Thứ bảy, 23/11/2024

Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật 25 Thường niên C

Cập nhật lúc 14:38 15/09/2022
Suy niệm 1
Lc 16, 1 – 13
Tên quản lý lưu manh ăn bớt ăn xén tài sản của chủ. Bị phát giác và sắp bị sa thải. Thế là hắn lại khéo léo mua chuộc con nợ của chủ, để khi bị sa thải, hắn vẫn được người thụ ơn đón tiếp. Gian manh nhưng khôn khéo nên vẫn qua mặt người đời.
Soạn xong dụ ngôn, Đức Giê-su buồn tê tái và thở dài với các môn đệ: “Con cái đời này khôn khéo hơn con cái ánh sáng”. Đúng thế thật. Không cần phải nhìn xa xôi, cứ nhìn vào mười hai Tông Đồ cũng đủ thấy điều đó. Suốt tuần Thương Khó, mười một Tông Đồ cứ lẽo đẽo theo Thầy lên đền thờ cầu nguyện và nghe giảng. Tối đến thì ra vườn Cây Dầu để ngủ. Trong khi đó Giu-đa Ít-ca-ri-ốt khôn khéo sắp đặt chương trình để gặp thượng tế và trao đổi với ông ấy kế hoạch mua bán Thầy. Kế hoạch rất chính xác: Bắt Thầy tại vườn Cây Dầu vào đêm thứ Năm; để không bị bắt lầm, hắn đề nghị: “Tôi hôn ai thì cứ người đó mà bắt”. Sáng kiến tuyệt vời, vì bắt Chúa ban đêm và bắt trong rừng. Số người có mặt trong rừng Cây Dầu thì có Chúa và mười một Tông Đồ. Rừng ban đêm thì ánh đuốc không thể nào soi rõ mặt người được. Mười hai thầy trò là mười hai đàn ông. Ông nào cũng râu ria và tuổi xồn xồn như nhau, làm sao biết được chính xác đối tượng, nếu không có cái hôn của Giu-đa.
Giu-đa vừa khôn, vừa khéo, vừa quần quật đi tới đi lui suốt bốn ngày từ Lễ Lá cho tới tối thứ Năm Tuần Thánh. Một người đàn ông không học trường lớp, không quen quan hệ với giới lãnh đạo cấp trung ương, thế mà Giu-đa đã làm được và thành công tuyệt vời, đút túi ngon lành một số tiền khủng mà sau này thượng tế Cai-pha đã dùng để mua được mảnh đất làm nghĩa trang chôn cất ngoại kiều. Số tiền ấy, tính theo tiền Việt hôm nay, thì không thể dưới một tỉ.
Một mình Giu-đa đã hoàn thành kế hoạch bán Thầy được một số tiền khủng như thế, mà mười một Tông Đồ kia không ai biết gì hết. Trong bữa tiệc ly Chúa ngỏ lời xa xôi: “một trong chúng con, có một kẻ phản Thầy”. Tất cả đều ớ ra, thậm chí cả Gioan, môn đệ thân tín và ưu tú nhất cũng giật mình, ghé sát vào tai Thầy mà hỏi: “Thưa Thầy, thằng nào?”
Không những mười một Tông Đồ không biết gì về kế hoạch siêu đểu của Giu-đa, mà ngay cả ông Ni-cô-đê-mô, cán bộ cao cấp của thượng viện cũng chẳng biết một tí nào. Nếu ông biết, thì chắc chắn ông đã mật báo khẩn cấp cho Gioan rồi…
Chuyện buồn đã xảy ra ấy minh chứng lời than phiền của Chúa: “Con cái đời này khôn khéo hơn con cái ánh sáng.”
Tên quản lý lưu manh và tên đểu cáng Giu-đa vẫn có mặt trùng điệp trên toàn thế giới và qua mọi thời. Nguyên nhân tạo ra những chuyện lưu manh và đểu cáng lại đơn giản chỉ là TIỀN. Chúa đã cảnh giác tối đa rằng: “Một là thờ Chúa, hai là thờ Tiền”. Đó là lời Chúa cảnh giác giống như năn nỉ suốt hai mươi thế kỷ rồi. Lịch sử hai mươi thế kỷ vẫn cho ta thấy đồng tiền đã lộng hành như thế nào. Lộng hành trong gia đình và trong xã hội. Lộng hành do cá nhân và tập thể…
Mong rằng mỗi người chúng ta hãy dành một thời gian để nhìn bàn thờ Chúa bên đây và bàn thờ Tiền bên kia để cảnh giác tối đa, cùng với giọt nước mắt sám hối.
Linh mục Pi ô Ngô Phúc Hậu
===============
Suy niệm 2
Sắm sẵn chỗ ở trên quê trời
Lc 16, 1-13
Bài Tin mừng hôm nay cho biết: Khi chủ nhà sắp sa thải người quản gia vì những hành vi mờ ám trong việc quản lý tiền bạc, anh vô cùng lo lắng vì mai đây, anh không còn nơi nương tựa, không còn cơm ăn áo mặc như lâu nay. Sau một đêm trằn trọc suy nghĩ, anh tìm được cách xử trí khôn ngoan.
Anh khôn khéo gọi các con nợ của chủ đến, dùng quyền hạn chủ trao cho mình, tha bớt phần nợ cho họ. Khi làm như thế, anh hy vọng mai đây, khi bị đuổi việc, những con nợ nầy sẽ đền ơn và sẽ đón rước anh vào nhà họ.
Mỗi người chúng ta cũng đang ở trong hoàn cảnh tương tự như người quản gia nầy. Hôm nay, Chúa trao cho ta quản lý tài sản của Ngài và mai đây, Ngài đòi ta tính sổ.
Tài sản Chúa trao gồm nhiều thứ: Có những thứ vô hình, tiềm ẩn trong ta như thời giờ, sức khỏe, trí tuệ, tài năng… Có thứ hữu hình bên ngoài như nhà cửa, xe cộ, các loại đồ dùng, vân vân…
Như ông chủ nói với người quản gia trong Tin mừng: “Anh hãy tính sổ đi, vì từ nay anh không được làm quản gia nữa!” thì mai đây, sớm muộn gì Chúa cũng nói với mỗi người chúng ta rằng: “Hãy tính sổ đi, vì hôm nay, con phải hoàn trả lại cho ta những gì Ta trao cho con quản lý và ra khỏi thế giới nầy để sang thế giới bên kia!”
Đây thật là những lời hãi hùng, khủng khiếp!
Khi nghe những lời nầy, nhiều người sẽ rất kinh hoàng, sợ hãi. Phải rời bỏ thế giới nầy ư? Phải trả lại tất cả những gì tôi đang có, không giữ lại được chút gì hay sao?
Thưa đúng vậy, phải lìa bỏ hết, phải trả lại tất cả… Số phận mọi người trên đời đều như thế, không miễn trừ cho bất cứ ai.
Vậy thì phải tính sao đây? Đâu là cách xử trí sáng suốt và khôn ngoan?
Làm cách nào để mai đây khi phải tính sổ với Chúa và rủ bỏ mọi thứ trên đời nầy ra đi, chúng ta được đón nhận vào chốn vĩnh phúc?
Người quản gia trên đây nghĩ được một diệu kế: đó là tranh thủ quyền hạn mình đang có, để xóa bớt nợ cho những con nợ của chủ, hy vọng rằng mai đây, khi bị sa thải, những người nầy sẽ đón anh vào nhà họ.
