Thứ bảy, 23/11/2024

Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật 28 Thường niên C

Cập nhật lúc 16:49 06/10/2022
Suy niệm 1
Lc 17, 11 – 19
Trong xã hội Do Thái, người mắc bệnh cùi bị cả luật đạo lẫn luật đời xô xuống tận vực thẳm của nỗi khổ nhục. Theo luật đạo thì mắc bệnh cùi là mắc uế. Mắc uế thì thanh tẩy cho hết uế. Nhưng bệnh cùi là bệnh nan y, nên phải mang mặc cảm tội lỗi cho đến chết. Theo luật đời thì người mắc bệnh cùi phải sống cách ly với gia đình và xã hội. Mắc bệnh cùi thì phải thoát ly gia đình, phải cư trú trong rừng núi. Đi ngoài đường thì phải rung chuông báo, để mọi người phải tránh xa tối thiểu hai mét. Nếu không rung chuông, thì phải lấy vạt áo che miệng mà hô “cùi”. Thân nhân đến thăm nuôi người thân mắc bệnh cùi thì phải đứng xa chừng hai mươi mét, vì không phải chỉ tránh xa người cùi, mà còn phải tránh xa cả các đồ dùng thân thiết của người cùi nữa. Dụng cụ thân thiết của người cùi là: giường chiếu, quần áo, giày dép…
Bài Tin Mừng hôm nay kể lại chuyện Chúa chữa mười người cùi khỏi bệnh. Chữa bệnh là chuyện thường xuyên của Chúa. Điều đáng theo dõi hôm nay đó là: Chúa sai mười người đi trình diện tư tế và lời than thở của Chúa vì mười người được khỏi hết, mà chỉ có một người trở lại tạ ơn Chúa, mà người này lại là người Samari, tức là người Do Thái bị vạ tuyệt thông và bị coi như người ngoại đạo.
Sở dĩ Chúa ra lệnh cho mười người cùi đi gặp thầy tư tế, vì thầy tư tế có quyền khám bệnh cùi. Nếu người cùi mà hết bệnh thì phải được tư tế khám và cho chứng minh thư để về sum họp gia đình. Về sum họp gia đình mà thiếu chứng minh thư của tư tế, thì sẽ bị người xóm giềng ném đá đuổi đi.
Có một điều khá lạ đó là cả mười người được khỏi bệnh cùi, mà chỉ có một người trở lại để cám ơn Chúa. Chín người kia chắc là mừng quá, vội vàng chạy về báo tin vui cho thân nhân. Có thể cả họ lẫn thân nhân sẽ không quên ơn cứu sống này. Nhưng họ sẽ đến cám ơn Chúa sau vài ngày. Có lẽ có người ở xa lắm.
Nhưng điều Chúa muốn dạy chúng ta không phải là khuyết điểm của chín người chưa trở lại cám ơn Chúa, mà là một người trở lại cám ơn Chúa “lại là người Samari”.
Cái tâm của Chúa là luôn luôn hướng về người ngoại, nhất là người Samari. Người Samari là đồng bào và đồng đạo của người Do Thái, nhưng bị người Do Thái ra vạ tuyệt thông cách ly và tiền kết. Vạ giáng xuống trên người và trên cả đất đai. Tại sao lời than phiền của Chúa lại thêm một câu “mà người này lại là người Samari?” Đó là tấm lòng của Chúa, người Do Thái thì kỳ thị người ngoại. Còn Chúa thì yêu người ngoại. Hễ có dịp, Chúa lại đề cao người ngoại. Dụ ngôn “Người Samari nhân từ” minh chứng điều đó. Lời Chúa khen ông sĩ quan ở Ca-phác-na-um “Tôi chưa thấy một niềm tin nào như thế trong dân tộc Ít-ra-en.”
Chúa luôn luôn yêu thương và đề cao người ngoại, ngoại đạo cũng như ngoại quốc. Đó là bài học dạy người Do Thái phải cấp tốc sửa cái lỗi, cái tội kỳ thị người ngoại. Cái tấm lòng ấy của Chúa cũng dạy chúng ta rằng: trên đường loan báo Tin Mừng mà không yêu thương và kính trọng người ngoại, thì chưa phải là loan báo Tin Mừng. Đó là điều chúng ta phải ngẫm nghĩ và sám hối.
Linh mục Piô Ngô Phúc Hậu
=================
Suy niệm 2
LÒNG BIẾT ƠN
Bài đọc thứ nhất cho chúng ta một hình ảnh rất đẹp về việc bày tỏ lòng biết ơn của Tướng Naaman, người Syri là đối với ngôn sứ Êlisa. Ông dâng lên món quà và tha thiết xin ngôn sứ nhận cho, nhưng Êlisa cương quyết từ chối, vì biểu hiện lòng biết ơn đã là một cách trả ơn rồi.
Cómột câu chuyệnvề lòng biết ơn như sau: một hôm Chúa sai hai thiên thần xuống trần gian đi làm nhiệm vụ, đúng hẹn hai thiên thần trở về, một vị đeo cái giỏ nặng trĩu, thấy vị kia đeo cái giỏ nhẹ tênh, liền cất tiếng nói rằng:“Chúa sai tôi xuống trần gian thâu tất cả những lời cầu xin, nhưng nhiều quá nên cái giỏ của tôi rất nặng. Còn ngài, ngài đã làm gì mà sao cái giỏ của ngài nhẹ quá vậy?” Vị kia trả lời: “Chúa sai tôi đi thu tất cả những lời tạ ơn, nhưng chẳng có bao nhiêu”.
Câu chuyện trên nói lên một thực tế của đời sống con người,cũng giống như bài Tin Mừng hôm nay. Trong số mười người phong hủi được Đức Giêsu chữa lành, chỉ có một người quay lại và sấp mình tạ ơn Ngài, trớ trêu thay người ấy lại là người vùng dân ngoại Samari. Điều này khiến Đức Giêsu bùi ngùi thốt lên: "Không phải cả mười người được sạch cả sao? Thế thì chín người kia đâu? Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này?".
Ðức Giêsu không làm phép lạ để được người ta biết ơn, nhưng biết ơn lại là cơ hội để nhận lãnh thêm ơn. Ngài mong những người kia trở lại để gặp gỡ trong sự thân tình, và để ban cho họ điều lớn lao hơn, như Kinh Tiền Tụng IV đã nói lên:“Chúa không cần chúng ta ca tụng, nhưng được tạ ơn Chúa lại là một hồng ân cao cả, vì những lời ca tụng của chúng ta chẳng thêm gì cho Chúa, nhưng đem lại cho chúng ta ơn cứu độ muôn đời” Rất tiếc, chín người kia vui mừng dừng lại ở quà tặng mà lại quên người tặng quà. Họ chỉ nhằm vào ơn ban mà quên mất Đấng ban ơn. Thiếu lòng biết ơn khiến lòng người trở nên chật hẹp, nên cuối cùng nhận chưa bao nhiêu mà mất quá nhiều, mất tình yêu, mất lòng nhân nghĩa, cũng là mất đi chính mình.
Có thể ta thuộc về nhóm chín người, chỉ nhắm vào những gì mình được nên dễ vô ơn. Cũng có thể ta đãđã quá quen với những ơn Chúa ban, đến độ thấy đó là chuyện bình thường,nên không thấy cần phải tỏ lòng biết ơn. Điều này dễ làm lòng ta ra chai đá, không còn cảm nhận được tình thương của Chúa, và tâm hồn ngày càng trở nên tàn tạ. Đúng như John Hery Jowett đã viết: "Sống vô ơn là một cuộc đời trống vắng tình yêu và không cảm xúc. Được ân ban mà không có tri ân là sự thiếu hụt của một nhận thức tinh tế. Lòng tin mà thiếu niềm tri ân là một lòng tin không có nghị lực. Tất cả những nhân đức bị tách biệt khỏi lòng biết ơn đều trở nên tàn tật khập khiễng trên con đường thiêng liêng".
Ngạn ngữ Pháp có câu: “Lòng biết ơn là ký ức của trái tim”. Nó là nghĩa cử của tâm hồn, luôn ghi nhớ những ân huệ được tặng ban để hướng tới người đã ban tặng. Cuộc sống là một chuỗi những ân huệ nối tiếp nhau. Chúng ta vẫn luôn nhận được biết bao ơn lành của Chúatrong mọi hoàn cảnh, từ những người thân quen và cả những người xa lạ. Vậy nếu cuộc sống là lãnh nhận thì lòng biết ơn là nét cao đẹp nhất của con người. Biết ơn là nhận ra thân phận bất toàn của mình, là ý thức về tình liên đới với người khác. Lòng biết ơn chính là bông hoa rực rỡ điểm tô cho cuộc sống nhân loại. Một tiếng "cám ơn" với tất cả chân tình, sẽ làm cho chúng ta nên người hơn, và thể hiện niềm tin sâu xa hơn vào Thiên Chúa, Đấng hằng yêu thương và quan phòng.
Biết ơn phải là tâm tình chủ yếuchi phối lời cầu nguyện và cuộc sống của chúng ta, vì toàn bộ đời ta là một hồng ân, một quà tặng. Nhìn về Đức Giêsu, ta thấy cả cuộc sống của Ngài là một “bài ca tạ ơn”. Ngài tạ ơn Cha vì đã mạc khải cho những người bé nhỏ; tạ ơn trước khi cho Ladarô sống lại; tạ ơn trước khi làm phép lạ hoá bánh và cá ra nhiều, tạ ơn trước khi lập phép Thánh thể. Người không chỉ là mẫu mực về lòng biết ơn mà còn dạy chúng ta thể hiện lòng biết ơn ấy: “Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”. Kể từ đó, mỗi thánh lễ mà Giáo Hội cử hành được gọi là Thánh lễ Tạ ơn. Cũng như Chúa Giêsu, mỗi Kitô hữu cũng phải trở thành bài ca tạ ơn. Tạ ơn vì thấy mình được bao bọc bởi Tình Yêu,và muốn làm mọi sự để đáp lại Tình Yêu.
Tạ ơn Chúa vì đã sinh dựng nên ta, và cám ơn bao người vì đã góp phần làm nên cuộc sống ta. Ðời mỗi người chúng ta là quà tặng của Thiên Chúa, và đẹp biết bao khi ta biến mình thành quà tặng cho tha nhân.
Cầu nguyện
Lạy Chúa!
Đời sống con là ân ban của Chúa,
là một chuỗi ân huệ nối tiếp nhau,
dù cuộc sống lẫn lộn những vàng thau,
nhưng đời con vẫn triển nở tươi mầu.

