Thứ tư, 25/12/2024

Suy niệm Tin Mừng lễ Đức Mẹ Mân Côi

Cập nhật lúc 16:01 05/10/2022
Suy niệm 1
MẸ ĐẦY ÂN PHÚC
Lc 1, 26-38
Mỗi khi tháng Mười về, những người con thảo của Mẹ lại rộn ràng với những lời kinh để cùng tôn vinh Mẹ và suy ngắm cuộc đời Chúa Cứu thế. Mỗi lời kinh “Ave Maria” được sánh ví như một đóa hồng dâng kính Mẹ. Cần buông xuống mọi lo âu và phiền não trong đời, để mỗi ngày ta được thanh thản cất lên lời ca ngợi: "Kính mừng Maria đầy ơn phúc…",là lời chào của sứ thần Gabriel khi truyền tin cho Mẹ.
Mẹ đầy ơn phúc vì đã được Thiên Chúa yêu thương và tuyển chọn. Tình thương ấy đã chở che Mẹ ngay từ lúc chưa chào đời, qua việc giữ gìn Mẹ khỏi vết nhơ nguyên tội, và còn bao bọc Mẹ mãi vẹn toàn, để nhờ đó Mẹ góp phần lớn lao nhất vào công trình cứu độ loài người,vì được tuyển chọn để làm Mẹ Ðấng Cứu Thế. Từ suối nguồn ân sủng của Thiên Chúa, chúng ta cũng được dự phần vào niềm vui và ân phúc của Mẹ,cũng được Chúa yêu thương và tuyển chọn qua việc tẩy xóa tội nguyên tổ để trở nên con người mới trong Đức Kitô.
Mẹ đầy ơn phúc vì có Thiên Chúa ở cùng. Sự cao trọng nhất của một con người là có Thiên Chúa ở cùng. Trong Cựu Ước, những người có Thiên Chúa ở cùng là những người được kêu gọi và sai đi thực hiện Thánh ý Người. Nhưng Thiên Chúa ở cùng Mẹ vượt trên hết mọi người khác, vì được tràn đầy Thánh Thần và cưu mang Ngôi Lời. Mẹ trở nên như Hòm Bia, như Ðền Thánh,nơi vinh quang Thiên Chúa hiện diện giữa con người. Không lạ gì mà bà Êlisabét ca ngợi Mẹ: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ.” (Lc 1, 42). Mẹ đã sinh Đức Kitô cho nhân loại, nhờ Mẹ mà chúng ta mang danh hiệu Kitô hữu, là những người có Chúa ở cùng như lời chúc của linh mục trong mỗi thánh lễ. 
Mẹ thật có phúc vì đã tin Chúa sẽ thực hiện những gì Ngài đã nói với Mẹ (Lc 1, 45). Mẹ không hiểu hết con đường mình sắp đi. Có biết bao trắc trở, khó khăn, mờ tối. Nhưng qua hai tiếng “Xin vâng”, Mẹ đã hoàn toàn phó thác đời mình trong tay Chúa, để Chúa dẫn đi ngay trong đêm tối của đức tin. Mọi tín hữu đều được mời gọi sống hành trình đức tin như Mẹ,để được chung hưởng hạnh phúc với Mẹ, như lời Chúa phán:“Phúc cho ai không thấy mà tin” (Ga 20, 29).
Sau một cuộc đời dâng hiến trọn vẹn cho Thiên Chúa, Mẹ Maria đã được Người tôn vinh, được Giáo Hội tôn kính với biết bao danh hiệu rạng ngời. Để giờ đây, chúng ta thì thầm lời kinh: “Thánh Maria, Ðức Mẹ Chúa Trời…”.Tại Lộ Đức, trong 18 lần hiện ra với Bernadetta, Đức Mẹ luôn cầm trong tay một tràng chuỗi bạc, và khuyên con cái Mẹ hãy lần hạt. Đức Mẹ nói với Bernadette như sau: “Mẹ không hứa cho con hạnh phúc đời này, nhưng là hạnh phúc đời sau”. Tuy nhiên, hạnh phúc cũng đã bắt đầu chớm nở ở đời này cho những ai lần chuỗi Mân côi, cải thiện đời sống và tôn sùng trái tim Đức Mẹ.
Kinh Mân Côi là chìa khóa vạn năng để chúng ta mở ra kho ân sủng vô biên của Thiên Chúa. Chân Phước Alan nói rằng:“Sau Hy Tế trong Thánh Lễ, một Hy Tế cao trọng nhất, cùng những kỷ niệm sống động của những đau khổ của Chúa Kitô, thì không còn loại sùng kính nào tốt hơn, đem ích lợi nhiều cho các linh hồn bằng Kinh Mân Côi, một kinh cũng nhắc lại những kỷ niệm và diễn lại cuộc đời, sự đau khổ của Chúa Giêsu Kitô”.Như vậy, lần chuỗi Mân Côi không chỉ hướng về Mẹ mà còn hướng về chính Đức Giêsu,con Mẹ và là Con Thiên Chúa.
Đối với người trẻ hôm nay đang sống trong một thời đại tốc độ, nghĩ rằng đọc kinh như thế thật mất giờ. Đó là một suy nghĩ cạn cợt và hời hợt, chưa đi sâu vào chính nội tâm mình, vì đang bị vây bủa bởi những bon chen và lợi lộc vật chất. Thật ra, tâm hồn mỗi người chúng ta ít nhiều cũng đang bị nhiều thứ chế ngự, phân rẽ, khó lòng tìm thấy bình an và niềm vui sống cho cuộc đời mình,Chính qua việc lần chuỗi, mà chúng ta thống nhất con người toàn diện là thân, tâm, trí: tay cầm chuỗi, miệng thì thầm, tâm thì niệm, trí thì suy, để chìm sâu vào trong các mầu nhiệm mân côi, là cả cuộc đời Chúa Giêsu bên cạnh sự hiện diện của Đức Mẹ, để đón nhận sức sống linh thiêng cho đời mình.
Chỉ những ai tin vào lòng thương xót Chúa qua chuỗi kinh mân côi, người đó mới có khả năng tái tạo cuộc sống tốt đẹp hơn; mới có sức mạnh kiên trì để vượt qua những thử thách; mới có đầy an ủi và nâng đỡ để đón nhận những đau thương; mới có niềm vui và phấn khởi để nâng cao và sáng tạo cuộc đời mình theo ý định của Thiên Chúa. Chỉ những ai sốt sắng lần chuỗi mân côi mới khám phá ra năng lực kỳ diệu của lời kinh, để sống một cuộc đời đẹp nhất như Chúa hằng mong đợi.
Lời nguyện
Ma-ri-a, lạy Mẹ đầy ơn phúc!
lòng con đầy yêu mến và cảm phục,
vì Mẹ được Thiên Chúa ở cùng,
là nữ tỳ rất mực tôi trung,
để cho nhân thế mãi tôn sùng.

Vì Mẹ thương nhân loại sống lầm than,
giữa thế gian bao khốn khó nguy nàn,
nên Mẹ đã đem đến những ân ban,
để thế giới hưởng bình an của Chúa.

Mẹ đã yêu thương nhiều lần xuất hiện,
để mời gọi chúng con biết hướng thiện,
biết quay về với nẻo chính đường ngay,
tìm đến Chúa trong đời sống hằng ngày.

Bằng chuỗi lần Mân Côi Mẹ chỉ dạy,
cùng với lòng sám hối kể từ nay,
và mộtlòng yêu mến Mẹ dâng đầy,
để con luôn ở trong tay Từ Mẫu.

Xin cho con buông xuống mọi lo âu,
đừng để cho tội lỗi gây buồn sầu,
nhưng để cho tình yêu luôn nung nấu,
để tình Mẹ thẩm thấu trái tim con.

Xin cho con thôi tranh chấp hơn thua,
đừng đặt nặng danh lợi và tiền của,
kẻomất sự hiện diện Chúa nơi con,
và ân sủng bình an cũng chẳng còn.