Chúa Giê-su khen cách xử sự như thế là khôn và Ngài khuyên chúng ta hãy dùng tài sản của cải ta đang quản lý, để mua sẵn chỗ ở trên thiên đàng; Nếu ta chần chừ không dứt khoát, ngày tính sổ sẽ đến bất ngờ; bấy giờ ta sẽ trắng tay và chỗ ở trên thiên đàng cũng chẳng có! Bi thảm biết bao!
Sắm sẵn chỗ ở trên thiên đàng
Sắm sẵn chỗ ở trên thiên đàng là dùng mọi ân huệ Chúa ban như thời giờ, sức khỏe, tài năng, trí tuệ… cũng như tiền bạc, của cải để giúp đỡ người nghèo, chăm sóc người đau bệnh, phục vụ người gặp hoạn nạn, tai ương. Phải thực hiện điều nầy ngay hôm nay, đừng chờ đến ngày mai.
Những món quà được trao cho những người khốn khó không bao giờ mất đi, nhưng sẽ tồn tại mãi bên ta và là chìa khóa mở cửa cho ta vào thiên đàng.
Lạy Chúa Giê-su,
Xin cho chúng con nhớ rằng chúng con không phải là chủ nhân của những gì mình đang có mà chỉ là người quản lý thôi và chẳng biết lúc nào Chúa đòi chúng con tính sổ. Vì thế, xin dạy chúng con biết tranh thủ thời gian còn lại, sử dụng của cải Chúa ban để mua chỗ ở trên thiên đàng. Amen.
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
===============
Suy niệm 3
KHẢ NĂNG THẬT SỰ CỦA VẬT CHẤT

Kính thưa cộng đoàn phụng vụ, truyện xưa kể rằng: Ngày xưa có tên lái buôn gian xảo dùng mạt cưa pha vào cám lợn đem bán. Thế nhưng lại có tên bán mướp đắng (khổ qua) còn gian hơn nhiều. Y lấy mướp đắng, giả làm dưa leo bán giá đắt kinh hoàng. Một ngày nọ, hai gã trạm trán nhau; cả hai suy tưởng hàng của nhau là đồ thật, liền thỏa thuận đổi cám lấy dưa về dùng. Ai ai cũng đều hí hửng trở về nhà mình. Nhưng lúc lấy ra xài thì mới hay là của giả, rõ ràng gian lại gặp tham!
Trong tất cả dụ ngôn, dường như chỉ có dụ ngôn trong đoạn Tin Mừng hôm nay, chúng ta nhận ra sự khác biệt lạ thường, vì đã là người quản lý bất lương, mà lại được ông chủ khen ngợi biết hành động khôn khéo (x. Lc 16, 8). Vốn dĩ là con người gian xảo trong việc thay mặt chủ thu nợ, nhưng khi bị phát hiện và nhận ra kịp thời, thì gã đã mau mắn chuộc lỗi bằng cách xoá nợ phần phụ thu mà do bản thân đặt ra nhằm tích luỹ thu lời. Vì lẽ đó, ông chủ khen ngợi anh ta đã biết “dùng tiền của gian dối mà mua lấy bạn hữu, để khi mất hết tiền bạc, thì họ sẽ đón tiếp anh vào chốn an nghỉ đời đời” (x. Lc 16, 9).
Như chúng ta biết khá rõ: tiền bạc tự nó chưa phải xấu xa, nhưng người sử dụng đã biến nó thành ‘ông chủ nhỏ’, tệ hơn tôn nó lên làm ‘chúa’ của họ. Vì thế, người dùng tiền bạc, vật chất vô hình chung trở nên nô lệ của nó. Hen-rik Ib-sen từng nói: ‘Tiền bạc có thể mua được cái vỏ, nhưng không mua được cái nhân. Nó có thể mang thức ăn đến cho bạn, nhưng không thể đem lại hương vị ngon. Nó giúp bạn làm quen với nhiều người, nhưng không giúp bạn có được những người bạn hữu đích thật. Nó giúp bạn có những người giúp việc, tớ trai, tớ gái, nhưng không giúp bạn đắc thủ được lòng trung thành nơi họ. Nhờ nó, bạn hưởng thụ ngày tháng sung túc, nhưng chưa hẳn bạn có được sự bình an và hạnh phúc thực sự’. Khả năng thật của tiền bạc là thế!
Điều này cũng đã từng được khuyến cáo mạnh mẽ qua lời ngôn sứ A-mos: “Hãy nghe đây, hỡi những ai đàn áp kẻ nghèo khó, và muốn tiêu diệt hết những kẻ bần cùng trong cả nước… Chúng tôi sẽ lấy tiền mua người nghèo, lấy đôi dép đổi lấy người túng thiếu” (x. Am 8, 4.6), và những kẻ này sẽ bị chuốc lấy hậu quả như câu nói ví von ‘gieo gì gặt nấy’, vì chưng “Chúa sẽ không bao giờ lãng quên tất cả các việc chúng làm cho đến cùng” (Am 8, 7). Quả thật, tiền bạc, vật chất chỉ là phương tiện giúp con người sống đúng nghĩa, chứ nó chẳng phải là cùng đích của cuộc đời này. Hơn thế, tiền bạc chẳng bao giờ là ông chủ tốt lành cả, nó chỉ là tên đầy tớ hữu dụng không hơn không kém, vì như Chúa dạy “các con không thể làm tôi Thiên Chúa mà lại làm tôi tiền của được” (Lc 16, 13). Chúng ta chẳng thể nào chia con tim thành nhiều phần để chứa đựng, cất giữ, thờ lạy, cung kính một lúc Đấng Tạo Thành với tiền của (vật chất được tạo thành) được! Chúng ta chẳng thể nào chia thời gian hầu cung phụng tiền bạc, đồng thời làm hài lòng Đấng Tạo Hoá được! Người ‘hai lòng’ lúc này lúc kia như vậy, không ai ưa thích, huống chi đẹp lòng Chúa sao?
Nếu chúng ta không biết quản lý những ơn lành Chúa ban, trong đó có thời gian, tài năng, trí lực, tiền bạc, v.v…, thì làm sao chúng ta được giao trọng trách lớn hơn? Vì chưng “ai trung tín trong việc nhỏ, thì cũng trung tín trong việc lớn; ai gian dối trong việc nhỏ, thì cũng gian dối trong việc lớn” (Lc 16, 10). Để luôn trung tín trong mọi việc dù lớn hay nhỏ, dù to hay bé, chúng ta cùng nhau thực hành như lời Thánh Phao-lô căn dặn ông Ti-mô-thê: “cha khuyên hãy cầu xin, khẩn nguyện, kêu van và tạ ơn cho mọi người, cho vua chúa, và tất cả những bậc vị vọng, để chúng ta được sống bằng yên vô sự, trong tinh thần đạo đức và thanh sạch” (1Tm 2, 1-2). Thứ đến, năng làm gương sáng nơi đời sống thường nhật, và sau cùng “cầu nguyện trong mọi nơi, hãy giơ lên hai tay thanh sạch, không oán hờn và cạnh tranh” (x. 1Tm 2, 8), vì “đây là điều tốt lành và đẹp lòng Ðấng Cứu Ðộ chúng ta là Thiên Chúa. Ngài muốn cho mọi người được cứu rỗi và đến nhận biết chân lý” (1Tm 2, 3-4).