Con tạ ơn Chúa vì thành công và may mắn,
cả những thất bại và cay đắng trong đời.

Con tạ ơn Chúa vì niềm vui và hạnh phúc,
cả nỗi buồn đau và những lúc khổ sầu.

Con tạ ơn Chúa những gì được cũng như mất,
những gì đã hoàn tất cũng như đang dang dở.

Con tạ ơn Chúa vì có những người quí mến,
và cả những người đã ghét bỏ khinh chê.

Con tạ ơn Chúa khi mạnh khỏe và sung túc,
cũng như lúc bệnh tật và tai ương hoạn nạn.

Con tạ ơn Chúa những ngày sống bình an,
cả những ngày tháng đầy hoang mang lo sợ.

Con tạ ơn Chúa vì những đỡ nâng và an ủi,
cả những lúc bị dập vùi và lủi thủi cô đơn.

Con tạ ơn Chúa vì có khả năng để phục vụ,
cả những yếu kém và nhiều điều chưa đủ.

Con tạ ơn Chúa về tất cả,
chẳng loại trừ ra một điều gì,
vì đã góp phần làm nên cuộc sống con.

Con có chết cũng tạ ơn không hết,
vì đời con đầy dấu vết của tội nhơ,
mà tình Chúa thương vẫn vô bến vô bờ.

Con tận dụng những ngày giờ còn lại,
sống hết mình cho Chúa cho tha nhân,
để tri ân tình Chúa đến muôn đời. Amen.
Lm. Thái Nguyên
=================
Suy niệm 3
Quà tặng vô giá
Lc 17, 11-19
Khi đi qua biên giới Samaria, Chúa Giê-su gặp mười người phong cùi. Họ là những người mang số phận bi đát. Vì mắc bệnh truyền nhiễm đáng sợ, họ bị xã hội Do-thái thời bấy giờ xua ra khỏi gia đình, làng mạc; họ bị cách ly với tất cả mọi người. Những con người bất hạnh nầy tụ tập với nhau, sống trong các hang hốc ngoài đồi núi, áo quần tả tơi, đầu tóc bù xù, thân thể bốc mùi hôi hám. Họ bị luật buộc phải để đầu trần, đi đâu phải lấy tay che miệng và hô báo hiệu cho người qua lại biết mà lánh xa.
Vì thế, họ không được phép lại gần Chúa Giê-su để xin Ngài cứu chữa. Họ đứng đằng xa kêu lên: “Lạy Thầy Giê-su, xin dủ lòng thương chúng tôi” (Luca 17,12).
Theo luật quy định, nếu người nào mắc bệnh phong có cơ may lành bệnh, thì phải đến trình diện với các tư tế, để được kiểm tra. Nếu thực sự được lành thì mới được hoà nhập với cộng đồng.
Chúa Giê-su bảo mười người phong đến trình diện với các tư tế là vì lý do đó. Đang khi đi đường thì họ được khỏi bệnh nhưng chỉ có một người xứ Samari quay trở lại tôn vinh Thiên Chúa và cảm tạ Chúa Giê-su. Còn chín người kia thì không. Chưa được ơn thì van vái khẩn cầu thật tha thiết, được ơn rồi thì nín lặng chẳng biết cám ơn (Luca 17, 11-19).
Được thoát khỏi căn bệnh quái ác hành hạ thân xác ngày đêm, khỏi bị cách ly với xã hội loài người và từ đó, được hòa nhập với gia đình và những người thân yêu là một diễm phúc lớn nhất trong đời. Thế mà trong số mười người chỉ có một người quay trở lại tạ ơn Thiên Chúa thì chín người kia thật là vô tâm và đáng trách!
Có bao giờ chúng ta ứng xử đáng trách như chín người vô ơn nầy không?
Quà tặng vô giá
Nhìn lại quãng đời đã qua, chúng ta nhận thấy mình cũng được Thiên Chúa ban cho diễm phúc khác lớn lao hơn nhiều.
Chúng ta được Chúa Cha ban cho một “Quà tặng” vô giá là Chúa Giê-su Ki-tô. Ngài là Hồng ân tuyệt vời hơn tất cả mọi hồng ân.
Ngài yêu thương gắn bó chăm lo cho ta hơn mẹ hiền lo cho đứa con thơ. Ngài dìu dắt ta vượt qua muôn dặm đường đời gian truân đau khổ.
Khi chúng ta lầm đường lạc lối, Chúa soi đường chỉ lối cho ta;
Khi lo âu sợ hãi, Chúa chăm sóc vỗ về;
Khi bị cám dỗ nặng nề, Chúa ra tay ngăn ngừa, bảo vệ;
Khi đắm chìm trong tội, Chúa cứu vớt ta lên;
Khi cô đơn, buồn thảm… Chúa đồng hành an ủi như Ngài đã từng đến với hai môn đệ Em-mau;
Khi bệnh hoạn hay gặp tai ương… Chúa chăm sóc cứu chữa, qua những người thân cận;
Khi gặp sóng gió, giông tố trên biển đời, Chúa giơ tay nắm lấy ta như Ngài đã từng nắm lấy tay Phê-rô khi bị sóng biển nhấn chìm…
Đặc biệt, để cứu loài người khỏi án phạt nặng nề và khỏi phải chết đau thương vì tội đã phạm, Ngài chấp nhận hiến mạng sống mình, chịu khổ nạn, vác thập giá, chết thê thảm trên thập giá để đền tội thay, chết thay cho muôn dân, như lời Kinh thánh: “Thà một người chết thay cho dân còn hơn là toàn dân phải bị tiêu diệt” (Ga 11, 50).
Và nhất là Ngài đã sống lại để mở cửa trời cho chúng ta, để dọn chỗ cho chúng ta trên trời; mai đây Ngài sẽ trở lại đưa chúng ta lên nơi vinh hiển với Ngài.
Trước Hồng ân vô cùng lớn lao, trọng đại và rất đỗi tuyệt vời nầy, chúng ta đã từng cảm tạ Chúa chưa? Đã làm gì để đền đáp ơn cao nghĩa dày của Chúa?
Lạy Chúa Giê-su,
Chúa là Hồng ân lớn nhất Chúa Cha ban cho nhân loại, như lời Kinh thánh: “Chúa Cha yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Ngài thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3, 16).
Thế mà hiện nay còn rất nhiều người trên thế giới chưa từng nhận biết Ngài là ai và cũng còn nhiều người khác tỏ ra thờ ơ, dửng dưng trước “Quà tặng vô giá” nầy.
Xin cho chúng con hân hoan đón nhận hồng phúc cao quý nầy với tấm lòng yêu mến, cảm tạ, tri ân. Amen.
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
=================
Suy niệm 4
SỐNG TÂM TÌNH TẠ ƠN