Xin cho con cận kề bên Mẹ,
niềm vui nỗi buồn con thỏ thẻ,
xin Mẹ cùng chia sẻ với con,
này đây xác hồn con dâng trọn,
thì thầm lời kinh nguyện từng chiều,
kinh Kính Mừng với tất cả tình yêu. Amen.
Lm. Thái Nguyên
=================
Suy niệm 2
SỐNG MẦU NHIỆM MÂN CÔI GIỮA ĐỜI THƯỜNG
Cv 1,12-14; Lc 1,26-38
I. HỌC LỜI CHÚA
1. TIN MỪNG: Lc 1,26-38.
(c 26) Bà Ê-li-sa-bét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gáp-ri-en đến một thành miền Ga-li-lê, gọi là Na-da-rét, (c 27) gặp một Trinh Nữ đã đính hôn với một người tên là Giu-se, thuộc nhà Đa-vít, Trinh Nữ ấy tên là Ma-ri-a. (c 28) Sứ thần vào nhà Trinh Nữ và nói: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà”. (c 29) Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì. (c 30) Sứ thần liền nói: “Thưa bà Ma-ri-a xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa. (c 31) Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai và đặt tên là Giê-su. (c 32) Người sẽ nên cao cả và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người. (c 33) Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận”.
(c 34) Bà Ma-ri-athưa với sứ thần: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng !” (c 35) Sứ thần đáp: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà. Vì thế Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ là thánh, sẽ được gọi là Con Thiên Chúa”. (c 36) Kìa bà Ê-li-sa-bét, người họ hàng với bà, tuy đã già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: Bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng. (c 37) Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được”.
(c 38) Bấy giờ bà Ma-ri-a nói: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa. Xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói”. Rồi sứ thần từ biệt ra đi.
2. Ý CHÍNH:
Câu chuyện truyền tin của sứ thần Ga-bri-el cho đức Trinh nữ Ma-ri-a biểu lộ tình thương và sự trung tín của Thiên Chúa trong công cuộc cứu độ loài người. Thái độ lắng nghe Lời Chúa, tìm hiểu Ý Chúa và mau mắn “Xin Vâng” của Đức Ma-ri-acũng phải là thái độ mà các tín hữu chúng ta cần học tập nơi Mẹ khi lần chuỗi Mân Côi. Nhờ đó chúng ta sẽ có thể hiệp cùng Mẹ xây dựng hòa bình bằng việc chiến thắng ma quỷ, tội lỗi và các thói hư nơi bản thân mình.
3. CHÚ THÍCH:
- (c 26)+ Gáp-ri-en: là một trong bảy Tổng Lãnh thiên thần (x. Tb 12,15), trong đó ba vị được nêu rõ tên trong Cựu Ước là: Mi-ka-en, Ra-pha-en, và Gáp-ri-en. Tên của các vị này có ý nghĩa phù hợp với sứ mệnh của mỗi vị như sau: Mi-ka-en nghĩa là “Ai bằng Thiên Chúa?” (Đn 12,1), Ra-pha-en nghĩa là “Thiên Chúa chữa lành” (Tb 3,17) và Gáp-ri-en nghĩa là “Anh hùng của Thiên Chúa” (Đn 8,16).
- (c 27)+ Trinh nữ: Từ này không xác định về đức trinh khiết của Đức Ma-ri-a, vì trinh nữ đơn giản chỉ là một cô gái chưa lấy chồng. Sự thanh khiết của Đức Ma-ri-ađược khẳng định qua lời thưa với sứ thần: “Việc đó xảy ra thế nào được, vì tôi không biết đến người nam” (Lc 1,34). Sở dĩ trinh nữ Ma-ri-a được chọn cho thấy lời tuyên sấm của I-sai-a về một trinh nữ thụ thai và sinh con trai là Đấng Em-ma-nu-en, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta, đã được ứng nghiệm nơi Đức Ma-ri-a (x. Is 7,14 ; Mt 1,23). + Đã đính hôn: Từ khi đính hôn, Giu-se và Ma-ri-a đã được luật pháp công nhận là vợ chồng, và con cái sinh ra trong thời kỳ này được kể là con chính thức của hai người. Tuy nhiên, theo phong tục trong xã hội Do Thái thì việc kết hôn chỉ hoàn tất khi họ đàng trai tổ chức lễ cưới đón rước cô dâu về nhà chồng (x. Mt 1,18). + Thuộc nhà Đa-vít: Chi tiết này thêm vào nhằm chứng minh Đức Giê-su là Đấng Cứu Thế vì theo sấm ngôn của I-sai-a thì Đấng Cứu Thế phát xuất từ gốc là tổ phụ Giê-sê cha củaĐa-vít (x. Is 11,1) và nơi sinh của Người là Bê-lem, quê hương của vua Đa-vít (x. Mk 5,1). + Ma-ri-a: hay Mi-ry-am, là tên gọi của nhiều thiếu nữ Do thái đương thời. Để phân biệt, người ta thường thêm một biệt danh sau tên gọi. Chẳng hạn: Ma-ri-a Mác-đa-la (x. Lc 8,2-3); Ma-ri-aBê-ta-ni-a (x. Lc 10,39); Ma-ri-a mẹ Gia-cô-bê và Giô-xép (x. Mt 27,56); Ma-ri-a vợ ông Cơ-lô-pát (x. Ga 19,25); Ma-ri-a mẹ Gio-an (x. Cv 12,12) và bà Ma-ri-a thân mẫu Đức Giê-su (x. Cv 1,14).
- (c 28)+ “Mừng vui lên”: Đây không phải là cách chào giữa những người dân bình thường, nhưng là lời chào đặc biệt chỉ dành cho những người được gặp Thiên Chúa (x Dcr 9,9).+ “Đầy ân sủng”: Tước hiệu dành riêng cho Đức Ma-ri-a, một người trong sạch vẹn toàn. Ngài đã được chọn làm Mẹ Đấng Cứu Thế, nên đã được Thiên Chúa ban đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội và luôn có Chúa ở cùng.
- (c 29) + “Bà bối rối và tự hỏi”: Khác với thái độ “bối rối sợhãi” của Da-ca-ri-a (x. Lc 1,12), ở đây Ma-ri-a chỉ ngạc nhiên và băn khoăn về ý nghĩa của lời Chúa vừa mặc khải (x. Lc 1,34 và 2,19).
- (c 31) + Giê-su: nghĩa là “Cứu Chúa” (x. Mt 1,21) hay “Đấng Cứu Thế” (x. Lc 2,11).
- (c 32)+ Con Đấng Tối Cao: Đây là tước hiệu thường được áp dụng cho các ông vua dòng tộc Đa-vít. Qua câu này, sứ thần ám chỉ Đức Giê-su là vua thuộc nhà Đa-vít. Người sẽ cai trị Ít-ra-en, và triều đại của Người sẽ vững bền mãi mãi.
- (c 34)+ “Việc ấy xảy ra cách nào, vì tôi không ‘biết’ đến người nam!”: “Biết” theo nghĩa Thánh Kinh có nghĩa là “sự giao hợpvợ chồng”. Câu thắc mắc của Ma-ri-a không chứng minh việc Ma-ri-a đã khấn hay có ý khấn giữ mình đồng trinh, mà Ma-ri-a chỉ thắc mắc: làm sao thực hiện được việc thụ thai ngay lúc này được, khi mà Ma-ri-a mới chỉ đính hôn để làm vợ thánh Giu-se về luật pháp, và chưa được Giu-se tổ chức rước dâu về nhà.
