cái chết đẹp nhất là lúc lời di chúc có hiệu lực và là nơi ý chí, mong muốn của người ra đi được thể hiện dưới ánh sáng ban ngày.
Một bản di chúc mới trong Đức Giêsu Ki-tô. Từ "di chúc" gắn liền với cái chết, được tìm thấy trong các trang Tin Mừng. Bản di chúc quý giá nhất đối với người kito chúng ta đó là bí tích Thánh Thể. Cái chết của Chúa Giêsu bày tỏ món quà đặc biệt nhất: đó là chính Thiên Chúa được trao ban, với lời hứa về một cuộc sống luôn được đổi mới.
Thật vậy, cái chết của Chúa Giêsu mở ra một bản di chúc mới. Chúng ta được trao ban một kho báu kế thừa, rất gần với chúng ta, trong con tim chúng ta.  Mỗi khi cử hành Bí tích Thánh Thể, Giáo Hội mời gọi chúng ta đến với nguồn sống mà Chúa Giêsu đã để lại, chúng ta có thể uống rất nhiều mà không phải trả tiền! Đây là kho báu đích thực của chúng ta!
Linh mục Gioan Đặng Văn Nghĩa
================= 
Suy niệm 2
Lc 12, 13 – 21
Bài Tin Mừng theo Thánh Luca cho chúng ta thấy Đức Giêsu đang đứng trước hai thảm cảnh:
Thảm cảnh một là có một gia đình an hem đang đấu đa nhau. Chỉ vì tiền mà tình huynh đệ đang bay thành mây khói.
Theo luật Do Thái thì tài sản của cha mẹ được chia đều cho con cái. Riêng người anh cả được thêm một phần. Phần này để anh phụng dưỡng cha mẹ khi về già và để lo hậu sự cho các ngài. Gia đình này có hai con trai. Bố mẹ qua đời rồi, nhưng người anh cả vô tâm vô tình, cố ý ôm hết tài sản của cha mẹ, mà không chịu chia phần cho người em. Thế là không tình, không lý và không pháp. Người em bất lực chạy đến xin Chúa can thiệp hộ. Chúa giơ tay đầu hàng, vì Chúa không phải là quan tòa. Không phải là quan toàn, thì không có quyền xét xử. Chỉ còn nhắc nhở. Chỉ còn khuyên lơn. Nhắc nhở và khuyên lơn người tham tiền, thì y như khuyên lơn và nhắc nhở người điếc.
Thảm cảnh hai là toàn thế giới đang điêu đứng vì đồng tiền. Đồng tiền không chỉ phá tan tình huynh đệ trong gia đình, mà còn phá tan mọi thứ tình: tình vợ chồng, tình huynh đệ, tình đồng hương, tình đồng chí, tình đồng đạo, tình đồng bào và tình của mọi thứ đồng khác nữa.
Việt Nam có câu ngạn ngữ động trời: “Có tiền mua tiên cũng được”. Đúng thế thật. Người ta dùng tiền để mua ghế lãnh đạo. Người ta dùng tiền để mua rồi ăn chơi. Người ta còn dùng tiền để mua hoa khôi, hoa hậu. Vì tiền mà người ta phản bội nhau: con cái phản cha mẹ; vợ chồng phản nhau; công dân phản tổ quốc; tín đồ phản đạo. Cụ thể và đau đớn nhất là Giu-đa Ít-ca-ri-ốt phản Thầy. Phản Thầy để ôm một đống tiền. Với số tiền này, Thượng Tế Cai-pha mua được một miếng đất làm nghĩa trang chôn cất ngoại kiều.
Chúa buồn quá, bèn nhìn xem chúng ta và tha thiết nhắc nhở. Nhắc nhở với giọng văn mỉa mai của dụ ngôn “Ông phú hộ ngốc”.
Vì ngốc, nên ông phú hộ chỉ biết lo cho cuộc sống hôm nay và quên bẵng cuộc sống đời sau. Ông xây kho lẫm thật to để chất chứa tài sản. Chắc chắn không phải chỉ có ăn nhậu, mà còn đủ thứ khác mà văn chương bình dân Việt Nam gọi là “Tứ đổ tường”. Tứ đổ tường là cờ bạc, rượu chè, xì ke và đĩ điếm. Ông đại  gia ngu ngốc cứ húc đầu vào cuộc ăn chơi vô duyên, rồi đùng một cái ông nhắm mắt lìa đời.
Với dụ ngôn chua chát này Chúa dạy chúng ta hãy tích lũy không phải tiền của, mà tích lũy việc thiện. Việc thiện cho mình là sống trọn Thập Giới và Lục Giới. Sống từ thiện là an ủi giúp đỡ người nghèo, người bệnh tật, người lầm đường lạc lối.