Thời gian mới tới vùng đất Phù Tang, khi được tiếp xúc với các em mẫu giáo ngay ở giáo xứ, các em được dạy thực hành nói lời ‘cám ơn’, ‘xin lỗi’, và ‘xin vui lòng…’ hằng ngày. Trong môi trường giáo dục học đường từ cấp thấp nhất, ai ai cũng thuộc nằm lòng ‘nhân, nghĩa, lễ, trí, tín’ và được dạy nói lời cám ơn khi nhận gì đó từ người khác, nói lời xin lỗi khi mắc lỗi hoặc làm phiền ai,…
Thế nhưng, đây chỉ là những gì căn bản nhất của một con người. Thử nhìn vào thực tế thì lời ‘cám ơn’, chữ ‘xin lỗi’ trở nên khó nhằn khi phải mở miệng thưa đáp. Có ai đó thốt lên rằng: ‘thật khó nói lời xin lỗi! Và phải chăng tiếng cám ơn giờ đây lại quá xa xỉ!’
Thánh Ber-na-đô từng nói: “Sự vô ơn là một bức tường ngăn cách giữa Thiên Chúa và tạo vật, là một chiếc đập ngăn chặn nguồn suối với dòng sông”. Khi con người chúng ta không biết sống tâm tình tạ ơn, thì một vách ngăn vô hình hiện hữu, tách rời ta khỏi Thiên Chúa và mọi vật xung quanh, như thể nguồn nước bị chặn lại, dòng chảy bị ứ đọng. Bởi đó, phải biết mặc lấy tâm tình cảm tạ Chúa mọi lúc, mọi nơi, và trong mọi biến cố, vì chưng biết ơn chính là một lời kinh nguyện tuyệt vời dâng lên Chúa, chẳng chút so đo, chẳng mảy may toan tính.
Với ai sống trọn tâm tình biết ơn mỗi ngày, chắc hẳn Chúa sẽ ban cho họ những sự cần thiết, dẫu họ không van nài, kêu xin. Như ông quan lãnh binh Sy-ri-a tên là Na-a-man đã biết quay lại đội ơn ‘người của Thiên Chúa’ - tiên tri Ê-li-sa, mà nói: “Thật tôi biết không có Thiên Chúa nào khác trên hoàn vũ, ngoài một Thiên Chúa ở Israel. Vì thế, tôi xin ông nhận lấy phần phúc của tôi tớ ông” (2V 5, 15). Hơn thế, một trong mười người được Chúa Giê-su chữa lành khỏi bệnh phong hủi,“nhận thấy mình được lành sạch, liền quay trở lại, ln tiếng ngợi khen Thiên Chúa, rồi đến sấp mình dưới chân Chúa Giê-su và tạ ơn Người, mà người ấy lại là người xứ Samaria” (x. Lc 17, 15-16). Thật vậy, biết ơn là một nhân đức tốt đẹp của người Ki-tô hữu. Chúng ta hãy không ngừng cảm tạ Chúa, chẳng phải chỉ trong những thời khắc thành công, những giờ phút may mắn và gặp được những sự tốt lành; mà còn biết sống tâm tình tri ân cảm tạ Chúa ngay cả khi buồn phiền, lúc chứng kiến hoạn nạn, trải qua tai ương thử thách nữa. Với tâm tình này, chúng ta nhớ đến nhân vật ông Gióp lúc phải đối mặt với đau khổ tột cùng, bạn bè xa lánh, kể cả bà vợ ông cũng trách cứ thậm tệ, nhưng ông vẫn một lòng tín trung, sống trọn vẹn tâm tình tạ ơn: “Chúng ta đón nhận điều lành từ Thiên Chúa, còn điều dữ, lại không biết đón nhận sao?” (G 2, 10), và “thân trần truồng sinh từ lòng mẹ, tôi sẽ trở về đó cũng trần truồng. Đức Chúa đã ban cho, Đức Chúa lại lấy đi: xin chúc tụng danh Đức Chúa” (G 1, 21).
Quả thật, lòng biết ơn, tâm tình tạ ơn, tiếng nói cám ơn tuy giản đơn, nhưng để sống trọn vẹn và thật tâm với nó thì đòi hỏi chúng ta phải biến nó thành xương tuỷ, biến nó thành lối sống của ta. Ca dao Việt Nam nói không sai:

“Ơn ai một chút chớ quên.
Phiền ai một chút để bên cạnh lòng”.

Và nếu sống vô ơn bội nghĩa thì:

“Ai mà phụ nghĩa quên công,
Dù đeo trăm cánh hoa hồng chẳng thơm”.