- (c 35)+ Sứ thần đáp: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà...”: Sứ thần giải thích cho Ma-ri-a hiểu việc thụ thai của Ma-ri-a xảy ra do quyền năng Thánh Thần, để ứng nghiệm lời tuyên sấm của I-sai-a: Đấng Cứu Thế sẽ do một gái đồng trinh thụ thai và sinh ra (x. Is 7,14). + rợp bóng: Kiểu nói nhắc lại sự kiện đã từng xảy ra trong sa mạc, khi dân Do Thái vượt qua sa mạc để về Đất Hứa: Đức Chúa luôn hiện diện giữa dân Người bằng cách cho cột mây “rợp bóng” che phủ Nhà Tạm và Lều Hội Ngộ (x. Xh 40,34-38). Ngoài ra, “rợp bóng” cũng ám chỉ sự bang trợ của Đức Chúa, giống chim phượng hoàng sải cánh bao phủ và che chở con dân Ít-ra-en của Người (x. Tv 17,8).
+ “Đấng Thánh” sắp sinh ra sẽ là “thánh”: “Thánh” nghĩa là thuộc về Thiên Chúa, được hiến “thánh” dành riêng cho Thiên Chúa để thi hành sứ mạng cứu thế.
- (c 36) + Kìa bà Ê-li-sa-bét...: Sứ thần chứng minh quyền năng của Thiên Chúa qua việc bà chị họ Ê-li-sa-bét, tuy đã cao tuổi và bị hiếm hoi, nhưng đã được Thiên Chúa ban cho đặc ân thụ thai con trai và tới nay đã được sáu tháng.
- (c 38)+“Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa”: Khi tự nhận là “nữ tỳ của Chúa”, Ma-ri-a biểu lộ đức khiêm nhường và lòng tin yêu sâu xa đối với Thiên Chúa. + “Xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói”: Ma-ri-a đại diện nhân loại để đón nhận ơn cứu độ của Thiên Chúa. Thực vậy, ngay sau lời thưa “Xin Vâng”, Thánh Thần đã tác động làm cho Ma-ri-a thụ thai, mà không cần tới việc tri giao vợ chồng (x. Lc 1,34). Rồi Ngôi Lời “đã xuống thế làm người”, nhập vào bào thai ấy trở thành Đấng “Em-ma-nu-en”, nghĩa là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta” (x. Mt 1,23). Như vậy, Đức Giê-su chỉ có một Ngôi là “Ngôi Con”, “Ngôi Hai” hay “Ngôi Lời” Thiên Chúa, nhưng lại có hai bản tính: vừa là Thiên Chúa vừa là người phàm.
HỎI: Thắc mắc của Đức Ma-ri-a và của ông Da-ca-ri-a (x. Lc 1,18) có giống nhau hay không?:
ĐÁP: Cả hai cùng đưa ra thắc mắc, nhưng trong hai tâm trạng khác nhau: Thắc mắc của Da-ca-ri-a biểu lộ tâm trạng hoài nghi về quyền năng của Thiên Chúa, nên ông đã bị phạt cấm khẩu không thể nói được. Sự cấm khẩu này là dấu chỉ bà Ê-li-sa-bét chắc chắn sẽ có thai cách khác thường (x. Lc 1,20). Còn lời thắc mắc của Đức Ma-ri-abiểu lộ tâm trạng tin tưởng: Ma-ri-a muốn tìm biết thánh ý Chúa để xin vâng. Do đó, Mẹ đã được sứ thần ca tụng là Đấng “đầy ân sủng” vì bà đẹp lòng Thiên Chúa” (Lc 1,30), và Mẹ đã được bà Ê-li-sa-bét khen ngợi: “Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em” (Lc 1,45).
4. CÂU HỎI: 1) Thánh Kinh cho biết có mấy Tổng lãnh thiên thần? Các Tổng lãnh thiên thần được nêu đích danh là những ai? Ý nghĩa của các tên gọi của các vị ấy là gì? 2) Tại sao Thiên Chúa lại chọn Ma-ri-a đang là một “Trinh nữ” để làm mẹ Đấng Cứu Thế? 3) Lúc thưa “Xin vâng” để được thụ thai Đấng Cứu Thế do quyền năng Chúa Thánh Thần, Đức Ma-ri-a đã kết hôn với thánh Giu-se chưa? 4) Câu thắc mắc của Đức Ma-ri-a khác với thắc mắc của ông Gia-ca-ri-a ra sao? 5) Sứ thần muốn nói gì qua câu: ”Quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà”?
II.SỐNG LỜI CHÚA
1. LỜI CHÚA: Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa. Xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1,38).
2. CÂU CHUYỆN:
1) KINH MÂN CÔI MANG LẠI BÌNH AN CHO HỘI THÁNH:
- Vào thế kỷ 13, ở miền Nam nước Pháp đã xuất hiện lạc thuyết An-bi-gioa (Albigeois). Nhờ tràng chuỗi Mân côi do Đức Mẹ trao ban, nên chỉ trong một thời gian ngắn, thánh Đa-minh đã đưa được 150.000 người theo lạc giáo trở về cùng Hội Thánh Công giáo.
- Thế kỷ 16, đạo Tin lành do linh mục Lu-ther khởi xướng đã nổi lên mạnh mẽ và nhờ sự hỗ trợ của các lãnh chúa mà đạo Tin Lành lan tràn đi khắp các nước Âu châu. Nhưng dân thành Lu-xem-bourg vẫn trung thành với Hội Thánh Công giáo. Một hôm rất đông người dân trong thành phố đã được mời tới nhà thờ để nghe một vị mục sư Tin lành nổi tiếng giảng thuyết. Khi vị mục sư bước lên tòa giảng trong nhà thờ, thì một giáo dân đã xướng kinh Mân côi và tất cả nhà thờ đều lần hạt to tiếng,khiến vị mục sư không thể bắt đầu buổi giảng. Cuối cùng ông đành phải bước xuống tòa giảng và rời nhà thờ. Chính nhờ kinh Mân Côi mà thành Lu-xem-bourg đã giữ vững được đức tin công giáo.
- Năm 1571, vua Thổ đã điều hằng ngàn chiến thuyền đi xâm chiếm các nước Âu Châu. Viên tướng chỉ huy đạo quân bách chiến bách thắng đã ngạo mạn đe dọa sẽ biến thành Rô-ma nước Ý và là thủ đô của đạo công giáo biến thành một cái chuồng ngưa. Bấy giờ Đức Giáo Hoàng Pi-ô V một mặt kêu gọi các vua Âu châu đoàn kết chống đỡ, thành lập một đạo quân  thánh giá từ hai nước Ý và Tây Ban Nha để ra tiền tuyến nghênh địch, mặt khác ngài cũng kêu gọi mọi người công giáo Âu châu siêng năng lần hạt Mân Côi để xin Mẹ Ma-ri-a phù giúp.
Cuộc chiến tàn khốc đã diễn ra tại vịnh Le-pan-tevào ngày 07 tháng 10. Tuy quân số ít oi ô hợp và vũ khí thô sơ, nhưng đạo quân thánh giá đã chiến thắng vẻ vang, chặn đứng được đà tiến của 10 ngàn chiến thuyền của quân Hồi Hồi được trang bị vũ khí hùng hậu. Từ Ro-ma, khi nghe tin chiến thắng, Đức Pi-ô V đã kêu gọi mọi người trong giáo triều đang hiện diện cùng nhau dâng lời tạ ơn Chúa, vì chính nhờ lời cầu bầu đắc lực của Mẹ Mân Côi mà Hội Thánh đã thoát khỏi cơn đại nạn bị tiêu diệt. Sau đó, Đức Pi-ô V cũng đã truyền thiết lập lễ kính Đức Mẹ Mân Côi vào ngày 7 tháng 10 hằng năm để tỏ lòng biết ơn Chúa và ghi nhớ biến cố lịch sử này.
- Trước năm 1917, nước Bồ Đào Nha ở vào tình trạng bị suy thoái nặng nề về đức tin. Hội Thánh Công giáo đã bị bè phái Tam Điểm bách hại. Một số nhà thờ bị phá hủy, nhiều linh mục và tu sĩ bị chính quyền theo phái Tam Điểm bắt bớ, rất nhiều hội đoàn nổi lên chống đối Hội Thánh. Thế nhưng từ khi Đức Mẹ hiện ra với ba trẻ em tại làng Fa-ti-ma, kêu gọi thực thi ba mệnh lệnh, trong đó chủ yếu là năng lần hạt Mân Côi, thì Hội Thánh tại Bồ Đào Nha đã dần được bình an. Rất nhiều hoạt động cổ võ việc lần hạt Mân Côi đã xuất hiện để xin Mẹ Thiên Chúa cầu bầu cho quê hương đất nước. Từ đó đến nay Bồ Đào Nha trở thành cái nôi của kinh Mân Côi.