Lạy Chúa, xin thương ban cho chúng con
Tấm lòng vẹn sạch, đôi mắt tinh thông
Đôi tay trong trắng, ánh nhìn cảm thương
Đôi chân mau mắn, đến với tha nhân
Thái độ trìu mến, cách sống ân cần
Đơn sơ chân thành, không thể hai lòng
Trọn đời tín thác, thờ phượng Chúa thôi. Amen!

Lm. Xuân Hy Vọng

===============
Suy niệm 4
Cửa Sổ hoặc Tấm Gương
Chúa Giêsu kể dụ ngôn người quản lý bất lương và kết luận: “Con cái đời này khi đối xử với đồng loại thì khôn khéo hơn con cái sự sáng”. Đây là một nhận định thực tế. Làm ăn ở đời người ta nhìn vào mối lợi, từ đó khôn khéo tính toán phương tiện để thực hiện. Còn con cái sự sáng thì khôn ngoan vì luôn hướng về Thiên Chúa và để Ngài làm chủ đời mình.
1. Khôn Khéo Con Cái Đời Này
Chúa không khen hành động bất trung, không khen tội gian lận của người quản gia bất lương, nhưng Chúa khen tài khéo léo, tính toán, cách xoay xở của anh ta khi chủ cho thôi việc. Lời khen là dán cho cái lanh trí, có phương pháp hành động chứ không phải là cổ võ sự bất lương.
Khôn khéo tựa như sự tinh khôn trong những việc làm của người quản lý bất lương biết hành động ngay không đợi chờ, biết sử dụng tiền bạc của cải để mua lấy bạn bè.
 - Khéo khi ăn cắp tài sản của chủ mà không bị phát hiện, đến khi có người tố cáo, chủ mới đuổi việc.
- Khéo vì anh ta biết giới hạn của mình: cuốc đất không nổi, ăn mày thì hổ ngươi.
 - Khéo vì biết xoay xở, tận dụng chút quyền quản lý cuối cùng để có một chút bảo đảm cho tương lai. Gọi các con nợ của chủ đến làm văn tự lại: 100 thùng dầu ô-liu, viết lại 50 thôi; 1.000 thùng lúa viết lại 800 thôi... hai bên cùng có lợi mà.
- Khéo khi biết lo xa: liệu sao để khi mất chức thì có người tiếp đón, khi về hưu non thì đã có của dư của để, có nhà cao cửa rộng, có vườn tược...
- Khôn khéo của người quản gia không đồng nghĩa là một “bảo hiểm” đời sống anh ta mua được. Anh thất thế nên lấy gian dối mua ơn nghĩa, liệu người ta có biết ơn không? Lịch sử chứng minh nhiều con người độc ác trong các thể chế độc tài, cuối đời bị thất sủng, tìm cách quay về với nhân dân, thì dân nhân có đón tiếp họ không?
Hình ảnh của người quản lý khôn khéo bất lương này đầy dẫy trong xã hội hôm nay khi mà tham nhũng đã trở nên “quốc nạn”. Việt Nam đang điêu đứng vì quốc nạn tham nhũng... Người ta “hy sinh đời bố để củng cố đời con”, có chút địa vị quyền lực thì lo thu ven cho cá nhân, tham ô, móc ngoặc. Sợ bị bại lộ, sợ bị tố cáo, sợ bị cách chức, sợ bị “về hưu non”, nên khôn khéo mua lấy bằng cấp, mua đất xây biệt thự, lập trang trại, mở sân sau... Người ta tìm mọi cách để có tiền của, có địa vị, có quyền lực, bất chấp tiếng nói lương tâm.
Nhìn vào thực trạng xã hội hôm nay sẽ thấy người đời thường chạy theo tiền bạc, của cải, địa vị, chức quyền. Trong cuộc chạy đua đó, con người đã để cho tiền của làm chủ đời sống của họ, hướng dẫn và quy định cả cách sống và tâm tình của họ. Khi đó, Thiên Chúa, lương tâm, nhân cách bị gạt ra khỏi tâm hồn họ. Tiền của, danh vọng là thần tượng và họ làm bất cứ việc gì dù trái với lương tâm, với luân thường đạo lý, với công bình bác ái miễn là càng ngày họ càng giàu có càng thăng chức. Lòng tham không bao giờ thỏa mãn. Tham vọng của con người không bao giờ cùng.
Các ngôn sứ thời Cựu ước vẫn thường chỉ trích những thói tham lam, lọc lừa và nặng lời kết án những người giàu bất công, áp bức, khinh dễ kẻ nghèo. Vào thế kỷ VIII tcn, Israel sống thời kỳ thịnh vượng dưới triều Giêrôbôam II. Do sự phồn thịnh ấy mà người ta sinh hư đốn: bon chen, tham lam, tranh giành tiền bạc của cải bằng đủ mọi hình thức bất công: giàu hiếp đáp nghèo, dùng tiền mua lương tâm, địa vị; người giàu chỉ biết ích kỷ hưởng thụ mặc cho dân nghèo đói rách cơ cực... Ngôn sứ Amos kịch liệt lên án. Ông quả xứng danh là nhà ngôn sứ của sự công bằng. Bản cáo trạng của vị ngôn sứ đối với những người quyền thế, giàu sang bất công vẫn luôn vang vọng và có hiệu lực cho mọi thế hệ.
2. Khôn Ngoan Con Cái Chúa
-Khôn ngoan của con cái sự sáng là luôn hướng về Thiên Chúa và để Ngài làm chủ đời mình. Tiền bạc của cải không là điểm tựa. Vật chất không là cứu cánh mà chỉ là phương tiện. Con cái sự sáng vừa say mê cuộc đời này vừa say mê vĩnh cửu. Giữa cái mau qua họ tìm gặp vĩnh cửu, họ làm việc vui chơi như mọi người, nhưng họ luôn để Thiên Chúa đi vào toàn bộ cuộc đời họ.
- Con cái ánh sáng khôn ngoan sống chân thật và tín trung. Chân thật trong lời nói, trong tư tưởng, trong hành động; thực tâm thật tình trong cư xử; thật hiếu hạnh trong gia đình; thật tín nghĩa ngoài xã hội; thực trung thành trong niềm tin. Trung tín sống đức tin, trung tín trong lời hứa, có tinh thần trách nhiệm cao, trung tín trong việc nhỏ cho đến việc lớn. Trung tín với lời hứa Bí Tích đã lãnh nhận. Người chân thật là người trung tín với Thiên Chúa và anh em mình. Bởi vì Thiên Chúa là sự thật, và “chỉ có sự thật mới giải thoát anh em”.
- Khôn ngoan của con cái Chúa là khôn ngoan Thập Giá: “Trong khi người Do thái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ, còn người Hy lạp kiếm sự khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng một Đấng Kitô chịu đóng đinh, điều mà người Do thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ. Nhưng đối với những ai được Thiên Chúa kêu gọi, dù Do thái hay Hy lạp, Đấng ấy chính là Đức Kitô, sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa” (1Cr 1, 22-25). Chúa Giêsu đã khẳng định: “Không ai có thể làm tôi hai chủ. Hắn sẽ ghét chủ này mà thương chủ kia, hay để ý đến chủ này mà thương chủ nọ”. Không thể phụng sự hai chủ như nhau, trong cùng một lúc. Chúng ta tự hỏi chủ nào đang thống lĩnh đời tôi ? Ước gì tôi luôn tự do, chọn lựa làm tôi trung cho Chúa mà thôi.