Tôi xin đề nghị với anh chị em, nên thường xuyên ki cóp việc từ thiện để có hành trang vào thiên đàng, dù ta nhắm mắt lìa đời bất cứ lúc nào. Đây là một ví dụ cụ thể. Có 10 em thiếu nhi kia cùng nhau đóng góp mỗi ngày mỗi đứa 100 đồng. Khi được 20.000 đồng thì cùng nhau đem tặng ông cùi. Các em cứ làm mãi như thế. Nếu Chúa thấy chúng ta ai cũng ki cóp việc thiện như 10 em thiếu nhi này, thì Chúa mừng biết dường nào. Và dĩ nhiên ai cũng làm được như thế.
Linh mục Piô Ngô Phúc Hậu
=================
Suy niệm 3
Đừng lãng quên cuộc sống mai sau
Lc 12,13 - 21
Có một vị lãnh chúa rất giàu có, ruộng vườn bát ngát bao la. Gần nơi ông ở có một người nông dân tuy nghèo nhưng rất giàu lòng tham.
Ngày nọ, vị lãnh chúa nói với người nông dân: “Tôi sẽ cho anh tất cả những phần đất nào mà anh có thể chạy bao quanh, tính từ khi mặt trời mọc đến khi lặn. Nếu anh trở về đến điểm xuất phát trước khi mặt trời chìm khuất sau đồi, anh sẽ làm chủ tất cả những vùng đất anh đã chạy bao quanh. Nếu không, anh chẳng được gì.”
Người nông dân nghe lời vị lãnh chúa hứa mà tưởng như mơ! Đúng là một cơ hội ngàn năm một thuở. Thế là sáng hôm sau, khi mặt trời vừa nhô lên khỏi rặng núi, anh cắm đầu phóng chạy như bị cọp đuổi sau lưng. Anh chạy bọc hết những khu rừng nhiều gỗ quý, những cánh đồng tốt tươi, những vườn cây trĩu trái, những suối nước tràn bờ…
Cuối ngày, lồng ngực như muốn vỡ tung ra, anh thở hồng hộc như con bò bị thọc tiết… Mặt trời bắt đầu lặn, chỉ còn là một vầng bán nguyệt đỏ ối sắp chìm xuống đỉnh đồi. Anh phải cố chạy nhanh cho tới nơi xuất phát, nếu không kịp thì tất cả chỉ còn là hư không. Và rồi khi chỉ còn mươi bước nữa là tới đích, anh ngã gục xuống… vỡ tim!
Thế là cuối cùng, anh chỉ còn vài thước đất để chôn vùi thân xác!
(Dựa theo ý tưởng của Văn Hào Lev Tolstoi trong truyện ngắn: “Cướp đất”)
Câu chuyện vừa rồi là một minh hoạ rất thực về nhân loại hôm nay. Không phải chỉ có một mà hàng triệu, hàng triệu người chạy như điên cuồng trong cuộc đua tranh không khoan nhượng để dành cho mình thật nhiều của cải, vàng bạc, ruộng đất... như người nông dân tham lam trên đây để rồi cuối cùng cũng mang chung số phận với anh ta: chỉ còn một nấm mồ!
Người phú hộ trong Tin mừng hôm nay cũng học theo sách đó.
Khi ruộng nương sinh nhiều hoa lợi, ông “mới nghĩ bụng rằng: 'Mình phải làm gì đây? Vì còn chỗ đâu mà tích trữ hoa mầu!'  Rồi ông ta tự bảo: 'Mình sẽ làm thế này: phá những cái kho kia đi, xây những cái lớn hơn, rồi tích trữ tất cả thóc lúa và của cải mình vào đó.  Lúc ấy ta sẽ nhủ lòng: hồn ta hỡi, mình bây giờ ê hề của cải, dư xài nhiều năm. Thôi, cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã!' Nhưng Thiên Chúa bảo ông ta: "Đồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai?”
Chỉ biết chăm lo cho thân xác nầy, cho cuộc sống đời nầy mà chẳng biết lo việc linh hồn, chẳng lo cho cuộc sống vĩnh cửu mai sau thì đúng là ngốc thật.
Chỉ biết cắm đầu cắm cổ chạy theo lợi lộc phú quý đời nầy, ngày đêm quần quật lo cho thân xác nầy rồi mai đây, khi cái chết đến, còn lại gì cho ta?
Đầu tư tất cả vốn liếng, đầu tư hết tất cả thời gian, công sức, trí tuệ, tài năng, nghị lực, tiền bạc… của mình cho thân xác này để rồi cuối cùng chỉ thu hoạch được một bộ xương hay một nắm tro cốt… thì thật là điên rồ!
Trong khi đó, linh hồn không được quan tâm chăm sóc nên phải hư mất và phải sa hỏa ngục đời đời thì thật là bi đát!
