=================
Suy niệm 2
NGƯỜI NGHÈO ‘HỮU DANH’, NGƯỜI GIÀU ‘VÔ DANH’
Trong thời đại hiện nay, giới giàu có, nổi tiếng thường được xướng tên (hữu danh), còn người nghèo thì ‘vô danh tiểu tốt’. Thế nhưng, trong Tin Mừng hôm nay, dụ ngôn ‘La-za-rô và ông phú hộ’, lại trái ngược: kẻ giàu có ‘vô danh’, còn người hành khất nghèo cùng đinh thì ‘hữu danh’ - La-za-rô (cũng nên biết nghĩa của hạn từ này trong tiếng Do Thái là: Thiên Chúa cứu giúp). Điều này cho chúng ta hiểu rõ hơn rằng: người nghèo, người bị loại ra bên lề xã hội, khách ngoại kiều được Thiên Chúa đoái trông cách đặc biệt.
Qua dụ ngôn ‘anh hành khất La-za-rô và ông phú hộ giàu có’, thiết nghĩ chúng ta phải khẳng định: Tin Mừng không đả kích người giàu có hay sự giàu có phong nhiêu, cũng không ‘cấp giấy thông hành’ cho người nghèo khổ vào Nước Trời, hoặc cứ sống nghèo khó đi thì sẽ được vào Thiên Đàng, còn nếu giàu có thì xuống hoả ngục đời đời kíp kíp!
Ông phú hộ giàu có chẳng được hưởng hạnh phúc Nước Trời, mà bị thiêu đốt dưới hỏa ngục, không phải vì ông ta giàu có. Đúng hơn, bởi lẽ ông dửng dưng, thờ ơ trước người hành khất La-za-rô “nằm bên cổng nhà ông” (x. Lc 16, 20), anh ta nghèo đến độ “chỉ có mấy con chó đến liếm ghẻ chốc”, và “ước được những mụn bánh từ bàn ăn rớt xuống, ăn cho đỡ đói” (x. Lc 16, 21) mà chẳng ai cho. Đâu phải vì ông không biết đến người hành khất La-za-rô, bởi chưng hằng ngày trước mắt ông, kẻ nghèo khó này nằm van nài, chỉ xin những mẫu bánh vụn rơi từ bàn ăn, mà theo lẽ thường, dành cho cún con; nhưng lối sống xa hoa, yến tiệc linh đình khiến ông ta chai sạn trước nỗi thiếu thốn của người hành khất La-za-rô. Cung cách giàu sang, lụa là gấm vóc khiến mắt ông đui mù trước sự thống khổ của đồng loại. Cuộc sống sung túc đưa ông tới thái độ ‘mackeno’ (mặc kệ nó), không hề mảy mảy quan tâm đến người nghèo khó La-za-rô. Chính những điều này lôi ông ta xuống hoả ngục, và đã tạo khoảng cách quá lớn ngay lúc còn sống trên dương gian, cũng như khoảng cách sâu thẳm, không thể nào kết nối, không thể nào thông giao ở đời sau: “Vả chăng, giữa các ngươi và chúng tôi đây đã có sẵn một vực thẳm, khiến những kẻ muốn từ đây qua đó, không thể qua được, cũng như không thể từ bên đó qua đây được” (Lc 16, 26).
Đến đây, chúng ta nhớ lại bài giảng của Thánh Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô IItrong chuyến viếng thăm Hoa Kỳ lần đầu tiên vào ngày 2.10.1979, ngài khẳng khái: “Chúng ta không thể thờ ơ vui hưởng của cải và tự do của mình, nếu ở bất cứ đâu, người nghèo khó La-za-rô của thế kỷ XX vẫn còn đang đứng chờ chúng ta ngoài cửa...Các bạn đừng bao giờ bằng lòng với hành vi chỉ cho họ những mẩu bánh vụn nơi bàn tiệc. Các bạn chỉ nên lođủ phần chính yếu của cuộc sống mà thôi, chứ đừng tìm cách sống cho sung túc dư dật, để nhờ đó các bạn có thể giúp đỡ những người nghèo khổ. Đồng thời, các bạn hãy đối xử với họ như những thực khách trong gia đình các bạn”. Thật vậy, thông điệp này còn vang vọng đến ngày nay trong thế kỷ XXI, thời đại bùng nổ, phát triển vượt bậc, nhưng tạo ra biết bao khoảng trống nội tâm, thái độ-lối sống dửng dưng, hờ hững trước đồng loại, bị cô lập, chông chênh giữa xa lộ công nghệ mang tên ‘kết nối’, nhưng thực chất nó đẩy con người xa nhau, rơi vào thế giới ‘ảo tưởng’ hơn là ‘tiếp xúc trực diện với anh chị em và thực tế cuộc sống’. Tuy nhiên, cũng nên nói tới đôi nét về anh hành khất La-za-rô, chẳng phải vì nghèo mà anh được vào Nước Trời đâu. Dẫu nghèo cùng đinh, chỉ có mấy chú chó lân la đến bầu bạn, liếm ghẻ chốc, nhưng anh sống yên lòng, chẳng ‘than thân trách phận’, phàn nàn, ca thán, trách móc, đổ lỗi cho trời, cho xã hội, cho người khác. Nhờ lối sống này, mà anh được vào hưởng hạnh phúc viên mãn như lời Tổ phụ Áp-ra-ham bộc bạch: “Hỡi con, suốt đời con, con được toàn sự lành, còn La-za-rô gặp toàn sự khốn khổ. Vậy bây giờ La-za-rô được an ủi ở chốn này, còn con thì chịu khốn khổ” (Lc 16, 25).
Vậy, đối diện với Lời Chúa hôm nay, chúng ta nên bắt đầu sống ra sao? Chúng ta phải sống giới răn yêu thương ‘mến Chúa, yêu người’ cách cụ thể. Thứ đến, quảng đại biết chia san với tha nhân dựa trên những gì mình có (không chỉ vật chất, tiền bạc, của cải, mà còn nụ cười, lời nói động viên, khuyến khích, thời gian, tài năng, khả năng, trí lực,…). Và để hân hoan thực hành những điều trên, chúng ta cần “chiến đấu trong cuộc chiến chính nghĩa của đức tin” (x. 1Tm 6, 12). Chẳng phải nổ súng, tấn công, giết kẻ thù, mà đúng hơn ‘chiến đấu với chính mình’, chiến đấu với thói quen xấu, chiến đấu với đam mê, chiến đấu với thái độ-lối sống dửng dưng, thờ ơ, chiến đấu với cách nhìn-nghĩ suy gây tổn hại đến bản thân cũng như tha nhân, v.v…Và trên hết, chúng ta hãy bắt đầu ngay bây giờ, khởi sự từ gia đình mình như Mẹ Thánh Tê-rê-sa Cal-cút-ta nhắn nhủ: “Tôi luôn nghĩ rằng tình thương phải bắt đầu từ gia đình mình trước, rồi đến khu xóm,…Yêu thương những ai ở xa thì rất ư dễ dàng, nhưng thương yêu những người đang sống với mình hoặc đang ở sát cửa nhà mình mới là khó…Tôi không bao giờ nhìn những đám đông như thể trách nhiệm của tôi. Tôi chỉ nhìn đến những cá nhân, bởi vì mỗi lần tôi chỉ yêu thương được một người, mỗi lần tôi chỉ nuôi được một người. Tôi đã đưa một người về nhà, nhưng nếu tôi không đưa một người ấy về nhà thì tôi đã không đưa 42.000 người về nhà. Toàn thể công việc của tôi chỉ là một giọt nước trong đại dương. Nhưng nếu tôi không góp một giọt nước ấy thì đại dương sẽ thiếu đi một giọt”.
Lm. Xuân Hy Vọng
=================
Suy niệm 3
Thay đổi cách sống để được vào Nước Trời
(Lc 16, 19-31)
Phụng vụ Lời Chúa hôm nay trình bày cho chúng cách sống của những người giầu sang phú quý (Am 6, 1a), cụ thể là nhà phú hộ “người phú hộ vận toàn gấm vóc, lụa là, ngày ngày yến tiệc linh đình” (Lc 16,19) tương phản với cách sống của của Lagiarô, vị hành khất nghèo nằm trước cửa nhà ông, mình đầy ghẻ chốc, ước được những mụn bánh từ bàn ăn rớt xuống để ăn cho đỡ đói, nhưng không ai thèm cho” (Lc 16,20). Số phận của họ sẽ rõ ràng sau khi chết. Lời Chúa mời gọi chúng ta quan sát cách sống của những người trên để mà sống sau cho có cái kết hậu.
Những người giầu
Chúa Nhật tuần trước, tiên tri Amos đã nói đến những con người buôn bán muốn làm giàu bằng cách bóc lột người nghèo. Hôm nay, Amos nói đến hạng người có thế lực, mà người phú hộ trong bài Tin Mừng Luca là một tiêu biểu. Ông mô tả nếp sống của những người có thế giá, địa vị trong xã hội “người phú hộ vận toàn gấm vóc, lụa là, ngày ngày yến tiệc linh đình” (Lc 16,19); “Họ nằm ngủ trên giường ngà, mê đắm trên Giáo Hộiế dài: ăn những chiên con trong đoàn và bê béo trong đàn và ca hát theo tiếng đàn cầm thụ: người ta nghĩ mình như Đavid… dùng chén lớn uống rượu, lấy dầu hảo hạng xức lên mình” (Am 6, 4-7).