Các biến cố nói trên cho thấy phép lần hạt Mân Côi chính là một phương thế hữu hiệu mang lại sự bình an cho Hội Thánh và cho mọi tín hữu. Mỗi lần hiện ra tại Lộ Đức (Pháp) hay tại Fa-ti-ma (Bồ đào nha), Đức Mẹ đều kêu gọi mọi người hãy siêng năng lần hạt Mân Côi. Ở đâu người ta siêng năng lần hạt Mân Côi thì ở đó Hội Thánh sẽ được bình an. Các gia đình nào năng đọc kinh Mân Côi trong giờ kinh tối gia đình, thì gia đình đó sẽ được hòa hợp hạnh phúc.
2) ĐẾN VỚI CHÚA GIÊ-SU NHỜ MẸ MA-RI-A (AD JE-SUM PER MA-RI-AM):
Vào một buổi chiều đông lạnh giá, PHUN-TƠN (Fulton Oursler), một tín hữu đã bị mất đức tin và bỏ đến nhà thờ trong nhiều năm, bấy giờ đang trong tâm trạng tuyệt vọng vì gặp phải quá nhiều vấn đề khó khăn nan giải. Khi đi ngang qua đại lộ nơi có Nhà Thờ Chính Toà của thành phố Nữu Ước, tự nhiên ông cảm thấy như có một sức mạnh vô hình đã lôi cuốnông đi vào nhà thờ và đẩy ông đến quỳ gối trước tượng Đức Mẹ. Sau một lát im lặng, Phun-tơn tự nhiên thốt ra một lời cầu nguyện như sau: “Lạy Mẹ Ma-ri-a, có thể chỉ một lát nữa thôi là con sẽ lại đổi ý để tiếp tục bài bác chế diễu các việc đạo đức con đang làm, và trở lại con đường vô tín như cũ. Nhưng bây giờ con cảm thấy tâm hồn thật bình an, dù con đang gặp muôn vàn khó khăn nan giải. Xin Mẹ cầu cùng Chúa Giê-su ban thêm đức tin cho con”. Ngay lúc đó Phun-tơn cảm thấy một điều lạ lùng kỳ diệu đã xảy ra nơi bản thân, biến ông trở thành một con người mới: Ông đã có lại đức tin và sau đó từng bước hóa giải được mọi vấn đề khó khăn gặp phải! Từ đây, ông luôn sống kết hiệp với Mẹ Ma-ri-a để làm chứng cho Chúa Giê-su bằng một lối sống khiêm nhường, cậy trông phó thác và đầy vị tha bác ái. Chính nhờ Mẹ mà Phun-tơn đã đến được với Chúa Giê-su.
3) ĐỨC TIN GẮN LIỀN VỚI KINH MÂN CÔI:
Trên một chuyến xe lửa về Pa-ris, một anh sinh viên trẻ tuổi ngồi bên một cụ già. Chỉ ít phút sau khi đoàn tàu chuyển bánh, anh thấy cụ già rút từ trong túi áo ra một tràng chuỗi mân côi và từ từ chìm đắm trong lời cầu nguyện. Chàng sinh viên quan sát cử chỉ của cụ già với vẻ bực bội. Sau một hồi lâu, khi cụ già đã đọc kinh xong, chàng ta liền lên tiếng:
- Thưa ông, nếu cháu không lầm thì ông vẫn còn tin vào những chuyện tôn giáonhảm nhí ấy chứ?
Cụ già bình tĩnh trả lời:
- Đúng thế, tôi vẫn tin. Còn cậu, cậu không tin sao?
Chàng sinh viên nở một nụ cười ngạo mạn và nói:
- Lúc còn nhỏ cháu có tin, nhưng bây giờ sau khi đã học lên đại học, cháu làm sao còn tin được những chuyện nhảm nhí ấy nữa. Khoa học đã thực sự mở mắt cho cháu. Ông cứ tin cháu đi, hãy quăng chuỗi tràng hạt kia đi, và hãy học để biết thêm những khám phá mới. Ông sẽ thấy rằng những gì ông đã tin từ trước đến giờ đều chỉ là mê tín cả.
Cụ gìa bình tĩnh hỏi chàng sinh viên:
- Cậu vừa nói về những khám phá mới của khoa học. Cậu có cách nào giúp tôi hiểu được điều nầy không?
Chàng sinh viên liền hăng hái đề nghị:
- Ông cứ cho cháu biết địa chỉ của ông, cháu sẽ gởi đến cho ông những quyển sách mới. Ông sẽ tha hồ đi vào thế giới của khoa học.
Cụ già từ từ rút trong túi áo ra một tấm danh thiếp và trao cho chàng sinh viên. Vừa đọc qua danh thiếp, anh chàng liền tái mặt vì xấu hổ, anh lặng lẽ đi sang toa tàu khác. Bởi vì trên tấm danh thiếp của cụ già có ghi hàng chữ: “Louis Pasteur - viện nghiên cứu khoa học Paris”.
4) KHI GẶP NGUY KHỐN HÃY ĐỌC KINH MÂN CÔI ĐỂ ĐƯỢC MẸ CỨU GIÚP:
a) Năm 1507, ông VA-LEN-TI-bị một bọn cướp bắt cóc tống tiền. Chúng đã xiềng chân và xích tay ông, rồi giam ông trong một ngọn tháp cao tối tăm hôi hám. Trong hoàn cảnh bi đát ấy, Va-len-ti-nô và gia đình ở nhà luôn tin cậy lần hạt Mân Côi kính Đức Mẹ. Rồi một ngày kia, sau khi đọc kinh Mân Côi, ông vô cùng bỡ ngỡ khi thấy xiềng xích chân tay đều tự bung ra. Bấy giờ ông đã lần mò trong bóng tối, gõ tay vào tường của cây tháp, đến một chỗ ông chỉ nghe bục bục. Ông đẩy mạnh và viên đá đã nhúc nhích. Ông vội cậy viên đá ra và đã tìm được lối thoát ra ngoài bình an. Phải chăng chính Đức Mẹ đã cầu cùng Chúa ra tay giải thoát ông.
b) Kinh Mân côi không phải chỉ cứu người ta về phần thể xác, mà còn cứu chữa về phần hồn nữa:--NE là một nàng kỹ nữ đã làm cho bao nhiêu người đàn ông phải chết mê chết mệt. Ngày kia nàng ta đã theo một người bạn vào bên trong một nhà thờ, gặp ngay lúc vị linh mục đang giảng về hiệu lực của kinh Mân côi. Trở về nhà, nàng nhờ người mua một cỗ tràng hạt, và âm thầm lần hạt mỗi ngày vì sợ bị cười nhạo. Ít lâu sau, nàng được Chúa ban ơn lòng được bình an mỗi khi lần hạt. Sau đó, nàng đã được Chúa ban ơn ăn năn sám hối, tình nguyện dâng mình cho Đức Mẹ, và đã sống một cuộc sống thánh thiện cho đến chết.
c) Một bà nọ thuộc hàng quí tộc, một hôm bị bệnh nặng hấp hối gần chết. Người nhà liền đến mời đức cha DU-PAN-LOUP đến thăm vàban các bí tích sau hết.Sau khi hoàn tất, bệnh nhân đã bình thản hỏi: “Thưa Đức cha, liệu con có được ơn cứu độ không?”- “Cha hy vọng là được”. Bấy giờ bệnh nhân liền nói cách xác tín: “Phần con, con tin chắc con sẽ được hưởng ơn cứu độ của Chúa”. Đức cha ngạc nhiên hỏi lại: “Sao con lại tin chắc như thế?” Bệnh nhân trả lời: “Thưa Đức cha, từ ngày còn bé đến nay, mỗi ngày con đều lần hạt Mân Côi, trong kinh Kính Mừng có lời cầu xin Mẹ Thiên Chúa thương cứu con khi nay và trong giờ lâm tử. Lẽ nào bây giờ lúc con sắp chết,chẳng lẽ Mẹ lại ngoảnh mặt không cầu cùng Chúa cho con được ơn cứu độ hay sao ?”.
3. THẢO LUẬN: 1) Noi gương Thánh Mẫu Ma-ri-a xưa, mỗi tín hữu chúng ta cần làm gì để có thể thưa “Xin Vâng” thánh ý Thiên Chúa, dù gặp nhiều tai nạn, rủi ro, thất bại hay những điều trái ý cực lòng? 2) Bạn nên làm gì để động viên người khác cũng xin vâng ý Chúa khi gặp điều rủi ro như: thi rớt đại học, người thân mới qua đời, gặp tai nạn giao thông phải nằm bệnh viện, làm ăn thua lỗthất bại...?