Lạy Chúa Giê-su,
“Được lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn thì chẳng được ích gì!”
Xin dạy chúng con biết tích luỹ kho báu trên trời cho mình ngay từ hôm nay bằng cách dành thời giờ để thờ phượng Chúa cũng như để yêu thương phục vụ anh chị em chung quanh. Nhờ đó, mai đây chúng con sẽ được Chúa ban thưởng hạnh phúc muôn đời.
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
=================
Suy niệm 4
LÀM GIÀU THẬT SỰ LÀ “LÀM GIÀU TRƯỚC MẶT THIÊN CHÚA”
Ai đó từng thốt lên rằng:
Tiền là tiên là Phật
Là sức bật của lò xò
Là thước đo của lòng người
Là tiếng cười của tuổi trẻ
Là sức khoẻ của tuổi già
Là cái đà của danh vọng
Là cái lọng để che thân
Là cán cân của công lý
Là triết lý của cuộc đời…
Quả thật, nếu chúng ta hiểu thấu và sử dụng đồng tiền, của cải đúng mực thì chắc hẳn nó rất hữu dụng. Nó sẽ phục vụ cho con người, nó giúp chúng ta sống đúng nghĩa là con người, vì của cải vật chất chẳng phải mục đích sống, mà chỉ là phương tiện thôi!
Đứng trước thói tham lam, xu hướng tích trữ của cải của con người, Đức Giê-su không ngần ngại đề cập tớisự thật về tiền bạc, của cải; mà Ngài còn khuyến dụ chúng ta: “Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu” (Lc 12, 15). Bởi lẽ, lòng tham như ngọn lửa ngấm ngầm, một khi chất củi vào thêm, thì ắt hẳn nó sẽ bùng cháy. Với lòng tham không đáy, con người chúng ta càng ước mong hơn khi đã có, và chẳng bao giờ dừng lại. Hơn nữa, mạng sống không từ của cải mà ra, và tiền bạc chẳng bao giờ sinh ra sự sống.Chính vì thế, Đức Giê-su từ chối không nhận phân chia gia tài cho người xin.
Trước tiên, chúng ta cảm tưởng tác giả sách Giảng Viên hơi bi quan về cuộc đời, khi quả quyết: “Phù vân quả là phù vân…Tất cả chỉ là phù vân” (x. Gv 1, 2). Thế nhưng, nếu đọc xuyên suốt mạch văn thì rõ ràng ý tác giả muốn nhấn mạnh đến tính chóng qua, tạm thời của trần ai, mà con người không biết lo cho sự sống vĩnh hằng, điều mà chẳng bao giờ hư mất. Tư tưởng chỉ biết vui hưởng, lo toan cho những thứ tạm bợ đời này như nhà phú hộ trong dụ ngôn hôm nay “…Hồn ta hỡi, mình bây giờ ê hề của cải, dư xài nhiều năm. Thôi, cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã” (x. Lc 12, 19) cũng chẳng khác gì mấy so với hiện trạng đời sống con người cứ hì hục, chăm bẳm vào của cải vật chất sẽ tiêu tan, hư mất vào một ngày nào đó: “Ích gì cho người bởi mọi việc mình làm mà phải chịu đau khổ cực lòng dưới phàm trần? Suốt ngày của họ đầy sự đau khổ gian truân, và ban đêm lại không được yên lòng, thế thì chẳng phải là hư không sao?” (Gv 2, 23).
Tất nhiên, Đức Giê-su không cấm chúng ta làm giàu, nâng cao chất lượng cuộc sống, phát triển sự nghiệp, cơ ngơi! Hơn hết, Ngài mong muốn chúng ta biết cách làm giàu thực sự, đó là “làm giàu trước mặt Thiên Chúa”: “Ấy kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế đó” (Lc 12, 21). Vậy, “làm giàu trước mặt Chúa” là thế nào? Thánh Phao-lô sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về câu hỏi này khi ngài khuyến dụ giáo đoàn Cô-lô-sê: “Anh em hãy tìm những sự trên trời, nơi Đức Ki-tô ngự bên hữu Thiên Chúa. Anh em hãy nghĩ đến những sự trên trời, chứ đừng nghĩ đến những sự dưới đất” (Cl 3, 1-2). Chẳng phải cứ sống mơ mộng, viễn vông, cứ mãi ở nhà thờ mà không lo cho gia đình! Chẳng phải cứ “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”, suy nghĩ ảo tưởng, không biết chăm chỉ lo toan cuộc sống thể lý, cuộc sống con cái! Mà “Anh em hãy nghĩ đến những sự trên trời” nghĩa là biết sống bác ái, thực thi những điều Chúa dạy qua Giáo Hội, biết làm chứng yêu thương, biết tha thứ, chú tâm lo toan cho cuộc sống thiêng liêng, đời sống tinh thần, đời sống đạo, chứ không chỉ để ý chăm sóc đời sống thể lý, lo cơm áo gạo tiền thôi! Hơn thế, “làm giàu trước mặt Chúa” là biết “kiềm chế các chi thể, là sự gian dâm, ô uế, dục tình, đam mê xấu xa và tham lam, tức là sự thờ phượng thần tượng” (Cl 3, 5), và “…mặc lấy con người mới, con người được đổi mới theo hình ảnh của Đấng đã tạo thành nó” (x. Cl 3, 10).