Chúng ta biết rằng, chiên, cừu, bê là những vật thường được dùng đặt trên bàn thờ nơi đền thánh để dâng lễ; nay nằm trên bàn ăn của hạng giàu có. Họ đã biến phòng ăn của họ trở nên như đền thờ, nghêu ngao dạo nhạc như Ðavít. Chén lớn và dầu hảo hạng, dân Do thái dùng để xức vào các dịp lễ lớn tại Đền thờ, nay họ đùng chén và dầu này để uống và xức, quả là phạm thánh. Người Do thái không có vừa ăn vừa nằm thõng thượt. Chỉ có người Hy lạp với làm thế. Đây là hình ảnh ngoại lai. Thực tế, con người và đời sống đạo của những người trên là như thế đó. Chúa của họ bây giờ là "cái bụng" cũng như đối với những kẻ đang làm giàu: tiền mới là chúa tể. Họ chỉ biết ăn uống, chứ đâu có để mắt tới đồng bào, đồng loại, sống chết mặc bay.
Lagiarô
Nhà phú hộ trong dụ ngôn Chúa Giêsu nói đây và người phú quý mà Amos mô tả, tương phản với anh Lagiarô nghèo.
Chi tiết “người phú hộ vận toàn gấm vóc, lụa là, ngày ngày yến tiệc linh đình” (Lc 16,19) chứng tỏ đây là người không có nhân đức chừng mực ; nhưng không nói ông đã làm giầu cách bất lương: ông dùng của cải ông có. Lagiarô có nghĩa là (Thiên Chúa cứu giúp). Người nghèo là người đang cần được và sẽ được Thiên Chúa cứu giúp; đến bầy chó hoang, thường chỉ đi xâu xé, thế mà cũng đến liếm các ung nhọt cho Lagiarô. Và điều này càng nói lên sự bất nhân của nhà phú hộ. Nếu có điều kiện ông sẽ chè chén, đó là việc làm của ông ; nhưng ông không nhận ra anh Lagiarô nghèo nằm ở cổng nhà mình là một điều không thể chấp nhận được. Và Thiên Chúa toàn năng phán : “Khốn cho các người là những kẻ phú quý ở Sion... vì chẳng thương hại gì đến nỗi băn khoăn của Giuse” (Am 6, 1a).
Đời sống ích kỷ khiến người giầu chỉ chú ý đến mình, qui mọi sự về mình, bị mắc kẹt trong sự thờ ơ, trở thành tù nhân của nhà tù mạ vàng của chính mình, mù quáng trước nhu cầu của người đồng loại, và điếc trước tiếng gọi của Thiên Chúa từ nhân.
Sự kiện bất ngờ ập đến nhà phú hộ và anh Lagiarô nghèo là cả hai cùng chết, cùng chịu xét xử. Bản án thật nghiêm khắc : người nghèo vui mừng và đầy tràn hoan lạc, được đem vào lòng Abraham, vui mừng giữa triều thần thánh. Người Do Thái quan niệm rằng các người công chính sau khi chết, sẽ được các thiên thần đưa lên trời dự tiệc, giữa cộng đoàn dân Chúa có tổ phụ Abraham chủ tọa. Và ai cũng được yêu, càng được ngồi gần vị tổ phụ. Kiểu nói "ngồi trong lòng Abraham" chỉ muốn diễn tả chỗ ngồi đặc biệt và tình âu yếm ấy. Còn nhà phú hộ được đem chôn vào lòng đất (x, Lc 16,22). Mỗi người bắt đầu cuộc sống của mình sau cái chết: người nghèo được tách khỏi thế gian này, anh được cất nhắc lên trời; người giầu khám phá ra sự hư không của một cuộc đời với những thú vui trần thế.
Thật đáng ngạc nhiên khi tình thế hoàn toàn bị đảo ngược sau khi chết, cuộc đối thoại giữa Abraham và người giầu khẳng định điều đó : nhà phú hộ đau khổ tột cùng, ông nài xin Lagiarô cho ông một chút nước để làm mát lưỡi. Thật không thể nào hiều nổi một ‘vực thẳm’ ngăn cách, khiến người ta không thể bắc cầu mà qua, hay làm được một cử chỉ nào với lòng thương xót. ‘Vực thẳm không thể qua được này’ đề cập đến sự cần thiết phải hoán cải ngay lập tức.
Thay đổi cách sống để được vào dự tiệc Nước Trời
Dụ ngôn kết thúc, như một lời nhắc nhở hữu ích về ảo tưởng của sự giầu sang. Cần phải đặt mình trong tương quan với tha nhân.
Nhà phú hộ xin với Cha Abraham, nếu không bớt được đau khổ cho ông thì ít ra cũng cảnh báo anh em ông khỏi rơi vào cảnh buồn tủi thế này. Câu trả lời của tổ phụ Abraham nại đến “Môisen và các tiên tri” sẽ thức tỉnh lương tâm họ : nhưng theo nhà phú hộ thì các chứng nhân Cựu Ước không đủ để thức tỉnh anh em ông về sự quyến rũ của thế gian này. Nên ông nài nỉ : “Nhưng nếu có ai đó trong kẻ chết hiện về với họ, thì ắt họ sẽ hối cải” (Lc 16,30). Lời khước từ của Abraham khép lại dụ ngôn ngay lập tức: “Nếu chúng không chịu nghe Môisen và các tiên tri, thì cho dù kẻ chết sống lại đi nữa, chúng cũng chẳng chịu nghe đâu” (Lc 16,31).
Rõ ràng : nếu chúng ta từ chối nghe lời Thiên Chúa không ngừng sám hối ăn năn, cứ đóng kín lòng mình trong sự ích kỷ của cái tôi, không nghĩ đến người khác, chúng ta sẽ không thể gia nhập cộng đoàn huynh đệ đã được Đức Kitô Phục sinh khai mở.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
=================
Suy niệm 4
QUAN TÂM PHỤC VỤ NGƯỜI BẤT HẠNH
Am 6,1a.4-7 ; 1 Tm 6,11-16 ; Lc 16,19-31
I. HỌC LỜI CHÚA
1. TIN MỪNG: Lc 16,19-31
(19) Có một ông nhà giàu kia, mặc toàn lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình. (20) Lại có một người nghèo khó tên là La-da-rô, mụn nhọt đầy mình, nằm trước cổng ông nhà giàu, (21) thèm được những thứ trên bàn ăn của ông ấy rớt xuống mà ăn cho no. Lại thêm mấy con chó cứ đến liếm ghẻ chốc anh ta. (22) Thế rồi người nghèo này chết, và được thiên thần đem vào lòng ông Áp-ra-ham. Ông nhà giàu cũng chết và người ta đem chôn. (23) Dưới âm phủ, đang khi chịu cực hình, ông ta ngước mắt lên, thấy tổ phụ Áp-ra-ham tận đàng xa, và thấy anh La-da-rô trong lòng tổ phụ. (24) Bấy giờ ông ta kêu lên: “Lạy tổ phụ Áp-ra-ham. Xin thương xót con, và sai anh La-da-rô nhúng đầu ngón tay vào nước nhỏ trên lưỡi con cho mát. Vì ở đây con bị lửa thiêu đốt khổ lắm”. (25) Ông Áp-ra-ham đáp: “Con ơi, hãy nhớ lại: Suốt đời con, con đã nhận phần phước của con rồi. Còn La-da-rô suốt một đời chịu toàn những bất hạnh. Bây giờ, La-da-rô được an ủi nơi đây, còn con thì phải chịu khốn khổ. (26) Hơn nữa, giữa chúng ta đây và các con đã có một vực thẳm lớn, đến nỗi bên này muốn qua bên các con cũng không được. Mà bên đó có qua bên chúng ta đây cũng không được”. (27) Ông nhà giàu nói: “Lạy tổ phụ, vậy thì con xin tổ phụ sai anh La-da-rô đến nhà cha con. (28) Vì con hiện còn năm người anh em nữa. Xin sai anh đến cảnh báo họ, kẻo họ lại cũng sa vào chốn cực hình này. (29) Ông Áp-ra-ham đáp: “Chúng đã có ông Mô-sê và các ngôn sứ, thì chúng cứ nghe lời các vị đó”. (30) Ông nhà giàu nói: “Thưa tổ phụ Áp-ra-ham, họ không chịu nghe đâu. Nhưng nếu có người từ cõi chết đến với họ, thì họ sẽ ăn năn sám hối”. (31) Ông Áp-ra-ham đáp: “Ông Mô-sê và các ngôn sứ mà họ chẳng chịu nghe, thì người chết có sống lại, họ cũng chẳng chịu tin đâu”.
2. Ý CHÍNH:
Tin mừng hôm nay thuật lại câu chuyện về một ông nhà giàu và người hành khất La-da-rô nghèo khó. Ông nhà giàu thì ăn mặc sung sướng đang khi La-da-rôcó cuộc sống rất tồi tệ. Nhưng sau khi cả hai đều chết đã được Thiên Chúa xét xử công bình: La-da-rôthì được an ủi ngồi trong lòng tổ phụ Áp-ra-ham, đang khi ông nhà giàu phải chịu đau khổcùng cực trong hỏa ngục.