Sự vô ơn, vong ơn, bội nghĩa, phụ tình quên công không chỉ dừng lại ở việc quên nói lời cám ơn, mà nó chi phối cả cuộc sống, cả cách sống, cách đối nhân xử thế nữa, v.v…Vì vậy, Chúa Giê-su ngạc nhiên trước hành vi của chín người cũng được chữa lành như người Sa-ma-ri-a, nhưng họ lại vô ơn: “Chớ thì không phải cả mười người được lành sạch sao? Còn chín người kia đâu? Không thấy ai trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này” (Lc 17, 17-18). Ngạn ngữ Pháp có câu rất chí lý: “Lòng biết ơn là ký ức của tâm hồn”. Phải chăng, chín người kia không quay trở lại cám tạ Chúa, vì họ là người mau quên, không có ký ức sao? Lòng biết ơn, tâm tình cảm tạ gắn liền với con tim, gắn liền với cung cách sống, gắn kết với những gì thân tình nhất của con người. Nếu chưa trở nên ‘xương thịt, máu tuỷ’ của ta, thì lời cảm ơn, lòng biết ơn, tâm tình tạ ơn vẫn chỉ là hạn từ không hơn không kém, tệ hơn nữa, nó nằm ngoài chúng ta. Tương tự như câu chuyện ngắn sau: Trên một chuyến xe buýt, một em bé đang ngồi ở hàng ghế đầu. Thấy ông lão khập khiễng bước lên, cậu bé nhanh chân đứng dậy nhường chỗ cho ông lão. Ông ấy cứ thế lẳng lặng ngồi xuống chiếc ghế mà cậu bé vừa nhường cho. Thoạt nhiên, chẳng hiểu sao, cậu bé quay lại hỏi ông lão: “Thưa ông, ông vừa nói gì ạ?" Ông lão trợn mắt to tròn đáp: “Không, ông có nói gì đâu!"Nghe thế, cậu bé lễ phép nói: “Vậy mà cháu cứ tưởng ông nói “cám ơn” chứ!” Thật xót xa thay cho một quảng đời dài đăng đẳng của ông lão, thế nhưng chỉ một lời cám ơn đơn giản vậy mà khó nói đến thế ư! Có lẽ chẳng phải khó, đúng hơn, tâm tình biết ơn-tạ ơn chưa trở nên lối sống của chúng ta chăng?
Một khi thấm nhập tâm tình tạ ơn, và sống lối sống biết ơn hằng ngày, chúng ta sẽ khắc sâu vào tâm khảm lời Thánh Phao-lô xác thực với ông Ti-mô-thê: “Nếu chúng ta cùng chết với Người, thì chúng ta cùng sống với Người. Nếu chúng ta kiên tâm chịu đựng, chúng ta sẽ cùng hiển trị với Người. Nếu chúng ta chối bỏ Người, thì Người cũng sẽ chối bỏ chúng ta. Nếu chúng ta không trung tín, Người vẫn một lòng trung tín, vì Người không thể chối bỏ chính mình” (2Tm 2, 11-13). Dẫu chúng ta yếu đuối, bất trung, thì Chúa vẫn trung tín. Dẫu chúng ta lãng quên ân tình, sống vô ơn, thì Người chẳng hề bỏ, mà ngược lại hằng chờ trông, kêu mời chúng ta trở về với Người. Nhưng tiên vàn, tâm tình tạ ơn, tán tụng hồng ân Chúa mỗi thời khắc, mọi giây phút trong đời rõ ràng sẽ nâng chúng ta lên với Chúa, đưa chúng ta gần tới Chúa như đứa con thơ luôn sống thảo kính với người cha nhân từ đầy mến thương dịu hiền.
Tạ ơn Chúa thời khắc cuộc đời
Tạ ơn Người sức khoẻ trao ban
Tạ ơn Chúa tình mến dìu đưa
Tạ ơn Người muôn nẻo bình an…Amen!