4. SUY NIỆM:
Hôm nay là Lễ Đức Mẹ Mân Côi, chúng ta vừa nghe Tin Mừng Lu-ca (Lc 1,26-38) kể lại sự việc sứ thần Gáp-ri-en hiện đến truyền tin cho Trinh Nữ Ma-ri-a. Câu chuyện này cho chúng ta thấy tình thương và sự trung tín của Thiên Chúa trong chương trình cứu độ loài người. Thái độ lắng nghe Lời Chúa, tìm hiểu Ý Chúa và mau mắn “Xin Vâng” của Trinh Nữ Ma-ri-a chính là thái độ mà Hội Thánh muốn các tín hữu chúng ta thực hiện khi đọc kinh Mân Côi noi gương Đức Mẹ. Vậy cấu trúc của kinh Mân Côi là gì? Cần có tâm tình nào khi đọc kinh Mân Côi? Kinh Mân Côi mang lại hiệu quả thế nào? 
1) VỀ CẤU TRÚC CỦA KINH MÂN CÔI:
Kinh Mân Côi gồm hai phần là miệng đọc kinh và lòng suy niệm các mầu nhiệm:
a) Phần kinh đọc:
- Kinh Lạy Cha do Chúa Giê-su đã dạy các môn đệ cầu nguyện với Thiên Chúa Cha.
- Kinh Kính mừng phần đầu là lời thiên sứ Gáp-ri-en (x. Lc 1,28) và lời bà Isave chào chúc Đức Mẹ (x Lc 1,41-42). Phần sau ”Thánh Ma-ri-a Đức Mẹ Chúa Trời…” là do Đức Piô V cho thêm vào kinh Kính Mừng năm 1569.
- Kinh Sáng Danh là lời ca tụng Ba Ngôi Thiên Chúa cũng được Đức Piô V thêm vào.
b) Phần suy niệm:Suy ngắm các mầu nhiệm cuộc đời Chúa Giê-su và Đức Mẹ.
- Đầu tiên chỉ có 15 mầu nhiệm chia thành 3 phần là năm sự Vui, năm sự Thương, năm sự Mừng. Gần đây Thánh Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II đã thêm vào 5 sự Sáng là những sự kiện xảy ra trong thời gian Chúa Giê-su đi giảng đạo.
- Nếu đọc kinh Mân côi mà không suy niệm các mầu nhiệm kèm theo thì giống như con người chỉ là xác mà không có hồn. Đức Mẹ Fa-ti-ma dạy: "Phải đọc kinh Mân côi và suy ngắm các mầu nhiệm".
2) THEO GƯƠNG ĐỨC MA-RI-A:
Điểm quan trọng mà Hội Thánh muốn các tín hữu noi gương Đức Mẹ trong lễ Mân Côi là thái độ cậy trông, phó thác và vâng phục thánh ý Thiên Chúa như sau:
- “Xin vâng”: Trái với sự kiêu ngạo, không vâng lời Thiên Chúa của bà E-và khi kết hợp với ông A-đam trong vườn địa đàng khi xưa, Đức Ma-ri-a là E-và Mới thời Tân Ước đã cộng tác với A-đam Mới là Chúa Giê-su để lắng nghe Lời Chúa, khiêm tốn tìm hiểu thánh ý Thiên Chúa và cúi đầu “Xin Vâng”. Ngay sau lời thưa này, Chúa Thánh Thần đã tác động làm cho Đức Ma-ri-a thụ thai, như kinh Truyền Tin: “Chốc ấy Ngôi Thứ Hai xuống thế làm người, và ở cùng chúng tôi”. Từ đây, Đức Ma-ri-a hằng ghi nhớ các sự việc đã xảy ra và “suy đi nghĩ lại trong lòng” (x. Lc 2,19). Ngay sau khi thụ thai Mẹ đã lập tức đem Thai Nhi Cứu Thế đến thăm gia đình Gia-ca-ri-a, làm cho thai nhi Gio-anmới 6 tháng tuổi đã nhảy mừng trong lòng mẹ là bà I-sa-ve (x. Lc 1,41). Nhất là Mẹ còn thể hiện sự “xin vâng” khi đứng dưới chân thập giá để hiệp dâng người Con yêu là Chúa Giê-su lên cho Thiên Chúa hầu góp phần cứu độ loài người.
- Phó thác:Qua biến cố truyền tin, chúng ta cũng noi gương Mẹ để biết cậy trông phó thác mọi sự trong tay Chúa quan phòng. Ngày nay việc giúp những người vô tín nhận biết Thiên Chúa, cũng như giúp các tội nhân bỏ các thói hư và xóa bỏ khỏi môi trường sống các tệ nạn xã hội như sì-ke matúy, cờ bạc đĩ điếm, lừa đảo cướp giật... không dễ thực hiện, nhưng cũng không khó đối với Thiên Chúa, vì: “đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được” (Lc 1,37). Vậy để việc tông đồ truyền giáo đạt kết quả, chúng ta cần noi gương Mẹ Ma-ri-a năng cầu nguyện với Chúa Giê-su và làm theo lời Người dạy, như Mẹ đã yêu cầu các người giúp việc trong tiệc cưới Ca-na hãy vâng lời Chúa Giê-su: “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo” (Ga 2,3-5).
- Tạ ơn Chúa: “Tất cả đều là hồng ân”: Khi gặp điều may lành, chúng ta dễ dàng tạ ơn Chúa. Nhưng ngay cả những lúc gặp cơn gian nan thử thách, chúng ta cũng phải sẵn sàng thưa “Xin Vâng”, vì biết rằng: mọi sự Chúa để xảy ra đều có ích cho phần rỗi đời đời của chúng ta. Vì Chúa có thể “rút từ sự dữ ra sự lành”, Ngài không bao giờ triệt đường của chúng ta như người ta thường nói: “Chúa đóng cửa chính, nhưng lại mở cửa sổ” và lời thánh Phao-lô dạy: “Tất cả đều là hồng ân”(x. 1 Cr 15,10).
3) NỮ VƯƠNG BAN SỰ BÌNH AN:
Mừng lễ Đức Mẹ Mân Côi hôm nay,  chúng ta khẳng định có một mối liên hệ sâu xa giữa hai tước hiệu của Mẹ là “Nữ Vương Rất Thánh Mân Côi” và“Nữ Vương Ban Sự Bình An”. Qua đó chúng ta rút ra bài học: muốn sống trong bình an, người ta không thể xao lãng việc lần hạt Mân Côi.
Kinh Mân Côi chính là một khí cụ mang lại ích lợi cho mọi thành phần dân Chúa: Ai yếu đuối, Kinh Mân Côi sẽ đem lại sức mạnh tinh thần; Ai đang sống trong tội lỗi, Kinh Mân Côi sẽ giúp họ nhận được ơn tha thứ của Chúa; Ai đang gặp phải rủi ro bất hạnh, Kinh Mân Côi sẽ giúp họ tìm ra phương thế đạt được hạnh phúc; Ai đang khô khan nguội lạnh, Kinh Mân Côi sẽ giúp ánh lửa tin yêu còn ẩn giấu trong lòng họ sẽ được bùng lên thành ngọn lửa tin yêu Chúa... Vì kinh Mân Côi chính là phương thế Chúa ban qua lời Mẹ cầu bầu, để mang lại niềm vui, sự bình an và hạnh phúc đến cho loài người.
5. LỜI CẦU:
Lạy Mẹ Mân Côi, “Nữ Vương Hòa Bình”, xin giúp chúng con biết siêng năng lần hạt Mân Côi. Nhờ đó, chúng con sẽ cộng tác với Mẹ xây dựng hòa bình và tích cực góp phần cứu độ thế giới, bắt đầu từ bản thân, rồi đến gia đình, khu xóm, giáo xứ, đất nước và ra đến toàn thể nhân loại. Xin cho chúng con trở thành khí cụ bình an của Chúa để hiệp cùng Mẹ, mỗi ngày chúng con sẽ cải tạo môi trường sống ngày càng an toàn sạch đẹp hơn, công bình nhân ái hơn, hầu Nước Trời bình an hạnh phúc mau xuất hiện theo đúng thánh ý Thiên Chúa.
X. HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ. XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.
LM ĐAN VINH – HHTM