3. CHÚ THÍCH:
- C 19-21: + Có một ông nhà giàu kia, mặc toàn lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình: Dụ ngôn này lấy từ hình ảnh quen thuộc trong xã hội Do thái có những người giàu sống tách biệt với người nghèo.+ Lại có một người nghèo khó tên là La-da-rô: Đối nghịch với hình ảnh người nhà giàu kia là hình ảnh La-da-rô nghèo khó khốn khổ. Anh này làm nghề hành khất, người đầy bệnh hoạn và tứ cố vô thân. La-da-rô hay Ê-lê-a-da-rô nghĩa là “Thiên Chúa giúp”, ý nói anh ta chỉ còn biết trông chờ một mình Thiên Chúa giúp đỡ mà thôi. + Mụn nhọt đầy mình... Lại thêm mấy con chó cứ đến liếm ghẻ chốc anh ta: trong Kinh thánh, chó bị coi là con vật ghê tởm và dữ tợn (x. Tv 22,17.21; Mt 7,6). Kiểu diễn tả “ước được những mụn bánh” và “chó đến liếm ghẻ chốc” nhằm làm nổi bật cảnh khốn cùng của La-da-rô và sự thờ ơ ích kỷ của ông nhà giàu.
- C 21-24: + Dưới âm phủ: Theo quan niệm của một số giáo phái Do thái: Người chết bị vào trong âm phủ và tạm thời được xếp thành 2 loại: Loại một gồm những người công chính được Chúa an ủi và được ngồi dự tiệc trong lòng tổ phụ Áp-ra-ham (x. Lc 23,43). Loại hai gồm những kẻ vô tâm bất tín bị lửa hồng thiêu đốt rất đau đớn. Nhưng cả hai đều phải chờ đến ngày tận thế để được phán xét chung. Sau đó kẻ lành sẽ được hưởng hạnh phúc Nước Trời vĩnh viễn và kẻ dữ sẽ bị phạt trong hỏa ngục muôn đời. + Thấy La-da-rô trong lòng tổ phụ: “Ngồi trong lòng tổ phụ” là một chỗ vinh dự trong bữa tiệc do tổ phụ Áp-ra-ham chủ tọa. Sau này trong bữa tiệc ly, Gio-an cũng được vinh dự “tựa đầu vào lòng Đức Giê-su” (Ga 13,23). + “Lạy tổ phụ Áp-ra-ham, xin thương xót con”...: Cuộc đối thoại giữa người giàu có với tổ phụ Áp-ra-ham cho thấy số phận của con người ở thế giới bên kia tùy thuộc vào cuộc sống của họ khi còn ở trần gian.
- C 25-26: + “Bây giờ La-da-rô được an ủi nơi đây, còn con thì phải chịu khốn khổ”: Người giàu có bị trừng phạt vì khi còn sống đã không sử dụng của cải theo thánh ý Chúa. Còn người nghèo khó được thưởng vì đã chấp nhận sống tinh thần nghèo khó. Cái chết sẽ làm đảo ngược vị trí của người giàu và kẻ nghèo. Chỉ nhờ ơn Chúa thì những người giàu có mới có thể được cứu độ (X. Lc 18,24-27). Nhưng không phải bất cứ người nghèo nào cũng đương nhiên được hưởng lòng Chúa thương xót. Nếu nghèo mà không có tinh thần siêu thoát đối với tiền bạc của cải, thì số phận của họ cũng sẽ bị diệt vong (x. Lc 12,15 ; Mt 19,29). + “Giữa chúng ta đây và các con đã có một vực thẳm lớn”...: Vực thẳm lớn không thể vượt qua, biểu tượng cho tính dứt khoát của số phận của những người được hưởng hạnh phúc hay sẽ phải chịu đau khổ trong thế giới kẻ chết.
- C 27-31: + “Vậy thì con xin tổ phụ sai anh La-da-rô đến nhà cha con”: Ông nhà giàu muốn dùng kinh nghiệm bản thân của mình để cảnh báo những anh chị em đang sống chung dưới cùng một mái nhà của cha ông. + “Chúng đã có ông Mô-sê và các ngôn sứ”...: Sự cảnh báo về việc sử dụng của cải đã hàm chứa trong Luật pháp Mô-sê và Lời Chúa do các ngôn sứ tuyên sấm, đủ thuyết phục họ sửa đổi thói ích kỷ và biết quảng đại nhường cơm sẻ áo cho những người nghèo đói khác. Vì thế nếu những người giàu có đã không hồi tâm sám hối, không phải vì họ đã không có đủ các phương thế giúp ăn năn hối cải, nhưng chỉ vì họ đã cố tình từ chối thi hành các phương thế ấy mà thôi. + “Nhưng nếu có người từ cõi chết đến với họ, thì họ sẽ ăn năn sám hối”: Ở đây ông nhà giàu muốn dùng việc kẻ chết hiện hồn về để đánh động lòng sám hối của các người anh em còn sống. + “Ông Mô-sê và các ngôn sứ mà họ còn chẳng chịu nghe, thì người chết có sống lại, họ cũng chẳng chịu tin đâu”: Câu này là cốt tủy của dụ ngôn. Dù lời dạy của Mô-sê và lời các ngôn sứ không phải là những phép lạ và chỉ nhằm để thúc đẩy người ta tin, nhưng đó cũng chính là Lời Chúa phán trong Thánh kinh (x. Lc 24,27.44). Ở nơi khác, Đức Giê-su cũng nói đến sự vô hiệu của các phép lạ (x. Lc 10,13). Người cũng khẳng định các dấu chỉ thiêng liêng có giá trị hơn các phép lạ bên ngòai, khi nói: “Anh em hãy tin vào Thầy” (Ga 14,11.12) và: “Phúc thay những người không thấy mà tin” (Ga 20,29b).
4. CÂU HỎI: 1) Câu nào diễn tả cảnh khốn cùng của người nghèo khó La-da-rô? 2) Bài Tin mừng hôm nay dựa theo quan niệm của Do thái giáo: chia người chết thành hai lọai người nào? 3) Phải chăng người giàu có ở đời này sẽ đương nhiên chịu hình phạt ở đời sau và người nghèo khó ở đời này đương nhiên sẽ được hưởng hạnh phúc ở đời sau? 4) Câu nào cho thấy tổ phụ Áp-ra-ham không cho phép La-da-rô hiện hồn về để nhắc bảo các anh em của ông nhà giàu? Tại sao ?
II.SỐNG LỜI CHÚA
1. LỜI CHÚA: “Có một ông nhà giàu kia, mặc toàn lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình. Lại có một người nghèo khó tên là La-da-rô, mụn nhọt đầy mình, nằm trước cổng ông nhà giàu” (Lc 16,19-20).
2. CÂU CHUYỆN:
1) PHIM "NHỮNG ĐỨA TRẺ KHỐN KHỔ":
Một cô gái quê lên tỉnh đi tìm việc làm và đã bị kẻ gian lừa đến chỗ đã mang thai ngoài ý muốn. Sau đó do không thể vừa đi làm vừa nuôi con thơ, cô đành gởi con cho một chủ quán nhà trọ nuôi giúp. Người chủ quán này là kẻ vô lương tâm, đã lợi dụng hoàn cảnh khó khăn của bà mẹ trẻ để ra sức bòn rút bóc lột: nay hắn đòi phải đưa thêm tiền sữa tăng giá, mai lại đòi tiền thuốc chữa bệnh cho đứa con. Bà mẹ trẻ chỉ còn biết nhịn ăn nhịn tiêu để chi trả những số tiền vượt kế hoạch. Khi không còn gì để trả, chị ta đành phải cắt mái tóc óng mượt đẹp đẽ của mình mang đi bán. Rồi sau đó lại phải nhổ từng cái răng để bán tiếp… và chỉ một thời gian ngắn sau đó chị biến thành một phụ nữ ốm đói quần áo lôi thôi rách rưới, mặt mũi xấu xí và bị mọi người khinh dể xa lánh như một mụ điên. Sau đó chị bị viên quản đốc thẳng tay đuổi ra khỏi chỗ làm giữa một buổi sáng mùa đông giá lạnh, phải co ro trong chiếc áo rách, vừa đi vừa ôm ngục ho sù sụ… Lần khác chị bị một đám đông hè nhau xô té xuống lề đường và thay nhau hò hét đấm đá... Khi xem phim, có lẽ nhờ đã hiểu biết về hoàn cảnh cùng cực của bà mẹ trẻ khiến nhiều ngừoi chúng ta cảm thương, đang khi do thiếu hiểu biết mà nhiều kẻ đã đang tâm hành hạ chị không chút thương tiếc.
Còn chúng ta thì sao ? Có khi nào chúng ta đã làm ngơ trước nỗi đau của tha nhân, thậm chí còn vào hùa với kẻ gian ác để chế diễu hay hành hạ những kẻ điên loạn nghèo đói gặp phải giữa đời thường hay không ?
2) CHO THÌ CÓ PHÚC HƠN LÀ NHẬN:
Ngày nọ, một cậu bé dòng dõi quí tộc đang đi chung với một người giám hộ dọc theo bờ ruộng của gia đình, trong thửa ruộng đó, có một bác nông dân đang làm việc cày bừa cho nhà cậu. Bác tá điền đã để đôi giày ủng trên bờ ruộng. Cậu bé tinh nghịch muốn giấu đôi giày ủng ấy để trêu chọc người nông dân. Bấy giờ người giám hộ đã khuyên bảo cậu bé rằng: "Con đừng làm cho người tá điền nghèo khổ kia buồn phiền, nhưng hãy làm cho ông ta vui mừng thì tốt hơn. Thầy khuyên con thay vì giấu giày đi thì con hãy bỏ tiền vào trong mỗi chiếc ủng, chúng ta sẽ đến núp trong đám bụi cây đằng kia để xem phản ứng của người nông dân thế nào?" Cậu bé liền làm theo lời thầy dạy. Chờ tới lúc người nông dân quay lưng đi chỗ khác, cậu đã lén đến gần đôi ủng và bỏ vào trong mỗi chiếc một quan tiền.