Lm. Xuân Hy Vọng

=================
Suy niệm 5
LUÔN BIẾT
TẠ ƠN CHÚA TRONG CUỘC SỐNG

2V 5,14-17 ; 2Tm 2,8-13 ; Lc 17,11-19

I. HỌC LỜI CHÚA
1. TIN MỪNG: Lc 17,11-19
(11) Trên đường lên Giê-ru-sa-lem, Đức Giê-su đi qua biên giới giữa hai miền Sa-ma-ri và Ga-li-lê. (12) Lúc Người vào một làng kia, thì có mười người phong cùi đón gặp Người. Họ dừng lại đằng xa (13) và kêu lớn tiếng: “Lạy Thầy Giê-su, xin dủ lòng thương chúng tôi !” (14) Thấy vậy, Đức Giê-su bảo họ: “Hãy đi trình diện với các tư tế”. Đang khi đi thì họ đã được sạch. (15) Một người trong bọn thấy mình được khỏi, liền quay trở lại và lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa. (16) Anh ta sấp mình dưới chân Đức Giê-su mà tạ ơn. Anh ta lại là người Sa-ma-ri. (17) Đức Giê-su mới nói: “Không phải cả mười người đều được sạch sao ? Thế thì chín người kia đâu ? (18) Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này ?” (19) Rồi Người nói với anh ta: “Đứng dậy về đi! Lòng tin của anh đã cứu chữa anh”.
2. Ý CHÍNH: Bài Tin mừng hôm nay cho thấy trên đường lên Giê-ru-sa-lem, Đức Giê-su đã chữa cho mười người phong cùi được khỏi do đức tin của họ vào Người, biểu lộ qua lời cầu xin tha thiết và qua thái độ vâng lời Người dạy. Tuy nhiên trong 10 người được khỏi bệnh chỉ có một người Sa-ma-ri biết trở lại tôn vinh Thiên Chúa và tạ ơn Đức Giê-su. Người đã trách những kẻ còn lại và nói với người Sa-ma-ri: “Lòng tin của anh đã cứu chữa anh”.
3. CHÚ THÍCH:
- C 11-13: + Trên đường lên Giê-ru-sa-lem: Đây là lần thứ ba thánh Lu-ca nói tới việc Đức Giê-su đi lên Giê-ru-sa-lem (Lc 9,51;13,32). Thành Giê-ru-sa-lem là đích điểm của cuộc hành trình, và cũng là nơi kết thúc cuộc đời Đức Giê-su trước khi Tin mừng được rao giảng đi khắp thế giới (x. Lc 24,47). + Đức Giê-su đi qua biên giới giữa hai miền Sa-ma-ri và Ga-li-lê: Để lên Giê-ru-sa-lem, phải đi ngang qua vùng đồng bằng sông Gio-đan và thành Giê-ri-khô (x. Lc 18,35). + Người vào một làng kia thì có mười người phong hủi đón gặp Người:Để tránh cho nhiều người khỏi bị lây bệnh, Luật Mô-sê buộc những người bệnh cùi phải sống cách xa chỗ ở của dân chúng (x. Lc 13,46). + Họ dừng lại đằng xa: Bệnh cùi không những là bệnh đáng sợ về thể xác, mà còn được coi là hình phạt của Đức Chúa dành cho những tội nhân (x. Đnl 28,27). Thời xưa vì khoa học chưa tiến bộ, nên khi thấy một số triệu chứng nghi ngờ trên da bệnh nhân, các tư tế dễ hiểu lần là họ bị mắc bệnh này (x. Lv 13,9-17). Người mắc bệnh phong cùi bị buộc phải mặc áo rách, xõa tóc, che râu và khi thấy có người đến gần thì phải kêu lên “Ô uế! Ô uế!” để người ta biết mà tránh xa (x. Lv 13,45). + “Lạy Thầy Giê-su, xin dủ lòng thương chúng tôi”: Chữ Thầy ở đây bày tỏ một lòng tin tưởng sâu xa. Chữ này chỉ thấy trong Tin mừng Lu-ca và do các môn đệ sử dụng (x. Lc 5,5; 8,24.45). Mười người cùi này đã làm trái với quy định của Lề Luật, vì họ tin vào tình thương của Đức Giê-su dành cho bệnh nhân.
- C 14-16: + “Hãy đi trình diện với các tư tế”:Thay vìtrực tiếpchữa bệnh, Đức Giê-su lại ra lệnh cho họ đi trình diện với các tư tế, để được các vị này khám xét và công nhận họ đã được khỏi bệnh cùi (x. Lv 13,49). Và quả thật, nhờ tin vào Lời Đức Giê-su mà các người cùi đang khi đi đường đã được lành sạch. Qua phép lạ này, Đức Giê-su chứng tỏ Người vừa là Đấng quyền năng, lại vừa trung thành tuân giữ Lề luật (x. Lv 14,2-3). + Lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa: Lu-ca thích ghi nhận thái độ tôn vinh Đức Chúa của người nhận được phép lạ (x. Lc 5,25-26; 7,16). + Anh ta lại là người Sa-ma-ri: Người Do thái khinh thường người Sa-ma-ri. Thế nhưng ở đây chỉ một người Sa-ma-ri biết ơn để quay trở lại với Đức Giê-su mà tôn vinh Thiên Chúa. Điều này cho thấy Đức Giê-su đến cứu chuộc mọi người không phân biệt Do thái hay dân ngoại.
- C 17-19: + “Không phải cả mười người đều được sạch sao?”:Đức Giê-sumuốn cả 10 người đều trở lại. Nhưng chỉ có người Sa-ma-ri. Chín người kia là người Do thái đã không trở lại cám ơn, có lẽ do không có thói quen ấy hoặc do họ nghĩ mình là dân ưu tuyển, có quyền đòi Chúa phải ban ơn và không cần phải cám ơn Người. + “Đứng dậy về đi ! Lòng tin của anh đã cứu chữa anh”: Đức Giê-su tỏ lòng ưu ái đặc biệt đối với người Sa-ma-ri ngoại đạo, vì anh đã bày tỏ lòng biết ơn. Người cho biết: ơn cứu độ được ban cho người ta không căn cứ trên nguồn gốc Do thái hay dân ngoại, nhưng căn cứ trên lòng tin. Một lòng tin thực sự phải được biểu lộ, không những bằng lời xin ơn, mà còn bằng việc cảm tạ tôn vinh Chúa sau khi được ơn suốt cả cuộc đời.
4. CÂU HỎI: 1) Luật Mô-sê quy định về sinh họat của các người bị bệnh phong cùi ra sao ? 2) Mười người phong cùi đã cầu xin với Đức Giê-su thế nào ? 3) Qua việc ra lệnh cho mười người cùi đi trình diện với tư tế, Đức Giê-su cho thấy quan điểm của Người đối với Luật Mô-sê ra sao ? 4) Câu nào cho thấy Đức Giê-su muốn người ta phải tỏ thái độ biết ơn Thiên Chúa ? 5) Ta phải tạ ơn thế nào khi được ơn Chúa ban nhờ lời chuyển cầu của Đức Mẹ và các thánh ?
II. SỐNG LỜI CHÚA:
1. LỜI CHÚA: “Không phải cả mười người đều được sạch sao? Thế thì chín người kia đâu? Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại đạo này?” (Lc 17,17-18).
2. CÂU CHUYỆN:
1) NGUỒN GỐC LỄ TẠ ƠN TẠI HOA KỲ:
Hằng năm, cứ vào những ngày cuối của tháng 11 người Mỹ có thói quen mừng lễ Tạ ơn gọi là THANKSGIVING. Nguồn gốc Lễ Tạ ơn này như sau: Trên con tàu Mayflower mang theo 102 người đầu tiên từ Anh. Do bị đàn áp về tín ngưỡng tôn giáo, họ đã di cư đến miền đất Mỹ tự do. Trong cuộc hành trình họ gặp nhiều gian nan khốn khó. Chính các cơn giông bão, cái đói và rét đã làm cho 46 người trên thuyền bị thiệt mạng, đến nỗi thuyền trưởng nản chí muốn quay đầu trở lại nước Anh. Nhưng mọi người trên thuyền khi được hỏi ý kiến lại muốn tiếp tục cuộc hành trình. Cuối cùng Chúa đã cho họ đặt chân được đến miền đất Mỹ tự do. Nhưng trên vùng đất mới khai phá, họ lại gặp nạn hạn hán khiến bị mất mùa, họ lại hiệp nhau cầu xin Chúa giúp. Chúa đã cho dân da đỏ hướng dẫn họ biết kỹ thuật trồng cấy cây lúa hợp thổ nhưỡng nên họ đã đạt được mùa gặt bội thu. Năm 1621, để tỏ lòng biết ơn Thiên Chúa đã cho họ sống sót qua các cơn phong ba trên biển cả và còn ban lương thực nuôi sống trong vùng đất mới tự do, những người di cư đã tổ chức Lễ Tạ ơn Chúa kéo dài ba ngày. Đồ ăn trong lễ này đơn giản chỉ gồm các món gà tây, khoai tây và bí ngô. Về sau, mỗi năm cứ đến thứ năm của tuần lễ thứ tư trong tháng 11, người Mỹ đều tổ chức ăn mừng Lễ Tạ Ơn trên phạm vi cả nước.
2) TẠ ƠN CHÚA KHI LÀM VIỆC:
Thi sĩ LA-MÁC-TIN (Lamartine), người Pháp đã kể lại một giai thoại vui như sau: một hôm khi đi ngang qua một cánh rừng, ông chợt nghe thấy một âm thanh lạ: cứ kèm mỗi tiếng búa đập đá chan chát là câu nói “Tạ ơn Chúa !”. Thi sĩ tò mò đến gần thì thấy một người thợ đá đang miệt mài làm việc. Cứ mỗi lần gõ búa nện vào phiến đá trước mặt là ông lại thốt ra câu nói “Tạ ơn Chúa !”. Thi sĩ nấn ná đến gần hỏi chuyện, bấy giờ ngưởi thợ đá mới giải thích như sau: ”Tôi đang tạ ơn Chúa !” Ngạc nhiên về lòng tin của một người mà cuộc sống xem ra khá vất vả, thi sĩ liền bảo ông kia: “Giả như bác được giầu có thì tôi hiểu tại sao bác luôn “Tạ ơn Chúa”. Đàng này Thiên Chúa chỉ nghĩ đến bác có một lần khi dựng nên bác trong lòng mẹ. Sau đó Ngài chỉ ban cho bác một cái búa này và không còn ngó ngàng gì tới bác nữa để bác phải hằng ngày vất vả đập đá. Vậy tại sao  bác lại cứ phải tạ ơn Ngài như thế ?”
- Ông nghĩ rằng Chúa chỉ nghĩ đến tôi có một lần thôi hay sao ? Người thợ đá hỏi lại.
- Dĩ nhiên – Lamartine nhắc lại: “Chúa chỉ nghĩ đến bác có một lần mà thôi !”
Bấy giờ người thợ đập đá liền nói với ông khách:
- Ông nói như vậy cũng phải thôi. Nhưng ông cũng hãy nghĩ lại mà xem: Thiên Chúa vô cùng lớn lao lại thương nghĩ đến một người thợ đá thấp hèn như tôi, và cho dù Ngài chỉ nghĩ đến tôi một lần mà thôi, lại không đủ để tôi phải tạ ơn Ngài luôn mãi hay sao ?”.
Nói xong, người thợ đá bỏ mặc ông thi sĩ đứng đó, rồi quay lại vừa đập đá vừa tiếp tục nói: “Tạ ơn Chúa !”; “Tạ ơn Chúa !”; “Tạ ơn Chúa !”…
3) TẠ ƠN CHÚALÚC CUỐI NGÀY :