3. Cửa Sổ hoặc Tấm Gương
Một người Do thái giàu có nhưng rất keo kiệt đến gặp một vị giáo trưởng để xin một lời hướng dẫn cho cuộc sống của mình. Vị giáo trưởng đưa anh ta đến bên cửa sổ và hỏi:
  • “Ông hãy nhìn qua cửa sổ và cho tôi biết ông thấy gì”.
Không một chút do dự, người giàu có trả lời:
  • “Tôi thấy nhiều người đi qua đi lại”.
Sau đó vị giáo trưởng bảo người giàu có quay mặt vào trong nhà và nhìn vào một tấm gương treo trên tường. Rồi ông cũng đặt câu hỏi tương tự:
  • “Nào, bây giờ thì ông thấy gì trong tấm gương ?”
Người giàu có liền trả lời:
  • “Dĩ nhiên tôi chỉ thấy tôi.”
Bấy giờ vị giáo trưởng mới rút ra một bài học. Ông nói:
  • “Này nhé, tấm gương soi mặt được làm bằng kính. Kính được phủ ở phía sau bằng một lớp bạc mỏng. Bao lâu lớp bạc mỏng còn dính chặt đằng sau tấm kính thì nhìn vào đó ông sẽ không còn thấy người nào khác nữa mà chỉ thấy có mình ông thôi. Trái lại khi nhìn qua tấm kính trong suốt ở cửa sổ ông đã thấy được những người khác, thấy được cảnh vật...”.
Nếu tấm kính linh hồn bị lòng tham lam, ích kỷ như lớp bạc mỏng phủ lấp thì ta sẽ chỉ thấy có bản thân mình. Chỉ mình ta mới đáng kính đáng trọng, chỉ mình ta là trung tâm để mọi người phục vụ. Tâm hồn con người khi trong suốt không bị che chắn bởi tham, sân, si, sẽ nhìn thấy mọi người là anh em, nhìn thấy những điều hay, những điều tốt, những gì đáng quý, đáng mến nơi tha nhân. Tâm hồn trong sáng đó nhờ biết mỗi ngày soi vào Chúa Kitô, sống theo lời dạy của Ngài.
Sự khôn ngoan đích thực đúng như lời Thánh Phaolô trong thư gởi Timôthê: “Họ phải làm việc thiện và trở nên giàu có về các việc tốt lành, phải ăn ở rộng rãi, sẵn sàng chia sẻ” (1Tm 6,18).
Của cải vật chất chỉ là việc nhỏ sánh với việc lớn là Nước Trời. Biết sử dụng tiền của tạm bợ cách tốt đẹp, chúng ta sẽ được trao phó của cải vĩnh cửu trên trời.
Tiền của có thể trở thành phương tiện giúp đạt tới đích là Nước Trời, nhưng cũng có nguy cơ đẩy người ta ra xa Chúa để tìm kiếm những sự thuộc thế gian. Do đó, điều quan trọng là phải biết sử dụng tiền của như phương thế đạt Nước Trời. Chúa Giêsu muốn các môn đệ phải khôn ngoan chọn lựa dứt khoát, không có thái độ lưng chừng hoặc bắt cá hai tay. Người bắt cá hai tay bao giờ cũng là kẻ thua thiệt nhất.
Lạy Chúa, con chỉ là người quản lý trong đời. Sự sống của con đâu thuộc về con. Con chỉ quản lý để sử dụng theo ý Chúa thôi.
  • Chúa ban cho con sự sống với biết bao ân huệ, tài năng, sức khoẻ, con không sử dụng đúng, con là quản ký kém cỏi.
  • Khi con không chia sẻ, cảm thông, vật chất miếng ăn, manh áo, tinh thần như nụ cười, sự hiểu biết cho đồng loại, con là quản lý xấu xa.
  • Khi con sử dụng các ân huệ Chúa ban, sức khoẻ, tài năng để phạm tội, con là quản lý bất trung.
Con muốn làm người biết quản lý đời mình.
Con đâu muốn mất hạnh phúc khi làm quản lý xấu xa.
Con muốn là người quản lý trung thành như tháp chuông thức dậy mỗi sáng.
Con muốn là quản lý tài ba, nhưng con yếu đuối. Con muốn quản lý đời con theo ý Chúa, nhưng con yếu lòng. Trong cái vụng về của con, xin Chúa ban ơn.
Con đi về đâu khi chiều tà xế bóng nếu con là quản lý bất trung?
Con có thể đã là quản lý phung phí cuộc sống ân sủng Chúa ban như người quản gia kia. Con cũng có thể bồn chồn lo lắng tương lai vì không biết đi về đâu như người quản gia kia. Ôi, lạy Chúa, xin cho con ném lại những bất trung con phạm như lời kinh sám hối. Xin cho con ném lại những bất chính con làm như Giakêu: “…Nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn” (Lc 19,8).
Ông Giakêu đã được nghe: “Này ông Giakêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông…” (Lc 19,5).
Xin cho con cũng nghe được Chúa nói với con như thế.
Những hành vi quản lý bất trung con phạm, con xin ném lại như tấm lòng ăn năn đền tội của con. (trích: Dụ ngôn trong Phúc âm, tập 3, trang 62-63).
Lạy Chúa, xin cho con biết chọn Chúa là đối tượng duy nhất của lòng trí con. Amen.
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
===============
Suy niệm 5
Chúa Giêsu dạy ta cách tiêu tiền
(Lc 16, 1-13)
Phụng vụ Lời Chúa hôm nay đề cập đến một thứ rất quen thuộc và được sử dụng hàng ngày trong cuộc sống đó là “tiền”. Kết quả của việc làm, tương quan đổi chác là “tiền”.  Chẳng ai muốn nói tới tiền, vì đó là một chủ đề cấm kỵ. Tiền vừa là thứ được yêu thích, và cũng là thứ gây mặc cảm. Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta cách sử dụng đòng tiền khi kiếm được.
Tiền chỉ là một mảnh giấy, một vật làm bằng kim loại vô tri vô giác, nhưng nó đã đuợc chọn làm tương giao đổi chác, chi phối chúng ta quá nhiều. Tiền giữ một vị trí quan trọng, khiến nhiều bậc thang có giá trị bị đảo lộn.
Mặc dù có nhiều nguyên nhân gây ra tội lỗi, nhưng thánh Phaolô nhấn mạnh rằng: “Cội rễ sinh ra mọi điều ác là lòng ham thích tiền bạc” (1Tm 6,10). Vì ham thích tiền mà một số người từ bỏ đức tin. Lòng tham lam và thái độ tôn thờ tiền bạc khiến người ta trở thành kẻ bất lương. Bất lương đưa đẩy người ta đến hành động bất chấp và bất chính, khiến anh em gia đình bất hòa, làm xã hội bất công. Hậu quả là, mọi người chịu cảnh sống bất an, bất mãn, bất bình và bất hạnh, rồi nhanh bị… bất tỉnh!
Bài đọc trích sách tiên tri Amos cho thấy vì tiền mà người ta bất chấp tốt xấu. Người ta sẵn sàng làm ăn bất chính lừa gạt mua thừa bán thiếu, coi thường giá trị con người, hạ xuống chỉ như món hàng, sánh bằng đôi giầy đôi dép, thậm chí có người còn coi tiền hơn cả những giá trị tôn giáo cao quí nên họ chỉ mong cho ngày lễ mau qua để còn kiếm tiền (x. Am 8, 4-7). 