Benjamin Franklin nói rằng: “Tiền bạc chưa bao giờ và không bao giờ khiến con người hạnh phúc, trong bản chất nó không có gì có thể tạo ra hạnh phúc. Một người càng có nó nhiều bao nhiêu, càng muốn nó nhiều bấy nhiêu”. Hơn vậy, Đức Giê-su khẳng khái dạy: “Được lời lãi cả thế gian mà thiệt mất linh hồn nào được ích gì? Hoặc lấy gì mà đổi được linh hồn mình?” (Mc 8,36-37).Thế nhưng, trên thực tế, con người đang như con thiêu thân, cứ lao vào ánh sáng giả tạo vinh hoa trần thế, mà chẳng chút quan tâm đến đời sống thiêng liêng, sự sống không hề hư mất. Vì vậy, thời đại hiện nay vẫn tái diễn như thực trạng mà tác giả Thánh Vịnh ngẫm suy: “Chúng cậy vào của cải, lại vênh vang bởi lắm bạc tiền, nhưng nào có ai tự chuộc nổi mình, và trả được giá thục hồi cho Thiên Chúa. Mạng người dù giá cao mấy nữa, thì rồi ra cũng chấm dứt đời đời…” (Tv 49,7-9).Do đó, chúng ta nên sống khôn ngoan theo lời khuyên của Thánh Gio-an Tông Đồ: “…Kẻ nào yêu thế gian thì nơi kẻ ấy không có lòng mến Chúa Cha, vì mọi sự trong thế gian: như dục vọng của tính xác thịt, dục vọng của đôi mắt và thói cậy mình có của, tất cả những cái đó không xuất phát từ Chúa Cha, nhưng xuất phát từ thế gian; mà thế gian đang qua đi cùng với dục vọng của nó. Còn ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa thì tồn tại mãi mãi” (x. 1Ga 2, 15-17).
Nguyện cầu: Lạy Chúa, xin giúp chúng con biết “làm giàu trước mặt Chúa” mỗi ngày!
Lm. Xuân Hy Vọng
=================
Suy niệm 5
Một Tiếng Yêu Xin Trao Cho Nhau
Nhạc sĩ Phó Tế Vũ Thành An viết và hát ca khúc “Rồi cũng già” thật tâm tình với những triết lý nhân sinh. (x.youtube.com/watch?v=4YPgb9Z_XgQ).
Ngày mai rồi mình cũng già, không thể nào níu lại nữa.
Ngày xưa như mới hôm qua, một cánh hoa trong cơn phong ba.
Thời gian tựa cánh chim bay, tiếng cầu kinh đời đời vẫn vậy.
Từ nghìn trùng ta gặp nhau đây, rồi thiên thu mãi mãi xum vầy.
Ngày mai rồi mình cũng già, thân thể này sẽ tàn úa.
Được thua thì cũng thế thôi, một tiếng yêu xin trao cho nhau.
Còn dăm ngày nữa vui chơi, hãy nhìn xem vẻ đẹp cõi đời,
được làm người ôi diệu kỳ thay, tạ Ơn Trên cho sống chốn này.
Ngày mai rồi mình cũng già, nhưng đời người không thể hết.
Hồn ta là đốm tinh hoa về viễn phương bay xa.. bay xa..
Là con người, ai ai rồi cũng đến lúc già nua, bệnh tật, cuối cùng là về với Thiên Chúa tình yêu. Của cải, tiền bạc và quyền lực không phải là cùng đích của đời người. Mỗi người không thể mang theo bất cứ gì ngoài công đức của mình.
Sống ở đời, mỗi người đều phải làm việc để nuôi sống bản thân và chăm sóc gia đình, đó là bổn phận tự nhiên. Tiết kiệm, dành dụm phòng khi cơ nhỡ là việc chính đáng. Kiếm được nhiều tiền để cuộc sống thư thái, được thưởng thức những niềm vui lành mạnh, làm tăng chất lượng cuộc sống, cũng là điều được khích lệ. Nhưng Chúa muốn các môn đệ ghi nhớ về mục đích tối hậu cần phải đạt tới của những người theo Chúa là sự sống đời đời, chứ không phải chỉ chăm chăm thu tích của cải trần thế.