BAI-ƠN ĐEO (Byron Dell) kể lại câu chuyện liên quan đến ông hồi còn nhỏ như sau: “Tôi đã lớn lên tại một nông trại miền Nê-bát-ca (Nebraska). Khi lên 8 tuổi, tôi có nuôi một con ngựa nhỏ tên là Phít-ki (Frisky). Một buổi sáng kia, khi tôi đang ngồi trên lưng con ngựa thân yêu và tiến đến gần mấy con bò cái đang ăn cỏ, thì bỗng nhiên chú ngựa con tôi đang cưỡi nổi hứng lên, và vùng chạy như điên mà tôi không sao ghìm cương cho nó đứng lại được. Mấy lần tôi sắp bị té lăn xuống đất, nhưng may sao tôi đã kịp gượng ngồi lại được trên yên ngựa. Ba tôi cùng mấy người giúp việc vội vàng leo lên mấy con ngựa khác đuổi theo. Sau mấy cây số băng rừng lội suối. Khi bắt kịp tôi, ông nắm chặt giây cương con ngựa của tôi và bắt nó phải dừng lại. Sau đó ba tôi bồng tôi sang ngồi trên yên ngựa của ông và dắt con ngựa của tôi chạy theo phía sau. Nó ngoan ngoãn theo chân con ngựa của chúng tôi quay về nông trại. Tối hôm đó, ba tôi đã theo tôi lên tận chỗ tôi nằm trên gác. Ông yêu cầu tôi cùng ông quì trên sàn cạnh giường để tạ ơn Chúa vì Chúa đã cho tôi được an toàn sau sự cố ban chiều. Sau đó ông đã dâng một lời nguyện tự phát để cảm tạ Chúa thay cho tôi”.
Biến cố ấy xảy ra cách đây đã 55 năm. Thế mà Bai-ơn vẫn không bao giờ quên được. Nó làm cho ông cảm thấy xúc động và cảm phục ba ông rất nhiều. Nhất là biến cố đó đã dạy cho Bai-ơn bài học về lòng biết ơn đối với Chúa. Từ ngày ấy, mỗi tối trước khi đi ngủ, ông đều quì bên giường thưa với Chúa một lời cầu nguyện tự phát để cám ơn Người đã ban các ơn lành cho ông trong một ngày qua, và cầu xin Chúa gìn giữ hồn xác mình qua đêm bình an.
4) PHẦN THƯỞNG CỦA LÒNG BIẾT ƠN :
ĐA-VÍT đang đi đường thì gặp một người ăn xin. Anh cho người ấy một số tiền rồi tiếp tục đi, lòng rất sung sướng. Nhưng chỉ một lát sau, anh cảm thấy bực bội khi chợt nhớ là hồi nãy người ăn xin kia đã không nói lời cám ơn anh. Anh đem chuyện ấy kể cho một vị Rab-bi nghe. Sau khi chăm chú lắng nghe, vị rab-bi hỏi :
- Khi anh cho tiền người ăn mày, anh thấy thế nào ?
- Con cảm thấy lòng mình rất vui.
- Thế đó không phải là phần thưởng dành cho con rồi hay sao ?
- Nhưng con nghĩ rằng dù sao thì người ấy cũng phải nói lời cám ơn con mới phải.
- Thế con đã nói lời cám ơn Chúa chưa ?
- Tại sao con lại phải cám ơn Chúa ?
- Vì Chúa đã ban cho con cơ hội trở thành dụng cụ để Ngài thực hiện tình thương của Ngài là con thay Ngài trợ giúp cho một người đang bị khốn khổ. (FM)
3. SỐNG LỜI CHÚA: Bạn có ý kiến thế nào về câu nói sau: “Tất cả đều là hồng ân: Cuộc đời của chúng ta, dù được may lành như ý hay gặp rủi ro trái ý cũng đều không ngòai ý Chúa quan phòng, và đều mang lại ích lợi cho phần rỗi đời đời của ta. Nên ta phải luôn nói lời cảm tạ tri ân Chúa” ?
4. SUY NIỆM:
Biết ơn là thái độ của một người có giáo dục và nhân cách. Người xưa đã dạy về lòng hiếu thảo biết ơn cha mẹ như sau: ”Uống nước nhớ nguồn; Làm con phải hiếu; Công cha như núi Thái Sơn; Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”… Về phạm vi đức tin, người tín hữu cũng cần ý thức về công ơn vô cùng lớn lao của Thiên Chúa, để từ đó biết tỏ lòng biết ơn Ngài giống như đứa con hiếu thảo biết ơn cha mẹ. Vậy tại sao chúng ta lại phải tỏ lòng biết ơn người làm ơn cho mình ? Ích lợi của sự biết ơn ra sao ? Mỗi người chúng ta phải làm gì để tỏ lòng biết ơn Thiên Chúa và tha nhân ?
1) Những lý do của lòng biết ơn:
a) Vì biết ơn là thái độ hợp với đạo làm người: Khi chịu ơn ai chúng ta phải bày tỏ lòng biết ơn họ mới hợp đạo lý như người ta thường nói: “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, “Uống nước nhớ nguồn”. Kẻ không biết ơn sẽ bị khinh dể và bị coi là phường “vô ơn bạc nghĩa”; “Ăn cháo đá bát”; “Vắt chanh bỏ vỏ”, “Qua cầu rút ván”…
b) Vì biết ơn là biểu hiện một người có giáo dục, có văn hóa: Một người biết nói lời “cám ơn” cho thấy họ cómột nhân cách tốt, có trình độ văn hóa cao và sẽ được mọi người kính nể như câu ca dao của người xưa như sau: “Công ai một chút chớ quên. Phiền ai một chút để bên cạnh lòng”.
2) Ích lợi của lòng biết ơn:
-“Lời nói không mất tiền mua; Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”: Thái độ biết ơn sẽ gây được thiện cảm của người làm ơn và hy vọng sẽ được họ tiếp tục giúp ta sau này. 
-Đặc biệt nếu cha mẹ, thầy cô, thủ trưởng… mà biết nói lời “cám ơn” người dưới như con cái, học trò, người làm công, nhân viên thuộc cấp… chắc sẽ làm cho họ vui và họ sẽ kể lại cho nhiều người khác biết về phẩm chất tốt đẹp của chúng ta.
-Tuy nhiên cần tránh thái độ “công thần”, nghĩa là giúp ai được điều gì thì công bố cho mọi người được biết và đòingười chịu ơn phải đền ơn đáp nghĩa cho mình. Chúng ta nên coi việc giúp đỡ tha nhân là một nhiệm vụ phải làm mà không cần sự trả ơn của họ, thì người chịu ơn sẽ lại càng cảm phục về lòng khiêm hạ của chúng ta, và chính Chúa sẽ thay họ trả ơn cho chúng ta trước tòa phán xét sau này, như lời Chúa Giê-su: “Khi đã làm tất cả những gì theo lệnh phải làm, thì hãy nói: Chúng tôi là những đầy tớ vô dụng. Chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi” (Lc 17,10).
3) Hãy tạ ơn Thiên Chúa và tha nhân:
a) Tạ ơnThiên Chúa thể hiện một đức tin chân thành:
- Ngay từ thời Cựu ước, tác giả thánh vịnh đã dạy loài người phải biết tạ ơn Thiên Chúa như sau: “Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương” (Tv 118,1). Thời kỳ Xuất hành, dân Ít-ra-en cũng đã bắt đầu truyền thống tạ ơn Đức Chúa qua việc dâng lễ vật đầu mùa lên để tạ ơn Ngài (x. Đnl 26,1-10).
- Đến thời Tân ước, Đức Giê-su nhiều lần nêu gương cầu nguyện tạ ơn Chúa Cha. Chẳng hạn: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn…” (Mt 11,25-26). Đức Giê-su cũng đòi những ai nhận được ơn phải biết cám ơn Thiên Chúa như sau: “Không phải cả mười người đều được sạch sao ? Thế thì chín người kia đâu ? Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này ?” (Lc 17,17-18).
- Hội Thánh Công Giáo cũng biểu lộ lòng biết ơn Thiên Chúa qua việc cử hành thánh lễ và gọi là ThánhLễ Tạ Ơn. Trong thánh lễ, Hội Thánh dâng lời tạ ơn Thiên Chúa bằng việc dâng bánh rượu là kết quả của lao công của con người và sau đó bánh rượu ấy sẽ trở thành Mình Máu thánh Chúa Ki-tô khi truyền phép. Rồi nhờ lễ vật rất cao trọng này, Hội Thánh sẽ dâng lên Chúa Ba Ngôi tâm tình cảm tạ và xin ơn qua lời kinh Vinh Tụng Ca: “Chính nhờ Người, với Người và trong Người, mà mọi danh dự và vinh quang đều quy về Chúa là Cha toàn năng, trong sự hiệp nhất của Chúa Thánh Thần đến muôn đời”.- AMEN.
b) Những cách thế biểu lộ lòng biết ơn:
- Cuộc sống chúng ta được dệt bằng muôn hồng ân của Chúa: Có những ơn do Thiên Chúa trực tiếp ban và cũng có những ơn Chúa ban cho chúng ta nhờ tay người khác. Vậy chúng ta cần phải làm gì khi nhận được những món quà ấy ? Thánh Bê-na-đô đã dạy: ”Tôi xin anh em điều này là hãy tránh thói xấu lớn lao là sự vô ơn. Chớ gì đời chúng ta là một lời cám ơn liên lỉ... Tuy nhiên chúng ta đừng chỉ nói lời cám ơn suông, nhưng hãy biết sử dụng cách hữu ích những ơn lành Chúa ban. Đó là điều Chúa đòi hỏi chúng ta”.
- Phải biết cám ơn bằng hành động: Bài đọc I trong thánh lễ hôm nay cho thấy lòng biết ơn phải được biểu lộ bằng hành động cụ thể noi gương viên tướng Na-a-man người xứ A-ram biết ơn ngôn sứ Ê-li-sa (x. 2 V 5,14-17).
- Phải vui vẻ đón nhận mọi điều xảy đến: Cám ơn Chúa vì những điều may lành như ý của mình thì dễ, nhưng cám ơn về những điều rủi ro trái ý mình lại không dễ chút nào. Vì thế chúng ta cần tập cám ơn Chúa về mọi điều xảy đến cho ta: vui cũng như buồn, thành công cũng như thất bại, an lành khỏe mạnh cũng như rủi ro tật bệnh trái ý… Vì những điều đó đều hữu ích cho phần rỗi đời đời của chúng ta, như thánh nữ Tê-rê-sa Hài Đồng Giê-su đã xác quyết: "Tất cả đều là hồng ân".
Tập thành thói quen cám ơn Chúa và tha nhân : Cha mẹ công giáo cần tập cho con cái biết cám ơn những người làm ơn cho mình ngay từ khi chúng bập bẹ nói. Mỗi tối, chúng ta cũng hãy nhớ lại những ơn tinh thần vật chất nhận được trong ngày, rồi dâng lời tạ ơn Chúa như thánh Phao-lô đã viết: "Tôi hằng cảm tạ Thiên Chúa của tôi vì anh em, về ân huệ Người đã ban cho anh em nơi Đức Ki-tô Giê-su" (1 Cr 1,4).
4. NGUYỆN CẦU:
LẠY CHÚA GIÊ-SU, Thánh I-nha-xi-ô đã nói: “Tội lớn nhất nơi con người là tội vô ơn”. Đời con được dệt bằng biết bao hồng ân của Chúa mà nhiều khi con chưa ý thức được. Có lẽ chẳng khi nào con tạ ơn vì đã được Chúa cho được làm người và làm con Chúa. Có lẽ chưa khi nào con tạ ơn vì Chúa đã ban cho con khí trời để thở, cơm ăn nước uống nuôi dưỡng con, vũ trụ thiên nhiên tươi đẹp để giúp con được sống vui tươi. Cũng chưa bao giờ con tạ ơn Chúa vì con đã được Chúa ban cho có sức khỏe, thân xác lành lặn, tâm hồn bình an... Quả thực, đó là những ơn to lớn mà con lại cho là chuyện đương nhiên, nên đã coi thường và đã vô ơn với Chúa. Từ nay xin Chúa cho con nhận ra những ơn lành Chúa đã thương ban và không ngừng dâng lời cảm tạ tri ân Chúa. Tri ân bằng lời ca tụng Chúa và nhất là bằng việc sử dụng ơn lành Chúa ban để mưu ích cho phần rỗi đời đời của con và mang lại hạnh phúc cho mọi người.
X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.