Bài Phúc Âm cho thấy vì tiền mà viên quản lý được chủ tín nhiệm đã trở thành kẻ bất lương, sẵn sàng bán rẻ lương tâm, bất chấp sự thật, gian giảo đổi trắng thành đen, viết sai văn tự, miễn là có lợi cho mình. Đến ông chủ cũng phải thốt lên tay này thật khôn ngoan quỷ quyệt!
Cách sử dụng của cải gian dối
Chúa Giêsu đưa ra ví dụ này chắc chắn không phải để khuyến khích sự xảo quyệt hay bất lương, không cần sống trung thực. Chúa Giêsu đã khuyên chúng ta: Hãy khôn ngoan và trung thực, biết chọn điều tốt và không xấu. Chúa muốn mời gọi chúng ta hãy sống khôn khéo! Với trí thông minh và sự khôn khéo giúp chúng ta chiếm hữu được nước trời bằng những đồng tiền gian dối.
Anh quản lý có phần thông minh nhưng lại bất lương, anh bị tố cáo là đã phung phí tài sản của chủ, và sắp bị sa thải. Ðối mặt với một tình cảnh bị đuổi việc, ý thức mình không thể làm được các việc khác, về nhà « cuốc đất thì không nổi, ăn mày thì hổ ngươi » anh tìm ra một lối thoát. Với sự khôn ngoan nhưng xảo quyệt, anh quyết định lấy cắp lần cuối. Anh đã làm gì? Anh gọi các con nợ của chủ lại và giảm các khoản nợ mà họ đã nợ ông chủ trước đó. Chính điều này giúp anh biến họ thành bạn bè và vì thế mà được đền ơn. Chúa Giêsu bảo chúng ta: “hãy dùng Tiền Của bất chính mà tạo lấy bạn bè, phòng khi hết tiền hết bạc, họ sẽ đón rước anh em vào nơi ở vĩnh cửu” ( Lc 16,9).
Có người hỏi, khi Chúa Giêsu nói: “Hãy dùng tiền của mà mua lấy bạn bè” có nghĩa là gì, và việc sử dụng của cải mà Chúa Giêsu đã nói liên quan gì đến “đời sống vĩnh cửu”?  Thưa, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta kết bạn bằng tiền của. Chúa chỉ cho chúng ta biết dùng tiền của để thương giúp tha nhân vì con người thì quí hơn mọi thứ mà chúng ta có thể chiếm hữu, dùng tiền mà mua lấy bạn hữu để chính họ sẽ đền ơn mà mời đón chúng ta vào nước trời, dùng tiền của sang giàu mà xây dựng tình huynh đệ và đoàn kết, thì sẽ không chỉ chiếm hữu được Thiên Chúa mà còn nối kết được với tha nhân trong tình sẻ chia những gì Chúa đặt để trong tay chúng ta, và còn nữa, hãy dùng tiền của sang giàu mà xây dựng tình huynh đệ và đoàn kết, thì sẽ không chỉ chiếm hữu được Thiên Chúa mà còn nối kết được với tha nhân trong tình sẻ chia những gì Chúa đặt để trong tay chúng ta.
Câu hỏi tự vấn lương tâm của viên quản lý bất lương “Mình phải làm gì đây?” (Lc 16, 3) khiến chúng ta suy nghĩ. Ðối diện với những thiết sót, sai lầm và thất bại của chúng ta, Thiên Chúa bảo đảm với chúng ta rằng chúng ta luôn có thời gian và cơ hội để sửa điều ác bằng cách làm điều thiện. Ai đã từng làm cho người khác phải đau khổ, hãy làm cho ai đó hạnh phúc. Ai đã từng chiếm đoạt hoặc tham ô, hãy giúp đỡ người thiếu thốn. Làm như vậy, chúng ta sẽ được Chúa ca ngợi, bởi vì chúng ta đã hành động khôn khéo, nghĩa là với sự khôn ngoan của người nhận biết mình là con cái Thiên Chúa và dám đánh liều đời mình vì Nước Trời.
Vì thế, chúng ta hãy xin Ðức Trinh Nữ rất thánh cho chúng ta biết trở nên khôn ngoan lựa chọn những bảo đảm của sự sống đời đời, chứ không phải thành công thế trần; để đến ngày phán xét chung cục, những người đã từng cần đến sự giúp đỡ của chúng ta chứng thực rằng chúng ta đã chiêm ngưỡng và phục vụ Thiên Chúa. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
===============
Suy niệm 6
LÀM CHỦ HAY LÀM ĐẦY TỚ TIỀN BẠC ?
Am 8,4-7 ; 1 Tm 2,1-8 ; Lc 16,1-13

I.HỌC LỜI CHÚA
1. TIN MỪNG: Lc 16,1-13
(1) Đức Giê-su còn nói với các môn đệ rằng: “Một nhà phú hộ kia có một người quản gia. Người ta tố cáo với ông anh này đã phung phí của cải nhà ông. (2) Ông mới gọi anh ta đến mà bảo: “Tôi nghe người ta nói gì về anh đó? Anh hãy phúc trình về công việc quản lý của anh. Vì từ nay anh không được làm quản gia nữa”. (3) Người quản gia liền nghĩ bụng: Mình sẽ làm gì đây? Vì ông chủ đã cắt chức quản gia của mình rồi. Cuốc đất thì không nổi, ăn mày thì hổ ngươi. (4) Mình biết phải làm gì rồi, để sau khi mất chức quản gia, sẽ có người đón rước mình về nhà họ !”. (5)  Anh ta liền cho gọi từng con nợ của chủ đến, và hỏi người thứ nhất: “Bác nợ chủ tôi bao nhiêu vậy?”(6) Người ấy đáp: “Một trăm thùng dầu Ô-liu”. Anh ta bảo: “Bác cầm lấy biên lai của bác đây, ngồi xuống mau, viết năm chục thôi”. (7) Rồi anh ta hỏi người khác: “Còn bác, bác nợ bao nhiêu vậy?” Người ấy đáp: “Một ngàn thùng lúa” Anh ta bảo: “Bác cầm lấy biên lai của bác đây, viết lại tám trăm thôi”. (8) Và ông chủ khen tên quản gia bất lương đó đã hành động khôn khéo. Quả thế, con cái đời này khôn khéo hơn con cái ánh sáng khi xử sự với người đồng loại. (9) Phần Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: Hãy dùng tiền của bất chính mà tạo lấy bạn bè, phòng khi hết tiền bạc, họ sẽ đón rước anh em vào nơi ở vĩnh cửu. (10) Ai trung tín trong việc rất nhỏ, thì cũng trung tin trong việc lớn. Ai bất lương trong việc rất nhỏ, thì cũng bất lương trong việc lớn. (11) Vậy nếu anh em không trung tín trong việc sử dụng tiền của bất chính, thì ai sẽ tín nhiệm mà giao phó của cải chân thật cho anh em? (12) Và nếu anh em không trung tín trong việc sử dụng của cải của người khác, thì ai sẽ ban cho anh em của cải dành riêng cho anh em? (13) Không gia nhân nào có thể làm tôi hai chủ. Vì hoặc ghét chủ này mà yêu chủ kia. Hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi tiền của được”.
2. Ý CHÍNH: Bài Tin mừng hôm nay dạy các môn đệ phải khôn ngoan, biết nhìn xa để chuẩn bị cho tương lai sau này. Đức Giê-su kể câu chuyện về một quản gia bất lương, đã lợi dụng những giờ phút cuối khi đang còn giữ chức quản lý, để làm ơn cho các con nợ của chủ bằng cách hạ thấp số nợ của họ xuống, với hy vọng sau này sau khi anh bị mất việc thì họ sẽ đền ơn đón anh về nhà họ. Cuối cùng Chúa dạy phải dùng tiền của gian dối mà mua lấy bạn hữu, để khi giờ chết đến bị mất hết tiền bạc, thì họ sẽ đón tiếp vào chốn an nghỉ đời đời.