Tin Mừng hôm nay nói về dụ ngôn ông phú hộ dại khờ. Ông phú hộ nghĩ rằng: tiền bạc, của cải là tài sản có giá trị tuyệt đối. Với nhiều tài sản, ông tưởng rằng bản thân mình từ nay sẽ được sung sướng, được an toàn mạng sống. Ông tưởng mình đã tính toán khôn ngoan, nhưng ông không ngờ cái chết đến lúc đêm khuya, hay có thể có biết bao rủi ro khác xảy đến. Ông chợt nhận ra mình phải bỏ lại tất cả. Tài sản không níu được ông, cũng không vững như ông nghĩ. Những gì ông thu tích như giọt nước lọt qua kẽ tay. “Đồ ngốc! ngay đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, mọi điều ngươi đã sắm sẵn đó sẽ về tay ai?”. Tiền bạc, của cải, quyền lực, danh vọng, cuối cùng vẫn chỉ là phù vân (Gv 1,2), chẳng có nghĩa lý gì hết nếu người ta không biết sử dụng nó. Người ta làm việc mong kiếm được thật nhiều của cải để hưởng thụ. Nhưng chính sự sống, điều kiện để có thể thụ hưởng công lao mình làm ra lại không thuộc quyền quyết định của con người chúng ta. “Vì không phải dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu" (Lc 12,15).
Những dự định ông phú hộ cho là khôn ngoan thì Chúa Giêsu lại bảo đó dại khờ.
Nói về chuyện “khôn dại, dại khôn” ai cũng nhớ chuyện vua Salômon. Vua Salômon xem ra “dại” nhưng thực ra lại quá “khôn”. Chúa đã bảo: “Ngươi muốn gì cứ xin, Ta sẽ ban cho ngươi”. Ông dại quá, không xin giàu có, không xin sống lâu, không xin một thế lực hùng mạnh... mà lại xin khôn ngoan. Tuy nhiên, thực ra ông quá khôn, bởi vì Khôn ngoan là nền tảng và nguồn gốc của mọi thứ khác: nhờ khôn ngoan nên sau đó ông trở thành minh quân, triều đình ông vững bền, đất nước ông giàu mạnh... và nhất là ông được Thiên Chúa che chở bảo vệ.
Ông phú hộ dại khờ vì không phân định đâu là tài sản đích thực và đâu là tài sản tạm thời chóng qua, mau hư nát. Dại khờ vì ông nghĩ rằng có thể xây dựng cuộc đời mình trên nền tảng của cải nhưng nó chỉ là những thứ chóng tàn phai, nay còn mai mất. Dại khờ vì ông chỉ nghĩ đến của cải vất chất mà quên mất Thiên Chúa.
Kết thúc dụ ngôn, Chúa Giêsu dạy:  Hãy lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa.
Làm giàu trước mặt Thiên Chúa là trở nên giàu có như Chúa Giêsu, luôn "yêu thương, khiêm nhu, hiền từ, đại lượng" (Cl 3,12) và "trên tất cả là lòng mến, giềng mối của mọi trọn lành" (Cl 3,14).
"Lắm của cải đâu quý bằng danh thơm tiếng tốt, vàng với bạc nào trọng bằng được mến được thương" (Cn 22,1).Trong cuộc đời này, có biết bao người giàu tình thương, tự nguyện chăm lo cho bệnh nhân, chăm sóc trẻ em tật nguyền, cô nhi, tiếp đón người khổ đau bất hạnh, ưu tư lo lắng cho người sầu khổ, dấn thân phục vụ cho các hoạt động xã hội, bác ái và thăng tiến con người...
Có thể nói được là không ai giàu có, tự do, và mạnh mẽ hơn ‘người giàu trước mặt Chúa”, người mà niềm tin vào Chúa giúp họ vượt lên trên mọi tài sản trần gian, vì đã có “Chúa là nơi họ ẩn náu”(Tv 13,6). Vì thế, mối phúc đầu tiên được dành cho người nghèo, người “đặt niềm tin vào Đức Chúa, và có Đức Chúa làm chỗ nương thân” (Gr 17,7).  Người giàu trước mặt Chúa không phải là người có nhiều tài sản, mà là người tài sản chỉ đủ dùng nhưng biết lo tìm kiếm Nước Trời: “Chúng ta đã không mang gì vào trần gian, thì cũng chẳng mang gì ra được. Vậy nếu có cơm ăn áo mặc, ta hãy lấy thế làm đủ” (1Tm 6,7-8).