LM ĐAN VINH – HHTM

=================
Suy niệm 6
Hãy là người biết ơn

(Lc 17, 11-19)

Phụng vụ Lời Chúa hôm nay đưa chúng ta lại gần với ông Naaman, vị tướng chỉ huy toàn thể quân lực Syria thời Êlisê mắc bệnh phong cùi được chữa lành bệnh để học lòng biết ơn, và nghe lại câu hỏi đau xót, phiền trách của Chúa Giêsu: "Không phải là cả 10 người được sạch ư? Chín người kia đâu?" để học biết cám ơn.
Naaman được chữa lành bệnh nhờ nghe lời người của Thiên Chúa xuống tắm bẩy lần ở sông Giođan. Ông trở lại xin người của Thiên Chúa dâng lễ vật mọn để bầy tỏ lòng biết ơn và tôn vinh Thiên Chúa (x.2 V 5, 14-17).
Mười người phong cùi thời Chúa Giêsu được chữa lành, nhưng chỉ có một người quay trở lại cám ơn Chúa Giêsu; người đó lại là người ngoại đạo Samaria!
Vậy là chỉ có một người biết ơn, còn chín người kia không biết có quên ơn không, hay mừng quá về nhà ăn khao, chưa kịp trở lại tạ ơn Đấng chữa lành. Chúa Giêsu phải thốt lên: “Chớ thì không phải cả mười người được lành sạch sao? Còn chín người kia đâu? Không thấy ai trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này” (Lc 17,17-18).
Ngày nay, đạo đức xã hội đang ngày càng bị xói mòn. Trên mặt báo và xung quanh ta, thấy những câu chuyện đau lòng như con phụ công cha, quên ơn mẹ, bỏ nhà ra đi, đánh đuổi cha mẹ, ấy chưa nói đến có người coi trời bằng vung, hoặc sống như thể không có Thiên Chúa, giết cha, hại mẹ, bạc nghĩa thầy nữa. Phải chăng lòng biết ơn đang bị lu mờ trong tâm khảm con người.
Tại sao lại vô ơn? Có nhiều lý do: vì người ta không chịu suy nghĩ để nhận ra ơn, họ nghĩ mọi sự trên đời tự nhiên mà có mà không cần suy nghĩ tại sao nó có ; họ giả sử tất cả mọi người phải hành động như vậy: là Thiên Chúa phải ban ơn; là cha mẹ phải nuôi nấng con cái; là thầy phải dạy dỗ học sinh; và họ sợ nếu nhận ra ơn, họ phải trả ơn, vì thế, họ quên ơn.
Lòng biến ơn không chỉ là đức tính vĩ đại nhất mà còn là khởi nguồn của mọi đức tính tốt đẹp khác. Hầu hết chúng ta thức dậy với tâm trí lơ đãng. Thay vào đó, chúng ta hãy bắt đầu một ngày mới với lòng biết ơn. Con cám ơn Đức Chúa Trời là Chúa lòng lành vô cùng chẳng bỏ con, chẳng để con hư không đời đời mà lại sinh ra con cho con được làm người… lại gìn giữ con hôm nay được mọi sự lành.v.v..
Biết ơn là xứng đáng để tiếp tục được Thiên Chúa ban ơn. Còn biết bao nhiêu ơn lớn lao và trọng thể khác Chúa dành sẵn cho những người biết ơn. Vô ơn là tự đào hố để vùi chôn cuộc đời mình, là đứng vào hàng ngũ của ma quỉ. Tạ ơn là lời cầu nguyện tốt nhất bất cứ ai cũng có thể làm. Lời tạ ơn thể hiện lòng biết ơn, sự khiêm tốn và hiểu biết.
Biết ơn” là một cụm từ rất quen thuộc với mọi người chúng ta. Tạ ơn Chúa, cám ơn người, cám ơn đời, biết ơn ông bà, cha mẹ, biết ơn những người bao bọc, giúp đỡ mình những khi mình gặp khó khăn….Biết ơn là sự ghi nhớ và trân trọng những gì mình nhận được từ người khác.
Lòng biết ơn có thể thay đổi cuộc sống của chúng ta. Hạnh phúc và thành công đều tạo dựng từ lòng biết ơn. Cho nên từ xưa đến nay, cha ông ta vẫn luôn căn dặn thế hệ mai sau “uống nước nhớ nguồn”, phải luôn khắc ghi công ơn của những người đã cho ta cuộc sống này. Như thế, lòng biết ơn luôn hiện diện xung quanh cuộc đời ta, chỉ là chúng ta không để ýnhận ra thôi. Đừng bao giờ quá bận rộn đến quên nói lời “làm ơn” hay “cảm ơn”. Sống mà không có lòng biết ơn là một cuộc sống vô nghĩa. Nếu đời chỉ là chuỗi những lời oán than về bất công và thua thiệt mà ta đã gặp phải, mà không nhớ đến những may mắn đã từng đến với ta, thì chắc chắn là chúng ta sẽ bị trầm cảm, một căn bệnh thường gặp trong xã hội ngày nay.
Biết ơn là xứng đáng để tiếp tục được Thiên Chúa ban ơn. Còn biết bao nhiêu ơn lớn lao và trọng thể Chúa dành sẵn cho những người biết ơn. Người đời thường phê phán những kẻ “ăn cháo đá bát”, “có mới nới cũ”, lừa thầy phản bạn, bất hiếu với mẹ cha. Vô ơn là tự đào hố để vùi chôn cuộc đời mình, là đứng vào hàng ngũ của ma quỉ.
Noi gương người Samaria chúng ta cùng tạ ơn Chúa, cám ơn những người làm ơn cho chúng ta, nhất là xin Chúa biến ta trở nên người luôn biết ơn. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