3. CHÚ THÍCH:
- C 1-4: + Một nhà phú hộ kia có một người quản gia: Theo luật Do thái thì người quản gia không phải thuộc hạng tôi tớ được trả lương. Anh ta có quyền thay mặt chủ lo liệu mọi sự. Trường hợp viên quản gia làm thất thoát tiền bạc của chủ, luật pháp cũng không có biện pháp nào bắt anh ta phải hoàn lại của cải đã bị thất thoát. Hình phạt cùng lắm chỉ là sa thải, kèm theo bị mất uy tín mà thôi. Sau khi nhận được giấy sa thải, người quản gia sẽ phải tính sổ sách, liệt kê tài sản. Trong thời gian này, người quản gia vẫn là đại diện cho chủ, và được hành động nhân danh chủ. Trong bài dụ ngôn, việc người quản gia đã phung phí tài sản của chủ để gây thiện cảm với các con nợ tức làm lợi cho mình. Có thể nói anh ta đã "mượn đầu heo nấu cháo"! Nhưng anh cũng là người khôn khéo biết lợi dụng thời gian ngắn đang còn tại chức để làm ơn cho các con nợ của chủ, hầu đến khi bị chủ cách chức thì anh hy vọng họ sẽ đền ơn giúp lại anh.
- C 5-7: + Một trăm thùng dầu:Thùng dầu là đơn vị chứa khoảng từ 21 đến 45 lít. + Một ngàn thùng lúa:Thùng lúa hay giạ lúa, một đơn vị có số lượng lớn gấp 10 lần thùng dầu nói trên.
- C 8-10: + Ông chủ khen tên quản gia bất lương đó đã hành động khôn khéo: Đức Giê-su khen việc biết chuẩn bị cho tương lai của anh quản gia là hành động khôn khéo. + Con cái đời này khôn khéo hơn con cái ánh sáng khi xử sự với người đồng loại: Con cái đời này ám chỉ những kẻ thuộc về thế gian. Con cái ánh sáng là những người thuộc về Nước Trời. Con cái thế gian thường bén nhậy trong việc tìm kiếm tiền bạc vật chất, đang khi con cái Nước Trời lại thường khờ dại, không biết xử dụng ơn Chúa để lo cho mình được hưởng ơn cứu độ. + Hãy dùng tiền của bất chính mà tạo lấy bạn bè: Người quản gia đã hành động khôn khéo. Còn các môn đệ là con cái sự sáng, cũng phải dùng tiền bạc mà mua lấy bạn hữu. Tiền của bất chính trong câu này không có nghĩa là có nguồn gốc bất chính như trộm cắp gian tham, nhưng bất chính vì tiền bạc thường làm cho người ta ra hư hỏng. Hãy sử dụng nó để giúp đỡ người nghèo, tức là biến nó trở thành đồng tiền có giá trị ở đời sau. + Ai trung tín trong việc rất nhỏ, thì cũng trung tín trong việc lớn: Tiền của là một vật để trắc nghiệm lòng trung tín. Ở đây Đức Giê-su dạy môn đệ phải trung thành trong việc nhỏ là sử dụng tiền bạc, để biến đồng tiền ấy trở thành của cải chân thật có giá trị lớn lao ở đời sau (x. Mt 25,21; Lc 19,17).
- C 11-13: + Không gia nhân nào có thể làm tôi hai chủ:Đức Giê-su nhân cách hóa tiền bạc vật chất vì nó có thể sai khiến người ta như một tà thần. Kiểu nói “làm tôi” ở đây mang ý nghĩa “lụy phục”, “phượng thờ”, làm cho tiền của trở thành tà thần đối nghịch với Thiên Chúa. Vì thế Đức Giê-su đòi các môn đệ phải dứt khoát chọn tôn thờ một mình Thiên Chúa thay vì vừa tôn thờ Thiên Chúa lại vừa tôn thờ tiền của.
4. CÂU HỎI: 1) Tại sao người quản gia bị đánh giá là bất lương? 2) Đức Giê-su muốn các môn đệ của Người noi gương khôn khéo của người quản gia kia thế nào? 3) Khi nói: “Hãy dùng tiền của bất chính mà tạo lấy bạn bè”, phải chăng Đức Giê-su dạy các tín hữu dùng tiền lừa đảo trộm cắp hay tham nhũng để giúp đỡ kẻ nghèo? 4) Khi nào tiên bạc trở thành ông chủ? Ta phải làm gì để biến nó nên đầy tớ của ta? 5) Tiền bạc sẽ đem lại hậu quả thế nào một khi trở thành ông chủ?
II.SỐNG LỜI CHÚA
1. LỜI CHÚA: “Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi tiền của được” (Lc 16,13b).
2. CÂU CHUYỆN:
1) CHỈ MUA ĐƯỢC BẰNG LOẠI “TIỀN CHO ĐI” MÀ THÔI:
Một người kia suốt đời chỉ biết thu gom tiền bạc chứ không chịu chi ra, nên ông ta ngày một giàu thêm. Rồi một hôm ông ta bị đau nặng sắp chết. Trước khi nhắm mắt, ông cho gọi vợ con lại bên giường và trăn trối như sau: “Khi tôi chết, bà nó hãy đem tất cả số vàng tôi đã dành dụm bấy lâu bỏ vào trong quan tài cho tôi, vì tôi sẽ cần dùng tới nó trong thế giới bên kia”. Sau khi ông ta chết, vợ ông đã làm y như lời trăn trối của ông. Trên đường về thế giới bên kia phải đi ngang qua một cái chợ, ông nhà giàu ghé vào xem và thấy người ta mua bán nhiều thứ rất ngon, giống như các chợ dưới trần gian. Ông ta chỉ vào một ký thịt bò tươi và hỏi cô bán hàng giá bao nhiêu. Cô ta trả lời: “Giá một đồng”. Ông nghĩ bụng: “Rẻ thật !”. Ông lại quay sang hỏi nhiều món hàng khác đang bày bán chung quanh, và vật gì giá cũng chỉ một đồng. Ông nhẩm tính với số tiền mang theo khi chết ông sẽ có thể sống sung sướng trong cả ngàn năm nữa. Nhưng đến khi trả tiền để lấy hàng, ông nhà giàu bỡ ngỡ khi người bán không chịu nhận đồng tiền của ông. Cô ta nói với ông rằng: “Ở đây chỉ xài loại “tiền cho đi” mà thôi ! Còn tiền của ông là loại “tiền thu vào”, không có giá trị thanh toán !” Bấy giờ ông nhà giàu rất buồn rầu và thất vọng, vì tiền của bấy lâu nay ky cóp giờ chẳng còn chút giá trị nào cả ! Qua câu chuyện trên, chúng ta rút ra bài học này: Chỉ những “đồng tiền cho đi” mới là “đồng tiền để dành” có giá trị thanh toán ở đời sau và mới thực sự đem lại hạnh phúc đời đời cho ta.
2) MẠNH THƯỜNG QUÂN DÙNG TIỀN BẠC MUA NGHĨA:  
MẠNH THƯỜNG QUÂN nhà giàu có, cho vay mượn nhiều. Một hôm sai Phùng Hoan sang đất Tiết đòi nợ, lúc sắp đi, Phùng Hoan hỏi:
- Tiền nợ thu được có định mua gì về không?