Phải biết coi trọng con người hơn tiền bạc. Tình người đáng giá hơn giàu sang phú quý. Tiền bạc rồi sẽ hết. Chẳng ai mang theo gia tài khi chết. Có chăng là tình yêu thương đã chia sẻ với tha nhân nơi trần thế này để trở nên "giàu có trước mặt Thiên Chúa" trên Thiên Quốc. Hãy sống quảng đại, mở rộng trái tim, mở rộng bàn tay để chia sẻ và cảm thông với mọi người, như thánh Phaolô khuyên dạy: “Hãy làm ơn làm nghĩa, hãy giàu có việc lành, hãy hào phóng, rộng rãi chia sẻ để tích trữ vốn liếng cho cuộc đời mai sau”.
Ai có thể được coi là ‘giàu có’ trước mặt Thiên Chúa? Phải chăng là các bậc tài cao học rộng, những người đạo đức thánh thiện, hay các vị chân tu đạo sĩ…? Đối với một thương gia thì ‘làm giàu’ là làm ra nhiều tiền của; đối với một nghệ nhân thì giàu là phát triển tài năng thiên phú; đối với nhà thông thái thì lại là trau dồi học thức uyên thâm…Còn ‘làm giàu trước mặt Chúa’ thì cũng tùy thuộc rất nhiều vào quan niệm chúng ta có về Thiên Chúa. Cựu Ước đề cao hình ảnh một Thiên Chúa quyền phép, thánh thiện, khôn ngoan, công minh. Các mẫu người ‘giàu trước mặt Thiên Chúa’ như Môsê hùng mạnh, như Êlia thánh thiện, như Salômôn khôn ngoan, như Đavít công minh… Chúa Giêsu khi kêu gọi hãy ‘lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa’, Ngài đang nói hình ảnh nào về Thiên Chúa? Thiên Chúa mà Đức Giêsu phác họa chắc chắn không thiếu các ưu phẩm trên. Nét nổi bật và độc đáo nhất mà Cựu Ước chưa hề có, hoặc mới chỉ được các ngôn sứ phác thảo chưa rõ ràng, đó là: Thiên Chúa nhân ái và đầy lòng xót thương, một Thiên Chúa cứu độ. Đây mới là nét chân dung trung thực nhất về Thiên Chúa mà Đức Kitô Giêsu, và chỉ duy nhất mình Ngài nói đến. Đó đồng thời cũng là bản chất của ‘vương quốc’ giàu sang mà Ngài công bố và mời gọi chúng ta hết lòng chăm lo tìm kiếm cho bằng được. Hiểu như thế: ‘làm giàu trước mặt Thiên Chúa’ theo cách nói của Đức Giêsu, còn cao xa hơn cả sống thánh thiện, khôn ngoan, công chính, làm phép lạ…nó phải là nội dung trung thực nhất của đời sống Kitô hữu; đó chính là đón nhận lòng nhân ái xót thương vô điều kiện Thiên Chúa ban và thực thi lòng nhân ái đó cách quảng đại đối với tha nhân. (Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty).
Khi bận tâm thu tích của cải, con người để lòng mình bị trần thế giam cầm, không còn được tự do tìm kiếm Thiên Chúa, ý nghĩa đích thực của đời mình. Chúa Giêsu dặn các môn đệ phải “làm giàu trước mặt Thiên Chúa”. Sự giàu có những giá trị Tin Mừng.  Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng: “Nếu tôi có thể giúp ít nhất là một người có đời sống tốt hơn, thì với việc đó thôi cũng đã đủ để làm thành lễ vật đời tôi rồi” (GE 274).
Thánh Phaolô diễn tả: “Anh em thân mến, nếu anh em đã sống lại với Đức Kitô, anh em hãy tìm những sự trên trời, nơi Đức Kitô ngự bên hữu Thiên Chúa…Quê hương đích thực của chúng ta là trời cao. Tại sao chúng ta xả thân miệt mài thu tích của cải dưới đất nơi mối mọt rúc rỉa? Hãy tìm kiếm những sự cao siêu hơn: Anh em hãy nghĩ đến những sự trên trời, chứ đừng nghĩ đến những sự dưới đất (Col 3,1-2). Của cải duy nhất đáng cho chúng ta tích luỹ là của cải của tâm hồn. Một tâm hồn quảng đại là một kho tàng. Có tâm hồn quảng đại là luôn “tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Kitô đang ngự bên hữu Thiên Chúa”.
Giáo huấn của Thánh Phaolô trong bài đọc 2 gởi tín hữu Côlôsê là: anh em đã mặc lấy con người mới, con người hằng được đổi mới theo hình ảnh Đấng Tạo Hoá. Đấng Tạo Hoá là Chân Thiện Mỹ. Hướng về Chân Thiện Mỹ, mọi người đều được nâng cao, trở nên con người đúng nghĩa hơn, trọn vẹn hơn, gần với Thiên Chúa hơn, giống Chúa Giêsu hơn.