=================
Suy niệm 3

Kính Kính Mừng trong Tháng Mân Côi
Lc 1, 26-38

Bước vào Tháng Mười, Tháng Mân Côi, chúng ta thấy một hình ảnh truyền thống tuyệt đẹp về Ðức Bà Mân Côi, một tay bồng Chúa Giêsu Hài Ðồng, còn tay kia thì trao Tràng Chuỗi Mân Côi cho thánh Ðaminh, chứng tỏ rằng kinh Mân Côi là một phương thế được Ðức Mẹ ban cho nhân loại qua thánh Đaminh, để con cái Chúa nhờ chiêm ngắm và suy niệm về cuộc đời của Chúa, mà yêu mến Chúa và theo Chúa mỗi ngày một hơn.
Maria đầy ơn phúc
"Kính mừng Maria đầy ơn phúc" là câu đầu tiên trong Kinh Kính Mừng chúng ta vẫn thường đọc. Nguồn gốc của lời Kinh này phát xuất từ miệng sứ thần Gabriel chào Đức Maria lúc truyền tin: "Kính mừng Maria đầy ơn phúc (Lc 1,28), và lời xác nhận của bà Êlisabet: "Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ và Giêsu con lòng Bà gồm phúc lạ".
Những lời của sứ thần Gabriel và của bà Êlisabét trên đây đã được Giáo hội dùng để chúc tụng ngợi khen Đức Mẹ. Đồng thời, Giáo hội thêm vào lời cầu khẩn xin Mẹ thương nâng đỡ phù trì "Thánh Maria ĐứcMẹ Chúa Trời cầu cho chúng con là kẻ có tội khi nay và trong giờ lâm tử".
Quả Phúc Giêsu
Hằng ngày, khi đọc lại lời chào của thiên thần và lời chào của bà Êlisabét chúng ta khám phá ra Quả Phúc nơi cung lòng Đức Mẹ là Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa nhập thể làm người. Đây chính là hoa trái mà tiên tri Isaia đã báo trước: “Ngày đó, chồi non Đức Chúa cho mọc lên sẽ là vinh quang và danh dự, và hoa màu từ ruộng đất trổ sinh sẽ là niềm hãnh diện và tự hào” (Is 4,2). Người Con ấy thuộc miêu duệ Apraham, đã xuất thân từ dòng dõi vua Đavid, được đầy tràn Thần Khí Chúa. Thiên Chúa đã đặt nơi Người muôn phúc lành và muôn dân nhờ Người mà được chúc phúc, như có lời chép: “Như đất đai làm đâm chồi nẩy lộc, như vườn tược cho nở hạt sinh mầm, Đức Chúa là Chúa Thượng cũng sẽ làm trổ hoa công chính, làm trổi vang lời ca ngợi trước mặt muôn dân” (Is 61,11).
Kinh Kính Mừng trong Tháng Mân Côi
“Kính mừng Maria đầy ơn phúc”. Mẹ đầy ơn phúc" (Lc 1, 28 ), vì từ đời đời Thiên Chúa đã chọn Mẹ làm Mẹ Đấng Cứu Thế và gìn giữ Mẹ khỏi mọi vết nhơ tội lỗi, nên nơi Mẹ không có chỗ cho tội lỗi. Ngôi Lời đã hóa thành nhục thể trong lòng Đức Trinh Nữ Maria (x. Ga 1,14). Chúng ta cũng được kêu gọi lắng nghe Chúa nói và đón nhận ý Chúa vào trong cuộc đời Mẹ để trở nên người có phúc như Mẹ.
Đức Chúa Trời ở cùng Bà
Chúng ta ca tụng Đức Maria là Đấng đầy ơn phúc như lời sứ thần chào. Phúc của Mẹ thật cao vời khôn sánh, lời bà Êlisabet xác nhận :“Em thật có phúc” (Lc 1,42). Mẹ có phúc trước hết là vì Mẹ có Thiên Chúa ở cùng. Ai có Thiên Chúa ở cùng, người ấy đầy ơn phúc.
Trong Cựu Ước, có bao người được Thiên Chúa ở cùng, để rồi được Ngài sai đi phục vụ Dân Chúa. Nhưng Thiên Chúa ở cùng Đức Mẹ một cách độc nhất vô nhị. Khi được đầy tràn Thánh Thần và cưu mang Ngôi Lời, Mẹ trở nên như Hòm Bia, như Ðền Thánh, nơi vinh quang Thiên Chúa hiện diện giữa loài người.
Điều đã xảy ra nơi Đức Mẹ Đồng Trinh khi có Thiên Chúa ở cùng, thì cũng xảy ra nơi chúng ta trong mức độ tâm linh. Chúng ta đón nhận Lời Chúa bằng con tim vui vẻ, chân thành và biết đem ra thực hành. Chúa Giêsu đã cư ngụ nơi lòng Mẹ, Người cũng đến và ở trong những ai yêu mến và tuân giữ lời Người, đón rước Người khi chịu lễ.  Thế nên Giáo Hội không ngớt lời lặp đi lặp lại danh xưng hạnh phúc này: “Kính mừng Maria đầy ơn phúc, Đức Chúa Trời ở cùng Bà” để tôn vinh Mẹ.
Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ
Phúc nơi Mẹ trổi vượt hơn hết mọi người nữ vì Mẹ đã đầu tư vốn liếng cả cuộc đời cho thánh ý Thiên Chúa. Nếu yêu và được yêu là những điều hạnh phúc nhất trong đời, thì Đức Maria là người hạnh phúc hơn hết vì được Thiên Chúa yêu thương tuyển chọn và chính Mẹ cũng biết dành trọn vẹn tình yêu thương của mình cho Thiên Chúa.
Phúc của Mẹ thật khôn ví, vì tâm hồn Mẹ trong sạch và luôn kết hiệp với Chúa. Mẹ có phúc vì Mẹ đã tin như lời bà Êlisabét nói: “Em thật có phúc, vì đã tin rằng: Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em” (Lc 1, 45).
Và Chúa Giêsu Con lòng Bà gồm phúc lạ
Ở mức độ tự nhiên, Mẹ đón nhận sức mạnh của Chúa Thánh Thần rồi dâng hiến máu thịt mình cho Con Thiên Chúa để Người được hình thành nơi Mẹ. Xét về mặt thiêng liêng, Mẹ đón nhận ân sủng và đáp lại điều đó bằng đức tin của mình”. Về điều này thánh Augustinô giải thích rằng: Đức Trinh Nữ “trước hết đã thụ thai trong tâm hồn và sau là trong cung lòng Mẹ. Mẹ đã thụ thai trước là đức tin và sau là Thiên Chúa”.
Bằng việc đón nhận hài nhi Giêsu để cưu mang, sinh hạ, nuôi dưỡng và làm Mẹ Thánh Tử, Đấng là Hồng Phúc ngay trong lòng mình nữa. Mẹ trở nên người gồm phúc lạ. Mẹ có phúc vì được làm Mẹ Đức Giêsu. Mẹ của chính Ngôi Lời Thiên Chúa làm người (x. Ga 1,14; Mt 1,23). Mẹ hạnh phúc hơn vì đã trở thành môn đệ Chúa, như lời Chúa Giêsu Con Mẹ đã đáp lại lời một phụ nữ khen ngợi người mẹ đã có công sinh thành nuôi dưỡng Người: “Đúng hơn phải nói rằng: Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa” (Lc 11,27-28).
Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời
Thánh Maria, Ðức Mẹ Chúa Trời. Chỉ Thiên Chúa là Ðấng Thánh và là nguồn mọi sự thánh thiện. Mẹ được chia sẻ sự thánh thiện ấy cách tuyệt vời, vì Mẹ được chọn làm Mẹ Ðức Giêsu, Mẹ Thiên Chúa, và vì chẳng ai thực thi ý Chúa trọn vẹn như Mẹ. Chúng ta chẳng được diễm phúc sinh ra Ðức Giêsu, nhưng chính Chúa Giêsu lại mời gọi ta làm mẹ của Người: “Mẹ tôi và anh em tôi là những ai nghe Lời Thiên Chúa và đem ra thực hành” (Lc 8,21).
Cầu cho chúng con là kẻ có tội khi này và trong giờ lâm tử
Hành trình tiến về quê Trời của Đức Maria đã bắt đầu “từ tiếng thưa “vâng” ở Nazareth, khi đáp lại lời của Sứ thần Gabriel, người đã loan báo cho Mẹ biết ý muốn của Thiên Chúa. Và thực sự là như thế, mỗi khi chúng ta thưa “xin vâng” theo ý Thiên Chúa là chúng ta tiến một bước về quê Trời, tiến về cuộc sống vĩnh cửu”. Chúng ta hãy phó thác cho Đức Maria cuộc sống hiện tại và tương lai. Chẳng có gì Ðức Maria được hưởng mà chúng ta lại không được dự phần. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