Một lát sau, khi đến giờ nghỉ trưa, người nông dân đến gần đôi giày và xỏ chân vào giày, ông ta vui mừng khi khám phá ra có hai quan tiền trong đôi giày ủng của ông. Ông ta đã qùy gối ngước mắt lên trời dâng lời tạ ơn Thiên Chúa đã thương cứu giúp gia đình ông qua cơn túng cực vợ đang đau nặng phải nằm liệt giường. Ông cũng cầu Chúa chúc lành và trả công cho vị ân nhân vô danh đã cho tiền.
Chứng kiến niềm vui và nghe được những lời cầu nguyện của người nông dân, cậu bé cảm động muốn khóc. Đây là lần đầu tiên trong đời cậu cảm thấy hạnh phúc khi làm cho người khác được vui theo lời Chúa dạy: “Cho thì có phúc hơn là nhận” (Cv 20,35).
3) ƯỚC GÌ TÔI LÀ MỘT NGƯỜI BẠN NHƯ THẾ:
Một nhà doanh nghiệp đậu chiếc xe đời mới của ông vào bên lề đường để đi làm một vài công việc. Khi ông trở lại chiếc xe, ông thấy một cậu bé nghèo khoảng mười một tuổi đang quan sát chiếc xe với đôi mắt thán phục và thèm muốn.
- Thưa ông, đây có phải là chiếc xe của ông không ? - Cậu bé hỏi.
- Phải.- Ông đáp.
- Nó đẹp quá. Ông mua chiếc xe này hết bao nhiêu tiền ?
- Nói thật với chú bé là tôi không biết. Đây là một món quà mà bạn tôi đã tặng cho tôi.
- Như vậy chiếc xe là do bạn ông tặng và ông không phải bỏ ra đồng nào để mua?
- Đúng thế!
- Ước gì tôi…
Nhà doanh nghiệp tin chắc rằng cậu bé sẽ nói tiếp “Ước gì tôi có một người bạn có lòng quảng đại như thế”. Nhưng cậu bé lại nói: “Ước gì tôi là một người bạn có lòng quảng đại như thế”.
Và ông ta kết luận: “Tôi là người mặc áoquần bảnh bao và đang là sở hữu một chiếc xe hơi đời mới rất mắc tiền. Còn cậu bé kia ăn mặc rách rưới và thuộc tầng lớp nghèo đói trong xã hội. Tuy nhiên tâm hồn cậu bé lại có nhiều tình thương hơn tôi, nên cậu thực sự là người giàu sang hơn tôi”…
4) CẢM THÔNG TRỢ GIÚP NGƯỜI BẤT HẠNH:
Có một đứa trẻ bị khuyết tật bẩm sinh, hằng ngày đi học, cậu thường bị chúng bạn chế nhạo, bắt nạt, đó là điều khiến cậu trở nên lạnh lùng và khép kín. Một hôm cha cậu nhặt được một con chó sắp chết rét từ trong đống tuyết… con chó được đặt nằm xuống gần chân cậu bé, nó run cầm cập. Cậu bé không thích con chó dơ dáy này, cậu dùng chiếc nạng của mình đuổi nó đi, nó không biết đi đâu, nên nằm ngoài cửa kêu ăng ẳng thảm thiết.
Cha cậu nghe tiếng chó kêu thì biết chuyện. Vì thế, ông đến phòng để trò chuyện với cậu bé. Khi nghe cậu bé kể ở trường cậu thường bị bạn bè bắt nạt, ông nói: “Tại sao những đứa trẻ ấy lại bắt nạt con?”. Cậu bé nói: “Bởi vì chân con có tật, con không thể chơi lại chúng nên chúng mới bắt nạt con”. Người cha lúc đó mới ôn tồn nói: “Chúng khỏe mạnh, còn con yếu, cho nên chúng bắt nạt con. Còn bây giờ thì con rất mạnh, con chó lại rất yếu, vậy tại sao con lại không biết thương cảm nó?”. Nghe xong, cậu bé ngân ngấn nước mắt, một lúc sau cậu ẵm con chó vào đặt cạnh lò sưởi và vuốt ve nó… Sau này cậu bé lớn lên trở thành một vị bác sĩ nổi tiếng về lòng nhân hậu vàcậu đã được mọi người chung quanh yêu thương và kính trọng.
3. SUY NIỆM:
1)Thực trạng giàu nghèo trên thế giới hiện nay:
Hiện nay tài sản của ba người Mỹ giàu nhất thế giới còn lớn hơn tài sản của 48 nước kém phát triển. BIU GHẾT (Bill Gates) giàu hơn 100 triệu người Mỹ nghèo nhất. Chỉ cần 40 tỉ đô la của ông thì Liên Hiệp Quốc sẽ có đủ tiền chi cho công cuộc cải cách giáo dục căn bản, phục vụ sức khỏe, nước sạch và vệ sinh cho cả thế giới trong một thời gian dài. Hiện nay hố sâu ngăn cách giữa người giàu kẻ nghèo đang sống tại đô thị và vùng nông thôn càng lúc càng lớn. Có 800 triệu “La-da-rô” đang lâm cảnh đói nghèo cùng cực. Hơn một tỉ “La-da-rô” đang bệnh tật mà không được thuốc thang chữa trị. Hàng ngày vẫn có bao người bị chết đói, vì không được hưởng những thực phẩm dư thừa từ các bàn tiệc của những người giàu có. Dửng dưng trước sự đau khổ của người khác cũng chính là một tội ác lớn lao.
2)Trong dụ ngôn:
Ông phú hộ bị phạt sa hỏa ngục vì ba tội này:
- Ăn mặc lụa là xa hoa, phung phí, do thói xấu kiêu căng.
- Ăn uống yến tiệc linh đìnhdo dung dưỡng xác thịt.
-Bất nhân, ích kỷ,làm ngơ không giúp đỡ La-da-rô nghèo khổ ngoài cổng nhà mình.
Anh Ladarô nghèo khó được hưởng hạnh phúc Nước Trời vì:
- Vui lòng chịu đựng sự nghèo hèn, bệnh tật đau khổ giốngnhư thánh Gióp, xưa đã dâng những hy sinh đau khổ lên Đức Chúa.
- Không hề than trách trời đất và buồn hận ông phú hộđược ăn sung mặc sướng. La-da-rô cũng giống như thánh Gióp trong Cựu ước: Trong lúc đau khổ cực độ, đãvui lòng chấp nhận đau khổ và tự nhủ mình rằng: “Thân trần truồng sinh từ lòng mẹ, tôi sẽ trở về đó cũng trần truồng. ĐỨC CHÚA đã ban cho, ĐỨC CHÚA lại lấy đi: xin chúc tụng danh ĐỨC CHÚA!” (G 1,21)
3) Phải tránh thái độ ích kỷ:làm ngơ trước nhu cầu của tha nhân:
- Có người đã bênh ông phú hộ trong bài Tin Mừng khi cho rằng ông ta không đáng bị phạt trong hỏa ngụcvì các lý do sau:
Ông ta đâu có gian tham trộm cắp, đâu có bóc lột người nghèo…
Cuộc sống của ông ta chỉ là ngày ngày ăn nhậu tiệc tùng dư thừa. Nhưng hưởng thụ những gì thuộc về mình thì đâu phải là cái tội? …
- Tuy nhiên, tội của ông phú hộ không phải là sự giàu có, mà ở thái độ ích kỷ khi làm ngơ, không quan tâm đến La-da-rô nghèo đói bệnh tật đang nằm ngay trước cổng nhà ông ta. Ở liền kề bên nhau mà không nhìn thấy, không giúp đỡ thì quả là một con người bất nhân thất đức.
Tội ích kỷ làm ngơ của ông phú hộ đã trở thành tội ác khi do không chịu ra tay giúp đỡ kịp thời, khiến anh La-da-rô bị kiệt sức và chết, nên ông ta đáng bị Chúa trừng phạt trong lửa hỏa ngục!Tương tự như: khi thấy một người sắp bị chết đuối đang kêu cứu mà ta không cấp thời cứu giúp, lại lấy điện thoại ra quay phim chụp hình để đưa lên mạng câu like !!! như đã và đang xảy ra nơi một bộ phận không nhỏ trong giới trẻ sinh viên học sinh hiện nay: Thấy nhà hàng xóm bốc cháy mà vẫn bình chân như vại, không cấp thời báo động để kịp thời dập lửa; Thấy một người khuyết tật mù loà sắp bị xe lửa cán chết trên đường rầy mà không mau cứu thoát...
Bác sĩ AN-BỚT SUÝT-DƠ (Albert Schweitzer), người đã bán hết gia tài to lớn để xây dựng một bệnh viện cứu giúp những người cùng khổ ở Châu Phi, đã đặt vấn đề như sau: "Làm sao chúng ta có thể sống hạnh phúc khi còn biết bao người khác đang bị đau khổ ở chung quanh ta ?".