Xin Chúa cho chúng ta đừng trở thành người dại mà phải nên người khôn trước mặt Thiên Chúa, để chúng ta biết tích luỹ của cải đời sau bằng cách sẵn sàng cho đi với lòng mến, “một tiếng yêu xin trao cho nhau”.
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
=================
Suy niệm 6
Bám víu vào ai và cái gì ?
(Lc 12,13-21)
"Hư không trên các sự hư không, và mọi sự đều hư không" (Gv 1,2). Lời của ông Côhelét khiến chúng ta suy nghĩ. Côhelét là ai vậy? Ông tự xưng mình là con vua Đavít, vua ở Giêrusalem. Chỉ có Salomon con vua Đavít là vua Giêrusalem thôi. Nhưng tại sao ông lại bảo mình là Côhelét? Côhelét có nghĩa là "cộng đoàn". Tác giả muốn nhân danh cộng đoàn dân Chúa mà giảng dạy. Ông suy tư về sự khôn ngoan và lẽ sống ở đời, mà Salomon làm tổ phụ nổi tiếng về lẽ khôn ngoan.
Lẽ sống ở đời
Có người đặt câu hỏi: Khôn ngoan gì mà viết "Hư không trên các sự hư không, và mọi sự đều hư không" (Gv 1,2), xem ra có vẻ yếm thế.
Tác giả nói đến công lao khó nhọc, vận dụng tay chân, trí óc ra để xây dựng cơ đồ, và giờ đây tự hỏi: công trình ấy sẽ để lại cho ai, sẽ rơi vào tay người nào? Phần ông chắc chắn sẽ chẳng mang theo được gì và không hiểu sẽ đi về đâu? Nghĩ như vậy mà không thấy hết thảy là hư không sao?
Tác giả không có bi quan, yếm thế mà chỉ khắc khoải. Ông không hề tiếc vì đã lao nhọc. Ông không buồn vì đã trổ tài khôn ngoan. Ông chỉ ưu tư thắc mắc: sự nghiệp ấy rồi sẽ rơi vào tay ai? Chắc chắn người nào đó không khó nhọc làm nên sẽ hưởng dùng. Rồi người làm ra nó sẽ đi về đâu sau khi từ giã cuộc đời? Người ta có thể dựa vào đó để suy nghĩ rằng cuộc đời chẳng có gì đáng sống; rồi lao nhọc làm gì để rồi ra đi với hai bàn tay không? Nhưng đó không phải là ý nghĩa của tác giả sách Giảng viên.
Điều mà tác giả sách Giảng viên khuyên chúng ta không nên thiển cận chỉ biết ngày hôm nay, sống và bám víu với cái tạm bợ, nhưng phải nhìn xa về tương lai. Phải nhìn cao hơn bình diện đời này, để xây dựng không uổng phí và sự nghiệp khỏi trở thành hư không. Ðó cũng là ý tưởng mà Chúa Giêsu nói với chúng ta hôm nay.
Cái tạm thời
Một hôm, Đức Giêsu đi ngang qua dòng người, ở giữa đám đông vây quanh Người, với tất cả khổ đau và kêu cứu. Một người trong nhóm họ lên tiếng thưa : "Lạy Thầy, xin Thầy bảo anh tôi chia gia tài cho tôi" (Lc 12, 13). Đức Giêsu bỗng dưng bị đặt làm trọng tài giữa hai người trong tương quan nhân loại. Có người hỏi : vì lý do gì mà người kia lại thưa với Đức Giêsu một điều như thế, Người đâu phải là một quan tòa chuyên xử các vụ chia cắt gia tài của các gia đình ? Chúng ta không vội kết án người này. Anh ta có hai lần đúng khi chạy đến nhờ Đức Giêsu. Trước hết đối với Đức Giêsu không có gì vô nghĩa, thứ đến Đức Giêsu với tư cách là Thầy, Người hoàn toàn có quyền làm trọng tại để giải quyết cho anh vấn đề anh nêu ở trên, nên chạy đến Người cầu cứu!
Tuy nhiên Đức Giêsu nhanh chóng gạt đi và dứt khoát từ chối can thiệp vào những chuyện như thế: "Hỡi người kia, ai đã đặt Ta làm quan xét, hoặc làm người chia gia tài cho các ngươi? " (Lc 12,14). Đức Giêsu không can thiệp, nhưng Người lại chỉ cho cách cần phải giải quyết những vấn đề đó với tinh thần nào: "Các ngươi phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, vì không hễ ai được dư giả, thì mạng sống người ấy nhờ của cải mà được bảo đảm đâu" (Lc 12,15).