=================
Suy niệm 4
Kinh Mân Côi, lời kinh gần gũi

Một người đàn ông chạy xe ôm, đang khi ngồi chờ khách, anh cầm tràng chuỗi trên tay để lần hạt. Người đi đường chụp tấm hình đưa lên mạng xã hội. Thi sĩ nhìn hình, cảm hứng làm thơ. Nhạc sĩ cảm hứng từ thơ nên viết nhạc, ca sĩ hát và đưa lên youtube (youtube.com/watch?v=B-sGXe52-d0&feature=youtu.be).
Nghe ca khúc “Sao anh siêng lần chuỗi” với giai điệu tăng-gô vui tươi, gợi lên nhưng suy niệm về Chuỗi Mân Côi.
1. 
Lần hạt bất cứ khi nào và ở đâu.
Không buộc phải đọc 50 Kinh Mân Côi một lần mà có thể đọc bao nhiêu tuỳ vào thời gian mình có. Có thể vừa làm việc vừa đọc Kinh Mân Côi, không nhất thiết phải có tràng hạt trên tay. Có thể thì thầm bất cứ lúc nào: khi chờ xe bên đường, lúc đi học, khi giải trí, khi đau bệnh…thay vì đưa mắt nhìn chung quanh, thay vì nghe những chuyện không đâu, mình cũng có thể lần hạt. Dù bận bịu đến đâu mình cũng có thể lần hạt. Đó là cách cầu nguyện mà triết gia Jacques Maritain gọi là “chiêm niệm bên vệ đường”. Kinh Mân Côi chính là người bạn chân tình, dễ tính, trung thành luôn sẵn sàng hiện diện mọi lúc, mọi nơi.
Kinh Mân Côi chính là hành trang gọn nhẹ giúp thánh hóa bản thân gia đình và xã hội. Theo nghĩa này, Kinh Mân Côi không khác gì điện thoại di động hòa đời mình vào mạng sự sống thiêng liêng.

2. Lời Kinh Kết Nối
Ai cũng có điện thoại, xài wifi, 4G. Đi đâu cùng có kết nối. Thời đại hôm nay, mạng internet được gọi là xa lộ thông tin cung cấp rất nhiều thông tin về mọi lãnh vực, cho con người mối quan hệ rộng lớn và nhiều cơ hội diễn đạt cảm xúc và suy nghĩ của mình.Hòa vào mạng internet, con người trên khắp thế giới được kết nối với nhau. Kinh Mân Côi là lời kinh kết nối.
a. Kết nối với Đức Maria
Khi lần chuỗi đọc kinh Kính Mừng, chúng ta được nối kết với Đức Maria. Chiêm ngắm Mẹ chỉ là “Nữ tỳ hèn mọn”, nhưng “Chúa đã đoái thương nhìn tới”. Vì thế, “Từ nay hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc”. Một thiếu nữ nhỏ bé sống ở làng quê nghèo Nadaret đã trở thành Mẹ Thiên Chúa. Sứ thần Gabriel đến Nadaret chào thôn nữ Maria: “Mừng vui lên hỡi Đấng đầy ân sủng, Thiên Chúa ở cùng Bà”. Ba tiếng “Đầy-ân-sủng” gộp lại trở thành như là tên gọi riêng của Đức Maria. Mẹ được tràn đầy ân sủng. Mẹ luôn luôn có Thiên Chúa ở cùng. Không có giây phút nào mà Mẹ không có Thiên Chúa với mình. Không có giây phút nào mà Mẹ không trọn vẹn thuộc về Chúa. Không có bất cứ dấu vết tội lỗi chen vào giữa Mẹ và Thiên Chúa. Là một tâm hồn luôn luôn nghiền ngẫm Kinh thánh, chắc hẳn Đức Maria nhớ lại Lời Chúa đã dùng Ngôn sứ Nathan mà thề hứa với vua Đavit xưa. Nhưng điều mà Mẹ không bao giờ nghĩ tới là mình có thể đóng vai trò gì trong việc thực hiện lời tiên tri ấy. Chuyện “không thể” được đầu tiên là làm sao mình sinh con được vì đã quyết “không biết đến chuyện vợ chồng” để sống trọn vẹn cho một mình Thiên Chúa mà thôi. Sau khi được Sứ thần giải thích rằng “đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được”, Maria khiêm nhường thưa lại: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1,38). Và thế là Ngôi Hai Thiên Chúa đã nhập thể làm người trong lòng Đức Trinh Nữ. Và thế là Đức Maria khiêm nhường đã trở thành Thánh Mẫu của Thiên Chúa.
Đức Maria là người diễm phúc vì Mẹ đã tin như bà Êlisabet đã thốt lên: “Phúc cho em vì đã tin những lời Chúa phán”.
Đọc Kinh Mân Côi là kết nối hai chiều đi đi về về giữa Đức Maria xuống với con người và giữa con người lên với Đức Maria, cách tự nhiên như tình mẫu tử.
Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II thổ lộ tâm tình : “Từ thuở niên thiếu, lời kinh Kinh Mân Côi đã có một chỗ đứng quan trọng trong đời sống thiêng liêng của tôi… Kinh Mân Côi đã đồng hành với tôi trong những lúc vui sướng và trong những giai đoạn khó khăn. Tôi đã giao phó cho lời kinh ấy biết bao lo âu; nơi lời kinh ấy tôi đã luôn tìm được sự nâng đỡ…. Kinh Mân Côi là lời kinh tôi ưa thích. Một lời kinh kỳ diệu! Kỳ diệu qua vẻ đơn sơ và chiều sâu của nó.”
b. Kết nối với Chúa Giêsu
Điều huyền diệu làm cho chuỗi Mân Côi hữu hiệu là khi đọc chúng ta vừa cầu nguyện vừa suy niệm. Kinh Lạy Cha dâng lên Chúa Cha, Kinh Kính Mừng dâng lên Đức Maria và Kinh Sáng Danh dâng lên Thiên Chúa Ba Ngôi. Những tâm tình suy niệm hướng về Chúa Giêsu Kitô.
Chuỗi Mân Côi là một bản tóm tắt gọn gàng, dễ nhớ về những biến cố quan trọng trong cuộc đời Chúa Cứu Thế. Mân Côi là những bông hồng đẹp được tượng trưng bằng các kinh Kính Mừng để tôn vinh Người. Đức Mẹ đã có mặt trong cuộc đời Chúa Cứu Thế từ những giây phút đầu cho đến những giây phút cuối.
Đọc Kinh Mân Côi là suy niệm các mầu nhiệm của Phúc Âm. Vì thế, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II  nói “Kinh Mân Côi không thay thế việc đọc Kinh thánh, lectio divina; trái lại, Kinh Mân Côi giả định trước và cổ võ việc đọc Kinh thánh. Trong Kinh Mân Côi, chúng ta cầu xin Mẹ giúp chúng ta trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu mỗi ngày một hơn. Khi suy ngẫm về Kinh Mân Côi, chúng ta bước vào trường học của Đức Maria để Mẹ dạy chúng ta về Chúa Giêsu vì Mẹ đã nuôi dưỡng Chúa Giêsu, đồng hành với Chúa Giêsu và cùng chịu khổ với Chúa Giêsu dưới cây thánh giá”.
Các mầu nhiệm Vui, Sáng, Thương, Mừng, hòa quyện trong cuộc đời dương thế của Chúa Giêsu. Chuỗi Mân Côi lần lượt diễn tả:
- Mầu nhiệm Vui: đồng hành với mầu nhiệm Nhập thể và đời sống âm thầm của Chúa Giêsu.
- Mầu nhiệm Sáng: đồng hành với những mốc thời gian hoạt động đặc biệt có ý nghĩa trong cuộc đời công khai của Chúa Giêsu.
- Mầu nhiệm Thương: đồng hành với những đau khổ của cuộc khổ nạn Chúa Giêsu.
- Mầu nhiệm Mừng: đồng hành với vinh quang phục sinh của Đức Kitô.
Chuỗi Mân Côi là quà tặng quí báu, Thiên Chúa và Đức Mẹ trao cho chúng ta. Người ta gọi chuỗi Mân Côi là kinh nguyện của người bình dân. Các mầu nhiệm Mân Côi còn được gọi là cuốn sách Phúc Âm rút gọn của người bình dân. Cứ 10 Kinh Kính mừng lại suy gẫm về một mầu nhiệm mùa Vui, Sáng, Thương, Mừng.
c. Kết nối với mọi người với nhau
Đọc kinh Mân Côi mỗi người được kết nối với Đức Maria và với Đức Kitô, từ đó được hiệp thông với mọi tín hữu.
Kinh Mân Côi là lời kinh phổ cập, đó là kinh của mọi tín hữu. Ai cũng đọc được, từ người trẻ cho đến người già, người thông thái cũng như người ít học, người giàu hay người nghèo, người khỏe mạnh cũng như người đau yếu, khi vui cũng như lúc buồn, khi làm việc cũng như lúc nghỉ ngơi. Kinh Mân Côi có thể đọc được ở bất cứ đâu hay trong hoàn cảnh nào, ở nhà thờ, ở nhà mình, ở ngoài đường, trong nơi yên lặng hay giữa chốn ồn ào náo động và nhất là đọc chung với nhau trong gia đình hay những khi có đông người công giáo họp nhau lại. Đọc Kinh Mân Côi với ý thức là mình đang làm một công việc có chất Tin Mừng, được Giáo Hội công nhận và nhiệt tình khuyến khích, một công việc thu tóm lại tất cả cuộc đời Chúa Cứu Thế.
Cầu nguyện với Đức Mẹ bằng lời kinh Mân Côi, chúng ta được kết nối với Chúa Giêsu là nguồn mạch ban sự sống. Bóng đèn muốn được toả sáng thì phải được nối kết với nguồn điện.Cành nho muốn được trổ sinh hoa trái thì phải được tháp nhập vào thân nho.Bàn tay muốn sống còn và hoạt động thì phải liên kết với cơ thể. Con người muốn được sống dồi dào và vĩnh cửu thì phải nối kết với cội nguồn là Chúa Giêsu.
Chuỗi Mân Côi mang đến vô vàn huyền diệu cho con người. Ai yếu đuối, Kinh Mân Côi đem cho sức mạnh; ai tội lỗi, Kinh Mân Côi dắt về ơn thánh; ai bất hạnh, Kinh Mân Côi giúp bình tĩnh tìm ra hướng lối vươn lên; ai khô khan, Kinh Mân Côi giúp khám phá ra những ánh lửa vẫn còn ẩn giấu trong những đám tro tưởng như nguội lạnh.
Kinh Mân Côi là lời kinh kết nối mỗi người với Chúa Giêsu, với Mẹ Maria và với nhau. Đó là kinh nguyện phổ biến, vừa dễ đọc vừa dễ cầu nguyện mà lại mang lại nhiều ích lợi cho linh hồn. 
3. Hãy siêng năng lần hạt
Chuỗi Mân Côi nuôi dưỡng đời sống nội tâm phong phú. Chuỗi Mân Côi làm lòng người lắng dịu, thanh thản bình an để chiêm ngắm cuộc đời Chúa Giêsu và ca ngợi Mẹ Maria. Cầm Chuỗi Mân Côi trên tay, chúng ta sẽ thấy mình được tăng thêm nghị lực, sống vươn lên với niềm Tin, Cậy, Mến.
Theo lời mời gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô, chúng ta quyết tâm sống theo lời Mẹ trong dịp hiện ra lần cuối tại Fatima là “hãy siêng năng lần hạt”. “Ai mến Mẹ thì yêu thích chuỗi Mân Côi. Bởi vì chỉ có người yêu mới lặp lại một chuyện, một lời mà không biết nhàm chán” (Đường Hy vọng số 947).
Lạy Mẹ Maria, xin dạy chúng con biết yêu mến tràng Chuỗi Mân Côi, siêng năng lần hạt trong mỗi ngày sống, nhờ đó chúng con được hiệp thông nối kết với nhau và cầu nguyện cho nhau. Xin Mẹ khẩn cầu cho chúng con bên tòa Chúa. Amen.