4) Chúng ta phải bắt đầu thực hiện việc chia sẻ bác ái từ đâu?:
- phải bắt đầu từ gia đình mình trước: Mẹ Tê-rê-saCAN-QUÝT-TA nói: "Tôi luôn nghĩ rằng tình thươngphải bắt đầu từ gia đình mình trước, rồi đến khu xóm, đến thành phố. Yêu thương những người ở xa thì rất dễ, nhưng yêu thương những người đang sống với mình hoặc đang ở sát bên cửa nhà mình mới là khó. Tôi không đồng ý với những cách làm việcbác ái ồn ào”.
- Tình thương phải được thực hiện từ một cá nhân cụ thể: Muốn yêu thương một người, bạn phải tiếp xúc trực tiếp với người đó, gần gũi với người đó. Mẹ Tê-rê-sa kể tiếp: "Lần kia tôi đi dự một hội nghị ở Bom-bay về việc cứu giúp những người nghèo. Đến cửa phòng hội, tôi thấy một người đang hấp hối. Tôi đưa người ấy về nhà, sau đó người ấy chết, chết vì đói. Đang lúc đó bên trong phòng hội, hàng trăm người đang hăng hái bàn luận về nạn đói và về vấn đề lương thực: làm thế nào để có lương thực, để có cái này, để có cái kia... Đang lúc họ vạch ra kế hoạch cho cả 15 năm, thì người này đã phải bị chết đói !".
- Phải biết tích tiểu thành đại: Theo Mẹ Tê-rê-sanói: "Tôi không bao giờ nhìn những đám đông như là trách nhiệm của tôi, mà chỉ nhìn đến từng cá nhân.Bởi vì mỗi lần tôi chỉ yêu thương được một người, mỗi lần tôi chỉ có khả năng nuôi được một người. Tôi đã chỉ đưa được một người về nhà. Nhưng nếu tôi không đưa một người ấy thì tôi đã không đưa 42.000 người về nhà. Công việc của tôi chỉ là một giọt nước trong đại dương. Nhưng nếu tôi không góp một giọt nước ấy thì đại dương sẽ thiếu mất nhiều giọt nước khác".
- Đức Thánh Giáo Hoàng Gio-anPhao-lô II trong bài giảng lễ Chúa nhật tại vận động trường Yăng-ki (Yankee) Nữu Ước trong chuyến thăm nước Mỹ 1979 đã phát biểu về việc chia sẻ bác ái như sau: “Người nghèo khổ nước Mỹ cũng như trên toàn thế giới đều là anh em của các bạn trong Chúa Ki-tô. Các bạn đừng bao giờ bằng lòng với hành vi chỉ cho họ những mẩu bánh vụn nơi bàn tiệc. Các bạn chỉ nên lo cho mình cái chính yếu của cuộc sống, và đừng tìm sống sung túc, để nhờ đó, các bạn có thể giúp đỡ cụ thể cho những người nghèo khổ. Ngoài ra các bạn còn phải đối xử với họ như những vị khách quí trong gia đình các bạn nữa”.
4. THẢO LUẬN: Bạn sẽ làm gì trong những ngày sắp tới để giúp đỡ cụ thể cho một cụ già neo đơn, một trẻ em mồ côi hay một bệnh nhân không tiền thuốc thang chữa trị mà bạn quen biết...?
5. NGUYỆN CẦU:
LẠY CHÚA GIÊ-SU, Xin cho con nhìn thấy những La-da-rô nghèo khó đang ở chung quanh con và đang cần đến sự giúp đỡ của con. Xin cho con nhìn thấy Chúa đang hiện thân trong những người nghèo khó đến với con, để con không xua đuổi, nhưng tiếp đón họ cách thân tình. Cảm tạ Chúa vì đã dựng nên loài người chúng con ai cũng nghèo về một phương diện nào đó, và ai cũng cần đến sự giúp đỡ của người khác... Như vậy chúng con được mời gọi sống cho nhau, làm cho hết mọi người đều được nên sung túc giàu có và sống hạnh phúc.
X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON
LM ĐAN VINH – HHTM
=================
Suy niệm 5
Có nhận thì phải trao
Lc 16, 19-31
Trích đoạn Tin mừng hôm nay cho thấy hai cảnh đời đối nghịch nhau.
Ông nhà giàu, chủ nhân của ngôi biệt thự sang trọng “mặc toàn lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình.” Trong khi đó, ngay trước cổng nhà ông, có anh La-da-rô cùng khốn, ghẻ lở đầy mình, thèm thuồng nhìn ông ăn uống no say và khao khát được hưởng chút bánh vụn từ bàn ăn rớt xuống mà chẳng ai cho, chỉ có mấy con chó đến liếm láp ghẻ chốc cho anh.
Thế rồi, cảnh đời nghiệt ngã nầy lại bị đảo ngược: Người nghèo chết và được thiên thần đem vào lòng ông Áp-ra-ham, vui hưởng hạnh phúc thiên đàng; Còn ông nhà giàu cũng chết và bị khổ hình trong hỏa ngục.
Người giàu nầy đã phạm tội gì mà phải vào hỏa ngục? Xem ra, ông chẳng làm gì nên tội: không trộm cắp, cướp giật của ai; cũng chẳng đánh đập hay chửi mắng La-da-rô…
Sở dĩ ông bị luận phạt vì tội ích kỷ, không thương xót, giúp đỡ La-da-rô đang lâm cảnh khốn cùng.
Quy luật của sự sống là có nhận có trao. Ngừng nhận và ngừng trao thì phải chết.
Trước hết, ta thử xem quy luật nầy được áp dụng trong phạm vi nhỏ là thân thể.
Để duy trì sự sống cho thân thể, tất cả các cơ quan trong thân thể đều phải vận hành theo quy luật nhận và trao.
Quả tim đã nhận được máu liền bơm máu cho khắp châu thân, nhờ đó toàn thân được sống và lớn mạnh. Nếu có ngày nào quả tim tỏ ra “ích kỷ”, không chuyển máu nuôi toàn thân mà chỉ giữ lại cho riêng mình, thì đó là ngày tận cùng của nó và cũng là ngày hấp hối của toàn thân.
Hai lá phổi cũng thế. Phổi liên tục tiếp nhận dưỡng khí và liên tục trao ban. Ngày nào phổi “tham lam”, cứ khư khư giữ lại số lượng dưỡng khí đã nhận được mà không chịu phát ban, đó là ngày tận số.
Trên bình diện rộng lớn hơn, mỗi cá nhân là một thành phần trong một thân thể lớn lao là nhân loại. Vì thế, nếu mỗi chúng ta không trao ban chia sớt những gì mình nhận được cho cộng đồng xã hội, thì số phận chúng ta sẽ như số phận của “quả tim ích kỷ”, của “lá phổi tham lam” trên đây.
Có nhận thì phải trao ban
Trong cuộc đời nầy, chúng ta đã nhận được rất nhiều thứ do người khác cống hiến cho mình từ cơm ăn, áo mặc, nhà ở, xe đi… và rất nhiều sản phẩm, dịch vụ khác… Ngoài ra lại còn được đón nhận vô vàn ân huệ Thiên Chúa tuôn ban trong suốt cuộc đời… thì đến lượt mình, chúng ta cũng phải cống hiến, phải trao ban cho người khác. Có vay phải có trả, có nhận thì phải có trao. Người khác đã phục vụ mình thì mình cũng phải biết phục vụ người khác.
Tuy nhiên, không phải chờ đến khi trở thành tỷ phú hay trở nên giàu có như lão phú hộ trên đây, ta mới tính đến chuyện chia sớt của cải mình cho người khác; nhưng ngay hôm nay, chúng ta vẫn có bổn phận cống hiến cho người khác những ân huệ Chúa ban, như dùng thời gian, công sức, tài năng Chúa ban để phục vụ những người chung quanh, để góp công xây dựng xóm làng.
Lạy Chúa Thánh Thần,
Xin khai mở lòng trí để chúng con hiểu được sự thật lớn lao là mỗi người là một tế bào trong thân thể lớn lao là nhân loại, là một chi thể trong Thân mình Chúa Giê-su; Vì thế, mọi người đều liên đới mật thiết với nhau như những cơ quan trong cùng một thân mình. Sự thật nầy sẽ giải thoát con người khỏi nếp sống ích kỷ, vô cảm vô tâm, và sẽ thôi thúc mỗi người biết sống cho người khác, biết quan tâm xây dựng phúc lợi cộng đồng. Amen.
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
=================
Suy niệm 6
THÁI ĐỘ SỐNG CỦA CHÚNG TA NHƯ ÔNG PHÚ HỘ hay LA-DA-RÔ
Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta thường có xu hướng quy kết và vô hình dung kết luận một cách vội vã rằng: nghèo là một cái lỗi, cái tội, và như thế người nghèo trở nên tự ti, xấu hổ, tránh mặt người khác, đánh giá thấp bản thân. Ngược lại, giàu có lại là một điều đáng ngợi khen và nể trọng những ai có tiền của, địa vị, danh giá, v.v…
Thưa quý ông bà và anh chị em rất thân mến, nếu chúng ta suy nghĩ một cách thấu đáo, chúng ta sẽ nhận ra được là: ở đời này, hạnh phúc chẳng hệ luỵ hay phụ thuộc vào tiền của, danh vọng, chức vụ, địa vị, thành công hay thất bại, nghèo khổ hay giàu có; cho bằng hạnh phúc đời này gắn liền với cách sống, thái độ sống của chúng ta. Thánh Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô đã từng quả quyết rằng: Chẳng có ai quá nghèo đến nỗi chẳng có gì để chia san, và cũng chẳng có ai quá giàu mà chẳng cần đến sự san sẻ của người khác. Lời Chúa hôm nay đánh động mỗi người trong chúng ta nhìn lại, suy xét thái độ sống, cung cách sống của mình dựa trên giới răn yêu thương, đức tin và đức cậy.