=================
Suy niệm 7
Lòng Tin Vâng Phục Và Biết Ơn

2V 5,14-17; 2Tm 2,8-13; Lc 17,11-19

Trên đường lên Giêrusalem, Đức Giêsu đi qua biên giới giữa hai miền Samari (đất của dân ngoại) và Galilê. Khi Người vào làng, có mười người phong hủi (cả người Do Thái và Samari) đón gặp Người, nhưng họ dừng lại từ đằng xa vì thân phận cùi, rồi đồng thanh kêu to: “Lạy Thầy Giêsu, xin rủ lòng thương chúng tôi!” (Lc 17,13). Chuyện hay ở đây là cả người Do Thái và người ngoại cùng biết chạy đến với Thầy Giêsu. Họ bị cùng một bệnh, cùng đau khổ, cùng bị loại trừ... Sự hiệp tâm này xóa đi hàng rào ngăn cách với dân ngoại. Họ biết thương nhau, ở chung với nhau, chia sẻ với nhau, cùng “kêu lớn tiếng” với Người.
Đức Giêsu chưa chữa lành ngay, nhưng giục họ đi trình diện tư tế. Họ liền vâng nghe và làm theo ý Chúa. Quả nhiên đang trên đường đi trình diện tư tế thì họ được sạch chứng bệnh quái ác đó. Nhưng câu chuyện Tin Mừng không kết ở đây, mà xảy ra là anh dân ngoại được khỏi lập tức quay trở lại và lớn tiếng tôn vinh Chúa. Anh chỉ biết sấp mình phủ phục dưới chân Chúa mà tạ ơn, có lẽ với hết cả tấm lòng, hết sức. Lòng tin, sự vâng phục, lòng chân thành biết ơn của anh thật đáng nể. Cảnh chênh lệch thái độ giữa hai hạng người làm Chúa phải nghĩ ngợi mà thốt lên: “Không phải cả mười người đều được sạch sao? Thế thì chín người kia đâu? Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này?” (Lc 17,17-18). Có lẽ chín người kia đi trình diện tư tế, được nhập lại cộng đoàn sinh hoạt vui vẻ, hết khổ đau tủi nhục lại an nhiên mà quên người đã mang lại tự do hạnh phúc cho mình. Còn anh ngoại giáo sẵn lòng tin mến biết ơn, cảm nhận rõ tình thương của Chúa, nên anh quay trở lại để “gặp gỡ” Đấng đã làm cho anh được sạch. Người khích lệ anh: “Đứng dậy về đi! Lòng tin của anh đã cứu chữa anh” và Người khẳng định rằng: “Triều đại Thiên Chúa đang ở giữa các ông”. (Lc 17,19). Phút gặp gỡ này đem lại cho anh  niềm vui hạnh phúc lớn hơn cả ơn được khỏi bệnh nữa. Gặp gỡ được Đấng thi ân thì hạnh phúc còn lớn lao hơn những gì mình đã được. Anh tôn vinh vì anh nhận thấy tình thương còn lớn lao hơn những thứ khác. Chính Chúa đã chứng nhận lòng anh, phút gặp gỡ này này đã làm nên lịch sử và làm cho cuộc đời anh đổi thay. Anh sẵn sàng tuyên xưng Chúa và sẽ thành lời tạ ơn suốt cả cuộc đời.
Trong đời sống đức tin, những người không nhận ra những ơn mình đã nhận được thì không biết tạ ơn. Còn ai nhận ra và biết cám ơn thì càng thấy mình hạnh phúc hơn gấp bội. Bởi vì lời tạ ơn chẳng thêm gì cho Chúa, nhưng được tạ ơn lại là hồng phúc để đem lại ơn cứu độ cho chúng con.
Đức tin luôn khởi đi từ lòng khát khao ước muốn cách mãnh liệt, sẵn sàng tìm kiếm và làm theo lời dạy của Chúa. Câu chuyện của anh Samari hôm nay thật giống chuyện của ông Na-a-man, ông quan lớn nhất trong triều đình ngoại giáo trong bài đọc I. Ông vâng phục người của Chúa, kiên trì xuống tắm sông bảy lần rồi được khỏi. Ông đã trở lại gặp người của Chúa để tạ ơn và ông đã tuyên xưng đức tin vững vàng một cách công khai: “Nay tôi biết rằng: trên khắp mặt đất, không đâu có Thiên Chúa, ngoại trừ ở Ít-ra-en. Bây giờ, xin ngài vui lòng nhận món quà của tôi tớ ngài đâyNếu ngài từ chối, thì xin cho phép tôi tớ ngài đây mang về một số đất vừa sức hai con lừa chở được, vì tôi tớ ngài sẽ không còn dâng lễ toàn thiêu và hy lễ cho thần nào khác ngoài Đức Chúa”. (2V 5,15.17). Trong niềm vui hạnh phúc nên người cho kẻ nhận “giành nhau” mà từ chối. Ân thiêng nhận được còn lớn hơn gấp bội, chứ không dừng lại ở vật chất hay được cái này, cái kia.
Trong bài đọc II, thánh Phaolô cũng quả quyết: “Nếu ta cùng chết với Người, ta sẽ cùng sống với Người. Nếu ta kiên tâm chịu đựng, ta sẽ cùng hiển trị với Người. Nếu ta chối bỏ Người, Người cũng sẽ chối bỏ ta. Nếu ta không trung tín, Người vẫn một lòng trung tín, vì Người không thể nào chối bỏ chính mình.” (2Tm 2,11-13).
Lạy Chúa, tình thương Chúa bao la, trải rộng trên hết mọi người không trừ ai. Xin Chúa cho con luôn biết nhìn vào những gì chúng con đang có, mà cảm nhận, tạ ơn Chúa với lòng biết ơn chân thành của những người con luôn được Cha bảo bọc yêu thương trong từng phút giây. Ước gì cả đời con sẽ trở thành một bài ca, thành lời tạ ơn không ngừng dâng lên Thiên Chúa tình thương. Amen.

Én Nhỏ

Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log