Mạnh Thường Quân nói:
 - Ngươi xem trong nhà ta còn thiếu thứ gì thì mua.
Khi đến đất Tiết, Phùng Hoan cho gọi dân làng lại bảo rằng:              
- Các ngươi công nợ bao nhiêu, Thường Quân đều cho cả. Rồi đem văn tự ra đốt sạch.
Lúc về, Phùng Hoan thưa với Mạnh Thường Quân:
- Nhà tướng công châu báu đầy kho, chó ngựa đầy chuồng, người đẹp đầy nhà, không còn thiếu thứ gì nữa. Chỉ còn thiếu một cái "nghĩa", tôi trộm phép vì tướng công đã mua về.
Mạnh Thường Quân nghe thấy nói thế, cũng không hỏi gì đến tiền nữa. 
Sau Mạnh Thường Quân phải bãi quan về ở đất Tiết, dân đất Tiết nhớ đến ơn xưa ra đón rước đầy đường. Thường Quân bấy giờ mới ngoảnh lại bảo Phùng Hoan rằng:
- Trước tiên sinh vì tôi mua "nghĩa " nghĩa ấy ngày nay tôi mới trông thấy.
3) KHÁC BIỆT GIỮA HAI LOẠI KÍNH:
Một lần kia có một người giàu có nhưng keo kiệt đến gặp vị giáo trưởng của ông và xin giáo trưởng ban phép lành cho ông. Vị giáo trưởng đón tiếp ông nhà giàu một cách thân thiện và đưa vào phòng khách. Rồi giáo trưởng dẫn ông đến cửa sổ nhìn xuống đường phố và nói: “Ông hãy nhìn ra kia và nói cho tôi biết ông thấy gì”.
“Tôi thấy người ta đi qua, đi lại”, ông nhà giàu đáp.
Rồi giáo trưởng đem ông ta ra khỏi cửa sổ, dẫn ông ta đến trước một tấm gương to và nói: “Ông hãy nhìn vào tấm gương này và ông thấy gì”.
“Tôi thấy chính tôi”, ông nhà giàu đáp.
“Thế đấy, ông bạn, hãy để tôi giải thích ý nghĩa điều ấy cho ông. Cửa sổ làm bằng kính cũng giống như tấm gương này. Tuy nhiên, kính của tấm gương có tráng lên một lớp bạc tượng trưng cho đồng tiền. Khi ông nhìn qua kính thường, ông thấy người khác. Nhưng khi ông tráng bạc, ông không còn thấy người khác nữa mà chỉ thấy chính mình. Khi ông chỉ quan tâm đến tiền bạc, ông không còn thấy người khác nữa mà chỉ còn nhìn thấy bản thân mình”.
4) THÀ BỊ CHỘT MỘT MẮT CÒN HƠN MẤT TIỀN CHỮA TRỊ:
Bác sĩ A.J. Gordon kể: ngày nọ, có một ông nhà giầu keo kiệt đến khám mắt. Sau khi khám, bác sĩ cho biết ông ta phải chữa trị cả hai mắt, nếu không muốn bị mù. Ông ta liền hỏi :
- Giá chữa trị mỗi con mắt là bao nhiêu?
- Là 100 đôla. Bác sĩ trả lời.
Nghe vậy, ông nhà giầu thừ người ra suy nghĩ một lúc. Sau đó ông ta nói với bác sĩ: "Tôi chỉ yêu cầu bác sĩ chữa cho tôi một mắt với giá 100 đôla thôi. Vì tôi nghĩ: chỉ cần còn một mắt cũng có thể thấy đường đi và đếm được tiền rồi. Còn chữa hai mắt phải tốn tới 200 đôla là quá nhiều!
3. SUY NIỆM:
1) GIÁ TRỊ CỦA TIỀN BẠC:
Có người đã phát biểu về giá trị tương đối của đồng tiền như sau: “Tiền bạc có thể mua vỏ bọc ngoài của các sự vật nhưng không thể mua được điều cốt lõi của chúng được. Nó có thể đem đến cho bạn thức ăn nhưng không đem đến sự ngon miệng; có thể mang thuốc men nhưng không phải mang sức khỏe, mang sự quen biết nhưng không mang bạn bè, mang tôi tớ giúp việc nhà nhưng không phải là lòng trung tín, mang đến những ngày đầy lạc thú xác thịt nhưng không phải là sự bình an và hạnh phúc”. (Henrik Ibsen)
2) CẦN BIẾT KHÔN NGOAN SỬ DỤNG TIỀN BẠC:
Nhìn vào thế giới ngày nay, chúng ta cũng thấy còn đầy dẫy những bất công: Có những người giầu có lối sống hưởng thụ xa hoa hoang phí đang khi nhiều người nghèo ăn không đủ no, mặc không đủ ấm và còn thiếu tất cả những nhu cầu tối thiểu. Sở dĩ có sự giàu nghèo bất công như vậy một phần là do hoàn cảnh xã hội tạo ra, nhưng chủ yếu là do lòng tham của con người, khi mà người giàu chỉ biết ích kỷ để tìm lo cho bản thân, mà không biết nghĩ đến những người nghèo đói bất hạnh ở ngay bên cạnh mình. Qua dụ ngôn về người quản gia bất lương trong Tin mừng hôm nay, Đức Giê-su muốn các môn đệ và các tín hữu chúng ta cũng phải có thái độ khôn ngoan để biết nhìn xa và có những hành động phù hợp có lợi cho tương lai của mình sau này.
3) CHÚNG TA PHẢI LÀM GÌ ĐỐI VỚI TIỀN BẠC ? :
-Biến đồng tiền thu vào thành đồng tiền cho đi : Nên nhớ rằng: Chỉ khi biết quảng đại ban phát của cải cho những kẻ thiếu thốn, chúng ta mới thực là những người quản gia trung tín và khôn ngoan biết làm theo ý chủ. Chỉ khi biết coi tiền của là phương tiện phục vụ tha nhân, chúng ta mới chứng tỏ mình là tôi trung của Thiên Chúa. Các Rabbi Do thái có câu này: “Kẻ giàu giúp kẻ nghèo ở đời này, nhưng kẻ nghèo sẽ giúp kẻ giàu ở đời sau”.
- Chọn làm chủ thay vì đầy tớ đồng tiền: Mỗi người chúng ta hãy tự hỏi mình: Tôi hiện đang làm chủ hay đang làm đầy tớ cho đồng tiền?
Tôi sẽ là chủ đồng tiền nếu dám chia sẻ số tiền mình đang có cho người khác, dám cho vay mượn theo đức công bình, dám trả lại cho chủ của khi phát hiện ra đồng tiền mình đang chiếm giữ không phải của mình. Nhất là khi bị mất cắp, tôi sẽ không quá đau buồn như kẻ mất hồn, đến nỗi chẳng còn thiết tha làm bất cứ việc gì khác!
Tôi sẽ là đầy tớ đồng tiền nếu năng nghĩ đến nó, thích mang ra nhìn ngắm và đếm đi đếm lại nhiều lần trong ngày; Năng đề cập đến tiền bạc trong câu chuyện và đề cao sức mạnh vạn năng của nó; Có thái độ tôn trọng đồng tiền hơn mọi thứ có giá trị khác; Sẵn sàng làm bất cứ việc gì dù vi phạm luật pháp hoặc bất công và bất nghĩa… miễn sao có nhiều tiền cho đầy túi tham.