Trước hết, sự giàu có chẳng phải là một cái lỗi, hay sự nghèo nàn không phải là một cái tội! Tất cả những gì chúng ta có được đều nhờ bởi hồng ân của Chúa cả. Có lẽ, chúng ta thường nói: con phải làm lụng vất vả, sớm tối, đổ mồ hôi sôi nước mắt mới có được ngày hôm nay, thì tất cả những gì con đạt được là nhờ vào sự nỗ lực không ngừng của con chứ?!!!!! Điều này đúng nhưng chưa đúng hoàn toàn, vì đơn giản nếu Thiên Chúa chẳng ban cho con sức khoẻ, sự kiên nhẫn, nỗ lực, tâm trí, tâm sức, v.v…thì những cố gắng ấy trở nên vô ích như Thánh Vịnh 127 trình bày cụ thể:
“Bạn có thức khuya hay dậy sớm,
khó nhọc làm ăn cũng hoài công.
Còn kẻ được Chúa thương dầu có ngủ,
Người vẫn ban cho đủ tiêu dùng” (Tv 127, 2)
Tương tự, nghèo khổ không phải là một nỗi ô nhục, xấu hổ hay chẳng phải lời nguyền rủa, hay Thiên Chúa không chúc phúc cho người ấy, cho bằng do sự bất công của xã hội, do sự lười biếng của cá nhân hay tập thể, hoặc do sự nhút nhát, không biết dùng những ơn, tài năng, khả năng Chúa ban để sinh lợi một cách đúng đắn!
Như trên, chúng ta biết rằng: sống ở đời chẳng hệ luỵ vào sự giàu có hay nghèo khó, mà là thái độ sống, cung cách sống và lối sống của chúng ta. Có thể chúng ta nghèo khó về vật chất, nhưng cách sống chan hoà với mọi người, làm chúng ta trở nên hạnh phúc; còn có lẽ chúng ta giàu có của cải, nhưng lối sống của ta làm mọi người xa lánh, và rồi chúng ta bị cô lập, đơn côi trong sự nghèo hèn của tâm hồn, cô độc trong mối tương quan với tha nhân.
Ông phú hộ trong bài Tin Mừng hôm nay bị lên án không phải bởi lẽ ông ta giàu có, và La-da-rô được đưa về Thiên Đàng chẳng phải bởi vì ông ta nghèo! Nhưng cung cách sống của ông phú hộ tự bản chất nó đã là tiếng nói gióng lên khuyến cáo bản thân ông; tuy nhiên, thái độ dửng dưng, vô tâm vô cảm, hờ hững của ông khiến ông chẳng đoái hoài, cảm thương đến kẻ hành khất nghèo nàn mà chính ông phú hộ đã biết đích xác tên gì! “Lại có một người nghèo khó tên là La-da-rô, mụn nhọt đầy mình, nằm trước cổng ông nhà giàu” (Lc 16, 20) Chẳng phải ông phú hộ giàu có, ăn mặc gấm vóc kia không có đủ khả năng chia sẻ! Và chắc hẳn không phải vì ông không biết La-da-rô! Nhưng suy cho cùng, thái độ sống hờ hững, lối sống vô cảm, chẳng hề thương cảm đến người anh em bất hạnh ‘nằm trước cổng nhà mình mỗi ngày’ đã đẩy ông phú hộ vào kết cuộc như bài Tin Mừng đã trình bày.
Thà rằng, chúng ta không biết La-da-rô ấy, nhưng người hành khất trong đời sống của mỗi người chúng ta đều có khuôn mặt, diện mạo cụ thể, là người cần đến sự giúp đỡ, sự cảm thông, yêu mến, quan tâm của chúng ta. Người hành khất La-da-rô này không xa chúng ta lắm đâu, có lẽ là những người trong gia đình, họ hàng, lối xóm, cộng đoàn, giáo xứ, anh chị em xa gần…Và họ đều là hình dáng, diện mạo của Chúa Ki-tô đang cần đến sự cảm thương, quan tâm, giúp đỡ một cách cụ thể, sự chia san không tính toán, và nhất là một thái độ, lối sống chan hoà. Một khi chúng ta can đảm sống chan chứa tình thương, dựa trên Lời Chúa, đức tin, đức cậy và lòng bác ái, thực thi điều răn yêu thương thì chúng ta dễ dàng ra đi đến với anh chị em, rời khỏi những gì tiện ích, cuộc sống xa hoa, thoải mái của mình mà biết sẵn sàng chia san, chia sẻ những gì mình có. Sẻ chia không bó hẹp trong của cải, vật chất, mà là nhiều thứ khác tối cần thiết hơn như: một lời nói động viên, thái độ ân cần, cảm thông, một nụ cười tươi chân thành, một đôi tay gắn bó, mở rộng đón mời, v.v… và điều này Thánh Phao-lô cũng nhắn nhủ ông Ti-mô-thê và mời gọi chúng ta “hãy gắng trở nên người công chính, đạo đức, giàu lòng tin và lòng mến, hãy gắng sống nhẫn nại và hiền hoà” (1Tm 6, 11) và nếu chúng ta đọc tiếp, thánh Phao-lô khuyên răn riêng cho những ai giàu có ở trần gian này như sau: “…đừng tự cao tự đại, cũng đừng đặt hy vọng vào của cải phù vân, nhưng vào Thiên Chúa, Đấng cung cấp dồi dào mọi sự cho chúng ta hưởng dùng. Họ phải làm việc thiện và trở nên giàu có về các việc tốt lành, phải ăn ở rộng rãi, sẵn sàng chia sẻ.Như vậy họ tích trữ cho mình một vốn liếng vững chắc cho tương lai, để được sự sống thật” (1Tm 6, 17-19).
Sau cùng, tất cả những gì chúng ta làm, thực hành, thái độ, cung cách, lối sống ở trần gian này đều có ‘tiếng nói’ bênh vực hay khuyến cáo hoặc lên án chúng ta ở đời sống mai sau, chứ Thiên Chúa giàu lòng xót thương chẳng kết án, phán xét như một ông thẩm phán khắc khe, mặt trừng trừng hét ra lửa đâu! “…Con ơi, hãy nhớ lại: suốt đời con, con đã nhận phần phước của con rồi; còn La-da-rô suốt một đời chịu toàn những bất hạnh. Bây giờ, La-da- rô được an ủi nơi đây, còn con thì phải chịu khốn khổ” (Lc 16, 25). Mặt khác, Thiên Chúa biết chúng ta yếu đuối, dễ xa ngã, vấp phải, nên Người hằng luôn ban cho ta cơ hội này đến cơ hội khác, thời gian này đến thời gian khác. Người dùng Giáo Hội và thừa tác yêu thương đến dạy dỗ, khuyên răn, kêu mời chúng ta trở về với lòng thương xót vô bờ bến trong từng giây phút cuộc đời “chúng đã có Mô-sê và các Ngôn Sứ, thì chúng cứ nghe lời các vị đó” (Lc 16, 29).
Lạy Chúa xót thương vô bờ,
Lòng con tín thác, đợi chờ Lời Cha
Một đời dâng kính câu ca,
Vang xa tình Chúa, thiết tha tình người.
Phú hộ giàu có chây lười,
Chẳng nương lòng Chúa, tươi cười chia san.
Anh hành khất đầy gian nan,
Mon men chờ chực, nài van thương tình.
Nguyện xin Chúa ban phúc vinh,
Hồn con từ hối, tự tình đổi thay,
Từ đây một lòng hăng say
Quan tâm, cảm mến sum vầy bên Cha. Amen!
Lm. Xuân Hy Vọng
=================
Suy niệm 7
Nghìn Trùng Xa Cách
Dụ ngôn phú hộ và Ladarô cho thấy có một nghìn trùng xa cách giữa thiên đàng và hoả ngục “giữa chúng ta đây và các con có một vực thẳm lớn…”, mối tương quan giữa cuộc sống đời này và đời sau.
1. Khoảng cách nghìn trùng
Sống ở đời này, phú hộ dư ăn dư mặc, Ladarô nghèo nàn đói lả. Người phú hộ mặc toàn lụa là gấm vóc, Ladarô rách nát tả tơi. Phú hộ nhà cao cửa rộng, Ladarô lê lết bên cổng ăn xin. Phú hộ ngày ngày yến tiệc linh đình, Ladarô không có một chút bánh để ăn. Người sống chốn thiên đàng dương thế, kẻ chịu cảnh hoả ngục trần gian.