Cái bền vững
Thật khôn ngoan khi biết rằng thế giới mà chúng ta đang sống không mang lại ý nghĩa tối hậu chúng ta tìm kiếm trong cuộc đời. Nhưng cũng thật sai lầm khi để mình bị giam hãm trong sự phi lí của thế gian này. Thánh Phaolô trong bài đọc II mời gọi chúng ta tìm kiếm những sự cao siêu trên trời (x. Cl  3, 1).
Câu hỏi được đặt ra: chúng ta đang bám víu vào ai và cái gì ? Dụ ngôn Đức Giêsu kể trên dành cho chúng ta là những người, đang tiêu tan cho những dự án và lo lắng mà không biết rằng thế giời này là hư không (ý nghĩa văn chương hư không có nghĩa là hơi nước đọng lại, phù du), chúng ta hy vọng sẽ thỏa mãn và  ổn định lâu dài. Một ngày kia, người giầu tỉnh giấc, đau buồn vì của cải thế gian này không còn là của ông nữa.
Người nhà giầu bị trách là “ngu dại”, không phải vì ông thu góp của cải. Những của cải, vật chất đời này không phải là xấu, nhưng tự bản chất, chúng không có giá trị bền vững. Xấu ở chỗ lòng ông bám víu trọn vẹn vào chúng mà quên đi cái được cái mất và ý nghĩa cuộc đời. Ông muốn "nghỉ ngơi", ông muốn bình an "trong nhiều năm" (x. Lc 12,19). Liệu có phải là mục đích cuộc đời của ông không? Và tại sao? Ông có chắc rằng ông có thể tự cho mình nghỉ ngơi vui chơi không ? Những thứ mà ông đang sở hữu có mang lại bình an và niềm vui không? " Đó chính là lý do Đức Giêsu gọi ông là "kẻ ngu dại" (Lc 12,20). Vì hạnh phúc bền lâu không đến từ thế gian này mà đến từ Thiên Chúa. Ông đã nhầm khi chọn cái tạm bợ (đời này) làm chỗ dựa bền vững.
Mỗi lần "kẻ ngu dại" trong Tin Mừng xuất hiện là một lần Thánh Phaolô hỏi chúng ta về vấn đề này: trong cuộc đời, chúng ta có "bê tha, nhơ bẩn, dục vọng, ước muốn xấu và thèm khát hưởng thụ không ?" Chúng ta có chắc rằng "Hư không trên hết các sự hư không?" Trong đời ta có còn những thần tượng tạm bợ ở đời này không ? Đây là lúc chúng ta gạt bỏ "những thủ đoạn của người xưa", vì ngu dại chọn lựa sự hư không khi Đức Kitô trao ban cho chúng ta những phương tiện để xây dựng trên sự bền vững.
Đức Giêsu và tác giả Sách Giảng Viên nhắn nhủ chúng ta hay rằng, tất cả là hư không, là lầm lẫn khi con người chỉ lo tìm địa vị, quyền hành và đặt hết tin tưởng của mình vào những sự vật chóng qua, mà lại sao nhãng việc tích trữ các của cải thiêng liêng, thực thi các việc lành phúc đức bác ái, thì chỉ là những kẻ dại dột và thua thiệt. Vì một ngày kia, khi chết, chúng ta sẽ làm được gì với những thứ của cải vật chất chúng ta từng ký cóp cả đời ? Chúng ta đã trang bị, sửa soạn cho mình được những gì khi phải ra trước tòa Thiên Chúa? Mọi vất vả khó nhọc của những kẻ sống như thế sẽ hoàn toàn hư không!
Đây là một lời dạy khôn ngoan luôn mang tính thời sự. Vì trong thời đại chúng ta, nhiều người lãng quên các giá trị tinh thần vĩnh cửu và cố chạy theo tìm kiếm cái tạm thời mau qua và chóng hết.
Thánh Gioan Maria Vianey nói: "Không có gì vững bền cả. Đời sống sẽ qua đi... danh giá cũng sụp đổ, của cải rồi sẽ tiêu tan, sức khỏe cũng bị tấn công, chúng ta ra đi như làn gió. "
Lạy Chúa, xin giúp chúng con biết tìm kiếm và tích lũy những thực tại của Nước Chúa. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Giáo Xứ Cát Ngòi: Thánh lễ và đêm Hoan Ca Mừng Chúa Giáng Sinh 2024
Giáo Xứ Cát Ngòi: Thánh lễ và đêm Hoan Ca Mừng Chúa Giáng Sinh 2024
Trong bầu khí linh thiêng của đêm cực thánh, đêm mà nhân loại được đón chờ Ngôi Hai xuống thế làm người, như một sự an ủi, khiến con người ta tạm quên đi những lo âu thường ngày, giáo xứ Cát Ngòi đã long trọng tổ chức đêm hoan ca – diễn nguyện và Thánh lễ mừng Chúa Giáng Sinh vào tối ngày 24.12.2024.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log