4. THẢO LUẬN: Bạn cần làm gì để tiền bạc trở thành đầy tớ phục vụ cách đắc lực cho các nhu cầu chính đáng của bạn và của tha nhân?
5. NGUYỆN CẦU:
LẠY CHÚA GIÊ-SU. Xin cho chúng con biếtqui hướng trọn cuộc sống về cho Thiên Chúa, từ việc nhỏ đến việc lớn. Xin giúp chúng con dứt khoát nói “không” với bất cứ cám dỗ nào xúi giục chúng con tìm kiếm những đồng tiền bất chính, để chúng con xứng đáng trở thành những môn đệ thực sự của Chúa: luôn sống theo Lời Chúa dạy và mãi mãi thuộc về Chúa.
X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON
LM ĐAN VINH - HHTM
===============
Suy niệm 7
Khôn Khéo
Am 8, 4-7; 1Tm 2,1-8; Lc 16, 1-13
Thường tình ở đời ai cũng biết lo cho mình. Người lo tích trữ tiền bạc, làm sao có bát ăn bát để phòng lúc nắng mưa, lo cho tương lai con cái. Người lo giữ gìn sức khỏe sắc đẹp, cần nghỉ ngơi dưỡng sức. Người ta mua bảo hiểm y tế để chữa bệnh, bảo hiểm thân thể phòng chuyện rủi ro, người có khả năng hơn còn lo mua bảo hiểm nhân thọ nữa…
Người quản gia trong Tin Mừng hôm nay, sau khi bị tố cáo hạch tội, ông biết mình sắp lâm vào tình trạng bế tắc vì bị thất nghiệp. Trong khốn khó lại ló cái khôn, “Mình biết phải làm gì rồi, để sau khi mất chức quản gia, sẽ có người đón rước mình về nhà họ!” Và ông bắt đầu xoay sở, tính chuyện làm lại biên lai, bớt tiền lời, mua lấy anh em bạn bè để có người đón rước mình sau này. Ông được chủ khen là biết hành động khôn khéo.
“Quả thế, con cái đời này khôn khéo hơn con cái ánh sáng...”. Người quản gia được khen vì tính khôn khéo trong việc xử trí, chứ không khen tính bất lương của hành động. Người đời quá khôn khéo tính toán, lo lắng cho mình. Nhưng nào mấy ai chịu đầu tư thời giờ sức lực, khả năng cho đời sống siêu nhiên, cho đời tâm linh của mình? Ngày ngày cứ bới đất lật cỏ, miệt mài làm ăn kể cả Chúa nhật, chấp nhận mọi gian lao để kiếm thật nhiều tiền, lo cho con cháu, bây giờ và cả tương lai. Người ta còn dành rất nhiều thời giờ vào chuyện thế trần: tiệc tùng, du lịch, vui chơi, giải trí…
Các Kitô hữu, những “con cái ánh sáng” nên rút ra bài học, kinh nghiệm từ “con cái đời này”, để lo cho đời sống siêu nhiên, sẽ được trở nên “sáng” nhờ nghe và sống Lời Chúa. “Lời Ngài là sức sống của con, Lời Ngài là ánh sáng đời con”. Mặc dù tôi đang sống trong những nhu cầu thể xác và vẫn dùng mọi phương tiện thế trần, nhưng vẫn cố gắng hy sinh để vượt lên với đời tâm linh. “Người đời hăng hái thế nào trong việc đời: ước mơ danh vọng, cố gắng làm giầu, mải mê tìm lạc thú. Nam, nữ, giầu, nghèo, già, trung niên, thanh niên, cả trẻ con: tất cả đều như nhau. Nếu bạn và tôi hăng hái như họ trong việc linh hồn, chúng ta sẽ có đức tin tươi mát và năng động: lúc ấy không cản trở nào không thể thắng vượt trong việc tông đồ.” (Escriva, The Way, 317)
Đức Giêsu lại dạy rằng: “Phần Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: hãy dùng Tiền Của bất chính mà tạo lấy bạn bè, phòng khi hết tiền hết bạc, họ sẽ đón rước anh em vào nơi ở vĩnh cửu”. Xem ra cách dùng tiền của này ngược với lối sống thực thụ, để thăng tiến chính bản thân và những người thuộc về mình. Tiền của quan trọng, cần thiết là thế, mà Người bảo hãy dùng để đổi lấy bạn bè anh em, để sinh ích thiêng liêng, thành ra nhiều người bị giằng co giữa nhu cầu tiền của cho cuộc sống này, với đời sống đạo, với Chúa và theo Chúa. Dùng tiền của để “tạo lấy bạn bè” là một cách đúng đắn, thánh Phaolô đã khen tín hữu thành Philipphê biết xử dụng tiền của để chia sẻ tình thương với ngài và sinh ích cho việc truyền giáo: “ngay khi tôi còn ở Texalônica, đôi lần anh em đã gửi cho tôi những gì tôi cần dùng… Tôi rất đầy đủ, kể từ khi nhận được những gì anh em gửi đến tôi qua tay anh Êpaprôđitô. Quà anh em tặng cho tôi đó, chẳng khác nào hương thơm, lễ vật đẹp lòng Thiên Chúa và được Người chấp nhận.”
Đức Giêsu cảnh cáo thái độ làm tôi hai chủ, coi Thiên Chúa ngang hàng với những nhu cầu vật chất: “Không gia nhân nào có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi Tiền Của được”. Không thể vừa yêu mến Chúa hết lòng mà lại vừa tôn thờ tiền bạc như một quyền lực, gắn bó, liền khúc ruột với nó. Phải chăng những người có nhiều tiền của vật chất là người không mến Chúa? Người chọn sống với Chúa, theo Chúa là phải từ bỏ hết của cải, nhu cầu vật chất, thành trắng tay, sống khổ sở dặt dẹo qua ngày? Một người vừa chăm chỉ làm việc kiếm tiền nuôi con ăn học, không tiêu xài hoang phí, nhưng biết dùng tiền để sinh ích cho mình và cho người khác là người biết dùng tiền của đúng đắn. Nếu người ấy vẫn sống đức tin sống động, gắn bó với Chúa từng ngày giờ, cả trong mọi công việc của mình, thì vẫn là người “làm tôi Thiên Chúa” đấy thôi. Người ta càng sống với Chúa càng chăm chỉ làm việc ra tiền và biết sử dụng vào những mục đích đẹp ý Chúa.   
Chúa ơi! chỉ có Chúa là cùng đích của đời chúng con! Trong khi mưu cầu cho cuộc sống, chúng con vẫn tìm kiếm và xây dựng giá trị Nước Trời, biết ra khỏi chính mình để gặp Chúa qua những chia sẻ, cảm thông với anh em cần đến tấm lòng và bàn tay rộng mở chúng con. Chỉ khi nào con nhận ra mọi sự là hư vô, là tương đối, là tạm bợ… Và lòng con vẫn trống rỗng, thiêu thiếu cái gì đó, thì lúc đó con mới tha thiết kiếm tìm chuyện vĩnh cửu, Tình Yêu chân thật và Hạnh Phúc sung mãn trong Chúa, là hạnh phúc tuyệt đỉnh của tâm hồn. Chỉ có một mình Thiên Chúa mới làm cho con người sung mãn mà thôi. Và như thế, con sẽ trở nên khôn khéo,  hơn hẳn những…con cái đời này”.
Én Nhỏ
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log