Cái chết đến và tất cả đều đảo ngược. Đời sau, Ladarô được đưa lên mây trời, phú hộ bị đày xuống vực thẳm. Ladarô được hưởng phúc thiên đàng, phú hộ phải trầm luân hoả ngục. Có một khoảng cách nghìn trùng giữa hai người mà bên này muốn qua bên kia không được và bên kia muốn qua bên này cũng không thể. Ladarô hạnh phúc trong cung lòng tổ phụ Ápraham. Phú hộ chịu cực hình, nài xin với Ápraham “sai Ladarô nhúng đầu ngón tay vào nước nhỏ trên lưỡi con cho mát vì ở đây bị lửa thiêu đốt”. Khi chết, Ladarô đã tìm được những người bạn hữu: các thiên thần, Ápraham tổ phụ, những người có đức tin. Ngược lại, phú hộ chẳng có bạn bè, chẳng có trạng sư biện hộ cho hoàn cảnh của ông ta: hỏa ngục, chính là nỗi cô đơn. Nhất là ông vĩnh viễn xa lìa Thiên Chúa, vì đã sống xa cách anh em. Ðây là một cực hình khủng khiếp nhất.
Theo cha Nguyễn Tầm Thường: “Dụ ngôn không phải là bài giảng riêng của Chúa về đời sống sau cái chết. Không thể căn cứ vào một “dụ ngôn” để cắt nghĩa thần học về đời sau. Phải đặt dụ ngôn này trong hoàn cảnh trả lời các Pharisiêu về thái độ đối với tiền bạc và quyền lực vô cảm. Giàu có của cuộc sống hôm nay sẽ chấm dứt với mộ chôn. Nhưng cách sử dụng sự giàu có sẽ liên hệ tới họ trong cuộc sống đời sau. Hình ảnh người giàu nhìn thấy Ladarô và xin Ladarô nhỏ nước cho ta thấy liên hệ này rất ý nghĩa. Tại sao dưới âm phủ, người giàu trong dụ ngôn không nhìn thấy người khác, mà là thấy Ladarô? Tại sao không xin chính Ápraham nhỏ nước mà xin Ladarô? Vì nhà giàu có liên hệ với Ladarô lúc còn sống. Ông nhìn thấy Ladarô hàng ngày, sáng, trưa, chiều, tối trước nhà ông. Đó là những liên hệ trực tiếp giữa con người lúc còn sống. Những liên hệ này sẽ kéo tôi mặt giáp mặt trong cuộc sống ngày phán xét. (x.Phúc âm trong dụ ngôn, tập 3, trang 71).
Khoảng cách nơi cuộc sống trần gian sẽ được hoán đổi vị trí sau cái chết. Vậy phải chăng dụ ngôn muốn trình bày vấn nạn: hễ sung túc giàu có ở đời này thì bất hạnh cực hình ở đời sau ? Hôm nay khốn khổ đói nghèo thì mai sau được hạnh phúc sung sướng? Có phải đó là lối an ủi ru ngũ, là thuốc phiện xoa dịu những người nghèo hãy chấp nhận, hãy an phận ? Đời này cùng khốn, rách rưới thì đời sau sẽ hưởng phúc thiên đàng?. Dụ ngôn không nói rõ lý do nào ông nhà giàu phải xuống âm phủ. Phúc Âm không nói lý do nào Ladarô được ở trong lòng tổ phụ Ápraham. Chắc chắn không phải vì giàu mà phải xuống âm phủ. Không phải vì nghèo mà Ladarô được thưởng. Không thể dùng dụ ngôn này để kết án sự giàu có và ca ngợi sự nghèo khó. Phúc Âm đã chẳng nói ai có thì con được cho thêm nữa đó sao (Mt 25,29). Giàu có không phải là tội lỗi và nghèo khổ không là giấy thông hành vào Nước Trời. Trình thuật dụ ngôn rất ăn khớp với toàn bộ tác phẩm, trong đó Luca thường đề cập đến người giàu kẻ nghèo để khuyến cáo hay khích lệ tuỳ trường hợp. Dụ ngôn nằm trong chủ đề của chương 16, giáo huấn về việc sử dụng tiền bạc của cải làm sao để đạt tới ơn cứu độ. Người phú hộ bị luận phạt hoả ngục không phải vì ông ta giàu có mà vì ông đã khép cửa khép lòng, sống dửng dưng, làm ngơ trước nỗi khổ đau của người khác. Cái tội phú hộ mắc phạm là phớt lờ người nghèo, là “mackeno” (mặc kệ nó) trước sự cùng khốn của tha nhân. Phú hộ không la mắng chửi bới, không xua đuổi Ladarô ra khỏi nhà, nhưng điều đáng trách là ông ta không thèm ngó nhìn người ăn xin van lơn. Tội của người phú hộ chính là tội hững hờ. Ở cạnh bên nhau mà không thấy nhau, không biết nhau, không giúp đỡ nhau thì thật là quá vô tình, quá hờ hững. Hoàn cảnh của Ladarô quá khốn khổ, thế mà người phú hộ vẫn hững hờ đến nỗi Ladarô phải chết vì đói đang khi ông ta lại quá dư thừa, thành ra tội hững hờ của người phú hộ trở thành tội nặng làm cho ông ta đáng phạt trong hỏa ngục.
Trong bài đọc 1, Tiên tri Amos với lối nói cay độc chua chát đã tiên báo những sự trừng phạt khủng khiếp dành cho những kẻ giàu có đang hưởng thụ xa hoa mà không biết xót thương người khốn khổ. Của cải vật chất đã trở thành bức tường khép kín, người giàu có sống an toàn mãn nguyện trong không gian riêng mình. Chính họ đã tạo ra khoảng cách vực thẳm xa cách nghìn trùng. Họ không cần Thiên Chúa cũng chẳng cần biết đến tha nhân, khoảng cách đó lớn dần và kéo dài đến đời sau. Vực thẳm ngăn cách con người ở đời sau là do con người đã tạo ra ở đời này. Sau khi chết, không còn có thể thay đổi được số phận nữa. Điều quan trọng là phải thay đổi ngay từ cuộc sống tại thế.
2. Người chết trở về là điều không cần thiết
Trong các dụ ngôn, đây là dụ ngôn rất khác lạ trong lối dùng ngôn ngữ. Đem một nhân vật quan trọng bậc nhất, một tổ phụ vào một dụ ngôn giả tưởng là điều chưa thấy trong các dụ ngôn. Dụ ngôn là dùng hình ảnh biểu tượng, qua đó nhắn gửi một chân lý ở đàng sau. Nhưng ở đây, nhân vật được nói đến là người có thật trong lịch sử, có thật trong tôn giáo Do thái, đó là tổ phụ Ápraham (St 17,4). Nhân vật thứ hai được nói đến là Ladarô. Ladarô cũng là nhân vật lịch sử có thật. Đặc biệt nhân vật này sống cùng thời với Chúa Giêsu. Sự kiện đặc biệt nhất là Ladarô đã chết và Chúa cho sống lại. Chỉ có Phúc Âm Gioan nói đến nhân vật lịch sử này. Luca thì đưa tên gọi Ladarô thành chuyện dụ ngôn.
Ông nhà giàu nói: ‘Lạy tổ phụ, vậy thì con xin tổ phụ sai anh Ladarô đến nhà cha con, vì con hiện còn năm người anh em nữa. Xin sai anh đến cảnh cáo họ, kẻo họ lại cũng sa vào chốn cực hình này!’. Caipha có năm anh em mà bố vợ Caipha là thầy cả Thượng phẩm Annas. Ông nhà giàu trong dụ ngôn có năm anh em. Con số trùng hợp năm người anh em Thượng tế con ông Khanan giàu có ngoài đời. Bóng hình ông nhà giàu trong dụ ngôn ẩn hiện với bóng hình Caipha, là nhân vật có thật ngoài đời: “Caipha là Thượng tế năm ấy nói rằng: thà một người chết thay cho dân còn hơn toàn dân bị tiêu diệt” (Ga 11,50). Từ ngày đó họ tìm cách giết Đức Giêsu (Ga 11,53). Các Thượng tế quyết định giết cả Ladarô nữa, vì tại anh mà nhiều người Do thái bỏ họ và tin vào Đức Giêsu (Ga 12,10-11). Sự cứng lòng của Thượng tế, thấy Đức Kitô cho Ladarô sống lại mà không tin. Số phận của họ được loan báo bằng số phận của ông nhà giàu trong dụ ngôn sau khi chết.
“Ông Ápraham đáp: ‘Chúng đã có Môsê và các Ngôn Sứ, thì chúng cứ nghe lời các vị đó’. Ông nhà giàu nói: ‘Thưa tổ phụ Ápraham, họ không chịu nghe đâu, nhưng nếu có người từ cõi chết đến với họ, thì họ sẽ ăn năn sám hối’. Ông Ápraham đáp: ‘Môsê và các Ngôn Sứ mà họ còn chẳng chịu nghe, thì người chết có sống lại, họ cũng chẳng chịu tin’”.
Câu trả lời của Ápraham là người chết có về họ cũng chẳng tin nằm trong ý nghĩa của sự kiện lịch sử có thật là chính họ thấy Ladarô sống lại. Ladarô là nhân vật có thật ngoài đời. Sự kiện Ladarô sống lại mà Pharisiêu và các tư tế không chấp nhận là lời cắt nghĩa tại sao người chết về họ cũng không nghe. Ápraham cho việc người chết về là không cần thiết. Vì trong thực tế họ đã thấy Ladarô về từ cõi chết rồi. Họ đã không tin. Tên người nghèo trong dụ ngôn là Ladarô. Trong thực tế có một Ladarô bằng xương bằng thịt đang sống, mọi người chứng kiến phép lạ Chúa cho Ladarô từ cõi chết trở về. Sự kiện này không làm cho Pharisiêu tin Đức Kitô. Trái lại, họ muốn giết Ladarô vì sợ là chứng nhân trở về từ cõi chết. Trong chủ trương giết Ladarô của Thượng tế Khanan và Caipha đưa ta vào câu trả lời của Ápraham: “Người chết có sống lại, họ cũng chẳng chịu tin”; “giữa chúng ta đây và các con đã có một vực thẳm lớn, đến nỗi bên này muốn qua bên các con cũng không được, mà bên đó qua bên chúng ta đây cũng không được”. Trong Phúc Âm chỉ nói đến một Ladarô. Người Chúa cho sống lại từ cõi chết. Dụ ngôn này nói rõ tên nhân vật có thật là Ladarô, để khẳng định lời từ chối của Ápraham, người chết trở về là điều không cần thiết. (sđd trang 76 -77).