Lm Giuse Nguyễn Hữu An

=================
Suy niệm 5

TIẾNG XIN VÂNG CỦA MẸ
Cv 1,12-14; Gl 4,4-7; Lc 1, 26-38

Tin Mừng hôm nay trình thuật việc Sứ Thần Gabriel truyền tin cho Đức Maria chịu thai Đấng Cứu Thế. Nhờ lời thưa “Xin vâng” của Mẹ như chìa khóa mở cửa nguồn ơn Cứu Độ. Từ đây, chương trình Cứu Độ của Thiên Chúa được thực hiện, tiếng xin vâng của Mẹ thay đổi cả thế giới, ơn Cứu Độ được ban xuống cho nhân loại.
Mẹ quá ư tuyệt vời, chẳng vậy lời đầu tiên sứ thần Gabriel mang đến tặng Mẹ là: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà.” (Lc 1,28). Mẹ đơn sơ khiêm hạ, nên bối rối trước lời khen tặng ấy. Lúc đầu Mẹ cũng phản ứng cách tự nhiên theo lẽ thường mà thắc mắc theo sự hiểu biết của con người: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng!” (Lc 1,34). Sứ thần đã cắt nghĩa và chứng minh rằng đối với Thiên Chúa không có gì là không thể được. Mẹ là Đấng đầy ân sủng và luôn “có Chúa ở cùng”, nên Mẹ đã để Chúa làm chứ không nhìn vào sức mình, mà can đảm liều mình đáp lời với hai tiếng “xin vâng” làm đổi thay cho cả thế giới. Mẹ đã mềm lòng ra để cho Chúa “chiếm đoạt”: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ toả bóng trên bà”. (Lc 1, 38). Ngày nay trước sứ vụ hay những công việc lớn nhỏ, chúng con thường chỉ nhìn vào sức mình nên sợ và chối đay đảy. Nhưng một khi có Chúa ở với thì “phận nữ tỳ” trở thành Mẹ Thiên Chúa. Cũng vậy, dù là tạo vật hèn kém, bất xứng nhưng có Chúa ở cùng, chúng con sẽ thành chi thể, bạn hữu và anh em của Người.
Từ khi lãnh nhận Bí tích Rửa Tội, chúng con cũng được Đấng Emmanuel ở với chúng con, chúng con phải làm sao để Đấng ấy được lớn lên trong chúng con. Ngày nay con vẫn luôn hát bài ca “Xin vâng” của Mẹ. Lúc hát thì có vẻ dễ dàng, hăng hái như “thuộc lòng” hai tiếng “xin vâng” tự bao giờ. Khi vui vẻ hạnh phúc thì cũng dễ dàng nói lớn hai tiếng “xin vâng”. Vậy mà trong những lúc gặp khó khăn, biến cố nghịch cảnh, thất bại… con lại thấy khó làm sao khi thưa lên hai tiếng ấy cách hăng hái thật lòng. Làm sao con học với Mẹ đây? Trọn cuộc đời Mẹ chỉ hai tiếng “xin vâng” trước mọi biến cố trong đời. Mẹ xin vâng trong biến cố Truyền Tin hôm nay, xin vâng khi đem con đi trốn, khi lạc mất con… nhất là khi đứng dưới chân thập giá.
Mẹ ơi! nhờ tiếng “xin vâng” của Mẹ mà nhân loại chúng con được phúc “đổi đời”! Con nức lòng biết ơn và cám ơn Mẹ, vì nhờ Mẹ mà nay con có Chúa Giêsu Thánh Thể, Đấng Emmanuel, để con mãi được “ở với” Ngài. Xin Mẹ dạy con sống với Chúa Giêsu Thánh Thể như Mẹ, nhờ Mẹ với Mẹ và trong Mẹ, giữa cuộc đời trần tục đầy sóng gió của con.

Én Nhỏ

Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Giáo họ Cầu Cải: Cung nghinh Chúa Hài Đồng, Thánh lễ vọng và hoan ca mừng Chúa Giáng Sinh 2024
Giáo họ Cầu Cải: Cung nghinh Chúa Hài Đồng, Thánh lễ vọng và hoan ca mừng Chúa Giáng Sinh 2024
Trong niềm hân hoan mừng ngày Con Thiên Chúa xuống thế làm người, tối ngày 23.12.2024, giáo họ Cầu Cải thuộc giáo xứ Cát Ngòi, long trọng tổ chức cung nghinh Chúa Hài đồng, dâng Thánh lễ vọng và tổ chức hoan ca mừng Chúa Giáng sinh 2024.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log