3. Hãy sống tình liên đới với tha nhân
Dụ ngôn người nhà giàu và Ladarô mô tả một bức tranh tương phản, một khoảng cách rất gần mà lại rất xa, hai con người với hai cuộc đời, hai hoàn cảnh trái ngược nhau. Từ nhà ông nhà giàu đến chỗ người ăn mày Ladarô chỉ khoảng vài bước, cách nhau chỉ có cái cổng thôi. Khi sống, ông nhà giàu đã không chịu bước vài bước đó, để cảm thương và giúp đỡ cho người hành khất Ladarô luôn nằm chờ đợi. Hậu quả là khi chết rồi, người nhà giàu đó bị ném vào vực sâu hoả ngục, xa cách thiên đàng.Vài bước vô tâm đã đưa tới cực hình vô tận. Đời này và đời sau làm nên hai thứ khoảng cách. Khi còn sống ở trần thế, giữa hai người có một khoảng cách rất gần.Trong thế giới mai sau, khoảng cách giữa hai bên cách xa vời vợi. Hai thứ khoảng cách đó liên hệ mật thiết với nhau. Khoảng cách gần nơi trần thế làm nên nghìn trùng cách xa trong thế giới tương lai.
Ladarô không phải vì nghèo khổ mà được trọng thưởng, được hạnh phúc ngồi trong lòng tổ phụ Ápraham, nhưng vì biết chấp nhận số phận hẩm hiu và đặt niềm cậy trông phó thác nơi Thiên Chúa. Danh xưng Ladarô theo Luca có nghĩa là “Thiên Chúa là Đấng phù trợ tôi”. Người nghèo biết tin tưởng và phó thác, điều đó mới mang lại cho họ ơn phúc làm con tổ phụ Ápraham, cha những kẻ tin.
Dụ ngôn là lời cảnh báo những kẻ chỉ biết tôn thờ vật chất, hưởng thụ trần gian mà quên đi tình Chúa tình người. Dụ ngôn còn là lời kêu gọi ý thức trách nhiệm xây dựng tình liên đới với tha nhân, nhất là người nghèo.
Chúa Giêsu đã dùng tình thương để kết nối khoảng cách giữa trời và đất, giữa Thiên Chúa và con người khi Ngài làm người, một người nghèo giữa những người nghèo. Chúa Giêsu yêu thương người nghèo. Bằng thái độ và lời nói, Chúa đã nâng người cùng khổ và đem lại cho họ niềm hy vọng. Chúa ban cho họ tình yêu. Đỉnh cao nhất là Ngài cho họ chính mạng sống của mình.Ngăn cách giữa người giàu kẻ nghèo, giữa nô lệ và tự do giờ đây không còn nữa, tất cả là anh em của nhau, là con cùng một Cha trên trời. Mọi người được mời gọi sống Tin Mừng, sống liên đới với nhau và với người nghèo.
Lý tưởng Kitô giáo không phải là yêu mến sự khó nghèo mà là yêu thương người nghèo khó. Chúa Giêsu là Đấng giàu có đã trở nên nghèo khó, Ngài luôn yêu thương và sống liên đới với người nghèo. Vì vậy, người môn đi theo Chúa Giêsu chính là để trở nên giống Ngài. Tông huấn Giáo Hội Á Châu dạy rằng: Người đời dễ tin hơn tình liên đới với kẻ nghèo, nếu chính Kitô hữu biết sống giản dị theo gương Chúa Giêsu. Sự đơn sơ trong cách sống đức tin sâu xa và tình yêu không giả vờ đối với mọi người, nhất là người nghèo và bị bỏ rơi, đó là những dấu chỉ Tin mừng trong hành động (số 34). Vẫn còn quá nhiều người nghèo vật chất, nghèo tình thương, nghèo văn hoá. Người Kitô hữu được mời gọi sống quảng đại, liên đới giúp nhau thăng tiến. Hãy mở rộng lòng cho yêu thương trong cuộc sống hàng ngày.Đừng sống hững hờ, cần rèn luyện một trái tim nhạy bén biết cảm thương những cảnh đời bất hạnh, biết quảng đại chia sẻ với những người thiếu thốn.
Lạy Chúa, xin mở mắt mở, mở tai vả mở trái tim con để con thấy, con nghe, con biết sẻ chia niềm vui nỗi buồn, hạnh phúc đau khổ với hết mọi người. Amen.
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
=================
Suy niệm 8
Hạnh Phúc Trong Chúa
Am 6,1a.4-7; 1 Tm 6,11-16; Lc 16,19-31
Hôm nay Đức Giêsu kể một dụ ngôn hay như chuyện cổ tích: “Có một ông nhà giàu kia, mặc toàn lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình. Lại có một người nghèo khó tên là Ladarô, mụn nhọt đầy mình, nằm trước cổng ông nhà giàu, thèm được những thứ trên bàn ăn của ông ấy rớt xuống mà ăn cho no. Lại thêm mấy con chó cứ đến liếm ghẻ chốc anh ta.” (Lc 16, 19-21). Người ăn không hết, kẻ lần chẳng ra, chênh lệch giàu nghèo quá độ! Ở gần nhau, ngay trước cổng thế mà “hố ngăn cách” giàu nghèo như vực thẳm. Vậy mà sau cái chết, số phận vui buồn sướng khổ lại đảo ngược, giờ đến lượt ông nhà giàu kêu cứu: “Lạy tổ phụ Apraham, xin thương xót con, và sai anh Ladarô nhúng đầu ngón tay vào nước, nhỏ trên lưỡi con cho mát; vì ở đây con bị lửa thiêu đốt khổ lắm!” (Lc 16,24). Phải chăng những kẻ nghèo đói khốn khổ bần cùng đều an tâm sau này mình có chỗ “trên đó”, còn những người giàu sụ, ở nhà lầu máy lạnh, đi xe hơi, tiêu tiền đô lại phải “nhào xuống âm phủ” hết sao?
Tin thế nào sẽ sống như vậy. Cách sống biểu tỏ những điều con người tin. Ông nhà giàu đặt niềm tin nơi sự giàu có, sức phàm nhân của mình. Ngày ngày ông chỉ biết nhắm mắt hưởng thụ như chẳng hề có Chúa. Ông Ladarô khốn khổ tột cùng nằm trước cổng mà ông như không thấy gì hết. Ông tưởng mình giàu có hạnh phúc mà không biết mình đang bất hạnh nghèo nàn. Còn Ladarô tin nơi Thiên Chúa. Trong Chúa, ông đang khổ đau mà như chẳng thấy đau khổ, không kêu ca trách móc, không “đói ăn vụng, túng làm càn”. Ông đang bất hạnh đói nghèo mà đời vẫn xanh tươi hạnh phúc.
Trong bài đọc I, ngôn sứ Amos cũng cảnh báo lối sống hưởng thụ, dửng dưng trước cảnh khốn cùng của người khác sẽ có ngày phải trả giá: “Khốn cho những kẻ sống yên ổn tại Sion, và sống an nhiên tự tại trên núi Samari. Chúng nằm dài trên giường ngà, ngả ngớn trên trường kỷ, mà ăn những chiên non nhất bầy, những bê béo nhất chuồng. Chúng đàn hát nghêu ngao; như David, chúng dùng nhạc cụ mà sáng tác. Chúng uống rượu cả bầu, xức dầu thơm hảo hạng, nhưng chẳng biết đau lòng trước cảnh nhà Giuse sụp đổ! Vì thế, giờ đây chúng sẽ bị lưu đày, dẫn đầu những kẻ bị lưu đày. Thế là tan tác bè lũ quân phè phỡn!” (Am 6,1a.4-7).
Chúa ơi! nếu chúng con luôn sống có Chúa, với Chúa trong từng giây phút trong cuộc đời này, thì dẫu chúng con có nghèo tình, nghèo tiền, nghèo sức cũng chẳng can chi. Sự giàu có, hạnh phúc của chúng con là chính Chúa. “Kìa nhìn xem Cha thánh Đa Minh đơn sơ ra đi là người bộ hành hát xướng nghèo nàn vẫn vui…”. (Thánh ca). Nếu chúng con đang giàu mà ở trong Chúa chúng con cũng chẳng sợ. Vàng bạc, kho báu của chúng con là chính Chúa, mấy thứ kia giúp chúng con thăng tiến cuộc sống và “mua” anh em thôi. “Ai khóc lóc, hãy làm như không khóc; ai vui mừng như chẳng mừng vui; ai mua sắm, hãy làm như không có gì cả; kẻ hưởng dùng của cải đời này, hãy làm như chẳng hưởng.” (Cr 7, 29-31).
Én Nhỏ